• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Người Mơ Nâm trên xứ sở mây ngàn

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
93
Sống trên cao nguyên Kon Plong ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, do mưa phùn, lạnh giá quanh năm nên người Mơ Nâm ở xã Hiếu (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) gần như “đóng cửa” với thế giới bên ngoài. Ở đó, họ vẫn còn lưu giữ khá đầy đủ nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình. Tháng Năm, tháng Sáu về cũng là lúc người Mơ Nâm bước vào mùa lễ hội.

5A-2407.jpg

Lễ gieo mạ tại nhà Y Tê ở làng Đắk Lom

TẾT GIEO MẠ VÀ MỪNG LÚA MỚI

Trước đây, người Mơ Nâm chỉ ăn Tết truyền thống của dân tộc mình nhưng khoảng 20 năm trở lại đây họ ăn Tết Nguyên đán theo người Kinh. Tết của người Mơ Nâm tính từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng bốn tháng Giêng âm lịch. Ăn Tết Nguyên đán xong, người Mơ Nâm sẽ tổ chức lễ xuống đồng, còn gọi là Tết gieo mạ. Vào mùa lúa trước, người ta ra đồng chọn những chẽn lúa nặng hạt mang về treo bên vách nhà. Tết gieo mạ của người Mơ Nâm không nhất thiết diễn ra cùng lúc giữa mọi nhà. Có thể mỗi nhà tự tổ chức ăn Tết gieo mạ, nhưng có khi năm, bảy nhà tổ chức cùng một lúc. Nhà nào có điều kiện thì mổ gà, heo... đãi khách, nhà nào không có thì thôi. Các gia đình tổ chức Tết gieo mạ trong hai ngày. Ngày đầu chủ nhà làm lễ cúng thần linh, hôm sau mới mời khách tới uống rượu. Trong Tết gieo mạ, heo, gà không được cúng, chỉ làm thịt ăn. Tùy từng làng mà khách đến mừng chủ nhà ăn Tết gieo mạ cũng khác nhau. Ở làng Đắk Lom, khách có thể “cõng” rượu cần đến mừng chủ nhà, nhưng ở làng Kon Piêng thì không.

Chúng tôi đến nhà A Ương (ở làng Đắk Lom) ăn Tết gieo mạ. Ăn tối xong, A Ương cầm chẽn lúa ra săm soi, gật gù khó hiểu. A Ương chọn những hạt lúa lép vứt đi rồi cắm bó lúa vào vách nhà. Phía trước bó lúa, anh bày hai ghè rượu cần vừa mới khui. Vợ chồng A Ương ngồi trước hai ghè rượu với vẻ trang nghiêm. Sau khi đọc một bài khấn, tay trái của họ vít cần đưa vào miệng, tay phải với tới miệng ghè rượu vớt lấy ít vỏ trấu và rượu hắt ra ngoài. Họ hút một ngụm rượu và nhổ xuống sàn nhà. A Ương giải thích: “Nhổ rượu, hắt vỏ trấu xuống đất là để cúng thần lúa, thần đất phù hộ cho mùa màng được bội thu”. Sau ba lần nhổ rượu kèm theo những bài khấn, vợ chồng A Ương mời mẹ và gọi các con đến trước ghè rượu rồi làm các nghi thức tương tự. Khi các thành viên trong gia đình làm lễ xong, A Ương mới mời chúng tôi thưởng thức rượu cần của gia đình. A Ương cho biết: “Sáng mai tao ra đồng gieo mạ rồi, tối nay phải làm lễ cúng thôi”. Người Mơ Nâm làm ruộng bậc thang ở các triền đồi hoặc những khu vực gần khe suối. Việc trồng trọt của người Mơ Nâm còn thô sơ, lạc hậu, chủ yếu dựa vào sức người, súc vật. Khi gieo trồng, họ không ủ hạt lúa cho nảy mầm mà gieo thẳng lúa khô xuống ruộng nên không chỉ mất thời gian, khả năng nảy mầm thấp mà công chăm sóc cũng dài hơn...

Đến khi lúa trổ bông, người Mơ Nâm ra đồng chọn những nhánh lúa non, trĩu hạt, nhiều sữa mang về phơi. Lúc nào vàng khén, họ bỏ vào cối giã sạch vỏ, lấy gạo rang lên, xay thành bột, nhào với đường và một số hương liệu khác làm cốm. Một số khác nấu thành cơm, bỏ vào cối giã nhuyễn vắt thành từng cục để ăn gọi là “ăn lúa mới”. Ăn lúa mới thường được tổ chức trong hai ngày đầu tháng Sáu. Lễ cúng bắt buộc phải có gà để tế thần linh. Nhà nào có điều kiện thì mổ heo, không có thì vào rừng bẫy chim thú, xuống suối bắt cá về đãi khách.

Người Mơ Nâm thường làm một nhà sàn nhỏ ở ngoài ruộng, gọi là “nhà đầm”. Nhà sàn chính của người Mơ Nâm gồm ba cửa: hai cửa ở hai đầu nóc nhà và một cửa ở giữa. Trong nhà có nhiều ghè rượu cần được xếp dọc hai bên vách. Mỗi ghè rượu có thể đổi từ hai đến bốn con trâu. Chúng tôi hỏi về ý nghĩa của số cửa nhà và giá trị mỗi ghè rượu cần thì không còn ai biết. Trước đây, gặt lúa xong họ bó thành từng bó rồi đưa vào “nhà đầm” cất giữ. Lúc nào muốn ăn người ta mang về đập lấy hạt, giã thành gạo. Do không được phơi phóng, bảo quản kỹ lưỡng nên chỉ trong thời gian ngắn nhiều hạt lúa đã nảy mầm hoặc bị ẩm mốc, thối rữa không ăn được. Diện tích gieo trồng vốn đã nhỏ, năng suất thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu lại không biết cách bảo quản nên cái đói thường xuyên diễn ra đối với người Mơ Nâm.

CÚNG CHUỒNG TRÂU

Khi việc đồng áng xong, vào cuối tháng Năm (đầu tháng Sáu), người Mơ Nâm sẽ làm “nhà” mới cho trâu bò. Đây được xem là ngày lễ lớn nhất trong năm. Mỗi năm, người ta làm chuồng cho trâu từ một đến ba lần. Tùy thuộc vào số lượng trâu của từng nhà hoặc từng nhóm nhà mà họ làm chuồng to, nhỏ khác nhau. Khi làm, họ chọn một mảnh đất đẹp cách nhà vài trăm mét để làm chuồng. Vị trí chuồng không phụ thuộc vào hướng.

4A-2407.jpg

Chuồng trâu ở làng Đắk Lom

Trước đây, làm chuồng trâu diễn ra trong năm ngày. Hai ngày đầu vào rừng tìm dây, đẽo cọc, ngày thứ ba làm chuồng, hai ngày còn lại làm lễ cúng Giàng và uống rượu, nhưng nay chỉ còn lại ba ngày. Người Mơ Nâm thường chọn các loại gỗ bền, khó mục như xa, giẻ... để làm chuồng. Họ rất kiêng các loại gỗ như ơ nụ, tơng nỏng, kiếc.. vì sợ trâu chậm lớn. Lễ vật cúng chuồng trâu thường là gà, heo, rượu. Nhà nào có của thì bao nhiêu con trâu sẽ mổ bấy nhiêu con gà, không điều kiện chỉ cần cúng một con là đủ. A Lanh (ở làng Kon Piêng) cho biết: “Mình nuôi trâu, bò, thấy nó không lớn, không sinh con là do thần linh không ưng cái bụng, mình phải làm “nhà” mới cho nó thôi”. Cúng chuồng trâu cũng là dịp để ông bà, cha mẹ chia trâu, chia của cho cháu, con.Khác với các dân tộc Ba Na, Ê Đê... mỗi khi có lễ hội người ta thường mổ trâu ăn mừng nhưng đối với người Mơ Nâm, chỉ có tục táng mới có thể mổ trâu; các nghi lễ còn lại không được mổ trâu, không được cúng gà trắng, ăn thịt chó, ăn mía, chuối, trứng gà vì họ sợ thần linh bắt cho đau ốm, xui xẻo. Ai đó lỡ ăn thịt chó, gà trắng... thì không được vào gia đình đang cúng chuồng trâu. “Ngày trước, có gia đình nọ đang làm lễ gieo mạ, đứa con trai trong nhà thèm mía nên ra vườn bẻ, không may tối hôm đó cậu bé bị đau mà chết. Cách đây khá lâu, gia đình A Tầng ở làng Kon Pling mổ con chó để đãi làng uống rượu nhân dịp cúng chuồng trâu. Ăn uống, nhậu nhẹt xong, A Tầng chạy xe máy qua nhà bạn chơi không may bị tai nạn tử vong. Trong dịp mừng lúa mới, Y Cội cũng ở làng Kon Pling trộn bắp với chuối để ăn, không may đêm đó Y Cội bị thần linh quở phạt mà chết... Còn gà trắng, vịt trắng là những con vật của cõi âm, của con ma rồi, không cúng được” - A Lương, cựu già làng Kon Piêng, cho biết. Không rõ tính xác thực của những câu chuyện này đến đâu nhưng mỗi thứ kiêng kỵ họ đều đưa ra một lý do liên quan đến cái chết để lý giải. Sau lễ cúng, người ta lấy ít bã rượu cần đổ đi mới được ăn. Riêng với người chăn trâu thì không được ăn những thứ kiêng kỵ này.

TỤC TÁNG

Theo chân A Lía - già làng ở làng Đắk Lom - chúng tôi thăm mộ người chết. Trước lúc đi, A Lía bảo chúng tôi mang theo một nhúm ớt trái để “làm phép”. Khác với một số dân tộc như H’rê, Pa Cô, Vân Kiều... chôn người chết gần nhà, còn người Mơ Nâm thì cách nhà khá xa. Họ thường chọn những khu rừng xung quanh làng để an táng người chết (còn gọi là “rừng ma”). Khi có ai đó qua đời, người Mơ Nâm sẽ chôn cất ngay trong ngày: chết buổi sáng thì buổi chiều chôn, chết buổi chiều hôm trước thì sáng hôm sau phải chôn. Hòm của người chết được đóng bằng tre, ván hoặc khoét từ thân cây. Họ không bịt khăn cho người chết như người Kinh hay một số dân tộc khác. Để tỏ sự tiếc thương, khi đưa người chết ra khỏi nhà, một số người trong gia đình sẽ đập đầu vào vách nhà, thành cửa. Đập càng mạnh thì thể hiện sự tiếc thương càng sâu nặng.

Trước khi chôn, họ vào “rừng ma” chọn một cây thật to, tiếng Mơ Nâm gọi là “cờ lễ”, cây càng to càng tốt rồi đào huyệt người chết cạnh cái cây đó. Trước đây khi chôn người chết, người Mơ Nâm thường dựng đứng quan tài nhưng hiện nay họ chôn nằm theo người Kinh. Huyệt mộ người chết cách mặt đất khoảng 1,5m. “Mình chôn sâu quá, con ma sẽ bị “ngộp thở”” - A Lía nói. Lúc hạ quan tài, họ sẽ chặt “cờ lễ”. Họ tin rằng “âm thanh của “cờ lễ” giống nhưng “sứ giả” để mời họ hàng, thân tộc của mình ở cõi âm đưa người quá cố về đoàn tụ” nên người Mơ Nâm rất kiêng kỵ “cờ lễ”. Họ không dám lấy gỗ hoặc đụng chạm vào cây này. Người Mơ Nâm cũng rất kiêng kỵ đến gần mộ người chết, trừ những người trong gia đình. Chôn xong, người ta đặt cái đòn khiêng quan tài rồi để dọc theo mộ người chết, phía trên phủ ít lá cây. Cái đòn này được xem như đòn dông của ngôi “nhà”, còn lá cây được dùng để lợp mái “nhà” cho người chết. Gần đầu mộ, người Mơ Nâm cắm một cái cọc nhỏ, họ lấy sợi dây màu trắng một đầu buộc vào cọc, đầu còn lại chôn xuống mộ sao cho đầu được chôn gần với mũi người chết. “Làm vậy con ma mới... “thở” được” - A Lía giải thích.

4C-2407.jpg

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng mỗi ngày cụ Y Đỗ vẫn xuống ruộng xách hai can nước

Khác với lễ gieo mạ, mừng lúa mới, cúng chuồng trâu... trong lễ táng họ không kiêng kỵ bất kỳ con vật nào kể cả trâu. Họ cũng được ăn mía, chuối, trứng gà. Lúc còn sống, nếu người nào đó có trâu, có ghè rượu, xoong, nồi, của cải... thì khi chết đi, người thân của họ sẽ giết trâu đó để cúng và chôn của cải ấy xung quanh mộ. Nếu người chết không có điều kiện thì người thân của họ sẽ bán trâu, bán ghè rượu để lo đám tang. Người Mơ Nâm quan niệm: “Bên trái là bên của cõi âm, bên phải là bên của cõi dương” nên làm bất kỳ con vật nào để cúng cho người chết đều cắt một miếng thịt phía các bộ phận bên trái con vật đó rồi buộc vào sợi dây treo phía trước, bên trái ngôi mộ “để con ma nó mang về “nuôi””.

Cách mộ khoảng 100m, người ta bẻ một nắm lá cây bỏ xuống trên đường dẫn vào mộ. Trước lúc về nhà, họ giẫm vào nắm lá này để “rửa chân”. “Nếu để bụi bẩn của con ma vướng vào chân mình là không nên”. Lúc trở về nhà, người Mơ Nâm lấy cái cây gọi là “long khinh” đốt lên, huơ huơ xung quanh nhà, quanh áo quần của mình. Họ tin rằng mùi khét của cây sẽ có tác dụng trừ tà ma. Tại một số làng, nhà nào có người chết thì ngày hôm sau mọi người trong gia đình đó phải ở nhà. Họ mang toàn bộ áo quần, chăn gối của người chết đem đi đốt hoặc chôn; áo quần, chăn gối của người sống thì mang giặt. Lúc trở về, già làng A Lía lấy mấy quả ớt ra đốt rồi huơ huơ tứ phía, miệng lầm bầm những câu gì đó. A Hưng cho biết: “Già làng đang “bảo” con ma đừng theo mình về đấy!”. Khấn xong, già làng xắn quần đến nắm lá để “rửa chân” rồi tiến về phía con khe giữa đồng. Ông ta nhổ một nắm rể cây, lấy tay vóc ít nước rưới lên nắm rể, hai tay xoa xoa, miệng khấn vái bằng tiếng Mơ Nâm (tạm dịch là: “Chết sông, chết suối; chết núi, chết đồi; chết nước, chết khô; chết lâu, chết mới... đừng nghĩ, đừng nhớ, đừng theo tao về”). Khi mọi thứ đã được “gột rửa” sạch sẽ với cõi âm, họ mới yên tâm về nhà.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: HẢI VĂN - THƯ NHÃ
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top