Các bài báo Người Liên bang
Trong hệ thống tư tưởng chính trị Mỹ, tác phẩm Người Liên bang giữ một vị trí cực kỳ quan trọng, không chỉ để bảo vệ và đấu tranh cho bản Hiến pháp được thông qua mà sau này còn được sử dụng để giải thích Hiến pháp.
Kể từ khi xuất hiện trên các tờ báo ở New York, tuyển tập các bài luận văn này đã được xuất bản rất nhiều lần ở Mỹ, cũng như được dịch ra nhiều thứ tiếng khác trên thế giới. Bản tiếng Pháp xuất hiện ngay trong cuộc Cách mạng Pháp vào năm 1792.
Người Liên bang cũng được dịch ra tiếng Bồ Đào Nha (tại Rio Janero năm 1840), tiếng Tây Ban Nha (tại Bueros Aires năm 1868) và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tư tưởng cho các chính khách muốn thiết lập chính quyền liên bang tại các quốc gia Nam Mỹ. Ngoài ra, bản lược dịch tiếng Đức được xuất bản tại Bremen năm 1864 và tác phẩm này cũng được sử dụng trong quá trình thảo luận xây dựng Hiến pháp tại Australia và Nam Phi.
Tác phẩm này có thể được chia thành hai phần cơ bản: (i) phân tích những khiếm khuyết của thế chế chính quyền đương thời và (ii) trình bày những ưu việt của thể chế mới. Các bài báo này phân tích rất chi tiết vai trò và quyền hạn của các cơ quan chính quyền, bao gồm bộ máy hành pháp, lập pháp và tư pháp, đồng thời cũng phân định ranh giới giữa quyền hạn của liên bang và tiểu bang.
Vì đây là tác phẩm giữ vị trí then chốt trong việc thiết lập nhà nước Cộng hòa Hợp chúng quốc, tôi chọn dịch ba bài viết tiêu biểu nhất cho tác phẩm này là bài số 1, số 10 và số 51 . Đồng thời, tôi cũng trích dịch một bài báo chống lại tư tưởng Liên bang cùng thời gian này, phân tích những thiếu sót trong bản Hiến pháp liên bang, để bạn đọc có điều kiện đánh giá toàn diện về vấn đề này.
Người Liên bang Số 1
Bài đăng trên Tạp chí Độc lập Tác giả: Alexander Hamilton
Bài đầu tiên trong loạt bài Người Liên bang do Hamilton viết nêu mục đích và định hướng của loạt bài luận Người Liên bang.
Ngày 27 tháng Mười năm 1787.
Gửi dân chúng tiểu bang New York
Sau thực tế hiển nhiên về sự tồn tại thiếu hiệu quả của chính quyền Hợp bang hiện nay, bản Hiến pháp mới cho nhà nước Hợp chúng quốc được gửi cho các bạn, những công dân của Hợp chúng quốc, xem xét và thảo luận. Chỉ riêng tiêu đề đó cũng đã nói lên tầm quan trọng lớn lao của sự kiện này.
Cần phải nói rằng kết quả của sự phê chuẩn này sẽ vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại của Liên minh chúng ta, đối với sự an toàn và thịnh vượng của tất cả mọi thành phần lập nên nhà nước này, quyết định số phận của một đế chế, trong nhiều khía cạnh, được coi là quốc gia kỳ diệu nhất trên thế giới.
Người ta thường nhận xét rằng nhờ đức hạnh và hình mẫu của mình, dường như Đấng Tạo hóa đã ban cho dân tộc sống trên quốc gia này quyền quyết định quan trọng rằng liệu xã hội của những người có năng lực thật sự có thể thiết lập được một chính quyền tốt đẹp nhờ trí suy đoán và quyền tự do lựa chọn của mình không, hay phải mãi mãi phụ thuộc vào sự may rủi và bạo lực, để cam chịu chấp nhận những thể chế chính trị mà dường như đã đặt sẵn cho họ.
Nếu như có bất kỳ sự thật nào trong nhận xét đó, thì cuộc khủng hoảng mà chúng ta vừa trải qua có thể được coi như một kỷ nguyên, trong đó, chính dân tộc này có quyền quyết định sự chọn lựa cho mình. Vì thế, nếu sự chọn lựa của chúng ta là sai lầm thì quả thật, đó là một điều vô cùng bất hạnh cho loài người.
Ý tưởng này sẽ bổ sung cho lòng nhân ái của những người yêu nước, nâng cao lòng khao khát mà mọi công dân chân chính đều cảm nhận về sự kiện này. Thật hạnh phúc biết bao nếu sự lựa chọn của chúng ta dựa trên những đánh giá khôn ngoan về những lợi ích thực sự của chúng ta, không thành kiến và không xáo động bởi những lời đàm tiếu và bình phẩm mà chẳng liên quan gì đến lợi ích chung của toàn xã hội.
Đó là điều chúng ta khao khát mãnh liệt để đạt đến, nhưng thực tế, để thành công chẳng dễ dàng gì. Mô hình chính quyền được trình bày cho toàn dân chúng ta cân nhắc kỹ càng, có ảnh hưởng rất lớn đối với những lợi ích khác nhau và những tầng lớp dân chúng khác nhau, sẽ cải cách rất nhiều những thể chế chính quyền địa phương. Các cuộc thảo luận về mô hình này không nhằm đến những mục tiêu xa lạ về giá trị của bản Hiến pháp, không nhắc đến những quan điểm, những tình cảm và những thành kiến chẳng ưu ái gì việc kiếm tìm sự thật.
Trong số những trở ngại to lớn nhất mà bản Hiến pháp mới gặp phải, đó là sự khác biệt rất lớn về lợi ích của một tầng lớp người nhất định tại mọi tiểu bang, chống lại mọi sự thay đổi mà có thể dẫn đến việc suy giảm quyền lực, lương bổng của các chức vụ họ đang nắm giữ trong các chính quyền tiểu bang; phá hỏng tham vọng của một số người đang hy vọng nâng cao địa vị và uy quyền của mình nhờ sự hỗn độn của đất nước chúng ta, hoặc sẽ nuôi dưỡng ảo tưởng cho bản thân họ về những viễn cảnh tốt đẹp, nhờ sự chia rẽ của đế chế này thành những liên hiệp nhỏ bé, hơn là thiết lập một liên minh thống nhất với một chính phủ chung.
Tuy nhiên, dự định của tôi không phải tập trung vào việc quan sát bản chất của mô hình này. Tôi hoàn toàn hiểu rằng thật sai trái nếu tùy tiện phán xét sự chống đối của bất kỳ nhóm người nào (đơn thuần chỉ vì hoàn cảnh của họ có thể làm cho họ bị nghi ngờ). Sự ngay thẳng buộc chúng ta phải chấp nhận rằng thậm chí những người đó có thể được thúc đẩy bởi những mong ước chân thành và đúng đắn.
Cũng không thể nghi ngờ rằng phần nhiều sự chống đối đã xuất hiện, hoặc sẽ xuất hiện, đều xuất phát từ những nguyên do, chí ít là không thể trách móc được, nếu không nói là cần được kính trọng, là những lầm lỗi chân thật của lý trí, gây ra bởi lòng ghen tị sai trái và cả những nỗi lo sợ. Những nguyên do này quá nhiều và quá mạnh mẽ, nên đã làm cho phán xét của chúng ta có phần bị thiên lệch.
Chúng ta, trong nhiều trường hợp, sẽ nhận thấy ngay cả những người khôn ngoan và chân chính cũng có lúc sai lầm trong việc phán quyết các vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu đối với toàn xã hội. Sự phân tích đó, nếu là chính xác, sẽ dạy chúng ta một bài học, để thuyết phục những người luôn luôn cho rằng lẽ phải thuộc về họ trong bất kỳ cuộc tranh cãi nào. Và một lý do tiếp theo cho sự cẩn trọng về phương diện này, có thể rút ra từ sự suy xét rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể khẳng định những người biện hộ cho sự thật đều sử dụng những nguyên tắc đúng đắn hơn những người đối lập với họ.
Tham vọng, lòng hám lợi, sự thù địch cá nhân, sự đối lập phe phái và nhiều động cơ khác, không thể được ca tụng, nếu được cả những người ủng hộ cũng như những người phản đối sử dụng trong việc thảo luận một vấn đề. Liệu đó không phải là những lý do để thuyết phục rằng không gì sai lầm hơn sự khờ dại của tư tưởng cố chấp, điều mà luôn luôn là đặc tính của mọi phe phái.
Trong chính trị cũng như trong tôn giáo, thật vô lý khi đối xử và đàn áp những người thay đổi lập trường và tín ngưỡng bởi bạo lực và gươm đao. Những tà giáo cũng hiếm khi bị lăng mạ và đàn áp.
Nhưng những tâm trạng và tình cảm này, như chúng ta đã chứng kiến, đều luôn luôn xuất hiện, trong mọi cuộc thảo luận trước đây về những vấn đề có tầm quan trọng quốc gia. Cần phải hòa giải dòng thác lũ những cảm xúc hiểm độc và giận dữ. Để xét đoán tư cách của những phe phái đối lập, chúng ta cần hiểu rằng họ đều hy vọng chứng tỏ sự công bằng trong những quan điểm của họ và tăng thêm số người ủng hộ bằng việc thổi phồng trong những lời tuyên bố cường điệu và dùng giọng điệu chua cay trong những lời chỉ trích của họ.
Lòng hăng hái nhiệt thành ủng hộ một chính quyền mạnh và hiệu quả, sẽ bị bêu xấu như thể những đứa con của nền quân chủ chuyên chế căm thù những nguyên tắc tự do. Một lòng ngờ vực thái quá về mối hiểm nguy đối với quyền của con người, thường là sự lẫm lẫn của lý trí hơn là của trái tim, chỉ là sự vờ vĩnh và dối trá, là cái miếng mồi nhạt nhẽo lừa dối dân chúng với cái giá phải trả chính là điều tốt lành cho cả công cộng. Một mặt, người ta sẽ quên rằng lòng hiềm khích và ngờ vực đó là điều thường xảy ra cùng với lòng yêu thương, và rằng sự nhiệt thành cao quý đó, đối với tự do, chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng đố kị hẹp hòi và thiển cận.
Mặt khác, người ta cũng quên rằng sức mạnh của chính quyền chính là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự an toàn cho tự do; rằng nhờ sự trù tính khôn ngoan và phán xử chính xác, lợi ích của họ sẽ không bao giờ bị mất đi; và rằng tham vọng nguy hiểm thường ẩn trốn đằng sau mặt nạ giả tạo của lòng hăng hái đấu tranh cho quyền của con người, chứ không phải là lòng hăng hái ủng hộ một chính phủ vững chắc và hiệu quả. Lịch sử dạy chúng ta rằng những kẻ đấu tranh đòi quyền tự do cá nhân lại thường là những kẻ mang lại nền độc tài hơn là những người đối lập, và rằng những kẻ phá bỏ tự do của những nhà nước cộng hòa, hầu hết đều bắt đầu sự nghiệp bằng cách khúm núm và quị lụy dân chúng, thi hành những chính sách mị dân, để cuối cùng lại trở thành những kẻ độc tài.
Hỡi những đồng bào của tôi, trong toàn bộ những nhận xét trước đây, tôi đã cảnh báo các bạn cần chống lại mọi nỗ lực, từ bất cứ phe phái và nguồn gốc không đúng đắn nào, tác động đến quyết định của các bạn trong thời điểm cực kỳ hệ trọng, liên quan đến sự thịnh vượng và hạnh phúc của các bạn. Không nghi ngờ gì nữa, các bạn cũng đồng thời nhận được những lý lẽ đó từ khắp mọi nơi, xuất phát từ những người chẳng thân thiện và thích thú gì bản Hiến pháp mới.
Đúng thế hỡi những đồng bào của tôi! Sau khi trình bày những xem xét thấu đáo để đưa ra một sự chọn lựa, ý định rõ ràng của tôi là: vì lợi ích của chính mình, các bạn nên chấp nhận bản Hiến pháp này. Tôi hoàn toàn tin rằng đây là hướng an toàn nhất cho sự tự do, sự thịnh vương và hạnh phúc của bạn. Tôi không do dự và chần chừ hay băn khoăn gì về phương án này bởi tôi không hề cảm thấy như vậy. Tôi sẽ không vờ đắn đó cân nhắc bởi tôi đã quyết định điều đó rồi.
Tôi sẽ thẳng thắn trình bày với các bạn sự tin tưởng của mình và cũng chân thành trình bày cho các bạn những lý do tại sao tôi lại có quyết định đó. Ý thức được những dự định tốt đẹp thì không thể nhập nhằng và mơ hồ. Tuy nhiên, tôi sẽ không nhắc đi nhắc lại những lời thề nguyện trong cái đầu này dù những điều thôi thúc đó vẫn còn mãi trong lồng ngực của tôi. Những lý lẽ của tôi là công khai với mọi người và để tất cả dân chúng phán xử. Chí ít, những lý lẽ đó được trình bày với lòng chân thật, không phản bội và làm ô nhục sự cao cả của lẽ phải.
Vì thế, tôi đề nghị một loạt những bài viết sẽ bàn luận về những chủ đề đặc biệt hấp dẫn:
Lợi ích của Liên minh đối với sự thịnh vượng của bạn - Sự thiếu hiệu quả của Hợp bang hiện nay trong việc duy trì Liên minh - Sự cần thiết của một chính phủ có uy quyền và sức mạnh, ít nhất như mô hình chính quyền đã được đề xướng, để đảm bảo những mục tiêu này - Sự phù hợp của bản Hiến pháp mới đối với những nguyên lý chính đáng của một chính phủ Cộng hòa - Sự tương đồng giữa bản Hiến pháp mới với các bản Hiến pháp tiểu bang của các bạn - và cuối cùng, việc phê chuẩn bản Hiến pháp này sẽ là một đảm bảo bổ sung để duy trì tự do và sự thịnh vượng trong mô hình chính quyền này.
Trong quá trình thảo luận này, tôi sẽ cố gắng đưa ra câu trả lời, làm hài lòng những đòi hỏi được đưa ra, những điều làm cho các bạn quan tâm và chú ý.
Có thể có người cho là vô ích khi tranh luận nhằm chứng minh lợi ích của một Liên minh. Bởi vì thứ nhất, sâu xa trong trái tim, người dân của mọi tiểu bang đều gắn bó và tin vào sự đúng đắn của một chính quyền vĩ đại. Một điều nữa là có thể tin rằng không có ai thù địch và căm ghét chính quyền này.
Nhưng sự thực, như chúng ta đã nghe thấy, tin đồn và lời ca thán đang lan rộng trong những phe nhóm nhỏ của những người phản đối bản Hiến pháp rằng mười ba tiểu bang là một lãnh thổ quá lớn cho bất cứ hệ thống chung nào và chúng ta phải tìm giải pháp bằng việc lập ra nhiều hợp bang nhỏ riêng biệt của một số vùng đất trong toàn bộ lãnh thổ này.
Học thuyết này, bằng mọi cách có thể, sẽ dần dần được lan truyền, cho đến có được những người ủng hộ đủ để chống lại những lời công kích công khai đó. Rõ ràng là chúng ta chỉ có hai còn đường để lựa chọn, hoặc là chấp nhận bản Hiến pháp mới, hoặc là Liên minh sẽ tan rã. Do đó, tôi bắt đầu với việc khảo sát những lợi thế của Liên minh, những sai trái và trục trặc đã xảy ra, rồi tới những mối nguy hiểm có thể xảy ra cho mọi tiểu bang, nếu Liên minh bị tan rã. Điều này là những chủ đề tương ứng trong những bài viết tiếp theo của tôi.