Trường Sơn - Đường khát vọng

Bài ca Trường Sơn
GIA DŨNG

Trường Sơn! Đường ta qua chưa một dấu chân người
Chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác
Dừng ở lưng đèo nghe suối hát
Ngắt đoá hoa rừng gài lên mũ, ta đi.
Trường Sơn! đèo vút cao vượt trên mây gió
Đạp nát đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân
Đi ta đi những trai làng Phù Đổng
Gì vui hơn đường ra trận mùa xuân!
Ôi những vì sao thức cùng ta đêm đêm không mỏi
Như mắt em mang trọn niềm tin yêu chờ đợi
Như hải đăng vời vợi ngàn trùng
Giục lòng ta vượt Trường Sơn
Đi luyện chí anh hùng.
Miền Nam gọi ta bằng tiếng pháo xé trời Đà Nẵng
Bằng đường lê ngang dọc Sài Gòn
Bằng Huế hiên ngang tung bay cờ Giải phóng
Từng phút từng giờ thôi thúc, Trường Sơn!
Trường Sơn ơi. Ta biết người còn mang gánh nặng
Nhức nhối nửa đầu đòn gánh: miền Nam!
Nhớ má Năm Căn, thương em Cửa Việt
Mười bốn năm - một giấc ngủ chưa tròn!
Miền Nam! Miền Nam! Lửa đốt lòng ta
Hỡi Trường Sơn hãy biến thành con ngựa sắt
Và rừng xanh thành vạn khóm tre ngà
Cho con cháu Bác Hồ làm Thiên Vương đuổi giặc
Đêm nay ta đi, Trường Sơn lộng gió
Trời vắng trăng sao nhưng trong tim rực lửa
Đi ta làm ngọn sóng giữa trùng dương
Quật xuống đầu thù bằng sức mạnh Trường Sơn!
 
Tiếng ve ở nghĩa trang Trường Sơn
NGUYỄN HỮU QUÝ

Kêu sớm, kêu chiều, kêu cả hoàng hôn
Kêu bồ đề xanh, kêu tượng đài trắng
Kêu buốt lá kim trên cây mọc thẳng
Tiếng kêu nhức nhức Trường Sơn
Ve kêu mất - còn
Tiếng kèn chiêu tập .
Ve kêu mỏi mòn
Nhắc thời máu ứa
“Về chưa?. Về chưa?"
“Về chưa ... về chưa?"
Cũng đành nhắc lại
Với mồ không tên và mộ có tên
“Về chưa... về chưa?"
Cũng đành nhắc mãi
Gọi hồn rừng sâu thăm thẳm lạnh lùng
Nén hương cháy lên thành đuốc bùng bùng
Ve kêu như lửa trùng trùng ngọn sông...


Những giọt mưa đồng hành
NGUYỄN THỤY KHA

Những giọt mưa ngồ ngộ say mê
Đám mây nắng vỡ ra giữa gió
Những đứa con
Ồn ào không gian
Cười nói
Những giọt mưa chẳng hề mệt mỏi
Reo hót triền miên
Người lính trú vội mái hiên
Rồi lại đi mảnh ni lông khoác chéo
Anh lẫn vào mưa lúc nào chẳng hiểu
Ngỡ mưa dệt nên anh
Có một đứa trẻ con từ trong anh chạy nhanh
Nhập vào đám trẻ con trần truồng
Đang hò reo giữa phố
Có một người nông dân từ trong anh hớn hở
Xoè tay đồng hạn đón mưa
Có một người lính Trường Sơn từ trong anh năm xưa
Vội vã vắt áo quần ướt mưa hơ lửa
Có một người... có một người nào nữa
Người lính bước nhanh
Anh và mưa cứ như thế đã bao lần
Người lính đi
Đi qua thành phố
Bao chân trời thử thách đợi anh
Trong cuộc hành trình chưa nghỉ
Mưa và anh là bạn đồng hành
 
Hương thầm
PHAN THỊ THANH NHÀN

Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt nhìn nhau rồi lại quay đi
Nào ai đó một lần dám nói
Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đậm đà thanh tao
Không giấu được cứ bay dịu nhẹ
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
nhờ hương thơm nói hộ tình yêu
(Anh vô tlnh anh chẳng biết điều
tôi đã đến với anh rổi đấy...)
Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thâm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường hương sẽ bay theo khắp
Họ chia tay vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.
 
Đêm hành quân qua phà Long Đại
VŨ ĐÌNH VĂN

Đêm ấy đêm trăng
Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại
Bom nổ chậm rình ở hai đầu bãi
Pháo sáng lập lờ vòng quanh
Mặc quân thù cứ xuống bến đi anh
Nước Nhật Lệ khuya rồi còn âm ấm
Tiếng côn trùng không kêu làm đêm đi
rất chậm
Càng hay cho nhiều chuyến phà sang
Xe chở đá làm đường
Lầm lầm như gấu
Sáng mặt người xuống khe tìm chỗ giấu
Chờ qua cửa khẩu đêm nay
Đoàn xe hàng đi nấp trong cây
Xuống phà lần chót
Bọn xích chúng tôi sốt ruột
Kêu rầm rù rung cả đồi mua
Đêm rất xanh chẳng ai đi đèn rùa
Người lái xe chiến trường trăng
trong đôi mắt
Chở nặng rú ga leo dốc
Tời giùm một chiếc xe lầy
Ở nơi sống chết từng giây
Càng đẹp thêm tình đồng đội
Đêm ấy đêm trăng
Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại
Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi
Nơi trao tay mình tiền phương,
hậu phương
Nơi ấy ngã ba chiến trường
Nơi một tấm ván phà mấy trăm vết đạn
Nơi ngọn hải đăng trong gió gào
vẫn sáng
Nơi mở đường đưa máu chảy về tim
Nơi chuyến phà sang ngang trong đêm
Tôi thấy lửa gọi những ngày sẽ đến
Thấy những xe hàng nôn nao
ra tiền tuyến
Và thấy những đoàn quân
đi xanh dãy Trường Sơn
Tự nhủ lòng mình hãy tỉnh táo nhiều hơn
Quyết canh giữ những con đường
cho mãi mãi
Đêm ấy đêm trăng
Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại.

5-1972
 
Tháng ba Tây Nguyên
THÂN NHƯ THƠ

Tháng ba mùa con ong đi lấy mật
Mùa con voi xuống sông hút nước
Mùa em đi phá rẫy làm nương
Anh vào rừng đặt bẫy cài chông
Tháng ba sớm sớm mẹ ra rừng
Theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối
Chiều chiều cha chọn một góc vườn
Dạy con trai phóng lao trừ hổ báo.
Tháng ba mùa hoa bông đang nảy nở
Cho con công múa, cho con cá bơi
Bông không rụng xuống lòng suối nhỏ
Tung lên trời vạn cánh sao rơi
Bông lách bay để lại nụ cười.
Tháng ba rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ
Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát
Bồy chim muông cất cánh rợp trời
Sông từng đàn con cá lội bơi.
Tháng ba tay em dệt khăn hồng
Thêu cánh chim trời cho người em mến
Chiều chiều anh dựng lai nếp nhà
Phòng khi qua những đêm ngày giông bão.
Tháng ba trời trong xanh như suối ngàn
Cho em múa hát cho anh đánh chiêng
Chiêng anh rộn núi rừng buôn làng
Em ca giọng vút mây xanh
Chim hót theo nghe sao ngọt lành.
Tháng ba người Tây Nguyên chan chứa tình
Con tim xao xuyến đôi môi hé cười
Tháng ba mùa núi rừng sôi sục
Tháng ba mùa hạnh phúc Tây Nguyên
Ôi tháng ba tô thắm cuộc đời!
 
Tình em
HỒ NGỌC SƠN

Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng
Anh đi xa bao núi...
Tình em như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương
Chảy theo anh khắp rừng
Anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha
Theo anh dài nương rẫy
Anh đi xa xa mõi
Đường giải phóng gian nan
Tình em là buồm căng
Qua bão bùng sông lộng
Tình em là lửa hồng
Rực cháy giữa đêm đông
Mặt trời lên đỏ mọng
Như môi em tươi hồng
Vì sao khuya đỉnh đồi
Là mắt em xa xôi
Làm cánh gió em ơi
Chắp cánh chim em ơi
Chắp cánh ta yêu nhau
Trọn đường đời chiến đấu
Anh đi biệt tháng ngòy
Tình em như sông dài..
 
Đêm đi vào lịch sử
(Tặng các dũng sĩ đỉnh Trà Ang)
NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG

Ai đã biết đêm dài hơn thế kỷ?
Có những giờ như thể đứng không trôi.!
Trà Ang ơi.!
Đó trăm lẻ đêm rồi
Núi và người quên ngủ
Lắng tiếng Trà Ang
trăn trở không yên.
Giặc Mỹ - bom và lửa
Nước Trà Ang sôi lên
Rừng Trà Ang đỏ rực
Bỗng ngàn cây biến thành giáo dựng
đèo vút ngang trời
thế đứng chon von.
Tổ quốc gởi lòng tin
Những con gái, con trai dũng sĩ
Ra trận
Vẫn hò ơi.!... giọng hò quê mẹ
Chiếc mũ xanh,
đôi dép cao su rất nhẹ
Không tiếng kèn đồng,
chỉ tiếng hô khe khẽ
Mà chân tọac bao lần
không nghỉ
đầu vỡ mẫy lần máu đổ
vẫn xông lên
- “Đường Quyết Thắng
Như dòng tim đỏ!”
- “Thế giữ đường như
hơi thở mẹ hiền!”
Mỗi tấc đất
mỗi niềm gian khổ
Mỗi thước đường
thấm đỏ vết chân đi
Bom gạt hết rồi.
Rực sáng rừng khuya
đèo cõng xe lên
Đêm đi vào lịch sử
Đỉnh Trà Ang ơi.!
Đêm nay yên nghỉ
Vọng gió đưa về sấm nổ dậy miền Nam
Muôn vì sao sóng Ngân Giang
Ghé thăm lòng suối Trà Ang bồi hồi...

Tháng 10/1968
 
Chùm thơ chưa hái
(Tưởng nhớ Vương Lân)
HOÀNG TRẤN CƯƠNG

Nắng cũng biết già đến thế Lân ơi
Hoàng hôn đại ngàn dìu nhau về núi
Gốc săng lẻ nào mày từng ngồi làm thơ và nhớ mẹ
Cuốn nhật ký mỏng dần theo đêm sáng trăng
Nửa cuốn vở sót lại tòan giấy trắng
Đứt ngang
Thác nắng
Đầu ngày
Sao không là tao mà lại là mày
Sao không cả hai thằng một lúc
Nhớ chiều mày hy sinh
Đất Quảng Trị ghì mình vào những chùm thơ chưa hái
Những nỗi niềm đang ráo riết xanh
Tận bây giờ mỗi bữa nắng hanh
Mày vẫn về với tao giữa những câu thơ viết vội
Nói một điều gì đi Lân ơi
Đừng bỏ tao ngồi ngậm tăm
trước nửa phần giấy trắng...


Chiếc lá
HOÀNG CÁT

Chiếc lá sà vào võng
Áp nhẹ lên ngực ba
Như bàn tay con nhỏ
Con gái của ba à!
Con ba ở quê xa
Trưa nay sao gần gụi
Chiếc lá không biết nói
Chiếc lá chẳng biết cười
Nhưng vuốt ve chơi nhởi
Như tay con, con ơi.!
Ba đi dọc Trường Sơn
Ngày tháng dài mưa nắng
Lưng mang ba lô nặng
Vai vác súng AK
Mỗi lần lá vào võng
Lại nhớ tay con xa.
Con gái nhỏ của ba
Ba đường trường đánh Mỹ
Trên đất nước bao la
Vẫn thấy tay con vẫy
Như chiếc lá non tơ...
Tạm nghỉ chân giữa rừng
Ba gửi về cùng gió
Ba gửi về cùng hương
Chiếc lá từ Trường Sơn
Con học ngoan, con nhé.!
Con học hát, học vẽ .
Vẽ lá ba gửi về
Gửi cho ba con nghe!

Trường Sơn, thu 1966
 
Đi trong rừng Khộp mùa khô
NGUYỄN HOA

Đi trong rừng khộp mùa khô
Cùng tôi có gió ngâm thơ giữ trời
Cuối rừng kêu khản tiếng nai
Trong sâu thẳm thức một tôi thuở nào
Bọn bè ngủ kín đêm sao
Cũng mùa khô với nôn nao đêm rừng
Gió lùa lạnh buốt sống lưng
Bỗng dựng người. Nhớ bom rừng, đất bay...
Mới ngày đó đã hôm nay
Áp bờ sống chết tháng ngày đâu quên!
Tôi đi trong cánh rừng liền
Đo lòng suối cạn gọi tên nước về
Đo rừng gọi một vùng quê
Đo mình bằng bước chân về lại bưng...
Gia tài vẫn chỉ trên lưng
Ba lô từ thuở biết rừng ấy thôi.
Bạn bè ơi - Bạn bè ơi
Cùng tôi gió với khoảng trời mùa khô!


Một phía chiến trường
HOÀNG VÕ THUẬT

Con phà như nhịp cầu phao
Đón những chiếc xe từ mặt trận
Những chiếc xe bụi lầm
Chở đầy hàng.
Và đạn pháo ánh vàng
Mũ sắt giặc bẹp dí
Cánh máy bay đạn xé
Theo con phà qua sông
Một phía chiến trường
In lên đó
Ở buồng lái
Chú sóc nhỏ
Làm xiếc trong lồng
Một giò phong lan
Lá tết đuôi sam con gái
Cũng in lên đó
Một phía chiến trường.

Tháng 10/1973
 
Trước nhà em sông Vu Gia
THANH QUẾ

Trước nhà em sông Vu Gia
Sau nhà em cũng lại là dòng sông
Anh đi, đi giữa cánh đồng
Ngóng trông bên nọ ngóng trông bên này
Nắng mưa đã chạy ngàn ngày
Đôi dòng sông hóa đôi tay chiến trường
Thương sông thương tự ngọn nguồn
Thương em từ buổi đưa xuồng anh qua
Dịu hiền như khúc dân ca
Thẳm sâu chung thủy như là đất quê
Sáng như một ánh sao Khuê
Tiễn anh đi đón anh về tháng năm
Mãi nghe gió thổi bên đồng
Giật mình anh đứng trên sông đây mà
Đò xưa vẫn đợi ta qua
Bóng ai đó cứ nhập nhòa mặt sông
Ngày mai vào trận hiệp đồng
Quân đi bóng trải chập chùng dưới trăng
Biết còn gặp lại hay chăng
Nhủ thầm bên nớ vẫn đang đợi chờ
Nước xanh mát cả đôi bờ
Vu Gia em bỗng bây giờ của anh.


Cỏ trên mộ
NGUYỄN QUANG TÍNH

Xa làng, xa phố, vắng người yêu
Đến khi mất mới được về quê mẹ .
Bông lau bên đồi vặn mình lặng lẽ
Cỏ Trường Sơn có theo các anh về?
Những bó hoa đến viếng đã tàn đi
Chỉ sắc cỏ vẫn sinh sôi mãnh liệt
Xanh đến rợn người
Xanh đến nhức mắt
Xanh như là vì màu đỏ mà xanh
Cỏ ở đây dịu ngọt trong sương
Cỏ trên mộ âm thầm nhàu nát
Vì nước mắt người thân rơi mặn xót
Vì nước mắt người thân rơi bỏng rát từng ngày.
Xin đừng ai trách ngọn cỏ ở đây
Vừa xanh biếc lại vừa héo lả
Vừa tươi mát lại như vừa đốt lửa
Bởi trên nấm mộ này
Cỏ nhận hết mọi nỗi đau


Đêm Trường Sơn nhớ Bác
NGUYỄN TRUNG THU

Đêm Trường Sơn
Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây
Cảnh khuya như vẽ...
Bâng khuâng chúng cháu nghĩ
Bác như đã đến nơi này .
Đêm Trường Sơn
Chúng cháu nghe tiếng suối
Trong như tiếng hát xa
Chúng cháu ngỡ như Pác Bó
Suối về đây ngân nga
BBỗng chúng cháu bồn chồn
Thương nhớ Bác
Rừng khuya đã dậy tiếng gà
Súng trĩu nặng vượt dốc cao ngàn thước
Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước
Con đường Bác mới đi qua.
 
Nước non ngàn dặm
(trích)

TỐ HỮU

Nước non nghìn dặm
Ra đi
Cái tình chi
(Câu Ca Nam Bình)
Nửa đời tóc ngả màu sương
Nhớ quê, anh lại tìm đường thăm quê
Đường vào như tỉnh như mê
Đường ra phía trước, đường về tuổi xuân
Đã đi muôn dặm xa gần
Nay về Nam cũng bước chân bồi hồi
Sông Bến Hai bên bồi bên lở
Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương .
Cách ngăn mười tám năm trường
Khi mô mới được nối đường vô ra?
Bây giờ cầu lại bắc qua
Vẫn thơm gỗ mới cho ta gặp mình...
Anh về Quảng Trị... Gio Linh
Trèo lên Dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang
Bời bời cỏ lút đồng hoang
Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn
Tả tơi mấy ấp khu dồn
Mái tôn rào kẽm, tháp đồn chơ vơ!
Thương em chín đợi mười chờ
Con thuyền nay đã đỏ cờ sang sông
Em vui em mặc áo hồng
Máy reo máy đẩy, mênh mông biển trời
Thuyền về Cửa Việt ra khơi
Thuyền lên Ái Tử, thuyền bơi Đông Hà...
Anh còn lặn lội đường xa
Sông Hương đành nhớ, chưa qua sông Bồ
Phù lai ba bến con đò
Thanh Lương quê ngoại câu hò còn chăng?
Êm dòng Thạch Hãn đềm trăng
Những lo ngược gió Tam Giang nặng chèo!
Xe lên Đường 9 cheo leo
Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau
Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu
Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh
Trưa nắng, gà gáy Khe Sanh
Tà Cơn dứa mật, hoa chanh ngát đồi.
Chợt nghe... từ tuổi hai mươi
Tiếng xiềng Lao Bảo gọi người bạn xưa
Ngỡ ngàng rẽ lối le thưa
Vông đồng mấy cội xác xơ lá cành
Hoang tàn hầm đá, đồn canh
Bâng khuâng nhớ bóng các anh
những ngày.!
Nhìn quanh, núi đứng mây bay
Võng anh giải phóng
rừng lay nắng chiều...
Thương nhau, đừng khóc, em yêu
Tự do, phải trở bao nhiêu máu này.
Có qua những bước đi đời
Càng thêm ấm những bàn tay giữa đời.
Sáng hè đẹp lắm, em ơi
Đầu non cỏ lục mặt trời vừa lên
Da trời xanh ngắt, thần tiên
Đỏ au đường lớn mang tên Bác Hồ
Trường Sơn mây núi lô xô
Quân đi, sóng lượn nhấp nhô, bụi hồng...
Ai trông, lên đó mà trông
Cha Ki oanh liệt, Bản Đông anh hùng
Mỹ thua, ngụy chạy đường cùng
Xác tăng như xác bọ hung đen bờ
Mấy chàng lính trẻ măng tơ
Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi.
Xe lao qua dốc qua đồi
Gió tây giội lửa ồi ồi sau lưng
Bụi bay, bụi đỏ lá rừng
Mịt mù lối kín cát bưng đường hầm
Nóng nung vạt áo ướt đầm
Thương con bướm trắng
quạt ngầm suối khô.
Con sông Xê Noọng ai dò
Mà dòng nước mát hẹn hò cùng ta?
Tới đây, tre nứa là nhà
Giò phong lan nở nhành hoa nhuỵ vàng
Trưa nằm đưa võng thoảng sang
Một làn hương mỏng,
mênh mông nghĩa tình.
Lán đêm ghé tạm trạm binh
giường cây lót lá cho mình đỡ đau
Nghĩ người, thăm thẳm rừng sâu
Mười năm bom đạn, măng rau, sốt ngàn.
Xê Công, Xê Noi, Chà Vàn
Mở đường, bao nỗi gian nan với đường!
Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang.
Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng.
Trường Sơn, vượt núi, băng sông
Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa.
Trường Sơn đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình.
Vui sao buổi bình minh, gặp cháu
Nhớ ngày nào cháu mới lên ba
Gác canh cho chú trong nhà...
Nay giữa Phi Hà, D trưởng công binh
Trên đường lớn Hồ Chí Minh
Gác ba biên giới... mối tình Đông Dương!

Tam Đảo, hè 1973
 
Nhớ mưa quê hương
LÊ ANH XUÂN

Quê nội ơi
Mấy năm trời xa cách
Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi
Nghe tiếng trời gầm xa lắc...
Cớ sao lòng thấy nhớ thương.
Ôi cơn mưa quê hương.
Đã ru hát hồn ta thuở bé,
Đã thầm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé.
Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối, bẹ dừa,
Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa.
Ta yêu quá như lần đầu mới biết
Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết
Như tre dừa, như làng xóm quê hương.
Như những con người - biết mấy yêu thương.
Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm.
Ta lội tung tăng trên mặt nước mặt sông
Ta lặn xuống, nghe vang xa tiếng sấm
Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong.
Ôi đâu rồi những trò chơi tuổi trẻ
Những tàu chuối bẹ dừa, những mảnh chòi nhỏ bé
Những vết chân thơ ấu buổi đầu tiên
Mấy tấm mo cau là mấy chiếc thuyền
Mưa cuốn đi rồi.
Mưa chảy xuống dòng sông quê nội
Sông nước quê hương dào dạt chảy về khơi
Chờ những kỷ niệm xưa, chìm lắng bốn phương trời.
Và ta lớn tình yêu hòa bể rộng
Cơn mưa nhỏ của quê hương ta đã sống
Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sông,
Ôi cơn mưa quê hương.
Mưa là khúc nhạc của bài ca êm mát.
Những đêm ta nằm nghe mưa hát mưa ơi
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá,
Thầm thì rào rạt vang xa...
Có lúc bỗng phong ba dữ dội
Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối.
Giấc mơ xưa có chớp giật, sấm gầm,
Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hóa mưa giông.
Nghe như tiếng của cha ông dựng nước
Truyền con cháu phải ngẩng cao mà bước
Nghe như lời cây cỏ gió mưa.
Đang hát tiếp bài ca bất khuất ngàn xưa...
Mưa tạnh rồi, như mùa xuân nhẹ trổi
Thấy sáng xanh trên những cành xanh nắng rọi
Mưa ơi mưa, mưa gội sạch những cành non
Mang đến mùa xuân những quả ngọt tươi ngon.
Ôi vui quá không thấy chim đâu cả
Mà bờ tre nghe giọng hót trong lành.
Nhà ai đấy nhịp chày ba rộn rõ,
Làm hạt mưa trên cành lá rung rinh.
Mấy cô gái bên kia sông giặt áo
Tay rẩy nước. Bỗng mưa rào nho nhỏ
Cánh tay cô hay cánh gió nhẹ đưa
Rung cành tre rơi nhỏ một cơn mưa...
Ôi yêu quá mấy hàng dừa trước ngõ
Rễ dừa nâu, mườn mượt gân tơ
Đường tạnh ráo, đất lên màu tươi mởn
Đã yêu rồi sao bỗng thấy yêu hơn...
Quê hương ơi, mấy năm trời xa cách
Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi.
Nghe tiếng trời gầm xa lắc...
Cớ sao lòng lại xót đau...
Ta muốn về quê nội
Ta muốn trở lại tuổi thơ
Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu là...
Ôi tiếng sấm từ xa, bỗng gầm vang rộn rã...
 
Anh vẫn hành quân
TRẦN HỮU THUNG

Anh vẫn hành quân
Trên đường ra chiến dịch
Mé đồi quê anh bước,
Trăng non ló đỉnh rừng
Anh vẫn hành quân
Như ngày em có nhớ
Đứng bên cầu xóm nhỏ
Nón che em dặn thêm
Anh vẫn hành quân
Lưng đèo qua bãi suối
Súng ngang đầu anh gối,
Súng kề tay anh cầm
Trời lại mưa lâm thâm
Gió xoay chiều rét dữ
Bên cầu em thấy chứ
Anh vẫn hành quân
Và tiếng hát vang ngân
Như đường lên Cao Lạng
Trời Điện Biên mây trắng
Cờ chiến thắng oai hùng
Anh vẫn hành quân
Như chín năm kháng chiến
Năm nay tròn thêm chín
Anh vẫn hành quân
Em ơi Mỹ điên cuồng
Có thêm nhiều chất độc
Súng tay anh cầm chắc
Anh vẫn hành quân
Ai trở bước lùi chân
Ai tình quên hẹn lại
Thì lòng anh em hỡi
Càng nóng bỏng tình em
Dù còn đó bóng đêm
Dù xa em xa má
Đã sáng bừng hai ngả
Em ơi ta thẳng đường
Ngoài này hỡi em thương
Trên cánh đồng hợp tác
Trên giàn giáo công trường
Trên tuyến đường anh đặt
Lòng anh mang Ấp Bắc
Anh vẫn hành quân
Em ơi anh càng gần
Bên cầu xưa em nhớ
Trong lời thơ giấc ngủ
Anh vẫn hành quân

12/1963
 
Nhớ
(Kính tặng những người lính thời chống Mỹ)
HỒ XUÂN HÙNG

Chiến tranh lùi về dĩ vãng
Bạn tôi.
Đứa nằm lại chiến trường xa
Và bản tình ca... bất tử
Đứa cụt què, bệnh tật
Ngẩn ngơ, thương binh sọ não vô hồn
Đứa nhiễm chất độc màu da cam
Con cháu mấy chục năm sau vẫn còn thương tích
Đứa về quê sau nhiều năm xa cách
Ngày vui đồng ruộng, tối vui gia đình
Thảnh thơi anh dân quê giấc ngủ ngon lành
Bạn bè đứa nào yêu thì đến
Đứa đam mê tiếp đường binh nghiệp
Hết biên giới Tây Nam - Tây Bắc
Quê hương: một năm vài ba tuần phép
Cấp tá về hưu tóc nửa bạc nửa xanh,
Đứa bỏ quê đánh đác thị thành
Lính - giám đốc, thủ trưởng thành giúp việc
Đời so le biết đâu là hơn thiệt
Chiến trường tử sinh có ai nghĩ thiệt hơn?
Đứa khoác ba lô về với giảng đường
Nuôi một ước mơ từ thời đi đánh giặc
Nay có người giàu sang
Cổng kín, tường cao, bạn bè không dễ đến
Có người đủ lương sống qua ngày, đoạn tháng
Cũng có người thất nghiệp
Có người đang ngày đêm vật lộn:
Đấu tranh cho lẽ phải công bằng
Bảo vệ trường tồn những đồng đội đã hy sinh.
Ba mươi năm giải phóng miền Nam
Chiến tranh lùi về dĩ vãng
Con cháu chúng ta
Đang trưởng thành, khôn lớn...


Được chơi với Kiến
TRẦN MẠNH HẢO

Bọn ta bảy chục tuổi xuân
Giờ ngồi xem kiến hành quân thay người
May còn con kiến để chơi
Có khi vạn sự ở đời con con
Dễ từng lấp biển dời non
Lưng còng mới được lon ton tuổi già
Góc vườn đàn kiến bò ra
Kéo đi hàng dọc như là Trường Sơn.
Nhớ ơi đồng đội chập chờn
Chiến tranh bỏ lại cô đơn hòa bình
Ngồi chơi với kiến giật mình
Một ta mà cả đội hình ngày xưa.
Tiếng rừng gọi bạn không thưa
Hoá thân thành kiến như vừa đâu đâu
Tuổi già thơ thẩn lâu lâu
Ngồi chơi với kiến bạc đầu không hay...
 
Gởi người yêu
79.gif

CHÂU NHO
(Thay lời của một liệt sĩ gửi người yêu trước lúc hi sinh)

Chiều vàng trôi
Mặt trời về khép cửa Trường Sơn
Anh ngắm biên cương
Bâng khuâng nhớ chiều quê hương
Chiều vàng trôi
Không níu lại được thời gian
Riêng anh giữ mãi chiều gặp em
Núi trở mình rừng buông màn đêm.
Và bây giờ sau lưng núi trăng lên
Trăng đầu tháng lặng im không nói
Trăng yếu ớt xua chiều đi vồi vội
Trăng hiểu rằng, từ đây anh xa em.
Nhớ nhau nhiều là buổi đầu tiên
Khi anh nói lời yêu em thẹn thùng cúi mặt
Trăng bẽn lẽn sau vòm cây ẩn nấp
Em nhìn anh, ôi, gương mặt trong đầy
Trăng rắc vàng lên mái tóc mây
Trời lấm tấm những vì sao xa lắc
Một dải Ngân hà mờ ánh bạc
Ngưu Lang và Chức Nữ có gần nhau. ...
Trên sao xa rồi cũng sẽ có người
Những làng mạc thay bằng thành phố
Mái trường xinh với đàn em nhỏ
Hát sau giờ ra chơi
âm thanh xa anh không rõ ý lời .
Vọng tiếng nhạc tận khoảng không vũ trụ
Và dáng dấp những người thiếu nữ
Cô gái Lào, nàng tiên hay là em?.
Đồng đội và anh thức với màn đêm
Súng gác sao trời hiện mảnh trăng đầu tháng
Anh ngỡ mình bay ra ngoài giới hạn
Đến một vì sao xa, nơi ấy có em yêu.

Khe Tang, 10-11-1968

79.gif
Năm 1968 tại mặt trận biên giới Việt - Lào, trung đội chúng tôi sau 3 ngày quần nhau với giặc có ba đồng chí đã hy sinh và trung đội trưởng bị thương rất nặng. Đêm đó, trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí ấy đã nằm ngửa mặt lên bầu trời và nói chuyện với người yêu trong cơn mê sảng. Xúc động trước hình ảnh đó, tôi đã làm bài thơ này gửi về cho người yêu của anh là cô giáo ở huyện Quế Phong (Nghệ An). Do chiến tranh, nay đây mai đó, tôi khòng còn giữ được bản thảo bài thơ nữa. May thay, năm 2002 tôi có được một đồng đội cũ là anh Bé đại tá, cán bộ trường Sĩ quan Công binh tìm gặp trao lại bài thơ do anh chép tay và giữ suốt 34 năm qua.
 
BẤT TỬ MỘT TRƯỜNG SƠN ÂM THANH
Nguyễn Thuỵ Kha

Nếu tôi không nhầm thì bài ca đầu tiên về Trường Sơn đã được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu là một giai điệu tha thiết, trữ tình mang tên "Vui mùa chiến thắng” của nhạc sĩ Văn Chừng. Ra Bắc tập kết được vài năm, Văn Chừng trở về hoạt động ở Khu Năm. Rừng Trường Sơn thuộc Khu Năm bắt đầu từ dốc Bò Lạch, qua sông A Vương tới thung lũng Trao, qua sông Bung tới thung lũng Giằng và cứ thế dọc ngược sông Giằng tới thung lũng Khâm Đức. Từ dốc Lò Xo trở đi đó là đoạn Trường Sơn - Tây Nguyên.

Giai điệu thanh bình của Văn Chừng tả thật đúng cảnh Trường Sơn những ngày đầu của đường mòn Hồ Chí Minh còn ít đạn bom: "Chiều nay tôi đứng trên Trường Sơn lòng tràn đầy vui sướng mùa lúa thơm ngạt ngào". Những nương rẫy Kà Tu đã đi vào âm nhạc thật hồn nhiên. Văn Chừng kể rằng sở dĩ tên tác giả ghi Văn Chừng và Lam Lương là vì Lam Lương là người đã cõng Văn Chừng bị thương đưa vào bệnh xá.

Nhưng Trường Sơn thực sự là Trường Sơn khốc liệt, bi tráng từ năm đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc. Con đường vận chuyển vô Nam đã oằn mình dưới đạn bom và chất độc hoá học. Người nhạc sĩ có mặt ngay thời điểm đó là Vũ Trọng Hối - một cá tính sáng tạo âm nhạc độc đáo.

Đọc nhiều lần cuốn nhật ký Trường Sơn anh trao cho tôi trước khi qua đời mới thấy sự vật vã trong cảm hứng khi người nhạc sĩ chìm đắm trong thực tế gay gắt này. Và ông đã viết ra "Đường tôi đi dài theo đất nước" rung động tới tâm can bao con người: "Đời giao liên bước tôi đi dài theo - theo đất nước...".

Cũng với cảm hứng ấy, một hành khúc trầm hùng của người lính Trường Sơn, bài "Bước chân trên dái Trường Sơn " đã ra đời với sự góp lời của nhà viết kịch Tào Mạt, khi đi Trường Sơn lấy bí danh là Đăng Thục. Hành khúc ngay từ đầu với nốt kết ở phách nhẹ, gây một ấn tượng hẫng khác thường: "Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn...

Sau đó, người nhạc sĩ quân đội từ Hà Nội vào chiến trường Tây Nguyên đã vút cao một bản hoan ca "Hát mừng chiến thắng Tây Nguyên" với nhịp đảo phách như mô tả những đỉnh Trường Sơn: "Tiếng súng Đắc Tô đã nổ. Mở đầu đông xuân quyết thắng ê ề ê...".

Từ thời điểm đó, liên tiếp các bài ca Trường Sơn ra đời cho đến tận hôm nay, năm kỷ niệm nửa thế kỷ Trường Sơn. Cần kể đến ngay là "Bài ca Trường Sơn" của Trần Chung, phỏng thơ Gia Dũng. Nhịp hành khúc của Trần Chung về Trường Sơn còn thăng hoa thêm "Đêm Trường Sơn nhớ Bác", thơ Nguyễn Trung Thu. Rồi đến "Cô gái mở đường” của Xuân Giao, "đường tôi đi dài theo đất nước” của Phạm Tuyên.

Với cảm hứng từ phong trào tòng quân của thanh niên huyện ứng Hoà, Hà Tây mà Phạm Tuyên còn viết thêm "Chiếc gậy Trường Sơn", rồi sau đó thì rắn rỏi với "Đêm trên Cha Lo". Hoàng Tạo sau "Tên lửa về bên Sông Đà” thì chợt lãng mạn với Trường Sơn qua "Đưa em đi hái măng rừng”. Hoàng Vân thì sau những "Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng”, "Trên đường tiếp vận" với bút danh Y Na thì thật hào sảng với "Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” ngay từ nhịp mở đầu: "Trông lên Trường Sơn - Kìa gió đã nổi ... ".

Còn Huy Thục thì thật hứng khởi với "Tiếng đàn Ta Lư”, "ôi dòng suối La la", "Cô gái Pa Kô". Bằng bút danh Lê Anh Chiến thì có “tiếng hát trên đường chiến thắng”. Ở các trọng điểm đường Trường Sơn Khu Bốn đã lẫm liệt một Truông Bồn (Nghệ An), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)... . Và gây cảm xúc mãnh liệt để Doãn Nho viết "Người con gái sông La", thơ Phương Thuý, Ánh Dương viết "Chào em cô gái Lam Hồng”.

Sau Mậu Thân 1968, những bài ca Trường Sơn lại tuôn trào như "Bài ca bên cánh võng” của Nguyên Nhung, "Cánh chim báo tin vui" của Đàm Thanh ... Thuận Yến sau những "Mỗi bước ta đi", "Bài ca đội nữ tiếp vận" thì thật đĩnh đạc trong hành khúc "Những bàn chân không nghỉ”, Nay ta lại ra đi - Qua Trường Sơn - Từ đỉnh Chư Lây tới bưng biền Đồng Tháp...".

Khi Huy Du vào Trường Sơn thì những bài ca Trường Sơn lại có thêm những góc nhìn mới, cảm hứng mới qua "Bài ca Trường Sơn", "Đêm Trường Sơn" với bút danh Huy Cầm .. sau ngày rất xa phổ "Tình em" của người lính Tây Nguyên Ngọc Sơn. Với chính tên mình Huy Du viết "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” và "Nổi lửa lên em", thơ Giang Lam, làm xao động cả một thời trận mạc.

Khi chiến dịch Đường 9 - Nam Lào nổ ra mùa xuân 1971, lại có thêm bao nhiêu bài hát về Trường Sơn. Không ai có thể quên "Trường Sơn đông - Trường Sơn tây” của Hoàng Hiệp phổ thơ Phạm Tiến Duật. Văn Dung sau "Bài ca Đường Chín chiến thắng” tưng bừng là "Đường Trường Sơn xe anh qua”. Tân Huyền có "Xe ta đi trong đêm Trường Sơn" phơi phới hy vọng. Hoàng Hà vạm vỡ với "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn": "Trên đỉnh Trường Sơn ta gặp nhau giữa đường đi đánh Mỹ...".

Vào những năm sau đó, lính Trường Sơn lại réo rắt "Rừng xanh vang tiếng Ta Lư” của Phương Nam, "Anh đi tìm em" của Phan Nhân rất trữ tình: "Anh đi tìm em chứ em ở nơi đâu ... " , chợt mới mẻ trong hành khúc "Ta ra trận hôm nay” của Văn An: "Trường Sơn - gập ghềnh dốc đá đường trơn - Đôi chân chiến sĩ bước mòn đá xanh ..." và tràn đầy hy vọng khi nghe "Lá đỏ" của Hoàng Hiệp, thơ Nguyễn Đình Thi: "Gặp em trên cao lộng gió - Đường Trường Sơn - ào ào lá đỏ . Hẹn gặp nhé - Giữa Sài Gòn".

Hoà Bình. Khi các binh trạm rời khỏi Trường Sơn để lại những cô gái đã qua tuổi xuân ở Trường Sơn, trở thành người dân Trường Sơn với nỗi cô đơn lặng lẽ, chợt ta lại thấy xao xuyến khi nghe "Sợi nhớ sợi thương” của Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Thúy Bắc. Còn Nguyễn Đình Bảng thì hồi ức trở lại một vẻ đẹp nguyên sơ của các nữ chiến sĩ Trường Sơn trong "Khoả trần Trường Sơn".

Bây giờ, khi những cuộc hành quân xưa kia chỉ còn trong ký ức. Bây giờ, khi một đời sống mới đã lấn dần hoang vu từng mảnh Trường Sơn và những cơn đường Trường Sơn của thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã mở ra thênh thang để chào đón những đoàn xe, những khách du lịch đến thăm viếng Trường Sơn như một bảo tàng xanh của thiên nhiên, thì lòng ta càng khôn nguôi nhớ về những năm tháng gian lao xưa cũ.

Nguyễn Trọng Tạo lại khóc ròng khi trở về ngã ba Đồng Lộc kiêu hùng mà rơi nước mắt trong "Đồng Lộc thông ru”. Chính người viết lời giới thiệu và tuyển chọn những ca khúc trong tập sách này cũng không thể cầm lòng khi đọc bài thơ "Truông Bồn - lời sim tím" của Châu Nho và đã phải hát lên thành ca khúc.

Rồi đường Trường Sơn sẽ đưa ta đến tương lai. Nhưng mãi bất tử một Trường Sơn âm thanh của một thời bi tráng.
 
PHẦN THỨ HAI
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH, CÔNG NGHIỆP HÓA - MỘT KHÁT VỌNG HÙNG CƯỜNG

CHƯƠNG MỘT
CON ĐƯỜNG THỜI ĐẠI

NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI VỚI TUYẾN ĐƯỜNG CHIẾN LƯỢC TRƯỜNG SƠN
(Hồ Nghĩa Dũng, ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Bài viết tại hội thảo khoa học: "Chiến trường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc"

50 năm đã trôi qua, nhắc tới đường Trường Sơn, chỉ cái tên thôi là đủ gợi nhớ đến sự ác liệt của một tuyến đường đã từng là dòng máu huyết mạch chi viện cho chiến trường Miền Nam, là cái gai không bao giờ có thể nhổ được của đế quốc Mỹ - ngụy, là bản anh hùng ca bất khuất của những chàng trai, những cô gái tuổi đôi mươi nhưng đã trở nên bất tử. Thật khó có thể ngợi ca hết được sự kỳ diệu cũng như đóng góp to lớn của con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống Mỹ, cứu nước ...

Với ngành Giao thông Vận tải, có thể nói tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã ghi dấu ấn nổi bật của ngành trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, ngành Giao thông Vận tải Việt Nam đã lập nên những kỳ tích huy hoàng, góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt.

Cùng với những người lính Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công gái trai, các cán bộ chiến sĩ, nhân viên ngành Giao thông Vận tải, đã cống hiến tâm lực xương máu và tuổi xuân của mình để xây dựng, duy trì sức chiến đấu mãnh liệt của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn dưới mưa bom, bão đạn suốt thời kỳ đánh Mỹ.

Ngành Giao thông Vận tải, với tuyến đường chiến lược Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ
Đường Trường Sơn, đường đi tới chiến thắng ...

Năm mươi năm trước, cách mạng miền Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giao thông liên lạc, chi viện từ Bắc vào Nam. Đầu tháng 5/1959, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Quân uỷ Trung ương nghiên cứu tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở tuyến giao liên và vận tải, đưa cán bộ, vũ khí và những hàng hoá cần thiết vào miền Nam. Đồng chí Võ Bẩm được giao nhiệm vụ tổ chức và phụ trách Đoàn 559 đầu tiên, mở đường vận tải vào miền Nam.

Sau một thời gian nghiên cứu mở đường và nắm bắt tình hình, Đoàn đã tổ chức được những tuyến đường gùi, thồ đưa vũ khí, lương thực... chi viện đầu tiên cho mặt trận. Làng Ho, rồi Phong Nha nơi tập kết hàng nghìn chiếc xe đạp Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu, một thời là nơi xuất phát của các đoàn gùi thồ đó...

Việc sử dụng xe cơ giới vận chuyển từng đoạn cũng được Đoàn 559 thực hiện sau khi con đường từ Bản Đông đến Mường Noọng (nam Đường 9) được khôi phục, sử dụng 4 chiếc ô tô chiến lợi phẩm sau chiến dịch Tà Khổng, phà vượt sông Xê Băng Hiêng được ghép bằng tre nứa và thùng phuy xăng.

Tính đến cuối năm 1964, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 vận tải quân sự đã xây dựng được 781 km đường ô tô, trên 600 km đường giao liên và gùi thồ. Đã hình thành mạng lưới đường vận tải từ đông sang tây Trường Sơn với hệ thống 3 đường song song: đường giao liên, đường vận tải gùi thồ và đường vận tải cơ giới bao gồm trục đường chính và các đường nhánh đi vào chiến trường.

Do cầu đường mới mở, phương tiện vận tải thô sơ nên kế hoạch hàng năm chỉ đạt 25-45%, nhưng một khẩu súng, một hòm đạn vào được đến miền Nam trong những năm đầu cách mạng chuyển từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh vũ trang có ý nghĩa rất lớn.

Nhưng rồi cuộc chiến tranh leo thang dần lên, số vũ khí hậu cần yêu cầu lớn hơn, xe đạp và gùi thồ không thể đáp ứng nhu cầu bức bách của chiến trường, Trung ương Đảng và Bác đã giao cho Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu khẩn trương mở đường và đảm bảo giao thông cho xe cơ giới. Đây thực sự là nhiệm vụ rất lớn và nặng nề có tính chiến lược.

Đồng chí Phan Trọng Tuệ, ủy viên Trung ương Đảng, Thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, được giao nhiệm vụ Tư lệnh trưởng kiêm Chính uỷ Đoàn 559. Ngoài đồng chí Phan Trọng Tuệ còn có đồng chí Nguyễn Tường Lân, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải,, nhiều đồng chí lãnh đạo Cục, Vụ, Viện như đồng chí Nguyễn Nam Hải, Phan Trầm, Nguyễn Lang... Và hàng nghìn cán bộ công nhân viên ưu tú với nhiều trang thiết bị cơ giới "đổ bộ" vào Trường Sơn mục tiêu phải giải quyết việc mở đường, phá thế độc tuyến, thông xe cơ giới chi viện lớn cho chiến trường miền Nam.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng có tính quyết định là mở con đường mới xuyên từ Đông sang Tây Trường Sơn để khắc phục việc ách tắc vào mùa mưa và túi nước Xiêng Phan. Vì vậy khu vực Phong Nha, Ta Lê được coi là mục tiêu trong tầm ngắm. Mở đường ở vị trí này "húc" vào dãy núi đá tai mèo, đó là một thách thức lớn. Nhưng bằng tất cả trí thông minh và lòng quả cảm ta đã quyết định mở đường 20 - Quyết Thắng với tên chiến dịch “chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi", một sự kiện chưa từng có từ trước tới nay: vừa thiết kế, vừa thi công kết hợp thủ công với cơ giới.

Để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, nhằm thi công con đường 20 Quyết Thắng trong thời gian cho phép là 4 tháng, Bộ Giao thông Vận tải đã điều lực lượng cơ giới mạnh nhất của Bộ do các đồng chí Nguyễn Trí Tuệ (tức Lam Chi) và Nguyễn Lang phụ trách, Bộ còn huy động thêm cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân bậc cao vào phục vụ chiến trường do đồng chí Phan Trầm phụ trách. Toàn bộ cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong ngành Giao thông Vận tải, đều được quân sự hóa trong đội hình của Đoàn 559 ... .

Nhờ áp dụng sáng tạo phương pháp mở đường núi đá bằng máy ủi và bộc phá, trên 65 cây số có hàng vạn quân bố trí gần như “đồng khởi", cuốn chiếu gồm nhiều lực lượng: công binh, bộ binh, pháo cao xạ, thanh niên xung phong, công nhân viên giao thông vận tải,. Đường làm đến đâu lập kho tàng đến đó, chỉ trong 77 ngày đêm đã thông xe. Đoàn 559 đã hoàn thành tuyến đường 20 đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ ngày 19/5/1966.

Con đường mới nhờ vòng tránh được túi nước Xiêng Phan đã tạo nên tuyến vận tải từ đông sang tây Trường Sơn hoạt động cả 4 mùa. Có đường 20 ta phá được thế độc tuyến và tạo nên hệ thống đường cơ giới. mở ra khả năng vận tải liên tục lương thực, vũ khí...từ hậu phương sang tây Trường Sơn, để tiếp tục đi vào chiến trường.

Đường 20 Quyết Thắng (tức là tuổi trẻ 20 quyết thắng) đã đi vào lịch sử như tạo được một huyết mạch quyết định, khai thông một trong những khâu xung yếu nhất của đường chiến lược Hồ Chí Minh. Đây là công trình làm đường lớn nhất tạo ra hiệu suất cao nhất của tuyến vận tải Trường Sơn, thể hiện sự quyết đoán, thông minh, táo bạo với ý chí quyết chiến thanh niên xung phong ngành Giao thông Vận tải, và cán bộ, chiến sĩ quân đội. Đường 20 - Quyết thắng cũng là con đường được hoàn thành nhanh nhất, có ý nghiã chiến lược quan trọng của hệ thống đường mang tên Bác.

Từ thực tế Đường 20, nhiều bài học quý giá về "chiến tranh nhân dân" được tổng kết. Đó là sự phối hợp giữa giao thông vận tải,và quốc phòng, chế độ song trùng lãnh đạo. Sau đó Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập Ban Xây dựng 67 (chịu sự lãnh đạo song trùng của Bộ Giao thông Vận tải, và Tổng cục Hậu cần tiền phương) với nhiệm vụ chính trị chủ yếu là cùng với các lực lượng quân đội tổ chức mở đường và chiến đấu bảo đảm giao thông các tuyến đường thuộc hệ thống đường Trường Sơn để phục vụ nhiệm vụ vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam trong suốt quá trình chống Mỹ, cứu nước.

Ban 67 đã được tăng cường hàng vạn quân bám cầu, bám đường suốt cả cuộc chiến tranh phá hoại cho đến ngày toàn thắng. Ban 67 chính là "Tiền tuyến" của ngành Giao thông Vận tải. Chiến tranh phá hoại leo thang đánh phá cả miền Bắc nhưng tập trung cao nhất vẫn là hạ tầng giao thông vận tải. Trong hạ tầng đó thì đánh phá có tính chất hủy diệt vẫn là đường Trường Sơn, mà đường Trường Sơn phải nói đến vùng "Cán Xoong", hàng trăm trọng điểm địch đánh phá ác liệt như: cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, Cà Roong, Trà Ang, Đá Đẽo La Trọng, Bãi Dinh...

Kết thúc sự nghiệp đảm bảo giao thông, Ban 67 có 1.105 cán bộ, thanh niên xung phong, công nhân lao động đã anh dũng hy sinh, hàng nghìn thương bệnh binh. Ban 67, toàn ngành Giao thông Vận tải, cùng quân và dân cả nước đã viết lên những trang sử chói lọi nhất trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
 
Từ năm 1967 trở đi, nhờ biết vận dụng nghệ thuật quân sự vào vận tải quân sự chiến lược trong chiến tranh, Tuyến chi viện chiến lược 559 (đường Trường Sơn) đã từng bước hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ: Vận tải chiến lược, cơ động bộ đội; Đánh địch trên không và mặt đất; Xây dựng căn cứ chiến lược cho chiến trường 3 nước thuộc bán đảo Đông Dương. Đồng thời phối hợp với bạn Lào tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, xây dựng cơ sở cách mạng Trung, Hạ Lào. Với 3 nhiệm vụ đó, Tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh đã tiếp tục phát triển năm sau cao hơn năm trước, phục vụ đắc lực cho các chiến trường.

Sau Hiệp định Pa ri năm 1973, một thuận lợi mới, một thời cơ mới đã đến với Tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc Phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã sớm nắm bắt được thời cơ, phát huy mọi kinh nghiệm và sáng tạo, chuyển hướng mọi mặt hoạt động trên tuyến sát với tình hình, nhiệm vụ mới. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn được phát triển nhanh chóng, toàn diện, quy mô lớn trên tất cả các mặt. Đường Trường Sơn được nâng cấp tuyến phía Tây. Năm 1974, đường mở thêm tuyến phía Đông.

Để đáp ứng cho thời cơ mới, giữa năm 1973, bộ đội Trường Sơn sắp xếp lại tổ chức theo hướng Sư đoàn binh chủng trực thuộc Bộ Tư lệnh. Lực lượng bao gồm: 9 Sư đoàn binh chủng, 8 Trung đoàn trực thuộc, 1 Sư đoàn cao xạ, tên lửa phối thuộc.

Cụ thể: 2 Sư đoàn và 2 Trung đoàn xe vận tải, 4 Sư đoàn công binh; 2 Sư đoàn và 5 Trung đoàn cao xạ, tên lửa, 1 Sư đoàn và 1 Trung đoàn bộ binh và 11 Trung đoàn binh chủng độc lập (đường ống, đường sông, thông tin, xe vận tải cao xạ, giao liên, bộ binh), 4 Đoàn thanh niên xung phong trực thuộc Bộ Tư lệnh; 1 Đoàn lực lượng Bộ Giao thông Vận tải, phối thuộc. Tổng quân số 12 vạn người.

Chỉ huy thời kỳ này là Đại tá Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh và Đại tá Hoàng Thế Thiện - Chính ủy. Năm 1974, Đại tá Đồng Sĩ Nguyên được thăng vượt cấp lên Trung tướng, Đại tá Hoàng Thế Thiện được thăng cấp Thiếu tướng. Đầu năm 1975, Đại tá Lê Xy được cử làm Chính ủy.

Đến mùa hè năm 1974, đường Đông và Tây Trường Sơn đã hình thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc, là cơ sở hạ tầng bảo đảm chi viện liên tục vật chất, cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật, bảo đảm cho đòn tiến công chiến lược khi thời cơ đến.

Đồng thời, tuyến hành lang Đông - Tây Trường Sơn đã hình thành một căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường nam Đông Dương, là chỗ dựa vững chắc cho các chiến trường. Đây là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ chi viện của hậu phương chiến lược miền Bắc cho các chiến trường tại miền Nam, Lào và Campuchia.

Cho đến ngày Việt Nam thống nhất, suốt 16 năm chiến đấu, Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn trên Đường Hồ Chí Minh đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 16.700 km đường dã chiến các loại, trong đó có: 6.800 km đường trục dọc, 5.000KM đường ngang và 5.000 km đường vòng tránh, 800 km đường kín được nguỵ trang bằng tán rừng tự nhiên; 1.500 km đường đá; trên 200 km đường nhựa; 500 km đường sông; 3.500 km đường đi bộ; trên 1000 km đường ống dẫn xăng dầu.

Hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm hành quân bổ sung cho các chiến trường trên 1,5 triệu bộ đội và cán bộ. Đã đảm bảo cho 30 vạn chiến sĩ hành quân bằng cơ giới, trong đó có 3 quân đoàn, 6 sư đoàn, 10 sư, lữ, trung đoàn binh chủng. Cũng trong 16 năm chiến đấu đó, gần 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, giao thông đã hy sinh và trên 2 vạn người bị thương.

Có thể nói, quyết định xây dựng tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh và thực hiện thắng lợi quyết định này là một thành công kiệt xuất trong lãnh đạo chiến tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam, là biểu hiện của “ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng" của quân và dân ta, là con đường thể hiện sức mạnh to lớn của khối hiệp đồng chiến đấu quân dân, giữa bộ đội vận tải quân sự với hàng vận cán bộ, công nhân và lực lượng thanh niên xung phong ngành Giao thông Vận tải, là sức mạnh của tình đoàn kết Việt Lào - Campuchia, là một trong những biểu tượng đặc trưng và sâu sắc nhất của tình đoàn kết Bắc - Nam

Lịch sử tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh còn phản ánh trình độ vận dụng sáng tạo khoa học và nghệ thuật quân sự của Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn từng bước tiến lên theo quy luật chung của chiến tranh giải phóng dân tộc - quy luật phát triển từ thấp đến cao, từ yếu đến mạnh, từ thô sơ đến hiện đại.
 
Ngành Giao thông Vận tải với Đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới

Trong chiến tranh hay trong thời bình, giao thông vận tải đều đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu như trong chiến tranh, giao thông vận tải góp phần giải phóng đất nước thì trong công cuộc hiện đại hoá đất nước, giao thông vận tải, sẽ góp phần phát triển đất nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của giao thông vận tải, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải, để giao thông vận tải đi trước một bước tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Và trong chủ trương đầu tư phát triển giao thông vận tải, Đảng và Chính phủ đã quan tâm trước hết đầu tư xây dựng Đường Hồ Chí Minh - trục dọc "xương sống" thứ hai của đất nước - bởi đây sẽ là huyền thoại và biểu tượng mới của giai đoạn đầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Sự cần thiết của việc đầu tư xây dựng Đường Hồ Chí Minh đã được khẳng định rõ trong Công văn số 1313/CP-CN ngày 15/12/1999 của Chính phủ gửi Bộ Chính trị:

"Việc xây dụng một trục đường bộ xuyên Việt thứ hai là rất cần thiết và cần thực hiện sớm. Tuyến đường này sẽ là một trục Bắc - Nam chủ yếu trong tương lai.

Ngay sau khi xây dựng xong giai đoạn 1, tuyến đường sẽ đóng vai trò đắc lực trong việc quy hoạch và phân bố lại lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế công - nông - lâm nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vùng trung du - miền núi. Từ đây sẽ hình thành các khu công nghiệp, đô thị, tác động tích cực vào việc xoá đói giảm nghèo của cả một vùng đất đai giàu tiềm năng chưa được khai phá ở phía Tây của Tổ quốc.

Tuyến đường này cùng với hệ thống gồm 63 đường ngang, trong đó có các trục hành lang Đông - Tây nối liền với quốc lộ 1 và hệ thống cảng biển, tạo nên một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam và liên thông với các nước trong khu vực. Nhiều đoạn trên tuyến sẽ hỗ trợ đắc lực để giải quyết ách tắc giao thông trên quốc lộ 1 trong mùa mưa lũ, đặc biệt ở khu vực miền Trung. Hệ thống giao thông này phát huy tối đa năng lực vận tải của các tuyến đường hiện có do nhiều thế hệ đã dày công xây dựng nhưng trong những năm qua gần như bị bỏ hoang, mặc cho thiên nhiên tàn phá đến mức trên nhiều đoạn tuyến không còn đi lại được.

Xây dựng trên cơ sở hệ thống đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trục đường bộ Bắc Nam thứ hai là hành lang phía Tây, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và củng cố an ninh quốc phòng, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay".

Thực hiện chủ trương và mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đề ra, để bắt tay vào việc xây dựng đường Hồ Chí Minh, ngày 11/8/1999, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Ngọc Hoàn đã ký Quyết định số 1999/1999/QĐ- BGTVT thành lập 1 Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh. Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh - công trình quan trọng của quốc gia.

Theo Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTG ngày 15/02/2007 (thay thế Quyết định số 789/TTG ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc - Nam), đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước Việt Nam, với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500 km).
 
Điểm đầu tuyến tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. Đường Hồ Chí Minh được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc và tiêu chuẩn đường ô tô thông thường. Riêng các đoạn qua thị trấn, thị tứ, thị xã và thành phố thiết kế phù hợp với quy hoạch địa phương được duyệt.

Tuyến chính của Đường Hồ Chí Minh (dài 2.667 km) sẽ đi qua các điểm: Pác Bó, thị xã Cao Bằng, thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Chu, đèo Muồng, ngã ba Trung Sơn ngã ba Phú Thịnh, cầu Bình Ca (sông Lô), Kmi24+500 Ql2, ngã ba Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, cầu Ngọc Tháp (sông Hồng), Cổ Tiết, cầu Trung Hà, thị xã Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Chợ Bến, Xóm Kho, Ngọc Lạc, Lâm La, Tân Kỳ, Khe Cò, Tân Ấp, Khe Gát, Bùng, Cam Lộ, cầu Tuần, Khe Tre, đèo Đê Bay, đèo Mũi Trâu, Túy Loan, Hoà Khương, Thạnh Mỹ, đèo Lò Xo, Ngọc Hồi, Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Chơn Thành, ngã tư Bình Phước, Tân Thạnh, Mỹ An, thị xã Cao Lãnh, cầu Cao Lãnh (sông Tiền), cầu Vàm Cống (sông Hậu), Rạch Sỏi, Minh Lương, Gò Quào, Vĩnh Thuận, thành phố Cà Mau, cầu Đầm Cùng, Năm Căn, Đất Mũi.

Nhánh phía Tây (dài 500 km) sẽ đi qua các điểm: Khe Gát, đèo U Bò, Tăng Ký, cầu Khỉ, Sen Bụt, Khe Sanh, Đắk Rông, đèo Pê Ke, A Lưới, A Đớt, A Tép, Hiên, Thạnh Mỹ.

Trên cơ sở Nghị quyết số 38/2004/QH 11 ngày 03/12/2004 của Quốc hội và phù hợp với thực tế cập nhật, việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Quy hoạch tổng thể được chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ năm 2000 - 2007): Đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe, bao gồm cả kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hòa Lạc (Hà Tây) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Cho phép một số điểm kiên cố hóa khó khăn hoàn thành trong năm 2008 .

Giai đoạn 2 (từ năm 2007 - 2010): Nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), và nghiên cứu triển khai đầu tư nâng cấp một số đoạn tuyến đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Giai đoạn 3 (từ năm 2010 - 2020): Hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn, trong đó lưu ý kết nối với quy hoạch hệ thống đường sắt, đường ngang và các quy hoạch khác có liên quan.

Năm 2000 - năm chuyển giao thế kỷ - thực sự là một năm ghi đậm dấu ấn đối với ngành Giao thông Vận tải nói chung và những công nhân ngành cầu đường Việt Nam nói riêng bởi sự kiện ngày 05/4/2000, dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải chính thức phát lệnh khởi công tại cầu Xuân Sơn (Quảng Bình), bắt đầu mở ra một huyền thoại mới cho đường Trường Sơn lịch sử (sau khi được Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt tại Quyết định số 18/2000/QĐ-TTG ngày 3/2/2000 đầu tư dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1 ).

Đây cũng là sự kiện được các phương tiện thông tin đại chúng chọn là sự kiện tiêu biểu nhất trong năm 2000. Thời khắc đó tất cả người dân cả nước đều trong tâm trạng hồi hộp ngóng chờ như đất nước chuẩn bị viết nên một trang sử mới.

Và đến ngày 30/4/2008, sau gần 3.000 ngày đêm của 8 năm đằng đẵng qua, hàng ngàn, hàng vạn công nhân cầu đường không quản nắng, gió Trường Sơn, đổ biết bao mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu của mình phá đá, mở rừng, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 từ Hòa Lạc (Hà Tây) đến Tân Cảnh (Kon Tum) (chiều dài gần 1.300 cây số) chính thức được bàn giao và đưa vào sử dụng, khai thông một trục dọc Bắc- Nam mới, mở ra một giai đoạn phát triển, một kỳ tích mới của đường Trường Sơn năm xưa nói riêng và của cả đất nước nói chung.

Huyền thoại xưa đã tiếp thêm sức mạnh cho hôm nay, để đường Trường Sơn xưa đã trở thành đường Hồ Chí Minh với tất cả sự hùng vĩ và hiện đại. Đối với một số tỉnh miền Trung Trung Bộ, tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua dường như đã thổi vào cuộc sống của cư dân khu vực này một luồng sinh khí mới. Cả vùng rừng núi hắt hiu ngày xưa nay như khoác lên mình một tấm áo mới đầy tươi tắn và sống động.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top