Android P làm mình cảm thấy cực kì hồi hộp và nôn nao không chỉ vì những tính năng mới của nó mà còn vì chạy được bản beta trên những điện thoại không phải Pixel, như trong bài này mình đang dùng Nokia 7 Plus. Điểm thú vị là lần đầu tiên sau 7 năm, Google đã đưa cử chỉ cảm ứng vào Android gốc đồng thời thay đổi thiết kế của thanh này. Khu vực thông báo cũng được Google đổi theo thiết kế mới cho đẹp hơn, dễ nhìn hơn. Còn gì nữa? Mời các bạn theo dõi bài viết và video bên dưới.
Thanh điều hướng
Mới đầu mình cứ tưởng Android P sẽ làm thanh điều hướng kiểu như iPhone X hay giao diện MIUI 9.5 của Xiaomi, nhưng không, thay đổi này hơi lạ và nó không giúp loại bỏ thanh điều hướng trên Android.
Nếu như trên iPhone X, bạn sẽ vuốt lên để về home thì ở Android P, bạn vẫn nhấn nút home để quay lại màn hình chính, một thao tác cực kì quen thuộc. Tương tự, để back bạn cũng có nút để nhấn ngay vị trí xưa nay chứ không có gì khác lạ. Anh em nào đã quen xài Android rồi sẽ không phải làm quen lại từ đầu. Có chăng là Google thay đổi thiết kế của thanh điều hướng để nó nhìn đẹp hơn và ít tốn chỗ hơn một chút so với trước cũng như icon hiện đại hơn mà thôi.
Cái mà Google thay đổi đó là thao tác bạn sẽ dùng khi chạy đa nhiệm. Trước đây bạn có nút đa nhiệm riêng, giờ thì bỏ đi, thay bằng thao tác vuốt lên 1 cái. Khi vuốt lên bạn sẽ thấy một danh sách các app đang mở, thiết kế giống Android ngày xưa hơn là kiểu cửa sổ chồng lên nhau của các bản Android mới gần đây. Mình thích kiểu này vì nó giúp mình nhìn được các app rõ ràng hơn, hình ảnh to rõ và không bị che khuất. Ngoài ra bạn cũng có thể nhấn giữ rồi vuốt thanh điều hướng để chuyển nhanh qua lại giữa các app, cái này khá là tiện, bạn có thể xem video để hiểu rõ hơn.
Cái mình chưa hài lòng đó là mặt dù đã dùng cử chỉ cảm ứng rồi nhưng Google vẫn chưa bỏ thanh điều hướng khỏi Android P. Đây mới chỉ là bản beta nên có thể mọi thứ sẽ đổi trong bản chính thức, nhưng theo kinh nghiệm của mình thì thiết kế đa nhiệm kiểu này là gần như final rồi không còn (có thể) đổi nữa. Nếu đã làm cử chỉ, thà Google làm luôn một lần bỏ thanh điều hướng và chơi toàn bộ mọi thứ đều là cử chỉ như iPhone X hay Xiaomi thì ngon hơn nhiều. Lần update này giống một bước chuẩn bị hơn, biết đâu Android Q sẽ đổi thì sao?
Trên Nokia 7 Plus, mặc định hàng phím điều hướng sẽ theo kiểu mới, nhưng trên Google Pixel thì mặc định vẫn theo kiểu cũ, bạn phải vào Cài đặt để chỉnh lại
Notification mới
Android P không chỉ có thanh điều hướng, nó còn có nhiều thứ hay ho vui vẻ khác. Đầu tiên là khu vực thông báo được thiết kế lại, mỗi mẫu thông báo giờ tách bạch hơn, dễ nhìn hơn, liếc qua có thể biết ngay noti đó đến từ app nào. Google đã tăng khoảng trắng trong thiết kế của mình và bạn có thể nhìn thấy điều đó xuyên suốt toàn bộ Android P.
Notification giờ cũng không còn hiện thông báo cho những app xài năng lượng trong thởi gian dài, ví dụ như app coi phim hay nghe nhạc. Đây là một trong những cái phiền nhất của Android O và thật tốt khi Google đã bỏ nó ra khỏi Android P vì các thông báo này luôn hiện diện ngay cả khi bạn có ý định sử dụng app đó.
Settings
Nếu được bình chọn thì mình sẽ chọn Settings là khu vực chán nhất của Android 8 trở về trước, nhất là với giao diện gốc, nhưng trên Android 9 Google đã làm mới hoàn toàn khu vực này: chữ nghĩa sạch hơn, dễ nhìn hơn, icon màu sắc khác nhau và dễ hiểu, nhìn vào là biết mục tùy chỉnh đó dùng để làm gì. Ở một số trang nhất định, ví dụ trang bật tắt cử chỉ cảm ứng hay trang xem chi tiết pin, Google cũng bổ sung một số hình ảnh chỉ dẫn và ảnh động nói chung để làm sinh động hơn một thứ vốn rất nhàm chán. Tất nhiên đây chỉ là Android P gốc, còn khi mang lên các nhà sản xuất khác thì khả năng cao là chúng sẽ bị tùy biến lại.
AI: độ sáng, pin
Trong Android P, Google tích hợp khá nhiều bộ máy trí tuệ nhân tạo. Trước hết là khả năng điều chỉnh độ sáng không chỉ dựa vào môi trường mà còn dựa vào thói quen và sở thích của bạn. Ví dụ, bạn là người muốn đặt độ sáng tự động nhưng phải sáng cỡ 80% mới chịu, trước đây tính năng độ sáng tự động sẽ không cho phép bạn làm điều này và bạn buộc phải chui vào chỉnh tay, còn Android P sẽ hỗ trợ chuyện đó bởi nó học được rằng bạn thích mức 80%. Ngay ở thời gian đầu sử dụng bạn sẽ vẫn phải chỉnh tay, nhưng theo thời gian Android P sẽ học được chuyện đó và bạn không phải làm nữa.
Pin cũng là một thứ được Google áp dụng AI, cái mà hãng gọi là Adaptive Battery. Adaptive Battery sẽ dựa trên công nghệ DeepMind của Google để nhận biết thói quen sử dụng các ứng dụng qua từng ngày. Dựa vào thói quen này, hệ thống sẽ tự tắt các ứng dụng không dùng và đoán xem người dùng sẽ mở ứng dụng nào sắp tới để kích hoạt nó. Ví dụ bạn hay chơi game vào buổi tối thì trong cả ngày game đó sẽ bị tắt để tiết kiệm tài nguyên và pin. Kết quả là hệ thống sẽ sử dụng CPU ít hơn 30% để kích hoạt lại ứng dụng (wakeup).
Mấy thứ về AI này chủ yếu giới thiệu cho anh em biết thôi chứ chưa trải nghiệm được ngay, do mọi thuật toán sẽ cần dữ liệu đầu vào để học. Sắp tới mình sẽ xài con Nokia 7 Plus này làm máy chính, có gì mới mình sẽ báo anh em biết nhé.
Kiểm soát media volume
Ngày xưa khi nhấn tăng giảm âm lượng, mặc định Android sẽ chỉnh âm lượng của chuông điện thoại, vốn không phải là thứ mà bạn cần làm thì xuyên (tại sao cần làm chi nhỉ?). Với Android P, Google đổi thành mặc định sẽ chỉnh âm lượng của media, tức là âm lượng dùng khi nghe nhạc, xem phim, thông báo... Rõ ràng việc này hữu ích hơn nhiều. Còn muốn tắt chuông? Dễ thôi, bấm nút volume bất kì, sau đó chọn kích hoạt chế độ im lặng là được. Nút này được thiết kế to rõ nằm sát ngay vị trí của nút volume luôn.
Dashboard và cài giới hạn giờ sử dụng
Tính năng này khá hay trong Android P nhưng mình không tìm được nó trên con Nokia 7 Plus của mình. Chắc là trong đợt cập nhật này chưa có, phải đợi thêm thôi.
Hiện tại con Nokia 7 Plus của mình chạy Android P Developer Preview 2 khá mượt, mượt tới mức bất ngờ và cũng rất ổn định. Mình sẽ xài thêm nó và sẽ quay lại sau khoảng 3 ngày trải nghiệm thực tế nhé.