Trường Sơn - Đường khát vọng

Không chỉ đời sống vật chất, mà đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào miền núi cũng được phát triển bởi sự giao thoa mạnh mẽ hơn với cuộc sống hiện đại thông qua những người miền xuôi lên đây làm dự án, xẻ núi, dựng cầu, làm đường. Sự kiện xây dựng thành công đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) do người Việt Nam thiết kế, xây dựng bằng nguồn nội lực thực sự là dấu mốc quan trọng khẳng định sự lớn mạnh cả về chất và lượng của đội ngũ những công nhân cầu đường Việt Nam.

Tiếp đến, ngày 20/9/2008, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã làm lễ khởi công điểm đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Pác Bó - Cao Bằng tại khu di tích lịch sử Pác Bó (huyện Hà Quảng, Cao Bằng). Đây là đoạn đầu tiên của đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 được khởi công xây dựng cùng với nhiều đoạn khác sẽ được khởi công trong năm 2008 để hoàn thành mục tiêu năm 2010 sẽ nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau).

Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Pác Bó - Cao Bằng có chiều dài 52,47km, bắt đầu từ khu di tích lịch sử Pác Bó (KM0+00). Đường được xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp 3, cấp 4 miền núi (tùy theo từng đoạn) bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 60km/giờ hoặc 40km/giờ.

Đến hôm nay đường Hồ Chí Minh tại Pác Bó (Cao Bằng) đang được triển khai xây dựng và một ngày không xa nữa, cột Km số "0" nơi bắt đầu con đường lịch sử năm xưa - điểm đầu của con đường trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hôm nay sẽ được đặt trước cửa hang Pác Bó, địa chỉ đỏ ghi những bước chân đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc vào đêm trước Mùa Thu Cách mạng...

50 năm đã đi qua, giờ đây, những ký ức về chiến tranh với những trận mưa bom quân thù, những trận đánh tàn khốc gắn liền với đường Hồ Chí Minh đa trở thành lịch sử. Con đường chiến lược năm xưa, giờ trở thành một huyết mạch giao thông đưa đất nước tiến lên trong công cuộc hiện đại hóa. Và bên con đường ấy những xóm làng đã mọc lên, cuộc sống đã hiện ra với những sắc màu rộn rã. Và những người lính giao thông năm xưa ấy chưa kịp nghỉ ngơi đã có mặt ngay ở những con đường, cây cầu cần khôi phục để phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, tham gia một trong những công trình tiêu biểu đó là xây dựng đường Hồ Chí Minh lịch sử.

50 năm, 100 năm... hay xa hơn nữa, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại", một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại trong thế kỷ XX. Lịch sử sẽ còn nhắc lại những chiến công dũng cảm của cán bộ chiến sĩ, nhân viên ngành giao thông vận tải với các sáng kiến đã đi vào huyền thoại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ". Câu nói giản dị của Bác không chỉ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Giao thông Vận tải trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở nhiệm vụ đối với những người làm công tác giao thông vận tải trong quá khứ, hiện tại và tương lai sau này.

Nhớ tới câu nói của Người, cùng với những thành quả đạt được từ tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, ngành giao thông vận tải quyết tâm xây dựng và hoàn thiện đường Hồ Chí Minh ngày thêm hiện đại và thuận lợi để con đường này luôn là mạch máu nối liền thông suốt giữa hai miền của Tổ quốc, luôn xứng đáng với tên gọi của Người.
 
CHƯƠNG HAI
TẠO SỨC BẬT CHO ĐỊA PHƯƠNG

ĐẤT TỔ SẴN SÀNG VƯƠN DẬY
Hương Hậu


Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh hào hứng nói về tương lai phát triển khi tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh sẽ khởi công trong tháng 5/2009. Khi giao thông thuận lợi, ông hy vọng những con đường này sẽ là cầu nối cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế Phú Thọ, nhất là du lịch.

Tuyến đường Hồ Chí Minh nối dài với điểm đầu của tuyến là Pác Bó (Cao Bằng) và điểm cuối là Đất Mũi (Cà Mau), Km124+500 quốc lộ 2, ngã ba Phú Hộ chạy qua thị xã Phú Thọ (Phú Thọ) cầu Ngọc Tháp (sông Hồng)... với mặt cắt ngang đường quy mô từ 2 - 8 làn xe, nền đường và khoảng 2/3 tuyến đường được quy hoạch thiết kế theo tiêu chuẩn của đường cao tốc.

Với vị thế là cửa ngõ phía tây, cách Thủ đô Hà Nội 80km, vị trí "ngã ba sông" - điểm giao nhau của sông Hồng, sông Đà và sông Lô, Phú Thọ là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam và hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam Trung Quốc.

Nằm trong vành đai của các tuyến trục giao thông quan trọng: đường bộ có quốc lộ 2, đường cao tốc Vân Nam, Côn Minh (Trung Quốc- Hà Nội, Hải Phòng, đường Hồ Chí Minh; đường sắt có tuyến đường xuyên Á, đường sông chạy từ Trung Quốc qua các tỉnh phía tây vùng Đông Bắc đều quy tụ về Phú Thọ rồi mới toả đi Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương khác.

Do nằm trong vùng trung du nên nền đất có kết cấu thuận lợi cho xây dựng các công trình công nghiệp và kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, Phú Thọ còn có một số loại khoáng sản quan trọng trong nền kinh tế: cao lanh, fenspat, quặng pirit, đá vôi cho sản xuất xi măng, đá xây dựng, cát sỏi và mỏ nước khoáng có trữ lượng lớn và chất lượng tốt. Phú Thọ là tỉnh có quỹ đất và nguồn nước dồi dào thuận tiện cho phát triển công nghiệp và đô thị.

Là một trong những tỉnh của cả nước sớm có nền công nghiệp được đầu với quy mô tập trung, Phú Thọ hiện đứng thứ 18 của cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp; là địa phương có các ngành sản xuất hàng đầu của cả nước như: giấy, sản xuất phân bón, chế biến nông - lâm sản... Tỉnh hiện có trên 2.000 doanh nghiệp đầu tư trong đó có 100 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký gần 1 tỷ đô la Mỹ; 50 dự án đầu tư tỉnh ngoài với tổng mức vốn trên 35 nghìn tỷ đồng.

Phú Thọ đã quy hoạch và phát triển 4 khu công nghiệp với tổng diện tích 1500ha; gần 30 cụm công nghiệp, điểm công nghiệp trên địa bàn huyện, thị với diện tích 1.600ha. Trong quy hoạch đến năm 2020, tỉnh tiếp tục phát triển thêm 6 khu công nghiệp mới với diện tích 2.400ha và dành quỹ đất dự trữ 3.000ha cho phát triển công nghiệp tập trung.

Vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam, với khu di tích lịch sử Đền Hùng - di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia. hàng năm có từ 3-4 triệu lượt khách về thăm viếng và nhiều di tích lịch sử gắn liền với thời đại của các vua Hùng; với Rừng quốc gia Xuân Sơn, nước khoáng nóng Thanh Thủy và hệ thống hang động, hệ động thực vật phong phú trên địa bàn tỉnh... Phú Thọ có nguồn tài nguyên và tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch.

Tại tỉnh, có thể đầu tư khai thác nhiều loại hình du lịch như: tham quan, nghỉ dường, chữa bệnh, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh... Nhiều khu, điểm du lịch đã được tỉnh quy hoạch và đầu tư hạ tầng như: khu du lịch Văn Lang, khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn, khu du lịch Đầm Ao Châu, khu du lịch Đầm Vân Hội, Ao Giời Suối Tiên, khu dịch vụ cao cấp Xuân Quang (Tam Nông)... Đây sẽ là các địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Để thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư, Phú Thọ luôn quan tâm cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; chuyển mạnh hoạt động chính quyền sang cung cách phục vụ công dân, tổ chức và doanh nghiệp; giản đơn thủ tục, tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức, tiền của cho doanh nghiệp và công dân.

Tỉnh cũng tăng cường đối thoại, xử lý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, chỉ đạo kiên quyết giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư; thực hiện cơ chế một cửa liên thông, đưa công nghệ thông tin vào việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời, Phú Thọ còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nên đã tạo ra môi trường thông thoáng, cởi mở, thân thiện, được các doanh nghiệp, doanh nhân tin tưởng, yên tâm khi đầu tư vào tỉnh.

Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Doãn Khánh cho biết, hiện tại tỉnh còn nhiều khó khăn, nội lực còn hạn chế, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Vì vậy để có thể khai thác tốt tiềm năng hiện có, Phú Thọ mong muốn, kêu gọi và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư vào tỉnh.
 
THANH HÓA - HẬU CỨ LỚN CỦA ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
Hải Khanh


Mặc dù không trực tiếp nằm trên con đường tiếp vận lịch sử mang tên Bác, nhưng những đóng góp của Thanh Hóa cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vô cùng to lớn. Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh, những địa danh của Thanh Hóa luôn được đề cập đến với vai trò là địa bàn trọng yểu, là kho dự trữ chiến lược, là hậu phương vững chắc. Khi quốc lộ 1B hoàn thành, Thanh Hóa lại được nhắc đến như một địa phương trọng điểm đi đầu về phát triển kinh tế - xã hội.

Chia lửa cho chiến trường miền Nam

Xứ Thanh trong kháng chiến chống Mỹ là địa phương đi đầu phong trào góp sức người, sức của, cầu nối giữa miền Bắc và miền Nam. Hơn 227.080 người con Thanh Hóa đã xung phong ra tuyến lửa, đem tuổi thanh xuân của mình vì miền Nam ruột thịt. Thanh Hóa đã huy động hơn 40.000 thanh niên xung phong ra chiến trường và hơn gần 100.000 thanh niên xung phong ra cơ sở phục vụ giao thông vận tải và chiến đấu tại chỗ, vận chuyển trên 15 triệu tấn hàng cho tiền tuyến kể cả đường bộ và đường thủy.

Những dũng sĩ đất Lam Sơn phát huy truyền thống cha anh xông pha trên khắp các chiến trường đánh Mỹ, là những người "Biết đi tới và làm nên chiến thắng", lập nên những chiến công xuất sắc, nổi bật những tấm gương chói ngời về chủ nghiã anh hùng cách mạng, góp phần quan trọng làm nên "Đại thắng mùa Xuân 1975".

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Thanh Hoá là vùng đất đầu tiên của miền Bắc chịu bom đạn của đế quốc Mỹ. Năm 1965, giắc Mỹ đã huy động nhiều đợt máy bay xâm phạm bầu trời Thanh Hóa, trút hàng trăm tấn bom đạn xuống khu vực cầu Hàm Rồng, cầu Lèn ở phía bắc và phà Ghép ở phía nam.

Trước mưa bom bão đạn, quân và dân Thanh Hóa quyết giữ những khu vực trọng yếu này. Ngày 3 và 4/4/1965, chiến thắng Hàm Rồng đã đi vào lịch sử hào hùng cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Không chỉ người trẻ, Thanh Hóa tự hào có các cụ tuy tuổi cao vẫn dùng súng trường bắn cháy máy bay địch.

Thành tích chiến đấu của quân dân Thanh Hoá mãi mãi là dấu son in đậm về một mặt trận oanh liệt. Quân và dân Thanh Hóa đã đánh 9.983 trận, bắn rơi 376 máy bay, bắt sống 36 giặc lái; sau 175 trận đánh trên biển cũng đã làm tiêu hao 57 tàu lớn của địch.

Hơn 43.000 chiến sĩ xứ Thanh đã vĩnh viễn ra đi cho hòa bình dân tộc, 1.125 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 15 đơn vị đã vinh dự đạt danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong những năm chiến tranh. Tuổi trẻ Thanh Hóa đã cùng nhân dân toàn tỉnh vinh dự hai lần được Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng cờ luân lưu “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", có 84 người được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Viết tiếp trang sử hào hùng

Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Những năm gần đây, kinh tế tỉnh tăng trưởng với tốc độ khá cao với mức tăng trưởng bình quân 11,3%. Theo chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 có thể đạt 17 - 18% và đạt trên 19% giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhiều dự án quan trọng đã và đang được xây dựng. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Hiện tại, trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh là Thành phố Thanh Hoá, ngoài ra còn có hai thị xã: thị xã công nghiệp Bỉm Sơn ở phía bắc tỉnh, là một trong số ba địa phương có nhà máy xi măng đầu tiên của Việt Nam, phía đông thành phố Thanh Hoá là thị xã du lịch Sầm Sơn, một trong những bãi tắm đẹp nhất Việt Nam.

Theo tầm nhìn đến năm 2015, tỉnh sẽ phát triển đồng bộ hệ thống thương mại, trở thành một trong những điểm hội tụ hàng hoá chính của tuyến giao thông Bắc - Nam và tuyến lưu chuyển hàng hoá giữa vùng Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào gắn với Cảng Nghi Sơn và các vùng miền trong cả nước.

Về mặt xã hội, tỉnh sẽ hoàn thành phổ cập trung học phổ thông trước năm 2020; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 45% năm 2015 và 55 - 60% năm 2020 cũng như giải quyết việc làm cho khoảng 5 vạn lao động/năm. Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 4% năm 2010 xuống dưới 3% năm 2020; giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn từ 6,5% năm 2010 xuống 5% năm 2015 và dưới 3,5% năm 2020.

Những cái tên quen thuộc như Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Công Thanh, Nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển Nghi Sơn, sản xuất men vi sinh, may Sakurai, các dự án chế biến khoáng sản; triển khai một số dự án mới như Nhiệt điện Nghi Sơn, Thuỷ điện Trung Sơn... đã ghi dấu ấn của Thanh Hóa trên bản đồ các vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam.

Đặc biệt, Thanh Hóa đang chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cảng nước sâu Nghi Sơn; chuẩn bị mở các con đường nối các tỉnh phía Tây Bắc như; Sơn La, Lai Châu ..., thu hút luồng đầu tư vì lợi thế giao thông, phát huy dịch vụ vận chuyến.

Đường Hồ Chí Minh với Thanh Hóa

Đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa dài 133 km, đi qua 7 huyện miền núi Thanh Hóa là Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh và Thọ Xuân. Đường Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện phát triển cho 7 huyện này cũng như mở rộng giao lưu với Lào, Mianma.

Theo chương trình của Thủ tướng về xây dựng các khu đô thị kinh tế dọc đường Trường Sơn, Thanh Hóa có 10 điểm. Trong đó, tỉnh đang xây dựng đường nối từ Nghi Sơn đến Khu công nghiệp Bãi Chành (Như Xuân), tạo điều kiện giao lưu kinh tế với các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Để khai thác có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế của tuyến đường Hồ Chí Minh, nhất là về phương diện du lịch, truyền thống và văn hoá lịch sử, quốc lộ 1B trên địa bàn Thanh Hóa sẽ được phát triển hệ thống đường ngang để tương ứng với tiềm năng vốn có. Một số thắng cảnh như Lam Kinh (Thọ Xuân), Suối Cá Thần (Cẩm Thuỷ), Bến En (Như Thanh), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc),... ngày càng thu hút nhiều du khách. Mặc dù một số địa điểm không thuộc các huyện nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, nhưng từ đường Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh và ghé qua thì cũng rất thuận tiện lợi.

Ngoài ra, Thanh Hóa đã huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước tạo điều kiện để sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng; xây dựng môi trường du lịch văn minh, phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đã khẳng định phát triển du lịch là một trong 5 chương trình kinh tế lớn của tỉnh giai đoạn 2006-2010, với mục tiêu doanh thu du lịch tăng bình quân hàng năm 14,5%, đưa du lịch tỉnh nhà phát triển, trở thành địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia.
 
TRƯỜNG SƠN - NỐI DÀI DU LỊCH NGHỆ AN
Cao Đăng Vĩnh
,

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An

Nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An có tuyến đường sắt, đường bộ xuyên Việt chạy qua, có sân bay, cảng biển. Nghệ An còn là điểm đầu của tuyến du lịch Con đường di sản miền Trung, điểm đầu con đường huyền thoại Hồ Chí Minh lịch sử và cũng là điểm đầu tuyến du lịch theo hành lang kinh tế đông-tây qua con đường số 8 nối Việt Nam-Lào-Thái Lan. Nghệ An còn có hai cửa khẩu quốc tế quan trọng là Nậm Cắn và Thanh Thuỷ tạo điều kiện thuận lợi nối liền tour du lịch đường bộ từ Nghệ An qua Lào, Thái Lan và ngược lại.

Đặc biệt, từ Nghệ An có thể mở các tuyến du lịch bằng đường hàng không, đường thủy đến các trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế: đảo Hải Nam, Thẩm Quyến, Hồng Kông, Ma Cao (Trung Quốc), Phukhẹt, Băng Cốc, Pattaya (Thái Lan), Nhật Bản, Singapore... Và các tuyến du lịch nội địa đi Sầm Sơn, Đồ Sơn, Hạ Long hoặc vào Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hội An, thành phố Hồ Chí Minh... Nhờ đó Nghệ An trở thành điểm dừng hợp lý cho các tour du lịch nội địa và quốc tế.

Với diện tích trên 16.000 km2, 2/3 lãnh thổ là núi, rừng với độ cao trung bình 400 m, vùng đồng bằng còn lại có nhiều núi, đồi, sông suối đan xen tạo cho Nghệ An có nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên đa dạng, phong phú. Nghệ An còn bảo tồn được nhiều khu rừng nguyên sinh như Vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên rừng nguyên sinh Pù Huống, Pù Hoạt là những kho tàng bảo tồn đa dạng sinh học đã được Hội đồng Liên hợp quốc công nhận là khu sinh quyển thế giới.

Bên cạnh đó, Nghệ An có 82km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp hấp dẫn khách du lịch quốc tế như bãi biển Cửa Lò, Cửa Hội; Nghi Thiết, bãi Lữ (Nghi Lộc) Quỳnh Bảng, Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu), Diễn Thành (Diễn Châu). Nghệ An vinh dự là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới.

Nghệ An là một vùng đất cổ, nơi đây các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết cư trú của người cổ từ thời đại đồ đá cũ cách đây hàng chục vạn năm. Tại Hang Thẩm Om ở Quỳ Châu, các nhà khảo cổ đã phát hiện bên cạnh dấu tích động vật có tuổi trung kỳ khoảng 250.000 năm, những hiện vật đá có thể là công cụ của người xưa. Tiếp đó là những phát hiện về nền văn hoá Sơn Vi, nền văn hoá đá mới Quỳnh Văn và rực rỡ nhất là dấu vết của nền văn minh Đông Sơn tại khu di chỉ Làng Vạc - Nghĩa Đàn. Những phát hiện trên cho thấy Nghệ An từng là một trong những cái nôi sinh ra người cổ - tổ tiên xa xôi của người Việt ngày nay và cũng đã thuộc cương vực của đất nước ngay từ buổi đầu khởi dựng.

Những chiến công hiển hách của nhân dân Nghệ An cùng với nhân dân cả nước trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã để lại trên mảnh đất này những tư liệu lịch sử quý báu. Hiện nay, Nghệ An có trên 1 ngàn di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 183 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng, đặc biệt là khu di tích Kim Liên, quê hương của danh nhân văn hoá thế giới, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam- Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là khu di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt của quốc gia có giá trị lịch sử - văn hoá muôn đời.

Nghệ An không chỉ giàu sản phẩm văn hoá vật thể mà còn rất phong phú văn hoá phi vật thể, có nền văn hoá dân gian phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc như hát dân ca, hát ví dặm, hát phường vải, hò, vè, v.v. với 6 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất Nghệ An: dân tộc Thái, Khơ Mú, Thổ, Mông, Đan Lai, Ơ Đu đã để lại nhiều sản phẩm văn hoá dân tộc đặc sắc tại vùng miền Tây Nghệ An, là những sản phẩm du lịch có sức cuốn hút khách du lịch quốc tế và trong nước.

Khi đánh giá về Nghệ An, ngày 24/2/2005, tại Lễ Công bố Năm Du lịch Nghệ An 2005 và Kỷ niệm 975 năm - Danh xưng Nghệ An, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã phát biểu:

"...Trên đất nước ta, không ít vùng miền được coi là địa linh nhân kiệt, song xứ Nghệ là một trong những địa linh hàng đầu. Đối với mỗi du khách, về Nghệ An trước hết là hành hương về nơi sinh trưởng của Bác Hồ kính yêu để hấp thụ ý chí quật cường "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", khát vọng tột cùng xây dựng nước mạnh dân giàu trên con đường xã hội chủ nghĩa, làm cho "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", cảm nhận tình yêu bao la của Người đối với đồng bào và nhân loại, lĩnh hội những tinh tuý của nền văn hoá đặc sắc và đạo đức thanh tao - những giá trị tinh thần và phẩm chất cao quý nhất mà Người là một biểu tượng sáng ngời.

Bên cạnh những di tích vô giá về Bác Hồ, ở Nghệ An còn không ít những di tích lịch sử khác vì nơi đây thời nào cũng có danh nhân, vùng nào cũng có anh hùng. Với thế mạnh nổi trội ấy, Nghệ An phải trở thành điểm đến về du lịch lịch sử vào loại đệ nhất giang sơn.

Đồng thời, với những cảnh quan thiên nhiên non xanh nước biếc, những công trình văn hoá độc đáo và câu ca tiếng hò quyến rũ, Nghệ An có thể và cần trở thành một điểm hẹn đầy hấp dẫn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và thưởng thức những giá trị văn hoá, tinh thần cao đẹp...".
 
Nghệ An được đánh giá là một điểm đến rất hấp dẫn và thuận lợi của các chương trình du lịch nội địa và quốc tế. Những tiềm năng và lợi thế trên tạo cho Nghệ An có điều kiện thuận lợi phát triển nhiều loại hình du lịch: du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, thể thao, hội nghị, hội thảo...

Trong những năm qua, công tác quy hoạch phát triển du lịch được triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng bảo vệ tốt nguồn tài nguyên du lịch, giúp cho du lịch Nghệ An phát triển bền vững, có hiệu quả, đồng thời thu hút vốn đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đến nay các quy hoạch chi tiết phát triển du lịch các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch biển Cửa Lò, Cửa Hiền, Biển Quỳnh, khu Lâm viên Núi Quyết- Bến Thuỷ, khu du lịch biển Nghi Thiết, v.v. đã được phê duyệt và đang tiến hành đầu tư; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch toàn tỉnh thời kỳ 2009-2020 đang được triển khai và gấp rút hoàn thành.

Đầu tư vào du lịch đạt tốc độ nhanh: đến nay hầu hết các đường giao thông tiếp cận với khu, điểm du lịch trọng điểm đã được xây dựng hoặc nâng cấp. Số lượng các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch phát triển nhanh, quy mô và chất lượng có xu hướng tốt hơn. Tính đến 31/12/2008 trên địa bàn tỉnh có 395 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 07 khách sạn 3 sao, 13 khách sạn 2 sao, 02 khách sạn 1 sao. Hoạt động kinh doanh du lịch đã thu hút tạo việc làm và thu nhập cho gần 6.000 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp ngoài xã hội.

Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch ngày càng được đầu tư có quy mô và bài bản hơn nên hình ảnh Nghệ An nói chung và du lịch Nghệ An nói riêng đã được quảng bá rộng rãi khắp các thị trường trong nước và nước ngoài. Nhờ vậy kết quả kinh doanh du lịch trong những năm qua có hiệu quả và bền vững; lượng khách du lịch trong thời kỳ 2002- 2008 tăng nhanh, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20,4% /năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 26,5% năm.

Tuy vậy, những kết quả thu được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch hiện có. Hoạt động du lịch chủ yếu đang diễn ra tại vùng ven biển: thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các bãi biển: Diễn Thành (Diễn Châu), Quỳnh Phương, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu)... Trong khi đó, miền Tây Nghệ An được coi là nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, nơi có nhiều loài động, thực vật đa dạng, phong phú. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ được các di sản văn hoá phi vật thể được đúc kết từ quá trình lao động sáng tạo lâu dài: tiếng nói, chữ viết, tín ngưỡng, dân ca, nghề thủ công, lễ hội truyền thống, tục thờ cúng tổ tiên, thờ thần của các dân tộc thiểu số...

Việc tuyến đường Hồ Chí Minh được khai thông xuyên Việt sẽ tạo ra cơ hội mới và điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch của Nghệ An nói chung và vùng miền Tây Nghệ An nói riêng. Từ tuyến đường Hồ Chí Minh khả năng kết nối các tour du lịch trong tỉnh, trong nước và quốc tế rất dễ dàng: bãi biển Cửa Lò cách 60km, thành phố Vinh 30km, khu di tích Kim Liên 40km, bãi biển Diễn Thành, Quỳnh Phương, Quỳnh Bảng 40km.

Cũng từ đường Hồ Chí Minh, việc kết nối với các điểm du lịch vùng miền Tây Nghệ An vừa thuận lợi, vừa nhanh chóng. Ngoài việc tăng nhanh lượng khách đến các điểm du lịch hiện có như: thành Trà Lân, Bia Ma Nhai, cây đa Cồn Chùa huyện Con Cuông; Hang Bua, hang Thẩm Om, Hang Thẩm Chạng huyện Quỳ Châu; Đền Chín Gian huyện Quế Phong; di chỉ khảo cổ Làng Vạc huyện Nghĩa Đàn, Đình Võ Liệt tại Thanh Chương, đền Bạch Mã tại Đô Lương, cột mốc số "O" đường chiến lược Hồ Chí Minh tại huyện Tân Kỳ... thác Kèm ở Trung Chính xã Yên Khê, huyện Con Cuông; thác Xao Va, Thác 7 cấp ở Quế Phong ...

Nghệ An có thêm điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến các vùng có tài nguyên du lịch để phát triển sản phẩm du lịch mới: du lịch sinh thái Phà Lài- Khe Khăng; du lịch tham quan làng dệt thổ cẩm Lục Dạ; tham quan Bảo tàng gene động thực vật ở khu bảo tồn Vườn quốc gia Pù Mát... Có thể khẳng định, đường Trường Sơn đã nối dài cho du lịch Nghệ An.

Với tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đạt hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới Nghệ An sẽ khai thác triệt để những tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tuyến đường Hồ Chí Minh vào mục đích phát triển du lịch. Đồng thời, kêu gọi đầu tư xây dựng các khu dịch vụ du lịch dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh như: cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm mua sắm hàng hóa dân dụng và lưu niệm...; nâng cấp các sản phẩm du lịch hiện có; mở thêm nhiều khu, điểm du lịch mới có chất lượng cao thu hút khách du lịch quốc tế nội đia.

Tăng cường mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế để hình thành các tour du lịch liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh.Từng bước đưa Nghệ An trở thành điểm trung chuyển khách của các tour du lịch trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2010 Nghệ An đón 2,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 150.000 lượt khách du lịch quốc tế. Đến năm 2015 đón được 4,8 triệu lượt khách, trong đó có 341.000 khách du lịch quốc tế và năm 2020 đón được 8,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 701.000 lượt khách.
 
NHỚ VỀ HÀ TĨNH
Anh Phương

Trong dọc dài những tháng ngày ác liệt nhưng hào hùng trên tuyến đường đánh Mỹ, không thể không nhắc đến những đóng góp của quân và dân đất Hà Tĩnh, nơi đường Trường Sơn huyền thoại đã đi qua, cùng cả nước giành thắng lợi cuối cùng.

Những con số lịch sử

Theo dòng lịch sử, ngày 12/2/1965, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã họp và nhận định: "Sắp tới đế quốc Mỹ nhất định sẽ dùng máy bay đánh vào Hà Tĩnh” và đề ra nhiệm vụ trước mắt: "Khẩn trương làm tốt công tác phòng không nhân dân, tổ chức lực lượng sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu”. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Chỉ thị của Tỉnh uỷ, công tác chuẩn bị chiến đấu được tiến hành khẩn trương khắp toàn tỉnh: "Củng cố lực lượng dân quân tự vệ, chuẩn bị lực lượng dự bị động viên, tuyển quân thời chiến, tổ chức các đội, các cụm trực chiến, sơ tán cơ quan, xí nghiệp, kho tàng ra khỏi thị xã".

Tuy đã biết trước tình hình và đã tích cực chuẩn bị, nhưng ngành Giao thông Vận tải Hà Tĩnh vẫn phải đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Hà Tĩnh bề ngang hẹp, phía trên là núi rừng trùng điệp, phía dưới là biển, đường bộ nhỏ, mặt đường thấp, lại bị sông suối, kênh rạch chằng chịt cắt ngang, lượng cầu cống lớn: 127 km đường số 1 có tới 100 chiếc cầu, cống; bình quân 0,7 m cầu, cống/1 km đường Cho dù khó khăn, gian khổ, cho dù trên bom dưới đạn, nhiệm vụ cấp bách của ngành Giao thông Vận tải Hà Tĩnh là phải thông đường cho xe nhanh ra tiền tuyến.

Trước nhiệm vụ cấp bách đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng dũng cảm, mưu trí trong toàn ngành Giao thông vận tải như Thư ký công đoàn ngành Hồ Sành, Trưởng phòng bảo đảm an toàn giao thông Nguyễn Đình Hiền; Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh Nguyễn Toát,... đã xuất hiện. Trong tình huống khẩn trương, các anh đã ôm bom nổ chậm ở Cầu Họ vần khỏi mặt đường cho xe qua.
Kinh nghiệm sáng tạo và thành quả của công tác đảm bảo an toàn giao thông huyện Kỳ Anh đã được nhân rộng ra các huyện trong tỉnh như Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, Cẩm Xuyên.

Trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đặc biệt là các tuyến chính: đường số 1, đường 15, đường goòng, địch đánh phá ác liệt liên tục. Với nỗ lực không ngừng thông đường nhanh ra tiền tuyến, tỉnh đã chỉ đạo: Phá bom, thông đường bằng mọi lược lượng và phương tiện sẵn có. Với bè chuối, lưỡi cày hỏng, đoạn sắt gỉ, nam châm lấy trong bình đi-na-mô của xe đạp... đến tháng 12/1967, lực lượng công binh Hà Tĩnh đã phá được 413 quả bom, 196 quả thuỷ lôi ... Nhân dân trong tỉnh thì hăng hái tham gia với khẩu hiệu: "Xe chưa qua, nhà không tiếc", đã phá dỡ nhà mình để mang lấp hố bom.

Nói đến Hà Tĩnh trong những năm chiến tranh, không ai có thể quên địa danh Ngã ba Đồng Lộc với tên 10 người con gái đã trở thành bất tử. Ngã ba Đồng Lộc là "yết hầu” của mạch giao thông nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam" nên Mỹ đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này. Chỉ riêng nửa đầu năm 1968, chúng đã trút xuống nơi đây 4.200 quả bom và tên lửa các loại không kể bom nổ chậm và mìn sát thương... Theo con số thống kê, mỗi mét vuông ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn.

Bên địch càng quyết phá, bên ta càng quyết giữ. Chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để giữ bằng được con đường này. Vào lúc cao điểm nhất, tại ngã ba này đã tập trung 16 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong.

Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 2 Tổng đội thanh niên xung phong 55 của tỉnh Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ (từ 17 đến 24 tuổi) do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Bình thường, tiểu đội hoạt động về đêm để lấp hố bom mà máy bay đã bắn phá vào ban ngày. Nhưng ngày 24-7-1968 có lệnh đặc biệt của đại đội phải thông đường nên 10 cô gái thanh niên xung phong đã ra ngã ba giữa ban ngày để lấp đường.

Ngày hôm ấy, sau vài lần máy bay trinh sát bay qua là 15 lần các tốp máy bay khác lao tới trút bom vào ngã ba. Ba lần, cả tiểu đội bị bom vùi, nhưng sau đó các cô lại rũ đất đứng lên tiếp tục công việc. Đến lượt bom thứ 15, một quả bom rơi ngay trước mặt họ. Một phút... rồi năm phút... trôi qua. Trên đài quan sát không thấy ai trong số mười cô rũ đất đứng dậy. Cả trận địa lặng đi, những người đồng đội òa khóc nức nở...

Hà Tĩnh hôm nay

Hà Tĩnh nằm ở Bắc Trung Bộ, phía tây giáp với Lào, phía Đông tiếp giáp biển Đông, phía bắc giáp Thành phố Vinh, phía nam giáp Quảng Bình. Dân số 1,3 triệu người; có 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và 9 huyện. Lợi thế của Hà Tĩnh là tiếp cận với các thị trường lớn như: Đông- Bắc Thái Lan, Viêng Chăn (Lào), Thành phố Vinh, Thành phố Huế ... Bằng các tuyến đường quốc lộ 1 A, đường sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, đặc biệt là tuyến đường 8A từ thị xã Hồng Lĩnh chạy qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sang thủ đô Viêng Chăn ( Lào) và các tỉnh Đông - Bắc Thái Lan.

Ngoài ra, Hà Tĩnh nằm ở bắc miền Trung là "yết hầu” của con đường giao thông chiến lược hai miền Bắc - Nam, là nơi hội tụ nhiều tuyến đường bộ thông thương sang các nước ASEAN. Do có hệ thống giao thông đường bộ , đường sắt và đường thuỷ thuận lợi nên kinh tế những năm gần đây phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10%, trong đó: khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 16,9% thương mại dịch vụ tăng 10,1%; khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,6%,

Theo số liệu thống kế năm 2008 của tỉnh, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt 2.724 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2007. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 4.528 tỷ đồng, bằng 104,3% so với kế hoạch, tăng 16,38% so với năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu đạt 50 triệu USD, bằng 100% kế hoạch và tăng 7,4% so với năm 2007. Dịch vụ bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin có bước tăng trưởng khá, hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường, đến nay 100% số xã đã có điện thoại cố định, 98% số xã được phủ sóng điện thoại di dộng.

Một trong những lĩnh vục ưu tiên của Hà Tĩnh là chú trọng thu hút đầu tư. Tại khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, khu công nghiệp cảng biển Vũng Áng, khu công nghiệp Gia Lách - Nghi Xuân, tỉnh đã có các cơ chế chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong tỉnh để phát triển công nghiệp, thương mại - du lịch - dịch vụ đáp ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Phía nam tỉnh có cảng nước sâu Vũng Áng, phía bắc tỉnh có Cảng Xuân Hải - Nghi Xuân, các loại tàu từ 10 - 45 ngàn tấn có thể cập hai cảng này để vận chuyển, bốc dỡ hàng hoá thuận tiện.

Đường Hồ Chí Minh trên đất Hà Tĩnh có chiều dài trên 80 km qua ba huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang. Đây là các vùng kinh tế triển vọng của miền tây Hà Tĩnh, đang thức dậy những tiềm năng du lịch lớn. Nếu cửa khẩu Cầu Treo có được cơ chế như cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh) và quan điểm quy hoạch phát triển cửa khẩu này với tầm vóc quốc tế cùng với các giải pháp mạnh bạo thì vùng cửa ngõ phía tây Hà Tĩnh sẽ là một vùng sầm uất, một điểm sáng về kinh tế, xã hội trên con đường xuyên Việt thứ hai của đất nước.
 
QUẢNG BÌNH ĐẨY NHANH TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Phan Lâm Phương

Quảng Bình là nơi hẹp nhất tính theo chiều ngang từ biên giới Việt - Lào của dãy Trường Sơn hùng vĩ đổ về phía biển Đông, là nơi trải qua những năm chiến tranh oanh liệt. Quảng Bình có một vị trí chiến lược cực kỳ xung yếu trên tuyến giao thông huyết mạch vào Nam, ra Bắc của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Quảng Bình là tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Cùng quân và dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã không quản ngại hy sinh, gian khổ bám đất, bám làng, bám trận địa và tuyến đường để sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, bảo vệ và giữ cho mạch máu giao thông qua Quảng Bình thông suốt với khẩu hiệu: Tất cả vì miền Nam ruột thịt, xe chưa qua nhà không tiếc.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và quyết định của Quân uỷ Trung ương tháng 5/1959, Đoàn 559 - đơn vị tiền thân của Bộ đội Trường Sơn sau này, được thành lập và là đơn vị đứng chân, bí mật xây dựng mở tuyến trên đất Quảng Bình. Có thể nói, Quảng Bình là trung tâm để mở các tuyến của đường Hồ Chí Minh (khu vực làng Ho, huyện Lệ Thuỷ) và từ đây về sau đã hình thành nên hệ thống huyết mạch liên hoàn đường Hồ Chí Minh huyền thoại, lan toả rộng khắp cả nước, góp phần to lớn vào thắng lợi chung giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc,

Xác định vị trí, vai trò hết sức trọng yếu của tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Năm 2000, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã vào Quảng Bình dự lễ và trực tiếp cắt băng khởi công công trình cầu Xuân Sơn, khởi đầu cho xây dựng toàn tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Cũng như trong kháng chiến, Quảng Bình trong những năm đổi mới, lại nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi trở ngại, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của Quảng Bình "quật khởi", Quảng Bình "hai giỏi", từng bước chuyển mình, đi lên, xây dựng lại quê hương giàu mạnh và văn minh.

Quảng Bình, nhìn từ các thế mạnh

Quảng Bình là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có 201 km đường biên giới chung với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào về phía tây và 116 km bờ biển về phía đông; cách Thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía Nam; có hệ thống giao thông khá đồng bộ, như Sân bay Đồng Hới, cảng biển nước sâu Hòn La (giai đoạn một cho tàu 1 vạn tấn cập cảng; đang xúc tiến xây dựng giai đoạn hai cho tàu từ 3 đến 5 vạn tấn cập cảng), tuyến đường sắt, đường quốc lộ 1A Bắc - Nam, quốc lộ 12 lên Cửa khẩu quốc tế Chao nối liền với vùng trung Lào và vùng đông bắc Thái Lan rộng lớn, có hai nhánh Tây - Đông đường Hồ Chí Minh.

Quảng Bình có diện tích tự nhiên 8.065km2; dân số đến cuối năm 2007 có 854.900 người, với nguồn lao động dồi dào, trẻ, cần cù, sáng tạo, có trình độ đào tạo cơ bản; tài nguyên khoáng sản phong phú, nhất là trữ lượng đá vôi chất lượng tốt cho sản xuất xi măng, clanhke, có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng và công nghiệp chế biến sản phẩm nông lâm thuỷ sản.

Tài nguyên biển Quảng Bình cũng đa dạng, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền, tạo cho Quảng Bình có một ngư trường rộng lớn, với trữ lượng hải sản khá dồi dào, chất lượng cao, hàng năm có thể khai thác đánh bắt trên 40.000 tấn/năm. Nguồn lợi hải sản biển phong phú về loài (1.650 loài), với nhiều loại hải sản quý hiếm như: tôm hùm, mực, hải sâm, các loại cá có giá trị chế biến xuất khẩu... Bờ biển có hệ thống núi đá đổ ra biển, tạo nên một số cảng biển, bãi tắm và các điểm nghỉ ngơi giải trí kỳ thú, cho phép Quảng Bình phát triển kinh tế tổng hợp về biển; như cửa biển Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng biển Hòn La, bãi tắm Đá Nhảy, Vũng Chùa - Đảo Yến,...

Đặc biệt, Quảng Bình có tiềm năng phát triển du lịch văn hoá, lịch sử và sinh thái rừng - biển rất đa dạng; có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nhiều bãi tắm đẹp, môi trường xanh, sạch...; Hệ thống dịch vụ phục vụ các nhà đầu tư, khách du lịch không ngừng được cải thiện, như sân bay, hệ thống cảng, đường giao thông, cửa khẩu quốc tế, các khách sạn, nhà hàng, hệ thống bưu chính, viễn thông, các ngân hàng, y tế, bảo hiểm xã hội ... ngày càng phát triển. Những yếu tố đó đã và đang là cơ hội tốt để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang đến với Quảng Bình.
 
Quảng Bình quyết tâm thoát nghèo, phát triển đi lên vững chắc

Qua gần 3 năm (từ năm 2006 đến năm 2008) thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006 - 2010, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển ổn định; tăng trưởng kinh tế vẫn giữ mức cao nhất trong các năm qua; cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được tăng cường; các lĩnh vực văn hoá, xã hội có chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân cơ bản vẫn ổn định, an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) bình quân hàng năm đạt mức trên 2 con số; cụ thể: năm 2006 đạt 11,5%, năm 2007 đạt 11,63%, và năm 2008 đạt 11,42% (mục tiêu 11 - 12%); giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 3 năm: 22,65% (mục tiêu 20 - 21 %); giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân: 4,0% (mục tiêu 4 - 4,5%); Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng bình quân: 11,6% (mục tiêu 11 - 12%); Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, ngư nghiệp: 24,1%; công nghiệp - xây dựng: 36,6%; dịch vụ: 39,2% (mục tiêu đến năm 2010 tương ứng là: 20%, 40%, 40%); Sản lượng lương thực đến cuối năm 2008 ước đạt: 26,1 vạn tấn (mục tiêu 25,5 -26 vạn tấn); Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 14 - 15%; Thu ngân sách trên địa bàn 853 tỷ đồng (mục tiêu năm 2010: 1.000 tỷ đồng). Tỷ lệ hộ nông thôn được dùng nước sạch 68% (mục tiêu 70%); Tỷ lệ số xã phủ sóng truyền hình 97%; Thu nhập bình quân đầu người: 9,5 triệu đồng/ người/ năm (mục tiêu năm 2010 đạt 11,2 đến 12,8 triệu đồng/người/năm); Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn từ năm 2006 đến năm 2008 đạt 6.916 tỷ đồng.

Năm 2007, 2008 là hai năm đầu nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng là hai năm Quảng Bình thực hiện chủ đề cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực; với phương châm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực trong việc đổi mới hình thức, phương thức mời gọi đầu tư, kịp thời ban hành chương trình, bổ sung chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư và đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như: phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm có tính đột phá như cảng biển Hòn La, sân bay Đồng Hới ... Tăng cường công tác quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính ... Nhờ đó, công tác xúc tiến đầu tư trong hai năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá. Số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, khảo sát, đăng ký và triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh tăng nhiều so với các năm trước.

Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 125 dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn vớt tống số vốn lên đến 25.620 tỷ đồng; năm 2008 đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 36 dự án với tổng vốn đầu tư 7.308 tỷ đồng. Quý 1/2009 có 10 dự án đăng ký đầu tư mới và 17 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với số vốn 914 tỷ đồng ... . Trong đó có một số dự án quy mô lớn, có vị trí, vai trò động lực quan trọng đối với sự thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh như: xây dựng cảng Hòn La giai đoạn II, sản xuất clanhke, xi măng, luyện và sản xuất phôi, thép, trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch, công suất 2.400 MW, công nghiệp đóng tàu, khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái suối Bang, khu nghỉ dưỡng Sun Spa Resort...

Hiện các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đến nghiên cứu tìm hiểu xúc tiến đầu tư các dự án ở Quảng Bình, báo hiệu xu hướng đầu tư vào địa bàn tỉnh trong năm 2009 và các năm tới vẫn có xu hướng tăng lên, mặc dù thời gian qua kinh tế thế giới và khu vực có sự suy giảm.

Phấn đấu đạt được chuyển biến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả và sự phát triển bền vững

Năm 2009 là năm có ý nghiã quan trọng đối với tỉnh Quảng Bình trong việc tiếp tục tạo đà tăng trưởng và phát triển cao hơn các năm trước, là năm áp cuối của việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Nhằm nỗ lực phấn đấu hoàn thành sớm các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Quảng Bình đã định hướng, mục tiêu nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các năm tới là: Phấn đấu ngăn chặn suy giảm, duy trì để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và bền vững; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trên cơ sở cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chủ động tham gia hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế có hiệu quả theo Chương trình hành động của Chính phủ và của tỉnh; nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục- đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, văn hoá, thể dục thể thao theo hướng xã hội hoá; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện mức sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng còn nhiều khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm an sinh xà hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục tăng cường các giải pháp để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng, vượt qua khó khăn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục xác định chủ đề năm 2009 là: “Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực”.

Nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của tuyến đường Hồ Chí Minh hai nhánh Tây, Đông qua Quảng Bình, cũng như các tuyến đường ngang nối quốc lộ 1A với tuyến đường Hồ Chí Minh và đường quốc lộ 12A, tỉnh Quảng Bình đã sớm có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, khu vực hành lang hai bên của các tuyến đường này; trên cơ sở thế mạnh từ tài nguyên rừng, đất rừng để bảo vệ và phát triển trồng rừng nguyên liệu, trồng cây công nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến; tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển du lịch sinh thái gắn với các điểm di tích văn hoá - lịch sử. Phát triển kinh tế để sớm thoát nghèo, đi lên làm giàu chính đáng và góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh trên tuyến biên giới Việt - Lào.

Ngày nay khi đi qua các tuyến đường vừa nêu trên, ai cũng có thể thấy được cơ sở hạ tầng giao thông, điện, trường học, trạm y tế, chợ cụm xã, nhà ở của đồng bào,... đã được đầu tư xây dựng về đến các xã, các bản làng vùng sâu vùng xa, miền núi. Các chương trình 134, 135 của Chính phủ đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền tây Quảng Bình cải thiện sản xuất và đời sống ngày càng chuyển biến tiến bộ hơn. Và trên thực tế, công trình Đường Hồ Chí Minh lịch sử ngày nay, cũng như các địa phương khác trong cả nước có con đường đi qua - đã giúp Quảng Bình hướng tới một dải đất còn nhiều tiềm năng, khai phá đi lên ở thời kỳ phát triển mới ... . Đó thực sự là con đường tri ân đối với đồng bào các dân tộc vùng miền núi phía đông dãy Trường Sơn hùng vĩ, đã chịu bao đau thương, gian khổ cùng cách mạng kháng chiến thành công - và cũng là con đường xoá đói, thoát nghèo đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Nhìn lại gần 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế- xã hội (2006 - 2010), mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục và trong điều kiện phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức thì những kết quả đã đạt được trên đây là rất đáng phấn khởi. Và, cũng có thể nói từ đây Quảng Bình đã xác định được lối ra thoát nghèo, mở hướng phát triển đi lên phải là công nghiệp, du lịch, dịch vụ và tiếp tục ổn định sản xuất, đời sống trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở đó, tiếp tục phấn đấu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước 5 năm 2006 - 2010 trong thời gian còn lại với nỗ lực và quyết tâm mới để giành thắng lợi mới cao hơn nữa. Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình kiên định phương châm: đồng tâm, đồng lòng, đoàn kết phấn đấu vì một quê hương sớm thoát nghèo và phát triển nhanh, giàu, mạnh, sánh kịp cùng các địa phương trong khu vực và cả nước.
 
HƯỚNG HOÁ -TỪ CHIẾN TRƯỜNG ĐẾN THƯƠNG TRƯỜNG
Hương Ly

Đã 41 năm trôi qua kể từ ngày tiếng súng cuối cùng dứt trên thung lũng Khe Sanh, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị, vùng đất đầy bom mìn, đạn pháo phế liệu chiến tranh ấy đã vươn mình đứng dậy thành một miền trù phú tràn đầy sinh lực, một thương trường sôi động ngay trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Chiến trường lịch sử

Trong chiến tranh, Khe Sanh một thời là cứ điểm lớn nhất trong tuyến phòng thủ Đường 9, được coi là "bất khả xâm phạm" của Mỹ. Tại Khe Sanh đã diễn ra những trận đánh lớn trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa có một nơi nào mà mật độ giội bom dày như ở Khe Sanh. Pháo đài bay hạng nặng B.52 đã được tung ra, hơn 100.000 tấn bom đã trút xuống trong một vùng rộng chưa đến 5 dặm vuông không ngăn được quyết tâm thông đường Hồ Chí Minh đoạn Đường 9 qua Nam Lào của quân dân ta.

Ngày 9-7-1968, sau 170 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí và kiên cường trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, huyện Hướng Hóa với hơn mười nghìn đồng bào Vân Kiều, Pa Cô được giải phóng. Thắng lợi to lớn này khiến Khe Sanh mãi mãi được vinh danh như một "Điện Biên Phủ thứ hai". Ngay sau chiến thắng oai hùng ấy, hãng tin Reuters (Anh), ngày 27-6-1968 đã phải công nhận "Khe Sanh được ghi vào lịch sử chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như là một nơi phải trả với giá đắt nhất bằng máu”, làm cho "uy tín của nước Mỹ suy sụp" ...

Đường 9, một nhánh của con đường tiếp vận mang tên Bác cũng từ đây được thông suốt để chuyên chở vật lực cho chiến trường miền Nam Việt Nam. Đường 9, con đường kinh hoàng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ngày xưa, nay đã được nâng cấp để trở thành con đường xuyên Á trên Hành lang kinh tế Đông - Tây trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Ngày nay, khi Đại lộ Hồ Chí Minh hiện đại lưu thông, Hướng Hóa sẽ được gắn kết các vùng miền kinh tế phía Tây đất nước.

Thị trường tiềm năng

Giờ đây Hướng Hoá không còn dấu vết hoang tàn của thời mưa bom bão đạn, của những cánh rừng trơ trụi bởi chất độc hoá học và bom Napan. Phủ trên các ngọn đồi ngút ngàn xanh sắc lá cà phê. Với đất đai màu mỡ, lúa ngô, sắn và các loại cây công nghiệp, cây ăn quả đang đua nhau vươn dậy.

Trong lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt hơn 18%. Các hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ của các thành phần kinh tế trên địa bàn ngày càng đa dạng phong phú và sôi động; kích thích sự cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất giữa các thành phần kinh tế. Với tinh thần chủ động hội nhập, Hướng Hoá đã đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản như cà phê, chuối, bột sắn nguyên liệu sang Mỹ, Đức, châu Âu...

Hệ thống giao thông trên địa bàn cơ bản đã được đầu tư có hệ thống và phát triển vượt bậc, thương mại - dịch vụ đã và đang được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Toàn huyện có 100% số xã có điện lưới, trên 90% hộ trong huyện sử dụng điện lưới. Huyện tập trung xây dựng các trường kiên cố, góp phần phát triển quy mô giáo dục, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường bình quân hàng năm đạt 97%. Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố và mở rộng, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ khám chữa bệnh được tăng cường.”

Hướng Hoá rất chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo thành một trục kinh tế liên hoàn từ trung tâm huyện và nam bắc Đường 9, mở ra một triển vọng mới trong khai thác tiềm năng đất đai.

Đặc biệt, Hướng Hoá đã huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; coi trọng kinh tế nông nghiệp, nông thôn miền núi, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản với 3 loại cây chủ lực là cà phê sắn, chuối; Khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng, đồng thời tích cực xoá đói giảm nghèo; Chăm sóc những gia đình có công với nước, những người bị rủi ro, hoạn nạn. Năm 2008, Hướng Hoá đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Hướng Hoá là điểm đầu của con đường xuyên Á, nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Mianma, Đông Bắc Thái Lan, Sa Va Na Khét - Lào... Vì vậy, huyện có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi và quan trọng trong việc mở rộng quan hệ thương mại với các nước trên thế giới qua cửa khẩu Lao Bảo.

Đến Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo của Hướng Hoá còn bắt gặp hình ảnh một Hướng Hoá sôi động, một thị trường với doanh nghiệp từ nhiêu quốc gia: Thái Lan, Lào, Trung Quốc... đến buôn bán, đầu tư Hoạt động thương mại - dịch vụ trong khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo đang phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô, chất lượng cũng như các loại hình kinh doanh, làm cho môi trường kinh doanh thương mại ở đây ngày càng sôi động; hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương. Lao Bảo xứng đáng là cửa ngõ trên hành lang kinh tế Đông- Tây trong tiến trình hội nhập và chắc chắn sẽ trở thành một đô thị hiện đại trong tương lai không

Tuy vậy. đối với một huyện vùng cao biên giới, những khó khăn thách thức cùng không ít: nền kinh tế Hướng Hoá phát triển nhanh nhưng chưa bền vừng; trình độ dân trí còn có sự chênh lệch giữa các vùng; cơ sở vật chất - kỹ thuật chưa đáp ứng với tiềm năng, thế mạnh để phát triển. Chính vì vậy, vùng “đất lửa" xưa kia đang gồng mình để khắc phục khó khăn, vươn lên trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
 
A LƯỚI - ĐẤT THÉP NƠI BIÊN GIỚI PHÍA TÂY
Ly Nguyễn


Nếu như cần tìm hiểu thông tin về A Lưới qua internet, những lưu trữ trên Google hiển thị vẻn vẹn vài dòng thông tin: “Từ thành phố Huế đi về phía tây 70 km là đến huyện A Lưới, đây là một thung lũng khá rộng, nơi có đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua và là chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ những năm từ 1960 đến 1975".

Với những ai đã từng một lần đặt chân đến A Lưới, hẳn ấn tượng về vùng đất này không thể giản đơn như thế. A Lưới thực sự là bức tường thành phía Tây Thừa Thiên - Huế trong cách mạng giải phóng dân tộc, là “đất thép" trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng chục trận đánh dữ dội đã diễn ra, hàng trăm tấn bom đạn đã dội xuống, và máy bay rải chất độc hóa học Mỹ đã "đan lưới" trên vùng trời này khai tử biết bao cánh rừng rậm rạp. Thế mà, sức sống nơi đây vẫn bất diệt, "con đường huyền thoại” vẫn không bị chặt đứt.

Đường Hồ Chí Minh trên địa bàn A Lưới

Trong kháng chiến, A Lưới là nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Mặt trận giải phóng Trị - Thiên, nơi sản sinh ra nhiều người con anh hùng các dân tộc miền núi như A Nam, Kan Lịch, Hồ Vai ... Và nơi có nhiều địa danh lịch sử với những tên núi, tên sông của vùng rừng núi A Lưới đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đã ăn sâu trong ký ức của biết bao đồng bào, đồng chí và đã không biết bao phen làm cho quân thù khiếp sợ...

Đường Hồ Chí Minh qua A Lưới đan xen bới các tuyến đường mòn 71, 72, 73, 74 mà trong cuộc kháng chiến chổng Mỹ, cứu nước, đây là đầu mối giao thông quan trọng để vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Nếu không tính tổng chiều dài các nhánh rẽ về đồng bằng của 4 con đường 71, 72, 73, 74 và tuyến đường Tây Trường Sơn từ Lào sang, thì đoạn đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn đi qua huyện A Lưới bắt đầu từ cầu Đắk Rông (Quảng Trị) qua đèo Pê Ke vào đến đất A Lưới có chiều dài gần 90 km, đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua huyện A Lưới dài 106 km rồi tiếp tục qua A Đớt, Hiên, Thạnh Mỹ (Quảng Nam). Đây là con đường vận chuyển chiến lược bằng cơ giới được mở vào năm 1968 khi Khe Sanh (Quảng Trị) giải phóng.

Dọc theo con đường mang tên Bác từ xã Hồng Thủy đến A Ràng, nhà nhà khang trang, công trình dân sinh hiện hữu khắp nơi. Đi trên con đường này sẽ dẫn đến các địa danh lịch sử cách mạng nổi tiếng một thời, như: các nhánh đường 70, 71, 72, 73, 74, Bốt Đỏ, sân bay A So, thung lũng A Sầu, các đồi A Bia, Co Ca Va, hệ thống địa đạo ở Hồng Bắc, Hồng Kim, A So... Những địa danh này gắn kết núi rừng Trường Sơn hùng vĩ càng khơi dậy ký ức về một A Lưới anh hùng bất khuất, mang sức sống mãnh hệt diệu kỳ.

Đường Hồ Chí Minh hoàn thành là một động lực quan trọng thúc đẩy huyện miền cao A Lưới của Thừa Thiên - Huế phát triển mọi mặt. Con đường là đầu mối giao thông liên lạc giữa huyện miền núi A Lưới về với đồng bằng, giữa đồng bào các dân tộc miền núi, vùng cao về với miền xuôi; từng bước xóa bỏ sự ngăn cách, chênh lệch về văn hóa, kinh tế, xã hội của từng vùng để cùng nhau tiến lên trên con đường đổi mới của tỉnh nhà. Tiềm năng du lịch ẩm thực, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa truyền thống sẽ được khai phá. Vì vậy, có thể đặt niềm tin rằng, du lịch A Lưới sẽ trở thành một "vệ tinh" quan trọng trên con đường di sản miền trung, một nhân tố tích cực trong tiến trình xóa đói, giảm nghèo.

Trong kháng chiến chống Mỹ, 557 người con dân tộc thiểu số đã hy sinh cho đất nước, 1.080 thương binh, bệnh binh, hàng nghìn lượt dân công hỏa tuyến, hàng nghìn người đang bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam.

Không như những huyện vùng đồng bằng khác, A Lưới là huyện có nhiều dân tộc như Tà Ôi (hay còn gọi là Pa Cô), Cà Tu, Vân Kiều, Pa Hy ... Trong mạch nguồn mỗi câu chuyện kể của dân tộc mình thì ơn Đảng, ơn Bác Hồ như suối nguồn chảy mãi, không bao giờ cạn. Cũng vì lẽ đó, đồng bào các dân tộc ở đây đã tự nguyện lấy họ Hồ làm họ của mình để thể hiện một lòng son sắt theo cách mạng. Tính đến nay, toàn huyện có gần 11 nghìn người mang họ Hồ.

Trên quê hương của những người mang họ Hồ hôm nay, cải đói nghèo lạc hậu đả lùi xa. Nhiều năm qua, huyện đã tập trung cho chương trình phát triển, nâng cao đời sống bà con đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhất là Chương trình 135 đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo được bộ mặt nông thôn mới, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Màu xanh của mía, của cà phê... đã từng bước khỏa lấp đi những sườn đồi trơ trụi lá. Hình ảnh từng đàn bò gặm cỏ đã cho thấy sự hồi sinh của một vùng quê.

Hệ thống điện chiếu sáng đã về với bà con ở từng bản xa xôi hẻo lánh. Mạng lưới y tế, giáo dục được nâng cấp, cải tạo (100% xã có trường học và trạm y tế). Đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được nâng cao. Có hàng trăm học sinh cấp III và nhiều em đang theo học tại các trường đại học, cao đắng, trung học chuyên nghiệp... đã góp phần tạo nên một sức bật mới cho A Lưới hôm nay và mai sau.

Tiềm năng du lịch

Tiềm năng du lịch của A Lưới rất lớn, rất nhiều địa danh như hồ A Co, suối nước nóng A Ràng... Đặc biệt, thiên nhiên ưu đãi cho A Lưới có được thác nước hùng vĩ A Nô (cách trung tâm huyện 5, 6 km). Hiện nay, điểm du lịch sinh thái này đã thu hút khá đông du khách trong nước và ngoài nước đến thưởng ngoạn.

Thác A nô tọa lạc tại xã Hồng Kim, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế. Không kỳ vĩ bao la như Bạch Mã, khu du lịch sinh thái thác Anô rộng chừng 10 ha, gợi cho du khách cảm giác gần gũi, thân quen với cảnh vật núi rừng gần như còn trong trẻo nguyên sinh.

Đến A Lưới còn là dịp đến vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Chiếm vị trí trang trọng giữa các làng, bản là các nhà rông, nhà sàn to lớn. Những ngôi nhà này dùng làm nơi sinh hoạt cộng đồng, họp bàn chuyện hệ trọng, trưng bày hiện vật quý giá... A Lưới còn là nơi nổi tiếng bởi bàn tay các thiếu nữ Tà Ôi làm nên sản phẩm dệt thổ cẩm đầy mầu sắc, hoa văn ấn tượng. Cùng với sản phẩm dệt, ở A Đớt, A Ngo, các xã khác như Hồng Thái, Nhâm vẫn còn lưu giữ được nghề làm khèn, nhạc cụ, gùi cõng, đồ trang sức các loại, với những nghệ nhân có bàn tay, sức sáng tạo điêu luyện.

Mỗi năm hàng trăm lượt khách du lịch là cựu chiến binh đã trở về đây để thăm lại chiến trường xưa. Địa đạo Động Sọ là một nơi như vậy, nằm ở phía dưới 2 ngọn đồi A So và A Túc. Đây là một hệ thống cụm, hầm địa đạo có khoảng 15 cụm, phân bố ở 3 khu vực theo 3 con khe nhỏ khác nhau là khe Cúp, khe Chân Chồm và khe Tầng Hối. Trải qua nhiều đợt công kích và mưa bom của kẻ thù, nhưng các địa đạo đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn.

Địa đạo Động So được đào năm 1967, trước đây là kho chứa vũ khí của Binh đoàn 559. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, địa đạo là nơi cung cấp lương thực, vũ khí cho quân ta đánh vào thành phố Huế. Hàng loạt các di tích lịch sử khác như sân bay Tà Lụt, đèo Tà Lương, đồn A Sầu... ; đến hầm địa đạo A Dòn, nơi đặt Đài phát thanh giải phóng đầu tiên của Quân khu Trị Thiên- Huế vào năm 1968. Rồi đến đồn A Bia, nơi trở thành di chứng khủng khiếp cho thất bại của lịch sử của quân đội viễn chinh Hoa Kỳ mà những người lính Mỹ khiếp sợ đã đặt tên cho nó là Đồi Thịt Băm.

Du lịch A Lưới cần được kết nối với các tour du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), các nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đường 9 - Nam Lào - Khe Sanh... (Quảng Trị), di tích lịch sử và di sản quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), Hội An (Quảng Nam). Đồng thời, cũng phải tính đến lợt thế khi hai cửa khẩu biên giới đã thông với nước bạn Lào để tăng cường sức quảng bá, đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch, tham quan, giao lưu, hợp tác,.... Mặt khác, A Lưới cũng cần sớm tính đến bài toán quy hoạch bảo tồn lâu dài các điểm di tích lịch sử cách mạng để đón chào đường Hồ Chí Minh hiện đại.
...
 
QUẢNG NAM VỚI ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI
Nguyễn Ngọc Hạnh, Phạm Phúc, Lê Anh Dũng


Như một mạch nguồn cách mạng, đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại chạy qua đất Quảng Nam bồi đắp nên hào khí "trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ". Với lợi thế của Đường Hồ Chí Minh mới hiện nay, Quảng Nam, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng cao, vùng căn cứ kháng chiến cũ ngày càng thay da đổi thịt. Con đường mới đã biến khát vọng của những người mở đường Trường Sơn năm xưa trở thành hiện thực của ấm no, hạnh phúc.

Đường Trường Sơn chạy qua 4 huyện của tỉnh Quảng Nam, đó là các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang và Phước Sơn với tổng chiều dài 175 km. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân miền núi Quảng Nam đã tích cực hưởng ứng các phong trào "Làm rẫy cách mạng, nuôi con heo, con gà cách mạng".

Nơi nơi tăng gia sản xuất, giao ước thi đua với khẩu hiệu “đánh giặc giữ làng"; mỗi người phấn đấu trồng thêm sắn; tất cả các rẫy được đặt tên “rẫy cách mạng", "Rẫy đoàn kết”, "Rẫy độc lập", "Rẫy nhớ Bác Hồ", “rẫy mong thống nhất" nhằm giải quyết vấn đề lương thực, bảo đảm cho số cán bộ lên miền núi và lực lượng vũ trang hoạt động lâu dài và ngày càng đông.

Nhân dân còn góp phần không nhỏ vào việc mở đường, tham gia cõng, thồ hàng trên các tuyến Trường Sơn. Nhiều tấm gương gùi thồ hàng, giao liên, mở đường cho xe pháo ra tham gia chiến dịch, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, những tấm gương hy sinh anh dũng,... đã được sử sách ghi lại như những chiến công chói lọi.”

Từ khi đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa hình thành đã tạo ra những biến đổi kinh tế- xã hội sâu sắc, hình thành các khu dân cư, định canh định cư theo hướng quy hoạch lâu dài.

Huyện Tây Giang có 28 km đường Hồ Chí Minh đi qua ba xã Bha'lêê, Vương và Nông. ông Bh'riu Liếc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện cho biết: "Khi mới chia tách, tỷ lệ hộ đói nghèo của Tây Giang là 86%, qua 5 năm, tỷ lệ trên giảm xuống còn 58%. Lúc đầu, Tây Giang được coi là 6 không (không điện, không đường, không trường, không trạm, không chợ, không nơi làm việc) nay Tây Giang có đầy đủ: 100% xã có điện thoại, hơn 85% xã có điện, 7/10 xã có bác sĩ đứng trạm, 70/70 thôn có trường tiểu học và lớp mầm non, bình quân 2,4 người dân có 1 người đi học, 9/10 xã và 56/70 thôn có đường ô tô đến được mùa nắng. Huyện có 3 trường trung học cơ sở bán trú cụm xã kiên cố, có trường dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông, mở lớp đại học nông nghiệp hệ vừa học vừa làm đào tạo cho 86 cán bộ huyện, xã... Riêng 3 xã có đường Hồ Chí Minh đi qua, đời sống kinh tế, văn hoá phát triển mạnh hơn các xã khác".

Từ đường Hồ Chí Minh, huyện có cơ hội đầu tư và tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 107 ha tại xã Nông để phát huy chiều dài 12km đường Trường Sơn năm xưa vào xây dựng và phát triển du lịch, sinh thái, lịch sử và văn hoá. Ở khu vực ngã ba gần Đồn Biên phòng 645, huyện đã có dự định xây dựng đền thờ tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ với thiết kế biểu tượng 2 nền văn hoá Việt- Cơ tu ...

Trên địa bàn huyện Đông Giang, Trao là trạm đầu tiên của trục đường Nam - Bắc trên đất Quảng Nam nối với trạm A Lưới - Thừa Thiên. Trên trục đường này, nhân dân Đông Giang tích cực tham gia gùi cõng, xây dựng kho tàng, bảo vệ các tuyến hành lang đi qua huyện. Là một bộ phận căn cứ địa miền núi nằm sát cạnh Thượng Đức (Đại Lộc), huyện Đông Giang là hậu phương trực tiếp, là nơi tập trung binh lực của ta phục vụ cho cuộc tiến công vào Thượng Đức, Huyện ủy đã huy động phần lớn cán bộ dân chính và nhân dân tham gia mở đường vận chuyển, làm lán trại, huy động dân công tham gia mở được 25 km đường

Ngoài ra, nhân dân Đông Giang còn phục vụ mở đường từ Trao đi Bến Hiên với 5.500 công. Cuối năm 1974, đầu năm 1975 Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Giang đã tham gia mở con đường Thắng Lợi chạy từ Trao nối với Đường Hồ Chí Minh, xuống đến dốc Kiền để đưa xe, pháo và một cánh quân lớn của ta tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng.
 
Ngày nay, Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa đi qua huyện Đông Giang 37 km, trải dài trên địa bàn 2 xã và 1 thị trấn. ông Nguyễn Bằng, Bí thư Huyện uỷ cho biết: "Cái lợi trước mắt là việc giải tỏa đền bù đã giúp cho đồng bào sinh sống hai bên trục đường này có thêm khả năng tài chính đầu tư, phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo". Con đường góp phần hình thành các khu dân cư, định canh định cư theo hướng quy hoạch lâu dài. Các công trình hạ tầng cơ sở, giao thông liên thôn, liên xã được nhanh chóng triển khai, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt nhiều mặt của nhân dân trên địa bàn.

Các hoạt động kinh tế, thương mại du lịch không chỉ bó gọn trong một mùa nắng như trước đây; đặc biệt các loại hình dịch vụ theo đó cũng bắt đầu phát triển như xây dựng nhà hàng, khách sạn, cây xăng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... , kéo theo việc thu hút đầu tư tăng lên đáng kể. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng, các mô hình về nông - lâm nghiệp bước đầu hình thành và khẳng định trên thực tế. Văn hóa xã hội chuyển biến rõ nét, đời sống nhân dân có bước cải thiện và nâng lên đáng kể...

Đường Hồ Chí Minh đã góp phần rất lớn giúp cho Đông Giang nhanh chóng thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thoát khỏi ốc đảo tự cung tự cấp dần dần hột nhập với nền kinh tế thị trường...".

Với huyện Phước Sơn, đường Hồ Chí Minh có tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây (xuyên Á), Bắc - Nam (xuyên Việt), kết nối đến các trung tâm đô thị và kinh tế lớn như Đà Nẵng, khu kinh tế mở Chu Lai, khu công nghiệp Dung Quất, khu kinh tế cửa khẩu Đắk - Ốc (Quảng Nam), cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), tuyến đường đông Trường Sơn, tuyến Khâm Đức - Bắc Trà My... đã giúp cho đồng bào đi lại, hàng hóa lưu thông dễ dàng giữa miền xuôi và miền ngược.

Trên địa bàn huyện, con đường đã góp phần rút ngắn khoảng cách từ trung tâm hành chính huyện đến các xã vùng sâu vùng xa, góp phần đưa kinh tế xã hội địa phương phát triển. Các tiềm năng về thủy điện, khoáng sản quý đang được đầu tư khai thác. Hiện các công trình thủy điện lớn như Đắk My 1, Đắk My 4 đang được xây dựng. Mỏ vàng có trữ lượng khoảng 20 tấn được Công ty trách nhiệm hữu hạn Phước Sơn liên doanh với các đối tác nước ngoài như Ôxtrâylia, Niu Dilân, Canađa, Philíppin... xây dựng nhà máy khai thác, chế biến. Dự án này có quy mô khoảng 30 triệu USD, đã bắt đầu đi vào hoạt động có hiệu quả.

Phước Sơn cũng đã xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, ... đến tận các xã hẻo lánh, xa xôi; sắp xếp dân cư theo hướng hợp lý nhằm triển khai các chương trình kinh tế - xã hội; đặc biệt tập trung phát triển nguồn lợi từ rừng bằng cách đẩy mạnh giao đất, giao rừng để đồng bào trực tiếp nuôi trồng, chăm sóc bảo vệ; phát triển mạnh cây quế, nhân rộng cây sâm Ngọc Linh, khai hoang ruộng bậc thang, kiên quyết không phá rừng già làm nương rẫy... .

Trên Đường Hồ Chí Minh đi qua Phước Sơn có nhiều điểm dừng chân của du khách rất lý thú như : Thác nước, đèo Lò Xo, Suối Đăk Ga, Đồi E... Nơi đây có thể phát triển nhiều loại hình du lịch, dịch vụ phong phú, hấp dẫn, đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch văn hóa - lịch sử...

Ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện khẳng định: "Trong tương lai không xa, Phước Sơn sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh Quảng Nam cũng đang từng bước xây dựng Khâm Đức trở thành thị xã miền núi đông vui, xanh, sạch, đẹp và văn minh phía tây của tỉnh- một đô thị hoàn chỉnh trong các lĩnh vực giao thông nội thị, hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt, bến xe mới, bệnh viện, điện chiếu sáng công cộng, trường học, các khu vui chơi giải trí...".

Huyện Nam Giang có 53km Đường Hồ Chí Minh chạy qua Thạnh Mỹ và xã Cà Dy, nơi có làng Rô đã đi vào thơ của Tố Hữu "ơi làng Rô nhỏ của tôi. Cao cao đỉnh núi chiếc nôi đại bàng". Từ ngày có Đường Hồ Chí Minh qua huyện, đời sống đồng bào các dân tộc, nhất là nơi có con đường chạy qua đã thay đổi vượt bậc, các địa phương đã có đường, điện, trường, trạm, từ chỗ lương thực tự cung tự cấp đã dần dần chuyển sang sản xuất hàng hoá; từ chỗ thất học đã có nhiều con em vào đại học, từ chỗ hàng năm phải cứu trợ, nay đã giảm thiểu tỷ lệ hộ đói nghèo, chính trị ổn định, quốc phòng- an ninh được giữ vững.

Trò chuyện với lãnh đạo các huyện miền núi của Quảng Nam có Đường Trường Sơn đi qua, họ đều cho rằng Đường Hồ Chí Minh huyền thoại thực sự là đòn bẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tuy nhiên để phát huy hơn nữa hiệu quả của con đường này, theo Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tây Giang Bh'riu Liếc, từ con đường hiện đại này, rất mong Chính phủ sớm có kế hoạch đầu tư mở đường "xương cá" về phía tây để 8 xã biên giới của huyện gồm Nông, Atiêng, Lăng, Tr'hy, Xan, Châm, Ga'ri, Bha'lêê có điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, tạo điều kiện thông thương, thuận lợi đến huyện Nam Giang và sang cả nước bạn Lào.

Ông Hồ Đơ, nguyên trợ lý tác chiến thuộc Đoàn 559 cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đãi ngộ xứng đáng những người có công, không để bỏ sót bất cứ ai đã từng tham gia phục vụ trên con đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa. Trung ương cũng cần mở nhiều dự án phát triển kinh tế trên tuyến đường này để giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; sớm đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, trồng trọt, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi cho người dân miền núi nhanh chóng thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu.
 
GIAO THÔNG ĐẮK LẮK - MỞ ĐƯỜNG ĐI LÊN CÔNG NGHIỆP HÓA
Kim Bảo - CX

Đắk Lắk là 1 trong 5 tỉnh của vùng Tây Nguyên có vị trí quan trọng nằm trong chương trình tam giác phát triển khu vực của ba nước Việt Nam-Campuchia- Lào. Với diện tích 13.125 km2, dân số 1,9 triệu người trong đó có 2 huyện biên giới giáp Campuchia (huyện Buôn Đôn và huyện Ea Súp), có đường biên giới khoảng 70 km. Toàn tỉnh hiện có 15 đơn vị hành chính, bao gồm thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện. Tỉnh có trên 311.000 ha đất đỏ bazan rất thuận lợi phát triển cây công nghiệp có giá trị cao, theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, tập trung chuyên canh.

Với đặc điểm đia hình có nhiều sông, suối thác nước, Đắk Lắk đang chú trọng vào phát triển công nghiệp thuỷ điện. Trong những năm gần đây kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng. Năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới, lạm phát trong nước ... nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì được tốc độ khá. Đặc biệt quý 1/2009, tổng sản phẩm quốc nội đạt 3.877 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 16%, khu vực Dịch vụ tăng 23%. Tuy nhiên để duy trì sự tăng trưởng ổn định này cần có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là mạng lưới giao thông.

Trước năm 1975 mạng lưới giao thông Đắk Lắk rất yếu kém. Sau ngày giải phóng đến nay được sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của nhà nước, Đắk Lắk đã có mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh.

Thành phố Buôn Ma Thuột - thủ phủ của tỉnh nằm ngay đầu mối các trục giao thông trọng yếu như quốc lộ 14 nối Đắk Lắk với các tỉnh Tây Nguyên và xuôi về thành phố Hồ Chí Minh; quốc lộ 26 nối Buôn Ma Thuột với tỉnh Khánh Hoà; quốc lộ 27 nối Buôn Ma Thuột với tỉnh Lâm Đồng; quốc lộ 14C chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.

Ngoài ra, còn có 14 tuyến tỉnh lộ và hàng trăm tuyến đường huyện, đường xã toả ra khắp địa bàn tỉnh. Tổng chiều dài các tuyến giao thông của Đắk Lắk lên đến gần 7.851 km, trong đó quốc lộ dài khoảng 398 km, tỉnh lộ dài 460 km, còn lại hơn 6.994 km là đường huyện, xã...

Từ năm 1998 khi Đắk Lắc đầu tư mạnh vào giao thông bằng các dự án nâng cấp quốc lộ 26, quốc lộ 14, quốc lộ 27 và nhiều tuyến tỉnh lộ khác, mạng lưới giao thông đường bộ của Đắk Lắk đã đạt được những kết quả đáng mừng. Ngoài các tuyến quốc lộ được hoàn chỉnh với mặt đường bê tông nhựa và toàn bộ cầu cống được xây dựng vĩnh cửu, tỷ lệ nhựa hoá của các tuyến tỉnh lộ đã vươn lên con số 72%.

Hệ thống đường giao thông nông thôn cũng được cải tạo đáng kể. Tính đến cuối năm 2008 đã có khoảng 439 km đường huyện được nhựa hoá; khoảng 478 km đường xã được nhựa hoá;... Địa bàn Đắk Lắk hiện có hai phương thức vận tải chính, đó là vận tải đường bộ và vận tải hàng không, trong đó vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng nhất. Đắk Lắk có sân bay Buôn Ma Thuột là sân bay cao nguyên miền Trung thuộc cụm cảng hàng không sân bay miền Nam hoạt động vận tải hành khách từ năm 1977. Hàng ngày có các chuyến bay từ Buôn Ma Thuột đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Hàng tuần có 3 chuyến bay thẳng Buôn Ma Thuột -Hà Nội.

Mạng lưới giao thông đường bộ cũng được phân bố khá hợp lý, tạo được sự giao lưu giữa các tỉnh trong vùng, các cửa khẩu quốc tế và các cảng biển quan trọng ở đồng bằng duyên hải miền Nam Trung Bộ. Nhờ đầu tư có trọng điểm nên diện mạo đô thị và nông thôn được thay đổi nhanh chóng.

Tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng phát triển đều khắp các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Cụ thể, trong năm 2008 tỉnh đã hoàn thành dự án cải tạo mở rộng quốc lộ 2; dự án cải tạo quốc lộ 27; triển khai dự án nâng cấp các tuyến đường tỉnh nâng tỷ lệ rải nhựa đến 14 tuyến đường tỉnh lộ chiếm khoảng 70%.

Bên cạnh đó, để bắt nhịp cùng tiến độ phát triển kinh tế, tỉnh Đăk Lăk đã tiến hành thi công tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phương, trở thành trục xương sống của mạng lưới giao thông tỉnh, nhằm phát huy nội lực kinh tế cho tỉnh.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển với tốc độ cao, giao thông Đắk Lắk vẫn cần được tiếp tục đầu tư nâng cấp đồng bộ và hoàn thiện, nhằm tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm này phát triển ổn định, bền vững, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mình. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần nâng cao chất lượng lưu thông hàng hóa và hành khách.

Giai đoạn sau năm 2010, Chính phủ sẽ triển khai lập báo cáo tiền khả thi mở tuyến đường Hồ Chí Minh đi song song quốc lộ 14 và thành đường cao tốc dài khoảng 160 km với 6 làn xe đi qua Ea’H leo- Krông Buk- Thành phố Buôn Ma Thuột - khu công nghiệp đến địa phận Đắk Nông.

Hiện nay tỉnh đang tích cực mời gọi đầu tư vào tuyến đường huyết mạch nối hai tỉnh Đăk Lắk - Phú Yên (từ cảng Vũng Rô đến cửa khẩu Đắk Ruê tổng chiều dài 265 km) xuất phát từ Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) - Krông Năng - Buôn Hồ - Cư Mgar - Ea Súp đến Đồn 3 Biên phòng - Cửa khẩu Đắk Rê. Nếu dự án này hoàn thành sẽ tạo sức bật kinh tế cho các huyện biên giới. Tuy nhiên để hoàn thành dự án này vẫn chờ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Ngành giao thông vận tải Đắk Lắk cũng đang triển khai các giải pháp tích cực như đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ; xây dựng chương trình giao thông nông thôn, bố trí kế hoạch vốn hàng năm; phân công, phân cấp các huyện, xã chủ động thực hiện, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư... Tuy nhiên cái đích của mục tiêu nhựa hoá đường giao thông đến năm 2010 của tỉnh Đắk Lắk vẫn đang là sự thách thức mà nếu không có một sự đầu tư "đột phá" và quyết liệt hơn thì khó lòng đạt được chỉ tiêu mà Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra cho giai đoạn 2006-2010.

Đường Hồ Chí Minh là một trong những công trình trọng điểm của Nhà nước giai đoạn từ nay đến năm 2010. Con đường là huyết mạch giao thông, là cơ sở đề đồng bào miền Trung và Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1181/QĐ-TTG về việc phê duyệt thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị hạt nhân của các vùng Tây Nguyên, đồng thời là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện, phát triển giao lưu kinh tế, văn hóa. xã hội giữa Tây Nguyên với các vùng trong nước và quốc tế.

Trong tương lai có thể nói, cùng với con đường quốc lộ 14, Đường Hồ Chí Minh sẽ là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn của Đắk Lắk. Hiện nay, tuyến đường này vẫn chưa lộ rõ trên hành trình của mỗi du khách đến Đắk Lắk nhưng trong tương lai nó sẽ trở thành điểm nhấn mỗi khi nhắc đến vùng đất Buôn Ma Thuột.
 
GIAO THÔNG ĐẮK NÔNG - TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Kim Bảo


Là một tỉnh "trẻ" của Tây Nguyên, sau 5 năm thành lập, Đăk Nông đã có hệ thống giao thông khá phát triển, thể hiện sự "thay da đổi thịt" trên mọi bình diện.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông Nguyễn Văn Viện cho biết: Để khai thác tốt lợi thế có hai cửa khẩu quốc gia Bu Prăng và Đác Per thông thương với tỉnh Mundunkiri, Vương quốc Campuchia, địa phương cần khai thác tốt hệ thống các tuyến quốc lộ nối liền với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải miền Trung, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước và các khu kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Trong năm qua Đăk Nông đã hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14C có tổng chiều dài 99 km, tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; đang thi công nền, mặt đường đoạn Đăk Song đi cửa khẩu Bu Prăng; thi công hệ thống thoát nước vĩnh cửu đoạn Đồn 1 đi Đăk Mil.

Bên cạnh đó, Đắk Nông đã hoàn thành hệ thống tỉnh lộ bao gồm: Dự án tỉnh lộ 5 với tổng chiều dài 11 km, tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng, nguồn vốn của Ngân hàng thế giới, đã thực hiện xong, đưa vào sử dụng năm 2006; Dự án đường tỉnh lộ 6 với tổng chiều dài 62,8 km, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, đã nghiệm thu đưa vào sử dụng gói thầu số 3 với chiều dài 11 km; Các đoạn thuộc các gói thầu còn lại đang triển khai thi công nền, mặt đường; Dự án nâng cấp cải tạo tỉnh lộ 4 đoạn từ km 50 đến km 84 tổng chiều dài 34km, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, nguồn vốn của Ngân hàng phát triển châu Á.

Tính đến cuối năm 2008, toàn tỉnh đầu tư 2.500 tỷ đồng để xây dựng 3.412 km đường trong đó có 1.046 km đường nhựa, chiếm 30,7%. Bao gồm ba tuyến quốc lộ 14, 14C và 28 với tổng chiều dài 310 km, trong đó có 225 km đường nhựa, chiếm 72,6%; hệ thống đường giao thông đô thị 125,2 km có 90,8 km đường nhựa, chiếm 72,5%; sáu tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 318 km, trong đó có 150 km đường nhựa, chiếm 48,3%; hệ thống đường cấp huyện có tổng chiều dài là 497 km, trong đó nhựa hóa được 251 km, chiếm 54,5%; hệ thống đường xã, thôn, buôn toàn tỉnh có 2.170 km, trong đó có 309 km đường nhựa, chiếm 14,3%.

Đến nay, tất cả 71 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có đường ô tô đến tận trung tâm. Hệ thống đường giao thông thông suốt đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như trao đổi, giao thương hàng hóa giữa khu vực nông thôn và thành thi.

Để đẩy mạnh hơn công tác cải tạo hạ tầng giao thông, tỉnh Đắk Nông còn khuyến khích các địa phương tự đầu tư xây dựng các tuyến đường phục vụ cho việc phát triển kinh tế tại các huyện.

Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Cư Jút - Trương Thanh Tùng cho biết: Những năm qua, từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu của tỉnh và huyện với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng đã đầu tư vào phát triển giao thông trên địa bàn huyện. Đến nay hệ thống đường giao thông liên xã đã được trải thảm nhựa 100%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân; nhờ đó đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt hơn 14,6%; tổng giá tài sản xuất đạt 1055 tỷ đồng, tăng 1,64 lần so với năm 2005; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào địa bàn Khu Công nghiệp Tâm Thắng. Hiện nay, Cư Jút là địa phương có tỷ lệ bê tông hóa đường giao thông nông thôn cao nhất của tỉnh Đắk Nông nhờ kết quả của quá trình thực hiện phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Bên cạnh những thuận lợi, Đắk Nông vẫn còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Văn Viện trăn trở: Đắk Nông là một tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt, bình quân độ dốc là 32%, nên chi phí đầu tư xây dựng đường giao thông cao gấp hai lần so với nơi khác. Hằng năm, mùa mưa ở Đắk Nông kéo dài đến bảy tháng, lượng mưa lớn, nhưng các công trình thoát nước trên tuyến còn ít và mới được xây dựng tạm, không bền vững.

Hệ thống đường thôn, buôn, chủ yếu là các tuyến đường nhỏ phục vụ người đi bộ và các loại xe có tốc độ thấp, chất lượng đường chưa bảo đảm do không được cải tạo, sửa chữa. Công tác quản lý, bảo trì đường giao thông còn gáp nhiều khó khăn, nhất là cấp huyện và xã, do chưa có lực lượng làm công tác này và nguồn kinh phí còn hạn hẹp.

Công tác xã hội hóa làm đường giao thông nông thôn còn hạn chế, do đời sống của nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc huy động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là do doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn ít. Bên cạnh đó, thu ngân sách của tỉnh còn eo hẹp, cho nên việc bố trí vốn xây dựng đường giao thông còn khó khăn; bình quân mỗi năm chỉ khoảng 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, thời gian gần đây do tác động suy thoái kinh tế toàn cầu và sự biến động giá vật liệu xây dựng trên thị trường đã ảnh hưởng lớn đến quá trình đầu tư xây dựng đường giao thông trên địa bàn tỉnh. Do đó, hệ thống đường giao thông ở Đắk Nông vẫn còn lạc hậu. Đặc biệt, hệ thống đường nối từ các khu dân cư, các khu vực sản xuất đến các trung tâm tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi, giao thương hàng hóa, nông sản cũng như việc khai thác các tiềm năng, khoáng sản trên địa bàn.

Theo quy hoạch đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông, có hướng chạy dọc từ Bắc đến Nam, có tổng chiều dài khoảng 154 km, với quy mô 6 làn xe. Hiện nay, Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa được đầu tư xây dựng, vẫn sử dụng quốc lộ 14 để đảm bảo giao thông, tuyến đường này được đầu tư từ năm 1997, theo quy mô đường cấp 3, nền rộng 9m, mặt bê tông nhựa rộng 6m, là tuyến đường duy nhất nối Đắk Nông với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên. Hiện tại cũng như trong tương lai gần, nếu tuyến đường không được đầu tư nâng cấp mở rộng sẽ không đáp ứng kịp so với tốc độ phát triển kinh tế.

Đường Hồ Chí Minh là tuyến đường xương sống của tỉnh Đắk Nông, nối Đắk Nông với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, và nối thông khu vực Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh và với các khu kinh tế trọng điểm Nam Bộ. Ngoài ra, theo chương trình phát triển tam giác kinh tế ba nước Đông Dương, hệ thống đường bộ của Lào và Campuchia được đấu nối vào Đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Kiến Đức huyện Đắk R'lấp thông qua cửa khẩu quốc tế Bu Prăng. Như vậy, Đường Hồ Chí Minh còn tạo điều kiện để phát triển thương mại, du lịch với các nước Campuchia và Lào, mở ra triển vọng đầu tư trong tương lai.
 
CHƯƠNG BA
VIẾT TIẾP "BÀI CA TRƯỜNG SƠN"

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN TRÊN MẶT TRẬN MỚI
Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung
Tư lệnh Binh đoàn 12,
Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn


Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam. Tháng 7-1975, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Bộ đội Trường Sơn chuyển sang xây dựng kinh tế. Tháng 6 - 1976, Bộ Quốc phòng quyết định thống nhất Bộ đội Trường Sơn và Bộ Tư lệnh Công binh thành Bộ Tư lệnh công trình. Đến tháng 3 - 1977, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế thay cho Bộ Tư lệnh công trình.

Tổng cục Xây dựng kinh tế có nhiệm vụ chỉ đạo toàn quân xây dựng kinh tế, có quân số lên đến 280 nghìn người, phần lớn là bộ đội Trường Sơn trước đây và bổ sung lực lượng chuyên làm kinh tế từ các đơn vị trong toàn quân. Tháng 10 - 1977, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Binh đoàn 12 trực thuộc Tổng cục Xây dựng Kinh tế, gồm các sư đoàn, trung đoàn công binh Trường Sơn trong chiến tranh.

Binh đoàn 12 - Binh đoàn xây dựng cầu đường chiến lược

Phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần cách mạng tiến công không ngừng, cán bộ, chiến sĩ công nhân viên quốc phòng của Binh đoàn 12 lại tiếp tục có mặt ở những nơi khó, việc khó trải ra trên địa bàn 21 tỉnh, thành trong nước và 5 tỉnh trên nước bạn Lào, phần lớn là địa bàn xa xôi, núi rừng hẻo lánh, các vùng chiến lược quan trọng làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng.

Nhiệm vụ chủ yếu đầu tiên của Binh đoàn là xây dựng cơ bản Đường Hồ Chí Minh dọc theo Đông Trường Sơn từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước), có tổng chiều dài 1.920 km, xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng, các khu kinh tế mới ở Tây Nguyên, kết hợp sản xuất với sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh quốc phòng trên địa bàn hoạt động.

Năm 1978, trước yêu cầu xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, đặc biệt trước yêu cầu phòng thủ đất nước, Bộ Quốc phòng quyết định kiện toàn Binh đoàn 12 là Binh đoàn cầu đường chiến lược, tiếp nhận toàn bộ các đơn vị cầu đường của Tổng cục Xây dựng kinh tế, chuyển trụ sở từ tỉnh Gia Lai về Hà Nội với lực lượng cao nhất gồm 8 sư đoàn, 2 trung đoàn vận tải, 2 xí nghiệp cơ khí sửa chữa, 1 viện khảo sát thiết kế, 5 trường đào tạo huấn luyện, tổng số quân lên đến 38 nghìn người.

Binh đoàn đã đưa 5 sư đoàn làm nhiệm vụ chủ yếu xây dựng quốc lộ 279 dài gần 1.000 km, là con đường vành đai chiến lược nối 7 tỉnh biên giới phía bắc từ Quảng Ninh đến Điện Biên, góp phần đảm bảo cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật cho Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, Binh đoàn đã triển khai lực lượng nâng cấp hàng trăm kilômét đường bộ quốc lộ 6, 7, 8, 9, 18, đường Na Pheo - Si Pha Phin (Lai Châu), ... tham gia xây dựng 6 tuyến đường sắt Thống Nhất (đoạn Minh Cầm - Tiên An), Chí Linh - Phả Lại, Cao Sơn - Mông Dương, ...

Cùng với xây dựng giao thông, Binh đoàn còn tham gia xây dựng hàng loạt công trình quan trọng của Nhà nước như: thuỷ điện Hoà Bình, thủy điện Đray H'ling (Đắk Lắk), mỏ Apatit (Lào Cai), thiếc Quỳ Hợp, trồng cà phê ở Tây Nguyên ...

Vốn đã gắn bó với nhân dân nước bạn Lào từ nhiều năm chiến tranh chống Mỹ ở Trường Sơn, sau khi ngừng tiến súng, một số đơn vị của Binh đoàn với hơn 10 năm xây dựng cơ bản 9 tuyến đường của nước bạn Lào với tổng chiều dài 360 km đường, 36 cầu vĩnh cửu, đồng thời, giúp bạn đảm bảo giao thông vào mùa khô trên 4 tuyến đường dài 588 km. Một số đơn vị còn giúp bạn xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa ở 4 tỉnh và huy động hàng nghìn chuyến xe chở lương thực.

Từ năm 1977 - 1988, Binh đoàn 12 đã mở mới, sửa chữa nâng cấp được trên 5.500 km đường (trên 500 km đường nhựa), 5.147 m cầu, 31.758 cống bê tông, đào đắp hàng chục triệu mét khối đất đá. Sự trưởng thành của Binh đoàn 12 đã gắn liền với nhiều công trình của Nhà nước. Những con đường, cây cầu, nhà máy,... do Binh đoàn xây dựng chính là những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng, góp phần củng cố quốc phòng và xây dựng kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa của đất nước cũng như củng cố tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.
 
Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn trong thời kỳ đổi mới

Từ năm 1989, thực hiện sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế theo quyết định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn được thành lập trên cơ sở tổ chức biên chế và các lực lượng của Binh đoàn 12 là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng tự hạch toán. Đây là thời kỳ hết sức khó khăn bởi cơ chế thị trường cạnh tranh gay gắt, quyết liệt. Kế thừa và phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn và kinh nghiệm hơn 10 năm làm kinh tế và quốc phòng, Tổng Công ty từng bước vượt qua khó khăn thử thách.

Để duy trì sự ổn định và phát triển, Đảng ủy và Chỉ huy Tổng công ty đã đề ra chủ trương đổi mới toàn diện, sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, phù hợp với mô hình đơn vị làm kinh tế (giảm trên 2 vạn quân, trong đó có 3.500 sĩ quan); các cơ quan Binh đoàn chuyển từ cấp cục xuống cấp phòng theo cơ cấu chức năng của Tổng Công ty; các sư đoàn lữ đoàn, trung đoàn chuyển thành các công ty, xí nghiệp nhưng vẫn duy trì chế độ kỷ luật, nền nếp của quân đội.

Tổng Công ty luôn coi trọng và xác định nhiệm vụ xuyên suốt là sản xuất - kinh doanh đúng hướng, đúng pháp luật, đúng quy định của Bộ Quốc phòng; kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; kinh tế kết hợp với quốc phòng, hiệu quả kinh tế với hiệu quả chính trị - xã hội; phát huy truyền thống và sức mạnh tổng hợp.

Tổng Công ty đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đổi mới trang thiết bi công nghệ, nâng tổng số xe máy, thiết bị lên 2.100 chiếc, trong đó có một số thiết bị công nghệ thi công cầu đường tiên tiến, thi công thủy điện, các công trình sân bay, bến cảng, ... đáp ứng nhu cầu thi công các công trình lớn, hiện đại. Đội ngũ sĩ quan duy trì hợp lý, còn chủ yếu là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức và lao động quốc phòng, trong đó đội ngũ lao động kỹ thuật chiếm trên 70% quân số và 25% có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên.

Với lực lượng hùng hậu, Tổng Công ty đã thi công hàng nghìn công trình trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng. Tống Công ty đã tham gia thi công các công trình lớn như: thuỷ điện Hoà Bình, đường dây 500 kv Bắc - Nam, đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, Láng - Hoà Lạc, quốc lộ 1A (đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ), Quốc lộ 5, nghiã trang liệt sĩ A1 (Điện Biên Phủ), Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo)...

Hiện nay, Tổng công ty đang triển khai thi công nhiều công trình trọng điểm như: thủy điện Sơn La, thủy điện Bản Chát (Lai Châu), thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srêpốk 3 (Đắk Lắk), đường cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường Trường Sơn Đông, ... Ngoài ra, Tổng Công ty xuất khẩu nông sản từ nông trường cà phê (gần 400ha) ở Đắk Lắk. Trường Trung học cầu đường và dạy nghề của Tổng Công ty từ năm 1977 đến năm 1998 đã đào tạo được 13 khoá trung cấp cầu đường (1.018 người), 8 khoá công nhân xây dựng (370 người), bồi dưỡng và bổ túc cán bộ các loại (725 người), đào tạo đại học tại chức (53 người).

Với định hướng đúng đắn, Tổng Công ty đã từng bước vươn lên khẳng định mình. Giá trị sản lượng tăng trưởng bình quân 15 - 20%/năm (năm 1989 mới đạt 38,5 tỷ đồng thì năm 2007 đã đạt 1.600 tỷ đồng), nguồn vốn được đảm bảo và phát triển, lợi nhuận hàng năm đạt 2 - 2,5% trên giá trị doanh thu.

Vinh dự, tự hào được kế tục truyền thống vẻ vang của Bộ đội Đường Hồ Chí Minh anh hùng, hơn 20 năm qua trên lĩnh vực xây dựng kinh tế - quốc phòng, nhất là 10 năm tự hạch toán trong thời kỳ đổi mới, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn đã vượt qua khó khăn thử thách, tự khẳng định để đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường, góp phần khẳng định uy tín của quân đội làm kinh tế, góp phần cùng các doanh nghiệp nhà nước giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và thiết thực giữ gìn, tăng cường tiềm lực quốc phòng. sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi chiến tranh xảy ra, nhanh chóng chuyến thành thừng đơn vị công binh công trình phục vụ chiến đấu thắng lợi.

Với thành tích xây dựng kinh tế - quốc phòng, từ năm 1976 đến nay, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn đã có 5 tập thể (Công ty Xây dựng 565, Công ty xây dựng 470, ...), 3 cá nhân được phong danh hiệu Anh hùng Lao động và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân, Huy chương các loạt. Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba,... , đặc biệt là Huân chương Quân công hạng Nhì vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh và ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/ 1959- 19/5/2009) .
 
Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn tới

Những thành quả trên đã nói lên phần nào những cố gắng của Đảng ủy, của tập thể cán bộ, chiến sĩ và người lao động thuộc Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn trong công cuộc đổi mới. Nhưng là một doanh nghiệp quốc phòng tự hạch toán nên Tổng Công ty cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách mới trong nền kinh tế thị trường. Để vươn lên thanh một trong những doanh nghiệp hàng đầu của quân đội nhân dân Việt Nam, trong những năm tới, Tổng Công ty đang nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội, nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, Tổng Công ty sẽ tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh là khâu then chốt, sản xuất kinh doanh có hiệu quả là nhiệm vụ hàng đầu, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội.

Hai là, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện làm cơ sở thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở địa bàn chiến lược,vùng sâu vùng xa.

Ba là. kiên trì lấy định hướng cơ bản là chủ yếu, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, ngành nghề và công trình xây dựng, trong đó xây dựng công trình cầu đường sân bay, bến cảng, thủy điện, thủy lợi là trọng tâm; mở rộng và nâng cao năng lực xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp, xây dựng các chung cư cao tầng, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, các nhà máy lớn,..

Bốn là, đầu tư xây dựng lực lượng có cơ cấu hợp lý, tăng tỷ lệ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề, tăng cường đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ hiện đại đẩy mạnh liên doanh liên kết tạo sức cạnh tranh, xây dựng Binh đoàn 12 Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thành một đơn vị, một doanh nghiệp mạnh của quân đội, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp, coi trọng công tác đảng, công tác chính trị. Giữ gìn và tăng cường tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu của binh đoàn công binh chiến lược của Bộ Quốc phòng.

50 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự giúp đỡ tận tình của cấp ủy Đảng và nhân dân các địa phương, sự phối hợp hiệp đồng của các cơ quan đơn vị trong và ngoài quân đội, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức, lao động quốc phòng Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn luôn phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; đoàn kết, mưu trí, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu; tích cực, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường trong lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
ĐEM THÊM NIỀM TIN CHO CUỘC SỐNG
Cựu chiến binh - Doanh nhân Đoàn Xuân Tiếp


Ngày 15-11-2007, tại Hải Dương, cựu chiến binh, doanh nhân Đoàn Xuân Tiếp vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Phần thưởng cao quý này không chỉ mang đến niềm vui cho anh Tiếp và hàng trăm lao động "đặc biệt" của Hồng Ngọc mà còn tiếp thêm sức mạnh cho những người làm nhân đạo.

Đường đến thành công của người lính lái xe trên đường Trường Sơn năm nào đã truyền ngọn lửa thương yêu, niềm tin cuộc sống tới những người khuyết tật.

35 năm sau cuộc chiến, khi lật tìm về miền ký ức, trong lòng người lính Trường Sơn năm nào đầy ắp những bâng khuâng: một cô y tá người Hà Nội vất vả, lóng ngóng với sợi miến dài cố bón cho người bệnh binh sốt rét. Câu chuyện nhỏ anh kể trong "Người đương thời” trên VTV1 chứa chan cảm xúc. Sự ngẫu nhiên ấy đã tạo nên một khoảnh khắc đáng nhớ trong thời đạn bom. Khi đó, giữa sự sống và cái chết, khát vọng sống của mỗi người thật mãnh liệt, và người chiến binh đường Trường Sơn hình dung tương lai khi mình chiến thắng tử thần. Xa dần trạm quân y dã chiến, ánh sáng cuộc sống, niềm tin ngày mai tươi đẹp dần trở về .

Đoàn Xuân Tiếp sinh năm 1950 tại xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Dù là con một trong gia đình nhưng hòa cùng khí thế cả nước ra trận, tháng 6/1972, anh xung phong nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 13 (Sư đoàn 571 thuộc Đoàn 559). Đó là lúc chiến tranh ác liệt nhất. Người lính lái xe Đoàn Xuân Tiếp đã cùng đồng đội của mình chạy qua những trọng điểm ác liệt của chiến trường: "tuyến lửa" khu IV, từ Đông Hà qua Bản Đông; từ Đak Rông đi A Lưới đến Quảng Nam, đường 14 Đắc Tô - Tân Cảnh; tây Trường Sơn qua Saravan, ... Đối điện với bom đạn, những con người cùng thế hệ anh đưa niềm tin cho ngày đại thắng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc, người lính trở về và những thử thách đời thường, những khát vọng mới đang chờ họ chinh phục.

Vươn lên thực hiện khát vọng

Đất nước thống nhất, Đoàn Xuân Tiếp được phân công về công tác tại Sân bay Gia Lâm, khi ấy anh vẫn còn ở độ tuổi đôi mươi nhưng một phần sức lực đã để lại với đại ngàn Trường Sơn. Có lần được cơ quan phân công trực Tết Nguyên đán, đúng lúc ấy cơn sốt rét ập về. Vật lộn với cơn tê cóng, Đoàn Xuân Tiếp nghĩ: người lính đã vượt qua được khó khăn, ác liệt của cuộc chiến tranh thì cũng vượt qua những thử thách của đời thường để vươn lên. Không chỉ sức khỏe hạn chế, người lính vốn chỉ biết lăn lộn trên chiến trường nay trở về đời thường còn bao thử thách khác. Nhưng vượt qua tất cả, anh đã chiến thắng.

Những năm 1980 - 1990, với sự năng động, chiu khó suy nghĩ cùng sự giúp đỡ của bạn bè đồng đội, gia đình anh mở một cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ nhỏ. Người cựu chiến binh Trường Sơn không chỉ hoàn thành việc cơ quan mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Cuộc sống êm trôi, có lúc, anh đã nghĩ tới những ngày nghỉ ngơi, đem chuyện hành quân trên đường Trường Sơn kể cho con cháu mình.

Song, công cuộc đổi mới ùa tới, lan vào từng ngõ ngách cuộc sống, các thành phần kinh tế bung ra. Bâng khuâng, anh nghĩ nếu là 10 năm về trước thì hào hứng biết bao, nhưng giờ đã có 23 năm quân ngũ. Cứ làm việc rồi đoàn viên cùng cháu con chẳng phải bình yên hơn sao? Cũng vào lúc ấy, hình ảnh cô y tá trong trạm quân y dã chiến hiện lên... Ngày ấy chính mình đã hứa nếu sống thì phải sống thật ý nghĩa không chỉ cho riêng mình.

Sau nhiều đêm trăn trở, anh đi đến quyết định xin nghỉ việc cơ quan để thực hiện khát vọng làm giàu, làm ấm no cho không chỉ riêng mình. Chọn đất Chí Linh Hải Dương làm nơi lập nghiệp, Đoàn Xuân Tiếp mở rộng cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của mình. Tháng 6/1996, được sự giúp đỡ của tỉnh Hải Dương, đặc biệt là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc (tiền thân của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Ngọc) được thành lập tại thị trấn Sao Đỏ.
 
Những ngày ấy thật vô vàn khó khăn, thương trường thực sự là chiến trường; cơ chế và một số người thực hiện chính sách nhà nước chưa có sự thông thoáng thực sự là những rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, Công ty Hồng Ngọc lại chọn đối tượng lao động là những người khuyết tật. Cái khó cũng là đây: người khuyết tật sống nhờ gia đình, trình độ văn hóa không cao; phần lớn trong số họ lại mang nặng tâm trạng bi quan. Làm sao giúp họ có thể hòa nhập với xã hội'? Hơn thế, khi Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc ra đời, khách du lịch quốc tế đến nước ta thưa vắng, sản phẩm làm ra gần như không có chỗ tiêu thụ.

Tiền lương ban đầu rất thấp khiến nhiều công nhân nghỉ việc, Trung tâm lao đao; bản thân anh đã có lúc nghĩ đến bỏ cuộc. Nhưng một lần nữa ý chí của người lính lại giúp anh chiến thắng. Đoàn Xuân Tiếp bán cả những đồ quý trong nhà, vật dụng cá nhân, huy động đến đồng tiền cuối cùng vào nghiệp kinh doanh. Anh đôn đáo tìm cách hợp tác với các đơn vị tổ chức các tour du lịch, thuyết phục họ dẫn khách nước ngoài vào Trung tâm Hồng Ngọc.

Trời không phụ người có tâm, Hồng Ngọc dần khẳng định được chỗ đứng của mình và trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách. Từ một Trung tâm nhân đạo chỉ có vài chục công nhân, hoạt động trong khuôn viên 0,6ha, đến nay Hồng Ngọc đã có gần 700 cán bộ, công nhân viên với 3 cơ sở lớn : cơ sở Sao Đỏ và cơ sở Hoàng Tân ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương; cơ sở Chân - Thiện Mỹ ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Ngoài ra, anh còn làm chủ 2 cơ sở khai thác, chế tác đá tại Nghệ An, Yên Bái.

Được sự hỗ trợ từ Tỉnh ủy, Sở Lao động- Thương binh xã hội 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh, bằng bàn tay trí óc Đoàn Xuân Tiếp đã vượt qua thử thách, nêu cao truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ". Không chỉ làm giàu cho bản thân, Đoàn Xuân Tiếp đã tạo dựng nên một mô hình mới - mô hình doanh nghiệp cho người khuyết tật vì người khuyết tật.

Thắp sáng niềm tin cho người khuyết tật

Có người nói nghiệp kinh doanh của Đoàn Xuân Tiếp gắn liền với lòng yêu thương bởi ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, anh đã chăm lo cho người khuyết tật. Anh bảo: "Chứng kiến những đứa con khuyết tật của đồng đội, mình rất xót xa và tự nhủ phải làm một điều gì đó để sẻ chia". Hơn thế, theo anh những khuyết tật còn có những điểm mạnh riêng, cái khó là đánh thức những điểm mạnh ấy. "Con cá" và "cần câu”, câu nói nghe ra quen quá rồi nhưng làm được nó thật khó. Đoàn Xuân Tiếp đã làm được, hàng trăm công nhân khuyết tật đã làm ra sản phẩm tự nuôi sống mình và thêm tin yêu cuộc sống.

Điều này được thực hiện ngay từ năm 1994, khi cơ sở sản xuất còn khiêm tốn của gia đình, anh đã kết hợp Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, mở lớp đào tạo nghề đầu tiên ở Cầu Chui. Kết quả bước đầu đó giúp anh mạnh dạn mở rộng bằng việc mở Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc tại Sao Đỏ với khóa đầu tiên chỉ dạy nghề chạm khắc đá, gỗ mỹ nghệ cho 60 học viên. Càng về sau, Trung tâm Sao Đỏ càng mở rộng về quy mô dạy nghề. Hàng trăm người đã theo học tại Trung tâm trong các lớp như: may, thêu, sơn mài, chạm khắc đá, sản xuất đồ gốm và kim hoàn. Công ty còn tổ chức cho các em học văn hóa, học ngoại ngữ, giao lưu, học tập kinh nghiệm ở các cơ sở bạn. Và một điều lạ lùng nhưng cũng đầy tự hào, nhiều anh chị em đã thành thạo từ 2 đến 3 ngoại ngữ.

Trong số những học sinh khuyết tật theo anh từ ngày đầu (năm 1996) có chị Lưu Thị Tình. Khi nghe đài phát thanh huyện thông báo có lớp dạy nghề cho người khuyết tật, miễn phí, có chỗ ăn chỗ ở, chị nộp đơn vào học ngay. Nhưng háo hức ban đầu qua đi rất nhanh, nhường chỗ cho khó khăn thực tế: cơ sở còn nhỏ chưa hoàn thiện, công việc phức tạp. Lùi bước chăng? Lưu Thị Tình nghĩ: họ là người xa lạ, họ đã đến và cho mình một cơ hội để vươn lên, vậy không có lý gì để mình không thành nghề. Giờ đây khi đã là người quản lý, đủ thu nhập để nuôi gia đình và giúp người em học đại học, chị đang là tấm gương sáng cho những thế hệ học trò tiếp theo của Công ty.

Không chỉ dạy nghề, tạo việc làm, Công ty của Đoàn Xuân Tiếp còn quan tâm đến đời sống của họ: không chỉ là những dụng cụ y tế, đảm bảo kịp thời sơ cứu cấp cứu mà còn là những đợt phẫu thuật miễn phí cho người khuyết tật. Từ năm 2000 đến nay, Công ty đã phối hợp với Hội Chữ thập xanh, tổ chức phi Chính phủ Mỹ tổ chức phẫu thuật chỉnh hình miễn phí 2 đợt cho 17 người khuyết tật tại Bệnh viện Tình Thương, tỉnh Nam Định và Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.... Từ Hồng Ngọc, nhiều cô gái, chàng trai đã nên duyên vợ chồng cùng xây tổ ấm. Hồng Ngọc là, một mái nhà đầy tình thương luôn rộng cửa với mỗi người khuyết tật.

Chia tay với cựu chiến binh, doanh nhân Đoàn Xuân Tiếp, chúng tôi nhớ mãi câu chuyện anh kể: vào dịp 20-11-2001, anh đi công tác tới 11 giờ khuya mới về xưởng nhưng vẫn thấy một nhóm em khuyết tật. Trời lúc đó rất lạnh, các em đứng nép bên cổng chờ anh về chỉ để tặng một bó hoa rất giản dị. Ồ cái được của đời doanh nhân không chắc đã phải là sản nghiệp mà chính là sự đồng cảm biết sẻ chia.
Tạm biệt người cựu chiến binh Trường Sơn, chúng tôi ra về mang theo niềm cảm phục về tinh thần và nghị lực của anh, mang theo những niềm tin của cuộc sống đang dần được thắp sáng.
 
NƠI TÌNH YÊU CHÁY MÃI
(Trọng Đạt thực hiện)

17 tuổi chị đã là một nữ văn công Trường Sơn. Nơi ấy chị đã dành cả một thời tuổi trẻ để cống hiến cho Tổ quốc, để yêu và để có thêm nghị lực. Giờ chị đã là một người vợ hạnh phúc bên người chồng luôn dành bờ vai để chị ngả đầu mỗi lúc buồn vui. Là người mẹ của hai cô con gái giỏi giang, xinh đẹp. Là một nữ doanh nhân thành đạt, với một trang trại 50 ha, lập công ty có doanh thu cả tỷ đồng mỗi tháng. Là một phụ nữ nhân hậu, sẵn sàng sẻ chia, cưu mang những mảnh đời khốn khó. Nhưng chị vẫn thường tâm sự với bạn bè, nếu có thể đánh đổi tất cả để sống lại những năm tháng Trường Sơn, chị cũng không hề do dự, bởi với chị, Trường Sơn là máu thịt, là nơi tình yêu cháy mãi.

Quê chị ở thành Nam, nơi người phụ nữ vốn có tiếng đảm đang, tháo vát. Bố là cán bộ kỹ thuật, mẹ là công nhân Nhà máy dệt Nam Định. Là con thứ tư trong một gia đình có chín người con. Trong tâm trí của chị vẫn thường bị ám ảnh với hình ảnh nồi cơm còn nóng bốc hơi mà cơm đã hết rồi.

Thiếu thốn đủ đường, nhưng bố chị vẫn thường khuyên các con: "Bố không có tiền nong của cải cho các con, bố chỉ cho các con cái chữ. Nó sẽ giúp các con biết cách sống để thành người". Những lời căn dặn ấy đã theo các chị em chị suốt cuộc đời. Có lẽ vì thế mà dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu họ vẫn vượt qua thử thách, và đều thành đạt. Còn với chị, từ những lời căn dặn ấy, cùng với những năm tháng Trường Sơn máu lửa đã tiếp thêm nghị lực để sống, để chiến đấu và để hạnh phúc.

Tôi gặp chị đúng dịp cả nước đang náo nức chuẩn bị lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Chị như trẻ lại như sống lại một thời tuổi trẻ. Chị bận rộn tối ngày, không phải chỉ chuyện kinh doanh mà là tham gia các cuộc hội ngộ, những chuyến đi làm từ thiện...Và trong không khí phấn chấn ấy, chị đã kể cho tôi nghe những kỷ niệm Trường Sơn, nơi tình yêu hòa quyện trong tình đồng chí, đồng đội để rồi trong hành trang ngày trở về của mỗi người lính Trường Sơn luôn ấm áp nghiã tình.

Tuổi 14 và khát vọng lên đường

14 tuổi, cái tuổi chưa đủ trải nghiệm để cảm nhận về Tổ quốc, về độc lập. Vậy mà cô bé Vũ Thúy Lành đã trốn nhà, dối tuổi, tình nguyện vào tuyến lửa. Chị bảo: "Chính cái hối hả, gấp gáp của đất nước trong những ngày chiến tranh khốc liệt đã cuốn hút tôi". Mỗi lần cắp sách đến trường, nhìn những chàng trai, cô gái trong màu xanh áo lính khiến lòng chị háo hức, nôn nao.

Dịp đó có đoàn văn công về tuyển nữ diễn viên vào phục vụ Bộ đội Trường Sơn, chị đã tham gia và trúng tuyển vòng đầu, nhưng không ai đồng ý khi biết chị mới 14 tuổi.

Chị còn nhớ người trực tiếp làm công tác tuyển quân, chị vẫn gọi là "chú Cường". Khi biết mình không được nhận vào tuyến, chị đã gặp chú và khóc. Chị bảo: "Nhà cháu không có anh trai, nên chưa có ai đi bộ đội. Nhà ai cũng có người vào quân đội, chỉ nhà cháu là chưa có. Xin chú cho cháu đi. Nếu không cháu sẽ bỏ học và đi làm ăn thật xa". Những lời nói trong veo của một cô bé khiến “chú Cường" cảm động. Thế là "chú Cường" đã đồng ý gửi chị vào Trường múa của Tống cục Chính trị, chờ đến khi tròn 17 tuổi sẽ được vào Trường Sơn.

Tháng 12/1973 chị lên đường. Được phân công vào đoàn múa nghệ thuật của Đoàn văn công đội Tuyên văn, Sư đoàn bộ binh 968 - Quân tình nguyện Nam Lào. Tuổi 17, vừa rời xa vòng tay gia đình đã phải đối mặt với cuộc chiến. Trong tâm trí của chị không thể quên những lần đang biểu diễn thì bị lộ và bị máy bay địch ném bom, thám báo lùng bắt. Địch còn rải truyền đơn nói rằng chị đã bị bắt và đòi tiền chuộc. Rồi lần đầu tiên bị sốt rét, cơn nóng lạnh thất thường, mồ hôi rịn ra thấm vào mặt đất. Cái nóng, cái rét như từ trong ruột, trong gan. Nhưng vừa bình phục là chị lại tung tăng trên sàn diễn.

Hình ảnh cô bé Lành nhí nhảnh hồn nhiên như bông hoa thắm giữa rừng, mang đến những giây phút yên bình hiếm hoi sau mỗi cuộc đối đầu máu lửa. Là một diễn viên múa, lại thuộc sư đoàn bộ đội tình nguyện chiến trường Lào, một trong những mặt trận tàn khốc, nhiều lúc chị đã không dám nghĩ đến ngày về. Nhưng sự hồn nhiên của tuổi trẻ, lại được các thủ trưởng và đồng đội dìu dắt đã giúp chị vững vàng để đi hết cuộc chiến tranh.

Gần 40 năm qua, cứ mỗi lần có dịp ôn lại quá khứ, chị lại thấy tự hào với những tháng ngày đẹp đẽ ấy. Chị bảo: "Tôi chỉ ước ao cuộc đởi của mình có dịp sống lại những ngày oanh liệt ấy để được ôm ấp nâng niu”. Những ngày ăn lương khô, uống nước suối, đối mặt với mất mát, hy sinh nhưng thật đẹp và trong sáng.

Hình ảnh những cô gái ngây thơ, đội mũ tai bèo, sắn quần lội suối nhưng miệng vẫn hát vang bài “anh vẫn hành quân". Tiếng hát ấy có thể chưa hay, phong cách biểu diễn không chuyên nghiệp nhưng lại có sức lay động, lại đi vào lòng biết bao chiến sĩ. Với chị, Trường Sơn đã là một phần xương thịt của mình.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top