Sức mạnh mềm lớn nhất là "lòng bao dung"

Hide Nguyễn

Du mục số
Sức mạnh mềm là sức mạnh từ bản chất văn hóa xã hội, là khả năng “bất chiến tự nhiên thành”. Đem lại giá trị cho xã hội càng cao thì giá trị cá nhân càng lớn.


Sức mạnh mềm được định nghĩa là khả năng ảnh hưởng – chứ không phải áp đặt – để vì cảm tình mà người khác hoặc không làm hại mình hoặc khiến họ làm một việc mình muốn mà không cần đánh đấm hay hù dọa.

Cho-Hoa-Hang-Luoc-Giao-duc-Viet-Nam-1.jpg



Dù thật sự là một cường quốc, nhưng sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ lớn gấp nhiều lần so với tầm vóc kinh tế hay quân sự của họ, chính là nhờ vào những giá trị nhân văn. Trên bề nổi, người ta có thể nhìn thấy nhiều điều cả thế giới muốn bắt chước Mỹ, từ âm nhạc, nghệ thuật đến phong cách sống. Sức mạnh mềm của quốc gia này thật ra có nguồn gốc vô hình từ cung cách ứng xử với nhau ở trong nước họ, chứ không phải từ chính sách đối ngoại. Đó là khả năng tạo được sự tin tưởng giữa con người và con người, giữa con người và xã hội. Sự tin tưởng ấy là “vốn xã hội” lớn nhất.

Nhưng cái vốn này từ đâu mà có? Đó là từ bản chất con người xã hội: là tính khoan dung làm tiền đề cho việc hình thành nhận thức rằng “ích chung” và “lợi riêng” là một mối liên hệ hữu cơ.

Khoan dung thường được hiểu một cách chung chung, như một tính tốt vậy thôi, nhưng thật ra lại có tính quyết định đến mức độ phát triển kinh tế cũng như tính cách nhân văn, là nền tảng cho một sự phát triển bền vững và hài hòa trong toàn xã hội.

Khoan dung là một thái độ chủ đạo để con người có thể sống tích cực, rộng lượng, dễ bỏ, dễ xả. Mà có xả, có bỏ thì mới dung chứa được nhiều hơn những gì đã cho. Khoan dung còn là kết quả của sự vị tha và nhờ đó mà có sự phát triển bền vững cho chính mình và cho xã hội chung quanh.

Nhưng làm sao có thể vị tha trong một môi trường xã hội đầy cạnh tranh, đầy mâu thuẫn, giành nhau từng tấc đất để sống?

Nhân chi sơ tính vị kỷ là định luật tự nhiên. Con người phải biết bảo vệ chính mình, biết lo cho mình thì mới tồn tại để lo cho người khác. Nhưng tồn tại cá nhân và phát triển cộng đồng là hai mặt của một vấn đề. Nước (cộng đồng, xã hội) có dâng lên thì thuyền (cá nhân độc lập) mới dâng theo. Ích chung và lợi riêng phải được cân bằng để có một xã hội phát triển hài hòa.

Những xã hội Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan có truyền thống văn hóa khoan dung rất cao, tuy là những nước nhỏ nhưng lại dẫn đầu thế giới trong các chỉ tiêu kinh tế cũng như phát triển xã hội. Tại đó, xã hội nhìn người phạm tội như là một khiếm khuyết và trách nhiệm chung của mình: do xã hội không chu toàn trong việc giáo dục con người cho nên mới nảy sinh tội phạm. Vì vậy giải pháp không phải là những bản án tử hình hay tù tội như một hình phạt, mà là biện pháp giáo huấn để người tội phạm có cơ hội hội nhập trở lại vào cộng đồng với tư cách một công dân tốt.

Các nước vừa nói cũng chủ trương đảm bảo công bằng xã hội để không có ai bị tổn thương đến mức gay gắt hận thù với cộng đồng mình đang sống.

Chính vì vậy những xã hội phát triển tốt thường được xây dựng trên nền tảng của sự khoan dung, luôn cho mọi người một cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời, nhờ vậy tận dụng được tối đa nguồn lực con người cho lợi ích chung.

Trong lĩnh vực kinh tế phát triển, nhiều quốc gia chạy theo các kế hoạch tăng trưởng “cứng” như doanh thu, thặng dư mậu dịch, tăng trưởng đầu tư… vì đây là chỉ tiêu định lượng để “đánh giá thành tích”. Trong khi mục tiêu của kinh tế phải là phát triển xã hội, làm sao người dân được phát triển toàn diện, từ cơm ăn áo mặc đến văn hóa, tinh thần… Đó chính là nội lực, là sức mạnh gắn bó con người với nhau tạo nên một tổng lực là vốn xã hội. Vốn xã hội cao là khi mỗi cá nhân có đủ tự tin để khoan dung, để tạo được niềm tin từ người khác.

Chúng ta thường có ngộ nhận lớn là tự mình có thể tạo ra các giá trị cho bản thân. Giá trị của một cá nhân thật ra không là gì cả dù có bao nhiêu bằng cấp, có bao nhiêu tiền bạc của cải, mà chính là sự đóng góp của cá nhân đó vào tổng giá trị xã hội. Xã hội có lợi thì xã hội mới “thối” lại một phần cái lợi ấy cho cá nhân có đóng góp.

Vì vậy muốn tạo giá trị bản thân cao thì đầu tiên là phải biết quan tâm đến lợi ích của người khác. Đem lại giá trị cho xã hội càng cao thì giá trị cá nhân càng lớn. Khoan dung là điều kiện cần để biết quên “cái tôi” để hướng tới những lợi ích chung.

Hoa Kỳ được như ngày hôm nay là nhờ người dân Mỹ từ thời lập quốc đã có truyền thống về văn hóa khoan dung. Cũng như nhiều quốc gia khác, nước Mỹ đã không tránh khỏi một cuộc nội chiến tàn khốc. Nhưng ngay sau khi phe miền Nam thất trận đầu hàng phe miền Bắc, cả hai bên đã sẵn sàng bỏ qua quá khứ cùng bắt tay nhau xây dựng đất nước.

Vị tướng lãnh đạo quân đội phía nam là Robert E. Lee vẫn được phe chiến thắng miền Bắc tôn trọng, trở thành hiệu trưởng trường đại học công lập danh giá Washington and Lee. Cuộc đời của ông được vinh danh ghi nhớ tại nhiều nơi, ngay cả tại Nhà thờ Quốc gia (National Cathedral) ở Washington. Bên thắng đã tự tin hòa giải với bên thua vì lợi ích chung. Bên thua cũng không tự ti mặc cảm, tự ái cá nhân, để chung tay hàn gắn mọi đau thương, đổ vỡ.

Sự vĩ đại của một dân tộc thể hiện qua hành vi khoan dung của con người trong những hoàn cảnh nghiệt ngã. Hình ảnh của người Nhật đùm bọc nhau trong các trận động đất, thiên tai cho chúng ta thấy rõ nhất tại sao họ là một nước vừa giàu vừa sang.

Hay một nước Đức thời Hitler đã từng vì tự hào với dòng giống Aryan thượng đẳng để rồi gây thảm họa cho bao nhiêu triệu con người trong Thế chiến thứ hai, vậy mà dân tộc Đức đã thoát được những tỵ hiềm cá nhân, những vết sẹo của quá khứ để hội nhập hai miền Đông – Tây thành một quốc gia hùng cường hơn, giàu có hơn. Thậm chí ngày nay cả tổng thống lẫn thủ tướng Đức đều là những người sinh ra và lớn lên ở Đông Đức. Nước Đức hồi sinh nhờ đã mạnh dạn nhìn lại những lỗi lầm của mình, khoan dung hơn để trở thành một dân tộc được thế giới nể trọng, một cường quốc lãnh đạo Cộng đồng châu Âu.

“Thái độ quyết định hành vi, hành vi quyết định định mệnh”. Khoan dung là thái độ quyết định giá trị, định mệnh của một con người và từ đó quyết định sinh mệnh của cả một đất nước.

Theo TRẦN SĨ CHƯƠNG - DNSGCT
 
"Hãy viết thư cho một người nào đó để nói tại sao thế giới cần sự khoan dung"


Việt Nam, ngày 31 tháng 12 năm 2007

Gửi ông Osama bin Laden!

Tôi không chắc là ông sẽ đọc bức thư này, nhưng nếu những dòng chữ tôi đang viết hiện diện trong mắt ông thì tôi hy vọng ông sẽ kiên nhẫn để đọc hết nó.

Hẳn ông sẽ cười nhạo khi biết rằng tôi - một nữ sinh trung học bình thường ở một đất nước nhỏ bé - lại dám cả gan viết thư cho một trùm khủng bố khét tiếng? Một trong những lý do khiến tôi cầm bút là muốn giúp ông tin thấy sự thanh thản và lối thoát cho riêng mình. Đừng vội khinh thường lời nói của một cô gái 15 tuổi, tôi có đủ đức tin để hy vọng ông sẽ phải thay đổi suy nghĩ.

Đất nước của ông và đất nước của tôi ở cách nhau quá xa để chúng ta có thể quen biết nhau, mặc dù sự kiện 11-9-2001 đã đưa “tiếng tăm”’ của ông ra toàn thế giới. Có lẽ điều đó làm ông hãnh diện? Ông mâu thuẫn với Chính phủ Mỹ nhưng không có nghĩa là ông có quyền kéo bao người dân thường vô tội vào cuộc chơi bạo lực của mình. Ông có biết bao nhiêu nhà khoa học, bao nhiêu doanh nhân giỏi, bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu người dân thường vô tội đã phải chết một cách oan uổng dưới chân tháp đôi kia không? Tôi đã nhận ra là trong cuộc sống, con người luôn luôn chọn lựa và đôi khi đó là chọn một thái độ. Vậy tại sao ông lại chọn sự tức giận và trả thù mà không phải là khoan dung?

Trên ghế nhà trường, chúng tôi được giáo dục rằng: Cuộc sống vốn có nhiều khó khăn, thử thách, đôi khi có cả thất vọng và nỗi buồn. Hãy dũng cảm vượt qua để luôn là chính mình và đừng mất niềm tin, hy vọng, ước mơ. Ông lớn tuổi hơn tôi nhưng không biết ông có học được điều ấy không? Cuộc sống luôn công bằng. Trở ngại và bất hạnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào chẳng hề báo trước, nhưng đổi lại, ta sẽ tìm thấy sự kì diệu và vẻ đẹp lớn lao của lòng dũng cảm, của tình yêu thương. Trước những khó khăn thử thách ấy, mỗi người sẽ tự chọn cho mình một cách đón nhận, đối đầu để có một hướng đi riêng. Hẳn ông biết tự đáy lòng mỗi con người đều tồn tại một khát vọng mãnh liệt - đó là khát vọng sống. Tôi nghĩ ông cũng không nằm ngoài số đó.

Ông muốn Chính phủ Mỹ trả giá nhưng không phải chỉ có họ mà biết bao sinh linh vô tội khác cũng phải lìa đời khi tòa tháp đôi đổ xuống. Đó là mục đích của ông sao? Có lẽ ông mừng vì điều đó làm cho Nhà Trắng phải lao đao, khốn đốn nhưng có chắc ông sẽ sung sướng khi nhìn thấy nỗi đau mất mát của biết bao gia đình? Ông đã chọn hận thù và bạo lực. Nếu những người dân thường vô tội kia họ cũng chọn cách làm như ông thì thế giới này sẽ ra sao? Giá như ông sáng suốt hơn để khoan dung thì có lẽ biết bao những giọt nước mắt oan ức sẽ không rơi xuống. Một trong những điều khó nhất và cũng quý nhất đối với con người là sự an ủi.

Đã sáu năm trôi qua, ông nghĩ điều gì sẽ xoa dịu nỗi đau của những gia đình nạn nhân của vụ l l-9-2001? Tôi tin đó là sự khoan dung. Không chỉ tôi mà tất cả mọi người có lương tâm trên thế giới này đều hiểu rằng cái gì đã mất là không thể lấy lại. Chúng tôi nuối tiếc, chúng tôi tổn thương nhưng không có nghĩa là chúng tôi cũng sẽ trả thù giống như ông. Chúng tôi sẵn sàng tha thứ nếu ông nhận ra sai lầm để thay đổi. Nhưng liệu ông có thể khoan dung cho chính mình không? Với tôi, phương thuốc chữa khỏi mọi bệnh tật, lỗi lầm, nỗi bận tâm, ưu phiền và tội lỗi của con người, tất cả đều nằm ở một từ “yêu”. Mà bản chất của yêu thương là sự khoan dung. Nó là sức mạnh tuyệt vời để sản sinh và tái tạo cuộc sống xã hội. Ông không tin ư?

Tôi xin kể ông nghe câu chuyện xảy ra vào năm 1969 khi mà nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ chưa được cải thiện. Một cậu bé người Mỹ gốc Phi là học sinh da màu duy nhất trong một lớp học nọ. Cậu đã kết thân với một cô bé da trắng. Rồi họ chuyển đến ngồi cùng bàn. Vì lo lắng, mẹ của cô bé da trắng đã tới gặp cô giáo chủ nhiệm. Nhưng chứng kiến tình yêu thương của người mẹ da màu, bà mẹ ấy đã lưỡng lự. Cô ấy đã không nói ý định muốn xin chuyển chỗ ngồi cho con mình nhưng vẫn tìm cách ngăn cản tình bạn ấy của hai đứa trẻ. Và món quà sinh nhật giản dị của cậu bé gốc Phi tặng người bạn da trắng chính là sợi dây yêu thương xóa nhòa định kiến về tình cảm...

Câu chuyện đã làm cho tôi vô cùng xúc động về tình cảm con người. Nếu ông cho rằng đây là chuyện trẻ con thì tôi nghĩ ông nên nghĩ lại. Hai đứa bé ấy khác ông ở chỗ chúng tôn trọng nhau và vượt qua rào cản của chế độ phân biệt chủng tộc để đến với nhau. Câu chuyện của hai đứa trẻ là bài họcvề sự khoan dung: Nhìn nhận, đánh giá con người không ác cảm, định kiến mà đầy lòng nhân ái, vị tha. “Tôi ước ao có một ngày những đứa con của tôi sẽ được sống trên một đất nước không có ai bị phán xét bởi màu da của mình mà chỉ có thể bị phán xét bởi chính tâm hồn của họ mà thôi!”. Chắc là ông hiểu câu nói đó?

Sóng không thể tự sinh ra mà chúng được hình thành từ những cơn gió từ trên mặt đại dương. Con người cũng thế, không ai có thể tồn tại trên đời lẻ loi một mình cả. Ngược lại, chúng ta phải sống hòa đồng trong sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội về mọi mặt. Đó là lý do mà thế giới cần tới sự khoan dung. Sự khoan dung cần thiết cho mọi mối quan hệ mà loài người trên thế giới này đã, đang và sẽ tiến hành. Điều quan trọng đối với mỗi con người không phải là những gì ta nhận được mà chính là những gì ta biết cho đi. Và tôi nghĩ ông vẫn còn sống đến giờ này đã là một khoan dung của Thượng Đế. Ông nên cảm ơn điều đó thay vì tiếp tục tức giận và khủng bố. Sao ông không nghĩ một cách cởi mở hơn rằng Trái Đất này còn sự sống, thế giới này còn chưa bi hủy diệt là chính nhờ sự khoan dung giữa con người với con người?

Ông nổi tiếng thế giới cùng với ba từ “trùm khủng bố”, xin hỏi có gì đáng tự hào? Elaine Maxwell đã nói “Tôi là sức mạnh, tôi có thể phá sạch mọi cản trở trước tôi, nếu không tôi sẽ mắc vào lưới. Chọn lựa của tôi, trách nhiệm của tôi, chiến thắng hay thất bại, chỉ có tôi giữ chìa khóa số mệnh của tôi”.

Tôi đã học được rằng thất bại không có nghĩa là gục ngã, mà chỉ là tạm dừng chân một chỗ trên con đường tiến lên phía trước.

Người ta không thể một mình làm được tất cả mọi thứ. Nhưng người ta có thể làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống này. Tôi hy vọng ông sẽ làm được một điều gì đó có ích cho xã hội này, nếu ông gỡ bỏ được hận thù, nếu ông đánh thức sự khoan dung ẩn sâu trong lòng.

Tôi hy vọng dù điều đó thật mong manh!

Chào ông!
Hồ Thị Quế Chi (Việt Nam)

Bức thư của Hồ Thị Quế Chi gửi trùm khủng bố Osama Bin Laden đã đoạt giải nhất quốc gia trong cuộc thi viết thư UPU quốc tế lần thứ 37
 
Lòng bao dung rất cần có ở mỗi con người, nếu như có lòng bao dung thì người với người sẽ ít xảy ra mâu thuẫn hơn và sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn biết bao.
Mình đi làm ở công ty nhỏ, thường xuyên gặp rắc rối trong vấn đề quan hệ với đồng nghiệp.
Đồng nghiệp của tôi rất nhỏ nhen và hay soi mói, thật sự khoan dung là còn tùy trường hợp và đối tượng, chứ gặp phải người như vậy tớ nghĩ không ai có thể khoan dung được :v
 
Mình đi làm ở công ty nhỏ, thường xuyên gặp rắc rối trong vấn đề quan hệ với đồng nghiệp.
Đồng nghiệp của tôi rất nhỏ nhen và hay soi mói, thật sự khoan dung là còn tùy trường hợp và đối tượng, chứ gặp phải người như vậy tớ nghĩ không ai có thể khoan dung được :v
Lòng khoan dung của người Việt Nam mình phụ thuộc nhiều vào cảm xúc quá mà.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top