• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ

Chớ nên cho là thật những lời tuyên bố chống Hoa Kỳ của một đảng viên đảng xã hội Pháp. Ngày 1 tháng 3, hàng hóa của Pháp được hưởng quy chế thuế quan ưu đãi, và ngày 30 tháng 3, một hiệp định được ký kết về việc rút quân đội viễn chinh khỏi Nam Việt Nam. Ngày 2 tháng 5, một hiệp định thương mại ba bên, có giá trị 30 triệu đô la, được ký kết giữa Pháp, Hoa Kỳ, Nam Việt Nam. Nước Pháp sẽ mua bông, lúa mì của Mỹ và số tiền mua tính bằng đồng franc sẽ được trao cho Nam Việt Nam sử dụng để mua hàng ở Pháp. Những xí nghiệp làm ăn không có lãi của Pháp bị thanh toán, những ruộng lúa thuộc sở hữu của người Pháp sẽ được chính phủ Diệm mua lại bằng tiền viện trợ của Pháp. Nhưng các xí nghiệp lớn của Pháp cả trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp, cũng như các đồn điền cao su, vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy không còn giữ được vị trí số một trong nền ngoại thương của Nam Việt Nam, Pháp vẫn còn có được địa vị ưu đãi nhờ sự tồn tại của một mạng lưới những doanh nghiệp đã có từ trước và thói quen của những người mua vốn đã quen mua hàng của Pháp. Và để "an ủi"[34], Pháp vẫn được giữ nhiều cơ sở văn hóa chống lại ảnh hưởng của Mỹ một cách có hiệu quả. Năm 1956, phái đoàn văn hóa của Pháp tại Nam Việt nam điều hành một số trường gồm 9000 học sinh, 300 giáo viên, trong số đó có 5 trường trung học và 40 giáo sư ở trường đại học Nam Việt Nam. Nền giáo dục tư thục của Pháp còn có đến 15000 học sinh.

Sau khi quân đội của mình đã rút đi, nước Pháp tự đưa mình vào trong phạm vi những hoạt động kinh tế và văn hóa. Từ nay, Pháp sẽ không còn chính sách gì nữa của riêng mình để đưa ra thi thố ở Nam Việt Nam, đành bằng lòng đi theo chính sách của Hoa Kỳ và cố tránh làm mất lòng chính quyền Diệm càng ít càng tốt. Các thủ tướng cũ của nội các Bảo Đại, bộ trưởng, tướng lĩnh, doanh nhân Việt Nam trước đây gắn bó với Pháp nay bị Diệm truy đuổi đều lần lượt nối đuôi nhau chạy sang tị nạn ở Pháp. Tại đây, họ họp nhau thành những nhóm chống đối nhỏ, tạm hời lui vào tình trạng ngủ đông để chờ đợi những ngày ấm áp hơn.

Ngày 3 tháng 6, một phái đoàn quốc hội Pháp do nghị sĩ Fréderic - Dupont thuộc phái cực hữu, gồm những thành viên của Phong trào tập hợp nhân dân MRP và đảng xã hội SFIo lên đường sang Nam Việt Nam để đảm bảo với chính phủ của Diệm về tình hữu nghị của chính phủ Pháp. Ngày 15 tháng 6, trở lại Paris, Fréderic - Dupont, con người trước đấy hồi năm 1954 đã tỏ ra cay nghiệt là thế, nhưng nay lại tuyên bố:

"Chính là với một nước Việt Nam tự do tràn đầy triển vọng tương lai, hoàn toàn gắn bó với nền văn hóa Pháp, nhập khẩu từ Pháp một khối lượng hàng hóa trị giá gần 30 tỷ đồng franc, và là nơi Pháp đang đầu tư hàng trăm tỷ franc, chính là với một nước Việt Nam như thế mà nước Pháp vừa mới nối lại, vì lợi ích chung của cả hai nước và những mối quan hệ hữu nghị đầy tin cậy."
______________________________________
[34] Báo Pháp La Croix, ngày 25 tháng 7 năm 1956.
 
Phe cánh hữu ở Pháp đã tha cho người Mỹ và chính phủ Diệm cái tội đã hất cẳng nước Pháp bởi họ tin chắc rằng từ nay các Hiệp định Genève về Đông Dương sẽ không được thi hành.

Một số bộ phận công luận ở Pháp đã cảm nhận một cách đầy cay đắng việc nước Pháp bị loại khỏi phương diện chính trị Nam Việt Nam.

Nói về việc quân đội Pháp phải ra đi, Marcel Riviére trên báo Progrès de Lyon (Tiến bộ của thành phố Lyon) số ra ngày 14 và 16 tháng 6 năm 1956, viết:

"Ngay ngày hôm sau, tờ Cách mạng Quốc gia[35], với cái tít "Vĩnh biệt" đã viết những lời bình luận đầy nhục mạ mà không hề bị cơ quan kiểm duyệt can thiệp: Thế là đội quân viễn chinh của Pháp đã cút khỏi một cách vĩnh viễn... Những dòng nước mắt tiễn đưa cứ không chịu chảy."

Ngược lại, tất cả những kẻ ở Pháp trước đó đã chủ trương quyết đánh đến cùng và trong một thời gian dài, không chịu điều đình với kháng chiến Việt Nam, những kẻ đó lại nhiệt liệt tán thành. Ngày 20 tháng 7, trên báo Le Monde, Nghị sĩ của quận Deux - Sèvres, André Francois Mercier đã bình luận như sau về việc không thi hành các Hiệp định Genève:

"Tôi lấy làm thích thú rằng mình đã bỏ phiếu chống lại các hiệp định đó (Hiệp định đình chiến)... bởi vì đó là những hiệp định bất công. Bọn Việt Minh bị kiệt quệ hơn chúng ta gấp trăm lần, không xứng đáng được nhận một món quà tặng như thế."

Jean Letourneau vốn là Bộ trưởng bộ các Quốc gia liên hiệp trong những năm diên ra cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng chọn con đường hy sinh quyền lãnh đạo của nước Pháp, để tiếp tục cuộc đấu tranh mà đảng MRP của ông ta đã tiến hành một cách quyết liệt chống lại nền độc lập của nhân dân Việt Nam.

"Cho dù, chúng ta có phải nuốt nhục đến đâu chăng nữa, thì một sự thật hai năm rõ mười là con bài mà chúng ta đã phải và vẫn phải đánh cược đến cùng là con bài miền Nam[36]."

Thế là, ngay lập tức sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt, nước Pháp đã chấp nhận để chính sách của mình rập khuôn theo chính sách của Hoa Kỳ. Vậy là, Pháp buộc phải giơ sườn ra để hứng chịu những áp lực của Washington và của Sài Gòn, nhằm chặn đứng mọi nguyện vọng yếu ớt mong muốn có quan hệ tốt với Bắc Việt Nam. Những cuộc điều đình giữa chính phủ miền Bắc và phái đoàn Sainteny đã đưa đến những thỏa ước có nội dung đáng kể hồi tháng chạp năm 1954, nhưng sức ép từ phía Hoa Kỳ làm gián đoạn tất cả. Từ đấy trở đi, nước Pháp chỉ còn duy trì với Bắc Việt Nam những mối quan hệ thương mại không đáng kể. Ở miền Nam, Pháp tuy vẫn còn giữ được một số vị trí tương đối quan trọng về kinh tế và văn hóa, nhưng cái giá phải hứng chịu vô số áp lực và biện pháp không khỏi làm cho lòng tự ái của Pháp bị tổn thương. Cứ mỗi khi chính quyền của Diệm cần một sự ủng hộ nào đó của Pháp về chính trị, họ lại lập tức vung lên cây gậy đe dọa trả đũa bằng kinh tế. Người ta có thể tự hỏi, phải chăng nước Pháp đáng ra đã có thể tránh được cái thân phận đàn em đôi khi đến là nhục nhã ? Điều gì đáng lẽ đã xảy ra giá như nước Pháp, với vị trí là một đại cường quốc, đã khẳng định ý chí của mình quyết tôn trọng những gì mình đã cam kết tại Genève ngay cả sau khi đã rút hết quân đội của mình ? Liệu Hoa Kỳ à Diệm có đủ gan để phớt lờ ý chí được khẳng định dứt khoát của nước Pháp ? Không nên quên rằng, trong trường hợp đó, nước Pháp ắt đã được toàn thể dư luận của người Việt Nam ở miền Nam đứng về phía mình, và sự ủng hộ của chính phủ miền Bắc; nếu như vậy, ắt là đã gây khó cho Diệm có thể đứng vững và những lợi ích của Pháp ắt đã được bảo đảm cả ở miền Bắc lẫn miền Nam. Đó là chưa kể việc khẳng định một chính sách độc lập đã đem lại cho nước Pháp sự kính trọng của dư luận toàn thế giới. Chúng ta sẽ thấy, trong những chương sau đến năm 1963, lại sẽ xuất hiện những cơ may cho một chính sách độc lập của nước Pháp ở miền Nam Việt Nam.
____________________________________
[35] Tờ báo của gia đình Ngô Đình Diệm, thể hiện lập trường chính thức của chính phủ.

[36] Báo Pháp Carrefour, ngày 1 tháng 8 năm 1956.
 
PHONG KIẾN VÀ MẠI BẢN​


Ý đồ lớn của Mỹ trong việc hất cẳng Pháp, là để tiếp tục đánh những người mà họ gọi là "Cộng sản", nhưng không phải bằng một đội quân viễn chinh người Mỹ - vì như vậy sẽ phải trả giá quá đắt về người và đô la, mà bằng một chính phủ "quốc gia" với những đội quân "quốc gia". Vào thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh Đông Dương, những áp lực của Mỹ đối với Pháp đã trở thành sự thúc ép dồn dập thực sự. Ngày 18 tháng 2 năm 1954, Eisenhower tuyên bố rằng cuộc chiến tranh này phải được tiến hành vì nền độc lập của Việt Nam chứ không phải vì lợi ích của chủ nghĩa thực dân. Ngày 15 tháng 3, Thượng Nghị sĩ Mansfield cảnh cáo nước Pháp phải ủng hộ một nền độc lập tuyệt đối của các quốc gia liên hiệp; ngày 8 tháng 8, Foster Dulles khẳng định rằng nước Pháp phải trao độc lập cho các quốc gia này[37]. Rốt cuộc, ngày 16 tháng 6 chính phủ Hoa Kỳ đã buộc được Bửu Lộc, thủ tướng của chính phủ Bảo Đại, phải từ chức để nhường chỗ cho Diệm từ Mỹ trở về. Theo đó, để đương đầu với những người Cộng sản, trước nhân dân Việt Nam, Diệm hẳn là người đại diện cho thế giới tự do và các giá trị của phương Tây, người sẽ diệt trừ tận gốc âm mưu lật đổ của Cộng sản, được coi chẳng qua như một thứ quái thai được nảy nòi tự sự vụng về của người Pháp đã không hiểu nổi những nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, từ sự tham lam đến quá quắt của bọn thực dân người Pháp.

Để củng cố quyền lực của mình, Diệm sẽ phải cầu đến tất cả mọi hình thức "dân chủ" được phương Tây yêu chuộng. Ngày 18 tháng 10 năm 1955, Bảo Đại ra sắc lệnh chấm dứt nhiệm vụ của Diệm, Diệm trả đũa bằng cách tổ chức vào ngày 23 một cuộc trưng cầu ý dân. Các cử tri được nhận hai loại lá phiếu có hai màu khác nhau, một loại có in ảnh của Diệm kèm theo câu: Tôi phế truất Bảo Đại và chấp nhận Diệm làm quốc trưởng để xúc tiến một chế độ dân chủ. Những lá phiếu kia có câu: Tôi không phế truất Bảo Đại... kèm theo ảnh của ông vua này. Tất cả mọi người đều muốn phế truất Bảo Đại, nhưng thay thế Bảo Đại bằng Diệm thì lại là chuyện khác. Kết quả chính thức cho biết:

Số người đi bầu: 5828907, tức là hầu hết số người đăng ký.

Bầu cho Diệm: 5271735 chiếm 99,04%

bầu cho Bảo Đại: 63017 (Dân số vào thời điểm này được ước lượng là 11,5 triệu người)

Không bầu ai: 44155

Không đi bỏ phiếu: 131395

Về những con số này "người ta trở nên mắc lỡm"[38].
_______________________________________
[37] Xem báo Mỹ New York Times, các số ngày 19 tháng 2, 16 tháng 3 và 9 tháng 5.

[38] Báo Le Monde ngày 26 tháng 4 năm 1954.
 
Chỉ nhìn qua tình hình là thấy ngay sự láo toét. Lúc bấy giờ, Hòa Hảo và Cao Đài còn chiếm giữ trọn vẹn hàng loạt tỉnh, Diệm cũng không kiểm soát nổi một phần lớn nông thôn là nơi phong trào đấu tranh của nông dân, như chúng ta sẽ thấy, đang rất căng. "Diệm vấp phải sự chống đối của một đại bộ phận nhân dân, nhất là nông dân. Trong con mắt của nông dân miền Nam, Diệm là một kẻ xa lạ đã đẩy đất nước đến nạn đói" (Báo Paris Press ngày 6 tháng 2 năm 1956). Tạp chí Anh Eastern World, số ra tháng 11 năm 1955 ước lượng "một nửa số dân chống lại Diệm". Ngày 26 tháng 10, một vài ngày sau cuộc trưng cầu dân ý vào dịp công bố ra đời nền "Cộng hòa Việt Nam", phóng viên báo Pháp Le Figaro viết:

"Số lượng những người tích cực của Diệm hình như không nhiều cho lắm. Để chào mừng nước cộng hòa, 20000 người chủ yếu là những công chức và những người tị nạn đến từ miền Bắc cùng những trẻ em đến từ các trường học chỉ làm nên một cuộc biểu tình khiêm tốn. Những người khác ở yên tại nhà mình. Không thể nào so sánh được với những cuộc diễu hành ở Hà Nội. Tại đây, Việt Minh huy động từ hai đến ba mươi vạn người trong hàng nhiều giờ diễu qua lễ đài chính thức trong một không khí phấn khởi không giả tạo.[39]

Người ta không thể nào tố cáo báo Le Figaro là thân Cộng sản hoặc là Cộng sản giấu mặt. Sẽ là đúng với sự thật hơn nếu tin vào lời làm chứng của những người khẳng đinh rằng, chính quyền Sài Gòn đã chỉ làm một việc rất đơn giản là cho tay sai bỏ trước các lá phiếu vào trong những thùng phiếu. Thế nhưng, tất cả những trò này đã không ngăn cản được công cuộc "dân chủ hóa các thể chế" cứ thế tiến bước. Ngày 4 tháng 3 năm 1956, một cuộc tổng tuển cử đã đẻ ta một "Quốc hội" gồm 123 nghị sĩ và những nghị sĩ này, cũng hệt như ở phương Tây, thuộc nhiều chính đảng khác nhau. Phong trào cách mạng quốc gia cùng các phần tử liên minh chiếm 66 ghế, tổ chức Tập hợp công dân và liên minh 18 ghế, phong trào bảo vệ các quyền tự do 7 ghế, đảng Xã hội dân chủ 2 ghế, Đại Việt 1 ghế, số ghế còn lại vào tay 19 người không đảng phái chia nhau.
__________________________________________________ _________________________________
[39] Nên chú ý rằng Sài Gòn vào thời điểm đó có hơn một triệu dân, tức là gấp đôi số dân của Hà Nôi.
 
Cần nói rõ rằng phong trào bảo vệ các quyền dân chủ là do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Văn Chính đứng đầu. Quốc hội bầu Diệm làm Quốc trưởng, Tổng thống nước Cộng hòa, đứng đầu chính phủ và là Thống chế. Tổng thống có quyền giải tán quốc hội và bổ nhiệm các bộ trưởng. Nghị sĩ Công đảng Anh William Warbey tiến hành điều tra ở Sài Gòn, đã nhận xét:

"Chế độ này có tất cả mọi dấu hiệu bề ngoài của một nền dân chủ chính trị, nhưng thực chất là trống rỗng. Nó có một bản hiến pháp thành văn, một quốc hội được bầu. Ông Chủ tịch quốc hội, một con người khả ái và lịch sự, bác sĩ Trần Văn Lâm tự hào chỉ cho tôi thấy chiếc búa gõ của vị Chủ tịch, diễn đàn của các diễn giả, những băng ghế ngồi được xếp ngay ngắn của nhóm đa số, của nhóm thiểu số và của những nghị sĩ thuộc nhóm độc lập. Các nghị sĩ có thể tự do di chuyển từ dãy ghế này sang dãy ghế khác. Điều duy nhất mà chẳng một ai có thể nói rõ cho tôi biết là giữa ba nhóm và bảy chính đảng kia, có những gì khác nhau. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là ông Mậu, sau một tràng dài những lời lẽ kết tội Bắc Việt Nam, tuyên bố với tôi rằng miền Nam được hưởng một "chế độ tự do". Tôi hỏi ông ta rằng liệu sắc lệnh số 6, theo đó hơn 10000 người đã bị bắt giam không xét xử vì bị coi là "nguy hiểm cho nền an ninh công cộng", có nằm trong chế độ tự do hay không. Sau khi đã lẩn tránh trả lời câu hỏi này, cuối cùng nhượng bộ trước sự kiên trì của tôi, ông ta nói: "Không, điều này thuộc về luật hành chính. Chúng tôi vẫn sử dụng nó để chống lại những cá nhân không tin vào tự do[40]."

Vì vậy, để hiểu được chế độ này, phải bỏ qua những hình thức hiến pháp hoặc nghị viện mà nó tự khoác lên mình, để đặt ra câu hỏi: Diệm là ai, và ông ta đại diện cho những lực lượng xã hội nào ?

Diệm và gia đình của ông ta là một đề tài khiến các nhà báo rất chú ý. Người ta mô tả y như một nhân vật trầm mặc, khắc khổ, gánh trên đôi vai mình tất cả những gánh nặng của chế độ, chứ không như Bảo Đại, một con người mềm nhũn, nhu nhược, sống buông thả trên các bãi biển miền Côte-D'Azur của nước Pháp. Về gia đình của Diệm, các nhà báo gợi nhớ đến như những triều đình vua chúa nước Italia ở thành phố Florence[41] trước đây: người em dâu của Diệm, bà Nhu, gợi lên cho nhiều người quan sát nước ngoài hình ảnh của nhân vật Lucrèce Borgia[42].
________________________________________
[40] Báo Pháp France-Observateur, ngày 18 tháng 7 năm 1957.

[41] Florence: Một thành phố nổi tiếng trong lịch sử của nước Italia. Từ năm 1569 là thủ đô của Đại công quốc Toscane. Từ năm 1865 đến 1870 là kinh đô của vương quốc Italia. (ND)

[42] Lucrèce Borgia (11480-1519): một nữ nhân vật trong triều đình nước Italia lúc bấy giờ, nổi tiếng vì sắc đẹp và vì những âm mưu chính trị trong triều mà bà ta đã tham gia. (ND)
 
Sự ngoan cố của Diệm trước thái độ nhu nhược của các phần tử thân Pháp đơn giản chỉ là sự ngoan cố của Hoa Kỳ quyết giành cho kỳ được quyền huynh trưởng từ tay một nước Pháp chỉ chống cự một cách yếu ớt. Chừng nào nhà cầm quyền Pháp còn tin rằng mình có thể nắm chắc trong tay dân chúng Việt Nam thì họ còn cần đến một vị hoàng đế, dù cho chiếc ngai vàng của ông ta được đặt ở Huế hay ở Cannes cũng chẳng sao. Trong trường hợp đó, nếu như Bảo Đại tỏ ra cương quyết thì đơn giản chỉ việc gạt ông ta đi là xong. Thế nhưng sau trận Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân Pháp đã từ bỏ mọi hy vọng giữu quyền lãnh đạo chính trị ở Việt Nam, đành cam tâm với một trận đánh chặn hậu của một đội quân đang rút lui hòng vớt vát một số quyền lợi kinh tế. Đối mặt với Pháp là một chính phủ Hoa Kỳ quyết tâm nắm lấy quyền lãnh đạo và ủng hộ Diệm đến cùng, truyền cho y đủ nghị lực cần thiết để ngồi yên trong dinh thự của mình, chờ sự ngã ngũ của những cuộc điều đình đang diễn ra ở Washington và Paris. Cứ mỗi khi Diệm gặp khó khăn với các nhà đương cục Pháp thì Eisenhower, Foster Dulles, Thượng Nghị sĩ Mansfield, tướng Collins, giáo chủ Spellman đua nhau tiếp cứu và mọi việc lại đâu vào đấy, trong khi các nhà báo giật dòng tít: Nhờ ngoan cố, Diệm đã thắng.

"Đã biết bao lần, người ta tưởng ông ta đã bị đánh bại rồi. Bị đánh bại bởi tướng Hinh, bị đánh bại bởi thủ tướng Trần Văn Hưu, bị đánh bại bởi nhân vật có sức mạnh vô cùng là Lê Văn Viễn và bởi các giáo phái đang đóng ngay trong lòng thành phố Sài Gòn, bị đánh bại bởi chính phủ Pháp trươc sau vẫn chỉ chấp nhận ông ta trên đầu lưỡi và bởi Bảo Đại, ông vua lòng dạ xảo quyệt và hay sớm nắng chiều mưa, một đấng quân vương đang thất nghiệp vì không có vương quốc. Cứ mỗi lần cơn bão tố lên đến đỉnh điểm, khi các thế lực lật đổ đang xoa tay hể hả và Diệm đang loạng choạng thì người ta lại thấy từ trên máy bay bước xuống một ông tướng hay một ông giám mục người Hoa Kỳ. Ngay ngày hôm sau, con tàu như đang sắp chìm của tổng thống Diệm lại nổi lên mặt nước. Nắm chắc sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Diệm là con người không thể bị tiêu diệt[43]."

Sở dĩ Diệm đã cài tất cả mọi thành viên của gia đình mình vào các vị trí chỉ huy của chế độ, việc đó không có nghĩa là gia đình này có sẵn những đức tính bẩm sinh đặc biệt, mà đơn giản chỉ là vì ông ta không thể nào làm khác được. Ông ta không thể tin vào bất cứ một ai khác, do bản chất quan lại thâm căn cố đế của mình. Diệm chỉ có thể quan niệm được một cách cầm quyền duy nhất, đó là cách cầm quyền theo lối phong kiến.
___________________________________
[43] Henri Amouroux, Croix sur I'Indochine, trang 19.
 
Diệm trước hết là một phần tử phong kiến: từ này có nghĩa là gì ở nước Việt Nam tại thời điểm năm 1954 ?

Ở miền Nam Việt Nam, phải có một sự phân biệt cơ bản giữa các cấu trúc xã hội và chính trị của ba vùng mà chúng tôi đã phân định trong phần mở đầu của cuốn sách này. Đó là: Nam Bộ hay Cochinchine[44], những dải đồng bằng nhỏ của miền Trung hay Trung Bộ và Tây Nguyên. Ở đây chưa đề cập các vấn đề ruộng đất mà chúng tôi sẽ trở lại, trước hết phải thừa nhận cơ cấu ruộng đất có tầm quan trọng quyết định đối với các vấn đề chính trị, giống như ở tất cả các nước bị thực dân hóa.

Những dải đồng bằng nhỏ ở Trung Bộ cho đến năm 1919 vẫn giữ cấu trúc cũ của nước Việt Nam truyền thống, giống hệt như ở miền Bắc.

Một lượng dân cư dày đặc trên những đồng bằng nhỏ hẹp, và vấn đề sở hữu ruộng đất trải qua hàng nhiều thế kỷ đã gây nên một cuộc đấu tranh quyết liệt, không còn những lãnh chúa sở hữu những ấp trại lớn, ở bên trên một số đông vô vàn những nông dân không có ruộng hoặc chỉ có rất ít, lần lượt chồng lên một giai cấp phú nông đông đảo, những địa chủ sở hữu từ 3 hec-ta đến vài chục hec-ta. Một ai đó sở hữu khoảng 4 hay 5 hec-ta có thể cho phát canh ruộng để thu tô ít nhất là 50% thu hoạch, và nắm trong tay mình một đám người phụ thuộc gồm từ 8 đến 10 gia đình bần nông. Đám người này, ngoài số tô phải nộp, có thể còn buộc phải biếu xén hoặc góp những ngày làm không công cho chủ ruộng. Gặp buổi thời tiết bình thường, người bần nông hay người cố nông không có ruộng canh tác từ một nửa đến một hec-ta có thể có vừa đủ gạo để ăn trong những tháng ngày mùa, vào mùa hạ và vào cuối năm, thì ăn khoai trong những mùa khác. Nhưng nếu xảy ra một cơn hạn hán, một trận lụt hoặc một cơn trọng bênh xảy đến cho gia đình nông dân hay cho con trâu, thì họ buộc phải đến vay nợ người chủ ruộng của mình. Nợ lãi 10% trên một tháng, nhiều khi còn hơn, và khi một người bần nông mắc phải một món nợ lớn, thì nhiều lắm là anh ta trả được số tiền lãi. Trên thực tế, anh ta trở thành một kẻ nô lệ suốt đời, nhiều khi để trả được nợ, nông dân phải đợ con cho địa chủ để họ nuôi làm đầy tớ. Hễ ai đó có được chỉ khoảng một hec-ta ruộng là đã đứng vào hàng trung nông, có được một hec-ta rưỡi thì đã là phú nông, tuy vẫn phải tự tay mình lao động. Dần dà, cứ từng mảnh ruông nhỏ cộng lại, số ruộng đất sở hữu lớn dần lên, thì chủ ruộng cũng leo dần lên những nấc thang xã hội trong làng, để cuối cùng không cày cấy nữa mà chỉ sống bằng sức lao động của người khác. Đương nhiên, những ai đã được thừa kế sẵn nhiều tiền và ruộng đất của cha mẹ để lại, những kẻ ấy có đủ điều kiện hơn để thâu tóm vào tay mình những mẫu ruộng mà bần nông, trung nông hay phú nông buộc phải đem cầm cố hoặc bán đi. Người ta tranh nhau quyết liệt từng thước vuông ruộng. Để duy trì trật tự, thu thuế, chế độ quân chủ cũ của Việt Nam đã đặt ra thể chế quan lại, một đội ngũ viên chức cao cấp được tuyển chọn thông qua thi cử, để trở thành những quan huyện, quan phủ, quan tỉnh, quan án, thượng thư. Một thể chế rất lâu đời, bởi khoa thi tuyển quan lại đầu tiên được mở từ năm 1075 cho đến tận năm 1919 vẫn giữ hầu như nguyên vẹn những tính chất cơ bản đã có từ đầu. Ông quan là người thay mặt cho Hoàng đế, đáng Thiên tử, tức là con của Trời, bản thân ông quan là "cha mẹ của dân", không làm gì có chuyện hỏi ý kiến của dân, làm đại diện cho dân thì lại càng không.

"Mỗi khi ông ta (ông quan) đi ra, có hai hoặc ba người lính đi sau tay cầm biển, lọng theo hầu và trước cảnh tượng đầy tính lễ nghi như thế, ai nấy đều tránh xa và cung kính vái chào. Khi lên gặp quan, không phải là người dân đến trước một ô cửa (ghi-sê) để giáp mặt với người đại diện của Nhà nước trông vẻ chẳng có gì là ghê gớm, trái lại, khi người dân đến cửa quan, trước mặt anh ta được trưng ra một loạt nào cờ, nào biển, nào những câu chữ nạm vàng, cả một hệ thống nghi lễ với những cử chỉ, những công thức thưa gửi bắt buộc phải tuân theo, khiến anh ta phải cúi đầu và hạ thấp giọng nói của mình xuống. Người dân đang đứng trước vị đại diện uy phong của đấng Thiên tử."[45]
______________________________________
[44] Nam Kỳ.

[45] Xem Confucianisme et marxisme au Vietnam (Khổng giáo và chủ nghĩa Mác ở Việt Nam) tạp chí Pháp La Pensée tháng 10 năm 1962.
 
Ông quan thường xuất hiện từ gia đình địa chủ, cũng có những trường hợp học trò nghèo mà thi đõ cho nên được đi làm quan. Trong trường hợp đó, họ lợi dụng cơ hội dễ tậu đất thu hoa lợi bằng cách lợi dụng uy quyền của mình, nói chung họ đều trở thành địa chủ, tậu ruộng với giá rẻ hoặc làm giàu bằng cách ăn hối lộ. Bộ máy quan lại trong mỗi xã được sự giúp sức của một hội đồng, hương chức tự chọn thành viên của mình trong số những người "có danh giá" trong xã, trên nguyên tắc, tất cả mọi người trong xã đều có thể trở thành hương chức, nhưng trên thực tế, những đóng góp, những mâm cỗ bắt buộc phải bày biện theo tục lệ mà tất cả ai nấy đều phải tuân theo, khiến cho toàn thể nông dân nghèo không ai lọt được vào hàng ngũ chức sắc trong xã.

Lúc bình thường, nông dân nghèo cam chịu chế độ một cách thụ động, nhưng khi nạn đói trở nên quá gay gắt, khi những yêu sách đóng góp của các quan lại và hương chức trở nên quá quắt, khi chế độ quân chủ chìm đắm trong tệ nạn ăn chơi trụy lạc, bắt buộc nông dân phải đóng thuế quá cao, thì nông dân nổi loạn, những "toán cướp" hình thành, đánh vào các cơ ngơi của bọn hương chức để lấy của chia cho người nghèo. Các viên quan chỉ huy quân đội của nàh vua đàn áp cuộc nổi loạn với tất cả sự khốc liệt đặc thù cho mọi chế độ phong kiến. Những người cầm đầu nổi loạn bị chặt đầu ở nơi công cộng, đầu của họ bị cắm vào cọc tre nhọn, đem bêu hết ngày này sang ngày khác, hòng khủng bố tinh thần của những ai còn có ý định làm theo gương của những nông dân đã nổi loạn.

Đôi khi, phong trào nổi loạn của nông dân lan ra nhiều tỉnh, uy hiếp sự sống còn của cả bản thân nền quân chủ. Cũng như mọi chế độ quân chủ, vương triều Việt Nam không đùa với những kẻ nổi loạn. Những người cầm đầu bị sa vào tay họ đều bị tra tấn một cách khủng khiếp, bị vứt vào những vạc dầu sôi, thân bị trói vào những cột đồng đã bị nung đỏ, toàn gia tộc bị tru di đến đời cháu, cả trẻ con và thanh niên cũng không thoát. Một số tên quan cho xẻ thịt những người cầm đầu nổi loạn để moi lấy buồng gan - được quan niệm là chỗ sản sinh ra lòng can đảm và nhân phẩm. Buồng gan đó cũng bị bêu cùng với đầu của người bị giết.
 
Sau năm 1894, chế độ quân chủ Việt Nam vì sợ nông dân hơn là sợ bọn chinh phục người Pháp, đã điều đình với nước Pháp để Việt Nam trở thành một xứ bảo hộ. Nhà cầm quyền thực dân nắm lấy tất cả mọi chức năng điều khiển chung, những nhiệm vụ về kỹ thuật hiện đại, giao cho các quan lại và hương lý công việc duy trì trật tự và thu thuế ở các vùng nông thôn. Các quan lại và hương lý đã tìm được ở quân đội Pháp sự bảo vệ chống lại bọn "cướp" có hiệu lực hơn sự che chở của những đội quân của nhà vua trước đó. Còn các nhà cai trị người Pháp thì nhờ có các quan lại và hương lý mà kiểm soát được hàng triệu nông dân mà họ chẳng hiểu biết mô tê gì về phong tục và ngôn ngữ.

Hàng ngũ quan lại được các nàh cầm quyền Pháp lựa chọn rất kỹ, và viên thượng thư bộ lại của vương triều Việt Nam, được lựa chọn một cách cực kỳ khắt khe. Đối với các viên quan đầu tỉnh cũng vậy, trung thành với chế độ thuộc địa là đức tính số một mà họ đòi hỏi ở các ông quan. Tất cả những ai còn ít nhiều giữ chút tình cảm dân tộc đều bị loại trừ không thương tiếc hoặc đẩy xuống những chức vụ phụ thuộc. Ông quan rốt cuộc bị mất hết mọi uy tín.

Cha của Ngô đình Diệm vốn là Thượng thư ở triều đình Huế, người anh cả của Diệm là Tổng đốc tỉnh Quảng Nam. Giòng họ Ngô Đình vừa là quan lại vừa là công giáo, được hưởng niềm tin cậy trọn vẹn của nhà cầm quyền Pháp. Trong gia đình họ Trần, thông gia với gia đình họ Ngô, có viên quan Trần Văn Thông, Tổng đốc tỉnh Nam Định, con ông này là Trần Văn Chương, cựu thành viên của Hội đồng thuộc địa Đông Dương đã gả con gái của mình cho Nhu, em ruột của Diệm. Vừa mới lên nắm quyền, Diệm đã bổ nhiệm Trần Văn Chương làm đại sứ ở Washington. Nhu và vợ đều là cố vấn tối cao của chính phủ, là nghị sĩ và là những người chủ thật sự của chế độ này. Một người em gái của vợ Nhu được gả cho Nguyễn Hữu Châu, người sẽ được Diệm phong làm bộ trưởng, còn một người em thứ hai của Diệm là Luyện, sẽ được bổ làm đại sứ ở Luân Đôn, một người em thứ ba, Cẩn, một kẻ gần như là mù chữ, trên thực tế đã trở thành vị chúa tể của miền Trung Việt Nam tuy không giữ một chức vụ chính thức nào; thế nhưng tất cả mọi viên chức, sĩ quan ở miền Trung đều phải tuân theo lệnh của Cẩn, và Cẩn có đội bảo vệ, đội cảnh sát riêng của mình. Một người em thứ tư, đức cha Thục, lúc đó là Tổng giám mục địa phận Huế. Chỉ những kẻ không có chút am hiểu gì về các phong tục phong kiến mới lấy làm lạ trước hiện tượng một gia đình thâu tóm hết mọi quyền hành vào tay mình: chuyện này chẳng có gì là không bình thường đối với gia đình Diệm.
 
Những năm 1929-1930, sau các cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, bộ máy đàn áp của thực dân và quan lại đã hoạt động hết công suất. Tòa đại hình Hà Nội đã tuyên án 1099 vụ, các tòa án của quan lại 5083 vụ, trong thời gian từ năm 1930 đến 1933, trong đó có 164 bản án tử hình đối với 188 người. Phần lớn những người bị kết án đều bị đày ra Côn Đảo, hoặc tới các nhà tù Lao Bảo, Kon Tim, Sơn La[46]. Lúc bấy giờ, Diệm tương đối còn trẻ, tuy nhiên, ở tuổi 30 y đã được chính quyền thuộc địa tin cậy giao cho chức tuần phủ một tỉnh nhỏ ở miền Trung là Ninh Thuận. Trong những năm khủng bố trắng đó, y đã trổ tài khuyển mã đến mức năm 1933 được chính quyền thực dân giao cho chức Thượng thư bộ Lại ở Huế, đứng đầu bộ máy quan lại, thế chân cho Nguyên Hữu Bài, cũng là người Công giáo. Ông này phải chăng là người có quan hệ họ hàng với Diệm, bởi Nguyễn Hữu Bài chẳng phải ai khác mà chính là bố vợ của Ngô Đình Khôi, anh ruột của Diệm, làm Tổng đốc tỉnh Quảng Nam. Diệm sau đó bị hất cẳng bởi Phạm Quỳnh, một nhà báo từ năm 1917 đã đem ngòi bút của mình phụng sự chế độ thực dân. Từ đó, Diệm bắt đầu liên lạc với Nhật Bản, một cường quốc mà sức mạnh bắt đầu nổi lên ở Viễn Đông. Tuy nhiên, năm 1945, khi người Nhật Bản ban cho chính phủ Bảo Đại nền độc lập bánh vẽ và hất cẳng chính quyền thực dân của Pháp, họ đã không chọn Diệm vì y đã quá mang tai tiếng với chế độ thực dân, mà chọn nhà nho Trần Trọng Kim để đặt lên ghế thủ tướng. Rốt cuộc, Diệm dạt vào tay người Mỹ, nhưng mãi đến tận năm 1954, Mỹ vẫn không sao áp đặt được Diệm cho những người Pháp ở Đông Dương.

Như vậy, Diệm trước hết là một viên quan lại, một phần tử thuần chất phong kiến. năm 1954, hệ thống phong kiến Việt Nam còn sống sót được ngờ dựa vào chính quyền thực dân, đã bị lâm vào một cuộc khủng hoảng ghê gớm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, những kẻ "làm giặc" đã tước được ruộng đất từ tay địa chủ, tống khứ hết bọn hương lý và quan lại, lập nên một chế độ mới trên nửa phần phía bắc của nước Việt Nam. Thế là, một phần lớn những phần tử phong kiến ở Bắc Việt Nam, cùng với bầu đoàn của họ, đã theo gót đội quân viễn chinh của Pháp di cư vào miền Nam.
_____________________________________
[46] Công báo của Pháp, số ra ngày 14 tháng giêng năm 1933.
 
Tất cả những thế lực phong kiến này ngay lập tức tự đặt mình dưới cánh tay che chở của người Mỹ. Họ nghĩ rằng với sự giúp đỡ có sức mạnh vạn năng của Hoa Kỳ, họ có thể một ngày kia trở về miền Bắc, giành lại ruộng đất và những đặc quyền đặc lợi của mình trên phần phía nam của Trung Bộ Việt Nam. Chính quyền của kháng chiến Việt Nam cũng đã chia ruộng đất cho dân cày nghèo, thiết lập những ủy ban hành chính nhân dân thay cho các quan lại và hương lý. Sau đình chiến, các thế lực phong kiến đã trở lại cầm quyền và quân đội nhân dân đã rút hết khỏi những lãnh thổ này để tập kết lại trên miền Bắc. Vậy là, chính quyền của Diệm chủ yếu dựa vào các giai cấp phong kiến, địa chủ, quan lại và hương lý đã bị đuổi khỏi miền Bắc, kết hợp với những thế lực này ở miền Trung, những thế lực trong một số năm cũng từng được nếm trải thế nào là cách mạng[47].
______________________________________
[47] Ở điểm này, chúng tôi cần phải mở một dấu ngoặc. Đối với một độc giả người phương Tây, đã sống quen trong những nước tại đó chế độ phong kiến đã biến mất từ nhiều thế kỷ, thật khó hình dung nổi một số sự việc đang diễn ra tạo những nước còn ở thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa. Điều này lại càng khó hơn nữa bởi vì có không ít người phương Tây đã quen biết giao thiệp với những người Việt Nam, những sinh viên trí thức có vẻ cũng giống như họ, cũng hiện đại như chính họ. Để hiểu được những con người như Diệm - hoặc như nhiều nhà lãnh đạo ở các nước khác được gọi là nước kém phát triển, độc giả phương Tây phải cố gắng lùi trở lại quá khứ cách đây vài ba thế kỷ. Khi người ta nói đến những viên quan lại hay hương lý ở Việt Nam, khi người ta muốn tái tạo lại bầu không khí ở một làng công giáo Việt Nam, người ta phải đối chiếu với tình hình nước Pháp cách đây vài thế kỷ. Do các nhà báo phương Tây thường không nói được tiếng bản ngữ, không có quyền đến các làng xã là nơi đang sinh sống của đại đa số dân chúng, mà chỉ thường gặp những kẻ nói tiếng Pháp (hoặc tiếng Anh) tức là đã được hiện đại hóa, họ thường bỏ qua một phần lớn những xung đột đang làm lay động cả một nước như Việt Nam. Họ không thể tường thuật lại những hành vi của các thế lực phong kiến, cũng như cuộc đấu tranh của nông dân, nhất là vì cuộc đấu tranh lại diễn ra trong hàng nghìn làng mạc tản mạn. Những gì diễn ra ở các thành phố thì chỉ như là phần nhô lên khỏi mặt nước của một tảng băng. Chúng tôi sẽ buộc phải dùng đến những nguồn tư liệu Việt Nam, những xuất bản phẩm của Hà Nội hay của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chúng tôi sẽ nói rõ xuất xứ của tư liệu mỗi khi dùng đến, để lưu ý người đọc và để cho người đọc, nếu muốn, có thể kiểm tra tính xác thực của tài liệu. Tuy nhiên, có một điều chúng tôi cần lưu ý trước độc giả, do đây thường là chuyện của một thế giới đã thuộc về quá khứ, cho nên chuyện có thật đôi khi lại như là chuyện không thể nào có thật. Đôi khi, có trường hợp những nhà báo phương Tây biết rõ sự việc nào đó nhưng họ lại ỉm đi không nói đến, để khỏi bị coi là người viết chuyện bịa. Robert Guillam, một người biết rõ Việt Nam, đã viết trên báo Le Monde số ra ngày 6 tháng 4 năm 1951 những dòng sau đây:

"Bởi vì đây đúng là một chế độ phát xít... Cách đây ba năm, khi viết về đất nước này, tôi đã nhấn mạnh đến những niềm hy vọng mà lúc đó nó còn gợi lên và tránh không đề cập vấn đề chính trị. Tóm lại, trong bài phóng sự của mình lúc bấy giờ, tôi đã tự áp đặt cho mình phải tự kiểm duyệt, điều mà một nhà báo có tinh thần trách nhiệm đôi khi phải tự áp đặt cho mình. Ngày nay, hy vọng về một sự chấn hưng của chế độ này đã hoàn toàn bị biến thành một chuyện đùa quá ư lố bịch, cho nên một sự tự giữ gìn có lẽ không còn thích hợp nữa."
 
Thế giới phong kiến và nông dân ở Việt nam đã mang một đặc điểm không hề có ở bất cứ một nước nào khác ở châu Á. Đó là, một thiểu số tín đồ Thiên chúa giáo với một cấu trúc hết sức vững mạnh. Giới công giáo Việt Nam phải phân biệt một cách cơ bản những tín đồ ở các thành thị và những tín đồ ở nông thôn. Những tín đồ công giáo là thị dân không có gì khác với những tín đồ công giáo ở châu Aaum họ sống lẫn với những người không phải là tín đồ công giáo, thực hành những lễ lạt tôn giáo tùy theo lòng tin của mỗi người. Nhưng các tín đồ công giáo nông dân, nhất là ở miền Bắc, lại họp thành những xã, thậm chí những huyện toàn tòng, sống như một cộng đồng riêng biệt giữa một đất nước mà đa số dân không phải là tín đồ công giáo, tựa như những hòn đảo nhỏ giữa biển lớn. Số lượng người công giáo vào năm 1954, được ước tính là một triệu rưỡi người so với tổng số dân vào khoảng 26 triệu. Giáo xứ được đặt dưới quyền điều khiển của một ông cha xứ, với một bộ máy hành chính xứ giúp việc: toàn thể dân trong xứ đều xem lễ không phải chỉ vào ngày chủ nhật, mà tất cả mọi ngày. Khi có tiếng chuông của nhà thờ, tất cả ai nấy trên đồng ruộng đều ngừng công việc để cầu nguyện. Cha xứ nắm quyền điều khiển không chỉ về phần đạo mà cả về phần đời, và đối với những người nông dân sùng đạo như thế, không hay biết một chút gì về thế giới bên ngoài, chỉ biết sử dụng những kỹ thuật canh tác thô sơ, thì lời nói của ông cha xứ, về tất cả mọi vấn đề, đều là lời dạy của sách Phúc Âm. Vì những lý do lịch sử mà chúng tôi sẽ nhắc lại một cách ngắn gọn, một sự kình địch ngấm ngầm kéo dài hàng thế kỷ đã không ngừng đối lập các làng công giáo với những làng xã xung quanh.[48]
____________________________________
[48] Sau đây là lời của tạp chí Informations catholiques internationales (Thông tấn công giáo quốc tế) số ra ngày 15 tháng 12 năm 1961, mô tả cộng đồng công giáo làng xã ở Việt Nam.

"Làng, theo truyền thống là đơn vị sinh hoạt thực sự, sự quy theo đạo của cả làng là điều mà các nhà truyền giáo tìm cách thực hiện, do không làm được điều đo, họ xúi giục các gia đình mới theo đạo tập hợp nhau lại thành những thôn xóm tách biệt. Tại đó, những tín đồ mới theo đạo được hưởng một môi trường lành mạnh hơn và được sống một đời sống công giáo cộng đồng. Tuy nhiên, cộng đồng công giáo được tập hợp như thế trong một thời gian đã mang một số tính chất nào đó của một cộng đồng khép kín.Ở Việt Nam có một kiểu ngôn ngữ riêng của công giáo, nhưng đưc tin còn làm người ta sử dụng một kiểu lịch riêng dùng tên của các ông thánh, cả một nền văn hóa xa lạ với những người không phải là tín đồ công giáo. Hơn nữa, các mối quan hệ giữa những làng công giáo và những làng không phải là công giáo, không phải bao giờ cũng êm đẹp, chỉ cần có ai đó làm thay đổi hướng chảy của một dòng nước tưới ruộng, hoặc tranh chấp nhau về chuyện bờ vùng bờ thửa là đủ để sinh chuyện nghiêm trọng. Hơn nữa, một số tín đồ tự xưng là "đạo gốc" tỏ thái độ trịch thượng và xa lánh theo kiểu bọn pha-ri-xêu đối với cộng đồng người ngoại đạo nói chung. Những thói mê tín ấu trĩ, cách ăn nói thô lỗ của những người này là một lý do ít nhiều của thái độ nói trên. Nhưng một trạng thái tâm lý như thế chẳng hề tạo dễ dàng cho sự tỏa sáng của tòa thánh, thậm chí cũng chẳng giúp gì cho việc tìm hiểu những tín ngưỡng, tình cảm, tâm lý chung của những người không phải là công giáo."

Như vậy, chính những người công giáo cũng thừa nhận giới công giáo Việt Nam đã luôn luôn là một "dị vật" trong đất nước này.
 
Những nhà truyền giáo đầu tiên của đạo thiên chúa là những người Bồ Đào Nha và người Pháp đã đến Việt Nam hồi thế kỷ 17, thời kỳ chế độ phong kiến Việt Nam đang trải qua một cơn khủng hoảng sâu sắc. Hai gia tộc phong kiến, họ Trịnh và họ Nguyễn, chia nhau đất nước này, một họ thống trị ở phía bắc, họ kia ở phía nam vĩ tuyến 18, không ngớt gây chiến với nhau để giành quyền bá chủ đất nước. Việt Nam sau nhiều năm theo Phật giáo, đã nhận Khoongr giáo làm học thuyết chính thức, nhưng chế độ chẳng hề cải thiện đời sống của nông dân, còn bị làm tệ hại hơn vì tình trạng đất nước bị chia cắt và chiến tranh liên miên. Môi trường thật thuận lợi cho sự truyền bá một tôn giáo mới trong tầng lớp dân nghèo, khi các cuộc nổi loạn của họ đều bị các chúa nghiền nát không thương tiếc. Các chúa bị thu hút bởi những kỹ thuật được những cha cố dòng tên đến từ phương Tây sử dụng như những phương thức để tiếp cận những chiếc đồng hồ chạy bằng máy, những lời tiên đoán nhật thực nguyệt thực làm cho họ vô cùng thích thú. Và nhất là, có những tu sĩ dòng Tên đã dạy cho các chúa kỹ thuật đúc súng đại bác, vì vậy mặc dù e ngại không muốn truyền bá một thứ tín ngưỡng của nước ngoài trong một nước vốn thấm nhuần Nho giáo, các vị chúa trị vì đã dung túng cho các nhà truyền giáo Thiên Chúa hoạt động, thậm chí thường hay thu nhận ở triều đình của mình những viên cố vấn là tu sĩ dòng Tên, làm cho các nhà truyền giáo càng có uy tín lớn đối với dân nghèo. Một số quan lại, họ hàng nhà chúa đã quy theo đạo, cho đến thế kỷ 19, những tín đồ công giáo này không bị đàn áp nhưng sống giữa một thế giới không theo công giáo có phần nào ác cảm và họ đã tập hợp nhau lại thành những xóm làng riêng biệt. Tình hình một cộng đồng tôn giáo sống trong tình thế bị thiểu số, vì những kỹ thuật sản xuất lạc hậu, đã tạo nên ở những nông dân công giáo Việt Nam với tinh thần sùng đạo cao đến mức khiến cho bất cứ nhà quan sát nào đến từ nước ngoài cũng phải chú ý. Ở đây không thể có nhwungx con chiên ngoan đạo, bởi địa ngục và thiên đường là câu chuyện có thật như bát cơm ăn hàng ngày, thậm chí còn thật hơn cả bát cơm, bởi nhiều người còn thiếu ăn hàng ngày, nhwung những niềm an ủi của tôn giáo thì không bao giờ thiếu. Người nông dân công giáo Việt Nam chắc chắn thà chịu chết còn hơn mất đạo, bởi cuôc sống trần gian của họ chẳng có gì là sung sướng. Quyền điều khiển giáo hội công giáo Việt Nam nằm trong tay những nhà truyền giáo người phương Tây, và tùy theo vận hội của những đế quốc khác nhau, quyền điều khiển đó được chuyển từ tay kẻ này sang tay kẻ khác. Trong suốt thời kỳ đầu của thế kỷ XVII, một cuộc tranh giành quyết liệt đã diễn ra giữa các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Pháp; trước sự suy tàn của đế quốc Bồ Đào Nha, ưu thế đã lọt vào tay các nhà truyền giáo người Pháp; năm 1658, rồi 1660, tòa thánh La Mã đã bổ nhiệm vài chức vụ giám mục cai quản các hạt Nam Kỳ, Bắc Kỳ và phần phía nam của Trung Quốc, hai nhà truyền giáo Pháp là Pallu và Lambert de la Motte... Các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha mặc dù chống lại quyết liệt chẳng mấy chộc đã bị gạt ra.
 
Vào cuối thế kỷ 18, một người thuộc dòng họ các chúa Nguyễn, tức là dòng họ đang trị vì ở miền Nam, bị cuộc nổi dậy của Tây Sơn đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, chạy sang ẩn náu ở đất Xiêm, và tại đây một nhà truyền giáo người Pháp là Pigneau de Béhaine đã bắt liên lạc với ông ta, xúi ông ta năm 1787 ký một hiệp ước với triều đình Louis XVI, tuyển mộ sĩ quan người Pháp để giúp ông ta đánh bại Tây Sơn. Các sử gia người Pháp luôn luôn có xu hướng đánh giá quá cao tầm quan trọng của sự giúp đỡ về quân sự này, sau một số năm đạt tới đỉnh vinh quang nhờ đánh đuổi cả hai dòng chúa kình địch nhau thống trị ở miền Bắc và miền Nam, tức chúa Trịnh và chúa Nguyễn, thống nhất đất nước, đập tan một đội quân Trung Hoa hùng mạnh kéo sang cứu viện cho các thế lực phong kiến nhà lê, Tây Sơn cuối cùng đã bị nhà Nguyễn đánh bại, cùng với việc Gia Long lên ngôi hoàng đế năm 1802.

Gia Long để công giáo được truyền bá. Nhưng những người kế vị ông ta, hoảng sợ trước những biểu hiện đầu tiên của mưu đồ bành trướng, của chủ nghĩa tư bản phương Tây ở châu Á, đã nhìn công giáo với một con mắt khác với Gia Long, nhất là khi một số nhà truyền giáo như giám mục Pellerin, Lefèvre, Puginier, và không chỉ có những người này, đã hành động như những kẻ gián điệp thực sự và thúc đẩy vua Pháp Napoléon Đệ Tam tiến hành chinh phục nước Việt Nam. Chế độ quân chủ Việt Nam đã vụng về phạm phải sai lầm là đàn áp thiểu số người công giáo, tạo cớ cho quân đội Pháp can thiệp.[49]

Sự cấu kết giữa một số nhà truyền giáo người Pháp với các đội quân Pháp được tung vào công cuộc chinh phục nước Việt Nam đã làm cho thiểu số người Việt Nam theo đạo Thiên Chúa bị mất hết tín nhiệm đối với dân tộc. Những nhà nho nổi dậy sau sự kiện năm 1884 chống lại quân chiếm đóng ghi lên lá cờ của mình khẩu hiệu: bình Tây sát tả (tức là những người công giáo). Bị các nhà truyền giáo thúc đẩy, lại hoảng sợ bởi chiến dịch chống công giáo của các nhà nho, một số công giáo Việt Nam liền đứng về phía những kẻ chinh phục người nước ngoài. Chính vì vậy trong trận Ba Đình năm 1887, bộ chỉ huy Pháp đã huy động được hàng nghìn dân công công giáo từ vùng Phát Diệm để tiếp tế lương thực cho quân đội của họ. Chính quyền thực dân vào buổi ban đầu đã sử dụng nhiều người công giáo làm phiên dịch, thư ký cho mình... Thế là, trong nhiều năm trời, phong trào dân tộc của Việt Nam sẽ không ngừng gắn cuộc đấu tranh giành độc lập với cuộc đấu tranh chống công giáo giữa nhân dân ở các làng công giáo và nhân dân các thôn xã kế cận, mỗi khi xảy ra tranh chấp, nhất là về quyền sở hữu ruộng đất, các viên quan cai trị người Pháp, được các cha cố yêu cầu, lại đứng về phe các làng công giáo để can thiệp. Các giáo xứ mua ruộng để phát canh cho nông dân nghèo, thế là những người nông dân này quy theo đọa và làm cho dân cứ xứ đạo càng đông thêm. Giáo hội Thiên Chúa giáo trở thành một trong số những địa chủ lớn nhất trong cả nước và đó là điều về sau sẽ giải thích vì sao họ chống lại các cuộc cải cách ruộng đất. Ở những vùng có đông dân chúng theo công giáo, như ở Phát Diệm, Bùi Chu, các ông giám mục là những ông vua con thực sự, một số ông cha đạo cũng vậy, như cha Cadière chẳng hạn. Trong vùng mỏ Hòn Gai, có những ông cố đạo tổ chức công nhân lại, dạy cho họ biết kiên nhẫn chịu đựng.

Bởi đó chính là việc không dễ dàng nhất. Tìm cho được những người culi và giữu họ lại ở Hòn Gai, ngăn không cho họ trốn thoát. Người ta đã thử đủ mọi cách, nhưng đều vô hiệu... Một người quản lý công ty đã tìm ra một phương pháp hay hơn: đó là tôn giáo. Theo ông ta nghĩ, những nhà truyền giáo đóng ngay tại đất mỏ sẽ giữ được chân những người công giáo ở lại mỏ. Thế là, người ta phái đến một ông cha người An Nam và những nhà truyền giáo người Tây Ban Nha. Người ta đã xây cho họ cái nhà thờ con con này và xứ đạo vừa mới chào đời đã có ngay 700 culi. Con dê bị buộc ở đâu thì nó gặm cỏ ở đấy, ở đâu người theo đạo có nhà thờ của mình thì anh ta cầu nguyện ở đấy mà có ngỡ đâu rằng đó là vì hầu tước Caribbas[50] mà ông cha người da vàng làm lễ.
_________________________________________
[49] Tìm đọc tỏng tác phẩm của J. Chesneaux: Introduction à I'histore de la nation Vietnamienne (Để hiểu lịch sử của dân tộc Việt Nam) để thấy những diễn biến trong công cuộc chinh phục của người Pháp.

[50] Roland Dorgelès, La route mandarine (con đường cái quan), trang 85.
 
Sự thông đồng này giữa nhà thờ công giáo với chế độ thực dân sẽ là dấu ấn của một thứ như là tội tổ tông đối với cộng đồng công giáo Việt Nam. Không một tín đồ công giáo trung thực nào sẽ phủ nhận điều này, và nhiều người công giáo Việt Nam sẽ cố công để rửa sạch cái dấu vết phản dân tộc này. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bắt đầu năm 1945 đã là cơ hội cho những tín đồ công giáo yêu nước hội nhập trở lại với cộng đồng dân tộc, và việc này đối với họ lại càng dễ dàng hơn, bởi đây là lần đầu tiên phong trào dân tộc Việt Nam thể hiện một sự phân biệt rất dứt khoát giữa vấn đề chính trị và vấn đề tôn giáo. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thừa nhận quyền tự do tín ngưỡng, nhiều cha cố và tín đồ đã tham gia kháng chiến, đã chết vì Tổ quốc. Tuy nhiên, các hàng giáo phẩm đã cảnh giác trông chừng. Tòa thánh Vatican đã công nhận chính quyền Bảo Đại là chính phủ hợp pháp duy nhất của nước này, khâm mạng tòa thánh là Dooley, một giám mục gốc Ailen nhưng mang quốc tịch Hoa Kỳ, đóng tại Hà Nội, đe dọa rút phép thông công những người công giáo hợp tác với Cộng sản. Giám mục Phát Diệm, Lê Hữu Từ, tổ chức đội dân vệ công giáo gồm hàng nghìn tín đồ để truy lùng những người kháng chiến, nhiều làng công giáo nằm trong các vùng bị quân đội viễn chinh Pháp chiếm đóng. Tại những làng này, các địa chủ, với sự giúp đỡ của bề trên, xúi giục dân chúng khước từ mọi sự giúp đỡ đối với kháng chiến. Khi chính phủ nhân dân ra sắc lệnh cải cách ruộng đất, một liên minh "Liên tôn diệt cộng" ra đời, tập hợp mọi phần tử thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Đây là lần đầu tiên công giáo ở Việt Nam chịu ngồi cùng với các giáo lý khác.

Sau Điện Biên Phủ, một chiến dịch đại quy mô gieo rắc kinh hoàng đã được phát động trong dân chúng công giáo, tập trung vào hai chủ đề chính: Đức Chúa và Đức Mẹ đồng trinh đã vào Nam và người Mỹ sẽ ném bom nguyên tử tiêu diệt miền Bắc, ngay sau khi quân Pháp rút xong. Người ta lại còn nói thêm rằng, những ai đi vào Nam sẽ được nhận ruộng tốt, nhiều trâu cày và tiền bạc do Hoa Kỳ rộng tay ban phát.

"Tin đồn đã được lan truyền rằng Đức Mẹ đồng trinh đã rời miền Bắc Việt Nam, và người ta phải vào Nam mới được Đức Mẹ ban phép lành. Người ta rỉ tai nhau: trong vài tháng nữa sẽ chẳng còn có cha đạo để cử hành thánh lễ[51]."

"Những tờ truyền đơn được phân phát trong dân chúng công giáo, trên đó có hình Đức Mẹ đồng trinh đang khóc ra máu với lời chú thích hai năm rõ mười: Chúa đã vào Nam[52]."

"Người ta còn nói tiếp rằng, ngay sau khi quân đội Pháp rút xong, Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng ném bom nguyên tử xuống miền Bắc Việt Nam[53]."

Trên báo L'Express ngày 2 tháng 4 năm 1953, linh mục Avril đã lên tiếng phản đối những thủ đoạn như thế:

"... Xui người ta tin rằng Chúa Trời có thể có một nơi cư trú địa phương và việc thờ phụng Chúa bị gắn liền với một vùng nhất định nào đó, tức là trực tiếp làm ngược lại lời phán truyền của đấng Ki-tô rằng: Sẽ đến lúc không phải ở trên ngọn núi này, cũng không ở Jerusalem mà các con sẽ thờ phụng Đức Chúa Cha..."

(Jean IV, 21)
_______________________________________
[51] Báo France - Observateur.

[52] Báo L'Express.

[53] Báo France - Observateur.
 
Tinh thần hoảng loạn, hàng vạn nông dân công giáo Việt Nam theo chân cha xứ của mình ồ ạt kéo nhau chạy vào Nam. Linh mục Joseph Harnett, giám đốc các cơ quan công giáo Hoa Kỳ lo việc giúp đỡ những người tị nạn, đã mô tả như sau sự ra đi ồ ạt của một xã công giáo:

"Cha Vincent Thiết, một linh mục gìa 68 tuổi của các xã công giáo Thường Phúc, Khúc Mai, Vân Đoàn, Bình Du dẫn dắt một đám đông thuộc đủ màu sắc gồm có nào nông dân, nào người đánh cá, nào thợ may, thợ mộc, thợ rèn rời bỏ nơi quê cha đất tổ của họ. Làn sóng người này có một cơ cấu tổ chức rất rõ nét, theo đúng những truyền thống xa xưa của xã hội làng xã cũ của Việt Nam. Cha Thiết dẫn lối cho nhân dân của mình chạy trốn khỏi hiểm họa bị giam cầm, như Moise xưa kia đã dẫn lối cho người Do Thái trong nhiều năm trời lang thang trên sa mạc. Một người dương chiếc ô lớn màu đen để che nắng cho ông linh mục già. Đó là ông Tập, người đang giữ chức vụ đầy danh giá là lý trưởng của xã Khúc Mai. Theo sát gót ông linh mục dẫn đường là những chức sắc cao niên của nhiều làng xã, đông đến hàng tá. Họ bước đi, vô hình chung tạo nên một bầu không khí trang nghiêm và tĩnh lặng[54]."

Có nhiều con số khác nhau về số người tị nạn: 928152, trong đó 794876 là tín đồ công giáo theo Bùi Văn Lương, Giám đốc ủy ban về những người tị nạn; 860206 người, trong đó 676384 là dân công giáo, theo tạp chí Informations Catholiques Internationales (Thông tấn công giáo quốc tế) ngày 15 tháng 12 năm 1961. Phải có sự dè dặt đối với những số liệu này, nhiều khi được thổi phồng lên vì mục đích tuyên truyền hoặc để làm động lòng trắc ẩn của Hoa Kỳ. Bộ chỉ huy Pháp đã giúp sức với những tàu chiến và máy bay quân sự của họ để đẩy nhanh cuộc ra đi ồ ạt này. Goa Kỳ đã tài trợ một cách hào phóng, nhưng như thường lệ bao giờ cũng vậy, một số lớn đồng đô la đã đi lạc vào túi của các nhà đương chức.

Giáo hooijc ông giáo Bắc Việt Nam lánh nạn vào Nam, từ trong những tầng lớp trên của mình, những địa chủ và hương lý, sẽ cung cấp nhiều cán bộ cho bộ máy chính quyền của Diệm. Trong ý đồ của những kẻ đã chủ trương cuộc ra đi ồ ạt này, những giáo dân là nong dân nghèo sẽ là hạt nhân của một đội quân lớn, sục sôi bầu nhiệt huyết thiêng liêng cho cuộc thập tự chinh nhằm mục đích đánh chiếm miền Bắc. Phần thứ hai của chương trình này chẳng bao lâu đã thất bại, một khi cơn hoảng loạn qua đi, các nông dân công giáo sẽ đấu tranh mạnh mẽ đòi quyền lợi của họ. Ngay từ những tháng đầu tiên, nhiều cuộc biểu tình của người tị nạn đã nổ ra ở Sài Gòn để đòi trở về miền Bắc, cảnh sát của Diệm sẽ không ngần ngại bắn vào những đám đông này.
_______________________________________
[54] The first five years of Viet Nam (Năm năm đầu tiên của Việt Nam). Sách đã dẫn.
 
Đạo công giáo trở thành học thuyết chính thức của chế độ, tổng thống Diệm, cứ mỗi lần diễn thuyết trước quốc hội, trước đông đảo công chúng, đều kết thúc bằng công thức: "Xin Đấng Tối cao chúng ta!" Các linh mục Cao Văn Thuận và Nguyễn Văn Lập được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của các trường đại học ở Huế và Đà Lạt, là những trường được người Mỹ tài trợ hết sức hào phóng. Đa số các giáo sư dạy văn học và triết học ở các trường đại học Nam Việt Nam đều là những linh mục, hoặc là những cựu sinh viên của trường đại học công giáo Louvain. Linh mục Thanh Lang điều khiển trung tâm nghiên cứu văn học và ở Sài Gòn, việc giảng dạy môn sinh học được trao vào tay một ông cố đạo. Môn văn học Việt Nam có một thời đã được dạy bởi cha Cras, một nhà truyền giáo người châu Âu (trước ngày ông ta chết). Giám đốc Viện Pasteur đồng thời cũng là Chủ tịch của nhóm thầy thuốc công giáo. Năm 1956, trong số các thành viên của chính phủ đã có 41 người công giáo, tức hai phần ba trong số những bộ trưởng, quốc vụ khanh và những nhân vật quan trọng khác. Các công chức, sĩ quan, cán bộ theo học những lớp đào tạo "nhân vị". Chế độ khẳng định lấy chủ nghĩa "nhân vị" làm hệ ý thức của mình và trong tất cả các bài diễn văn, các xuất bản phẩm thường xuyên lặp đi lặp lại những thuật ngữ "con người", "thăng tiến cần lao", "xúc tiến cộng đồng"... Thậm chí đến vị trưởng ty cảnh sát tỉnh Phú Yên Châu Định Thịnh cũng học được cách nói năng theo kiểu: "Mục đích của văn minh là cải thiện điều kiện của "thân phận con người" về mọi phương diện, chứ không phải chỉ lo phát minh ra những máy móc để giảm bớt sự khó nhọc của lao động chân tay hàng ngày... Những nền văn minh chỉ biết phụ thuộc vào máy móc và những phương tiện kỹ thuật rốt cuộc bao giờ cũng sụp đổ. Trong lịch sử từng có những nền văn minh rực rỡ về phương diện vật chất nhưng cuối cùng đã biến mất, nhưng những cái quý báu nhất làm nên một di sản vô hình và bất diệt bao giờ cũng vẫn là nghệ thuật, luân lý và tôn giáo[55]."

Trong thông điệp gửi Quốc hội ngày 17 tháng 4 năm 1956, Diệm khẳng định:

"Nền tảng này (của chính trị) chỉ có thể duy trì đường lối này, đường lối đi theo sát con người trong thực tế riêng tư thầm kín cũng như trong đời sống cộng đồng của nó, trong thiên hướng tiền nghiệm cũng như trong sự tự do theo đuổi sự tận thiên, tận mĩ về trí tuệ. Như vậy, chúng tôi khẳng định niềm tin của mình ở giá trị tuyệt đối của con người mà giá trị đã có trước xã hội và số phận vượt lên trên thời gian."

Người ta vẫn biết xưa nay các chính thể độc tài chẳng bao giờ hà tiện những lời hoa mĩ.

Xin trích dẫn thêm sau đây để làm ví dụ những lời ở cuốn sách "chủ nghĩa nhân vị", do Trung tâm đào tạo chủ nghĩa nhân vị Vĩnh Long xuất bản với sự đỡ đầu của Liên đoàn công chức thuộc phong trào cách mạng quốc gia, sách do linh mục Nguyễn Văn Tất, Thiên và Trần Mục Đích viết, cựu bộ trưởng cảnh sát Lâm Lê Trinh đề tựa:

"Xã hội chỉ tốt đẹp nếu có những bất bình đẳng. Các nhà bác học mới có thể dạy cho những người ngu dốt. Người giàu mới có thể làm công việc từ thiện. Nếu như tất cả những bất bình đẳng đó đều không tồn tại, thì tìm ở đâu ra lòng từ thiện, ở đâu ra sự công bằng ? Ở đâu ra sự hào hiệp ?"[56]
___________________________________
[55] The first five years of Viet Nam (Năm năm đầu tiên của Việt Nam). Sách đã dẫn.

[56] Khái niệm chủ nghĩa nhân vị, trang 224.
 
Như vậy đấy, hệ thống thuật ngữ trong tư tưởng của Mounier đã có thể bị lợi dụng bởi một chế độ thuộc vào loại lạc hậu nhất, được nhào trộn thành một mớ lý thuyết cực kỳ hổ lốn. Về phần mình, Tòa thánh Vatican vốn đã nhanh chóng công nhận chính quyền Diệm ngay từ ngày 11 tháng 12 năm 1955, sẽ đem đến cho chính quyền tất cả sự giúp đỡ cần thiết. Với Ngô Đình Diệm đang trở thành hiện thực giấc mơ xưa của các nhà truyền giáo phương Tây, là tấn phong trên đất Việt Nam một vị quân vương theo đạo Thiên Chúa[57]. Nhà thờ lớn Sài Gòn được Tòa thánh phong lên cấp Thánh đường (basilique) vào tháng 2 năm 1959, thành phố này được vinh dự đón tiếp Đại hội Đức mẹ đồng trinh do giáo chủ Agaginian chủ trì với sự tham gia của tất cả các giám mục đến từ châu Á. Tại đại hội này, đức cha Yu-Pin, nguyên Tổng giám mục giáo phận Nam Kinh chạy sang tị nạn ở Đài Loan, đã có những lời huấn thị sau đây với cộng đồng người Hoa ở Nam Việt Nam:

"Cộng đồng Hoa kiều ở Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ với nhân dân và chính phủ nước này trong cuộc đấu tranh chống Cộng sản. Trách nhiệm của Giáo hội là dẫn đường chỉ lối cho con chiên của mình trong cuộc dấu tranh chống tai họa này của nhân loại. Vai trò của Giáo hội là truyền đạt thông tin và đào tạo những cán bộ chống Cộng sản[58]."

Rất nhiều công chức quy theo đạo để được lòng cấp trên của mình. Ở đại hội Vatican II, chính người em của Diệm, giám mục Ngô Đình Thục, là kẻ ủng hộ nồng nhiệt nhất các luận thuyết của Tòa thánh La Mã. Báo chí công giáo quốc tế sẽ ủng hộ Diệm một cách mạnh mẽ cho tận đến khi bằng chứng về sự thất bại của y đã sờ sờ trước mắt. Các công đoàn công giáo ở Pháp phái cán bộ chuyên nghiệp sang Sài Gòn để giúp Diệm lùa công nhân vào đội ngũ.

Giáo hội công giáo Việt Nam, hay chí ít là các hàng giáo phẩm công giáo đã gắn chặt số phận của mình với Diệm, do đó mà đào sâu thêm hố ngăn cách giữa những người công giáo và những người không phải là công giáo. Tuy nhiên, cùng với quá trình chế độ Diệm ngày càng lún sâu thêm trong bãi lầy những mâu thuẫn của nó, chúng ta sẽ chứng kiến những tín đồ công giáo chuyển sang hàng ngũ những người chống đối, theo về với phong trào nhân dân. Bản thân Tòa thánh Vatican cũng sẽ dần dần tỏ thái độ lạnh nhạt khi nhận ra rằng chế độ này chẳng có mấy cơ may tồn tại được lâu dài. Tuy nhiên, dù sao chăng nữa, việc quyền lực được chuyển vào tay một ê-kíp người công giáo với sự giúp đỡ rất to lớn của hàng giáo phẩm và của Tòa thánh Vatican, việc những phần tử công giáo thâu tóm toàn bộ guồng máy cả về phần đạo cũng như phần đời của miền Nam Việt Nam, đã càng củng cố hơn nữa dư luận người Việt cho rằng Thiên Chúa giáo trước sau vẫn chỉ là một tôn giáo được đưa từ nước ngoài vào nhằm phục vụ những lợi ích của phương Tây. Liệu những người công giáo Việt Nam yêu nước và tiến bộ sẽ cưỡng lại được hay không để đưa giáo hội Việt Nam chuyển theo một hướng khác, dân tộc và dân chủ, đó là cả một vấn đề sinh tử đối với tiền đồ của cộng đồng Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Sẽ không phải là căn cứ cho những vấn đề về tín hiệu, mà là cho thái độ của cộng đồng người công giáo đôi với chính quyền Diệm và sự thống trị của Hoa Kỳ, mà là những người Việt Nam không theo công giáo, tức là đại đa số dân chúng, sẽ đánh giá giáo hội Việt Nam.
____________________________________
[57] Đọc Clementin le comportement politique des institutions catholiques au Viet Nam (Hành xử chính trị của các thể chế công giáo ở Việt Nam). Tạp chí Les Temps Modernes, tháng 6 năm 1954.

[58] Báo La Tribune des Nations (Diễn đàn các dân tộc) ngày 19 tháng 2 năm 1959.
 
Cùng với làn sóng của những thế lực phong kiến ồ ạt đổ vào từ miền Bắc còn có những phần tử tư sản mại bản. Chúng ta biết rằng giai cấp tư sản ở các nước thuộc địa có hai tầng lớp khác nhau: tầng lớp tư sản mại bản và tầng lớp tư sản dân tộc. Các phần tử mại bản đều gắn kết về kinh tế và tài chính với các công ty thuộc địa, có thể nói là họ ngồi cùng mâm với chủ, về phương diện chính trị, đó là những kẻ quyết tâm đến cùng bảo vệ chế độ thực dân. Điển hình của những phần tử mại bản Việt Nam là Mai Văn Hàm, một tay buôn lớn người công giáo ở Hà Nội, nguyên là đại lý độc quyền của một số hãng sản xuất xe đạp và lốp xe ở chính quốc, được chính quyền Diệm bổ nhiệm làm đại sứ ở Thái Lan và sẽ là đại diện cho người công giáo Việt Nam tại các cuộc gặp mặt quốc tế. Tuy nhiên, chỉ một bộ phận của giai cấp tư sản mại bản Việt Nam sẽ theo về chính quyền của Diệm; vốn là thân Pháp, họ đã chống lại các phần tử thân Mỹ và do bị tước mất quyền lực chính trị, họ cũng mất luôn cả vị trí ưu tiên vốn đã từng được hưởng dưới chế độ thực dân cũ. Trước kia, dưới chế độ thực dân, những phần tử đã cấu kết với các công ty thuộc địa đều trở thành những chính khách hoặc đã cử những đại diện chính trị của mình vào các hội đồng tư vấn bên cạnh bộ máy cai trị của thực dân. Với sự thao túng của Hoa Kỳ, kéo theo luồng đô la ào ạt đổ vào, một quá trình đảo ngược đã diễn ra, lần này là từ lĩnh vực chính trị đến lĩnh vực kinh tế. Thế là, người ta được chứng kiến cảnh tượng những tay làm chính trị, nhờ đã theo về với phe thân Mỹ, lợi dụng vị trí của mình trong chính quyền để kinh doanh. Trước hết là bản thân gia đình của Diệm. Một người chị của Diệm, bà Cả Lễ, mà con trai là bộ trưởng chiếm độc quyền buôn bán giữa miền Nam với miền Trung. Bà Nhu, em dâu của Tổng thống, giám sát toàn bộ các hoạt động ngoại thương, tức là việc phân phối các khoản viện trợ của Mỹ, thường xuyên xuất ngoại để ký gửi các tài khoản của gia đình vào các ngân hàng Pháp, Anh, Thụy Sĩ và thậm chí cả Brazil. Việc tiếp tế cho khu dân cư Sài Gòn - Chợ Lớn, gồm gần hai triệu dân, về than đá và rau quả đến từ Đà Lạt, nằm trong tay của gia đình Diệm. Duy nhất chỉ những kẻ gắn mình một cách vô điều kiện với gia đình của Diệm, như Mai Văn Hàm, Trương Văn Chôm, Hoàng Thái Thanh, mới có quyền được hưởng các giấy phép xuất nhập khẩu, viện trợ vốn và những ưu đãi về thuế. Một tầng lớp tư sản mại bản mới thân Mỹ ra đời. Tầng lớp này, trong một số vụ kinh doanh sẽ chung vốn của mình, được trích từ tiền viện trợ của Hoa Kỳ và các khoản tín dụng nhà nước, với tư bản của nước ngoài để thành lập những công ty hỗn hợp. Đồng thời, trong bóng tối, vẫn rình rập những nhóm nhỏ các phần tử thân Mỹ, chờ đợi thời cơ Diệm sụp đổ để chiếm lấy vị trí của y và tận hưởng nguồn bổng lộc dồi dào của Hoa Kỳ ban phát.
 
Cả những kẻ đương quyền cũng không thể không có cái liếc mắt đầy thèm khát đến những khoản tiền vốn đang được gia đình của Diệm chuyển ra nước ngoài. Bởi những khoản chuyển tài sản này đều được thực hiện dưới sự che chở quyền lực của Tổng thống, cho nên Huỳnh Văn Lang, giám đốc sở giao dịch hối đoái chỉ còn biết than thở:

"Những kẻ tích lũy vốn ở nước ngoài không thiếu gì cơ hội tỏ lòng yêu nước thương dân của họ để khẳng định rằng mình là người kiên quyết theo đuổi sự nghiệp cách mạng quốc gia để rồi tiếp đó phát triển nề kinh tế quốc dân, đúng giữa lúc mà mọi ngành công nghiệp vừa mới ra đời thì đã vội chết yểu... Chẳng sao cả! Điều thiết yếu là miễn sao cho một số người nào đó có được ngoại tệ đầu tư ở nước ngoài, nhằm mục đích thỏa mãn những khát khao xa hoa của họ, bao giờ cũng có những ủy ban hỗn hợp để thu xếp mọi việc[59]."

Trong cái đám hổ lốn những kẻ di cư đã theo gót quân đội Pháp, vẫn còn một số lớn những phần tử mất gốc, những kẻ phiêu lưu đã nhúng ta câu kết với những kẻ chiếm đóng trong những năm chiến tranh. Từ năm 1939, nước Việt Nam đã sống trong những điều kiện chiến tranh dưới ách chiếm đóng lần lượt của quân đội Nhật Bản, quân đội Tưởng Giới Thạch rồi quân đội viễn chinh của Pháp, chiến tranh đã làm phá sản rất nhiều xí nghiệp, đẩy vào vòng thất nghiệp một bộ phận khá lớn nhân dân các thành thị, do đó đã có một luồng cực kỳ đông đảo dân chúng kéo vào các thành phố lớn.

Trong cái đám quần chúng khốn cùng đó của những người không có nghề nghiệp, đội quân viễn chinh Pháp đã tìm được cả một cái kho dự trữ để thành lập những đơn vị bổ sung, nhwungx tên chỉ điểm, mà những phần tử gian ngoan láu cá nhất trong số đó rốt cuộc đã trở thành những kẻ được mang lon trong quân dội Pháp, thậm chí trở thành thủ lĩnh của những "chính đảng". Lại còn thêm mấy nghìn gái mại dâm đã rời bỏ miền Bắc để đi theo quân đội Pháp được tập kết lại ở miền Nam. Trong thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn với số dân lên đến một triệu rưỡi người vào cuối cuộc chiến tranh, tiền của Hoa Kỳ bỏ ra đã cho phép người ta tuyển mộ dễ dàng những phần tử mất gốc, những kẻ phiêu lưu để biến họ thnahf hạt nhân của một đội quân cảnh sát, hoặc những đội đặc nhiệm của quân đội.

Căn cứ như trên, chúng ta có thể xác định cơ sở xã hội và chính trị của chế độ Diệm như sau:

- Một nền tảng hợp thành chủ yếu bởi những phần tử phong kiến, địa chủ, quan chức kéo từ miền Bắc vào để mở rộng hàng ngũ của các thế lực phong kiến ở miền Nam.

- Một nhóm nhỏ thành phần mại bản, vốn là thân Pháp, cộng thêm vào đó một số mại bản mới thân Mỹ, những khách hàng trung thành với gia đình Diệm.

- Một bộ máy đàn áp gồm những phần tử mất gốc, những kẻ phiêu lưu sống nhờ tiền viện trợ của Hoa Kỳ.

- Một bộ máy công giáo làm khung cán bộ để quản lý dân di cư và để cố khoác cho đất nước một cái khung ý thức hệ bảo thủ cực đoan.
____________________________________
[59] Tạp chí Bách khoa, ngày 1 tháng 12 năm 1958.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top