• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Trường Sơn - Đường khát vọng

Cả khu rừng nguyên sinh rộng hàng trăm hecta bi san thành bình địa. Kho bị cháy, phần lớn bể chứa và tuyến đường ống bị tàn phá nặng nề. Một số chiến sĩ của Tiểu đoàn 668 hy sinh, lực lượng của Tiểu đoàn 337 đang nối nhau vác ống cũng bị B52 đánh vào đội hình làm hơn 70 chiến sĩ hy sinh và bị thương.

"Tuyến đi Ra Mai không khắc phục được, tôi bàn với anh Phan Tử Quang là chỉ còn cách làm theo phương án 2 đi từ đỉnh 900m vượt qua 1.001 m để vào bản Cò. Sẽ gặp nhiều khó khăn khi thi công nhưng có rừng rậm, núi cao để gây bất ngờ cho địch" - trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại.

Thế nhưng thách thức lớn nhất là địa hình quá hiểm trở nên không thể đưa máy bơm (nặng 2,8 tấn) vào chân đỉnh 1.001 m để bơm xăng vượt qua. Để khảo sát được tuyến này, một số chiến sĩ của đội khảo sát đã hy sinh vì bom dội, vì trượt chân xuống vực. "Để vượt từ đỉnh 900m qua đỉnh 1.001m khi không đưa được máy bơm vào chân đèo 1.001 m, ... phải bỏ van điều chỉnh áp suất ở đoạn ống đổ xuống chân đèo 900m. Vì vậy, điểm sâu nhất của đường ống giữa đỉnh 900m và 1001 m đạt áp suất rất cao (khoảng 30-35 kg/cm2) gần với giới hạn cho phép của đường ống. Với áp suất đó, dòng xăng từ đỉnh 900m đổ xuống đã vượt qua được đỉnh 1001 m vị trí có bình độ khoảng 850m".

Đúng ngày 22/12/1969, lễ khánh thành tuyến đường ống xăng dầu từ kho K200 (km 21, đường 18) vào kho K5 (nam Bản Cò) được tiến hành sau gần 10 tháng thi công. Trong thời khắc thiêng liêng này, tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên xúc động nói: "Hôm nay, chúng ta đang chứng kiến một sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Đoàn 559 đưa vào vận hành đoạn đầu tuyến đường ống dẫn xăng dầu chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam”.

Sau buổi lễ, mọi người tận mắt chứng kiến một công trình đặc biệt: 4 vòi cùng lúc tiếp xăng cho một tiểu đoàn xe chỉ mất một giờ rưỡi, nếu cấp phát qua phuy hoặc xitéc như trước đây phải mất hơn ba giờ.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại thời khắc đó: "Tôi như thấy qua dòng xăng tuôn chảy bóng dáng hàng trăm chiến sĩ đang vượt núi, băng sông gùi cõng những ba lô xăng, can xăng năm nào? Chỉ những người trong cuộc, hoặc chứng kiến những tháng ngày đắng cay, cơ cực, khi mà một giọt xăng vào tới chiến trường được đổi bằng cả bát mồ hôi, thậm chí bằng máu, mới ý thức được tầm thế lớn lao của sự kiện đưa đường ống xăng dầu Trường Sơn vào vận hành".

Để ngụy trang, đường ống, trạm bơm và các kho được chôn ngầm hoặc làm trong hang đá. Khi vượt sông, đường ống đi ngầm nhưng có những đoạn sông, suối nhiều đá ngầm, dòng chảy mạnh phải làm cầu treo ống (sông Sêrêpôc).

Ngoài những hiểm nguy rình rập từ các loại mìn lá, mìn dây, bom bi, khi đi kiểm tra sự cố nhiều chiến sĩ đã bị ngộ độc xăng. "Có lần đi kiểm tra tuyến ống, thấy một nữ chiến sĩ cứ ngồi cười sằng sặc, chỉ huy hỏi gì cũng cười. Thì ra, đường ống bị bom bi đánh thủng, xăng phun thành sương khiến nữ chiến sĩ đó bị ngộ độc xăng. Mãi đến khi các kỹ sư tìm ra phương pháp phát hiện điểm bị sự cố từ xa mới giảm được thương vong, ngộ độc xăng cho bộ đội. Phương pháp này đã hạn chế việc huy động bộ đội chạy theo hàng trăm km trên tuyến tìm chỗ hỏng. Nhiều lúc chạy băng rừng ban đêm mà không được dùng đèn pin, thương lắm!", đại tá Mai Trọng Phước ngậm ngùi.

Còn với thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, đến nay vẫn không nguôi ngoai trước cái chết bi thương của đồng đội: "Khi phát hiện bom đánh đứt tuyến, anh Quy - trạm trưởng trạm bơm ở Ka Tần đã lao ra nối ống. Trong lúc thao tác bất ngờ xăng trong ống phun ra tưới khắp người, ngập đầy vũng bom dưới chân. Cùng lúc ấy một loạt bom dội tiếp, nơi anh đứng trở thành biển lửa. Đồng đội nhìn thấy nhưng không sao cứu được".
 
VẬN TẢI THỦY - PHƯƠNG THỨC CHI VIỆN HIỆU QUẢ TRONG CHIẾN DỊCH QUẢNG TRỊ
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Đông Dương, mặt trận giao thông vận tải là nơi đã diễn ra cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn rất quyết liệt. Tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn sớm trở thành mục tiêu sinh tử trong mọi học thuyết chiến tranh của các đời tổng thống Mỹ. Để thắng được cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ, Bộ đội Trường Sơn đã phải vận dụng nhiều phương thức vận tải kết hợp. Trong đó vận tải thủy trên các dòng sông dọc Trường Sơn trở thành một phương thức vận chuyển có hiệu quả góp phần làm nên những chiến công hiển hách của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Dãy Trường Sơn đoạn từ tây nam Quảng Bình vào Quảng Trị có nguồn nước từ một hang sâu thẳm trào lên sông Tà Rũa, đập vào sườn đá Pha Sang, rồi tách làm hai. Một chảy xuống phía đông thành dòng Chuội Hoi qua A Choạc ra Cửa Việt một chảy lên phía tây thành dòng Sê Bang Hiên trên đất Lào. Binh trạm 27 đã sớm biết lợi dụng dòng chảy này đưa hàng đến đường số 9, góp phần chi viện cho mặt trận B4.

Đầu năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy chủ trương mở cuộc tiến công xuân hè khắp chiến trường miền Nam. Hướng tiến công chiến lược mở màn là mặt trận đường 9 - bắc Quảng Trị. Mục tiêu chủ yếu phải diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; thu hút chủ lực quân ngụy ra chiến trường Quảng Trị, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội khu V, Nam Bộ phát triển tiến công làm thay đổi thế chiến lược.

Tháng 2/1972, bộ đội ta nổ súng tấn công tuyến phòng ngự Cù Mông - Tà Lương (tây nam Trị - Thiên). Địch vội đưa quân chủ lực lên đối phó. Chớp thời cơ kẻ địch bị "đòn lửa", mặt trận B5 mở chiến dịch bắc Quảng Trị. Sư đoàn 308 tập trung đột kích phá vỡ vỏ thép tiền duyên của địch. Đợt II chiến dịch, ta đánh bật quân ngụy khỏi thị xã - Thành Cổ.

Để cứu nguy cho ngụy, đế quốc Mỹ vội huy động máy bay chiến lược, máy bay chiến thuật và pháo hạm đổ lửa thép dọc đường 9 - bắc Quảng Trị. Những trọng điểm như Cồn Tiên, Trung An, Trúc Khê, Thanh Hà,... mỗi ngày hứng chịu hàng vạn trái bom, đạn. Các mũi vận chuyển của ta bị chững lại, ảnh hưởng lớn đối với sức phát triển tiến công của quân ta.

Quân ủy Trung ương, Bộ Tồng Tư lệnh giao nhiệm vụ Bộ Tư lệnh Trường Sơn trực tiếp tổ chức bảo đảm cho chiến dịch Quảng Trị thắng lợi. Thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, Bộ Tư lệnh Trường Sơn lệnh cho Binh trạm 12 lật cánh xuống địa bàn Duyên Hải, làm nhiệm vụ hậu cần chiến dịch.

Ngay từ đầu, Bộ Tư lệnh xác định phải "kết hợp hai phương thức thủy - bộ" mới thắng được âm mưu và các thủ đoạn ngăn chặn của Mỹ ở mặt trận này. Đại đội ca nô trên sông Băng Phai - Na Tông được đưa xuống Vĩnh Linh - Hồ Xá, được bổ sung thêm lực lượng ca nô của Đoàn Hồng Hà tổ chức thành Tiểu đoàn 166 vận tải thủy. Tiếu đoàn được biên chế 3 đại đội xuồng máy, 1 đại đội công binh phá bom, thủy lôi, 2 đại đội dân công xếp dỡ kho và nạo vét sông. Chính ủy và Phó Chính ủy Bộ Tư Lệnh Trường Sơn luân phiên trực tiếp chỉ đạo tổ chức, hoạt động trên hướng này.

Nắm vững đường lối chiến tranh nhân dân và phương châm hoạt động vùng hậu địch, Tiểu đoàn 166 trực tiếp tổ chức thâm nhập địa bàn nằm sâu trong vùng bị tạm chiếm, khảo sát sông suối kể từ sông Bến Hải xuôi xuống phía đông hợp lưu với các dòng Kiến Giang, Rào Thanh trên đất Quảng Bình, cắt quốc lộ 1 chảy ra Cửa Tùng.

Vận tải tuyến sông này nếu trinh sát luồng lạch không kỹ, tổ chức điều khiển cung đoạn không tốt, dễ bị lạc dòng không thấy lối ra, hoặc lạc vào vùng địch.
 
Mạng đường biển đơn giản hơn, chỉ chạy dọc ven biển từ Vĩnh Linh vào Gia Đẳng - Mỹ Thủy. Nhưng tuyến ven biển thường có hàng không mẫu hạm Mỹ cắm ngoài khơi trực chiến quan sát dọc biển Quảng Trị và dễ đụng tầu ngụy tuần tiễu dọc ven biển. Xuồng của ta xuất phát từ Vĩnh Thái- Vĩnh Linh phải vòng ra xa Cửa Việt - nơi đây có thủy lôi của ta chống Mỹ đổ bộ. Từ Cửa Việt vào Mỹ Thủy ven biển có nhiều cồn cát ra đến mép nước, không nắm vững dễ bị mắc cạn.

Tiểu đoàn 166 tổ chức hai tuyến vận chuyển: tuyến ven biển và tuyến sông. Đại đội 7 vận chuyển tuyến ven biển đi gọn cung, một đêm một chuyến. Từ kho hàng Vĩnh Thái chạy vào sông Gia Đẳng - Mỹ Thủy giao cho hậu cần B5. Đại đội 8, đại đội 9 vận chuyển đường sông. Tuyến này phải chia hai cung mới đảm bảo đi về gọn một đêm chuyến. cung ngoài nhận hàng ở Hồ Xá - Vĩnh Linh, chạy dọc sông Sa Lung ra sông Bến Hải vào sông Cánh Hòm rồi dọc sông Thạch Hãn tới Mai Xá thì giao nhập kho bãi.

Cung trong tiếp chuyển hàng Mai Xá, phân ra hai cánh vận tải: một cánh ngược dòng Thạch Hãn đến thị xã, Thành Cổ, cánh thứ hai đi theo sông Vĩnh Định đến Phù Liêu, Tài Lương chi viện các sư đoàn bảo vệ mặt đông Quảng Trị và chi viện hậu cần B5.

Đại đội vận tải đường sông có nhiệm vụ nhận thương binh ở khu vực thị xã và thành cổ chuyển về sau. Thương binh nhẹ thì nhập trạm quân y Mai Xá, xuồng cung ngoài vào nhận chuyển về sau Vĩnh Linh. Nếu là thương binh nặng thì chạy thẳng về bệnh viện hậu cứ ở Nông trường Quyết Thắng.

Do cung độ vận tải phức tạp như vậy, Tiểu đoàn 166 phải đặt Sở chỉ huy cơ bản tại Mai Xá, Gio Linh, chỉ huy Sở hậu cứ đặt ở rừng cao su Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh. Có thông tin hữu tuyến và vô tuyến tiếp sức bảo đảm liên lạc, điều hành hoạt động toàn đơn vị.

Chuyến đầu tiên xuất phát tại bến phà Châu Thị Chân, cao điểm 18. Bên bờ Vĩnh Lâm, 3 xuồng Trung đội 1 chở đầy hàng bám theo chiếc xuồng gỗ không tải của dân quân Vĩnh Linh dẫn đường xuôi dòng Sa Lung tiến tới cầu Hiền Lương. Máy bay Mỹ bổ nhào phóng bom xuống sông Cam Lộ, Bến Hải. Thủy thủ vẫn bình tĩnh lái xuồng vượt qua gầm cầu Hiền Lương, ngoặt nhanh vào sông Cánh Hòm.

Đi được một quãng, xuồng bỗng khựng lại, rong rêu đóng thành mảng, ghì chặt mũi xuồng. Các thủy thủ phải nhảy xuống sông dùng dao chém, gỡ, rồi chặt tre buộc vào mũi xuồng mở máy chạy mới đẩy được những tảng rêu lâu đời ken đầy giữa lòng sông. Đội xuồng tới Bến Ngự lại bị đoạn sông bồi đúng vào lúc con nước rặc. Trời gần sáng, phải tấp vào bờ, dỡ hàng, ngụy trang, giao tổ du kích trực chiến.

Sau khi nghe báo cáo, trực tiếp kiểm tra, chỉ huy tiểu đoàn quyết định: ban ngày địch đánh không ngớt, chỉ có thể vận chuyển vào ban đêm. Đầu tuần trăng đến giữa tháng, xuồng đủ trọng tải đi suôn sẻ. Cuối tuần trăng trúng nước rặc, thuyền chở nhẹ mới nổi. Dù có nạo vét thì cát theo triều lên lại lấp đầy; ở đoạn sông Bến Ngự có đội dân công hạ thủy bớt những bao hàng đã bọc nilon, nối chúng lại thành dòng, cho xuồng chở nhẹ kéo qua 200m, lại bốc lên xuồng đi tiếp. Tập trung dân công gỡ phá hết rong rêu dọc sông Cánh Hòm và các đoạn sông Cam Lộ, Vĩnh Định ...

Bằng mọi biện pháp khắc phục, chuyến hàng chi viện đầu tiên đến Thành Cổ trót lọt. Phát tín hiệu, bộ đội giải phóng xuống nhận hàng và giao thương bệnh binh chuyển ra. Nắm vững quy luật nước các dòng sông, các đơn vị xuồng giao hai cung. Trong một tháng, đưa được hơn trăm xuồng vào Thành Cổ, chuyển thương binh về hậu cứ an toàn tuyệt đối. Cùng thời gian, tuyến ven biển, đại đội 7 cũng chuyển trót lọt 15 chuyến, giao hàng ở 3 điểm cùng quy ước.

Được chi viện theo yêu cầu, bộ đội chủ lực phối hợp lực lượng địa phương phát triển tiến công xuống phía nam. Kẻ địch vội tăng quân ứng cứu, mỗi ngày chúng huy động 200 máy bay phản lực, hơn 100 lượt máy bay chiến lược B52 đánh phá. Hạm đội 7 Mỹ với hàng chục tầu chiến các loại áp sát vùng biển Quảng Trị. Ngoài các sư đoàn bộ binh, Mỹ - ngụy đưa 4 trung đoàn tăng thiết giáp, 15 tiểu đoàn pháo tầm xa và súng phun lửa đến Quảng Trị để ngăn chặn quân giải phóng.
 
Mỹ - ngụy mở chiến dịch Lam Sơn 72 - A tiến công tổng lực tái chiếm Thành Cổ. Trước cục diện chiến trường bất lợi, Quân ủy Trung ương chỉ đạo chuyển sang phòng ngụ trận địa (12-7) Bộ đội Trường Sơn phải bảo đảm cho bộ đội giữ vững thị xã - Thành Cổ.
Thời điểm này, tuyến vận tải đường biển bị tầu tuần tiễu địch săn đuổi khó phát triển, Bộ Tư Lệnh điều Đại đội 7 vào tuyến đường sông, cùng đại đội 8 và 9 chi viện Thành Cổ.

Tiểu đoàn tổ chức lại 2 cung Vĩnh Lâm - Mai Xá và Mai Xá - Thành Cổ cho phù hợp với tình hình chiến sự. Thời gian này ngoài việc phòng không bảo toàn lực lượng phương tiện, còn phải sẵn sàng chiến đấu chống biệt kích, thám báo. Cán bộ tiểu đoàn, đại đội phải trực tiếp chỉ huy đội hình hành tiến.

Cùng với lực lượng vận tải của B5, lực lượng của Quảng Trị lập các đội hỗ trợ, cấp cứu trên đường và ở các trọng điểm. Thủy thủ phải chủ động, tích cực vận dụng mọi biện pháp nghi trang che mắt địch (nilon xanh nước biển phủ lên xuồng, cắm lá điệp với cây ven sông); chuẩn bị sẵn công sự giấu xuồng ven sông...

Việc cải tiến tổ chức thích nghi hoàn cảnh đã nhanh chóng phát huy công suất phương tiện. Gặp lúc địch bị hút vào các trận đột kích của quân ta, các đội xuồng tăng tốc chạy thẳng từ Vĩnh Lâm vào Thành Cổ. Trường hợp địch uy hiếp mạnh khu vực Triệu Phong, Ái Tử thì lập chân hàng ở Mai Xá. Dùng đội hình nhỏ, thiện chiến chạy cung Mai Xá - Thành Cổ... Với cách tổ chức linh hoạt như trên các trung đội đều khép kín gọn cung một đêm chuyến. Bảo đảm duy trì sức chiến đấu cho quân giải phóng. Trong một tuần lễ, tiểu đoàn xuồng đã chở bổ sung cho khu vực hơn 1.000 tay súng, chuyển về sau hơn 300 thương bình.

Tháng 9, lũ Trường Sơn vào thời điểm cực đại, ào ạt đồ xuống dải đất ven biển. Thị xã - Thành Cổ bị cô lập trong biển lũ. Giặc Mỹ lợi dụng thời tiết này huy động pháo hạm, xe tăng lội nước từ năm mũi tiến vào Thành Cổ. Bộ đội ta trong Thành Cổ nhờ được tiếp tế mạnh đã kịp tổ chức thành các tuyến hỏa lực B40, DKZ, B72 diệt hơn 20 xe tăng thiết giáp...

Đội hình địch rối loạn phải lùi ra gọi máy bay lao tới đổ bom như mưa rào. Pháo bầy từ các hạm tầu đổ hàng vạn viên đạn pháo cỡ lớn vào trung tâm Thành Cổ. Hai ngày đêm liên tiếp, địch trút hàng vạn quả bom phá, bom cháy xuống mảnh đất chừng 6 cây số vuông... Máy bay B52 ném bom rải thảm khắp vùng ngoại ô, hòng cắt đứt mọi sự chi viện của ta cho Thành Cổ.

Do bị địch đánh phá ngăn chặn ác liệt, bộ đội ta bị thương vong nặng. Có những thời điểm chốt đã hy sinh đến người cuối cùng. Sau 81 ngày đêm, hai đại đội bộ binh của ta trong Thành Cổ chỉ còn 25 chiến sĩ bị thương. Trước tình hình đó Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định rút lực lượng cố thủ trong Thành Cổ ra ngoài. Trung đoàn 48 cùng các trung đoàn 95, 64 lập tuyến ngăn chặn ở bắc sông Thạch Hãn, vây hãm lại địch trong Thành Cổ.

Sau khi quân ta rút khỏi Thành Cổ, Tiểu đoàn 166 vận tải thủy được lệnh chuyển nhiệm vụ tiếp tế cho các tuyến trận địa trải rộng trên nhiều khu vực. Tiểu đoàn nhanh chóng lập các phân đội nhỏ, phối hợp với thuyền của nhân dân và du kích địa phương, len lỏi theo từng lạch sông (Vĩnh Phước, Ái Tử, Vĩnh Đinh, Nhan Biểu, Hói Mới, Sông Nhùng...) chở vũ khí, lương thực, thuốc men đến tìm đơn vị ...

Được chi viện kịp thời, bộ đội ta đánh bật kẻ địch khỏi Nhan Biểu, Ái Tử, chặn địch ở Tích Tường, Như Lệ - Tây Nam thị xã Quảng Trị ... Ta chuyển sang thế bao vây, chia cắt địch, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch ...

Lúc này, Tiểu đoàn 166 tuy vẫn đảm nhiệm chức trách chi viện chiến dịch nhưng trong hoạt động phải làm cả nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu. Đại bộ phận lực lượng vận tải suốt ngày đêm phân tán từng xuồng len lỏi đến từng khu trận địa. Do mục tiêu phục vụ và cách thức hoạt động thay đổi nên việc phòng chống địch cũng phức tạp hơn nhưng đội quân vận tải thủy đã khắc phục, vượt mọi thủ đoạn hiểm độc của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội ta tiến hành thắng lợi các loại hình tác chiến.
 
TÔI VẪN YÊU ANH NHƯ BUỔI ẤY...
Vũ Cao Phan

“Trường Sơn không chỉ là một dãy núi mà là những cánh quân đông đảo hàng triệu người ra trận. Tôi gắn bó máu thịt với Trươgng Sơn là có thể nói, Trường Sơn đã đẻ ra nhà thơ Phạm Tiến Duật, Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng Trường Sơn" (“Đi đọc cành đổng thơ” Trịnh Thanh Sơn Nxb. Hội Nhà văn)

Nhà thơ Phạm Tiến Duật


Đầu năm 1970, xong khoá huấn luyện, đơn vị tôi lên đường vào Nam. Xe lửa một mạch từ Đáp Cầu đến Vinh rồi chuyển ô tô tải quân sự, đi tiếp. Cứ thế, ngày hành quân, đêm nghỉ. Cuối đất Quảng Bình là cuộc vượt tuyến xuyên rừng bằng đôi chân: ít đạn bom và pháo sáng dọc đường hơn, nhưng nhọc nhằn hơn. Đang lúc chưa biết đích đến là mặt trận nào và tuỳ theo đó có khi biết đến vài tháng không chừng thì chưa đến ngày thứ 10 của cuộc hành quân chúng tôi dừng lại, cả tiểu đoàn tất bật từ quân tới lính được lệnh bổ sung cho một đơn vị mới được thành lập trên sườn Trường Sơn: Binh trạm 27.

- Đây thuộc đường dây 559?

- Phải.

- Có nhà thơ Phạm Tiến Duật?

- Phải. Mấy ngày trước vừa qua đây. Về Bộ Tư lệnh rồi.

- Bộ Tư lệnh ở đâu?

- Ở đâu? Gọi thử vào cái hữu tuyến này xem...

Vậy rồi cũng phải mất vài hôm, tôi mới liên lạc và làm quen được với con người có cái tên khá trúc trắc ấy qua đường điện thoại. Tôi kể rằng chúng tôi yêu anh đến thế nào, rằng vào cái buổi tối trước ngày lên đường, tôi tập hợp đại đội lại để đọc lên những bài thơ đầy cảm xúc lính của anh thì mới hay, những Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây và Tiểu đội Xe không kính, những Lửa đèn với Gửi em cô thanh niên xung phong ấy đã nằm cả trong hành trình những người lính trẻ của mình rồi; rằng tôi cảm thấy may mắn và tự hào được ở cùng một đơn vị với anh đấy, anh Duật ạ...

Giữa bom đạn chiến trường, cuộc làm quen văn chương hơi vội vàng rối rít ấy dường như lạc lõng? Có thể, nhưng không phải không có nguyên nhân, bạn trẻ ạ. Nếu tôi nói rằng vào cái thời điểm ấy, Phạm Tiến Duật và những chùm thơ Trường Sơn mới xuất hiện của anh trên báo Văn nghệ đang bắt đầu làm nên một hiện tượng độc đáo của thơ thời chống Mỹ, cứu nước thì có lẽ còn chưa nói gì. Tôi phải nói thế này, hãy tin đi: bạn đang lim dim tỉnh thức giữa trưa hè phải không? Thì đột ngột ào xuống cả thác nước. Cảm giác đầu tiên là ngạt thở, cảm giác thứ hai là trời sụp, và thứ ba, rồi mới đến với bạn cái bất ngờ sung sướng được hưởng thụ. Và còn hơn cả một thác nước đột ngột trưa hè ấy chứ: bạn không chỉ một lần duy nhất hưởng thụ mà có quyền gặm nhấm nó hoài hoài... Đấy, thơ Phạm Tiến Duật đã đến với chúng tôi như thế

Vâng, tưởng như cùng đứng lại trong quân khu Trường Sơn (đoàn 559 còn được gọi như vậy), lại đã có phút làm quen qua sóng điện ngay từ buổi đầu ấy, chúng tôi sẽ có rất nhiều cơ hội để mà gặp nhau. Vậy mà phải đến 7, 8 năm sau, khi chiến tranh đã đi qua được gần 2 năm rồi, tôi và Phạm Tiến Duật mới có dịp được tương diện tại thủ đô Hà Nội. Chiến tranh mà, biết làm sao được. Mà Trường Sơn thì dằng dặc ôm cả chiến trường.

Những năm ấy chúng tôi đã có không ít dịp “đuổi" mà chẳng có khi nào kịp "bắt” được nhau. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tôi từ đường 16, anh từ đường 128, hẹn sẽ hợp quân ở Sêpôn, rồi cũng không. Sau chiến dịch, miền Bắc gửi vào một đoàn văn công. Duật gọi điện như dao chém đá nhắn đợi anh sẽ tháp tùng đoàn từ Bộ Tư lệnh Quân khu vào chỗ tôi mà cũng trượt nốt. Anh phải vội đi sư đoàn bộ binh 968, không kịp cả một lời nói đỡ.
 
Nhưng đoàn văn công thì vẫn vào, và cô nghệ sĩ múa Cánh chim mặt trời xinh nhất đoàn đang làm tôi lấn bấn lúc ấy: "Có lẽ nào anh lại..." thì đã kịp khoe mấy câu thơ anh ghi tặng nàng trong sổ tay: Em cầm hoa ấy hoa gì?/ Cái cánh thì trắng cái thuỳ thì xanh? Phải gì hoa của riêng anh..." và giải thích: em bị kẹp ngón tay phải cuốn băng, Xanh mê-ti-len (thuốc sát trùng) thấm từ trong ra... Tôi đã xin phép nàng được thêm vào một câu cho trọn bài: thưa rằng hoa ấy đã dành anh P..." và dặn khi trở ra "nhớ đưa cho ông Duật coi". Đến giờ tôi vẫn chưa có dịp hỏi lại...

Không thể không thừa nhận Phạm Tiến Duật có tài gì đó hơi đồng bóng trong tính cách. Anh uyên bác, sắc sảo nhưng cũng hồn nhiên, dễ dãi, ai nói gì cũng tin, hào phóng ban tặng lời khen, thoải mái bình luận cả những lĩnh vực còn thiếu thông tin. Nếu cần tìm ra nhược điểm, theo tôi đây chính là nhược điểm của anh. Nó làm hại anh ít nhiều và thường gây những "sự cố" nho nhỏ. Nhưng anh không nhận ra cũng chính từ sự hồn nhiên ấy. Khoảng mười năm sau Đổi Mới, có lần tôi phê bình cái “chính trị - tư tưởng” của anh bò hơi chậm, đến bây giờ mà vẫn viết "đây là vấn đề ai thắng ai", anh đã cự lại kịch liệt. Nhưng ngay tối đó anh lại gọi cho tôi: "ừ mày đúng...".

Duật luôn chỉn chu, râu tóc nhãn nhụi, ngồi lên xe máy chỉ có một kiểu nét mặt thẳng về phía trước quan sát đảm bảo an toàn giao thông nhưng lại ít chú ý đến mình, ít lo cho bản thân. Hồi anh còn tá túc ở số 9, ngõ Yên Thế - gầm chạn cả nghĩa đen lẫn nghiã bóng, khách văn lại chơi vào cỡ 9 giờ tối thường chứng kiến màn gián lao vù vù như trực thăng đi càn, Duật vẫn thản nhiên gạt những chú gián "hạ cánh" xuống mặt mình để tiếp tục câu chuyện. Đồ đạc có giá duy nhất trong nhà lúc ấy là bộ xa-lông bằng gỗ xà cừ đường năm mà Tào Mạt đem đến.

Biết anh chưa có nhà cửa, ông Lê Đức Thọ thân gửi một lá thư nhờ Hà Nội lưu tâm đến chỗ ở cho gia đình một nhân tài. Duật cũng chẳng nệ vào đó để xin chỗ thuận tiện hơn (dù không khó); anh vui vẻ ngày ngày leo lên tầng 5 - tầng cao nhất của ngôi nhà mới được xây dựng ở Trung Tự là người ta phân cho: "Vậy là quá tốt rồi!".

Nhưng Duật lại thương người, yêu bạn. Cái vụ "Vua lốp" dạo trước, ngang trái quá nhà thơ bỏ đi làm phóng sự, giật lên tiếng chuông về tình cảnh khốn đốn của “vua" cùng những bất cập ngổn ngang một thời kỳ chuyển đổi. Thương các nữ đồng đội Trường Sơn thuở nào giờ đây vào nương cửa Phật, anh đi thăm, vừa đi vừa khóc để viết nên Tiếng bom và tiếng chuông chùa. Còn với bạn văn, Duật luôn sẵn lòng và nhiệt tình với những gì mình có thể.

Hầu như ai nhờ tựa hoặc bạt cho những tập thơ thậm chí tự xuất bản - anh cũng gắng giúp. Cái giỏi (và thiện chí) là Phạm Tiến Duật luôn khều ra được những sở trường lấp ló đặng làm nhẹ đi những sở đoản nhiều khi lại là "trường đằng đẵng" của tác phẩm và tác giả. Chẳng ngại mất danh, ông nói họ đang tập bước ấy mà, đừng làm họ ngã.

Một lần - cái dịp anh đang làm Phó Chủ tịch Hội đồng thơ - một bạn viết có tuổi, tóc phất phơ và đầu bóng loáng, mặt mày đỏ tía vì men rượu đến mắng anh sa sả vì vụ lại để ông ta trượt "cái hội viên". Duật rót nước mời, nhẹ nhàng giảng giải về cái chân của lý nằm ở đâu. Người đi rồi, anh ngồi thừ một lúc rồi bảo, người ta cứ nghĩ cái nọ tức là cái kia. Buồn thật.

Anh cũng chẳng ngại khen truyện ngắn và ba thứ linh tinh mà tôi viết ra khiến nhiều lúc tôi phải bối rối. Nhưng anh cũng trách tôi lười viết, lười làm bạn văn chương với anh vì không chịu... làm đơn xin vào Hội.

25 năm trước tôi và Duật cùng bắt tay viết một kịch bản truyền hình về một nơi máu lửa của một thời máu lửa của hai đứa, tên Đường Trường Sơn, những người lính nhớ lại. Không phải tài liệu không phải phim truyện, không theo chiều dọc thời gian, một thứ hồi tưởng chủ đề, dự kiến 10 tập. Vì một vài lý do, việc lúc ấy không thành khiến chúng tôi ngẩn ngơ.

Rồi dòng thời gian cứ băng băng chảy, chốc đã đứng trước lễ kỷ niệm 50 năm con đường anh hùng. Mới rồi chúng tôi bàn nhau tìm cách khởi động lại dự án. Đang tính tới những khó khăn phải khắc phục thì đứng trước khó khăn lớn nhất: sức khoẻ của anh. Gặp nhau trong bệnh viện, chúng tôi tự nhiên thôi nhắc tới việc này ...
 
Nếu có một điều gì đáng tiếc ở Phạm Tiến Duật thì có lẽ là đây: anh đã leo qua đỉnh văn chương của mình quá sớm. Không phải đến bây giờ mà từ hơn 20 năm trước tôi đã cảnh báo anh. Duật không nói gì nhưng có vẻ không đồng ý. Rồi 10 năm sau đó khi tôi thất vọng khẳng định thì anh vẫn giữ một thái độ như vậy. Thôi, dù bởi tại "sự cố khách quan" nào hay bởi tại chính anh, ta tiếc nhưng không thể trách Phạm Tiến Duật. Tinh anh đâu có thể hoài hoài phát tiết và Duật ơi, đỉnh của anh đâu vậy?

Đỉnh của anh là Trường Sơn? Từ vời vợi nơi này anh được ngắm nhìn Tổ quốc gấm vóc và tự hào đã góp phần mình cho giang sơn mãi đẹp và bền vững thời chẳng sướng sao!

Mười năm với con đường máu lửa, 10 năm đi khắp Trường Sơn với khẩu súng là ngòi bút - thơ, Phạm Tiến Duật đã để lại tất cả những gì cần để lại. Lính Trường Sơn không chỉ bộ đội vận tải mà cả công binh, bộ binh, pháo binh, giao liên ... đều biết và yêu quý anh. Với họ, Phạm Tiến Duật là một cái tên quen thuộc và ấn tượng như ngã ba Dân Chủ, trong điểm Cha Lì, Bản Đông, Tha Mé, Mường Noọng... Thậm chí, nơi Duật ngồi ngẫu hứng ca lên:

“Lại đi, lại đi, tình đời tha thiết thể
Chết cỏ đường người, trai gái mến thương nhau...”

Rồi cũng được định danh là "đá anh Duật". Năm 1973 từ Trường Sơn tôi có gửi cho báo Văn nghệ một chùm truyện ngắn (rất tiếc, nhờ người đem đến tận 17 Trần Quốc Toản mà sau này toà soạn bảo không nhận được) trong đó có một truyện (tôi rất tâm đắc) về người lính lái xe và thơ Phạm Tiến Duật. Tôi có để tình huống đưa đẩy tới nhận thức ước lệ: nếu trong chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô, mỗi bài báo của Lia Erenbua được đánh giá với sức công phá của một sư đoàn bộ binh thì ở đây, mỗi bài thơ của Duật mang năng lượng của một tiểu đoàn xe vận tải chiến lược.

Vâng, giá mà bạn được chứng kiến những gì người lính Trường Sơn nói về anh, háo hức những câu thơ, lời hát mà mỗi lần ngân lên là mỗi lần thêm lửa; giá mà bạn từng nghe người chỉ huy cao nhất căn dặn phải bảo vệ anh như thế nào mỗi khi xuất kích cùng bộ đội vận tải chiến lược ...

Sinh ra từ đồi rừng Phú Thọ, Duật từng viết: "Từ cây ta lại về cây/ Từ rừng lại trở về đây với rừng"; và cũng từng nói: "Trường Sơn không chỉ là một dãy núi mà là những cánh quân đông đảo hàng triệu người ra trận. Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói, Trường Sơn đã đẻ ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây bây giờ và sau này nếu tôi viết được gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng Trường Sơn" (Thanh Thanh Sơn: Đi dọc cánh đồng thơ, Nxb Hội Nhà văn).

Nhưng Duật đâu chỉ khu trú ở Trường Sơn. Nói về sự được yêu thích và tính phổ biến thì thơ Phạm Tiến Duật của thời chống Mỹ có thể so sánh với thơ Tố Hữu của thời kháng Pháp, nhưng hiệu ứng tích cực và sức lan toả, công bằng mà nói thì hơn bởi các phương tiện truyền thông báo chí thời này đã khá hơn rất nhiều, chưa nói thơ anh còn được phổ nhạc.

Không thể không nhớ lại những năm khói lửa, thơ của Duật được đọc lên trong các giảng đường, trong những chặng nghỉ hành quân, trong rủ rỉ đôi lứa bên nhau trước giờ người con trai lên đường ra trận. Thơ của anh được hào hứng đón nhận vì nó lạ về thi pháp, nó quá đẹp mà giản dị về ngôn từ, rất giàu cảm xúc và hình tượng một thời chiến tranh giải phóng, nó tuyên truyền đấy mà không có tự thân mục đích tuyên truyền. Vâng, vì nó được sinh ra từ cảm thức quần chúng, cảm thức lính, cảm thức thế hệ.

Chính vì thế, Tư lệnh Bộ đội 559 Đồng Sĩ Nguyên đã nhiều lần được nhắc đến với những lời đánh giá sâu sắc về Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây và coi đó là bản quân ca trữ tình của Bộ đội Trường Sơn. Và cũng chính vì thế, Lửa đèn đã trở thành cổ điển ngay cả khi tác giả vẫn đang còn sáng tác. Nhạc sĩ Huy Loan lấy cảm hứng từ Lửa đèn để viết nên một giao hưởng thơ 3 chương và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia đã trình diễn ở Nhà hát Lớn. Một nhà làm phim nước ngoài, Evann Ham, có lần nói với tôi anh rất muốn làm một bộ phim dựa theo Lửa đèn. Việc Evann còn đang dự tính thì hãng truyền hình ABC (Aus-tra-lia), trong loạt phim The Vietnam Peace (Hòa bình cho Việt Nam), đã dựng một trường đoạn nhiều cảm xúc nương vào Gửi em cô thanh niên xung phong, Tiểu đội xe không kính, Vòng trắng.

Tại sao không có ai nghĩ ra việc tặng Huân chương cho những nhà thơ chỉ do những dòng thơ cống hiến của họ?

Và với tôi dù có thể các Hội đồng quan phương có cách nhìn của họ, tôi nhìn vào hiệu ứng tích cực của sự vật để giơ tay xin dành cho Phạm Tiến Duật phần thưởng cao quý nhất mà anh xứng đáng được hưởng. Hỡi những người yêu thơ và những bạn cùng thời, các bạn có đồng ý với tôi?

Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh ngày 14 tháng 1 năm 1941. Quê quán: Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa, nhà thơ Phạm Tiến Duật gia nhập quân đội. Sống và viết trong chiến tranh trên đường mòn Hồ Chí Minh. Từng là Phó Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (7/2001-6/2006).

Tác phẩm chính: Vầng trăng quầng lửa (Thơ, 1970); Thơ một chặng đường (tập tuyển, 1994); Ở hai đầu núi (Thơ 1981); Vầng trăng và những quầng lửa (Thơ, 1983); Thơ một chặng đường (Tập tuyển, 1994); Nhóm lứa (Thơ, 1996); Tiếng bom và tiếng chuông chùa (Trường ca, 2000); Vừa làm vừa nghĩ (2003).
Nhà thơ được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, đợt I, 2001.

Anh mất ngày 04 tháng 12 năm 2007.
 
NƠI BẮT ĐẦU CON ĐƯỜNG LỊCH SỬ ẤY
Nguyễn Khắc Phê


Con đường lịch sử ấy - "Đường mòn Hồ Chí Minh", nay đã thành Đại lộ Hồ Chí Minh.

Đã có biết bao nhiêu sách báo nói đến con đường lịch sử ấy rồi. Nhưng với mỗi thời gian khác nhau, với cách tìm hiểu và lấy tài liệu khác nhau, người ta lại hình dung con đường lịch sử ấy một cách khác nhau.

Những người khai sinh "Đoàn 559" tròn 50 năm trước, đứng đầu là tướng Võ Bẩm thì trong tâm tưởng hẳn là luôn nghĩ về "con đường mòn" theo đúng nghĩa đen của từ này - một lối đi nhỏ len lỏi giữa lau lách và rừng rậm Trường Sơn mà miền Bắc dùng để chi viện cho cuộc chiến đấu ở miền Nam, với cột số "O" ở Bến Tắt, thượng nguồn sông Hiền Lương.

Những ai là lính của Binh đoàn 559 về sau, hoặc từng đi qua Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ thì lại nghĩ đó là cả một hệ thống đường chiến lược ngang dọc trên dãy Trường Sơn, một mạng lưới đường mỗi ngày một phát triển và biến hóa, với cột km số "O" ở Tân Kỳ, Nghệ An...

Với riêng tôi, đã nhiều năm cứ thầm nghĩ là mình có may mắn được ở nơi bắt đầu con đường lịch sử ấy. Đó là đoạn đường qua Ca Tang, Khe Ve lên đèo Mụ Giạ. Từ hơn một thế kỷ trước, năm 1885, Tôn Thất Thuyết và những người Việt Nam yêu nước không chịu làm tôi tớ cho giặc Pháp là đội quân đã khai sinh ra con đường này. Một tài liệu viết năm 1931 đã thuật lại những trận vua tôi Hàm Nghi đánh Tây quanh vùng Khe Ve:

"...Vua lần ra xóm Khe Ve và sai quân lính đắp lũy đất độ hai thước tây. Bấy giờ các làng đem lương thực đến, vua cấp tiền cho. Cách một tháng, Tây ở Bãi Đức kéo vào. Hai bên đánh nhau ngót một ngày ở cửa khe. Vì đường hiểm, Tây dàn quân không được, bị thua phải kéo về Bát Đức..."

Năm 1953, trong kháng chiến chống Pháp, đây là con đường quân ta tiến lên mở mặt trận Trung Lào phối hợp với chiến dịch Điện Biên. Trong những năm tháng bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, trên hệ thống truyền thông quốc tế, ngày nào cũng có tin không lực Mỹ ném bom vào đoạn đầu mối "đường mòn Hồ Chí Minh" này.

Ngày ấy, những tuyến đường ngang vượt Trường Sơn như đường 20 bên phà Xuân Sơn (còn gọi là đường Quyết thắng"), đường 10 bến phà Long Đại, đường 16 qua Dốc Khỉ mới chỉ những người khảo sát biết đến. Ngày ấy, những đoàn xe, pháo vượt Trường Sơn tiến vào mặt trận chỉ bằng một con đường duy nhất: đường 12A qua đèo Mụ Giạ. Vì thế, đoạn đường hiểm yếu ấy cũng là nơi hội tụ các anh hùng: Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Thị Kim Huế, Tiểu đoàn 2 công binh, Đại đội Thanh niên xung phong 759 ... Chính nhờ cuộc sống ấy mà tôi đã viết được gần một ngàn trang sách (Tập ký sự Vì sự sống con đường - 1968; tiểu thuyết Đường giáp mặt trận - 1976; tiểu thuyết Chỗ đứng người kỹ sư - 1980) ...

Năm 1977, có dịp đi trên đoạn đường mới rải nhựa rộng thênh thang dọc theo triền phía đông Trường Sơn thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, tôi lại thấy bên cầu Đakrông (Quảng Trị) cột cây số dáng thanh mảnh, phía trên nở xòe ra như cánh chim, in rõ dòng chữ "Đại lộ Hồ Chí Minh - Km 1".

Còn nhớ, buổi sáng ấy, nhìn hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu nổi bật trên vách đá nâu đầu cầu Đak Rông: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai", lòng tôi náo nức nghĩ đến ngày con đường lớn trên triền phía Tây Tổ quốc, con đường mở ra vì tương lai Tổ quốc sẽ thông suốt từ Bắc chí Nam...

Đến hôm nay thì dự án nối dài đường Hồ Chí Minh lên tận Cao Bằng đang được triển khai và một ngày không xa nữa, cột Km số "O" - nơi bắt đầu con đường lịch sử, sẽ được đặt trước cửa hang Pác Bó, địa chỉ Đỏ ghi những bước chân đầu tiên của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc vào đêm trước Mùa thu Cách mạng...

Thực ra, cuộc "tranh cãi" về nơi bắt đầu, nơi khởi phát "Đường Hồ Chí Minh" trên mặt đất không quan trọng, vì mỗi nơi đều có giá trị lịch sử của nó; lại còn “Đường Hồ Chí Minh" trên biển thiên biến vạn hóa, các cột km biết cắm vào đâu?. Điều có ý nghĩa hơn là tìm về cội nguồn sức mạnh tinh thần - nơi bắt đầu thực sự của những con đường đã làm nên kỳ tích trong lịch sử dân tộc ta.

Nơi bắt đầu ấy chính là tinh thần yêu nước, là ý chí quật cường, "quyết không chịu làm nô lệ cho người mãi thế", như lời Nguyễn Ái Quốc đã viết trong Thư gửi đồng bào năm 1941 tại Pác Bó, sau Hội nghị Trung ương 8 quyết định đường lối giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh. Với Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh, tròn 90 năm trước, tinh thần ấy đã tỏa sáng và được thế giới biết đến. Đó là năm 1919, tại Pa ri, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp, gửi đến Hội nghị Vécxây Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam đòi chính phủ Pháp và các nước Đồng minh phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của nhân dân Việt Nam.

Tinh thần ấy đã được hun đúc nên từ biết bao anh hùng liệt sĩ trong quá trình dựng nước và giữ nước, trong đó anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ, vào một ngày Xuân 220 năm trước (1789), đã kéo đại quân tiến vào Thăng Long, sau khi quét sạch 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh. Chợt nghĩ: Đại lộ Hồ Chí Minh hôm nay có thể được khai phá bởi đoàn voi chiến, ngựa chiến của Nguyễn Huệ hành quân thần tốc theo con đường "thượng đạo" ra Bắc diệt quân xâm lược năm xưa?...

50 năm ... 90 năm ... 220 năm ... và xa hơn nữa, trong trường tồn lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của người dân Việt đã xây đắp nên CON ĐƯỜNG VIỆT NAM không hề khuất phục trước cường quyền. Hôm qua đã như thế, hôm nay và ngày mai, cho dù "toàn cầu hoá” và thế giới đảo lộn, những con dân nước Việt vẫn nhất quyết đi trọn con đường mà tiền nhân đã đặt những bước khởi đầu vẻ vang
 
GIÓ RỪNG VÀ LỬA BẾP
Chu Lai


Rời khỏi lửa bếp vào rừng chỉ cần ba năm mà chưa ngã xuống là người lính mậc nhiên đánh mất khá nhiều những khái niệm cơ bản của thủ tục đời thường. Trận mạc liên miên. Sáng rừng, trưa rừng, tối rừng, đêm rừng và sáng mai tinh dậy, chao ôi, lại vẫn rừng. Rừng xanh thế mà rờn rợn tâm hồn. Xanh như không thể xanh hơn được nữa. Trong màu xanh có màu đỏ. Trong gió xanh có cả hương vị diêm sinh, xương thịt ngào vào... Gió rừng và lửa bếp.

Thử hỏi có cuộc chiến tranh nào lại dằng dặc kéo dài như trên mảnh đất quá chừng bão giông và nhiều tần tảo này ? Mảnh đất mỏng manh như dễ gãy dễ bẻ, như dáng hình của người mẹ ngàn năm dưới căng thân mình gầy guộc ra đại dương để bền bỉ chở che cho con cháu, gia đình được bình an, yên ả.

Nhưng làm sao yên ả khi hình sông thế núi, con người non nước này cứ như có một sự lựa chọn vô hình và hữu hình nào đó phải luôn luôn đứng ở tuyến đầu chống chọi lại cái ác, cái phi nhân từ khắp bốn phương tràn tới.

Bốn ngàn năm. Lịch sử đa đoan, dân tộc đa đoan, phận số con người cũng quá đỗi đa đoan. Và sức chịu đựng phi thường của con người cũng bật lên, phát lộ từ cái đa đoan không muốn có nhưng lại vẫn có như một nghiệp chướng đó. Thăm thẳm chiều sâu. Ngút ngàn chiều dài. Chịu đựng bền dai, lặng lẽ như cỏ cây như nắng gió, như mùi rơm rạ tro trấu vấn vương chung thuỷ mùa lại mùa trên những cánh đồng im ắng.

Chiếc mũ ca lô đội lệch, chiếc mũ cối bằng bặn, chiếc mũ tai bèo mềm mại, chiếc mũ ke pi kiêu hãnh... Hành trình của người lính và hành trình của hình hài những chiếc mũ. Còn có chiếc mũ nào nữa đang chờ người lính ở muôn chặng đường phía trước? Chiến tranh hay hoà bình, bom đạn hay dựng xây?

Làn gió hội nhập đang lồng lộng thổi vào, réo sôi lên lách khắp các bản làng ngõ phố. Có cả những ngọn gió thơm thảo và có cả những nhánh gió màu đen. Các nhà lãnh đạo quốc gia thâm trầm đi ký những hợp đồng thế kỷ với các nước làm ăn đối tác bạn bè. Nhưng người lính chỉ có một hợp đồng duy nhất đã ký với nhân dân, một hợp đồng máu, vĩnh cửu, bất biến không thay đổi trước mọi thời tiết thiên nhiên, thời tiết lòng người.

Gió rừng và lửa bếp!

Gió rừng là một đời trai thấm nhuộm. Lửa bếp là khát vọng cháy nồng sau mỗi cuộc trường chinh. Sự băng mình vào trận như có hồn phách lịch sử thổi thốc tháo ở đằng sau. Sự quên thân cho nghĩa cả nơi sa trường tưởng như có một thoáng tinh thần hảo hớn trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương ẩn vào.

Phải chăng vì thế mà cảm hứng hiến dâng rất đỗi tự nhiên của các thế hệ mặc quân phục màu cỏ úa mãi là một ẩn số thần thánh mà cho đến tận bây giờ, sau biết bao can qua giặc giã, các bộ óc thông tuệ của đối phương vẫn không thể hiểu nổi. Hay không muốn hiểu.
 
Gió rừng!

Rời khỏi lừa bếp vào rừng chỉ cần ba năm mà chưa ngã xuống là người lính mặc nhiên đánh mất khá nhiều những khái niệm cơ bản của thủ tục đời thường. Trận mạc liên miên. Sáng rừng, trưa rừng, tối rừng, đêm rừng và sáng mai tỉnh dậy, chao ôi, lại vẫn rừng. Rừng xanh thế mà rờn rợn tâm hồn. Xanh như không thể xanh hơn được nữa. Trong màu xanh có màu đỏ. Trong gió xanh có cả hương vị diêm sinh, xương thịt ngào vào.

Chiến tranh là lý trí, là lý tưởng nhưng chiến tranh cũng là bản năng, là tự vệ. Tự vệ mù mịt. Tự vệ triền miên, nỗi nhớ gia đình, nhớ hậu phương, nhớ bờ môi ngọt lịm người tình Trưng Vương bỗng nhạt dần thành không. Ngày sinh, ngày Tết, mùa nắng mùa khô cũng chỉ còn là mờ ảo. Ngày nào cũng hành quân, nắng mưa đều nổ súng, ngày Tết còn chôn nhau thì mọi cái mốc ước lệ kia đâu còn có ý nghĩa gì.
Khổ chịu được, chết cũng chịu được, thậm chí chịu hết sức nhẹ nhàng, nhưng sự hẫng hụt trong tâm hồn thì đúng là tan hoang thật.
Chặng đời binh đao có ba lần hẫng hụt.

Lần thứ nhất, cả trung đội đùm bọc, dắt díu nhau hành quân suốt nửa năm mới vào đến nơi, nửa năm là bao nhiêu kỷ niệm là bao nhiêu buồn vui, gắn bó đến tận cùng máu thịt vậy mà đến nơi, bỗng bị xé ra mỗi người mỗi ngả. Ngơ ngác, chống chếnh, cô đơn như bị bỏ rơi, như bị một trái B52 mồ côi dội giữa đội hình. Nhưng rồi cảm giác đó cũng qua thật nhanh. Những trận đánh, những đêm bôn tập, những cơn sốt rét, những ngày đói ăn... đã cuốn con người vào vòng quay nghiệt ngã của nó khiến cho đầu óc không còn giây phút nào trở về được sự tĩnh lặng mà nhớ mà thương.

Lần thứ hai mới thật sự bàng hoàng. Nhằm đúng những ngày Mậu Thân, lệnh xuống nửa đêm: tất cả chuẩn bị Tổng tiến công, tổng công kích vào hang ổ của kẻ thù! Chúng ta sẽ ăn Tết một cái Tết chiến thắng giữa lòng nhân dân, giữa lòng đường phố, xóm ấp.

Chao ôi là cái mệnh lệnh chứa đựng đầy khát vọng nhân văn. Thế là sống rồi, thắng lợi rồi, sắp được trở về nhà rồi. Mẹ ơi, con sắp về với mẹ đây. Em ơi, ráng chờ anh thêm ít ngày nữa nhé. Lúc ấy hình ảnh người thân mới phá vỡ cái vỏ bọc vô cảm ùa về. Thôi, phen này vĩnh biệt bạn bè không may còn nằm lại, vĩnh biệt dòng sông nằm vùng bám trụ đêm đêm có tiếng bìm bịp kêu ẩm ướt trong lòng nước, tiếng con tắc kè nào khàn khàn đếm tuổi trên chạc cây, vĩnh biệt những ngày ở rừng khố nhưng mà vui, vĩnh biệt tất cả để ngày mai làm thằng người tự do, xoải chân trên xa lộ, ngẩng đầu đón nắng gió, ghé vào vệ đường húp một tô phở nóng bỏng môi, thêm một ly trà đá mát rượi, dẫu có chết cũng cam lòng.

Thế là chẳng ai bảo ai, cứ bấm nhau bỏ, ném quách lại mọi thứ bấy lâu đã trở thành cứu cánh, đã trở nên quá đỗi thân yêu. Ngày mai vào thành rồi, nồi niêu, cuốc xẻng, bao tượng, thùng đại liên, tăng võng rườm rà, rách rưới... còn cần gì đến nữa. Các chú mày đã hoàn thành xong sứ mệnh lịch sử của các chú mày rồi, ở lại nhé, bọn tao đi đây, mai này nếu còn sống, thỉnh thoảng sẽ ghé vào thăm chơi.

Cuộc chia tay hân hoan và bịn rịn với rừng diễn ra như thế. Như diễn ra một lần cho mãi mãi. Ai dè, chiến tranh là bao hàm một hệ thống những ai dè, sau hai lần ào ra trong tư thế xông lên như chẻ tre chẻ trúc, mấy tháng sau các đoàn quân lại lặng lẽ trở về rừng, tâm tư trĩu nặng, quân số hao đi quá nửa, nhìn nhau nửa cười nửa khóc. Và rưng rưng bảo nhau, thôi đành vậy, ngã keo này bày keo khác, lại chịu khó xuống sông mò lên nồi niêu, cuốc xẻng để ngày mai ta sẽ làm lại từ đầu.

Làm lại! Cái động từ mang ý nghĩa mệnh lệnh thức ấy vang lên tưởng như mới dễ dàng trôi chảy làm sao vậy mà cũng phải đến cả mấy tháng sau thế giới tâm hồn người lính mới lấy lại được thế cân bằng.
 
Lần thứ ba xảy ra sau đó bốn năm, vào những ngày đầu của năm 1973 khi hiệp định về hoà bình ở Pa ri vừa được ký xong. Lại nửa đêm lệnh xuống: thời cơ đã đến, tất cả dời rừng ra ấp ra phố, khẩn trương chồm lên giữ đất giữ dân không cho kẻ thù lấn chiếm. Tức là lại ra với cuộc đời. Lại nắng gió, lại lộ mặt, lại hủ tiếu lại cà phê.

Nhưng lần này, như có sự mách bảo âm thầm của tâm linh, không ai vứt lại cái gì cả. Cứ coi như một trận đánh mới lạ trên toàn tuyến đi rồi lại về Khát vọng bỗng có độ lùi. Niềm say sưa bỗng có độ chín chắn xen vào. Và đúng là trở về thật. Trở về thật nhanh như cái mệnh lệnh chồm lên kia chỉ vang lên trong mơ. Trở về vì đối phương tráo trở không chấp hành hiệp định. Vẫn là sự trở về lặng lẽ nhưng bình thản hơn. Cũng hụt hẫng nhưng là cái hụt hẫng có chuẩn bị trước. Và vì vậy mà chỉ mấy ngày sau những cây súng đã lấy lại được thế tự tin trấn ngự ở các cửa rừng.

Và lần thứ tư, đúng hơn là lần thứ ba vì lần thứ nhất suy cho cùng chỉ là một cú hụt hẫng, may sao, chỉ xảy ra sau đó có hai năm. Năm 1975, cũng là mùa xuân. Mọi cuộc tấn công giải phóng sao bao giờ cũng là mùa xuân, lạ quá! Là lính vùng ven sát nách Sài Gòn nên cuộc tổng tiến công đến chậm. Mọi bước đi thần tốc của đại quân chỉ được nghe qua đài, qua mật báo cơ sở và qua chính đôi mắt hãi hùng của đối phương mỗi lần va đụng.

Ba lần ra đi hai lần trở lại.

Đây là lần thứ ba. Bất quá tam. Ông bà nói vậy. Liệu lần thứ ba này có là lần cuối cùng không? Hay là... Một hy vọng cháy lên, một thất vọng kéo xuống. Mỗi lần trở lại là mỗi lần già đi, vật vã, tê lạnh, tinh thần thể chất bị huỷ diệt như chết đi một nửa, nói phỉ thui, lần này mà còn trở lại nữa thì rồi không biết điều gì sẽ xảy ra với sức chịu đựng của người lính, sức người có hạn, thà cứ đánh cho liền mạch rồi đến đâu thì đến.

Để rồi vào một ngày đầy nắng ba mươi tháng tư, dường như hơi xuân, nhựa sống, khí đất khí trời, lịch sử, non sông đã thấu hiểu được nỗi lòng của người lính, thấu hiểu được nỗi khổ đau của con người mà cùng kéo về phù hộ cho cái nung nấu ngàn năm kia được biến thành hiện thực. Năm cánh quân tràn vào. Năm đại dương khát vọng tràn vào. Cái gì cần đến đã đến. Đạo lý đã thắng phi nhân. Điều chính trực đã vượt lên trên đầu tà khí. Vượt lên trên những nấm mồ đồng đội để ca khúc khải hoàn tức tưởi và kiêu hùng giữa thành đô. Mười người ra đi là chín người không có mặt trong ngày vui đại thắng này.

Gió rừng đã thổi vào bếp lửa. .

Nhân nghiã đã thắng hung tàn. Tư tưởng của thi nhân bất hủ Nguyễn Trãi một lần nữa lại được hiển hiện giữa tầng cao chói sáng. Tuy cái giá phải trả là không thể lường trước được.

Trong đó có cái giá của những ngày Tết Mậu Thân năm xưa đã làm kinh động đến tận cội rễ ý chí xâm lược kiêu ngạo của đối phương. Một cái giá thật đắt để tạo lập nên một chiến tích bất diệt, mãi mãi huy hoàng.
 
GẶP NGƯỜI "ĐƯỢC" TRUY ĐIỆU SỐNG HAI LẦN
Châu Nho


Dọc đường Hồ Chí Minh trong chuyến đi làm cuốn sách "Trường Sơn- Đường khát vọng", sực nhớ ông bạn Lại Đăng Thiện- người được đơn vị truy điệu sống hai lần mà cả hai lần Diêm Vương đều từ chối, chúng tôi ghé thăm anh.

Nhà anh ở Tân Kỳ, Nghệ An, cách cột mốc số không 15 km về phía bắc. Từ khi có đường Trường Sơn trải nhựa, anh rời làng ra bám mặt đường trồng cây cảnh kiếm sống. Nói chuyện với anh cứ phải hét thật to vì di chứng bom nổ, tai điếc. Tôi và Thiện hai đứa cùng làng, nhập ngũ lại cùng đơn vị Tiểu đoàn 27 công binh, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang. Gặp chúng tôi, anh tất bật, tay bắt, mặt mừng:

- Trưa rồi, mời các ông ở lại ăn cơm. Các ông thích món gì?:

- Gà nấu xáo- tôi đáp.

- Cá nấu cháo á?

- Gà xáo ! Tai ông thật là... . .

- Ờ ờ gà xáo gà xáo.

Thế rồi anh xăng xái đi ra ngoài. Tôi ở lại, bất giác những kỷ niệm cũ hiện về...

Lễ truy điệu sống lần thứ nhất .

Tháng 11 năm 1967 tại phà Long Đại, Quảng Bình.

Long Đại là bến phà trên sông Hiền Ninh, đường 15 Quảng Bình. Long Đại với tần suất bom đạn dày đặc liên tục được mệnh danh là "long đầu”. Mỗi chiến sĩ công binh trấn ải ở đây được chia mỗi ngày 15 - 20 quả bom các loại, bom bi như cơm bữa. Lấy Long Đại quay bán kính 2 km, quân bình mỗi ngày có 15 - 16 trận oanh tạc, đủ các cỡ loại bom chờ nổ chậm, bom từ trường, bom nổ hẹn giờ, không quy luật nào cả.

Tại đây đã ba ngày đêm không thông xe, bờ Bắc các loại xe pháo nằm ngụy trang dài hàng kilômét bên đường Trường Sơn. Bộ tư lệnh Quân khu 4 chỉ thị cho D27: Bằng mọi giá mở đường máu thông phà. Với 2 phương án: Rà bom bằng nam châm và dùng bộc phá chìm xuống sông kích nổ đều không có hiệu quả số lượng bom nổ rất ít nên Tiểu đoàn trưởng Phạm Nhưng đưa ra phương án 3 là dùng ca nô kích nổ bom bằng cảm tử quân.

Tổ 4 người do Lại Đăng Thiện làm tổ trưởng gồm Nguyễn Văn Hương, Hà Huy Ty và Đậu Anh Côi được sự chấp thuận của lãnh đạo bởi bốn quyết tâm thư bằng máu xin làm cảm tử quân. Bốn chiến sĩ đứng yên dưới mưa, trăng đầu tháng lờ mờ, nghe chính trị viên Trần Sĩ Khiêm và Trung đội trưởng Phạm Thế Khang giao nhiệm vụ. Phía trước pháo sáng, bom máy bay địch thả liên hồi.

Lễ truy điệu trước giờ xuất kích đơn giản, chóng vánh. Sau khi đọc quyết tâm thư và điếu văn, đứng trước bến phà là 4 con người, trông họ như 4 vị tướng thời cổ đại. Xung quanh người phồng lên phao cứu sinh, đầu đội mũ sắt, chân đất. Họ nhìn lại đoàn quân, nhìn xuống dòng sông nơi cái chết đang thách thức họ. Tiếng chính trị viên hỏi lớn: Các đồng chí có quyết tâm không? Cả tổ dõng dạc hô vang: Chúng tôi quyết tử cho bến phà sống mãi.

Cùng lúc đó 4 người chạy ào xuống ca nô. Có tiếng máy bay, kẻng cảnh giới: Tất cả sơ tán, lùi lại dạt ra hai bên đường. Hai pháo sáng địch phóng ra, cả bến phà rực lên như ban ngày. Năm phút, mười phút trôi qua, pháo sáng tắt. Tiếng hô của tổ trưởng: Xuất kích.

Tiếng ca nô gầm lên, lao vút về phía bờ Nam như một mũi tên, hai phía bom nổ, những cột nước cao hơn mái nhà trắng xóa, bom dâng những cột nước cao mờ mịt cả bến sông. Ca nô chòng chành, nghiêng ngả gần phía bờ Nam, một cột sóng tung cả ca nô lên trời rồi rơi xuống - bốn người tung bốn phía. Chúng tôi lặng lẽ, hồi hộp chờ,...

Ba phút sau, bỗng chiếc ca nô chồm lên vòng trở lại, người tổ trưởng giơ tay vẫy vẫy chúng tôi. Ca nô chạy tiếp hai vòng, thêm 3 quả bom nổ lẫn trong tiếng hô: "Thuyền cao su cấp cứu bờ Nam". Bỗng một cột nước dâng cao đẩy nghiêng ca nô, người lái ca nô cuối cùng bị hất lên bờ. Tiếng B trưởng Cao Chung báo cáo: Đã nổ 16 quả - thông bến, ba chiến sĩ bị thương đang cấp cứu.

Từ trong động Phong Nha đoàn thuyền sắt nối đuôi nhau ra nhanh chóng ghép thành một con phà và được một ca nô dắt ra cập bến.
Xe pháo lần lượt qua sông lên đường. Pháo sáng lại thả, có lẽ địch nhận được tín hiệu từ những cây nhiệt đới có xe pháo di chuyển nên chúng chuẩn bị thả đợt bom chờ nổ mới .
 
Lễ truy điệu sống lần thứ hai.

Bến phà Linh Cảm có ba bờ Nam Đàn, Hương Sơn và Đức Thọ nằm ở ngã ba dòng sông La và sông Ngàn Phố. Qua tọa độ lửa Truông Bồn gặp ngay Linh Cảm, từ đây đi vào Nam hoặc vượt của khẩu Cầu Treo qua Lào.

Linh Cảm - Bến Thủy- Ngã ba Đồng Lộc là tam giác lửa của không quân Mỹ.

Tháng 2/ 1968 tại đây đã hai ngày không thông bến vì đài quan sát phát hiện nhiều bom nổ chậm. Ba đội rà phá bom: Bờ Bắc Nam Đàn do B trưởng Lê Duy Ý chỉ huy các chiến sĩ Hồ Xuân Thìn, Lê Văn Quang, Nguyễn Đức Trí, Nguyễn Văn Tiến. Phía bờ Nam do Trung đội Lê Doãn Dần, Hoàng Đức Thân, Nguyễn Văn Cảnh, Lê Tiến Chấn dùng bộc phá kích nổ. Dưới bến phà lúc này tiểu đội ca nô do Vũ Ngọc Chương chỉ huy làm cảm tử quân gồm có Đậu Anh Côi Nguyễn Xuân Tình, Lại Đăng Thiện.

Lễ truy điệu có đại diện phòng công binh Quân khu 4 Phạm Văn Tánh. 16 giờ ngày 18 tháng 2 năm 1968 Vũ Ngọc Chương xuất kích đầu tiên, sau 3 vòng nổ 8 quả, ca nô hất văng Vũ Ngọc Chương, bị thương nặng anh vẫn gắng hết sức bình sinh cho ca nô lao tiếp vòng thứ 4, thêm 2 quả nổ hất tung ca nô, Vũ Ngọc Chương hy sinh. Đậu Anh Côi được thay, chiếc ca nô móp méo, vượt sóng lao về bên kia bờ, 3 quả nổ hất ca nô dạt về bờ bắc. Nguyễn Xuân Tình, Lại Đăng Thiện thay thế. Đậu Anh Côi bị thương, chạy 4 vòng nổ 12 quả. Pháo hiệu thông bến.

Bây giờ trở lại với đời thường, Thiện trồng cây cảnh và làm thơ. Những vần thơ dung dị, run rẩy thấm đượm tình yêu cuộc sống. Những lúc một mình, anh thường lặng lẽ. Với tôi, Lại Đăng Thiện là người anh hùng thực sự.
 
CHƯƠNG BA
TRƯỜNG SƠN - BẢN ANH HÙNG CA BẤT TẬN

Những vần thơ trên "Con đường chạy thẳng vào tim”
Nguyễn Trọng Tạo .

Mỗi lần nhớ về Trường Sơn, tôi lại nhớ về con đường mòn ấy. Con đường mòn từng nâng bước những đoàn quân kháng chiến. Con đường mòn huyết mạch nối hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam nước Việt.

Con đường mòn - CON ĐƯỜNG CHẠY THẲNG VÀO TIM những người yêu nước luôn khát khao đất nước mình thống nhất, hòa bình và giàu mạnh. Con đường ấy giờ đã thành đại lộ Hồ Chí Minh xuyên Việt. Giờ chạy xe bon bon trên con đường ấy, tâm trí của tôi luôn hiện lên ký ức xa xưa của một thời làm anh bộ đội vượt đèo lội suối với ba lô trên lưng và khẩu súng trên vai cùng với những bài thơ bài hát như một hành trang tinh thần không thể thiếu trong cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng và đau thương của dân tộc.

Có thể nói, Trường Sơn là đề tài nổi bật trong thơ thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dòng văn học chiến tranh cách mạng. Những người thanh niên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa thuở ấy luôn ấp ủ giấc mơ "vượt Trường Sơn" đánh giặc. Và họ đã "vượt Trường Sơn" trên con đường mòn ấy. Họ không chỉ là người lính cầm súng, mà chính lòng yêu nước và tâm hồn lãng mạn cách mạng đã chắp cánh cho họ làm nên những bài thơ lưu danh vào sử sách.

Và cũng có thể nói, Trường Sơn đã "đẻ" ra cho đất nước thật nhiều nhà thơ lính, mà Phạm Tiến Duật là một nhà thơ hàng đầu của thế hệ nhà thơ thời chống Mỹ, cứu nước. Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng thừa nhận điều đó: "Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã "đẻ" ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn".

Vâng, tâm hồn những người lính Trường Sơn thời ấy thật đẹp, họ nhìn cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh với cái nhìn lạc quan, và luôn tin vào chiến thắng:

Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn, nối tây Trường Sơn.



Không có kính, rồi xe không có đèn.
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Những người lính ra trận hầu hết là lính trẻ, nhưng họ đã có những suy nghĩ thật sâu sắc về tình yêu đất nước:

Trời không mây mà lạ lắm hôm nay
Đường ra trận lòng ta thành náo động
Sờ lên súng thấy bàn tay mình nóng
Hiểu đốt lòng người đâu chỉ lúc xung phong.
 
Và họ luôn mang theo truyền thống hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc:

Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...

Và họ biết phải dồn nén tất cả những gì cho ngày về chiến thắng:

Đất Nước Của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng cứng như sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt.
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt

Những nhà thơ trên con đường sinh tử ấy luôn hiểu được cái giá máu xương của cả dân tộc để có được hòa bình thống nhất: .

Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định,
Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba
Những ngã ba vận mệnh
Những cái nút trên đêm dài lịch sử
Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc .
Ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu.

Ngay cả với cái chết, luôn được coi là sự hy sinh, là cao cả, là đẹp - vẻ đẹp của sự dâng hiến cho lý tưởng chung của cuộc chiến đấu:

Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng.

Cái chết của đồng đội, của người thân luôn là lời kêu gọi đối với người đang sống:

Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.
Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống ...
 
Thơ Trường Sơn cũng là thơ nói lên ý chí của cả một dân tộc trong cuộc chiến đấu chung. Vì vậy mà nó đồng điệu về tư tưởng, nó lạc quan về tinh thần, và mạnh mẽ về giọng điệu. Nó như một giàn hợp xướng nhiều bè, nhưng lại quán xuyến trong tổng thể của giai điệu chính.

Những “nhà thơ Trường Sơn" thời đó làm thơ cho mình, nhưng cũng là làm thơ cho đồng đội, cho dân tộc mình trong dòng mạch cả dân tộc "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Thời mà nhiều câu thơ cũng là câu khẩu hiệu, là lời hiệu triệu cho kháng chiến thành công. Thời mà thơ ào ào chất liệu cuộc sống chiến đấu. Thời của gian khổ, hy sinh, trên bom, dưới đạn, nhưng cũng đầy tính lạc quan thường trực của người lính chiến. Thời "có những ngày vui sao / cả nước lên đường" với những "tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” để rồi những câu thơ như reo lên suốt đường ra trận: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm", “Gì vui hơn đường ra trận mùa xuân!"...

Cái nhìn của người lính vào cuộc chiến như vậy có lạc quan quá hay không? Có là sự thật hay không? Sau cuộc chiến nhìn lại thấy có gì như là tô hồng lên, nhưng thử sống lại tâm trạng những người lính thời đó thì quả là đúng như vậy. Những người lính ra đi từ cổng trường đại học, từ cổng trường trung học... vốn nhiều mơ mộng, lại sải chân tới những vùng quê, vùng rừng tươi đẹp của đất nước quảlà gặp nhiều bất ngờ thú vị.

Thời của "cái chết nhẹ như lông hồng" đối với những chàng trai cô gái tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho lý tưởng chung. Đó cũng là thời mà anh lính Trường Sơn Phạm Tiến Duật cũng bất ngờ phát hiện ra một "định luật" mang tính vật lý của cuộc sống: “giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ".

Nhưng không chỉ có mộng mơ, lạc quan và chiến thắng, thơ của những người lính Trường Sơn viết về Trường Sơn vẫn còn rỏ máu trong từng con chữ. Hàng vạn người lính đã nằm lại với Trường Sơn hùng vĩ. Hàng vạn bài thơ khóc bạn đã ra đời. Và hình như càng lùi xa cuộc chiến, nỗi đau càng thấm đẫm vào con chữ.

Những người lính Trường Sơn xưa, nay trở lại Trường Sơn tìm bạn. Rừng đã khép lại vết thương chiến tranh, nhưng vết thương trong lòng người thì mãi còn rỉ máu. Những ngôi mộ có tên và không tên. Những bài thơ có đề và không đề Tất cả đều hiện lên nỗi niềm người lính:

"Chết - Hy sinh cho Tổ quốc
Hùng ơi! Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất
Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc
Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng.

Đến cả tiếng ve cũng kêu "mất - còn", cũng khắc khoải gọi người:

Ve kêu mất - còn
Tiếng kèn chiêu tập
Ve kêu mỏi mòn
Nhắc thời máu ứa
"Về chưa... về chưa?"
"Về chưa ... về chưa?"
Cũng đành nhắc lại
Với mồ không tên và mộ có tên
Đến cả cỏ cùng xanh vì người đã khuất:
Những bó hoa đến viếng đã tàn đi
Chỉ sắc cỏ vẫn sinh sôi mãnh liệt
Xanh đến rợn người
Xanh đến nhức mắt
Xanh như là vì máu đỏ mà xanh

Và Trường Sơn là núi, là đường, là mộ, là con đê chở che cho bạn hữu, chở che cho dân tộc trường tồn:

Ở đó, những con sóng chiến tranh dai dẳng không mùa
như răng kẻ xâm lược
cắn vào dân tộc tôi
cắn vào lục đị này ...
bốc lửa cánh đồng
bốc lửa rừng cây
dãy Trường Sơn máu ứa
dân tộc tôi mang thương tích đứng lên .
trùng trùng rừng xanh núi đỏ
bao người con hy sinh
sóng dạt vào đất đá
nhập với Trường Sơn dựng lũy thành ...

Rồi những đời sau sẽ hiểu tâm hồn người lính một thời qua những bài thơ Trường Sơn thuở ấy, những bài thơ như những cột mốc, hoa tiêu hay tượng đài của sự hy sinh cao cả trên dọc dài lịch sử.

50 bài thơ tuyển chọn trong cuốn sách này chỉ thể hiện một phần tâm hồn của những người lính, những nhà thơ gắn bó với Trường Sơn trong cuộc chiến tranh qua. Còn hàng nghìn, hàng vạn những bài thơ, những trường ca của lính và những người kháng chiến đã công bố hoặc chưa công bố. Và chúng ta đọc thơ họ, đọc tâm hồn lẽ sống của họ, đọc quá khứ vinh quang và cay đắng của dân tộc mình những năm ngàn cân treo sợi tóc hẳn không khỏi tự hào về thời oanh liệt ấy, thời con đường 559 - Đường Hồ Chí Minh - đã nối liền đất nước bị cắt chia, đã làm nên chiến thắng vẻ vang trong công cuộc bảo vệ và kiến thiết Tổ quốc mình.
 
50 BÀI THƠ TRƯỜNG SƠN
Nguyễn Trọng Tạo tuyển và giới thiệu


Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây
PHẠM TIẾN DUẬT


Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa nay đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khóc
Như anh với em, như nam với bắc
Như Đông với Tây một dải rừng liền.
Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không.
Em thương anh bên tây mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù
Anh lên xe trời đổ cơn mưa
Cói gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.
Đông sang tây không phải đường thư
Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Đông Trường Sơn, cô gói “ba sẵn sàng"xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.
Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn, nối Tây Trường Sơn. .


Bài thơ về tiểu đội xe không kính
PHẠM TIẾN DUẬT


Không có kính không phải vì xe khòng có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gì vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim ..
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như sa vào buồng lái
Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời .
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước.
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
 
Gửi em, cô thanh niên xung phong
PHẠM TIẾN DUẬT

Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất
Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần .
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là “Thạch Nhọn”
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn ư
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.
Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bọn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim “Thạch Nhọn”
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung tăng cả rừng chiều.
Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mê
Đất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim
Những đội làm đường hành quân trong đêm
Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Đường trong tim anh in những dấu chân.
Chiếc võng bạc trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi
Lại đường mới và hàng nghìn cô gói
Đâu em tinh nghịch của anh?
Bụi mù trời mùa hanh
Nước trắng khe mùa lũ
Đêm rộng dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường
Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà .
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em! thương em! thương em biết mấy...
Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình đường mới to xây
Đõ có độ dài hơn cả độ dài
Của đường sá đời xưa để lại
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Để cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất.
Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm Thạch Nhọn Thạch Kim
Tên em đã thành tên chung anh gọi.
Em là cô thanh niên xung phong.
(Bài thơ viết tại Đức Thọ, năm 1968)

Năm 1965, địch ném bom miền Bắc, Hà Tĩnh- mà đặc biệt là ngã ba Đồng Lộc là một túi bom của bắc miền Trung. Một năm sau, theo tiếng gọi thiêng, O Nhị và bạn bè lên đường, người đi bộ đội vào các chiến trường, người vào thanh niên xung phong đến với những trọng điểm bị địch bắn phá ác liệt để bảo vệ những chuyến giao thông nối từng phút lộ trình bắc-nam. O Nhị vào ngã ba Đồng Lộc thuộc quân số của C4 - Tổng đội Thanh niên xung phong 55 khi O tròn 20 tuổi.

O Nhị nhớ lại thời mình trở thành nguyên mẫu bài thơ nổi tiếng của Phạm Tiến Duật. "Hồi đó, đoàn xe của đường dây 559 trong Nam ra thì dừng lại Đức Thọ. Một anh bộ đội có cái mũi rất thẳng và giọng bắc ngọt lịm nhỏ nhẹ như con gái. "Quê em ở đâu?" O trả lời. "Quê em qua Thạch Bằng rồi đến Thạch nớ là Thạch Nhọn eng nờ”. Cả tiểu đội con gái cười giòn như pháo. Sau đó anh bộ đội ấy hỏi rõ mới biết Thạch Nhọn là Thạch Kim, và mãi sau này bài thơ phát trên đài O mới biết anh đó là Phạm Tiến Duật và là nhà thơ, nhà báo chứ lúc đó biết ông là ai? Khi bài thơ được phát thì đơn vị có gọi O lên khiển trách "tại răng lại đi nói dối anh bộ đội”.
 
Ngã ba Đồng Lộc
HUY CẬN

Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta,
Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc
Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba
Và có nhiều ngã ba nổi tiếng:
Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của một đại châu, sóng dựng trùng trùng,
Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to
Như những mạch máu khổng lồ
Trên thân hình trái đất
Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói,
Có những ngã ba là nơi gặp gỡ cho những dòng văn minh lớn, đông, tây, kim cổ...
Tất cả những ngã ba trên, con có thể học biết
(trong sách địa dư, trên những bản đồ),
Mai sau lớn lên con có thể đến thăm và chụp ảnh nữa...
Xong rồi, con có thể quên
Nhưng con ơi, con chớ có quên ngã ba Đồng Lộc
Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định,
Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba
Những ngã ba vận mệnh
Những cái nút trên đêm dài lịch sử
Gặp những ngã ba đời con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc.
Là ngã ba nhưng nào có phân vân
Nào có đắn đo do dự
Là ngã ba trên những đường quyết liệt
Nhưng hướng đi đã quyết
Không phải cho một lần
Mà cho tất cả mọi lần
Không phải cho một người
Mà cho tất cả quê hương, đất nước.
Hướng về Nam, một nửa mình Tổ quốc
Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước,
bằng sông, bằng thuỷ triều lên xuống
Hay bằng đá, bằng đất
Bằng xi măng cốt sắt
Bằng vôi trắng, gạch nâu
Bằng đèn xanh đèn đỏ đủ màu
Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã,
Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu.
Khi con về quê con nhớ viếng thăm
Mộ mười cô kề bên đường đỏ.
Các cô như còn đứng đó
Chờ lấp hố bom
Đường thông xe các cô mới đi nằm.
Các cô để lại tuổi thanh niên
Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi
Cho đất nước, quê hương
Hồn trong như suối
Bình minh đời sống rực vừng dương...
Con sẽ tìm thăm mời cô La Thị Tám
Từ trường học lại về trận địa đầu non
Đứng giữa đàn bò bê mũm mĩm
Trên sườn núi cao cỏ đã mướt màu xanh
Như mảng da non trên thân thể đang lành
Cô sẽ chỉ con xem
Những hố bom loang lổ
Như đất trên mặt trăng
Mỗi thước vuông ba quả bom to bự
Cô sẽ chỉ con xem
Nghìn vạn điểm lăn bom nổ chậm
Cô từng đến cắm cờ
Mỗi lần chạy đua với cái chết
Đôi Chân cô nhanh hơn kíp nổ,
Cô là một ngọn cờ đỏ của quê ta.
Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi
Những năm tháng chiến tranh ác liệt
Nghìn vạn chuyến xe đi
Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc
Máu qua tim máu lọc
Xe vượt ngõ ba xe xốc tới miền Nom.
Và con ơi, bố ngồi nghĩ miên mon:
Bạn bè ta trong cơn gió lốc
Hẳn cũng đang vượt những ngã ba Đồng Lộc,
Những ngõ ba Việt Nom.
Dọc đường dài kẻ địch còn găm
Nhiều bom nổ chậm
Nhưng chẳng hề chi.
Khắp năm châu còn nhiều La Thị Tám.
Nhiều Võ Thị Tần
Đường sẽ thông xe đi về các mọng.

(Hà Tĩnh 1971)

- Chị La Thị Tám chuyên phát hiện bom nổ chậm, cắm cớ bên cạnh bom để xe tránh và để hướng dẫn đội công binh đến phá bom, chị đã được tuyên dương Anh hùng.

- Chị Võ Thị Tần đội trường đội thanh niên xung phong (10 cô) chuyên lấp hố bom đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ: toàn tổ đã được tuyên dương Anh hùng
 
Đất nước
NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Khi ta lớn lên đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi con cá “ngư ông máng nước biển khơi"
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rừng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ .
Yêu nhau Và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đốt Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người .
Đất nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mong đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sờ
Làm nên Đất Nước muôn đời...
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên*
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên ông Đốc, ông Trọng, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi, Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...
Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước .
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước cho Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bật lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi
Người dạy ta nghèo ăn cháo ăn rau
Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
Cái cuốc con dao, đánh lừa cái tuổi
Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau
Con nộm nang tre đánh lừa cái chết
Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thuồng luồng xăm mình xăm mặt
Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
Nhưng lạ lùng thay nhân dân thông minh
Chẳng hề lừa ta dù ca dao, cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dẫu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất người trồng cây dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi…

(trích trong trường ca "Mặt đường khát vọng")
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top