Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ

Dư luận nhất trí nêu bật tính chất quân sự của viện trợ Hoa Kỳ cho Nam Việt Nam. Nhận định này càng được khẳng định chính xác bởi tỷ lệ áp đảo của những khoản tín dụng dành cho các quân chủng, mà chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ, chi tiết trong một chương sau. Trên tờ tuần báo Mỹ The Reporter, David Hotham đã miêu tả không khí hoạt động của các phái đoàn Hoa Kỳ tại Sài Gòn như sau:

"Các thành viên phái đoàn Mỹ USOM làm công việc của họ vừa với tinh thần của một đoàn truyền giáo vừa là của một cơ quan phụ trách hành quân. Trong tổng hành dinh khổng lồ của họ chi chít ngang dọc không biết cơ man nào là bàn giấy, trên đó ngồn ngộn những đóng giấy tờ và bản kế hoạch, hàng mấy trăm người Mỹ, đàn ông có, đàn bà có, làm việc liên miên hết giờ này sang giờ khác trong điều kiện khí hậu hết sức mệt mỏi, để giúp đỡ nhân dân một nước mà có lẽ chỉ cách đây mấy tháng, rất nhiều người Mỹ trong số đang làm việc đó chưa từng nghe nói đến bao giờ.

Rõ ràng, sự lo toan chiến lược đã cắm rễ rất sâu trong cách nhìn của nhà cầm quyền Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á. Mới đây, tôi đã rất kinh ngạc khi nghe một người đứng đầu cơ quan phụ trách về viện trợ của Hoa Kỳ trong khu vực này nóiL: "Nếu muốn hoàn thành tốt một dự án, thì tôi đặt tên cho nó là "hỗ trợ phòng thủ" chứ không gọi là viện trợ kinh tế, như thế công việc của tôi có nhiều cơ may được Washington chấp nhận hơn." (19 tháng 9 năm 1957)

Thật sai lầm khi nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ lao vào công cuộc chinh phục miền Nam Việt Nam về phương diện kinh tế ngay từ bây giờ. Người ta đã dùng tiền của dân Hoa Kỳ đóng thuế để mua của công ty Hoa Kỳ một số hàng hóa nào đó nhằm trợ giúp cho ngân sách của Diệm. Tạm thời trước mắt, người Mỹ đủ thỏa mãn với việc hất cảng người Pháp khỏi vị trí đứng đầu trong nền ngoại thương của xứ này, nhưng các khoản đầu tư thì người Mỹ chưa bỏ ra, mặc dù đã có hiệp định giữa chính quyền Diệm và Washington ký ngạy 5 tháng 11 năm 1957 đảm bảo cho đầu tư Hoa Kỳ khỏi bị sung công và khỏi bị đe dọa bởi các nguy cơ chiến tranh. Tháng Chạp năm 1957, Tướng O'Daniel, với danh nghĩa Chủ tịch hội "Những người bạn Mỹ của Việt Nam" ra lời kêu gọi người Mỹ đầu tư nhưng vô hiệu. Thời điểm chưa chín muồi cho các khoản dầu tư, những đồng vốn của tư nhân sẽ chỉ được bỏ ra khi công cuộc "bình định" đã hoàn thành. Cũng nên nhắc lại rằng tư bản tư nhân của Pháp cũng chỉ được đầu tư ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, khi đất nước này đã được hoàn toàn bình định.

Thêm vào các phái đoàn quân sự, hành chính và kinh tế, còn nhung nhúc không biết cơ man nào là tổ chức tư nhân, điệu nhạc đệm không thể thiếu cho sự "có mặt của Hoa Kỳ"; lại còn phải nhắc đến sự tràn ngập trên màn ảnh những bộ phim Mỹ và chiếm đến 85% thị phần điện ảnh. Bầu không khí ở Sài Gòn vào thời điểm Hoa Kỳ ngự trị đã được ngòi bút của Tibor Mende dựng thành một bức tranh khá phong phú màu sắc: "Nằm ở góc các con đường Cộng hòa và Thành Thái ở Sài Gòn, là trụ sở của trường dạy tiếng Anh English Language Laboratory lần đầu tiên được mở ở châu Á. Được phái đoàn Hoa kỳ thành lập mùa xuân vừa qua, trường học này sử dụng một phương pháp hoàn toàn mới để dạy tiếng Anh. Nhiều lớp học được trang bị máy ghi âm đặt trong những cabin cách âm, và người học vừa có thể nghe được tiếng đọc của chính mình vừa đồng thời lặp lại bài học được ghi âm ở đường đọc phía trên. Mục tiêu của trường này là đào tạo những thầy dạy tiếng Anh, chuẩn bị cho những sinh viên có khả năng du học ở Mỹ, hoặc những người làm công cho các cơ quan của Hoa Kỳ ở Việt Nam... Cùng với các trường này, tiếng Anh còn có những nhà truyền giáo tình nguyện ở Việt Nam, rất nhiều bà vợ của những người Mỹ đóng tại Việt Nam tập hợp quanh họ những nhóm nhỏ bạn bè và dạy tiếng Anh cho họ...
Nhưng ngoài những nhà truyền giáo tiếng Anh, ở Việt Nam còn có rất nhiều nhân viên của hơn 20 cơ quan của Hoa Kỳ (mà một trong số đó bí hiểm đến mức người ta không thể biết thực chất đó là cơ quan gì). Những viên chứac này lại được đi kèm bởi một đám lúc nhúc rất nhiều đại diện của những tổ chức tư nhân bao gồm từ những hệ thống giáo dục và tổ chức từ thiện đến những hệ thống kỹ thuật và tổ chức mang tính thuần túy tôn giáo. Có các bà đầm già quen thuộc chuyên nhân danh các trường đại học tư nhân săn lùng những sinh viên đáng được hưởng học bổng, có những quý ông đi xe cơ giới phân phát tiền của Ủy ban cứu trợ khẩn cấp (International Rescue Committee) hoặc của quỹ cứu trợ khẩn cấp dành cho trẻ em (Emergency Fund for Children), làn sóng những chiếc xe hơi của nhiều tổ chức công giáo đi cứu giúp những người tị nạn hay nhóm của trường Đại học Michigan, đặt dưới quyền điều khiển của giáo sư Fishel, chuyên lo việc đào tạo một đội ngũ công chức người Việt Nam cho các ngành hành chính, tài chính và cảnh sát.

Phái đoàn quân sự chỉ riêng mình nó đã đông đến hơn 650 người Mỹ lo đào tạo lực lượng vũ trang của Nam Việt Nam. Cơ quan thông tấn Hoa Kỳ USIS (US Information Service) điều khiển các trung tâm thông tấn, các thư viện và các hoạt động tuyên truyền khác. Phái đoàn điều hành Hoa Kỳ USOM (US Operation Mission) gồm khoảng 400 nhân viên. Đây chính là lá phổi nhân tạo của Nam Việt Nam. Nó cung cấp khối dưỡng khí không thể thiếu cho sự sống còn, điều tiết mức hô hấp nhân tạo cần thiết, và đồng thời vừa cầm tù vừa giữ cho con bệnh được sống. Nói một cách ít hình ảnh hơn, phái đoàn USOM cấp cho Nam Việt Nam mỗi năm 320 triệu đô la, tức là hơn ba phần tư khối dưỡng khí mà người bệnh thở."[25]
__________________________________
[25] Báo La Gazette de Lausanne, ngày 23 tháng 4 năm 1957.
 
Mỹ vốn là đất nước của Thanh giáo rất khắt khe về đạo đức; rèn vũ khí, xây dựng những căn cứ quân sự, nắm lấy quyền điều khiển về chính trị và kinh tế của nước ngoài, một việc làm như thế đòi hỏi phải được biện minh về phương diện ý thức hệ, nhất là sau khi người ta đã, trong bao nhiêu năm trời, lên án chủ nghĩa thực dân Pháp là tham tàn và vô nhân đạo. Bảo vệ châu Á chống lại con quỷ Cộng sản sẽ là chủ đề lớn của các bài diễn văn và các xuất bản phẩm. Sau một chuyến đi dài ngày ở châu Á, Foster Dulles ngày 23 tháng 3 năm 1956, tuyên bố trên vô tuyến truyền hình như sau:

"Những nhà lãnh đạo các nước châu Á mà tôi đã tiếp chuyện đều bày tỏ mong muốn rằng Hoa Kỳ phải mạnh, và sức mạnh đó, như một chiếc ô được tiếp tục giương lên để che chở các dân tộc khác... Người ta thường hay hỏi tôi, liệu Hoa Kỳ có ý định duy trì sự bảo vệ đó hay không, và câu trả lời của tôi bao giờ cũng là một sự khẳng định mạnh mẽ. Câu trả lời đó đã được đón nhận với một sự toại nguyện sâu sắc."

Tiếp đó, vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ tung ra một lời kêu gọi nhằm vào những người Mỹ có thiện chí:

"Trong quá khứ, đã có những nhà truyền giáo, những thầy thuốc, những nhà giáo dục đông đảo ra đi để mang đến cho các dân tộc khác niềm tin của chúng ta, khoa học của chúng ta, họ đã ra đi trong những điều kiện đòi hỏi một cuộc sống gian khổ và những hy sinh. Ước muốn cháy bỏng của tôi là ngày nay sẽ có nhiều hơn nữa những thanh niên nam nữ của chúng ta dấn thân vào cuộc phiêu lưu vĩ đại."[26]

Trong một cuốn sách rất nổi tiếng có nhan đề Le Vilain Américain[27], mà nhà xuất bản khẳng định đã được Tổng thống Kennedy coi là sách đầu giường của mình và được gần 5 triệu người Mỹ mua đọc, các tác giả Lederer và Burdick đã chỉ ra cho một số người Mỹ phải biết cách cư xử như thế nào ở Nam Việt Nam mà các tác giả, do tình thế, tạm thời gọi là nước Sarkhan để chiến thắng bọn m quỷ Cộng sản. Cũng như Chính phủ thực dân cũ trước đây đã có những nhà truyền giáo, nhà thám hiểm, nhà khoa học tận tụy vì các dân tộc da màu, Hoa Kỳ ngày nay cũng có những anh hùng của mình ở đất nước Sarkhan.

"Trước hết có John Colvin, trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã từng được thả dù xuống đất Sarkhan, nay trở về Mỹ, điều hành một xí nghiệp thu mua sữa bò. Nhưng ngay khi được tin nội tình nước Sarkhan đang gặp khó khăn với chủ nghĩa Cộng sản, ông ta đã yêu cầu được quay trở lại đất nước này. Ý định lớn của ông ta là dạy cho người Sarkhan biết cách nuôi bò lấy sữa, như thể sẽ làm cho họ tách khỏi chủ nghĩa Cộng sản và khuyến khích họ bảo vệ thế giới tự do. Còn cha Finian thì là một tu sĩ dồng Tên - chuyên gia về khoa đấu tranh chống Cộng sản. Ông ta sẽ sang đây để cùng sẻ chia cuộc sống với những người cùng khổ của đất nước này, sẽ thành lập những nhóm tín đồ công giáo người bản xứ quyết liệt chống Cộng sản. Để thực hiện sứ mệnh này, ông ta sẽ dấn thân với lòng kiên nhẫn vô cùng tận và sự am hiểu tâm lý sâu sắc mà chỉ các tu sĩ dòng Tên mới có.
______________________________________
[26] Diễn văn trên vô tuyến truyền hình của Foster Dulles được đăng lại trên báo New York Times (Thời báo New York).

[27] Nguyên văn tiếng Pháp, tạm dịch là Người Mỹ bình dân (ND).
 
Đại tá Ragtime lại có cách độc đáo riêng của mình để chinh phục cảm tình của người dân Sarkhan. Ông ta thổi kèn ác-mô-ni-ca trên đường phố, để tranh thủ cảm tình của nhân dân. Ông ta giành được lòng tin của các ông hoàng và các sứ thần của đất nước này bằng thuật xem tướng tay. Trung ta Wolchek thì có kinh nghiệm về chiếng tranh cách mạng ở triều Tiên, đã đọc kỹ các tác phẩm của Mao Trạch Đông; viên quan tư người Pháp Monet chính là nhờ ông ta mách nước cho mà đã đánh thắng được trận thắng duy nhất của người Pháp trong suốt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tom Knox, người bang Iowa, có tính mê nuôi gà con. Tham vọng to lớn của cuộc đời ông ta là gây được giống gà mái đẻ quanh năm suốt 365 ngày. Sau một năm sống ở Campuchia, ông ta đã dạy cho người bản xứ biiets chăm sóc gà con bằng cách cho chúng ăn thức ăn có chất canxi và biết làm đồ hộp trái cây. Tom đã trở thành thần tượng của người Campuchia.Nhà hoạt động công đoàn Asch lại có tài ngoại giao hơn nhiều so với tất cả các nhân viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; đơn thương độc mã trong một hội nghị về châu Á, thế mà ông ta đã biết cách vớt vát được thể diện cho các đại biểu của châu Á. Homer Atkinh và vợ là Emma đến ở trong một ngôi làng của người Sarkhan, cùng với một người thợ máy bản xứ, họ đã lắp ráp được một cái máy bơm đơn sơ nhưng thích hợp với trình độ sử dụng của người bản xứ, giúp cho việc đưa nước vào ruộng được dễ dàng hơn. Emma đã nảy ra ý tưởng tuyệt vời là bày cho các bà già người Sarkhan biết nối thêm một cái cán vào chiếc chổi cổ truyền của họ, giúp cho họ có thể đứng thẳng lưng mà quét, còn Emma được từ toàn thể phụ nữ nước này lòng biết ơn vĩnh cửu. Cầm đầu những người Mỹ tốt bụng này là ông đại sứ kiểu mới Gilbert Mac White chuyên cần, kiên nhẫn, thực tế.

Tất cả các nhân vật của cuốn Người Mỹ bình dân đều đã trải qua tập sự trong đại chiến thứ hai hoặc cuộc chiến tranh triều Tiên. Là những anh chàng to con "thân thể rắn chắc và cuồn cuộn bắp thịt", họ đã từng thực hiện những chiến công và đã trở về nhà lo công việc của riêng mình. Đương nhiên, những công việc kinh doanh phát đạt, vì họ biết cách làm ăn. Và họ cho rằng nếu công việc kinh doanh của Hoa Kỳ ở Việt Nam không suôn sẻ thì chính là do các viên đại sứ và những cố vấn của họ không biết cách làm ăn, để cho bọn Cộng sản đánh lừa như lừa những doanh nhân không có kinh nghiệm.

Tất cả mọi hành vi của họ, kể cả của ông cố đạo dòng Tên, đều mang dấu ấn của chủ nghĩa thực dụng rất đặc thù của người Mỹ. Chính với cung cách thực dụng đó mà cha Finian đã học tiếng Miến một cách đơn giản nhất trần đời: "... Ông ta hỏi tên của mỗi một đồ vật mà ông ta trông thấy, bằng cách dùng ngón tay để chỉ. Lá, cây, nước, lớn, nhỏ, đi, nhảy, mây, bàn chân, mũi, miệng... Và ông ta đã kinh ngạc khi nhận ra rằng số từ thiết yêu của một ngôn ngữ không nhiều cho lắm. Ngữ pháp tiếng Miến nhập vào ông ta lúc nào ông ta cũng không biết, và chỉ sau bốn tuần, ông đã nói được những câu đơn giản. Ông ta muốn rằng những câu phức tạp được nói ra bằng những câu đơn giản và ông tin chắc rằng việc đó là có thể làm được. Ông cha dòng Tên chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sắm một cuốn từ điển song ngữ Miến-Anh mặc dù người Anh trước đó đã kịp phát hành, và ông ta cũng chưa hề nghĩ rằng một ngôn ngữ biểu đạt những nhu cầu của một nền văn minh già cỗi lại nhất thiết phải phức tạp. Đại sứ Mac White chẳng hề quan tâm đến người đồng sự của mình là đại tá Ragtime chinh phục được lòng tin của các nhà ngoại giao châu Á bằng thuật xem bói tay, điều thiết yếu là đạt cho được kết quả, bởi vì ai cũng biết rằng tất cả mọi người châu Á đều mê tín. Tất cả mọi người châu Á đều không kiếm tìm điều gì khác hơn là việc giữ thể diện cho mình. Giá như người đại diện của Hoa Kỳ trước đây đã biết cách để không làm mất lòng người đại diện của Ấn Độ, thì hẳn từ lâu rồi nước Ấn Độ đã chấp nhận các căn cứ nguyên tử trên lãnh thổ của mình. Đương đầu với Hoa Kỳ là bọn Cộng sản, xảo quyệt và độc ác. Chúng kích động dân chúng chống lại người da trắng, cài người của chúng vào trong đám đông nông dân, dùng súng lục và súng tiều liên để bắt mọi người theo chúng. Bọn Việt Minh móc mắt những binh lính người Phi bị chúng bắt làm tù binh, cắt đứt thanh quản cua những người lính Bảo Đại mà chúng tóm được. Làm sao có thể bỏ mặc các đám đông dân chúng tay không trước sự đe dọa của Cộng sản ? Người Pháp đến trước người Mỹ, đã làm hỏng tất cả."

Giáo hội Thiên chúa giáo đương nhiên sẽ giúp một tay vào công cuộc vĩ đại này. Ngày 16 tháng 1 năm 1955, một buổi lễ trọng thể đã được cử hành tại nhà thờ lớn Saint Patrick ở New York, để đón chào Hồng y giáo chủ Spellman vừa trở về từ châu Á sau một chuyến đi kéo dàu 36 ngày; bài rao giảng trong buổi lễ nói:

"Chúng ta hãy cầu xin Đức Chúa Trời hãy cho tất cả các dân tộc thấy rằng con đường duy nhất để đảm bảo một nền hòa bình lâu dài, giữa họ với nhau và giữa các quốc gia là sự liên hiệp với Bà Mẹ của tất cả các Giáo hội dưới quyền của vị giáo chủ duy nhất là Đức Giáo hoàng. Người kế vị của thánh tông đồ Phao-lồ, đại diện của Đấng Kito trên trái đất này."

Hồng y giáo chủ Spellman đã đặt Nam Việt Nam và Ngô Đình Diệm dưới đôi cánh che chở của mình, và nhân vật sáng giá nhất trong cuốn Người Mỹ bình dân là ông cố đạo dòng Tên Finian, mà những người noi gương và thi đua với ông ta đã tản đi khắp hang cùng ngõ hẻm xứ Tây Nguyên của Nam Việt Nam, tìm cách dụ dỗ các bộ lạc ở những vùng này theo về với Diệm. Cũng như chủ nghĩa thực dân cũ, chủ nghĩa thực dân mới cũng tìm cách tự tạo cho mình một hệ tư tưởng. Chắc chắn rằng có một số người Mỹ ít nhiều ngây thơ tin theo cho rằng mình đến Việt Nam là để phân phát cái nền văn minh hay ho tốt đẹp của đạo Cơ đốc và phương Tây.

Thế là chưa đầy hai năm sau ngày đình chiến, Hoa Kỳ đã hất cẳng cường quốc thực dân cũ; quả là chính sách của Pháp trong những năm 1954-1956 đã tạo cho người Mỹ rất nhiều thuận lợi.
 
NƯỚC PHÁP BỎ CUỘC​


Ngay từ trước đình chiến, ngày 28 tháng 5 năm 1954, tuần báo Pháp Tribune des Nations đã đặt vấn đề về chính sách của nước Pháp ở thời hậu chiến như sau:

"Cho dù một cuộc ngừng bắn cuối cùng được ghi vào các hiệp định ký kết ở Genève, mối nguy cơ thật sự sẽ không vì thế mà tránh được. Nước Pháp vẫn sẽ phải đương đầu với vấn đề về sự độc lập chính trị của mình cũng tức là vấn đề vai trò của nước Pháp trong công cuộc thiết lập hòa bình. Đó là vinh dự duy nhất sẽ còn được nói tới trong vòng vài ba năm tới giữa các quốc gia với nhau."

Các cuộc hành quân tập kết sau đình chiến đã được hoàn thành mà không gặp sự cố nào đáng kể. Thật tồi tệ cho một sĩ quan Pháp chuyên nghiệp khi phải rút khỏi những lãnh thổ mà trước đó y vẫn luôn luôn coi là "lãnh thổ Pháp". nhưng chỉ cần nhớ lại những gì đã xảy ra ở Điện Biên Phủ đủ để nản lòng những ai muốn giở trò khiêu khích. Còn đối với các chiến sĩ của quân đội nhân dân Việt Nam, trao lại vào tay quân đội Pháp những dải đất mà cho đến tận lúc bấy giờ họ đã bảo vệ bằng xương máu của mình, thì quả là một hy sinh đau đớn đến xé lòng, nhưng tinh thần kỷ luật gương mẫu và sự am hiểu ý nghĩa chính trị của các sự kiện vốn luôn luôn là đặc điểm của các chiến sĩ Việt Nam.

Như vậy, sua đình chiến, ở miền Nam Việt Nam, cả sức mạnh và luật pháp đều nằm trong tay nước Pháp. Quân chiếm đóng của họ không phải đối mặt với một đội quân nào khác, và các Hiệp định Genève trao cho họ trách nhiệm phải thi hành những điều đã ký trên phạm vi lãnh thổ miền Nam. Vấn đề là nước Pháp phải lựa chọn cho mình một chính sách. Liệu nước Pháp sẽ làm cho những hiệp định đã ký kết được tôn trọng, đề cao danh dự chữ ký của mình, tạo thuận lợi cho việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài và sự tái thống nhất của nước Việt Nam ? Làm như vậy, nước Pháp sẽ gắn bó với một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, một Chính phủ nhất định sẽ duy trì những mối quan hệ kinh tế, văn hóa bền vững lâu dài với nước Pháp. Nhưng một chính phủ Việt Nam như thế nhất thiết phải do Hồ Chí Minh đứng đầu, và như vậy Pháp sẽ có nguy cơ phải cắt đứt với Hoa Kỳ, chí ít là trong lĩnh vực châu Á.
 
Chắc chắn, một Chính phủ thực sự thuộc phái tả ắt đã có đủ dũng khí để theo đuổi một chính sách như thế. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp vào thời điểm năm 1954 đã không sẵn sàng ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân một nước thuộc địa và đồng thời làm mất lòng nước Mỹ. Trút hết gánh nặng cho Hoa Kỳ để họ tiếp tục cuộc đấu tranh mà chủ nghĩa thực dân Pháp đã không còn đủ sức để theo đuổi ở châu Á. Đường lối mà nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ đã theo là như vậy.

Nhưng người ta không bán rẻ như bán hàng đồng nát cả một xứ thuộc địa đã chiếm được từ 90 năm nay. Hầu hết mọi hoạt động công nghiệp và thương mại quan trọng ở Nam Việt Nam vẫn còn là của Pháp. Cho nên, phải cố mà vớt vát cho được cái phần thiết yếu. Một nhà báo Pháp có mặt ở Sài Gòn lúc ký hiệp định đình chiến, đã miêu tả tâm trạng của đồng bào mình ở thành phố này như sau:

"Con đường Catinat và cả thành phố Sài Gòn nữa, rồi sẽ ra sao ? Số phận nào sẽ dành cho cái thành phố đã được người ta cho mọc lên quá nhanh này, nơi mà tất cả những doanh trại lớn đều là của Pháp, nơi mà 90% các nhà máy và tất cả các công sở đều nằm trong tay đồng bào chúng ta ? Câu hỏi này đã ám ảnh tâm trí của tất cả mọi người Pháp ở Sài Gòn, từ người chủ hàng ăn nhỏ cho đến nhà kinh doanh đầy quyền lực, từ những nhân viên làm công cho hãng Descours Cabaud đến ông giám độc Ngân hàng Đông Dương. Tất cả họ đều đang ngồi đó, ủ rũ trong sự chờ đợi và lo âu, giữa muôn nghìn tiếng đồn để cố lần cho ra một sự thật. Tùy theo họ là người có lực hay là kẻ bần cùng, họ khoe khoang là mình đã bỏ vốn đầu tư ở châu Phi rồi, hoặc là than thân trách phận trâu chậm phải uống nước đục."[28]

Tạm thời trước mắt, vị trí về quân sự và pháp lý của Pháp vẫn còn quá mạnh, Hoa Kỳ và Diệm chưa thể tước đi của họ vừa quyền lãnh đạo chính trị lẫn các vị trí kinh tế. Hoa Kỳ và Diệm còn phải cần đến Pháp, nếu không là đồng lõa thì chí ít cũng im lặng đồng tình để cản trở việc thi hành các Hiệp định Genève. Chưa đến thời điểm Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam. Những tính toán về chiến lược và chính trị còn chiếm ưu thế đối với các lợi ích kinh tế. Người ta không cứu được anh chàng người Pháp chủ tiệm ăn nhỏ bé, nhưng ông trùm kinh doanh người Pháp đầy thế lực thì rốt cuộc vẫn duy trì được vị trí của mình nhờ một thỏa thuận giữa hai Chính phủ Pháp và Mỹ.
__________________________________________________ __
[28] Henri Amouroux, Croix sur l'Indochine trang 26 (Vĩnh biệt Đông Dương).
 
Sẽ không đúng nếu tưởng tượng rằng, ở cấp Chính phủ có một cuộc đấu tranh hoặc công khai hoặc ngấm ngầm giữa Pháp và Hoa Kỳ về vấn đề Nam Việt Nam. Ở cấp này có một sự thỏa thuận cơ bản - chí ít từ năm 1954 cho đến thời điểm chúng tôi viết những dòng này. Nhưng sự thỏa thuận ở cấp cao nhất này không ngăn cản được ở cấp các bộ chỉ huy quân sự, những cấp hành chính địa phương, những doanh nghiệp thứ yếu, những nhân viên thừa hành nổ ra những xung đột đôi khi đầy kịch tính. Tường Navarre, nguyên Tổng tư lệnh quân sự Pháp ở Đông Dương, đã rất cay cú với người Mỹ ngay từ những ngày họ mới chỉ là những viên cố vấn bên cạnh Bộ chỉ huy Pháp:

"Lạm dụng quyền điều tra mà ông ta có được nhờ các chức trách kiểm soát, sử dụng các khoản cho vay vật liệu chiến tranh do Hoa Kỳ cung cấp, ông ta (tức Tướng O'Daniel) đã tìm cách áp đặt quan điểm của mình trong tất cả mọi lĩnh vực... Những áp lực từ phía người Mỹ chẳng bao lâu đã mang tính chất những mệnh lệnh của người chủ nợ, càng khó chịu hơn nữa vì chúng trùng khớp với những khó khăn của ta về quân sự. Sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, họ đã hiển nhiên lộ rõ rằng, thông qua vai trò của Tướng O'Daniel, để đổi lại sự tăng cường viện trợ mà chúng ta đã bắt buộc phải tăng thêm, Hoa Kỳ đã nhất quyết buộc chúng ta phải tuân theo các uan niệm của họ trên tất cả mọi phương diện. Nếu chúng ta không phản ứng lại thì chúng ta sẽ ngày càng trở thành những tên lính đánh thuê tầm thường. Tôi đã buộc lòng phải báo cho Paris biết rằng càng ngày tôi càng có cảm tưởng rằng ông chủ thật sự ở Đông Dương chính là người cầm đầu phái đoàn Hoa Kỳ, và về phần tôi, tôi không sẵn sàng chấp nhận điều đó. Người ta đã trả lời bằng cách khuyên tôi nên cố giữ những mối quan hệ "cá nhân" tốt đẹp với ông ta."[29]

Tướng Navarre nói thêm rằng chỉ đến những tuần cuối nhiệm kỳ chỉ huy của mình, ông ta mới tình cờ biết được rằng Bộ Ngoại giao Pháp từ trước đã có những "cam kết" rồi. Vậy là trên bình diện quan hệ Pháp - Hoa Kỳ, chúng ta sắp sủa chứng kiến một sự thỏa thuận ở cấp Chính phủ về chính sách chung phải cùng nhau theo đuổi và những xung đột đôi khi gay gắt ở cấp thừa hành. Hơn nữa, các sĩ quan Pháp rồi sẽ tìm lại được vị trí chỉ huy của họ ở Pháp hay ở châu Phi, nhưng các nhóm người Việt thân Pháp đang cầm quyền bị hy sinh. Cuộc đấu tranh giữa Diệm và những nhóm này chẳng bao lâu đã mang tính chất một cuộc nội chiến, nhưng sự thỏa hiệp Pháp - Hoa Kỳ ở cấp thượng đỉnh làm tiêu tan mọi hy vọng của những người Việt thân Pháp, đảm bảo cho Diệm một trận thắng vốn đã định sẵn trong những hiệp định ký kết giữa Paris và Washington.

Những cam kết của Chính phủ Pháp với Chính phủ Hoa Kỳ đã nhanh chóng bộc lộ sau đình chiến. Ngay từ ngày 23 tháng 7, Thủ tướng Mendes-France tuyên bố trước Quốc hội của Chính phủ Hoa Kỳ: "Sẽ không dung thứ cho bất cứ ai khác đến phá vỡ sự cân bằng và sẽ coi mọi hành động gây hấn xảy ra trong các khu vực được nêu là một sự đe dọa đối với hòa bình thế giới. Tôi không nghĩ rằng, Mendes-France nói tiếp, hạ thấp đến tối thiểu sự cam kết này là điều có lợi."
_________________________________
[29] Tướng Navarre: Agonie de l'Indochine trang 137 (Đông Dương hấp hối).
 
Ngày 30 tháng 8, Tướng Ely, Tổng chỉ huy đội quân viễn chinh Pháo, trong một tuyên bố với hãng thông tấn Pháp (Agence France - Press), giải thích rõ ràng chính sách của Pháp: "Chính sách của Pháp đối với nước Việt Nam dựa trên hai nguyên tắc sau đây: Độc lập hoàn toàn và ủng hộ toàn diện. Nước Pháp đã công nhận chỉ một Chính phủ duy nhất, tức là Chính phủ của nước Việt Nam quốc gia, và luôn luôn coi đó là Chính phủ hợp pháp của nước này." Thế là nước Pháp, kẻ đã ký đình chiến với Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lại chỉ thừa nhận chính quyền Diệm như là Chính phủ hợp pháp của Việt Nam trên toàn bộ lãnh thổ của mình.

Sự nhân nhượng về chính trị này chẳng bao lâu sau đã đi kèm với những cam kết quân sự còn nghiêm trọng hơn nữa. Ngày 8 tháng 9 năm 1954, chỉ sau Hiệp định Genève mấy tuần lễ, nước Pháp đặt bút ký vào hiệp ước quân sự Đông Nam Á, chối bỏ một trong những điều khoản quan trọng nhất của các hiệp định vừa được ký tháng 7 trước đo.

Ngày 27 tháng 9, một phái đoàn quan trọng của Pháp gồm các Bộ trưởng Guy la Chambre, Edgar Faure, Tướng Ely, đại sứ Henri Bonnet đến Washington để thương thảo với nhà đương chức Hoa Kỳ về chính sách chung của hai nước đối với Nam Việt Nam. Ngày 29, một thông cáo chung tuyên bố hai bên đã nhất trí hoàn toàn về những nguyên tắc và những mục tiêu cần phải đạt được và nhấn mạnh ý chí của hai nước Pháp và Hoa Kỳ quyết đảm bảo nền độc lập của Lào, Campuchia, và Việt Nam. Hoa kỳ cấp bổ sung một khoản đóng góp về tài chính để giúp duy trì đội quân viễn chinh của Pháp ở Đông Dương. Ngày 10 tháng 10, Bộ trưởng các quốc gia liên hiệp Guy la Chambre đến Sài Gòn, thông báo cho chính phủ Diệm biết về những gì đã được quyết định ở Washington.

Ngay từ thời kỳ này, nguyên tắc về việc rút đội quân viễn chinh Pháp khỏi Đông Dương và việc chuyển giao các trách nhiệm chính trị và quân sự từ tay Pháp sang Hoa Kỳ đã được Chính phủ Pháp chấp nhận. Việc nước Pháp từ bỏ một xứ thuộc địa lâu đời với 12 triệu dân, cũng tức là từ bỏ vị trí quan trọng nhất của Pháp ở Thái Bình Dương và châu Á, một sự cố như thế đã diễn ra mà dư luận Pháp hầu như không hề hay biết. Những cuộc tranh luận ngày 17 tháng 12 năm 1954 tại Quốc hội đã cho phép vài Nghị sĩ Pháp nói lên nỗi niềm cay đắng của mình, và đồng thời cũng là dịp cho Chính phủ Pháp nói rõ thêm một đôi điều về chính sách của mình.
 
Hướng tới Mendès-France, Nghị sĩ phái cực hữu Fréderic-Dupont nói: "Chúng tôi đã thấy ông lên đường (tới Washington) mà trong lòng đầy hy vọng... Chúng tôi đã nghĩ rằng, với tác phong, sự năng động của mình... ông có thể trở về và mang theo một giải pháp Pháp-Mỹ làm chúng tôi thỏa mãn... Thế nhưng, chúng tôi có cảm tưởng rằng, thực ra, ông đã trở về hoàn toàn ngả theo luận điểm của người Mỹ... Cho nên chúng tôi đầy thất vọng. Thế mà, nếu có một vấn đề mà người Mỹ đáng lý phải tỏ ra hiểu biết đối với chúng ta, thì đó là vấn đề Đông Dương. Ông có vẻ muốn trao hết cho người Mỹ."

Ủy ban tài chính của QUốc hội, thông qua báo cáo viên của mình, cho rằng phải phong tỏa các khoản tín dụng cho Nam Việt Nam, bởi vì Chính phủ của Diệm là "một chính phủ tỏ ra hoàn toàn không hiệu quả, một Chính phủ, tôi xin nhắc lại, do Hoa Kỳ ủng hộ. Nam Việt Nam hiện cần phải có một Chính phủ mạnh, nhưng một Chính phủ như thế chỉ có thể có được nếu ở đấy bừng dậy một tinh thần đoàn kết dân tộc. Than ôi, chúng ta còn rất xa mới đạ được điều đó; Hoa Kỳ đã phạm phải những sai lầm nghiêm tọng."

Guy la Chambre, nhân danh Chính phủ, đã trả lời phe đối lập như sau:

"... Ngay từ năm 1953, họ (những đồng minh Hoa Kỳ của Pháp) đã có những trường hợp tỏ ra dè dặt không nói hết những gì họ nghĩ. Nhưng đến tháng 7 năm 1954 thì họ không còn úp mở nữa mà tuyên bố bảo lưu những ý kiến của họ khác với của chúng ta. Cụ thể hơn nữa, về vấn đề quân đội quốc gia của Việt Nam, người Mỹ không bằng lòng với những điều kiện mà chúng ta đã có để xây dựng và huấn luyện đội quân ấy. Những thất vọng của họ về vấn đề này có lẽ không thể không liên quan đến thái độ của họ cho đến lúc đó vẫn muốn gạt ra hoặc tỏ ý dè chừng với những người đứng đầu chính phủ Việt Nam dứt khoát thân Pháp... Vậy mà không những phải chung sức với nhau mà còn phải đi chung với nhau một đường lối chính trị... Nếu không tính đến tất cả những gì vừa mới nói ở trên thì chúng ta lại sa vào cái thế đơn thương độc mã ở Đông Dương, và cũng là chấp nhận nguy cơ phá vỡ khối đoàn kết của phương Tây. Nếu phá vỡ khối đoàn kết của họ thì tình thế còn nghiêm trọng hơn nữa. Bởi vì như thế đồng nghĩa với việc đặt lại vấn dề duy trì các mối quan hệ đồng minh của chúng ta, và những quan hệ đồng minh này lại bao trùm cả châu Âu và Viễn Đông. Chính phủ Việt Nam, qua lời đại sứ của họ ở Washington, đã không hề che giấu ý đồ muốn thúc đẩy nhanh nhịp độ hồi hương (của đội quân viễn chinh Pháp). trong những điều kiện như thế, Chính phủ Pháp ngay từ hôm nay, bắt đầu tổ chức và tiến hành việc giảm quân số của chúng ta."

Thế là, chính sách đã được minh định rõ ràng. Đó là nhân sự đoàn kết của phương Tây, trao lại tất cả vào tay người Mỹ, hy sinh các nhóm thân Pháp, hồi hương quân đội Pháp; về hiệp ước SEATO, Guy la Chambre khẳng định:

"Hẳn rằng đối với Nam Việt Nam, nhưng còn hơn nữa đối với Campuchia và Lào, hiệp ước này là thành quả quan trọng nhất mà chúng ta có được từ sau Genève, và đây là một bước quyết định trên con đường tiến tới tổ chức nền an ninh ở Đông Nam châu Á."
 
Thế là nước Pháp, ngay từ đầu đã lo đến sự "an ninh" ở châu Á nhiều hơn là đến danh dự phải tôn trọng chữ ký của mình trên các Hiệp định Genève. Đập lại luận điệu của phái cực hữu và của đảng xã hội S.F.I.O chỉ trích chính sách bỏ cuộc của mình, Chính phủ nêu lên câu hỏi: vậy thì các ngài có chính sách nào khác không ? Và phe đối lập đã đành phải trả lời là: không. Vả chăng phe đối lập rồi sẽ được trấn an về những lợi ích kinh tế của Pháp ở Đông Dương, Bộ trưởng bộ các Quốc gia Liên hiệp đã có thể đoán chắc với các Nghị sĩ rằng:

"Ở Nam Việt Nam, Campuchia và Lào, mục tiêu của Chính phủ Pháp là giành được cho các công dânc ủa chúng ta những điều kiện đảm bảo ngang như những điều kiện đảm bảo mà họ đã được hưởng theo các hiệp ước ký những năm 1949 và 1950 (với Bảo Đại, chú thích của tác giả). Nhằm mục đích này nhiều hiệp định đã được ký kết trong mấy tháng qua với Chính phủ Ngô Đình Diệm. Chính phủ Pháp đã có những cuộc hội đàm song phương với Campuchia, Lào và Việt Nam nhằm thực hiện một cuộc chuyển tiếp êm thấm cho nền kinh tế của các nước này cũng như cho các quyền lợi tư nhân của Pháp. Đặc biệt là nhờ đạt được những biên thuế ưu tiên, các cuộc thương lượng này đảm bảo duy trì về cơ bản các luồng mậu dịch giữa nước Pháp và Đông Dương. Cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều đã khẳng định họ không hề có ý định làm chuyển hướng những luồng mậu dịch này".[30] Những cuộc thương lượng song phương này giữa nước Pháp và chính quyền Diệm sẽ không diễn ra êm thấm. Chính phủ Pháp nhất quyết buộc phía đối tác phải trả giá càng cao càng tốt cho cái quyền thừa kế ưu tiên của người con trưởng; những con chủ bài chính mà họ nắm trong tay để thương lượng là sự có mặt của đội quân viễn chinh Pháp, những nhóm chính trị - tôn giáo được vũ trang mà bộ chỉ huy Pháp đã tài trợ và trang bị: Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo; chính quyền Diệm sẽ không bao giờ được yên tâm về sự ổn định của mình chừng nào còn có mặt những đội quân này trên lãnh thổ. Nhưng phía Diệm cũng không hoàn toàn trắng tay: sự ủng hộ của Hoa Kỳ mà họ đã nắm chắc ngăn không cho phép người Pháp lật đổ họ. Hơn nữa, các sĩ quan và thường dân Pháp không phải là không bực tức, thậm chí nổi giận mỗi khi nghe người Mỹ lên lớp về đạo lý cho nước Pháp, mà Hoa Kỳ kết tội là đã bị xơ cứng trong một chế độ thực dân lỗi thời, chẳng hiểu gì về sự diễn tiến của trào lưu lịch sử.

Hãy nghe một thành viên Hoa Kỳ trong ủy ban của trường Đại học Michigan được phái sang Sài Gòn để giúp Diệm tổ chức bộ máy hành chính của mình, miêu tả chế độ của Pháp ở Đông Dương:

"Sự cùng khổ đi đôi với những điều sỉ nhục. Một đất nước với đông đảo người biết chữ đã bị biến thành một quốc gia mà 80% dân số không biết đọc, biết viết. Các nhà nho theo khổng giáo vốn trước kia là những nhà lãnh đạo về chính trị và văn hóa của đất nước thì về sau bị họ rắp tâm làm cho biến mất, thế nhưng trong hàng chục năm trời, người ta quyết không cho người Việt Nam được hưởng một nền giáo dục hiện đại và khoa học, mà chỉ là một nền giáo dục lỗi thời, chất lượng lại rất tồi, và chỉ dành cho một thiểu số ít ỏi đến nực cười...

Sự sỉ nhục dành cho những người Việt Nam có học đã sản sinh ra những nhà cách mạng, những lãnh tụ của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Cuộc đời cùng khổ của nông dân, và sau đó sự cùng khổ của những công nhân ở các hầm mỏ và đồn điền giải thích vì sao các cán bộ của phong trào dân tộc, sau mỗi lần thất bại lại có thể tiếp tục tiến công. Những người nắm quyền cai trị ở Pháp và chỉ huy ở Đông Dương không thuộc số những người có thể làm sáng tỏ cho thế giới hiểu được ít nhiều về lịch sử và tính chất dân tộc của Việt Nam. Họ đã bất lực không thể hiểu được rằng, đứng trên quan điểm lịch sử mà xét, muốn thủ tiêu phong trào giải phóng dân tộc là một điều vô vọng... Chính sách của nước Pháp đã nằm trong tay quyết định của những nhóm nhỏ nắm quyền lợi rất hùng hậu, nhưng cách nhìn thì hạn hẹp, họ đã chưa hề bao giờ dọn sạch mảnh đất mà đáng ra trên đó đã có thể xây dựng pháo đài chống Cộng sản ở Việt Nam[31]".
______________________________________
[30] Xem toàn văn trong Debats parlementaire (Biên bản các cuộc tranh luận ở Quốc hội), ngày 18 tháng 12 năm 1954.

[31] The first five years of Viẹt Nam (Năm năm đầu tiên của Việt Nam) - Công trình tập thể của nhiều tác giả ở Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam.
 
Những sĩ quan người Pháp bị buộc phải trao lại quyền chỉ huy và huấn luyện các đội quân người Việt Nam cho người Mỹ đều bầm gan tím mật nhìn người của Diệm làm lễ đốt phù hiệu của Pháp. Các cố đạo người Pháp từ chối không tham dự những buổi lễ được tổ chức để chào mừng hồng y giáo chủ Spellman. Về phần mình, Diệm vốn từng làm quan chức chế độ thực dân của Pháp, sau đó lại cộng tác với người Nhật, vì vậy y buộc phải dựng lên cho mình cái danh tiếng là nhà yêu nước không khoan nhượng. Cho nên, y đã cho mở một chiến dịch bài Pháp dữ dội trên báo chí của mình, đe dọa đánh vào những quyền lợi của Pháp. Trong suốt gần hai năm, các cuộc thương lượng giữa Pháp và Nam Việt Nam sẽ được đánh dấu bằng nhiều sự cố, và khi nổ ra cuộc nội chiến giữa chính quyền Diệm với các nhóm thân Pháp, Paris và Washington lại phải hợp tác với nhau để lập lại trật tự nhằm thực hiện một chính sách chung, một chính sách vạch ra thì dễ nhưng thực hành thì khó.

Việc chuyển giao các thẩm quyền chuyên môn từ tay người Pháp cho chính quyền Diệm được thực hiện trôi chảy: lần lượt, các công sở đều được bàn giao cho các cố vấn Hoa Kỳ tự tay nắm lấy. Ngày 2 tháng 10 năm 1954, Tướng Ely trở về từ Washington đã đến Cannes để thông báo cho Bảo Đại biết về những ý định của Chính phủ Pháp. Ngày 10 tháng giêng năm 1955, viên tướng này tuyên bố với hãng thông tấn Pháp AFP:

"Chính phủ Pháp mong muốn kết thúc những thương lượng song phương hiện đang còn dở dang. Mức độ nước Pháp sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trogn lĩnh vực kinh tế và văn hóa đương nhiên sẽ phụ thuộc vào việc chính phủ Việt nam tỏ ra sẵn sàng đến đâu, đặc biệt là nền kinh tế tư nhân của Pháp sẽ tham gia như thế nào vào công cuộc phát triển đất nước này."

Lời tuyên bố của Tướng Ely phản ánh rõ tính chất gay go của cuộc mặc cả, cũng như cho thấy mục tiêu chủ yếu của Chính phủ Pháp. Pháp đã đòi được Hoa Kỳ tài trợ một phần lớn những chi phí của đội quân viễn chinh trong năm 1955; ngày 30 tháng 12 năm 1954, Diệm buộc phải ký với Pháp một thỏa ước về kinh tế bảo đảm những quyền lợi về kinh tế và thương mại của Pháp. Đổi lại, Pháp chấp nhận chuyển giao ngay từ tháng Giêng năm 1955 Viện phát hành tiền tệ của các Quốc gia Liên hiệp (tức là ngân hàng Đông Dương trước kia), và sở giao dịch chứng khoán cho chính quyền Sài gòn. Cũng tháng Giêng năm 1955, Diệm giành được từ Pháp quyền trực tiếp kiểm soát các khoản tiền viện trợ của Hoa Kỳ. Nhưng ngày 7 tháng Giêng, cơ quan Hoa Kỳ quản lý viện trợ đã cho miền Nam Việt Nam khỏi bị bắt buộc phải chi tiêu ngay tại Mỹ các khoản tiền xin được bằng đô la Mỹ, thay cho điều kiện có hiệu lực cho đến lúc bấy giờ là phần lớn các khoản viện trợ của Mỹ phải được dùng để mua hàng ngay trên đất Mỹ. Tuy nhiên, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn dành cho mình quyền thanh sát các khoản nhập khẩu của Nam Việt Nam.

Các khoản thương lượng giữa Pháp và Nam Việt Nam, cũng như các cuộc trao đổi giữa Pháp và Hoa Kỳ cuối cùng đã đưa đến, vào những tháng đầu năm 1955, việc ký kết những thỏa ước về thuế quanvaf một hiệp định thương mại có giá trị trong vòng một năm. Điều làm các nhà kinh doanh người Pháp lo ngại nhất là sự cạnh tranh của hàng Mỹ và hàng Nhật Bản sẽ đánh tụt hẳn số lượng hàng hóa Pháp xuất khẩu sang Nam Việt Nam. Năm 1954, giá trị của khối hàng xuất khẩu này lên đến 82 tỷ franc Pháp (tuy nhiên, con số này đã tính cả những gì đã phải mua cho đội quân viễn chinh). Bắt đầu từ ngày 30 tháng 3 năm 1950, các nhà xuất khẩu Pháp đã có được sự bảo đảm về thuế quan của chính phủ Diệm, và sự viện trợ về xuất khẩu từ phía Chính phủ Pháp. Những đồng đo la viện trợ Mỹ sẽ giúp Nam Việt Nam thanh toán các khoản họ mua ở Pháp. Theo một phương thức điều chỉnh được quy định, các nhà xuất khẩu Pháp sẽ được kho bạc Pháp trả không phải bằng đồng đô la Mỹ mà bằng đồng fran của Pháp, và kho bạc Pháp lại nhận được những đồng bạc của chính quyền Nam Việt Nam. Các xí nghiệp công nghiệp về thương mại Pháp ở Nam Việt Nam vẫn sẽ được tiếp tục hoạt động. Đặc biệt, quyền sở hữu của các công ty Pháp về các đồn điền cao su đã không bị xét lại.
 
Những vấn đề kinh tế vừa mới được giải quyết xong thì cuộc xung đột giữa Pháp với Nam Việt Nam chẳng mấy chốc lại sẽ bùng lên với các vấn đề chính trị.

Nước Pháp khó lòng nuốt trôi được cơ sự những nhóm người Việt vẫn giữ lòng trung thành với Pháp hoàn toàn bị loại ra khỏi chính quyền, Diệm muốn dành các vị trí trong Chính phủ mình cho các thành viên gia đình và các tay chân của mình; còn người Mỹ thì không muốn sử dụng những phần tử vốn đã bị mang tiếng quá nhiều trước dư luận Việt Nam vì đã hợp tác quá công khai với bộ máy cai trị của Pháp. Theo một quy luật lịch sử mà hầu như ai cũng biết, thường những con người đang nắm giữ quyền hành trong tay không bao giờ tự nguyện rời khỏi vũ đài, nhất là khi họ còn có vũ khí trong tay.

Trên lý thuyết thì Bảo Đại vẫn là người đứng đầu nhà nước Việt Nam, nhưng phần lớn thời gian ông ta sống ở Cannes; được nuôi dưỡng trên đất Pháp từ tuổi lên năm, Bảo Đại thích sống thong dong ngày rộng tháng dài tại những thành phố có nước khoáng của Pháp hoặc trên bờ biển Azur hơn là trị vì. Vả chăng, vào cái thời kỳ mà chính quyền thuộc địa còn thâu tóm hết mọi quyền hành trong tay mình hoặc sau đó, khi bộ chỉ huy Pháp một mình điều khiển các cuộc hành quân, thì nước Pháp cho rằng một vị hoàng đế trị vì đất nước mình từ xa như thế là đủ. Nhưng chẳng bao lâu, những đòi hỏi của cuộc chiến đã buộc bộ chỉ huy Pháp phải "vàng hóa" quân lính của mình; một đội quân Bảo Đại đã được lập ra, đi đôi với những lực lượng bổ sung gồm những băng nhóm vũ trang tự chủ. Trong thời kỳ chiến tranh, đội quân Bảo Đại chỉ được giao cho những nhiệm vụ thứ yếu, nhưng chiến sự càng kéo dài thì quân số của nó cũng tăng dần đều đặn cho đến khi vượt quá 250000 người. Quyền chỉ huy những lực lượng này đã được giao cho những phần tử mà lòng trung thành với nước Pháp đã vượt qua mọi thử thách. Những sĩ quan cao cấp người Việt phần lớn xuất thân từ những gia đình người Sài Gòn, đã được chính quyền thuộc địa, ngay từ những ngày đầu của công cuộc thực dân hóa, nhượng cho những đồn điền rất lớn ở mạn tây của đồng bằng sông Cửu Long, đã được hưởng tư cách là công dân Pháp, đã sống lối sống Pháp, và thậm chí sử dụng cả tiếng Pháp trong sinh hoạt hàng ngày. Tướng Nguyễn Văn Hinh, con trai của nhuyên Thủ tướng chính phủ Bảo Đại là Nguyễn Văn Tâm, được đào tạo trong các trường quân sự Pháp, trở thành sĩ quan không quân của quân đội Pháp, đã được giao nhiệm vụ chỉ huy đội quân được gọi là quân đội quốc gia Việt Nam. Những viên tướng khác như Trần Văn Đôn, Nguyễn Văn Tý, Trần Văn Minh... cũng đều là công dân Pháp. Để bảo đảm có thể nắm chắc quyền hành của mình, Diệm tất yếu phải bằng bất cứ giá nào loại trừ cho được những con người này.
 
Những đội quân bổ sung cho đội quân viễn chinh Pháp đặc biệt ở miền Nam Việt Nam, chủ yếu gồm có nhóm Bình Xuyên và các lực lượng vũ trang của hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo.

Cầm đầu quân Bình Xuyên là Lê Văn Viễn, thường được gọi là Bảy Viễn, một phần tử phiêu lưu đã tập hợp được dưới quyền mình khoảng 3000 phần tử mất gốc. Đội quân này được vũ trang bởi bộ chỉ huy Pháp, có nhiệm vụ đàn áp phong trào cách mạng trong khối dân cư đô thị đông đúc là Sài Gòn-Chợ Lớn. Thực ra, băng nhóm và thủ lĩnh của nó sống chủ yếu bằng tiền trợ cấp của bộ chỉ huy Pháp, bằng tiền chuộc các vụ bắt cóc tống tiền hoặc bằng cướp bóc, cũng như bằng tiền thu từ nhà gá bạc lớn nhất của thành phố Sài Gòn. Các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo đã từng là chủ đề của những thiên phóng sự ít nhiều được phịa thêm bằng trí tưởng tượng. Trên thực tế, phải cẩn thận phân biệt giữa những cơ sở quần chúng bình dân của các phong trào này với những băng nhóm vũ trang mà thực chất chỉ là những công cụ nằm trong tay một thiểu số phần tử phiêu lưu và Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp. Trong các nước thuộc địa mà những tín ngưỡng mang tính chất phong kiến vẫn còn ngự tị, bao giờ cũng có một số đông nông dân và một nhóm trôi nổi gồm những người bị tước đoạt ở các đô thị lớn, nhóm người đông đảo này sẵn sàng tin theo mọi lời tiên tri - trừ phi họ được động viên vào một phong trào cách mạng. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một con người được thánh nhập, họ lập nên một tôn giáo mới và tùy theo hoàn cảnh có khi lôi kéo được hàng vạn thậm chí hàng triệu tín đồ. Những yêu sách dân tộc chống lại chế độ thực dân, đến một mức nào đó có thể mang hình thức tôn giáo như thế, và sự cùng khổ, những rối loạn và chiến tranh bao giờ cũng kích lên tận đỉnh điểm sự phấn khích mang tình thần hiệp này. Những kẻ nuôi tham vọng, những phần tử phiêu lưu chẳng mấy chốc nhảy lên đứng đầu phong trào, xúi giục đám đông tôn mình lên thành những đấng tiên tri, những đức "giáo hoàng", giành chia nhua những lãnh địa, dựng nên những thể chế mang màu sắc phong kiến ở những vung fphong trào đã lan rộng đông đảo trong quần chúng. Dựa trên phong trào quần chúng này, chúng yêu sách nhà cầm quyền thực dân phải nhượng cho mình những đặc quyền đặc lợi. Nhờ sự vô ý thức về chính trị của những đám đông tín đồ đượm màu mê tín, những kẻ cầm đầu các băng nhóm này không cần phải đưa ra bất cứ một cương lĩnh chính trị nào mà cứ bên nào trả giá cao hơn thì chúng theo về bên đó. Vì không có cương lĩnh chính trị, cho nên lực lượng của chúng thường chia năm xẻ bảy, manh mún thành những nhóm tan hợp tùy theo những tranh giành giữa các nhóm. Đến lúc đó bộ chỉ huy Pháp, dưới sức ép hiệp đồng từ cả hai phía Paris và Washington, buộc phải chấm dứt mọi sự ủng hộ, thì những băng nhóm vũ trang của các giáo phái cũng hết đời. Nhưng cơ sở quần chúng, niềm tin mang tính chất tôn giáo vẫn không vì thế mà tiêu tan, và người ta sẽ chứng kiến một phong trào tôn giáo chống Diệm bùng phát trở lại và ngày càng tăng lên đi đôi với sự suy vong của chế độ này.

Chí ít có đến bốn tổ chức vũ trang tự xưng thuộc giáo phái Hòa Hảo:

- Nhóm của Trần Văn Soái, được biết đến với cái tên Năm Lửa, được bộ chỉ huy Pháp phong cấp tướng, tự vỗ ngực nắm trong tay 20000 binh sĩ.

- Nhóm Lê Quang Vinh, tên thường gọi là Ba Cụt, với 6000 người.

- Nhóm Lâm Thanh Nguyên với 3000 người.

- Nhóm Nguyễn Giác Ngộ với 2000 người.

Những nhóm trên đây chiếm cứ chủ yếu mạn phía tây của đồng bằng sông Cửu Long; còn các lực lượng của giáo phái Cao Đài chiếm cứ Tây Ninh và các vùng ở Đông Bắc Sài Gòn thì bị giằng xé bởi những tranh chấp giữa "giáo hoàng" Phạm Công tắc với các tướng Nguyễn Thanh Phương và Trịnh Minh Thế. Quân số của những lực lượng này ước tính khoảng hơn 20000 người.
 
Trong thời gian đầu, chính quyền của Diệm còn quá yếu để trực tiếp đương đầu với tất cả những nhóm này. Nhưng Diệm nắm trong tay hai con chủ bài lợi hại. Đó là các ghế Bộ trưởng và những món tiền trợ cấp của Hoa Kỳ. Trong chính phủ của mình, sau khi đã lót ổ êm thấm cho các thành viên của gia đình mình, ông ta đã để dành một vài ghế cho một số Bộ trưởng cũ thân Pháp trong chính phủ Bảo Đại, như Phạm Hữu Chương, Hồ Thông Minh, Nguyễn Văn Thoại, Phan Khắc Sửu, những kẻ mà y sẽ tự tay loại bỏ một khi vị trí của mình đã được bảo đảm. Ngoài ra, những đồng đô la được Hoa Kỳ ban phát dồi dào đã giúp Diệm kéo được các tướng Trần Văn Soái, Nguyễn Thanh Phước, Trịnh Minh Thế theo về.

Nhưng về quyền chỉ huy đội quân được mang danh là quân đội quốc gia, thì lập trường của người Mỹ là không thể lay chuyển. Ngay từ lúc chiến tranh chưa kết thúc, họ đã mạnh mẽ lên tiếng chê trách người Pháp làm mất hết hiệu lực chiến đấu của đội quân này vì luôn luôn kẹp chặt nó trong nách giám hộ của mình. Các sĩ quan Hoa Kỳ có nhiệm vụ phải nhanh chóng cải tạo lại đội quân ấy, biến nó thành một công cụ có hiệu lực, con chủ bài lợi hại nhất mà Hoa Kỳ sẽ nắm trong tay tại Đông Dương. Vì vậy, họ không thể chấp nhận thấy đội quân ấy bị đặt dưới quyền chỉ huy của những con người sẽ trung thành với Pháp nhiều hơn là với Mỹ. Tướng Hinh, tổng tư lệnh, là nạn nahan đầu tiên của quyết định từ phía Hoa Kỳ. Ngay từ ngày 1 tháng 9 năm 1954, Hinh được cho nghỉ phép sáu tháng và được phái đi công cán tại Pháp. Cả sự ủng hộ của Bảo Đại lẫn sự nâng đỡ của bộ chỉ huy Pháp đều đã không thể cứu được Hinh. Ông ta bị cách chứ, phải sang Pháp và nhận một chức vụ trong quân đội Pháp. Tướng Xuân, nguyên Thủ tướng của chính phủ Bảo Đại, cũng đã không thể lưu lại lâu dài trong chính phủ của Diệm và cũng phải lên đường sang Pháp.

Vừa chấp nhận sự có mặt của những phần tử thân Pháp trong chính phủ của mình, vừa tiếp tục trả lương cho binh lính của các nhóm đã theo mình, Diệm tung ra một chiến dịch quyết liệt xoáy vào ba điểm: chống thực dân, chống phong kiến và chống tham nhũng. Viện cớ chống thực dân, y đã đánh vào các quyền lợi của Pháp, nhân đó buộc nước Pháp phải nhả ra nhiều nhân nhượng và nhân đó hòng làm cho dư luận quên đi quá khứ thân Pháp của mình; chống phong kiến là sự chuẩn bị dư luận cho một cuộc tiến công đánh vào các nhóm phái vũ trang và cuộc đấu tranh chống tham những là cái cớ để loại bỏ khỏi những con người gây phiền toái cho mình. Ngày 20 tháng 9 năm 1954, Bộ trưởng Phạm Hữu Chương bị tố cáo tội thụt két phải chạy trốn; chín viên Bộ trưởng xin từ chức. Tướng Hinh, lúc đó chưa rời khỏi nước, tố cáo Diệm đã cho người bắn vào một cuộc biểu tình của những người tị nạn đòi quay trở về miền Bắc, hòng gây ra những sự cố cho Diệm mượn cớ để thiết lập quyền lực cá nhân của mình. Ngày 25 tháng 9, Diệm kêu gọi các toán quân Cao Đài theo về mình; những toán quân này bị chặn lại ở cửa ngõ Sài Gòn bởi những đơn vị vẫn trung thành với Hinh, được bộ chỉ huy Pháp ủng hộ. Những cuộc trao đổi giữa Pháp với Hoa Kỳ tháng 9 năm 1954 đã chấm dứt được cuộc xung đột đầu tiên này. Hinh buộc phải nhường bước. Nhưng ở phái sau Hinh là toàn thể các sĩ quan người Pháp, những người chỉ chấp nhận một cách miễn cưỡng việc trao lại quyền chỉ huy cho các sĩ quan Hoa Kỳ. Eisenhower phải nhảy vào can thiệp với tất cả trọng lượng quyền lực và uy tín của mình. Ngày 24 tháng 10, ông ta gửi thư riêng cho Diệm, bảo đảm với y sự ủng hộ của mình.
 
Ngày 17 tháng 11, Tướng Collins, đặc phái viên của Eisenhower ở Sài Gòn, tuyên bố rằng sở dĩ mình có mặt tại đây là để hết sức giúp cho chính phủ của Diệm, và chỉ giúp chính phủ này mà thôi. Ngụ ý thật là rõ ràng. Ngày 29 tháng 11, nội các chính phủ Bảo Đại ra thông cáo miễn nhiệm Hinh khỏi mọi chức trách. Ngày 13 tháng 12, một thỏa ước giữa Collins và Ely xác nhận việc Pháp từ bỏ mọi tham vọng trong lĩnh vực quân sự ở Nam Việt Nam, đúng vào lúc các cuộc thương thuyết về kinh tế vừa bắt đầu và đến cuối tháng Chạp sẽ nhượng cho Pháp một số lợi thế về kinh tế. Về tất cả những xung đột để tranh giành uy tín giữa người Pháp và người Mỹ, báo Pháp Le Monde số ra ngày 8 tháng Chạp sau đó đã thốt ra những lời đầy u uất: "Quan niệm của người Mỹ về mối nguy cơ Việt Minh là không đúng. Nguy cơ về một cuộc xâm lăng, một cuộc tiến công vũ trang thì ít mà cái chính là nguy cơ của một cuộc xâm nhập, đặc biệt là nguy cơ làm thối rữa chế độ miền Nam từ bên trong. Vả chăng, đây không còn là một nguy cơ mà đã là một thực trạng, và để bồi dưỡng cho cái thực trạng đó, thì không có thức ăn nào bổ hơn là sự bất lực về uy quyền của ông Diệm, sự ủng hộ của Hoa Kỳ mà ông ta được hưởng, cũng như cái mà người ta gọi là sự "trung lập" của Pháp."

Sau khi có được sự ủng hộ hoàn toàn của Hoa Kỳ, và trấn an người Pháp bằng những nhân nhượng về kinh tế, Diệm nhanh chóng xếp đặt đường đi nước bước của mình. Ngày 21 tháng Giêng năm 1955, y gửi thư cho tướng Collins yêu cầu Hoa Kỳ đảm đương hoàn toàn trách nhiệm tổ chức và huấn luyện quân đội Nam Việt Nam, đồng thời trình bày với viên tướng Mỹ một số kế hoạch tổ chức các lực lượng vũ trang để làm cơ sở cho những cuộc thương lượng về viện trợ kỹ thuật và tài chính. Ngày 10 tháng 2, giữa tướng Pháp Agostini và viên tướng Nam Việt Nam Lê Văn Ty, việc chuyển giao quyền chỉ huy các lực lượng vũ trang cho chính quyền Diệm đã được ký kết.

Trên bàn cờ chính trị, Diệm cũng chủ động ra quân. Ngày 16 tháng 2 năm 1955, một sắc lệnh quyết định thành lập một Quốc hội lâm thời gồm những đại biểu được bầu và chỉ định, có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch thành lập một Quốc hội lập hiến. Để quốc hội này có tính đại diện, sắc lệnh vạch rõ, sẽ được dành cho những đại biểu của các nhóm tôn giáo, người tị nạn hoặc các sắc tộc thiểu số. Những đại biểu này sẽ do người đứng đầu nhà nước chỉ định. Thế là, tiếp theo, tướng Collins, các cố vấn Hoa Kỳ thuộc trường đại học Michigan đã vào cuộc.

Các nhóm thân Pháp cảm thấy nguy cơ đang đến. Họ cố tìm cách chấm dứt tình trạng chia năm se bảy của mình. Ngày 3 tháng 3, sau ba tuần thương lượng, các nhóm Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên cùng nhau ký thỏa ước không đánh lẫn nhau, và giáo hoàng Phạm Công Tắc đứng ra thành lập Mặt trận thống nhất các lực lượng quốc gia, mà nòng cốt là ba nhóm nói trên. Ráp thêm vào đó là những nhóm Đại VIệt, Quốc dân Đảng vốn đã từng theo Nhật hay theo Tưởng Giới Thạch, và cả cái đảng dân chủ tự do tí hon mà kẻ lắp ráp là Phan Quang Dân vốn cũng là một phần tử thân Mỹ, nhưng đã không tranh nổi với Diệm. Tuy nhiên, về chính tị, tất cả những nhóm và đảng này đều không có cơ sở quần chúng trong nhân dân; chúng hoàn toàn mất hết uy tín vì đã đứng về phe chống lại kháng chiến Việt Nam. Mặt trận thống nhất các lực lượng quốc gia cố tìm cách núp dưới uy tín của Bảo Đại, vẫn còn là Quốc trưởng đứng đầu nhà nước Việt Nam. Nhiều phái viên lần lượt được gửi sang Pháp nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Bảo Đại, cố thuyết phục ông ta trở về Nam Việt Nam để nắm lại quyền hành. Nhưng Bảo Đại tự biết thân biết phận mình đã bị Pháp bỏ rơi rồi lại bị Hoa Kỳ cho ra rìa, nên chẳng dại gì mà rời khỏi nơi cư trú của mình ở thành phố Cannes. Nào thông cáo, nào mệnh lệnh, nào thông điệp tất cả những gì do ông ta gửi đi từ chỗ ẩn náu xa xôi trên đất Pháp đều hoàn toàn vô hiệu.
 
Yên tâm về hậu phương của mình rồi, ngày 8 tháng 3 Diệm tung bảy tiểu đoàn kèm theo pháo binh và thiết giáp tiến đánh các lực lượng li khai trong quân đội tại tỉnh Quảng Ngãi là địa phương mà các bè đảng của Đại Việt và Quốc dân Đảng vẫn còn hoạt động. Quân Hòa Hảo đánh trả bằng cách bắt đầu hoạt động ở miền Tây Nam Bộ. Tại Sài Gòn, người của nhóm Bình Xuyên và người của chính quyền Diệm liên tiếp tiến công vào người Mỹ, người Pháp. Mặt trận thống nhất thậm chí còn tố cáo Diệm đã cho thành lập những tiểu ban ám sát đặc biêt, chĩa mũi nhọn tiến công vào những quan chức người Mỹ bị cho là thiếu nhiệt tình, nhằm buộc phía Hoa Kỳ phải trực tiếp can thiệp bằng chính quân đội của họ.

Dù sao, đối với các giáo phái, Diệm đồng thời sử dụng cả súng và đồng đô la, còn những kẻ cầm đầu các giáo phái thì thoắt theo về với Diệm, thoắt lại nhảy ra bưng điền.

Ngày 21 tháng 3, mặt trận thống nhất gửi cho Diệm một tối hậu thư, đòi y trong vòng năm ngày phải thành lập một chính phủ thống nhất. Diệm trả lời rằng cần phải thống nhất tất cả các lực lượng vũ trang lẫn bộ máy hành chính, đồng thời hứa hẹn sẽ cung cấp cho các giáo phái một khoản viện trợ tài chính.

Ngày 25 tháng 3, Bảo Đại từ Pháp gửi đi hai thông điệp, một cho Diệm một cho các giáo phái, khuyên họ nên thống nhất lại. Ngày 29 tháng 3, giáo hoàng Phạm Công Tắc gửi cho Bảo Đại một bức điện nói rằng: "Chúng tôi nghi ngại những âm mưu khiêu khích của ông Diệm là kẻ đang thâu tóm trong tay tất cả mọi quyền bính."

Trong đêm 29, quân của Bình Xuyên và quân của Diệm giao tranh trên các đường phố Sài Gòn: súng tự động, súng cối, xe thiết giáp đều vào cuộc. Trận đánh gây nhiều thương vong trong dân thường.

Có thể lúc đầu, các giáo phái có giành được ít lợi thế nào đó về quân sự bởi quân đội Nam Việt Nam lúc bấy giờ vẫn đang chịu ảnh hưởng của các sĩ quan người Pháp và thân Pháp. Tuy nhiên nếu những sĩ quan này có thể bảo đảm cho các giáo phái một sự đồng lõa nào đó về mặt quân sự thì họ cũng không có tiền để trả lương cho quân lính của các giáo phái. Túi tiền nằm trong tay của sứ quán Hoa Kỳ... Bốn Bộ trưởng từ chức, trong khi quân của các giáo phái bao vây thành phố Sài Gòn.
 
Các tướng Ely và Collins cố hết sức để dàn xếp cho được một cuộc hoãn chiến. Việc tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương cùng phó tướng của y là Trịnh Minh Thế - và đây là lần thứ hai Thế thay thầy đổi chủ - cùng với 25000 quân của họ theo về với Diệm làm tan rã mặt trận thống nhất. Diệm nắm ngay lấy cơ hội cho thay viên cảnh sát trưởng của thành phố Sài Gòn, là Lại Hữu Sang, thuộc phái Bình Xuyên, bằng một phần tử tay chân của mình là đại tá Nguyễn Ngọc Lê. Quân Bình Xuyên rút ra vùng ngoại vi của Sài Gòn, trong khi quân Hòa Hảo, đặc biệt là quân của Ba Cụt, tiến công quân chính phủ ở phía tây.

Ngày 4 tháng 4, hai bên chấp nhận một cuộc hoãn chiến, nhưng vị trí của Diệm đã bị lung lay dữ dội, nhiều sĩ quan cao cấp ngại không muốn đánh nhau, nhiều bộ trưởng, viên chức cao cấp tiếp tục từ chức. Tất cả những nhân vật cao cấp này của nhà nước đều do bàn tay Pháp xếp đặt và họ không muốn thấy các giáo phái biến mất, bởi chính các lực lượng vũ trang của những giáo phái này là cái bảo đảm cho vị trí của bản thân họ. Chính phủ trên thực tế nằm trong tay của Diệm và những anh en của y.

"Người đứng đầu chính phủ càng ngày càng tin chắc - và hình như quan điểm của ông ta cũng được đại sứ quán Hoa Kỳ chia sẻ rằng người Pháp đã trực tiếp giúp đỡ cho các giáo phái và các giới thân cận của ông ta loan tin rằng một cuốn sách trắng sắp được công bố về vấn đề này. Ông ta lên án các đại diện của chúng ta đã xúi bảy các giáo phái nổi loạn, thậm chí đã làm cố vấn cho quân Bình Xuyên trong đêm 29 tháng 3. Cuối cùng, ông ta còn trách bộ chỉ huy Pháp đã từ chối không chịu cung cấp thêm đạn dược và xăng dầu cho quân đội quốc gia."[32]

Như vậy, tất cả tùy thuộc vào thái độ của nhà cầm quyền Pháp đang dụng tâm thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ về sự bất lực của chính phủ Diệm, về mối nguy hiểm sẽ xảy ra nếu các nhóm thân Pháp bị loại trừ. Nhưng nhà cầm quyền Hoa Kỳ lại không muốn hiểu theo kiểu đó. Báo Pháp Le Monde ngày 9 tháng 4 đưa một tin của hãng thông tấn Hoa Kỳ (Associated Press) nhắc đến lời tuyên bố của một nhân vật cao cấp trong chính phủ của tổng thống Eisenhower:

"Nếu chúng ta không hành động kiên quyết để ủng hộ Diệm, chúng ta sẽ mất Đông Dương."
__________________________________________________ _________________________
[32] Báo Pháp Le Monde ngày 7 tháng 4 năm 1955.
 
Thế nhưng, nhà cầm quyền Pháp vẫn cứ nuôi ảo tưởng có thể làm lay chuyển được lập trường của Hoa Kỳ. Ngày 19 tháng 4, đại sứ Pháp Couve de Murville đến gặp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Tướng Collins được gọi về Washington để tham khảo ý kiến. Người Pháp lệnh cho Bảo Đại can thiệp. Ông này, vẫn từ thành phố Cannes, gửi đi một thông điệp trao quyền chỉ huy quân đội cho tướng Nguyễn Văn Vỹ, một phần tử thân Pháp, và mời Diệm sang Pháp để gặp. Ngày 21 tháng 4, Nguyễn Văn Thoại từ chức. Đó là viên bộ trưởng thứ 13 rời bỏ chính phủ của Diệm. Nhưng sự ủng hộ của Hoa Kỳ đã áp đảo tất cả mọi sự chống đối. Ngày 29 và 30 tháng 4, hai Thượng nghị sĩ đầy thế lực là Mansfield và Humphrey tuyên bố không úp mở:

"Hoa Kỳ phải ủng hộ chính phủ lương thiện và đáng kính của ông Diệm. Cuộc đấu tranh đang diễn ra ở Nam Việt Nam là một cuộc đọ sức giữa hai thế lưc, một mà hiện thân là ông Diệm đại diện cho một chính phủ liêm khiết và trung thực và hai là dựa trên những phần tử bất chấp thế nào là liêm khiết và trung thực hoặc chẳng cần hiểu liêm khiết và trung thực nghĩa là gì." (Mansfield)

Tổng thống Diệm là niềm hy bọng tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể có được ở Nam Việt Nam. Ông ta là người thủ lĩnh của nhân dân mình, là người duy nhất có khả năng tập hợp một tỷ lệ rất lớn nhân dân mình. Nếu lúc này Hoa Kỳ thôi không ủng hộ ông ta nữa, thì đó là bằng chứng của sự yếu đuối và sự thiếu quyết đoán không thể nào tha thứ được... Nếu không có đủ chỗ cho hai người trong chính phủ của Nam Việt Nam thì Bảo Đại là kẻ phải ra đi." (Humphrey)

Những lời tuyên bố vang dội này được đưa ra trong lúc tại Paris đang diễn ra cuộc hội đàm giữa đại sứu Hoa Kỳ Douglas Dillon với Edgar Faure. Trong khi chờ đợi Paris và Washington giàn xếp mối bất hòa thì quân Hòa Hảo vẫn tiếp tục quấy rối và những cuộc đụng độ giữa quân Bình Xuyên và quân của Diệm vẫn tiếp tục nổ ra trong khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn. Ngày 1 tháng 5, tướng Ely cho 500 xe thiết giáp tuần tiễu trong nội đô Sài Gòn. Londres bắt đầu lo lắng trước sự nghiêm trọng của tình hình. Ngày 2 tháng 5 tại Paris bắt đầu khai mạc một hội nghị tay ba Pháp-Anh-Mỹ với sự tham dự của những nhân vật ở cấp cao nhất của ba chính phủ: Edgar Faure, Henri Laforest, Pinay về phía Pháp; Foster Dulles, Walter Robertson, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Viễn Đông, Douglas Dillon về phía Hoa Kỳ; Mac Millan, Allen, Thứ trưởng phụ trách Viễn Đông và đại sứ Gladwyn Gebb về phía Anh Quốc. Kỳ hạn đầu tiên được quy định trong các Hiệp định Genève đã đến gần. Theo dự kiến thì vào tháng 7 nâm 1955, hai chính phủ Việt Nam của miền Bắc và miền Nam phải gặp nhau để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 1956. Do đó, ba cường quốc phương Tây thống nhất với nhau để cùng có một thái độ chung. Cuộ hội nghị kết thúc ngày 12 tháng 5 với một sự nhất trí hoàn toàn giữa ba bên. Như lời thông cáo được đưa ra, nước Pháp chấp nhận chủ trương của Hoa Kỳ, tức là ủng hộ Diệm vô điều kiện và bỏ rơi Bảo Đại. Ngày 13 tháng 5, báo Mỹ New York Herald Tribune viết:

"Hoa Kỳ, cũng như Pháp, quan tâm đến việc thiết lập một quyền lực đủ mạnh để tập hợp mọi lực lượng trong nước và đương đầu với sự xâm lược của Cộng sản."
 
Ngày 20 tháng 5, bộ chỉ huy Pháp chấp nhận rút quân khỏi khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn. Sự rút lui của Pháp làm tất cả mọi trò vận động chính trị của Bảo Đại và các giáo phái trở nên vô hiệu, trong khi cuộc tiến công về quân sự và chính trị của Diệm cứ dần dần lấn tới. Ngay từ ngày 23 tháng 4, vẫn luôn luôn tuân theo sự chỉ dẫn của ê-kíp cố vấn đến từ trường đại học Michigan, Diệm đã lần lượt tung ra nhiều sáng kiến chính trị. Y thông báo sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân và tổng tuyển cử trong vòng ba đến bốn tháng tới. Ngày 30 cùng tháng, y triệu tập một "Đại hội của các Lực lượng cách mạng dân chủ của dân tộc". Đại hội này tuyên bố phế truất Bảo Đại, trao quyền cho Diệm thành lập chính phủ mới, chuẩn bị các cuộc tuyển cử và đòi quân đội Pháp phải rời khỏi Nam Việt Nam. Ngày 2 tháng 5, quân của Diệm đánh chiếm một trung tâm chống cự của Bình Xuyên trong thành phố Sài Gòn, trong khi bản thân Diệm buộc các viên tướng Lê văn Ty, Trần Văn Minh, Trần Văn Đôn, vốn là những tướng thân Pháp, ký vào một bức điện gửi cho Bảo Đại, tuyên bố họ chỉ thừa nhận Diệm mà thôi. Ngày 4 tháng 5, trong một trận đánh chống quân Bình Xuyên, Diệm bố trí cho ám sát viên tướng Cao Đài đã chạy sang hàng ngũ mình là Trịnh Minh Thế.

Những "Hội nghị đảng các cấp" được triệu tập ở Sài Gòn ngày 5 tháng 5, trong khi tại Chợ Lớn "Đại hội toàn quốc của các lực lượng cách mạng" một lần nữa ra tuyên bố phế truất Bảo Đại. Ngày 10 tháng 5, Diệm sắp xếp lại nội các của mình, thành lập một chính phủ gạt đi mọi phần tử thân Pháp. Hiệp ước Paris giữa Pháp và Mỹ đã làm tiêu tan mọi hy vọng của những phần tử này. Hoa Kỳ đã buộc Pháp không những phải ủng hộ Diệm một cách vô điều kiện, mà còn phải làm cho chỉ được hoạt động cầm chừng lấy lệ, phái đoàn Sainteny lúc bấy giờ đang thương lượng với chính phủ Bắc Việt Nam, từ bỏ tất cả mọi vị trí kinh tế và văn hóa của Pháp ở miền Bắc. Diệm lại tiếp tục đả kích bộ chỉ huy Pháp ở Sài Gòn và ngày 20 tháng 5, hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin tướng Ely yêu cầu được miễn nhiệm.

Báo chí Pháp đã không che dấu sự cay đắng của mình:

"Dù kết cục của trận đánh Sài Gòn có ra sao chăng nữa thì tại đây, chính nước Pháp mới là kẻ phải trả giá cho chiến dịch này. Các quan chức [Hoa Kỳ] bề ngoài có thể nương nhẹ Bảo Đại nhưng trong lời lẽ bình luận riêng của họ và trên các báo, ông ta bị phơi bày dưới những màu sắc đen tối nhất và tên của Bảo Đại bao giờ cũng được viết theo tính từ "French puppet" (bù nhìn của Pháp) để đối lập với thành ngữ "American backed Diệm" (Diệm được Hoa Kỳ ủng hộ). Như vậy, trước dư luận Hoa Kỳ, người Pháp hiện ra như kẻ nâng đỡ những phần tử thối nát ở Việt Nam nhằm nuôi hy vọng duy trì một chế độ thực dân lỗi thời."[33]
____________________________________
[33] Báo Pháp Le Monde, 2 tháng 5 năm 1955.
 
Thế là đối với các giáo phái, chỉ còn cách đánh để dọn đường rút lui. Bị mất sự ủng hộ của Pháp, các lực lượng vũ trang này cũng không thể dựa vào dân chúng vốn căm ghét họ. Nào "tướng" nào "tá" hùa nhau hạ cờ quy phục. Ngày 8 tháng 6, đến lượt tướng Nguyễn Giác Ngộ, rồi ngày 15 là tướng Lâm Thành Nguyên, đội quân Hòa Hảo của Trần Văn Soái cũng bị rối loạn tổ chức vì nhiều viên tá, tướng đã cạn tiền, cũng đào ngũ... Chỉ còn lại một số ít kẻ quyết đánh đến cùng, đặc biệt là Ba Cụt. Ngày 6 tháng 6, 30 tiểu đoàn mở cuộc tiến công lớn trong khu vực phía tây của đồng bằng sông Cửu Long nhằm kết thúc gọn các cuộc hành quân đã bắt đầu từ ngày 25 tháng 5. Thế nhưng, mặc dù quân Hòa Hảo đã bị suy yếu đến cực độ, các đội quân của Diệm cũng không thể đánh thắng được họ ngay lập tức. Các viên tướng cũ Hinh và Nguyễn Văn Vỹ đã thoát ra ngoài để chiến đấu bên cạnh quân Hòa Hảo. Những cuộc đụng độ giữa quân Hòa Hảo và quân của Diệm cứ tiếp tục mãi cho đến năm 1956, tướng Hòa Hảo Trần Văn Soái về với Diệm, ngày 14 tháng 4, Ba Cụt bị bắt và bị chặt đầu. Quân Bình Xuyên về phần mình, đã rút vào Rừng Sát cách Sài Gòn 15 cây số, với những vũ khí nhẹ và quân số khoảng 1500 người. Ngày 30 tháng 9 năm 1955, năm tiểu đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn dù và một tiểu đoàn thủy quân lục chiến bứt đầu tiến công Rừng Sát. Các trận đánh diễn ra dọc theo sông Sài Gòn cho đến tận mũi Saint-Jacques, kéo dài trong một tháng. Cuối tháng 10 thì chiến dịch kết thúc: Các thủ lĩnh Bình Xuyên bỏ chạy sang Pháp tị nạn.

Những thủ lĩnh Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên hoặc đã chạy sang hàng ngũ của Diệm hoặc bị bắt đều lần lượt bị đem ra xử, bị kết án và bị thủ tiêu. Giáo hoàng Cao Đài Phạm Công Tắc, vào tháng 2 năm đó, chạy thoát được sang Campuchia, và ít lâu sau đã chết tại đó. Còn lại một mình, Diệm nắm quyền đúng như ý muốn của người Mỹ. Ngày 6 tháng 8 năm 1955, nước Pháp ký với Diệm một hiệp định về vấn đề quốc tịch nhằm giải quyết tình trạng của 7000 người Việt Nam thân Pháp trước đó đã được hưởng tư cách là công dân Pháp và cho đến lúc bấy giờ vẫn là những người ủng hộ trung thành nhất của Pháp ở Việt Nam. Những người Việt Nam có quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch Pháp phải lựa chọn, trong thời hạn sáu tháng, nếu chọn quốc tịch Pháp thì họ không còn có thể tham gia bộ máy chính quyền Việt Nam. Điều khoản này liên quan đến nhiều viên tướng, sũ quan, bộ trưởng, đại sứ, công chức cao cấp của Diệm, cho phép Diệm loại ra khỏi chính phủ của mình rất nhiều phần tử chống đối, mà đến lúc này thì nước Pháp chẳng còn gì để ban cho nữa ngoài quyền được lưu vong sang Paris.
 
Việc duy nhất còn lại với Diệm là điều đình với Pháp về vấn đề rút quân viễn chinh Pháp và vấn đề quan hệ kinh tế giữa hai nước. Vấn đề rút đội quân viễn chinh được phía Pháp chấp nhận một cách dễ dàng, bởi nước Pháp chẳng uốn phải có mặt ở cuộc hẹn vào tháng 7 năm 1956, hạn cuối cùng của việc thi hành các Hiệp định Genève, vả chăng từ đấy trở đi, Pháp lại cần phải có quân để đổ vào cuộc chiến ở Algérie. Tướng Ely vì không thể thỏa thuận được với người Mỹ và Diệm, đã rời Sài Gòn ngày 20 tháng 6, và được thay thế bằng một viên đại sứ. Từ tháng 6 đến tháng 9, một phái đoàn Nam Việt Nam gồm có Nguyễn Hữu Châu - Quốc vụ khanh, Trần Trung Dung - Bộ trưởng quốc phòng và Nhu - em của Diệm, lưu lại ở Pháp để thương lượng.Bối cảnh tình hình lúc bấy giờ được hãng thông tấn AFP, trong một bản tin ngày 2 tháng 7, mô tả như sau:

"Sau khi ông Dulles, người đã giúp cải thiện mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Pháp tại Việt Nam, đến Paris vào đầu tháng 5, việc chính phủ Sài Gòn gửi một phái viên tới Paris không phải là không có ích để giúp cho họ thấy rằng nước Pháp không hề có chút dè chừng nào đối với họ. Vấn đề quy chế của đội quân viễn chinh hình như đã không gặp phải khó khăn nào từ phía Pháp. Do vậy, các cuộc thương lượng về quân sự sắp được tiến hành."

Ngày 2 tháng 8, chính phủ Pháp lại tiếp tục bỏ đồng franc Pháp ra mua đồng bạc để dùng cho chi phí của đội quân viễn chinh, như thế để miền Nam Việt Nam lại có thể tiếp tục mua hàng tại Pháp. Một thỏa ước về vấn đề này được ký ngày 17 tháng 8 giữa ngân khố Pháp và ngân khố Sài Gòn. Thế nhưng, ngày 29 tháng 10, Diệm lại hủy bỏ hiệp định thương mại Pháp-Việt đã ký hồi tháng chạp năm 1954, viện cớ là Nam Việt Nam không có đủ đồng franc Pháp, sự khan hiếm này đã không thể bù lại bằng số đô la Mỹ của viện trợ Hoa Kỳ. Các nhà chức trách Hoa Kỳ abwts buộc hàng hóa mà Nam Việt Nam mua ở bên ngoài khu vực đồng đô la phải theo giá cạnh tranh, nhưng thực tế lại không phải như vậy, đặc biệt là đối với các hàng dệt của Pháp. Sự thực, trong một thông điệp trao ngày 30, chính phủ Nam Việt Nam, theo tin của AFP, đã đặt điều kiện tiên quyết cho các cuộc thương lượng về kinh tế, tài chính, quân sự và văn hóa với Pháp là chính phủ nước này, trước tiên phải chấp nhận, trong một lời mở đầu cho hiệp ước, xác định các mối quan hệ giữa nước Pháp với thế giới Cộng sản, đặc biệt là với Việt Minh. Thông điệp yêu cầu, cũng theo hãng AFP, chính phủ Pháp xác định rõ chính sách của mình phù hợp với chính sách của nước Việt Nam tự do đối với thế giới tự do và đe dọa sẽ không kéo dài các hiệp định về kinh tế và văn hóa. Đây thực sự là một tối hậu thư. Chính phủ Pháp nghiêng mình chấp nhận, bởi ở đằng sau Diệm, chính Hoa Kỳ mới là kẻ đưa ra bức tối hậu thư. Ngày 1 tháng giêng năm 1956, Nam Việt Nam rút khỏi khu vực đồng franc để gia nhập khu vực đồng đô la. ở Pháp, chính phủ Guy Mollet của đảng xã hội lên nắm quyền, ngày 23 tháng 2, trước Hội đồng nước cộng hòa, bộ trưởng ngoại giao của chính phủ này là Pineau tuyên bố:

"Chúng ta đã cam kết với Hoa Kỳ rằng chúng ta ủng hộ ông Diệm. Tai họa là ở chỗ, sau khi đã cam kết rồi, mà có thể đây là một cam kết sai lầm, chúng ta lại không giữ đúng cam kết đó như đáng ra chúng ta phải làm. Từ nay về sau, có lẽ chúng ta sẽ bàn cãi quyết liệt hơn về những cam kết mà người ta yêu cầu đối với chúng ta, nhưng chí ít là, một khi đã cam kết rồi thì chúng ta sẽ giữu lời cam kết. Ở Nam Việt Nam, tình hình kinh tế của chúng ta đang xấu đi: Chúng ta đang ở giai đoạn thương lượng để có được quy chế tối huệ quốc. Hoa Kỳ đã phạm sai lầm là tìm cách loại bỏ nước Pháp."
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top