Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Từ thế kỷ XIV, ở Ý bắt đầu xuất hiện một phong trào văn hóa mới, rồi đến nửa sau thế kỷ XV, phong trào ấy lan sang các nước Tây Âu khác như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Nêđécan và được gọi là phong trào Phục hưng (Renaissance).
1. Điều kiện lịch sử
Điều kiện chủ yếu dẫn đến sự ra đời của phong trào văn hóa phục hưng là do sự xuất hiện quan hệ tư bản chủ nghĩa. Trong khi đó, những thành tựu về văn hóa từ thế kỷ XI-XIII còn xa mới đáp ứng được nhu cầu của giai cấp tư sản mới ra đời, đồng thời cho đến lúc bấy giờ, tư tưởng tình cảm con người vẫn bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng khắt khe của giáo hội Thiên chúa. Do vậy, giai cấp tư sản cần phải có hệ tư tưởng và nền văn hóa riêng để phục vụ cho đời sống tinh thần của mình và để đấu tranh với hệ tư tưởng lỗi thời của giáo hội và của giai cấp quý tộc phong kiến đang cản trở sự phát triển của xã hội.
Còn Ý sở dĩ trở thành quê hương đầu tiên của phong trào Văn hóa phục hưng là vì:
- Tuy bị phân tán về chính trị nhưng do những điều kiện thuận lợi về địa lý, quan hệ tư bản chủ nghĩa ở đây ra đời sớm nhất. Từ thế kỷ XIV, ở miền Bắc Ý đã có nhiều thành phố rất phồn thịnh và đã lập thành những nước cộng hòa thành thị như: Phirenxê, Vênêxia, Giênôva v.v..., trong đó Phirenxê chủ yếu phát triển về công nghiệp, còn Vênêxia và Giênôva chủ yếu phát triển về thương nghiệp.
Thành phố Phirenxê có hơn 300 xí nghiệp len dạ, trong đó thuê rất nhiều thợ làm việc. Đó là những công trường thủ công tư bản chủ nghĩa. Ngoài các nhà tư sản công thương nghiệp, ở Phirenxê còn có hơn 100 chủ ngân hàng.
Vênêxia là một thành phố công thương nghiệp rất nổi tiếng ở châu Âu. Đặc biệt, sau các cuộc viễn chinh của quân Thập tự, Vênêxia đã giàu mạnh rất nhanh chóng. Vênêxia có 3.000 chiếc thuyền buôn với khoảng 30.000 thủy thủ thường xuyên tung hoành trên Địa Trung Hải để chuyên chở các mặt hàng như tơ lụa, hồ tiêu, quế, đường... của phương Đông sang bán cho các nước ở phương Tây. Đồng tiền vàng đucát của Vênêxia được sử dụng khắp toàn châu Âu. Bên cạnh thương nghiệp, các ngành công nghiệp như dệt tơ, đóng thuyền, làm đồ thủy tinh... cũng rất nổi tiếng.
Giênôva cũng là một thành phố thương nghiệp quan trọng và là đối thủ của Vênêxia trong lĩnh vực buôn bán. Đến thế kỷ XV, ngân hàng thánh Gioóc ở đây đã phát hành giấy bạc đầu tiên và được thông dụng trên khắp thị trường châu Âu.
- Ý vốn là quê hương của nền văn minh La Mã cổ đại, do đó cho đến thời bấy giờ, ở đây còn giữ lại được nhiều di sản văn hóa về các mặt kiến trúc, điêu khắc, văn học... Vì vậy, hơn ai hết, các nhà văn nghệ sĩ Ý đã kế thừa được truyền thống văn hóa rực rỡ của đất nước mình. Đến thế kỷ XIV, XV khi về mặt kinh tế xã hội có những biến đổi quan trọng, họ đã có điều kiện để làm sống lại và phát triển những thành tựu văn hóa ấy.
- Do kinh tế phát triển, trong các nước cộng hòa, thành thị ở Ý đã xuất hiện một tầng lớp rất giàu có. Để phô trương cho sự giàu sang của mình, họ đã xây dựng nhiều lâu đài tráng lệ được trang sức bằng những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Tình hình đó đã có tác dụng khuyến khích rất lớn đối với sự sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ mà trước hết là đối với các họa sĩ và các nhà điêu khắc.
Hơn nữa, các nhà văn nghệ sĩ lúc bấy giờ còn nhận được sự bảo trợ của những người đứng đầu các nhà nước như họ Mêđixi ở Phirenxê, họ Giôndagơ (Gonzague) ở Mantu, họ Môntêphentơrô (Montefeltro) ở Uốcbinô, họ Extê ở Fera (Ferrare), họ Aragôn ở Naplơ, thậm chí cả các giáo hoàng Xixtơ IV, Giulơ II, Lêô X, và Phaolô III ở La Mã nữa. Nhờ vậy họ càng có điều kiện tập trung trí tuệ và tài năng của mình vào công việc lao động sáng tạo.
Đến thế kỷ XV và nhất là thế kỷ XVI chủ nghĩa tư bản cũng ra đời ở Anh và tiếp đó là ở các nước Tây Âu khác như Pháp,
Tây Ban Nha, Nêđéclan, Đức... Vì vậy, phong trào Văn hóa phục hưng có điều kiện phát triển sang các nước Tây Âu khác.
(Còn Tiếp)
Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục