• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

"Tứ bất tử" trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam gồm những ai?

TỨ BẤT TỬ TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN VIỆT NAM GỒM NHỮNG AI?

"Tứ bất tử" là tên gọi của bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đó là Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh. Tản Viên biểu hiện cho ước vọng chiến thắng thiên tai, lụt lội; Thánh Gióng biểu hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm; Chử Đồng Tử biểu hiện cho cuộc sống phồn vinh về vật chất; Liễu Hạnh biểu hiện cho cuộc sống phồn vinh về tinh thần của người Việt Nam. Trong tâm thức dân gian, đó là biểu hiện của sự trường tồn, bất diệt của dân tộc ta, của đất nước ta từ thuở xa xưa cho tới ngày nay và việc thờ cúng đã có từ lâu và phổ biến trong cả nước.

- Tản Viên (tức Sơn Tinh): tục truyền là người động Lăng Sơn, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa, xứ Sơn Tây. Bố là Nguyễn Cao Hạnh, mẹ là Đinh Thị Điên. Khi ông Hạnh đã 70 tuổi và bà Điên đã hơn 50 tuổi mới sinh được một người con trai, với tướng mạo phi phàm, tuấn tú, dáng người hiên ngang và được đặt tên là Nguyễn Tuấn.

View attachment 10023
Đền Và (Thờ Thánh Tản Viên) ở Hà Tây

Khi lên 6 tuổi, bố mất, Nguyễn Tuấn đổi tên là Nguyên Huệ. Năm lên 7 tuổi, ông được mẹ đưa lên núi Ngọc Tản sống. Nguyễn Huệ được Ma Thị là chủ núi Ngọc Tản nhận làm con nuôi và được đổi tên thành Nguyễn Chiêu Dung. Khi mẹ mất, Chiêu Dung sống cùng với mẹ nuôi là Ma Thị. Một hôm khi vào rừng chặt cây, ông đã chặt phải cây thần nên ông gặp "Sơn Tinh đại thần" tên gọi là "Tinh thần tử huy thiên tướng". Và vị thần này đã trao cho Chiêu Dung cây gậy thần để cứu giúp người đời. Từ đó Nguyễn Chiêu Dung tự xưng mình là thần sư, thường đi ngao du khắp thiên hạ cứu giúp người đời. Khi đến châu Trung Độ (châu Trường Sa), xã Ma Xá, ông thấy đám trẻ chăn trâu đang đánh một con rắn, ông bèn bỏ ra ba mươi đồng mua lại rồi dùng gậy thần cứu rắn. Con rắn vốn là Thủy Tinh con trai Long Vương, nên Long Vương đã trao cho ông sách ước.

Vào thời gian đó, vua Hùng thứ 18 mở cuộc thi tài kén rể cho công chúa Mị Nương. Nghe tin, Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng xin được diện kiến. Khi đến phần tỉ thí tài năng, cả Sơn Tinh và Thủy Tinh đều ngang tài ngang sức. Nhà vua không biết gả con gái cho ai nên đành hẹn ai mang sính lễ đến trước thì được cưới công chúa. Sơn Tinh nhờ có sách ước nên đã chuẩn bị đầy đủ sính lễ theo yêu cầu của nhà vua và mang đến trước. Thủy Tinh đến sau, nổi giận cho dâng nước tiến đánh Sơn Tinh. Do Sơn Tinh có sách ước, lại có phép thuật nên Thủy Tinh không thể nào hại được. Và nhờ có Sơn Tinh, đất nước được thanh bình.

Theo truyền thuyết, An Dương Vương là người đầu tiên lập đền thờ Tản Viên. Đến đời Lý đã phong Tản Viên là "Thượng đẳng tối linh thần" và "đệ nhất phúc thần". Đền chính là đền Thượng ở núi Ba Vì, ngoài ra còn có nhiều nơi có đền thờ Thánh và các bộ tướng, nhưng tập trung nhất là ở tỉnh Vĩnh Phú (cũ), Hà Tây và các tỉnh thuộc Hà Nam Ninh (cũ). Ở đền Và (Ba Vì, Hà Tây) cứ ba năm một lần nhân dân mở hội lớn với lễ rước bài vị Thánh qua sông Hồng, lễ tắm ngau, đánh cá thờ, tục làm cỗ thờ 99 đuôi cá, tiệc làm gỏi...Hội có những trò chơi như: múa rô, cướp kén, múa gà phủ, rước chúa gái (Mị Nương), trò Tản Viên đánh Thục...(1).

- Thánh Gióng: quê ở thôn Ngô Xá, xã Phù Đổng, huyện Tiên Du. Tương truyền rằng, mẹ ông làm nghề trồng rau, sống trinh tiết, không lấy chồng. Vào một đêm mưa to, gió lớn, vườn rau nhà bà bị dẫm nát và ở giữa vườn có một dấu chân lớn, bà đưa chân ướm thử và hái những lá rau về nấu canh ăn. Khi ăn xong, bà thấy động trong mình, từ đó mang thai, dân làng cho bà là bất chính nên đuổi ra khỏi làng. Bà dời sang Đông Xuyên, sau đó dời về xóm Ban, thôn Phù Đổng. Ngày mùng 7 tháng giêng, bà sinh được một người con trai. Khi lên ba tuổi, người con trai này không biết nói, biết cười nhưng khi nghe tin sứ giả đi cầu hiền tài để giúp nước đánh giặc Ân, Thánh Gióng đã nhanh nhảu xin được ra trận đánh giặc cứu nước. Với sức mạnh phi thường, Thánh Gióng đã giết chết tướng giặc, quân giặc tan tác, số còn lại quỳ lạy xin hàng. Khi đánh giặc xong, Thánh Gióng đã phi ngựa về núi Ninh Sóc và bay lên trời. Mang ơn công lao to lớn của Thánh Gióng nên vua Hùng đã phong Thánh Gióng làm "Phù Đổng Thiên Vương", sai lập miếu thờ ngay tại nền nhà cũ ở làng Phù Đổng. Đến đời nhà Lý, Lý Công Uẩn đã cho trùng tu đền thờ, tạc tượng và truy phong Thánh Gióng là "Xung Thiên Thần Vương". Từ thời nhà Trần về sau đều phong tặng sắc thần cho Thánh Gióng, với các danh hiệu như: Thượng Đẳng Phúc Thần, Nhật Vị Tế Cương Nghị, Hiêu Hựu Anh Linh...

View attachment 10024
Tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc - Hà Nội

Ngoài đền thờ chính ở làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, còn có đền thờ ở Sóc Sơn, núi Vệ Linh, làng Xuân Tảo, làng Phú Viên, ngoại thành Hà Nội. Hàng năm vào ngày 9 tháng 4 âm lịch nhân dân mở hội Làng Gióng, với những nghi lễ như: rước nước, tập trận, săn hổ, cờ tướng, múa hát, chèo tuồng...Trong tâm thức người Việt, Thánh Gióng là hào khí của bản hùng ca hoành tráng từ ngàn xưa vọng lại, niềm tự hào, kính trọng về sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

- Chử Đồng Tử: là người xã Dạ Trạch, huyện Khoái Yên, tỉnh Hưng Yên, cha là Chử Trương, mẹ họ Bành. Khi Đồng Tử biết nói thì mẹ qua đời, sau đó nhà bị cháy, của cải đều bị thiêu rụi. Hai cha con chỉ còn một tấm khố nên phải thay nhau che thân đi đánh cá kiếm ăn qua ngày. Khi cha mất, Đồng Tử thương cha nên đã quấn chiếc khố để mai táng.

View attachment 10026

Tục truyền, thời Vua Hùng (thứ 3), con gái Hùng Vương là Tiên Dung Mỵ Nương ra chơi cửa biển, khi thuyền đến bãi Hương Chử gia, đi bộ trên bãi gặp Chử Đồng Tử trần mình nấp trong bụi lau. Tiên Dung tự cho thế là Nguyệt Lão se duyên, lấy nhau làm vợ chồng (Đại Việt sử ký toàn thư)

Khi cưới Tiên Dung con gái của Vua Hùng thứ 3, Chử Đồng Tử cùng vợ đã tự thân lao động, lập chợ buôn bán. Biết ơn công lao và đức độ yêu thương đồng bào của vợ chồng Chử Đồng Tử nên nhân dân trong vùng đã lập miếu thờ. Người Việt thờ Chử Đồng Tử như thờ ông tổ của đạo thờ tiên (Chử Đạo Tổ). Chử Đồng Tử và Tiên Dung được thờ ở nhiều nơi thuộc tỉnh Hưng Yên như Đa Hòa, Dạ Trạch..., tỉnh Hà Tây như xã Tự Nhiên. Chử Đồng Tử đi vào tâm thức dân gian không chỉ là người con hiếu thảo, nhân ái, mà còn là biểu tượng của một chí hướng phát triển cộng đồng: mở mang khai phá đồng bằng trũng lầy lội thành cánh đồng tươi tốt, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và phát triển nhiều ngành nghề khác, đặc biệt xuất hiện một ngành nghề mới, nghề đi buôn. Chử Đồng Tử đã mở một hướng đi mới cho sự phát triển của dân tộc, tạo nên sự giao lưu giữa dân tộc Việt và cộng đồng bên ngoài.

- Thánh mẫu Liễu Hạnh*: trong hệ thống điện thần Việt Nam, Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử, là vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ, mà bản chất của nó là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có từ lâu đời và độc đáo của Việt Nam.

View attachment 10025

Trong tiềm thức của nhân dân, Liễu Hạnh là một vị thần, một biểu tượng đa dạng, sinh động. Đó là sự khẳng định quyền sống của con người, khát vọng tự giải phóng, nhất là người phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến, khát vọng vươn tới những ước vọng của hạnh phúc gia đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt Nam đã được ký thác niềm tin vào biểu tượng của người mẹ.

Trong huyền thoại, dân gian vẫn tin rằng Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi bị đày xuống trần gian. Liễu Hạnh được triều đình phong thần, tôn là Nữ hoàng công chúa, Thế thắng đại vương...bà là bậc siêu nhân, luôn ban đức cho mọi người, góp phần đánh giặc ngoại xâm, trừng phạt kẻ phản nghịch. Đền thờ của bà được lập ở nhiều nơi, trong đó có Phủ Giầy (Vụ Bản), Thạch Thành (Phố Cát) và Hà Trung (Đền Sòng).


*Hiện nay vẫn có nhiều giả thuyết xung quanh nhân vật thứ tư trong "Tứ bất tử". Nhiều người cho rằng nhân vật thứ tư trong "Tứ bất tử" có thể là công chúa Tiên Dung hoặc thiền sư Từ Đạo Hạnh. (Nhiều tác giả. Hỏi đáp về văn hóa Việt Nam. NXB Văn hóa Dân tộc, H.2000, trang 116)


Theo sách Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam*
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top