Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ

Ngày 7 và 18 tháng 7 năm 1955, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, rồi đến Chính phủ Liên bang Xô Viêt, trong các bản thông cáo chung ký với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng đều yêu cầu thực hiện Hiệp định Genève:

Ngày 9 tháng 4 năm 1956, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gửi đến hai đồng chủ tịch của Hội nghị Genève là Anh và Liên Xô, một công hàm yêu cầu triệu tập một hội nghị mới với sự tham gia của các nước thành viên của Ủy ban kiểm soát quốc tế, để bàn về các biện pháp còn phải thi hành nhằm thực hiện các hiệp định năm 1954. Liên bang Xô Viết ủng hộ những đề nghị này, nhưng nước Anh hàng năm khai thác 600000 tấn cao su từ Malaixia, và cả thiếc nữa, đã tỏ ra và sẽ luôn luôn tỏ ra thù địch với sự tái thống nhất của nước Việt Nam.

Như chúng ta đã thấy, trong một chương trước, đối tác chính chịu trách nhiệm về việc thi hành các hiệp định ở miền Nam, tức là Chính phủ Pháp đã trốn tránh các nghĩa vụ của mình. Ngày 3 tháng 4 nàm 1956, đại diện của Pháp ở Sài Gòn báo cho Ủy ban kiểm soát quốc tế sẽ vĩnh viễn rời khỏi đất nước này ngày 28 tháng 4. Bình luận về sự ra đi này, báo Pháp Le Monde viết:

"Vậy thì ai sẽ thay chúng ta đảm đương các nghĩa vụ đã được thỏa thuận ở Genève ? Thậm chí người ta còn có thể tự hỏi liệu các hiệp định tháng 7 năm 1954 sẽ còn có giá tị nữa không sau khi một bên cam kết đã rút lui. người ta sẽ còn bình luận dài dài về sự lẩn tránh này của nước Pháp, trút bỏ mọi trách nhiệm mà mình đã không có cách nào để đảm đương trong danh dự. Thay vì tiến hành một hoạt động ngoại giao độc lập, trong những ngày sau Genève, chúng ta đã tự để cho bạn đồng minh Hoa Kỳ của mình lôi kéo vào một tình thế không có lối thoát, và ngày nay chúng ta không còn cách nào khác là đành phải rút lui một cách chẳng có gì là vẻ vang.."
 
Đúng như lời của tờ báo này, thực tế đấy không phải là một sự rút quân, mà là sự vắng bóng của một chính sách độc lập với chính sách của Hoa Kỳ đã đẩy nước Pháp đến cơ sự phải từ bỏ vai trò chính trị ở Nam Việt nam. Ngày 12 tháng 4 trong một bức thư gửi Christian Pineau bấy giờ là Bộ trưởng Ngoại giao của Pháp, Phạm Văn Đồng đã viết:

"Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thấy có trách nhiệm lưu ý Chính phủ Cộng hòa Pháp về tính chất nghiêm trọng của tình hình, và yêu cầu Chính phủ Pháp phải đảm đương những trách nhiệm của mình. Việc quân đội Pháp rút khỏi Nam Việt Nam không thể xóa bỏ hoặc giảm bớt những nghĩa vụ trách nhiệm của Chính phủ Pháp đối với các Hiệp định Genève... Các Hiệp định Genève là nền tảng của những quan hệ mới trong tất cả mọi lĩnh vực giữa nước Pháp và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc thi hành đúng đắn các hiệp định này sẽ góp phần phát triển hơn nữa những mối quan hệ mới cũng có lợi cho cả hai nước."

Bị cuốn theo đường lối của Hoa Kỳ, nước Pháp hay chí ít là các Chính phủ của nước Pháp - sẽ giả câm giả điếc, tuân theo tất cả mọi đòi hỏi của Diệm. Còn về phía Hoa Kỳ thì chẳng cần phải nói, ai cũng biết rằng đối với họ những hiệp định đã được ký kết ở Genève trước sau vẫn chỉ là những mảnh giấy lộn. Eisenhower, Foster Dulles, các thượng nghị sĩ Mansfield, Knowland chẳng tiếc lời công khai ý định của Hoa Kỳ biến vĩ tuyến 17 thành một "đường ngăn chặn bất khả xâm phạm". Như vậy là một âm mưu cấu kết tay ba của thế giới phương Tây đã hoạt động chống lại sự tái thống nhất của nước Việt Nam: sự thù địch của nước Anh, sự trốn tránh của nước Pháp và sự can thiệp công khai của sức mạnh Hoa Kỳ. Các cường quốc thực dân lâu đời đâu có dễ dàng chịu nhả miếng mồi của họ.

Các thế lực phong kiến VIệt Nam, về phần mình, nếu không thể chinh phục lại được nửa phần phía bắc của đất nước, thì ít ra cũng cố bám giữ cho được những đặc quyền đặc lợi của chúng trong phạm vi cái pháo đài mà chúng còn giữ được. Chính quyền Diệm lao mình vào một cuộc đàn áp cực kỳ tàn bạo, chống tất cả những ai nói đến thống nhất, chúng không chừa bất cứ một ai. Chỉ cần nhắc đến chuyện thống nhất, yêu cầu có những trao đổi đối với miền Bắc là lập tức sa ngay vào tay một lực lượng cảnh sát có mặt ở khắp nơi. Đứng trước một phong trào quần chúng hùng mạnh, bộ máy đàn áp được dựng lên với những phương tiện ghê gớm do Hoa Kỳ cung cấp, ra đòn không chút ghê tay. Đó là một cuộc đàn áp dị giáo thực sự, như lời của phóng viên báo Pháp Tribune des Nations ở Sài Gòn. Một số tờ báo đã bắt giọng cho dàn hợp xướng như tờ Quốc gia (ngày 2 tháng 7 năm 1955) với những dòng sau:

"Thời điểm quyết định đã đến, một giải pháp hòa bình và một giải pháp dân chủ liệu có thể chấm dứt được hay không sự đe dọa của Cộng sản ? Không. Đây là lúc phải tiến hành một cách kiên quyết một cuộc đấu tranh sống mái với chủ nghĩa Cộng sản."

Những dòng này đã đuowjc viết ngay từ tháng 7 năm 1955, tức là trược thời hạn đã được định trước cho hội nghị hiệp thương giữa hai chính phủ. Cả đến Ủy ban quốc tế cũng không thoát khỏi hành động khủng bố của bọ tay chân của Diệm. Ngày 20 tháng 7 năm 1955, những tên côn đồ đã cướp phá trụ sở của Ủy ban liểm soát quốc tế, thậm chí hành hung cả vị đại sứ Ấn Độ, Chủ tịch của ủy ban. Những hành động kiểu đó bao giờ cũng được sự đồng lõa của cảnh sát chính quyền Diệm.

Hoa Kỳ và Diệm dứt khoát quyết tâm bằng sức mạnh và bạo lực duy trì miền Nam Việt Nam dưới quyền kiểm soát của mình. Chính vì vây mà các cuộc hội đàm giữa Anh và Liên Xô năm 1956, những trao đổi thống điệp giữa các chính phủ trong những tháng trước tháng 7 năm 1956 đã không thể đạt được một kết luận thực tế nào. Nhiều nhà báo phương Tây đã rút ra kết luận, có phần vội vàng, rằng tình hình sẽ vĩnh viễn kéo dài như thế. Nghĩ như vậy là quên rằng tương quan lực lượng ở quy mô quốc tế không phải là yếu tố duy nhất diễn biến ở các nước, là quên rằng trong cuộc còn có một nhân vật chính nữa, mà vai trò chí ít cũng sẽ quan trọng ngang với vai trò của bất cứ cường quốc thế giới nào, chí ít là trong vấn đề quyết định vận mệnh của nước Việt Nam: đó là nhân dân Việt Nam.
 
MỘT PHONG TRÀO DÂN TỘC VÀ NHÂN DÂN RỘNG LỚN​


Tháng 11 năm 1940, lần đầu tiên, trong vùng Cao Lãnh cách Sài Gòn không xa, phấp phới lá cờ đỏ đính ngôi sao vàng, mà vài năm sau sẽ trở thành quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Nam Bộ đã bị đàn áp một cách tàn bạo chưa từng thấy; từ ngày đó, trong suốt hơn hai mươi năm, nhân dân Việt Nam ở miền Nam thực tế đã ở trong tình trạng đấu tranh cách mạng không ngơi nghỉ. Từ năm 1940 đến 1945, là cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân đồng thời đi đôi với chống chiếm đóng của Nhật Bản, tiếp đó, năm 1945, lập tức ngay sau khi thành lập chính quyền nhân dân, bắt đầu cuộc đấu tranh các đội quân Anh quốc, tiếp đó là chống đội quân viễn chinh của Pháp. Ở thời điểm đình chiến, tất cả các tỉnh thuộc miền Trung Việt Nam đều đã được giải phóng trừ một vài thành phố, và ở Nam Bộ, toàn bộ nông thôn, đều đã bị "thối"[76].

Thế là, khi trở lại ngồi vào cái ghế quyền lực của mình, ông quan Ngô Đình Diệm đã phải đối mặt với dân chúng đã từng chiến đấu lâu dài để tự giải phóng khỏi chế độ cũ, còn Hoa Kỳ, khi họ vừa tự tay nắm lấy quyền điều khiển miền Nam Việt Nam, là lập tức nổ ra cuộc xung đột giữa họ với dân chúng đã cảnh giác, mà vẻ bề ngoài của chủ nghĩa thực dân mới không sao lừa bịp được. Ngay từ ngày 19 tháng 3 năm 1950, đang lúc quân đội Pháp vẫn còn là kẻ thù chính, một cuộc biểu tình đông đến hàng chục vạn người đã phản ứng mạnh mẽ trước sự có mặt của hai chiếc tàu chiến mỹ cập bến Sài Gòn. Nếu về mặt vật chất, việc Hoa Kỳ can thiệp vào Nam Việt Nam tương đối dễ, nhưng về phương diện chính trị, thì khó khăn hơn nhiều, bởi vấn đề đối với Mỹ là làm sao tạo cho chính quyền Ngô Đình Diệm một cơ sở ít nhiều vững chắc. Với tất cả sự dè dặt cảu một tờ báo Anh bảo thủ đối với phong trào giải phóng của nhân dân bị thực dân đô hộ, tờ Times, ngày 19 tháng 12 năm 1956, đã viết: "Người ta tự hỏi liệu cái tín hiệu tập hợp để chống Cộng sản có thắng được hay không. Trí nhớ của một người nông dân miền Nam liệu có chóng quên đến mức họ quay sang căm ghét Việt Minh là những người cho dù đã từng phạm phải những hành vi tàn bạo đến đâu chăng nữa cũng vẫn là tổ chức đã chiến đấu và chiến thắng vì nền độc lập mà ngay chính miền Nam hiện nay cũng đang hân hoan chào đón."
_____________________________________
[76] Nguyên văn tiếng Pháp: "pourrie", có nghĩa là đã chịu ảnh hưởng của cách mạng, đã có tổ chức cơ sở của cách mạng (ND).
 
Báo Times đã có lý khi nhấn mạnh đến yếu tố nông dân hiện đang chiếm 85% dân số của miền Nam Việt Nam và đến ý tưởng dân tộc, nhưng tờ báo này đã thiếu sót ở chỗ không nêu lên một sự thật là đối với người nông dân Việt Nam, cuộc đấu tranh vì độc lập cũng đã gắn liền với một sự đảo lộn sâu sắc của xã hội cũ. Giải phóng dân tộc đã đi liền với giải phóng về kinh tế và xã hội, và ách đô hộ của Hoa Kỳ thay chân cho nền thống trị của chũ nghĩa thực dân Pháp kèm theo sự thành lập của chính phủ Diệm, đối với họ có nghĩa là chế độ cũ đã được phục hồi. Do đó, vấn đề ruộng đất sẽ là yếu tố chủ đạo quyết định diễn biến của nội tình miền Nam Việt Nam.

Chúng tôi từng nói rằng các cơ cấu ruộng đất của vùng đồng bằng sông Cửu Long khác với cơ cấu ruộng đất ở miền Trung. 14 tỉnh ở phía nam và phía tây Sài Gòn là nơi quy tụ những đồn điền lớn, những con số thống kê chính thức trước năm 1939 cho những kết quả như sau:

2010-10-24_224339.jpg


Trong những vùng này, chỉ những ai sở hữu trên 50 hec-ta ruông đất mới được coi là đại điền chủ, trong khi ở miền Trung và miền Bắc, những ai sở hữu hơn 10 hec-ta ruộng đất đều đã được liệt vào loại địa chủ quan trọng. Những đồn điền có ở hầu hết tất cả những vùng ở phía tây Nam Bộ và chiếm đến 733000 hec-ta. Trong số này, 430 điền chủ là thực dân người Pháp sở hữu 245000 hec-ta, theo báo cáo ngày 9 tháng 10 năm 1959 của Giám đốc nông tín cục (đối với những điền chủ là thực dân người Pháp, ở đây chúng tôi chỉ nêu tài sản của họ là ruộng trồng lúa, các đồn điền cao su, cà phê, chè sẽ được nghiên cứu trong một chương khác). Những gia đình sở hữu dưới 5 hec-ta hoặc không có chút ruộng đất nào cả, chỉ chiếm 12,5% tổng diện tích dành cho 71,7% tổng số dân. "Cứ ba gia đình thì hai gia đình không có đất"[77]. Đó là những tá điền, những người nông dân không có đất, cày ruộng của người khác, nộp tô, và phần nhiều buộc phải vay nợ những người chủ ruộng của họ.
__________________________________________
[77] Gonron: L'utilisation du sol en Indochine trang 279 (Vấn đề sử dụng đất ở Đông Dương).
 
Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, theo tạp chí Tập san kinh tế, có 6100 điền chủ sở hữu trên 50 ha, và 18500 điền chủ sở hữu dưới 50 ha, đã bỏ nông thôn chạy về Sài Gòn - Chợ Lớn; 5% trong số họ vẫn tiếp tục được thu tô, và đến cuối cuộc chiến tranh, 349500 hec-ta ruộng được coi như đất bị bỏ hoang vô chủ (số ngày 13 tháng 8 năm 1956). Số ruộng đất của những điền chủ đã bỏ của để chạy lấy nguời và của những thực dân người Pháp đã được chính quyền nhân dân chia cho các tá điền và bần nông. ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ không có những đồn điền lớn, các điền chủ nhỏ và vừa phần đông đều ở lại làng, và chính quyền nhân dân buộc họ phải giảm tô và tức.

Ủy ban kháng chiến Nam bộ đã ban hành một loạt biện pháp về ruộng đất, các nghị định số 51/ND ngày 21 tháng 2 năm 1948, 240/ND ngày 31 tháng 4 năm 1949, sắc lệnh 89/SL ngày 22 tháng 2 năm 1950, chỉ thị 121/SVI ngày 18 tháng 10 năm 1950 quy định các mức tô, tức, cho hoãn hoặc xóa một số nợ của nông dân. Ở các tỉnh thuộc miền Trung Việt Nam, số bần nông sở hữu không đầy nửa hec-ta ruộng đất chiếm 65% dân số. Ruộng trên 3 hec-ta đã là một tài sản lớn, trên 25 hec-ta thì là một tài sản rất lớn. 6% dân số sở hữu những diện tích khai thác ruộng từ 2,5 đến 25 hec-ta, chiếm 15% diện tích canh tác. 10% diện tích nằm trong tay những địa chỉ có trên 25 hec-ta, tức là 0,058% dân số. Trong số này, có 8 gia đình sở hữu hơn 100 hec-ta. Gần 30% nông dân không có trong tay đến một mảnh đất nhỏ. Tình trạng đất chật người đông làm cho sự bóc lột của địa chủ đối với những nông dân không có ruộng cày thêm tồi tệ. Những địa chủ này bám chặt lấy từng mét vuông đất, giành giật với nông dân nghèo từng kilogam thóc do họ làm ra. Trong tình trạng đó, lại thêm ách áp bức của bọn quan lại và hào lý đè nặng lên đầu những nông dân nghèo, phải khá chật vật mới buộc được họ nhất nhất tuân theo lệnh trên. Ngoài ra, còn có khoảng 25% diện tích đất đai về nguyên tắc là công điền của xã và đáng lẽ phải chia cho nhân dân trong xã luân phiên thay nhau cày cấy, nhưng trên thực tế những phần béo nở nhất trong số công điền này đều lọt vào tay bọn hương lý.
 
Ở tại những vùng này ít có địa chủ đã bỏ ruộng đất trong thời gian kháng chiến. Trong các khu được hoàn toàn giải phóng, các địa chủ đều buộc phải giảm tô và giảm tức, công điền được chia cho nông dân nghèo, trong các khu bị quân đội viễn chinh Pháp chiếm đóng, một cuộc đấu tranh hết sức quyết kiệt đã diễn ra giữa nông dân và địa chủ về vấn đề tô tức. Nhưng còn một điều quan trọng không kém nếu không nói là còn quan trọng hơn so với các lợi ích kinh tế - đó là sự đổi mới, sự dân chủ hóa cuộc sống trong các làng xã. Các quan lại và hương lý bị tước mất quyền lực tuyệt đối của họ, nông dân nghèo đã có thể tham gia việc quản lý làng xã, không còn bị đánh đập, không còn phải chịu đựng vô số những hành vi sỉ nhục đối với con người của họ, những người đầy tớ từ bao nhiêu năm bị biến thành kẻ tôi đòi nay được giải phóng, những người vợ lẽ đã bắt buộc phải lấy những tay hào lý nay được quyền ly dị, những nông dân nghèo đã được học đọc, học viết, nhiều người trong số họ trở thành chiến sĩ của quân đội nhân dân hoặc tham gia du kích. Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, các quan lại và hương lý đã phải cúi đầu. Việc chính phủ của Diệm trở lại cầm quyền là dịp để bọn người này chuẩn bị trả thù nông dân.

Ý nghĩa quan trọng của vấn đề ruộng đất đã không thoát khỏi tầm nhìn của Chính phủ Hoa Kỳ. Ngay từ đầu, một cố vấn Mỹ, chuyên gia về ruộng đất, một người di cư gốc Ba Lan chuyển sang phục vụ Hoa Kỳ là Ladejinsky, đã được biệt phái bên cạnh chính phủ của Diệm để lãnh đạo cuộc "cải cách điền địa". Cuộc cải cách điền địa này được chính quyền của Diệm thúc đẩy theo lời khuyên của Ladejinsky, sẽ mang đặc điểm chủ yếu là diễn ra trong một đất nước mà những người nông dân nghèo, sau 9 năm chiến tranh trên thực tế đã vừa giành được quyền sở hữu ruộng đất lẫn quyền lực chính trị ở nông thôn.

Ngay từ năm 1953 chính quyền Bảo Đại với mục đích làm suy yếu lực lượng kháng chiến đã ban bố một loạt sắc lệnh về quyền sở hữu ruộng đất. Những sắc lệnh này, đến năm 1955, sẽ được hoàn thiện bằng những sắc lệnh của Diệm, những sắc lệnh số 2, số 7 quy định một chế độ hợp đồng giữa chủ ruộng và tá điền. Có ba loại hợp đồng bắt buộc đối với cả hai bên.

"- Hợp đồng loại A đối với những ruộng đất hiện đang được tá điền cày cấy".

"- Hợp đồng loại B đối với những ruộng đất đã bị chủ ruộng bỏ hoang trong thời gian chiến tranh, và đang bị bỏ hóa".

"- Hợp đồng loại C đối với những ruộng đất đã bị bỏ trong thời gian chiến tranh mà nay không thể tìm lại được người chủ ruộng. Trong trường hợp này, người tá điền sẽ ký hợp đồng với hội đồng hương chính là bên sẽ thu tô cho đến khi người chủ ruộng cũ trở lại. Các ruộng công điền cũng được phát canh theo kiểu hợp đồng này".
 
Các hợp đồng phải được ký kết với thời hạn 5 năm, tỷ lệ tô phải nộp được quy định từ 15% đến 25%, ủy ban ruộng đất gồm các đại diện của chủ ruộng và tá điền đặt dưới sự lãnh đạo của các tỉnh trưởng và quận trưởng sẽ giải quyết các vụ tranh chấp. Cuộc cải cách có vẻ khá rộng rãi, thế nhưng trên thực tế thì phần lớn ruộng đất đều đã ở trong tay của nông dân nghèo, người ta bắt họ phải ký những hợp đồng lãnh canh đối với những ruộng đất mà họ đã nắm quyền sở hữu rồi. Vậy là các điền chủ từ các thành phố trở về lại thấy quyền sở hữu của mình được tái khẳng định. Một khi nắm lại được quyền sở hữu đất đai của mình, họ liền nhanh chóng nâng mức địa tô lên. Nhiều chủ ruộng, với sự giúp đỡ của chính quyền, còn đòi người dân phải trả lại cả số tô mà họ đã không thu được trong những năm chiến tranh. Các cơ quan chính thức của chính quyền Diệm đã đưa ra những số liệu sau đây: 812473 hợp đồng đã được ký với 1461197 ha, trong đó 1423077 ha là ở Nam Bộ. Ở miền Trung, ngược lại, cuộc đấu tranh đòi khôi phục những mức tô cũ, những đặc quyền đặc lợi cũ diễn ra gay gắt hơn. Tờ báo Tự do thân chính quyền, sau này, tiết lộ:

"Các hợp đồng lúc ban đầu đã quy định mức tô là 25%, nhưng trong thực tế, các điền chủ đã thu ở mức 45-50% như ngày trước, không có một chút giảm nhẹ nào, kể cả những năm mùa màng bị thất bát" (ngày 3 tháng 3 năm 1961).[78]

Cần nói rõ: các địa chủ đã thu những mức tô như ngày trước ở nhwungx nơi nào họ có thể, bởi các nông dân nghèo đã đấu tranh. Những cuộc biểu tình, mít tinh, những cuộc va chạm giữa nông dân và binh lính kéo đến tiếp tay cho địa chủ để buộc nông dân phải ký hợp đồng, việc trả lại ruộng đất cho những địa chủ cũ, hoặc trả lại công điền cho các hội đồng hương lý, đã diễn ra liên tục, đó là chưa kể những vụ khiếu kiện nhiều không kể xiết, những khiếu nại do nông dân đưa ra trước chính quyền. Cuộc đấu tranh giai cấp này lại càng quyết liệt hơn bởi các nhà chức trách viện cớ truất quyền tư hữu của "Cộng sản" tìm cách tước đoạt tài sản của tất cả mọi người nông dân đã được chia ruộng đất trong kháng chiến. Ngày 28 tháng 8 năm 1956, tờ báo Mỹ New York Herald Tribune viết:

"Ông Diệm đã thử nghiệm một kế hoạch giảm tô mà không đạt được mấy kết quả. bản thân ông ta và các cố vấn Hoa Kỳ đang hoàn thành soạn thảo một dự án thứ hai."
_______________________________________
[78] Năm 1961, nhiều rối loạn nghiêm trọng xảy ra ở các vùng nông thôn sẽ làm cho các báo phải đặt câu hỏi về những nguyên nhân của tình hình đó.
 
Ngày 20 tháng 9 năm 1956, chính quyền triệu tập một hội nghị giữa những đại diện của các điền chủ và của nông dân để "tìm hiểu những nguyện vọng của cả hai bên". Các điền chủ đòi quyền được bán đất của mình cho bất cứ người mua nào, chứ không bắt buộc phải bán cho những người đang cày cấy ruộng đất đó, đòi rút ngắn hạn thuê ruộng xuống một năm, nâng mức tô lên 33%, quyền trục xuất những người lĩnh canh. Đương nhiên, những điều kiện này đều bị phía nông dân bác bỏ, hội nghị giải tán. Ngày 30 tháng 10 năm 1956, theo lời khuyên của các cơ quan Hoa Kỳ, Diệm ban bố sắc lệnh số 57 làm mục đích:

"Phân phối ruộng đất một cách công bằng, giúp đỡ các tá điền có thể trở thành điền chủ, phát triển sản xuất nông nghiệp và hướng các đại điền chủ đến các hoạt động công nghiệp."

Các điền chủ có thể chọn trong cơ ngơi của mình 100 hec-ta để giữ làm tài sản riêng, số còn lại phải bán cho nông dân. Họ được bồi thường 10% bằng tiền mặt, 90% bằng tín phiếu Nhà nước với lãi suất 3% có thể sử dụng để đóng thuế, trả nợ ngân hàng nông nghiệp hoặc mua cổ phiếu của các doanh nghiệp mà chính phủ sẽ lập ra. Thực ra, Diệm chỉ làm mỗi một việc là sử dụng lại những thuật ngữ của sắc lệnh số 21 do Bảo Đại ban hành, quy định mức tài sản sở hữu tối đa về ruộng đất là từ 15 hec-ta đến 45 hec-ta ở miền Trung, và từ 30 hec-ta đến 100 hec-ta ở Nam Bộ, tùy theo điều kiện từng vùng. Như vậy là mức diện tích tối đa 100 hec-ta do Diệm quy định đã vượt quá giới hạn do chính phủ Bảo Đại đề ra.

Như vậy là sắc lệnh mới này không động chạm đến những địa chủ ở miền Trung, tức là những thành phần mà chúng tôi đã chỉ rõ là nền tảng xã hội thiết yếu của chế độ Diệm; những sản nghiệp ruộng hơn 100 hec-ta đều ở Nam Bộ, nằm trong tay những gia đình phần lớn là thân Pháp, nhưng trong những năm kháng chiến đã được chia cho nông dân nghèo rồi... Bằng cách hạn chế quyền của một tầng lớp địa điền chủ thân Pháp và nhất là bằng cách tước đoạt những nông dân đã được hưởng thành quả của cuộc cải cách ruộng đất do chính quyền nhân dân ban hành, ý đồ của Diệm là tạo nên một tầng lớp mới tiểu và trung địa chủ sẽ trung thành với chế độ của mình. Điều khoản 11 của sắc lệnh đã quy định rõ những phần tử không được hưởng thành quả của cải cách này là:

"Những công dân đã từng lợi dụng tình hình để chiếm đoạt một cách bất hợp pháp ruộng đất của điền chủ, đã không tuân theo các hợp đồng, hoặc đã không nộp tô hay thuế trong năm qua, hoặc sẽ không truy nạp số tô và thuế đó truớc ngày 31 tháng 3 năm 1957."
 
Những ruộng đất tước đoạt từ tay những đại điền chủ thuộc loại cực lớn thân Pháp như vậy sẽ được dành cho những kẻ trung thành với chế độ: những phần tử tị nạn, quân đội, cảnh sát. Ngay cả đối với những thành phần này, sự tin cậy của chế độ cũng không phải hoàn toàn. Điều 14 của sắc kệnh quy định rõ: "Trong khi chờ đợi quyền sở hữu vĩnh viễn được ghi nhận, tạm thời sẽ ghi tên của người điền chủ mới, người này phải đóng những niên khoản để trả tiền cho số đất đã được cấp, trong một thời hạn tối đa là 6 năm. Trong thời gian 6 năm đó, quyền sở hữu vẫn thuộc về chính phủ."

Điều 15 đòi hỏi các điền chủ mới phải có lòng trung thành và sự trung thực:

"Họ phải tham gia chương tình phát triển nông nghiệp, hợp tác hóa và tất cả các công tình công ích."

Nếu không "họ có thể bị tước quyền sở hữu và chính bản thân họ có thể phải chịu những biện pháp trừng phạt như đã quy định ở điều 4 của sắc lệnh" (tức là từ 5 tháng đến 2 năm tù, hoặc từ 15000 đến 120000 đồng tiền phạt).

Một hec-ta ruộng được bán với giá từ 12000 đến 50000 đồng bạc tùy theo mức ruộng tốt hay xấu, và các khoản niên liễm phải đóng cho chính phủ. Như vậy, với một hec-ta ruộng tốt, trong thời hạn 6 năm, một người nông dân mỗi năm phải đóng 2000 đồng bạc, tức là 1000 kilo thóc theo giá chính thức (40 đồng một giạ, tức là 21500 kg). Không một người tá điền nào có đủ sức nộp 1000 kilo thóc mỗi năm.

Trên nguyên tắc, 431687 hec-ta phải được bán cho nông dân theo quy định của sắc lệnh này. Nước Pháp, về phía mình, sẽ rót một khoản trợ cấp là 1495 triệu đồng frances (cũ) để bồi thường thiệt hại cho những thực dân Pháp bị tước đoạt tài sản. Tháng 7 năm 1960, các cơ quan của chính phủ công bố rằng, để thi hành sắc lệnh này, đã cấp 41547 giấy chứng chỉ quyền sở hữu 90546 hec-ta đất cho 18 đại điền chủ đã mua cổ phần công nghiệp với tổng giá tị là 7 triệu đồng bạc[79]. Ngay từ năm 1953, một tờ báo lớn của Mỹ đã viết:

"Các chuyên gia Hoa Kỳ về vấn đề ruộng đất đã phát hiện được ở Việt Nam một điều thật kỳ lạ. Thông thường những nông dân nghèo là những người mong muốn nhất một cuộc cải cách ruộng đất, thế mà ở Việt Nam, chính là những người điền chủ, còn hơn cả nông dân, mong muốn một cuộc cách mạng nhanh chóng[80]."
________________________________________
[79] Thành tích, sách đã dẫn, trang 822.

[80] New York Times, ngày 4 tháng 4 năm 1955.
 
Một sự đánh giá đã được hưởng ứng bằng lời bình luận sau đây của một tờ báo Anh: "Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng ông Diệm đã rất bị cuốn hút bởi các vấn đề chính trị và dù sao chăng nữa, thật không phải là chuyện dễ dàng cho một chính phủ thuộc cánh hữu mà lại đề xướng một cuộc cải cách ruộng đất triệt để, đặc biệt là khi ông bộ trưởng Bộ Cải cách và nhiều bộ trưởng khác đều là những đại điền chủ[81]." Sau một cuộc điều tra được tiến hành ở cả hai miền của Việt Nam, Tibor Mende đã xác định rằng ở miền Nam, trong tất cả các cuộc tranh chấp giữa nông dân và điền chủ, các nhà chức trách và cảnh sát bao giờ cũng đứng về phe điền chủ. Những cuộc hành quân mà chúng tôi đã nói đến ở những trang trước đây đều nhằm mục đích tái lập một chế độ phong kiến đã lỗi thời, đương đầu với một khối nông dân cách mạng.

"Diệm đã tăng cường vị trí của mình ở phía nam đường giới tuyến bằng những phương tiện quân sự. Từ khi các giáo phái bị tiêu diệt, hai chiến dịch quân sự kỳ lạ, một ở phái tây và một ở phía đông Sài Gòn đã được tiến hành. Mỗi chiến dịch do một viên tướng chỉ huy và được tung ra với một chương trình đồ sộ. Mục tiêu được nêu ra một cách chính thức và đáng hoan nghênh là bình định và xây dựng. Nhưng thực tế đó là những chiến dịch nhằm mục đích thủ tiêu tất cả mọi đối thủ chính trị của chế độ và làm cho dân chúng cảm thấy rằng, trên thực tế đây chính là quyền lực quân sự."[82]

Đi đôi với trận chiến vì ruộng đất diễn ra ác liệt, còn có những cuộc báo thù cá nhân của những quan lại và hương lý đã từng phải chịu nhục với phong trào cách mạng trong những năm kháng chiến cũ, những đe dọa và tống tiền nhằm cả vào những đièn chủ mà một số đông có con cái đã tham gia kháng chiến và tập kết ra miền Bắc. Chống lại sự tàn bạo dã man của những phần tử phong kiến có vũ khí trong tay và được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, là tinh thần chiến đấu của một giai cấp nông dân đã được tôi luyện qua nhiều năm chiến đấu. Chẳng bao lâu, chỉ một mình quân đội tỏ ra không đủ cho công cuộc đàn áp, theo lời khuyên của những chuyên gia Hoa Kỳ, Diệm thành lập tổ chức dân vệ ở các làng xã, với số quân lên tới 100000 người. Thế nhưng, trong suốt thời gian trị vì của mình, chưa có lúc nào Diệm kiểm soát được hoàn toàn các vùng nông thôn. Trên báo France - Dimanche số ra ngày 16 tháng 5 năm 1956, Merry Bromberger cho rằng:

"Ông ta (Diệm) chẳng nắm được xứ này hơn gì chúng ta đã nắm xứ Nam Kỳ trong thời kỳ chiến tranh du kích"; "So với những quan chức nhà nước cao cấp hống hách đến bằng xe hơi Mỹ và thường về với sự che chở của chiếc xe nhà binh mang súng liên thanh, người nông dân vẫn mến chuộng những con người mình trần lấm đầy bùn đất thỉnh thoảng vẫn lẻn vào dưới mái nhà tranh của họ với những tờ truyền đơn hơn."[83]
_____________________________________
[81] Báo The Economist ngày 8 tháng 9 năm 1956.

[82] Tạp chí Esprit, tháng 6 năm 1957.

[83] Báo Le Progrès de Lyon, ngày 14 đến ngày 16 tháng 6 năm 1956.
 
Luận điệu của những nhà báo phương Tây vào khoảng cuối năm 1956 ca ngợi sự "thần kỳ" của chế độ Diệm không khỏi làm cho người Việt Nam mỉm cười, bởi họ biết rõ hơn những gì đang diễn ra ở các vùng nông thôn.

Ở các thành phố, sự chống đối lại chế độ của Diệm cũng không kém phần mạnh mẽ. Tuy nhiên, do sự tập trung của lực lượng cảnh sát, cùng những đội đặc nhiệm chuyên việc đàn áp, do số dân ít hơn (15%), các lực lượng chống đối đã phải vận dụng những hình thức hành động không được ngoạn mục như những hành động của nông dân. Những xí nghiệp quá nhỏ không thể tập trung được những khối thợ thuyền khổng lồ như ở các nước công nghiệp hóa, và trước các cuộc đình công, chính quyền dễ dàng đáp trả bằng những loạt súng, hoặc bằng cách bắt bỏ tù, kèm theo tra tấn những người phụ trách phong trào đấu tranh của công nhân. Cho nên một cuộc đình công của chỉ vài ba trăm công nhân nổ ra trong một thành phố như Sài Gòn đã là một hành động anh hùng, cách mạng, đòi hỏi phía công nhân phải có nột sự nhất trí vững chắc và một tinh thần hy sinh rất cao. Hơn nữa, do mức sống bần cùng của giai cấp công nhân, ngay từ ngày đầu bãi công, các gia đình công nhân đã không còn gì để ăn. Số đông dân chúng đô thị tập trung ở khu dân cư Sài Gòn - Chợ Lớn, năm 1959, quy tụ đến hơn 1700000 con người. Những số liệu của năm 1959 cho những chi tiết sau đây về giai cấp công nhân trong toàn thể miền Nam Việt Nam:


Trích:
Công nhân các xí nghiệp công nghiệp (trong đó phần lớn - 70% - sử dụng không đến 10 công nhân): 90000

Công nhân, viên chức xí nghiệp thương mại: 87430

Công nhân ngành vận tải và giao thông: 42990

Công nhân xây dựng (nhà ở và những công trình khác): 10100

Tổng: 230520
 
Còn phải thêm vào con số trên 55800 công nhân của các loại đồn điền, đa số tập trung ở các đồn điền trồng cao su. Giai cấp công nhân này không ổn định như ở châu Âu; phần lớn trong số họ là những người phụ việc, công ăn việc làm ít ổn định. Một người công nhân được nhận vào một xí nghiệp thường không có một chứng chỉ nào về trình độ chuyên môn, bị đuổi việc cũng vô cớ, chịu thất nghiệp trong vài ba tháng, rồi lại tìm được một chỗ làm mới. Đến nỗi người ta tính cứ mỗi công nhân được đăng ký, thì lại có nhiều người không có việc làm; thường bị thất nghiệp, hàng trăm nghìn người làm những công việc lặt vặt trong các gia đình khá giả, lang thang trên các hè phố với nghề buôn thúng bán bưng, hoặc đi ăn xin. Phụ nữ, khốn khổ thay, nhiều khi chỉ còn mỗi con đường là bán mình. Làn sóng những người tị nạn ồ ạt tràn vào từ các vùng nông thôn, nơi mà các cuộc hành quân, từ năm 1945, đã hủy diệt rất nhiều xóm làng, và những người di cư từ miền Bắc, tất cả tràn ngập các đường phố của Sài Gòn, họp thành một đám đông rất lớn, bị chính quyền bỏ rơi. Bộ Lao động của Diệm năm 1956 đưa ra con số 413000 người thất nghiệp trên một tổng số cư dân đô thị là khoảng 2 triệu người.

Ngay cả khi công nhân có thể làm việc đều đặn như ở các đồn điền cao su, điều kiện sống của họ cũng được miêu tả như sau:

"Nơi ở của chúng tôi chật hẹp, không vệ sinh, trời mưa thì bị dột, không bao giờ được tu sửa. Những căn phòng rộng 3 mét 50, dài 5 mét đôi khi chứa từ 15 đến 25 người... Nhiều gia đình công nhân không có chỗ ở. Họ ở trong những "buồng ngủ công cộng" bốn bề trống hoác, không có giường, ban ngày thì nắng không sao chịu nổi, ban đêm thì lại rất lạnh, không có đèn, nước thì ít, cơm thì bằng gạo xấu trộn lẫn với những hạt sượng và trấu."[84]
___________________________________
[84] Báo Công nhân, Sài Gòn ngày 3 tháng 9 năm 1957.
 
Xem thế thì còn biết nói gì về những kẻ không có việc làm hoặc thi thoảng mới có việc làm, họ đông đến hàng vạn người, tị nạn và không phải tị nạn, sống lay lắt dưới những mái lều do Hoa Kỳ viện trợ, hay trong những khu phố nghèo của Sài Gòn - Chợ Lớn ? Những trận đánh diễn ra năm 1955 giữa chính phủ và các giáo phái, tàn phá nhiều khu phố đã làm trầm trọng thêm rất nhiều cảnh bần cùng này. Chính quyền lại còn mượn cớ chương trình đô thị hóa để đuổi hàng vạn dân khỏi các khu phố nghèo của Sài Gòn, vấn đề đơn giản chỉ là để tìm nhân công cho những "khu di dân nông nghiệp" được thiết lập ở Tây Nguyên và để làm những con đường lớn cho các đơn vị cơ giới có thể cơ động nhanh chóng khi xảy ra trường hợp bạo loạn. Sự bất bình lại càng tăng thêm khi cảnh nghèo khổ đến kinh người như thế lại tương phản với sự tham nhũng của giới lãnh đạo, sự xa hoa mà bọn người này phô trương. "Chế độ quan lại, cái tai họa của châu Á truyền thống, nơi mà mỗi một cử chỉ của nhà chức trách, mỗi một chữ ký, , mỗi một hành động đều có giá của nó, cái chế độ đó đã được phục hồi ở Nam Việt Nam. Ban ngỏ ý muốn hút một điếu thuốc phiện ư ? Người đàn bà Hoa kiều chủ tiệm tiêm thuốc phiện lậu liền ngỏ lời lấy làm tiếc, không thể chiều lòng. Đáng lẽ phải cho bà ta biết năm giờ trước, bởi vì thứ thuốc bị cấm này phải mua ở đồn cảnh sát mà viên cảnh sát thì đã rời trụ sở từ sớm. Hàng ngày lại có những tờ rơi mật được những bàn tay kín đáo nhét vào các thùng thư miêu tả chi tiết một vụ bê bối mới: buôn lậu những tấm chăn được mua dành cho những người đàn bà tị nạn... những đơn đặt hàng của Nhà nước mua 500 triệu liều thuốc chữa bệnh... Những chuyển khoản tài sản hiếm hoi trước hết đều dành cho những kẻ chuyên trục lợi từ chế độ này... Nếu một cuộc nổi dậy nổ ra, thì cuộc ra đi ồ ạt của những người chạy nạn đã được chuẩn bị sẵn sàng trên đất Pháp: nhà ở tại Newlly, tài sản trên bờ biển Côte-d'Azur, nhwungx đồng cỏ chăn nuôi ở Normandie...

Trước con mắt người du khách vào thành phố Sài Gòn bằng đường thủy, đứng từ trên tàu mà nhìn, người ta thật sự bị lóa mắt vì sự tương phản giữa một bên là sự nghèo khổ đến cùng cực của đám đông dân chúng và một bên là sự xa hoa chưa từng thấy của một thiểu số đặc quyền đặc lợi. Những người tị nạn không còn tìm được chỗ trú chân trên các đại lộ đành phải như những con chim lót ổ trên những bến tàu là là sát mặt nước, trên những tấm ván được buộc dây vào những chiếc cọc. Chỉ cách một mét phía trên đầu họ, lượn qua lượn lại những tà áo lụa dài của người An Nam và những bộ comlê trắng tinh, những chiếc xe hơi nhãn hiệu Cadillac và Chrysler..."[85]

Giá sinh hoạt tăng cao do những chi phí về quân sự ngày càng tăng là một đòn gánh nặng xuống đầu tất cả những tầng lớp bất hạnh này.

"Từ tháng giêng đến cuối tháng 5 năm 1956, giá sinh hoạt đã tăng 6% và chỉ riêng trong tháng 6 đã tăng 8%, tức là gần bằng tỉ lệ tăng của cả năm 1955 (8,2%). Một tạ gạo giá 481 đồng bạc vào đầu tháng đã tăng lên 500 đồng."

"Vấn đề mang tính chất đe dọa nhất vào lúc này là vấn đề giá cả sinh hoạt tăng đã bắt đầu làm dấy lên một làn sóng yêu sách của những người làm công ăn lương. Tầng lớp tiểu thương ở Sài Gòn, về phần họ, lại phàn nàn về việc giá bán theo quy định của các nhà chức trách, trong rất nhiều trường hợp, lại thấp hơn giá những hàng hóa mà chính họ phải mua vào..."

"Nếu chưa thể nói quá lên rằng đây là những làn sóng yêu sách, thì phải nhận thấy rằng con số những vụ xung đột giữa những người làm công ăn lương và những người chủ sử dụng họ đang tăng lên rất nhiều."[86]
_______________________________________
[85] Constellations, tháng 8 năm 1956.

[86] Marchés coloniaux (Các thị trường thuộc địa) các ngày 28 tháng 7 và ngày 4 tháng 8 và ngày 18 tháng 8 năm 1956.
__________________
 
Vậy là cùng với những yêu sách của công nhân trong các xí nghiệp, có hoặc không có bãi công tiếp theo, đã kèm theo như một tiếng vang của những tiểu thương và sô số những người nghèo, thất nghiệp, tị nạn. Ngay từ năm 1955 đã nổ ra những cuộc biểu tình của những người di cư đòi hồi hương. hành động lớn đầu tiên của công nhân đã được tiến hành ngay từ ngày 3 tháng 8 năm 1954 bởi 5000 công nhân của đồn điền cao su An Lộc bãi công đòi tăng lương 20%, đòi xóa bỏ chế độ phụ phí để đóng góp vào quỹ chiến tranh, và để chào mừng hòa bình được lập lại. Giai cấp công nhân Việt Nam, đã từ nhiều năm tôi luyện trong cuộc đấu tranh chống chế độ thuộc địa, vốn sẵn có một ý thức chính tị rất sáng suốt. Từ năm 1954 đến 1956, công nhân đường sắt, công nhân các nhà máy điện, công nhân các xe buýt chở khách, công nhân các công xưởng, các đồn điền cao su, các công ty xăng dầu Shell và Caltex, các hãng bia và nước đá... sẽ bãi công. Để chống lại công nhân, Diệm huy động cảnh sát đàn áp, nhưng đồng thời theo lời cố vấn của những cán bộ công đoàn công giáo người Pháp, ông ta cũng biết cả thủ đoạn gây chia rẽ trong hàng ngũ công đoàn. Ba công đoàn đã được phép hoạt động nhằm tìm cách làm chệch hướng sự công phẫn của công nhân, đặc biệt nhằm chĩa vào những chủ doanh nghiệp người Pháp hoặc những thương nhân Hoa kiều. Nhưng các cuộc bãi công đã không vì thế mà chấm dứt: đặc biệt phải kể đến cuộc bãi công tháng 10 năm 1955 của 3000 công nhân xưởng đóng tàu Bason, cuộc bãi công tháng 11 năm 1955 của 40000 công nhân các đồn điền, các cuộc bãi công tháng 2 năm 1956 lan ra rất nhiều xí nghiệp, cuộc bãi công tháng 3 năm 1956 kéo dài gần một tháng của công nhân ngành điện đã được tờ báo Dân chủ bình luận như sau:

"Cuộc bãi công này đồng thời chứng tỏ sự kiên quyết và tinh thần kỷ luật của giai cấp công nhân Việt Nam đã đến độ trưởng thành."

Tháng 4, 6000 công nhân đồn điền Lộc Vinh bãi công để phản đối đàn áp, tháng 5, 4000 công nhân đồn điền Dầu Tiếng lãn công để phản đối việc bị phân phối gạo xấu, 5000 công nhân bốc vác và thợ thuyền, người phụ việc ở các bến tàu Sài Gòn nghỉ việc trong hai ngày đòi cải thiện các điều kiện sinh hoạt, tiếp đó ngày 15 tháng 5, đến lượt 15000 công nhân đồn điền cao su Quảng Lợi. Ngày 1 tháng 7, 300 đại biểu công đoàn họp đại hội, đòi quyền tự do nghiệp đoàn, đòi phải có những biện pháp để chống nạn thất nghiệp, đòi thống nhất đất nước.
 
Cần phải nhắc lại rằng chúng ta phải hình dung những cuộc bãi công và biểu tình này diễn ra trong một thành phố đang bị bao vây xiết chặt và bị khoanh vùng bởi một lực lượng cảnh sát đàn áp thẳng tay, khiến cho mỗi người công nhân bãi công không những có nguy cơ vị mất việc làm, mà mất cả mạng sống của mình. Trong những năm 1954-1956, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn, còn hơn cả mục đích đòi tăng lương, đã phối hợp chặt chẽ với các tầng lớp xã hội khác, tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt để đòi hòa bình và sự tôn trọng các Hiệp định Genève. Khó có thể tách rời hành động của công nhân với hành động của các phong trào đòi hòa bình, thống nhất đất nước, bảo vệ các quyền tự do dân chủ. Tuy nhiên, phải kể ra đây những cuộc bãi công thuần túy mang tính chất chính trị: cuộc bãi công lớn ở đại đa số các xí nghiệp tại Sài Gòn ngày 10 tháng 7 năm 1955 đòi họp hội nghị hiệp thương giữa các chính phủ hai miền Bắc và Nam nhằm chuẩn bị tổng tuyển cử. Cuộc bãi công ở các đồn điền cao su ngày 20 tháng 7 cũng cùng với những khẩu hiệu như trên, cuộc bãi công ngày 2 tháng 8 năm 1955 của công nhân thành phố Tourane (tức Đà Nẵng), nhiều xí nghiệp ở Sài Gòn cũng đã lãn công hồi tháng 3 năm 1956 để phản đôi các cuộc bầu cử riêng lẻ ở miền Nam nhằm mục đích thông qua sự chia cắt đất nước. Nhiều phong trào cũng đã đánh dấu thời gian cận kề, ngày 20 tháng 7 năm 1956 là thời điểm được quy định cho cuộc tổng tuyển cử.

Ngày 1 tháng 5 năm 1955, định chơi trò mị dân đối với giai cấp công nhân, chính quyền Diệm đã kêu gọi dân chúng biểu tình; nhưng dân chúng đã tẩy chay cuộc biểu tình chính thức do chính quyền bày trò. Ngược lại, ngày 1 tháng 5 năm 1956, 150000 người đã diễu hành trong thành phố Sài Gòn, long trọng cử hành Ngày lễ Lao động. Tất cả các cuộc biểu tình chính trị của giai cấp công nhân đều được tiến hành phối hợp nhịp nhàng với phong trào rộng lớn đòi giữ vững hòa bình và thống nhất đất nước, dưới khẩu hiệu thi hành nghiêm chỉnh các Hiệp định Genève.

Ngày 1 tháng 8 năm 1954, nhiều nhà trí thức có tiếng ở Sài Gòn, trong số đó có luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Trình Đình Thảo, kỹ sư Lưu Văn Lang, những giáo sư, những nhà tư sản, phát động Phong trào vì hòa bình của Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày đó, 50000 người đã diễu hành ở Sài Gòn, 25000 người ở Tourane (Đà Nẵng), 15000 người ở Huế để hoan nghênh các hiệp định này. Trước đó, dư luận đã rất bất bình trước cử chỉ của chính phủ Ngô Đình Diệm, trong ngày đình chiến, đã cho treo cờ rủ tại các công sở trong khi cả nước đang chào mừng hòa bình được lập lại. Chúng ta đã được thấy chính phủ này đáp trả như thế nào những cuộc biểu tình này, bằng những loạt súng và sự đàn áp cực kỳ man rợ. Những người đứng đầu Phong trào vì Hòa bình ở Sài Gòn đã bị bắt, sau đó bị phát vãng. Một số người trong đó, như Giáo sư Nguyễn Văn Dương ở trường Đại học Luật chết vì bị hành hạ. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sẽ được phong trào nhân dân giải thoát năm 1961, để được bầu làm Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
 
Các tuyên bố của chính phủ miền Bắc đề nghị tái lập những sự trao đổi bình thường giữa hai miền, đã được sự hưởng ứng sâu sắc của dân chúng miền Nam. Tất cả các tầng lớp xã hội, kể cả trong số những phần tử được ưu đãi, đều đáp trả một cách thuận lợi, bởi vì trong tất cả những biện pháp do chính quyền Diệm đưa ra, cái làm mất lòng dân nhất là việc cấm giao lưu bằng thư tín, cấm buôn bán, cấm duy trì những trao đổi về tri thức, nghệ thuật, thể thao với miền Bắc. Ngay từ tháng 2 năm 1955, hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ miền Bắc, chính quyền Diệm đã đáp trả bằng cách tăng cường đàn áp và cũng bằng một cách lập luận hết sức lúng túng trên đài, trên báo chí nhằm biện hộ cho việc đóng chặt tuyệt đối đường giới tuyến. Có những công chức, những sĩ quan, nhiều giáo sĩ, nhà sư đã tham gia phong trào; nhiều nghi lễ đã được cử hành trong các đền, chùa, nhà thờ để cầu nguyện cho sự duy trì hòa bình và sự tái thống nhất.

Trong các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị đang thiếu gạo. năm 1955, song song với phong trào đòi hòa bình, đã hình thành một phong trào đấu tranh chống nạn đói. Tại Sài Gòn, sau nhữg trận đánh tháng 3 năm 1955, một Ủy ban rất rộng, tập hợp nhiều người trong các giới thương nghiệp, công nghiệp, trí thức, sinh viên đã được thành lập để cứu trợ người bị nạn. Diệm cho bắt những người cầm đầu ủy ban này, trong số đó có dược sĩ Nguyễn Chí Nhiêu và giáo sư Lê văn tha. ngay từ năm 1955, Sài Gòn cũng đã trải qua một phong trào đấu tranh chống "kế hoạch giải tỏa"thành phố nhằm mục đích xóa sổ những khu phố nghèo; những cư dân ở các khu phố này tự tổ chức nhau lại để can thiệp với các nhà chức trách, và để tự vệ chống lại bọn tay chân của Diệm được phái đến đốt nhà cửa của họ. Các báo, vào thời kỳ đó, còn có được ít nhiều quyền tự chủ, chế độ vừa mới được dựng lên chưa có đủ thời gian để kiểm soát được tất cả. Những tờ báo như Tiếng Chuông, Dân Chủ, Trời Nam, Sài Gòn mới, Buổi sáng đã hưởng ứng những yêu sách của giới tiểu thương chống lại mức thuế đánh quá cao.
 
Chiến dịch "Tố cộng" đã vấp phải sự chống đối rất mạnh. Tại các cuộc họp, tay chân của chính phủ bị chất vấn tơi bời và khi cảnh sát đàn áp quá tay thì những hình thức đấu tranh mới lại xuất hiện: các cụ già bỗng nhiên cất tiếng ho không ngớt, các bà mẹ làm cho con mình khóc ré lên, giữa buổi họp trong khi các nhà chức trách đang diến thuyết. Ngay cả rong giới côgn chức, sự chống trả cũng không vừa vào các buổi họp tố cộng, xuất hiện những ngày nghỉ việc. Tình trạng này làm cho bọn tay chân của Diệm nói rằng giới công chức "ăn cơm quốc gia, nhưng thờ ma Cộng sản". Tờ Cách mạng Quốc gia chỉ trích kịch liệt giới trí thức:

"Không thể tha thứ cho bọn nằm mơ thiên đường Côgnj sản... những phần tử dở trí thức này, dù sao cũng được trang bị một chút vốn học thuyết và tin tưởng ở chủ nghĩa Cộng sản, coi những đảng viên Cộng sản như những vị thần, kính trọng họ hơn cả kính trọng ông nội của mình."

Ngày 6 tháng 6 năm 1956

"Chủ nghĩa nhân vị" của Diệm chẳng ăn nhằm gì. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý rằng một bộ phận trí thức, gắn bó với giai cấp tư sản thương nghiệp và công nghiệp, trong những năm 1954-1956, đã giữ một thái độ có phần mang tính chất chờ thời, họ chờ đợi để xem chế độ hoạt động như thế nào, vẫn còn nuôi dưỡng ít nhiều hy vọng nó sẽ khá lên. Những hy vọng này sẽ nhanh chóng bị tiêu tan và Diệm sẽ không bao giờ có được giới trí thức đứng về phe mình. Đó là lý do giải thích vì sao chế độ Diệm là một chế độ hoàn toàn cằn cỗi trên bình diện văn hóa. Ngược lại, những phần tử "tiểu trí thức", những con người, chủ yếu vì lý do không có đủ tiền ăn học, đã không sao kiếm được một mảnh bằng đại học, khi rời khỏi trường trở thành những viên chức bàn giấy, những giáo viên dạy trường tư, trường làng, những con người đó, nagy từ đầu, đã đứng về phe chống đối. Chính tầng lớp người này ở Việt Nam vân luôn luôn là nguồn cung cấp cán bộ ưu tú nhất cho phong trào cách mạng.
 
Có những phạm trù xã hội khác cũng chống lại Diệm. Thiểu số giới công giáo nắm quyền đã nhân cuộc nội chiến chống các giáo phái để đàn áp các nhóm Cao Đài và Hòa Hảo. Chính phủ của Diệm đã không sao dập tắt được hoàn toàn sự chống đối của các giáo phái này.

Măck dù "giáo hoàng" Cao Đài là Phạm Công Tắc đã chạy trốn sang Campuchia và sẽ chết tại đấy, mặc dù những chức sắc của giáo phái này như Lê Thiên Phước, Trịnh Phung Cương đã bị bắt, các nhóm vũ trang của Cao Đài và Hòa Hảo bị giải tán, các tín đồ của những giáo phái này vẫn là một lực lượng quan trọng ở miền Nam. Từ năm 1956 đến 1958, 3400 chức sắc của phái Tây Ninh, trung tâm quan trọng nhất của giáo phái Cao Đài, đã bị bắt, phái Minhchon ở Cà Mau, các phái ở Bến Tre, Rạch Giá, Bạc Liêu đã chống lại và giành thắng lợi. Ngày 8 tháng giêng năm 1956, ngày Tây Ninh đang bị quân của Diệm chiếm đóng, một đại lễ tôn giáo đã biến thành một cuộc biểu tình khổng lồ phản đối phái đoàn của chính phủ và đội quay phim Hoa Kỳ. Đầu năm 1957, Diệm phái một đại diện sang Pnôm Pênh để thương lượn việc đầu hàng của Phạm Công Tắc, nhân vật này đòi hỏi phải thả hết những tín đồ Cao Đài bị bắt, chấm dứt chiến dịch "Tố cộng" những cũng đã không tha những tín đồ của các tôn giáo, đòi ban bố các quyền tự do báo chí, ngôn luận, chấm dứt đàn áp các giáo phái, thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Việc Diệm từ chối chỉ càng đẩy mạnh thêm sự chống trả của các tín đồ Cao Đài. Sự đàn áp các giáo phái Hòa Hảo và các phật tử ở miền tây đồng bằng sông Cửu Long cũng vấp phải sự chống cự như thế. Mẹ của Ba Cụt, bà Tư Tâm, sau khi con mình bị hành hình, vẫn tiếp tục giảng đạo. Bà đã nhiều lần bị bắt và cuối cùng bị bắn chết. Sự đàn áp chống đạo Phật trong những năm tiếp theo sẽ trở nên phức tạp thêm vì một vấn đề khác, vấn đề quan hệ với Campuchia mà chúng tôi sẽ nghiên cứu ở chương sau, bởi đa số, nếu không nói là tất cả, những người Campuchia sinh sống ở Nam Việt Nam đều là tín đồ Phật giáo.[87]
___________________________________
[87] Sự chống cự của tín đồ các giáo phái và phong trào nông dân là những nguyên nhân giải thích vì sao những nhóm vũ trang của các giáp phái đã cầm cự được lâu dài, mặc dù họ không còn nhận được sự giúp đỡ của bộ chỉ huy Pháp.
 
Ngay cả trong các giới công giáo cũng không phải ai nấy đều nhất nhất tuân theo lời của Diệm. Cú va chạm đầu tiên là giữa những tín đồ công giáo ở Sài Gòn, tức là những tín đồ công giáo thị dân có xu hướng khoan dung và cởi mở đối với những tư tưởng hiện đại, xung khắc với một hệ thống tôn ti, trật tự và một chính quyền đượm tính chất công giáo nông thôn đến từ miền Bắc sặc mùi trung cổ. Sự chống đối này đã trở nên gay gắt đến mức ngày 10 tháng 2 năm 1957, cha xứ Sài gòn là linh mục Hồ Văn Vui, trong lời nhận xét của mình, đã nói:

"Người công giáo Việt Nam đang bị đàn áp như ở thời kỳ đầu của kỷ nguyên thiên chúa giáo, dù họ có tội hay không có tội. Các trường tư thục công giáo đều bị áp đặt và kiểm soát. Cầu xin Đức Chúa Trời hãy nhổ sạch những giống cỏ dại đang tràn ngập chúng ta này."

Rồi ông yêu cầu các tín đồ công giáo đừng tham gia các cuộc tuyển cử. Viên Chủ tịch Quốc hội liền gửi ngay cho giám mục địa phận Sài Gòn một bức thư "kiên quyết phản đối những lời nhục mạ và những luận điệu dối trá đã được cha xứ Sài Gòn nói ngay từ trên ghế giảng đạo của mình." Ông linh mục chẳng bao lâu bị thuyên chuyển, rồi bị truy tố trước tòa án... Nhũng sự kình địch chẳng bao lâu đã nổ ra giữa Đức Cha Thục, anh trai của Diệm và các giám mục khác là Phạm Ngọc Chi, Nguyễn Văn Hiền, Lê Hữu Từ[88]. Nghiêm trọng hơn, những cuộc biểu tình vì bất bình của những người tị nạn, những nông dân nghèo, những cuộc biểu tình với quy mô ngày càng lớn cùng với việc lộ dần chân tướng của biết bao lời hứa hẹn cuộc sống hạnh phúc hóa ra đều là những lời hứa hão, và cùng với những điều kiện sống ngày càng cơ cực của đám đông khốn khổ bị bỏ mặc trong cảnh bần cùng.
______________________________________
[88] Báo France - Soir ngày 29 tháng 11 năm 1955 kể lại như sau việc Đức cha Nguyễn Văn Hiền được tấn phong Tổng giám mục địa phận Sài Gòn, nẫng mất chiếc ghế của ông anh trai của Diệm: "Người ta đã làm tất cả nhằm hủy bỏ quyết định của tòa thánh Vatican: Đức cha Thục lập tức bay [bị mất] giảng của mình. Ông Hiền, khi nói về Diệm, thậm chí đã dùng đến từ "rút phép thông công"."
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top