Một trong những thứ nhức nhối nhất của Android đó là cập nhật phần mềm chậm. Những bản update vá lỗi bảo mật hằng tháng còn đỡ, các đợt nâng cấp lớn ví dụ như từ Android 7 lên Android 8 thì người dùng chúng ta phải chờ rất lâu kể cả khi dùng máy flagship, thậm chí nhiều máy cũng chỉ 1-2 năm thôi mà đã bị hãng bỏ rơi do công sức, thời gian bỏ ra quá nhiều. Vậy có giải pháp nào để giảm thiểu hay thậm chí là loại bỏ hoàn toàn tình trạng phân mảnh này hay không?
Update: nhờ Project Treble mà rất nhiều điện thoại Android được thử nghiệm Android P ngay từ hôm nay, ví dụ như Nokia 7 Plus, Xiaomi Mi Mix 2s, OnePlus 6, Essential Phone, Oppo R15 Pro...
Có một số lý do chính khiến các hãng phần cứng chậm chạp trong việc nâng cấp, những thứ đó bao gồm:
- Phải viết lại hoặc kiểm tra tính tương thích của driver phần cứng với bản Android mới
- Phải thay đổi giao diện hoặc tùy biến riêng của hãng
- Kiểm tra tính tương thích với mạng di động và các nhà mạng
Driver cho chip
Hãy đi từng bước trước nhé, đầu tiên là vụ driver phần cứng. Phần cứng ở đây chủ yếu là SoC, thành phần có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất mỗi khi có bản cập nhật Android. Đó cũng là lý do vì sao mà mỗi khi có bản Android mới được phát hành thì các hãng Qualcomm, MediaTek, Samsung phải là đơn vị đầu tiên tải mã nguồn về và kiểm tra tính tương thích với driver mà họ đã viết cho các con chip Snapdragon, Helio và Exynos. Họ làm ra một thứ gọi là Vendor Implementation (VI), tức là những phần mềm được viết nên giúp Android có thể nhận biết, giao tiếp với chip. Mỗi khi có bản Android mới, phần VI này đều phải được tinh chỉnh lại.
Tất nhiên, quá trình này kéo dài vì bản chất con chip đã phức tạp, việc đảm bảo tất cả mọi thành phần từ CPU, GPU, chip Wi-Fi, chip mạng cho đến chip điều khiển cổng kết nối chạy được tốt đúng như thiết kế không hề đơn giản. Ngay cả khi đã viết và tinh chỉnh driver xong, hãng làm chip vẫn phải đưa chip qua một quy trình test công phu, kĩ lưỡng để đảm bảo không có vấn đề gì xảy ra. Sau khi driver phần cứng đã ổn, nó sẽ được chuyển tiếp qua nhà sản xuất thiết bị, là những cái tên như Samsung, Sony, LG, HTC, Huawei, Xiaomi...
Như đã nói ở trên, ở Android 7.0 trở về trước, mỗi khi có bản update mới thì VI phải được nâng cấp, trong khi ở Android 8.0 Oreo trở về sau, lớp VI đã được tách riêng. Nó có những chuẩn mực chung để tầng Android có thể thay đổi thoải mái trong khi vẫn đảm bảo giao tiếp được với chip. Nói cách khác, Google đã tái cấu trúc Android để Qualcomm, MediaTek, Samsung không cần phải làm mới tầng VI mỗi khi có bản Android mới ra đời.
Project Trebel có thể giúp quá trình test tương thích của chip với bản Android rút ngắn lại, ít tốn thời gian hơn, và cũng có nghĩa là nhà sản xuất có thể đưa bản update đến tay người dùng sớm hơn. Tuy nhiên, việc có thể dùng Trebel cho các máy hiện tại hay không thì còn tùy, ví dụ Google Pixel áp dụng Treble được trong khi các máy Nokia, HTC thì lại không. Có lẽ phải đợi tới năm sau trở đi thì Project Trebel mới phát huy tác dụng một cách mạnh mẽ nhất.
Giao diện và tính năng phần mềm
Đến lượt nhà sản xuất, thường họ sẽ tùy biến lại giao diện, tính năng của mình cho phù hợp với bản Android mới, lại mất thêm một đoạn thời gian nữa. Với những tính năng mà Android có sẵn thì không vấn đề gì, nhưng với các tính năng đặc trưng riêng cho từng máy, từng hãng thì họ buộc phải xem tính tương thích ra sao, có lỗi gì phát sinh hay không. Đây là lý do vì sao chúng ta hay nói máy nào chạy càng sát Android gốc thì càng được update sớm.
Nhưng vấn đề là các nhà sản xuất cần những tính năng riêng, cần sự tùy biến để tạo sự khác biệt cho thiết bị của họ. Nhu cầu này hoàn toàn chính đáng. Không hãng nào có thể bám dính vào Android gốc để sống cả, trừ Google. Ngay cả Google giờ cũng đã tùy biến Android cho dòng Pixel của mình rồi. Vấn đề là làm sao để việc nâng cấp các tùy biến cho bản Android mới có thể diễn ra nhanh hơn.
Sony có một giải pháp rất thông minh cho vụ này. Thay vì chọc thẳng vào Android để tùy biến giao diện, icon, thanh điều hướng, settings và nhiều khu vực khác, Sony tạo nên một thứ gọi là Runtime Resource Overlay (RRO). Tính năng này sẽ "ghi đè" lên hình ảnh, màu sắc và các tài nguyên mặc định của Android cũng như các ứng dụng, tạo ra một bộ theme riêng cho từng máy mà không cần phải đụng vào phần nhân. Việc này cũng giống thao tác thay áo quần vậy.
Trong Android 8.0, Sony đã đóng góp RRO và tích hợp sẵn nó vào hệ điều hành, nhờ vậy các hãng khác có thể "xài ké" chức năng tuyệt vời này. Vì lớp giao diện được tách riêng nên NSX có thể phát hành phần lõi Android mới tới người dùng một cách nhanh chóng, phần giao diện cũ sẽ tiếp tục chạy ổn. Nếu vẫn muốn nâng cấp giao diện luôn thì hãng có thể làm sau đó, không bị nút thắt cổ chai. Đây cũng là lý do vì sao điện thoại Sony Xperia có thể đổi theme một cách rất mạnh mẽ chỉ bằng một bộ app tải từ Play Store.
Hiện Google không nói nhiều về RRO trong các tài liệu đăng tải trên mạng nói về Android, nhưng người ta đã phát hiện ra dấu vết của nó ở nhiều nơi trong hệ điều hành. Mình nghĩ rằng RRO đã nằm trong đó sẵn, chỉ chờ người tới sử dụng mà thôi. Và lại một lần nữa, khâu nâng cấp Android lại nhanh hơn được một chút.
Tách riêng càng nhiều càng tốt: từ launcher đến app
Một rào cản khác cũng về phần mềm đó là nhà sản xuất thường nhét launcher và nhiều app vào chung trong bản Android tùy biến của mình. Đây không phải là ý hay vì nó khiến việc cập nhật các app này lâu hơn, và cũng khiến việc cập nhật Android chậm hơn do phải kiểm tra kĩ trước khi phát hành đến tay người dùng.
Để đơn giản hóa, các hãng cần phải tách launcher của mình ra riêng và đăng chúng lên Play Store. Bằng cách này, mối ràng buộc giữa launcher / app với hệ điều hành sẽ được giải phóng, chúng trở nên độc lập nhau hơn và khi Android thay đổi thì các app này không nhất thiết phải thay đổi theo. Cũng giống như RRO, việc tách riêng sẽ giúp nhà sản xuất tiết kiệm thời gian tùy biến lại launcher cho phù hợp với bản Android mới vì họ có thể làm sau cũng được.
Ngoài ra, việc tách app, launcher riêng còn cho phép các hãng nâng cấp những thành phần này một cách linh hoạt, không cần phải update cả máy mà chỉ cần push một bản mới lên Play Store là xong. HTC, Samsung, Sony đã bắt đầu làm điều đó được vài năm rồi. Thậm chí HTC còn đem cả app điều khiển bóp viền Edge Sense - vốn là thứ phức tạp vì cần giao tiếp sâu với phần cứng cũng như hệ điều hành - lên Play Store cho dễ nâng cấp nữa đấy. Mình nghĩ rằng bất kì hãng Android nào cũng nên đi theo con đường như vậy.
Ở Việt Nam chúng ta không có khâu test với nhà mạng bắt buộc nên mình sẽ bỏ qua phần đó.
Kết hợp 3 yếu tố trên: tách riêng lớp driver chip + tách riêng bộ nguồn theme + tách riêng app / launcher, mình nghĩ rằng tốc độ update Android có thể được cải thiện đáng kể. Thời gian chờ sẽ đi vài tháng, và lý tưởng nhất là ngay sau khi Android mới phát hành vài hôm là toàn bộ các hãng khác sẽ update theo. Chỉ có như vậy thì người dùng mới được tận hưởng những tính năng mới nhất, an toàn nhất và có trải nghiệm tốt nhất, đồng thời làm tăng lòng trung thành với thương hiệu do họ cảm thấy được quan tâm suốt vòng đời sản phẩm. Tương lai này có lẽ vẫn còn khá xa, nhưng hãy cứ hi vọng tiếp.