ngan trang
New member
- Xu
- 159
Tranh luận về sự bình đẳng của các tiểu bang tại Quốc hội (tiếp theo)
Để tránh mọi sự nguy hiểm, không gì tốt đẹp bằng việc hình thành một quốc gia chung. Ban đầu, tiểu bang Massachusetts là sự kết hợp của ba thuộc địa: vùng đất Massachutsetts cổ ngày xưa, tỉnh Plymouth và tỉnh Mayne.
Vì nhận thức được những mối nguy hiểm đó, nên sự hợp tác tất yếu sẽ xảy ra. Mọi vùng đất đều an toàn và hài lòng và đến nay, mọi sự khác biệt đều bị quên lãng. Điều này cũng giống như Connecticut và New Haven. Sự kết hợp trong một quốc gia sẽ mang lại nhiều điều tốt lành và làm mọi bên tham gia hài lòng.
Cũng như vậy, tiểu bang New Jersey được thành lập từ hai xã hội khác biệt. Nếu liên minh các tiểu bang tan rã, số phận của New Jersey sẽ tồi tệ nhất vì bang này không hề có nền thương mại với nước ngoài. Pennsylvania và New York sẽ tiếp tục áp đặt mức thuế lên các hàng hóa nhập vào lãnh thổ của mình. Về tổng thể, ông tin rằng liên minh các tiểu bang là cần thiết để đảm bảo hạnh phúc của dân chúng và một chính quyền liên bang mạnh là cần thiết cho liên minh này.
Ngài ELSWORTH: Không thất vọng về sự bế tắc đang diễn ra. Ông vẫn tin rằng Hội nghị sẽ tìm được một mô hình chính quyền tốt đẹp và mô hình này sẽ được chấp thuận.
Ngài READ: Không phản đối nếu đó là một chính quyền quốc gia, nhưng mô hình này pha trộn quá nhiều đặc điểm liên bang. Các bang nhỏ không có gì phải lo sợ cả. Chính các bang lớn nhận thức được sự cần thiết của sức mạnh nên mới mong ước có một chính quyền trung ương, đáp ứng được những điều họ cần. Massachusetts đang thể hiện những điểm yếu của mình và ông tin rằng Delaware không gì đáng phải lo sợ cả. Delaware đang được hưởng sự thanh bình và điều này vẫn được tiếp tục bảo đảm.
Ông không ích kỷ đến mức không muốn một chính quyền chung, nhưng để đạt được chính quyền chung ấy, các tiểu bang cần phải hợp tác. Nếu họ không làm như vậy, đại diện các bang lớn sẽ hợp sức với nhau trong tất cả mọi việc để chọn ra nhánh hành pháp và sẽ phản bội lại mọi điều đã cam kết. Sự ghen tị và hiềm khích là không tránh khỏi nếu các tiểu bang vẫn tiếp tục tồn tại riêng rẽ. Chúng cần phải được dẹp bỏ. Các vùng đất chưa được ban cấp đang bị một số tiểu bang chiếm đoạt cần phải được trao nộp cho chính quyền trung ương. Ông tán thành kế hoạch của Ngài Hamilton và muốn mô hình đó sẽ được thảo luận thay thế mô hình hiện nay.
Ngài MADISON: Đồng ý với Bác sĩ Johnson rằng cần phải lưu ý đến bản chất pha trộn của chính quyền, nhưng có quá nhiều phản đối nếu coi tiểu bang như là những xã hội chính trị. Những hợp tác nhỏ nhất, với phạm vi hạn chế nhất, dần dần sẽ trở thành sự hợp tác của toàn thể đế chế với đầy đủ các quyền hạn. Ông chỉ ra những giới hạn về chủ quyền của các tiểu bang, như việc các đạo luật của họ hiện nay chỉ là phụ trợ cho những bộ luật tối thượng của quốc gia, tương tự như các luật thứ yếu của địa phương với Hiến pháp tiểu bang họ.
Theo mô hình chính quyền đề xuất, quyền lực của các tiểu bang sẽ phải bớt giảm nhiều. Theo quan điểm của các đại biểu, chính quyền trung ương cần có thẩm quyền lớn hơn cả quyền hạn của Nghị viện Anh, trong khi các tiểu bang vẫn chỉ là các thuộc địa của Đế chế Anh. Đặc biệt là không cần sự chấp thuận của các chính quyền tiểu bang nhưng chính quyền trung ương vẫn có thẩm quyền áp đặt thuế khóa trực tiếp lên dân chúng các tiểu bang.
Do vậy, mọi bất bình đẳng từng gây ra mọi sai trái và tội lỗi dưới chính thể đại diện bất công của nước Anh sẽ bị xóa bỏ và một xã hội bình đẳng sẽ được thiết lập.
Ông khẩn khoản nài xin đại biểu các bang nhỏ từ bỏ nguyên tắc rõ ràng là bất công này, vì mô hình chính quyền đó sẽ không bao giờ được chấp nhận. Thậm chí, dù được chấp nhận, cũng chắc chắn sẽ phá hỏng liên minh mà chúng ta đang mong ước là sẽ tồn tại mãi mãi. Ông cầu xin họ hãy cân nhắc kỹ lưỡng về hậu quả sẽ xảy ra nếu Hợp bang sẽ tan rã.
Hãy để mỗi tiểu bang bảo vệ bản thân bằng năng lực của mình. Khi đó, các bang nhỏ sẽ phải lo sợ ngoại bang ở châu Âu và các tiểu bang láng giềng. Tình cảnh suy tàn đó của mọi tiểu bang lớn cũng như bé đó sẽ nhanh chóng trở thành lời kêu gọi mạnh mẽ đòi thiết lập một chính quyền chung. Nỗi sợ hãi lớn nhất của ông là chính quyền, khi đó, với quá nhiều quyền lực, sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho các bang nhỏ mà còn thực sự đe dọa tự do của mọi người dân.
Chính những nguyên nhân đó đã làm cho Cựu lục địa [châu Âu] trở thành bãi chiến trường của những cuộc chiến tranh liên miên, và cướp đi tự do trên mảnh đất này. Những hậu quả tương tự sẽ nhanh chóng xuất hiện ngay trên mảnh đất này. Sự yếu kém, nhu nhược và ghen tị của các bang nhỏ sẽ nhanh chóng buộc họ phải lập ra những đội quân thường trực để chống lại những mối nguy hiểm từ các tiểu bang láng giềng hùng mạnh. Các tiểu bang lân cận cũng buộc phải làm theo và rồi tất cả các bang đều như vậy.
Trong thời chiến, nhánh hành pháp tối cao thường được trao toàn quyền quyết định. Nỗi ám ảnh và lo sợ chiến tranh buộc cơ quan này phải mở rộng và trở nên rất đông đảo. Đội quân thường trực và nhánh hành pháp ngày càng nhiều quyền lực sẽ không còn là người bảo trợ cho tự do nữa.
Những phương tiện được sử dụng để chống lại các thế lực ngoại bang cũng là những công cụ cho những kẻ độc tài trong nước chèn ép dân chúng. Ở La Mã, đội quân thường trực để ngăn chặn những bạo động lại thường là nguyên nhân gây ra chiến tranh. Trên khắp châu Âu, các đội quân núp dưới danh nghĩa phòng vệ đã biến dân chúng thành nô lệ. Có thể nghi ngờ rằng liệu một chính quyền tốt nhất của một cường quốc ở châu Âu, trong hoàn cảnh không có mối nguy cơ nào từ ngoại bang buộc dân chúng phải qui thuận, có thể tự bảo vệ được mình không?
Sự biệt lập của hòn đảo Anh quốc là nguyên nhân chủ yếu làm cho quốc gia này tránh khỏi được số phận chung của cả châu Âu. Vì nhu cầu phòng thủ của nước Anh không lớn, nên dân chúng chỉ chấp nhận một đội quân có qui mô nào đó cho mục đích phòng vệ, nhưng không thể đủ sức mạnh để đàn áp dân chúng trong nước. Cần hiểu rõ hậu quả nếu các tiểu bang trở nên độc lập hay gia nhập vào các liên minh nhỏ lẻ nào đó. Cả hai con đường này đều đáng bị lên án. Những ai dù tán thành bất cứ cách nào cũng sẽ không được tổ quốc tha thứ và cũng không thể tự tha thứ cho chính bản thân mình.
Ngài HAMILTON: Các cá nhân cấu thành nên những xã hội chính trị sẽ thay đổi quyền của họ theo các cách khác nhau, tùy thuộc vào quyền bỏ phiếu. Những ví dụ như vậy có thể tìm thấy ở tất cả các tiểu bang. Trong mọi tiểu bang, một số cá nhân bị cướp đoạt các quyền này vì không đáp ứng đủ những đòi hỏi cần thiết về tài sản.
Tại một số tiểu bang, quyền bỏ phiếu chỉ áp dụng hạn chế đối với một số người, còn những người khác không có quyền này. Cần phải có một số tài sản nào đó mới được quyền bầu chọn thành viên của một Viện và để bầu chọn thành viên của Viện kia, thì cần mức độ tài sản lớn hơn. Nhưng các tiểu bang là tập hợp của các cá nhân. Vì thế, điều chúng ta cần tôn trọng nhất là quyền của các cá nhân. Thật là phi lý và ngớ ngẩn nếu hy sinh quyền của cá nhân vì quyền của tiểu bang.