Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ

Vốn là một viên quan của triều đình Huế, nay đến Sài Gòn, cái mà đầu tiên Diệm phải đối mặt là cả môt bộ máy chính trị và hành chính đã được người Pháp lập nên tại chỗ. Cơ cấu chính trị và xã hội của Nam Bộ (mà người Pháp gọi là Cochinchine) rất khác với cơ cấu chính trị và xã hội ở miền Trung và Bắc Việt Nam. Nam Bộ đã được chế độ quân chủ Việt Nam nhượng cho nước Pháp từ năm 1862, tức là 22 năm trước khi chế độ thực dân được thiết lập trên toàn bộ đất nước. Từ năm 1862 đến năm 1884, nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh chống lại nền quân chủ Việt Nam, và bộ máy hành chính phong kiến ở Nam Bộ đã khước từ mọi sự cộng tác với quân cai trị người Pháp.

Bọn này vì vậy đã dựng nên một bộ máy cai trị trực tiếp, sử dụng những viên chức người Việt để thay cho hệ thống quan lại và hương lý cũ, hệ thống này vẫn tiếp tục được sử dụng ở miền Bắc và miền Trung, về sau, khi chính quyền thuộc địa đã có thể nắm chắc được sự cộng tác của chế độ quân chủ. Quân đội Pháp, trong quá trình tiến về miền Tây của đồng bằng sông Cửu Long, đã sử dụng nhân công là những nông dân để đào những con kênh, hút cạn những cánh đồng lầy được biến thành những giải đất canh tác rộng mênh mông. Những nông dân đến từ miền Đông Nam Bộ đã dần dần khai phá những giải đất này, nhưng đến khi đất biến thành ruộng thì liền được chính quyền thực dân bán rẻ lại cho bọn thực dân người Pháp, hay cho những người Việt đã hợp tác với họ ngay từ những ngày đầu. Vì thế cho nên, nhất là ở phía nam và phía tây của Nam Bộ, đã hình thành một chế độ sở hữu ruộng đất không hề có ở miền Bắc và miền Trung: đó là chế độ sở hữu của một nhóm nhỏ gia đình nắm trong tay những đồn điền rộng hàng trăm, có khi đến hàng nghìn hec-ta, được phát canh cho những tá điền, tức là những nông dân không có ruộng phải nộp tô cho các chủ ruộng. Một đặc điểm khác nữa là rất nhiều trong số những đại điền chủ này không sống ở nông thôn, như các địa chủ ở miền Bắc và miền Trung. Họ sống ở Sài Gòn, theo tác phong sinh hoạt của người Pháp, trong sự xa hoa, đem tiền của đầu tư vào các ngân hàng Pháp, các hãng buôn, nhiều người trong bọn họ lấy quốc tịch Pháp, sử dụng tiếng Pháp ngay cả trong sinh hoạt gia đình.

Chính những "địa gia đình" kiểu này ở Sài Gòn là nguồn tuyển chọn những viên chức cao cấp người Việt cho bộ máy cai trị của thực dân ở Nam Bộ, đôi khi là những sĩ quan quân đội, những "cố vấn" trong các hội nghị tư vấn. Cơ sở xã hội của đám người này, vì vậy, là hoàn toàn khác với cơ sở xã hội của các viên quan lại và hương lý cũ từ miền Bắc theo vào với Diệm. Chính vì vậy, đối với lớp người này, Diệm chỉ nương tay đối với lợi ích của họ trong chừng mực khi họ chịu theo về với đường lối chinh sách của mình.
 
Đó chính là điều mà một số trong những điền chủ - tư sản này, vốn trước đó thân Pháp, đã làm. Thế nhưng số đông trong bọn họ đã không sao chống lại được sự tham lam vô độ của những thế lực thân Mỹ mới nổi lên trên vũ đài chính trị. Đối với những kẻ mà tay đã quá nhúng chàm vì đã cộng tác với quân đội viễn chinh Pháp trong chiến tranh, chí ít là những kẻ đầu sỏ đều bị Diệm, để lấy lòng dân, gạt khỏi chính quyền, có một số, vì đã quá gắn bó với nước Pháp về mặt tình cảm, thấy khó lòng chịu cam tâm cộng tác với người Mỹ. Chúng ta đã chứng kiến những nhóm thân Pháp và thân Mỹ đấu tranh quyết liệt với nhau trong những năm 1954-1955 để chiếm lấy chính quyền, chúng ta đã thấy những nhóm thân Pháp bị Pháp bỏ rơi, đành phải rời bỏ trận địa. Trong các tầng lớp xã hội vốn trước đó thân Pháp, Diệm sẽ dành một số chỗ trong chính phủ cho những ai chịu chối bỏ những niềm tin cũ của mình, Nguyễn Ngọc Thơ, phó tổng thống sẽ là đại diện có tính điển hình nhất của loại người này, với một chức tước có danh mà chẳng có mấy thực quyền. Lần nào cũng vậy, Thơ buộc phải cúi đầu trước những mệnh lệnh của anh em nhà Diệm. Ngược lại, trước những kẻ chống đối, Diệm sẽ ra tay không hề thương xót, tài sản của họ sẽ bị tịch thu và một số chạy sang lánh nạn ở Pháp, như tướng Vy thậm chí còn bị kết án tử hình vắng mặt. Thế là, ngay từ đầu, các tầng lớp mại bản - phong kiến, nền tảng của chính quyền đã tan vỡ. Diệm ít quan tâm lôi kéo cánh đại điền chủ cỡ cực lớn thân Pháp, mà chủ yếu là muốn tạo ra , theo lời khuyên của người Mỹ, Ladefinski, một tầng lớp điền chủ mới sẽ mãi mãi gắn bó với mình. Chúng tôi sẽ đề cập những biện pháp này trong một chương sau bàn về các vấn đề ruộng đất.

Tầng lớp tư sản không phải là mại abnr, lúc ban đầu, đã có một thái độ có thể nói là thuận lợi. Từ năm 1954 đến năm 1956, làn sóng những người tị nạn, việc thanh toán một số xí nghiệp của Pháp, viện trợ của Hoa Kỳ đã tạo nên những điều kiện làm ăn thuận lợi, nhưng chẳng được bao lâu, sự suy tàn về kinh tế của đất nước, sự cạnh tranh của những hàng hóa nhập khẩu dưới danh nghĩa viện trợ của Hoa Kỳ đã đẩy tầng lớp tư sản không mại bản đến phá sản. Họ sẽ chuyển sang phe chống đối.

Nền tảng xã hội và chính tị của chế độ sẽ co hẹp lại một cách nhanh chóng cùng với sự triển khai chính sách do Hoa Kỳ và gia đình của Diệm chủ trương; các thế lực phong kiến sẽ tan ra, phe mại bản thân Mỹ sẽ chiếm đoạt hết những vụ làm ăn béo bở, đám quần chúng giáo dân di cư nghèo khó sẽ chống lại chính phủ, đôi khi một cách quyết liệt. Các phần tử phiêu lưu và mất gốc sẽ càng ngày càng chiếm lĩnh mặt tiền của sân khấu, càng ngày những đồng vốn do Hoa Kỳ bỏ ra sẽ được dùng để nuôi một bộ máy đàn áp khổng lồ.
__________________
 
ÔNG DIỆM ĐỐI MẶT VỚI NHÂN DÂN​


Chúng ta hãy tưởng tượng trên đất Pháp hồi năm 1793, diễn ra ồ ạt một làn sóng hồi hương của những người di cư, những lãnh chúa mà lâu đài đã bị nông dân thiêu hủy, những ông hoàng con dòng cháu giống, những giám mục, nắm lại chính quyền trên một nửa đất nước với sự giúp đỡ của những đội quân phản cách mạng lúc bấy giờ, trong khi ở phần nửa kia của nước Pháp, cách mạng vẫn tiếp tục phát triển. Đó chính là nguyên xi tình hình chính quyền của Diệm năm 1954. Một chính quyền thuộc loại như thế, có thể có:

- Một cương lĩnh tối thiểu là nghiền nát phong trào cách mạng trên phần nửa đất nước bị đặt dưới quyền của mình, nhổ bật gốc tất cả những người có thể là nguy cơ hay là mầm mống của một nguy cơ "lật đổ".

- Một cương lĩnh tối đã chiếm lại toàn bộ đất nước, khôi phục lại chế độ cũ trên cả hai miền.

Những ý định sâu xa của chính quyền Diệm và những cố vấn Hoa Kỳ của ông ta lúc ban đầu là gì ? Nên chăng phải tin là thật những lời tuyên bố của các tướng lĩnh động viên quân đội của mình chuẩn bị cho một cuộc Bắc tiến ? Cho đến tận năm 1963, người ta còn thấy những nhân vật chính thức, như tướng Nguyễn Khánh, hoặc những xuất bản phẩm chính thức của chính phủ công bố ý định "giải phóng" miền Bắc[60]. Một tập sách nhỏ được cơ quan thông tấn xuất bản năm 1962 vẫn còn viết:

"Nhân dân Việt Nam phải được giải phóng khỏi công việc khổ sai mà họ bị bắt buộc phải làm trên các công trình và các nông trường quốc doanh ở phía bắc vĩ tuyến 17, các học sinh, sinh viên, trí thức phải được giải phóng khỏi học thuyết mác-xít, một thứ học thuyết đang bốc mùi thối rữa trong cái xã hội khốn khổ của miền Bắc, những cán bộ kháng chiến của miền Nam và miền Bắc hiện đang bị Coognj sản giam cầm và đày ải phải được giải phóng để họ được gặp lại vợ con, được góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, để bảo vệ tổ quốc, những cán bộ lãnh đạo ở các cấp trong quân đội, trong bộ máy hành chính, hiện đang trong hàng ngũ Cộng sản ở miền Bắc phải được giải phóng khỏi nền độc tài của giai cấp vô sản do những người Cộng sản ở Nga và Tàu điều khiển".[61]

Người ta sẽ bảo: đây chỉ là những luận điệu tuyên truyền đao to búa lớn. Một số tác giả khẳng định rằng người Mỹ và chính quyền của Diệm chưa bao giờ tính đến chuyện chinh phục lại miền Bắc, tất cả mọi biện pháp phòng ngừa của chính phủ miền Bắc chẳng qua chỉ xuất phát từ trạng thái tâm lý rất quen thuộc ở các nước Cộng sản tức là nỗi ám ảnh bệnh họa cứ nơm nớp lo mình bị bao vây, nói một cách thống thái đó là căn bệnh tưởng "obsidionitie" của một cộng đồng tự cho mình đang bị bao vây.
____________________________________
[60] Báo Le Monde.

[61] Những tội ác của Cộng sản, trang 13.
 
Nếu quả đúng như vậy thì người ta phải giải thích vì sao Hoa Kỳ và chính quyền của Diệm đã bỏ ra cơ man nào là tiền của để dựng lên một bộ máy quân sự khổng lồ, tối hiện đại, với những máy bay ném bom, những con đường chiến lược có lưu lượng giao thông rất lớn, thiết lập những sân bay, những căn cứ quân sự cực kỳ đắt tiền, ở những vùng rất thưa dân, mà lợi ích chỉ có thể hình dung được trong khuôn khổ giả thiết về mọi cuộc tiến công chống lại miền Bắc. Giá như quân đội của Diệm đã được xây dựng đơn giản chỉ nhằm mục đích duy trì trật tự ở Nam Việt Nam, thì nhất định nó đã ít tốn kém hơn nhiều với những trang thiết bị nhẹ và sẽ thích hợp hơn với nhiệm vụ của nó. Và như vậy, để làm đối trọng với chứng hoang tưởng sợ bị bao vây của Cộng sản sẽ là chứng vĩ cuồng của người Mỹ, xui họ tạo nên những đội quân hiện đại, xây dựng những căn cứ khổng lồ chỉ để thỏa mãn mong muốn tiêu tiền đô la. Nếu quả đúng là như thế thì khoa tâm bệnh học ắt sẽ giải thích được tất cả.

Những người chống lại thuyết này cho rằng Hoa Kỳ và chính quyền Diệm đã dựng lên một đội quân nhằm mục đích tiến công, và đã trang bị cho nó vì mục đích đó. Căn cứ chiến lược lớn ở Tây Nguyên sẽ là bàn đạp xuất phát cho những binh đoàn cơ giới và thiết giáp mạnh, được một lực lượng không quân hùng hậu yểm trợ để có thể từ đó đánh tỏa ra theo các hướng Bắc Việt Nam, Lào, Campuchia, và hội quân với quân đội Thái Lan. Trong ý nghĩ của những kẻ cầm đầu Hoa Kỳ và Nam Việt Nam ở thời điểm năm 1954, những thắng lợi của Việt Minh chủ yếu là do những vụng về của người Pháp đã để cho những người Cộng sản độc quyền nắm lấy tình cảm dân tộc, còn chủ nghĩa Mác chẳng qua chỉ là một học thuyết hoàn toàn xa lạ với nhân dân Việt Nam. Một chính phủ "quốc gia" chân chính như chính phủ của Diệm sẽ nhanh chóng tháo được ngòi của cái khối thuốc nổ hỗn hợp được nhồi bằng chủ nghĩa Cộng sản trộn với tinh thần dân tộc, vả chăng sự bao vây kinh tế đối với miền Bắc vốn xưa nay thiếu gạo triền miên sẽ chẳng mấy chốc đưa đến nạn đói, sự bất mãn của dân chúng nóng lòng chờ đợi một sự giải phóng từ bên ngoài. Vả chăng, có ai chống lại được sức mạnh toàn năng của Hoa Kỳ. Nếu sự tiến công vào miền Bắc đã không xảy ra, thì đó không phải là vì Hoa Kỳ và chính quyền Diệm không muốn, mà là vì họ đã không thể thực hiện được dự án của mình. Miền Bắc không những đã không sụp đổ mà còn đạt được những tiến bộ nhanh chóng, ngược lại việc xây dựng quân đội và chế độ Nam Việt Nam đã vấp phải những khó khăn rất lớn, hậu phương của Diệm càng ngày càng càng trở nên mỏng manh, làm cho y không có được một hành động nào tiến công chống miền Bắc. Sự củng cố của phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là của nước Trung Hoa Nhân Dân, và Liên Xô làm chủ được các kỹ thuật về tên lửa cũng đã làm các nhà chiến lược Hoa Kỳ phải dè chừng hơn trong các kế hoạch của họ.
 
Trong khi chờ đợi sự tiết lộ những tư liệu chính thức sẽ giúp chúng ta xác định được dứt khoát những ý đồ của Hoa Kỳ và của Diệm, chúng ta đành phải dựa vào những tuyên bố công khai của những người có trách nhiệm ở hai chính phủ này. Trong những tuyên bố đó người ta tìm thấy khi thì sự khẳng định ý chí muốn thanh toán cho xong bằng con đường vũ lực với chế độ miền Bắc, khi thì những lời thề thốt về nguyện vọng hòa bình. Nhưng nếu dư luận còn trái ngược nhau về những dự án tiến công của chế độ Nam Việt Nam, thì toàn thể giới báo chí và các nhà quan sát đều nhất trí về "chương trình tối thiểu" của chế độ Ngô Đình Diệm, với bất cứ giá nào cũng không chịu để lọt vào tai câu chuyện về vấn đề dân chủ và thống nhất đất nước.

Ngỏ lời vĩnh biệt đội quân viễn chinh Pháp rời khỏi đất nước này, Diệm đã nói với các sĩ quan người Pháp những câu như sau:

"Vào giờ phút này, khi các ông rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, nơi mà máu binh sĩ của các ông đã cùng đổ chung với máu của chúng tôi, tôi xin đảm bảo với các ông rằng quân đội của các ông, những người đã chiến đấu vì danh dự và tự do, sẽ tìm được ở bản thân chúng tôi những người kế thừa xứng đáng."(AFP)

Một vài năm sau, trả lời phỏng vấn của báo Le Figaro, Diệm còn nói rõ hơn quan niệm của mình về thế nào là cai trị:

"Chính thể của nước Việt Nam từ xưa đến nay bao giờ cũng dựa trên sự điều hành Nhà nước không phải bởi những đại diện của nhân dân, mà bởi một vị quân vương, với sự phụ trợ của một số viên quan đại thần sáng suốt. Quan niệm này xưa kia đã đem lại những kết quả tuyệt vời."
 
Ngày xưa, Hoàng đế trị vì là do mệnh Trời và nhân dân chỉ có mỗi một bổn phận là vâng theo mệnh lệnh của Hoàng đế; ngày nay, Diệm cũng cai trị theo mệnh Trời như thế, cũng sẽ không chấp nhận bất cứ một sự chỉ trích nào; người Mỹ đã phải tốn bao công gợi ý nhiều lần để ông ta chịu chấp nhận một vài công thức "dân chủ" để làm, để khoác cho y cái vai trò là bạn đồng hành trung thành của "Thế giới tự do". Eisenhower, Collins thỉnh thoảng lại phải thúc vào lưng Diệm để nhắc cho y phải nhớ rằng, ở thời đại ngày nay, người ta không thể cai trị mà không có một Quốc hội và một Hiến pháp giả hiệu.

"Bất cứ một sự cải cách nào do Diệm tiến hành đều là kết quả của những áp lực từ bên ngoài nhiều hơn là sáng kiến do bản thân y chủ động đề ra. Trong chính phủ của mình, Diệm đã cố gắng duy trì càng lâu càng tốt một nhóm trí thức đến từ miền Bắc và miền Trung không đại diện cho bất cứ một ai khác ngoài bản thân họ."[62]

Vả chăng, bản Hiến pháp ban hành ngày 26 tháng 10 năm 1956, trao cho Tổng thống quyền bổ nhiệm tất cả các bộ trưởng, quốc vụ khanh chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng thống, hơn nữa Tổng thống lại có quyền trực tiếp ban hành luật:

- Khi Quốc hội đang nghỉ họp (Điều 4).

- Trong các trường hợp có chiến tranh nổi dậy, khủng hoảng kinh tế hay tài chính (Điều 42).

- Nếu đến ngày 31 tháng 12, Quốc hội chưa bỏ phiếu thông qua ngân sách cho năm tới, Tổng thống sẽ quyết định ngân sách này đơn giản chỉ bằng sắc lệnh (Điều 43).

- Tổng thống có quyền ra sắc lệnh ba bố tình trạng khẩn cấp, báo động, thiết quân luật trong một hay nhiều khu vực. (Điều 44).

Mọi công dân đều có quyền đi lại, cư trú, xuất ngoại... trừ những trường hợp bị luật pháp cấm (điều 13), có quyền hội họp, lập hội nhưng phải trong khuôn khổ do luật pháp quy định (điều 15), có quyền phát ngôn tự do... nhưng không được xúc phạm đến đạo đức công (điều 16). Điều 98 quy định rõ:

"Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống có quyền tạm thời đình chỉ việc thực hiện các quyền tự do đi lại, cư trú, ngôn luận, báo chí, hội họp và lập hội, nghiệp đoàn và bãi công."
_______________________________________
[62] Pacific Affairs, tháng 3 năm 1955 (chú ý rằng Bernard Fall, tác giả của những dòng này, là giáo sư ở Washington cố vấn chính trị khối SEATO).
 
Trong Hiến pháp cũng ghi rõ rằng ông Ngô Đình Diệm, theo luật định, là Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa.

Các Bộ và Bộ trưởng chỉ có để làm phòng. Phủ Tổng thống, đặt dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của Diệm và các anh chị em của y, đã tự đặt ra cho mình những cơ quan giúp việc sau đây:

- Một cơ quan Cao ủy phụ trách các đồn điền.

- Một cơ quan Cao ủy phụ trách các hợp tác xã nông nghiệp và tín dụng nông nghiệp.

- Một cơ quan Cao ủy đặc trách hành động công dân.

- Một tổng cục điều hành ngân sách và viện trợ của nước ngoài.

- Một tổng cục phụ trách bộ máy công chức.

- Một cục phụ trách kế hoạch.

- Một tổng cục về hành động xã hội.

- Một cục phụ trách vấn đề xây dựng và quản lý đô thị.

- Một tổng cục vô tuyến truyền thanh.

- Một phái đoàn hợp tác với Ủy ban quốc tế.

- Một cơ quan phụ trách vấn đề năng lượng nguyên tử.

- Một viện nghiên cứu hành chính.

- Một tổng cục thanh niên.

- Một cục du lịch.

- Một sở địa lý.

- Một sở phụ trách hành động xã hội ở vùng Tây Nguyên[63].

Vả chăng mọi thứ quyền tự do được ghi trong Hiến pháp đều trở thành bản vẽ bởi vì:

"Mọi hành vi nhằm mục đích truyền bá hoặc thành lập trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa Cộng sản, dưới mọi hình thức đều là trái với những nguyên tắc được ghi trong Hiến pháp." (Điều 7)
______________________________________
[63] Tất cả mọi thông tin chính thức đều được trích từ tài liệu Thành tích sáu năm hoạt động do chính phủ của Diệm xuất bản vào cuối năm 1960, 362 trang, mà chúng tôi sẽ trích dẫn với chú thích tóm tắt là: Thành tích. Đương nhiên là các xuất bản phẩm chính thức không nhắc đến những cơ quan cảnh sát mật.
 
Sắc lệnh số 16, ký ngày 11 tháng Giêng năm 1956, sẽ bổ sung nốt nhằm hoàn thiện kho vũ khí pháp lý hợp pháp hóa tất cả mọi hành vi của chính phủ, kể cả những hành vi độc đoán nhất. Sắc lệnh này quy định rõ:

"Chừng nào nền trật tự và an ninh chưa được hoàn toàn hồi phục, tất cả những ai bị cho là nguy hiểm cho quốc phòng và an ninh công cộng đều có thể, do sắc lệnh của Tổng thống và theo đề nghị của Bộ Nội vụ, bị bắt vào tù hoặc bị an trí ở một nơi được chỉ định hoặc bị cấm không được ở nơi cư trú quen thuộc của mình hoặc những khu vực được quy định, hoặc bị đặt dưới quyền giám sát của cơ quan hành chính."

Vả chăng chính quyền cũng đã không đợi ngày công bố sắc lệnh này mới thi thố hết tài năng của họ, bởi ngay từ tháng 12 năm 1955, một tờ tạp chí Pháp đã viết:

"Những phương pháp độc đoán được thi thố ở Nam Việt Nam có quan hệ bà con với thứ chủ nghĩa phát xít chính thống nhất[64]."

Đương nhiên những biện pháp gây nhiều chú ý nhất với các ký giả nước ngoài là những biện pháp chống lại giới báo chí. Đó là kiểm duyệt, cấm xuất bản ngay từ những ngày đầu của chế độ. Ngày 28 tháng 7, chỉ một tuần sau ngày đình chiến, hãng thông tấn Pháp AFP đã đưa tin về lệnh cấm vận xuất bản tờ Minh Tân của nhóm xã hội chủ nghĩa, rồi đến lệnh cấm các báo Thần Chung, và Dân ta, ngày 20 tháng 10, AFP đưa tin về cái chết của một tờ báo thứ ba và lệnh cấm đối với 4 trong số 8 tờ tuần báo đã có từ trước ở Sài Gòn. Tiếp đó là tờ Tiếng Dội sẽ phải biến mất vì đã đăng một bài nói về Nehru. Vào đầu năm 1956, người ta đã có thể liệt kê những nạn nhân sau đây trong làng báo ở Nam Việt Nam: Canh tân, Thần chung, Tiếng gọi, Thông tin, Tiến, Ánh sáng, Tiếng dội, Thời báo, Điều tra phóng sự, Duy tân, Cải tạo, Dân đen, Tự quyết. Để thay vào chỗ của các tờ báo bị cấm, Diệm sai tay chân của mình cho in một loạt tuần báo, mà một số lớn trong đó không ra nổi 1000 tờ. Cả đến người Mỹ cũng tự cảm thấy khó chịu với cái lối kiểm duyệt khắt khe đến thê.

"Báo chí phải chịu một sự kiểm duyệt nghiêm khắc. Cảm giác chung là cách kiểm duyệt như thế quá vô ích và không lành mạnh[65]."
_______________________________________
[64] Marchès coloniaux (các thị trường thuộc địa) ngày 15 tháng 12 năm 1955.

[65] Báo Mỹ New York Times, ngày 15 tháng 2 năm 1956.
 
Dưới chế độ thuộc địa, các báo để trắng những đoạn bài bị kiểm duyệt, chăng bao lâu Diệm ra lệnh cấm xuất bản những báo có những đoạn bị bỏ trắng. Ngày 17 tháng 6 năm 1955, một loạt nhà báo có tên tuổi như Thiên Sơn, Ai Lâm, Triệu Công Minh, Nguyễn Văn Mai, Trần Khanh Thê, Trần Ngọc Sơn bị bắt vào tù, Thiên Sơn chẳng bao lâu đã chết vì bị tra tấn.

Báo Tiến thủ, vì tội đã đưa tin về phong trào chung đòi tái thống nhất, đã bị cướp phá sạch sành sanh bởi lũ côn đồ tay sai của cảnh sát. Trong suốt cả một thời kỳ, các báo Pháp kể cả các tờ Le FigaroL'Aurore, đều bị cấm. Ngày 19 tháng 2 năm 1956, Diệm công bố lệnh bỏ kiểm duyệt để thi hành sắc lệnh luật số 13 về báo chí, trong đó, ngay từ điều khoản 1, quyết định một số tiền phạt từ 25000 đến một triệu đồng bạc hoặc án tù từ 6 tháng đến 5 năm đối với:

"Cá nhân hay tổ chức nào truyền bá, xuất bản, phổ cập, lập lại bất cứ dưới hình thức nào những tin tức hay bình luận có lợi cho những hoạt động Cộng sản hay phản quốc gia."

Như vậy là các tòa án được quyền tha hồ quyết định luận điệu này hay luận điệu kia là đáng kết tội; điều 4 của sắc lệnh, quy định tòa án buôc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tác giả của bài báo nào bị quy là chống quốc gia, đồng thời với người chủ bút và chủ nhiệm, người quản lý, người xuất bản, người in tờ báo. Ngày 21 tháng 2 năm 1956, tờ Cách mạng quốc gia, cơ quan của gia đình Diệm, nhắc nhở các nhà báo điều gì là được phép, điều gì là không.

"Thế là Bà đầm kiểm duyệt đã cáo từ... Nhưng hãy coi chừng, nếu các ngài cứ tự tiện muốn viết gì thì viết và viết bất cứ bằng cách nào thì thưa các ông nhà báo, xin mời ra trước tòa án."

"Mọi quan niệm, dù chỉ ít nhiều khác với quan niệm của Tổng thống đều là tà đạo, là âm mưu lật đổ, tức là đáng bị đàn áp[66]."
_____________________________________
[66] Tribune des nations, ngày 2 tháng 11 năm 1956.
 
Khía cạnh mang tính chất cảnh sát và phát xít này của chế độ đã không lọt khỏi con mắt quan sát của tất cả mọi nhà báo.

"Ở khắp nơi, đâu đâu cũng thấy những toán cảnh sát đội mũ cát két phẳng mà số lượng chẳng hề giảm bớt chút nào so với thời kỳ chiến tranh là thời kỳ mà chủ nghĩa khủng bố rình rập ở mỗi một góc đường phố[67]."

"... Một chế độ thuộc vào loại chuyên chế ngạo ngược nhất ở châu Á, một chế độ chỉ mở rộng được sự thống trị của nó ra khắp cả nước bằng vũ khí và cũng chỉ duy trì được trước sự chống đối bằng một phương tiện duy nhất là quân đội và cảnh sát[68]."

Tuy nhiên báo chí quốc tế đã không có mấy thông tin về những biện pháp còn nghiêm trọng hơn nữa đang giáng xuống đầu dân chúng, nhất là ở các vùng nông thôn, nơi mà sự chống đối của nông dân diễn ra quyết liệt. Vấn đề đối với Diệm là cố dùng vũ khí để chế ngự cho được dân chúng quyết không chấp nhận quay trở lại với những phương pháp cai trị độc đoán theo lối phong kiến, hoan nghênh hòa bình và thiết tha với thống nhất đất nước hay không. Vấn đề đối với Diệm là truy lùng tất cả những ai đã từng tham gia kháng chiến. Những sai phạm bị quy cho chính quyền Diệm nghiêm trọng đến nỗi Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát, một cơ quan do thành phần của nó (Ấn Độ, Canada, Ba Lan), vốn khá là chậm chạp trong việc phản ứng, ngày 11 tháng 4 năm 1957, cũng đã phải đề lên hai đồng Chủ tịch Hội nghị Genève một bản báo cáo đặc biệt về vấn đề thi hành điều 14 của các Hiệp định Genève. Theo điều 14 này quy định rằng:

"Mỗi bên cam kết sẽ không thi hành một hành vi đàn áp hoặc phân biệt đối xử nào đối với những con người và tổ chức vì lý do các hoạt động của họ trong thời kỳ chiến tranh và bảo đảm cho họ các quyền tự do dân chủ."

Thế nhưng, ngày 11 tháng 4 năm 1957, Ủy ban quốc tế đã buộc phải lưu ý trong bản báo cáo của mình rằng:

"Chính phủ Cộng hòa Việt Nam (tức chính phủ miền Nam) đã quyết định thôi không trả lời mọi khiếu nại liên quan đến điều kiện nói trên, và thôi không cho phép mọi hoạt động của các tổ điều tra theo như dự kiến của các Hiệp định Genève để tiến hành các cuộc điều tra về những lời khiếu nại đó."
__________________________________
[67] Báo Le Monde, từ ngày 4 đến ngày 10 tháng giêng năm 1957.

[68] France - Observateur, ngày 28 tháng 6 năm 1956.
 
Lý do là, để khủng bố tinh thần dân chúng, chính quyền của Diệm, ngay từ ngày đình chiến, đã quyết định tung ra một chiến dịch được gọi là chiến dịch "tố cộng" bao gồm một loạt biện pháp khác nhau. Trước hết là kiểm kê và điểm mặt những người kháng chiến cũ. Sau một cuộc điều tra kéo dài và khó khăn, vì vấp phải những trở lực do chính quyền Nam Việt Nam gây ra cho những hoạt động của mình, Ủy ban quốc tế kiểm soát, trong một thông báo đề ngày 6 tháng 2 năm 1959, đã vạch ra rằng:

"Trong những năm 1945-1955, sau ngừng bắn, những người kháng chiến cũ ở huyện Duy Xuyên đã bị kiểm kê và bị liệt vào một danh sách đặc biệt những phần tử bị giám sát. Họ bị yêu cầu phải khai tất cả những hoạt động của mình trong thời gian kháng chiến và sau đó, phải đều kỳ đến trình diện ở sở liêm phong, Ủy ban cho rằng những biện pháp như thế áp dụng đối với những người kháng chiến cũ là một sự phân biệt đối xử đối với họ, vi phạm điều 14c của các Hiệp định Genève."

Trong nước Việt Nam của năm 1954, thật khó mà tìm được một ai đã không ít nhiều tham gia vào công cuộc kháng chiến, thế là toàn thể dân chúng trở thành đối tượng của một cuộc đàn áp, bất cứ lúc nào cũng có thể giáng xuống đầu của bất cứ một ai.

Để cố tìm cách tách những phần tử "cứng đầu" ra khỏi đám đông dân chúng luôn luôn bị đặt dưới ách khủng bố, những cuộc họp nhằm tố giác những người Cộng sản đã được tổ chức. Cả những người công giáo tị nạn, vốn được coi là những phần tử nồng nhiệt nhất đứng về phe của chế độ, cũng không thoát khỏi những cuộc họp tố cộng này.

"Bởi vì ông ta cố hết hơi hết sức gào to niềm tin công giáo của mình, cho nên ông Diệm được sự ủng hộ của một phần lớn những người Pháp không hề hay biết rằng thái độ đó của ông ta là giả dối đến chừng nào đối với những người đồng bào của mình. Thật đáng kinh tởm khi chứng kiến cảnh tượng những binh lính của Diệm tự trang sức cho mình với những của cải cướp bóc được, những cánh tay của chúng được xâu hàng tá chiếc đồng hồ đeo tay, những đồng bạc và túi áo của chúng đựng đầy những đồ trang sức bằng vàng, trong đó thậm chí có cả những bộ răng giả bằng vàng.

Trong khi đó thì những tín đồ công giáo khốn khổ, đến tị nạn trên một mảnh đất đói nghèo, bắt buộc phải dự những cuộc họp chính trị, những cuộc họp tẩy não thực sự, trong đó dù muốn dù không, họ cũng phải học những khẩu lệnh, khẩu hiệu tung hô sự vinh quang cảu Tổng thống Diệm. Kẻ ngoan cố cứng đầu bị bắt quỳ giữa đám đông cho đến khi học thuộc bài mới thôi. Còn đối với những phần tử chống đối thì Ban 6 phụ trách an ninh quân sự có trách nhiệm thủ tiêu họ mà không để lại dấu vết... Thế mà Ban 6 chịu trách nhiệm về những tội ác này lại được đặt dưới quyền chỉ huy của một viên tướng vừa mới được đề bạt vỗ ngực tự xưng là một người đi đạo công giáo[69]."
______________________________________
[69] Báo Aux Ecoutes du Monde.
 
Nếu đến như những người tị nạn công giáo mà còn phải chịu một chế độ như thế, thì người ta có thể tưởng tượng số đông còn lại trong dân chúng còn phải chịu đựng đến đâu, trong suốt hàng nhiều ngày trời, những đmas đông hàng vạn người bị quây lại, phơi nắng, dầm mưa, để buộc phải tuyên thệ niềm tin chống Cộng sản, để tố cáo những ai mà mình cho là "Cộng sản". Những vụ bắt bớ, tiếp theo là tra tấn, giết chóc nhiều không sao kể xiết ngay từ năm đầu tiên của chế độ. Nhiều vụ đã được Ủy ban kiểm soát quốc tế điều tra, như trường hợp của ông Trần Thâm chẳng hạn.

"Cuộc điều tra đã cho phép xác định được rằng ngày 18 tháng giêng năm 1955, Trần Thâm đã bị lính đồn binh Đại Điền Trung (Khánh Hòa) bắt, nói là vì tội trộm bò. Được đưa về đồn, ông ta đã bị tra tấn, đánh đập và bóp cổ chết. Người ta cũng đã xác định được rằng ông Trần Thâm trước ngày ngừng bắn đã từng tham gia kháng chiến. Ủy ban đã đi dến kết luận rằng những hành vi tra tấn dẫn đến cái chết của Trần Thâm là vi phạm điều 14 c của các Hiệp định Genève."

(Biên bản số ICSC FB 55-2-4569 ngày 20 tháng 7 năm 1955).

Ngày 10 tháng 7 năm 1955, cảnh sát bắt abf Nguyễn Thị Diệu, giáo viên ở Sài Gòn, trong thời gian kháng chiến đã từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ, sau chiến tranh, bà tiếp tục trở lại nghề dạy học ở một trường trung học tại Sài Gòn. Chỉ mấy ngày sau, người ta tìm thấy bà Diệu đã chết, với một giấy chứng nhận y tế: "Sọ dập vỡ, chảy máu ở bên trong tai, vết bầm dập ở hai cổ tay vì bị còng, thận, bàng quan bị bầm dập vì bị đá." Những trường hợp cá nhân như vậy nhiều không sao kể xiết. Chiến dịch tố cộng do Ủy ban hành động công dân chỉ đạo, ngoài ra còn có các cơ quan của cảnh sát dân sự, của dân quân và của lính bảo an ở các làng xã để truy lùng những người phản đối. Các tổ chức thanh niên cộng hòa cũng được tổ chức.

"Nhằm mục đích duy trì trật tự và an ninh ở các làng xã và được huấn luyện để tham gia liên nhóm Bảo vệ nông thôn[70]."
__________________________________
[70] Thành tích trang 301.
 
Quân đội huy động vào những cuộc hành quân càn quét thật sự chống nhân dân, và các sĩ quan không ngần ngại nổ súng vào những đám đông không hề bạo động. Cần ghi nhận rằng trong những năm 1954-1955, bộ chỉ huy quân đội Pháp phải chịu một phần trách nhiệm về những vụ tàn sát này. Cuốn "Thành tích sáu năm hoạt động của chính phủ" do Bộ thông tin xuất bản cung cấp những chi tiết sau đây về sự đàn áp:

1. Thành tích hoạt động của các cơ quan hành động dân sự: 893219 buổi "huấn luyện" về chủ nghĩa nhân vị với 18759111 người tham dự. 3250 cán bộ Cộng sản đã quay về với chính phủ "quốc gia", đã vạch mặt 516 cán bộ Cộng sản hoặc những kẻ nuôi dưỡng họ trong các buổi họp tố cộng; xử bắn 2 đảng viên Cộng sản, (trang 66).

2 Số lượng những cán bộ Cộng sản bị cảnh sát bắt: 25700 người.

3. Số lượng "kẻ địch" bị dân quân Bảo An "loại trừ": 1955: 2400, 1956: 6900, 1957: 2700, 1958: 900, 1959: 4700, 1960: 4900.

4. Số "đảng viên Cộng sản" bị dân vệ bắt: (trang 392)

5. Tháng 5 năm 1956, hội nghị tố cộng toàn quốc nêu con số 6531 phần tử "Cộng sản" đã yêu cầu rời khỏi đảng sau các buổi tố cộng, (trang 393)

6. Về quân đội, đã tham gia các cuộc hành quân sau đây:

- Chiến dịch "Tự do" từ ngày 8 tháng 2 năm 1955 đến ngày 12 tháng 3 năm 1955 trong vùng Cà Mau.

- Chiến dịch "Giải phóng" từ ngày 9 tháng 4 năm 1955 đến ngày 1 tháng 6 năm 1955 trong khu vực Bình Định - Quảng Ngãi.

- Chiến dịch chống quân Bình Xuyên, tháng 3 năm 1955.

- Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng từ ngày 5 tháng 6 năm 1955 đến ngày 28 tháng 12 năm 1955 ở miền Tây Nam Bộ.

- Chiến dịch Hoàng Diệu từ ngày 21 tháng 9 năm 1955 đến ngày 21 tháng 10 năm 1955 trong vùng Rừng Sát.

- Chiến dịch Nguyễn Huệ từ ngày 11 đến ngày 31 tháng 5 năm 1956 trong vùng U Minh.

- Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu từ ngày 8 tháng 6 năm 1956 đến ngày 31 tháng 10 năm 1956 ở biên giới Campuchia.

- Chiến dịch Trương Tấn Bửu từ ngày 17 tháng 7 năm 1956 đến ngày 15 tháng 12 năm 1957 ở miền Đông Nam Bộ. (các trang 85 và 860)
 
Các cuộc hành quân được miêu tả như sau: "quân đội đã quét sạch các nhóm nổi loạn, những tay sai của Cộng sản ẩn náu trong các vùng này để phá rối trật tự." Chúng tôi đã dừng bản liệt kê những chiến dịch này vào thời điểm năm 1957, để sau đây sẽ quay lại với những cuộc hành quân càn quét chống nhân dân sẽ được tiến hành trong những năm sau đó. Chúng ta thấy rằng chính quyền Diệm, ngay từ năm 1954 đã huy động những binh chủng cảnh sát và quân đội khác nhau để tiến hành không ngớt những chiến dịch lớn vừa mang tính chất cảnh sát và tính chất quân sự, ở Nam Bộ cũng như ở miền Trung của Việt Nam. Những thông tin do chính quyền Diệm đưa ra rất phù hợp với lời bình luận sau đây của một tờ tuần báo Pháp:

"Chiến dịch chống Cộng sản chỉ là một chuỗi liên tiếp những cuộc đàn áp bao giờ cũng hung ác, thường là đẫm máu. Tất cả những người kháng chiến đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và loại khỏi các công sở, thậm chí bị loại khỏi cả các doanh nghiệp tư nhân do sức ép của chính phủ. Quân đội của Diệm tổ chức những cuộc hành quân càn quét hệt như trong thời chiến tranh, và bắt nhốt đầy các trại tập trung hàng vạn dân chúng trước kia sống trong vùng của Việt Minh, tha hồ cướp bóc, bắn giết người mà không cần xét xử trong những vùng gần kề vĩ tuyến 17. Chế độ độc tài chính trị quyết liệt đến mức ngay cả những xu hướng chống Cộng sản nhưng có ít nhiều sắc thái pha loãng cũng không được dung thứ."

Hai tháng sau, phóng viên ở Sài Gòn cũng của tờ báo này lại ghi nhận:

"Ông Diệm tiến hành bằng cách loại trừ lần lượt những phần tử không tuân thủ theo ý của ông ta. Thế nhưng nội dung của sự tuân thủ này lại được xác định tùy theo một quan niệm không ngừng diễn biến của Diệm về chủ thuyết của mình. Ở giai đoạn đầu, chủ thuyết này trùng với một thứ chủ nghĩa chống Cộng sản mang tính học thuyết, đến giai đoạn thứ hai, sự chống đối chủ nghĩa Mác mang tính ý thức hệ không còn đủ nữa, thứ chủ nghĩa chống Cộng sản này của Diệm còn phải được thể hiện bằng sự bác bỏ các Hiệp định Genève, sự tán thành cuộc trưng cầu dân ý đưa Diệm lên ngôi Quốc trưởng, và hiện nay thì tính chính thống đòi hỏi người công dân tốt phải chấp nhận một cuộc Bắc tiến, một nền cộng hòa theo chế độ tổng thống[71]."
___________________________________
[71] Tribune des nations, ngày 23 tháng 9 năm 1955.
 
Từ tháng 7 năm 1954 đến tháng 6 năm 1955, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã lưu ý Ủy ban quốc tế về 295 trường hợp nghiêm trọng, Ủy ban này chỉ có thể tiến hành điều tra được 33 vụ trong tổng số những vụ việc này, bởi các nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam (tức chính quyền Diệm và bộ chỉ huy quân đội Pháp) đã gây ra nhiều cản trở cho hoạt động của Ủy ban quốc tế. Trong báo cáo số 4 của mình, Ủy ban này tiết lộ:

"Trong những trường hợp mà cuộc điều tra đã có thể tiến hành, chúng tôi đã nhận ra 319 vụ dẫn đến thiệt hại về nhân mạng. Ủy ban đã không thể xác định được rằng trừ những trường hợp đã được nêu ra, đã không xảy ra những sự đàn áp hay phân biệt đối xử khác."

Về vụ Ngân Sơn - Chi Thạnh xảy ra trong những ngày 7, 8, 9 tháng 9 năm 1954, báo cáo này ghi nhận:

"Đây là một sự cố nghiêm trọng đã làm khoảng 80 người chết và 46 người bị thương. Chống lại một đám đông khoảng 300 người không có bất cứ một thứ hỏa lực nào trong tay, 320 binh sĩ thuộc tiểu đoàn 10 của Việt Nam đã được triển khai vào vị trí chiến đấu với súng trường và vũ khí tự động loại nhẹ, ngoài ra còn có sự yểm trợ của những toán quân cơ động. Quy mô binh lực được sử dụng không những là quá đáng mà còn là không bình thường. Ủy ban cho rằng sự cố này là đặc biệt nghiêm trọng, vì con số rất lớn những người bị giết và những người bị thương đã không được một sự cứu giúp kịp thời nào của quân đội Liên hợp Pháp."

Nếu đối chiếu những tài liệu chính thức của chính quyền Diệm, nhwungx thông báo của Ủy ban quốc tế, những bằng chứng do báo chí nước ngoài cung cấp, thì thấy ngay rằng những tố cáo của nhà cầm quyền Bắc Việt Nam chống lại miền Nam không có chút nào là quá đáng. Ngày 23 tháng 2 năm 1956, tướng Phan Trọng Tuệ, trưởng phái đoàn liên lạc của quân đội nhân dân ở Ban hỗn hợp đình chiến, đã gửi cho bộ chỉ huy các lực lượng Liên hợp Pháp, chịu trách nhiệm về việc thi hành các hiệp định ở khu vực phía nam, một bức thư mà chúng tôi trích dẫn dưới đây:

"Theo những con số thống kê chưa đầy đủ, từ ngày hòa bình được lập lại cho đến tháng chạp năm 1955, trong khu vực tập kết của quân đội Liên hợp Pháp, đã xảy ra 4880 trường hợp vi phạmc ác điều khoản 14c và 15d, gây ra hậu quả:

- 2042 người chết và mất tích.

- 4555 người bị thương.

- 31176 người bị cầm tù và bị tra tấn.

Để phá hoại các điều khoản 14c và 14d của các hiệp định đình chiến, và các điểm 8, 9 của lời tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève, chính phủ miền Nam đã không ngần ngại dùng đến những thủ đoạn dã man nhất, phát xít nhất. Họ tiến hành những cuộc khủng bố trả thù, hoặc công khai hoặc bí mật, ban đầu là từng trường hợp cá nhân, rồi tiến đến là những cuộc đàn áp tập thể như ở Ngân Sơn, Chi Thạnh, Hà Lam, Chợ Được, Vĩnh Xuân, Mỏ Cày... Cuối cùng họ tung ra những chiến dịch quân sự thật sự được gọi là chiến dịch "tiêu diệt và tố cáo Cộng sản", trên khắp cả miền Nam, từ hơn một năm nay. Các nahf cầm quyền miền Nam đã tra tấn đến chết cả những ông già bà cả, trẻ con, phụ nữ đang mang thai, người tàn tật. Họ đã tra tấn đến chết bà Nguyễn Thị Diệu, đang mang thai 4 tháng, bà Thại Thị Thiu có mang 3 tháng, họ đã giết chết 7 người phụ nữ đã tham gia kháng chiến, trong lúc đang mang thai từ 3 đến 8 tháng, và 31 trẻ em chỉ bằng một loạt súng ở Hương Điền. Ở Quảng Trị, họ đã tra tấn đến tàn tật 8 cụ già đã tham gia kháng chiến. Những làng đã tham gia kháng chiến, đặc biệt là những khu căn cứ kháng chiến cũ đều bị đốt sạch sna bằng, dân cư bị tàn sát, chẳng khác gì như trong chiến tranh. Chính theo cách đó mà họ đã san bằng các thôn Hương Điền, A Lưới (Quảng Trị) là những nơi họ đã tàn sát 92 người và 31 người...

Để nhốt hàng vạn người đã bị họ bắt trong các chiến dịch "tố cộng", nhà cầm quyền miền Nam cho xây dựng cả một mạng lưới nhà tù, cả ở thành phố và nông thôn; ở một số tỉnh, do số nhà tù không đủ, nhiều nhà thờ Thiên Chúa giáo và nhà chùa cũng được dùng để giam người. Tuy nhiên, cho rằng các chiến dịch tố cộng và hệ thống nhà tù hiện có vẫn chưa đủ để khủng bố tinh thần của những người kháng chiến cũ và để củng cố uy quyền của họ, những người cầm quyền ở miền Nam ngày 11 tháng giêng năm 1956 đã ban bố một sắc lệnh thành lập các trại tập trung. Theo sắc lệnh này, các nahf cầm quyền miền Nam có thể bắt bớ, giam cầm bất cứ ai mà không cần phải xét xử, không cần phải có chứng cứ, họ chỉ cần tố cáo người mà họ định bắt là có những hành động "làm nguy hại đến quốc phòng và an ninh công cộng[72]."
________________________________________
[72] Những tư liệu về việc thi hành các Hiệp định Genève.
 
Liệu có cần phải đưa ra những lời làm chứng nữa không ?

"Đạn súng lục làm câm họng bất cứ người Việt Nam nào mở miệng chống lại người Mỹ ở Nam Việt Nam[73]."

"Đã được thiết lập ở Nam Việt Nam thêm một chế độ Lý Thừa Vãn nữa có thể gây ra bất cứ lúc nào một cuộc chiến tranh mới đầy tai họa[74]."

Cả đến người Mỹ cũng xúc động vì sự đàn áp tàn bạo đó, ngày 11 tháng 4 năm 1956, báo New York Times đăng bức thư của một mục sư đạo Tin Lành, một người với kinh nghiệm "đã sống suốt cuộc đời của mình ở châu Á", cảnh báo chính phủ Hoa Kỳ rằng:

"Nếu có một bài học mà đáng ra chúng ta đã phải học ở châu Á, đó là không thể ngăn chặn một phong trào quần chúng bằng cách giết người."

Nhưng năm 1956 là thời điểm mà cả chính phủ Hoa Kỳ lẫn chính phủ của Diệm đều chẳng còn bụng dạ nào mà rút ra những bài học của lịch sử, họ đều là những con nợ đang bị thúc đến tận gót bởi kỳ hạn thanh toán đã đến nơi của một vụ buôn bán mà họ không sao thanh toán nổi. Đó là cuộc tổng tuyển cử theo dự kiến của các Hiệp định Genève. Ngày 7 tháng 7 năm 1956, kỷ niệm lần thứ hai việc Diệm lên nắm quyền, một tờ báo ở Sài Gòn, tờ Tiếng Chuông, viết:

"Hôm nay chúng ta có thể điểm lại nhwungx thành quả của chính sách do tổng thống Diệm đề ra, trong đó phần chủ yếu là chiến dịch chống Cộng sản, đã được nêu lên thành quốc sách. Chính sách tố cộng đã làm cho đến tháng 7 này sẽ không có tổng tuyển cử!"

Ngày 17 tháng 7 năm 1954, ban chấp hành trung ương Đảng Lao Động Việt Nam họp phiên toàn thể đã ra thông cáo trong đó có đoạn viết:

"Khi chúng ta đã có được đình chiến, cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước, hoàn thành độc lập và thực hành dân chủ sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn do chủ nghĩa đế quốc Mỹ, cánh hiếu chiến ở Pháp và những tay sai của chúng. CŨng như công cuộc kháng chiến, cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước sẽ lâu dài, gian khổ và phức tạp."
___________________________________
[73] Express, ngày 20 tháng 10 năm 1956.

[74] Times of India (Thời báo Ấn Độ) ngày 21 tháng 10 năm 1956.
 
Về phần mình, các nhà cầm quyền ở miền Bắc sẽ thi hành một chính sách mà các hằng số sẽ có thể dễ dàng theo dõi qua các việc làm và lời nói của họ đòi thi hành nghiêm túc các Hiệp định Genève, những mối quan hệ Bắc - Nam thường xuyên trong tất cả mọi lĩnh vực, đồng thời xác định mọi chính sách thống nhất đất nước có đủ sự mềm dẻo để tạo dễ dàng cho một số giới xã hội ở miền Nam chuyển sang một chế độ mới. Họp tháng 9 năm 1955, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc đã đưa ra những luận điểm sau đây:

"Hiện nay tình hình xã hội và chính trị ở miền Bắc và miền Nam là khác nhau. Để thực hiện một cách thuận lợi chính sách hòa bình thống nhất, chúng ta phải tính đến tình hình cụ thể của cả hai miền, tính đến những lợi ích và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân khác nhau, chúng ta sẽ dùng phương pháp những hội nghị hiệp thương giữa hai bên để đi đến tổng tuyển cử, không bên nào gây áp lực với bên nào hoặc thôn tính lẫn nhau... Căn cứ vào những đặc điểm riêng của từng miền, mỗi miền sẽ có quyền có những luật riêng phù hợp với nhwungx điều kiện của địa phương, nhưng không trái với luật chung của Nhà nước.

Trong khi chờ đợi tái thống nhất, các nhà chức trách ở mỗi miền sẽ phải dành cho tất cả những chính đảng và tổ chức quần chúng tán thành chính sách hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ một địa vị hợp pháp, không bị phân biệt đối xử. Về cuộc tổng tuyển cử, các chính đảng hợp pháp ra tranh cử sẽ được tiến hành theo phương thức phổ thông đầu phiếu, bằng cách bỏ phiếu kín và trực tiếp. Quốc hội do tổng tuyển cử bầu ra sẽ là cơ quan lập pháp tối cao... Chính phủ do Quốc hội đó chỉ định sẽ là cơ quan hành pháp tối cao và chịu trách nhiệm trước Quốc hội...

Những đại diện của các chính đảng khác nhau, các nhóm vũ trang khác nhau, những tổ chức khác nhau hãy cùng nhau ngồi lại, cùng nhau bàn bạc để thúc đẩy và ủng hộ cuộc hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành giữa các nhà chức trách của hai miền, nhằm nhanh chóng tiến tới tổng tuyển cử."

Những luận đề trên đây sẽ được Quốc hội họp ở Hà Nội vào cuối tháng 9 tán thành, và cũng tại phiên họp này của Quốc hội, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua lời phát ngôn của ông Phạm Văn Đồng, cũng bày tỏ sự đồng tình với chính sách này.
 
Ngay từ ngày 4 tháng 2 năm 1955, khi còn chưa nắm hết trách nhiệm quản lý toàn bộ miền Bắc - vì quân đội Pháp chỉ rời khỏi Hải Phòng vào tháng 5 năm 1955, các nhà chức trách miền Bắc đã yêu cầu chính quyền miền Nam:

"Cho phép nhân dân ở hai miền được hưởng tất cả mọi thuận lợi để trao đổi thư tín, đi lại, buôn bán, và trao đổi về văn hóa, nghệ thuật, khoa học, thể thao... Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ khuyến khích và giúp đỡ những trao đổi giữa nhân dân hai miền trong tất cả mọi lĩnh vực."

Ngày 21 tháng 2 năm 1955, Bộ Thương mại và Ngân hàng Nhà nước miền Bắc ra thông cáo nói rõ rằng mình "Sẵn sàng giúp đỡ nhân dân hai miền thiết lập lại các quan hệ kinh tế và tạo dễ dàng cho mọi sự tiếp xúc giữa các doanh nhân miền Bắc và miền Nam một cách tuyệt đối tự do."

Đáp lại những đề nghị này, thái độ của chính quyền Diệm là kiên quyết bác bỏ, viện cớ rằng không thể nào có quan hệ với những "phần tử Cộng sản", mặc dù, cũng trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn trao đổi hàng hóa, các đoàn đại biểu văn hóa, thể thao với Liên Xô. Sẽ chẳng bao giờ có một đường biên giới nào bị bịt kín mít như biên giới giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Chính phủ của Diệm cả đến một bức thư gia đình cũng không cho phép lọt qua, các gia đình để thông tin cho nhau, phải sử dụng một thứ bưu thiếp để ngỏ chỉ chứa được một vài dòng chữ. Vả chăng những ai ở miền Nam nhận được bưu thiếp gửi đến từ miền Bắc đều có nguy cơ bị đàn áp, đến nỗi rốt cuộc họ đành phải van xin người thân của mình ở miền Bắc đừng thư từ gì với mình nữa. Để viết thư cho gia đình hay bè bạn ở miền Nam, người Việt ở miền Bắc buộc phải dùng đến cách nhờ bỏ thư từ của mình qua bưu điện ở nước ngoài. Chính quyền của Diệm sẽ không trực tiếp mua xi măng và than đá của miền Bắc, người Nhật sẽ đính lên những hàng hóa này của miền Bắc Việt Nam một thương hiệu Nhật Bản rồi bán lại với giá rất đắt cho miền Nam Việt Nam, còn miền Bắc Việt Nam thì lại sẽ phải tìm mua lại ở nơi khác cao su của miền Nam qua tay của những nước trung gian. Các nhà trí thức ở miền Nam sẽ chỉ uổng công vô ích yêu cầu được quan hệ với những đồng nghiệp của mình ở miền Bắc để cùng hợp tác. Câu trả lời mà họ nhận được của chính quyền Diệm là phủ quyết tuyệt đối. Thế cho nên, đối với một nước nhỏ, đây sẽ là một sự lãng phí công sức chưa từng thấy, chẳng khác gì một cơ thể bị cắt xẻo một cách bi thảm, làm chậm lại ghê gớm mọi sự tiến bộ.

"Chúng ta, những người sống ở phương Tây, nơi mà các nước đã rất hiếm khi bị chia cắt, mà dù có bị chia cắt chăng nữa, chúng ta cũng vẫn không sao thấu hiểu được ý nghĩa của một sự chia cắt triệt để đến như thế. Vĩ tuyến 17 không những chỉ ngăn đôi lãnh thổ mà còn chia cắt các gia đình và các bè bạn. Và không phải chỉ có thế. Đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc, sự chia cắt lãnh thổ làm cho đất nước của họ mất đi vừa sức mạnh vừa sự độc lập thật sự. Có rất nhiều người Việt Nam ở miền Nam, nhiều hơn người ta tưởng, đặt vấn đề thống nhất lên trên hết, trên cả lòng căm thù của họ đối với chủ nghĩa Cộng sản[75]."
________________________________________
[75] Báo Times, ngày 19 tháng 12 năm 1956.
 
Cũng cần nói thêm rằng hình thức địa lý của đường giới tuyến, với những dãy núi phủ kín một lớp rừng rậm không thể xuyên qua chạy dài đến tận gần mặt biển lại càng thuận lợi cho việc đóng kín một đường biên giới, tuy được lập ra tạm thời với một mục đích duy nhất là để quân đội hai bên tập kết và để tránh những sự cố có thể làm nhen lại ngọn lửa chiến tranh.

Ngày 6 tháng 6 năm 1956, đúng theo những hiệp định đã được ký kết, chính phủ miền Bắc tuyên bố sẵn sàng gặp những nhà chức trách của miền Nam vào ngày 20 tháng 7 để bàn về vấn đề tổng tuyển cử. Tuyên bố này, đến ngày 19 tháng 7, lại được khẳng định bởi một công hàm gửi chính phủ miền Nam, đề nghị họ phái đại diện để cùng dự một hội nghị hiệp thương giữa hai chính phủ. Chính phủ Diệm làm ngơ không trả lời những đề nghị này, nhưng ngày 16 tháng 7 năm 1956, Ngô Đình Diệm tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn:

"... Chúng ta không thể tính đến việc xem xét bất cứ một đề nghị nào của Cộng sản, nếu không có được bằng chứng rằng họ đặt lợi ích của tổ quốc lên trên lợi ích của chủ nghĩa cộng sản."

Ngày 9 tháng 8 năm 1955, chính quyền Diệm đưa ra công khai một bản tuyên bố trong đó có đoạn:

"Trong bất cứ lĩnh vực nào, chính phủ chúng ta cũng không tự coi mình bị ràng buộc bởi các Hiệp định Genève mà mình đã không ký."

Ngày 7 tháng 10, Bô trưởng Ngoại giao miền Nam gửi gửi thư cho Selwyn Loyld, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh Quốc, đồng chủ tịch của hội nghị Genève, một lần nữa khẳng định lại rằng:

"Chính phủ Nam Việt Nam, vì đã không ký các Hiệp định Genève, nên tuyệt đối không bị ràng buộc bởi những hiệp định này... Cần phải xác định lại một lần nữa rằng Chính phủ (Nam) Việt Nam tán thành nguyên tắc tổng tuyển cử... nhưng với điều kiện là cuộc tuyển cử này phải hoàn toàn tự do..."
 
Như vậy là chúng ta thấy rõ rằng hai lập trường hoàn toàn đối lập nhau đã được khẳng định. Chính phủ Hồ Chí Minh thừa nhận chính phủ của Diệm là "một đối tác có giá trị", mặc dù chính phủ này đã không đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc, và đề nghị với chính phủ này không phải là đầu hàng mà là cùng nhau bàn bạc những phương thức để tiến hành cuộc tổng tuyển cử. Còn Diệm, về phía ông ta, lại muốn rằng chính phủ miền Bắc phải trình bày những chứng cớ về lòng yêu nước của mình: chừng nào mà bản thân Diệm chưa tự tay cấp cho Hồ Chí Minh tấm giấy chứng nhận rằng ông Hồ là, người yêu nước, thì chưa thể có tổng tuyển cử. Vả chăng, đối với Diệm, các Hiệp định Genève chỉ là những mảnh giấy lộn vô giá trị, điều làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 2 năm 1956, tuyên bố trước Quốc hội Ấn Độ rằng:

"Thiếu sót chủ yếu của tình hình ở Đông Dương, là ở chỗ ông Diệm không thừa nhận các Hiệp định Genève mặc dù ông ta chấp nhận những gì có lợi cho ông ta trong các hiệp định đó."

Quả vậy, chính phủ Diệm rất muốn, nhân danh các hiệp định đình chiến, tiếp quản việc quản lý khu vực miền Nam, trở thành người thừa kế hợp pháp quyền chỉ huy các lực lượng quân sự của Liên hợp Pháp, theo điều khoản này của hiệp định nhưng đồng thời lại không bị ràng buộc bởi những điều khoản khác.

Ngày 26 tháng 6 năm 1955, Chủ tịch Ba Lan và Nehru ký một thông cáo chung khẳng định rằng:

"Không những hòa bình ở Đông Dương mà cả trong toàn cõi Viễn Đông và trên thế giới đòi hỏi các Hiệp định Genève phải được các bên hữu quan thi hành một cách trọn vẹn, và các cuộc tổng tuyển cử phải được tiến hành như các hiệp định đã dự kiến."

(Cần nhắc lại rằng Ba Lan, cũng như Ấn Độ, là thành viên của Ủy ban kiểm soát quốc tế).
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top