• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Trường Sơn - Đường khát vọng

Tình yêu thuở ấy

Cô bé 17 tuổi với những điệu múa mượt mà đã lay động tâm hồn bao chiến sĩ. Qua chị, họ tìm thấy hình bóng của quê hương, của mẹ tần tảo sớm hôm. Và trong hàng nghìn ánh mắt ấy đã có một ánh nhìn đam mê. Chị đã nhận ra anh và chị đã yêu với một tình yêu lửa cháy.
Kể đến đây tôi thấy chị ngập ngừng. Chị bảo đã có nhiều người đến gặp chị với ý tưởng sẽ viết thành một cuốn tiểu thuyết, nhưng chị chối từ. Bởi tình yêu của chị được viết lên bằng cả cuộc đời, cả những mất mát, hy sinh đâu dễ đem sẻ chia với mọi người được.

Sau một năm vào chiến trường, trong một lần đi biểu diễn ở Sa Ra Van, địa danh thuộc một tỉnh cao nguyên (nước Lào) chị đã gặp anh. Lúc đó đoàn của chị ở sát một trạm thông tin thuộc một trung đoàn bộ binh. Người cùng với chị viết lên câu chuyện tình lãng mạn giữa rừng Trường Sơn có tên Nguyễn Thanh Tùng. Anh quê ở Cổ Đô, Ba Vì, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Phải 25 năm sau chị mới có địa chỉ rõ ràng thế. Khi quen nhau, rồi yêu, chị chỉ biết anh ở Hà Tây, nhưng cụ thể ở đâu thì không nhớ rõ. Tình yêu trong bom đạn đâu cần phải tìm hiểu quá nhiều.

Hai người quen nhau cũng thật tình cờ. Hai doanh trại đóng ở gần nhau, mỗi lần chị ra sân tập múa, hay ra suối giặt quần áo thì hai người gặp nhau. Chung một bờ rào, chung một dòng suối, một bến nước và tình yêu nảy nở. Tuổi 18, sẵn sàng yêu thương, vậy mà suốt 2 năm họ cũng chỉ dừng lại ở những ánh nhìn âu yếm, những cái nắm tay vội vàng. Chị bảo, đó chính là nét đẹp nhất của tình yêu Trường Sơn. Có những đôi nam nữ nằm chung với nhau trong một chiến hào để tránh đạn, nhưng họ vẫn vượt qua được ham muốn nhục dục. Bởi kỷ luật chiến trường, bởi tư cách của một quân nhân không cho phép họ vượt qua giới hạn.

Nhưng tình yêu của chị không thể tới đích. Sau hai năm quen nhau, năm 1975, đơn vị của anh về nước, tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Chị vẫn còn nhớ cái đêm chia tay ấy. Hai tiếng đồng hồ ngồi với nhau ở cổng doanh trại, lần đầu tiên họ trao cho nhau nụ hôn đầu. Động viên anh rắn rỏi lên đường, chị nói với anh rằng: vì độc lập, vì kỷ luật của người lính, không thể không chấp hành mệnh lệnh. Không thể vì tình yêu mà quay lưng với đồng đội, với Tổ quốc.

19 tuổi yêu và sống, và đã biết hy sinh. Chỉ có trong chiến tranh, trong bom đạn mới rèn đúc được những con người như thế.
Và họ chia tay với niềm tin ngày giải phóng sẽ tìm thấy nhau. Anh bảo: "Nhà anh nằm bên bờ sông Hồng. Nếu em về Việt Nam thì cứ đi dọc bờ sông Hồng là sẽ đến nhà anh". Và hàng chục năm sau chị vẫn khắc khoải nhớ câu nói ấy.

Thân gái dặm trường

Khi chia tay người yêu, do bị sốt rét, sức khỏe suy giảm nên chị không thể tiếp tục làm diễn viên múa. Năm 1976, chị được chuyển sang học nghề y tá. Tốt nghiệp chị đi phục vụ cho một đội nghệ thuật. Đến năm 1977 chị ra tuyến. Chị được cử đi học về nông nghiệp, học ghép cây, trồng lúa. Rồi chị đi chăn dê. Được giao quản lý cả đàn dê 700 con, chỉ có trong tay chiếc đàn acmonica, chị đã huấn luyện đàn dê thuần thục. Chính từ đó mà chị đam mê nghề chăn nuôi và đó cũng là vốn kiến thức đầu tiên cho con đường khởi nghiệp của chị sau này.

Năm 1978, chị ra quân và cũng là lúc chị phải đối mặt với những tháng ngày bi kịch. Chị lấy chồng, có con và thi đỗ Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Quan hệ quốc tế). Ra trường chị đi xuất khẩu lao động 4 năm tại Tiệp Khắc, với mong muốn sẽ kiếm được nhiều tiền để chăm lo cho chồng, cho con.

Ở xứ người, chị mải mê kiếm tiền, phải thức trắng đêm đan móc áo bán cho người nước ngoài. Rồi chị mua xích líp xe đạp và gửi về nước. Vất vả là thế, nhưng đổi lại là sự bất hạnh.

Gia đình chị tan vỡ. Không hiểu bằng phép lạ nào mà chị đã vượt qua giai đoạn khó khăn ấy. Một mình bươn chải để gây dựng sự nghiệp và trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. Chị bảo có lẽ chính những năm tháng Trường Sơn đã tiếp cho chị nghị lực. Những kỷ niệm Trường Sơn đã làm dịu vợi trái tim chị mỗi khi rỉ máu. Và hơn hết chị còn có các con, chỗ dựa tinh thần để chị đứng dậy và sống.

Nhưng rồi hạnh phúc đã đến khi chị gặp anh V, giờ là chồng của chị. Người đàn ông điềm tĩnh, ít nói và rắn rỏi. Anh là một sĩ quan không quân. Cuộc đời của anh cũng là một chuỗi ngày bất hạnh. Vợ mất vì tai nạn giao thông. Anh ở một mình nuôi hai con nhỏ. Vốn đã quen anh từ lâu, nhưng giữa họ mới chỉ dừng lại ở tình đồng đội. Chứng kiến nỗi đau của anh, trái tim chị đã động lòng trắc ẩn. Rồi được sự vun vén của đồng đội, hai người đến với nhau. Chị bảo, khi gặp anh, chị thực sự tìm thấy hạnh phúc.

Sự đồng cảm của người lính cùng với sự trải nghiệm đằng sau những mất mát khiến anh có đủ bao dung và sẻ chia những vui buồn với chị. Sống với nhau gần 20 năm, anh không thể đem lại cho chị nguồn tài chính dồi dào, cũng không cho chị thêm một đứa con. Nhưng anh luôn dành bờ vai để chị ngả đầu sau một ngày mệt nhọc.

Chị bắt tay vào làm kinh tế từ những đồng vốn ít ỏi khi đi xuất khẩu lao động. Nắm bắt cơ hội khi đất nước mở cửa, hội nhập, chị bước vào con đường kinh doanh. Năm 2003, chị đầu tư một trang trại rộng 50 ha tại tỉnh Hòa Bình. Chị trồng keo, đào ao thả cá, chăn nuôi gà, trâu bò, dê. Tại đây, chị còn xây dựng nhà trẻ và bệnh xá, chị vừa là giáo viên, vừa làm y tá để giúp bà con địa phương.

Chị thành lập Công ty tại Bình Dương, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Rồi chị tiếp tục mở rộng chi nhánh công ty tại Hưng Yên. Chị thường tâm niệm, chính những năm tháng Trường Sơn đã cho chị kiến thức, bản lĩnh để đối mặt với thách thức của thị trường, tạo bước phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
__________________
 
Hơn cả tình yêu

Trở thành một người vợ, người mẹ, nhưng chị vẫn không quên những năm tháng Trường Sơn, nơi tình đồng đội, đồng chí còn mãi với thời gian. Trong bộn bề của cuộc sống đời thường, chị vẫn canh cánh bên lòng khi nghĩ đến "người xưa”. Không biết anh còn hay đã mất và lời hứa ngày đất nước độc lập sẽ gặp lại khiến chị quyết tâm đi tìm. Chỉ biết nhà anh nằm bên bờ sông Hồng và trong suốt 25 năm, không biết bao lần chị tìm về bên dòng sông ấy. Nếu không có một niềm tin và sự động viên của chồng, chắc chị không thể đi hết đoạn đường để tìm thấy anh.

Đã gần 10 trôi qua, nhưng chị vẫn còn nhớ cái ngày hai người gặp nhau. Đó là một buổi chiều chị đến bến xe Trung Hà, cũng như mọi lần chị lại đi tìm dọc bờ sông. Nhưng lần này may mắn hơn bởi chị tình cờ gặp một người phụ nữ, nhà cũng có người là bộ đội Trường Sơn đã hy sinh và có mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Xúc động với câu chuyện của chị, người phụ nữ ấy đã nhờ người đưa chị đi tìm. Và lần đó chị đã tìm thấy nhà anh.

Cả nhà anh xúc động khi biết chị chính là cô văn công tên Lành. Bởi những lá thư của chị gửi, anh Tùng vẫn giữ, và câu chuyện tình yêu về một cô văn công nơi hỏa tuyến anh vẫn thường kể cho mọi người. Họ gặp nhau, mừng tủi, vui sướng. Lúc này chị mới biết anh đã lấy vợ và có ba con.

Và trong hành trình đi tìm người yêu cũ, nguồn động viên nhiều nhất lại chính là chồng chị. Anh dõi theo từng bước chân của vợ. Chính tình yêu mãnh liệt của chị đã chinh phục anh, làm cho anh thấy tự hào. Chị bảo với anh rằng: “em tìm anh ấy, nếu anh ấy có là liệt sĩ thì em sẽ thắp cho anh ấy một nén nhang và sẽ thay mặt anh ấy để chăm nom bố mẹ. Nếu anh còn thì vợ chồng mình sẽ có thêm một người bạn". Và anh đã đồng cảm với chị, giúp chị tìm được người yêu cũ.

Chị tìm "người xưa" không phải để đến với nhau. Đi tìm để lời hứa trọn vẹn, để nghĩa tình Trường Sơn mãi mãi đong đầy. Hai năm quen nhau, đổi lại là cả một hành trình 25 năm thực hiện lời hứa. Chỉ khi tìm thấy anh, chị mới thanh thản. Lúc này anh đã yên bề gia thất, thấy gia cảnh anh Tùng khó khăn, vợ chồng chị đã cưu mang các con. Sau khi chu cấp cho ba người con của anh học hành, thành đạt, vợ chồng chị còn xây tặng cho anh Tùng một căn biệt thự tại Cổ Đô, bên bờ sông Hồng.

Đến khi đó, chị mới cảm thấy nhẹ nhõm, chồng chị cũng khuyên chị rằng: "Em làm thế là đủ rồi, đã đến lúc phải dành phần cho chị ấy". Giờ đây, hai gia đình họ đã trở thành những người bạn tốt. Chỉ có những người lính Trường Sơn trải qua những khoảnh khắc của sự sống và cái chết mới có những tình cảm trong sáng, vị tha đến thế.

Giờ chị đã có một gia đình hạnh phúc, các con của chị đều trưởng thành. Niềm vui lớn nhất của chị là thấy các con mạnh khỏe, thông minh. Điều mà nhiều đồng đội của chị không có được. Chính vì thế, chị coi việc làm từ thiện là cách để tri ân với đồng đội. Chị đến từng nhà, giúp vốn, giúp kiến thức để đồng đội có thể tạo công ăn việc làm. Chị không tiếc thời gian, công sức, tiền bạc để giúp những đồng đội không may mắn và những đồng vốn ấy đà giúp nhiều người thoát khỏi khó khăn.

Chưa có bài báo nào viết về chị, chị bảo mình làm là vì cái tâm, vì những kỷ niệm Trường Sơn, đâu phải để đánh bóng mình. Suy nghĩ ấy thật giản dị, nó không có ở bất kỳ trường đại học hay giáo trình đạo đức nào. Nó chỉ có được từ những năm tháng Trường Sơn khốc liệt, nhưng rất đỗi tự hào.
 
Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
TỪ GIAN KHÓ VƯƠN TỚI MỤC TIÊU TRỞ THÀNH MỘT TẬP ĐOÀN KINH TẾ MẠNH
Vũ Ngọc Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Petrelimex

Với 41 Công ty Xăng dầu, 23 Công ty cổ phần, 3 Công ty liên doanh liên kết, 1 chi nhánh Petrolimex tại Singapore với hơn 1.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động trên khắp mọi miền của Tô quốc, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang ngày càng phát triển bền vững. Thương hiệu chữ "P” ngày càng chiếm được lòng tin của khách hàng trong và ngoài nước.

Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam tiền thân là Tổng Công ty Xăng dầu mỡ được thành lập theo Nghị định số 09/BTN-NĐ.KB ngày 12-1-1956 của Bộ Thương nghiệp và được thành lập lại theo Quyết định 224/TTG ngày 17-4-1995 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương). Từ khi thành lập đến nay, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Tổng Công ty luôn hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.”

Dòng xăng vào chiến trường

Ngay khi thành lập, Tổng Công ty Xăng dầu mỡ (từ tháng 4-1964 là Cục Xăng dầu mỡ) bắt tay ngay vào việc kiện toàn tổ chức, đồng thời tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng chủ nghiã xã hội ở miền Bắc. Năm 1965, giặc Mỹ leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc mà một trong những trọng điểm mà chúng dồn sức phá hoại là các kho, các tuyến tiếp tế xăng dầu. Cuộc chiến giành lại xăng, mở đường cho xăng vào kho, bảo vệ xăng có khi phải đánh đổi bằng máu của những người công nhân cán bộ Tổng Công ty.

Nhưng vượt qua bom đạn, vượt qua những mất mát hy sinh và những lần các tổng kho xăng dầu bị đánh phá, những chiến sĩ xăng dầu vẫn luôn đảm bảo cho dòng xăng không ngừng vươn tới chiến trường. Họ đã có mặt ở khắp các nẻo đường ra trận trên các cung đường Trường Sơn huyết mạch. Từ điểm đầu là Tổng kho B 12 tại Quảng Ninh, xăng dầu được bơm tới các kho ở Hải Dương, Hà Nội (Đức Giang), Thanh Hóa (Đinh Hương), Nghệ An (Vinh, Bến Thủy, Tân Kỳ, Nam Đàn ....)... để tiếp vận ra tiên tuyến.

Năm 1968, Trung ương quyết định xây dựng "đường Trường sơn xuyên lòng đất", những cán bộ ngành xăng dầu đã cùng chiến sĩ đường Trường Sơn làm nên một huyền thoại. Trong bảy năm (1968 - 1975), cán bộ ngành xăng dầu đã xây dựng nên đường ống kéo dài từ biển cả vào nội địa, từ Bắc vào Nam. Đường ống đó xuyên lòng biển vượt sông suối, núi đèo, cánh đồng qua cả những tọa độ lửa vào thẳng tới chiến trường để quân dân ta đánh Mỹ.

"Có ai dám vượt Cổng Trời
Để cho suối chảy ngược đồi lên non
Cổng Trời mở rộng chọc thông đỉnh đồi
Đưa bể lớn chứa xăng dầu
Khẩn trương đáp ứng nhu cầu tiền phương"

Đó là những câu thơ, niềm tự hào rất riêng của cán bộ ngành xăng dầu khi góp tay xây dựng đường Trường Sơn xuyên lòng đất. Ghi nhận những công lao ấy, Nhà nước đã phong tặng 8 đơn vị thành viên của Tổng công ty danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 1 cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng lao động. 31 cán bộ công nhân viên Tổng Công ty đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và được công nhận liệt sĩ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, những người lính xăng dầu khi xưa bắt tay vào nhiệm vụ mới, không bom đạn nhưng cũng rất cam go, quyết liệt
 
TẬP ĐOÀN CAO SU VIỆT NAM - TRƯỞNG THÀNH CÙNG ĐẤT NƯỚC

Tập đoàn cao su Việt Nam là một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam, có nhiều thành tựu và đóng góp quan trọng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời hòa bình.

Lịch sử kiêu hùng

Lịch sử ra đời và hình thành ngành khai thác cao su, giai cấp công nhân cao su; phong trào đấu tranh của công nhân cao su gắn liền với chính sách khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Từ năm 1858, khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên bắt đầu cuộc đánh chiếm Việt Nam, nhận thấy điều kiện thuận lợi của thổ nhưỡng ở đây thích hợp với cây cây cao su, chúng đã đầu tư phát triển cây cao su trên vùng đất Đông Nam Bộ, diện tích cây cao su vì thế tăng lên rất nhanh. Các đồn điền cao su dần dần lan rộng khắp miền đất đỏ Nam Kỳ.

Sự tăng lên về quy mô khai thác khiến người dân địa phương không đáp ứng được lượng nhân công cho các đồn điền, do đó chúng phải ra Bắc, ra Trung để tuyển mộ mà chúng hay gọi là "mộ phu” hay "chiêu mộ nhân công giao kèo". Công nhân bị bóc lột thậm tệ: tăng giờ làm, cúp lương, thậm chí bị đánh đập, lăng nhục,... do đó phong trào đấu tranh của công nhân cao su dâng cao.

Sau thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, việc bóc lột công nhân tuy có thay đổi về hình thức nhưng bản chất vẫn là một. Phong trào đấu tranh của công nhân cao su vẫn liên tục tiếp diễn.

Từ sau năm 1968 đến ngày giải phóng đất nước, mức độ bom pháo của Mỹ - ngụy càng ác liệt, các kế hoạch bình định, gom dân được tiến hành khốc liệt hơn, chiến dịch bình định của địch liên tiếp mở ra đi đôi với việc bắt lính đôn quân của ngụy quyền... Nhiều phong trào đấu tranh của công nhân liên tục nổ ra, trong đó Dầu Tiếng và Bình Sơn là hai nơi có phong trào công nhân đấu tranh mạnh mẽ và làm công tác binh địch vận đạt hiệu quả cao.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: "Lịch sử đấu tranh của công nhân cao su Đông Nam Bộ là lịch sử đấu tranh liên tục".

Trong kháng chiến chống Mỹ, rừng cao su là nơi bộ đội đóng quân. Gỗ cao su dùng làm hầm trú ẩn, hầm giấu xe tăng và pháo hạng nặng. Rừng cao su nông trường Việt Trung, nông trường Phú Quý (Quảng Bình), Bài Hà (Vĩnh Linh) đã ghi dấu chân hàng vạn cán bộ, chiến sĩ vào Nam đánh giặc. Rừng cao su Đông Nam Bộ từng là cứ điểm xuất phát của những cánh quân tham gia các chiến dịch.

Tiếng súng tiến công vào mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ để giành độc lập cho dân tộc. Cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời người công nhân cao su Việt Nam vĩnh viễn chấm dứt những năm tháng nô lệ và trở thành những người chủ thật sự của những đồn điền cao su.
 
Thời kỳ hòa bình: tập đoàn kinh tế lớn mạnh

Với địa vị mới và với niềm phấn khởi dạt dào của người chiến thắng, công nhân tích cực ra sức khôi phục sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm để làm giàu cho Tổ quốc. Qua nhiều năm đấu tranh với khó khăn và đói nghèo, ngành công nghiệp cao su Việt Nam đã từng ngày thay da đổi thịt, từng bước khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế của đất nước.

Ngày 22-4-2007, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (chuyển đổi từ Tổng Công ty cao su Việt Nam) với chức năng ngành nghề được xác định là thực hiện kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực trong đó ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chính là trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến mủ cao su, làm nòng cốt để thực hiện chương trình phát triển 700.000 ha cao su đến năm 2010 và làm đầu mối để phát triển 100.000 ha cao su ở các tỉnh biên giới Lào và Campuchia...

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam hiện gồm 80 đơn vị thành viên và liên kết, 4 đơn vị sự nghiệp, 22 doanh nghiệp nhà nước và hơn 50 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đặc biệt có 13 công ty được thành lập để đầu tư ra nước ngoài. Tổng tài sản của Tổng công ty cao su Việt Nam đến cuối năm 2006 là 14.350 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 7.320 tỷ đồng.

Năm 2008, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã thu được nhiều thành công, giá bán bình quân năm 2008 cao hơn năm trước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định cây cao su là cây đa mục đích có thể sử dụng cả cho các mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp. Quyết định này sẽ tạo điều kiện cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, tháo gỡ những thủ tục đất đai, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên.

Về tình hình khai thác cao su, tính đến cuối tháng 12/2008, Tập đoàn đã khai thác được 316.341 tấn cao su, đạt 105,20% kế hoạch năm, nhiều công ty đạt kết quả cao như Công ty cao su Phú Riềng đạt 114,8%; Công ty cao su Dầu Tiếng 107,4%, Công ty Cao su Bình Long 105,2%. Diện tích cao su khai thác đạt 173.903 ha, trong đó miền Đông Nam Bộ 132.161 ha, Tây Nguyên 36.518 ha, Duyên hải Miền Trung 5.223 ha, năng suất bình quân của tập đoàn đạt 1,82 tấn/ha. Trong đó có 8 công ty, 43 nông trường miền Đông Nam Bộ đạt năng suất bình quân trên 2 tấn/ha, 2 công ty, 11 nông trường Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung đạt năng suất bình quân trên 1,8 tấn/ha, chiếm 43.85% trên tổng diện tích khai thác.

Toàn Tập đoàn hiện có 40 nhà máy, xí nghiệp và xưởng chế biến mủ cao su: tổng công suất thiết kế các nhà máy chế biến là 354.500 tấn/năm, trong năm 2008 đã chế biến được 324.993 tấn cao su các loại, đạt 107% kế hoạch. Các nhà máy chế biến trong Tập đoàn không ngừng được nâng cấp cải tạo liên tục trong năm qua. Nhiều công ty được đầu tư máy chế biến, trang thiết bị hiện đại cùng với việc áp dụng quy trình công nghệ chuẩn chế biến cao su SVR đã có hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng cao su sơ chế, tỷ lệ rớt hạng giảm, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Năm 2008, Tập đoàn đã đưa dây chuyền thiết bị công nghệ mới vào hoạt động gồm: dây chuyền mủ SVR 10,20 3.000 tấn/năm, nhà máy K'dang, công ty cao su Mang Yang; dây chuyền mủ SVR 10,20 3000 tấn/năm, nhà máy Ia Chim, công ty cao su Kon Tum; dây chuyền mủ SVR 31 9.000 tấn/ năm, nhà máy Long Hà, công ty cao su Phú Riềng,..

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cao su lớn trên thế giới. Trong đó, cao su thiên nhiên là sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu gần 85% sản lượng. Nhận rõ tiềm năng của thị trường cao su thế giới và lợi ích của việc phát triển cây cao su, Chính phủ Việt Nam đã lên nhiều kế hoạch để giữ vững vị thế của ngành cao su như tăng diện tích và nâng sản lượng cao su thiên nhiên lên con số 1,5 triệu tấn.

Với lợi thế rất lớn là có khí hậu, đất đai thuận lợi, người dân đồng lòng trong việc mở rộng mô hình trồng cây cao su nên hướng mở rộng diện tích cây cao su trong nhiều vùng là hoàn toàn khả thi. Trong những năm qua, Nhà nước cũng đã tạo nhiều điều kiện để ngành cao su có thể nhân rộng diện tích cây cao su tự nhiên ở nhiều vùng trong cả nước, qua đó góp phần làm tiền đề để cây cao su Việt Nam nâng cao vị trí trên trường quốc tế.

Để tăng giá trị sản phẩm, Tập đoàn Công nghiệp cao su đã áp dụng nhiều phương thức, trong đó yếu tố khoa học công nghệ được ngành tập trung cao độ. Từ công ty mẹ là Tập đoàn cao su Việt Nam đến các thành viên khác đều chủ trương đầu tư đổi mới công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước sản xuất cao su và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
 
KHI NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ
Phan Quang - Thành Trung

Chúng tôi bắt đầu việc tiếp xúc với Tổng Công ty Đông Bắc bằng cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Đạt, ông là người gắn bó với Tổng Công ty Đông Bắc từ ngày đầu mới thành lập và là vị chỉ huy trưởng của đơn vị này từ năm 2000 tới cuối tháng 3 - 2009.

Cuộc trò chuyện với người chiến binh già đã đưa chúng tôi tìm về quá khứ, về với đường Trường Sơn huyền thoại nơi ông cùng nhiều cán bộ lãnh đạo của Tổng Công ty Đông Bắc đã từng sống, chiến đấu.

Khi ký ức vọng về, ông kể: đơn vị công binh của ông ngày ấy chốt trên điểm Trà Ang, cứ chiều muộn thì máy bay Mỹ kéo tới nã rocket thẳng vào sườn núi. Cả ngàn tấn đá đổ xuống và sau đó là đợt rải bom nổ chậm. Nhiều người lính công binh của binh Đoàn 559 đã hy sinh vì dẫm phải loại bom, mìn này khi thông đường cho xe, cho thiết giáp, pháo ta vào trận.

Chúng tôi có hỏi ông: tuổi 20 khi ấy nghĩ gì khi đến với đường Trường Sơn, đến với sự sống, cái chết cách nhau trong tấc gang? ông bảo: "Ghét thằng Mỹ xâm lược thì chúng tôi lên đường thôi, khi ấy chỉ nghĩ tới việc nhanh chóng đuổi nó đi để đất nước mình yên bình". Thế đó, cái khát vọng lớn nhất của dân tộc này là cuộc sống bình yên bởi đã có bao kẻ thù xâm lược, bao bom rơi đạn nổ trên quê hương rồi.

Cuộc kháng chiến thắng lợi, nhiều người lính công binh trong đó có Nguyễn Mạnh Đạt nhận nhiệm vụ xây dựng đường Trường Sơn phục vụ cho phát triển kinh tế, quốc phòng. Ít lâu sau, ông được cấp trên cử đi học ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, rồi về phục vụ tại lực lượng công binh Quân khu III. Khi Bộ Quốc phòng chủ trương đưa một số đơn vị bộ đội chuyển sang sản xuất và kinh doanh, xây dựng các doanh nghiệp chủ lực của quân đội, Nguyễn Mạnh Đạt đến với Đông Bắc.

Những ngày gian khó.

Người lính từ mặt trận trở về, không còn đội trên đầu mình mưa bom bão đạn nữa, những hụt hẫng là khó tránh khỏi, huống chi cũng người lính ấy nay thành doanh nhân lo miếng cơm, manh áo cho đồng đội, con em mình thì còn bỡ ngỡ lạ lùng hơn nhiều. Hơn 10 doanh nghiệp vốn là lính công binh của Quân khu III, Tăng - thiết giáp, Phòng không - không quân đóng trên địa bàn Quảng Ninh bắt đầu loay hoay làm kinh tế. Có than, có sức đấy lo gì. Buổi đầu mấy ông lính chiến nghĩ vậy! Nhưng thương trường cam go không kém chiến trường.

Mười mấy sứ quân cứ mạnh ai nấy làm, cộng với tình hình khai thác bừa bãi tự phát của người dân khiến cho việc khai thác than ở Quảng Ninh thời gian đó "hỗn loạn". Để chấm dứt tình trạng đó, Chính phủ đã có Quyết định 381 ngày 27-7-1994 và Chỉ thị 382 ngày 28/7/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập lại trật tự khai thác và kinh doanh than. Đối với các đơn vị bộ đội đang hoạt động khai thác than thì hợp nhất lại thành Công ty Đông Bắc. Với biên chế đặc thù của Bộ nhưng quản lý và phân công nhiệm vụ là của Tổng Công ty Than (nay thuộc Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV).

Lính trận, quen phá đá làm đường, quen cầm súng ngắm bắn giờ đi làm than. Chỉ nội cái việc "đào lò trong lòng đất, bóc đất trên tầng cao" cho hiệu quả cũng đã khó rồi. Không có kinh nghiệm khai thác hầm lò, không có vốn để đầu tư công nghệ nên Tổng công ty Đông Bắc làm lò hầm thủ công kiểu "xúc bằng tay, quay bằng sườn". Công sức, mồ hôi và đôi khi cả máu đổ xuống các hầm than mà đời sống cán bộ, vẫn công nhân viên chưa khấm khá. Ngay trong năm đó Công ty Đông Bắc đạt sản lượng 200 ngàn tấn nhưng có một thực tế là đơn vị nào có được mỏ than tốt thì đời sống anh em có khấm khá và ngược lại.

Và vòng xoáy thương trường khéo thử sự kiên gan của người lính. Vừa hợp nhất được bốn năm, đang loay hoay kiếm cho mình một chỗ đứng thì Đông Bắc phải đương đầu với cuộc khủng hoảng thừa. Năm đó ngành than cả nước làm được 10 triệu tấn thì có đến 20% trong số đó không xuất khẩu được. Sống cách nào đây? Nhiều hướng đi đã được đưa vào thực hiện, nhưng không khả quan.

Cuộc khủng hoảng của ngành than còn dẫn tới một tác hại khác, đó là sự giảm sút lòng tin của người dân, công nhân vùng mỏ với Tổng Công ty Đông Bắc. Khó khăn đến nỗi giờ nhắc lại chuyện xưa nét mặt vị Thiếu tướng không khỏi đăm chiêu.

Có điều gì đó như sự tự ái chăng? Không, cao hơn đó là quyết tâm khẳng định mình. Lãnh đạo của Tổng Công ty Đông Bắc đã tự hứa với mình, với người dân đất mỏ rằng: người lính cầm súng đánh giặc giỏi thì cũng làm kinh tế giỏi. Và ở Đông Bắc người ta đã thấy một cuộc cách mạng.

Vững bước trên thương trường

Vượt lên khỏi thách thức bắt đầu từ đâu? Giành lại tình cảm, lòng tin của mọi người bắt đầu từ đâu? Không thể cứ trông chờ vào cấp trên được mà phải dựa vào chính mình. Nhìn thẳng vào vấn đề, phân tích đúng - sai, tìm ra nội lực của mình từ đó đề ra hướng đi phù hợp. Vậy là Tổng Công ty cơ cấu lại tổ chức.

Thay vì việc để các doanh nghiệp thành viên mạnh ai nấy làm, thì Đông Bắc thực hiện việc chuyên môn hóa cao, sử dụng triệt để thế mạnh của từng công ty thành viên. Trên cơ sở sự phân công công việc theo tính chuyên môn hóa, Tổng Công ty Đông Bắc trở thành người bao tiêu toàn bộ số than khai thác được; tùy theo tình hình thực tiễn của từng mỏ, từng vỉa than mà có giá thu mua đáp ứng được yêu cầu của người lao động.

Tác phong quân đội được đưa vào sản xuất: họp ít, bàn nhanh và chính xác; giám đốc nói là mệnh lệnh của cấp trên. Không những thế, để làm chủ công nghệ các "ông lính" còn mời cả giảng viên trường Đại học Mỏ địa chất về Quảng Ninh mở khóa đào tạo Đại học cho cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty và các doanh nghiệp thành viên.

Tiếp đó Tổng Công ty tập trung đầu tư vốn vào các mỏ than trọng điểm, bắt đầu từ các mỏ lộ thiên (mỏ có yêu cầu công nghệ không cao), tiến hành cơ giới hóa; và đầu tư cho công nghệ hầm lò. Cuộc chiến khẳng định chính mình bắt đầu từ chính cuộc cách mạng về con người và công nghệ.

Không chỉ dừng lại ở đó, Tổng Công ty Đông Bắc còn đang triển khai các dự án khai thác đá, vàng ở Lào Cai, quặng sắt ở Hà Giang, crommit ở Thanh Hóa, điện đạm khí ở Bình Thuận và đặc biệt là mũi nhọn trong dự án bô xít ở Tây Nguyên. Đông Bắc giờ không chỉ bó hẹp trong phạm vi hoạt động ở vùng Đông Bắc nữa mà đã có những bước tiến vững vàng chắc chắn trên cả nước. Chúng tôi tin những người lính Cụ Hồ sẽ làm tốt cả hai nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng Tổ quốc.
 
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN VÀ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH QUA NHỮNG CON SỐ

a) Những con số huyền thoại

Trong toàn bộ quá trình mở đường, bộ đội và dân quân xung phong đã đào đắp, san lấp khoảng 29 triệu m3 đất đá.

- Xây dựng 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 2 vạn km; 1 tuyến đường kín dài 3.140 km, hệ thống đường sông dài 500 km.

- Xây dựng đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km nối dài từ Quảng Bình, Vĩnh Linh vào tới Bình Phước. Toàn tuyến có 113 trạm bơm đẩy, 33 trạm cấp phát xăng dầu. Từ 1968 - 1975 đã nhập vào tuyến 317.596 tấn, cấp phát cho chiến trường 61.064 tấn xăng dầu.

- Xây dựng trên 4.000 km đường dây trần dùng cho máy tải ba, 11.569 km đường dây bọc thông tin hữu tuyến, 384 km dây cáp và thiết bị như 299 bộ máy thu phát sóng ngắn, 163 bộ tải ba (loại 1, 3, 6, 12 kênh); 590 tổng đài (từ 10, 30, 100 số); 15 xe điện đài (1 w, 50w, tiếp sức 401 và 104AM)

- San lấp 78.000 hố bom, phá 12.600 quả bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm, 85.100 mìn các loại.

- Đánh 2.500 trận bộ binh, loại khỏi vòng chiến 18.740 tên địch, bắt sống 1.190 tên; thu giữ và phá hủy hơn 100 xe quân sự, hàng ngàn súng các loại; bắn rơi 2.455 máy bay

- Vận chuyển tổ chức hành quân hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ dân quân. Vận chuyển tới các chiến trường hơn 1 triệu tấn vật chất kỹ thuật .

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ngoài tuyến Tây và Đông Trường Sơn còn đảm bảo giao thông toàn tuyến đường quốc lộ 1 và 7 tuyến đường ngang khác, bắc lại 88 cầu, sử dụng trên 2.000 xe ô tô chở 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn chủ lực, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật và đưa 40 vạn quân hành quân bằng ô tô vào các chiến trường. Cấp phát 4.100 tấn xăng dầu cho các đơn vị tham gia chiến dịch.

b) Những địa danh, kỷ vật và con người huyền thoại

Trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn có gần 20.000 chiến sĩ đã anh dũng hy sỉnh, hơn 32.000 người bị thương.

- Nghĩa trang Trường Sơn hiện là nơi an nghỉ của hơn 10.300 liệt sĩ bộ đội Trường Sơn

- Chiếc xe thồ đầu tiên được đưa vào Trường Sơn từ năm 1961 là chiếc Favorit có số khung 20220, từ năm 1963 - 1965 đã thồ 1.800 tấn hàng vào chiến trường. Trong 2 năm (1969- 1970) đã chở 50 thương binh, 450 ba lô, 1.000 kg lương thực, thực phẩm.

- Chiếc bao gùi đầu tiên dùng để gùi hàng bằng vải bạt dài 0,7m, rộng 0,4 m, cho đến 15-3-1970 đã gùi được 50 tấn hàng, 915 kg công văn từ các chiến trường.

- Đơn vị bắn rơi nhiều máy bay nhất trên tuyến đường là Tiểu đoàn cao xạ 36 đã bắn rơi 157 máy bay Mỹ.

- Anh hùng Nguyễn Viết Sinh (Tiểu đoàn 11, Bỉnh trạm 3) trong gần 6 năm làm nhiệm vụ gùi, thồ vận chuyển hàng vượt Trường Sơn, tổng cộng đã đi 1 chặng đường vượt độ dài vòng quanh trái đất.
 
CÁC ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN NHẬN DANH HIỆU ANH HÙNG

A . Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1959-1975)

- Bộ đội Trường Sơn được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3-6-1976, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh ngày 19-5-1979.

- Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 81 đơn vị (4 đơn vị cấp sư đoàn, 17 đơn vị cấp trung đoàn, 32 tiểu đoàn, 25 đại đội, 1 đội điều trị quân y, 1 Trạm sửa chữa ô tô, 1 Trạm giao liên), trong đó có 3 đơn vị được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lần thứ hai); 48 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

- 202 tập thể được tặng thưởng Huân chương Quân công, 4.814 Huân chương chiến công và 11.000 Huân, Huy chương các loại; 30 cán bộ, chiến sĩ được tặng Huy hiệu Bác Hồ.

B. Trong thời kỳ xây dựng kinh tế quốc phòng (1976 - 2009)

Binh đoàn 12 Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hang Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì; 5 năm liền (1981 - 1985) nhận cờ thưởng của Hột đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); 2 năm liền (1982-1983) được tặng Cờ luân lưu của Bộ Quốc phòng; 1 lần được tặng cờ của Bộ Tài chính; 5 công trình của Tổng Công ty được tặng Huy chương vàng và Bằng chứng nhận chất lượng cao cấp Nhà nước.

Từ năm 2002 đến nay, Binh đoàn 12 Tổng Công ty Trường Sơn được khen thưởng: Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng, Cờ thi đua của Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Nhất (thi công Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1)

+ 5 tập thể được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

+ 3 tập thể được tuyên dương Anh hùng Lao động.

+ 3 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lao động.

+ 1 Huân Chương Độc lập hạng Nhất, 3 Huân chương Quân công hạng Nhất, 20 Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân; hàng ngàn cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại khác.
 
Lời cuối sách
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN HÔM NAY
Ghi chép của Hồng Quang

Khởi phát ý tưởng xây dựng một ấn phẩm về đường Trường Sơn mang tên "Trường Sơn - Đường khát vọng” nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh được bắt đầu từ tháng 3/2009 và phải in xong trước ngày 10/05/2009.

Làm cuốn sách này có nhiều cái khó, thứ nhất là thời hạn gấp rút mà nội dung lại đề cập đến nhiều vấn đề chuyện xưa và nay trải dài gần nửa thế kỷ xoay quanh tuyến đường lịch sử từ khi nó chỉ là những lối mòn đến nay đã thành quốc lộ thênh thang. Thứ nữa là kinh phí để làm sách rất eo hẹp, hầu như từ số không.

Tuy nhiên, làm ấn phẩm này, ban biên soạn coi là một việc nghĩa, một sự tri ân với những người đã mất và cả những người còn sống đã một thời không tiếc xương máu, không tiếc tuổi xanh cùng với cả nước làm nên những chiến công lẫy lừng. Cuốn sách này còn có tác dụng cung cấp tư liệu cho thế hệ trẻ ngày nay hiểu thêm một chặng đường lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đồng thời nó cũng phản ánh được những nét đổi thay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phỏng.

Đất nước sang một trang sử mới, tuyến đường Trường Sơn xưa đã được xây dựng lại thành đường Hồ Chí Minh và kéo theo đó cũng là một sự thay đổi lớn lao về bộ mặt kinh tế của những vùng, địa phương có tuyến đường đi qua. Tất nhiên, tuyến đường không chỉ có ý nghiã phát triển kinh tế ở miền tây của đất nước dọc theo dải Trường Sơn mà còn mang nhiều ý nghĩa về mặt chính trị, quốc phòng và đặc biệt là ý nghiã xã hội, dân tộc.

Với tất cả những ý nghĩa này mà đoàn "khảo sát" đường Trường Sơn mới chúng tôi lên đường vào giữa tháng 3/2009. Đoàn gồm có anh Nguyễn Sĩ Cứ, Tổng Biên tập Tạp chí Vietnam Business Forum, nhà thơ Châu Nho, nhà báo trẻ Hương Ly; anh Thắng lái xe và tôi. Thành phần như vậy là tương đối đầy đủ và gọn nhẹ; có già có trẻ, có nam và nữ.

Anh Sỹ Cứ và anh Châu Nho đều là những cựu binh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, hơn nữa lại hoạt động ở chính những khu vực mà tuyến đường lịch sử đi qua. Vì thế trên chặng đường dài dằng dặc các anh luôn kể những câu chuyện ngày xưa khi đến những miền đất cũ, đi qua những kỷ niệm chiến trường, hồi tưởng lại những bạn bè, đồng đội...

Những câu chuyện mà chắc chẳng có sách báo nào có thể viết ra được hết. Đối với chúng tôi, thế hệ sau không được trực tiếp cầm súng ra chiến trường thì đó là lịch sử sống động, là chuyện người thật việc thật một trăm phần trăm. Được đi thế này mới biết rằng đã có rất, rất nhiều sách báo, phim ảnh, nhạc phẩm, thơ văn về đường Trường Sơn nhưng sự thật lịch sử hào hùng ấy còn lâu mới viết hết được. Trường Sơn, quả thật nó còn là nguồn cảm hứng vô tận cho tất cả các ngành nghệ thuật.


*
* *

Điểm đến đầu tiên của Đoàn là cột mốc số 0 tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Khu vực "km số 0" này đã được xây dựng khá khang trang và thoáng đãng trở thành một công viên nhỏ có nhiều cây xanh của các vị lãnh đạo trồng lưu niệm. Trên bệ đặt cột mốc còn được xây dựng thành sân khấu có thể tổ chức mít tinh hoặc biểu diễn nghệ thuật. Trong khuôn viên còn có trụ sở của Ban quản lý di tích trưng bày các tư liệu lịch sử, tranh ảnh hiện vật suốt quá trình xây dựng đường Hồ Chí Minh từ trong chiến tranh và sau giải phóng đến nay.

Điểm di tích lịch sử này còn có một ý nghĩa rất đặc biệt trong suốt chiều dài tuyến đường. Hiện nay vẫn còn có nhiều ý kiến tranh luận: Tại sao lại có km số 0 ở đây? ở Đức Lạc, Đức Thọ (Hà Tĩnh) cũng có km số 0; trên tuyến đường 20 của Quảng Bình cũng có km số 0; ở Hoà Lạc nơi bắt đầu tuyến đường Hồ Chí Minh cũng có km số 0 Vậy "km số 0" ở Tân Kỳ (Nghệ An) được hình thành ra sao và nó có vị trí như thế nào đối với cả tuyến đường?

Đem những câu hỏi này đến lãnh đạo Huyện uỷ, ủy ban nhân dân huyện Tân Kỳ chúng tôi được giới thiệu với một cán bộ được coi là am hiểu vấn đề này và đã từng sưu tập tài liệu xoay quanh km số 0 tại Tân Kỳ. Ông là Vũ Văn Kiều, đại tá, chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Tân Kỳ đã nghỉ hưu, ông nhập ngũ từ năm 1967 từng vào Nam ra Bắc, từ năm 1983 đến năm 1998 làm chỉnh trị viên huyện đội và làm các phần tư liệu chuẩn bị cho kỷ niệm 30 năm Bộ đội Trường Sơn.

Ông Kiều cho biết: "Con đường Hồ Chí Minh nếu tính từ phía nam ra bắc có 5 trục đường chính, điểm vươn ra bắc xa nhất, giao điểm của đường 15A và đường 15B là ở Tân Kỳ. Chính cột mốc cũ cắt đường 15A được mở từ năm 1971".
 
Tại sao lại có nhiều ý kiến khác nhau về đường mòn Hồ Chí Minh bởi vì có những con đường mòn, đi mãi thành đường rồi sau có khi lại mất, lấp lại ngay. Vả lại, đường mòn Hồ Chí Minh bao gồm rất nhiều con đường hình thành nên. Có đường mòn sau này lại trở thành đường cơ giới chiến lược.

Cái mốc đầu tiên phải nhớ đó là ngày 19/5/1959 Bác Hồ ký quyết định thành lập Đoàn 559, sau này gọi là Bộ đội Trường Sơn. Đoàn lúc đó gần 500 người, chủ yếu là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Lúc đó ông Nguyễn Văn Vịnh, là Trưởng ban Thống nhất Trung ương trực tiếp giao cho ông Võ Bẩm thành lập đơn vị đầu tiên đi bộ, gùi hàng trên vai, mang một số vật dụng, quân dụng vào Nam. Hiện nay các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh cũng đặt cột mốc số 0, nhưng vấn đề là địa điểm Khe Hò là đơn vị bộ đội đầu tiên vận chuyển vào Nam bằng con đường cơ giới chiến lược.

Trong cuốn “Ba mươi năm bộ đội đường Hồ Chí Minh" do Binh đoàn Trường Sơn xuất bản cũng đã ghi rõ: "Đường Hồ Chí Minh khởi nguồn từ Tân Kỳ (Nghệ An - quê Bác) vắt qua dãy Trường Sơn trùng điệp chạy suốt tận Chơn Thành -gần thành phố mang tên Người". Cuốn sách này do ông Lê Si, đại tá làm chủ biên, xuất bản tháng 5/1989. Đây có thể coi như một tài liệu chính thức của Bộ đội Trường Sơn công nhận “km số 0" tại Tân Kỳ (Nghệ An). Và cũng chính vì vậy mà Nhà nước mới cho xây cột mốc số 0 hoành tráng như hiện nay.

Anh Nguyễn Duy Thuỷ, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tân Kỳ còn bổ sung thêm: “ngược lại lịch sử vài trăm năm con đường mà những nhà nghiên cứu lịch sử đặt tên là “đường Thượng đạo" của Quang Trung khi tiến quân ra Bắc cũng rất trùng hợp với đường Hồ Chí Minh này".

Vị trí "km số 0" ở Tân Kỳ là một điểm đặc biệt, phải đi gấp khúc tay áo, vào Nam hay ra Bắc theo tuyến đường thượng đạo đều phải qua đây. Hơn nữa Tân Kỳ còn có nhiều lợi thế để đóng quân, làm hậu cứ, làm điểm xuất phát. Nó có hệ thống hang động, rừng núi nếu nâng cấp có thể đóng quân hàng sư đoàn, thậm chí có cả sân bay cho máy bay lên thẳng.

Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, Lê Lợi đã chọn địa bàn Tân Kỳ làm nơi tập kết mộ binh, luyện quân, cất giữ lương thảo và đã ra quân với trận đầu Trà Lân oanh liệt được Nguyễn Trãi ghi trong Bình Ngô đại cáo: “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay". Trà Lân là một địa danh thuộc huyện Con Cuông, giáp với Tân Kỳ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tân Kỳ thực sự là hậu phương chiến lược của Quân khu 4 và cả nước; là nơi có các kho tàng quân sự, nơi trú quân huấn luyện của các sư đoàn 318, 324, 316A, 316B và là nơi dừng chân làm công tác tổ chức bổ sung lực lượng, vũ khí, phương tiện của các binh đoàn chủ lực khi vào các chiến trường miền Nam chiến đấu.

Đất và dân Tân Kỳ cũng là nơi, chở che đùm bọc Trường Quân chính liên khu 4; Trại điều dưỡng tâm thần; Trường Trung học sư phạm miền núi; Trường sư phạm mẫu giáo Nghệ An và trên 3 vạn người dân Vĩnh Linh ra sơ tán trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Nếu nhìn một cách xuyên suốt, có thể nói Tân Kỳ là nơi ghi nhiều dấu ấn của nhiều cuộc kháng chiến.

Địa bàn Tân Kỳ không chỉ là hậu phương của cả nước mà còn là điểm tập kết của cả hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi đang xây dựng đề án để lập một tượng đài, có phù điêu để ghi lại những chiến công của quân và dân Tân Kỳ. Phù điêu này có thể sẽ được ghi là "Hậu phương hướng về tiền phương".

Tân Kỳ hiện còn nghèo, nhưng là một trong bảy trung tâm văn hoá của tỉnh. Nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội của huyện chưa được khai thác hết, đặc biệt là từ khi con đường Hồ Chí Minh xây dựng xong, Tân Kỳ càng có những điều kiện thuận lợi hơn.

Tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua huyện Tân Kỳ từ đông bắc tới tây nam dài 38 km, cách Hà Nội gần 300 km đã trở thành tuyến đường giao thông rất quan trọng để phát triển kinh tế. Toàn huyện có 7.000 ha đất canh tác trên tổng diện tích 72.000 ha, trong đó một phần tư đất rừng. Để khai thác quỹ đất này, huyện đã đầu tư trồng cây công nghiệp dài ngày. Hiện có trên 1.000 ha cao su, trong đó 800 ha đã được thu hoạch. Trong quy hoạch, diện tích trồng cao su sẽ tăng từ 4.000 - 5.000 ha.

Cây mía còn được gọi là "cây xoá đói giảm nghèo" của Tân Kỳ, có thể lợi nhuận không được nhiều nhưng đây là loài cây dễ trồng có thể tận dụng được rất nhiều loại đất để trồng. Nhưng năm trước huyện mới có 2.000 ha mía, phục vụ cho nhà máy đường 1.200 tấn/ngày. Hai năm qua đã nâng diện tích mía lên 3.500 ha, phục vụ cho nhà máy đường 1.600 tấn/ngày và kế hoạch tới đây sẽ nâng công suất lên 2.500 tấn/ngày.
 
Từ sau khi có tuyến đường Hồ Chí Minh mới Tân Kỳ đã có sự thay đổi rất lớn. Nhìn chung, nhân dân trong huyện đã biết chuyển sang sản xuất hàng hoá, đi sâu vào thâm canh. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo cung cấp lương thực đủ ăn trong toàn huyện ở mức 4,6 tạ/người/năm. Quỹ đất chủ yếu vẫn là trồng rừng để bán nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất giấy. Đi theo hướng này người dân Tân Kỳ có thể sống được bằng kinh tế rừng với mức thu nhập ròng 7 triệu đồng/ha/năm.

Hướng về công nghiệp, huyện sẽ tận dụng những ưu thế sẵn có là cát, sỏi, đá, đất sét là nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành xây dựng. Đá ở đây có nhiều loại: granite, đá trắng xay thành bột đá siêu mịn, đá vôi để sản xuất xi măng...Theo khảo sát huyện có trữ lượng 2,8 tỷ tấn nguyên liệu để sản xuất xi măng chất lượng cao.

Ngày 04/3/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 535/TTG-KTN đồng ý bổ sung dự án xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ vào quy hoạch phát triển công nghiệp xì măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Dự án này do Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn làm Chủ đầu tư, giai đoạn I có công suất 2.500 tấn clinke/ngày tương đương khoảng hơn 1 triệu tấn ximăng/năm với 100% vốn đầu tư của Nhà đầu tư dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2009.

Ngoài ra, huyện Tân Kỳ còn có vùng nguyên liệu đất sét nổi tiếng làm gốm hoặc làm ngói chất lượng cao tại thị trấn Cừa. Vấn đề là phải đầu tư vào công nghệ cao để làm tăng giá trị của đất. Đường Hồ Chí Minh chạy qua Tân Kỳ là một lợi thế lớn. Nhưng khai thác, sử dụng nó như thế nào vẫn là những câu hỏi bức xúc của lãnh đạo huyện. Các dự án phát triển kinh tế của huyện đều phải tính đến việc sử dụng phát huy con đường này.

Tuy nhiên, các đồng chí lãnh đạo huyện cũng muốn đề xuất với tỉnh và Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa mới có thể khai thác hết năng lực của con đường chiến lược này, phát triển kinh tế xã hội phía tây của Nghệ An. Sự quan tâm, theo lãnh đạo huyện không phải việc cho tiền mà là đầu tư để khai thác, phải xác định đâu là lợi thế của huyện để đầu tư đúng hướng, có trọng tâm trọng điểm chứ không dàn trải.

Đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài con đường Hồ Chí Minh là trục chính còn cần đầu tư một hệ thống “đường xương cá" đến những cụm điểm công nghiệp của huyện hoặc vùng. Chính sách để phát triển miền tây, ngoài việc đầu tư vào hạ tầng còn cần đầu tư nâng cao chất lượng lao động, đào tạo nghề cho người lao động gắn với đặc điểm kinh tế miền núi. Cần phải có một sự đầu tư đồng bộ như vậy mới có thể khai thác đầy đủ những lợi thế của khu vực miền núi phía tây này.

Rời Tân Kỳ, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình vào sâu dãy Trường Sơn. Đường Hồ Chí Minh ngày nay làm đẹp, đường phẳng, vắng người, ô tô có thể chạy trên 100km/h dù đường có quanh co qua đèo, qua núi. Với tốc độ này mà so sánh với tốc độ bộ đội ta hành quân ngày xưa thì "chẳng biết nói thế nào". Mọi sự so sánh đều khó khăn quá mà. Chỉ thấy các anh Bộ đội Trường Sơn trong đoàn xuýt xoa: "ấy cái đoạn mình vừa đi qua, bọn tớ ngày xưa đi mất nửa tháng đấy”.

Dọc tuyến đường quốc lộ mới, thi thoảng lại qua một vài điểm có dân, lác đác đã có những người dân ra đường bán khoai, ngô luộc hoặc vài thứ lâm thổ sản của địa phương. Đường xe chạy rất vắng người và xe cộ qua lại. Quả thật, Nhà nước đã bỏ ra khá nhiều tiền để xây dựng nên tuyến đường này cũng mong để cho dân cư hai bên đường đông đúc lên, tiến bộ hơn, kinh tế sẽ khá lên và theo đó là sự phát triển cả văn hoá, xã hội để miền núi tiến kịp miền xuôi

Tuy nhiên, để có thể trở thành một tuyến đường tấp nập xe cộ có lẽ còn lâu lắm vì còn cần nhiều yếu tố khác nữa. Không phải cứ có đường là kinh tế phát triển, cuộc sống đổi thay. Mong muốn là một chuyện, thực tế là một chuyện. Vả lại, muốn thay đổi cũng cần phải có một thời gian nhất định.

Cách thành phố Đồng Hới khoảng hơn 40 km về phía Nam theo đường Trường Sơn đoàn chúng tôi còn ghé một địa danh khác đang được tỉnh Quảng Bình đầu tư để làm điểm du lịch sinh thái, đó là khu suối nước khoáng Bang, thuộc huyện Lệ Thuỷ. Từ trục đường Hồ Chí Minh đi lên phía tây (giáp biên giới Lào) rẽ phải khoảng 15km theo tỉnh lộ là đến suối nước nóng Bang.

Thoạt tiên chúng tôi cứ ngỡ là đi vào một công trường, đất đai lổn nhổn, suối chẳng thấy đâu, một vài dày nhà lèo tèo nằm ẩn trên sườn núi, lọt thỏm giữa rừng xanh. Có đâu hình ảnh suối Bang như mơ trong một bức hình quảng cáo tại một khách sạn ở Đồng Hới. Trong bức tranh sơn thuỷ có cả cô "sơn nữ” xinh đẹp tươi cười nổi bật giữa rừng xanh, nắng vàng. Té ra quảng cáo với sự thật khác nhau ghê lắm. Thậm chí, quanh khu vực này không có một ai để hỏi thăm.

Thôi thì cứ liều vào cái "công trường dở dang" ấy xem sao vì đây đúng là khu suối nước khoáng Bang rồi. May sao có anh công nhân của xí nghiệp khai thác nước khoáng đang trực trong một căn nhà cấp bốn. Phía trước còn đậu một xe ô tô đang lấy nước khoáng nóng.
 
Dọc theo một con suối nóng có những chỗ hơi nước bốc lên nghi ngút, lên đến gần cuối bãi có một “căn nhà" lồng sắt quây 4 phía một cái trụ bằng xi măng. Dưới cái trụ xi măng ấy là một ống thép dẫn nước nóng, nước khoáng tự trong đất đá trào lên chứ chẳng cần bơm hút gì cả. Cái trụ xi măng ấy xây lên để ngăn cột nước bắn lên cao té nước nóng ra xung quanh. Người ta phải làm lồng sắt để tránh nguy hiểm cho mọi người. Nước ở đây đo được sôi đến 105oC, có thể nói là nóng nhất trong các loại suối nước nóng ở Việt Nam, mà không chừng cả khu vực Đông Dương. Mùi lưu huỳnh đậm đặc bốc lên hăng hăng, thum thủm.

Theo những công nhân làm ở đây thì nước được đưa về xí nghiệp của huyện mỗi ngày khoảng 2 xe. Sau đó xí nghiệp xử lý qua một số công đoạn rồi đóng chai đưa ra thị trường. Còn ở tại đây, khi suối nước nóng phun lên còn tạo ra một số vũng nước nhỏ vẫn sôi sùng sục suốt ngày suốt đêm. Khách đến thăm thường có mang hoặc mua ngay tại nhà của công nhân trực ở đây một ít trứng vịt lộn rồi thả xuống ngâm độ 10 phút là trứng chín. Anh Châu Nho hăng hái mua cả một rổ trứng vịt lộn xuống ngâm. Trứng ngâm trong nước khoáng nóng 105oC ăn tuyệt ngon.

Tìm hiểu kỹ hơn chúng tôi được biết khu suối nước khoáng nóng Bang này đã được tỉnh Quảng Bình phê duyệt cho chủ đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn Đông Dương xây dựng và khai thác từ tháng 3/2008. Hiện nay, Công ty này đang đầu tư xây dựng khu suối nước khoáng thành một khu mang tên khu nghỉ dưỡng phục hồi chức năng suối nước nóng Bang".

Đây thật là một điểm du lịch đẹp và quý do thiên nhiên ban tặng cho Lệ Thuỷ - Quảng Bình. Nếu chủ đầu tư thực sự tâm huyết để xây dựng khu du lịch này, nếu đường xá đi vào được cải tạo tốt hơn và nếu công tác tuyên truyền quảng bá được rộng rãi thì tôi tin rằng nơi này sẽ thu hút khách. Đây cũng chính là những điểm nhấn, kích thích cho kinh tế quanh khu vực, nơi có Đường Trường Sơn đi qua phát triển. Hết chiến tranh là phải làm kinh tế, và du lịch chính là một trong những ngành kinh tế đang phát triển mạnh. Quảng Bình đã có động Phong Nha - Kẻ Bàng, có bãi biển Nhật Lệ, nay lại có suối nước nóng Bang, tiềm năng phát triển du lịch rất dồi dào.

Trở lại với tuyến đường Trường Sơn, chúng tôi đến Ban Quản lý di tích tỉnh Quảng Bình. Chị Trần Thị Lý, Phó ban cho chúng tôi biết: “Quảng Bình có 7 cụm di tích lịch sử liên quan đến đường Trường Sơn, được Nhà nước công nhận xếp hạng từ năm 1986, gồm:

một là, các trọng điểm trên đường 12, Khe Ve, La Trọng, Cổng Trời, đồi 37 (nơi anh hùng Nguyễn Viết Xuân hy sinh để lại câu nói nổi tiếng: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn"), Bãi Dĩnh;

hai là, đường 20 - Quyết thắng, Km số 0 của đường 20, cầu Trà Ang, Đền 8 thanh niên xung phong hy sinh do bom Mỹ đánh sập cửa hang (còn gọi là hang 8 cô), Trọng điểm ATP (cua chữ A, ngầm Ta lê, đèo Phu La Nhích);

ba là, bến phà Xuân Sơn (bến A);

bốn là bến phà Long Đại (Hiền Ninh);

năm là, cơ sở chỉ huy Bộ tư lệnh 559 ở Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh;

sáu là, trạm thông tin A72 tại xã Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ;

bảy là, các hang động ở xã Hoá Thanh, Hoá Tiến, huyện Minh Hoá (các hang này sử dụng để làm kho vũ khí).

Ngoài ra còn rất nhiều di tích lịch sử nữa đã và đang được Ban quản lý lập hồ sơ để xin công nhận như: đồi Trà Ang, hang Lèn Hà, rồi Ngầm Dinh, đèo Đá Đẽo, cầu Ca Tam, cảng cá Thanh Khê, v.v..

Thực ra với một danh sách dày như thế cũng có thể chưa phản ánh hết được những chiến công hay những hy sinh mất mát mà quân và dân Quảng Bình phái gánh chịu trong những năm chiến tranh. Thấy được những địa danh này mới thấy được thế nào là "Tuyến lửa" anh hùng.

Hết Quảng Bình là vào đến đất Quảng Trị, vì là ngày nghỉ khối các cơ quan đơn vị đều không làm việc nên đoàn chúng tôi quyết định dành hẳn một ngày để viếng hai nghĩa trang. Hôm nay là ngày chủ nhật, nắng gắt, đoàn chúng tôi đến Nghĩa trang Trường Sơn - nơi chôn cất hàng vạn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường để thắp hương tưởng niệm các anh. Hầu như đoàn khách nào đi qua cũng ghé vào đây thắp hương.
 
Trưa hôm ấy ngoài một số đoàn thăm viếng có đoàn của tập thể thầy cô giáo và các em học sinh trung học ở Vĩnh Linh đến làm lễ thắp hương tưởng niệm. Đoàn được tổ chức rất chu đáo, các em học sinh ăn mặc đồng phục chỉnh tề, có kèn, trống và vòng hoa, có cả ban tổ chức là Ban Quản lý nghĩa trang Trường Sơn đem micro đọc trên loa bài điếu văn tưởng nhớ công lao các anh hùng hệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Tiếp đến là những lời hứa trước linh hồn những chiến sĩ Trường Sơn của các thầy cô giáo và các em học sinh cố gắng học tập tốt, dạy thật tốt để trở thành lớp người xây dựng mảnh đất này giàu đẹp hơn, mảnh đất mà hàng vạn sinh mạng đã ngã xuống để giành được độc lập.

Giữa trời trưa nắng gắt, với một bầu không khí trang nghiêm và tại đây, một khu nghĩa trang rộng bát ngát, tôi cũng cảm nhận một không khí linh thiêng khó tả. Thắp nén hương cho các anh mà hồn tôi cũng lắng sâu. Đối với các anh Sĩ Cứ, Châu Nho là các anh thắp hương cho đồng đội. Đối với tôi là thắp hương cho những người anh, người chi thân thiết của tôi. Ai mà chẳng phải chết, nhưng có những cái chết vinh, có những cái chết nhục. Cái chết của những liệt sĩ sẽ đời đời được Tổ quốc ghi công và được đời đời những thế hệ sau kính trọng.

Rời Nghĩa trang Trường Sơn chúng tôi lại đến Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Ngày xưa mặt trận Đường 9 - Nam Lào được coi là mặt trận nóng bỏng nhất, là nơi diên ra cuộc đối đầu ác liệt giữa ta và địch. Những chiến sĩ đã từng chiến đấu và hy sinh trên mặt trận này và cả số chiến sĩ chiến đấu, hy sinh trên đất bạn Lào đều được quy tập vào đây.

Nghĩa trang được xây ngay sát đường số 9 trên một khu đồi thoáng và rộng. Ở đây vắng vẻ hơn Nghĩa trang Trường Sơn. Khách đến thăm viếng cũng ít hơn vì quy mô và diện tích nhỏ hơn. Tuy vậy, Nghĩa trang được kiến trúc rất trang nhã, từ cổng vào đến tận nhà tưởng niệm có mái che; các bức tượng, phù điêu nổi lên rất đẹp, toát lên vẻ thanh thoát mà trang nghiêm, diễn tả được cái hào khí của bộ đội giải phóng miền Nam. Phía trước, mặt tiền của khu tưởng niệm còn xây lầu chuông rất hoành tráng trong đó có treo một chuông đồng lớn, gióng lên một tiếng âm vang khắp cả vùng. Làm đầy đủ thủ tục thắp hương tưởng niệm xong chúng tôi tiếp tục lên Đường 9, quay trở lại Khe Sanh và lên Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo.

Cách đây chừng 5 - 6 năm, tôi đã từng lên Lao Bảo (huyện Hướng Hoá - Quảng Trị). Khi ấy, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo mới đang được mở ở giai đoạn thí điểm. Mọi điều kiện cơ sở hạ tầng còn vô cùng thiêu thôn. Đường sá chật hẹp. Đến chỗ ăn nghỉ cũng còn khó khăn.

Khi ấy, nạn buôn lậu hàng hoá qua biên giới vẫn còn phổ biến. Hình ảnh những chiếc xe Minxcơ phóng như bay trên Đường 9, trên xe chở đầy những tải thuốc lá ngoại nhập đã được tôi chụp lại làm tư liệu. Đến nay thì đã khác hẳn, chỉ dạo một vòng quanh thị trấn của khẩu đã thấy sự thay đổi không ngờ. Đường sá rộng rãi khang trang, rất nhiều siêu thị được xây dựng trên những khu đất rộng rãi. Khách sạn cao tầng cũng rất nhiều.

Điều đặc biệt là ở khu kinh tế này có rất nhiều xe hơi đẹp, sang trọng của Nhật Bản, cả châu Âu và Mỹ... Những chiếc xe mang biển số Lào và cả "biển vàng LB" tức là biển số xe của riêng "đặc khu” Lao Bảo. Hỏi ra mới biết xe hơi hay tất cả hàng hoá nhập vào khu này không phải chịu thuế nhập khẩu.

Ở trong các siêu thị Lào - Thái cũng tràn ngập hàng nhập khẩu. Tuy nhiên về giá cả cũng không khác biệt lắm so với những nơi khác và chủ yếu là hàng tiêu dùng. Những đổi thay về bộ mặt đô thị ở Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, những phát triển vượt bậc về đời sống kinh tế cư dân trong vùng rất dễ nhận ra. Nhưng những thay đổi khác về số phận con người, về từng gia đình, nếp sống văn hoá, về giáo dục thì phải tiếp xúc với những con người cụ thể thì mới biết được.

Thật là may, trong cuộc làm việc với chính quyền huyện Hướng Hoá tại thị trấn Khe Sanh, chúng tôi được gặp chị Hồ Thị Lệ Hà, vừa mới nhận chức Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Hướng Hoá. Chị rất trẻ và nhanh nhẹn, bố là người Vân Kiều, mẹ là người Pa Cô. Chị sinh ra ở Hà Nội, học Đại học Kinh tế ở Đà Nẵng khoa Tài chính ngân hàng. 22 tuổi chị làm cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau đó chuyến sang phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Tiếp đó, chị là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện và mới đây được giữ chức Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện phụ trách Tài chính - Công thương.

Có lẽ đây là một nhân vật khá tiêu biểu về sự thay đổi lớn lao trên mảnh đất đầy bom đạn trước đây. Chính thế hệ cha và anh của chị theo Đảng, theo Bác Hồ cầm súng đánh Mỹ ứơc mong đất nước được giải phóng, để lớp con cháu sau này được nên người. Một cán bộ trẻ người dân tộc Pa Cô đã được học hành và trưởng thành như vậy chính là niềm khát khao của thế hệ những người đi trước.

Anh Phùng Huy Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Hướng Hoá cho biết: chỉ riêng hai dân tộc Vân Kiều và Pa Cô đã chiếm 47,64% dân số toàn huyện. Hướng Hoá là một huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Trị, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ xâm lược. Đầu năm 1997, tỉnh tách 10 xã từ huyện Hướng Hoá để thành lập huyện mới Đakrông. Hiện nay, Hướng Hoá có 22 xã, thị trấn; 15 xã thuộc vùng sâu vùng xa, 13 xã có biên giới giáp Lào. Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện có 2 tuyến.
 
Về con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trong tài liệu mà sử sách có ghi hiện chưa có cuốn sách hay tài liệu nào in riêng, chỉ có cuốn sách xuất bản nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện (1968-2008). Hướng Hoá là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Trên địa bàn huyện hiện nay trong khoảng 10km2 có các điểm di tích nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như sân bay Tà Cơn, Làng Vây, khu di tích đồi Cô Bốc, Thung lũng Khe Sanh và đặc biệt có "con đường Hồ Chí Minh huyền thoại" mà điểm đầu từ ngã tư Đường 9 tại thị trấn Khe Sanh đi A Lưới. Đoàn chúng tôi cũng đã đi thử con đường huyền thoại này chừng 5-7 km, đến đoạn con suối La La cắt ngang, chụp vài kiểu ảnh rồi vẫn phải quay lại Đường 9 chứ xe con không thể đi được trên “con đường huyền thoại" này.

Rời Khe Sanh, lại xuôi Đường 9 đến Đakrông, một cây cầu nổi tiếng để từ đây lại vào Nam tiếp tục theo con đường Hồ Chí Minh đi A Lưới (Thừa Thiên Huế). Từ đây trở đi chúng tôi có cảm giác rõ rệt là xuyên qua dãy Trường Sơn hùng vĩ về phía đông. Tôi còn nhớ, trước đây trên vách núi đã dựng đứng gần cây cầu Đakrông còn khắc sâu hai dòng thơ nổi tiếng của Tố Hữu: "Xẻ dọc Tn(ờng Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đúng là xẻ dọc núi thật, dù núi tiếp núi, đèo tiếp đèo. Đường Hồ Chí Minh đoạn này làm có vẻ nhỏ hẹp hơn đoạn đường từ Bắc vào. Có lẽ do nhu cầu và mật độ giao thông xe cộ còn quá ít chăng?

Từ cầu Đakrông đến trung tâm huyện A Lưới khoảng hơn 90 km, tuy đường hẹp lại đèo dốc quanh co nhưng xe vẫn chạy tốt và khá nhanh, chỉ chừng nửa buổi là đến thị trấn. Rừng A Lưới trong những năm chiến tranh là nơi mà Mỹ thả chất độc màu da cam nhiều nhất. Chúng muốn biến mảnh đất xanh tốt này thành khu trắng. Thế nhưng, màu xanh giờ đây đã trở lại, vết thương đã được hàn gắn. Và chắc chắn rằng cuộc sống của người dân miền tây Thừa Thiên- Huế đã được đổi đời.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở Huyện uỷ A Lưới có Bí thư Huyện ủy Lê Văn Trừ, 51 tuổi anh là người dân tộc Tà Ôi và anh Lê Văn Miệng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, là người dân tộc Pa Kô. A Lưới là huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vù trang vào năm 1979, cả huyện cũng có 17/2 1 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Huyện có 42.000 dân trong đó có 35.000 người dân tộc Tà Ôi và Pa Cô.

Anh Trừ cho biết, A Lưới ngày nay phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp là chủ yếu. Các loại cây lương thực như lúa, ngô, khoai, sắn với tổng diện tích gieo trồng hàng năm khoảng gần 5.000 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt gần 10.000 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 240 kg, khắc phục được tình trạng đói giáp hạt triền miên.

Trong những thành tựu về phát triển kinh tế, điều ghi nhận là cơ sở hạ tầng đã được đầu tư thích đáng; đến nay 100% xã có đường ô tô với 185 tuyến và gần 300 km phần lớn là đường nhựa và bê tông. Đặc biệt, Đường Hồ Chí Minh xuyên qua huyện với chiều dài 106 km, khai thông hành lang Bắc - Nam. Đã hoàn thành xây dựng của khẩu S10 A Dớt - Tà Vàng, mở ra triển vọng khai thông hành lang Đông - Tây trong tương lai.

Năm 2006, huyện A Lưới đã tổ chức kỷ niệm 40 năm chiến thắng A So và 30 năm thành lập huyện A Lưới. Sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, người dân A Lưới giờ đây mới có thể nói rằng đã được "đổi đời hàng vạn sải" (có nghĩa là một sự thay đổi lớn chưa từng thấy với tất cả các tiêu chuẩn của vùng nông thông miền núi: điện - đường - trường - trạm).

Buổi trưa, Huyện uỷ mời đoàn ăn cơm tại quán “cơm phở bắc Ngọc Hoà", ngay trên phố trung tâm huyện. Rất bất ngờ, bà chủ quán cơm lại là cựu bộ đội công binh Đường 559. Chị tên là Phạm Thị Hoà, quê gốc ở Thái Bình, lấy chồng ở Phổ Yên - Thái Nguyên. Chị tham gia bộ đội công binh từ tháng 8- 1973 đến năm 1976. Lúc đầu chị làm ở đèo Lý Hoà sau đó lại chuyển vào đường 14 (thời kỳ đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là chỉ huy). Sau giải phóng chị chuyển sang ngành Thương nghiệp, học Thương nghiệp ở Thái Nguyên và lấy chồng ở đó. Sau này cùng chồng vào tận đây để xây dựng vùng kinh tế mới. Khi gặp và biết đoàn chúng tôi đi tuyên truyền cho 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn nên chị rất vui và mở lòng tâm sự. Chị có 3 người con, sắp tới sẽ cưới vợ cho con trai đầu, chị sẽ mời bằng được những bạn bè là những đồng đội - lính công binh 559. Ngày gặp nhau ấy chắc phải vui lắm.

Ở thị trấn A Lưới, đoàn chúng tôi còn đến thăm Anh hùng lực lượng vũ trang Kan Lịch, người con gái nổi tiếng "Lấy súng giặc đánh lại giặc". Chị vẫn khoẻ mạnh và nhanh nhẹn dù đã ở tuổi bà. Chị kể vắn tắt đã 7 lần gặp Bác Hồ và 4 lần được ăn cơm cùng Bác. Rất nhiều câu chuyện của chị, chuyện xưa và nay chị kể rất hồn nhiên.

Chuyện chị xông vào đồn bọn nguỵ lúc ban đêm, lính gác ngủ gật chị giật súng đâm chết, còn bọn bên trong vẫn đang ngủ chị lại dựng dậy rồi mới nổ súng. Lúc đó chị còn không biết gọi tên bọn nguỵ như thế nào. Thấy anh em bộ đội gọi nhau là "đồng chí", chị cũng gọi bọn ngụy đang ngủ trong đồn là "đồng chí", bảo các "đồng chí" dậy rồi mới bắn để đếm cho khỏi sót. Câu chuyện này khiến chúng tôi cười chảy nước mắt.

Sau giải phóng một thời gian dài khi đất nước khôi phục kinh tế sau chiến tranh, gia đình chị Kan Lịch cũng khó khăn vất vả, nhưng rồi được nhiều người giúp đỡ nên đến nay đời sống cũng tạm ổn. Cuộc đời người con gái Pa Cô, người anh hùng đã được sách báo viết rất nhiều, nhưng cũng thật bình dị như nhiều người Pa Cô, Vân Kiều khác trên quê hương A Lưới.

Một điều nữa cũng phải nói là trên mảnh đất miền tây Thừa Thiên - Huế có một bề dày truyền thống cách mạng, có rất nhiều người con anh hùng lực lượng vũ trang vậy mà đến nay A Lưới vẫn chưa có phòng truyền thống đế trưng bày những hiện vật, chứng tích chiến tranh, để ghi lại truyền thống lịch sử oanh liệt của cuộc kháng chiến và của cả công cuộc đổi mới xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Phòng truyền thống này cũng là nơi để giáo dục thế hệ đi sau tiếp tục sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.

Đây là tâm tư nguyện vọng của anh Lê Anh Miệng. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ A Lưới. Anh còn muốn ngoài việc xây dựng Phòng truyền thống huyền cũng muốn xây dựng một tượng đài "Chiến thắng Trường Sơn" nhưng không biết đề nghị đến đâu, tìm nguồn kinh phí ở đâu để làm. Tâm sự của anh Miệng có lẽ cũng trùng hợp với đa phần lãnh đạo huyện là những cán bộ lớp trước, ít nhiều có tham gia chiến đấu hoặc công tác phục vụ chiến đấu, còn có thâm tình với quá khứ. Đối với việc làm sách về đường Trường Sơn của đoàn chúng tôi anh hết sức nhiệt tình hưởng ứng, vận động tuyên truyền mua cuốn sách này đến từng chi bộ.

Chúng tôi còn được biết người Pa Cô trước đây chưa hề có chữ viết. Mãi đến năm 1983, cùng với sự giúp đỡ của Viện Ngôn ngữ, Uỷ ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và một số người ở địa phương thì bộ chữ viết Pa Cô - Tà Ôi mới được biên soạn hoàn chỉnh. Người dân A Lưới trước đây phần đông là mù chữ. Vậy mà giờ đây đã có Tiến sĩ ngôn ngữ học, chị Nguyễn Thị Sửu, sinh năm 1973. Nói theo cách của anh Miệng "đổi mới đến hàng vạn sải".

Theo kế hoạch, đoàn "khảo sát đường Trường Sơn" chúng tôi sẽ phải đi từ km số 0 (Tân Kỳ) đến tận Chơn Thành (Lộc Ninh). Tuy nhiên do thời hạn để ra cuốn sách cho đúng dịp kỷ niệm quá gấp rút nên mới đi được nửa chặng đường đã phải quay ra. Thật là tiếc, dẫu vậy, từ Hà Nội vào đến tận A Lưới cũng đã là một chặng đường dài. Chuyến đi của chúng tôi đã để lại rất nhiều những ấn tượng, cảm xúc trong mỗi thành viên. Đối với tôi có những "thu hoạch" ngắn gọn thế này:

Trường Sơn ngày nay khác xưa nhiều lắm. Con đường Hồ Chí Minh - hiện đại hoá, công nghiệp hoá đã hình thành đem lại bao thay đổi cho bộ mặt núi rừng Trường Sơn. Kinh tế phát triển, văn hoá, giáo dục và đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc cũng được cải thiện. Đây phải chăng là con đường khát vọng của những người đi.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top