Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta, nhân dân ta đã nhiều lần đứng lên đấu tranh chống lại những kẻ xâm lược lớn mạnh hơn nhiều lần. Hoàn cảnh đó làm cho nhân dân ta càng đoàn kết chặt chẽ huy động sức mạnh tiền tàng của dân tộc, sử dụng mọi hình thức đấu tranh kể cả hình thức đấu tranh ngoại giao để bảo vệ độc lập của dân tộc. Lịch sử ngoại giao Việt Nam ghi lại biết bao sự tích kì thú như huyền thoại thể hiện sáng ngời chí khí dân tộc, sách lược linh hoạt tài ba uyên bác của ông cha ta.Thân thế và hoạt động ngoại giao của chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh sự kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống ngoại giao của dân tộc và tinh hoa kim , cổ, đông , tây của loài người với học thuyết Mác- Lênin, đưa nền ngoại giao Việt Nam lên đỉnh cao mới. Qua những hoạt động ngoại giao của Bác từ những năm bôn ba ở hải ngoại để tìm đường cứu nước (1911- 1941) đến những năm cuối đời (1969) chẳng những chúng ta càng nghi nhớ công ơn của Người đã chỉ đạo và tiến hành xuất sắc cuộc đấu tranh ngoại giao trong những giờ phút hiểm nghèo nhất của đất nước mà quan trọng hơn là từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết để vận dụng trong gia đoạn mới nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc. Nghệ thuật ngoại giao tài ba của Hồ Chí Minh trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954-1975) là một minh chứng rất rõ cho điều đó. Pháp và Mĩ là 2 nước đế quốc hùng mạnh nhất lúc bấy giờ nhưng quân và dân ta đều lần lượt đánh bại chúng, chiến thắng đó có một phần góp sức lớn của đấu tranh ngoại giao của ta, của nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Vậy nghệ thuật ngoại giao của Hồ Chí Minh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Chống Mỹ cứu nước là gì ?1.Nguồn gốc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa yêu nước, văn hoá dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, tinh hoa văn hoá của nhiều dân tộc phương Đông và phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới. Trên nền tảng ấy, với những phẩm chất và trí tuệ được hình thành từ thời thơ ấu, tôi luyện trong quá trình lao động, học tập, tranh đấu qua các chặng đường tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, đã hình thành nên nhân cách ngoại giao - văn hoá Hồ Chí Minh. Các tố chất căn bản đó đã được phát huy cao độ nhờ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, thấm nhuần thế giới quan và phương pháp luận mácxit.
1.1 Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam
Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt theo quá trình lịch sử trải dài nhiều nghìn năm của đất nước Việt Nam, đi đôi với sự hình thành, phát triển quốc gia - dân tộc. Đó là sự kết tinh và nét tiêu biểu của truyền thống văn hóa Việt Nam.Ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước ấy sơ khởi từ thời đại Văn Lang – Âu Lạc, trải qua nghìn năm Bắc thuộc, vẫn được bảo tồn như lửa than hồng trong môi trường sống mang tính tự trị cao của cộng đồng làng xã. Ngọn lửa yêu nước được các phong trào giải phóng dân tộc thổi bùng lên, mà những cuộc đàn áp tàn khốc của quân đô hộ không bao giờ dập tắt được. Chủ nghĩa yêu nước đó là nguồn gốc cơ sở cho tư tưởng và hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh.
1.2Truyền thống văn hóa Việt Nam
Văn hoá Việt Nam phát triển qua nhiều thời kỳ. Thành tựu nổi bật của cư dân phương Nam trong giai đoạn đầu tiên là hình thành nghề nông nghiệp lúa nước, tiếp đó là nghề luyện kim và đúc đồng. Tổ tiên của các dân tộc Việt Nam đã đóng góp vào thành tựu chung của Đông Nam Á, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển văn hoá Việt Nam. Từ thời Văn Lang - Âu Lạc đã định hình vững chắc một nền văn hoá bản địa. Dưới những hình thức khác nhau, làng xã ra đời trong môi trường sinh thái tồn tại hàng ngàn năm. Các quan hệ ứng xử thuận hoà, đùm bọc lẫn nhau trong gia đình, yêu quê hương làng xóm, kính trọng ông bà cha mẹ, người già, phụ nữ. Từ ý thức cộng đồng đã nảy sinh tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên, sùng bái các anh hùng dân tộc. Làng Việt mang tính tự trị cao, trở thành hạt nhân bền vững giúp người Việt vượt qua các biến thiên lịch sử, bảo tồn và làm giàu bản sắc dân tộc. Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Có cứng mới đứng được đầu gió” nói về bản lĩnh vững vàng của dân tộc và “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” thể hiện khả năng thích nghi.Trải qua quá trình phát triển lịch sử - xã hội và giao lưu với bên ngoài, văn hoá Việt Nam chịu ảnh hưởng của các quan hệ với văn hóa Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây. Nhưng các văn hoá ngoại lai đều thông qua chủ thể văn hoá Việt Nam mới phát huy tác dụng và làm phong phú văn hoá truyền thống bản địa. Đây là sự tiếp biến văn hoá một cách chủ động và sáng tạo. Giá trị văn hóa đó luôn thấm nhuần trong con người của Hồ Chí Minh.
1.3 Ngoại giao truyền thống Việt Nam
Ngoại giao truyền thống Việt Nam là nền ngoại giao có bản sắc. Đó là những đặc trưng ổn định và bền vững, có nguồn gốc xuất xứ từ bản sắc dân tộc và văn hoá dân tộc Việt Nam, đồng thời là kết quả của hoạt động giao lưu quốc tế của Đại Việt với các nước láng giềng, của quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc và phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, phát triển quốc gia - dân tộc.
Đặc trưng ngoại giao truyền thống Việt Nam có thể nói gọn: hoà hiếu, nhu viễn, “trong đế ngoài vương”.
Trước tiên, nhân dân Việt Nam luôn luôn có ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.Nền ngoại giao nhu viễn xem trọng việc giữ gìn hoà khí, khiêm nhường với nước lớn, hữu nghị với các nước lân bang, phấn đấu cho sự thái hoà.Yêu chuộng hoà bình là bản chất của ngoại giao Việt Nam. Trong khi kiên trì lập trường nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chống lại ngoại giao xâm lược của đối phương, Đại Việt kiên trì đường lối hoà bình trong quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng. Như khi quân Tống tiến công Đại Việt bị chặn đánh quyết liệt trên phòng tuyến sông Cầu, quân lương khó khăn, binh sĩ không chịu được lam chướng... Biết quân địch ở thế tiến thoái lưỡng nan, Lý Thường Kiệt “dùng biện sĩ bàn hoà”, nêu ra những đề nghị hoà bình hấp dẫn đối với tướng giặc Quách Quỳ, tạo điều kiện cho quân Tống rút về nước. Liền đó, Vua Lý cử sứ thần sang triều cống và mở giao hiếu giữa hai nước.
Cùng với các thắng lợi trên mặt trận quân sự, việc thực hiện nhất quán tư tưởng hoà hiếu với các nước láng giềng đã góp phần quan trọng vào việc làm cho Việt Nam vượt được các cuộc xâm lăng thường xuyên từ phía bắc và từ phía nam, bảo tồn và phát triển cương vực, lãnh thổ quốc gia.
Ngoại giao Việt Nam thấm nhuần tinh thần nhân đạo và chủ nghĩa nhân văn. Tuy là nạn nhân của các cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, người Việt Nam vẫn giàu lòng nhân ái, khoan dung đối với những kẻ địch đã bị đánh bại. Điều đó có cội nguồn từ lý tưởng nhân nghĩa của dân tộc biết đứng trên nghĩa lớn khi buộc phải đương đầu với những thế lực ngoại xâm hung bạo.
Đồng thời, nó cũng xuất phát với tầm nhìn sâu xa trong quan hệ bang giao với các nước láng giềng có chung biên giới, xem trọng sự hoà mục, được Trần Hưng Đạo nêu trong lời di chúc: “Hoà mục có công hiệu lớn cho cuộc trị an. Hoà ở trong nước thì ít dụng binh; hoà ở ngoài biên thì không sợ có báo động”; “hoà mục là một đạo rất hay cho việc trị nước, hành binh, không bao giờ đổi được”. Trong “Binh thư yếu lược”, Hưng Đạo Vương tuy nói về việc dùng binh mà còn hàm ý về sự thái hoà: Bậc thánh võ trị đời, đánh ở chỗ không có thành, công ở chỗ không có lũy, chiến ở chỗ không có trận. Nhẹ nhàng như mưa rơi ở trên không, dựng nên cuộc đời vô sự.
Ngoại giao Đại Việt cũng luôn thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc. Phẩm chất tiêu biểu của sứ thần là trí dũng song toàn, giữ gìn quốc thể. Người đi sứ luôn thấu triệt phương châm “đi sứ bốn phương, không làm nhục mệnh vua”.
Những tinh hoa, tinh túy đó đã làm cơ sở bài học kinh nghiệm quý báu cho Hồ Chi Minh tiếp nhận và sáng tạo nó trong thời đại cách mạng mới của mình.
1.5 Tiếp thu văn hoá của nhiều nước phương Đông, phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu các tư tưởng, học thuyết chính trị - xã hội và văn hoá thế giới: Từ phương Đông, đó là Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, binh pháp Tôn Tử, chủ nghĩa Tôn Dật Tiên, tư tưởng và kinh nghiệm cách mạng giải phóng ở Trung Quốc, Ấn Độ... Từ phương Tây, đó là các tư tưởng dân chủ, nhân văn của thời kỳ Phục Hưng, thế kỷ ánh sáng, cách mạng tư sản châu Âu, Mỹ...
Hồ Chí Minh hiểu biết sâu sắc tư tưởng Tôn Dật Tiên với chủ nghĩa Tam Dân - Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc; chính sách “liên Nga, liên Cộng, phù trợ công nông”; tư tưởng triết học trị hành hợp nhất; và phương pháp tìm kiếm bạn đồng minh cả trong và ngoài nước của Tôn Văn.
M.Gandhi chủ trương chính sách “không bạo lực”, thực hiện cuộc đấu tranh tinh thần và chính trị để chống lại sự cai trị của thực dân Anh. Hiểu rõ giá trị đạo lý và tinh thần to lớn của đường lối giải phóng dân tộc mà M. Gandhi theo đuổi, khi trả lời báo Times của Ấn Độ năm 1955, Hồ Chí Minh đã suy tôn vị lãnh tụ tinh thần vĩ đại này của nhân dân Ấn Độ là thầy, một bậc tiền phong trong cuộc đấu tranh những chủ nghĩa đế quốc ở châu Á.
Nguyễn Ái Quốc đề cao những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái và các quyền của con người được các cuộc cách mạng tư sản ở Mỹ và Pháp thế kỷ thứ XVIII đề cao. Đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng nêu bật những hạn chế và tính không triệt để của những cuộc cách mạng ấy. Người nhận xét: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ” và Cách mạng Pháp “đã bốn lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mạng An Nam nên nhớ những điều ấy” [ 6; tr 270-274].
Mang tình cảm của truyền thống văn hóa Việt Nam, luôn đề cao đạo lý và tình cảm của người Việt Nam không chỉ trong quan hệ đồng bào, đồng chí, mà giữa Việt Nam và thế giới, dân tộc và quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiếp nhận tư duy dựa trên lý trí của văn hoá phương Tây. C. Mác từng viết: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng”. [13; tr 158]. Tiếp thu tư duy dựa trên lý trí, kết hợp với tình cảm và sức mạnh tinh thần của quần chúng nhân dân là một bước phát triển mới, quan trọng trên con đường hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong những tình thế khó khăn phức tạp sau này khi Người trực tiếp chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua các thác ghềnh hiểm nguy, thù trong giặc ngoài, các quyết sách đối ngoại do Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng ta đưa ra đã thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn này.
Trong quá trình quan sát, phân tích các diễn biến của chính trị quốc tế và ngoại giao thế giới trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới nửa đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tích lũy nhiều kinh nghiệm ngoại giao quý báu.
1.6 Thế giới quan và phương pháp luận mácxit
Chủ nghĩa Mác - Lênin là một nguồn gốc chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh
Trải qua mười năm tìm tòi, nghiên cứu, hoạt động thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở đó “cẩm nang thần kỳ” để giải phóng dân tộc, thấm nhuần các nguyên lý cơ bản, tư tưởng nhân đạo, nhân văn, lý tưởng giải phóng nhân loại, xây dựng một xã hội tốt đẹp trong đời sống hiện thực và tin tưởng nhân loại cuối cùng sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đây là bước ngoặt cơ bản, tạo nên sự phát triển về chất của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cùng với thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin còn cung cấp cho nhà yêu nước Việt Nam những kinh nghiệm, nguyên lý, đường lối tổ chức cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sâu rộng để lật đổ bộ máy thống trị tàn bạo của một cường quốc thực dân cùng bọn tay sai của chúng là tầng lớp phong kiến thủ cựu và phản động.
Đường lối quốc tế mà Nguyễn Ái Quốc chủ trương thực hiện trong cuộc cách mạng ở Việt Nam xuất phát từ chủ nghĩa quốc tế mácxit – lêninit cũng như thực tiễn thời đại. Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ: “Theo Lênin, cách mạng phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch và vấn đề dân tộc, như Lênin đã dạy chúng ta, chỉ là một bộ phận của vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản”. [ 7; tr 161- 162].
Nguyễn Ái Quốc tiếp thu phương pháp luận, phương pháp tư tưởng mácxit, trước hết là chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng của triết học - mà Lênin xem là công cụ nhận thức vĩ đại”
Nguyễn Ái Quốc nêu cao quan điểm mác xít về thực tiễn, cũng như nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Nhấn mạnh việc vận dụng lý luận và thực tiễn của cách mạng thế giới một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của phương Đông, Người ba lần trích dẫn luận điểm của Lênin nêu lên tại Đại hội những người cộng sản phương Đông năm 1919: “Trước mắt các bạn đang có một nhiệm vụ mà trước kia những người cộng sản toàn thế giới không có: dựa vào lý luận và thực tiễn chung của chủ nghĩa cộng sản, áp dụng vào những điều kiện đặc biệt, không có ở các nước châu Âu, các bạn phải biết vận dụng lý luận và thực tiễn ấy vào điều kiện, khi nông dân là quần chúng cơ bản, khi cần phải giải quyết nhiệm vụ đấu tranh không phải chống tư bản, mà chống những tàn tích phong kiến”. [ 11; tr 54].
Với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác-Lênin, cùng các giá trị văn hoá, nhân văn dân tộc và thế giới, những nội dung đúc rút từ nền chính trị quốc tế, thông qua hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú đã hoà quyện trong mối liên hệ biện chứng, tạo nền tảng cho công cuộc cứu nước, là cội nguồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao.
2. Nghệ thuật ngoại giao của Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và kháng chiến chống Mĩ (1954-1975)
Ngoại giao là một hoạt động chính trị - xã hội, đồng thời còn là một “nghệ thuật của các khả năng”. Hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ luôn đi theo một tư tưởng lớn, xuyên xuất hoạt động ngoại giao của chủ tịch Hồ Chí Minh là đường lối độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế. Người nhận thức nhận rõ và vận dụng nhuần nhuyễn các quy luật phổ biến của đấu tranh cách mạng, đồng thời luôn tính đến những hoàn cảnh cụ thể ở mỗi nước trong mỗi giai đoạn, đến mối quan hệ hữu cơ giữa lợi ích dân tộc và nghĩa vụ quốc tế. Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và chống Mĩ (1954-1975) tư tưởng đó được thể hiện ở những điểm như: Vận dụng nhuần nhuyễn năm cái biết, nhân nhượng có nguyên tắc, Lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương. Những điều đó đã làm nên nghệ thuật ngoại giao tài ba của Hồ chí Minh trong 2 cuộc kháng chiến.
2.1 Trong ngoại giao Hồ Chí Minh Vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết”
Đối với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, “tri” là để “hành” - biết và làm là thống nhất. Người thường nói muốn biết thì phải học và học đi đôi với hành.“Ngũ tri” (năm cái biết) được phương Đông đúc kết: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến. Lão Tử cho rằng biết người là người có trí, tự biết mình là người sáng suốt.Ứng xử ngoại giao của Hồ Chí Minh tỏ rõ Người am tường “năm cái biết”. Đồng thời, Hồ Chí Minh nắm vững phép biện chứng duy vật. Đó là cơ sở để Hồ Chí Minh thực hiện những nhân nhượng có nguyên tắc và lạm dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương đạt tới trình độ nghệ thuật trong các tình thế đối ngoại.
Sự biết dừng của Hồ Chí Minh thể hiện khi cùng với Đảng và Nhà nước ta đề ra các quyết sách đối ngoại. Đứng vững trên mục tiêu cách mạng, Người luôn xuất phát từ thời thế, tương quan lực lượng, biết thực lực của đất nước mình và của đối phương; mọi hành động phải thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của nó. Biết dừng thì mới xác định được đối sách thích hợp về đối ngoại và phấn đấu cho mục tiêu trước mắt và lâu dài. Nhà Nguyễn là một tấm gương phản diện về việc lạc hậu với thời cuộc, không biết gì về địch, không biết sức mạnh của dân tộc mình, nên hoạt động quân sự và ngoại giao đều mất phương hướng.
Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) việc kí kết các hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng Ba 1946, Tạm ước 14 tháng Chín 1946 và các Hiệp định Geneva về Đông Dương 1954 là những kiểu mẫu của nghệ thuật đoán định “điểm dừng” của Hồ Chí Minh. Chỉ thị “Tình hình và chủ trương” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta ngày 3 tháng Ba 1946 phân tích chủ trương ký Hiệp định Sơ bộ, nêu rõ: “Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”. [ 8; tr 43-44]
Trong hoạt động ngoại giao, Hồ Chí Minh căn dặn: người ta cương thì mình phải nhu, phải khôn khéo lấy nhu thắng cương thì mới là biết mình biết người và “phải hiểu cả hai bên mới có thể làm tròn nhiệm vụ”.
Trong kháng chiến chống Mĩ, đầu năm 1967, Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, thúc đẩy quá trình tiếp xúc, đàm phán với Mỹ để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam. Để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý cử đoàn đại biểu Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Phó Bí thư Trung ương Cục dẫn đầu, cùng Tham mưu trưởng quân Giải phóng miền Nam, sang thăm Trung Quốc. Mục đích chuyến đi là để thông báo tình hình đấu tranh của đồng bào miền Nam Việt Nam và thể hiện quyết tâm chiến đấu của nhân dân miền Nam. Sau khi tiếp đoàn, Chủ tịch Mao Trạch Đông nhận xét rằng Việt Nam đánh giỏi mà đàm cũng giỏi và ủng hộ chủ trương của Việt Nam vừa đánh vừa đàm.
Một khái niệm then chốt trong triết lý Khổng giáo là “thời”, biết thích nghi với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Tại Hội nghị Geneva 1954, do tương quan lực lượng trên trường quốc tế và chính sách của các nước lớn muốn hoà hoãn, còn Mỹ muốn phá hoại tiến trình hoà bình, ta đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ các nội dung có tính nguyên tắc, chấp thuận với sự nhân nhượng nhất định hai điểm then chốt là vĩ tuyến 17 và thời hạn tổng tuyển cử hai năm, đạt được việc giải phóng nửa nước, các nước lớn lần đầu tiên công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, củng cố quan hệ với các nước lớn xã hội chủ nghĩa để tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh trong giao đoạn tiếp theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét tại Hội nghị ngoại giao năm 1964: “Hồi đó nếu ta không nhận hoà thì tức là mắc mưu Mỹ. Tất nhiên thắng lợi thu được cũng là do mình có Điện Biên Phủ, ngoài ra lại còn có sự giúp đỡ của các nước anh em nữa”.
1.3 Ngoại giao nhân nhượng có nguyên tắc
Đấu tranh đạt đến mục đích tối đa và nhân nhượng những điều có thể vì những mục đích ấy, đó là hai mặt của các quá trình thương lượng ngoại giao mà nước nào cũng trải qua.Nhân nhượng và thoả hiệp trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Biết nhân nhượng lợi ích bộ phận, tạm thời, đúng lúc, căn cứ vào tương quan lực lượng để bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc, từng bước tiến lên và đi tới mục tiêu cuối cùng.
Sự nhân nhượng có nguyên tắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh ngoại giao thể hiện ở chỗ Người biết thỏa hiệp “cái ít có hại nhất” đúng chỗ, đúng lúc trong hoàn cảnh cần phải thoả hiệp để phá thế bế tắc, vượt qua khó khăn và tạo điều kiện đạt tới mục tiêu đã định. Trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, chủ động linh hoạt, đấu tranh kiên quyết và khôn khéo bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc, luôn hướng đích, việc nhân nhượng có nguyên tắc đã cho phép biến nghịch cảnh thành thuận cảnh, biến những khả năng mỏng manh thành hiện thực có lợi cho cách mạng vào những thời điểm nguy nan, cấp bách đối với đất nước.
Để thực hiện những nhân nhượng như vậy, Hồ Chí Minh luôn nêu cao độc lập suy xét, quan sát thấu triệt, thận trọng cân nhắc thiệt hơn, khi cần thì có nhượng bộ trước mắt để bảo vệ lợi ích lâu dài, lường trước mọi khả năng phát sinh, bình tĩnh ứng phó phù hợp với mọi sự thay đổi của tình thế trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Tôn Tử nói: “khi cân nhắc lợi ích cũng cần xem xét đến khả năng tổn hại, sự việc ắt tiến hành thuận lợi”.
Trong các cuộc thương thuyết với các tướng lĩnh của Tưởng Giới Thạch có trong tay 20 vạn quân dưới danh nghĩa là quân Đồng minh vào miền Bắc nước ta để “giải giáp quân đội Nhật” theo thoả thuận quốc tế của các nước lớn thắng trận, trên cơ sở thế và lực của ta lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chấp nhận các yêu sách, như đồng ý nối lại đường liên lạc điện tín điện thoại; chấp nhận tỷ giá hối đoái giữa đồng quan Kim Trung Quốc bị phá giá với đồng bạc Việt Nam do Lư Hán tùy tiện ấn định; đồng ý cung cấp lương thực cho quân đội Tưởng trên đất Việt Nam, tạm thời cho phép một số nhóm tay sai của Tưởng tham gia Chính phủ lâm thời và Quốc hội... Lợi ích lớn nhất của ta là bảo toàn lực lượng, giữ được chính quyền cách mạng và thế hợp pháp của chính quyền ấy, kiềm chế và tập trung đối phó với các hành động của Pháp đang xâm lược miền Nam Việt Nam.
Khi Anh, Pháp và Tưởng thoả thuận nhân nhượng về vấn đề Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhanh chóng chuyển hướng sách lược, chủ trương đẩy mạnh đàm phán với Pháp, thực hiện “hoà để tiến”.
Chủ trương đó dựa trên sự phân tích khách quan chuyển biến trong tình hình, như Ban Thường vụ Trung ương nêu rõ tháng Ba 1946: “Bên trong về chính trị, hồi tháng 8 năm ngoái, dân tộc ta thống nhất hơn, các chính đảng đối lập không có, hoặc có mà không dám công nhiên phản đối. Bây giờ, bọn đối lập Việt Nam Quốc dân đảng, Đệ tam sư đoàn Việt gian thân Pháp dựa vào sức ngoài hoạt động, chia rẽ. Hồi tháng Tám, ta lợi dụng được sự mâu thuẫn giữa Tàu và Pháp. Bây giờ mâu thuẫn ấy đã tạm hoà hoãn. Về quân sự, hồi tháng Tám, Nhật đầu hàng không đánh nữa, Pháp chưa chiếm đóng lại được những căn cứ quân sự cần thiết. Bây giờ quân Pháp đã chiếm lại được nhiều địa điểm quan trọng và tập trung được thêm lực lượng.
Mâu thuẫn giữa Anh - Mỹ và Liên Xô lúc này lại trở nên gay go hơn trước nên vấn đề Đông Dương cũng chưa được Liên hiệp quốc giải quyết một cách có lợi cho ta”.[SUP]87[/SUP]Việc ký Hiệp định Sơ bộ diễn ra chiều ngày 6 tháng Ba, khi hạm đội Pháp đã tiến vào cảng Hải Phòng, nơi quân đội Tưởng đang kiểm soát; lực lượng vũ trang của Tưởng và Pháp đã nổ súng vào nhau. Tuy vậy, cả Tưởng và Pháp đều không muốn xung đột lan rộng, nên đã đề nghị Chính phủ Việt Nam đạt đến giải pháp thỏa hiệp. Đó là thời điểm thích hợp để buộc Pháp phải chấp nhận một số điều khoản có lợi cho cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao của ta. Hiệp định Sơ bộ là một mẫu mực nghệ thuật chọn đúng thời điểm và khai thác triệt để xung đột giữa những bên đối địch để đạt giải pháp hoà bình. Tuy ta chấp nhận “quốc gia tự do” và để cho 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam, nhưng đổi lại, Pháp phải thừa nhận Việt Nam có chính phủ, quốc hội, quân đội, tài chính riêng và rút dần quân Pháp trong thời hạn 5 năm. Điều quan trọng nhất là ta biến thoả thuận tay đôi Hoa - Pháp thành thoả thuận tay ba Viết - Hoa - Pháp; đẩy được 20 vạn quân đội Tưởng và các nhóm người Việt thân Tưởng ra khỏi Việt Nam, tập trung lực lượng đối phó với thực dân trở lại xâm lược.
Để thêm thời gian hoà bình chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kỳ không thể tránh khỏi và không để đàm phán Pháp - Việt tan vỡ, Chủ tịch Hồ Chí Manh đã ký Tạm ước 14 tháng Chín 1946 tại Paris. Ta nhân nhượng cho Pháp được hưởng một số quyền lợi kinh tế, văn hoá ở Việt Nam. Còn Pháp phải đình chiến, thả tù chính trị và công nhận một số quyền tự do của đồng bào Nam Bộ và ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến. Việc ta nhân nhượng cho Pháp một số quyền lợi kinh tế, văn hoá ở Việt Nam, có sách lược sẵn sàng gia nhập Liên hiệp Pháp là phù hợp với tương quan lực lượng lúc bấy giờ, hợp với xu hướng chung trong quan hệ quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời tạo khả năng tranh thủ xu hướng dân chủ và những người có đầu óc thực tế ở nước Pháp, chống lại các thế lực thực dân hiếu chiến.
Việc ký Hiệp đánh Sơ bộ ngày 6 tháng Ba 1946 và Tạm ước 14 tháng Chín 1946 thể hiện sách lược sáng suốt, mềm dẻo, khéo léo biết đề ra đối sách đúng đắn, phù hợp trong những hoàn cảnh hết sức phức tạp.
Ngay sau khi ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng Ba được hai ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Ký hiệp định đình chiến này không phải là đã hết chiến tranh đâu. Thái độ ôn hoà, nhã nhặn của ta đối với quân đội Pháp không phải là thái độ nhu nhược, thụ động. Trái lại, hơn bao giờ hết phải luôn luôn chuẩn bị để bồi dưỡng lực lượng, nâng cao tinh thần chiến đấu của toàn dân nhằm đối phó với những việc bất ngờ bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra. Tinh thần kháng chiến, sự chuẩn bị chu đáo phải là thường trực”.[SUP]88[/SUP] Và trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ II, Chủ tịch nhấn mạnh: Lúc ký Hiệp định Sơ bộ “nhiều người thắc mắc, cho đó là chính sách quá hữu. Nhưng các đồng chí và đồng bào Nam Bộ đã khéo lợi dụng dịp đó để xây dựng và phát triển lực lượng của mình”.
Nhân nhượng có nguyên tắc là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng của đấu tranh ngoại giao vì trong đàm phán phải có sự thoả hiệp lẫn nhau, song không phải thoả hiệp bằng bất cứ giá nào, bất cứ lúc nào, mà phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc. Đó là biết nhân nhượng lợi ích bộ phận, tạm thời, đúng mức, đúng lúc trong những hoàn cảnh tương quan lực lượng chưa có lợi cho ta để bảo vệ lợi ích lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi bảo tồn lực lượng cách mạng, từng bước tiến lên và đi tới mục tiêu cuối cùng. Đó là đấu tranh kiên quyết để bảo vệ quyền lợi quốc gia và lợi ích chính đáng của các dân tộc.
1.3 Lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương một chiến thuật trong ngoại giao của Hồ chí Minh.
Lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược của cách mạng, đặc biệt là trong hoàn cảnh phải đấu tranh với nhiều đối thủ mạnh hơn. Ngoại giao nước nào cũng lợi dụng mâu thuẫn các bên sao cho có lợi nhất cho mình. V.I. Lênin nói: chỉ có thể thắng một kẻ địch mạnh hơn bằng một sự nỗ lực hết sức lớn, và với điều kiện bắt buộc là phải lợi dụng một cách hết sức tỉ mỉ, hết sức chăm chú, hết sức cẩn thận, hết sức khôn khéo bất cứ một “rạn nứt” bé nhỏ nhất nào giữa các kẻ thù, bất cứ những mâu thuẫn bé nhỏ nhất nào về lợi ích giữa giai cấp tư sản các nước, giữa các tập đoàn hay các hạng tư sản khác nhau ở trong từng nước, cũng như phải lợi dụng mọi khả năng dù bé nhỏ nhất để có được một bạn đồng minh mạnh về số lượng, dù đó là bạn đồng minh tạm thời, bấp bênh, có điều kiện, ít chắc chắn và ít tin cậy... Người nào, trong một thời gian khá dài và trong những tình hình chính trị khá khác nhau, mà không chứng tỏ được trong thực tiễn rằng mình biết ứng dụng chân lý ấy vào thực tế thì người đó cũng chưa biết cách giúp đỡ giai cấp cách mạng trong cuộc đấu tranh của họ để giải phóng toàn thể phân loại khỏi tay bọn bóc lột”. [12; tr 69].Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và chống Mĩ (1954-1975) Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo điều đó.Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nắm vững, vận dụng và phát triển quan điểm trên của Lênin phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể trong các giai đoạn của cách mạng nước ta nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương chiến lược “thêm bạn, bớt thù”, phân hoá và cô lập đối phương, tranh thủ bạn đồng minh, tập trung đối phó với đối tượng chủ yếu.
Năm 1946 , nước ta cùng một lúc phải đối phó với nhiều đối tượng nước ngoài. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo hoạt động ngoại giao của ta rất khôn khéo, linh động sáng tao để cuối cùng có thể tập chung toàn bộ lực lượng đối phó với thực dân Pháp.
Song song với việc thực hiện chính sách “Hoa-Việt thân thiện”, giữ Mỹ đứng “trung lập” bằng sự ràng buộc họ vào cơ sở pháp lý, tranh thủ những người Mỹ có mặt ở Việt Nam lúc đó, cũng như các cam kết của các nước lớn đồng minh thể hiện trong Hiến chương Đại Tây Dương, Hiến chương Liên hợp quốc, để lôi kéo, hoà hoãn và kiềm chế quân Tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khai thác triệt để mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương. Trước hết là mâu thuẫn hoặc bất đồng giữa chính quyền Tưởng Giới Thạch và thực dân Pháp, giữa Mỹ và Pháp ở Việt Nam cũng như mâu thuẫn phe phái ngay trong nội bộ từng phía đối phương: giữa các tập đoàn quân phiệt Vân Nam, Lưỡng Quảng với chính phủ Trùng Khánh, giữa những người Pháp có đầu óc thực tế và phái “chủ chiến” ở Pháp và Đông Dương, giữa quân đội Nhật vừa bại trận với lực lượng của Anh, Pháp, Trung Quốc... Chỉ 8 ngày sau Hiệp định Hoa - Pháp được ký ở Trùng Khánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng đã ký Hiệp định Sơ bộ 6 tháng Ba 1946, đẩy được quân đội Tưởng và các nhóm tay sai của Tưởng ra khỏi Việt Nam.
Với bản lĩnh chính trị vững vàng, nhờ có sự nhạy bén nắm bắt được chiều hướng phát triển của tình hình quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai và tương quan lực lượng trong nước, đồng thời không ảo tưởng về những cam kết và hứa hẹn của các nước lớn đối phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta kịp thời phát hiện các loại mâu thuẫn cũng như sự biến hoá của chúng và đã có đối sách thích hợp, kịp thời, đạt được kết quả có lợi nhất cho đất nước.
Trong cuộc kháng chiến cứu nước lần thứ hai- kháng chiến chống Mĩ , Bác và Đảng chủ trương mở rộng mặt trận nhân dân thế giới, bao gồm nhân dân Mỹ, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, thông qua những sách lược và các hình thức tập hợp lực lượng mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng trên thế giới và ở miền Nam Việt Nam, như việc giương cao ngọn cờ hoà bình, trung lập, xây dựng ngoại giao miền Nam để phối hợp với ngoại giao miền Bắc, mở rộng hoạt động ngoại giao nhân dân... Đầu những năm 1960, khi Tướng De Gaulle nêu chủ trương trung lập hoá Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời hoan nghênh xu hướng này. Tháng Tư 1964, trả lời phỏng vấn của nhà báo Ôxtrâylia W.Bớcsét, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Những ý kiến của Tổng thống Đờ Gôn về việc trung lập hoá, bao gồm vấn đề thủ tiêu những căn cứ quân sự và mọi sự can thiệp của nước ngoài ở khu vực này của Đông Nam Á, kể cả miền Nam Việt Nam, đáng được chú ý thích đáng”. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lại: “Chính phủ Pháp là một nước tham gia ký Hiệp định Geneva về Việt Nam cần làm tốt trách nhiệm của mình, thực hiện đầy đủ Hiệp định ấy, góp phần bảo đảm cho nước Việt Nam được thống nhất một cách hoà bình, như Hiệp định Geneva đã quy định”. [7; tr 253].Khẳng định về nghệ thuật nhân nhượng có nguyên tắc và ứng xử ngoại giao của ta trong quan hệ với các đối tượng nước ngoài trong giai đoạn đầu sau khi Việt Nam Dân chủ cộng hoà vừa ra đời, đồng chí Lê Duẩn viết: “Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược lêninnit về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và nhân nhượng có nguyên tắc” [ 1; tr 136].
Kết luận
Sự ứng sử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại. Ở Người cái thâm thúy, tinh tế ở phương Đông luôn kết hợp một cách tự nhiên với sự uyên bác, lịnh lãm phương Tây. Cách ứng sử của Người không bao giờ và không một chút pha trộn với lịch thiệp giả dối hời hợt bên ngoài vì nó bắt nguồn từ nội tâm trong sáng, tính giản dị bẩm sinh cộng với sự hiểu biết uyên thâm về nền văn hóa đông tây, kim cổ. Chính nghệ thuật ngoại giao tài ba kiệt xuất của Hồ Chí Minh đã góp phần làm lên thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và kháng chiến chống Mĩ ( 1954-1975), khiến 2 đế quốc hùng mạnh nhất bấy giờ phải gánh chịu thất bại.
Toàn bộ những tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về hoạt động ngoại giao và đối ngoại là những di sản quý báu đối với Đảng và nhà nước ta trong sự nghiệp đấu tranh ngoại giao để phục vụ chiến lược xây dựng bảo vệ tổ quốc.
Tài Liệu Tham Khảo
1. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới.
2. Vũ Dương Huân (2002), Đấu tranh ngoại gao trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, NXB ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.
3. Vũ Khoan (1990) Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, NXB Sự Thật, Hà Nội.
4. Phan Ngọc Liên (1994), Hồ Chí Minh với những hoạt động quốc tế, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.
5. Phan Ngọc Liên ( 2006), Hồ Chí Minh Tiểu Sử, NXB Lí luận Chính Trị, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2.
7. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam(2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: “Giải thích Hiệp ước Xô - Đức”, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6.
10.Nguyễn Duy Trinh (1973),Mặt trận ngoại giao trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, NXB sự thật Hà Nội.
11.V.I. Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, (1980), Nhà xuất bản Tiến bộ, Matxcơva, tập 23.
12. V.I.Lênin: Toàn tập, tiếng Việt (1977) Nhà xuất bản Tiến bộ Matxcơva, tập 41.
13. C. Mác (1995) ,Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, Lời nói đầu Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG
Sửa lần cuối: