• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Nghịch lí trong truyện ngắn Bến quê của nhà văn NGUYỄN MINH CHÂU

vosong

New member
Xu
0
Nghịch lí trong truyện ngắn Bến quê của nhà văn NGUYỄN MINH CHÂU​


Truyện ngắn Bến quê ( in trong tập truyện ngắn cùng tên, xuất bản năm 1985) được xây dựng trên một nghịch lí khác, nghịch lí trong đường đời và cuộc đời của Nhĩ, nhân vật chính. Nhĩ là người đã đi đến không sót một xó xỉnh nào trên trái đất nhưng chẳng may mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo buộc phải dán chặt tấm thân trên chiếc phản gỗ và một lần được vợ đỡ ngồi dậy anh chợt nhận ra rằng cái bãi bồi bên kia sông anh chưa đặt chân đến bao giờ. Một nỗi thèm khát kì lạ đã đến với anh: anh muốn chiếm lĩnh cái không gian liền kề này nên đã nhờ Tuấn– đứa con trai học đại học tại một thành phố phía Nam vừa mới nghỉ hè trở về– thay anh đặt bước chân- vật chất thám hiểm bến sông . Anh muốn tận hưởng cái cảm giác “ chậm rãi đặt từng bước chân lên cái mặt đất dấp dính phù sa” ấy.

Từ lúc đứa con trai lộp bộp đôi dép sa bô xuống thang gác, anh hồi hộp, gắng gom góp sức tàn để theo dõi con đò mỗi ngày một chuyến đang chống sào tách khỏi chân bãi bồi bên kia để sang bên này và anh cũng kịp nhận ra rằng , thằng Tuấn con anh đã chậm chân vì nách vẫn kè kè cuốn sách dịch và mải sa vào một đám người chơi phá cờ thế trên hè phố. Thời gian được anh tính từng cái tích tắc, thế mà thằng Tuấn có hiểu được anh đâu. Nhưng làm sao hiểu được khi nó chưa đối diện với sự ngắn ngủi nghiệt ngã của thời gian như anh. Anh ‘ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh khỏi được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình, vả lại nó đã thấy có gì đáng gọi là hấp dẫn ở bên kia sông đâu? Hoạ chăng chỉ có anh là người từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết vẻ giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia, cả trong những nét tiêu sơ, và cái điều riêng anh khám phá thấy giống như một niềm mê say pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn, bởi lẽ không bao giờ giải thích hết.”

Đường đời của nhân vật Nhĩ quả là đã được đo bằng các đơn vị lớn lao bằng vùng , miền , quốc gia , châu lục, đại dương và nhiệm vụ anh phải đảm nhiệm hẳn là rất quan trọng mang tầm quốc gia , dân tộc. Vậy mà giờ đây, anh phát hiện ra cái không gian trước mắt không quá một tầm nhìn từ cửa sổ nhà anh – chứ không hề là cái không gian vũ trụ trong tư thế “đăng cao , vọng viễn” gì cả, anh cũng không phải là người li hương gần suốt cả cuộc đời như Hạ Tri Chương xưa kia tóc đã điểm sương mới về quê cũ – mà lại xa lạ với cái gần gũi đến mức tự trách sao mình chưa đặt chân đến đó bao giờ. Trong tâm lí nhân vật, đây không phải là trạng thái nặng nề của sự cắn rứt lương tâm vì không có một dòng nào trong truyện phủ nhận những gì anh đã trải qua, đã sống và hiến dâng cho sự nghiệp chung. Đây chỉ là một niềm hối tiếc pha chút ân hận: sao trong những năm tháng trải bước khắp mọi phương trời, ta lại không một lần ngoái về để nhìn ra được vẻ đẹp của những gì thân quen , gần gũi nhất, nơi đã sinh ra ta , nuôi ta lớn thành người và sẽ là nơi ta nằm xuống mãi mãi trong lòng đất mẹ. Đó là bước thức nhận của tâm hồn và trí tuệ trên lộ trình dài dặc quanh co của đường đời .

Con người ấy , giờ đây muốn nằm , muốn ngồi đều cần sự nâng đỡ của vợ, con và những người hàng xóm đầy cảm thông và tốt bụng. Nhân vật đã thực hiện những phép so sánh đầy nghịch lí : “ Vừa nghe Tuấn nện lộp bộp đôi dép sa bô xuống thang, Nhĩ đã thu hết tàn lực lết dần, lết dần trên chiếc phản gỗ. Nhấc mình ra được bên ngoài phiến nệm nằm, anh tưởng như mình vừa bay được nửa vòng trái đất– trong một chuyến đi công tác ở một nước bên Mĩ La tinh hai năm trước. Anh vẫn chưa nhích đến được bên bậu cửa sổ. Anh phải nhờ bọn trẻ con nhà tầng dưới để đi hết “ nửa vòng trái đất” còn lại– từ mép tấm nệm nằm ra mép tấm phản, khoảng cách ước chừng năm phục phân để dõi nhìn ‘cái mũ cói rộng vành và chiếc sơ mi màu trứng sáo” xem nó có kịp chuyến đò ngang duy nhất trong ngày không?

Cuộc đời Nhĩ, chưa phải là dài nhưng tuyệt đối không quá ngắn . Bằng chứng là thằng Tuấn – đứa con thứ hai của anh đã vào đại học tròn năm nhưng đến bây giờ là lần đầu tiên Nhĩ mới để ý thấy vợ mình – Liên– đang mặc tấm áo vá. Cảm thức mỗi ngày trôi qua với anh thật dài dằng dặc :

“ Hôm nay đã là ngày thứ mấy rồi em nhỉ?”

“ Anh cứ yên tâm. Vất vả , tốn kém đến bao nhiêu em với các con cũng chăm lo cho anh được”

Trong cảm thức của anh, thời gian còn lại thật vô cùng ngắn ngủi: “ Không khéo rồi thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò trong ngày”. “ Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát– y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó. Giây phút ấy ở Nhĩ còn khẩn cấp hơn cả tiếng gọi đò trên bến vắng My Lăng tự thuở nào: “ Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng” ( bến My Lăng – Yến Lan).

Quá trình tâm lí tư tưởng ấy diễn biến trong cái không gian nhỏ hẹp của tấm phản, căn phòng, khung cửa sổ. Bến sông quê cạnh nhà gần gũi thế nhưng sao mà xa cách trong tâm thế phát hiện lần đầu với nỗi vô vọng bất lực của nhân vật. Nó là không gian vi mô hiện lên trước cái nhìn cận cảnh trong sự đối sánh đầy chất đối nghịch với không gian vĩ mô tạo bỡi cái nhìn xa vào những chân trời quá khứ:

“– Anh cứ tập tành và uống thuốc cho đều. Sang tháng mười nhất định anh đi lại được

– Vậy thì đầu hoặc giữa tháng mười một, anh sẽ đi Thành phố Hồ Chí Minh một chuyến

– Đi thành phố Hồ Chí Minh thì chắc chẳng được nhưng anh có thể chống gậy đi trong nhà. Hoặc tiến triển tốt hơn, em có thể đỡ anh men cầu thang bước xuống một bậc…hoặc giả anh lại khoẻ hơn, chúng mình có thể bước xuống hai bậc

– Ừ , tưởng gì…nhất định đầu tháng mười anh sẽ đi ra được đến đầu cầu thang”

Cùng với không gian ấy là sự đối chứng của thời gian thực tại ngắn ngủi– đời thường với thời gian đời người mà Nhĩ đã trải qua. Cái Bến quê được đặt trong tương quan không – thời gian đó. Nó là tất cả những phát hiện ấm áp tình người, tình đời của nhân vật mà cũng là của tác giả trước những gì thân quen nhất , thân yêu nhất, những gì hồn nhiên, gần gũi nhất, những gì là giàu có, đẹp đẽ nhất, thuần phác nhất và cổ sơ nhất của mảnh đất sinh thành ra ta và sẽ nhận ta về khi nhắm mắt xuôi tay.

Bến quê theo ý nghĩa đó là một nhận thức sáng ngời của nhân vật về đường đời và cuộc đời. Nhưng thật oái oăm chính khi anh thức nhận ra được chân lí ấy thì anh lại không còn khả năng để thực hiện. Đó là sự bất lực của thực tiễn trước khát vọng đẹp đẽ lành mạnh như một yêu cầu tất yếu. Người đọc trân trọng Bến quê, trân trọng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh ở mọi người hãy trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình của quê hương.

Sưu Tầm
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top