• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Trường Sơn - Đường khát vọng

Mục tiêu của giai đoạn hai là nhằm hoàn thành mọi chỉ tiêu bổ sung đối với các chiến trường và kế hoạch dự trữ lớn trên các hướng tác chiến; vận chuyển bảo đảm kế hoạch xây dựng cơ bản cả năm; tranh thủ điều kiện thuận lợi về thời tiết hướng đông vận chuyển dứt điểm kế hoạch cho Trị - Thiên, Khu 5; đồng thời giao trước một khối lượng kế hoạch năm 1975 cho Khu 5; rải thêm một số vật tư đường ống để thi công từ Khâm Đức trở vào theo kế hoạch năm 1975.

Phán đoán ta đang chuẩn bị chiến trường, đẩy mạnh xây dựng thế trận và vận chuyển trên cả hai phía đông và tây Trường Sơn, địch tăng cường hoạt động đánh phá. Ở phía đông, không quân ngụy Sài Gòn đã sử dụng máy bay A37 và AD6 đánh ngày, máy bay AC 119 và AC47 đánh đêm. Tập trung đánh phá dọc tây Trị - Thiên, Khu 5 từ Bung vào Trao, Giàng, dọc tây đường 14 từ Plây Khốc vào Đức Lập và dọc trục đường của Sư đoàn khu vực 470. Địch còn huy động bốn trung đoàn bộ binh, một tiểu đoàn biệt động có một lực lượng pháo binh thiết giáp.

Trước tình hình địch tăng cường hoạt động phá hoại, Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều Tiểu đoàn 21, Tiểu đoàn 4 bộ binh, Đại đội pháo 85 ly tăng cường cho Sư đoàn 470, đồng thời chuyển phối thuộc trung đoàn 29 B bộ binh cho Mặt trận Tây Nguyên phản kích địch.

Trong lúc các lực lượng Khu 5, Tây Nguyên tiến công giải phóng Chư Nghé, Nông Sơn. Trung Phước, Thượng Đức, Đại Lộc, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ thị cho Sư đoàn 471 dốc sức mở thông đường tránh Đắk Pét tạo điều kiện cho bộ đội Khu 5 tiêu diệt đồn Đắk Pét.

Tháng 5 năm 1974, đồn Đắk Pét được giải phóng, tuyến đông Trường Sơn thông suốt từ đường 9 vào Sa Thầy, Bù Đốp. Từ đây ta có thể vận chuyền và cơ động binh khí kỹ thuật từ Bắc vào Nam theo tuyến đông Trường Sơn. Trong thời gian này Sư đoàn phòng không 377 cùng lực lượng phòng không của các sư đoàn khác đã đánh 122 trận, bắn rơi 8 máy bay địch.

Ở mặt trận phía tây, Sư đoàn 968 vừa khẩn trương giúp bạn xây dựng lực lượng chủ lực, vừa triển khai lực lượng chiến đấu ở các khu vực Pắc Xoong, Sa Ra Van, Kan Du. Pha Lan, đồng thời hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội Pa thét Lào bẻ gãy tất cả các mũi hành quân nống lấn của địch và hỗ trợ để lực lượng Pa thét Lào từng bước tác chiến độc lập có hiệu quả.

Thắng lợi của hoạt động tác chiến chống địch nống lấn vùng giải phóng và ngăn chặn tuyến vận tải chiến lược đã tạo điều kiện cho lực lượng vận tải hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn hai của chiến dịch.

Đầu tháng 5 năm 1974, trong khi các lực lượng trên tuyến dồn sức lập thành tích thiết thực kỷ niệm lần thứ 11 ngày truyền thống của mình, Bộ Tư lệnh Trường Sơn vô cùng phấn khởi nhận được thư của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi Bộ đội Trường Sơn. Thư của Chủ tịch nước viết:

“Thân ái gửi đến chiến sĩ và cán bộ, Bộ đội Trường Sơn.

Năm nay, Bộ đội Trường Sơn kỷ niệm lần thứ 15 ngày truyền thống vẻ vang của mình. Nhân dịp này, tôi rất vui mừng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, các binh chủng thuộc Bộ đội Trường Sơn.

Suốt 15 năm qua, các đồng chí luôn luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm chiến đấu và tinh thần lao động quên mình, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, cùng các lực lượng thanh niên xung phong, dân công, cán bộ, công nhân ngành Giao thông của Nhà nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Được quân và dân các địa phương hết lòng giúp đỡ, các đồng chí đã lao động và chiến đấu dũng cảm, bền bỉ, mưu trí, sáng tạo, phát triển lực lượng từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại, mở đường mà tiến, đánh địch mà đi, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tàn bạo của kẻ thù, đưa sự chi viện to lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa tới các chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...

Các đồng chí hãy phát huy bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, phất cao cờ thi đua quyết thắng, không ngừng rèn luyện, khiêm tốn học tập, nâng cao sức mạnh chiến đấu và hiệu quả công tác, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, giữ nghiêm kỷ luật, quản lý tốt cơ sở vật chất kỹ thuật, tích cực tăng gia sản xuất, cần kiệm xây dựng quân đội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Các đồng chí hãy xứng đáng là những cán bộ, chiến sĩ vinh dự lao động và chiến đấu trên tuyến đường chiến lược mang tên Bác Hồ vĩ đại.

Chúc các đồng chí mạnh khoẻ, lập nhiều thành tích mới.

Ngày 8 tháng 5 năm 1974
Chào thân ái quyết thắng.
TÔN ĐỨC THẮNG”

Thư của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng được chuyển tới khắp các lực lượng trên tuyến đã dấy lên khí thế thi đua quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong giai đoạn hai của chiến dịch. Cùng thời gian này, Bộ Tư lệnh Trường Sơn vinh dự được đón Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tới thăm. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã trực tiếp đến thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Công binh 473.
 
Ngày 30 tháng 5 năm 1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định chuyển sở chỉ huy từ Thạch Bàn vào Bến Tắt - bờ nam sông Bến Hải.
Tại sở chỉ huy mới, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức lực lượng, đẩy mạnh xây dựng cơ bản cầu đường, nhanh chóng dứt điểm kế hoạch vận chuyển chi viện mùa khô năm 1974, chuẩn bị kế hoạch năm 1975 .

Sau một tháng dốc sức sửa chữa, bảo dưỡng, các đơn vị đã nâng hệ số kỹ thuật lên 80% bảo đảm đầu xe cho nhiệm vụ trước mắt, đồng thời dự trữ cho nhiệm vụ năm 1975. Trên tuyến phía đông, ba sư đoàn công binh dốc sức thi đua lao động cải tạo nâng cấp xây dựng cơ bản tuyến đường kết hợp với bảo đảm vận chuyển.

Từ Đông Hà đến Sa Thầy, Bù Gia Mập đường thông suốt và khô ráo. Bộ Tư lệnh quyết định triển khai vận chuyển lớn bắt đầu từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 30 tháng 7 kết thúc kế hoạch cho Trị - Thiên, ngày 30 tháng 8 kết thúc kế hoạch cho Khu 5. Tranh thủ vận chuyển nhu cầu xây dựng cơ bản đường bộ, đường ống và lập chân hàng dự trữ cho các chiến trường trên hướng này 20.000 tấn, đồng thời cái tạo tuyến Tây Trường Sơn.

Cuối tháng 8 năm 1974, các sư đoàn xe đã dứt điểm gọn kế hoạch cho hai chiến trường Khu 5 và Trị - Thiên, bảo đảm lượng dự trữ về lương thực, thực phẩm, nhiên liệu cho nội bộ tuyến Trường Sơn được 1.700 tấn. Lập chân hàng dự trữ cho năm 1975 tại kho L1, L2 (Hướng Hoá, Quảng Trị): được 20.000 tấn, tại Trao, Giàng thuộc Khu 5 được 21.000 tấn.

Ngày 26 tháng 8 năm 1974, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp sơ kết nhiệm vụ vận chuyển năm 1974 và chuẩn bị năm 1975. Hội nghị nhận định:

Với chủ trương cải thiện thế trận, phát triển tổ chức mới, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo của Đảng uy, Bộ Tư lệnh và sự hoạt động tích cực của các binh chủng cũng như sự nỗ lực vượt bậc của mọi cán bộ, chiến sĩ toàn tuyến, nhiệm vụ năm 1974 của tuyến chi viện được kết thúc một cách thắng lợi chưa từng có. Tổng khối lượng vận chuyển cho các hướng được 360.043 tấn đạt 102%:

Tính theo khối lượng luân chuyển được 131.558.960 tấn/km-một con số kỷ lục về năng suất vận chuyển. Về bảo đảm hành quân đã đưa đón quân vào, quân ra năm 1974 bằng 155,96% so với năm 1973 và tiếp nhận 93.000 thương binh của các chiến trường chuyển về sau.
Năm 1974 có sự thay đổi cơ bản về chất của bảo đảm hành quân là đã chuyển tư hành quân bộ sang hành quân cơ giới đường bộ, đường sông. Nhờ vậy thời gian vào đến chiến trường xa nhất giảm được 43 ngày (tức là giảm từ 3 - 4 lần so với trước). Riêng với chiến trường nam Trị - Thiên rút ngắn 23 lần thời gian so với năm 1972, quân vào chiến trường bảo đảm chiến đấu được ngay.

Về xây dựng đường ống và bảo đảm xăng dầu đã đạt khối lượng vượt xa năm 1973. Hai tuyến đường ống phía tây và phía đông Trường Sơn đã kéo từ vĩ tuyến 17 tiến sâu vào phía nam gặp nhau tại Plây Khốc (ngã ba biên giới ba nước Đông Dương); tháng 12 năm 1974, đường ống tới nam Chư Pông; tháng 3 năm 1975 vào tới Bù Gia Mập thuộc Nam Bộ.

Ở phía đông, Trung đoàn 671 đã xây dựng tuyến ống thứ hai bơm dầu điêzen từ Đông Hà vào A Lưới dài 89 km. Thành công lớn của bộ đội đường ống là đã đẩy nhanh tốc độ cấp phát, giải phóng xe nhanh. Trung bình 1 giờ 30 phút có thể cấp phát giải phóng cho một tiểu đoàn xe. Mỗi ngày có thể đảm bảo cấp phát cho 800 xe trên một bãi chính và cho hơn một vạn lượt xe hoạt động trên toàn tuyến, góp phần nâng cao tốc độ vận chuyển; không những đã đảm bảo thỏa mãn nhu cầu cho binh chủng vận tải và các binh chủng khác thuộc Bộ đội Trường Sơn mà còn có thể cấp phát trực tiếp cho các chiến trường với khối lượng lớn ...

Về nhiệm vụ cầu đường năm 1974 có sự phát triển mang tính bước ngoặt. Trên tuyến phía tây cải tạo được 563 km, hạ dốc, nắn đường, bắc cầu, mở rộng mặt đường 8 m từ nam Quảng Bình tới ngã ba biên giới. Tuyến phía đông khai thông, cải tạo kết hợp với xây dựng cơ bản trên chiều dài 1.050km từ Hướng Hoá vào Đắk Min. Các đường ngang nối liền tuyến đông và tuyến tây được duy trì sửa chữa bảo dưỡng.

Hệ thống tuyến đường đông, tây Trường Sơn liên hoàn vững chắc là cơ sở hạ tầng bảo đảm chi viện liên tục vật chất và cơ động binh khí kỹ thuật cho các đòn tiến công chiến lược với mọi quy mô, mọi không gian, mọi thời gian.

Nhiệm vụ tác chiến và giúp bạn thu được thắng lợi lớn. Đến nay trên địa bàn tây Trường Sơn, vùng giải phóng nam Lào được mở rộng hơn 40.000 km2. Lực lượng cách mạng Lào phát triển khá toàn diện. Đời sống nhân dân từng bước ổn định. Phong trào chiến tranh nhân dân phát triển mạnh. Tuyến hành lang được củng cố.
 
Từ đông sang tây Trường Sơn đã hình thành một căn cứ hậu cần chiến lược và chiến dịch với trên 100.000 km2, thông suốt với hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghiã là chỗ dựa vững chắc cho các chiến trường Nam Đông Dương. Đây là thành tựu hết sức to lớn, một trong những yếu tố quyết định thực hiện nhiệm vụ chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam và cho bạn Lào, Campuchia.

Năm 1974 tuyến thông tin được phát triển trên cả hai trục đông và tây Trường Sơn nối thẳng vào các chiến trường xa, nhất là Tây Nguyên, Nam Bộ, đảm bảo vững chắc cho chỉ huy tác chiến chiến lược chiến dịch và chiến đấu.

Một trong những thành công nổi bật của Bộ đội Trường Sơn là đã xây dựng được mô hình tổ chức phối hợp với xu thế phát triển của cục diện chiến trường và chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị, phát triển từ quy mô binh trạm lên quy mô các sư đoàn binh chủng. Những sư đoàn này vừa có khả năng bảo đảm vận chuyển chiến lược, chiến dịch quy mộ lớn, tự đánh địch bảo vệ vận chuyển, có đủ sức mạnh phục vụ và tham gia các kế hoạch tác chiến chiến lược của Bộ, đồng thời sẵn sàng làm đội dự bị tăng cường cho các hướng chiến dịch trong thời cơ quyết định. Tổ chức các sư đoàn binh chủng thuộc Bộ đội Trường Sơn không những đem lại hiệu quả to lớn trong việc thực hiện chi viện chiến lược trước mắt mà còn tạo được "quả đấm" mạnh, đón đầu thời cơ mới.

Kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21, Nghị quyết tháng 3 năm 1974 của Quân uỷ Trung ương đã làm thay đổi hẳn cực diện chiến trường miền Nam có lợi cho ta.

Đến giữa năm 1974 trên toàn miền Nam, ta đã xoá được 3.600 đồn bốt địch, giải phóng 850 thôn ấp với 115 vạn dân, tạo được thế mới, lực mới, đẩy nguy quyền Sài Gòn vào thế suy yếu rõ rệt. Quân chủ lực của chúng giám gần 10 vạn, phòng vệ dân sự giảm 50 vạn, hoạt động máy bay giảm 80%, pháo binh giảm 60%.

Nội bộ chính trường nước Mỹ khủng hoảng nghiêm trọng do thất bại trong cuộc chiến tranh kéo dài quá tốn kém ở Việt Nam và vụ bê bối “Oatơghết” buộc Tông thống Mỹ Níchxơn phải từ chức. Dư luận tiến bộ Mỹ và thế giới ủng hộ mạnh nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà.

Tháng 9 năm 1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp nhận định chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975- 1976; xác định mục tiêu trong năm 1975 là làm cho lực lượng ta lớn mạnh vượt bậc, mở nhiều đợt tiến công và nổi dậy làm cho lực lượng địch suy yếu nhanh chóng, tạo điều kiện chín muồi để tổng công kích - tổng khởi nghiã trong năm 1976.

Mục tiêu năm 1976 là phát động tổng công kích - tổng khởi nghĩa, đánh lớn đánh nhanh, diệt từng sư đoàn dịch, đánh Sài Gòn là chỗ hiểm yếu nhất, giành thắng lợi cuối cùng. Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương chỉ thị Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm.

Quân uỷ Trung ương - Bộ Tổng tư lệnh thông qua kế hoạch chi viện nhân lực, vật lực cho miền Nam mùa khô 1974- 1975, giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn những chỉ tiêu, yêu cầu cơ bản:

Về vận chuyển chi viện mùa khô 1974 - 1975, khối lượng là 410 nghìn tấn hàng quân sự, 100 nghìn tấn hàng dân sinh. Chú ý làm tốt khối lượng hàng dự trữ chiến lược bảo đảm chất lượng, dự kiến 50 nghìn tấn và 2.800 tấn hàng chuẩn bị cho mùa khô 1975- 1976.

Về xây dựng đường chiến lược, tập trung xây dựng cơ bản tuyến phía đông; đồng thời coi trọng tuyến phía tây. Tiếp tục phối hợp với các chiến trường xây dựng mạng đường chiến dịch. Triển khai phát triển tuyến đường ống đông Trường Sơn sâu vào Nam Bộ. Gấp rút xây dựng kho dự trữ chiến lược có chất lượng đúng quy cách và coi đây là một nhiệm vụ chiến lược. Địa điểm các kho chiến lược tập trung ở hai khu vực nam A Lưới - Khâm Đức, Sa Thầy - Pô Cô,

Nhận nhiệm vụ Quân uỷ Trung ương - Bộ Tổng tư lệnh giao, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn tiến hành hội nghị, tập trung bàn hạ quyết tâm thực hiện vượt các chỉ tiêu yêu cầu trên giao, tạo chủ động cho chiến trường, đẩy nhanh quá trình tạo thời cơ giành thắng lợi quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam.
 
Trong lúc toàn tuyến đang sôi nổi chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ mới, Bộ đội Trường Sơn vinh dự được đón đoàn cán bộ Lào do đồng chí Khăm tày Xiphănđon, ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng cách mạng nhân dân, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 10 năm 1974. Chuyến thăm của đồng chí Khămtày có tác dụng tăng cường tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào và động viên Bộ đội Trường Sơn làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc và nhiệm vụ quốc tế của mình.

Tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn chủ trương chiến lược hai năm 1974- 1975. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình ta và định, đặc biệt là diễn biến thực tế chiến trường, Bộ Chính trị quyết định động viên nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền Nam - Bắc mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân nguỵ, đánh đổ nguỵ quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Để thực hiện được quyết tâm đó, toàn dân và toàn quân ta phải khấn trương chuẩn bị bảo đảm đầy đủ nhất cơ sơ vật chất để tiến công nhanh, mạnh. giành thắng lợi triệt để trong thời gian hai năm 1975- 1976: Trước mắt cần thực hiện tốt kế hoạch chiến lược năm 1975 và có kế hoạch đón thời cơ.

Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ đội Trường Sơn bước vào thực hiện nhiệm vụ mùa khô 1974- 1975 gồm cả kế hoạch cơ bản và kế hoạch thời cơ. Nội dung kế hoạch cơ bản là vận chuyển chi viện chiến trường đảm bảo đủ các chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu hoạt động của các lực lượng vũ trang đến hết năm 1975.

Nội dung kế hoạch thời cơ là vận chuyển thêm lượng dự trữ chiến dịch lớn đến một số điểm cơ động thuộc Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ. Khi thời cơ đến, các lực lượng cơ động của Bộ vào đánh lớn thì có sẵn vật chất tại chỗ bảo đảm. Toàn bộ khối lượng vận chuyển, chuẩn bị theo dự kiến lúc đầu là 510 ngàn tấn. sau tăng lên 560 ngàn tấn. Trong đó tăng khối lượng cho Nam Bộ gấp bốn lần, cho Khu 5 gấp hai lần năm trước, tăng lượng dự trữ gấp bốn lần hiện có.

Với quyết tâm triển khai thắng lợi nhiệm vụ trên giao, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ đạo toàn tuyến khẩn trương hoàn thành mọi mặt chuẩn bị để bước vào một mùa khô hết sức chủ động, chắc thắng.

Bằng mọi cố gắng nỗ lực của Bộ đội Trường Sơn và sự chi viện to lớn của cả nước, đến cuối năm 1974, trên tuyến chi viện chiến lược, ta đã củng cố và mở rộng được 5.920 km đường trục dọc, 3.930 km đường trục ngang và 4.830 km đường vòng tránh. ở tuyến đông Trường Sơn, từ Hướng Hoá đi Plây Khốc, ta làm được 78 km đường cơ bàn cả nền và mặt, còn lại là đường cải tạo, rải đá. Kết quả đó là rất to lớn cho phép ta mở chiến dịch vận chuyển quy mô lớn mùa khô 1974- 1975.

Với việc xây dựng một bước cơ bản đường đông Trường Sơn và củng cố trục đường tây Trường Sơn, cho phép Bộ đội Trường Sơn vận chuyến liên tục cả hai mùa mưa nắng. Đồng thời rút thời gian chạy trước đây mất 22-28 ngày nay xuống 7-10 ngày. Mặt khác, có thể bảo đảm cơ động cho các loại binh khí kỹ thuật xe tăng, pháo hạng nặng và bảo đảm cơ động đội hình cấp quân đoàn...

Cùng ra quân và hiệp đồng chặt chẽ với công binh bốn trung đoàn đường ống và các tiểu đoàn vận tải đường ống đang phát triển nhanh tuyến đường ống từ Plây Khốc (ngã ba biên giới ba nước Đông Dương) xuống hướng Bu Pơ Răng trong hoàn cảnh thời tiết mưa bão thất thường gây trở ngại rất lớn.

Trung đoàn 537 đường ống phụ trách thi công từ Pô Cô vào Bu Pơ Răng khi chuẩn bị vượt sông Sê Rê Pốc thì bị lũ cuốn trôi cầu; dưới sự chỉ đạo của kỹ sư Hồ Sỹ Hậu, cán bộ và chiến sĩ trung đoàn đã vượt lên mưa lũ, tổ chức dùng dây thép bện nhiều lần làm giàn chịu lực, treo đường ống từ bờ bắc sang bờ nam sông, bảo đảm cho xăng dầu theo đường ống vào Nam Bộ.
 
Bằng cố gắng nỗ lực toàn tuyến, ngày 24 tháng 11 năm 1974, cán bộ, chiến sĩ bộ đội vận tải đường ống đã tổ chức cấp phát xăng dầu ở Pô Cô và ngày 20 tháng 1 năm 1975 đường ống xăng dầu đã vào tới Bu Pơ Răng thuộc đất Nam Bộ, trực tiếp bảo đảm cho chiến trường mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Đến tháng 3 năm 1975, Bộ đội Trường Sơn xây dựng thêm được 596 kim tuyến đường ống kéo dài tới Bù Gia Mập (Nam Bộ), và 12.525 m3 kho, hình thành một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn Đông và Tây Trường Sơn đồng thời đã xây dựng hoàn chỉnh mạng kho cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn nhỏ có trữ lượng 27.000 m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600-800 m3 một ngày trên một hướng. Với kết quả này, đường ống trên tuyến chi viện chiến lược thật sự trở thành xương sống của mạng lưới bảo đảm xăng dầu không chỉ cho Bộ đội Trường Sơn mà còn cho tất cả các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia.

Trong những tháng đầu năm 1975, tỷ lệ bảo đảm xăng dầu cho các đơn vị qua đường ống lên gần 100%. Kết quả đó đã góp phần tăng nhanh tốc độ và lượng hàng chuyển tải; triệt tiêu cơ bản tình trạng phuy xăng trên "lưng" xe vận tải, tiết kiệm xăng dầu.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, bộ đội thông tin Trường Sơn đã dốc sức hoàn chỉnh mạng thông tin tải ba bảo đảm chỉ huy thông suốt mọi hoạt động trên toàn tuyến.

Lực lượng phòng không được bổ sung quân số, vũ khí trang bị, nhanh chóng hoàn tất chương trình huấn luyện năm 1974, khẩn trương triển khai thế trận mới. Các trung đoàn cao xạ trực thuộc Bộ Tư lệnh được bố trí trên đường 9 từ Đông Hà đến Bản Đông. Sư đoàn phòng không 377 biên chế sáu trung đoàn được bố trí trên một địa bàn rộng từ Bản Đông đến ngã ba đường 88 (Sê Rê Pốc).

Đầu tháng 12 năm 1974, toàn bộ lực lượng phòng không trên tuyến đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch vận chuyển hơn nửa triệu tấn hàng hóa và bảo đảm cơ động các đội hình bộ đội hành quân với quy mô lớn, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ đạo tổ chức tốt việc tiếp nhận nguồn xe do Tổng cục Hậu cần bổ sung đồng thời sửa chữa, bảo dưỡng số xe hiện có. Cán bộ, chiến sĩ các trạm xưởng làm việc suốt ngày đêm với tinh thần "Giải phóng xe nhanh, tất cả cho tổng tiến công”, đã khôi phục được hơn 2.000 xe cũ, hỏng, đảm bảo hệ số kỹ thuật của vận tải cơ giới là 80%.

Trên cơ sở một thế trận chi viện chiến lược đã triển khai khá toàn diện, vững chắc, ngày 25 tháng 11 năm 1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn phát lệnh mở màn chiến dịch vận tải, với quyết tâm: Tập trung khả năng vận chuyển lớn cho các hướng chiến trường những mặt hàng chủ yếu trong thời gian đầu. Sẵn sàng làm nhiệm vụ vận tải chiến dịch và cơ động bộ đội hành quân quy mô từ sư đoàn trở lên.

Kế hoạch cụ thể là: Trong những tháng đầu mùa khô tập trung dứt điểm khối lượng hàng giao cho Nam Bộ, Hạ Lào và khối lượng hàng chuẩn bị chuyển tải theo đường sông cho Nam Bộ, Campuchia vào mùa mưa; đồng thời hoàn thành 75% kế hoạch hàng giao cho Tây Nguyên.

Bước vào thực hiện kế hoạch vận chuyển, với chủ trương áp dụng chiến thuật vận tải chạy đội hình trung đoàn đi cung dài, lực lượng vận tải trên toàn tuyến chia thành hai cung. Sư đoàn 571 huy động ba trong bốn trung đoàn chạy trên quàng Đông Hà - Xê Sụ, lập chân hàng cho Sư đoàn 471 , đồng thời chuyển hàng thẳg tới chiến trường Hạ Lào, Khu 5, Trị - Thiên khi nhiệm vụ bảo đảm phục vụ chiến dịch yêu cầu.

Cả Trường Sơn vào trận. Khẩu hiệu thi đua "Tất cả cho chiến trường đánh to thắng lớn" được Cục Chính trị và cơ quan chính trị các cấp tuyên truyền giáo dục đã trở thành mệnh lệnh của trái tim những người lính Trường Sơn trong mọi binh chủng, mọi lực lượng.

Hàng chuyển vào chiến trường giai đoạn này rất phong phú và đa dạng. Nhiều loại vũ khí có kích thước, tải trọng lớn. Do đó, nhiều loại xe vận tải thông thường phải làm thay chức năng đặc chủng. Nhiều tiểu đoàn xe một cầu như tiểu đoàn 57, 964 Sư đoàn 571 nhận nhiệm vụ kéo pháo 105 ly, 122 ly là phần việc trước đấy phải dùng xe đặc chủng.

Tiểu đoàn 70 trung đoàn 11 Sư đoàn 571 nhận nhiệm vụ chở nòng pháo xe tăng T54 (chiều dài hơn hai lần chiều dài thùng xe) đã tự thiết kế giá đỡ để vận chuyển an toàn. Tuy đã có sự phân công, phân nhiệm giữa hai cung (nam và bắc), song đối với những loại hàng đặc chủng, Bộ Tư lệnh cho chuyển thẳng vào chiến trường đúng vị trí quy định, không qua khâu trung chuyển.
 
Với tinh thần chủ động sáng tạo, bằng những giải pháp khoa học, bộ đội vận tải Trường Sơn quyết thực hiện khẩu hiệu "Hàng nào cũng chở, tuyến đường nào cũng đi, đã đi là thắng lợi”.

Trong những ngày này, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh các sư đoàn ô tô vận tải thường xuyên trực tiếp chỉ huy các đội hình vận chuyển. Nhiều cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh dày dạn kinh nghiệm được phái ra mặt đường, tăng cường chỉ huy giao thông ở những "nút" trọng yếu nhất: ngầm Cha Ky, ngã ba Bản Đông, ngầm Sê Ca Mán... Trên cung phía nam, từ Xê Sụ vào ngã ba biên giới, có đèo Am Pun vắt qua dày Trường Sơn từ tây sang đông vừa dài vừa hẹp, đội hình xe và binh khí kỹ thuật bị ùn tắc thường xuyên.

Bộ Tư lệnh Trường Sơn kịp thời tăng cường cho Sư đoàn 471 một tiểu đoàn công binh và cho phép Bộ Tư lệnh sư đoàn dừng vận chuyển, huy động cơ quan, đơn vị phối hợp với bộ đội công binh khắc phục bằng được nút cổ chai của đèo. Sau ba ngày lao động không quản ngày đêm, sư đoàn đã giải toả được "nút cổ chai" đảm bảo giao thông thông suốt.

Một trong những thuận lợi của bộ đội vận tải trên đường Trường Sơn lúc này là được bảo đảm xăng dầu đầy đủ, thuận tiện, thông qua hệ thống cấp phát đường ống hoàn chỉnh từ tuyến tiếp giáp với hậu phương miền Bắc vào Bù Gia Mập. Tuy nhiên, trên địa hình rừng núi, bảo đảm xăng dầu cho đội hình xe hành quân quy mô trung đoàn hoặc lớn hơn trong một thời gian ngắn là điều không đơn giản dù đã tạo được một hệ thống kho, bãi cấp phát khá thuận tiện.

Để chủ động trong vận chuyển, Sư đoàn 471 chỉ đạo các đoàn xe áp dụng ba hình thức: vừa tiếp nhận xăng dầu thuộc tuyến đường ống, vừa cho xe xitéc chở xăng đi trong đội hình vận tải để bổ sung kịp thời cho các xe tại vị trí dừng nghỉ, vừa cho 30% số xe mang theo xăng dự phòng bằng thùng phuy. Kết hợp ba phương thức bảo đảm, Sư đoàn 471 đã giảm thời gian chạy một cung từ bốn ngày xuống còn ba ngày. Kinh nghiệm của Sư đoàn 471 được Bộ Tư lệnh Trường Sơn đánh giá cao và được phổ biến, áp dụng trên toàn tuyến.

Cùng với việc nâng cao chất lượng thực hành vận chuyển, việc tổ chức báo đảm cho bộ đội hành quân bổ sung cho chiến trường, kể cả cơ động binh khí kỹ thuật nặng vào và chuyển thương binh ra cũng được cải tiến. Bộ Tư lệnh quyết định lấy đường đông Trường Sơn là tuyến giao liên chính, đường tây Trường Sơn là tuyến bổ trợ.

Với nỗ lực cố gắng của các lực lượng trên toàn tuyến, kết thúc hai tháng cuối năm 1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã hoàn thành kế hoạch vận chuyển chi viện theo mệnh lệnh số 12/ML của Bộ Tổng tham mưu. Toàn tuyến bảo đảm hành quân giao nhanh gọn cho Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ 52.000 quân và các chiến trường khác là 28.000 quân với đầy đủ trang bị. Lượng vật chất chuyển giao cho các hướng chiến trường tuy chỉ mới đạt 62-75% chỉ tiêu, song đã bảo đảm được những mặt hàng quân sự thiết yếu.

Đến cuối năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ và ngày càng có lợi cho ta. Thế tiến công địch được đẩy mạnh từ Trị - Thiên đến Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ ngày 18 tháng 12 năm 1974 đến ngày 8 tháng 1 năm 1975, Bộ Chính trị họp mở rộng, xác định và hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược: Gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976. Nhiệm vụ sắp tới là nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp, liên tiếp đánh những trận quyết định kết thúc thăng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Để thực hiện được quyết tâm đó, phải “động viên lực lượng mọi mặt của cả nước, đoàn kết nhất trí triệu người như một, đạp bằng mọi gian khổ, hy sinh, phấn đấu anh dũng liến lên với một tinh thần quyết chiến quyết thắng”.
 
Về nhiệm vụ chi viện chiến lược, Bộ Chính trị xác định: phải làm hết sức mình để tăng cường lực lượng, bảo đảm đầy đủ nhu cầu vật chất - kỹ thuật cho chiến trường, coi đó là điều kiện cơ bản giành thắng lợi .

Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định mở đầu cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam bằng đòn chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng hoàn toàn địa bàn chiến lược này; gây chấn động mạnh, bất ngờ, làm đảo lộn hoàn toàn thế bố trí chiến lược của địch.

Cùng cả nước, Bộ đội Trường Sơn bước vào một mùa quân mới, với khí thế và niềm tin mới.

Lúc này toàn bộ lực lượng trên tuyến đang dồn sức triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 1975, chuẩn bị cho một kế hoạch vận tải chi viện quy mô lớn lấy tên là “chiến dịch vận chuyển 19-5", bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng 3 và dự kiến kết thúc vào ngày 19 tháng 5 - ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm lập thành tích thiết thực kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Người và lần thứ 16 ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.

Nội dung quyết tâm chiến dịch: Dứt điểm gọn kế hoạch chuyển quân bổ sung, chuyển hàng cho chiến trường Nam Bộ, Cam pu chia và Lào; hoàn thành kế hoạch dự trữ chiến lược và cho chân hàng cho vận chuyển đường sông trong mùa mưa năm 1975.

Trong khi toàn tuyến đang ráo riết chuẩn bị triển khai kế hoạch đã định thì ngày 15 tháng 1 năm 1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh: Tham gia chiến dịch Tây Nguyên với nội dung bảo đảm làm đường chiến dịch, bảo đảm lương thực, đạn, xăng dầu và tham gia tác chiến chiến dịch.

Do dự kiến được diễn biến tình hình, nên Bộ Tư lệnh Trường Sơn vẫn chủ động triển khai "chiến dịch vận chuyển 19-5" kết hợp thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược với thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Tây Nguyên và khẩn trương tổ chức lực lượng tham gia chiến dịch.

Ngày 6 tháng 2 năm 1975, trên đường vào chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên, đồng chí Văn Tiến Dũng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng cùng Trung tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền Phó Tổng Tham mưu trưởng vào làm việc với Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tại Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Sau khi nghe Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch của tuyến chi viện chiến lược, Tổng Tham mưu trưởng đánh giá: Bộ đội Trường Sơn đã đảm bảo được mọi yêu cầu vật chất- kỹ thuật cho các chiến trường. Đồng chí chỉ thị cụ thể về nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn trong chiến dịch Tây Nguyên và tỏ ý tin tưởng chiến dịch Tây Nguyên sẽ được đáp ứng một cách đầy đủ.

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ, Thường vụ Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định Sư đoàn 470 tiến hành cùng lúc nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược, trực tiếp phục vụ chiến dịch và là lực lượng tác chiến tại chỗ của chiến dịch, Bộ Tư lệnh sư đoàn kiêm tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Đồng chí Nguyễn Lang được cử làm chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đồng thời được Bộ chỉ định làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên trực tiếp phụ trách về hậu cần.

Sư đoàn bộ binh 968 đang hoạt động ở Hạ Lào được lệnh của Bộ cơ động gấp sang tây Gia Lai - Kon Tum chuẩn bị tham gia chiến dịch Tây Nguyên.

Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn trực tiếp đến giao nhiệm vụ và động viên cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Trung - Hạ Lào, cần cố gắng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ mới. .

Trên hướng bắc Buôn Ma Thuột, Trung đoàn 575 sử dụng tiểu đoàn 47 được tăng cường hai máy húc và một sổ đại đội sửa chữa khôi phục các đường 48, 50. Từ giữa tháng 2, lực lượng này tiếp tục mở một trục dọc gồm đường 50 B và hai nhánh (đường 50 C, 50 D) với tổng chiều dài 60 km. Vào gần thị xã, địa hình càng trống trải, dân cư đi lại nhiều, dễ bị lộ, đơn vị phải mở đường qua những cánh rừng có nhiều cây to, nhiều khe suối...

Để đảm bảo bí mật, khi mở đường vào cách thị xã khoảng 20 - 25km, đơn vị được lệnh dừng lại, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật liệu để khi có lệnh sẽ hoàn tất đoạn đường còn lại tới thẳng mục tiêu trong vòng một ngày đêm. Đường mở từ ngoài vào; làm đến đâu nguỵ trang chu đáo đến đó. Những gốc cây to gần nương rẫy của dân được công binh cưa ba phần tư thân sát mặt đất, xoá dấu vết; một phần tư còn lại sẽ cưa ngay trước giờ nổ súng mở màn chiến dịch. Các ụ đất lớn, công binh cho đào lỗ, tra sẵn thuốc nổ, sẵn sàng đợi lệnh phát hoả san phẳng.
 
Đến ngày 4 tháng 3 năm 1975, trục đường do Trung đoàn 575 mở từ hướng Bắc đã vào đến bản Kơ Hia, Chư Mơ Nga cách thị xã Buôn Ma Thuột 20 km mà địch vẫn không hay biết. Cùng với trung đoàn 575, theo yêu cầu của Bộ Tổng tư lệnh và Tư lệnh chiến dịch, trước khi chiến dịch mở màn, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã điều động hai trung đoàn cao xạ 232, 546, trung đoàn thông tin 49; tiểu đoàn ô tô 55 trực tiếp tham gia chiến dịch: Sau đó điều tiếp Sư đoàn phòng không 377 vào Tây Nguyên bảo vệ khu vực Kon Tum - PPlây Cu - Đức Lập - cầu 14 Buôn Ma Thuột.

Các đơn vị phòng không Trường Sơn đã khẩn trương triển khai chiến đấu bắn rơi ba máy bay A37, một máy bay T28, bắn cháy nhiều chiếc khác, chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu.

Là lực lượng bảo đảm xăng dầu chủ yếu cho chiến dịch, Trung đoàn 537 bộ đội đường ống khẩn trương thi công tuyến ống từ Đắc Đam (phía tây Buôn Ma Thuột) sang Đức Lập (phía đông), kịp thời bảo đảm xăng dầu cho lực lượng xe, pháo của ta cơ động tiến công địch. Khắc phục địa hình nhiều dốc, nhiều lèn đá... không có tuyến do công binh phát sẵn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 537 vác ống chạy bộ rải dọc tuyến, sau một thời gian ngắn đã lắp đặt xong 28 km đường ống, hình thành tại đây một trạm cấp phát có trữ lượng 100M3, góp phần quan trọng bảo đám chỉ tiêu 1.000 tấn xăng dầu phục vụ chiến dịch.

Thực hiện nhiệm vụ Bộ Tư lệnh giao, Sư đoàn ô tô 571 dốc toàn lực với 17 tiểu đoàn cùng 2.662 xe vận tải các loại vận chuyển lập chân hàng ở Xê Sụ và S8 với khối lượng 20.000 tấn, chủ yếu là gạo và đạn pháo bảo đảm cung cấp cho chiến dịch Tây Nguyên và vận chuyển chi viện Mặt trận Trị - Thiên, Khu 5, Nam Bộ...

Theo lệnh của Bộ ngày 26 tháng 2, Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều 398 xe của trung đoàn 11 trung đoàn 527 thuộc Sư đoàn ô tô 571 cơ động gấp Sư đoàn bộ binh 341 thuộc Quân khu 4 vào bổ sung cho Quân đoàn 4 ở Nam Bộ. Trong vòng 12 ngày các trung đoàn xe đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cơ động gọn một đội hình sư đoàn vượt chặng đường 1.200 km, mở ra khả năng cơ động đội hình cấp quân đoàn vào chiến trường theo yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Cùng lúc Bộ Tư lệnh đã tổ chức bảo đảm cho Sư đoàn bộ binh 316 cơ động vào chiến trường Tây Nguyên đúng thời gian quy định.

Cùng với Sư đoàn ô tô 571, Sư đoàn ô tô 471 cấp tốc đưa 10.300 tấn vật chất, chủ yếu là đạn hoả lực, các loại khí tài thông tin, tăng - thiết giáp vào phục vụ chiến dịch. Theo mệnh lệnh của chỉ huy sư đoàn, trung đoàn ô tô 17 từ Đông Hà đưa vào Xê Sụ lập chân hàng cùng với nguồn hàng Sư đoàn 571 chuyển vào. Từ đây, các trung đoàn khác, chủ yếu là trung đoàn ô tô 33 đưa hàng đến các cụm kho K20, K40 phía tây bắc và tây nam Buôn Ma Thuột.

Một yêu cầu bức bách của Mặt trậnTây Nguyên và các chiến trường là vũ khí hoả lực mạnh, đặc biệt là đạn pháo lớn thiếu trầm trọng.
Trước tình hình đó, Tổng cục Hậu cần kịp thời tổ chức nhiều đoàn cán bộ quân giới, quân khí vào tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn phối hợp với lực lượng kho kiểm chọn đạn, dự kiến kế hoạch bảo đảm cho chiến trường. Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ thị cho Tổng kho khu vực đường số 9 và hệ thống kho ở các hướng chiến dịch phải tiến hành ngay việc đăng ký chính xác từng loại đạn hoả lực. Kết quả chọn được 125.000 viên đạn các cỡ: cối 160 ly, 120 ly, pháo 130 ly, pháo lựu 155 ly kịp chi viện theo lệnh cấp trên.

Tham gia tác chiến chiến dịch, Sư đoàn bộ binh 968 được giao nhiệm vụ tác chiến nghi binh chiến dịch trên hướng Kon Tum, Plây Cu làm cho địch lầm tưởng hướng tác chiến chủ yếu của chiến dịch là bắc Tây Nguyên. không phải là Buôn Ma Thuột. Theo đó, ta thực hiện được ý đồ chiến dịch là giam chân bằng được các lữ đoàn đặc nhiệm 4 và 6, trung đoàn 44 ngụy Sài Gòn ở bắc Tây Nguyên, không để chúng rảnh tay cơ động về ứng cứu cho Buôn Ma Thuột khi bị tiến công.

Tại cuộc họp ở chỉ huy sở tiền phương của Bộ khi giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 968, Đại tướng Văn Tiến Dũng giải thích trực tiếp cho Chính uỷ Sư đoàn 968 Trần Trác: Tuy là nghi binh chiến dịch nhưng nhiệm vụ của sư đoàn có ý nghiã chiến lược, góp phần quyết định thắng lợt. Sư đoàn 968 sẽ bị địch tập trung lực lượng phản kích quyết liệt; nếu sư đoàn đánh không đủ mạnh, thì địch có thể nghi ngờ về hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch và sẽ điều quân đi ứng cứu cho Buôn Ma Thuột.
 
Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề được giao, Sư đoàn 968 đã chủ động trinh sát nắm khá chắc tình hình địch và căn cứ thực lực của mình, báo cáo với Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết tâm chiến đấu nghi binh và được Bộ Tư lệnh chiến dịch phê chuẩn.

Vào những ngày cuối tháng 2 năm 1975, mọi hoạt động vận chuyến chi viện chiến trường, đặc biệt là tạo chân hàng bảo đảm cho chiến dịch Tây Nguyên và bố trí lực lượng tham gia chiến dịch đã được Bộ Tư lệnh Trường Sơn triển khai đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Các lực lượng trực tiếp tham gia chiến dịch đã sẵn sàng. Cơ sở vật chất hậu cần-kỹ thuật bao gồm gạo. súng đạn, quân trang... đã được tập kết tại vị trí quy định. Đồng thời, Bộ đội Trường Sơn cũng tạo được một lượng vật chất dự phòng chuẩn bị cho tình huống Bộ yêu cầu khối lượng lớn vượt mức kế hoạch 15 nghìn tấn. Riêng lượng xăng dầu, ba tháng đầu năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm cho chiến dịch Tây Nguyên 1.793,6 tấn.

Thời gian mở màn chiến dịch càng đến gần thì mọi hoạt động của địch càng bị hút về hướng nghi binh chiến dịch của ta ở Plây Cu, Kon Tum. Lúc này. một bộ phận của Sư đoàn ô tô 471 đã hoàn tất nhiệm vụ cơ động Sư đoàn bộ binh 968 vào vị trí tập kết chiến dịch, thay thế Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 cơ động vào nam Tây Nguyên.

Hàng ngày, Sư đoàn 968 vẫn duy trì mọi hoạt động như của hai Sư đoàn 320 và 10. Theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch, các bộ phận nghi binh của sư đoàn tiến hành phát đi nhiều mệnh lệnh, báo cáo giả.

Ngày 1 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 968 nổ súng tiến công tuyến phòng thủ của địch ở tây nam thị xã Plây Cu. Được sự yểm trợ của pháo binh, bộ binh Sư đoàn 968 tiến công, dũng mãnh, diệt và bức rút một số đồn bốt địch, uy hiếp căn cứ Thanh Bình và quận lỵ Thanh An. Đồng thời, trung đoàn 19 Sư đoàn 968 phối hợp với bộ đội tỉnh Kon Tum tiến công tuyến phòng thủ của địch ở bắc thị xã, cắt đứt đường 14, đoạn nam Tân Phú. Vào thời điểm này, ngày 4 tháng 3 năm 1975 trung đoàn 95 Sư đoàn 3 Quân khu 5 cắt đường 19 ở An Khê. Trước đòn tiến công mạnh mẽ của ta, quân đoàn 3 ngụy buộc phải rút trung đoàn 45 đang lùng sục ở Cẩm Ga, Thuần Mẫn về giữ Thanh An.

Địch bị sa vào cạm bẫy, thừa thắng, Sư đoàn 968 tiếp tục đẩy mạnh tác chiến nghi binh, phối hợp với đơn vị bạn tiến công một số vị trí địch, hình thành thế bao vây, chia cắt chiến dịch, tạo điều kiện cho Bộ Tư lệnh chiến dịch chuẩn bị trận đánh then chốt.

Hoạt động nghi binh chiến dịch mà với vai trò nòng cốt là Sư đoàn 968 đạt hiệu quả cao, không chỉ giam chân một lực lượng lớn của địch ở bắc Tây Nguyên. mà còn góp phần “củng cố" thêm nhận định sai lầm của đội ngũ tướng tá quân đội Sài Gòn rằng hướng tiến công chính của ta là bắc Tây Nguyên, không phải là Buôn Ma Thuột, tạo cho ta có điều kiện và thời cơ tiến công thị xã Buôn Ma Thuột khi phương án địch không có phòng ngự dự phòng.

Ở Buôn Ma Thuột, những ngày đầu tháng 3, các lực lượng Bộ đội Trường Sơn khẩn trương hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Từ đầu tháng 3, Trung đoàn công binh 575 nhận lệnh mở tiếp quãng đường còn lại tiếp giáp căn cứ địch. Do chủ động chuẩn bị lực lượng và phương tiện, tổ chức thi công khẩn trương suốt ngày đêm, nên đúng 23 giờ đêm 9 tháng 3, trung đoàn đã khai thông trục đường 50 B, hai nhánh 50 C, 50 D và tổ chức xong đội hình công binh hộ tống xe tăng.

Ngày 8 tháng 3 năm 1975, quân ta nổ súng đánh Đức Lập. Ngày 10 tháng 3, ta tiến công đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Theo yêu cầu tác chiến chiến dịch, công binh trung đoàn 575 đã phối hợp cùng trung đoàn 7 công binh Mặt trận Tây Nguyên hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho đội hình binh chủng hợp thành cơ động tiến công địch, giành thắng lợi: Bộ đội vận tải vừa bảo đảm cơ động vừa vận chuyển kịp thời đạn pháo tiếp tế cho các đơn vị. Bộ đội xăng dầu vừa chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật giải phóng xe nhanh trong khâu cấp phát vừa bố trí một lực lượng xe xitéc chở xăng tiếp tế cho các lực lượng xe, pháo tham gia chiến dịch, bảo đảm cấp phát mỗi ngày trung bình 126 tấn xăng dầu.
 
Sau 32 giờ kể từ lúc nổ phát súng đầu tiên đánh chiếm Buôn Ma Thuột, ta đã giải phóng hoàn toàn thị xã, phối hợp với đòn "điểm huyệt” ở Buôn Ma Thuột, các lực lượng của ta trên chiến trường Tây Nguyên đẩy mạnh tiến công địch, tạo thế chia cắt buộc quân đoàn 2 ngụy phải phân tán lực lượng đối phó.

Cuộc tiến công đồng loạt của ta trên khắp chiến trường, đặc biệt là thắng lợi đánh bại hoàn toàn cuộc phản kích "tái chiếm" Buôn Ma Thuột của quân đoàn 2 ngụy, đã đẩy quân địch ở Tây Nguyên đến nguy cơ tan vỡ không thể nào cứu vãn nổi. Để bảo toàn lực lượng, ngụy quyền Sài Gòn quyết định bỏ Tây Nguyên, rút thật nhanh theo đường số 7 về co cụm giữ duyên hải miền Trung.

Thực hiện chỉ thị phát triển tiến công tiêu diệt địch, Sư đoàn ô tô 471 được lệnh cơ động Sư đoàn 10 truy kích địch rút chạy theo đường số 7 và cơ động Sư đoàn 320 theo đường 14 xuống phía nam giải phóng thị xã Buôn Hồ, truy kích địch đến Đạt Lý, đồng thời, tổ chức một số đại đội xe vận chuyển hàng chống đói cho nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột và vùng phụ cận.

Ngày 18 tháng 3, Sư đoàn 968 và lực lượng vũ trang địa phương tiến công giải phóng hoàn toàn thị xã Kon Tum. Tiếp đó, ngày 24 tháng 3 giải phóng quận lỵ Thanh Bình... Theo lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ thị Sư đoàn 470 tiếp quản Kon Tum, Plây Cu. Ngày 25 tháng 3 năm 1975 chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Toàn bộ Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng.

Trước diễn biến mau lẹ và thắng lợi giòn giã ở chiến trường, ngày 18 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975; xác định hướng tiến công chiến lược là Sài Gòn.

Ngày 25 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính tri họp chủ trương: "Tập trung lớn và nhanh nhất lực lượng binh khí kỹ thuật, vật chất bảo đảm giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Nắm thời cơ địch rút lui chiến lược, tiêu diệt, làm tan rã quân đoàn 1 ngụy và đại bộ phận quân đoàn 2, không cho chúng co cụm quanh Sài Gòn".

Để thực hiện chủ trương chiến lược trên, Bộ Chính trị quyết định thực hiện hai đòn quyết chiến chiến lược là Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 25 tháng 3 năm 1975, Hội đồng Chi viện chiến trường do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch được thành lập, nhằm huy động cao nhất sức người, sức của và chỉ đạo, tổ chức tốt việc vận chuyển, chi viện cho miền Nam.

Trong khí thế chiến thắng sau chiến dịch Tây Nguyên, toàn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn khẩn trương phục vụ những chiến dịch mới, với khí thế tưng bừng, rạo rực.

Sư đoàn 470 dưới sự chỉ huy trực tiếp của Phó Tư lệnh Nguyễn Lang nhanh chóng tiếp quản vùng giải phóng, tiếp thu kho tàng, cơ sở vật chất chiến lợi phẩm, tạo nguồn bổ sung theo yêu cầu của Bộ đồng thời triển khai lực lượng bảo vệ vùng giải phóng Kon Tum, Plây Cu. Tiền phương tư lệnh Trường Sơn được dời về thị xã Buôn Ma Thuột.

Một lực lượng lớn của Sư đoàn công binh 472 sẵn sàng bảo đảm giao thông cho các binh đoàn chủ lực của ta cơ động về Nam theo trục đường số 1. Lực lượng công binh còn lại tiếp tục bảo đảm cho các đơn vị của quân đoàn 3 truy diệt địch theo các trục đường 7, 11 ... và cơ động vào Nam Bộ theo tuyến đông Trường Sơn.

Lực lượng bộ đội xăng dầu tập trung xây dựng trạm cấp xăng quy mô lớn ở Đức Lập bảo đảm xăng dầu cho phần lớn lực lượng cơ động theo trục đông Trường Sơn vào tham gia giải phóng Sài Gòn, Nam Bộ. Toàn tuyến đường ống được chỉ huy chặt chẽ, vận hành suốt ngày đêm với khối lượng lớn trên tuyến tây và nam, nhất là đảm bảo đầy đủ cho các kho cuối tuyến do trung đoàn 592 phụ trách. Kết hợp bảo đảm qua hệ thống đường ống, tiếp bằng xe xitéc và tự mang theo xe, bộ đội xăng dầu Trường Sơn đã cấp phát liên tục, giải phóng trên 10 nghìn lượt xe trên tuyến trong một ngày đêm. Đồng thời, Cục Xăng dầu chỉ đạo các đơn vị tận thu xăng dầu chiến lợi phẩm cấp phát theo yêu cầu hành quân, chiến đấu.
 
Bộ đội vận tải Trường Sơn, lực lượng nòng cốt là Sư đoàn ô tô 571 và Sư đoàn ô tô 471 vừa tiếp tục vận chuyển vật chất bảo đảm cho các hướng chiến trường theo kế hoạch, vừa cơ động bộ binh theo yêu cầu tác chiến và triển khai thực hiện những nhiệm vụ đột xuất. Một trung đoàn của Sư đoàn ô tô 471 tập trung cơ động Sư đoàn 968 và sư đoàn 3 Khu 5 xuống phía nam và xuống đồng bằng tham gia giải phóng Bình Định, Ninh Thuận... .

Sau gần 40 ngày đêm thực hiện bốn chuyếnvận chuyển với bao khó khăn, trở ngại cá về đường sá và những khó khăn khách quan khác. Sư đoàn 571 đã chuyển giao đủ 800 xe cùng vũ khí, bảo đảm cho nhân dân bạn kịp thời giải phóng thủ đô Phnôm Pênh.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị: giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, ngày 20 tháng 3 Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Quân khu Trị - Thiên, Quân khu 5 và Quân đoàn 2 mở cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Toàn mặt trận Trị -Thiên và Khu 5 chuyển từ kế hoạch cơ bản sang thực thi kế hoạch thời cơ.

Chủ động thực hiện ý định của Bộ Tổng tư lệnh, ngay sau khi kết thúc chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh Trường Sơn kịp thời tổ chức một đoàn cán bộ công binh, vận tải... do Cục phó tham mưu công binh Dương Đình Tạ phụ trách đi trinh sát nắm tình hình cầu đường dọc theo đường số 1 để lập kế hoạch đảm bảo giao thông và vận chuyền trên tuyến đường này. Tham gia đoàn có Tư lệnh Sư đoàn 571 Hoàng Trà và một số cán bộ các trung đoàn công binh.

Với sự nhạy cảm về diễn biến cục diện chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ thị cho Cục trưởng tham mưu công binh Phan Quang Tiệp cùng cơ quan điều ngay các tiểu đoàn công binh với đủ khí tài cấp tốc cơ động đến nhưng điểm trọng yếu để bảo đảm cầu đường, trước hết là bảo đảm vận tải và binh khí kỹ thuật vượt sông Thạch Hãn, Mỹ Chánh... Tiểu đoàn công binh 73 trung đoàn 99 được lệnh cấp tốc đến bắc cầu qua sông Quảng Trị đủ cho hai làn xe qua lại.

Cùng lúc trung đoàn 99 bàn giao việc thi công cầu Đắk Rông cho trung đoàn công binh 509 để chuyển toàn bộ lực lượng còn lại đến bảo đảm giao thông đường số 1 từ Đông Hà, Quảng Trị trở vào. Bộ Tư lệnh điều trung đoàn 8 công binh do trung đoàn trưởng Trương Việt Phúc chỉ huy phối hợp với Lữ đoàn công binh 219 Quân đoàn 2 bảo đảm cho quân đoàn tiến công từ hướng tây nam Huế xuống chia cắt đường số 1. Một sở chỉ huy tiền phương Cục tham mưu công binh do Cục phó Đỗ Xuân Diễn phụ trách tiếp cận đội hình trung đoàn 99 được trang bị đầy đủ phương tiện thông tin đề kịp thời nhận mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh.

Để bảo đảm đủ xăng dầu cho các lực lượng tham gia chiến dịch, thực hiện chỉ thị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Cục Xăng dầu đã phối hợp chặt chẽ với Phòng xăng dầu Quân đoàn 2, Quân khu Trị - Thiên và Quân khu 5, cho các đơn vị nhận xăng dầu qua tuyến đường ống Trường Sơn. Đến trước ngày mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng, lượng xăng dầu dự trữ của Quân đoàn 2, Quân khu Trị-thiên và Quân khu 5 đạt tới 1.827 tấn, trong đó có 902 tấn xăng, 765 tấn điêzen, 160 tấn dầu mỡ. Ở các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn đều được bảo đảm đủ hai cơ số xăng dầu.

Một ngày sau khi nhận chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh, ngày 21 tháng 3 năm 1975, trên chiến trường Trị-thiên và Khu 5, bộ đội ta đồng loạt nổ súng, thực hiện chia cắt chiến lược Huế với Đà Nẵng, tiêu diệt sư đoàn 2 bộ binh địch, giải phóng Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Trên cơ sở những trận đánh tạo thế từ đầu tháng 3 năm 1975, với cơ sở hậu cần - kỳ thuật và hệ thống cầu đường được bảo đảm tốt, Quân đoàn 2 và lực lượng vũ trang Trị-thiên dũng mãnh tiến công từ tây nam Huế theo các trục đường ngang 74, 10C, 14B... tràn xuống đồng bằng, làm chủ đường số 1 quãng phía nam Huế, chia cắt hoàn toàn Huế và Đà Nẵng về đường bộ. Cùng lúc các đơn vị chủ lực Quân khu Trị-thiên phát triển tiến công Huế từ hướng bắc theo mệnh lệnh của Bộ.

Bộ Tư lệnh Trường Sơn lệnh cho Sư đoàn ô tô 571 tổ chức một lực lượng cơ động gấp Sư đoàn bộ binh 325 từ khu vực đường số 9 và Li Tôn vào ngã ba đường 74 kịp thời tiến công địch. Các lực lượng công binh Trường Sơn phối hợp với Quân đoàn 2 và công binh Quân khu Trị-thiên khắc phục vật cản, làm đường vòng tránh... bảo đảm cho các đơn vị bộ binh cơ động đánh địch.
 
Trên hướng tiến công phía nam Huế, công binh ta cũng kịp thời khắc phục cầu Truồi, cầu Thừa Lưu, bến Tuần...đã bị địch phá khi tháo chạy.

Ngày 26 tháng 3, từ nhiều hướng, các đơn vị Quân đoàn 2 và bộ đội chủ lực Trị-thiên ào ạt tiến công, kết hợp với phong trào nổi dậy của nhân dân giải phóng hoàn toàn Cố đô Huế.

Trước diễn biến mau lẹ của tình hình, ngày 25 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị họp kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước tháng 5 năm 1975, trước mắt tập trung lực lượng Quân đoàn 2 và Khu 5 giải phóng Đà Nẵng.

5 giờ 30 phút ngày 28 tháng 3, trên tất cả các hướng, bộ đội ta mở trận công kích vào Đà Nẵng - thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, một căn cứ quân sự liên hợp lớn của địch. Sau 33 giờ chiến đấu với tinh thần tiến công dũng mãnh, mưu trí, táo bạo, chiều ngày 29 tháng 3, từ các hướng khác nhau, Quân đoàn 2 và lực lượng vũ trang Khu 5 đã hợp điểm ở trung tâm thành phố và bán đảo Sơn Trà cùng với các tầng lớp nhân dân làm chủ hoàn toàn thành phố.

Tiếp theo thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên, thắng lợi của chiến dịch Huế - Đà Nằng đã tạo điều kiện rất thuận lợt cho chiến dịch quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn.

Sau thắng lợi của chiến dịch Huế, Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn kịp thời điều chỉnh thế bố trí lực lượng. Một bộ phận lực lượng phía bắc chuyển ra tuyến đường 1 phối hợp chặt chẽ với lực lượng của Tổng cục Hậu cần, Bộ Giao thông Vận tải, Quân khu Trị - Thiên và Quân khu 5 khôi phục tuyến đường số 1, các bến cảng và sân bay Đà Nẵng, tạo nên thế và lực mới của tuyến chi viện chiến lược. Tư lệnh phó Phan Khắc Hy được cử vào Đà Nẵng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng khẳng định trên chiến trường miền Nam, cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh hoàn toàn áp đảo quân địch.

Ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị họp nhận định: thời cơ chiến lược để tiến hành tổng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi. Từ nhận đinh đó Bộ Chính trị hạ quyết tâm:

"Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975, không để chậm".

Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh, cử Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện làm Phó Tư lệnh.

Nghị quyết Bộ Chính trị nhanh chóng được quán triệt đến toàn dân, toàn quân. Cả nước bừng bừng khí thế ra trận. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Các lực lượng chủ lực trực thuộc Bộ tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định cơ động theo đường Trường Sơn có Quân đoàn 3 và quân đoàn 1 (trừ Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ miền Bắc) cùng các binh chủng kỹ thuật đi cùng.

Ở hướng đường số 1, đầu tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập cánh quân Duyên Hải do Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Trung tướng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Hoà làm Chính uỷ, Trung tướng - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên làm Phó Tư lệnh. Cánh quân Duyên Hải gồm Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324) được tăng cường Sư đoàn 3 Khu 5 và một số đơn vị vận tải, phòng không, công binh Trường Sơn, có nhiệm vụ đánh địch trong hành tiến, cơ động thần tốc phá vỡ các tuyến phòng thủ của địch dọc theo duyên hải miền Trung, tiến vào hợp vây Sài Gòn từ hướng đông và đông nam.

Cùng với cả nước, Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh quyết dồn hết tâm sức và mọi nguồn lực cho chiến dịch cuối cùng.
 
Ngay sau khi ta kết thúc thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên, ngoài việc tổ chức một lực lượng vận tải, công binh phục vụ chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được chỉ thị đặc biệt đột xuất của Bộ Tổng tư lệnh huy động một lực lượng lớn ô tô cơ động gấp Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 vào tham gia chiến dịch và chuyển gấp một số đạn pháo lớn vào Nam Bộ.

Ngày 26 tháng 3, Sư đoàn ô tô 571 nhận lệnh tập trung 1.000 xe cùng với lực lượng vận tải ô tô Cục Vận tải - Tổng cục Hậu cần cơ động Quân đoàn 1 - lực lượng dự bị chiến lược của Bộ từ Vĩnh Linh vào Đồng Xoài tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Yêu cầu của Bộ chậm nhất là ngày 24 tháng 4, Quân đoàn 1 phải có mặt ở vị trí tập kết chiến dịch.

Ở phía đông, từ đầu tháng 4 năm 1975, Sư đoàn ô tô 471 đã nhanh chóng triển khai chỉ thị của Bộ Tư lệnh, tổ chức trinh sát xác định bàn đạp, cung độ để chạy đường 14, trả hàng tại Bù Na, Đồng Xoài. Trước diễn biến tình hình hết sức mau lẹ, sư đoàn nhận lệnh tập trung cơ động toàn bộ Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên vào Nam Bộ và vận chuyển 6.100 tấn đạn hỏa lực bảo đảm cho chiến dịch.

Hoàn thành nhiệm vụ cơ động Quân đoàn 3 vào Nam Bộ, Sư đoàn 471 tiếp tục tổ chức vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men và đặc biệt là chuyển gấp hơn 6.000 tấn đạn hoả lực từ các kho dự trữ KG4, Xê Sụ, Buôn Ma Thuột vào Nam Bộ.

Theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, trung đoàn ô tô 33 thuộc Sư đoàn 471 được phối hợp thuộc Bộ Tư lệnh chiến dịch với nhiệm vụ cơ động các đơn vị chủ lực theo các trục đường Đồng Xoài Dầu Tiếng - Bến Cát, Lò Gò - Chơn Thành.

Cũng chính trong thời điểm toàn bộ lực lượng đã tung hết trên đường, chỉ sau hai ngày nhận lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Sư đoàn 471 đã tổ chức được đội hình 320 xe bảo đảm cơ động lực lượng làm nhiệm vụ "hoả tốc" của Bộ.

Lực lượng cơ động chiến đấu của cánh quân Duyên Hải gồm ba sư đoàn bộ binh (3, 304, 325), Sư đoàn pháo phòng không 637, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn công binh 219 và cơ quan Quân đoàn 2. Ngoài các loại trang bị. khí tài, gạo, đạn,... tổng số tham gia hành quân là 32.418 người.

Với đội hình trên, lại thực hiện phương châm hành quân thần tốc, tiến công địch bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, đòi hỏi một lực lượng cơ giới hùng hậu. Trong khi đó toàn bộ xe của Quân đoàn 2 hiện có kể cả xe thu được của địch mà quân đoàn có thể sử dụng được sau chiến dịch Huế - Đà Nẵng cũng chỉ đảm bảo một nửa yêu cầu. Đề thực hiện tốt mệnh lệnh hành quân, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn kiêm Phó Tư lệnh cánh quân Duyên Hải quyết định sử dụng hơn 600 xe của Sư đoàn 571 (đang chở gạo và đạn bảo đảm cho Quân đoàn 2 tại Đà Nẵng) cơ động bộ đội vào tham gia chiến dịch.

Tại Đà Nẵng, Chính uỷ Sư đoàn 571 Phan Hữu Đại đã chủ động thu quân, tích cực chuẩn bị; chỉ một ngày sau khi nhận lệnh, ngày 9 tháng 4, đội hình xe vận tải thuộc sáu tiểu đoàn 54, 57, 58, 66, 77, 964 và một số xe của các phân đội khác với số lượng 669 xe đã dàn đội hình từ chân phía nam đèo Hải Vân đến sân bay Đà Nẵng chờ tiếp nhận các lực lượng Quân đoàn 2. Tư lệnh Sư đoàn 571 Hoàng Trá kịp về Đà Nẵng chỉ huy đội hình. Cùng lúc, trên 600 xe khác của Sư đoàn 571 tiến vào đứng chân tại Đà Nẵng làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược phục vụ cảnh quân Duyên Hải.

Trên chặng đường dài gần 1.000 km từ Đà Nằng vào Xuân Lộc có hàng trăm cầu lớn nhỏ bị địch phá sập sau khi rút chạy, trong đó có một số cầu quan trọng như Cao Lâu, Bà Rén, Hương An, Kế Xuyên, Bà Bầu... Vì vậy bảo đảm cầu đường cho cánh quân Duyên Hải cơ động "thần tốc" theo mệnh lệnh của Bộ Tồng tư lệnh là nhiệm vụ vô cùng nặng nề và cấp bách.
 
Để bảo đảm cho các hướng tiến công của ta, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã trực tiếp chỉ huy và kiếm tra liên tục các sư đoàn công binh trên mặt đường. Ba trung đoàn công binh Trường Sơn 8, 99 và 531 tăng cường cho cánh quân Duyên Hải bảo đảm đường số 1 từ Huế vào Cam Ranh. Các sư đoàn công binh đã bảo đảm đường 14 từ Buôn Ma Thuột đi Đồng Xoài, đường từ Kon Tum đi Buôn Ma Thuột, đường 19 từ Plây Cu xuống Quy Nhơn và đường số 1 từ Nha Trang đi Phan Rang, các trục đường ngang 19, 21 ...

Trên các trục đường được phân công đảm trách, những người lính công binh Trường Sơn đã tận dụng khí tài thu được của địch, khai thác vật liệu tại chỗ, khôi phục và làm mới 96 cầu với chiều dài 3.300 m. Trong đó có 68 cầu be lây, 15 cầu dầm thép, 5 cầu phao trên các tuyến đường 1A, 14, 19, 21...

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã huy động một lực lượng lớn công binh cùng lực lượng công binh chiến đấu của Bộ, các quân đoàn, quân khu đảm bảo đường, cầu cho gần ba quân đoàn chủ lực và các đơn vị binh khí kỹ thuật với hàng chục nghìn xe, pháo các loại, cơ động đường dài hàng nghìn kilômét vào tham gia chiến dịch đạt yêu cầu thời gian.

Ngoài lực lượng công binh được bố trí đảm bảo các mạng đường trên các hướng, lực lượng phòng không cũng được điều chỉnh thế bố trí. Toàn bộ Sư đoàn phòng không 377 được giao nhiệm vụ bảo vệ đội hình chiến dịch, chủ yếu là đội hình Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3. Hai trung đoàn phòng không 528, 527 được điều về khu vực Cam Ranh - Nha Trang bảo vệ đội hình cánh quân Duyên Hải.

Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ thị bộ đội tập trung mọi cố gắng dồn xăng dầu cho các binh đoàn tham gia chiến dịch. Trên tuyến đường ống Trường Sơn phần nam vĩ tuyến 17 chia làm hai hướng. Phía đông có tám điểm cấp phát, phía tây có 6 điểm, từ ngã ba biên giới vào Nam Bộ có 7 điểm, cấp phát thoả mãn cho mọi đội hình xe và phương tiện cơ động binh khí bất kỳ lúc nào.

Đầu tháng 4, Cục Xăng dầu Bộ Tư lệnh Trường Sơn còn chỉ đạo hoàn thành gấp đoạn tuyến ống 28 - 29 B nhằm triển khai cấp phát lớn ở Đức Lập là nơi xuất phát của nhiều xe máy vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi ta giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh dọc duyên hải miền Trung, Cục Xăng dầu nhận lệnh tổ chức lực lượng, cơ động khí tài, bố trí nhiều kho bãi cấp phát xăng dầu cho các đơn vị hành quân vào Nam theo đường số 1; nhanh chóng tiếp quản kho xăng Liên Chiểu của địch dưới chân đèo Hải Vân cấp phát bổ sung cho các đơn vị.

Để bảo đảm cho cánh quân Duyên Hải, dọn đường số 1, bộ đội xăng dầu Trường Sơn tổ chức bốn trạm cấp phát: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh, Phan Thiết. Khi chiến dịch phát triển với nhịp độ dồn dập hơn, Cục Xăng dầu Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã kịp thời triển khai cơ quan và các phân đội bảo đảm ở Nha Trang tiếp nhận nguồn hàng xăng dầu được chuyển bằng đường biển vào để cấp phát cho các lực lượng hành quân qua địa bàn duyên hải miền Trung.

Đồng thời, Cục còn bố trí một bộ phận ở Buôn Ma Thuột tổ chức bảo đảm xăng dầu cho các lực lượng ở hướng này. Mặt khác điều tập trung các đơn vị xitéc vận chuyển xăng dầu từ các kho nội tuyến lên phía trước và cơ động theo đội hình xe chở quân và binh khí kỹ thuật. Với nỗ lực cao độ, kết hợp đồng bộ các hình thức bảo đảm trên cơ sở nguồn chi viện của hậu phương, bộ đội xăng dầu Trường Sơn ngay những ngày đầu đã cấp phát 4.100 tấn xăng dầu cho các đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong thời điểm "cả nước cùng ra trận", ngày 7 tháng 4 năm 1975, cùng lúc Bộ Tư lệnh ở Bến Tắt và tiền phương Bộ Tư lệnh ở Buôn Ma Thuột đều nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:

"Thần tốc, thần tốc hơn nữa.
Táo bạo, táo bạo hơn nữa.
Tranh thủ từng giờ từng phút,
Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam.
Quyết chiến và toàn thắng”

Mệnh lệnh chiến đấu thiêng liêng này được Đảng uỷ, Cục Chính trị Bộ đội Trường Sơn chỉ thị cho các đơn vị phổ biến ngay đến từng cán bộ, chiến sĩ.

Cả Trường Sơn được huy động vào trận, sôi sục không khí những ngày hội lớn tiến đến ngày toàn thắng.
 
Trên khắp các nẻo đường từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam của dãy Trường Sơn và nhiều tuyến đường khác ra trận nườm nượp xe, người, súng pháo... Từng đoàn xe dài hàng trăm kilômét chở quân, chở hàng, cùng hàng trăm xe kéo pháo, xe công trình... hối hả tiến xuống đồng bằng, tiến về phía Nam.

Rộn ràng và sôi động nhất là những trạm giao liên, bãi tạm trú quân, kho hàng, trạm chỉ huy giao thông, nhưng quãng đường vì quá chật gây ùn tắc... xe vào, xe ra, người đến, người đi không kể ngày đêm, không giờ ngưng nghỉ... "Thần tốc" lúc này không chỉ là mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh mà là mệnh lệnh của lý trí, trái tim của những người lính Trường Sơn - những người đang cần mẫn bươn bả trên khắp những nẻo đường vừa đảm bảo, vừa cơ động các binh đoàn chủ lực của Bộ vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Ngày 16 tháng 4, trên hướng hành tiến của cánh quân Duyên Hải, tiểu đoàn ôtô 54 - đơn vị mang truyền thống Điện Biên Phủ tham gia cơ động trung đoàn 101 Sư đoàn 325 đột phá tuyến phòng thủ Phan Rang của địch. Tại thung lũng Phan Rang đã diễn ra trận kịch chiến của một bộ phận Quân đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 5 với quân ngụy Sài Gòn. Trong cơn "giãy chết", quân địch đã tập trung tối đa hoả lực và sử dụng máy bay oanh kích hòng ngăn chặn đội hình xe, cản bước tiến của ta. Các chiến sĩ lái xe Trường Sơn dạn dày lửa đạn vẫn vững vàng tay lái phối hợp cùng lực lượng cơ giới của Quân đoàn 2 đột phá dũng mãnh, đưa bộ binh đánh chiếm hết vị trí này đến vị trí khác.

Ngày 22 tháng 4, toàn bộ cánh quân Duyên Hải đã vào tập kết tại Xuân Lộc, vượt thời gian quy định.

Sau khi cơ động các quân đoàn chủ lực vào vị trí tập kết chiến dịch, Sư đoàn ô tô 571 được lệnh để hai trung đoàn xe trực tiếp cơ động bộ đội phát triển tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định; số xe còn lại khẩn cấp quay ra chuyển 4.500 tấn đạn pháo từ các kho Xê Sụ, Giàng (trên hai tuyến đông - tây Trường Sơn) và 410 tấn đạn pháo chiến lợi phẩm ở các kho Quy Nhơn, Nha Trang... theo đường số 1 vào giao, cho cơ quan hậu cần chiến dịch tại Đồng Xoài, Xuân Lộc.

Sau khi cánh quân Duyên Hải phá vỡ tuyến phòng thủ từ xa của địch, giải phóng Phan Rang, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định chuyển chỉ huy sở Bộ Tư lệnh vào Nha Trang, đóng tại trường sĩ quan Đồng Đế của địch mà ta vừa giải phóng, nhằm bám sát các đơn vị phục vụ chiến dịch trên hướng đường số 1 ở Buôn Ma Thuột, tiền phương Bộ Tư lệnh do Phó Tư lệnh Nguyễn Lang phụ trách vẫn trực tiếp chỉ đạo các đơn vị hoạt động trên hành lang đông, tây Trường Sơn.

Đồng thời Phó Tư lệnh Phan Khắc Hy phụ trách một bộ phận gồm Sư đoàn phó Sư đoàn 470 Trần Quốc Khiêm, Sư đoàn phó Sư đoàn 471 Phạm Lê Hoàng và số cán bộ tham mưu, với cương vị đại diện Bộ Tư lệnh Trường Sơn bên cạnh tiền phương Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp nhận lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch và tổ chức thực hiện.

Ngày 22 tháng 4, tại Đồng Đế, Bộ Tư lệnh triệu tập hội nghị khẩn cấp cán bộ chủ trì các đơn vị trực thuộc. Trung tướng Tư lệnh thông báo tình hình phát triển của chiến dịch, nhiệm vụ chung của Bộ đội Trường Sơn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Kết thúc hội nghị, cán bộ khẩn trương về ngay đơn vị mình, kịp thời gian mở màn chiến dịch đang đến gần.

Cũng từ sở chỉ huy ở Đồng Đế, Bộ Tư lệnh gửi điện biểu dương, động viên các đơn vị tham gia phục vụ chiến dịch phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Không khí ra trận sôi sục, lời động viên kêu gọi của Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn như tiếp thêm cho từng cán bộ, chiến sĩ nguồn sức mạnh và quyết tâm mới. Một bộ phận lớn bộ đội vận tải Trường Sơn đã trở thành phương tiện cơ giới hoá bộ binh ở các mũi tiến công đang sẵn sàng xung trận.
 
17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, trận tổng công kích vào Sài Gòn bắt đầu.

Từ hướng đông, đông nam, một bộ phận của Sư đoàn ôtô 517 tham gia cơ động Sư đoàn 325 Quân đoàn 2 tiến công Long Thành, thành Tuy Hạ tiến về bến phà Cát Lái chuẩn bị vượt sông Lòng Tàu phát triển vào nội đô Sài Gòn. Trên hướng này, tiểu đoàn ô tô 58 Sư đoàn 571 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển đạn pháo lớn cung cấp cho trận địa pháo tầm xa của Quân đoàn 2 bố trí ở Nhơn Trạch bắn cấp tập hơn 300 quả vào sân bay Tân Sơn Nhất vào hồi 9 giờ 30 phút ngày 29 tháng 4, báo hiệu sự cáo chung của chính quyền Sài Gòn.

Trên hướng tiến công chủ yếu của Quân đoàn 2 trung đoàn ô tô 512 Sư đoàn 571 cơ động Sư đoàn 304 lần lượt đánh chiếm các căn cứ quan trọng của địch như Nước Trong, Long Bình, trường bộ binh, trường thiết giáp, phát triển theo trục xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn. Tiểu đoàn ô tô 57 và tiểu đoàn ô tô 964 là những đơn vị cơ động lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 trên hướng này.

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc lập, Tổng thống Dương Văn Minh cùng hầu hết những nhân vật chủ chốt của chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Cờ giải phóng tung bay trên tầng cao Dinh Độc lập, báo tin vui cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đà đến đích toàn thắng.

Cùng thời gian này, ở hướng bắc, Sư đoàn ô tô 471 đảm bảo cơ động Quân đoàn 1 đánh vào Sài Gòn theo hai trục: Trục thứ nhất là hai tiểu đoàn ô tô 51 và 235 cơ động Sư đoàn 320 qua Tân Uyên phát triển vào thành phố.

Ở hướng tây bắc, các trung đoàn ô tô 17, 32, 536 sau khi dồn hàng, chủ yếu là đạn hoả lực phục vụ chiến dịch đã kịp thời cơ động Quân đoàn 3 tiến công đánh chiếm Đồng Dù, Củ Chi, Hóc Môn và nhanh chóng làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất, làm tiêu tan mọi hy vọng của quân ngụy có thể được cứu nguy bằng cầu hàng không.

Vượt lên mọi thủ đoạn đánh phá ngăn chặn của địch, mọi thử thách ác liệt, hy sinh, lực lượng Bộ đội Trường Sơn tham gia chiến dịch đã bảo đảm cơ động các binh đoàn chủ lực, thực hiện thắng lợi kế hoạch hợp vây đánh chiếm Sài Gòn, tiêu diệt các trung tâm đầu não ngụy quyền Sài Gòn, phối hợp cùng quần chúng cách mạng nổi dậy làm chủ hoàn toàn thành phố.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Các lực lượng Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tham gia chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng quan trọng, bảo đảm cầu đường, hậu cần - kỹ thuật và cơ động các binh đoàn chủ lực thần tốc vượt lộ trình hàng ngàn kilômét, kịp thực hiện một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc.

Bằng nỗ lực cao độ của mình, cán bộ và chiến sĩ Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn tạo nên sức cơ động cao, khả năng đột kích mạnh của các binh đoàn chủ lực những "quả đấm" chiến lược của lực lượng vũ trang.

Giữa thành phố Sài Gòn vừa được giải phóng, trong giây phút vô cùng thiêng liêng của lịch sử dân tộc, những người lính Trường Sơn, quân phục nhuốm đỏ bụi đường, nắng gió, vô cùng xúc động tự hào, bởi đã góp sức lực, trí tuệ, máu xương của mình cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện được nguyện ước nung nấu từ 16 năm nay: mở tuyến đường Hồ Chí Minh, thực hiện chi viện chiến lược của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn; cơ động các binh đoàn thần tốc tiến về cùng nhân dân giải phóng Sài Gòn - thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
 
VII. NHỮNG KỲ TÍCH CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN

Trường Sơn là chiến trường thực nghiệm chiến lược "chiến tranh ngăn chặn", “chiến tranh bóp nghẹt” bằng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt với các loại vũ khí, thiết bị tối tân, hiện đại của nền khoa học công nghệ Mỹ. Núi rừng Trường Sơn luôn rung chuyển, bị cày đi, xới lại bởi 4 triệu tấn bom đạn, hoá chất độc hại của địch trút xuống, nhưng với trí thông minh vào lòng quả cảm, các lực lượng Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, ác liệt, làm nên những kỳ tích vĩ đại:

1. Lực lượng cầu đường, với 4 sư đoàn công binh với hơn 4 vạn thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, công nhân giao thông nguyện làm "Tường đồng vách sắt” kiên cường bám trụ, giành giật lại từng thước đường “máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc"; một đường bị chặn lại, hai ba đường lại xuất hiện; đường chạy đêm bị đánh thì đường chạy ngày, "đường kín" xuất hiện; địch đánh một ta làm mười; đã xây dựng hệ thống đường giao thông chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc đến các chiến trường miền Nam, Trung Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, có chính diện rộng trên 100km, có chiều sâu trên 1.200 km, trên địa bàn khoảng hơn 130.000 km2, gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang liên hoàn, đồng bộ với tổng chiều dài gần 20.000 km, xây dựng và cải tạo 500 km đường sông, hàng ngàn cầu cống, ngầm... phục vụ hoạt động vận chuyển và hành quân liên tục cả hai mùa; vô hiệu hoá mọi âm mưu ngăn chặn của Mỹ - nguỵ.

2. Lực lượng vận tải, với hai sư đoàn xe ô tô vận tải đã tiến hành một đại công trình vận tải chiến lược quân sự; bí mật luồn rừng, mang vác là chủ yếu tiến tới lấy vận tải cơ giới là chủ yếu, vận tải đường sông bổ trợ; hợp thành một binh chủng vận tải phát triển đến đỉnh cao. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt này, cán bộ, chiến sĩ, lái xe, thợ máy xứng đáng với danh hiệu “gan vàng, dạ ngọc", thà hy sinh trên tay lái "còn người, còn xe, còn hàng" luôn luôn chủ động, táo bạo vượt lên trên tất cả mọi thủ đoạn xảo quyệt đánh phá ác liệt của địch để chạy đêm, chạy ngày, lấn sáng, lấn chiều, chạy đội hình nhỏ, chạy đội hình lớn, chạy cung ngắn, cung dài... tranh thủ mọi thời cơ vận chuyển vào chiến trường trên 1 triệu tấn vật chất, kỹ thuật hơn 2 triệu người vào, ra chiến trường; riêng từ năm 1973 đến năm 1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân vào chiến trường, tổ chức hành quân 25 quân đoàn binh khí kỹ thuật nặng vào các mặt trận; trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn bộ binh vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

3. Lực lượng đường ống xăng dầu, từ những đơn vị nhỏ phải dùng sức người gùi, vần. kéo từng phuy xăng dầu vượt qua trọng điểm, chịu thương vong lớn để chuyển xăng vào tuyến, đã hình thành bốn trung đoàn làm đường ống với trên 7.600 người, xây dựng được 1.400km đường ống xăng, dầu nối liền từ tuyến hậu phương Quảng Bình hình thành hai tuyến (Đông và Tây Trường Sơn) đến Bù Gia Mập (Bình Phước) cùng các bể chứa dự trữ lớn ở Lộc Ninh với 113 trạm bơm đẩy, 33 trạm cấp phát. Từ năm 1968 đến năm 1975, cấp cho các chiến trường 61.064 tấn xăng dầu; đảm bảo nhu cầu xăng dầu cho vận tải và cơ động các binh chủng kỹ thuật quy mô lớn phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi.

4. Lực lượng bộ binh, từ những phân đội nhỏ đến Trường Sơn sớm nhất để bảo vệ tuyến đường đã nhanh chóng sớm hình thành sư đoàn, đủ sức đập tan những cuộc hành quân ngăn chặn của địch; tham gia chiến đấu hàng nghìn trận chống hành quân, chống nống lấn, biệt kích, thám báo của địch, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực của Mỹ - ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của địch, giải phóng đất đai, mở rộng địa bàn hoạt động cho tuyến chi viện chiến lược; tạo ra căn cứ vững chắc cho các binh đoàn chủ lực của Bộ làm địa bàn xuất phát tiến công mở các chiến dịch lớn; góp phần trực tiếp đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ và chiến tranh ngăn chặn chi viện của đế quốc Mỹ ở mức độ cao; bảo vệ an toàn hành lang giao thông chiến lược trong mọi tình huống.

5. Lực lượng pháo phòng không, từ những phân đội nhỏ, đã nhanh chóng phát triển thành những lực lượng chiến đấu lớn, gồm 1 sư đoàn và 9 trung đoàn pháo cao xạ, tên lửa; đánh nhỏ, đánh lớn, đánh ngày, đánh đêm bắn rơi 2.455 máy bay, bắt giặc lái; góp phần trực tiếp cùng các lực lượng đánh thắng chiến lược ngăn chặn của Mỹ - nguỵ bảo vệ thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược, xứng danh với danh hiệu “đánh giỏi, bắn trúng”.

6. Lực lượng giao liên, với đôi chân vạn dặm bảo đảm hành quân bộ, tiến tới cơ giới đưa đón, bố trí nơi ăn, ở cho hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh vào ra các chiến trường bí mật, an toàn, xứng đáng với 10 chữ vàng "Tận tình với các đồng chí, tận nghĩa với chiến trường”.

7. Lực lượng thông tin, với khẩu hiệu "Coi dây như ruột, coi dây như xương” đã xây dựng được mạng lưới thông tin gồm hơn 4.000KM đường dây trần dùng cho máy tải ba, hơn chục nghìn kilômét dây bọc, hàng trăm thiết bị máy móc hình thành mạng lưới thông tin đa phương thức cả đông và tây Trường Sơn đảm bảo chỉ huy được “thống nhất, trực tiếp, kịp thời" đối với các lực lượng, binh chủng trên chiến trường. Mạng lưới thông tin Trường Sơn còn nối thông với các chiến trường, với tổng đài của Bộ, phục vụ mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh đến trực tiếp từng chiến dịch lớn, đặc biệt mật lệnh "thần tốc" trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

8. Các lực lượng quân y, như "Người mẹ hiền" tận tình cứu chữa kịp thời thương, bệnh binh trên tuyến và qua tuyến. Lực lượng chuyên môn kỹ thuật và cán bộ, chiến sĩ cơ quan Đoàn bộ... đã ngày đêm bám sát trên tuyến đường, phục vụ đắc lực cho chỉ huy và các nhu cầu cần thiết của bộ đội, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các lực lượng hoàn thành xuất sắc nhất mọi nhiệm vụ.

9. Đội ngũ làm công tác báo chí, văn học nghệ thuật với hàng nghìn tác phẩm về đề tài Trường Sơn, đã dựng nên những bức tượng đài về lòng dũng cảm, đức hy sinh tinh thần yêu nước, chủ nghiã anh hùng cách mạng, lòng tin vững chắc vào ngày toàn thắng của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, thực sự là pho sử Trường Sơn viết bằng nghệ thuật, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

10. Lực lượng thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, công nhân giao thông với hàng vạn người đã hiến dâng tuổi thanh xuân, vượt qua bao gian khổ ác liệt sát cánh cùng Bộ đội Trường Sơn chiến đấu giữ vững trận địa cầu đường với khí thế "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm" tất cả để cho xe lăn bánh hướng tới chiến trường.

11. Lực lượng làm công tác chuyên gia giúp bạn, luôn luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, "giúp Bạn tự giúp mình", tích cực xây dựng cơ sở chính trị ở các vùng căn cứ, phối hợp với quân và dân Bạn chiến đấu chống địch lấn chiếm vùng giải phóng, mở rộng và bảo vệ vững chắc tuyến hành lang chiến lược Trường Sơn cả chính diện và chiều sâu với hơn 600 bản, thuộc 18 huyện, tỉnh.

Suốt 16 năm đương đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn vô cùng ác liệt với bao hy sinh, gian khổ không sao kể xiết, các lực lượng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã trở thành "Một lực lượng gang thép, một tập thể anh hùng, hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc sứ mệnh mà Đảng và nhân dân đã giao phó; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược, một nhân tố quyết định để đưa sức mạnh cả nước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Thời gian đã lùi xa về quá khứ, nhưng huyền thoại về đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn mãi mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, tiếp thêm sức mạnh cho mọi thế hệ phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dụng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghiã.
 
Cần phải mở đường lên tây Trường Sơn .

Năm 1960, Mỹ - ngụy tập trung quân mở trận càn Hoành Sơn dọc đường 9 lên tận biên giới Việt - Lào nhằm triệt phá tuyến giao liên vận tải của ta. Trước tình thế diễn biến xấu, Tổng Quân ủy chỉ đạo phải mạnh dạn mở đường lên tây Trường Sơn cố gắng phát triển sâu xuống phía nam.

Năm 1969, phong trào cách mạng miền Nam lên mạnh mẽ nhưng việc tạo "chân hàng" để vượt Trường Sơn vận chuyển sâu vào Nam Bộ còn nhiều khó khăn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Tư lệnh 559 và Sư đoàn 325 về nhiệm vụ chi viện quân sự cho các chiến trường. Đại tướng dùng trực thăng cùng mấy cán bộ 559 và Trưởng ty Giao thông Quảng Bình (Võ Văn Ấp) quan sát vùng nam Quân khu 4. Sau đó giao Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp các lực lượng mở đường từ Phú Quý vào Ho hơn 70km để ô tô tạo "chân hàng" cho Đoàn 559. Giao trách nhiệm, Bộ tổng tham mưu cùng Bộ Tư lệnh không quân nghiên cứu tổ chức "cầu vận tải hàng không" kịp thời lập "chân hàng" cho tuyến chi viện.

Trung tuần tháng 3 năm 1961, Quân khu 4 phối hợp với Đoàn 559, Pa thét (Lào) mở chiến dịch 128 giải phóng một vùng rộng lớn từ đường 12 đến nam bắc đường số 9, mở rộng vùng giải phóng của Lào trên 3.000KM2. Tháng 4 năm 1961, Hiệp định Zuyrích thành lập chính phủ ba phái ở Lào. Tổng Quân ủy chỉ đạo phải tranh thủ thời cơ thuận lợi này.

Tháng 4 năm 1962, Bộ Tư lệnh không quân phối hợp với Đoàn 559 tổ chức việc thả dù hàng xuống bãi Na Phi Lăng và Lùm Bùm (Savanakhét). Sau hơn một tuần đã lập được chân hàng trên ngàn tấn gạo, vũ khí. Nhờ vậy Đoàn 559 kịp bảo đảm chủ trương chi viện lực lượng lớn rất trọng yếu cho các chiến trường miền Nam. Các khung cán bộ lãnh đạo Nam Bộ, Khu 6, Khu 5, khung các trung tiểu đoàn, tỉnh đội, cán bộ dân chính đảng các tỉnh và 14 đại đội tiểu đoàn quân chủ lực ... Tổng số trên hai vạn người đi trong vòng hai tháng tới đích gọn, an toàn.

Đầu năm 1962, trung đoàn công binh 98 mở xong đường 129 trên tây Trường Sơn cắt đường 12 từ Ba Na Phào chạy xuống phía nam cắt đường 9 tại bản Kê pô phía tây bắc Mường Phin (Lào). Bộ Tổng tham mưu điều một trung đoàn vào phối hợp lực lượng Pa thét Lào bảo vệ địa bàn này.

Táo bạo sử dụng ô tô ở tây Trường Sơn

Đến cuối năm 1961, Đoàn 5 59 cùng các quân khu miền Nam đã soi đường xong đường giao liên thông tới Nam Bộ. Nhưng việc vận tải chi viện thô sơ không đáp ứng được nhu cầu phát triển đẩu tranh cách mạng. Quân ủy Trung ương chỉ đạo “mạnh dạn thử nghiệm sử dụng ô tô ở tây Trường Sơn".

Chấp hành chủ trương Quân ủy, đầu năm 1962 Tổng cục Hậu cần điều 60 ô tô của Trung đoàn 3 (E245) chở hàng từ tổng kho 559 ở Quảng Bình vào Mường Phin, chạy dọc đường 9 xuống Sê Pôn chở 500 xe đạp vào cho trung đoàn 70 Đoàn 559, trang bị lực lượng thồ tiến sâu tới các hậu cứ Trị - Thiên, Tây Nguyên, Khu 5.

Cuối tháng 5 năm 1962, Đoàn trưởng 559 đi kiểm tra hoạt động trên tuyến tây Trường Sơn bắt đầu ổn định mọi mặt hoạt động. Võ Bẩm về Hà Nội báo cáo Đại tướng bước đầu đạt thắng lợi và triển vọng sử dụng phương tiện cơ giới kết hợp thô sơ trên Trường Sơn. Đại tướng rất mừng, nói "Bác Hồ muốn trực tiếp nghe, đồng chí chuẩn bị báo cáo cụ thể, nhưng tránh làm Bác xúc động, lúc này Bác không được khỏe ...".

Đoàn trưởng Võ Bẩm lên báo cáo tình hình tuyến 559 với Hồ Chủ tịch, ông cụ chăm chú lắng nghe và hỏi kỹ đời sống của bộ đội làm nhiệm vụ vận tải, tình hình các dân tộc Trường Sơn ...

Hồ Chủ tịch khen: Mới bắt đầu một thời gian ngắn, làm được như vậy là giỏi, rồi đây phải tích cực hơn nữa mới giúp được đồng bào miền Nam đấu tranh chống Mỹ - ngụy... Cần phải quan tâm giúp đỡ bà con dân tộc khắc phục nạn đói, đau bệnh ... Hồ Chủ tịch dặn: "Phải báo cáo thiệt kỹ với Quân ủy Trung ương, với Bộ Tổng... xin ý kiến chỉ đạo biện pháp giải quyết sớm...".

Võ Bẩm được thường trực Quân ủy nghe báo cáo lại ý của Bác Hồ. Thường trực Quân ủy chỉ đạo giải quyết khẩn cấp cứu đói cho bà con dân tộc Tây Nguyên. Về lâu dài phải giúp địa phương xây dựng các tổ chức đoàn thể, giúp kế hoạch sản xuất, giúp Đảng Nhân dân cách mạng Lào xây dựng cơ sở kinh tế, phát động phong trào kháng chiến chống Mỹ.

Bí thư Quân ủy Trung ương căn dặn: "Lòng dân Trường Sơn với cách mạng như ngọn lửa hồng không bao giờ tắt, chúng ta phải biết giữ cho ngọn lửa không khi nào vạc... Cuộc cách mạng giải phóng hiện nay cũng như trước kia đều dựa vào Trường Sơn đấy..."
 
Biển Đông là đường bổ trợ đắc lực cho đường xuyên Trường Sơn

Song song với mở đường xuyên Trường Sơn, Quân ủy Trung ương chủ trương mở đường xuyên biển bổ trợ cho đường vận tải. Đoàn trưởng Võ Bẩm trực tiếp nhận ý chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức vận tải biển chi viện sâu vào các tỉnh trong lòng địch. Tiểu đoàn 603 ra đời mang danh "Tập đoàn đánh cá miền Nam".

Đêm giao thừa Canh Tý (1960), tiểu đoàn chở hàng tiến vào Nam, không may trúng cơn bão lớn, tàu dạt vào Cù Lao Xanh (Quảng Nam) bị địch bắt. Phải tạm dừng, nghiên cứu biện pháp thực hiện tiếp.

Thời gian này, tuyến vận tải bộ trên Trường Sơn đã thông tới các chiến trường Trị - Thiên, Khu 5 và Tây Nguyên, chưa vào được Nam Bộ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn trong Thường trực Quân ủy, giao tướng Trần Văn Trà trực tiếp chỉ đạo rút kinh nghiệm hai chuyến đi thử không thành công của tiểu đoàn 603 .

Tháng 2 năm 1961, Bộ Chính Trị - Quân ủy Trung ương chỉ thị các tỉnh ven biển Nam Bộ tổ chức thuyền ra Bắc nhận vũ khí và điều nghiên đường ra vào bảo đảm an toàn. Tướng Trần Văn Trà được giao trách nhiệm trực tiếp theo dõi và chỉ đạo chuẩn bị thành lập đoàn tàu xuyên Biển Đông.

Đầu tháng 11 năm 1961, đội thuyền Bến Tre ra tới miền Bắc, tiếp theo là các đội thuyền Trà Vinh, Cà Mau. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe báo cáo rồi trình bày với Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị. Bác cùng các đồng chí thường trực Bộ Chính trị đến thăm sức khỏe các thủy thủ và nghe cụ thể hoạt động của địch, tình hình ngư dân bảo đảm an toàn cho vận chuyển trên biển ...

Tháng 10 năm 1962, tàu Phương Đông I hạ thủy mở đường vận tải biển. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao trách nhiệm cho hai đồng chí Lê Văn Một, Bông Văn Dĩa quyết giành thắng lợi trận đầu. Chín ngày xuyên biển, con tầu vỏ gỗ chở 30 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng cửa Bồ Đề kịp phục vụ quân dân Mỹ Tho đánh trận ấp Bắc thắng lợi vang dội.

Để đảm bảo vận tải được trong mọi hoàn cảnh thời tiết, Bộ cho thay vỏ sắt. Tổng Tư lệnh quyết định giao Bộ Tư lệnh Hải quân đảm trách nhiệm vụ vận tải biển. Đến cuối năm 1963, Nam Bộ đón được 25 tàu, nhận 1.430 tấn vũ khí. Đánh dấu thời kỳ “vượt trùng vây phong tỏa của địch, trở lực của biển trời" bổ trợ đắc lực cho tuyến chi viện Trường Sơn.

Tăng cường mọi mặt con đường "Huyết mạnh chủ yếu” chi viện miền Nam

Trên các chiến trường miền Nam, quân dân ta đang ra sức thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng: "Đánh thắng Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ. Các quân khu miền Bắc đã sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Đại tướng Tổng Tư lệnh trực tiếp làm việc với Tổng cục Hậu cần, đặt yêu cầu “chi viện các chiến trường đủ sức đảnh mạnh hơn, giành thắng lợi quyết định". Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch, phải tăng cường sức chiến đấu cho Đoàn 559 tương ứng vị thế con đường "huyết mạch chủ yếu” chuyển vận tiềm lực hậu phương lớn lên tiền tuyến lớn.

Năm 1964, các chiến trường được chi viện tốt, đánh mạnh đều khắp. Tháng 12 năm 1964, miền Đông Nam Bộ mở Chiến dịch Bình Giã, tiêu diệt lớn, làm rung chuyển chế độ tay sai tan rã từng mảng, các chính khách Hoa Kỳ hoang mang...
Mỹ vội đưa quân chủ lực chính quốc đổ bộ vào miền Nam nước ta, đồng thời mở chiến tranh phá hoại miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam.

Bộ Chính trị quyết định: Công tác trung tâm đột xuất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân miền Bắc lúc này là "đánh thắng Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải”. Bộ trưởng Công nghiệp Đinh Đức Thiện được điều trở lại quân đội làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Vừa nhậm chức, Chủ nhiệm Đinh báo cáo Tổng Tư lệnh cho phép cải tổ bộ máy lãnh đạo chỉ huy hậu cần từ trên Bộ xuống các quân binh chủng. Tổng Tư lệnh nghe phương án và biện pháp cải tổ trong thời gian địch đang chuyển hướng chiến lược... Đại tướng chấp thuận ý đề xuất cải tổ tăng cường sức chiến đấu của công tác hậu cần và chỉ ra những trở ngại, cần chú trọng khắc phục.

Ngành hậu cần được tái lập hệ thống tổ chức vận tải là binh chủng chiến đấu trong đội hình quân đội; tổ chức vận tải tách khỏi tổ chức quản lý xe máy. Toàn quân đều xác lập thống nhất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức giao thông vận tải nhà nước trong quá trình hoạt động.

Bộ Chính trị quyết định nâng Đoàn 559 tương đương Quân khu, bổ nhiệm Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy binh Đoàn 559. Quân ủy Trung ương chỉ đạo chọn cán bộ cơ quan Tổng cục Hậu cần tăng cường cho đoàn 559.

Trước khi vào Trường Sơn đoàn cán bộ được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp động viên căn dặn: Đồng chí Tuệ là Tư lệnh, nhưng mới vào, nhiều việc chuyên ngành chưa thể quán xuyến hết. Đồng chí Chiêm là Phó Chủ nhiệm Tổng cục, đồng chí Đôn nguyên Cục trưởng quản lý xe... thông thạo nghiệp vụ... Các đồng chí phải phát huy khả năng chuyên môn, chủ động hỗ trợ đồng chí Tuệ... Phải giữ vững đoàn kết giữa những đồng chí cũ và mới ở bên ngoài vào... Trên con đường máu lửa này, nếu thiếu tình thương gắn bó thành một khối thống nhất thì khó thành công lắm..

Đoàn cán bộ đi tăng cường rất thấm thía lời dặn tình nghĩa của Đại tướng, khắc sâu tâm khảm mình trong suốt cả cuộc chiến đấu quyết liệt trường kỳ.
 
Phải đánh địch mà đi, mở đường mà tiến

Kết thúc nhiệm vụ mùa khô 1968 - 1969, một mùa chiến đấu cực kỳ khó khăn. So với nhiệm vụ Quân ủy giao, Đoàn 559 mới đạt được chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch, chưa đạt yêu cầu bổ sung cao ...

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ mùa khô tới sẽ tăng gấp hai ít nhất cũng phải tăng gấp rưỡi trong tình hình giặc Mỹ dồn sức ngăn chặn “đường mòn" với ý tưởng "cắt đứt cái cuống nhau nuôi dưỡng cuộc kháng chiến ở miền Nam". Quân ủy Trung ương phê chuẩn đề nghị tập kết đại bộ phận xe máy của Đoàn ra hậu phương để củng cố kỹ thuật, bổ sung phương tiện, rèn luyện bộ đội ... Và tổng kết kinh nghiệm, tìm biện pháp thắng chiến tranh ngăn chặn của địch trên Trường Sơn.

Ngày 31/7/1969, Bộ Tư lệnh 559 tổ chức Hội nghị Quân chính tại Sầm Sơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào dự (có các thủ trưởng tổng cục và đại diện Bộ Giao thông Vận tải). Đại tướng khái quát tình hình cách mạng hai miền, khẳng định thắng lợi chiến lược của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân ...

Với Đoàn 559, Đại tướng đánh giá cao kết quả mùa khô 1968 - 1969, hoan nghênh tinh thần phát huy ưu điểm nhưng không coi thường khuyết điểm... Đại tướng phân tích cách vận dụng tư tưởng tiến công vào mặt trận giao thông vận tải như thế nào, không thể cường điệu yếu tố dũng cảm của bộ đội mà đặt khẩu hiệu hành động “địch cứ đánh, ta cứ đi"... Thế là liều lĩnh. Có xác định đúng, bộ đội mới tin tưởng.

Trên mặt trận giao thông vận tải khẳng định "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến". Bộ đội cao xạ đánh địch bảo vệ mục tiêu giao thông vận tải thế nào? Tất nhiên phải đánh tiêu diệt, nhưng nếu chỉ chú trọng tiêu diệt nhiều máy bay địch mà đường bị tắc nghẽn vẫn không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu hạ máy bay ít hơn, mà đuổi được địch đạt xa mục tiêu, đường không bị tắc là thắng lợi. Bộ đội công binh cần tích cực khảo sát mở đường mới, đường dự bị. Bộ đội xe cũng phải luôn sẵn sàng chủ động sửa đường, khai thông đường mà tiến ...
Người nghe bất giác ngẩng nhìn bảng thống kê so sánh diệt địch với thời gian tắc nghẽn vận tải ... Ngộ ra ý sâu sắc của những lời phân tích ...

Đại tướng khen đơn vị công binh đã biết lợi dụng những chiếc senso-máy do thám của Mỹ để lừa máy bay Mỹ oanh tạc mục tiêu giả... Đấy là cách đánh hay gọi là "chiến thuật thắng địch" cũng đúng...

Hơn hai trăm cán bộ Đoàn 559 dự họp rất xúc động với những lời chỉ dẫn đằm thắm ... , "Thì ra Tổng Tư lệnh dù bận trăm ngàn chuyện trọng đại, vẫn luôn theo dõi từng việc làm bước đi của Bộ đội Trường Sơn...".

Câu nói giản dị của Đại tướng “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" bám chặt ý nghĩa các chiến binh Trường Sơn từ đấy.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top