Truyện thơ ngụ ngôn Ê đốp.

Thandieu2

Thần Điêu
Nguồn: Sưu tầm từ vnthuquan.net

Truyện thơ ngụ ngôn

Tập 1
Lời giới thiệu
Những bài học nhân hậu


Năm 1978 là tròn 150 năm ngày sinh nhà văn Nga vĩ đại Lép Nhi-cô-lai-ê-vích Tôn-xtôi, con người đã để lại cho chúng ta trong sách của mình những kho báu tư tưởng và ngôn từ vô giá.

Tôn-xtôi sinh ra, lớn lên và phần lớn cuộc đời mình đã sống ở I-a-xnai-a Pô-li-a-na. Ông rất yêu trẻ nhỏ và đã viết cho trẻ con nông dân I-a- xnai-a Pô-li-a-na nhiều truyện ngắn và truyện đồng thoại.

Tôn-xtôi đã in những truyện ngắn và truyện đồng thoại của mình dành cho trẻ nhỏ trong những cuốn sách nhan đề "Sách học vấn" và "Những cuốn sách Nga để đọc". Nhiều em nhỏ đã học đọc và học viết theo những cuốn sách này.

Tôn-xtôi đã đưa vào những cuốn sách dành cho trẻ nhỏ nhiều câu chuyện và truyền thuyết lấy từ văn học cổ, từ cuộc sống của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Ông đặc biệt thích thú các truyện ngụ ngôn giản dị và ngắn mà nhà thông thái cổ Hy lạp Ê-dốp đã sáng tác ra.

Ê-dốp sống cách đây đã lâu, khoảng 2500 năm (vào thế kỷ IV trước công nguyên). Những truyện ngụ ngôn cổ chính là những bài học nhân hậu. Mà bài học nhân hậu thì không bao giờ bị lãng quên!

Ai không nhớ truyện ngụ ngôn về hai người bạn và con gấu? Một anh hoảng sợ leo tót lên cây, còn anh kia ở lại trên đường. Khi gấu bỏ đi, anh thứ nhất hỏi: "Gấu nói gì với cậu thế?" Anh thứ hai trả lời: "Nó bảo rằng, không được bỏ bạn trong hoạn nạn"...

Câu chuyện này có thể đọc trong các sách giáo khoa cấp một ở nước ta cũng như những cuốn sách đầu tiên của thiếu nhi. Thậm chí cả những đứa trẻ còn chưa biết đọc cũng đã quen biết nó. Nhưng ít ai biết rằng truyện ngụ ngôn này là do Ê-dốp sáng tác và Tôn-xtôi đã dịch ra tiếng Nga.

Hay một câu chuyện nổi tiếng nữa về thằng bé nông dân chăn cừu nghịch ngợm mấy lần kêu cứu: "Sói ! Sói !" đã làm mọi người lo lắng vô ích. Nhưng khi tai hoạ thực sự đến, nó lên tiếng kêu cứu thì không ai đáp lại, bởi vì mọi người đều nghĩ nó đùa như trước đây...

Đó cũng là truyện ngụ ngôn của Ê-dốp do Tôn-xtôi dịch.

Nhiều truyện ngụ ngôn cổ mà độc giả được biết qua các bản dịch của I-van An-đrây-ê-vích Crư-lốp. Thí dụ, những truyện ngụ ngôn như: "Chuồn chuồn và kiến", "Quạ và cáo", "Sói và sếu"... Crư-lốp là nhà thơ và dịch truyện ngụ ngôn ra bằng thơ. Còn Tôn-xtôi là nhà văn và dịch cũng chính những truyện ngụ ngôn ấy ra bằng văn xuôi.

Tôn-xtôi đưa các bản dịch truyện ngụ ngôn của Ê-dốp xích gần lại với cách ngôn, tục ngữ ("Đắm thuyền") hoặc với truyện cổ dân gian ("Cáo và gà rừng"), hay biến nó thành truyện sinh hoạt ("Hai người bạn"). Ông chuyển sự kiện của truyện ngụ ngôn về môi trường thân quen. Chúng trở thành các truyện ngụ ngôn Nga, những tác phẩm tự hào của Lép Tôn-xtôi.

Thường thì các truyện ngụ ngôn cổ kết thúc bằng một kết luận hoặc một lời giáo huấn. Tôn-xtôi vứt bỏ những đoạn kết ấy, chỉ giữ lại hành động và tính cách của nhân vật, chắc là từ trẻ em cũng sẽ hiểu bài học nhân hậu nói về điều gì và dạy điều gì.

Để dịch được đúng Ê-dốp, Tôn-xtôi đã học tiếng Hy Lạp cổ, đọc rất nhiều sách. Nhiều mẩu chuyện về Ê-dốp còn được giữ lại. Một số người gọi ông là con người sung sướng, bởi vì, dường như ông hiểu được tiếng nói của loài vật, tiếng nói của thiên nhiên. Các truyện ngụ ngôn của ông về con sếu rút cái xương hóc trong họng sói, về con cáo không với được chùm nho, điều lý thú đối với trẻ em và người lớn, như các truyện cổ dân gian thần tiên. Trong đó, mọi điều đều hấp dẫn và có tính chất răn dạy. Nhưng truyện ngụ ngôn, khác biệt với truyện cổ dân gian, bao giờ cũng chứa đựng một sự chế giễu sắc nhọn như lông nhím, hay một sự ngăn ngừa như sư tử. Thêm vào đấy, bao giờ nó cũng dễ hiểu và ngắn gọn.

Số người khác gọi Ê-dốp là con người bất hạnh bởi vì ông muốn là một nô lệ nghèo nàn của tên nhà giàu Xan-phơ. Người ta còn nói rằng, sở dĩ Ê-dốp phải dùng lời bóng gió để giảng bài là bở vì ông sợ tên chủ của mình và không dám nói toạc ra. Nhưng Ê-dốp đâu có sự Xan-phơ. Và ông đã nói hết sự thật. Ông là một con người nghiêm khắc và dũng cảm mà chủ yếu, ông là một triết gia phong thái và nhân hậu. Ông bắt mọi người cười vui vẻ về những trò tinh nghịch của các nhân vật của mình. Và họ càng cười bao nhiêu, càng trở nên minh mẫn bấy nhiêu, bở vì như Puskin từng nói, "truyện cổ dân gian là điều không có thực nhưng trong đó có lời bóng gió là bài học cho những người thông minh, nhân hậu".

Nhiều câu chuyện về Ê-dốp còn được giữ gìn trong ký ức của nhân dân. Một trong những câu chuyện như vậy Tôn-xtôi đưa vào cuốn "Sách học vấn" của mình. Một lần Xan-phơ sai Ê-dốp đi dò xem đám cưới của người hàng xóm có nhiều người đến dự không. Ê-dốp đến nhà người hàng xóm, ném một súc gỗ xuống ngưỡng cửa nhà anh ta, rồi ngồi bên cạnh chờ khách khứa ra về. Tiệc tan, ai ra khỏi nhà cũng đều vấp phải khúc gỗ nhưng chỉ bực bội nhìn khúc gỗ rồi đi đường mình. Chỉ có một bà cụ sau khi bị vấp đã quay lại đẩy khúc gỗ dẹp sang bên để người khác không bị cản trở. Ê-dốp hài lòng trở về gặp chủ.

- Thế nào, ở đấy có nhiều người không? - Xan-phơ tò mò hỏi.

- Tất cả chỉ có một con người, mà đấy là một bà cụ già, Ê-dốp trả lời.
- Sao lại thế? - người chủ ngạc nhiên.

- Tất cả đều vấp phải khúc gỗ - Ê-dốp nói - mà không ai dẹp nó đi. Thế thì lũ cừu cũng làm như vậy. Riêng bà cụ già dẹp súc gỗ đi để người khác không bị ngã. Chỉ có con người mới làm như vậy. Một mình bà cụ là người.

Các nhân vật trong truyện ngụ ngôn của Ê-dốp có đủ loại khác nhau. Ở đây có cả con người, cả thần thánh, cả loài vật. Nhưng nhà viết ngụ ngôn cổ có kể về ai đi nữa, trước hết ông nhằm nói với trẻ em. Có thể vì thế mà đôi khi, dường như các nhân vật của ông chỉ là những đứa bé đeo mặt nạ. Chỗ này, chỗ kia, thỉnh thoảng từ dưới cái mặt nạ bị bật ra bất chợt lại lóe sáng những đôi mắt nghịch ngợm và thông minh của trẻ thơ. Điểm đặc biệt này của truyện ngụ ngôn đã được hoạ sĩ Mi-kha-in Rô-ma-đin cố gắng giữ trong các bức vẽ của mình.

Tôn-xtôi cho in "Sách học vấn" và "Những cuốn sách Nga để đọc" lần đầu vào những năm 1874 - 1875. Nhiều truyện trong những cuốn sách này, các em nhỏ đã quen biết. Đó là "Phi-li-pốc", là "Ba con gấu", là "Người tù Cap-ca-dơ", cũng như "Sư tử và con chó con" và những truyện khác. Ngày nay, bên cạnh những cuốn sách mỏng đầu tiên đó, trong cuốn sách đọc của trẻ em có thêm các câu truyện ngụ ngôn của Lép Tôn-xtôi. Những truyện này được xếp theo thứ tự như Lép Tôn-tôi đặt để đưa in. Thoạt đầu là những câu chuyện đơn giản nhất, về sau phức tạp dần... Nhưng tất cả những truyện này đều dành cho những người nghe và người đọc bé nhất, những người bắt đầu yêu quý và hiểu biết tiếng nói mẹ đẻ từ vần chữ cái.
Ê-du-a Ba-ba-Ðôp
 
Ngựa đực và ngựa cái

Đêm ngày ngựa cái rong chơi
Còn anh ngựa đực cả đời cày thuê
Ban ngày vất vả ê chề
Đói lòng chập choạng đêm về kiếm ăn
Lại nghe ngựa cái can rằng:
Tội gì cày xới nhọc nhằn anh ơi
Tôi mà bị chủ quất roi
Chổng mông tung vó tôi thời đá ngay
Hôm sau ngựa đực nghỉ cày
Chủ lôi ngựa cái ra thay việc đồng
Thế là ngựa cái đàng lòng
Ngày ngày đeo ách ra đồng cày thay.
 
Cáo và sếu

Cáo mời sếu đến ăn trưa
Dọn ra một đĩa canh chua nông choèn
Mỏ dài sếu chỉ mon men
Mổ canh chẳng được , sếu bèn nhịn suông
Thế là cáo chén sạch luôn
Còn cười sếu đói mặt buồn rút lui…
Hôm sau cáo được sếu mời
Món ăn ngào ngạt bốc hơi trong bình
Cực thân cáo chịu liếm quanh
Đầu to đâu lọt cổ bình dài thon
Cổ dài mỏ sếu xơi ngon
Cáo tham chết điếng nhìn mồm biết thân
 
Khỉ con

Khỉ mẹ sinh được hai con
Một con yêu quí sớm hôm nuông chiều
Một con ghét bỏ đủ điều
Một hôm người đuổi rượt theo cùng đường
Khỉ mẹ ôm đứa con thương
Một con bị mẹ bỏ vương bên rừng
Cực thân khỉ trốn vô bưng
Con yêu đập phải cây rừng chết toi…
Thợ săn khi bỏ đi rồi
Con yêu thì nghoẻo, con thời biệt tăm
Thân già khỉ mẹ ăn năn
Cô đơn vò võ trăm ngàn đắng cay
 
Đại bàng, quạ và người chăn cừu

Đàn cừu tha thẩn trên đồng
Đại bàng lao xuống quắp lông tha về
Quạ nhìn thấy thế thèm ghê
Làu bàu nguyền rủa , quạ chê đại bàng:
Đứa ngu tưởng vậy giỏi giang
Chộp con cừu bé làng nhàng gày nhom
Ta đây phải chén mồi ngon
Một con cừu đực béo tròn cối xay
Nói xong xà xuống giữa bầy
Dương lông móng vuốt quắp ngay lưng cừu
Than ôi ! Tham lắm khổ nhiều
Tha lên không nổi , chạy liều vướng lông
Người chăn cừu đến gỡ xong
Đập cho mấy nhát mạng tong quạ diều
 
Đôi bạn đường

Trẻ già cùng bước trên đường
Bỗng nhìn dưới đất ai vương túi tiền
Anh bạn trẻ vội nhặt lên
Lộc này thượng đế ban liền cho ta
Bạn già lên tiếng tham gia:
“Của chung , tôi chú chúng ta tiêu dùng”
Anh bạn trẻ vội tranh công
“Tôi nhặt được , tôi chỉ dùng riêng tôi”
Bạn già chẳng nói nửa lời
Đi quãng nữa , bỗng có người rượt qua
Một người cưỡi ngựa hỏi tra:
“ Đứa nào ăn cắp tiền ta dọc đường?”
Anh bạn trẻ giọng bi thương
“Chúng ta ,tôi-cụ, tai ương mất rồi”
Cụ già liền bảo :”thôi!thôi!
Tiền anh nhặt được chứ tôi can gì!”
Đoàn người giải kẻ gian đi
Đến nơi xét hỏi thị phi rạch ròi
 
Chó sói và chó nhà

Chó ngủ thiếp sau sân nhà nó
Sói định tâm bắt chó thịt ăn
Chó nhà tỉnh vội khất lần :
"Ông khoan hãy cắn tôi ăn lần này
Da bọc xương tôi gày quá xá
Đợi tới đây có ả lấy chồng
Cỗ bàn chả phượng nem công
Tôi ăn mập ú , mời ông đến xài"
Sói tin lời qua vài ngày nữa
Thấy chó nằm ngơi giữa mái sau
Sói bèn gội chó lại mau
"Hẳn là đám cưới đón dâu xong rồi ?"
Chó trả lời :"Trời ơi anh sói!
Lần sau vào đừng gọi chi tôi
Nếu tôi ngủ thiếp đi rồi
Mời anh cứ việc mà xơi , đừng chờ..."
 
Đắm thuyền

Thuyền đánh cá trên sông
Trời bỗng nổi bão dông
Mọi người đều sợ hãi
Họ gác mái chèo lại
Cầu thượng đế phù trì
Thuyền cứ thế trôi đi
Ngày càng xa bờ mãi
Bơi chèo vẫn gác mái…
Chợt bác đánh cá già
Mới hỏi :tại sao ta
Gác mái chèo lại thế
Cứ việc cầu thượng đế
Nhưng vẫn gắng chống chèo
Qua vất vả gieo neo
Cho thuyền vào bờ chứ
 
Con chuột phát phì

Chuột ta gậm sàn nhà
Một khe hở hiện ra
Chuột chui qua khe hở
Thức ăn nhiều nhiều là…
Chuột tham ăn quá xá
Bụng bội thực phình to
Sáng ra quay về tổ
Nhưng thật là khổ sở
Cái bụng bự tròn căng
Đến nỗi Chuột ngiến răng
Chui không lọt khe hở
 
Chuột và ếch

Ếch xanh gặp chuột trên bờ
Mời chuột đến nhà dưới nước tăm chơi
Chuột ta vội vã nhận lời
Ngụp ngay xuống nước ngạt hơi suýt chìm
Cố ngoi ngóp mãi mới lên
Qua cầu thoát nạn còn rên hừ hừ
Nhủ rằng đến chết xin chừa
Chơi bời nhà lạ từ giờ xin thôi
 
Ếch , chuột và diều hâu

Ếch và chuột cãi nhau gay gắt
Lôi nhau ra mô đất bụi cây
Thượng cẳng chân , hạ cẳng tay
Đả nhau tối mặt tối mày chẳng tha
Vừa đòn hiểm vừa la thảm thiết
Mặc đất trời chẳng biết xung quanh
Diều hâu sục sạo rất nhanh
Thấy ngay chuột ếch hai anh say đòn
Bèn chộp luôn mồi ngon hai chú
Đều chui vào bụng mụ diều hâu
 
Biển, sông và suối

Chuyện rằng hai bác nông phu
Một bác cuộc có thểt tu rất nhiều
Đại dương dù rộng bao nhiêu
Bụng tôi nốc cạn là điều dễ thôi
Một rằng :chẳng uống nổi rồi
-Bỏ ra ngàn bạc là tôi cuộc liền
Hôm sau mấy bác trong miền
Kéo nhau ra hỏi: cuộc tiền ra sao?
Giỏi thì uống thử xem nào
Bằng không , ngàn bạc ông trao cho rồi
Bác nông dân lại cả cười
Uống riêng biển nước thì tôi sợ gì
Nhưng đừng pha trộn nước chi
Nước sông nước suối lẫn thì không xong
Suối sông hãy chặn mọi dòng
Riêng nước biển , tôi cạn xong bây giờ
 
Đại bàng và cáo

Đại bàng chộp được cáo con
Cáo mẹ hoảng hồn lạy lục xin tha
Đại bàng nghĩ bụng:nhà ta
Cây tùng cao tít , ai mà dám lên
Đại bàng cắp cáo đi liền
Cáo mẹ vội tìm củi cháy một thanh
Đem về chất gốc tùng xanh
Âm mưu đốt tổ của anh đại bàng
Đại bàng quay lại lạy van:
Thôi thôi xin trả cáo con cho bà
Mong bà đại xá cho ta…
 
Mèo và cáo

Cáo mèo bàn luận râm ran
Làm sao tránh chó cắn càn được đây
Mèo rằng chỉ một mẹo này
Sợ chi lũ chó đến đây săn lùng
Cáo rằng mi nói lạ không
Có chăng một mẹo mà mong phòng ngừa
Ta đây bảy bảy mẹo lừa
Bảy bảy mánh lới vẫn chưa an toàn
Cáo-mèo đang mải luận bàn
Thoắt đâu tai nạn bất an ngặt ngèo
Thợ săn mấy bác hò reo
Chó săn một lũ rượt theo săn mồi
Mèo thì chỉ một mẹo thôi
Leo cây đến ngọn, mèo ngồi yên thân
Cáo khoe mưu chước trăm lần
Mà không tráng khỏi chó săn thính mồi
 
Mèo đeo nhạc

Quanh năm mèo bắt chuột ăn
Mỗi ngày mây chú chết lăn vì mèo.
Muốn cho thoát cảnh hiểm nghèo.
Họ hàng nhà chuột họp nhau lại bàn
Suy đi suy lại miên man
Không ra cách thoát muôn vàn tai ương
Chuột con lên tiếng tỏ tường:
“Giống mèo đi lại thường thường rất êm
Rình mò săn chuột ngày đêm
Chuột không phát hiện một phen đi đời
Chỉ còn một cách này thôi
Phải đeo lục lạc vào nơi cổ mèo
Khi nào mèo đến nhạc kêu
Chúng ta kíp chạy, hiểm nghèo thoát ngay”
Nghe con chuột nhắt trình bày
Chuột già vội phán : mẹo này tốt thôi
Cậu đeo nhạc cổ mèo rồi
Họ hàng nhà chuột chúng tôi chịu liền
 
Sư tử và lừa

Một hôm sư tử đi săn
Dẫn theo lừa sát bên thân vào rừng
Dặn rằng : anh thốc vô bưng
Cứ ra sức rống vang lừng rừng xanh
Bao muông thú sợ chạy quanh
Ta đây tóm gọn là anh giỏi rồi
Lừa ta một dạ vâng lời
Một hai ráng sức lấy hơi rống liền
Muông thú sợ chạy đảo điên
Vào tay sư tử tất nhiên tóm nhiều
Cuộc săn kết quả mĩ miều
Khen lừa , sư tử tỏ điều biểu dương
Lừa nghe phỉnh khoái lạ thường
Rống hoài, chờ được ngọt đường tiếng khen
 
Chó sói và cáo

Chó sói chạy trốn chó nhà
Lủi vào rãnh nước định là ẩn thân
Cáo đang ngồi đó nhe răng
Quát rằng:Mi chớ đâm quàng vào đây!
Liệu thân phảu cút đi ngay
Cấm không lai vãng nơi này của tao!
Sói rằng: Chó sắp sục vào
Nên ta không cãi tào lao với mày
Hận này sẽ trả có ngày
Còn bây giờ, hẳn là mày đúng thôi
 
Bác nông dân và niềm hạnh phúc

Lão nông ra bãi cỏ xanh
Nằm lăn hóng mát rồi thành ngủ luôn
Hạnh phúc dạo khắp thế gian
Lại gần lên tiếng:”Ngủ lăn thế này?
Lẽ ra phải cắt cỏ ngay
Đến khi trời nắng lại rầy trách ta
Lại ngồi than thở những là…
-Tôi không hạnh phúc, rồi ca cẩm hoài”
 
Cô bé và con chuồn chuồn

Cô bé dạo chơi ngoài vườn
Bắt được chú chuồn ngộ nghĩnh rất hay
Định vặt chân cánh khỏi bay
Bố em liền bảo: Bé này con ơi!
Con nghe những sớm buổi mai
Chuồn chuồn vui hát những bài đồng ca
Nghe cha, bé thả chuồn ra
Vẳng nghe chuồn hát khúc ca yêu đời
 
Rắn nước và nhím

Chú nhím lông nhọn hoắt
Mò đến tổ rắn nước
Thăm thú xin trú nhờ.
Rắn nước mời vào nhà
Nhưng rầy rà quá đỗi
Rắn con không chịu nổi
Sống với nhím một nhà
Rắn mẹ bảo những là:
Chỉ cho chơi ít bữa
Nay đừng nấn ná nữa
Kẻo lũ rắn con tôi
Đụng lông anh đau lắm!
Nhím trả lời lẩm bẩm:
Ai đau thì cứ đi
Tôi chạy đâu làm gì
Ở thế này là tốt
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top