Kết cấu không gian – thời gian nghệ thuật trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài.
Bài làm
1. “Tô Hoài là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại”, là cây bút sắc sảo và tài hoa trên nhiều lĩnh vực: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, hồi ký, chân dung văn học, truyện và kịch cho thiếu nhi, kịch bản phim… Năm 1952, có dịp “ba cùng” với đồng bào vùng cao, Tô Hoài đã sáng tác “Vợ chồng A Phủ” in trong tập “Truyện Tây Bắc” (1953). Tác phẩm đã phản ánh chân thật, sinh động số phận bi thảm của người dân miền núi dưới ách thống trị của thực dân phong kiến và tinh thần phản kháng của họ từ tự phát đến tự giác dưới sự dìu dắt của Đảng. Để nêu bật được chủ đề tư tưởng ấy, tác giả đã kết cấu tác phẩm thành hai phần: đoạn đời của Mỵ và A Phủ chìm đắm trong bóng tối ở Hồng Ngài, nơi thế lực quan bang, quan châu, phìa tạo, thống lý ngự trị và phần đời ngập tràn ánh sáng của họ ở Phiềng Sa khi cả hai lần lượt trở thành du kích, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống thực dân và phong kiến tay sai. Có thể nói, kết cấu không gian – thời gian nghệ thuật là một trong những thành công của ngòi bút Tô Hoài để làm bật lên vấn đề trung tâm của tác phẩm.
2. Nghệ thuật chuyển đổi “thời – không” trong “Vợ chồng A Phủ”
2.1. Từ bóng tối ở Hồng Ngài…
Mỵ là cô gái trẻ đẹp, có tài thổi sáo hay đến nỗi “có biết bao người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mỵ”. Mỵ còn hiếu thảo, chăm chỉ, giàu lòng yêu đời, rất xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Nhưng vì rơi vào cửa nhà nghèo, Mỵ bị bắt về làm con dâu gạt nợ, thực chất là nô lệ cho nhà thống lý Pá Tra. Có đến mấy tháng, đêm nào Mỵ cũng khóc. Mỵ hái nắm lá ngón định về lạy chào cha để chết, nhưng rồi Mỵ không đành lòng. Cô có chết thì món nợ truyền kiếp vẫn còn, bố cô càng khổ hơn. Sự đày đoạ về thân xác và sự áp chế về tinh thần đã làm Mỵ câm lặng như cái bóng, lúc nào cũng cúi mặt “buồn rười rượi”. Ở Mỵ đã có những ý nghĩ thật đau đớn. Mỵ thấy mình là con trâu, con ngựa, thậm chí không bằng con trâu, con ngựa. Hình ảnh so sánh “mỗi ngày Mỵ càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” gợi lên nỗi đau của kiếp người không khác con vật, cực tả tình trạng lầm lũi, nhẫn nhục, tê liệt về ý thức bản thân và mong muốn đổi thay số phận của nhân vật.
Bóng đêm cuộc đời khiến Mỵ không còn chút ý niệm về không gian, thời gian : “Ở cái buồng Mỵ nằm, kín mít, có một cái cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng.” Quả là một ẩn dụ ám ảnh về cái ngục thất giam hãm con người, thậm chí là cái nhà mồ chôn sống con người với không gian tăm tối, ngột ngạt và thời gian ngưng trệ không dĩ vãng, không hiện tại, không tương lai.
Mỵ đã bị nhà thống lý Pá Tra làm cho tàn lụi, héo hắt tưởng chừng như vô hồn, vô cảm nhưng thật ra, trong sâu thẳm, tâm hồn Mỵ không hoàn toàn giá lạnh. Khát vọng sống, khát vọng tự do trong cô vẫn âm ỉ như một hòn than hồng bị tro bụi phủ đầy, chỉ cần một ngọn gió là bùng lên mạnh mẽ. Và khát vọng ấy đã cháy lên trong một đêm tình mùa xuân.
Cảnh quan mùa xuân có sức lay thức: “Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét dữ dội. Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem phơi trên mỏm đá, xoè như con bướm sặc sỡ”. Tết Mỵ cũng uống rượu. “Mỵ lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mỵ lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mỵ thì đang sống về ngày trước.” Men rượu đã giúp Mỵ quên đi hiện tại cay đắng để sống với những âm thanh tình tứ, nồng nàn của đêm tình mùa xuân: tiếng chó sủa, tiếng hát, tiếng sáo gọi bạn…
Có đến bốn lần nhà văn Tô Hoài miêu tả tiếng sáo theo quá trình xâm nhập vào tâm hồn Mỵ. Thoạt tiên, tiếng sáo còn “lấp ló mãi ngoài đầu núi”, vọng lại làm Mỵ “thiết tha bổi hổi”. Tiếng sáo “văng vẳng” bên tai, gợi nhắc, lôi kéo Mỵ về với quá khứ. Rồi tiếng sáo gần hơn, nó “lửng lơ bay ngoài đường” như biểu tượng của tình yêu và tự do đang vẫy gọi, thôi thúc. Tiếng sáo gọi bạn yêu ấy dẫn đến những cuộc tương tranh âm thầm nhưng dữ dội giữa hiện tại và quá khứ, giữa sức sống tiềm tàng và cảm thức về thân phận trong tâm tư Mỵ, đẩy Mỵ đến hành động “đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng”. Mỵ thắp sáng căn buồng âm u, mờ mịt cũng là thắp lên ánh sáng rọi vào cuộc đời tăm tối triền miên của mình trong nhà Pá Tra. Và rồi tiếng sáo “rập rờn” trong đầu Mỵ, nâng tâm hồn cô bay qua rào chắn của thực tại, tiến tới một hành động nổi loạn : quấn lại tóc, với lấy cái váy hoa sửa soạn đi chơi Tết như một người tự do!
Giữa lúc lòng ham sống ở Mỵ trỗi dậy mạnh mẽ nhất là lúc nó bị vùi dập phũ phàng nhất. A Sử lấy thắt lưng trói cả hai tay Mỵ rồi xách cả một thúng sợi đay trói đứng Mỵ vào cột nhà. Tóc Mỵ xoã xuống, A Sử quấn luôn lên cột làm Mỵ không cúi, không nghiêng được nữa. Ban đầu, hơi rượu còn nồng nàn nên Mỵ không nhớ mình đang bị trói, tâm hồn cô vẫn thả theo cuộc chơi, theo tiếng sáo và chân Mỵ vùng bước đi. Dây trói thít chặt vào chân tay cùng tiếng chân ngựa đạp vào vách làm Mỵ thổn thức nhớ ra mình không bằng con ngựa. Nếu đầu đêm Mỵ mê dần đi trong sự lan toả của men rượu thì bây giờ theo chiều ngược lại, tỉnh dần ra, đau đớn dần lên, tê tái dần đi. Để đến khi trời sáng, Mỵ lại trở về đúng vị trí trong xó cửa của con rùa câm lặng, thậm chí còn câm lặng hơn cả trước.
Hình tượng con người thân phận, con người bị chà đạp còn có ở nhân vật A Phủ. Bóng đêm Hồng Ngài phủ chụp lên chàng trai mồ côi, nghèo đến mức tài sản duy nhất là một cái vòng vía, không có đến cái vòng bạc đeo cổ đi chơi Tết. Đêm xuân ấy, A Sử sang phá đám chơi đã bị A Phủ vung tay ném con quay rất to vào mặt. Nó vừa kịp bưng tay lên, A Phủ đã xộc tới, nắm cái vòng cổ – cái vòng bạc rủ xuống những tua chỉ xanh đỏ mà chỉ riêng con cái nhà quan mới được đeo – kéo dập đầu xuống, xé vai áo, đánh tới tấp. Cuộc trừng trị thật hả hê là nguyên nhân của nỗi đau khổ tột cùng của A Phủ. A Phủ bị phạt vạ và bị bắt làm đứa ở gạt nợ cho nhà thống lý.
Cao điểm của đoạn văn bóng tối là sự gặp gỡ của hai người cùng cảnh ngộ trong một đêm mùa đông dài. A Phủ để hổ bắt mất một con bò nên bị cha con Pá Tra trói đứng suốt mấy ngày đêm ngoài trời lạnh. Thì đêm nào Mỵ cũng “thản nhiên thổi lửa, hơ tay”. “Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”! Tâm hồn Mỵ giờ đây nguội lạnh, chai sạn. Nó là chứng tích của ách áp bức nặng nề, dai dẳng, đau đớn. Chỉ đến cái đêm nhìn thấy dòng nước mắt bò xuống hai hõm má đã xám đen lại vì sắp chết của A Phủ, lòng trắc ẩn của Mỵ mới được đánh thức. Dòng nước mắt tuyệt vọng, bất lực của người sắp chết đã làm hồi sinh trái tim khô héo của Mỵ, kéo Mỵ trở về cõi nhớ. Mỵ nhớ lại đêm năm nào A Sử trói Mỵ, nước mắt chảy mà không lau được. Nhớ người đàn bà đã bị trói đến chết trong nhà này. Trí nhớ đã nối ba số phận, tạo sự đồng cảm. Từ niềm thương thân, Mỵ biết thương người đồng cảnh. Đám than đã vạc đi mà Mỵ không thấy lạnh vì giờ đây Mỵ không sống với ngọn lửa nữa. Trong lòng Mỵ đang có một ngọn lửa lớn, ngọn lửa của sự giằng co giữa nỗi sợ hãi và tình thương. Lòng thương người và sự căm phẫn cuối cùng đã lấn át nỗi sợ, “làm sao Mỵ cũng không thấy sợ, người kia việc gì mà phải chết”. Hành động rút con dao nhỏ cắt nút dây mây cho A Phủ tuy đột ngột nhưng tất yếu, hợp lôgic hiện thực tâm trạng. Cũng như lần khao khát đi chơi Tết, đây là những giây phút đẹp đẽ hiếm hoi trong đời Mỵ từ khi bước chân qua ngưỡng cửa nhà thống lý.
Chỉ thoáng sau, khi A Phủ đã quật sức vùng chạy thì cơn hốt hoảng lại ập đến với Mỵ. Mỵ đứng lặng trong bóng tối – đứng lặng trong sự cô độc và sợ hãi : “Ở đây thì chết mất”. Đó là phút lặng im dông bão diễn ra tích tắc nhưng dữ dội. Mỵ có thể cứu sống A Phủ nhưng tại sao cô lại phải chết? Mỵ vụt chạy theo A Phủ. Đó là kết quả tất yếu của tình thương (lần này là thương chính mình), của khát vọng sống mạnh mẽ ở Mỵ. Mặc dù là chuỗi hành động bộc phát nhưng nó được tác giả dẫn dắt cực kỳ chặt chẽ, đầy nghịch lý nhưng hoàn toàn hợp lý, đúng với “phép biện chứng tâm hồn” (từ của Biêlinxki).
Đêm tối lần này là sự dun dủi của số mệnh. Nếu là ban ngày, Mỵ sẽ không ra cời than để sưởi, sẽ không thấy giọt nước mắt của A Phủ. Và nếu là ban ngày, người ra kẻ vào tấp nập, dẫu có thấy A Phủ sắp chết chăng nữa, Mỵ cũng sẽ không có điều kiện ngồi lặng một mình, xúi bẩy một cuộc đấu tranh tư tưởng dữ dội như thế. Bóng tối và cuộc trốn chạy vừa như một định mệnh nhưng cũng vừa là quy luật. Là bóng tối nhưng nó lại ấm áp tình đồng loại, là bóng tối nhưng nó lại toả sáng sức phản kháng tiềm tàng của những con người bị chà đạp tận đáy, hễ có điều kiện là trỗi dậy mạnh mẽ để cởi trói cho người và cho mình.
Đầy dụng ý nghệ thuật khi Tô Hoài gắn liền đoạn đời của Mỵ và A Phủ ở Hồng Ngài với không – thời gian đêm tối. Cả hai trải qua kiếp sống bi thảm trong những đêm dài mênh mông của chế độ thống lý, xéo phải tàn ác. Mỵ bị xô đẩy vào cuộc sống u mê, lặng lờ từ một đêm mùa xuân hò hẹn. Giữa lúc hầu như tê liệt hoàn toàn, Mỵ bất ngờ trỗi dậy muốn sống cho ra một con người cũng vào một đêm mùa xuân nồng nàn. Trong đêm xuân ấy, một con người quẫy đạp mà không thoát ra được thì một con người khốn khổ nữa bị quẳng vào địa ngục trần gian ấy một cách tàn nhẫn và phi lý. Cuối cùng họ đã vùng vẫy quyết liệt để thoát ra khỏi bóng đêm nô lệ vào một đêm mùa đông cắt da cắt thịt.
Hình tượng bóng tối trở đi trở lại như một quy luật, ắt phải như thế, không thể khác được, một khi còn chế độ áp bức bóc lột nhấn chìm những con người nhỏ bé xuống tận bùn đen. Một mặt, nó phản ánh số phận bi thảm của người dân Tây Bắc trước cách mạng bị trói buộc, ức hiếp, cuộc đời họ thực sự là bóng đêm hãi hùng. Mặt khác, nó làm loé sáng lên khát vọng thiết tha, đau đáu vượt lên làm người của những con người bị vùi dập thê thảm. Bóng tối Hồng Ngài là bài ca nhân đạo về con người, vì con người.
2.2. … đến ánh sáng ở Phiềng Sa
Nhiều người cho rằng “Tô Hoài tả cuộc đời đau khổ dưới chế độ phong kiến nhuần nhị hơn là miêu tả cuộc đời mới”, “xét về vẻ đẹp văn chương thì nửa Phiềng Sa nhất định phải chịu nhường nửa Hồng Ngài”. Vì “cảm thấy phần sau chưa đạt đến độ chín về nghệ thuật, Tô Hoài đã mạnh dạn lược bỏ hầu hết trong lần sửa chữa để đưa vào tuyển tập Truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975”.
Công bằng và khách quan mà nói, phần chuyện ở Hồng Ngài già dặn và xuất thần, nơi tập trung tinh hoa của ngòi bút Tô Hoài; phần Phiềng Sa tuy không thành công bằng nhưng không phải không có chi tiết đắt giá (như lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa A Phủ và A Châu…) và dường như ý nghĩa cơ bản của tác phẩm được tập trung, nhấn mạnh ở đó. Với “Truyện Tây Bắc”, nhất là “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã phản ánh con đường nhận thức của các dân tộc Tây Bắc trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ : từ thân phận con sâu cái kiến, họ dần dần nhận ra dã tâm của bọn chúa đất và thực dân, họ được cán bộ cách mạng giác ngộ và tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ cộng đồng, trong đó có quyền lợi của mình.
Vì thế, truyện ở Phiềng Sa là “thời – không” được soi rọi bằng một thứ ánh sáng mới mẻ mà văn học trước cách mạng không dễ gì có được. Chỉnh thể nghệ thuật “Vợ chồng A Phủ” nhất thiết phải có đoạn đời ngập tràn ánh sáng của Mỵ và A Phủ ở Phiềng Sa. Vết ghép hai nửa bóng tối Hồng Ngài và ánh sáng Phiềng Sa là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn để đối lập giữa tù ngục và tự do, giữa cam chịu và phản kháng, giữa đấu tranh tự phát và đấu tranh tự giác, tự chủ.
Có sự chuyển đổi không gian từ Hồng Ngài đến Phiềng Sa trong khoảng thời gian “dòng dã hơn một tháng”. Đã xa Hồng Ngài lắm rồi. Đã sang một khoảng trời khác. Trước kia, không gian quanh quẩn, bức bối từ một căn buồng để trổ một lỗ vuông bằng bàn tay ra đến tảng đá cạnh tàu ngựa rồi quay về bên cái bếp bung ngô. Giờ đây không gian thoáng đãng bát ngát, cảnh đẹp như tranh với những triền núi cao ngất, lốm đốm nhà, thấp thoáng ruộng, đất đỏ, suối trắng tinh… Họ làm nhà “thèo đảnh” ra một ngọn đồi gianh. Những ngày quang trời trông thấy dòng sông và cánh đồng Bản Pe có ruộng xoè như cánh quạt. Từ chỗ không còn chút ý niệm về thời gian, sống trong thời gian ngưng bế không còn phân biệt ngày đêm, mùa nào đi qua cửa sổ, giờ đây họ đã hoạch định được cả thời gian hiện tại và tương lai. Nhà A Phủ đã có bắp đủ ăn, đã có nương gai để may váy áo và trong chuồng đã nuôi được hai con lợn nhỡ. Hai vợ chồng thường nghĩ đến cái nhà gỗ tốt cho cả đời mình ở, đời con cháu ở. Cũng công việc quay sợi dệt vải nhưng ở đây Mỵ không ngồi cạnh tàu ngựa nữa, Mỵ ngồi trước cửa nhà, “Mỵ ngẩng mặt theo chiếc thoi, tay Mỵ vỗ con cuốn quấn vào lưng, nhanh thoăn thoắt”. Không còn là kiếp trâu ngựa nữa, Phiềng Sa đã trả họ về vị trí con người.
Cái đồn Bản Pe của thằng Tây tuy vẫn cắm vào chân núi nhức nhối nhưng từ Phiềng Sa, chỉ những ngày trời sạch mây mù mới thấy nó thấp thoáng một vệt đỏ như cái tổ mối, trông thấy trước mặt mà đi mấy ngày chưa tới được. Vì thế, Phiềng Sa vẫn là không gian tự do. Tuy bọn Pháp có tràn lên cướp bóc, sát hại thì Phiềng Sa vẫn là không gian tự trị của du kích dưới sự dẫn dắt của cán bộ A Châu. Dân làng biết luồn sâu vào rừng làm nương, làm lán, làm chuồng lợn, lại đắp cả lò bung ngô… Tết đầu tiên của vợ chồng A Phủ ở khu du kích cũng giã bánh dầy, có thịt, có rượu, có cả một bọn trai gái trong làng trèo đồi sang chơi. “Tiếng hát, tiếng sáo, mùi rượu, tiếng cười đầm ấm đầy nhà”.
Buổi sáng mai xuân ấy, Mỵ và A Phủ uống rượu rồi chếch choáng say. Đột nhiên Mỵ nhớ lại thời con gái của mình như cái “bóng nắng”. Rồi nhớ khi về nhà Pá Tra, bao năm ngồi trong bóng tối ngước mắt ra, lúc nào cũng thấy mờ “bóng sương”. Nước mắt Mỵ giàn giụa nhưng lòng Mỵ thì “phơi phới”. Cô nhắc ống sáo thổi một bài hát tình, A Phủ thì thổi khèn. Rồi họ đi chơi trên núi, vợ đi trước thổi sáo, chồng đằng sau hát theo, tiếng hát ú dài, mênh mông trong đồi tranh. “Hôm ấy trời trong như một bóng sáng”. Không phải là bóng sương mờ mịt một thời giam hãm, cũng không phải là bóng nắng ngắn ngủi của thời con gái, đây là bóng sáng lung linh, huyền diệu của một Phiềng Sa hạnh phúc.
Đối lập cảnh Hồng Ngài và cảnh Phiềng Sa, cảnh Tết trước và Tết nay, cảnh ban đêm và cảnh buổi sáng, cảnh con người bị trói nghiến trên cột và cảnh con người dung dăng đi chơi xuân. Kết cấu không – thời gian ấy là sở trường của Tô Hoài không chỉ ở truyện Vợ chồng A Phủ mà còn bàng bạc cả tập Truyện Tây Bắc. Tư tưởng cách mạng và giá trị của tác phẩm hoàn chỉnh khi có phần ánh sáng Phiềng Sa. Với phần truyện này, nhà văn muốn chỉ ra rằng: chỉ có con đường cách mạng, chỉ có đến với cách mạng và đi làm cách mạng, số phận người dân mới thực sự đổi thay. Thiếu phần truyện Phiềng Sa thì dù sức trỗi dậy của nhân vật có mạnh mẽ đến đâu cũng chỉ là tự phát, chỉ là phần bản năng sinh tồn của con người. Thiếu phần thứ hai thì dù nửa truyện trước có dày dặn đến đâu, người đọc vẫn thấy như còn dang dở và lại thấy nó cũng bế tắc như “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố) trước Cách mạng. Vì thế truyện Phiềng Sa có thể đuối một chút về nghệ thuật nhưng được bù lại bằng mặt mạnh của nội dung tư tưởng.
3. Không gian và thời gian nghệ thuật là những phương diện quan trọng của cấu trúc nội tại tác phẩm văn học.
“Thời gian và không gian – hai kích thước lớn của sự sống con người, cũng là bối cảnh của truyện và tiểu thuyết (…) Tô Hoài biết đưa hai ý niệm ấy vào tác phẩm của mình một cách vừa cụ thể vừa khái quát, tạo thêm chiều sâu – chiều sâu tâm trạng, kích thước thứ ba và quan trọng nhất cho tác phẩm nghệ thuật”. Thành công của “Vợ chồng A Phủ” là sự hoà quyện khá nhuần nhuyễn của nhiều yếu tố. Đó là cái nhìn tinh tế, sắc sảo vào thế giới nội tâm nhân vật; là nghệ thuật tự sự và miêu tả thiên nhiên bàng bạc chất thơ; là sở trường tái hiện những phong tục độc đáo của người Mèo Tây Bắc (tục cho vay nợ lãi, cướp vợ, ăn vạ, uống máu ăn thề, chơi Tết…); là tài năng vận dụng ngôn ngữ giàu hình tượng, phong phú, sinh động v.v… Và bạn đọc không thể quên một thành công nữa của tác phẩm về kết cấu với hai bối cảnh đối lập : bóng tối Hồng Ngài và ánh sáng Phiềng Sa.