Sấm sét trên Thái Bình Dương

ngan trang

New member
Tác giả: Albert Vulliez
Người dịch: Người Sông Kiên - Lê Thị Duyên
Nhà xuất bản: Sông Kiên
Năm xuất bản: 1974
Số hoá: ptlinh
Nguồn : Quansuvn.net

Một quyển sách ly kỳ, hấp dẫn, lôi cuốn từ đầu đến cuối, như một tiểu thuyết phiêu lưu, cần thiết trong việc tìm hiểu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương trong trận đại chiến vừa qua.

"Sấm sét trên Thái Bình Dương" là một bức hoạ rộng lớn về cuộc chiến tranh ở Viễn Đông. Quyển sách bắt đầu với trận đột kích Trân Châu Cảng của quân Nhật và cuộc xâm lược sấm sét trên các quần đảo ở Đông Nam Á; miêu tả tường tận các năm dài đánh nhau trong vùng rừng rậm và sình lầy trên các quần đảo trên Thái Bình Dương và xuyên qua vùng chằng chịt các hòn đảo nhỏ trong Biển San Hô.

Tác giả cho chúng ta tham dự, từng giờ, vào diễn tiến của các trận hải-không chiến dữ dội ở Midway và Guadalcanal, tiếp theo đó là các cuộc đổ bộ kinh hồn, những trận đánh trên bộ khủng khiếp: các cuộc đổ bộ đẫm máu tại Iwo Jima và Okinawa. Bấy giờ chúng ta sẽ chứng kiến sự kháng cự tuyệt vọng của một dân tộc từ chối chấp nhận sự đầu hàng, sự xuất hiện của các phi cơ tự sát Kamikaze, sự hi sinh của các phần tử ưu tú của tuổi thanh niên Nhật. Cuối cùng là cuộc oanh tạc Đông Kinh bằng bom xăng đặc và hồi chung cuộc tàn khốc, quả bom nguyên tử trên Hiroshima.

Cũng với diễn tiến của các trận đánh kinh thiên động địa, tác giả cũng đã phác hoạ lại hình ảnh của các lãnh tụ chính trị và quân sự của hai phe đối nghịch: Đồng Minh và Nhật Bản, thời bấy giờ.



Tự ngôn

Khi viết lịch sử một cuộc chiến tranh, cần phải dành một phần lớn cho khía cạnh nhân bản, cho những tình cảm đam mê khích động người chiến binh, và cho cảnh trí chung quanh cuộc chiến ấy. Sự miêu tả này có thể được giảm thiếu tối đa nếu tấn thảm kịch xảy ra tại một nơi gần chỗ chúng ta và trong một quá khứ gần gũi với chúng ta. Rõ ràng là ta có thể kể lại cuộc chiến trên đất Pháp bằng cách chỉ chú trọng đến sự kiện mà thôi bởi vì các nhân vật và khung cảnh, trong đó cuộc chiến xảy ra quá quen thuộc với chúng ta. Nhưng trái lại nếu cuộc chiến tranh ấy xảy ra tại một nơi xa lắc, trên một đại dương bao phủ gần hai phần ba quả địa cầu và giữa các phe đối nghịch mà cách sống, nhân dáng và phong thái đều hoặc là khác biệt hoặc là không dính líu gì đến cách sống, phong thái hay nhân sáng của chúng ta, thì một bản tường trình các sự kiện cho dù được trình bày khéo léo đến đâu chăng nữa, cũng không có ý nghĩa gì cả. Làm như thế là bắt buộc độc giả phải không ngừng cố gắng vị trí hoá trong không gian, các địa điểm mang những địa danh man dại, mà sự phân tán trên bản đồ lên đến mức có thể làm sửng sốt cả trí tưởng tượng. Làm sao độc giả có thể thích thú theo dõi được các trận đánh rải rác cách nhau hàng ngàn cây số mà không liên hệ gì với nhau và không có mục đích rõ rệt? Làm sao co thể bắt độc giả khu vị vào không gian và thời gian những cuộc điều động các lực lượng không, hải và lục quân mà thời gian kéo dài hàng tháng không nhất thiết luôn luôn phù hợp với nhau và không có vẻ gì là hữu ích cho độc giả?


Cũng như nhân vật Avare của Molière, độc giả sẽ dễ dàng tự hỏi những cái nhà ông ấy nhúng tay vào việc này để làm gì nhỉ?

Để tránh cho độc giả khỏi thường phải vun đắp mãi vào cái dấu hỏi này, cần phải cung cấp cho độc giả vài điểm soi sáng và vị trí hoá các biến cố trong khung cảnh lịch sử và chính trị của chúng.

Vấn đề đầu tiên mà độc giả sẽ đặt ra là vấn đề sau: tại sao, trong mùa đông năm 1941 ấy, lúc chiến tranh đang tàn phá Âu châu, Nhật Bản lại từ bỏ một chủ trương trung lập vốn rất có thể đảm bảo cho xứ ấy một sự hội nhập vĩnh viễn trong mối tương quan hoà nhịp với các đại cường mà không phải đánh chác gì cả? Ta nên nhắc lại cho độc giả rõ là Quốc gia này vốn đã hoàn tất một công cuộc canh tân chưa từng có trong lịch sử trong vòng 50 năm, đã cho rằng mình là nạn nhân của một bao vây kinh tế, chính trị và quân sự, một cảm nghĩ bị mặc cảm chủng tộc làm trầm trọng thêm. Nhật Bản đã thử phá vỡ vòng vây ấy bằng một kế hoạch bành trướng tại Mãn Châu và Trung hoa, nhưng sau chiến thắng sáng chói, quân Nhật bị sa lầy năm 1939 tại ngã tư các đường giao thông. Quân đội ấy đã thiệt mấy 500.000 người và một số vật liệu khổng lồ để chiếm tài nguyên của bốn tỉnh mà cuộc chiến tranh du kích liên tục đã ngăn cảm mọi sự khai thác. Chỉ có các quần đảo Đông Nam Á châu là có thể cung cấp cho Nhật các nguyên liệu cần thiết cho 72 triệu dân đang bị ngộp thở trên một mảnh đất nghèo nàn và nhỏ thua một phần tư lãnh thổ nước Pháp.


Vậy thì vũ trụ đồng thịnh vương của Đại Á Châu đặt dưới quyền giám hộ của Nhật, đối với các nhân vật chính trị và quân sự của vương quốc Mikado, có vẻ là con đường chiến thắng duy nhất của các dân tộc Viễn Đông. Vũ trụ đồng thịnh vượng này đã bắt đầu được hình thành trong thời gian giữa hai cuộc thế chiến bằng các cuộc thương thuyết theo đường lối ngoại giao tại khu vực trung ương Thái Bình Dương. Nhưng nếu việc đặt chân lên các quần đảo hoang vu kết thành chuỗi trên đại dương mênh mông là chuyện dễ dàng, thì sự bành trướng đến các quần đảo lớn về phía Nam đang bị các cường quốc Tây phương kiểm soát chỉ có thể được thực hiện bằng sức mạnh.


Chính vì nhắm vào viễn ảnh không thể tránh được đó mà Bộ tham mưu Hải quân Nhật đã bí mật phát triển hạm đội chiến thằng bằng cách cấp cho nó-mà không cần đếm xỉa gì đến các hiệp ước-những thiết giáp hạm hùng mạnh nhất thế giới và một hạm đội liên hợp độc nhất vô nhị, chủ yếu là gồm các hàng không mẫu hạm.


Năm 1939, khi sự thất bại ở Trung Hoa bắt buộc Nhật Bản tính đến chuyện dùng vũ lực đánh chiếm thuộc địa của Đồng minh trong vùng Đông Nam Á. Nhật bèn gia nhập khối Trục, nghĩ rằng trong trường hợp có xung đột tại Âu châu, lực lượng hải quân Pháp-Anh đủ mệt tại Bắc Hải và Địa Trung Hải để dành cho Nhật rảnh tay tại Viễn Đông. Theo dự tính, Nhật chỉ còn phải đối phó với hạm đội Mỹ, chắc chắn là đáng sợ rồi, nhưng lúc đó đang bỏ neo ở xa và có vẻ kém huấn luyện đến nỗi Nhật có thể tính chuyện vô hiệu hoá được.


Hải quân Nhật được chuẩn bị tỉ mỉ cho viễn ảnh này trong thời gian 2 năm đầu tiên của chiến tranh Âu châu, và trong mùa hè năm 1941, khi cuộc tiến quân sấm sét của Đức tại Nga Sô cho phép hy vọng khối Trục chiến thắng trong một thời gian ngắn, thì cơ hội tỏ ra quá hẹp để Nhật Bản thực hiện mộng ước bành trướng của mình.
 
Ngày nay hành động táo bạo chưa từng có ấy đã căn cứ trên những ước tính hoàn toàn sai lầm, nhưng không nên quên rằng vào thời đó, chúng được đa số chuyên gia Tây phương cùng thừa nhận và mặt khác, tính khí người Nhật lại hoàn toàn khác với chúng ta. Một vài giáo điều như Nhật Bản là vô địch, như tính cách thần thánh của nhân thân Thiên Hoàng đã đè rất nặng trên các quyết định có tính cách chiến lược và làm sai lạc tất cả các kế hoạch được thiết lập theo kiểu mẫu thuần thuý Tây phương.


Điều này đã khiến cho chúng tôi phải lưu ý độc giả cần chống lại khuynh hướng tự nhiên có thể cảm thức là phán xét kẻ khác theo tiêu chuẩn của mình. Trong những chuyện sắp được tường thuật sau đây mà các nhân vật phần lớn là Mỹ hay Nhật, thì cách phán xét như thế khả dĩ có thể chấp nhận được đối với hạng thứ nhất, nhưng đối với hạn ng thứ hai, thói quen ấy e rằng sẽ dẫn độc giả đến những kết luận thậm vô lý.


Người Mỹ có kiểu sống rất khác chúng ta, có thể nói là họ không có lịch sử và truyền thống của họ thì còn quá mới mẻ. Họ tiến hoá trong một xứ vô cùng rộng lớn và giàu có hơn xứ sở chúng ta với một dân tộc đông hơn chúng ta gấp năm lần. Tất cả những yếu tố đó đã có ảnh hưởng đến cách hành động và cách suy nghĩ, nhưng dầu sao họ cũng chính là người Tây phương, một thứ hậu duệ của người Âu châu và các phản ứng của họ về căn bản, cũng không khác chúng ta. Họ không ưa chiến tranh và chỉ đánh nhau khi không thể nào làm khác hơn, nhưng dòng máu của các chiến binh hung dữ của cuộc chiến tranh dành độc lập và của cuộc nội chiến chảy trong huyết quản của họ và có thể bị đánh thức mau lẹ. Một khi nhào vào cuộc ẩu đả, họ chơi hết sức mình. Cùng với lòng can đảm tự nhiên còn có thêm sự tức giận vì bị quấy rầy cuộc sống yên vui. Mạnh thế vì quyền chính đáng của mình, lúc ấy họ xông tới như một chiếc xe ủi đất mà không cần quan tâm đến xương máu lẫn sự mệt nhọc.


Do vậy, chúng ta sẽ không thấy sự khác biệt nơi tầm mức một chiến binh đơn thuần, mà chính là nơi các cấp lãnh đạo. Công luận đóng một vai trò rộng lớn tại Mỹ vì kiến trúc xã hội của xứ ấy. Ở tại mọi cấp bậc của hệ cấp cầm quyền, các lãnh tụ chính trị và cả quân sự cũng vậy đều bị bắt buộc lưu tâm đến công luận, và mối ưu tư bất di dịch này đè rất nặng lên các quyết định của họ. Dân chúng Mỹ vẫn luôn luôn lý tuởng một cách ngây thơ và bằng mọi giá tìm cách hội nhập các lợi ích của mình vào các nguyên tắc luân lý. Chính vì vậy mà kể từ cuộc chiến tranh dành độc lập, một và danh từ như “chủ nghĩa cô lập hoá”, “chủ nghĩa giải thực và nền dân chủ” đã mang một ý nghĩa thần bí thật sự. Hơn thế nữa, dân Mỹ chống chủ nghĩa quân sự hoá từ trong căn bản. Nhất là trong thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến vì nhớ lại kỷ niệm nhọc nhẵn của chiến trường năm 1917 và vì người Âu châu có ý xấu không chịu trả nợ. Tuy thời ấy quân đội Mỹ không làm gì khác hơn là bay qua tiếp cứu sự chiến thắng, nhưng đối với nhân dân Mỹ, kinh nghiệm này cũng đã quá đủ. Toàn dân Mỹ đã thề là sẽ không tái diễn hành động ấy nữa.


Khi một cuộc chiến tranh mới lại bùng nổ tại Âu châu và các đồng mình cũ đã đến lúc tận số, Mỹ quốc không thể và không muốn tiếp cứu họ chút nào. Các nhà lãnh đạo của chúng ta chắc phải u mê một cách khó tin mới nuôi dưỡng ảo tưởng ấy trong một thời gian. Hơn một năm sau khi nước Pháp sụp, và mặc dầu kỹ nghệ vũ khí Mỹ đã đột khởi một bước tiến khổng lồ, Winston Churchill-tuy bị săn đuổi dữ-cũng không thể nào lôi kéo từ Tổng thống Roosevelt điều gì khác hơn là công thức: “ALL BUT WAR” (tất cả, trừ chiến tranh). Gần như chắc chắn rằng, nếu không có cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng, nước Mỹ sẽ còn giữ lâu dài công thức này vốn thoả mãn được đồng thời lý tưởng dân chủ lẫn sự thận trọng phát sinh từ chủ thuyết cô lập hoá.


Nếu Franklin D.Roosevelt đã có thể chế ngự được nền chính trị của xứ ông trong suốt cuộc chiến tranh ấy là vì ông đã nhân cách hoá mình đúng y như người Mỹ điển hình. Ông để ra một nửa thì giờ để dò dẫm dư luận và mở các cuộc tiếp xúc liên miên tại phòng khách hình trái soan trứ danh của toà Bạch Ốc mọi khuynh hướng chính trị và từ mọi tầng lớp xã hội.


Một vài quyết định chiến lược không áp đặt trên bình diện quân sự, có lẽ đã được hình thành tiếp theo sau những cuộc tham khảo rộng rãi mà một phần không khác gì các cuộc trưng cầu dân ý. Quyết định quan trọng nhất trong số đó, “Germany First” (Đức quốc trước đã), đã không được hình thành do ảnh hưởng thuyết phục của Winston Churchill. Mặc cho sự lăng nhục tại ttc, Mỹ quốc vẫn bị ám ảnh bởi bóng ma của sự tiêu diệt các nền dân chủ Âu châu, một sự tiêu diệt mà hậu quả là đưa kẻ thù Quốc Xã ở phía Đông đến quá gần bờ biển Hiệp chủng quốc hơn là các địch thủ da vàng ở phía tây nhiều. Mỹ quốc hy vọng tránh được một cuộc chiến thắng của Đức bằng cách cung cấp cho Anh quốc và Nga Sô bất kỳ bao nhiêu chiến cụ được đòi hỏi, nhưng khi các biến cố đã đẩy Mỹ quốc vào cuộc chiến tranh, xứ này lại bằng lòng ưu tiên khu trừ mối hiểm nguy này trước hết.
 
Roosevelt lại càng có nhiều công đức hơn nếu tuân theo áp lực chính trị này, khi mà nhiều người trong số cố vấn quân sự của ông lại có ý kiến trái ngược lại. Đặc biệt là Hải quân, một binh chủng mà sự tiêu diệt hạm đội Thái Bình Dương đã làm ô nhục tận cùng của linh hồn, đã đòi hỏi bằng tất cả mọi quyền hạn rằng người ta phải cho mọi phương tiện để phục thù sự mạo phạm. Vốn là người từng nắm giữ ghế Bộ trưởng Hải quân rất lâu, Roosevelt yêu thích thuỷ quân và chiến hạm. Tham mưu trưởng nhân viên của ông Leahy, là một đô đốc. Chắc chắn là ông rất khổ tâm nếu biếm trích xuống hàng thứ yếu, công cuộc tái tạo hạm đội này, một hạm đội mà ông yêu mến nhất đời và sự tái lập ưu thế trên Thái Bình Dương mà cho đến lúc đó, vốn là một trong các trục chính thuộc chính sách của ông. Có lẽ chưa bao giờ ông phải lấy một quyết định đau đớn như vậy nếu không phải vì ông thấy nó đáp ứng đúng với ý nguyện sâu xa của đồng bào.


Độc giả có lẽ sẽ phán đoán rằng dưới ánh sáng của các biến cố mà chúng tôi sẽ kể lại, thì quyết định này không hoàn toàn vững chắc hay ít ra nó cũng không chấp nhận một vài biện pháp tạm thời. Chúng ta hãy nhắc lại rằng vạch các lỗi lầm của một người đánh bài khi ta đứng ngoài nhìn vào thì bao giờ cũng là việc dễ dàng cả. Chúng ta đành nói rằng, dù tốt hay xấu, giải pháp “Germany First” đã tạo ra một sự vận hành đứt đoạn cho công cuộc điều khiển các cuộc hành quân trên Thái Bình Dương. Chúng ta sẽ cố gắng lưu tâm đến những biến cố phức tạp để giải thích những sự do dự và chậm trễ đánh dấu diễn tiến của cuộc chiến.


Trong cuộc tiến quân của Nhật tháng 12 năm 1941, Hải quân Mỹ đã chịu những thất bại não lòng. Tại Trân Châu Cảng, hạm đội Thái Bình Dương của Đô Đốc Kimmel đã mất gần như toàn diện các thiết giáp hạm của mình. Tại Phi Luật Tân, hạm đội Á chấu của Đô Đốc Hart đã phải chạy trốn mãi tận Úc châu. “Chỉ có đạo quân của Tướng Douglas Mac-Arthur gồm có 80.000 binh sĩ Phi Luật Tân và 28.000 quân Mỹ là còn cố chống cự lại quân xâm lăng bằng cách rút lui về bán đảo Bataan, phía bắc Vịnh Manile. Ông tướng vẫn ở lại lãnh đạo binh sĩ vừa kêu ca om sòm-giống y như Paul Reynaud năm 1940-xin quân tăng viện mà Tổng thống Mỹ không có phương tiện lẫn không muốn gửi cho ông. Mac Arthur lại càng tức tối hơn vì sự bỏ rơi này khi ông là Tổng tư lệnh của quân đội xứ Liên hiệp Phi Luật Tân từ nhiều năm qua và khi mà sự tái hội nhập vào quân đội Mỹ của ông chỉ mới được có vài tháng. Từ sự kiện này, ông được quyền tự trị rộng rãi và đã không quên sử dụng quyền hạn ấy. Điên tiết vì sự từ chối các yêu cầu giúp đỡ của ông, ông bèn liều cho đến mức khuyến khích Tổng thống Quenzon, người lãnh đạo chính quyền Phi Luật Tân, doạ Roosevelt là sẽ thương thuyết với người Nhật vốn sẵn sàng dâng hiến cho ông ta “sự tôn trọng nền trung lập của xứ sở ông”. Chắc Roosevelt không bao giờ tha thứ cho ông hành động điên rồ này và sự bất hoà này giữa hai người đã gây ra biết bao là hậu quả đáng buồn.


Tuy vậy, gương anh hùng mà ông Tướng đã chứng tỏ bằng cách ở lại với binh sĩ tại Bataan đã mang lại cho ông một kết quả lớn lao tiếng tăm vang dội trong dân chúng tại Hoa Kỳ. Đó là lý do khiến cho tên ông không bị ghi bên cạnh tên Kimmel và Hart trên danh sách các con vật bị tế thần bị hy sinh để làm dịu công luận sau vụ Trân Châu Cảng. Trái lại ông thấy mình được giao cho quyền chỉ huy mặt trận tây nam Thái Bình Dương, được đặt ngay tại Úc sau khi cơ cấu quân sự Đồng minh tại Viễn Đông bị sụp đổ. Người Úc đón nhận sự chỉ định này với lòng biết ơn vì xứ sở của họ bị trực tiếp đe doạ, nhưng sự chỉ định ấy lại bị dị nghị gay gắt tại Bộ Tư lệnh tối cao Mỹ, đặc biệt là Đô đốc King. Tư lệnh các cuộc hành quân biển, đang đảm nhận trọng trách mặt trận Thái Bình Dương, Đô đốc đã cho rằng phạm vi hoạt động của ông bị định giới một cách độc đoán và tình trạng chỉ huy song hành phát sinh ra từ sự chỉ định này chỉ có thể đưa lại những bất hoà vô ích.


Chúng đã xảy ra không ít. Khi mối đe doạ nhắm vào Úc chấu đã qua, Mac Arthur tự ý bước ra khỏi vai trò vị cứu tinh mà ông được giao cho trên lục địa xa xôi này và toan tính áp đặt các kế hoạch về một cuộc phản công mai hậu do ông soạn thảo. Ông đã cáo biệt đạo quân Phi Luật Tân của mình bằng cách nói “Tôi sẽ trở lại!” và muốn giữ lời hứa ấy bằng mọi giá. Mục tiêu này chiếm vị trí ưu tiên trong tâm trí ông trước tất thảy mọi nhận định chiến lược khác và ông đã sử dụng mọi nguồn tài năng để bênh vực cho quan điểm của mình.


Chiến trường Thái Bình Dương chủ yếu là thuộc Hải quân, chính Hải quân Mỹ phải chịu trách nhiệm chống trả hải quân Nhật và đảm bảo các điểm tựa cần thiết để chiến đấu với hạm đội địch một cách hữu hiệu. Vị Tư lệnh Hải quân thật khó mà chịu đựng nổi một chức quyền từ bên ngoài lại xía vào việc thiết lập các kế hoạch hành quân của mình.


Sau này ta sẽ thấy sự xung đột quyền uy này đạt đến mức độ tệ hại nào. Tại đây chỉ cần nói rằng trong lịch sử, ít khi người ta thấy những ưa thích cá nhân của một ông Tướng lại đóng một vai trò quan trọng như thế trong diễn tiến của các cuộc hành quân.
Cứ bằng vào tinh thần tôn trọng kỷ luật một cách vô điều kiện của người Nhật, chắc chắn ta sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng những mối bất hoà tương tự cũng đã xảy ra trong guồng máy chiến tranh đáng sợ của họ mặc dầu guồng máy ấy đã được cho chạy thử kỹ càng. Tất nhiên là các mối bất hoà ấy thể hiện một cách bí mật hơn, nhưng chúng đã tồn tại trong suốt thời gian cuộc chiến.
 
Mối tương đồng này có lẽ đã phát sinh từ sự tương tự của các khu vực địa lý do các phe đối nghịch chiếm đóng, sự tương tự dẫn đến cách phân địch khu vực gần như đối xứng với nhau. Cùng nguyên nhân tất sinh cùng hậu quả. Lục quân Nhật kiểm soát các đảo lớn vùng tây nam Thái Bình Dương nhờ quân số lớn lao của lực lượng chiếm đóng, hải quân thì phụ trách tất thảy các quần đảo nhỏ phía đông và đông nam. Không có một Bộ Tư lệnh duy nhất và sự phối hợp được thực hiện ở cấp bậc Tổng hành Dinh Hoàng gia.


Dưới sự lãnh đạo theo danh nghĩa của Thiên Hoàng, Tổng hành Dinh này là cơ cấu chủ yếu cả Bộ Tổng tư lệnh tối cao của lục quân. Các Tổng trưởng Chiến tranh và Bộ trưởng Hải quân được tham dự vào cơ cấu này cũng như các tham mưu trưởng thuộc các bộ Tổng tham mưu binh chủng. Các cơ quan tối yếu cũng có đại diện trong đó. Vậy thì kiến trúc có tính cách quân bình. Các cuộc thảo luận xảy ra giữa binh chủng được thể hiện hoàn toàn bình đẳng và nếu có tranh chấp xảy ra, Thiên Hoàng và các cố vấn của ông có mặt tại chỗ để giải quyết.


Rủi thay, các biến cố chính trị, ngay từ trước khi chiến tranh với Mỹ bùng nổ, đã đưa vào chính quyền một tướng lĩnh hiếu chiến. Tướng Tojo, người mặc dầu đã trở thành Thủ tướng nhưng vẫn kiêm giữ chức Tổng trưởng Chiến tranh và Nội vụ. Cùng lúc ông là người lãnh đạo quân đội và thêm vào đó, lãnh đạo chính phủ. Do đó ông có uy quyền tuyệt đối trên các thành phần cấu tạo Tổng hành Dinh. Và vì ông quyết tâm nắm quyền chỉ huy Quân lực, một quân lực vào thời đó hội nhập vào đời sống của xứ sở đến mức trở thành một chính đảng mạnh nhất, cho nên ông bắt buộc phải hy sinh tất cả cho Quân lực. Hải quân đã lên án ông “đưa xứ sở vào chỗ bị sa lầy trong vụ Trung Hoa” và hiểu biết sai lầm “tính cách hải và không quân trong cuộc chiến tranh chống Mỹ”. Những sự bất đồng quan điểm này tồn tại trong khắp các bộ phủ. Về phía Hải quân, các Đô đốc lên án vị Bộ trưởng của mình đã không chịu đương đầu với Tojo khi ông ta cắt xén ngân sách của Hải quân và từ chối không cấp nhiên liệu cho Hải quân.


Bên cạnh các lời than phiền của Hải quân, còn có thêm lời than phiền của Không quân với cũng như tại Hoa Kỳ, chưa được tự trị và luôn luôn là đơn vị bị bạc đãi nhất.

Tuy nhiên tại Nhật, ngay từ trước chiến tranh, nhân cách sung mãn nổi bật của Tướng Tojo đã được cân bằng bởi nhân cách kín đáo hơn, nhưng chói sáng hơn nhiều, của Đô đốc Isoroku Yamamoto, Tổng tư lệnh Hạm đội liên hợp (Danh hiệu này có từ năm 1904 trong trận chiến chống Nga và có nghĩa là vị Tư lệnh hạm đội cũng có thẩm quyền đối với các thành phần bộ chiến và không quân cần thiết cho cuộc hành quân). Kể từ thời cuộc chiến tranh Nga-Nhật, thời mà vị tiền bối xa xưa của ông, Đô đốc Togo (Đông Điều), đem về các chiến công vang dội, chức vụ Tư lệnh Hạm đội Nhật Bản luôn luôn được giao cho một nhân vật hàng đầu, vượt hẳn khung cảnh binh chủng Hải quân. Năm 1938, Thiên Hoàng chọn lựa Đô đốc Isoroku Yamamoto, một nhân vật mà trí nhớ kỳ dị và trí thông minh bén nhọn đã được hậu thuẫn bởi một cá tính sống động đặc biệt.


Vốn là Tuỳ viên Hải quân tại Hoa Thịnh Đốn, Yamamoto hiểu quá rõ tâm trạng người Mỹ và theo đó phán đoán được hiệu năng của Hạm đội Thái Bình Dương. Ông đã chỉ huy Trường Không quân của binh chủng Hải quân và nhân dịp đó, lấy bằng phi công. Những kinh nghiệm liên tục đã khiến ông tin tưởng vào tầm quan trọng quyết định của Không quân trong các trận hải chiến và ít người xứng đáng hơn ông để mang ý tưởng này-lúc ấy có tính cách rất cách mạng-ra cải hoá một nhân vật có thế lực nhất của Hải quân và trong giới chính trị.


Kiến giải có tính cách tiên tri này đã được nhiều thành quả vang lừng chứng thực, tiếng tăm trong dân chúng đã cho phép ông đương đầu với Tojo. Ông là bậc thầy thật sự của chiến lược Nhật trong năm đầu tiên của cuộc chiến, và cái chết của ông, tháng 4 năm 1943 đã ảnh hưởng trầm trọng đến sự tiếp diễn các biến cố.


Nếu ông còn sống lâu hơn, tất nhiên Nhật Bản cũng không thể chiến thắng được rồi, nhưng nỗi thống khổ ê chề sẽ được thu ngắn nhiều hơn. Tất cả mọi kế hoạch tấn công của Yamamoto đều căn cứ trên định đề một chiến thắng chớp nhoáng. Ông biết rằng tài nguyên kỹ nghệt yếu kém không cho phép Nhật Bản theo đuổi một cuộc chiến tranh lâu dài. Khi các chiến thắng của Đồng minh tại Âu châu đã triệt tiêu một viễn ảnh hoà bình sắp đến, ông đã dùng ảnh hưởng của mình để bắt Tổng hành Dinh Hoàng gia chấp nhận sự cần thiết phải tính đến một giải pháp điều đình. Tojo đã vùng dậy chống đối ý tưởng này với nhiệt tâm cuối cùng và cái chết của đô đốc đã chấm dứt cuộc tranh luận. Không một người nào kế vị ông có đủ sức mạnh của cá tính và uy tín cần thiết để cân bằng uy thế toàn năng của ông Thủ tướng và chiến tranh phải tiếp diễn khốc liệt mà không một cơ may thành công nào cả. Sự phát triển kinh khủng của công cuộc sản xuất vũ khí của Hoa Kỳ quả thật đã làm gãy đổ thế quân bình tạm bợ trên Thái Bình Dương, và một thời kỳ xả hơi đột ngột đã làm lệch cán cân có lợi cho Mỹ. Bằng vào tình trạng căng thẳng giữa các lực lượng đối nghịch ngày càng diễn tiến mau lẹ, rõ ràng là hồi chung cục của cuộc chiến không còn bao xa nữa. Tuy nhiên nếu nó còn trì hoãn thêm được một năm nữa, ấy là vì quân đội và nhân dân Nhật Bản đã chứng tỏ một khả năng đề kháng tập thể vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Nhưng chúng ta khoan nói trước. Câu chuyện về các hành động uy dũng ấy sẽ đến lúc. Trước khi phân tách các yếu tố tâm lý khiến cho cuộc đề kháng dũng cảm ấy thể hiện được chúng tôi sẽ đề cập đến các dữ kiện địa dư tối yếu cho sự hiểu biết các biến cố, để soi sáng độc giả.
 
Nếu cách sống và cách suy nghĩ đã làm cho người Nhật và người Mỹ khác nhau một trời một vực, thì xứ sở của họ lại cách nhau bởi một đại dương rộng lớn nhất hoàn cầu: 9.000 cây số trên một mặt biển tuyệt đối trống trải giữa Tokyo và San Francisco, hơn 6.000 cây số giữa Oahu, đảo căn cứ xa nhất của Hải quân Mỹ, và Nội hải, nơi tập tập trung các căn cứ hải quân chính yếu của Nhật. Trước chiến tranh, người Mỹ nắm quyền sở hữu các đảo Wake và Guam và chiếm đóng trong thực tế quần đảo Phi Luật Tân trên Thái Bình Dương, nhưng vì các điểm tựa ấy được phòng thủ rất kém cỏi cho nên chúng bị quét sạch ngay từ khi cuộc chiến mở màn như cọng rơm trong cơn bão tố. “Vũ trụ đồng thịnh vượng của Đại Á chấu” đã được thiết lập vững chắc từ đầu năm 1942, đảm bảo cho Nhật Bản quyền kiểm soát một vùng mênh mông, rải rác vô số đảo nhỏ, với một bán kính trung bình 5.000 cây số chung quanh Tokyo.


Để có một ý niệm về sự táo bạo của kế hoạch chinh phục của Nhật và điều kiện đồng thời thực hiện có tính cách bó buộc, từng giây phút, chúng ta cần chú ý rằng các hàng không mẫu hạm tham dự cuộc tấn công Trân Châu Cảng phải mất 11 ngày mới đến chiến trường, phải mất 8 ngày để lực lượng chính yếu của hạm đội lúc ấy đang còn ở Nhật chờ kết quả cuộc oanh tạc, để tập trung đến căn cứ tiền phương Palau (quần đảo Carolines) và 10 ngày khác để đến Java đánh vài chiến hạm của Đồng minh đang tập họp tại đó.


Một khi “chu vi” được đảm bảo, công cuộc tiếp tế bằng tàu chở hàng cho các đạo binh Nhật trên các đảo xa nhất (Mã Lai, Sumatra, Java, quần đảo Bismarck) đòi hỏi tối thiểu mười hai ngày hành quân.


Tình trạng các chiến hạm Mỹ được giao cho sứ mạng ngăn chặn mũi tiến quân Nhật Bản lại càng khẩn trương hơn. Khi mối đe doạ nhắm vào Nam Dương đã được xác định, người Mỹ hấp tấp gửi đến Java chiếc mẫu hạm cũ kỹ Langley chở phi công P-38 để che chở cho không phận đảo này. Chiếc chiến hạm cơ khổ ấy đã phải mất đúng bốn mươi ngày để băng qua đại dương: nó bị phi cơ trên các mẫu hạm Nhật đánh chìm trước khi đến đích. Khi đạt được tất cả các mục tiêu, người Nhật dừng lại để củng cố vòng đai chu vi, người Mỹ phải tiếp tế cho những gì còn lại của lực lượng Không, Hải, Lục quân được rút về Úc châu và Tân Calédonie. Một tàu hàng phải mất 23 ngày để đi từ San Francisco đến Sydney. Các chuyến tiếp tế đi và về kể cả thời gian ghé vào những hải cảng thiếu thốn những trang bị bốc giỡ, đòi hỏi hơn hai tháng trời. Rriêng đối với một vài chiến hạm chạy nhanh hơn còn ở trong tay người Mỹ (hàng không mẫu hạm và tuần dương hạm) thì chúng phải mất 5 ngày mới đi được từ Trân Châu Cảng đến Nouméa.


Mặc dầu các con số trên đây rất khô khan nhưng rất cần ghi vào trí nhớ. Chúng giúp ta hiểu một vài quái trạng bề ngoài của sự điều khiển các cuộc hành quân và sự khó khăn-nếu không phải là vô phương-trong việc thay đổi một khi chúng đã được khởi động rồi.


Vì các khoảng cách vĩ đại đó, vấn đề bảo trì chiến hạm và sửa chữa các chiếc bị hư trong trận đánh đã đặt ra cho hai bên tham chiến một cách mãnh liệt. Trước chiến tranh rất lâu, người Nhật đã tổ chức các căn cứ sửa chữa lưu động trên các đảo làm điểm tựa. Họ đã chú tâm thiết lập phía Tây và phía Đông quần đảo Carolines các căn cứ Palau và Truck. Phần người Mỹ thì chẳng có gì cả. Sự tổ chức các căn cứ bất chợt chung quanh 40.000 hải lý của vòng đai chu vi phòng thủ Nhật Bản, đối với họ là cả một công việc nặng nhọc. Đô đốc King, Tư lệnh các cuộc hành quân biển đã viết trong một phúc trình: ”Trong tất cả các yếu tố của sức mạnh quân sự, chính sự thiếu hụt căn cứ là yếu điểm lớn nhất của Hoa Kỳ. Chiến tranh trên Thái Bình Dương là một trận đánh dành căn cứ”. Ông ta có thể thêm rằng đó cũng là một trận đánh dành phi trường, bởi vì các đảo nhỏ trong Thái Bình Dương, các “hàng không mẫu hạm không bao giờ bị đánh chìm” ấy đã giữ một vai trò ngang với, nếu không hơn, vai trò các hạm đội chiến đấu.


Vấn đề căn cứ xuất phát của Không quân trên bộ, ngay từ đầu, đã được đặt ra một cách cấp bách vì khoảng cách và tầm hoạt động của phi cơ thời đó. Các trận chiến đấu đầu tiên tại quần đảo Salomon đã được tung ra và theo đuổi với tất cả khốc liệt là để chiếm hữu các phi đạo sơ sài được đôi bên tham chiến sửa soạn hấp tấp. Tình trạng cũng tương tự như thế trong suốt cuộc chiến và vài cuộc hành quân đổ bộ cực kỳ đắt giá về người cũng như vật liệu như tại quần đảo Marianne năm 1944 cũng không nhằm mục tiêu nào khác hơn là cung ứng các căn cứ xuất phát cho những siêu pháo đài bay của Mỹ. Cuộc chinh phục đẫm máu đảo Iwo Jima bị bắt buộc bởi sự cần thiết phải thay phiên các khu trục cơ hộ tống vốn không đủ sức chu toàn sứ mạng từ đầu đến cuối. Các oanh tạc cơ B-29 Enola-Gay cất cánh từ Tinian (quần đảo Mariannes) để ném bom nguyên tử xuống Hiroshima đã được hộ tống trên chặng đường thứ hai bởi các khu trục cơ cất cánh từ Iwo Jima.
 
Sự phân cách ngay từ đầu giữa các căn cứ và các phi trường đã gây trở ngại lớn cho hạm đội Mỹ, nhưng loại chiến cụ bị gây khó nhiều nhất là hạm đội tàu ngầm. Trong các cuộc đổ bộ lên Phi Luật Tân, Mã Lai và thuộc địa Hà Lan tại Ấn, hạm đội xâm lăng Nhật phô bày cho các tàu ngầm Mỹ những tấm bia cực kỳ dày đặc và dễ dàng. Thế nhưng, mặc dầu tiếp theo sau một phản ứng tuyệt đối bất ngờ, Tổng thống Roosevelt đã cho phép “một cuộc chiến tranh tàu ngầm không hạn chế” (điều mà cả Hitler cũng chưa dám làm), hạm đội tàu ngầm Hoa Kỳ cũng chỉ đánh chìm được chừng 10 dương vận hạm địch. Con số không đáng kể này bên cạnh thành tích của tàu ngầm Đức đã chứng tỏ tỏ “có cái gì không nổn nơi các quả thuỷ lôi”. Sự xa cách với căn cứ mẹ tại Mare Island trong vịnh San Francisco đã ngăn cản việc sửa chữa “cái gì” đó. Các phúc trình của những hạm trưởng tàu ngầm chỉ nhận được các câu trả lời diên kỳ. Các nhân viên đã đổ lỗi cho những người sử dụng tàu ngầm và ngược lại. Nhiều sự bổ khuyết lẽ ra chỉ cần vài tuần lễ là xong lại phải mất hàng năm mới thực hiện nổi. Hậu quả của tình trạng rắc rối tơ vò này là Bộ Tư lệnh Tối cao Mỹ-vốn đang có những bận tâm khác trong đầu-rốt cuộc tin tưởng và không ra sức khẩn nài tổ chức một cuộc hành quân ăn khớp dưới mặt biển để chống lại một địch thủ ở trên các đảo mà tất cả hệ thống thần kinh cũng như bộ máy tuần hoàn vẫn lệ thuộc vào biển cả.


Cũng có thể là bộ tư lệnh đã không muốn việc đó. Đã khuất phục Nhật Bản bằng cách dùng tàu ngầm phong toả bờ biển, Bộ Tư lệnh phải biết làm phép tính lạnh lùng của người chỉ huy hạm đội tàu ngầm U-Boote của Đức Quốc, chấp nhận mất 20 tàu ngầm mỗi tháng nếu các công xưởng cung cấp được cho ông ta 30 chiếc. Một phép tính như thế rõ là không thể nào thích nghi được với tâm trạng của vị Đô Dốc thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.


Tại Nhật, trái lại, nó không nêu lên một sự chống đối nào. Các tàu ngầm bỏ túi, do lời thỉnh nguyện khẩn bách của các hải đoàn đã được phái đi tấn công Trân Châu Cảng mà không có một hy vọng gì trở về, là một bằng chứng. Ta có thể trích dẫn nhiều ví dụ tương tự khác. Nếu các Đô Đốc Nhật tin tưởng có thể mang chiến thắng tức thời về bằng cách hy sinh các đoàn thuỷ thủ như vậy thì họ làm ngay, không do dự. Một sự hy sinh như vậy rất phù hợp với luật Bushido, bộ luật danh dự quân đội của Nhật vốn qui định rằng chết cho Thiên Hoàng là một “nghĩa vụ vinh quang và dễ dàng”. Nếu họ không làm, chỉ vì chiến tranh tàu ngầm không tương hợp với định đề một chiến thắng chớp nhoáng. Đừng nên quên rằng đó cũng là một giáo điều căn bản, song song với giáo điều về sức mạnh vô địch của Nhật Bản. Sự kiện nó có thể điều khiển chiều hướng các cuộc hành quân theo điểm này và tồn tại cho đến phút chót ngày nay vẫn còn là một bí mật đối với tinh thần tây phương chúng ta.


Nếu muốn hiểu nguyên nhân sâu xa các hiện tượng đánh dấu phong thái của người Nhật trong suốt quá trình chiến đấu vĩ đại của họ, chúng ta phải cố gắng xuyên nhập vào tánh khí của họ, hay hơn nữa, và sự bí mật tâm hồn của họ. Một nhiệm vụ khó khăn vì thiếu dữ kiện, bởi vì họ rất ít bộc lộ và cả những người Âu hoá nhiều nhấy trong số đó cũng dành cho người tây phương chúng ta một sự e dè khinh miệt. Chúng tôi không giấu giếm những thiếu sót trầm trọng liên hệ đến bức chân dung mà chúng tôi sắp vẽ nhưng thà nói lên đôi chút những điều mình biết còn hơn là chẳng nói gì. Sự yếu kém của kết quả gặt hái được ít ra cũng cho ta một ý niệm về tầm rộng lớn của sự dốt nát của chúng.


Người Nhật là một mẫu người nhỏ bé bình tĩnh và đầy suy tư, có một truyền thống giữ lễ độ mà sự tinh tế giống như của chúng ta, và lời nói cũng như văn viết đều chìm ngập trong một niềm xúc động nên thơ liên tục. Họ có ý thức là được ở trên một xứ sở đẹp nhấy hoàn vũ và đã thiết lập trên đó một trật tự xã hội hoà điệu nhất. Phong cảnh bao quanh mái nhà, mảnh vườn, hoa cỏ, tập quán cả họ khiến cho đời sống gia đình trở nên như ở thiên đàng mà họ không ngừng dùng công việc và tài năng khéo léo để to đắp thêm mãi. Đối với mảnh đất nơi sinh ra đời, đặt dưới sự che chở thần thánh của Thiên Hoàng, Tổng tư lệnh quân đội, họ có một niềm say mê phấn khích đến mức độ thần thánh hoá. Không bao giờ họ quan niệm được rằng người ta lại có thể dám tranh luận điều đó với họ. Họ càng không quan niệm được rằng có một dân tộc nào đó lại có thể toan tính chống đối sự bành trướng lãnh thổ tối cần thiết cho dân tộc tăng gia không ngừng của họ. Họ đau khổ vì cảm nghĩ bị giam cầm vĩnh viễn trên mấy hòn đảo chật hẹp, và họ không chấp nhận rằng các nông dân, anh em của họ, những người có sức chịu đựng dẻo dai và đức tính bình dị điển hình lại bị mai một đi vì những nỗ lực vô vọng. Những cảm nghĩ nổi loạn đột ngột khi tình thế ấy trầm trọng thêm, lại càng dữ dội hơn, khi mà bộ luật tinh tế về sự lễ độ đã cấm họ bộc lộ ra bên ngoài. Hiếm khi họ nói lên điều đó với các chính khách hay chính phủ của họ, mà thường với người ngoại quốc hay đúng hơn những người da trắng mà họ cảm thấy đầy ích kỷ, ngu dốt và cố chấp. Niềm say mê của họ dành cho Tổ quốc đã lên đến cực điểm, khi họ xét thấy nó bị áp bức, đến nỗi sự tinh tế đầy tính chất nghệ thuật, và sự tử tế gần như của trẻ thơ vốn chi phối phong thái của họ đột nhiên tiêu tán để nhường chỗ cho một sự giận dữ và tàn bạo đến phi nhân. Đấy là một thứ hiện tượng thăng hoa (khoảng cách không tiếp chuyển giữa hai cực đoan) rất lạ lùng bối rối đối với người Tây phương.
 
Một khi bị niềm tức giận thiêng liêng khích động, người Nhật càng trở thành một chiến binh dễ sợ hơn khi chiếm được một chỗ được chỉ định từ lúc còn bé trong tổ chức Quân đội Hoàng gia tuyệt vời, thừa kế các truyền thống cổ xưa, và một chỗ được dành riêng cho mình trong cõi vô mình, bên cạnh tiền nhân và các đấng anh hùng bảo vệ Tổ quốc. Vậy thì người Nhật là một hạng người sinh ra đã là lính rồi, và vẫn còn là lính ngay cả khi qua bên kia thế giới. Họ sẵn sàng hy sinh cho Thiên Hoàng, biểu tượng thần thánh của dân tộc, bất kỳ trong trường hợp nào và không hề có một chút do dự nào cả.


Sự đồng nhất hoá có tính cách bí ẩn giữa tổ quốc và cá nhân Hoàng đế có vẻ quá xưa cũ đối với tâm trí người tây phương vốn khó mà tưởng tượng được rằng nó lại có thể tồn tại trong một dân tộc tiến hoá đến như vậy về mặt trí thức. Tuy vậy nó đã bén rễ sâu xa trong lòng người Nhật thuộc tất cả mọi giai tầng xã hội. Để có một ý tưởng về vấn đề này chúng ta hãy trích dẫn trước câu chuyện sau đây, chuyện xảy ra sau cuộc không tập trứ danh xuống Tokyo của Tướng Mỹ, Doolittle. Trong cuộc oanh tạc ngoạn mục nhưng chẳng có lợi ích quân sự nào nơi đây, một quả bom đã rơi trúng khu vườn thuộc Hoàng cung mà không nổ. Vị tướng lãnh Nhật chỉ huy hệ thống phối hợp lập tức xin Tổng hành dinh cho phép tự mổ bụng, vì không thể chịu đựng nổi sự hổ thẹn đã để xảy ra một sự xúc phạm như thế vào sự tôn quí của Hoàng gia. Ông đã không được phép vì người ta e rằng một hành động như thế có thể kéo theo một phản ứng đồng loạt… Vị tướng lãnh kiên nhẫn chờ cho đến lúc chiến tranh kết liễu để mang dự định của mình ra thực hiện.


Đối với chúng ta, ý định tự sát này có vẻ lố lăng, nhất là khi do một lỗi lầm tưởng tượng và do sự sám hối tưởng tượng, thì đối với một sĩ quan Nhật lại là một viễn tưởng tuyệt đối bình thường. Bộ luật danh dự quân đội, luật Bashido trứ danh, vẫn luôn luôn lấy đó làm trọng. Đây là sự trừng phạt một vài sự kiện một vài lỗi lầm, hay sự tham dự dầu cho không cố ý vào các biến cố xâu xa. Trong những điều kiện đó, tự nhiên người chiến binh Nhật chấp nhận không than vãn những sứ mệnh tự sát và tự nhiên là Bộ Tư lệnh tối cao đã nghĩ đến việc tổng quát hoá sự sử dụng khi cảm thấy cần thiết.


Một tổ chức quân sự căn cứ trên những hiệu lệnh quyết liệt như thế, bắt buộc phải có tính cách cứng rắn. Quân đội Nhật được tổ chức thuần nhất. Trong đó sáng kiến gần như không được biết tới ngoại trừ ở cấp bậc tối cao. Các mệnh lệnh ban đầu luôn luôn được thiết lập trước từ lâu và ấn định các sứ mạng trong từng chi tiết nhỏ. Vả lại ngôn ngữ phức tạp và không chính xác của Nhật không sẵn sàng để giúp thay đổi mệnh lệnh lúc chúng đang được thi hành. Trong các câu chuyện sắp được thuật lại sau đây, ta sẽ thấy Bộ Tư lệnh Nhật vẫn khăng khăng cứng đầu trong những cuộc hành quân vô vọng, lý do là vì họ không thể nào hướng thuộc viên các cấp theo một đường lối khác. Một vài sự thất bại mà chúng ta hay có khuynh hướng quy trách nhiệm cho những lầm lỗi chiến thuật, thật ra là hậu quả của sự bất lực căn bản này. Một Tư lệnh Hạm đội hay Tư lệnh Không đoàn chỉ thấy mình ở trong vị thế của một tài công đầu máy xe lửa trông thấy dấu hiệu và nghe tiếng pháo báo động nhưng không còn có phương tiện nào nữa để đảo ngược hơi nước được nữa.


Đổi lại, so với tất thảy mọi quân đội khác trên thế giới, quân đội Nhật Bản có một ưu thế không thể chối cãi được: giá trị tinh thần của người chiến binh. Thái độ tàn khốc của người binh sĩ Nhật trên chiến trường thật khác xa với thái độ của binh sĩ thuộc các dân tộc khác. Sự tận tuỵ, tinh thần tôn trọng kỷ luật, sự bình dị, sự chấp nhận vô điều kiện mọi thử thách khổ nhọc nhất về phương diện thể chất của anh ta, cũng khác biệt như vậy. Với một chén cơm, một ít rượu Sake và một phần nước uống không đáng kể, anh ta có thể sống và chiến đấu trong nhiều tháng không nghỉ ngơi và gần như không ngủ. Anh ta đề kháng một cách đáng ngưỡng mộ với thời tiết khắt khe dù cho đó là cái lạnh hay sức nóng kinh hồn. Anh ta chiến đấu xuất chúng trong rừng rậm, di chuyển như con mèo trong rừng cây dày đặc nhất mà không gây một tiếng động nhỏ và có khả năng ngồi chồm hỗm trong thế bất động tuyệt đối hàng giờ để rồi đột ngột xuất hiện như ma quỷ khi thời cơ thuận lợi. Tính lãnh đạm di truyền được triển khai rất mạnh mẽ do một công cuộc huấn luyện liên tục giúp anh ta không bao giờ chùn tay phạm vào điều mà ta gọi là sự tàn ác.


Có lẽ đấy là một trong những khía cạnh đặc thù nhất của công cuộc đào tạo về mặt quân sự của Nhật. Trong tất cả các quân đội trên thế giới, những người chuyên đi đổ thùng, quét dọn chiến hào, cảm tử đặc biệt, đều được lựa chọn cẩn thận và chịu một công cuộc huấn luyện hà khắc. Hiếm khi họ được sử dụng vào các nhiệm vụ khác. Tại Nhật Bản, bất cứ viên Thiếu uý nào cũng có thể buộc phải chỉ huy một nhóm hạ sĩ quan để thi hành một công việc tàn sát, tận diệt.


Mới đây tôi có cơ hội rất đặc biệt được gặp một ông Trung tá tuỳ viên quân sự tại một toà đại sứ Nhật ở ngoại quốc mà ngày xưa đã từng tham dự các cuộc hành quân loại này trong vùng rừng rậm tại Bornéo. Đó là một chàng trai cao nhã, dễ thương một người mà khi mặc quân phục vào, trông giống như một kẻ đầu tiên nhận thánh thể. Ông nói tiếng Pháp rất giỏi khiến cho sự trao đổi kỷ niệm giữa chúng tôi dễ dàng hơn nhiều. Chắc chắn tôi đã gây được niềm tin nơi ông nhờ các cố gắng tìm hiểu thành thật của tôi.
 
Vì rất băn khoăn khi được nghe nói nhiều lần đến công cuộc huấn luyện sử dụng kiếm mà các cấp chỉ huy Nhật quan niệm là hết sức quan trọng, tôi hỏi ông về điểm này. Lúc đó còn lâu tôi mới nghĩ rằng chính ông ta cũng đã sử dụng kiểu chiến đấu xưa cũ ấy trong thời kỳ chiến tranh. Tôi hy vọng ông sẽ tha thứ cho tôi nếu một ngày nào đó những dòng này xuất hiện dưới mắt ông vì đã viết lại câu chuyện của ông gần như nguyên văn.


“Mùa Xuân năm 1944 tại Bornéo, ông nói, tôi là một thiếu uý thuộc một sư đoàn vừa nhận được lệnh rút về các cơ sở lọc dầu ở Balikpapan và chống giữ đến cùng, vì đã không thể nào một mình đẩy lui một quân đoàn có xe lội nước của Úc đông đến 30.000 người. Đạo quân đóng tại Balikpapan chỉ gồm có 3 hay 4 ngàn người, tất cả gần như là chuyên viên kỹ thuật trù bị, không hề được huấn luyện như bộ binh. Bộ chỉ huy quyết định thành lập, với phần còn lại của sư đoàn của tôi, một số cảm tử quân và các toán phá hoại có nhiệm vụ vượt qua phòng tuyến địch để thực hiện các cuộc đột kích quấy rối hậu tuyến địch. Mục đích là làm giảm tinh thần chiến đấu của quân Úc, vốn đã bị đập mạnh khi thiết lập đầu cầu và bị thử thách tàn bạo vì khí hậu ác nghiệt đang ngự trị trên đảo Bornéo vào đầu mùa mưa lũ. Vì lực lượng của chúng tôi quá chênh lệch, các cuộc đột kích này là phương cách độc nhất của chúng tôi nhằm trì hoãn cuộc tấn công cho đến khi đoàn quân tăng viện giả định của chúng tôi đến tăng cường”.


Vì không thấy mối tương quan giữa lời giáo đầu này và vụ đánh gươm, tôi nhìn ông với vẻ dò hỏi.

“Công cuộc huấn luyện đánh gươm, ông nói tiếp, trong quân đội chúng tôi là một truyền thống xưa cũ. Các thanh gươm đều thuộc sở hữu của trung đoàn, ngoại trừ gươm của sĩ quan. Chúng chỉ được cấp phát cho hạ sĩ quan trong các cuộc hành quân nhất định, và phải được thu hồi lại bằng mọi giá, bất chấp mọi hiểm nguy. Chúng không dài lắm, hơi cong và được chế bằng thứ thép tốt nhất thế giới. Chúng là vật được dành cho một sự săn sóc đến phát ghen lên được-ta có thể nói đó là một sự thờ phụng thật sự. Vinh dự cao quí nhất của một hạ sĩ quan có nhiều chiến công nhiều sứ mạng là được chấp nhận cho suốt đời làm chủ một trong các thanh gươm ấy”.


“Tại Balikpapan, các nhóm của tôi gồm có chừng 10 hạ sĩ quan, mỗi nhóm do một sĩ quan chỉ huy. Việc mang súng bị cấm đoán nghiêm ngặt mặc dầu rất hữu ích trong một trận đánh rút lui. Khẩu súng cá nhân hay tiểu liên bị cấm bởi vì chúng cồng kềnh và ồn ào trong khi tiến quân, còn khẩu súng lục thì vì mối đe doạ bị một người rối trí sử dụng không đúng lúc”.

-Vậy ra các ông chỉ vũ trang bằng gươm thôi sao?

-Đúng thế. Sự im lặng tuyệt đối là đảm bảo duy nhất cho sự thành công của chúng tôi. Gươm là thứ vũ khí duy nhất có thể giúp tạo ra cái chết tức thời mà không gây ra một tiếng động nhỏ nào. Tất nhiên là còn phải biết vận dụng đúng cách.


“Các toán phá hoại theo nhau cách một quãng ngắn để lơi dụng lỗ hổng do các toán xung kích đi đầu thực hiện. Chúng tôi tiến gần lại phòng tuyến địch lúc chập tối và tiến lên với sự thận trọng tuyệt đối cho đến tiền đồn địch trong một thứ tự được nghiên cứu kỹ lưỡng. Mỗi lính canh của địch trong khu vực chọn lựa bị một toán ba hay bốn người chúng tôi bao vây. Thời điểm tấn công phải càng đồng loạt càng tốt để giúp cho các toán phá hoại một khoảng trống đầy đủ, tạm thời tránh khỏi bị kiểm soát. Chiến thuật quen thuộc là rình cơ hội thuận tiện hay là tạo ra cơ hội bằng cách lôi kéo sự chú ý của tên lính canh qua hướng khác nhờ một tiếng động trên cành lá. Đúng lúc chính xác, người nào trong chúng tôi ở vào vị trí thuận lợi nhất liền nhảy vào đối thủ với thanh gươm”.


Sau một lúc im lặng, ông Trung tá dễ thương của tôi nói thêm vừa lấy bàn tay phác hoại một cử chỉ dưới cổ áo chỗ tiếp nối của xương vai.

“Chúng tôi chém ở đây…”.

Tôi định thần. Tôi thấy quang cảnh đó. Tôi thấy không cần phải nài nỉ thêm và cuộc đàm thoại chuyển qua một đề tài tổng quát. Tiếp theo sau câu chuyện này tôi đã có thể sử dụng nó một cách hữu ích rộng rãi.


Sự trái ngược giữa cung cách như phụ nữ của người đối thoại với tôi và sự gợi lại các hành động oai hùng trong quá khứ của ông gây ngạc nhiên đến nỗi tôi đã tìm cách tập trung các kỷ niệm, và các điều tôi có thể quan sát được trong những ngày thăm viếng Nhật Bản để cố tìm ra lời giải thích.


Dầu thuộc bất cứ giai tầng xã hội nào, dầu là một trong những kẻ được cưng chiều nhất thế giới, trẻ con tại Nhật cũng cho việc bắt chước các bậc cha anh chống đối lại niềm đau đớn với nụ cười là một vinh dự. Nhiều cuộc trình diễn trong hội chợ đã duy trì khuynh hướng này nơi đứa bé, đặc biệt các đấu thủ đô vật hay đánh côn vốn đạt đến mức tàn bạo tuyệt đỉnh trước công chúng. Ai cũng nghe nói đến các đô vật Ainos thuộc một chủng tộc khác cực kỳ cao lớn và mạnh hơn chủng tộc Nhật. Nguồn góc xuất phát từ đảo Kouriles, các tay đô vật này ngay từ tuổi ấu thơ, đã bị đặt dưới các sự thử thách thể chất ghê gớm nhất và dưới một chế độ ăn uống có thể gia tăng sức vóc và trọng lượng. Một vài người đã đạt đến những kích thước đồ sộ cao hơn hai thước và nặng gần 200 kí lô! Các tay vô địch đấu với nhau trước sự hiện diện của Thiên Hoàng đã lôi cuốn hàng chục ngàn khán giả và tạo ra các cuộc biểu tình điên cuồng. Người thắng trận được đãi ngộ gần như thần thánh và nhận được các tặng phẩm vô giá và các số tiền khổng lồ, có thể làm cho các minh tinh nổi tiếng nhất của chúng ta phải tái mặt vì ganh tị.
 
Một sắc dân khác ít nổi tiếng hơn, đã tập luyện ngay từ bé cách sử dụng bàn tay như một thứ khí giới không làm chảy máu, cứ mải chặt mép phía ngoài của lòng bàn tay, da dần dần cứng lại như sừng. Các ngón tay teo lại và dính liền vào với nhau, bàn tay nở lớn và biến dạng cho đến khi trở thành một bàn tay hộ pháp quái gở. Những tay cự phách của nhóm này có thể chặt vài cái lá phá vỡ được bức tường gạch hay chẻ một hòn đá đẽo ra làm hai. Ta có thể kể nhiều ví dụ khác về môn phái vô cảm giác thể chất này thật tương phản với dáng điệu dịu dàng và mức sống cao của dân chúng. Phải chăng đây là mặc cảm tự ti của một chủng tộc bề ngoài có vẻ yếu kém? Hay đây là sự xác nhận tập thể về quyết tâm không gì chế ngự nổi của mình? Dầu gì chăng nữa, chính đấy là một trong những nét của cá tính Nhật Bản có thể giải thích-nếu không phải là để tạ lỗi-một vài điều quá lạm. Ta cần nên nhớ điều đó.


Dựa trên sức chịu đựng lạ kỳ, của thể xác, tinh thần của chiến binh Nhật thật là sắt đá. Không có một hệ thống tuyên truyền nào, một sự quyến dụ nào có thể tác động lên anh ta được. Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, quân Mỹ đã cố gắng chấm dứt lò tàn sát bằng các truyền đơn giải thích rằng kháng cự là chuyện không tưởng, nhưng vô ích. Họ còn ra sức đến mức mạo hiểm có thể chết được, để đặt những loa phóng thanh gần các miện hang núi mà dân chúng vào trốn trong đó. Không ăn thua gì. Đàn ông, đàn bà chờ cái chết với sự khắc kỷ hơn là tính chuyện đầu hàng nhục nhã.


Sau khi chiếm cứ quần đảo san hô Eniwetok, và khi quân Mỹ đổ bộ lên Bikini, họ tìm thấy dưới một căn lều xác bốn lính Nhật, toán phòng thủ duy nhất trên đảo. Họ tự mổ bụng để khỏi bị quân địch bắt sống.


Sự hăng say khó hiểu nhằm chống lại tất cả lý lẽ đã tiếp diễn trong các vùng biển phía Nam, ngay cả sau khi có cuộc đầu hàng chính thức. Dân chúng Nhật đã cam chịu với tinh thần kỷ luật bởi vì họ đã nghe giọng nói của Thiên Hoàng ban các chỉ thị. Nhưng đối với các toán quân đóng cô lập trên các đảo tại Thái Bình Dương thì tình trạng không giống như thế. Bốn năm sau khi chiến tranh chấm dứt, các phi cơ Mỹ tại Saipan đã thấy những làn khói đáng nghi trên hòn đảo nhỏ Anatahan mà ai nấy tin là không có người ở, viên chỉ huy trưởng phái một khinh tốc đỉnh đến xem có chuyện gì. Chiếc tàu được nhiều nhiều tràng tiểu liên tiếp đón và phải chạy tháo lui hết tốc lực. Truyền đơn liền được thả đầy xuống đảo để báo cho các ông Lỗ Bình Sơn rõ rằng xứ sở họ đã ký kết hiệp ước hoà bình từ bốn năm và một chiếc tàu của Mỹ sẽ đến rước họ. Khi chiếc tàu tiến đến, nó cũng bị tưới nhiều loạt đạn và phải từ bỏ nhiệm vụ. Quân Mỹ thấy không nên đưa mạng sống binh sĩ ra mạo hiểm một cách vô ích làm gì, đành đều đặn rải truyền đơn xuống cho những kẻ cứng đầu và chỉ cho họ dấu hiệu phải làm khi họ quyết định đầu hàng. Trong khoảng thời gian này, một thảm kịch đã xảy ra trên đảo. Các tay Lỗ Bình Sơn ấy là những người bị đắm tàu cả dân sự lẫn quân nhân, tàu của họ bị trúng thuỷ lôi vào cuối cuộc chiến. Tổng số chừng 10 người trong đó có một phụ nữ. Một trung sĩ cực kỳ tàn bạo và cuồng tín đã chỉ huy nhóm và cai trị bằng sự khủng bố. Người phụ đã phải tổ chức cả một cuộc âm mưu mới thắng được tên hung hăng này, sau cùng y bị hạ.


Rốt cuộc khi dấu hiệu hoà bình xuất hiện trên đảo thì cả một đoàn sinh vật hốc hác thảm thương đã được chiếc khinh tốc đỉnh Hoa Kỳ đưa ra khỏi cơn ác mộng hãi hùng.

Chắc ta có thể tưởng rằng vở bi kịch kỳ lạ tại Anatahan đã kết thúc hẳn cuộc kháng cự khăng khăng của những kẻ cuồng tính cuối cùng. Không phải vậy. Một nhóm binh sĩ Nhật đã được tìm thấy cách đây không đầy một năm trong quần đảo Đông Nam Á châu và rất có thể là khi tôi đang viết những dòng này, nhiều kẻ không nao núng khác còn lang thang trong rừng rậm, chờ đợi “ngọn gió thần” mang lại chiến thắng cho xứ sở của họ.
 
Trân Châu Cảng


Những phản ứng thượng đỉnh

Ngày 7 tháng 12 năm 1941 giờ TMG (giờ Ba Lê) một tin tức kinh hoàng làm chấn động hoàn cầu. Đối với cả thế giới đã chai đá vì chiến tranh này, sự loan báo một cuộc tấn công bằng không quân của Nhật vào hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng là một đại biến cố khó tin. Đấy là một biến cố có tầm mức quan trọng đến nỗi, trong tất cả mọi quốc gia, các Quốc trưởng, các Thống chế, Đại sứ, Tổng Bộ trưởng đều được báo tin ngay tức khắc. Tuỳ viên và thư ký hấp tấp đến gặp họ, người thì đang ăn, kẻ đang ngủ, đang chơi golf hay ở đâu đó, vì quả thật 21 giờ ngày 7 tháng 12 tại Ba Lê và Luân Đôn, là 22 giờ tại Bá Linh, 23 giờ tại Mạc Tư Khoa, 5 giờ ngày 8 tháng 12 tại Trùng Khánh và 6 giờ cùng ngày tại Đông Kinh.


Trên quần đảo Hạ Uy Di, nơi xuất phát nguồn tin, lúc đó là 3 giờ sáng Chủ nhật 7 tháng 12, tiếng bom nổ như sấm do các phi cơ Nhật ném xuống căn cứ Hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng như chiếc búa của người nhắc tuồng đã vén màn cho cảnh đầu tiên của vở tuồng chiến tranh trên Thái Bình Dương. Chắc chắn là một nhát búa mạnh mẽ rồi; nhưng trong tầm mức của sân khấu vĩ đại ấy.


Vài phút sau, vô số điện tín được gửi đi ào ào như tuyết băng bằng bạch văn và lập tức được tất cả các thông tấn tiếp chuyển đi nữa. Một vài điện tín chuyển các câu nói lẫn lộn khó nghe đã mang tính cách trung thực không còn chối cãi gì được, khi thì ghi câu nói từ một đài kiểm soát chỉ vào các phi cơ đang sà xuống: “Nhiều phi cơ lạ tấn công phi trường”, khi thì ghi câu nói từ một bộ chỉ huy được lặp đi lặp lại bằng giọng lo âu: “Không tập trên Trân Châu Cảng! Đây không phải là một cuộc thực tập!”.


Ngay cả trước khi các sĩ quan trực tại Ngũ Giác Đài kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra, toàn thể thế giới đã biết rằng một cuộc không tập táo bạo và rộng lớn đến sửng sốt, đã được khởi động trên căn cứ Hải quân lớn lao của Mỹ tại Thái Bình Dương. Toàn thế giới… ngoại trừ toà Bạch Ốc như xưa nay vẫn vậy, vốn dường như là nơi cuối cùng được báo tin, vì chiều cao của các bậc thang ở khắp nơi và luôn luôn như thế, đưa đến vị lãnh đạo tối cao, cũng như vì các nhân vật hữu trách sợ làm rối loạn niềm say sưa chiến thắng đang ngự trị nơi đó.


Lúc Tổng thống Roosevelt đang ăn trưa một mình với Harry Hopkins trong căn phòng hình trái xoan, bàn phiếm đến điều này điều nọ chẳng ăn nhập gì đến chiến tranh, trước 14 giờ một chút, thì Bộ trưởng Hải quân Frank Knox điện thoại đến báo cáo rằng người ta vừa trình cho ông một công điện vừa nhận được loan báo một cuộc không tập đang xảy ra tại Oahu và rằng đấy khong phải là một cuộc thực tập.


Hopkins quả quyết tuyên bố rằng đấy là một sự lầm lẫn và rằng “Nhật Bản không bao giờ tấn công Honolulu”. Tổng thống đồng ý và bắt đầu lại chuyện bỏ dở, đề cập đến các nỗ lực của ông để giữ cho nước Mỹ đứng ngoài vòng chiến tranh, những nỗ lực của ông muốn theo đuổi cho đến khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt. Rồi cuộc điện đàm với Frank Knox lại trở lại trong trí ông, ông nhìn Hopkins và nói: “Người Nhật chuyên môn tìm cách châm ngòi chiến tranh một cách bất ngờ và đúng lúc họ đang thương thuyết hoà bình! Trong trường hợp ấy ít ra là tôi cũng được rảnh tay, họ đã quyết định thay tôi!”.


Đến 14 giờ 05, ông gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Cordel Hull, báo cho ông ta biết về bức công điện và yêu cầu ông ta thay mặt ông tiếp các sứ thần đặc biệt Nhật, Đô đốc Nomura và Công sứ toàn quyền Kurusu, mà ông đã hẹp tiếp vào lúc 15 giờ và đối xử lễ độ với họ mà không cần ám chỉ đến bản công điện.


Lúc 14 giờ 28, đến phiên Đô đốc Stark, tư lệnh hành quân biển, gọi điện thoại cho Tổng thống và xác nhận rằng quả có một cuộc tấn công vào hạm đội và rằng người ta phàn nàn về nhiều tổn thất nhân mạng. Ông ta hỏi Tổng thống phải làm gì, Roosevelt trả lời rằng mọi sự sắp đặt đã có sẵn, chỉ còn chuyển đến cho các Tư lệnh Lục quân và Hải quân, mệnh lệnh yêu cầu thi hành các biện pháp đã tiên liệu trong trường hợp chiến tranh khai mào trên Thái Bình Dương. Một lát sau Tổng thống soạn một thông cáo cho báo chí và cho triệu tập vào lúc 15 giờ Tổng trưởng Chiến tranh Stimson, Bộ trưởng Hải quân Konx, Đô đốc Stark và tướng Marshall, lần lượt là tư lệnh Hải quân và tư lệnh Lục quân.


Dường như mãi đến lúc đó Roosevelt vẫn còn rất nghi ngờ giá trị của tin tức do Konx chuyển trình và tầm quan trọng của cuộc tấn công do quân Nhật chủ xướng. Cuộc hội nghị do Tổng thống triệu tập với hai Tổng trưởng và hai vị Tư lệnh đã diễn ra trong một không khí bình tĩnh. Trong hội nghị người ta nói về sự cần thiết phải chiến thắng chế độ độc tài Hitler bằng vũ khí, điều này bắt buộc trước sau gì cũng phải tham chiến. Mỗi người đều phát biểu ý kiến rằng nếu Nhật tạo cho Mỹ một cái cớ thì lại càng tốt hơn.


Cuộc hội nghị không ngớt bị gián đoạn vì tiếng chuông điện thoại mà Tổng thống chỉ im lặng nghe, nét mặt ghi dấu một mối âu lo ngày càng lớn. Tuy nhiên để trả lời cho một trong các cuộc điện đàm ấy, người ta nghe ông đã trả lời bằng một giọng cương quyết: “Giờ đây chúng ta là kẻ đồng hội đồng thuyền. Ngày mai tôi sẽ triệu tập Quốc hội…”.


Đó là Churchill từ Luân Đôn gọi ông. Thủ tướng Anh biết tin lúc đang ăn tối tại Chequers với Đại sứ Winant và Averell Harriman. Một chiếc máy thu thanh xách tay nhỏ-quà của Harry Hopkins-để trên bàn và trong bản tin 21 giờ, giọng nói thản nhiên của xướng ngôn viên đài BBC đã làm rối loạn cuộc tiếp xúc giữa ba nhân vật. Lập tức Churchill rời khỏi bàn và bước qua căn phòng ăn để bước vào phòng các thư ký, ông yêu cầu dùng đường dây liên lạc đặc biệt với Hoa Thịnh Đốn và ông được nói chuyện lúc hội nghị đang họp.
 
“Thưa Tổng thống, có chuyện gì xảy ra với người Nhật thế?

-Họ vừa tấn công chúng tôi tại Trân Châu Cảng. Giờ đây chúng ta là kẻ cùng thuyền”.
Churchill đã nhắc lại cuộc đàm thoại này trong tập Hồi ký của ông và thêm vào lời bình phẩm này:

“Lúc đó chúng tôi trở lại phòng ăn và cố tập trung ý tưởng để suy nghĩ về biến cố quốc tế ấy vốn bất ngờ đến nỗi đã làm hụt hơi ngay cả những kẻ trong cuộc”.


Lúc cơn lốc tin tức ấy được chuyển đến dinh Tể tướng tại Bá Linh là 22 giờ, nơi đây đặc biệt lại có mặt Adolf Hitler, vừa từ Tổng hành dinh của ông tại Đông Phổ trở về hôm trước. Vừa nghe tin đài phát thanh, ông chạy như gió vào phòng hành quân nơi Tướng Jodl và Thống chế Keitel làm việc. Cả hai người giật nẩy mình khi biết tin cuộc tấn công của Nhật. Fuhrer tức giận điên cuồng và đánh giá sự khởi xuống cuộc chiến mà ông không hề được biết trước này là “Sự không đứng đắn không tha thứ được” và là “chiến lược sai lầm”. Ông cũng không quên ra lệnh cho Hải quân từ ngày mai phải tấn công bất cứ chiến hạm nào của Mỹ bị bắt gặp “trong bất cứ khu vực nào”. Vậy thì chiến tranh giữa Đức và Mỹ đã được âm thầm tuyên bố.


Tại Điện Cẩm Linh, Stalin nhận được tin mà không tỏ ra ngạc nhiên chút nào và lại còn với cả một sự hài lòng ra mặt. Trong thực tế, chính ông ta cũng nổi cơn thịnh nộ, nhưng lần này lại thịnh nộ với chính mình. Ông ta đã được báo tin tám ngày trước về bản chất, ngày tháng của cuộc tấn công nhờ màng lưới gián điệp của ông tại Nhật, nhưng ông ta đã không để ý đến nguồn tin ấy. Sự coi thường này lại càng khó giải thích khi mà nguồn tin lại xuất phát từ điệp viên Sorge, người mà tất cả các tay nhà nghề ngày nay đều nhất trí thừa nhận là điệp viên tài ba nhất trong Đệ nhị Thế chiến và có lẽ là vô tiền khoáng hậu.


Sorge là người Đức. Trong suốt cuộc Đệ nhất Thế chiến, ông chiến đấu trong hàng ngũ của đạo binh vùng Kaiser. Giải ngũ về nhà năm 1918, ông tiếp xúc với các phân tử cực tả trong đó có nhiều người là bạn thân của gia đình. Ngày truớc tổ phụ ông là thư ký của Karl Marx. Đổi chính kiến theo cộng sản, ông bí mật qua Mạc Tư Khoa và trải qua một cuộc huấn luyện đặc biệt trong các cơ sở gián điệp tại đấy. Được người Nga phái qua hoạt động tại Viễn Đông, ông đã sống dưới nhiều “vỏ“ khác nhau, trước hết tại Thượng Hải, sau đó tại Đông Kinh, tại đây tư cách công dân Đức đã giúp ông trở thành thông tin viên chính thức của tờ “Franfkurter Zeitung“. Ông kết thân được với Đại sứ Đức tại Nhật và được ông này coi là một cộng sự viên quí giá và đáng tin cậy đến mức thường gọi ông đến để thảo các công điện! Phía người Nhật, Sorge đã tạo nên được nhiều môn đệ, trong số đó có một người chiếm giữ địa vị rất cao. Hozumi Ozaki, người sau đó trở thành một trong những Bộ trưởng quan trọng của nội các Tojo, và cung cấp cho ông những tin tức quan trọng hàng đầu.


Staline đã từng có cơ hội thẩm định giá trị của các tin tức do Sorge cung cấp, bởi vì lần lượt ông đã được báo trước về việc ký kết hiến chương Antinkomintern, về cuộc tấn công của Đức vào Nga Sô và quyết định của Nhật không tấn công vào Sibérie (tất cả các tin tức này được chứng thực là hoàn toàn đúng). Thế tại sao ông lại không quan tâm một chút nào về tin tức liên quan đến Trân Châu Cảng? Bí mật… Vì là quốc trưởng duy nhất biết được nguồn tin, ông có thể rút ra từ đó phần lợi ích lớn lao đáng kể. Rất có thể là sự khinh thường bệnh hoạn của ông đã ngăn trở ông.


Ngoài “tiết lộ Sorge”, không một điểm nào của các kế hoạch Nhật Bản bị thoát ra ngoài. Thật vậy, qui tắc bí mật, luôn luôn được tôn trọng chi li tại Nhật, đã được đẩy mạnh đến cực điểm đối với công cuộc chuẩn bị cho cuộc không tập vào Trân Châu Cảng. Ngoài các giới tối cao trong chính phủ (trong số đó có người cung cấp tin tức cho Sorge), chỉ có các Đô đốc và Tư lệnh hạm đội không hải lực thuộc Hải quân sẽ tham dự trực tiếp vào cuộc hành quân mới được biết mục tiêu là Trân Châu Cảng. Các mệnh lệnh được chuyển đi trong các cặp hồ sơ khằn kín cho tất cả các viên chức chấp hành với lời ghi chú “Bí mật tuyệt đối, chỉ được mở khi đã ở trên biển cả”. Lệnh im lặng vô tuyến đã được ban hành và được tất cả chiến hạm tuyệt đối tôn trọng. Ngoài các máy phát trên các hàng không mẫu hạm trực tiếp tham dự cuộc hành quân, nhiều máy phát tin chính xác tương tự cũng được đặt trên các đảo nhỏ ở phía Nam Thái Bình Dương để gây ảo tưởng về một hoạt động gắt gao trong vùng này qua khối lượng điện văn đánh đi. Bộ tư lệnh tối cao Nhật còn đẩy mạnh sự cẩn trọng đến mức giao cho các hiệu thính viên phục vụ trên các hàng không mẫu hạm điều khiển các máy phát tin này, họ tạm thời được các chuyên viên khác thay thế. Do đó các cơ sở bắt tin của Mỹ nên được giải tội vì đã bị cho vào bẫy.


Trừ lệ độc nhất đối với qui tắc cứng rắn này đã được dành cho một nhà ngoại giao Nhật đã sống nhiều năm tại Hạ Uy Di. Ông “Phó lãnh sự Morimura“ không ai khác hơn là một cựu sĩ quan Hải quân, bị giải ngũ vì lý do sức khoẻ, tên là Takeo Yoshikawa. Ông được nhà cầm quyền Nhật giao cho nhiệm vụ cung cấp tin tức hàng ngày về các cuộc điều động của hạm đôi tại Trân Châu Cảng. Ông đã thi hành nhiệm vụ một cách hoàn toàn và các báo cáo của ông, được chuyển từ Honolulu đến Đông Kinh bằng đường dây điện tín thương mại thông thường, đã được thích nghi hoá theo một ngôn ngữ ước định cực kỳ đơn giản đến nỗi chúng chẳng hề báo động gì cho các chuyên viên Mỹ vốn rất từng trải đối với công việc “giải mật mã” phức tạp chỉ lo tận lực mở khoá hàng đống điện văn đáng nghi. Chính bức điện tín cuối cùng của ông-bề ngoài rất hoà dịu-“Có ít hoa nở hơn bất cứ mùa nào trong năm, ngoại trừ hoa dâm bụt và hoa cúc vàng”, vào phút chót, đã khiến cho Bộ Tư lệnh tối cao quyết định chuyển cho hạm đội hàng không mẫu hạm mệnh lệnh cuối cùng-bề ngoài cũng rất hoà dịu-“Leo núi Nitaka”, có nghĩa là “Hãy khởi động cuộc tấn công!”.
 
Cuộc tấn công

Đô đốc Nagumo chỉ huy hạm đội này đã khởi hành từ ngày 26 tháng 11 trước với sáu hàng không mẫu hạm từ vùng biển hiu quạnh Tankan trong quần đảo Kouriles và có mặt vào lúc trước bình minh ngày 7 tháng 12 cách Hạ Uy Di 200 hải lý về phía bắc. Khi nhận được điện văn qui định trước, ông tung đoàn quân xung phong vào Trân Châu Cảng. Biển rất động. Từng khối bọt nước bắn tung toé trong bóng đêm lờ mờ cứ mỗi lần tàu chồng chềnh gối sóng và quét sạch sàn phi cơ cất cánh được soi sáng yếu ớt, trên đó nhiều toán thuỷ thủ mệt nhọc kìm giữ các máy bay sắp cất cánh. Sáu chiếc chiến hạm cho cất cánh 183 phi cơ thuộc đợt tấn công đầu. Đại tá Fushida, người chỉ huy không đoàn xung phomg, bay vòng hạm đội một lần chót để tập họp tuỳ tùng và, đúng 6 giờ 15 hướng thẳng về phía Nam.


Với cao độ 2.000 thước, đoàn phi cơ bay xuyên qua các dám mây dày bắt đầu ửng hồng ánh sáng bình minh. Không có một tiêu điểm nào để tính độ lệch, các phi đoàn trưởng lái phi cơ bắt chước theo vị tư lệnh không đoàn.


Đến 7 giờ, khi tính rằng mới chỉ được nửa đường, Fushida ngạc nhiên thích thú khi nghe đài phát thanh Honolulu như thường lệ phát ra các điệu nhạc Hạ Uy Di. Lập tức ông điều chỉnh hướng bay theo các chỉ dẫn của máy đo góc vô tuyến. Tất cả các phi đoàn trưởng bắt chước làm theo ông.


Fushida dẫn đầu, 49 oanh tạc cơ thả bom từ trên cao bay theo sau. Cách 500 thước bên mặt và hơi thấp hơn một chút là 40 phi cơ phóng thuỷ lôi. Cùng khoảng cách ấy bên trái, nhưng trên cao hơn là 51 oanh tạc cơ đâm bổ. Toàn diện đội hình được 43 khu trục cơ che chở.


Cùng với giờ phút từ từ trôi qua, sự nóng nảy gia tăng dần trên các phi cơ. Phi công và quan sát viên dò xét chung quanh, giờ đây trong sáng tuyệt đối, với trạng thái căng thẳng đến nỗi đồng tử của họ trở nên đau đớn. Vị tư lệnh không đoàn đã tiên liệu rằng phải ngờ trước sự tổn thất ít nhất cũng 50%. Ước tính này hợp lý và mỗi người nhẫn nại chịu đựng với sự khắc kỷ hoàn toàn. Sau cùng, khi đỉnh núi Oahu bị sương mù phủ một lớp trên chóp, hiện ra trước những cặp mắt mệt nhọc của họ, thì bầu trời chẳng có chiếc phi cơ nào, không một chiến hạm nào hiện ra trên mặt biển phẳng lặng như tờ. Trạng thái bất động hoàn toàn này đã chứng thực cho sự chính xác của các dự liệu của Bộ Tư lệnh tối cao. Một từng cột buồm hiện ra ngay theo các đường quanh co trong Trân Châu Cảng, các thiết giáp hạm đậu thẳng hàng như những con vịt phô bày những cái sườn trống trải cho thuỷ lôi, các tuần dương hạm và phóng ngư lôi hạm bỏ neo từng cặp trong bến. Lợi dụng sự yên tĩnh của một ngày Chủ nhật đẹp trời và tuyệt đối không ý thức được nguy cơ đang đe doạ, cả hạm đội Mỹ hoàn toàn buông neo.


Đúng 7 giờ 55, Fushida phát hiện tấn công. Các oanh tạc cơ đâm bổ tách khỏi đội hình và nhào xuống hai phi trường trên đảo, trong khi các phi cơ phóng thuỷ lôi sà xuống sát mặt nước và phóng các quả đạn ra. Riêng phần lực lượng khu trục, che chở vì không thấy có đối thủ nào xuất hiện, cũng đã đâm xuống các nhà chứa máy bay và các cơ sở của hải cảng để tấn công bằng đại liên.


Đến 03 giờ 05, hãnh diện theo dõi diễn tiến tuyệt vời của cuộc tấn công, Fushida rải ra 10 toán oanh tạc cơ bay ngang để trút xuống hạm đội địch hàng chuỗi bom không dứt. Nhiệm vụ của ông từ lúc đầu gặp khó khăn vì hoả lực điên cuồng của một giàn cao xạ DCA đột nhiên thức tỉnh nhưng trái lại, được dễ dàng thêm sau đó nhờ các cột nước tung lên từ bên sườn các thiết giáp hạm. Gần như tất cả thuỷ lôi đều trúng đích và khói từ các đám cháy vạch rõ ràng các mục tiêu.


Khi chiếc oanh tạc cơ cuối cùng chấm dứt cuộc tấn công, Fushida ngắm nhìn quang cảnh bi hùng diễn ra bên dưới, rồi dùng vô tuyến điện thoại tập họp lại đội hình và ra lệnh cho tất cả quay về. Sau đó ông bay vòng núi Oahu chụp vài tấm hình và đợi đợt phi cơ thứ hai đã cất cánh lúc 8 giờ trên các mẫu hạm của Đô đốc Nagumo. 135 oanh tạc cơ khác đã hoàn tất cuộc tàn sát dưới sự che chở của 36 khu trục cơ.


Khi đợt tấn công thứ hai bay đến, hải cảng bị bao phủ bởi một màn khói dày đặc đến nỗi các phi cơ khó tìm ra mục tiêu. Fushida chỉ cho họ cứ theo ánh loé ra từ các giàn DCA là đúng các chiến hạm còn nguyện vẹn. Trong khi cuộc tấn công thu dọn chiến trường này diễn ra, ông có sư thì giờ và rảnh trí để ước tính số lượng nạn nhân.


Tất cả các thiết giáp hạm của hạm đội Thái Bình Dương kiêu hùng theo ông đều bị loại ra khỏi vòng chiến, các hầm chứa xăng đều bị bốc cháy cũng như hầu hết các phi cơ đậu rải rác trong sáu phi trường của Lục quân và Hải quân. Lớp khói quá dày đã ngăn không cho ông thấy những gì đã xảy ra cho các tuần dương và khu trục hạm bỏ neo rải rác trong nhiều cầu tầu khác nhau, nhưng chúng chỉ là các mục tiêu phụ được ghi trong các lệnh hành quân để ghi nhớ mà thôi.
 
Điểm đen duy nhất trong bức tranh về cuộc săn phi thường này là không có chiếc hàng không mẫu hạm nào có mặt tại đấy cả. Sự vắng bóng của chúng đã được các điệp viên báo trước, rồi được các phi vụ thám thính xác nhận. Đô đốc đã bỏ qua. Chắc chắn ông hy vọng có thể tấn công chúng trên mặt biển trong ngày, vì lúc đó mới có 10 giờ sáng.


Phi cơ của Fushida là chiếc cuối cùng đáp xuống mẫu hạm Akagi. Vị tư lệnh của không đoàn hỏi ngay tin tức những người vắng mặt, tổn thất đợt đầu vô nghĩa: một oanh tạc cơ đâm bổ, năm phi cơ phóng thuỷ lôi và một kế hoạch trục cơ. Tổn thất đợt nhì trầm trọng hơn: mười lăm oanh tạc cơ đâm bổ và sáu khu trục cơ, tổng cộng 27 phi cơ với phi hành đoàn 59 người. Người ta vẫn còn hy vọng vài người trong số đó được cứu sống nhờ các phi công phóng thuỷ lôi hộ tống được lệnh khám phá mặt biển xung quanh hạm đội địch. Trong thực tế, mối hy vọng này trở thành tuyệt vọng, tất cả các phi cơ vắng mặt đều bị hạ trên đảo (Tuy nhiên một phi công Nhật đã sống sót được ít lâu trên đảo nhỏ Nuhau nơi phi cơ anh ta rơi và cho ta một ví dụ điển hình về tinh thần kháng cự phi thường mà sau đó các người đồng hương của anh luôn luôn chứng tỏ. Được một người Nhật sống trên đảo cứu và săn sóc, anh ta thu hồi vũ khí và bắt được các người bản xứ tuân phục mình. Nhưng sau 8 ngày, một người Hạ Uy Di to lớn như Hercule bắt gặp thình lình anh ta sau vườn nhà nơi trú ẩn. Viên phi công nổ hết một băng đạn súng lục về phía người khổng lồ lúc đó đã ôm chặt được anh ta. Hai người lăn xuống đất trong một cuộc cận chiến man rợ, người Hạ Uy Di mặc dầu bị 2 viên đạn làm bị thương, cũng đập đầu được người Nhật vào một tảng đá đến vỡ sọ).


Khi Fushida báo cáo cho Đô đốc xong, vấn đề đặt ra là có thể tung ra một đợt tấn công mới nữa không, nhưng kết quả của hai đợt tấn công vừa qua tốt đẹp đến nỗi Đô đốc Nagumo cho rằng việc phơi bày không đoàn ra trước phản ứng của địch lâu hơn nữa là vô ích. Ông không còn được tin tức gì về các hàng không mẫu hạm của Mỹ nữa và cũng không nên coi thường mối đe doạ của tàu ngầm địch. Mặc cho ý kiến của Đại tá Genda, phụ trách hành quân, và của Fushida, người luôn luôn nhiệt tâm hành động, mong ước một chiến thắng vẹn toàn hơn nữa, Nagumo ra lệnh cho hạm đội quay về Nhật.


Quãng đường về không sinh ra chuyện gì. Cuộc tấn công vào căn cứ Hải quân nhỏ của Mỹ tại Midway, có trù liệu trong kế hoạch, bị huỷ bỏ vì thời tiết xấu. Nagumo tách hai trong số các mẫu hạm của ông và hai tuần dương hạm để hợp tác tấn công đảo Wake, còn hạm đội thì tiếp tục tiến về Kuré và đến đích ngày 22 tháng 12.


Tại đấy, đoàn chiến hạm được tiếp đón bằng sự vui mừng cuồng loạn của toàn dân. Chưa bao giờ trong lịch sử một chiến thắng hải quân có tính cách quyết định như thế lại được mang về với một giá ít ỏi như thế.


Tại Trân Châu Cảng, hải cảng và thành phố bày ra quang cảnh thảm đạm nhất. Bệnh viện tràn ngập người bị thương và vô số quan tài sáng rực dưới ánh nến thắp chung quanh dồn đống ngày càng nhiều. Tại Fort Island những sườn sắt của thiết giáp hạm cháy đen vì ngọn lửa còn nhả ra từng cuộn khói. Bảng kết toán kinh khủng được thiết lập như sau: Chiếc Arizona bị nổ tung làm chết 1.100 người trong số 1.400 thủy thuỷ, chiếc Oklahoma bị chìm, sống tàu đưa lên không đã trải qua một cơn hấp hối ghê rợn, chiếc California và chiếc West Virginia tránh khỏi bị lật úp nhờ sự khéo léo của các thuỷ thủ đoàn cấp cứu, nhưng không khỏi bị chìm sâu xuống đáy biển. Chiếc Nevada, chiếc thiết giáp hạm duy nhất toan tính nhổ neo cũng không tránh khỏi thất bại nên bị chìm ngay giữa lối ra vào hải cảng. Chỉ có hai chiếc Maryland và Tennessee, được cặp vào hai chiếc trên, là khỏi bị thuỷ lôi nên còn nổi trên mặt nước mặc dầu bị bom làm cho hư hại nặng. Riêng chiếc Pennsylvania, soái hạm của hạm đội Thái Bình Dương, cũng bỏ neo trong vịnh với hai khu trục hạm, nó chỉ bị trúng có một quả bom trong khi hai khu trục hạm thì biến thành hai đống sắt vụn.


Chiếc Pennsylvania-cùng với chiếc Colorado lúc ấy đang được sửa chữa tại San Francisco-là thiết giáp hạm duy nhất trong số chín chiếc của hạm đội Thái Bình Dương còn sử dụng được. Bảy chiếc khác thì hoặc vĩnh viễn mất luôn, hoặc lâm vào tình trạng bất khiển dụng trong nhiều tháng trời. Do đó hạm đội Nhật được rảnh tay để bình tâm áp dụng kế hoạch chinh phục nhắm vào các quần đảo phía nam Thái Bình Dương.


Cuộc oanh tạc ngày 7 tháng 12 không những chỉ làm mất bảy thiết giáp hạm, vài tuần dương và phóng ngư lôi hạm, cùng nhiều chiến hạm cơ xưởng, nó cũng loại hẳn phần lớn phi cơ và phi trường trên đảo Oahu. Không lực của Hải quân và của Thuỷ quân Lục chiến bị mất 196 phi cơ trên tổng số 250 chiếc. Lục quân 166 trên 231, không kể nửa tá pháo đài bay bị đánh bất ngờ khi đáp xuống. Buổi tối ngày rùng rợn đó, tại Oahu chỉ còn lại 119 phi cơ mà chỉ có một nửa là còn đôi chút tình trạng bay được.


Tổn thất về nhân mạng rất nặng nề: Hải quân có hơn 2.000 chết và 710 bị thương, Lục quân và Thuỷ quân Lục chiến 327 chết và 433 bị thương, thêm vào đó là chừng 70 nạn nhân thường dân.


Những giây phút sững sờ đã trôi qua, công cuộc cấp cứu được tổ chức và những người đàn ông còn mạnh khoẻ đã tận lực chiến đấu chống thần lửa và cấp cứu các người bị thương. Rồi các nhà chức trách bắt đầu tái lập lại công cuộc phòng thủ trên đảo, vì vô số nguồn tin trái ngược nhau đồn đại khắp nơi và ai cũng chờ đợi một cuộc đổ bộ của Nhật.


Cơn ác mộng này bị gạt bỏ mau lẹ. Ngoài các cuộc không thám của một số phi cơ còn lại bay đến nhập đoàn với các phi cơ của hàng không mẫu hạm Enterprise (Chiếc phi cơ tuần tiễu đầu tiên đã bị một giàn DCA nóng nảy bắn hạ lầm lúc nó bay đến Oahu), chiếc mẫu hạm này chở các khu trục cơ đến đảo Wake và trở về chậm trễ, cho biết không thấy chiến hạm nào của địch, tin loan báo về các cuộc đổ bộ của Nhật trên tất cả các quần đảo nam Thái Bình Dương cho các nhà cầm quyền thấy rõ rằng việc chiếm đóng Hạ Uy Di không được ghi trong kế hoạch tấn công hiện thời.
 
Cuộc điều tra

Sự xúc động do thảm kịch Trân Châu Cảng làm bùng lên tại Mỹ mạnh mẽ đến nỗi một trong những ưu tư đầu tiên của toà Bạch Ốc là chỉ thịt một cuộc điều tra sâu rộng ngay lập tức để xác định những sai lầm đã phạm phải và những người có trách nhiệm. Các uỷ ban điều tra, gồm nhiều sĩ quan cao cấp, tướng lĩnh của Lục quân và Hải quân, đến Trân Châu Cảng để thu thập bằng chứng và vẽ lại tỉ mỉ từng chi tiết các biến cố trong buổi sáng bi thảm của ngày 7 tháng 12. Các cuộc điều tra này được tiếp nối bởi một cuộc điều tra của Quốc hộikéo dài nhiều tháng và sử dụng hàng tấn giấy. Vì thế Morison, sử gia chính thức của Hải quân Mỹ mới nói, không có một biến cố quân sự nào ngay cả trện đánh Gettysburg hay trận đánh Jutland, lại là đối tượng của các loại tìm tòi kỹ lưỡng như vậy hơn cuộc không tập tại Trân Châu Cảng. Không những chỉ diễn tiến của biến cố được tái lập lại từng phút, mà nhiều sơ xuất về phía Mỹ, khiến cho Nhật có thể chiến thắng sấm sét được, cũng được moi móc ra và được phân tách tỉ mỉ.


Tình trạng thiếu chuẩn bị của quân lực Mỹ bắt nguồn từ ý chí chung của dân tộc và của các nhà lãnh đạo Mỹ muốn đứng ngoài vòng chiến tranh, và trong khuynh hướng tự nhiên của con người là thoả mãn lòng ham muốn của mình thay vì chú ý đến những hoàn cảnh thực tại. Chính sách con đà điểu được áp dụng từ thượng tầng đến hạ tầng và điều này phần nào đã giải thích được sự chậm trễ của nhiều cơ cấu khác nhau của Bộ Tổng tư lệnh khi bắt đầu chuyển động. Các cơ cấu này, vốn ở trong tay các sĩ quan có trình độ kỹ thuật và trí thức có thể so sánh được với các đồng nghiệp của họ, thật ra cũng đã có thể mở mắt sớm hơn nếu những tin tức được chuyển đến họ kịp thời và dưới hình thức mong muốn-nhất là khi mà một vài tin tức ấy lại được thu thập một cách hữu hiệu nhờ các phương thức mới mà địch không hề nghi ngờ gì.


Các phương thức này do người Anh sáng chế ra, và Churchill, trong mục đích lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc chiến, đã thông báo cho Roosevelt để ông này giúp kỹ nghệ hoá chúng. Một trong các khám phá mới lạ ấy là máy rada mà người Anh lần đầu tiên hoàn tất từ đầu cuộc chiến, một sáng chế mới khác là “Hệ thống kỳ ảo”, hay là bộ nhớ máy mở khoá mật mã, mà công cuộc chế tạo cực kỳ phức tạp đã được một nhóm chuyên viên hỗn hợp Anh-Mỹ thực hiện. Hai phương thức này đã giúp cho phía Anglo-Saxon có một ưu thế đè bẹp đối với đối phương cả hai đều đã sẵn sàng được đưa ra sử dụng từ tháng 12 năm 1941 và đã cung ứng một cách hữu hiệu những tin tức quan trọng hàng đầu, nhưng đã không được khai thác kịp thời do khiếm khuyết thuộc về cơ cấu kiến trúc các cơ sở tình báo và do sự điều hành kém cỏi của các bộ tham mưu thuộc các bộ tư lệnh các cấp.


Khiếm khuyết liên quan đến kiến trúc các cơ quan tình báo không những chỉ làm tê liệt sự khai thác các phương thức sáng chế mới, chúng ta sẽ thấy rằng chúng đã xen lẫn vào trong tất cả các guồng máy cổ điển nhất, chẳng hạn như sự truyền đi các dấu hiệu báo động bằng phương tiện quang học hay vô tuyến. Các khiếm khuyết ấy còn chịu trách nhiệm cả một phần nào về sự thụ động lạ kỳ mà các Bộ Trưởng Hải quân và Tổng trưởng Chiến tranh đã chứng tỏ cũng như các bộ tham mưu của họ trong thời gian vài giờ trước và sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 12 của Nhật Bản. Thật vậy, dường như các cơ sở tình báo và các vị chỉ huy chúng đã bị mất tín nhiệm trong các giới chính quyền và trong Bộ Tổng tư lệnh tối cao đến nỗi tất cả những gì họ nói ra đều không hề được coi làm trọng.


Sai lầm trong việc chuyển đi, tập trung, kiểm soát và chuyển giao trong thời hạn và dưới các hình thức chấp nhận được như thế, các tin tức có lợi ích sống còn (trong đó một số có thời gian rộng rãi đủ để được khai thác hữu ích) đã bị thất lạc trong cái mê cung thuộc các cấp trung gian giống như nước của một con suối mất hút trong cái sa mạc.


Từ đầu chương này, chúng ta đã thuật lại quang cảnh diễn ra tại toà Bạch Ốc khi những tiếng vang đầu tiên của các quả bom tại Trân Châu Cảng được đưa đến. Phản ứng điềm nhiên của Tổng thống Roosevelt có hai nguyên nhân: Nguyên nhân đầu tiên chính là vì đêm hôm trước (6 tháng 12), ông đã được báo động về tính cách cấp bách của một cuộc tấn công xâm lăng nhờ việc đọc được một giác thư của Nhật gửi cho viên Đại sứ tại Hoa Thịnh Đốn vốn đã đánh thức nơi ông những kinh nghiệm lịch sử, khiến cho tin tức về cuộc tấn công thật sự không làm cho ông kinh ngạc hoàn toàn; nguyên nhân thứ hai chính là vì ông tin rằng bản giác thư ấy đã được chuyển cho các Tư lệnh Lục quân và Hải quân và ông nghĩ rằng những người này đã phải cho thi hành các biện pháp cần thiết để có thể đối đầu với tình thế một cách tốt đẹp nhất.

Thế mà thực tế đã không phải như vậy. Chúng ta sẽ thấy tại sao.

Tại Hoa Thịnh Đốn, cơ sở “Magic”, với bộ máy Purple được hoàn tất, đã thành công trong việc giải được các mật mã ngoại giao của Nhật-loại mật mã khó nhất so với tất cả các loại khác. Nhưng vì số chuyên viên ít quá, cơ sở này được Lục quân và Hải quân thay phiên nhau điều động từ một đến hai ngày.
 
Ngày 6 tháng 12, chính Hải quân có nhiệm vụ giải mật mã và ghi lại hoàn toàn các điện văn bắt được. Thật là một gánh nặng trong ngày hôm đó? Đông Kinh đã loan báo cho Đại sứ Nhật tại Hoa Thịnh Đốn rõ việc chuyển đến mười ba đoạn đầu của một giác thư mười bốn đoạn, đoạn thứ mười bốn được chậm lại một ngày chưa xác định.

Vì rõ rệt đó là một tài liệu tối quan trọng, chuyên viên giải mật mã bắt tay vào việc ngay khi vừa nhận được.


Đến 21 giờ, công việc hoàn tất. Các bản sao được phân phối và một sĩ quan thuộc cơ sở Truyền tin của Hải quân mang một bản đến toà Bạch Ốc. Tuỳ viên hải quân liền trình lên cho Tổng thống lúc ấy đang vừa ăn tối xong. Ông đọc mười ba đoạn của giác thư và mặc dầu nói chung, chúng có vẻ hoà dịu, chi tóm lược tại các trọng điểm được các đại biểu toàn quyền Nhật, Nomura và Kurusu, phát biểu nhiều lần trong các buổi thương nghị, Tổng thống hướng về Harry Hopkins thì thầm: “Lần này, tất là chiến tranh rồi!”. Rồi ông gọi điện thoại cho Đô đốc Stark, tư lệnh Hải quân. Người ta trả lời là Đô đốc hiện đang ở Học viện Quốc gia, nhưng có thể đi tìm ông ta. Tổng thống bác bỏ đề nghị này và giải thích với Hopkins rằng ông sợ sự ra về đột ngột của Stark ngay giữa một dạ hội, khi ông ta ngòi ngay lô hạng nhất, sẽ báo động các khán thính giả một cách vô ích. Chắc chắn là ông ta có một bản sao giác thư này khi ông ta quay trở lại văn phòng, nghĩa là trong vòng không đầy một giờ nữa.


Dự kiến lạc quan này đã không xảy ra, Stark sẽ đi thẳng về nhà và ngủ luôn. Chiếc phong bì chứa bản giác thư được trao cho Bộ Tham mưu Hải quân mà không có một ghi chú nào đặc biệt, và được viên trưởng phòng hành quân mở ra, nhưng vì đây là một “tài liệu ngoại giao”, bản văn được gửi cho Đô đốc chỉ được để vào tập công văn đến thông thường. Diễn tiến ấy cũng được noi theo từng điểm một tại Tổng hành dinh của tướng Marshall, Tư lệnh Lục quân, và vì phong bì không để lại một dấu vết đặc biệt nào, không một ai có ý định làm phiền ông Tướng.


Hôm sau là một ngày chủ nhật, cả Đô đốc lẫn Đại tướng không ai đến sở sớm, nhất là Đại tướng vì ông vẫn có thói quen đi dạo bằng ngựa dọc theo bờ sông Potomac vào ngày chủ nhật.


Tại Bộ tham mưu, dầu sao người ta cũng bắt đầu lo ngại và đến 9 giờ, một tuỳ phái được lệnh đi tìm ông. Anh ta không tìm thấy và trở về tay không. Sau cùng mãi đến 11 giờ 15-sau khi về nhà, tắm rửa-Đại tướng mới đến văn phòng.


Trong khoảng thời gian đó, đoạn thứ mười bốn của bản giác thư đã được nhận và được giải mật mã-một đoạn trọng nổ tung, bởi vì nó được chấm dứt bằng câu đe doạ này: Chính phủ Nhật lấy làm tiếc lưu ý chính phủ Mỹ rằng, vì thái độ của Mỹ, Nhật bắt buộc phải coi như không thể nào tiến tới sự thoả hiệp bằng cách tiếp tục thương thuyết.


Ít lâu sau quả bom này, một trái khác lại được đưa đến dưới hình thức một công điện ra lệnh cho Đại sứ Nhật tại Hoa Thịnh Đốn phá huỷ ngay lập tức các máy móc mật mã cũng như tất cả các tài liệu mật và ấn định đến 13 giờ (giờ Hoa Thịnh Đốn) sẽ cho chuyển lại đoạn mười bốn của bức giác thư.


Sau khi đọc đi đọc lại tài liệu này, Tướng Marshall với các cộng sự viên chính yếu bao quanh, cho thảo một điện văn chung cho tất cả các Tư lệnh quân sự tại chiến trường Thái Bình Dương, trong đó ông tóm tắt nội dung các điện văn của Nhật, đoạn ra lệnh cho họ “sẵn sàng trong thế báo động”.


Trước khi ký, ông thay đổi ý kiến và gọi điện thoại cho Đô đốc Stark để hỏi ông này có định làm như vậy không. Nhưng Stark bác bỏ đề nghị này. Các Đô đốc Kimmel, tại Trân Châu Cảng, và Hart, tại Phi Luật Tân, hoàn toàn biết rõ tình hình. Tài liệu ngoại giao này không mang lại một yếu tố quân sự mới mẻ nào. Nếu cứ lạm dụng lệnh báo động, rốt cuộc chẳng ai thèm quan têm đến nó nữa. Nhưng ông không thấy có gì bất tiện việc các nhà chức trách Lục quân thông báo cho các Tư lệnh Hải quân bản điện văn này khi học nhận được.


Marshall gác máy, thêm một đoạn bổ túc theo chiều hướng đó vào công điện, và giao cho viên Đại tá đặc trách tình báo tại Viễn Đông để mã hoá và chuyển đi ngay. Ông không hề nghĩ đến việc sử dụng chiếc máy điện thoại đặc biệt “loại trộn lẫn” đặt thường trực cho các giới chức sử dụng để được mau lẹ hơn bởi vì-cũng như phần đông các cộng sự viên-ông ghé bỏ một cách lộ liễu khám phá mới này vốn bị ông coi như hoàn toàn không được kín đáo. Ông đành nhấn mạnh vào chữ “ngay lập tức” mà ông lặp đi lặp lại nhiều lần.


Nói thì dễ hơn làm nhiều! Một khi điện văn được mã hoá cẩn thận, công việc này đòi hỏi một giờ vì chữ viết của ông Tướng như mèo quà, vấn đề đặt ra cho các nhân viên chấp hành là làm cách nào để chuyển bức điện văn đi. Bằng vô tuyến điện? Lục quân chỉ có một máy phát 10 kw mà từ sáng sớm đã cố bắt liên lạc với các đơn vị tại Viễn Đông nhưng không được. Hải quân thì có những máy mạnh hơn, nhưng trên Thái Bình Dương có những khu vực im lặng đặc biệt chung quanh Hạ Uy Di. Như vậy chỉ còn lại đường dây liên lạc thương mại vốn có nhiều trạm tiếp vận nhưng chắc chắn hơn và nói chung thì mau hơn. Người ta dùng chính đường dây liên lạc này.
 
Rủi thay, hôm ấy đường liên lạc này lại rất bận. Và tại Honolulu, để làm cho sự rủi ro thêm toàn vẹn, chiếc máy viễn ấn đảm bảo sự liên lạc giữa nhà bưu điện và bản doanh của Fort Shafer tại Oahu lại bị hư hỏng. Sau cùng, để đến được tay người nhận chính thức, Tướng Short, Tư lệnh lực lượng quân sự tại Hạ Uy Di, bức điện văn của Tướng Marshall đã phải mượn chiếc sắc cốt đáng thương hại của một tiểu bưu lại với chiếc xe đạp, bị chen lấn trong các đám đông cản lối và bị chặn bởi các nhân viên phòng vệ dân sự vì anh ta là một người Nhật, và điện văn ấy đã chỉ đến được tay người nhận một tiếng rưỡi đồng hồ sau khi hạm đội Mỹ bị tiêu diệt.


Thế còn chuyện gì đã xảy ra tại Hạ Uy Di, trong lúc các cấp chỉ huy tối cao của Lục và Hải quân Mỹ do dự về các quyết định phải ban hành, khiến cho các cơ sở tình báo, lẫn các đài rada, lẫn các cuộc không thám đều không báo trước được cho các giới chức hữu trách địa phương về cuộc tấn công của Nhật sắp xảy đến cấp kỳ?


Bảng liệt kê thứ tự các biến cố theo thời gian được uỷ ban điều tra của Thượng viện tỉ mỉ nêu ra, có thể cho chúng ta một lời giải thích:

Tại Hạ Uy Di, cơ sở phản gián do Tướng Bicknell chỉ huy đã khám phá ra được một cuộc điện đàm đúng ngay trên đường dây điện thoại thương mại giữa Honolulu và Đông Kinh tối nàgy 5 tháng 12. Cuộc điện đàm xuất phát từ một nha sĩ Nhật sống trên đảo ông ta gọi cho Nhật báo Yomiuri Shimbu để nói chuyện này chuyện nọ; đặc biệt là về sự hiếm hoi của loại cây có hoa, ngoại trừ cây dâm bụt và cây cúc vàng Nam Mỹ thì trái lại nở hoa rất đẹp. Ngay sau khi được thông báo cuộc điện đàm đáng nghi này. Tướng Bicknell đến bộ tham mưu và xin được gặp riêng Tướng Short, Tư lệnh Lục quân tại Hạ Uy Di. Ông này đã tiếp ông ngoài cửa văn phòng. Lúc đó là 18 giờ 30 và vợ ông ta đang chờ dưới kia vì họ phải đi dự một buổi dạ tiệc. Ông ta đã rất trễ giờ và tỏ dấu hiệu nóng nảy khi nghe câu chuyện hoá dâm bụt. Ông ta chấm dứt cuộc tiếp xúc bằng cách nói với Bicknell rằng dầu sao “đêm nay cũng đã quá khuya và rằng ông ta sẽ suy nghĩ lại”.


Vốn đã bị khiển trách một đôi lần vì làm rối trí thượng cấp một cách vô ích, Bicknell không dám khẩn nài thêm.


Trong khi dự tiệc, Tướng Short tự trách mình đã đuổi khéo Bicknell như thế. Cuộc nói chuyện bị ngắt ngang có thể có tương quan với các chiến hạm hiện diện trong Trân Châu Cảng lắm chứ. Nhưng ông lại không đảm trách vấn đề an ninh cho hạm đội. Đó là việc của Đô đốc Kimmel, vốn cũng có cơ sở tình báo riêng và đoàn thủy phi cơ thám sát. Ông tin rằng Đô đốc chắc phải biết rõ vị trí chiến hạm Nhật mà nhất cử nhất động đều được nhiều nguồn tin thông báo cho ông ta. (Tướng Short lúc đó không biết rằng phòng nhì của hạm đội Thái Bình Dương từ hai hôm nay đã mất dấu những hàng không mẫu hạm Nhật). Kimmel lại không đến dự dạ tiệc. Ông ta đi ngủ sớm sau một ngày mệt đứt hơi. Ngày mai báo cho ông ta cũng còn kịp.


Lúc 3 giờ 50 sáng hôm sau, chiếc tàu rà mìn Condor đang tuần tiễu bên ngoài tầm lưới chắn ngang lối vào hải cảng, tin chắc là đã thấy một kính tiềm vọng nhô lên trước mũi. Nó lập tức báo ngay cho chiếc khu trục hạm Ward có nhiệm vụ canh phòng ngoài khơi. Chiếc Ward chạy về phía kính tiềm vọng đáng nghi, nhưng không nghe gì cả, phải hỏi chiếc Condor các chi tiết chính xác. Một cuộc đàm thoại vô tuyến diễn ra giữa hai chiến hạm và được đài truyền tin Trân Châu Cảng nghe rõ mồn một. Nhưng vì không có chiếc nào trực tiếp nói với đài, hiệu thính viên đành chỉ biết ghi âm lại. Nhiều cuộc báo động hụt loại này xảy ra bất thường. Người chuyên viên nghĩ là không cần phải báo cáo cho thượng cấp làm chi.


Đến hừng đông, ba chiếc thuỷ phi cơ thám sát cất cánh lúc 6 giờ 26, một chiếc bay trên một cơ xưởng hạm đang tiến vào lối vào hải cảng, cánh cửa tàu mở rộng. Chiếc khu trục hạm Ward, tiếp tục cuộc tìm kiếm, chạy băng qua luồng sóng của chiếc tàu sửa chữa và rất ngạc nhiên thấy khói bốc lên từ một chiếc phao vừa được chiếc thuỷ phi cơ ném xuống. Tất cả những người canh đêm đều quan sát mặt biển về phía chiếc phao nhả khói và một người đã thấy được một vật đáng nghi giống như chiếc tháp của một tàu ngầm bỏ túi. Lập tức chiếc Ward chạy đến và khai hoả. Đến lượt chiếc thuỷ phi cơ thả bom. Lúc ấy khu trục hạm Ward mới báo cáo cho đài truyền tin tại Trân Châu Cảng: “Chúng tôi đã tấn công một tàu ngầm hiện diện trong khu vực cấm lai vãng”.


Lần này, tín hiệu được trực tiếp gửi đến, hiệu thính viên đài truyền tin Trân Châu Cảng chuyển cho sĩ quan trực, người này lại trình lên thượng cấp qua các cấp chỉ huy theo hệ thống.


Nhưng hệ cấp này quá dài và các cấp chỉ huy khác nhau của Bộ tư lệnh tỏ ra đặc biệt nghi ngờ. Câu chuyện tàu ngầm xuất hện tại lối vào hải cảng có vẻ hoạt kê quá. Hơn nữa, đây là một sáng chủ nhật, và giờ này chưa có ai tỉnh giấc cả.


Mãi đến 7 giờ 30, Đô đốc Kimmel mới được báo tin. Ông đang mặc áo quần để đi lễ và đành chỉ ra lệnh chỉ ra lệnh cho chiếc Ward tiếp tục tìm kiếm và báo cáo kết quả cho ông. Ám hiệu của chiếc Ward đối với ông có vẻ biểu dương trí tưởng tượng phong phú nhất. Ông có vẻ bực tức hơn là xúc động. Sau một cái liếc mắt cuối cùng vào trang phục, ông bước ra bãi cỏ của ngôi biệt thự xa hoa và sửa soạn đến nhập đoàn với các sĩ quan cao cấp đang cùng vợ con chờ đợi về tháp tùng ông đến nhà thờ.

Lúc ấy là 7 giờ 55. Vài giây sau, những tiếng động vẳng lại. Nhiều cột khói bốc lên từ hải cảng và lập tức nhiều tiếng nổ vang lên tiếp theo sau.


Đô đốc nhảy vào chiếc xe và chạy hết tốc lực về văn phòng Bộ tham mưu. Ông phải mất 20 phút mới qua khỏi đoạn đường ngổn ngang người chạy trốn và xe chữa lửa. Khi ông đến hải cảng, tiếng động chát tai của bom nổ tạm ngưng, nhưng tất cả các thiếp giáp hạm của ông thì đang bốc cháy, chìm xuống nước hay bị hư hỏng tan nát.
 
Câu chuyện tàu ngầm này có vẻ rất hoạt kê và thật vậy nó rất hoạt kê. Nó đã chứng tỏ rằng kế hoạch của Nhật, mặc dầu được soạn thảo tỉ mỉ, cũng bị nhiều kẽ hở mà Bộ tư lệnh Mỹ lẽ ra đã có thể lợi dụng được. Bức điệnt ín sau cùng mà ông lãnh sự gỉ Morimura, được đánh đi qua trung gian của ông nha sĩ, là một lầm lỗi, vì nó có thể thức tỉnh đối phương. Nhưng ít ra nó cũng còn cho phép bật đèn xanh cho Đô đốc Nagumo khi xác nhận với ông ta rằng có các thiết giáp hạm trong hải cảng. Tấn công hải cảng bằng một toán tàu ngầm bỏ túi là một lỗi lầm thứ hai, và trầm trọng hơn, bởi vì nó tạo thành một sai lầm chiến thuật có thể làm hỏng nỗ lực chính nhất là khi nó không được chuẩn bị kỹ.


Không có thuỷ thủ nào của chiếc Condor lẫn chiếc Ward lại mơ ngủ cả khi họ báo hiệu thấy khi thì một tiềm vọng kính, khi thì một tháp tàu ngầm. Quả thật kế hoạch Yamamoto đã có trù liệu một cuộc tấn công các thiết giáp hạm buông neo trong Trân Châu Cảng bằng một nhóm năm tàu ngầm bỏ túi được các tàu ngầm mẹ trang bị đặc biệt mang đến tuyến xuất phát.


Trong thực tế, Đô đốc chỉ còn hối tiếc cho cuộc tấn công cầu âu này, cuộc tấn công khó mà diễn ra đồng thời với cuộc tấn công của phi cơ. Tuy nhiên ông đã phải nhượng bộ áp lực của ông Bộ trưởng Hải quân khi ông này nại ra các lý do tâm lý. Sự sử dụng độc có phi cơ sẽ tạo ra ganh tỵ. Đặc biệt các quân nhân phục vụ dưới tàu ngầm, những người từ lâu đã nghiên cứu khả năng tấn công các chiến hạm đang bỏ neo bằng các tàu ngầm bỏ túi, đột nhiên thấy mình bị chiếm đoạt mất con ngựa chiến có hy vọng hơn cả. Yamamoto không muốn cho họ bị nhục và chấp thuận cho nhóm ưu tú này của Hải quân danh dự được hy sinh tối thượng cuộc tấn công đầu tiên mở màn cuộc chiến tranh.


Bởi vì đây chính là một sứ mạng tự sát đầu tiên. Mười chiếc tàu ngầm nhỏ ấy có tầm hoạt động không đủ để trở về tàu ngầm mẹ nữa kìa. Năm chiếc tàu ngầm mẹ há chẳng phải bị đe doạ vì địch trông thấy nếu chúng nổi lên mặt nước ngay giữa ban ngày lúc ở quá gần Trân Châu Cảng hay sao ? Hơn nữa, những hiểm nguy bị ném lựu đạn chống tàu ngầm hoặc cả bị mắc cạn nữa, đã không cho thấy gần như một cơ may chiến thắng nào cả.


Cơ may thành công của chính cuộc tấn công cũng không mấy lớn lao, cuộc hành quân không biểu dương một lợi ích quân sự nào cả. Trái hẳn lại, nó đe doạ làm hỏng hiệu quả của sự bất ngờ. Quả thật đó là điều đã xảy ra và nếu không có sự chậm trễ khó tin của việc chuyển đi các tín hiệu báo động từ chiếc Condor, Bộ tư lệnh Mỹ đã có thể được biết tin trước trong khoảng từ 4 đến 5 giờ sáng-Nghĩa là hơn 3 giờ trước khi cuộc tấn công bắt đầu-rằng có một cái gì bất thường đang xuất hiện. Do đó có đủ thì giờ để cho các các khu trục cơ cất cánh, để lắp đạn cho các giàn cao xạ DCA, trên mặt đất và trên chiến hạm, để phân tán tất cả phi cơ trên mặt đất và để tăng cường sự theo dõi màn ảnh rada. Có lẽ cuộc tấn công của Nhật sẽ không giảm phần chí tử nhưng nó cũng bắt quân Nhật phải trả trá đắt.


Mới cách đó ít lâu Oahu cũng được trang bị các rada trên đất liền-thêm vào các giàn rada của các thiết giáp hạm vốn sẽ không thấy gì khi đậu trong lòng chảo. Nhưng đây là một kiểu mới, nhân viên không được huấn luyện kỹ, và ít quá; đèn để thay thế thì hiếm hoi và mệnh lệnh tiết kiệm gắt go đã được ban hành. Dầu vậy, bất chấp những thiếu sót, những giàn máy tuyệt vời này đã hoạt động hoàn hảo và đã khám phá được không đoàn của Fushida lúc còn cách xa 200 cây số. Tại đây cũng lại chính vì tổ chức chuyển lệnh báo động kém cỏi quá đã làm cho Bộ tư lệnh không nhận được tin tức cốt yếu này.


Cuộc phiêu lưu của các binh nhì thuộc sở Truyền tin Lục quân, tốt nghiệp chuyên viên rada tạm thời Joseph Lockard và George Elliot, vẫn thường được kể lại với đôi chút tưởng tượng thêm vào. Chúng ta sẽ nhắc lại một cách tóm tắt thôi bởi vì nó là một tổng hợp điển hình nhất của các thiếu sót khác nhau thuộc lĩnh vực cơ cấu tổ chức vốn đã làm tê liệt hẳn hệ thống ra lệnh báo động trong buổi sáng hôm đó.


Tướng Short có trong tay năm trạm rada được thiết lập rải rác trên các đỉnh núi cao thuộc đảo. Cho rằng bình minh là thời gian mà cuộc tấn công đáng sợ nhất, ông đã ra lệnh vì các lý do, tiết kiệm vật liệu, rằng sự canh chừng thật sự sẽ chỉ được thực hiện từ 4 giờ đến 7 giờ, tức là hai giờ trước bình minh và một giờ sau đó. Một buổi huấn luyện ngắn sẽ được tổ chức tiếp theo đó từ 7 giờ đến 8 giờ, nhưng vì ngày 7 tháng 12 là một ngày chủ nhật và vì hôm ấy không có máy bay cất cánh, cho nên năm trạm rada sẽ chấm dứt sự canh chừng vào lúc 7 giờ.


Mỗi trạm rada có đường liên lạc điện thoại với Trung tâm Tin tức của Fort Shafter. Hôm đó một sĩ quan không quân, trung uý Kermit Tyler, là sĩ quan trực. Ông có một bản đồ lớn treo tường để định vị trí và một tổng đài điện thoại nối liền với tất cả phi trường trên đảo và các bộ chỉ huy hành quân khác. Như thế đồng thời vừa là quá nhiều vừa là quá ít. Quá nhiều vì chỉ một bộ chỉ huy cũng đủ với điều kiện là phải đặt cạnh Trung tâm Tin tức và hoạt động thích nghi. Quá ít bởi vì Trung tâm Tin tức cô lập ấy lại chỉ được giao cho một trung uý không quân trẻ tuổi vô thẩm quyền chịu trách nhiệm.
 
Trong số năm trạm rada hoạt động tại Oahu, có một trạm được thiết trí tại một địa điểm rất thích hợp: trạm Opana, nằm trên một ngọn đồi cao 250 thước phía tây bắc đảo và hướng nhìn chiếu thẳng ra khơi. Chính hai binh sĩ Lockard và Elliot có mặt trong trạm này.


Cuộc canh chừng lâu 3 giờ của họ trôi qua mà không có chuyện gì lạ: không một chiếc máy bay, một chiếc tàu nào xuất hiện làm rối mặt kính được chiếu sáng như ánh trăng.


Đến 7 giờ, Lockard sửa soạn tắt máy, nhưng Elliot vốn ít được huấn luyện hơn bạn, xin tiếp tục cuộc canh chừng với hy vọng bắt gặp được các phi cơ vận tải thông thường sắp đến giờ bay đến, Lackard chấp thuận và đứng dậy để chân cẳng giãn gân, nhưng gần như ngay lúc đó người bạn goi anh: “này, anh nhìn coi, có cái gì kìa“.


Lockard nghiêng người qua vai Elliot và thấy một nhóm điểm sáng mà số lượng mỗi giây một nhiều. Anh không tin vào mắt mình nữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một đoàn phi cơ quan trọng đang bay hết tốc lực đến gần và cách 180 cây số về phía bắc đông bắc. Anh nhảy chồm đến chiếc điện thoại và gọi Trung tâm Tin tức của Fort Shafter. Một binh sĩ trả lời anh và bảo rằng anh ta có một mình, phiên trực đã chấm dứt. Nhưng trung uý Tyler, lúc đó chưa bỏ đi, nhấc ống liên hợp lên nghe. Giọng của người đối thoại càng lúc càng lo âu. Tyler ghi lại các chỉ dẫn vừa được chuyển đến: vị trí, đường bay và tốc độ phi cơ đáng nghi. Có một lúc mối nghi ngờ của ông bị lung lay. Thế rồi tâm trí ông lại được soi sáng: ông nhớ có thoáng qua một hiệu lệnh phát đi từ đài truyền tin KGMB tại Oahu nói rằng, một đoàn pháo đài bay từ Mỹ sẽ bay đến lúc 8 giờ. Chắc chắn đoàn phi cơ đã bay quá lên phía bắc và giờ đây chuyển về hướng nam về phía phi trường Hickam. “Đừng lo“ ông nói với Lockard, “đừng nghĩ đến chuyện đó nữa!“


Vốn là một binh sĩ tận tâm, Elliot tiếp tục theo dõi đoàn phi cơ trên mặt kính rada. Đối với anh đây là cơ hội độc nhất để tự học hỏi. Đúng 7 giờ 30 đoàn phi cơ chỉ còn cách xa 80 cây số, 10 phút sau nó biến mất trong vùng rối loạn vì núi non. Anh tắt máy, ngắt điện rồi bước ra khỏi ngưỡng cửa để cùng Lockard chờ chiếc xe trực lên chở họ xuống. Trên đường đi xuống phía Trân Châu Cảng, họ gặp các binh sĩ bộ binh vũ trang đi ngược chiều. Kìa, họ nghĩ, vậy ra có cuộc thực tập sao?


Không, đấy không phải là một cuộc thực tập. Bom đã rơi xuống Fort Shafter. Trân Châu Cảng bị khói bao phủ. Hạm đội Thái Bình Dương không còn nữa.

Một giờ rưỡi sau cơn tai biến, khi người bưu lại nhỏ bé của Honolulu chuyển đến được tận tay người nhận bức công điện của Marshall, cử động đầu tiên của Tướng Short là giận dữ xé tan bản văn ấy. Nó được soạn thảo như sau: “Hôm nay lúc 1 giờ trưa (giờ Hoa Thịnh Đốn) người Nhật có chuyển giao cho chúng ta một công hàm mà trong thực tế là một tối hậu thư. Họ cũng đã nhận được lệnh phá huỷ lập tức các máy móc mật mã của họ. Chúng tôi chưa rõ ý nghĩa chính xác của phần thêm vào liên quan đến giờ giấc, nhưng dầu sao ông cũng hay ra lệnh báo động. Hãy thông báo các chỉ thị này cho các cấp chỉ huy Hải quân. Ký tên: Tướng George Marshall”.


Nếu nhận được các tin tức này trong đêm trước, chắc chắn là có thể tránh được cuộc tàn sát ghê rợn rồi. Bị chìm ngập bởi những công việc hoả tốc như ông, Short không có thì giờ tìm hiểu bí mật của sự chậm trễ luôn năm tiếng rưỡi đồng hồ để hoàn thành việc chuyển đi bức điện văn này, nhưng khi đã bình tĩnh trở lại, ông tìm thấy lại điện văn ấy và cẩn thận giữ bên mình.


Than ôi, chắc nó không hữu ích gì cho ông trong cuộc điều tra những kẻ có trách nhiệm cả. Thật vậy Short sẽ cùng với Kimmel là những nạn nhân đầu tiên của sự thanh lọc sau cơn tai biến. Không ai quan tâm đến các luận cứ của họ, và trong hoàn cảnh bị thất sủng, họ cay đắng biết rằng các thượng cấp trực tiếp của họ-Marshall và Stark-vẫn còn ngồi lại ghế của mình.


Chắc chắn là Roosevelt đã phán xét, cũng như về sau người kế tục của ông J.F.Kennedy phán xét tiếp theo sau sự thất bại tại vịnh Con Heo ở Cuba, nơi mà quân đội và các cơ quan tình báo của Mỹ đã dồn dập vấp phải các lỗi lầm cùng loại, rằng trong vụ thê thảm này có quá nhiều người để khiển trách.
 
Kế hoạch miền Nam

Hạm đội liên hợp

Với một thái độ trầm tĩnh tuyệt đối của một tay chơi bài Poker, mà ông là một người sành sỏi thật, Đô đốc Isoroku Yamamoto, tư lệnh “Hạm đội liên hợp” của Nhật, không chờ kết quả của vố tấn công táo bạo vào Trân Châu Cảng, đã cho áp dụng ngay kế hoạch miền Nam, một kế hoạch mà các chi tiết được qui định trước các chi tiết liên quan đến cuộc không tập căn cứ Hải quân Mỹ rất lâu.


Vốn là đối tượng của vô số các cuộc nghiên cứu tham mưu, kế hoạch này đã hoàn thành sau các thất bại đầu tiên tại Trung Hoa khiến cho hy vọng vào một chiến thắng mau lẹ bị dập tắt! Rõ ràng là Nhật Bản không thể nào chịu đựng được một chiến tranh lâu dài vì cuộc kháng chiến của Trung Hoa đã không cho phép khai thác các lãnh thổ chinh phục được. Để có thể đập tan các cuộc kháng chiến này, điểm chủ yếu là phải có thể cung cấp gạo cho binh sĩ và nhiên liệu để tiếp tế. Còn đâu khác hơn? Nghĩa là trong các quần đảo giàu có tại Đông Nam Á từng được khai thác tận tình bởi các kẻ xâm lăng tây phương từ nửa thế kỷ qua. Kế hoạch miền Nam được thiết lập tỉ mỉ chính là để chiếm hữu các nguồn tài nguyên này của người Tây phương.


Trái với kế hoạch xâm chiếm Trung Hoa vốn thuộc thẩm quyền riêng biệt của Lục quân, kế hoạch miền Nam chủ yếu lệ thuộc vào “Hạm đội liên hợp”.

Danh xưng “Hạm đội liên hợp” không mới mẻ gì. Nó đã có một tiền lệ vinh quang. Chính đó là danh hiệu được đặt cho hạm đội của Đô đốc Togo năm 1904, người chiến thắng trận Port Arthur và trận Tsoushima lừng danh sau đó. Yamamoto thường được so sánh với vị tiền nhiệm trứ danh, cũng có các đức tính của một Tư lệnh đại đơn vị y như bậc tiền nhiệm, và cũng giống như ông ta, ông có cái thiên phú hiếm có làm cho thuộc viên yêu mến mặc dầu vẫn đòi hỏi họ một sự phục vụ tận tuỵ vô bờ bến. Nhưng chính tại đấy, nghĩa là trên bình diện con người, đã có sự khác biệt giữa hai nhân vật.


Trước hết về phương diện thể chất, họ không giống nhau. Togo là một người mảnh khảnh, vẻ mặt khổ hạnh mà cái nhìn sâu sắc phản chiếu năng lực tiềm tàng và sự chừng mực. Yamamoto cũng giống như ông ta, có một tầm vóc trung bình nhưng thể chất vạm vỡ hơn. Thói quen tập thể thao đã khiến toàn thể bắp thịt của ông mềm dẻo và mạnh mẽ hơn. Khuôn mặt tròn của ông rạng rỡ nhờ cặp mắt linh động thường như tươi cười và biến đổi mau lẹ đến lạ lùng. Ký ức của ông thật phi thường và ngoài kiến thức rộng rãi như một bách khoa tự điển sống, ký ức ấy khiến ông có khả năng nhớ mặt người cực kỳ dễ dàng. Ông được mọi con tim trìu mến nhờ sự chăm sóc mà ông dành cho mỗi người và đối đãi với thuộc viên với thái độ thẳng thắn tự nhiên như người nhà. Đấy là một con người hành động mà đức tính nổi bật nhất là sự ưa thích các “mạo hiểm có tính toán”.


Trên bình diện chiến lược, ông là môn đệ của Togo, người mà tài năng rất được ông ngưỡng mộ. Ông không giấu giếm là đã mô phỏng các kế hoạch của mình theo những kế hoạch của bậc thầy ông. Ý tưởng tấn công bất ngờ một địch thủ đồng sức mạnh để che chở cho một cuộc đổ bộ đang diễn tiến là ý tưởng được trực tiếp gợi ra từ cuộc điều quân của Togo trong trận đánh quân Nga tháng 2 năm 1904.


Chúng ta hãy nhắc lại, trong đêm 8 rạng ngày 9 tháng 2 năm ấy, ba hải đoàn phóng ngư lôi hạm-của Hạm đội liên hợp đầu tiên đương thời-đã đến tấn công đoàn chiến thuyền Nga Sô đang bỏ neo trong vùng biển ngoài cảng Port Arthur. Cho đến lúc đó, chưa bao giờ có lực lượng hải quân nào trên thế giới lại toan tính mạo hiểm đưa các chiến hạm nhỏ bé bị coi là cực kỳ tầm thường ấy, đi tập kích quá xa căn cứ như thế mà lại không hề được một sự yểm trợ nào khác. Sự táo bạo có tính toán ấy đã thành công vượt quá sự chờ mong. Các phóng ngư lôi hạm bất thần đột kích vào một địch thủ đang say ngủ và chỉ trong vài phút đã đánh đắm được ba trong số các chiến hạm địch mạnh nhất. Tính cách mới mẻ và táo tợn của phương thức tấn công đã đảm bảo cho sự thành công. Ba mươi bảy năm sau, cũng chính chiến thuật ấy đã thành công tại Trân Châu Cảng với hàng không mẫu hạm của Nagumo.


Thời cơ chính trị cũng thế, rất giống nhau: các cuộc thương thuyết rắc rối một cách cố ý, bắt đầu bằng cấp cao nhất do các đại sứ đặc biệt làm ra vẻ muốn đạt đến một thoả hiệp, và kéo dài càng lâu càng tốt để ru ngủ sự khinh thường của đối phương.

Cho đến cả sự ấn định thời biểu đồng nhất của các cuộc hành quân như đã được dự liệu trong ngày 8 tháng 2 năm 1904 cũng được lặp lại một cách trung thực trong cuộc không tập ngày 8 tháng 12 năm 1941. Cuộc đổ bộ quân Nhật lên Chemulpo, ở Triều Tiên đã xảy ra trước 7 giờ so với cuộc tấn công của các phóng ngư lôi hạm vào Port Arthur. Bằng vào các phương tiện truyền tin mau lẹ hơn, Yamamoto đã giảm bớt thời gian đi trước này xuống 1 giờ, nhưng nguyên tắc chỉ là một. Sự chọn lựa hải cảng đổ quân ban đầu cũng tương ứng với cùng một kế hoạch chiến thuật: Chemulpo là đầu cầu của phòng tuyến dọc theo con đường đưa thẳng tới biên giới sông Yalou hải cảng nhỏ bé được Yamamoto chọn lựa để đổ quân xâm chiếm trên bán đảo Mã Lai, cũng nối thẳng với Tân Gia Ba, một đồn canh xa nhất bảo vệ sự di chuyển của tàu bè từ biển Java vào biển Nam Hải mà ông phải chiếm đóng bằng mọi giá.


Song song với cuộc đổ bộ này, kế hoạch miền Nam tiên liệu một cuộc tấn công gọng kềm trên các quần đảo Đông Nam Á châu: Quần đảo Phi Luật Tân, Bornéo, Célèbes và Moluques. Một khi bị nhốt trong hải phận Java, các lực lượng hải quân yếu kém của Tây phương sẽ thấy bị rơi vào bẫy chuột và việc bắt chúng chấp nhận hải chiến trong các điều kiện thuận lợi nhất cho Hạm đội liên hợp chỉ còn là trò chơi của hạm đội này.


Kế hoạch này phải được thực hiện từng điểm một. Thời biểu nguyên thuỷ được tôn trọng đều đặn như kim đồng hồ quay. Sự sai biệt so với thời biểu qui định không bao giờ vượt quá một tuần tại các địa điểm khó khăn nhất.
 
Cuộc tấn công tại Mã Lai

Yamamoto cho rằng Tân Gia Ba là pháo đài vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của Anh tại Đông Nam Á. Nằm trên một hòn đảo nhỏ ở mũi cực nam bán đảo Mã Lai và nhìn ra dọc theo eo biển Malacca, hải cảng Tân Gia Ba có thể cho cả một hạm đội trú ẩn, về hệ thống phòng thủ chung quanh hải cảng được xây dựng rất kiên cố. Ba phi trường trên đảo hợp với các phi trường trên bán đảo tạo thành một hêệ thống phòng thủ đáng sợ. Một cuộc tấn công trên không bất ngờ y như kiểu tấn công vào Hạ Uy Di không có một cơ may thành công nào, vì trái ngược với người Mỹ, người Anh biết đề cao cảnh giác và từ lâu đã chờ đợi một cuộc tấn công của Nhật vào các thuộc địa của Hà Lan tại Ấn Độ Dương. Để chiếm hữu Tân Gia Ba, do đó cần bắt đầu đổ bộ vào bán đảo Mã Lai, chiếm các phi trường, rồi công hãm pháo đài ấy vốn chỉ cách đất liền bằng một eo biển hẹp rất dễ vượt qua.


Vì tầm quan trọng của các lực lượng Anh quốc tại Mã Lai (31 tiểu đoàn quân Anh, Ấn và Úc tương đương với hơn 3 sư đoàn) kế hoạch xâm chiếm tiên liệu một cuộc đổ bộ lên bờ biển phía đông bán đảo của quân đoàn 25 thuộc Tướng Yamashita, với sức mạnh ba sư đoàn được chọn lựa trong số đơn vị tinh nhuệ nhất và một sư đoàn không quân. Sự di chuyển một đạo quân như thế phải được đảm bảo bằng cách xuất phát từ một hải cảng gần địa điểm đổ bộ càng tốt. Chỉ có giang cảng Sài Gòn tại Đông Dương là hội đủ các điều kiện bắt buộc, và Bộ Tổng tham mưu hoàng gia đã chọn lựa giang cảng này.


Chính vì mối ưu tư cần có một hải cảng xuất phát tối cần thiết này mà chính phủ của hoàng thân Konoye (Thời đó Tướng Tojo chưa làm Thủ tướng) đã làm áp lực đối với nước Pháp, ngay sa khi Pháp bại trận, để Pháp chấp thuận dành cho quân Nhật vài tiện ích quân sự tại Đông Dương. Những yêu sách đầu tiên rất khiêm nhường: sử dụng ba phi trường, đồn trú chừng 6.000 người. Trong suốt một năm, nền ngoại giao của chính phủ Vichy đã thành công một cách kỳ diệu trong việc tránh né được các sự lấn áp khác. Nhưng đến tháng 7 năm 1941 khi chiến thắng của Hitler tại Nga Sô đảm bảo cho Nhật khỏi trông thấy viễn ảnh đáng sợ bị quân Nga tấn công vào Mãn Châu, các đòi hỏi của Nhật tại Đông Dương lại đè nặng hơn. Chính phủ Pháp đã trả lời bằng sự bác bỏ, Không quân Nhật liền oanh tạc Hải Phòng trong khi đó Lục quân Nhật đuổi dồn các tiền đồn biên giới của Pháp tại Thượng du Bắc Việt. Hoa Kỳ không đáp ứng lời kêu cứu của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương, ông này bắt buộc phải thoả mãn các đòi hỏi của Đông Kinh, mà giờ đây là sự sử dụng tám phi trường, giang cảng Sài Gòn và vịnh Cam Ranh.


Trong thực tế, những yêu sách mới này đã có ảnh hưởng quyết định đến chiều hướng biến chuyển của các cuộc thương thuyết Nhật-Mỹ. Ý thức được mức độ trầm trọng của sự kiện, và để trả đũa, Tổng thống Roosevelt quyết định phong toả mọi ngân khoản của Nhật tại Mỹ, rồi noi theo Anh quốc và Hà Lan, phong toả luôn mọi nguồn cung cấp nguyên liệu và dầu hỏa chở đến Nhật.


Các biện pháp này đưa Nhật Bản vào tình thế bế tắc. Số dự trữ nhiên liệu giảm dần vì chiến cuộc tại Trung Hoa không cho phép Nhật được sống còn nữa. Một phong trào uất hận rộng lớn đã quét sạch chính phủ của hoàng thân Konoye và Thiên Hoàng đã phải kêu gọi lãnh tụ đảng quân nhân, Tướng Tojo lên nắm chính quyền.


Anh quốc là nước đầu tiên bị rúng động. Nó liền phái đến Tân Gia Ba viên Bộ trưởng trẻ tuổi Duff Cooper với sứ mạng là phối hợp hành động giữa các nhà chức trách quân sự và dân sự tại các thuộc địa ở Viễn Đông. Tình thế trước mắt ông ta có vẻ đã đến mức báo động. Sự phân phối quyền hành thiếu phân minh và không ai chấp thuận sự cần thiết phải thống nhất chỉ đạo công việc trong các thuộc địa khác nhau thuộc vùng Đông Nam Á. Cũng giống như tại Pháp sau vụ Munich, các kiều dân Tây phương tiếp tục hy vọng một phép lạ sẽ xảy đến để kéo dài sự yên ổn vàng son của họ. Trong những bungalow mở rộng cửa trong làn sương đêm vùng nhiệt đới, sự thù tạc vẫn tiếp tục như chẳng có gì xảy ra cả. Đô đốc, Tướng lĩnh và công chức cao cấp thảo luận về tình hình với nhau trong các lễ phục màu trắng. Phần đông đều vững tin. Vị Tổng tư lệnh Quân lực tại Viễn Đông là một ông Air-Marshall của Không lực Hoàng gia, Sir Robert Brooke Popham. Ông ta không ngừng lặp đi lặp lại rằng pháo đài Tân Gia Ba là một cứ điểm không thể bị chiếm được và Hồng Kông là một thứ Gibraltar của Viễn Đông. Để trả lời cho những ai tỏ ra ít lạc quan hơn về khả năng kháng cự của các cứ điểm này, các vị Đô đốc nói rằng lực lượng Hải quân Hoàng gia có mặt ở đây để phòng vệ chúng. Và rồi thì hạm đội thiết giáp hùng mạnh của Mỹ há chẳng phải đã được tập trung tại Hạ Uy Di trong mục tiêu rõ rệt là để can thiệp khi có lệnh báo động đầu tiên đó sao?


Chắc chắn, lực lượng Hải quân địa phương quá yếu rồi: ba tuần dương hạm của Hà Lan, một của Anh, và một của Úc trong hải phận Java, chừng một tá khu trục hạm và một số tàu ngầm tương đương phân tán trong quần đảo. Rõ rệt lực lượng ấy không đáng gì. Nhưng đã có tin đồn đại từ lâu rằng, đáp ứng các đòi hỏi của Đô đốc Tư lệnh Hải quân tại Tân Gia Ba, Churchill đã phái đến để tiếp cứu chiếc thiết giáp hạm Prince of Wales, một chiến hạm tối tân nhất và hùng mạnh nhất của hạm đội Anh quốc. Đấy là sự kiện có bản chất rất an ủi tâm trí các Đồng minh và nâng cao tinh thần những kẻ chủ bại.


Tin này chính xác. Nó đã thoát ra được khỏi vùng im lặng dày đặc thường bao phủ chung quanh các sự di chuyển của các chiến hạm lớn. Bất chấp các lời khuyên thận trọng của Bộ Tư lệnh Hải quân, Churchill đã ra lệnh cho viên Bộ trưởng Hải quân lập một lực lượng hải quân-Lực lượng Z-với chiếc thiết giáp hạm Prince of Wales, tuần dương hạm chiến đấu Repulse và hàng không mẫu hạm Indomitable. Quyền chỉ huy được giao cho một trong các tướng lĩnh sáng chói của Hải quân Hoàng gia, Đô đốc Sir Tom Philips, mà cho đến lúc đó phụ trách phòng hành quân của Bộ Tư lệnh Hải quân. Ba chiến hạm chạy riêng rẽ với các khu trục hạm hộ tống phải có mặt tại Tân Gia Ba vào ngày 1 tháng 12 năm 1941 và ở lại đấy cho đến khi có lệnh mới.


Nếu tin tức về việc phái đến ba chiến hạm ấy được lan truyền một cách dễ dàng, chính là tại vì trong tâm trí Winston Churchill, biện pháp này trước hết có mục đích tạo ra điều mà ngày nay chúng ta goi là hiệu lực gián chỉ. Một hiệu lực như thế theo định nghĩa, phải bao gồm một hình thức quảng cáo nào đó. Thủ tướng Anh quốc đã giải thích điểm này trong Hồi ký của ông, nói rằng ông hy vọng bằng cách này “có thể thực hiện một thứ đe doạ mà các chiến hạm tối quan trọng, với ý định được giấu kín, có thể áp đảo lên các kế hoạch một địch thủ hải quân trong tương lai”.


Đi ngược thời gian, ngày nay ta không thể không nghĩ rằng chính đó là lối suy nghĩ mà một thế kỷ trước đây, vị Nữ hoàng trẻ tuổi Victoria đã có thể thực hiện, khi mà câu châm ngôn trứ danh ”Britannia rules the waves” (Anh quốc thống trị đại dương) đang còn đúng cách. Nó có vẻ quá lỗi thời đối với chúng ta một ngày trước cuộc tấn công tại Trân Châu Cảng.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top