• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Chia Sẻ Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950)

Trang Dimple

New member
Xu
38
Ở bài học trước, các em đã thấy rõ vai trò to lớn của Đảng và Chính phủ cách mạng trong việc giải quyết những khó khăn cấp bách về xây dựng chính quyền mới, giải quyết nạn đói, nạn dốt và sự khan hiếm về tài chính trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám 1945. Để có thêm thời gian hòa bình, tránh xung đột với kẻ thù, xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng cũng đã chọn giải pháp “hòa để tiến”, kí với Pháp bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, sau đó là Tạm ước ngày 14/9/1946. Song giải pháp này chỉ có tác dụng tạm thời. Đến đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thay mặt Trung ương Đảng đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Vì sao vậy? Để tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Chính phủ ta đã thực hiện đường lối nào? Kết quả những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (từ năm 1946 đến năm 1950) ra sao? Đó là những nội dung chính mà bài học 18 chúng ta cần tìm hiểu.

Lịch sử 12 Bài 18 -NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC CHỐNG PHÁP (1946 – 1950)
I . KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC CHỐNG THỰC DÂN PHÁP BÙNG NỔ.

1 . Thực dân Pháp bội ước và tiến công nước ta.

- Sau Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946, Pháp vẫn chuẩn bị xâm lược nước ta.

+ Tiến công các phòng tuyến của ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

+ Tháng 11 -1946, Pháp khiêu khích ta ở Hải Phòng, Lạng Sơn.

+ Ở Hà Nội, Pháp nổ súng, đốt nhà Thông tin, chiếm đóng Bộ tài chính, tàn sát đẫm máu ở phố hàng Bún , Yên Ninh.

- 8/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu để Pháp giữ gìn trật tự ở Hà Nội, nếu không, chậm nhất sáng 20/12/1946, Pháp sẽ chuyển sang hành động.

2 . Đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng.

- Ngày 12-12-1946 Ban Thường vụ Trung Ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến.

- Ngày 18 và 19/12/1946, Hội nghị bất thường Trung ương Đảng tại Vạn Phúc – Hà Đông quyết định phát động cả nước kháng chiến.

- 20 giờ ngày 19/12/1946, công nhân nhà máy điện Yên Phụ ( Hà Nội) phá máy, tắt điện làm tín hiệu tiến công, cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp bùng nổ. Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

* Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

+Vì sao ta phải đứng dạy kháng chiến ?Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa ! “

+ Nêu cao quyết tâm kháng chiến của nhân dân ta: “Không ! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”

+ Kêu gọi mọi người dân Việtt Nam đứng lên kháng chiến :” … Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống giặc Pháp cứu nước”.

+ Chỉ ra cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi :”Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước .Dù phải gian lao kháng chiến , nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định sẽ thuộc về ta “

* Nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến chống Pháp

- Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946).

- Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (12/12/1946).

- Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi ( 9/1947) .

- Là những văn liện lịch sử về đường lối kháng chiến, nêu rõ tính chất, mục đích, nội dung và phương châm của cuộc kháng chiến chống Pháp: kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế .

* Phân tích Đường lối kháng chiến:

1. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là sự tiếp tục của cuộc Cách mạng tháng Tám.

2. Kháng chiến toàn dân: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên chống thực dân Pháp cứu tổ quốc. Vì lợi ích toàn dân và phải do toàn dân tiến hành.

3. Kháng chiến toàn diện: Trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế,văn hoá.Mặc khác ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc , xây dựng chế độ dân chủ nhân dân nên phải kháng chiến toàn diện.

4. Tự lực cánh sinh: dựa vào sức mạnh nhân dân, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế

5. Kháng chiến trường kỳ: Theo 3 giai đoạn: Phòng ngự, cầm cự và tổng phản công.

Địch mạnh hơn ta , nên ta phải trường kỳ thì mới phát huy được những thuận lợi, khắc phục những hạn chế của ta .Lực ta còn yếu, địch đang rất mạnh nên ta phải đánh lâu dài để tiêu hao sinh lực địch , phát triển dần lực lượng của ta , đến lúc ta sẽ mạnh hơn và đánh bại kẻ thù.

* Ý nghĩa và tác dụng :

+ Thấm nhuần tư tưởng chiến tranh nhân dân , mang tính chất chính nghĩa nên được nhân dân ủng hộ .

+ Là ngọn cờ đoàn kết, động viên toàn dân đánh thắng kẻ thù xâm lược .




images38466_thuhochiminh.jpg

Lời kêu gọi Toàn Quôc kháng chiến .


II . CUỘC CHIẾN ĐẤU Ở CÁC ĐÔ THỊ VÀ VIỆC CHUẨN BỊ CHO CUỘC KHÁNG CHIẾN LÂU DÀI.

1 . Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía bắc vĩ tuyến 16 .

- Lúc 20 giờ 19/12/1946, cuộc chiến đấu ở Hà Nội bắt đầu, ta tiến công các vị trí quân Pháp, dựng chướng ngại vật hoặc chiến lũy ngay trên đường phố để ngăn địch.

- Trung đoàn thủ đô được thành lập đánh quyết liệt ở Bắc Bộ phủ, Bưu điện Bờ Hồ, đầu cầu Long Bien, ga Hàng Cỏ, chợ Đồng Xuân...

- Sau hai tháng chiến đấu kiên cường - ngày 17/02/1947, Trung đoàn thủ đô rút về căn cứ an toàn.

pht_lenh_toan-quoc_khang_chin.jpg


19/12/1946: Phát lệnh toàn quốc kháng chiến


cuoc_chien_dau_dien_ra_tung_khu_pho.jpg


Các cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra trong từng khu phố








images_04.jpg

Lực lượng vũ trang thủ đô anh dũng chiến đấu. Ảnh : Tư liệu

* Kết quả :

- Trong 60 ngày đêm, Hà Nội chiến đấu gần 200 trận, giết và làm bị thương hàng ngàn địch, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch trong thành phố một thời gian dài để hậu phương huy động kháng chiến, bảo vệ Trung ương Đảng về căn cứ Việt Bắc an toàn.

- Ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng …quân ta bao vây, tiến công tiêu diệt địch.

- Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía bắc vĩ tuyến 16 tạo điều kiện cho cả nước đi vào cuộc kháng chiến lâu dài .

- Quân dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích, chặn đánh địch trên các tuyến giao thông, phá cơ sở hậu cần của chúng .

2 . Tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài :

- Chuyển các cơ quan Đảng,Chính phủ,vận chuyển móc, nguyên vật liệu …về Việt Bắc .

- Khẩu hiệu: “Vườn không nhà trống”, “Tản cư cũng là kháng chiến”, “Phá hoại để kháng chiến”, phá nhà cửa, đường sá, cầu cống… không cho địch sử dụng.

- Chính phủ xây dựng lực lượng kháng chiến về mọi mặt :

+ Chính trị : Lập Ủy ban kháng chiến hành chính, thực hiện kháng chiến kiến quốc; lập Hội Liên Việt .

+ Kinh tế : duy trì và phát triển sản xuất , nhất là lương thực .

+ Quân sự : quy định người dân từ 18t đến 45 t được tham gia các lực lượng chiến đấu.

+ Văn hóa : tiếp tục duy trì ,phát triển phong trào bình dân học vụ, trường phổ thông các cấp vẫn giảng dạy, học tập trong hoàn cảnh chiến tranh .



III. CHIẾN DỊCH VIỆT BẮC THU – ĐÔNG 1947 VÀ VIỆC ĐẨY MẠNH KHÁNG CHIẾN TOÀN DÂN, TOÀN DIỆN.

1.
Chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947
a. Hoàn cảnh lịch sử và âm mưu của Pháp:

Tháng 3/1947, Cao ủy Pháp Bô-la-ec (Bolaert)ở Đông Dương, thực hiện kế hoạch tiến công Việt Bắc, nhắm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và quân chủ lực, triệt đường liên lạc quốc tế của ta, nhanh chóng giành thắng lợi quân sự, lập chính phủ bù nhìn và kết thúc nhanh chiến tranh.

b Diễn biến

* Pháp huy động 12.000 quân và hầu hết máy bay ở Đông Dương tiến công Việt Bắc :

- Sáng ngày 07/10/1947:

+ Quân dù Pháp(Sô va nhắc chỉ huy) chiếm Bắc Cạn , Chợ Mới , Chợ Đồn …

+ Quân bộ (Bôphơrê chỉ huy) từ Lạng Sơn theo đường số 4 lên Cao Bằng, rồi vòng xuống Bắc Cạn ;theo đường số 3, bao vây phía đông và bắc Việt Bắc.

- Ngày 09/10/1947, quân bộ và lính thủy đánh bộ Pháp (Côm muy nan chỉ huy) từ Hà Nội ngược sông Hồng, sông Lô lên Tuyên Quang, rồi Chiêm Hóa , đánh Đài Thị, bao vây phía tây Việt Bắc.

- Tạo thế gọng kìm bao vây Việt Bắc.

* Ta :

- Đảng chỉ thị: “Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”.(15/10/1947)

-Trên khắp các mặt trận, quân dân ta anh dũng chiến đấu đẩy lui địch:

+Ta chủ động bao vây ,tiến công địch buộc Pháp phải rút khỏi Chợ Mới, Chợ Đồn, Chợ Rã..... cuối tháng 11/1947.

+ Mặt trận hướng Đông , đường số 4, ta phục kích ở đèo Bông Lau (30-10-1947).Đường số 4 trở thành “con đường chết”, thu nhiều vũ khí của địch.

+ Mặt trận hướng Tây, sông Lô, ta chặn đánh địch ở Đoan Hùng ,Khe Lau ,đánh chìm nhiều tàu chiến, canô địch .

- Như vậy ta bẻ gãy hai gọng kìm Đông - Tây của Pháp. Ngày 19/12/947, Pháp phải rút khỏi Việt Bắc.

- Ở các mặt trận khác phối hợp với Việt Bắc : quân dân ta ở Hà Nội đã kiềm chế, không cho địch tập trung binh lực vào các chiến trường chính

c. Kết quả và ý nghĩa:

- Ta tiêu diệt hơn 6000 tên địch, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến và ca nô.

- Cơ quan đầu não kháng chiến được bảo toàn, bộ đội chủ lực của ta trưởng thành.

- Cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển sang giai đoạn mới: Pháp buộc phải chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh lâu dài” với ta, thực hiện chính sách “Dùng người Việt đánh người Việt,lấy chiến tranh nuối chiến tranh


viet__bac_500.jpg

Lược đồ chiến dịch Việt Bắc thu- đông 1947


2. Đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện .

Đảng và chính phủ chủ trương củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, tăng cường lực lượng vũ trang nhận dân , đẩy mạnh kháng chiến toàn dân,toàn diện.

* Âm mưu của Pháp :

- Sau thất bại ở Việt Bắc thu – đông 1947, Pháp buộc phải chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh”sang “đánh lâu dài” với ta.

- Thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt và lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”để đánh lâu dài với ta

* Chủ trương của ta :

+ Chính trị: đầu 1949 bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban kháng chiến các cấp ;tháng 6-1949 thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt

+ Quân sự : từ 1948-1949 bộ đội chủ lực phân tán đi sâu vào vùng sau lưng địch , gây dựng cơ sở kháng chiến , phát triển chiến tranh du kích .

+ Kinh tế :thực hiện giảm tô ,chia ruộng đất công cho nông dân ,giảm tô, xoá nợ.

+ Văn hóa – giáo dục :tháng 7-1950 cải cách giáo dục phổ thông , đặt nền móng cho nền giáo dục dân chủ ,hệ thống trung học Chuyên nghiệp và Đại học bước đầu xây dựng .

IV. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ MỚI VÀ CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI THU – ĐÔNG 1950 .

1. Hoàn cảnh lịch sử mới của cuộc kháng chiến :

- 1/10/1949, cách mạng Trung Quốc thành công, nước CHND Trung Hoa ra đời và đặt quan hệ ngoại giao với ta (18.01.1950)

- Từ tháng 1/1950 Liên Xô và các nước XHCN đặt quan hệ ngoại giao với ta.

- Cuộc kháng chiến của ta được sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân thế giới.

- Ngày 13-5-1949 Mỹ giúp Pháp thực hiện kế hoạch Rơ ve :Mỹ can thiệp sâu vào Đông Dương;công nhận chính phủ Bảo Đại;tháng 5-1950, đồng ý viện trợ cho Pháp.

- Tháng 6-1949 thực hiện kế hoạch Rơ ve :

+ Tăng cường hệ thống phòng ngự trên đường số 4, cắt đứt liên lạc của ta với quốc tế.

+ Lập hành lang Đông – Tây (Hải Phòng-Hà Nội-Hòa Bình-Sơn La)

+ Cô lập và chuẩn bị tấn công Việt Bắc lần thứ hai, để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

bien_gioi_500.jpg


Lược đồ chiến dịch Biên giới thu- đông 1950



trung_uong_dang_hop_ban__chien_dich_bien_gioi.jpg


Bức ảnh “Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng nghiên cứu kế hoạch chiến dịch Biên giới, năm 1950” từng bị chú thích nhầm thành “Bộ Chính trị họp bàn giải phóng Điện Biên - năm 1954”.

2. Chiến dịch Biên Giới thu- đông năm 1950

a. Chủ trương của Ta: Tháng 6/1950, ta chủ động mở chiến dịch Biên giới nhằm:

- Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch

- Khai thông đường sang Trung Quốc và thế giới .

- Mở rộng và củng cố căn cứ Việt Bắc, tạo đà thúc đẩy kháng chiến tiến lên.

- Bác Hồ ra mặt trận cùng Bộ chỉ huy chỉ đạo và động viên bộ đội chiến đấu.

b. Diễn biến :

- Ngày 16/09/1950, ta tiến công Đông Khê, sau 2 ngày, ta chiếm Đông Khê.

- Thất Khê bị uy hiếp, Cao Bằng bị cô lập, hệ thống phòng ngự của Pháp trên đường số 4 bị cắt làm đôi.

- Pháp phải rút quân từ Cao Bằng về theo đường số 4 và từ Thất Khê lên chiếm lại Đông Khê và đón cánh quân từ Cao Bằng về.

- Đoán được ý định của Pháp , ta mai phục chặn đánh khiến cho hai cánh quân trên đường số 4 không gặp được nhau .

- Thất Khê bị uy hiếp, Pháp rút về Na sầm 8-10-1950

- Ngày 13.10, địch rút khỏi Na Sầm, cuộc hành quân của địch ở Thái Nguyên cũng bị đập tan.

- Đường số 4 được giải phóng. (22-10-50)

- Phối hợp với mặt trận Biên giới, ta hoạt động mạnh ở tả ngạn sông Hồng, Tây Bắc, Đường số 6, số 12, buộc địch phải rút khỏi thị xã Hoà Bình. Phong trào du kích phát triển mạnh ở Bình - Trị - Thiên, Liên khu V và Nam Bộ.

c. Kết quả:

- Sau hơn một tháng , chiến dịch Biên Giới kết thúc thắng lợi

- Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 8.000 địch Giải phóng biên giới Việt - Trung với 35 vạn dân, khai thông con đường nối nước ta với các nước XHCN.

- Chọc thủng “hành lang Đông - Tây” của Pháp, phá vỡ thế bao vây của Pháp .

- Kế hoạch Rơ-ve phá sản.

d. Ý nghĩa.

- Con đường liên lạc của ta với các nước XHCN được khai thông .

- Pháp bị động, lúng túng nhiều mặt.

- Ta mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến :

+ Quân đội trưởng thành,

+ Giành thế chủ động trên chiến trường chính Bắc bộ.


1.jpg


Bác Hồ quan sát trận địa Đông Khê trong chiến dịch biên giới 1950.
 
Sửa lần cuối:

Hanamizuki

New member
Xu
0
Giải bài tập SGK Lịch sử 12 bài 18: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950)
Câu 1: Vì sao cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ ngày 19 - 12 - 1946?

Trả lời:

  • Pháp bội ước sau khi ký Hiệp định Sơ bộ (6 - 3 - 1946) và Tạm ước (14 - 9 - 1946) với ta và đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Buộc nhân dân ta phải đứng lên kháng chiến chống Pháp.
  • Pháp khiêu khích và tổ chức tiến công ta ở nhiều nơi như Bắc Bộ, Nam Bộ, Nam Trung Bộ.
  • Ngày 18 - 12 - 1946, Pháp gửi tố hậu thư đòi Chính phủ Việt Nam phải giải tán lực lượng, để cho Pháp cai quản Hà Nội.
  • Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và quyết định phát động kháng chiến trong toàn quốc.
  • Ngày 19 - 12 - 1946 được coi là ngày mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi cả thành phố Hà Nội nổi dậy kháng chiến. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Câu 2: Phân tích nội dung cơ bản đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng?

Trả lời:

  • Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp được thể hiện trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, được giải thích cụ thể trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh. Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
  • Kháng chiến toàn dân: Tất cả nhân dân đều tham gia đánh giặc, không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo... Mỗi người Việt Nam là một chiến sĩ. Góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp, huy động toàn thể dân tộc tham gia kháng chiến, cung cấp sức người, sức cửa phục vụ kháng chiến thì nhất định sẽ thành công.
  • Kháng chiến toàn diện: kháng chiến trên tất cả các lĩnh vực: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao... Bởi lẽ, Pháp đánh Việt Nam không chỉ về mặt quân sự mà còn đánh trên nhiều lĩnh vực: chúng phá hoại kinh tế của ta, làm cho ta suy yếu về chính trị, thực hiện chính sách ngu dân, tìm cách cô lập ta với quốc tế... Mặt khác, ta vừa phải thực hiện kháng chiến, vừa kiến quốc, xây dựng chế độ mới.
  • Kháng chiến trường kỳ: kháng chiến lâu dài, vì trên thực tế khi so sánh tương quan lực lượng, Pháp mạnh hơn ta rất nhiều, đó là một quân đội nhà nghề, có trang bị vũ khí hiện đại, lại có sự hậu thuẫn của các nước đế quốc. Âm mưu của Pháp là “đánh nhanh thắng nhanh” để kết thúc chiến tranh. Còn Việt Nam, quân đội mới được thành lập, còn non trẻ, vũ khí thô sơ. Nên buộc ta phải vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, nên ta phải tiến hành kháng chiến lâu dài, đợi đến khi mạnh hơn Pháp mới đánh bại được chúng.
  • Kháng chiến dựa vào sức mình là chính: nghĩa là, lấy sức người, sức của của toàn dân tộc để phục vụ kháng chiến, phát huy tiềm năng vốn có của cả dân tộc. Bên cạnh đó, cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế nhưng không được ỷ lại, phụ thuộc vào sự giúp đỡ đó.
  • Lấy sức ta mà giải phóng cho ta” là quan điểm xuyên suốt tiến trình cách mạng của nhân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là con đường duy nhất để tăng cường sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.
Câu 3: Cuộc chiến đấu của quân dân ta trong những tháng đầu kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp diễn ra như thế nào?

Trả lời:

  • Cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thu hút nhiều thành phần tham gia.
  • Ở Hà Nội, nhân dân đã tận dụng mọi đồ vật có thể dùng được làm cản trở quá trình tiến công của Pháp, tiến hành xây dựng các căn cứ an toàn để bảo vệ lực lượng.
  • Ở các đô thị khác như Bắc Ninh, Nam Định, Huế, Đà Nẵng... quân dân ta đã bao vây, tiến công và tiêu diệt được nhiều tên địch.
  • Cuộc chiến đấu của quân dân ta những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đã tạo ra khí thế cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trong cả nước, tạo điều kiện chuẩn bị lực lượng tiến hành kháng chiến lâu dài.
Câu 4: Phân tích tính chất chính nghĩa và tính nhân dân của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng?

Lời giải:

* Tính chính nghĩa:

  • Đường lối nêu rõ mục đích của cuộc kháng chiến là để tiếp tục sự nghiệp cách mạng tháng Tám, đánh thực dân Pháp xâm lược, hoàn thành giải phóng dân tộc, giành độc lập và thống nhất thật sự cho Tổ quốc.
  • Thể hiện trực tiếp qua 3 văn kiện chính: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh (20 - 12 - 1946), Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng (22 - 12 - 1946) và tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Chinh (9 - 1947).
* Tính nhân dân:

  • Đường lối khẳng định cuộc kháng chiến của ta là chiến tranh nhân dân, chiến tranh chính nghĩa. Vì vậy, cuộc kháng chiến của ta có tính chất dân tộc giải phóng và dân chủ mới.
  • Nêu cao tinh thần toàn dân đánh giặc, “bất kỳ đàn ông, đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam đứng lên đánh thực dân Pháp”.
Câu 5: Nêu từ 5 đến 7 sự kiện tiêu biểu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp từ khi bùng nổ đến chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950?

Lời giải:

  • Ngày 19 - 12 - 1946, mở đầu kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
  • Ngày 6 - 3 - 1946, ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ nhằm tránh cuộc đụng đầu cùng lúc với nhiều kẻ thù nguy hiểm.
  • Ngày 14 - 9 - 1946, ký với Pháp Tạm ước tiếp tục nhân nhượng cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa, tạo điều kiện để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
  • Chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947 đã từng bước đẩy lùi cuộc tiến công của kẻ thù, làm thay đổi chiến lược chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.
  • Chiến dịch biên giới thu - đông năm 1950 đã mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến, khai thông con đường liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa.
 

Hanamizuki

New member
Xu
0
Câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử lớp 12: Bài 18 - Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 - 1950)
1. Câu hỏi thuộc mức độ nhận biết (12 câu):

Câu 1. Trong chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947: “Ở hướng đông, quân ta phục kích đánh địch trên đường số 4, cản bước tiến của chúng, tiêu biểu nhất là trận đánh phục kích ở....”

A. đèo Bông Lau.

B. Chợ Mới, chợ Đồn.

C. Đoan Hùng, Khe Lau.

D. Chiêm Hoá, Tuyên Quang.

Câu 2. “Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...” Câu văn trên trích trong văn bản nào?

A. Tuyên ngôn độc lập.

B. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

C. Lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng.

D. Chỉ thị toàn dân kháng chiến.

Câu 3. Tác giả của tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” là ai?

A. Hồ Chí Minh.

B. Võ Nguyên Giáp.

C. Phạm Văn Đồng.

D. Trường Chinh.

Câu 4. Điền từ còn thiếu vào dấu chấm “Phải phá tan cuộc tấn công ………. của giặc Pháp”.

A. mùa đông

B. mùa xuân

C. mùa hạ

D. mùa thu

Câu 5. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào thời điểm nào?

A. Sáng 19-12-1946

B. Trưa 19-12-1946

C. Chiều 19-12-1946

D. Đêm 19-12-1946

Câu 6. Đường lối kháng chiến chống Pháp được Đảng ta xác định là:

A. Toàn dân, toàn diện.

B. Toàn dân, toàn diện và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước XHCN.

C. Toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

D. Toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh.

Câu 7. Tháng 6 năm 1948, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào

A. thi đua yêu nước toàn quốc.

B. thi đua chống Pháp toàn quốc.

C. thi đua giết giặc lập công.

D. tất cả các phong trào trên.

Câu 8. Mĩ từng bước can thiệp sâu và dính líu trực tiếp vào chiến tranh Đông Dương thông qua việc

A. đồng ý cho chính phủ Pháp đề ra và thực hiện kế hoạch Rơ ve năm 1949 ở Đông Dương.

B. trực tiếp viện trợ cho Pháp mở rộng chiến tranh Đông Dương.

C. đồng ý cho Pháp lập phòng tuyến boong-ke và vành đai trắng ở đồng bằng Bắc bộ.

D. đồng ý cho Pháp đưa quân Âu-Phi sang tham chiến trên chiến trường Đông Dương.

Câu 9. Nhằm chuẩn bị một kế hoạch quy mô lớn tiến công lên Việt Bắc lần 2, mong muốn giành thắng lợi, nhanh chóng kết thúc chiến tranh, tháng 5/1949 được sự đồng ý của Mĩ, Pháp đề ra kế hoạch

A. Bôlae

B. Rơve

C. Đờ Lát đơ Tátxinhi

D. Nava

Câu 10. Trong chiến dịch Biên giới 1950, ở mặt trận hướng Tây, quân dân ta phục kích đánh địch nhiều trận trên sông Lô, nổi bật nhất là

A. trận Đoan Hùng, Khe Lau

B. trận Đèo Bông Lau

C. trận Thất Khê

D. trận Chợ Đồn, chợ Rã

Câu 11. Hành động khiêu khích nghiêm trọng, trắng trợn nhất thể hiện thực dân Pháp đã bội ước, tiến công quân ta là hành động nào?

A. Khiêu khích, tiến công ta ở Hải Phòng và Lạng Sơn.

B. Chiếm đóng trái phép ở Đà Nẵng, Hải Dương.

C. Gửi tối hậu thư đòi ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, để quân Pháp làm nhiệm vụ giữ trật tự ở Hà Nội.

D. Pháp tiến đánh các vùng tự do của ta ở Nam bộ và Nam Trung Bộ

Câu 12. Trong chiến dịch Biên giới 1950, trận đánh nào ác liệt và có ý nghĩa nhất?

A. Đông Khê.

B. Thất Khê.

C. Phục kích đánh địch trên đường số 4.

D. Phục kích đánh địch từ Cao Bằng rút chạy.

2. Câu hỏi thuộc mức độ thông hiểu (12 câu)

Câu 1. Mục tiêu chiến lược của ta khi quyết định mở Chiến dịch Biên giới 1950 là nhằm

A. tạo điều kiện để thúc đẩy cuộc kháng chiến của ta tiến lên một bước.

B. khai thông đường biên giới biên giới Việt - Trung.

C. tiêu diệt một bộ phận lực lượng địch, khai thông biên giới Việt - Trung, mở rộng và củng cố căn cứ địa cách mạng.

D. để đánh bại kế hoạch Rơ-ve.

Câu 2. Kết quả lớn nhất mà quân dân ta đạt được sau chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947 là

A. tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm phân tán một bộ phận lớn quân địch.

B. bảo vệ vững chắc căn cứ địa Việt Bắc và cơ quan đầu não của ta.

C. bộ đội chủ lực của ta trưởng thành hơn trong chiến đấu.

D. làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp.

Câu 3. Ý nghĩa lớn nhất trong thắng lợi Chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950 của ta là

A. làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp.

B. giành được quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính.

C. buộc Pháp phải chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

D. bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến của ta.

Câu 4. Với thắng lợi của chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950, quân ta đã giành được thế chủ động chiến lược trên chiến trường

A. Bình – Trị – Thiên.

B. Nam bộ.

C. Bắc bộ.

D. Liên khu V.

Câu 5. Âm mưu của Pháp sau thất bại ở Việt Bắc là

A. thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

B. tiếp tục chiến lược đánh nhanh thắng nhanh.

C. tiến hành chiến tranh tổng lực, bình định vùng tạm chiếm.

D. kí với Mĩ hiệp định phòng thủ chung Đông Dương.

Câu 6. Hành lang Đông -Tây mà Pháp thiết lập theo nội dung kế hoạch Rơ ve bao gồm

A. Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên

B. Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Lai Châu

C. Hải Phòng, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La

D. Hải Phòng, Hà Nội, Sơn La, Thái Nguyên

Câu 7. Sau khi kí Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946), thái độ của thực dân Pháp như thế nào?

A. Đẩy mạnh việc xâm lược nước ta một lần nữa.

B. Rút hết quân về nước.

C. Thực hiện nghiêm chỉnh hiệp định sơ bộ và tạm ước.

D. Tiếp tục đề nghị và đàm phán với ta.

Câu 8. Từ sau chiến thắng Việt Bắc thu – đông năm 1947, cuộc kháng chiến của ta có thêm thuận lợi mới là

A. Liên Xô,Trung Quốc và các nước XHCN công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta.

B. các nước châu Phi và thuộc địa của Pháp giành được độc lập.

C. hai nước Lào và Campuchia giành độc lập.

D. nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam.

Câu 9. “Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới Việt – Trung, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc”. Đó là 3 mục đích mà Đảng ta đã đề ra trong

A. Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông 1947.

B. Chiến dịch Biên giới thu đông 1950.

C. Chiến dịch Hòa Bình- Thượng Lào.

D. Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Câu 10. Cuộc chiến đấu trong các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 năm 1946, thành phố nào đã kìm được chân địch lâu nhất?

A. Hải Phòng.

B. Nam Định.

C. Huế.

D. Hà Nội.

Câu 11. Sau khi rút khỏi Hà Nội, các cơ quan Đảng chính phủ, mặt trận, các đoàn thể của ta đã chuyển lên căn cứ địa nào?

A. Việt Bắc.

B. Cao Bằng.

C. Bắc Sơn.

D. Bắc Sơn – Võ Nhai.

Câu 12. Hiệu lệnh chiến đấu trong toàn thủ đô Hà Nội, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc là?

A. Công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy, Hà Nội mất điện.

B. Quân dân Hà Nội phá nhà máy xe lửa.

C. Nhà máy nước Hà Nội ngừng hoạt động.

D. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được phát trên đài phát thanh.

3. Câu hỏi thuộc mức độ vận dụng thấp: (12 câu)

Câu 1. “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!” là lời khen ngợi của Hồ Chủ Tịch dành cho

A. Đội Cứu quốc quân.

B. Trung đoàn Thủ Đô.

C. Việt Nam giải phóng quân.

D. Vệ Quốc Quân.

Câu 2. Tính nhân dân của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta biểu hiện ở điểm nào?

A. Nội dung kháng chiến toàn dân của Đảng ta.

B. Mục đích kháng chiến của Đảng ta.

C. Quyết tâm kháng chiến của Đảng ta.

D. Đường lối kháng chiến của Đảng ta.

Câu 3. Quyết định của Đảng và Chính phủ ta trước hành động bội ước của thực dân Pháp cuối năm 1946 là

A. tiếp tục nhân nhượng, hòa hoãn với Pháp.

B. đề nghị chính phủ Pháp thương lượng, đàm phán.

C. phát động toàn quốc kháng chiến.

D. kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp.

Câu 4. Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đặt quan hệ ngoại giao với ta đầu năm 1950 đã

A. tạo ra những điều kiện thuận lợi mới cho cuộc kháng chiến của ta.

B. chứng tỏ sự thất bại của Pháp trong việc cô lập cuộc kháng chiến của ta.

C. phá được thế bao vây Việt Bắc của Pháp trong kế hoạch Rơ ve.

D. giúp ta tạo ra mối quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới.

Câu 5. Thực chất của chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của Pháp là

A. thực hiện chiến lược đánh nhanh thắng nhanh.

B. thực hiện chiến lược đánh lâu dài với ta.

C. chuyển sang hình thức xâm lược thực dân mới.

D. cuộc chiến tranh tổng lực.

Câu 6. Việc Pháp thực hiện kế hoạch Rơ ve đã làm cho

A. cả nước ta biến thành chiến trường.

B. toàn bộ vùng Bắc bộ bị bao vây.

C. khu tự do của ta bị thu hẹp, căn cứ địa Việt Bắc bị bao vây.

D. vùng Bắc bộ và Trung bộ bị bao vây.

Câu 7. Trong những năm 1947 – 1948, Đảng và chính phủ ta đã có chủ trương gì để đối phó với những âm mưu và hành động của thực dân Pháp?

A. Mở các cuộc tấn công đánh địch trên các mặt trận chính diện.

B. Phát triển chiến tranh du kích rộng rãi ở các vùng tạm chiến.

C. Tạm thời rút vào hoạt động bí mật.

D. Mở những cuộc tấn công nhỏ nhằm phân tán và tiêu hao sinh lực địch.

Câu 8. Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 đã tạo điều kiện cho

A. cả nước đi vào cuộc kháng chiến toàn diện.

B. cả nước đi vào cuộc kháng chiến lâu dài.

C. Đảng và cơ quan đầu não của ta được bảo vệ an toàn.

D. nhân dân miền Bắc có điều kiện đẩy mạnh sản xuất.

Câu 9. Tháng 6/1949 Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã quyết định tiến tới thống nhất thành một tổ chức có tên là

A. Mặt trận Việt Minh.

B. Việt Nam độc lập đồng minh.

C. Mặt trận Liên Việt.

D. Mặt trận Việt Nam.

Câu 10. Mục tiêu lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 vào tháng 12/1946 nhằm

A. làm tiêu hao sinh lực địch, khai thông biên giới.

B. làm cho địch hoang mạng lo sợ, để cho ta có thời gian di chuyển cơ quan đầu não an toàn.

C. để cho ta có thời gian di chuyển kho tàng, công xưởng về chiến khu, bảo vệ trung ương Đảng, chính phủ về căn cứ an toàn.

D. quyết tâm tiêu diệt địch ở các thành phố lớn.

Câu 11. Ai là người trực tiếp nghiên cứu, chỉ đạo kế hoạch tác chiến Chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950?

A. Trường Chinh

B. Võ Nguyên Giáp

C. Hồ Chí Minh

D. Phạm Văn Đồng

Câu 12. Trước sự bội ước của thực dân Pháp sau khi đã ký với ta Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946), nhân dân ta đã làm gì để tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài với thực dân Pháp?

A. Thực hiện một cuộc tổng di chuyển các cơ quan quan trọng, nhà máy, xí nghiệp...

B. Tiến hành tiêu thổ để cho tiện kháng chiến lâu dài.

C. Xây dựng lực lượng về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa.

D. Xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến tốt phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài.

4. Câu hỏi thuộc mức độ vận dụng cao (4 câu)

Câu 1. Trong Chiến dịch Biên giới, hình thức đấu tranh nào phát triển mạnh ở Bình - Trị - Thiên, Liên Khu V và Nam Bộ?

A. Chiến tranh nhân dân.

B. Đấu tranh chính trị.

C. Chiến tranh du kích.

D. Đấu tranh vũ trang.

Câu 2. Lối đánh nào được quân dân ta thể hiện trong chiến dịch Biên giới thu - đông 1950.

A. Đánh du kích.

B. Bám thắt lưng địch mà đánh.

C. Công kiên, đánh điểm, diệt viện

D. Đánh du kích, mai phục dài ngày

Câu 3. Thực hiện kế hoạch Rơve, Pháp tăng cường hệ thống phòng ngự trên đường số 4 nhằm mục đích gì?

A. Bao vây biên giới Việt – Trung, chặn con đường liên lạc của ta với các nước XHCN khác.

B. Bao vây biên giới Việt – Trung nhằm khóa chặt Việt Bắc từ hướng Đông, Bắc.

C. Bao vây biên giới Việt – Trung nhằm ngăn chặn Trung Quốc giúp đỡ Miền Bắc.

D. Bao vây biên giới Việt – Trung nhằm ngăn chặn không cho hàng hóa Trung Quốc sang thị trường Việt Nam.

Câu 4. Nguyên nhân nào quan trọng nhất dẫn đến sự thắng lợi của cả hai chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947 và chiến dịch Biên giới thu – đông 1950?

A. Tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta.

B. Sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng đứng đầu là Hồ Chí Minh.

C. Do sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

D. Do đường lối kháng chiến chống Pháp đúng đắn.
 

Hanamizuki

New member
Xu
0
Bài tập 1 trang 81, 82 Sách bài tập (SBT) Lịch sử 12
Hãy khoanh tròn chữ cái trước ý đúng.

1. Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ trong hoàn cảnh

A. quân Nhật tăng cường những hoạt động chống phá cách mạng Đông Dương.

B. quân Trung Hoa Dân quốc câu kết với quản Pháp tiến hành đàn áp cách mạng Đông Dương.

C. thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta ở Nam Bộ.

D. thực dân Pháp có những hành động phá hoại trắng trợn sau khi kí Hiệp định Sơ bộ (6 - 3 - 1946) và Tạm ước (14 - 9 - 1946) với Chính phủ ta.

2. Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ xuất phát từ lí do chủ yếu là

A. thực dân Pháp ngang nhiên xé bỏ Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước kí với Chính phủ ta.

B. thực dân Pháp khiêu khích ta ở Hà Nội.

C. chúng ta muốn nhanh chóng có hoà bình để xây dựng đất nước.

D. nền độc lập, chủ quyền của dân tộc ta bị đe doạ nghiêm trọng.

3. Văn kiện lịch sử quan trọng nói vế đường lối kháng chiến chống Pháp do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh viết là

A. Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam.

B. Đề cương văn hoá Việt Nam.

C. Kháng chiến nhất định thắng lợi.

D. Vấn đế dân cày.

4. Ý không phản ánh đúng âm mưu của thực dân Pháp khi tấn công lên Việt Bắc trong thu - đông 1947 là

A. phá căn cứ địa Việt Bắc, tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tièu diệt bộ đội chủ lực của ta.

B. giành thắng lợi quản sự, tiến tới thành lập chính phủ bù nhìn, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

C. ngăn chặn con đường liên lạc, sự chi viện của quốc tế cho cách mạng Việt Nam.

D. cô lập căn cứ địa Việt Bắc.

5. Ý không phản ánh đúng kết quả của chiến dịch Việt Bắc thu - đỏng năm 1947:

A. là cuộc phản công lớn đầu tiên của quàn ta giành thắng lợi.

B. chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của quản đội ta.

C. đánh bại hoàn toàn chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của Pháp, buộc chúng phải chuyển sang "đánh lâu dài" với ta.

D. quân ta giành được quyền chủ động đánh địch trên chiến trường chính Bắc Bộ

6. Ý không phản ánh đúng mục tiêu của ta khi mở chiến dịch Biên giới thu - đông 1950 là

A. tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch.

B. mở đường liên lạc với cách mạng Trung Quốc và thê' giới dân chủ.

C. giam chân địch ở vùng rừng núi, tạo điéu kiện cho quân ta mở các đạt tấn công lớn ở vùng đổng bằng.

D. mở rộng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tạo đà thúc đẩy cuộc kháng chiến đi lênẽ

7. Ý nghĩa quan trọng nhất của chiến thắng Biên giới thu - đông 1950 :

A. là cuộc tiến công lớn đầu tiên của ta giành thắng lợi

B. chứng tỏ sụ trưởng thành vượt bậc của quân đội ta.

C. chứng minh sự vững chắc của căn củ địa Việt BắC.

D. quân ta đã giành được thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến.

Trả lời:


1-D
2-B
3-C
4-B
5-D
6-C
7-D

Bài tập 5 trang 85 Sách bài tập (SBT) Lịch sử 12
Chứng minh tính chất chính nghĩa và tính nhân dân của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1954).

Trả lời:

a. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta là chính nghĩa, vì:

  • Chúng ta kháng chiến, chiến đấu là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập, tự do, bảo vệ chính quyền của nhân dân Việt Nam vừa giành được từ tay phát xít Nhật khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
  • Trong cuộc chiến tranh này, Pháp là kẻ xâm lược, phi nghĩa. Ngay khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Pháp đã thể hiện rõ dã tâm muốn xâm lược nước ta lần nữa. Khi được quân Anh che chở, Pháp đã nổ súng khiêu khích, giết hại dân thường ngay ngày 1-9-1945 khi nhân dân Sài Gòn xuống đường mừng ngày độc lập.
  • Đảng, Chính phủ và nhân dân ta ngay từ đầu thể hiện rõ thiện chí hòa bình, không muốn gây chiến tranh với Pháp, đã nhượng bộ cho chúng một số quyền lợi như : ta đã kí Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 đồng ý cho 15 000 quân Pháp ra bắc thay thế quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân độ Nhật, sau đó kí thêm với Pháp bản Tạm ước 14-9-1946, chấp nhận cho chúng một quyền lợi nữa…nhưng quân Pháp vẫn khiêu khích, giết hại dân thường, gửi tối hậu thư đòi Chính phủ ta phải giải tán lực lượng chiến đấu, nếu không sẽ nổ súng…Tất cả những điều đó dã tâm xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.
  • Trong bối cảnh lịch sử “Chúng ta muốn hòa bình chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa, Đảng và Chính phủ , đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên quyết tâm “Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và cuộc kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ.
b. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của chúng ta mang tính nhân dân: vì toàn dân kháng chiến, toàn dân đáhh giặc, trong đó lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Đường lối này xuất phát từ truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, từ mục đích của cuộc kháng chiến, từ quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của chủ nghĩa Mác-Lê nin, từ tư tưởng “chiến tranh nhân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ chủ trương “kháng chiến toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh…”. Muốn phát huy sức mạnh của toàn dân kháng chiến phải đánh lâu dài, muốn có lực lượng đánh lâu dài phải huy động lực lượng toàn dân. Có lực lượng toàn dân tham gia mới thực hiện được kháng chiến toàn diện và tự lực cánh sinh.

Tính nhân dân của cuộc kháng chiến thể hiện rõ trong các văn kiện: Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 12-12-1946; Lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tối ngày 19-12-1946 và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng bí thư Trường Chinh (9-1947)

Bài tập 6 trang 85 Sách bài tập (SBT) Lịch sử 12
Trình bày kết quả và ý nghĩa của chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950.

Trả lời:

*Kết quả

  • Sau hơn một tháng, chiến dịch Biên Giới kết thúc thắng lợi
  • Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 8.000 địch Giải phóng biên giới Việt - Trung với 35 vạn dân, khai thông con đường nối nước ta với các nước XHCN.
  • Chọc thủng “hành lang Đông - Tây” của Pháp, phá vỡ thế bao vây của Pháp.
  • Kế hoạch Rơ-ve phá sản.
* Ý nghĩa

  • Con đường liên lạc của ta với các nước XHCN được khai thông.
  • Pháp bị động, lúng túng nhiều mặt.
  • Ta mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến:
    • Quân đội trưởng thành.
    • Giành thế chủ động trên chiến trường chính Bắc bộ.
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Lịch sử 12 Bài 18 -NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC CHỐNG PHÁP (1946 – 1950)
Một số khái niệm, thuật ngữ lịch sử cơ bản

- Tối hậu thư: Bức thư gửi lần cuối cùng nêu lên những yêu cầu, điều kiện bắt buộc đối phương phải thực hiện trong một thời gian nhất định, nếu không làm đúng theo yêu cầu sẽ bị dùng quân sự tấn công ngay.

Ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi Chính phủ ta phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, để cho quân Pháp tự làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự ở Hà Nội. Trong thời gian 48 tiếng, nếu yêu cầu này không được chấp thuận thì sáng 20/12/1946, Pháp sẽ nổ súng. Trước tình thế khẩn cấp đó và để giành thế chủ động, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Đảng và Chính phủ ta đã họp Hội nghị khẩn cấp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông – Hà Nội) và quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp vào đêm 19/12/1946.

- Tiêu thổ kháng chiến: Chủ trương của Đảng và Chính phủ ta ở những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp như tự mình phá hủy nhà cửa, cầu cống, đường sá, không cho Pháp lợi dụng, thực hiện được âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh”.

- Chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh”“đánh lâu dài”: Chiến lược trong chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc dựa vào thế ban đầu về sức mạnh quân sự để tấn công chớp nhoáng, áp đảo đối phương nhằm sớm kết thúc cuộc chiến tranh trong thắng lợi, tránh những khó khăn khi cuộc chiến tranh kéo dài.

Sau khi gây ra cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn quốc (12/1946), thực dân Pháp đã áp dụng chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, hi vọng sau một tháng sẽ tiêu diệt xong lực lượng kháng chiến của ta, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược. Tuy nhiên, sau thất bại ở Việt Bắc (1947), Pháp đã thất bại trong chiến lược này, phải chuyển sang “đánh lâu dài” với ta.

- Hành lang Đông - Tây: Tuyến phòng ngự của thực dân Pháp kéo dài từ phía Đông sang phía Tây, được kiểm soát chặt chẽ, nối liền các tỉnh Hải Phòng - Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La nhằm cắt đứt con đường liên lạc của ta (ngăn chặn sự vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm,…) từ đồng bằng lên trung tâm kháng chiến Việt Bắc. Tuyến phòng ngự này cùng với hệ thống phòng ngự trên đường số 4 (kéo dài từ Đình Lập tới Cao Bằng) nằm trong Kế hoạch Rơve của Pháp có Mĩ giúp sức đã gây cho ta không ít khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã quyết định mở chiến dịch Biên giới năm 1950. Kết quả, ta giành thắng lợi lớn, “Hành lang Đông – Tây” bị chọc thủng. Kế hoạch
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Bút nghiên tổng hợp danh mục Kiến thức cơ bản môn lịch sử lớp 12! Hãy Click chuột vào đầu bài để mở từng bài


  1. Lịch sử 12 Bài 1: Sự hình thành trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945 – 1949)
  2. Lịch sử 12 Bài 2: Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 – 2000). Liên Bang Nga (1991 – 2000)
  3. Lịch sử 12 Bài 3: Các nước Đông Bắc Á
  4. Lịch sử 12 bài 4: Các nước Đông Nam Á và Ấn Độ
  5. Lịch sử 12 bài 5: Các nước Châu Phi và Mĩ La Tinh
  6. Lịch sử 12 bài 6: Nước Mĩ
  7. Lịch sử 12 bài 7: Tây Âu
  8. Lịch sử 12 bài 8 Nhật Bản
  9. Lịch sử lớp 12 bài 9: Quan hệ quốc tế trong và sau thời kì chiến tranh lạnh
  10. Lịch sử 12 bài 10: Cách mạng khoa học – công nghệ và xu thế toàn cầu hóa nửa sau thế kỉ XX
  11. Lịch sử lớp 12 bài 11: Tổng kết lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến năm 2000
  12. Lịch sử 12 bài 12: Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1925
  13. Lịch sử 12 bài 13: Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ năm 1925 đến năm 1930
  14. Lịch sử 12 bài 14: Phong trào cách mạng 1930-1935
  15. Lịch sử 12 bài 15: Phong trào dân chủ 1936-1939
  16. Lịch sử 12 bài 16: Phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng Tám (1939-1945) - Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời
  17. Lịch sử 12 bài 17: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ sau ngày 2-9-1945 đến trước ngày 19-12-1946
  18. Lịch sử 12 bài 18: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950)
  19. Lịch sử 12 bài 19: Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1951-1953)
  20. Lịch sử 12 bài 20: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953-1954)
  21. Lịch sử 12 bài 21: Xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam (1954-1965)
  22. Lịch sử 12 bài 22: Nhân dân hai miền chiến đấu chống đế quốc Mĩ, nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất (1965-1973)
  23. Lịch sử 12 bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975)
  24. Lịch sử lớp 12: Bài 24 - Việt Nam trong năm đầu sau thắng lợi của kháng chiến chống Mĩ cứu nước năm 1975
  25. Lịch sử 12 Bài 25 Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ tổ quốc (1976-1986)
  26. Lịch sử 12 Bài 26 Đất nước trên con đường đổi mới đi lên Chủ nghĩa Xã Hội (1986-2000)
  27. Lịch sử 12 bài 27: Tổng kết lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top