• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Chia Sẻ chiến tranh trên thế giới và sự phá hoại khủng khiếp của chiến tranh

Trang Dimple

New member
Xu
38
Chiến tranh là một hiện tượng phức tạp, là sự tiếp tục cuộc đấu tranh chính trị của các quốc gia, dân tộc và giai cấp bằng bạo lực quân sự. Thực tế lịch sử cho thấy cần phân biệt hai loại chiến tranh: chính nghĩa và phi nghĩa.

Theo tính toán của nhà khoa học người Thụy Sĩ Giăng Giắc Baben bằng máy tính điện tử thì trong 5.550 năm, trên hành tinh chúng ta đã xảy ra tới 14.513 cuộc chiến tranh với số người chết là 3,6 tỉ người.
Đó là những con số khủng khiếp.

Sang thế kỷ XX, sự thiệt hại ấy lại tăng lên gấp bội do quy mô chiến tranh mở rộng không bao giờ hết, chiến trường bao trùm cùng lúc trên lãnh thổ các quốc gia thuộc nhiều lục địa khác nhau, sự tàn phá và sức hủy diệt của các loại vũ khí, bom đạn tới mức khó lường được hết.

Những cuộc chiến tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc, chống sự cai trị của ngoại bang là chiến tranh chính nghĩa được nhân dân thế giới ủng hộ. Dù đất nước có bị tàn phá, nhân dân phải chịu đựng hi sinh nhưng nhiều dân tộc vẫn đương đầu với chủ nghĩa đế quốc để giành độc lập và tự do. Cuộc kháng chiến 30 năm của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975) được coi là cuộc chiến tranh thần thánh, đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngược lại, những cuộc chiến tranh xâm chiếm và giành giật thuộc địa giữa các đế quốc, nhằm giữ ngôi bá chủ thế giới, nhằm bành trướng lãnh thổ, xâm phạm chủ quyền nước khác... mang tính phi nghĩa và hết sức tàn bạo.

Thế kỷ XX đã xảy ra hai lần chiến tranh thế giới vào các năm 1914 - 1918 và 1939 - 1945.

Tháng 8 - 1914, cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ là hậu quả của những mâu thuẫn về quyền lợi và sự giành giật thuộc địa không thể điều hòa được giữa hai tập đoàn đế quốc: khối “Liên minh” gồm Đức, Áo - Hung, Thổ Nhĩ Kỳ, Bungari và khối “Hiệp ước” gồm Anh, Pháp, Nga...

Hai mươi năm sau,
cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) lại diễn ra với quy mô và cường độ ác liệt chưa từng thấy. Nhưng khác với năm 1914 - 1918, chiến tranh thế giới thứ hai phức tạp hơn về nội dung chính trị, tính chất giai cấp và dẫn tới những thay đổi căn bản. Chiến tranh nổ ra là do những mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, đồng thời do những mâu thuẫn gay gắt trong thế giới tư bản chủ nghĩa: Cuộc chiến đã bắt đầu giữa hai tập đoàn đế quốc, giữa các nước phát xít Đức, Ý, Nhật và các nước đế quốc Anh, Pháp rồi thêm Mỹ và nhiều nước khác. Nhưng dưới tác động của cuộc đấu tranh chống phát xít ngày càng mở rộng ở nhiều nước, nó đã trở thành cuộc chiến tranh giải phóng của các dân tộc chống ách phát xít chiếm đóng và nô dịch. Việc Liên Xô tham chiến (1941), nhất là sự hình thành khối Đồng minh chống phát xít (1942) đã làm thay đổi tính chất của chiến tranh.

chiến tranhg.jpeg

Chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX là những cuộc chiến tranh ác liệt nhất trong lịch sử loài người. Có thể thấy rõ quy mô của hai cuộc chiến tranh thế giới qua những số liệu sau:

Với quy mô như thế, sự tàn phá và tổn thất lại càng nặng nề hơn.

Nền văn minh của loài người bị phá hoại nghiêm trọng.

(Còn Tiếp)

Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
sự phá hoại khủng khiếp của chiến tranh

Chiến tranh và những hậu quả của nó như một nghịch lý lớn trong lịch sử tiến hóa nhân loại. Hầu như những thành tựu khoa học - kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất đều dùng cho các mục đích quân sự - chính trị. Nói cách khác, chiến tranh đã thu hút, tập trung cao nhất những nỗ lực sức người, sức của, những phương tiện và thành tựu khoa học - kỹ thuật. Theo đó, sự tàn phá của chiến tranh ngày càng mang tính tàn sát và hủy diệt.

Trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) lần đầu tiên xuất hiện xe tăng và máy bay. Các vũ khí và phương tiện quân sự được cải tiến không ngừng, đến Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) đã ra đời các loại xe tăng thiết giáp nặng hơn nhưng cơ động hơn, các loại máy bay bay cao hơn, xa hơn và mang nặng hơn: lần đầu tiên xuất hiện rađa, tên lửa và nhất là vào giai đoạn cuối của cuộc chiến đã dùng đến bom nguyên tử.

Thế giới đã bị tàn phá nghiêm trọng.

Trước hết là về sinh mạng con người. Theo Pôn Kennơđi trong cuốn Hưng thịnh và suy vong của các cường quốc, chỉ trong cuộc chiến tranh “tổng lực 1914 - 1918” khoảng 8 triệu người đã chết trong các trận chiến, 7 triệu người nữa bị tàn phế lâu dài và 15 triệu người bị thương nặng, đại đa số những người này đang ở độ tuổi thanh xuân. Ngoài ra, châu Âu (không kể Nga) có hơn 5 triệu người đã chịu hậu quả chiến tranh như bệnh tật, nạn đói và thiếu thốn. Còn hàng triệu người bị thương vong trong các cuộc đụng độ ở biên giới và dịch bệnh sau chiến tranh. Tổng số thương vong lên đến 60 triệu người, gần một nửa ở Nga, còn Pháp, Đức và Ý cũng bị thiệt hại nặng nề. Trong thảm họa đó, cái không thể đo được là nỗi thống khổ và sự xao động về tâm lý con người, tác động mạnh mẽ vào đời sống gia đình và xã hội.

Trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, con số thương vong tăng lên gấp bội. Chỉ riêng số người chết đã lên tới hơn 50 triệu người, trong đó nhiều dân tộc phải gánh chịu những tổn thất cực kỳ nặng nề.

Riêng Liên Xô, hơn 20 triệu người chết (gần đây một số tài liệu đã đưa ra những số liệu mới là 30 triệu người, thậm chí 40 triệu người chết). Ở Trung Quốc đã mất đi 10 triệu người, Ba Lan - trên 6 triệu người (chiếm 20% dân số), Nam Tư - 1 triệu 702 nghìn người. Người Nhật là những nạn nhân đầu tiên của thảm họa bom nguyên tử. Chỉ trong khoảnh khắc, hơn 270 nghìn người dân đã thiệt mạng và hai thành phố Hirôsima và Nagadaki bị sập đổ hoang tàn.

Hai cuộc chiến tranh thế giới còn gây ra những thiệt hại khổng lồ về của cải vật chất và tài sản văn hóa không sao kể xiết. Thành phố, làng mạc, đường sá, cầu cống, nhà máy xí nghiệp cùng bao công trình lịch sử và văn hóa của các dân tộc bị phá hủy.

Đất nước Xô viết bị tàn phá nặng nề nhất: 1.710 thành phố, hơn 70 nghìn làng, gần 32 nghìn nhà máy xí nghiệp, 65 nghìn kilômet đường sắt đã bị phá hủy. Tính chung, thiệt hại vật chất lên tới 679 tỉ rúp.

Những giá trị văn minh của loài người bị chà đạp thô bạo. Đó là những tội ác của bọn phát xít, chúng không chỉ chiếm đóng lãnh thổ, cướp đoạt tài nguyên mà còn chà đạp lên những quyền cơ bản, những giá trị thiêng liêng của các dân tộc và nhân phẩm danh dự của con người.

Bọn quốc xã đã tàn sát hơn 6 triệu người Do thái và kêu gào tiêu diệt người Xlavơ: “Nếu chúng ta muốn thành lập Đế chế Đức vĩ đại, trước hết phải đuổi và tiêu diệt sạch các dân tộc Xlavơ: người Nga, Ba Lan, Séc, Xlôvaki, Bungari, Ucraina, Bêlarut. Không có lý do gì để không làm việc đó”. Hơn 6 triệu người Ba Lan - tức 1/5 dân số nước này - đã bị tàn sát bởi những lời kêu gào đó của Hítle. Chúng còn lập ra các nhà tù, các trại tập trung và các lò thiêu người bằng hơi ngạt như ở Bunkhenvan, Đachau, Biếccơnô, Ausơvít... để đầy đọa con người theo lối trung cổ và tàn sát họ bằng những kỹ thuật hiện đại...

Ở châu Á, bọn phát xít còn tàn sát và gây ra nạn đói khủng khiếp với bao cái chết thê thảm. Chỉ trong một tháng, hơn 30 vạn dân lành tay không tấc sắt đã bị giết ở Nam Kinh (Trung Quốc). Hai triệu người Việt Nam bị chết đói dưới ách thống trị của Nhật - Pháp trong những năm chiến tranh. Tội ác của chúng đã vượt xa các thế lực xâm lược trước đây trong lịch sử.

(Còn Tiếp)

Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Chiến tranh vẫn đang tiếp diễn

Cuộc chiến tranh thế giới 1939 - 1945 vừa chấm dứt chưa được bao lâu, các dân tộc lại phải trải qua tình trạng đầy căng thẳng của “chiến tranh lạnh” với những cuộc chạy đua vũ trang cực kỳ tốn kém sức người, sức của. Một lần nữa, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại nhất của văn minh nhân loại, những nguồn tài nguyên và tiền của khổng lồ lại ném vào việc tìm tòi, chế tạo những loại vũ khí và phương tiện chiến tranh có sức tàn phá, hủy diệt chưa từng thấy.

Sau gần nửa thế kỷ chạy đua vũ trang tốn kém và mệt mỏi, các dân tộc đã rút ra được nhiều bài học. Nền văn minh của nhân loại, mối quan hệ quốc tế giữa các dân tộc chỉ có thể phát triển tốt đẹp nếu dựa trên phương thức cùng nhau chung sống hòa bình, hợp tác phát triển và cạnh tranh trong kinh tế, bình đẳng và cùng có lợi.

Ngày nay, thời kỳ chiến tranh lạnh đã kết thúc, hòa bình thế giới được củng cố. Nhưng do nhiều nguyên nhân như những tranh chấp về sắc tộc, tôn giáo và lãnh thổ... hòa bình ở nhiều khu vực bị đe dọa nghiêm trọng, thậm chí xung đột quân sự, nội chiến đẫm máu đã kéo dài nhiều năm ở nhiều quốc gia. Tại những nơi đó, dân chúng lại đổ máu và điêu linh, những giá trị văn minh lại bị hủy diệt không thương tiếc.

Sau gần 4 năm nội chiến, Bôxnia từ một nước cộng hòa khá phát triển của Liên bang Nam Tư đã trở thành một trong những nước nghèo nhất châu Âu, khoảng 35% đường sá, 40% cầu cống bị tàn phá và nguồn điện trong nước, thậm chí không cung cấp đủ cho các bệnh viện và trạm bơm.

Ở châu Phi - lục địa không ổn định nhất trên hành tinh - trong bốn thập kỷ qua đã xảy ra tới 33 cuộc xung đột vũ trang và nội chiến làm chết 7 triệu người và 6,7 triệu người phải rời bỏ xứ sở, tị nạn ở nước khác. Dòng người lang thang trôi dạt ấy chiếm 43% tổng số người tị nạn trên thế giới.

Sau nhiều năm nội chiến liên miên giữa các phe phái ở Ápganixtan, bảo tàng quốc gia Cabun đã bị đổ nát và bị cướp phá tới mức báo chí thế giới phải gọi là “tội ác của thế kỷ XX”. 90% sưu tập của Bảo tàng bị mất với nhiều loại hiện vật được coi là cổ nhất thế giới. Bảo tàng quốc gia Cabun là một trong những bảo tàng phong phú nhất toàn vùng, bao gồm những chứng tích của 50.000 năm lịch sử Ápganixtan và Trung Á. Nhà khảo cổ học hàng đầu và sử gia người Pakixtan là Hassan Dani cho rằng, Bảo tàng có những sưu tập rất có giá trị về ngà voi, tượng, tranh, tiền tệ, vàng, đồ gốm, vũ khí, quần áo từ thời tiền sử qua các nền văn minh Bactrian, Kushan và Ghandara, rồi đến giai đoạn các đạo Hinđu, Phật giáo và Hồi giáo...

Những cuộc xung đột vùng Trung Đông và các nước A rập, nhiều cuộc nội chiến liên miên tại nhiều nơi, nạn diệt chủng của chế độ Khơme đỏ, những vụ tranh chấp biên giới... để lại bao hậu quả nặng nề về sinh mạng, tài sản và tinh thần của người dân.

Cho tới nay, tiếng súng vẫn nổ ở nơi này, nơi khác trên hành tinh và khó có thể biết tới bao giờ mới chấm dứt hoàn toàn. Đó chính là điều cảnh báo đối với loài người, đối với nền văn minh nhân loại.

Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top