Tản văn Nguyễn Ngọc Tư

Hide Nguyễn

Du mục số
Tản văn Nguyễn Ngọc Tư


Thăm thẳm chốn về...

Cô gái về quê vì đang có vụ đình công ở công ty cô đang làm việc. Và đôi vợ chồng đứng ngồi thấp thỏm nhai cái bánh mì khô khốc kia vừa ra khỏi bệnh viện sau cuộc kiểm tra tổng quát. Một bà cụ khác ngồi cạnh tôi đã ở chơi với con được mấy ngày. Ngồi chờ xe, chỉ cần năm phút thôi cũng đủ mỗi người khoả ra một khoảng đời mình.


Bãi xe buổi trưa nắng quánh quéo những bóng người. Khói nắng trôi lên từng lát mỏng gờn gợn. Những cái bến xe mà tôi biết hầu như không thay đổi mấy, kể từ ngày tập tành đi rong. Chúng luôn có mùi giống nhau, khăm khẳm mùi nước tiểu, mùi của những bãi nôn vì say xe, mùi nhiên liệu cháy khét… Chúng ngập nước ròng ròng vào mùa mưa, cùng bao nhiêu rác nổi rác chìm. Chưa bao giờ trong đầu tôi thôi nghĩ, bến xe là một cái bẫy của bọn ma cô lừa đảo, bọn trộm cắp giật giỏ, móc túi. Một thứ sa mạc. Sau này đi nhiều, thấy người ta đúng là xây dựng bến xe theo kiểu sa mạc, không bóng cây, không bãi cỏ, càng không có hoa. Một cú choáng váng của cuộc xa nhà. Ngồi chờ xe trên một băng đá cũ kỹ tróc lở nào đó, chen chúc giữa những người xa lạ, chìm lẫn giữa những tiếng rao hàng, gió bụi và rác… tôi bắt đầu hình dung một cách rõ ràng chặng đường mình sẽ đi, những va chạm mà mình sẽ gặp, những cô độc lạc lõng mình sẽ nếm trải. Cái xô bồ xô bộn, náo nhiệt, sự mời gọi nồng nặc của bến xe luôn gây cảm giác, ta đã rời khỏi mái ấm.


Ở đó, dù để ra đi hay trở về, trên những gương mặt người cũng phảng phất hoang mang. Cô công nhân bất an, liên tục xoay điện thoại di động trong tay, nhắn tin và liên tục thở dài, “em sợ bị đuổi quá. Thất nghiệp về nhà làm ruộng, buồn chết luôn…”. Đôi vợ chồng bất an, săm soi lục lọi hồ sơ bệnh án, rồi thở dài thở vắn. Bà cụ bất an, hỏi tôi, sao lâu quá mà xe chưa chạy, mấy đứa cháu ngoại ở dưới quê chắc đang trông dữ lắm.


Bà cụ không điện thoại di động nên chẳng ai gọi với theo. Người con trai tiễn bà đến đây đã quày quả bỏ về, “chiều nay con phải họp…”. Bà nhìn theo bóng con, rưng rưng. Bà hỏi tôi có biết công ty X lớn thiệt lớn ở Sài Gòn này không, thằng Hai bà đang làm ở đó. Nó giàu lắm, bà tự hào, mua nhà xong rồi, cuối năm này mua xe hơi. Tôi hỏi sao bác không ở chơi, bà hơi cúi mặt, “ờ, thì nhớ nhỏ con út dưới quê, nên về…”.


Xe vẫn chưa chạy. Bà cụ lại bắt chuyện, bà kể mấy hôm trước gặp chuyện hú vía, định mở đèn, nhấn nhầm cái còi báo cháy gì đó, làm con cháu nửa đêm nháo nhác. Bác đâm ra sợ mấy cái nút tròn tròn vuông vuông, nên đi vệ sinh không xả nước, rốt cuộc lại phiền phức. Chân tay mạnh giỏi, mà đi đâu làm gì cũng chờ mấy đứa nhỏ dẫn, tức mình quá. Tới lui một mình thì sợ con chó bực bội rồi nó... cắn. Mà, con chó đó cao lớn như con bò, ăn toàn đồ ngon, tới bữa cơm đồ ăn trên bếp chia ra, chó một dĩa, người một dĩa…


Tôi im lặng để lắng nghe câu chuyện về một người quê đi lạc, nhưng bà cụ đã thôi kể. Bà lúi húi xốc mớ đồ trong hai cái giỏ xách đặt dưới chân, rồi xếp lại y như cũ, như thể nếu bà không làm gì, bà sẽ khóc mất. Hồi lâu, bà ngẩng lên hỏi tôi, “cái nón này tầm ba ngoài tuổi đội hợp không con ? Bác mua cho con Út, tội nghiệp, hồi đó nó nghỉ học, đi mần mướn để kiếm tiền phụ lo cho anh nó. Giờ có chồng rồi, chồng nó cũng nghèo, xấu trai mà tử tế lắm…”.


Xe bắt đầu chậm rãi lăn bánh. Lên đường. Những hành khách ngồi thưa thớt, thở hắt ra, về nhà. Hành trình dài bảy giờ đồng hồ, sẽ đến một cái bến khác.


Bảy giờ nữa, chúng tôi được nằm duỗi dài trên chiếc giường thân thuộc, ủi thẳng cái lưng đau sau chặng đường thăm thẳm xa. Bà cụ, đôi vợ chồng và cô công nhân ở huyện sẽ mất thêm một đoạn đường vài chục cây số, rồi cũng sẽ đến nhà. Chúng tôi sẽ gặp lại bộ vạc, cái ngạch cửa, gian bếp, căn buồng, chiếc võng quen. Đến nỗi nhắm mắt, dò dẫm cũng có thể tìm và chạm tay vào chúng, lu nước, hũ gạo, tủ chén, giàn củi…


Nhưng mỗi chúng tôi, dường như không bao giờ về được đúng nơi mình đã ra đi. Cô công nhân không về được cái ngày cô còn là thôn nữ, quanh quẩn với ruộng vườn, lặng lẽ làm những công việc bếp núc, đồng áng, thuở cô không mơ mộng vì chưa hề biết có một thành phố rực rỡ phía chân trời. Đôi vợ chồng mệt mỏi kia không trở về được nơi họ vẫn còn thanh thản, chưa âu lo, chưa bị phiếu xét nghiệm, tiền thuốc, bệnh tật ám ảnh giày vò. Bà cụ không về được một bờ sông, có người mẹ hồn hậu hay tha thẩn nhớ thương con, với một tình thương dạt dào, tin rằng giờ này, ở cái thành phố xa xôi đó, thằng nhỏ chắc cũng nhớ mình. Lòng mẹ bao dung có làm bà quên vẻ mặt đứa con nhẹ nhõm như một cái phủi bụi trên vai áo khi tiễn bà đi, khi để bà ở lại chơ vơ giữa một bến xe chao chác những người dưng?


Và tôi nữa…


Người ta làm sao để bỏ lại bên ngoài cửa những bài học dại khôn sau khi đi một ngày đường…


----------------
Tản văn Nguyễn Ngọc Tư
Nguồn (tất cả): Internet
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
XÓM CŨ

Những gương mặt người. Những nóc nhà thưa. Những cây cầu khỉ. Mỗi khi nhớ về xóm cũ, hiện lên ngay trong đầu cái phác hoạ giản dị đó, cùng những cánh đồng, mảnh vườn xanh xanh đậm nhạt bọc quanh. Một con đường khấp khểnh băng qua xóm, bên lối đi lau sậy chập chờn.


Và hai cái ti vi trắng đen, niềm vui, nỗi xao xuyến không tan của đám trẻ con nghèo, khi những rạ rơm, ao đìa, những trò nghịch trèo cây hái trái đã tạm khép cùng ánh sáng mặt trời. Chỉ còn đêm dài lắm. Nhiều lúc ngó mưa sụt sùi nhớ cũng mưa vầy, cũng những tối nhão ướt như vầy, mình ngoi ngóp trùm cao su đi coi ti vi. Lội bộ cũng xa, mò mẫm trong màu trời nhập nhoạng mà hớn hở như đi hội. Tối nào tụi trẻ con trong xóm cũng xúm lại hai nhà giàu sang nhất xóm (vì có… ti vi), dán mắt vào cái ánh sáng trắng lung linh kỳ ảo. Có đứa cứ hết chương trình hoạt hoạ là ngủ khò, ngáy pho pho mà không đêm nào vắng. Vài đứa khác mơ mộng thật thà, cứ khóc oà khi vở cải lương tới khúc đoạn trường, cô Nguyệt bồng con tới nhà người yêu cũ. Đường về khuya lơ khuya lắc, bạn bè lần lượt tới nhà, cứ qua mỗi ánh đèn là vắng đi đôi bước chân. Rồi chỉ còn lại một mình, đi qua những lùm trâm bầu, lùm tre hình thù kỳ dị bên đường, tưởng tượng bao nhiêu chuyện ma quái, đêm nào cũng quắn đuôi bỏ chạy. Vậy rồi chiều lại, vẫn xao xuyến lặn lội đi hẹn hò với cái… ti vi.


Nên xóm thêm một nóc nhà, trẻ con mừng hơn cả. Đường bớt vắng, thêm một ngọn đèn, thêm bạn, cùng những điều lạ lẫm. Dì Tư sinh tố quảy thùng kem về xóm, với bảy đứa con gái môi đỏ tóc dài, mớ tiếng Huế rặt của nhà dì như mở ra một chân trời mới, cả xóm mừng rơn khi biết o đi mô, có nghĩa cô đi đâu vậy. Trưa nào dì Tư cũng quảy thùng kem ngang qua xóm, dì gầy, đi hai hàng, cảm giác nếu chân dì mà thẳng thớm, thì sức nặng của thùng kem sẽ khiến dì té nghiêng té ngửa. Cứ xà bát hai hàng, dì rung chuông, sau tiếng chuông rung là tiếng chó sủa giòn tan, tiếng người lớn nạt mấy con chó, tiếng trẻ con xin tiền. Nghe như tiếng chuông của dì chọc nguậy vào một cái chảo âm thanh, khuấy nó lên, đảo đều rộn rã cho tới khi dì đi khuất.


Thêm một tiếng cười, lau sậy cũng bớt dày, đi vắng ba ngày đã thấy bên đường cặm một ngôi nhà mới, thấp tủn. Đất ven đường chỉ cỏ hoang mọc chen trong đá, bỗng thành cái rẫy dưa, bắp xanh rì. Ông Sáu Rẫy lại mở ra chân trời khác, làm bọn trẻ xóm nghèo há hốc với Bến Te, con cá zô bỏ vô zổ, nó nhảy nghe zột zẹt. Bà Sáu thì điếc đát, hỏi chiều nay ăn cơm với gì, bà nói zẫy không trồng khoai mì. Hỏi bà ơi bồ ngót bao nhiêu một bó, bà nói ừ, nhà có nuôi bốn con chó. Ông Sáu cuốc đất ngoài hè, nói vọng vô, “cái bà này, điếc mà hay nói…”, bà ngỏn ngoẻn cười, “tối đâu mà tối, còn mặt tời mà…”.


Ngày ông Sáu tới, rồi lại nhổ chòi tha vợ con về xứ, cả xóm vẫn chỉ gọi ông, nhớ ông vận theo nghề rẫy mà gia đình ông gắn bó. Như tên dì Tư gắn với thùng sinh tố, cà rem. Như quên luôn tên thật của bà Tám Bánh Cam, ông Mười Cốm Bắp. Gọi tên một người xóm cũ là gọi cả hình ảnh bàn chân chai, vết sẹo dài, bàn tay khô, màu da sạm… và tên những đứa trẻ đã theo cha mẹ đến đây, kết bạn kết bè. Bỗng một sáng vài đứa đi mất, mù mịt như chưa từng có ở trên đời.


Cuộc đời lại cặm vào mảnh đất bỏ trống một ngôi nhà mới, những đứa trẻ mới, một số phận mới. Người đàn ông đi chân giả lúc nào cũng bước cắm cúi, thằng bé con chú vác cái bụng to vèo đằng trước, chắc là nó ăn đất quá nhiều. Chiều đi ngang qua gặp nó đang gặm mớ rễ tranh – ba má nó đào bật lên để lên giồng gieo cải. Nó chìa tay ra, khoe “ngọt lắm!”, sau này nhớ lại, mắc cười, trẻ con có thể tiệc tùng kết bạn từ mớ… rễ cây.


Người lớn chậm rãi hơn, họ sẽ rề lại hỏi cư dân mới của xóm, anh thứ mấy, quê quán ở đâu mà tới đây, và ngó cái chân giả cứng đờ, hỏi anh bị thương ở trận nào. Phước Long hả? Tui cũng bị cái thẹo bự này, ngay trận đó. Câu chuyện bỗng trở nên ngượng ngập, họ đã từng cầm súng đối mặt nhau, cùng nhau mang về những vết thương, vết thấy được đã lành, vết lòng vẫn rịn máu.


Nhưng người lớn biết cách chữa lành, bằng những điều đơn giản. Đem cho tô chè đậu xanh, nửa mục măng tre, phụ giúp nhau lợp mái nhà, cất chòi vó, sẻ nhau vài gánh nước mưa uống trong mùa nắng, mớ củi chụm qua mùa mưa. Ba của thằng Rễ Tranh đã thôi giấu mình trong lầm lũi, ánh mắt không còn ủ dột cặm xuống chân. Chiều chiều, ông còn vui vẻ tấp tểnh qua bên xóm uống trà.


Con đường xóm lông chông đá, lổn nhổn những ổ gà, hai mươi năm qua với tôi, vẫn là con đường đẹp nhất. Nó đưa đón những bàn chân tần tảo, nó chứng kiến những tấm lòng thơm thảo. Thỉnh thoảng tôi vẫn để nhớ dắt tay về chỗ ngồi yêu thích, vắt vẻo trên ngọn cây cao, ở đó, tôi thấy cô bé bưng dĩa bánh lá mít chan nước cốt dừa đang đi dưới mưa lất phất, tay nó cầm cái nón nhỏ lóng ngóng che đầu thì sợ bánh ướt, che bánh thì ướt đầu, cuối cùng, nó che nửa này nửa kia. Đi một đỗi đường, cô gặp một thằng bé khác đang đứng chơi, cô sượng sùng nói, “má tao cho má mày bánh”. Ở đó, tôi nhìn thấy chị hai mình, lúp xúp đội thúng rau muống, ngò gai đi chợ sớm mai, tôi nhận biết từng người quen trong xóm, qua nón, áo, qua cái dáng đi cắm cúi, xấp xải, hớt hải, tất tả, hay thong thả…


Họ mới là linh hồn của xóm. Sau này đi đây đó, đôi khi gặp lại vài khung cảnh y hệt như xóm – của – mình, nhưng xúc động chỉ thoáng qua rồi tạnh, bởi không có những gương mặt, dáng đi quen.


Bây giờ, xóm còn nguyên chỗ cũ, nhà tôi vẫn còn chỗ cũ, chỉ láng giềng không còn. Người đã dời đi tản mác. Người vẫn ở đó nhưng không phải là người của những năm xưa. Đôi lúc trên đường về, qua những ngôi nhà cao tầng kín cửa, qua những cãi cọ đôi co từng tấc đất, qua những bon chen háy nguýt, bỗng nghĩ, nơi đây từng có những người đàn bà, lúc xay bột làm bánh, họ không quên đong thêm vùa gạo để thơm thảo với láng giềng.


Bây giờ họ đã về đâu?!
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Sư tử không ăn cỏ

Nguyễn Ngọc Tư



Thằng bạn nhỏ của tôi hồi năm tuổi thần tượng sư tử. Nó nói sư tử mạnh nhứt trong rừng, mà lại mềm mại dễ thương. Nó dẫn chứng ra sư tử Simba với cái bờm mượt mà, chúa tể thế giới hoang dã trong một bộ phim hoạt hình rất hay của Walt Disney. Một bữa thằng nhỏ coi chương trình thế giới động vật, thấy con sư tử (thiệt, không phải hoạt họa) ăn bữa sáng với thịt nai tươi sống, nó đau khổ hết phương. Với bạn, hình ảnh chú sư tử phè phởn nằm liếm láp bộ lông rậm bằng cái miệng tèm lem máu con mồi là không thể chấp nhận được. Đứa trẻ thất vọng nói, sư tử ác quá.


Tôi cảm thấy bối rối, thật khó để giải thích cho thằng bạn hiểu sư tử ăn thịt vì không thể ăn cỏ, vì sự sống còn của chính nó, như mẹ con mình bữa qua ăn cơm với cá. Sau bữa đó, tôi không dạy bạn về thiện - ác nữa. Cặp từ kia đã được thay bằng tốt – xấu, hợp lý - không hợp lý, tử tế - không tử tế…


Con mèo Tom không ác, nó sinh ra là để bắt và ăn chuột. Trong bộ phim rượt đuổi bất tận đó, con chuột Jerry cũng không ác, nó phải đấu tranh để sống, dù đôi lúc nó hơi quá quắt khi trả đũa gấp đôi, trừng phạt gấp ba lỗi con mèo gây ra. Hai mẹ con tôi cùng đồng ý là những tập phim mà cả hai con mèo chuột hợp tác để chống kẻ thứ ba, hoặc cuối phim chúng bắt tay nhau cười toe vui vẻ, là hay nhất. Mặc dù không đúng với bản chất chuột, mèo cho lắm.


Đôi khi vô tình, người ta đòi hỏi ai đó (hay con gì đó) không được sống như chính họ (hay chính nó). Hồi nhỏ, mỗi lần thấy thầy giáo dắt con heo nọc đi bỏ giống là tôi thấy phiền lắm, tôi nghĩ thầy chỉ nên đọc sách, tỉa cây kiểng, nuôi chim sáo hoặc rung đùi ngồi đánh cờ chơi. Dù thầy nghèo xơ xác, dù vợ con thầy cực ăn ốm nhách, nhưng nếu cực chẳng đã phải kiếm tiền, thì thầy nên mở tiệm bán kẹo, xi rô đá bào hay bán sách báo…không lý nào xoắn quần áo xắt chuối nấu cho heo, còn dắt nó đi lang thang khắp xóm những khi tan buổi dạy. Tôi nghĩ vậy.


Hồi đó, thầy sống như thầy có, lương thiện mưu sinh cho qua hồi cơ cực, nhưng lòng kính trọng thầy của tôi bị sứt mẻ lãng òm. Như người ta không chịu anh bác sỹ ăn mặc cù lần, xét nét ông kia tướng tá nông dân mà làm lãnh đạo, thất vọng khi trên mắt nhà thơ viết thơ tình nổi tiếng lại dính… ghèn. Như thằng bạn nhỏ của tôi đòi sư tử hoang dã của rừng rậm Phi Châu phải ăn chay.


Đời cũng hay ca cẩm kiểu như: tụi trẻ bụi đời ngang ngược xấc xược ưa hong vô, cô giúp việc nói năng thiệt là thô lổ, mấy bà bán cá sao hung dữ quá, thím nông dân kia dòm nhếch nhác quá, áo dính mủ chuối móng chân đóng phèn… Và người nghèo, dân lao động nghèo vì những tiểu tiết đó mà bị ghét bỏ, đôi khi. Thử thả một đứa bé con nhà tử tế ra bãi rác, để mặc nó vật lộn kiếm miếng ăn, ngủ bờ ngủ bụi, bị những đứa mạnh hơn chà đạp… một vài tháng sau nó sẽ không khác gì đám trẻ bãi rác kia. Ta muốn một thằng nhỏ thất học, lang thang đói rách phải sử sự lịch lãm như một quý ông sang trọng mà không chìa tay ra giúp nó, dạy dỗ, cưu mang, thay đổi nó. Thành kiến đẩy nó dạt xa về phía tối.


Nói về thành kiến thì ai cũng có một kho. Xưa tôi ghét những người mua bán ve chai, do đã gặp vài người tiện tay ăn cắp vặt. Thằng bạn nhỏ ra đời, ông trời cho tôi nhiều hơn tôi tưởng. Những buổi trưa thấy mấy chị ve chai lầm lũi ngang qua, nắng mưa oằn cả hai cần xé, tôi bỗng nghĩ chẳng may tôi phải ra đường mưu sinh bằng cách đó, tôi cũng sẽ phạm lỗi, biết đâu chừng… Cực khổ cỡ nào tôi cũng chịu được, kể cả đói lạnh, nhưng con tôi thèm thịt đến nỗi đang sốt dầm dề mà được ăn cháo trắng với thịt nướng là tỉnh trân, thì tôi cũng sẵn sàng đánh cắp cái chảo, hay mớ sắt vụn, đoạn ống nước cũ… để đem về cho con một bữa ngon.


Nói vậy là tôi phủi sạch trơn cái câu ông bà dạy “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, nhưng nghèo hay rách thì không giày vò và réo gọi như… đói. Lúc cuộc sống khắc nghiệt buộc người đi chênh vênh lằn ranh tử tế và không tử tế, họ bước chệch choạc cũng là chuyện tự nhiên. Có ở dưới ao mới biết không cách nào không ướt áo.


Chấp nhận những gì khác mình đã quá khó, nói chi tới yêu thương. Tôi biết không hy vọng gì thằng bạn nhỏ tôi lại khoái con sư tử như trước. Có gì đó đổ vỡ rồi. Bạn day qua thích siêu nhân. Siêu nhân suốt ngày đi đánh nhau, tôi đương nhiên không thích, nhưng thằng nhỏ nói, “siêu nhân thì phải đánh nhau tụi quái vật chớ…”


Ờ, bản chất siêu nhân là đánh nhau, không thì năm anh em đó thành lập ban nhạc chớ làm siêu nhân chi? Mà kẻ xấu lộng hành vậy siêu nhân không đánh thì ai đánh???
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
GIÓ THỔI SUỐT ĐÊM



.Nguyễn Ngọc Tư


Đuổi kịp mấy dì đi bộ thể dục buổi sáng ở đoạn đường gần trường học, tôi nghe một người nói, gió thổi suốt đêm qua. Ờ, gió thấy sợ, đang có bão xa mà, một người khác đáp.

Bỗng dưng tôi nhớ những đêm xa xưa ngủ trong chòi vó, nửa khuya nằm nghe những người đàn bà bơi xuồng đi chợ sớm, cuộc trò chuyện rộn rã trong tiếng mái dầm chẻ nước lách tách, đôi khi cũng là chuyện ban tối gió giông.

Hồi đó tôi còn nhỏ, ngủ là ngủ như chết, chẳng hay trời đất gì. Sáng ra má kể trận gió đầu hôm còn xíu nữa đã làm bay nóc chuồng gà và có chút mưa lúc gần sáng. Có nhiều người đàn bà quê xứ mình nghe thấy cơn mưa, gió đó. Như thể họ thức suốt đêm, như thể họ chong đèn ngồi coi chúng. Nên họ biết đêm qua chó rộ sủa mấy chập, trẻ con ngủ mớ kêu ú ớ mấy lần, con chim cú đậu trên cây vú sữa kêu bao nhiêu tiếng…

Và đêm được vẽ lại bởi những người đàn bà thao thức. Hàng ngàn đêm trong cuộc đời. Họ ngủ nhưng tiếng ho khan của người già, tiếng cười khẽ của đứa trẻ trong mơ, con chó sủa, bầy vịt rộ, mưa giông bên ngoài… đã chẻ vụn những chiêm bao. Trong ký ức về vài người phụ nữ ruột thịt của tôi, có đến một nửa nỗi nhớ diễn ra trên nền đêm tăm tối. Nhớ bà ngoại nửa đêm hay xức dầu dừa vô mấy đầu tóc mượn rồi nhẹ nhàng chải chúng, nhớ má nửa đêm cạ gót chân vào cục đá mài dao để xóa bớt những vết nứt, những chai sần… Đó là những giây phút ngắn ngủi bạn yêu thương chính mình, sống vì mình, cho mình. Sau đó, bạn đẹp vì người khác. Nhọc nhằn vì người khác. Có khuya giật mình thấy má rón rén bưng đèn đi ngang giường, tôi tốc mùng thò đầu ra tưởng đâu trời đã sáng. Má nói ngủ đi, còn khuya lắm. Tôi hỏi, vậy má thức làm chi ? Ờ, con gà mái mẹ nó kêu hoảng quá, má ra coi có chuột bọ rắn rít gì vô quậy ổ gà không. Một má một ngọn đèn. Cô độc. Hai mươi năm sau, dậy thăm chừng thằng nhóc con đang sốt, tôi thấy cái bóng cô độc in trên tường này quen quá, y như má, như bà ngoại. Hai mươi năm sau, dù có muốn hay không, tôi đã trở thành một người vẽ đêm, nghe gió mưa đêm, kể chuyện đêm… Và tự trả lời câu hỏi năm nào, người ta sao lại không ngủ, thức làm chi cho cực, ngủ sướng hơn. Nhưng thức như một bản năng, mình không muốn, nó cứ đến. Mình thèm ngủ, mình muốn ngủ nhưng đêm cứ kể chuyện rầm rì. Một người đàn ông say đang hát nhừa nhựa ngoài đường. Đứa bé con nhà bên vách khóc ngằn ngặt. Xe cấp cứu hú còi. Nhóc con nằm giường bên, giãy đồm độp chắc vía bị khủng long rượt. Gió vần vũ phành phạch cái mái che. Con mèo trườn qua làm cuốn sách rơi khỏi giá. Lúc nhỏ tôi tưởng ở nhà lá, nhà rách, ở giữa vườn tược đồng bãi vắng vẻ người ta mới thao thức. Nhưng cái xóm chợ sôi động mà tôi từng ở trọ nhiều năm, hừng đông hàng xóm thường rộn rã kể chuyện đêm. Và những người đàn bà vận động buổi sớm mai, khu nhà họ ở rất sang trọng, chắc chắn và yên tĩnh, làm sao họ biết suốt đêm rồi gió chạy đuổi điên cuồng ? Giữa những lớp cửa kính kín đến mức chuông gió không lay, có phải họ nghe gió bằng cảm giác, bằng bản năng, ký ức...?

Tôi chỉ chắc chắn một điều, khi tôi thức viết một trang sách, tôi biết giờ phút đó trong những ngôi nhà nào đó cũng có nhiều người đàn bà thức giấc. Để khép một cánh cửa, để ém lại vách mùng đã bị trẻ con đạp tung ra, để chờ tiếng bước chân của đứa con còn chơi lêu lỏng ngoài đường, để thảo một bức thư, để nhớ một người xa…

Cũng có người làm những việc vô cùng giản dị, chị giũa móng chân hay đắp lên mặt một lớp mật ong…


Tác giả giữ bản quyền.
 
Ông Cà Bi ở Xẻo Quao



- Cái nửa giống chòi nửa giống nhà chỉ có hai tấm vách. Cột cặm vào đất, cây to cây nhỏ cây thì cong queo. Cái bàn nhổ mạ được trưng dụng làm bàn thờ, thứ duy nhất còn đứng vững, những thứ còn lại liêu xiêu. Lại gần thì thấy bàn thờ cũng bị mọt ăn rách ván. Ngồi dưới vỏ lãi ngó lên nghĩ nhà ông Cà Bi này nghèo quá xá, càng tới gần càng nhận ra chẳng những nghèo mà là nghèo thứ thiệt, nghèo tận mạng, tới cái võng ông nằm ngủ trưa cũng te tua.

Cả đoàn thiện nguyện ai nấy đều xót xa. Năm nào cũng rủ nhau đi làm từ thiện, cảnh nghèo gì cũng thấy qua nhưng nghèo kiểu ông Cà Bi thì lâu lâu mới gặp. Trong nhà không thấy món đồ nào đáng giá chừng hai mươi ngàn, đến mùng ngủ mà chỉ có nửa cái. Có người mò vô bếp thấy cơm cháy trong cái nồi móp méo với hai con cá sặt kho khô quắt. Ông già Cà Bi dửng dưng ngó khách lục lọi nhà mình, ngồi uống trà khà khà. Chẳng nhận ra ở ông chút tủi buồn nào. Hỏi ông sống bằng gì, ông nói “cắm câu, mần mướn, ai kêu gì cũng mần”. Hỏi sao nhà chỉ có hai vách, ông nói “mùa này nắng nôi, qua để trống vách cho mát, chừng nào mưa tính tiếp”. Ai đó rưng rưng chỉ cái nóc nhà thưa ngó trời lồng lộng, ông già cười, “chỗ ngủ với bàn thờ vợ qua có che nilông rồi, chỉ cần không ướt hai chỗ đó…”. Hỏi có tiền không, ông nói tiền để rải rác trong xóm. Anh thanh niên địa phương dẫn đường sợ khách xa không hiểu, giải thích: “Ý ổng là ổng sẽ có tiền khi người ta mướn sên đất, dọn dừa, hay đắp bờ lên liếp…”.


Lúc ngồi dưới vỏ thì anh thanh niên tả sơ sơ chân dung ông Cà Bi. Anh nói ông này làm buổi sáng đủ tiền nhậu thì chiều không làm nữa. Có khi làm suốt tuần bỗng nghỉ ngang, ăn xài hết phần tiền đó rồi lại lang thang kiếm việc. Một năm nhà ông Cà Bi ăn tới bốn cái tết, mỗi tết ít nhất cũng mười ngày. Có tiền trong túi đồng nghĩa với hội hè, ông Cà Bi ta sẽ đủng đỉnh rong chơi. “Chơi kiểu đó ổng nghèo là phải…”, anh thanh niên dường như giận.


Giận là phải. Khách cũng thấy hơi giận. Ông già có vẻ tự hào về việc ham chơi dẫn đến “vô sản” của mình. Thay vì ne nép trước nhà giàu, ông già ngồi trên bộ vạt cau cũng rách mà điệu bộ khoan thai khoái chí như đang tiếp khách ở… dinh Thống Nhất. Vợ chết, ba đứa con đã dựng vợ gả chồng làm ăn xứ khác, ông già kiếm sống một mình. Ông treo võng trên mấy cái cây trồng quanh nhà, nắng sớm nằm đòng đưa bên vách tây, chiều ngủ khò bên vách đông tránh mặt trời. Quởn thì cuốc bộ đi chùa, cách đây chừng mười cây số. Nhà không điện, nước sạch, không tivi, radio cũng không và tất nhiên là không cửa (đâu có cần thiết).


Vậy mà lúc anh giám đốc ngân hàng thay mặt đoàn thiện nguyện tặng ông già phần tiền an ủi đời nghèo, ông già chỉ giữ lấy một tờ giấy bạc năm mươi ngàn, còn bao nhiêu đưa trả lại. “Nhiêu đây đủ cho qua rồi. Mua gạo ăn tới ngày mốt, dư ra chút đỉnh đong rượu nhâm nhi chơi. Ít bữa nữa đi sên đìa cho bên xóm là qua có tiền. Phần còn lại này chú em đem cho thằng Tám bên sông giùm, con nó bệnh nặng dữ lắm – nói rồi ông Cà Bi lỏn lẻn nhét tiền vô túi cười phô ra ba cái răng xếu xáo, mặt tỉnh rụi – Có tiền nhiều giống như có con vợ đẹp, mắc công giữ…”


Anh chủ nhà máy gạch bất mãn, anh có tiền tỉ còn chưa thấy đủ, sá gì ít chục ngàn… Anh nói “cũng phải để dành tiền phòng khi đau bệnh chớ chú, mà không lẽ chú ăn cơm không, phải có thịt thà cá mắm…”. Ông già Cà Bi vận cái quần cộc nhuộm mủ chuối lem luốc, chờ qua cơn nghẹn nước trà mới khề khà bảo đau yếu sơ sơ thì uống thuốc nam, cây cỏ ở đất Xẻo Quao này nhiều thứ nên thuốc lắm. Đau nặng nữa thì bất quá chết, có tiền cũng chết mà. “Còn cá mắm hả, chậc, cần thì chống xuồng qua Trảng Sen thiếu cha gì. Mà, mấy chú có qua Trảng Sen chơi chưa?” – ông già bất ngờ hỏi.


Chưa. Sáng nay họ tính đi tặng quà cho bà con nghèo xong sẽ ra Trảng Sen chơi, nghe khen chỗ đó còn hoang sơ lắm, nhưng ai cũng sợ chiều không về kịp, mà một số người còn phải đi suốt đêm nay để về lại Sài Gòn, nhiều công việc, nhiều tiệc tùng, hò hẹn, nhiều hợp đồng làm ăn quan trọng đang đợi. Ông Cà Bi nghe qua lắc đầu chua xót nói, “tội nghiệp không!”.


Ngữ điệu của ông già làm khách giận lắm, xuống vỏ chạy đi xa rồi mà còn giận. Chúng tôi đây không lười biếng ham chơi, đầu tắt mặt tối làm ăn kiếm tiền để cuối năm đi thơm thảo với người nghèo như vầy là quá tốt, ông già nói tội nghiệp là tội nghiệp gì?! Anh thanh niên địa phương xoa dịu nói ông già đó tưởng đâu ai cũng ham chơi như ổng.


Nhưng khách còn giận ông Cà Bi, tới mức quyết định ra… Trảng Sen chơi. Cái ông già nghèo xác xơ đó có gì mà lại thương hại cho tụi ta chớ…




Nguyễn Ngọc Tư
 
Con trai và Má…


Nguyệt san - Tết năm kia bạn tham gia một vở ca kịch mừng giao thừa trên quảng trường, có truyền hình trực tiếp, má bạn coi tivi thấy vậy liền lấy điện thoại gọi lúc vở diễn đang giữa chừng, nói tết nhất rồi bây còn vẽ mặt hề ca hát chi nữa, thay áo xống đi. Về!” Bạn xoa cái bụng ông Địa độn vải chang bang của mình, nói chờ con chút nữa má ơi. Sau, lúc kể với tôi bạn nói, “thì dặn cho có vậy, chớ bà già tao chờ tao tới suốt đời”. Tết đó bạn bốn mươi ba tuổi.

01.jpg


Tôi với bạn không thân, có khi cả tuần mới ngồi chung bàn ở quán càphê, chỉ ở quán càphê. Nhưng tôi quen má của bạn, một bà già tuổi trên bảy mươi, đẹp người. Mỗi tháng bà ăn chay bốn ngày. Bà bị say xe, đi Sài Gòn lần nào cũng gọt củ sắn đem theo nhai cho đỡ nhợn nhạo trong ruột. Buổi sáng đi chợ thay vì vô tiệm phở bà chỉ ăn nắm xôi, hay một ổ bánh mì không, số tiền còn lại bà chắt mót bỏ ống cho bạn cất nhà. Bà có cái đầu tóc mượn làm từ tóc rụng của mình, chính mình nhặt nhạnh. Đôi lúc đọc mấy mẩu truyện con con bạn viết, truyện nào cũng có nhân vật má, bà kêu kiếm gì đó viết nhắc tới ba bây, kẻo ổng buồn.


Tôi chưa gặp bà má đó lần nào, những gì tôi biết đều do bạn kể. Ngoài càphê đá, sữa đậu nành… ngồi với bạn, tôi được thưởng thức thêm món “bà già tao…” Như một ám ảnh. Ngọt ngào. Quán nằm giữa lòng thành phố, nhưng có khi bạn làm tôi thấy bóng người đàn bà đi nhặt bông so đũa rơi về nấu chua với cá rô đồng. Tôi thấy bà ngồi trong bếp, tay lẹ làng trở bánh phồng. Những ngày tết bà hay lảng vảng gần chỗ mấy đứa con chơi bài cào, hóng nghe coi đứa nào thua nhiều, bà lén luồn tiền cho nó.

Và bạn luôn là người thua nhiều nhất. Bà má bận lòng với bạn nhất. Lần nào về trong mớ hành lý của bạn cũng nhồi nhét bao nhiêu là quần áo quăn queo, má lục lọi ra, ôm đi ủi. Qua cửa là bà ngó từ trên xuống dưới, lúc bảo cạo râu bớt đi lúc chê tóc dài quá phủ cả lỗ tai, mà để móng tay chi dài thượt thiệt ngứa con mắt. Bạn hí hửng, bị rầy mà vô cùng hí hửng, má càm ràm bạn coi bằng như má hát ru vậy.

Bạn không bao giờ nói kiểu như tao thương má, nhớ má lắm lắm. Tình cảm của bạn đặt vào những câu chuyện, những ký ức, những kỷ niệm có thể đã cũ kỹ rồi hoặc còn tươi rói mới hôm qua, lần về thăm nhà gần nhất. Nơi bạn sống cách nhà sáu mươi cây số, lâu lắc vài ba tháng bạn mới về một lần, nhưng cái cảm giác bạn chưa bao giờ bỏ má đi đâu. Lá bay ngoài đường rơi bạn mơ màng “bà già tao tầm bốn giờ sáng là xách chổi đi quét lá ngoài sân…” Một người bán quà rong đi ngang qua bạn chép miệng, “bà già tao ưa bánh phồng nếp…” Ngồi trong quán ngó trời mưa, mà mắt bạn ngậm sương như thể trước mặt thấp thoáng dáng một người phụ nữ đang súc rửa mấy cái lu, đắp đất be quanh nền nhà chống ngập, lấy tấm cao su căng che cho mùng con khỏi dột.

Bạn là hoạ sĩ, kiêm viết văn xuôi, làm thơ kiêm diễn viên, và ca vọng cổ nghe cũng mùi. Chữ của bạn luôn có hình ảnh bà mẹ tần tảo với đầu tóc mượn xức dầu dừa, kim tây cài miệng túi áo, chân đi dép Lào, nồng mùi dầu gió. Nhưng khi vẽ, hiện diện trên tranh bạn thường là trẻ con và trẻ con. Những đứa trẻ đang giỡn đang chơi, xúm xít với nhau hồn nhiên ngước mặt ngó trời, bình an và nhẹ nhõm. Như thể khung tranh đã che khuất bà mẹ chúng đang ở gần đâu đó, đang bao dung dõi theo, ngó chừng bảo bọc cho, tôi có cảm giác đó. Nhưng cảm giác cũng đầy chủ quan, bởi tôi bị ám ảnh bởi thứ tình cảm kỳ lạ mà bạn dành cho má, đôi khi chỉ vì một lần giọng bạn trở nên thảng thốt, “bà già tao đau nằm ở Sài Gòn…”

Đôi khi, tôi học từ những câu chuyện thảng hoặc, nhát gừng, vô chừng của bạn cách làm mẹ, làm con. Và cũng có lúc tôi hơi nghi ngờ, không biết chi tiết này câu chuyện kia xảy ra giữa bạn và má bạn là có thật? Nhưng điều đó không quan trọng, dù bạn viết truyện ngắn bằng lời, thì ba chữ “bà già tao…” từ cái miệng râu ria rậm rạp của bạn cũng lan ấm áp rung cảm sang tôi.

Bạn kể, má sinh bạn khi thai chưa đầy bảy tháng. Sinh non. Èo uột, bạn được nuôi dưỡng trong bệnh viện cho tới khi về nhà má đã mang bầu đứa nữa. Đứa trẻ chưa được ôm ấp bao nhiêu thì nhường vòng tay mẹ cho em. Câu chuyện đó nhen trong tôi một tưởng tượng lạ lùng, biết đâu bạn nuôi dưỡng trong mình một tình mẫu tử cực kỳ phức tạp, ngay từ lúc bé thơ, mà tôi không thể nào thấu hiểu nổi (vậy mà cũng đòi viết văn). Và những sớm mai, tôi biết bạn hay trông tôi tới, bởi tôi luôn chăm chú ngồi nghe bạn nhắc “bà già tao…” với tất cả háo hức, tò mò. Mong giải mã một tình cảm hơi kỳ lạ, người ta vẫn thường thương má, nhưng ít ai thương ám ảnh kiểu như bạn.

Đến nỗi, tôi đoán chừng bạn không lấy vợ vì chưa tìm được người phụ nữ nào giống như má bạn. Và bạn còn nghèo má bạn còn mãi xót xa. Bạn còn lông bông văn nghệ văn gừng là má bạn còn rầy la… Bạn chọn cách này giành lấy tình thương của má, khi trót sinh ra dưới một mái nhà đông đúc.

Ai đó sẽ nói rằng bạn ích kỷ, nhưng tôi nghĩ quyền phán xét chỉ thuộc về người mẹ. Biết đâu bà cảm thấy vui, an ủi, khi những đứa con lớn khôn đã lần lượt rời khỏi tầm với của bà, chỉ bạn là mãi loay hoay, lẩn quẩn vướng quanh chân. Ứ hự cái thằng nghề nghiệp lêu bêu, chưa vợ, chưa nhà cửa…



Nguyễn Ngọc Tư
minh hoạ Hồng Nguyên
 
Mùa bông cháy


Tôi dừng xe dưới hàng tràm bông vàng tạm trốn cái nắng rừng rực trên đầu. Uốn dẻo thân người đang cứng đờ như manơcanh vì ngồi xe máy suốt mấy giờ đồng hồ, rồi ngẩn ngơ nhìn khoảng sân tràn ngập bông giấy bên kia sông. Hoa đỏ như cháy.


ImageHandler.ashx


Hạn đang chếch cuối mùa. Đi dọc theo những con đường xóm quãng này thường ấn tượng những giàn bông giấy cứ rực lên dưới nắng. Có cây nở bung như pháo hoa, không còn một chiếc lá nào, chỉ cành cong bông trĩu. Có cây bông lấp mất cành. Gặp bông trắng cảm giác như dịu nắng, gặp bông đỏ tưởng đâu lửa của bông loang sức nóng ra trời.

Những xóm làng nằm theo con lộ làng mê mỏi thiu thỉu giấc ban trưa. Bên đường thưa vắng người. Lâu lắm mới thấy vài bà cụ già vừa nhai trầu vừa phe phẩy nón trước hàng ba. Vài con chó nằm ườn ra thè lưỡi thở dốc. Nhiều con mương cạn trơ lòng, chơ vơ cái cầu ao thành ra không thấy con nít tắm truồng. Cũng chỉ gặp năm ba đứa chạy chơi vào cái ban trưa thời trốn ngủ. Cỏ cây tàn tạ, lớp cháy sém, rụi ngọn, lớp còi cọc. Chỉ những cây phượng, cây bò cạp nước, râm bụt và đặc biệt là cây bông giấy bất chấp cái hạn dài khắc nghiệt, tuôn đổ hoa ra biển nắng. Những loài cây hơi giống nhau, khi hoa bắt đầu bung nở đến kín cành thì lá thưa vắng hẳn.
Thứ bông giấy này chịu nắng giỏi nhứt hạng, đất nào cũng chịu, tưới càng ít nước, càng cằn cỗi càng chịu trổ bông. Người bán quán nước xập xệ bên đường khoe vậy, khi tôi săm soi cây bông giấy già bên rào. Chị nói trồng nó từ hồi mới về nhà chồng, giờ thằng con đầu đã mười hai tuổi. Chồng chị mấy bữa rày đi tiếp chữa cháy rừng bên lâm trường. Mà bình thường anh cũng vắng nhà đi làm mướn suốt. Đang mùa giáp hạt mà, làm có vài công đất thì xài đâu vô đâu. Có năm chưa hạn là chạy gạo rồi, nên giờ “ai có móng nấy bươi”… Nghe giọng chị không phải người miền này, chị nói “Bà già ẵm tôi ngoài Quảng dạt vô, lúc đó tôi nhỏ quá nên quên trần ai cơ cực ở xứ đó rồi. Nên nhiều khi thấy khổ quá tôi than là bị bà già cằn nhằn, nói, khổ cùng khổ tận như tao mà sống được tới giờ…”
Ly mủ gòn chị làm đúng điệu miền Tây, trong khi nước đá đầy ứ tới miệng ly thì đường cũng ngọt lừ dưới đáy, lẫn trong hương dầu chuối có mùi đậu phộng rang. Nước mát đến nỗi chạy tới đâu hay tới đó. Ban nãy khi tiễn tôi ra khỏi cái quán tuềnh toàng của chị, người phụ nữ khum tay che nắng chói, nói thấy mây đùn ở chân trời đen kịt thấy ham quá, không biết chừng nào ông trời mới chịu nhỏ hột xuống cho nhờ…

Nhưng cũng ngó về chân mây xám đó, một anh bán kem vừa trờ tới đụt nắng chung với tôi dưới hàng tràm bông vàng, đã thở hắt lo âu. Sắp tới mùa mưa rồi, kiếm miếng ăn vất vả cho mà coi. Mây thành mưa là cái đường xóm này sẽ thành bùn sình lầy lội, đi bộ còn vất vả nói chi lai dắt xe kem. Anh bán kem than. Áo anh ướt rượt mồ hôi, vẳng ra một mùi vừa mặn vừa chua khẳm. Chiếc xe đạp đeo theo thùng kem cũ mèm đang dựa vào một gốc cây và nó vẫn vẳng ra một điệu nhạc quen nhàu nhĩ. Bộ dạng anh bán kem lọm khọm như một ông Chà Và ngồi thổi sáo dụ rắn ra khỏi hang nhưng tiếng sáo vừa khàn vừa hụt hơi nên rắn không ra múa. Bớt liên tưởng và văn vẻ đi là bầy con nít không bu theo anh như hồi xưa tôi từng sướng run sướng rẩy khi người bán càrem lắc cái chuông leng keng từ đằng xa. Trẻ con giờ có nhiều đồ ăn ngon hơn món kem làm bằng đường và hương liệu công nghiệp rẻ tiền. Hoặc tụi nó cũng thèm kem lắm nhưng nhà chúng như những xóm nghèo khác đang ở mùa giáp hạt. Mùa chạy gạo.

Mùa hoa cháy. Anh bán kem cũng ưa bông giấy, nhân tiện ngó về chân trời mây đen đang đùn ngọn, thấy hoa chói chang bên sông. Anh nói nắng tới nỗi người ta còn héo ngắc ngoải mà bông giấy trổ thấy ham, thấy cánh mỏng dính vậy mà chịu trận mạnh dạn thiệt. Ờ thì cái phận người của chúng ta cũng mỏng manh vậy, mà ham sống thôi là ham, tôi nghĩ bụng. Lúc chuẩn bị chở bài hát cà rem đi tiếp, bỗng anh khoe, “Lay lắt vậy mà thằng nhỏ tôi sắp qua được năm nhứt đại học Cần Thơ rồi đó cô…”.

Tôi thấy thật sống sượng khi so sánh người đàn ông đen đúa khô khòng này với cái cây bông giấy đang cháy hết mình như lửa, ở bên sông. Nhưng tôi vẫn không thể không liên tưởng vậy. Trong mắt tôi lúc này chỉ có anh bán kem hối hả đi về phía mây đen và cây bông giấy đỏ.

Không biết hạn năm sau tôi có được gặp anh đụt nắng dưới hàng cây này để khoe thằng con đã sắp hết năm hai, hiển nhiên như gặp lại những vầng bông cháy.



Nguyễn Ngọc Tư

minh hoạ: Hồng Nguyên
 
Trời ở nơi nào ta ở nơi đây...



Chị tính đi kiện công ty nhà đất, chủ đầu tư khu dân cư mà chị đang ở. Chị nói họ tráo trở nuốt lời. Họ hứa giữa xóm này sẽ có công viên và chứng minh bằng một bản đồ quy hoạch chi tiết, chị từng bò ra coi kỹ, rõ ràng họ vẽ một cái khoảnh tròn tròn nhỏ nhắn và ghi trên đó hai chữ “công viên”.


Ngay lập tức chị nghĩ tới những vòm cây xanh mát, những bầy chim sẻ chim sâu, những lối đi trải sỏi lâm râm chồi cỏ, những cái xích đu, băng đá nhỏ, vài khoảng trống cho trẻ con đá bóng đá cầu. Ngay lập tức chị nghĩ tới bầu trời. Và ngay lập tức chị quyết định mua mảnh đất gần công viên (còn trên giấy) đó, dù giá đắt hơn những chỗ khác.




Giờ thì cái ô nhỏ xíu đó mọc lên trường… chính trị. Người ta xây tường rào trước cả khi xây những dãy lớp học ngang dọc. Mỗi khi ngó thấy con chị mon men chạy chơi bên ngoài bờ rào cao và cốt gác cổng to đùng, chị cảm giác như bê tông đang sừng sộ trẻ con, ê tụi mầy đừng hòng bước chân vô đây.


Khoảng không đó, vòm trời đó đáng lẽ của trẻ con của khu phố này, chỗ chúng thở, chúng chơi. Giờ đám trẻ bị giành giật cả những cái mà chúng chưa kịp có, chị nói không phải em bé bị cướp thì là cái gì. Thương lắm. Có tối chị làm cô giáo bất đắc dĩ cho con, nó hỏi “bao la” là gì. Chị ừ à thì là… Giải thích nghĩa hai chữ “bao la” thì dễ, nhưng dẫn chứng, làm cho trẻ con mường tượng hình dung khó. Bao la không phải là cái nhà ta, không phải con đường, càng không phải sân trường con học... Tóm lại “bao la” không có ở trong thành phố, chị kết luận. Em bé gật gù, hèn gì con không biết bao la lần nào. Thật ra nó đã gặp bao la một lần, vào năm sáu tuổi. Cả nhà đi biển chơi, và hôm đó màu mây như màu nước biển làm người ta không phân biệt được đâu là đường chân trời.

Chị thì đã sống với bao la cả một thời thơ ấu, nhưng “bao la” cũng như những từ ngữ gợi cảm bay bổng khác, đã lâu rồi mất biệt trong thành phố. Chỉ buổi tối ngồi học cùng con, mới nhớ. Tinh khiết. Trong ngần. Mơ màng. Khẽ khàng. Dìu dặt. Vời vợi… Chúng gợi lại một ban mai dát một lớp sương mù mỏng trên những vườn chè, những sợi khói lơ đãng xiêu xiêu bay lên khi lửa đốt đồng đã tắt, những vạt bông lau vừa chín tới ngụp lặn trong dòng gió non…

Nhưng ký ức em bé đâu giàu có vậy, với nó, từ ngữ chỉ là từ ngữ trơ trụi, chẳng gợi chút gì. Có bữa hai mẹ con tới quán ăn, chị cố tìm một chỗ có tầm nhìn, hoặc gần cửa sổ hoặc cửa chính, một chỗ vừa tránh bớt khói thuốc lá nồng nặc vừa hóng hớt được chút nắng trời gió trời không khí trời ngoài đó, chị phát hiện ra cái không gian ngột ngạt này cũng có thể làm chết người, trước hết là chết tâm hồn, chết những ngôn từ. Thời gian ngồi đó thường thì chị chỉ nói mỗi một câu với con, “ăn lẹ lên đi con, trễ học rồi kìa…”. Chị nôn nao muốn mau mau thoát khỏi chật chội này để rồi rơi vào chen chúc khác. Mỗi lần bày ra trước mặt trang giấy trắng định kể một câu chuyện, cảm thấy chữ nghĩa ngày càng thưa vắng, cùn mòn…

Chúng rơi rụng ở những lần kẹt cứng giữa dòng người kẹt cứng.

Chúng mai một lem luốc giữa đám khói bụi mù.

Chúng tan tác trong tiếng còi xe.

Chúng bị chìm trôi vật vờ trên những con đường chìm trong nước và rác rưởi.

Không có những từ ngữ ngọt lành dịu dàng nào sống sót trong thành phố, nếu có cũng bị giẫm đạp. Những buổi tối bứt con ra khỏi tivi, chị rủ nó đi dạo ngang qua ngã ba đường, đứng lại chốc lát dưới cây hoàng lan để nhặt trong khói thịt nướng quặt quại bay lên từ quán cơm tấm… một chút mùi hoa, mỏng manh mà nồng nàn. Chị nói với em bé về “ngan ngát” thì tháng sau người ta bật gốc hoàng lan để làm vỉa hè.

Diễn tả cho chính xác, đó là mất mát.

Nhưng em bé của chị, cả cảm giác mất mát cũng không có. Nó bị kẹt giữa hai màn hình tivi và máy tính, nó bị nhốt trong mảnh sân con… nên có bữa nó nói muốn ăn cơm với cá khô nhưng không có tư cách; tivi bị tắt lúc bộ phim hoạt hình đang gay cấn, nó giãy nảy nói mẹ giở trò với con. Chữ của nó rắn đanh, lổn nhổn và khô khốc. Tối nào nó cũng vật lộn với môn tiếng Việt, đổ quạu vì phải học những từ ngữ lạ hoắc chẳng bao giờ nó có cơ hội dùng, bứt rứt không biết “dòng sông là một đường trăng lung linh dát vàng” là cái gì, sông sau nhà mình rác ơi là rác hôi ơi là hôi. Chị vét tới đồng tiền dành dụm cuối cùng cho cuộc chuyển nhà này, vì cái ô tròn tròn có chữ “công viên” đó, hy vọng em bé sẽ yêu mấy chữ “thênh thang”, “lồng lộng”, “bầu trời”…

Giờ ôi thôi, chỉ vòm trời con con còn bị người ta giành mất. Chị tính đi kiện. Vì những em bé xóm mình. Vì những hy vọng bị giẫm đạp của mình.

Củ khoai, chờ đấy!




Nguyễn Ngọc Tư
minh hoạ: Hồng Nguyên
 
Hoàng hôn rộn rã


Chiều khi bạn thấy nhớ những buổi chiều…


Bạn kéo cái ngăn nhớ đó ra, tức thì nghe tiếng con gà mái mẹ la ó ré khi mình nhấc nó vào cái cà vung độn rơm, tụi gà con còn đứng bên ngoài kêu chíp chiu nháo nhác. Mấy con gà lớn hơn đập cánh lạch xạch bay chập choã lên nóc nhà củi, bầy vịt quế về chuồng lạch bạch tới rúc mỏ vô cái máng đổ xem xép lúa lép. Chạng vạng ở nhà ngoại còn có tiếng con bìm bịp rười rượi kêu nước, tưởng tượng, tiếng con chim này làm tan chảy cả đá chớ không phải chơi.



01.jpg


Bạn có hơn ba ngàn chạng vạng trong đời ướt rượt những âm thanh quen thuộc đó, làm bao nhiêu chuyện đó. Hốt ổ gà, châm dầu đèn, gom củi, lấy mớ quần áo thơm bừng nắng trên sào vào nhà… Hôm nào bạn cũng cố làm cho sớm, để ba chân bốn cẳng chạy đi chơi với tụi bạn, nhưng trời còn nắng thì mẹ con gà còn lang thang đi chơi trong vườn. Đành chờ mặt trời khuất vậy, nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa, bên xóm có bầy con nít đang giỡn hớt om sòm.


Và khi tiếng kèn kẹt của những cái cửa sổ lá sách khép ngày, là cả nhà bạn sum vầy. Anh chị bạn tan trường đạp xe vẹo sườn rẽ vô lối nhỏ lót bằng đá chẻ. Má về khi cửa trước lúc cửa sau, tuỳ bữa đó má đi ruộng hay bơi xuồng tới nhà máy chà gạo làm bạn hàng xáo. Ba vào nhà chỉ một cửa sau, quần cộc ướt mèm vì tưới rau, cuốc đất. Ông đi tới đâu để lại trên nền đất cứng quèo những dấu chân sũng nước chèm nhẹp tới đó. Rồi mấy cái chén úp trên giàn xốn xang chạm vào nhau. Chỉ buổi cơm tối trễ tràng này là đông đủ tiếng đũa khua.

Có lẽ những chạng vạng năm xưa neo cặm vào lòng bạn bởi sự đầm ấm đó. Của cảnh, vật và người. Của một thời chưa biết khăn gói lang thang, đi tới những chân trời xa lạ. Chiều muộn giờ có khi bạn đang ở một miền đất xa xôi nào đó. Hoang mang. Chông chênh. Xớ rớ. Ăn ở quán đông người say, sợ. Ngủ trọ ở chỗ vách phên không kín, sợ. Gặp những ánh nhìn đăm đăm của người lạ, sợ. Và chạng vạng ngơ ngác mon men theo sau tiếng lục lạc lanh canh của những đàn bò vừa đủng đỉnh rời sườn núi, bạn thấy nhớ nhà. Nhớ như người xưa nhớ đến bật ra lời hát, “Chiều chiều chim vịt kêu chiều/Ngó về quê mẹ chín chiều ruột đau”. Thời khắc này đã được bạn đổi tên là buổi nhớ nhà mất rồi, hành trình đến tên gọi mới mất mười lăm năm.

Bạn nghĩ có thể bạn tiến hoá từ chim hay gà, nên chạng vạng là bạn muốn về nhà, về tổ. Mấy triệu năm rồi, duy nhất và độc nhất vẫn còn sót lại bản năng này. Khao khát bầu trời nhưng đồng thời cũng nhớ thương tổ lá tổ rơm tổ cỏ.
Nhưng buổi nhớ nhà, buổi sum vầy đôi lúc không còn ý nghĩa như tên gọi, bởi những cuộc gặp gỡ, tiệc tùng, những mối quan hệ phức tạp. Chiều muộn giờ là cuộc gọi ngắn ngủi, “tôi đi nhậu cùng mấy đồng nghiệp, khỏi đợi cơm…”; là tin nhắn lạnh lùng trên điện thoại di động, “em ăn tối với khách ở xa”; hay một mẩu giấy phất phơ trên bàn, “con đi sinh nhật bạn, chắc về khuya, đừng chờ cửa…”

Cái bản năng không bị mấy triệu năm tiến hoá làm mai một, đôi khi biến mất vì những cách giản dị đơn điệu không ngờ. Nhanh như trở bánh phồng. Chạng vạng đứng bên ngoài những ngôi nhà khép cửa và khoá trái, chạng vạng nghe như ai gọi nó bằng cái tên tan tác. Hai mươi năm, tính ra cũng không dài cho những cuộc đổi thay…

Và đôi khi bạn thấy nhớ những buổi chiều bạn biết là sẽ không bao giờ quay lại nữa…

Nguyễn Ngọc Tư
Minh hoạ:
H.Nguyên
 
Mùa phơi sân trước

Tản Văn

Nguyễn Ngọc Tư


Hồi con nít thích đi xe đạp về nhà ngoại bằng con đường xóm cặp mé sông Rạch Rập. Đường đất dầm dãi suốt một mùa mưa, chừng gió chướng thổi về mới ráo tạnh bùn lầy. Đến Chạp thì những chân trâu cũng bị bôi xóa hết, có thể đạp xe thong dong mà thỏa thuê nghiêng ngó.

Mùa Chạp đi bảy cây số không nghe mỏi. Gió chướng khoác lên làng mạc một vẻ mơ màng, đường uốn lượn theo sông, và dòng chảy đó thẳm suốt thoắt ẩn thoắt hiện sau những lùm cây hoang dại. Dọc đường thấy Tết lấp ló khắp nơi, trên sân nhà người, trên những giàn phơi.

Người nhà quê hồi mình con nít toàn người nghèo, sân nhà quê hồi ấy cũng rặt sân đất, nên nhà nào cũng cặm cái giàn trước nhà, suốt sáu tháng mưa sân chìm trong nước cũng có chỗ mà đem phơi củi, hay gối, chiếu. Những ngày hửng nắng trên giàn luôn có thứ gì đó ngóng nắng, khi cám mốc, khi thì mớ bột gạo thừa trong lúc làm bánh, khi thì mớ cơm nguội hay mớ lá dừa khô dùng để nhen lửa, mấy trái đậu bắp già làm giống cho mùa sau… Phơi trên giàn mọi thứ khô mau, vì nắng ngun ngút trên mặt, gió lộng phía lưng. Những nhà có sân rộng người ta còn phơi lúa trên giàn, lúa khô đem vô bồ được mấy hôm đã thấy trên mặt sân săm sắp nước lúa rày đã lấm tấm xanh. Qua nhà nào có trẻ nhỏ gặp những tấm chiếu manh con con nằm uống nắng.

Càng gần về cuối năm giàn phơi càng bận rộn. Dầu dãi oằn mình suốt năm, giờ trên giàn bày ra những món ngon chuẩn bị cho cuộc hội hè. Bánh phồng vừa quết xong, củ kiệu mới trộn đường xong, mứt gừng mới ngào nửa lửa… thứ nào cũng ưa nắng. Nhưng cá khô mới là ưa nắng nhứt hạng, mới cần thứ nắng ròng ròng như thắp lửa, thứ nắng như cháy trên đầu. Mùa Chạp cá làm đìa người ta lớp rọng lớp làm mắm để ăn dần dần cho tới mùa lúa sau, mớ xẻ làm khô ăn Tết. Mùa đìa kéo dài cả tháng nghĩa là lúc nào giàn phơi cũng những con cá nằm nhuộm nắng cho đỏ au da thịt.

Mùa Chạp thể nào cũng gặp người ta ép chuối khô. Chuối xiêm chín cây sẵn ngoài vườn, lột vỏ phơi một nắng, rồi đem ép mỏng. Không như cá khô rủ rê bọn ruồi nhặng đến mức phải đốt nắm nhang cắm nơi đầu gió để xua đuổi chúng, mật chuối tươm ướt rượt chỉ mê dụ quyến rũ lũ ong. Kéo tới dập dìu, lảo đảo bay đậu như say, những con ong sa đà ở giàn phơi cho đến khi những miếng chuối ép mỏng bắt đầu khô quắt, vàng óng như vừa nướng trên than hồng. Chuối phơi đủ nắng có thể ăn tới ra Giêng, mật lặn vào trong vừa ăn vừa tợp miếng trà, hoặc ngào qua với khóm, me… đem dầm nước đá uống cũng ngon thấu trời.

Vậy là nước miếng mình ứa ra, trên từng mét đường về nhà ngoại. Tâm hồn mệt nhoài với những món ăn cực kỳ mời gọi trong sân thiên hạ. Đang thèm tô cơm nguội chan nước dừa ăn với khô lóc nướng thì bỗng nghĩ giờ phải có thịt kho Tàu để ăn với dưa kiệu nhà kia, rồi cái hủ mắm tép dầm nắng sát hàng rào làm mình nhớ nhung chuối chát, khế chua cùng với gừng xắt mịn thì mâm mứt tắc đỏ au đằng kia làm mình lịm chết một cách lim dim như tụi kiến.

Chân rõ ràng không mỏi, nhưng tâm rã rời, cứ chạy theo đeo đuổi miết trên những giàn phơi. Hụt hơi, chới với. Có lần về nhà kêu má Tết này làm những món này này, những món mà mình nhìn thấy mang theo trên suốt chặng đường từ nhà ngoại về. Má cười, người ta có đâu có nghĩa là mình phải có.

Mình dại hơn cả tuổi mười ba, không hiểu câu đó mấy, nên vẫn muốn má bày thật nhiều thứ trên giàn phơi nhà mình, chớ không phải còm nhom chút dưa kiệu, dưa hành, chút chuối khô… Nên Chạp sau mình vẫn nhắc, má lại nói ta đâu cần phải có cái mà người ta có.

Cũng may qua mỗi Chạp mỗi mùa phơi mình mỗi lớn, bài học của người của ta má không nhắc nữa, mình bỗng bâng quơ nhớ. Nhận ra trên giàn cũng phơi những thân phận người. Ngó qua khoảng sân đã rợp những cây mồng gà, vạn thọ biết ai ăn Tết lớn ai chịu đìu hiu, như ngó qua cái sào phơi quần áo biết nhà ai đông nhà ai đơn chiếc, ai khá giả ai nghèo. Nắng gió khiến mọi niềm vui nỗi buồn bày ra như một cuộc diễu hành, không che giấu khách qua đường. Căn chòi của bà già chèo đò hay chở mình qua sông trống mãi, cho đến ngày cuối Chạp bỗng trên đống củi có phơi vài tàu lá chuối, biết tối nay trên sân nhỏ bà sẽ ngồi canh nồi bánh tét đến giao thừa. Mình bỗng nghe nhẹ nhỏm khi nhìn theo bóng nhỏ đưa chiếc đò về bên kia sông.

Chật vật mấy, cuối Chạp cũng có cái đem phơi, đem nhuộm nắng, cũng có bụi bông vạn thọ, và bông trang bông lồng đèn nở rực rỡ trên rào…
 
Nhng mnh nh


Nm dưới cái bóng ca gic ng vn còn đm rp, trong cơn chiêm bao mơ màng ca thành ph, đôi khi tiếng rao ca nhng người sa bếp gas, mài dao kéo… làm tôi như chìm lm vào mt gic trưa nào đã cũ trên cái võng giăng bên hè nhà ngoi. Và thc dy vi tiếng rao vng li t doi đt tut đng kia. Không thy người đâu, ch nghe Ai vá xoong vá cho không… là ming ngt l ri. Ông già đó hôm nào ngang qua cũng cho tôi cc ko chanh hay ko da.


Hi đó tôi by tui, được làm bn vi nhng người rày đây mai đó như ông già vá cho nh khong sân nhà ngoi mát rượi bóng cây và gió sông. Bà ngoi còn kê b vt cau hàng ba cho người qua đường ngh chân, trên đó đ sn bình thu nước cho khách t pha trà. C cái khp nước mưa đt sát bên đường na, đã làm nên mt khung cnh m áp thân tình khiến ai cũng mun tt qua đôi chút đ đôi chân mi, làm ch gp nhau ca nhng người hành ngh lang bt, nhng anh bán càrem cây, ko kéo, cm ngào đường…


Nhng câu chuyn góp nht t nơi chn h qua đã làm cho cuc sng chúng tôi đ bun t. Không cn đi đâu, bà ngoi cũng biết v cháy kho xăng, xóm ngoài có vài đám cưới và mit nào đó xy ra v cướp cô dâu. Nhng chuyn tào lao theo gió bay đi, đôi khi bà ngoi tôi còn gi li được vài bài thuc hay, vài kinh nghim làm rung ry cũng hay, vài món ăn mi… Tôi còn con nít có dp hóng ht nhng chuyn đường xa, ly kỳ kiu như da tám ngn, rn hai đu... Qun quýt h riết ri tôi thuc luôn ging ca tng người, dù vt vo trên cây khế hay đi thăm lưới ngoài vườn, nghe tiếng rao ơi hi vng lên trên nhng tng lá thp, là biết ai sp đi ngang nhà. Dù không biết h t đâu đến, sau lúc ngh chân thm nhà mình h s đi đâu, nhng đôi chân đó tiếp tc ln li đến đng sâu, đến xóm vng nào… nhưng tôi hình dung h đi mt vòng tròn xa lm, đ năm mười ba sau h li quay li, và tôi mng như nhng người thân xa v. H cũng nhn ra tôi trong mt chòm con nít đang chơi, đ ct tiếng ry rà, “ê nh, phơi nng quá chng coi chng bnh…”, hay như ông già vá cho gi v bâng quơ, “có cc ko mà không biết cho ai đây?” Ông chú bán càrem còn ha hôm nào đó ông dn ra min Trung cho coi mưa x Huế.


Gi nh nhng người cũ bng nh luôn ngh cũ, phát hin ra hi y chc nghèo lm, nên th gì cũng vá. Nên có my ông hành ngh vá ni niêu xoong cho, vá lu khp, vá dép, vá chài… Nên bà ngoi thnh thong li kêu tôi đón chng ông Ba, ông By, ông Mười Mt đ vá vài món trong nhà, đã rách. Đến ni cái chum da bò mà cũng vá thì nghèo thit, xưa tôi không nhn ra ni y vì c xóm ai cũng ging ai, cũng mái lá và áo vi.


Mùa rách vá nên có nhng người rách đi vá víu cho nhau. Đ ngh đa phn là t chế, lng chng trong cái b bàng, mt na vn liếng còn li được góp bng đôi chân ln li do dai và làn hơi vi vi. Sình ly xóm trên được h mang đi xóm dưới bng nhng k chân trn. Già na năm xóm làng b cô lp vây ba vì nhng cơn mưa mùa, mt tiếng rao ca đi b hành bán hàng và vá víu cũng làm xao đng bi cái ý nghĩ, chúng tôi không b quên lãng. Chc cm kích vic đó, ngoi tôi vn thường dúi cho h ni chui xiêm, hay trái da khô, m khế ngt hái trong vườn nhà, nói “gi cho my nh nhà…” Tôi ch hơi quu nếu ngoi tng gì đó cho anh vá dép. Anh này biết bao ln làm tan nát tim tôi. Bng mt cách rt tm thường: ly que st vùi vào cái lon sa bò cha mt cc than cháy thiu thiu le lói, anh ct miếng m đp lên ch dép đt ri dùng sc nóng ca que làm miếng m tan chy ra đp lành mt vết thương… và gic mơ được sm dép mi ca tôi thành mây khói.


Đ ngh ca người ta thì đinh vít, búa, khoan… anh vá dép ch trng mi cái lon gi la. Có ln chơi ác tôi ht nước cho tt ngúm, dì ái ngi kêu anh vô bếp tr li chút tro, than. Ch vy thôi mà anh bi hi. Anh luôn đi qua nhà vào nhng ban trưa, lúc cơm nước đã xong ngoi và dì hay ra ngoài hiên trước đương r, chm lá, hay sàng go… Tt vào ung nước. Ngi tht lâu. Ngó tht sâu. Không nói gì. Chng ngoi đng hng mi dm bước đi.


Sau hôm đám hi dì, có trưa tôi đong đưa trên võng nghe L Thu ca thì dì nt bo tt radio đi. Hình như ai rao vá dép kìa, dì thng tht. Nhưng không có ai hết, ngoài khói nng gn gn. Anh vá dép không đi ngang nhà ngoi na vì biết t gi người ta không cn nhng mnh vá ca anh. Tro ngày cũ ca dì không biết có làm anh cay mt?


Mi đây by mi tr lên đánh úp t đáy t đã tiêu hoá sch thi con gái ca dì – my cái hình trng đen chp nghiêng, xoã tóc. Có nghĩa đã mt luôn bng chng cui cùng rng bà già kia tng là mt m nhân. Tôi bo không sao, tui thanh xuân ca người đàn bà thường được lưu gi trong ký c ca nhng người đàn ông. Không tin hi ông vá dép.


Nhưng biết tìm đâu?


Tôi v Trung dm mưa Huế ri, nhưng không phi vi ông chú bán càrem có cái vai lch đi vì quy nng. Đa bé con đã làm mt bit nhng người bn giang h ngày trước, không du vết, dường như không có cuc chia tay chính thc, không mt hn hò nào. Mi ln v ngoi ngi thm trước li nh h tng đây cho đ đôi chân mi, h cho mình ko, h gãi lưng giùm mình, h tht cào cào chim sâu bng lá da, chép bài ca vng c cho mình…


Gi có đi ngang mt nhau hay đng cnh nhng người bn đó, chc tôi không còn nh. Chút manh mi ch còn mt tiếng rao, ai… vá... không. Nhưng t tôi không rách na, nhng người vá víu ca mt thi vá víu, đã xa.


Và tiếng rao ca anh sa bếp gas, ông già mài dao kéo do… mt ngày nào đó không còn na, chng biết có tiếng rao nào khác đ đánh thc ký c tôi, v nhng người xa, nhng ngh xa đã tng đi qua phn đi gian khó…
 
Chỉ còn lại là mây mù


Ngủ trưa dậy rồi mà chiêm bao vẫn chưa dứt. Tôi ngồi trên bậu cửa sổ ở tầng áp mái. Mây bắt đầu trùm phủ lên tôi, cứ vài ba phút đậm đặc mù mịt, rồi gió thổi xiết, lướt qua mặt chỉ còn một lớp mây mỏng tang, gờn gợn


Thị trấn như cô gái đang nghịch ở phòng thử quần áo, thoắt xuất hiện với vẻ kín kẽ trầm mặc thoắt sau lại tung tăng trong bộ áo choàng mỏng manh gợi cảm, vài vạt nắng lấp ló quanh chân váy. Tam Đảo hụp xuống một dòng sữa trắng đục rồi trở lại bằng những chóp nhọn, những mái nhà ngói đỏ, sau đó là ô cửa sổ còn muộn màng một ngọn đèn, rồi thì những giàn su su xanh ngắt cũng hiện ra, với vài cái lưng áo đang cúi lom khom.


Hai anh bạn đang chụp ảnh ở cửa sổ bên cạnh ngây ngất trước cuộc trình diễn của mây mù. Một món quà trước khi chúng tôi xuống núi. Cuối cùng thì Tam Đảo đã giữ tròn lời hứa, tặng cho người chang chang đồng bãi Tây Nam bộ một ít mộng mị, đa cảm của mình. Ở bậu cửa sổ, thật khẽ khàng thì tay sẽ giữ được một vốc mây trong vài giây. Nhìn đoàn vận động viên đua xe đạp đang lao vút qua các triền dốc, màu áo, nón cứ chấp chới trong mây, nghĩ, chẳng biết cái chị áo xanh sáng qua đứng bên đường khóc một mình, hôm nay đã hết buồn chưa.


Ba ngày đi rong thị trấn, cô gái đứng khóc bên chiếc xe đạp dưới cái bờ đá đòng đưa vài bông bí vàng rực rỡ là hình ảnh duy nhất làm tôi nhớ. Cảm giác còn lại là chờ đợi, tìm kiếm, hy vọng… vào một cái gì đó không rõ ràng. Và rồi mây mù đến, làm dịu lại cái ngột ngạt những ngày qua, vì chờ đợi hơn nửa giờ để được phục vụ ly cà phê lạt có giá từ mười lăm đến hai mươi ngàn, vì những quầy chuối vàng rực anh hoạ sĩ hí hửng mang về có vị… chua loét (sau này nghe nói người ta tẩm một loại hoá chất gì đó cho chuối được vàng óng, nên chuối non vẫn cứ vàng óng), vì những ngôi đền, miếu cửa luôn treo ổ khoá gỉ sét với mấy dòng bên cạnh, “quý khách muốn vào viếng đền thì liên hệ với XYZ…”, vì những anh chị bán hàng cáu kỉnh, quạu quọ, xua khách như… ruồi, “muốn mua hàng miền Nam thì về miền Nam mà mua, ở đây đếch có”…


Bỗng thấy thiên nhiên thật nhọc nhằn, đẹp để xoa dịu, bù đắp cho những vết xước do con người gây ra cho con người. Hoa dại tím ngằn ngặt. Một tán cây bỗng rực đỏ giữa biển màu xanh bên dưới vực. Rêu óng mượt trên mảng tường biệt thự bỏ hoang. Nắng trong trẻo dịu dàng, không gợn chút khói. Và mây mù nữa, chảy ròng ròng suốt một buổi chiều và cả những hôm sau. Nhưng tôi vẫn còn cảm giác thiếu vắng khi đi lang thang trên những con đường dốc. Mây thôi, với tôi chưa đủ.


Tôi thèm được thấy người. Ở đây thiếu vắng những nụ cười. Trên những con đường chi chít hoa dại hiếm hoi mới thấy vài trẻ con chơi, kẹo buồn xo trong túi vì không vơi đi mấy. Có lúc đứng nhìn ong bay trên giàn su su cứ thèm có cô gái nào đó ló đầu ra thẹn thùa cười, thèm thấy bà mẹ nựng nịu đứa con nhỏ của mình ngoài hiên, thèm đi qua dãy phố rộn rã tiếng xoong chảo khua, tiếng cười đùa. Qua con dốc nhỏ, gặp một cụ già kèm nhèm ngồi nướng bánh đa, bỗng mừng quá sức, vì sập tối thì đừng mong gặp được những chậu than nhỏ ở ngoài đường như vầy. Thị trấn sạch sẽ, phẳng phiu đến đơn điệu, vô cảm, phố chỉ rặt khách sạn và quán ăn, chợ lum khum nhỏ xíu với vài quầy hàng lưu niệm với những món hàng quen thuộc có thể gặp ở bất cứ đâu trên đất nước này.


Bên kia những cái cổng rào cũng có thể nhận được một nụ cười, nhưng ngay sau đó là lời mời chào, “vào nhà hàng em ăn cơm...”. Tôi nhìn những khách sạn im ắng và thưa thớt bóng người, tự hỏi khi mùa đông trở lại, khi mây mù vây bủa dày đặc, nhà này không còn nhìn thấy nhà kia, thị trấn này sẽ trùm chăn nằm ngủ? Khách du lịch thưa thớt. Ông chủ của những nhà hàng khách sạn về Vĩnh Yên, Hà Nội… sau khi cắt đặt một vài người ở lại trông nom. Đây là nơi họ kinh doanh, không phải nơi họ sống.


Ông già bán một quầy nước nhỏ đìu hiu ven bậc thang xuống thác Bạc, bằng câu chuyện đời mình, lại giải thích được tại sao thị trấn có vẻ không có sức sống, dù thơ mộng bên sườn núi. Những người dân lao động đã được (hay bị?!) chuyển xuống khu dân cư dưới chân núi. Theo hướng ngón tay quăn queo, vượt qua những ngọn cây xa xa, là xóm ông, nơi mỗi ngày ông già bảy mươi tuổi cắp thùng nước đá đi về gần mười cây số để kiếm sống.


Tôi nhìn về phía nhà ông, nghĩ, ở đó, tôi mới nhìn thấy khói le lói từ những bếp than tổ ong sắp bắt lửa, mới nhìn thấy một ngày thường, thấy mồ hôi trên những khuôn mặt lam lũ, nhọc nhằn, nhưng gần gũi, thân thiện. Ở đó, tôi mới ghi được những bức ảnh trẻ con mắt trong veo níu nhau ríu rít cười phô răng sún.


Chứ không phải chỉ có mây mù...
 
Mê… thầy...

Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư




Nhưng tại sao lại mê thầy? Chắc do tâm sinh lý tự nhiên, hễ con gái thì thích thầy, con trai đương nhiên khoái cô?Hay vì ông thầy đầu tiên để lại ấn tượng sâu đậm quá?

Giả thuyết đầu tiên khả năng sai cao, bởi nhiều đứa con gái bạn tôi mê cô giáo đến mức… xin hình cô đem về nhà treo. Giả thuyết thứ hai cũng không chắc, sâu đậm kiểu gì mà tên của người thầy đầu tiên tôi đã quên mất tiêu rồi. Quên gương mặt, dáng đi, giọng nói. Không biết thầy có đẹp trai không, giọng nói có ấm áp không? Thầy có thường cười đùa hay nghiêm nghị mực thước? Thầy từ đâu tới, người tự nguyện đến cái xóm heo hút đó để khai sáng cho đám trẻ quê nghèo, hay bị ép buộc về nông thôn cho đủ thời gian thử thách trước khi quay lại thành phố. Và, năm mười sáu tuổi, "thì" có "dậy" chút đỉnh, tôi đặt câu hỏi sau cùng về ông thầy thơ ấu đó, là "không biết thầy có… vợ chưa?".

Những câu hỏi không một tiếng vọng. Trong miền nhớ mịt mờ, chỉ là những cảm giác lên tiếng, chúng nói, thầy bị "đày". Vì một ngôi trường (nói vậy cho oai) chỉ có một lớp học ngó ra sông nhỏ, mấy cây cột trâm bầu sần sượng, mái lợp lá chằm đóp, bàn ghế ghép lại bằng những thân cau chẻ, gỗ tạp. Người trong xóm có gì quyên góp nấy, nên lớp học trông lởm chởm như… chổi lông gà. Những bữa mưa nhiều tụi học trò phải ngồi chổm hổm trên ghế, co rúc người cho đỡ lạnh.
Trường lớp ọp ẹp, được nhúm học trò, mà tụi nó cũng ọp ẹp. Ọp ẹp theo kiểu tôi thì ốm tong teo, đen rọi đèn pin còn không thấy, theo kiểu đám bạn tôi cũng đa dạng, đứa thì ghẻ chóc đầy đầu, đứa học nửa năm chỉ nhớ được chữ O, may nhờ nhà nó chuyên ấp gà con bán, có đứa đang học bỗng chạy đi mất tiêu, lúc quay lại nó gãi đầu thưa, con đi thăm lờ, cá nhóc. Có đứa một ngày học, bốn ngày nghỉ vì bận mót lúa ngoài đồng, có đứa ghé qua học chừng hai buổi thì đi, ghe nhà nó nhổ sào rồi.

Sau này, nhớ về lớp học đầu tiên, tôi luôn hình dung ông thầy đứng gần tấm bảng gỗ bào vội, sần sùi, gió sông thổi thốc vào, lá mục bay chấp chới, chim non tao tác kêu trong những lùm cây dại bên hè. Hình ảnh thật buồn, cô đơn, hoang hoải. Nhưng là tôi tưởng tượng vậy, bởi đâu còn nhớ thầy đã từng buồn hay vui. Chỉ biết, thầy hay đến trường bằng nhiều hướng khác nhau, lúc đi ngang nhà ngoại tôi, lúc lại từ đằng kia tới, như thể thầy từ trên trời, rơi ngẫu hứng đâu cũng được. Nên có bữa tôi nán lại chờ ngoại luộc trứng chim canh chừng hễ thầy đi qua thì xách tập chạy theo, chờ hoài, ăn hết mớ trứng thì đằng trường thầy cũng dạy hết một bài. Giữa giờ chơi, thầy thả bộ tà tà lại nhà ngoại tôi uống trà, mà sao không uống trà nhà khác, tôi không hiểu. Mười sáu tuổi (lại mười sáu tuổi), tôi có một giả thuyết, ông thầy thương dì tôi, nên giả bộ lại uống trà với ngoại, để được ngó dì.

Nhưng có giả thuyết khác ít ngang trái lãng mạn hơn, là thầy cần phải gặp ngoại để tìm ra phương cách "chiến đấu" với cái tật… xé tập của tôi. Hồi đó, mỗi cuốn tập của tôi khi viết tới trang cuối thì nó còn chừng… mười sáu trang, cả thảy. Ngoài vụ đó, tôi còn nhiều vấn đề khiến "nhà trường phải phối hợp với phụ huynh". Có lần quậy tưng trong lớp, thầy dọa, chút nữa lại méc ngoại. Báo hại lúc ra chơi phải chạy về nhà để rình, nếu thầy méc thiệt thì thủ tiêu mấy cây roi ngoại hay giắt trên vách. Bi kịch, đứng ngoài hè trò bị kiến vàng cắn tả tơi, trong nhà thầy thủng thỉnh ngồi uống với ngoại, hỏi những câu kiểu như, lúa vụ này khá hôn, chú Hai. Vào học, thầy bảo, méc rồi, về nhà bị đòn nứt đít. Tôi gãi chân, cười thầm, ông thầy nói dóc dễ sợ.

Hồi đó, chắc chắn tôi không sợ thầy, từ đó suy ra là thầy dễ chịu lắm. Thương lắm. Đến nỗi khi trở ra thị xã học tiếp, tôi nhớ mình đã viết một lá thơ gởi thầy (tất nhiên, giấy xé ra từ tập học). Rồi mấy cây cột cặm trong lớp một ngày kia được bà con trong xóm nhổ về làm củi chụm, thầy biến mất, lặng lẽ như hồi thầy tới.

Tôi lại có ông thầy khác, ông này có họ hàng bên má, vai cậu tôi. Vô lớp tôi gọi thầy, trống trường đánh cái thùng, tôi kêu cậu ơi cậu à, mà kêu lớn lắm. Cho tụi bạn nó… nể, thấy tui xấu vậy mà cũng có cậu làm thầy giáo à nghen. Hồi đó sao mà thầy cô giáo có giá dữ vậy không biết, bị tôi đem ra lòe thiên hạ, cũng thu được chút lợi, cái lợi đáng kể nhất khi có ông cậu họ làm thầy giáo là không bị bạn ăn hiếp. Hai mươi sáu tuổi, nghĩ lại thấy mình khờ, giờ thì gặp ai đáng chú, đáng bác cũng muốn gọi bằng thầy, để được xưng… em.

Hơn mươi năm ngồi chai đít khỉ ở trường, học qua nhiều thầy cô giáo, nhưng năm nào có thầy thì năm đó học được, nói chung sáng ngủ dậy có muốn… tới trường. Thầy đẹp trai thì, chậc, còn gì bằng. Có dạo, đi học vi tính, hai ông thầy đều đẹp, độc thân, trẻ trung, khóa ấy, tôi đậu… thủ khoa (ha ha ha).

Thật tình, tôi không biết những ông thầy mà tôi mê có phải là giáo viên giỏi (cấp huyện, cấp tỉnh) không, có phương pháp sư phạm không, hiệu quả tới đâu, giảng bài có cuốn hút không, dạy có dễ hiểu không, và tôi đã nhận được những kiến thức gì, tôi nhớ chỉ vì ông thầy đó dễ thương.

Những ông thầy không làm tôi sợ bằng cách buộc tôi cúi đầu vâng dạ, những ông thầy không bắt tôi phải lễ phép khép nép trước mặt mình, gò học trò vào một sự kính trọng gượng gạo. Có thể có thầy nghiêm khắc, lúc nào đó, quãng nào đó, nhưng tôi không nhớ, chỉ nhớ thầy đó y chang bạn tôi. Trong không gian trường học chật chội, tẻ nhạt với những thứ kỷ luật bó buộc, những bài học khô rốc, cứng ngắc, những ông thầy để lại trong ký ức tôi sự khoáng đạt, mạnh mẽ, dắt tôi lướt đi trên khuôn khổ, tiểu tiết. Tôi quên mình đã học được gì nhưng nhớ mình đã được đối xử như thế nào, từ những người thầy.

Đó là những người đàn ông dịu dàng và bao dung, giống như ông ngoại tôi, ba tôi, đến nỗi, khi tìm kiếm tình yêu, hay bắt đầu quan hệ bạn bè, tôi luôn nghĩ tới những ông thầy của mình. Giữa thầy và trò, giữa bề trên và kẻ dưới, giữa người cho và kẻ nhận, tôi đã nhận được sự thân ái, yêu thương, đồng đẳng giữa người và người.

Nên nhớ thầy, trước nhất, tôi nhớ người.
 
Chỉ là ghi lại một trưa vô tình…

Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư


Chị ào qua cửa. Và từ cái buổi trưa nắng đỏ, trong cái xóm nghèo Năm Căn đó, tôi biết đến một bà mẹ khác với hình dung quen thuộc khi nghĩ đến mẹ, những gầy, những hiền lành, những dịu dàng, những đau khổ...

Chị mập ù, ngồi oằn cả một góc ván. Chân mày mỏng. Đứa bé bốn tháng tuổi trên tay gầy và xanh. Chị vừa cho nó bú vừa hút thuốc. Khói thuốc phì ra mũi lúc chị cười, trong cái bảng lảng, cứ như khói cũng tuôn từ mắt chị. Đứa bé điềm nhiên miết vào vú mẹ, dường như nếu chỉ có mùi sữa, mùi mồ hôi, mà thiếu mùi thuốc lá thì nó cũng chẳng nhận ra mẹ. Chắc đã nhận được quá nhiều lời cằn nhằn lẫn ái ngại cho việc phì phèo khói thuốc của mình, chị dụi tắt thuốc, cười khà khà phân bua, “ghiền hồi nhỏ rồi chế ơi, bỏ không được…”.

Nụ cười hồn nhiên, bầu vú cũng hồn nhiên khoe sự đầy đặn của mình. Áo vén cao không lấp lửng, khách khí. Tôi nhìn hai đứa con lớn nheo nhóc đứng cạnh, tôi nhìn bà mẹ nhỏ tuổi hơn mình, có cái gì đó xót xa đến mức lời lẽ cứ lạc đi đâu.

Tôi cứ tưởng sẽ gặp nhiều nước mắt, gặp nhiều vật vã, bởi đứa bé kia, núm ruột của chị, khi năm mươi ngày tuổi đã bị ông hàng xóm xâm hại tình dục. Chị kể lại chuyện đó với một vẻ tự nhiên, như một bà mẹ nói về vụ trớ sữa của con mình. Hoặc chị đã phải kể nhiều lần, vắt nước mắt nhiều lần rồi, ngay sau khi bi kịch xảy ra. Buổi sáng gửi con đi chợ mua cá, lúc về thấy nó tím tái, xốc nó thì máu từ miệng trào ra theo cái bao tay người ta đã dùng chẹn cứng cổ họng nó cho khỏi gào khóc. Lúc về thì cơn bão sẽ ở lại mãi mãi trong căn nhà thuê tồi tàn và ọp ẹp của chị.

Nhắc đến kẻ bất nhân, chị chửi thề giòn tan, giọng giòn tan, ông già sáu mươi chín tuổi đó chắc là ma quỷ nhập, chớ con chị mềm như cục bông gòn, vui sướng gì mà nỡ lòng… Chị cũng giống tôi, không tin con người lại làm vậy. Chị đòng đưa đứa bé gái bất hạnh trong tay, nựng nịu nó cưng ơi cưng à rồi nói chơi chơi, “mấy bà xóm tui chọc, tại con mầy đẹp quá, nên có… rể sớm… Thằng rể lớn tuổi hơn ông ngoại vợ”. Tôi muốn cười với chị, thật lòng, nhưng vo hoài cũng không thành.

Tôi bệu bạo hỏi tên ông hàng xóm vô đạo, chị ngơ ngác day qua hỏi chồng, “tên gì, ông?”, thấy khách tròn mắt ngạc nhiên, chị cười, “cứ kêu chú bảy chú bảy mà không để ý ổng họ gì…”. Hai bữa trước tòa án gọi chị lên, hỏi, chị có đòi bồi thường gì không, chị chưng hửng, thằng chả nghèo còn hơn tui nữa mà lấy gì bồi thường. Thôi, khỏi. Chị đốt lại điếu thuốc hút dở khi nảy, bàn tay vung lên lượn một vòng khói, “có đòi năm chục ngàn chưa chắc có, cùng là dân ở nhà mướn, biết nhau quá…”.

Tôi tắt máy ảnh, tôi đã bật nó với hy vọng được ghi lại những giọt nước mắt lăn trên mặt chị, như tai tôi cũng mong chờ được nghe những lời than thở buồn rầu. Những biểu hiện mà tôi nghĩ, một người mẹ phải như thế như thế. Nhưng tôi không đợi nữa, vì dù không một chút nào tỏ ra đau đớn bi lụy, chị vẫn là một bà mẹ đúng nghĩa, đẹp và gây xao động như tất cả những bà mẹ trên đời.

Suốt buổi nắng, bà mẹ chỉ thắc thỏm chuyện con gái mình xanh xao quá, “lúc sanh nó được hơn bốn ký lô đó chế, giờ ốm tong vầy…”, rồi mẹ khùynh tay ngó lại mình, đượm buồn, “còn tui thì ú ì. Ai cũng nói tui ăn hết phần của con…”. Nghe như lời tự trách, làm mẹ to khỏe mà cũng không bảo vệ được con mình. Và suốt buổi nắng, bà mẹ không hề tỏ ra lo lắng chuyện trinh tiết, phẩm giá, chuyện con gái mình mai kia sẽ lớn lên với một vết thương…

Tôi không ngạc nhiên, hôm nay là đám giỗ mẹ chị, một bà mẹ nghiện rượu và chết vì ngộ độc rượu. Chị còn thằng em trai suy dinh dưởng, tuổi mười ba héo hắt như trái mướp khô. Tôi không ngạc nhiên, khi ở cái xóm lao động nghèo này, vét nồi bữa sáng đã lo gạo cho bữa chiều. Những người nghèo và không được học hành như chị cứ bị cuốn trong những bi kịch nối tiếp bi kịch, họ buộc phải học cách đau có hơi khác thường, nhưng cần thiết để giữ sống.

Tôi chỉ thấy lạ chính mình, sao mà mình nhớ chị lâu vậy, nhớ giọng nói giòn tan, điệu bộ vung tay khẳng khái, bầu vú cứ hồn hậu áp vào mặt đứa con mặc đèn flash máy ảnh lóe lên.

Bà mẹ chỉ quan tâm, con mình cần bú, và nó thì quá gầy gò sau một biến cố không ngờ. Cũng có vài chuyện cần thiết nữa, đứa con gái lớn đã tới tuổi vào lớp 1, thằng con trai kế với dị tật trên mắt không biết có chữa được không. Những điều cần cho tâm hồn, lúc bụng no mới nghĩ tới được...

---------------------------------------------
Tản văn Nguyễn Ngọc Tư
Nguồn (tất cả): Sưu tầm Internet
 
Mẹ giàu, mẹ nghèo...

Nguyễn Ngọc Tư


Ban đầu, cô bạn dõi theo các cuộc thi viết về thầy, về mẹ, về gia đình, trường học… vì thích đọc những câu chuyện có thật, chân phương, cảm động. Cô thích những câu chữ còn vụng về nhưng tấm lòng người viết dịu dàng. Cô thích cái cách người ta thể hiện tình cảm, lời tri ân, sự tiếc nuối… bằng văn học, mềm mại và tinh tế biết bao. Cô bỗng phát hiện ra, mình cũng có những kỷ niệm như thế, những cảm xúc như thế như thế. Nên về sau, cô tìm đọc vì muốn coi người ta viết làm sao để… rút kinh nghiệm sáng tác bài dự thi.

Kinh nghiệm cô có được là câu chuyện nào cũng liên quan tới thời nghèo khó. Nhân vật để lại tình cảm, dấu ấn trong lòng người viết cũng… nghèo. Cô bạn hay gặp thầy giáo làng, hơi già, khó tính, nhưng thương học trò hết lòng, thấy những ngôi trường làng, vách lá bàn xiêu, gặp cảnh cả nhà nhường nhau củ khoai lùi, giề cơm cháy, con cá sặc kho. Và những bà mẹ thường gầy gò, tần tảo sớm trưa, mặc áo rách để nhường con tấm áo lành, nhịn ăn để dành cho con bữa sáng.

Cô bạn có một thắc mắc, “vậy những bà mẹ giàu không thương con sao?”.

Có chứ, mẹ nào mà không thương con, hết lòng vì con, hy sinh vì con. Nhưng sự thật là người đọc hiếm khi gặp nhân vật bà mẹ giàu có, no đủ. Cũng như hội văn bút xưa rày hay liếc xéo anh doanh nhân, dòm nghiêng ông quan chức, chỉ người nghèo, nông dân là được nhìn thẳng thắn, âu yếm.

Hôm đó quán cà phê vắng khách, tôi không trả lời, chỉ cười, biểu, “vậy thì bồ viết về bà mẹ giàu đi”.

Mắt cô bạn sáng rỡ, ờ hén, bài của tui sẽ lạ lắm đây, Ban giám khảo đọc chắc hết hồn. Để rồi vài bữa sau, gặp nhau, cô bạn tiu nghỉu, khó lắm, nhỏ ơi”.

Chúng tôi (tức tôi và cô bạn) biết bà mẹ giàu cũng thương con, như những bà mẹ nghèo. Nhưng viết rằng “sáng nào mẹ cũng dẫn tôi đi ăn ở quán bà Ba Bánh Tầm, mẹ gắp xíu mại cho tôi”, hay “biết tôi học khuya, mẹ khuấy cho tôi ly sữa hột gà béo ngậy”, hoặc “mẹ bấm bụng cho tôi đi học ở trường Quốc tế ở sài Gòn, để đêm đêm mẹ xót xa, thương con mình thui thủi”… không làm trái tim người đọc run rẩy. Dù có làm theo mách bảo trên tờ báo nào đó, cách “cho con ký ức đẹp”, nhưng bà mẹ giàu cũng chỉ đơn điệu là trò chuyện, lắng nghe, để lại lời nhắn trên giấy, ôm ghì, tham khảo ý kiến của con… Những bà mẹ nghèo thể hiện tình thương nhọc nhằn hơn, người viết dễ sáng tạo, người đọc dễ mủi lòng hơn, thí dụ như bà chui vào bếp để luộc cho con mấy trứng chim vừa lượm được ở bờ sậy, bà lọ mọ móc sình nắn trâu, nắn máy cày, bà cõng con qua những đoạn đường bùn lầy để đến ông bác sỹ già, với cái ống chích lụt nhách.

Và cô bạn tôi cũng tham gia cũng thi “tự kể chuyện mình” bằng bà mẹ nhà… kế bên. Rất dễ dàng, như đám học trò bây giờ buộc phải tả về mẹ y trong… văn mẫu. Cô chỉ bồn chồn một lẽ, lỡ bài được đăng, cô cũng không dám khoe với mẹ mình. Bà sẽ buồn cho coi. Ở vậy sống vì con cả đời, quan tâm con từng chút một, vậy mà con gái lại đi vay mượn mẹ của người để nói tiếng thương yêu, chỉ vì mẹ ruột có… tiệm vàng. Cô chữa thẹn với tôi, cũng là trấn an mình, người ta cũng không hoàn toàn viết từ chuyện thật. Biết đâu, họ cũng vay mượn kỷ niệm nghèo khó của người đời.

Bà mẹ giàu có quyền buồn. Nhưng tôi bảo với cô bạn không sao đâu, tấm lòng hiếu kính của con đối với mẹ, không nhất thiết bày lên trang viết, không nhất thiết phải nói bằng lời. Là mẹ, ắt hiểu.
_________________
Và cơn gió mang mùa đông tới
Cuốn bay theo đám lá vàng rơi
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top