Chia Sẻ Nhật bản từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX

Trang Dimple

New member
Xu
38
Cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX trong khi hầu hết các nước Châu Á đều trở thành thuộc địa và phụ thuộc vào các nước tư bản phương Tây thì Nhật Bản vẫn giữ được độc lập và trở thành 1 đế quốc hùng cường châu Á. Tại sao như vậy điều gì đã đưa nước Nhật có những chuyển biến to lớn đó. Chúng ta cùng tìm hiểu bài 12:


Lịch Sử 8 -Bài 12 -NHẬT BẢN TỪ GIỮA THẾ KỶ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX


Phần kiến thức cơ bản

I. CUỘC DUY TÂN CỦA MINH TRỊ 1868[

* Nguyên nhân Minh Trị Duy Tân đất nước :

- Chế độ phong kiến suy thoái .
- Xã hội Nhật mâu thuẫn không đủ sức chống lại sự xâm nhập của Âu -Mỹ .
-Để thoát khỏi nguy cơ bị xâm lược , Minh Trị Duy Tân đất nước .


* Nội dung cuộc Duy Tân :

- Về kinh tế :
+Thống nhất tiền tệ ; xoá bỏ độc quyền ruộng đất của giai cấp phong kiến.
+ Tăng cường phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng …


- Về chính trị , xã hội :xóa bỏ chế độ nông nô ; đưa quý tộc tư sản hóa và đạt tư sản lên nắm chính quyền .

- Về giáo dục giáo dục bắt buộc , chú trọng nội dung khoa học kỹ thuật , cử học sinh ưu tú đi du học phương Tây

- Về quân sự : quân đội được tổ chức và huấn luyện tho kiểu phương Tây , công nghiệp đóng tàu chiến , vũ khí được chú trọng

* Tính chất: là cuộc cách mạng tư sản không triệt để .

* Kết quả :
- Nhật từ 1 nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp .
- Thoát khỏi sự xăm lược của phương Tây.
- Trở thành một nước tư bản công nghiệp và đế quốc hùng mạnh .


II NHẬT BẢN CHUYỂN SANG CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC

1. Sau chiến tranh Trung – Nhật (1894-1895) kinh tế Nhật bản phát triển mau lẹ là do nhờ số tiền bồi thường chiến phí và của cải cướp được ở Triều Tiên và Trung Quốc .

2. Nhật Bản không bị biến thành thuộc địa và trở thành một cường quốc công nghiệp do:
- Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa , tập trung công nghiệp , thương nghiệp và ngân hàng .
- Nhiều công ty độc quyền xuất hiện ( công ty Mít xưi và Mít su bi si làm chủ nhiều ngân hàng, hầm mỏ, xí nghiệp , đường sắt , tàu biển).
- Trên con đường chuyển sang giai đọan đế quốc chủ nghĩa , Nhật xâm lược thuộc địa mạnh mẽ , đến năm 1914 thuộc địa đã mở rộng rất nhiều ,từ dó gọi chủ nghĩa đế quốc Nhật là “chủ nghĩa đế quốc phong kiến quân phiệt”.


3. Sự mở rộng thuộc địa của Nhật từ dó gọi chủ nghĩa đế quốc Nhật là chủ nghĩa đế quốc phong kiến quân phiệt :

- 1872-1879: chiếm quần đảo Lưu cầu
- 1894-1895 : đại thắng trong chiến tranh Trung – Nhật:, Nhật chiếm Lữ thuận , Đài Loan, Liêu Đông.
- 1904-1905 : Nga bại trong chiến tranh Nga- Nhật:, Nhật chiếm Lữ Thuận , Nam đảo Xa kha lin.
- 1910: chiếm Triều Tiên.
- 1912: chiếm Mãn Châu.
-1914: chiếm Sơn Đông.


III. CUỘC ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN LAO ĐỘNG NHẬT

- Do sự bóc lột tàn tệ của giới chủ nhân .
- Được sự lãnh đạo của Đảng xã hội Dân chủ Nhật Bản và các nghiệp đòan .
- Anh hưởng của cách mạng Nga 1905
-Cuộc đấu tranh của nhân dân lao động ngày càng dâng cao .
 
Sửa lần cuối:
1. Trình bày nội dung chính, ý nghĩa của cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản?

- Đến giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến Nhật Bản lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, trong khi đó các nước tư bản phương Tây, đi đầu là Mĩ, ra sức tìm cách xâm lược vào nước này.
- Đầu năm 1868, Thiên hoàng Minh Trị đã tiến hành một loạt cải cách tiến bộ với nội dung chính:
+ Về chính trị: xác lập quyền thống trị của tầng lớp quý tộc tư sản hóa, đại tư sản, ban hành hiến pháp mới.
+ Về kinh tế: thống trị thị trường, tiền tệ, phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, …
+ Về quân sự: tổ chức và huấn luyện quân đội theo kiểu Phương Tây, thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, phát triển kinh tế quốc phòng.
+ Về giáo dục: thi hành chính sách giáo dục bắt buộc, chú trọng nội dung khoa học – kĩ thuật, cử học sinh ưu tú du học phương Tây.
- Ý nghĩa:
+ Cuộc Duy tân Minh Trị được coi như một cuộc cách mạng tư sản, mở đường cho chủ nghĩa tư bản ở Nhật Bản phát triển.
+ Đầu thế kỉ XIX, Nhật Bản phát triển thành một nước đế quốc hùng mạnh ở châu Á, nhờ đó trước nguy cơ xâm lược của thực dân phương Tây mà nền độc lập dân tộc vẫn được giữ vững.

2. Hãy cho biết những biểu hiện của sự hình thành chủ nghĩa đê quốc ở Nhật Bản vào cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX?

- Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Nhật Bản dẫn tới sự ra đời của các công ty độc quyền như Mít-xưi, Mít-su-bi-si, … Sự lũng đoạn của các công ti độc quyền này đối với nền kinh tế, chính trị Nhật Bản.
- Sự phát triển của kinh tế đã tạo sức mạnh về quân sự, chính trị ở Nhật Bản. Giới cầm quyền đã thi hành chính sách xâm lược hiếu chiến: chiến tranh Đài Loan, chiến tranh Trung – Nhật, chiến tranh Nga – Nhật, chiếm Liêu Đông, Đài Loan, cảng Lữ Thuận, Sơn Đông, bán đảo Triều Tiên,…
 
Hướng dẫn trả lời câu hỏi SGK Bài 12. Nhật Bản giữa thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX
1. Câu hỏi 1 - (Mục I Bài học 12 - SGK Trang 67): Trình bày nội dung và kết quả của cuộc Duy tân Minh Trị?

Hướng dẫn giải:

Cuộc Duy Tân Minh Trị, được tiến hành trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, quân sự.

Về kinh tế Chính phủ đã thi hành nhiều cải cách như thống nhất tiền tệ, xóa bỏ sự độc quyền ruộng đất của giai cấp phong kiến, tăng cường phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, cầu cống ... phục vụ giao thông liên lạc.

Về chính trị, xã hội: Chế độ nông nô được bãi bỏ, đưa quý tộc tư sản hóa và đại tư sản lên nắm Chính quyến để thi hành chính sách giáo dục bắt buộc, chú trọng nội dung khoa học - kĩ thuật trong chương trình giảng dạy, cử những học sinh ưu tú đi du học ở phương Tây.

Về quân sự: Quân đội được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây, chế độ nghĩa vụ thay cho chế độ trưng binh. Công nghiệp đóng tàu, sản xuất vũ khí được chú trọng...

Đến cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX. Nhật Bản thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa, phát triển thành một nước tư bản công nghiệp

2. Câu hỏi 1 - (Mục II Bài học 12 - SGK Trang 69): Vì sao kinh tế Nhật Bản từ cuối thế kỉ XIX phát triển mạnh?

Hướng dẫn giải:

Do Nhật tiến hành hàng loạt những cải cách trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa…

Sau cuộc chiến tranh Trung - Nhật (1894 - 1895), nhờ số tiền bồi thường và của cải cướp được ở Triều Tiên và Trung Quốc, kinh tế Nhật Bản càng phát triển mạnh mẽ.

Trong 14 năm (từ 1900 đến 1914), tỉ lệ công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân đã tăng từ 19% lên 42%. Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa kéo theo sự tập trung trong công nghiệp, thương nghiệp và ngân hàng. Nhiều công ti độc quyền xuất hiện, như Mít-xưi và Mít-su-bi-si, giữ vai trò to lớn, bao trùm lên đời sống kinh tế, chính trị của nước Nhật. Các hãng này làm chủ nhiều ngân hàng, hầm mỏ, xí nghiệp đường sắt, tàu biển...

3. Câu hỏi 2 - (Mục II Bài học 12 - SGK Trang 69): Dựa vào lược đồ, trình bày sự mở rộng thộc địa của đế quốc Nhật?

Hướng dẫn giải:

Bước sang thế kỉ XX, giới cầm quyền Nhật Bản đã đẩy mạnh chính sách xâm lược và bành trướng. Chiến tranh Nga - Nhật (1904 -1905) kết thúc với sự thất bại của đế quốc Nga.

Nhật chiếm bán đảo Liêu Đông, phía nam đảo Xa-kha-lin, Đài Loan và cảng Lữ Thuận của Trung Quốc. Năm 1914 Nhật Bản đã dùng vũ lực để mở rộng khu vực ảnh hưởng ở Trung Quốc và chiếm Sơn Đông. Thuộc địa của đế quốc Nhật mở rộng rất nhiều.

4. Bài 1 trang 69 sgk: Nêu nội dung và ý nghĩa cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868?
Hướng dẫn giải:


Nội dung:

- Kinh tế: Thống nhất tiền tệ, xóa bỏ độc quyền ruộng đất của giai cấp phong kiến phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông…

- Chính trị, xã hội: Xóa bỏ chế độ nông nô, đưa quý tộc tư sản hóa và đại tư sản lên nắm chính quyền. Thi hành chính sách giáo dục bắt buộc, chú trọng nội dung khoa học kĩ thuật trong chương trình giảng dạy, cử những HS ưu tú đi học ở phương Tây.

- Về quân sự: Quân đội được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây, phát triển công nghiệp đóng tàu chiến, sản xuất vũ khí đạn dược.

- Ý nghĩa: Mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, đưa Nhặt Bản trở thành một nước có nền kinh tế công - thương nghiệp phát triển nhất ở châu Á, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền của Nhật Bản trước sự xâm lược của đế quốc phương, Tây.

5. Bài 2 trang 69 sgk: Nêu những sự kiện nào chứng tỏ vào thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX Nhật Bản đã trở thành nước đế quốc?
Hướng dẫn giải:


- Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Nhật Bản dẫn tới sự ra đời các công ti độc quyền như Mít-xưi. Mít-su-bi-si. Sự lũng đoạn của các công ti độc quyền này đối với nền kinh tế, chính trị Nhật Bản.

- Sự phát triển kinh tế đã tạo ra sức mạnh về quân sự, chính trị ở Nhật Bản. Giới cầm quyền đã thi hành chính sách xâm lược hiếu chiến: Chiến tranh Đài Loan, chiến tranh Trung - Nhật, chiến tranh Nua - Nhật, chiếm Liêu Đông, Lữ Thuận.
Sơn Đông, bán đảo Triều Tiên... Tình hình đó làm cho đế quốc Nhật có đặc điểm là đế quốc phong kiến quân phiệt.
 
Minh Trị Duy Tân đất nước

Minh Trị – Hoàng đế đưa Nhật thành cường quốc thế giới


Triều đại Hoàng đế Mutsuhito – thời kỳ Minh Trị (tức nền hòa bình được khai sáng) – chứng kiến Nhật Bản từ một đất nước bị đe dọa bởi sự thống trị của Phương Tây trở thành một trong những cường quốc đứng đầu về kinh tế và quân sự trên thế giới. Để đạt được điều này, ông đã phải đưa ra quyết định khó khăn khi áp dụng nhiều đường lối và phong tục của phương Tây ở một đất nước vốn dĩ rất tự hào về nền văn hóa bản địa của mình. Rất nhiều thủ lĩnh Phiên bang căm hận sự pha trộn những tư tưởng ngoại bang. Tuy nhiên bằng cách thi hành những thay đổi này, Nhật Hoàng đã sử dụng chính các phương thức của người phương Tây để bảo tồn ý chí và độc lập của Nhật trong bối cảnh ngoại xâm, bảo vệ đất nước thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của Châu Âu và đưa Nhật trở thành một thế lực trên toàn cầu.


Sau một thập kỷ nỗ lực chống ngoại xâm, Chinh Di đại tướng quân (shogun) từ quan vào năm 1867. Với mục tiêu hiện đại hóa và hy vọng bảo tồn Nhật Bản, các nhà cải cách đưa hoàng tử Mutsuhito lên ngôi với hiệu là Thiên hoàng Minh Trị. Vị hoàng đế mới đã khép lại hai thế kỷ biệt lập của Nhật Bản, thay vào đó lựa chọn con đường tiếp nhận một số tư tưởng của phương Tây.

Dưới sự dẫn dắt của Thiên hoàng Minh Trị, người Nhật tiến hành những cải cách đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước luật pháp. Ông xóa bỏ chế độ phong kiến, xây dựng một xã hội Nhật Bản tập trung và có tổ chức đầu tiên sau nhiều thế kỷ. Hơn nữa, nước Nhật thúc đẩy công nghiệp hóa, nhanh chóng hiện đại hóa trong nửa sau thế kỷ 19.

Nhật Bản cũng được các cường quốc quân sự hàng đầu khi đó hỗ trợ. Các cố vấn nước Phổ giúp Nhật xây dựng quân đội, người Anh cho mượn tàu thuyền cùng với các chuyên gia đóng tàu, khiến Nhật có được sự trợ giúp từ những quốc gia có nền quân sự hùng mạnh nhất thời đó.

Minh Trị nhận ra rằng cần phải hy sinh một số thứ để Nhật trở thành một nước hiện đại. Giáo dục giảm sự tập trung vào khía cạnh văn hóa và thiên nhiều hơn về toán và khoa học. Triều đình giảm sự quan tâm tới Phật giáo, chú trọng hơn vào thần đạo Shinto của người Nhật – theo đó thần đạo mang một thông điệp mạnh mẽ về việc phục vụ đất nước và hoàng đế. Chính phủ cấm samurai (chiến binh của các phiên bang cũ) mặc trang phục cũ và đem theo thanh kiếm truyền thống, đồng thời cũng cắt bỏ bổng lộc triều đình.

Mặc dù những nỗ lực này đều nhắm tới mục đích thay đổi bộ mặt xã hội Nhật Bản theo nhiều hướng, nhưng triều đại Minh Trị cũng đảm bảo rằng nước Nhật không bao giờ để mất độc lập trong thời đại nhiều nước Châu Á cũng như Châu Phi nằm dưới sự cai trị của Châu Âu.

Và những nỗ lực đó cũng đem lại thành quả. Dưới thời Minh Trị, Nhật Bản lấn át kẻ thù truyền kiếp của mình là Trung Quốc trong Chiến tranh Trung-Nhật vào thập niên 1890. Tuy nhiên một thập kỷ sau mới là thành tựu đỉnh cao của Nhật: họ đánh bại đế chế Nga trong Chiến tranh Nga-Nhật. Chiến thắng quan trọng này củng cố vị thế cường quốc thế giới của Nhật và chứng tỏ được tính đúng đắn của những cải cách thời Mutsuhito.

Nửa đầu thế kỷ XIX về trước, Nhật Bản là một quốc gia phong kiến lạc hậu, bên trong thì chia cắt, bên ngoài thì bị các quốc gia khác chèn ép, sỉ nhục. Vậy mà tất cả đã thay đổi kể từ năm 1868-năm đầu tiên của kỷ nguyên Minh Trị duy tân. Đây chính là thời điểm mà người Nhật tự mở cửa hội nhập với thế giới, sau hàng chục thế kỷ tự cô lập với bên ngoài. Chỉ trong vòng hai thập kỷ, công cuộc cải cách toàn diện, cơ bản về mọi mặt do Minh Trị khởi xướng và lãnh đạo đã đặt nền móng vững chắc đưa nước Nhật sang một thời đại mới. Nhật Bản đã nhanh chóng trở thành một trong những cường quốc trên thế giới.

Thực hành cải cách đồng bộ


Đánh giá và lý giải về sự phát triển “thần kỳ” của Nhật Bản bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, chúng ta không thể không nhắc đến sự lãnh đạo tài tình sáng suốt và tầm nhìn xa, trông rộng của Minh Trị Thiên Hoàng, người đã tiến hành những cải cách chính trị, xã hội phi thường, đem lại sự thịnh vượng cho Nhật Bản thông qua chính sách tự cường bằng con đường tích cực. Sinh năm 1852, lên ngôi năm 1868 khi mới 15 tuổi, hoàng tử Mutsohito đã sớm nhận thấy thực trạng suy kiệt, bi đát của đất nước cũng như nhận thấy nguy cơ của chủ nghĩa thực dân phương Tây đang ngày càng hiển hiện, đe dọa nền độc lập dân tộc. Trước tình hình đó , ông cùng với những người theo chủ nghĩa dân tộc cấp tiến quyết tâm đưa đất Nhật trở nên hùng mạnh. Biểu hiện đầu tiên của quyết tâm này là ngay sau khi lên ngôi, Mutsohito đã lấy niên hiệu là Minh Trị (Meiji - tức nền chính trị sáng suốt).



Để có thể tiến hành công cuộc duy tân, cải biến xã hội, thì việc đầu tiên phải xóa bỏ nền chính trị cổ truyền với chính sách phân quyền mà chế độ Mạc phủ do tướng quân (Shogun) dòng họ Tokugawa điều khiển. Nước Nhật vào thời kỳ này có tới hàng trăm công quốc với thể chế chính trị , pháp chế, tiền tệ, quan thuế và cả đo lường riêng. Các lãnh chúa phong kiến với bộ máy thống trị quản lý lãnh địa, tự cô lập mình bằng thanh gươm võ sĩ, trong khi cả xã hội Nhật là một nền nông nghiệp lạc hậu, nền giáo dục bị khép kín, chính trị thì bảo thủ, văn hóa chậm phát triển…


Đòi hỏi bức thiết trước nhu cầu phát triển lúc này là phải thay đổi cơ cấu chính trị, mở cửa ra bên ngoài, học tập phương Tây là con đường tối ưu mà Minh Trị đã lựa chọn. Tuy nhiên, những biện pháp mới của ông gặp phải sự chống đối gay gắt từ lực lượng bảo thủ, đứng đầu là tướng quân Tokugawa Keiki.


Ngày 07/01/1868, phái bảo thủ tập hợp lực lượng chống lại triều đình, Minh Trị liền cử các lãnh chúa cấp tiến là Satsuma và Choshu đem quân tiến đánh và giành thắng lợi lớn. Đến năm 1869, khi đô đốc Enomoto đầu hàng triều đình thì sự chống đối cuối cùng của lực lượng ủng hộ Shogun mới chấm dứt hoàn toàn.


Sau thắng lợi, Minh Trị Thiên Hoàng tuyên bố xóa bỏ chế độ Mạc phủ tồn tại gần 3 thế kỷ và thiết lập một chính quyền mới thống nhất với quyền lực tập trung về tay Thiên Hoàng. Ngày 06/04/1868, đường lối duy tân cải cách của Minh Trị chính thức được công bố khi ông cùng triều đình long trọng tuyên thệ đưa nước Nhật theo con đường duy tân.


Để đoạn tuyệt với quá khứ và xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa công cuộc duy tân vĩ đại, năm 1869, Minh Trị dời đô từ Kyoto về Edo và đặt tên cho kinh đô mới là Tokyo. Trong những năm tiếp theo đó, Minh Trị thi hành hàng loạt cải cách về quân đội, kinh tế, văn hóa, giáo dục; cho tự do nội thương, ngoại thương; thừa nhận quyền tư hữu đất đai… Về chính quyền, năm 1871, Minh Trị cử một phái đoàn đi 12 nước trên thế giới để học tập mô hình tổ chức, sau đó chính quyền được chia thành 3 ngành phân lập: Lập pháp gồm Viện quý tộc (hoàng thân, lãnh chúa, võ sĩ) và Viện dân chúng (gồm những người có uy tín, năng lực được tuyển chọn ở các địa phương) với chức năng là cơ quan cố vấn cho chính phủ về chính trị. Hành pháp do một tổng lý đại thần và 7 cục, mỗi cục do một đại thần điều khiển. Về tư pháp do Bộ Hình đảm trách nhiệm vụ kiểm sát và xét xử; năm 1871 thành lập Tòa án đầu tiên, đến năm 1875 lập Viện kiểm sát, Tòa thượng thẩm và tòa án ở các địa phương. Ngày 13/09/1871, Minh Trị cho lập thêm một Trung viện (Seiin) để điều hành hai ngành lập pháp và hành pháp. Ngày 11/02/1889, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Nhật được công bổ trong đó quy định việc thành lập 2 viện lập pháp: Hạ viện và Thượng viện, đánh dấu mốc Nhật Bản trở thành quốc gia quân chủ lập hiến.


Giáo dục, yếu tố chiến lược hàng đầu


Đặc biệt, trong lĩnh vực cải cách giáo dục, Minh Trị rất quan tâm. Theo ông, công cuộc duy tân muốn thành công thì trước hết phải nâng cao trình độ hiểu biết của người dân để họ hiểu và tham gia tích cực vào sự phát triển của đất nước, đáp ứng được những đòi hỏi của tình hình mới. Bên cạnh những yếu tố tích cực của nền giáo dục truyền thống, Minh Trị kiên quyết loại bỏ những hạn chế và những sai lầm không đem lại lợi ích cho sự tiến bộ của nước Nhật.


Năm 1889, sắc lệnh giáo dục được ban hành, đề ra mục đích và phương hướng của nền giáo dục mới là đem lại những giá trị tinh thần tiến bộ; khuyến khích người dân thực hiện nền tảng Nho giáo, đề cao tinh thần thượng võ truyền thống và kết hợp với học tập văn hóa phương Tây. Hoạt động giáo dục được mở rộng cho mọi tầng lớp nhân dân, kể cả phụ nữ. Bên cạnh giáo dục lý luận còn quan tâm đến giáo dục kỹ thuật thực nghiệm, vừa giáo dục dân sự vừa giáo dục quân sự.


Năm 1871, Bộ giáo dục được thành lập nhằm phụ trách, quản lý các hoạt động giáo dục, đồng thời quyết định chương trình giáo dục. Đến năm 1872, Bộ Giáo dục ban hành học chế đưa nền giáo dục Nhật Bản phát triển sang một giai đoạn mới; chế độ giáo dục được áp dụng trong toàn quốc, các trường học, cơ sở đào tạo được mở khắp lãnh thổ gồm nhiều cấp (từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học, đại học). Chính sách cưỡng bức giáo dục được thực hiện mạnh mẽ, đặc biệt là giáo dục sơ cấp dành cho trẻ em từ 6-14 tuổi. Mọi chi phí cho cấp học này đều được chính quyền đài thọ.


Các giai đoạn học cũng được phân chia thành những khoảng thời gian và mức độ giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi; các ngành học, môn học được sắp xếp phù hợp, khoa học. Ngoài ra, Chính phủ Nhật còn cử một lượng lớn học sinh đi du học ở nước ngoài để khi trở về, những người ưu tú nhất sẽ là lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đội ngũ giáo viên cũng được quan tâm đặc biệt, được nhiều sự ưu đãi tốt; ngoài số giáo viên nước ngoài được thuê thì Nhật Bản tăng cường công tác đào tạo để nâng cao cả về số lượng và chất lượng giáo viên bản địa…


Chính những chính sách đúng đắn đó đã biến cả nước Nhật thành một xã hội học tập với quyết tâm cao độ, “học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt phương Tây”. Chương trình cải cách trong lĩnh vực giáo dục thời Minh Trị đã đem lại những hiệu quả rất tốt đẹp, mang tính toàn diện rộng lớn đối với toàn thể nhân dân. Nó vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại, đáp ứng được sự đòi hỏi của sự phát triển của nước Nhật trong giai đoạn chuyển biến. Có thể nói, nền giáo dục mà Minh Trị đã xây dựng và phát triển đã trở thành nền tảng tinh thần và vật chất cho sự phát triển của xã hội Nhật Bản. Nhờ có giáo dục mà công cuộc duy tân đã thành công. Nhật Bản nhanh chóng phát triển đuổi kịp các nước Âu - Mỹ, nêu tấm gương sáng kích thích tự cường vì độc lập và tiến bộ. Giáo dục chính là chìa khóa để nước Nhật bước vào thế giới phát triển, trở thành một cường quốc trong sự kinh ngạc của thế giới và sự ngưỡng mộ của nhiều dân tộc Á châu



Tác giả bài viết: Lê Thái Dũng
 
Bút nghiên tổng hợp danh mục Kiến thức cơ bản môn lịch sử lớp 8! Hãy Click chuột vào đầu bài để mở từng bài

  1. Lịch sử 8 - Bài 1: Những cuộc cách mạng tư sản đầu tiên
  2. Lịch sử 8 Bài 2 Cách mạng tư sản Pháp Cuối thế kỉ XVIII
  3. Lịch sử 8 Bài 3: Chủ nghĩa tư bản được xác lập trên phạm vi thế giới
  4. Lịch sử 8 Bài 4 Phong trào công nhân và sự ra đời của chủ nghĩa Mác”
  5. Lịch sử 8 - Bài 5 - Công Xã Pari
  6. Lịch Sử 8 -Bài 6 -Các nước Anh Pháp Đức Mĩ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX
  7. Lịch Sử 8-Bài 7: phong trào công nhân quốc tế cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX"
  8. Lịch Sử 8-Bài 8 -Sự phát triển của kĩ thuật khoa học và văn học nghệ thuật thế kỉ XVIII- XIX
  9. Lịch Sử 8-Bài 9-Ấn Độ thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XX
  10. Lịch sử 8 Bài 10 Trung Quốc cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX
  11. Lịch sử 8 bài 11 các nước Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX
  12. Lịch Sử 8 -Bài 12 Nhật bản từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX
  13. Lịch Sử 8 -Bài 13 Chiến tranh thế giới thứ nhất ( 1914-1918)
  14. Lịch sử 8 - bài 14 Ôn tập lịch sử thế giới cận đại (Từ giữa thế kỷ XVI đến 1917)
  15. Lịch Sử 8 -Bài 15-Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và cuộc đấu tranh bảo vệ Cách mạng (1917 - 1921)
  16. Lịch Sử 8-Bài 16 -Liên Xô Xây dựng chủ nghĩa Xã Hội(1921-1941)
  17. Lịch Sử 8 -Bài 17- Châu Âu giữa hai cuộc chiến tranh thế giới 1918-1939
  18. Lịch sử 8 - Bài 18- Nước Mĩ Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918-1939)
  19. Lịch Sử 8 -Bài 19 Nhật Bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới
  20. Lịch sử lớp 8 bài 20 Phong trào độc lập dân tộc ở Châu Á ( 1918-1939)
  21. Lịch Sử 8-Bài 21 - Chiến Tranh thế giới thứ 2 ( 1939-1945)
  22. Lịch Sử 8 -Bài 22- Sự Phát triển của khoa học kĩ thuật và văn hóa thế giới nửa đầu thế kỉ XX
  23. Lịch Sử lớp 8 -Bài 24 - cuộc kháng chiến chống Pháp Từ Năm 1858-1873
  24. Lịch Sử 8- Bài 25 Kháng Chiến chống Pháp Lan Rộng ra toàn quốc ( 1873-1884)
  25. Lịch Sử lớp 8 -Bài 26 Phong trào kháng chiến chống Pháp những năm cuối thế kỉ XIX
  26. Lịch Sử 8-Bài 27 Khởi nghĩa Yên Thế và Phong trào chống Pháp của đồng bào miền núi cuối thế kỉ XIX
  27. Lịch Sử 8 - Bài 28 - Trào lưu cải cách Duy Tân ở Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX
  28. Lịch Sử 8-Bài 29- Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và những chuyển biến về Kinh tế Xã Hội
  29. Lịch sử lớp 8 - bài 30 Phong trào yêu nước chống Pháp từ đầu thế kỉ XX đến năm 1918.
  30. Lịch Sử 8 - bài 31 Ôn tập lịch sử Việt Nam từ 1858-1918
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top