• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Trang Dimple

New member
Xu
38

Vào thời kỳ cuối của đế quốc La Mã, cùng với sự khủng hoảng trầm trọng của chế độ chiếm hữu nô lệ và sự suy sụp toàn diện về kinh tế, nền văn hóa huy hoàng một thời cũng bị lụi tàn.
Những cuộc chinh phục liên tiếp của các tộc Giécmanh trên lãnh thổ của đế quốc đã tàn phá nặng nề những di sản của nền văn minh cổ đại. Chỉ có một thứ hầu như không bị người man tộc xâm phạm, đó là các nhà thờ và tu viện của đạo Kitô. Chính vì thế, chỉ có ở những cơ sở tôn giáo này mới giữ lại được một số thành tựu của nền văn hóa cổ đại.

Trong khi đó các vương quốc của người Giécmanh mới thành lập không hề chú ý tới sự nghiệp văn hóa giáo dục, cho nên hầu hết giai cấp quý tộc, kể cả nhà vua, đều mù chữ. Toàn xã hội không có trường học nào khác ngoài những trường lớp do giáo hội mở để đào tạo giáo sĩ.

Tuy giáo sĩ là tầng lớp có văn hóa duy nhất trong xã hội nhưng nói chung trình độ học thức của họ rất có hạn, số người có trình độ học vấn tương đối cao rất ít.

Do nhiệm vụ của việc giáo dục lúc bấy giờ chỉ là đào tạo giáo sĩ, nên nội dung học tập chủ yếu là thần học, môn học được suy tôn là “Bà chúa của khoa học”. Ngoài thần học, còn có các môn Ngữ pháp, Tu từ học, Lôgic học, Số học, Hình học, Thiên văn học và Âm nhạc, được gọi là “Bảy môn nghệ thuật tự do”. Các môn học này đều là những môn phù trợ và phải phục vụ cho Thần học.

Trong số bảy môn học này, môn Ngữ pháp được đặc biệt chú trọng, do đó thường được vẽ hình một bà hoàng đầu đội mũ miện làm biểu tượng. Nhiệm vụ của môn Ngữ pháp là dạy tiếng La tinh, thứ ngôn ngữ chính dùng trong các nghi thức ở nhà thờ và để đọc kinh thánh.

Lôgich học được gọi là “đầy tớ của thần học”cùng với môn Tu từ học chủ yếu dạy thuật hùng biện để biện hộ cho Kitô giáo chiến thắng các tà giáo.

Số học dùng để giải thích một cách thần bí những con số gặp trong kinh thánh, đồng thời để biết tính toán đếm được gạch ngói khi xây dựng các cơ sở của giáo hội là được.

Hình học là môn học miêu tả về quả đất, nhưng do sự hiểu biết có hạn nên nội dung thường sai lầm, thậm chí rất hoang đường. Ví dụ: Trong một quyển sách tham khảo của môn Hình học có một đoạn như sau:

“Đây là bộ mặt không phải người ở một sa mạc hoang vu (ở Êtiôpi) và ở các loại bộ lạc kỳ quái. Một số bộ lạc không có mũi, tất cả bộ mặt của họ đều giống nhau và tầm thường... miệng của một bộ lạc khác thì dính lại với nhau, họ chỉ có một lỗ nhỏ để hút thức ăn bằng bột mì... Còn người Êtiôpi của tộc Môrơ thì có bốn mắt, đó là vì để bắn cho chính xác”.

Môn Thiên văn học chủ yếu là để chọn ngày cho nhà thờ làm lễ. Còn quan niệm về trời đất của họ lúc bấy giờ thì hoàn toàn trái với khoa học. Họ kiên quyết chống lại thuyết quả đất hình cầu, vì họ lập luận rằng: nếu nói mặt đất hình cầu thì phải thừa nhận có những người phải đi lộn đầu xuống đất, mà như thế thì không thể được. Vì vậy, theo giáo lý của đạo Kitô, mặt đất giống như một cái mâm tròn nổi trên mặt biển, còn trời giống như một cái mái tròn có bốn cột chống đỡ. Trung tâm của mặt đất là Giêrudalem.

Như vậy, tình hình văn hóa giáo dục ở Tây Âu trong thời kỳ này rất thấp kém và hoàn toàn bị giáo hội Kitô lũng đoạn. Hơn nữa, một khi trở thành kẻ được bảo tồn một số thành tựu của văn hóa cổ đại, giáo hội chỉ giữ lại những gì có lợi cho mình mà thôi, còn những gì trái với giáo lý của đạo Kitô đều bị hủy bỏ hoặc cắt xén một cách không thương tiếc.(Thời bấy giờ sách chép trên giấy da cừu, các giáo sĩ thường dùng dao cạo hoặc cắt bỏ những nội dung không có lợi đối với giáo hội. ) Việc đó càng làm cho nền văn hóa Tây Âu bị suy sụp nghiêm trọng. Do vậy, Ăngghen đã nhận định rằng:

“Thời Trung cổ đã phát triển trên một cơ sở hoàn toàn thô sơ. Nó đã xóa sạch nền văn minh cổ đại, nền triết học, chính trị, luật học cổ đại để lại bắt đầu tất cả ngay từ đầu. Điều duy nhất mà nó mượn được của thế giới cổ đại đã diệt vong là đạo Kitô và một số thành thị nửa tàn phá đã mất hết nền văn minh cũ của chúng. Kết quả là, cũng giống như ở tất cả những giai đoạn phát triển lúc ban đầu, bọn giáo sĩ chiếm độc quyền trí dục và bản thân nền giáo dục cũng mang một tính chất chủ yếu là thần học.

Trong tay giáo sĩ, chính trị và luật học cũng như tất cả những khoa học khác vẫn chỉ là những ngành của khoa thần học, và chính những nguyên lý thống trị trong thần học cũng được áp dụng cho chính trị và luật học. Những giáo lý của giáo hội đồng thời cũng là những định lý chính trị và những đoạn kinh thánh cũng có hiệu lực trước mọi tòa án như là luật pháp”.( Các Mác, Phriđrich Ăngghen. Tuyển tập. Tập II NXB Sự thật 1981. Trang 205 - 206. )

Song song với việc lũng đoạn về văn hóa giáo dục, giáo hội còn tích cực truyền bá hệ tư tưởng của đạo Kitô thời Trung đại mà trong đó chủ yếu là chủ nghĩa cấm dục.

Người đặt cơ sở cho hệ tư tưởng này là Ôguxtin (Augustin 354 - 430), giám mục xứ Híppôn (Ở nước Angiêri ngày nay). Lúc bấy giờ đế quốc Rôma đang lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, có nhiều người cho rằng sở dĩ như vậy là vì người Rôma theo đạo Kitô nên bị thần trừng phạt. Ôguxtin bèn viết quyển “Thành phố của Chúa trời” (La Cité de Dieu) để biện hộ cho đạo Kitô. Trong tác phẩm này, ông chỉ ra rằng chỉ có ở thành phố của Chúa trời (tức là Thiên đường) người ta mới được sống trong cảnh sung sướng mãi mãi, còn ở thế giới trần tục này thì đầy rẫy tội ác và đau khổ. Vì vậy, muốn giũ sạch mọi tội lỗi để sau khi chết linh hồn được cứu vớt và được lên thiên đường thì phải ăn chay, sám hối, cấm dục, thoát ly khỏi cuộc sống trần tục, đi tu trong nhà tu kín. Hơn nữa, tất cả mọi thứ ở đời đều do Chúa trời sắp đặt. Chỉ có những người bằng lòng với số phận của mình, ngoan ngoãn phục tùng, một lòng tin thờ Chúa thì mới mong được cứu vớt... Rõ ràng là quan điểm đó rất phù hợp với lợi ích của giáo hội và chế độ phong kiến. Do đó đã được coi là nền tảng của hệ tư tưởng và quan điểm đạo đức của giáo hội Kitô thời Trung đại. Cùng với tình trạng kém phát triển về văn hóa giáo dục, sự gieo rắc tư tưởng này đã có tác dụng kìm hãm rất lớn đối với tư tưởng và tình cảm của nhân dân trong non mười thế kỷ.

Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Cái gọi là “Văn hóa phục hưng thời Carôlanhgiêng
Tuy nói chung, trong suốt 5 thế kỷ thời sơ kỳ phong kiến, nền văn hóa Tây Âu rất thấp kém, nhưng riêng dưới thời Sáclơmanhơ thì có phát triển ít nhiều. Lúc bấy giờ, Phrăng phát triển thành một đế quốc rộng lớn. Để có nhiều quan lại quản lý các công việc của nhà nước như tổ chức, tài chính, ngoại giao v.v... và để có nhiều giáo sĩ cảm hóa nhân dân, nhất là đối với những vùng mới chinh phục, Sáclơmanhơ rất chú ý đến việc phát triển văn hóa giáo dục. Ông mở trường học cung đình, khuyến khích con em quý tộc theo học và mời các học giả nổi tiếng ở Tây Âu đến giảng dạy.

Người đóng vai trò quan trọng nhất trong trường học cung đình và cũng là người được Sáclơmanhơ đặc biệt ưu ái là Anquyn (Alcuin, 735 - 804), một giáo sĩ người Anh. Chính Anquyn đã nói về nhiệm vụ và mục đích của mình trong thư gửi cho Sáclơmanhơ như sau:

“Thần xin cố gắng hết sức vào việc bồi dưỡng thật nhiều người có khả năng phục vụ giáo hội thần thánh của đức Chúa trời và để trang sức cho chính quyền của hoàng đế.”

Ngoài Anquyn còn có nhiều học giả các nước khác như Pie, Paolô người Ý, nhà thơ Têôđunphơ (Theodulf), Êginha (Eginhard) người Tây Ban Nha... Do vậy cung đình của Sáclơmanhơ trở thành trung tâm học thuật của Tây Âu lúc bấy giờ, thêm nữa trường học cung đình của Sáclơmanhơ đã có ảnh hưởng rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng các trường học của giáo hội trong cả nước. Chính vì thế, các nhà sử học phương Tây đã gọi phong trào học thuật này là “Phong trào văn hóa phục hưng thời Carôlanhgiêng.”

Tuy nhiên, về thực chất thì phong trào học thuật này vẫn lấy thần học làm nội dung học tập chủ yếu, lấy cung đình và nhà thờ làm trung tâm, khác hẳn với phong trào văn hóa phục hưng lấy thành thị làm trung tâm ở Ý sau này. Chính Anquyn đã nói rõ vấn đề đó trong lời tựa của quyển sách ngữ pháp do ông biên soạn như sau:

“Các trò thân mến, hãy dọc theo con đường nhỏ tối tăm này tiến lên, tiến đến đỉnh cao nhất của Kinh Thánh, các trò sẽ càng trưởng thành và trí tuệ sẽ càng vững chắc”.

Hơn nữa trình độ hiểu biết của các nhà trí thức lúc đó cũng còn rất thấp. Những tài liệu giáo khoa về ngữ pháp, Tu Từ học, Thiên Văn học... lúc bấy giờ thường được soạn dưới hình thức vấn đáp giữa thầy và trò và nội dung của nó cũng thường rất ngộ nghĩnh. Đoạn đối thoại sau đây giữa Anquyn và Hoàng tử Pêpanh, con thứ hai của hoàng đế Sáclơmanhơ là một ví dụ:

Pêpanh hỏi: Chữ cái là gì?

Anquyn đáp: Là người lính gác của lịch sử.

Hỏi: Văn tự là gì?

Đáp: Là kẻ phản bội của linh hồn.

Hỏi: Cái gì sinh ra văn tự?

Đáp: Ngôn ngữ.

.....................

Hỏi: Ngôn ngữ là gì?

Đáp: Là cái roi của không khí.

Hỏi: Không khí là gì?

Đáp: Là kẻ bảo vệ tinh mệnh.

Hỏi: Con người là gì?

Đáp: Là nô lệ của tuổi già, là người qua đường, là khách ở trong nhà mình.

Hỏi: Con người giống cái gì?

Đáp: Giống quả cầu.

Hỏi: Con người được xếp đặt như thế nào?

Đáp: Như ngọn đèn trước gió.

.....................

Hỏi: Năm là gì?

Đáp: Là cái xe của thế giới.

Hỏi: Xe chở ai?

Đáp: Đêm, ngày, lạnh và nóng.

Hỏi: Người đánh xe là ai?

Đáp: Mặt trời và mặt trăng.

Thời gian tồn tại của cái gọi là phong trào Văn hóa phục hưng Carôlanhgiêng cũng rất ngắn ngủi. Sau khi Sáclơmanhơ chết (814) không bao lâu, đế quốc do ông thành lập không duy trì được sự thống nhất nữa. Và sự phát triển tạm thời về văn hóa cũng suy sụp.

Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top