Kịch Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng
Nhân vật
Lê Tương Dực - Vua nhà Lê 24 tuổi
Kim Phượng - Thứ phi 20 tuổi
Trịnh Duy Sản - Quận công 60 tuổi
Nguyễn Vũ - Đông các đại học sĩ 52 tuổi
Lê An - Công bộ thượng thư 58 tuổi
Vũ Như Tô - Kiến trúc sư 40 tuổi
Đan Thiềm - Cung nữ 38 tuổi
Thị Nhiên - Vợ Vũ Như Tô 40 tuổi
Hai Quát - Phó đốc công
Phó Bảo - Phó nề
Phó Cõi - Phó mộc
Phó Toét - Phó đúc
Phó Độ - Phó chạm
Lê Trung Mại - Thái giám 42 tuổi
Ngô Hạch - Võ sĩ của Trịnh Duy Sản 25 tuổi
Thái tử Chiêm Thành - 18 tuổi
Thợ - Nội giám - Cung nữ - Quân sĩ
Hồi thứ nhất
Một cung cấm của vua Lê
Lớp I
Lê Tương Dực - Kim Phượng - Cung nữ(Ăn mặc diêm dúa)
KIM PHƯỢNG - Tâu Hoàng thượng, có việc chi mà mặt rồng hớn hở. Việc bang giao với Trung Quốc đã xong xuôi hay sao?
LÊ TƯƠNG DỰC - Có phải đâu công việc ấy, trẫm mặc triều đình. Nội giám bay! Đem rượu trẫm uống. Trẫm vui đây là về việc Cửu trùng đài.
KIM PHƯỢNG - Cửu trùng đài!
LÊ TƯƠNG DỰC - Mộng của trẫm sắp thành. Trời quá yêu cho trẫm một người thợ giỏi. Suốt một năm trời tìm kiếm cũng không uổng công.
KIM PHƯỢNG - Tâu Hoàng thượng đó là ai?
LÊ TƯƠNG DỰC - Vũ Như Tô.
KIM PHƯỢNG - Vũ Như Tô!
LÊ TƯƠNG DỰC - Bấy lâu nay bao nhiêu thợ trong nội, bao nhiêu thợ chốn kinh kỳ, bao nhiêu thợ địa phương, trẫm đều không vừa ý. Rặt là phường tiểu xảo, không ai có quy mô to tát. Trẫm đã xuống chiếu cầu người tài. Nhiều quan đề bạt Vũ Như Tô. Trẫm cũng biết tiếng. Nhưng hắn ngu si, làm cao, còn đem vợ con đi trốn. Nay hắn bị đóng cũi giải về, rõ tự mình chuốc khổ, chứ có làm chi nên tội?
KIM PHƯỢNG - Thực là giống ngu si. Đứa thợ quèn thì chỉ chết già ở hang cùng ngõ hẻm! Mấy kẻ đã được quân vương biết tới? Hay là để người đời khinh rẻ như bèo. Thực là giống ngu si.
LÊ TƯƠNG DỰC - Nhưng hắn là một người thợ có hoa tay tuyệt thế, chạm trổ, nạm đục, xây dựng không kém đường gì. Lại có tài đào muôn kiểu hồ, vẽ những vườn hoa lộng lẫy như Bồng lai. Hắn còn là một tay hội họa khác thường: Chỉ một vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công. Còn cái tài tính toán thì không lời nào tả hết. Hắn sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ. Khanh cho thế là ngạc nhiên sao? Cửu trùng đài tới nay không ai dựng nổi, rồi đây Vũ sẽ xây nhanh chóng như đài nhất dạ, huy hoàng tráng lệ như đài Cô Tô. Trẫm sẽ cùng khanh vui sướng mặc cả sự đời. Khanh tính sao?
KIM PHƯỢNG - Thực là phúc lớn cho chị em thần thiếp, trời mới xui cho thánh thượng gặp người tài. Xin chúc thánh hoàng vạn tuế, để chị em thần thiếp được hưởng ơn trời.
LÊ TƯƠNG DỰC - ái khanh buổi nay tươi đẹp bội phần. Bay đâu, tấu nhã nhạc lên. Trẫm muốn theo Minh Hoàng đưa hồn vào cõi mộng... Ước gì trẫm cùng khanh sống mãi tuổi thanh xuân...
Đan Thiềm vào.
Lớp II
Những người trước, thêm Đan Thiềm
ĐAN THIỀM, quỳ xuống - Tâu Hoàng thượng!...
Vua cau mặt và các cung nữ nguýt khinh bỉ.
LÊ TƯƠNG DỰC - Có việc chi, mi vào hoãn cuộc vui? Đây là lần thứ mấy?
ĐAN THIỀM - Tâu Hoàng thượng, thần thiếp có bao giờ dám vượt phận hèn? Nguyên quan thượng thư công bộ xin vào bệ kiến tâu việc Vũ Như Tô.
LÊ TƯƠNG DỰC , quay phắt lại - ồ! Đã giải nó về kinh rồi à? Cho quan công bộ vào.
ĐAN THIỀM ra, Kim Phượng và bầy cung nữ đứng sau lưng vua. Lê An vào.
Lớp III
Vua - Kim Phượng - Cung nữ - Lê An
Lê An, quỳ xuống - Vạn tuế!
LÊ TƯƠNG DỰC - Cho phép ngươi đứng dậy.
Lê An, đứng dậy, sợ sệt - Tâu Hoàng thượng, Vũ Như Tô đã giải về kinh.
LÊ TƯƠNG DỰC - Mau dẫn nó vào đây. Trẫm đang mong đợi.
Lê An, ngập ngừng - Nhưng muôn tâu Hoàng thượng... y...
LÊ TƯƠNG DỰC - Sao?
Lê An - ... là một kẻ quê mùa...
LÊ TƯƠNG DỰC - Không sao!
Lê An - Y còn là một tên vô lễ, khinh đại thần, khinh triều đình.
LÊ TƯƠNG DỰC - Là một tên thợ quèn, nó dám hỗn láo như vậy à?
Lê An - Tâu Hoàng thượng y còn khinh cả...
LÊ TƯƠNG DỰC - Cả ai? Khinh cả trẫm?
Lê An - Hoàng thượng...
LÊ TƯƠNG DỰC - Trẫm? Quân vô lễ! Nó không sợ chết hay sao?
Lê An - Chính y không sợ chết nên mới dám buông những nhời bất kính, thần không dám nói ra đây.
LÊ TƯƠNG DỰC - Nó thấy trẫm cần đến mà ngông cuồng sao? Đem nó ra chính pháp.
KIM PHƯỢNG - Tâu Hoàng thượng nhưng còn Cửu trùng đài?
LÊ TƯƠNG DỰC , mơ mộng - Cửu trùng đài?
Lê An - Cửu trùng đài! Tâu Hoàng thượng, y khai trước mặt hạ thần là đành chết chứ không chịu làm.
Vua và KIM PHƯỢNG , kinh ngạc - Không chịu làm?
Lê An - Thần đã dỗ dành, dọa nạt nhưng y vẫn chấp nê, y còn nói...
LÊ TƯƠNG DỰC - Nó nói sao? Cho ngươi cứ thực tâu bày.
Lê An - Tâu Hoàng thượng, y nói, nếu là đời vua Hồng Đức, y không ngại gì trổ hết tài năng xây một tòa cung điện nguy nga; còn Hoàng thượng, là... hôn quân, bạo chúa, xin Hoàng thượng tha chết cho hạ thần (người run bắn lên). Vì thế nên y nhất định không giúp Hoàng thượng xây đài.
LÊ TƯƠNG DỰC - Điệu nó ra chính pháp. Gầm trời không thiếu gì người tài hơn nó. Trẫm sẽ gọi hết cả thợ trong nước về xây đài, kẻ nào trái ý chém bêu đầu làm lệnh.
Lê An - Tâu Hoàng thượng nhưng nghìn năm chưa dễ có một người như Vũ Như Tô. Tội thì có to, tài thì nên dụng.
LÊ TƯƠNG DỰC - Ngươi muốn dung nó sao? Đầu ngươi cũng không vững hơn đầu nó (nghiến răng, mặt lộ vẻ tàn ác ghê gớm). Hãy đi bắt chín họ nó về, bất kỳ già trẻ lớn bé đem ra chợ chém ngang lưng bêu đầu ngoài chợ. Còn Vũ Như Tô thì giam nó lại, ngày đêm khảo đả, cho nó chịu muôn đường thống khổ, rồi đem làm tội lăng trì.
Lê An - Phụng mệnh.
KIM PHƯỢNG - Nhưng còn Cửu trùng đài?
LÊ TƯƠNG DỰC , mơ mộng - Cửu trùng đài! (dịu giọng bảo Lê An) Ngươi ra dẫn thằng Tô vào đây.
Lê An - Phụng mệnh.
Lê An ra, một tên nội giám vào.
Lớp IV
Vua - Kim Phượng - cung nữ - nội giám
Nội giám, quỳ tâu - Rước Hoàng thượng ra lâm triều. Có sứ thần Trung Quốc.
LÊ TƯƠNG DỰC , giậm chân - Phiền nhiễu vô cùng. Muốn yên không được. (quay bảo Kim Phượng) Cho khanh lui gót. (gọi to) Đan Thiềm.
Cung nữ và nội giám ra.
Lớp V
Vua - Đan Thiềm
ĐAN THIỀM - Hoàng thượng cho đòi thần thiếp?
LÊ TƯƠNG DỰC - Chốc nữa Vũ Như Tô vào đây mi dẫn một đội nữ binh canh gác điện này, đợi trẫm về ngay.
ĐAN THIỀM - Phụng mệnh. (Tương Dực ra) Muốn xây Cửu trùng đài mà coi thợ giỏi như rơm rác, hoa thơm nào còn đâm chồi nẩy lộc trên đất này? Kể cũng thương hại cho Như Tô, có tài nên mua vạ. Kìa hắn đến kia chăng?
Lớp VI
ĐAN THIỀM - Vũ Như Tô - Lính
Bọn lính áp giải Vũ Như Tô vào.
Chàng đeo gông, chân tay mang nặng xiềng xích.
Một người lính - Thưa bà, đây là Vũ Như Tô.
ĐAN THIỀM - Được. Cho lui.
Bọn lính ra.
Lớp VII
Đan Thiềm - Vũ Như Tô
ĐAN THIỀM - Trời xui khiến tôi gặp ông ở chốn này. Thực là duyên kỳ ngộ.
VŨ NHƯ TÔ - Tôi là một kẻ quê mùa, không biết những nhời mỉa mai bóng gió.
ĐAN THIỀM - Đây là thực tình. Ông đừng nghi kỵ. Chính tôi đang muốn gặp ông để nói chuyện.
VŨ NHƯ TÔ - Hỏi chuyện tôi! Để làm gì? Các người không thể nào hiểu được chuyện tôi, các người nông nổi...
ĐAN THIỀM - Ông mới gặp tôi, lấy cớ gì mà bảo tôi nông nổi?
VŨ NHƯ TÔ - Người ăn chơi thì đều nông nổi.
ĐAN THIỀM - Sao ông bảo tôi là người ăn chơi?
VŨ NHƯ TÔ - Cung nữ đều là tuồng ăn chơi. Huống chi trông quầng mắt thâm kia, tôi đoán chắc là người trong túy hương mộng cảnh.
ĐAN THIỀM - Ông nhầm lắm. Đôi mắt thâm quầng này là do những lúc thức khi người ngủ, khóc khi người cười, thương khi người ghét.
VŨ NHƯ TÔ - ủa? Bà nói như một người đồng bệnh.
ĐAN THIỀM - Chính là một người đồng bệnh, nên chưa biết ông, tôi đã ái ngại cho ông. Tài làm lụy ông, cũng như nhan sắc phụ người.
VŨ NHƯ TÔ - Thực mang tội với bà. Xin cho nghe chuyện.
ĐAN THIỀM - Ông tạm ngồi xuống cái đôn kia cũng được. Ông có mỏi không? Rõ khổ. Tài bao nhiêu lụy bấy nhiêu! Gông xích, trông ông tiều tụy quá, tôi lại càng thương số phận tôi.
Tôi bị tuyển vào cung từ năm 17 tuổi. Hồi ấy tôi đã có người dạm hỏi. Tôi bị giam trong cung ngày ngày bạn với cảnh già. Rồi từ đấy đến nay, ngót 20 năm tôi chỉ đóng vai thị nữ hầu hạ từ vua cho đến các phi tần, nhiều kẻ kém cả tài lẫn sắc.
VŨ NHƯ TÔ - Tôi không ngờ lại được biết một đời cung oán nhãn tiền.
ĐAN THIỀM - Thân tôi không đáng kể đã đành, nhưng còn ông?
VŨ NHƯ TÔ - Cũng là thân không đáng kể.
ĐAN THIỀM - Sao lại không đáng kể? Hữu tài tất hữu dụng.
VŨ NHƯ TÔ - Cảnh ngộ chúng tôi có khác chi cảnh ngộ bà? Có phần khổ nhục hơn nữa. Chế độ thì nghiệt ngã vô lý: nhà không cho làm cao, áo không cho mặc đẹp. Ai xây một kiểu nhà mới khả quan, thì lập tức kết vào tội lộng hành đem chém. Thành thử không ai dám vượt ra khuôn sáo nghìn xưa, nghề kiến trúc đọng lại như một vũng ao tù. Người có tài không được thi thố đành phải tiến về mặt tiểu xảo. Mà nói ngay đến những bọn này nào họ có được yên thân. Họ phải lẩn lút, giấu giếm. Vô phúc mà triều đình biết, thế là gia đình tan nát. Họ bị đóng cũi giải kinh, để làm những công việc nhà vua, thân giam trong nội như một tên trọng phạm, mãi đến khi mắt mờ, tay chậm, họ mới được thải hồi nguyên quán. Triều đình còn không ban cho họ một chút bổng nhờ để mưu sống buổi tàn niên. Cách đối đãi như thế, thì nhân tài nhiều sao được, mà ai chịu luyện tập cho thành tài? Thậm chí người ta nói kẻ có tài đã không giúp cho gia đình, còn là một cái vạ nữa.
ĐAN THIỀM - Thảo nào mà nước ta không có lấy một lâu đài nào ra hồn, khả dĩ sánh với những lâu đài Trung Quốc. Ngay cả Chiêm Thành cũng hơn ta nhiều lắm...
VŨ NHƯ TÔ - Tôi bẩm sinh có khiếu về kiến trúc. Tôi đã học văn, sau bỏ văn tập nghề, nhưng tập thì tập, vẫn lo nơm nớp, chỉ sợ triều đình biết, thì vợ con ở nhà nheo nhóc, mà mình cũng không biết bao giờ được tháo cũi xổ lồng. Vua Hồng Thuận ngày nay càng khinh rẻ chúng tôi, cách đối đãi lại bạc ác. Chẳng qua là cái nợ tài hoa, chứ thực ra theo nghề ở ta lợi chẳng có mà nhục thì nhiều.
ĐAN THIỀM - Chính vì thế mà ông càng đáng trọng.
VŨ NHƯ TÔ - Trọng để làm gì? Tìm danh vọng chúng tôi đã chẳng chọn nghề này. Đời lẩn lút...
ĐAN THIỀM - Vậy thì các ông luyện nghề làm gì, luyện mà không đem ra thi thố?
VŨ NHƯ TÔ - Đó là nỗi khổ tâm của chúng tôi. Biết đa mang là khổ nhục mà không sao bỏ được. Như bóng theo hình. Chúng tôi vẫn chờ dịp.
ĐAN THIỀM - Dịp đấy chứ đâu? Cửu trùng đài...
VŨ NHƯ TÔ - Bà đừng nói nữa cho tôi thêm đau lòng. Ngày ngày, tôi thấy các bạn thân bị bắt giải kinh, người nhà khóc như đưa ma. Còn tôi, mong manh tin quan đến bắt, tôi đem mẹ già, vợ và hai con nhỏ đi trốn. Được một năm có kẻ tố giác, quan địa phương đem lính tráng đến vây kín nơi tôi ở. Tôi biết là tuyệt lộ, mặc cho họ gông cùm. (Chàng rơm rớm nước mắt) Mẹ tôi chạy ra bị lính đẩy ngã, chết ngay bên chân tôi. Bọn sai nha lộng quyền quá thể. Rồi tôi bị giải lên tỉnh, từ tỉnh lên kinh, ăn uống kham khổ, roi vọt như mưa trên mình, lắm khi tôi chết lặng đi. Mẹ cháu lẽo đẽo theo sau, khóc lóc nhếch nhác, tôi càng đau xót can tràng. Cũng vì thế mà tôi thề là đành chết chứ không chịu làm gì.
ĐAN THIỀM - Cảnh ngộ của ông thì đáng thương thực. Nhưng ông nghĩ thế thì không được.
VŨ NHƯ TÔ - Sao vậy?
ĐAN THIỀM - Không được. Vì đức Hồng Thuận sẽ bắt ông chịu cực hình và còn đem chu di chín họ nhà ông. Ông đã tu được bao nhiêu công quả mà phạm vào tội đại ác ấy?
VŨ NHƯ TÔ - Tài đã không được trọng thì đem trả trời đất. Đó là lẽ thường. Cũng như nhan sắc...
ĐAN THIỀM - Không thể ví thế được, sắc vất đi được, nhưng tài phải đem dùng.
VŨ NHƯ TÔ - Bà đã thương tài xin giúp cho tôi trốn khỏi nơi này. Ơn đó xin...
ĐAN THIỀM - Tôi giúp cũng không khó gì. Nhưng ra khỏi chốn này liệu ông có thoát hẳn được không? Hơn nữa, cái vạ chu di cửu tộc vẫn còn chờ chờ ra đó. Ông đừng tính nước ấy, không nên.
VŨ NHƯ TÔ - Vậy bà khuyên tôi nên ở đây làm việc cho hôn quân sao?
ĐAN THIỀM - Miễn là ông không bỏ phí tài trời. Ông nên lợi dụng cơ hội đem tài ra thi thố.
VŨ NHƯ TÔ - Xây Cửu trùng đài?
ĐAN THIỀM - Phải.
VŨ NHƯ TÔ - Xây Cửu trùng đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được.
ĐAN THIỀM - Ông biết một mà không biết hai. Ông có tài, tài ấy phải đem cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cỏ cây. Ông không có tiền, ông không có thể dựng lấy một tòa đài như ý nguyện. Chấp kinh, phải tòng quyền. Đây là lúc ông nên mượn tay vua Hồng Thuận mà thực hành cái mộng lớn của ông... Ông khẽ tiếng. Đó là tiểu tiết. Ông cứ xây lấy một tòa đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp nước ngoài, thế là đủ. Hậu thế sẽ xét công cho ông, và nhớ ơn ông mãi mãi. Ông hãy nghe tôi làm cho đất Thăng Long này thành nơi kinh kỳ lộng lẫy nhất trần gian.
VŨ NHƯ TÔ - Đa tạ. Bà đã khai cho cái óc u mê này. Thiếu chút nữa, tôi nhỡ cả. Những lời vàng ngọc tôi xin lĩnh giáo. Trời quá yêu nên tôi mới được gặp bà.
ĐAN THIỀM - Tôi cũng may được gặp ông. Xin ông cố đi. Đức vua ngự tới.
LÊ TƯƠNG DỰC vào.
Lớp VIII
Hai người trên, thêm Lê Tương Dực
LÊ TƯƠNG DỰC - Đan Thiềm, đây có phải là Vũ Như Tô không?
ĐAN THIỀM - Tâu Hoàng thượng phải.
LÊ TƯƠNG DỰC - Được, cho mi ra. Mi không biết gì mà đứng đấy nghe chuyện.
ĐAN THIỀM cúi đầu đi ra - Vũ Như Tô tỏ ý tức giận.
Lớp IX
Bớt Đan Thiềm
LÊ TƯƠNG DỰC , cười gằn - Vũ Như Tô, mi không sợ chết sao?
VŨ NHƯ TÔ - Tâu Hoàng thượng, tiện nhân không sợ chết.
LÊ TƯƠNG DỰC - Người ta ai không tham sinh uý tử. Mi nói không sợ chết chẳng hóa ra vọng ngôn sao! Sao trẫm triệu vào kinh, mi lại trốn?
VŨ NHƯ TÔ - Tâu Hoàng thượng, tiện nhân trốn đi để tránh cho triều đình một tội ác.
LÊ TƯƠNG DỰC - Trẫm sai cắt lưỡi mi đi bây giờ!
VŨ NHƯ TÔ - Lời thẳng thì hay trái tai. Xin Hoàng thượng cho phép tiện nhân được nói. Tiện nhân có bị cực hình cũng không oán hận.
LÊ TƯƠNG DỰC - Trẫm đã khoan thứ cho mi nhiều lắm rồi.
VŨ NHƯ TÔ - Tâu Hoàng thượng, tiện nhân có tội gì mà Hoàng thượng phải khoan thứ? Tiện nhân không trộm cướp, không tham nhũng, không giết người, tiện nhân chỉ biết phụng dưỡng mẹ già, nuôi vợ, nuôi con. Đang yên ổn, bỗng dưng tiện nhân bị bắt, bị đóng gông tra xiềng rồi bị giải đi, ăn không được ăn, uống không được uống, nghỉ ở đâu cũng bị đem giam vào lao như những quân trọng phạm. Hỏi tiện nhân có tội gì?
LÊ TƯƠNG DỰC - Vua cần đến thì thần dân phải xả thân làm việc kỳ đến chết thì thôi.
VŨ NHƯ TÔ - Nhưng xử đãi thế thì ai muốn trau dồi nghề nghiệp? Kính sĩ mới đắc sĩ...
LÊ TƯƠNG DỰC - Kính sĩ đắc sĩ, mi là sĩ đấy ư: Mi dám tự phụ là sĩ thảo nào mi không sợ chết.
VŨ NHƯ TÔ - Sĩ mà không có chân tài thì tiện nhân không bàn. Anh em tiện nhân còn có những nguyện vọng sâu xa hơn đối với nước. Hoàng thượng quá nhầm về chữ sĩ. Một ông quan trị dân, với một người thợ giỏi, xây những lâu đài tráng quan, điểm xuyết cho đất nước, tiện nhân chưa biết người nào mới đáng gọi là sĩ.
LÊ TƯƠNG DỰC - Trẫm rộng lượng nên mi mới được ăn nói rông càn. Chẳng qua là trẫm mến tài, người khác thì đã mất đầu.
VŨ NHƯ TÔ - Thân này tiện nhân đã cầm chắc là không được toàn. Nhưng trước khi chết tiện nhân cũng cố hết sức biện bạch mong Hoàng thượng đừng coi rẻ anh em tiện nhân, ngõ hầu con em theo gót sau này được mở mày mở mặt. Những ân huệ ấy tiện nhân không xin cho mình - tiện nhân xin chịu chết mà xin cho lũ hậu tiến. Được biệt đãi, có địa vị thì những kẻ tài hoa mới xuất hiện, tranh nhau tô điểm nước non.
LÊ TƯƠNG DỰC - Đó là công việc của trẫm và các đại thần. Mi là một tên thợ không biết gì. Hãy nghe trẫm hỏi chuyện Cửu trùng đài. Một năm nay không xây được, trẫm lấy làm phiền lắm. Đài phải có trăm nóc, cao mười trượng, dài năm trăm trượng, mi có đủ tài xây được không?
VŨ NHƯ TÔ - Tiện nhân không thấy cái khó ở đâu cả. Tiện nhân tự xét, thực thừa sức xây Cửu trùng đài.
LÊ TƯƠNG DỰC - Mi định xây ra làm sao?
VŨ NHƯ TÔ - Điều tiện nhân xin lúc nãy, Hoàng thượng hãy chuẩn y cho đã.
LÊ TƯƠNG DỰC - Mi định ép ta sao? Đầu mi chỉ một lệnh truyền là không còn trên cổ.
VŨ NHƯ TÔ - Tiện nhân đã coi rẻ đầu này. Nó rơi lúc nào là xong một kiếp. Tiện nhân nhắc đi nhắc lại nhiều lần như thế, Hoàng thượng đã quên rồi sao? Chỉ vì tiền đồ nước ta mà tiện nhân xin Hoàng thượng trọng đãi thợ. Hoàng thượng không được khinh rẻ họ, không được ức hiếp họ (mắt sáng lên, nét mặt quả quyết). Được thế thì tiện nhân mới chịu làm, mà xin Hoàng thượng biết cho, đài Cửu trùng, phi Vũ Như Tô này, không ai làm nổi.
LÊ TƯƠNG DỰC , lòng tự tin của Vũ làm cho vua kinh ngạc - Sợ mi chỉ là một kẻ đại ngôn.
VŨ NHƯ TÔ - Tiện nhân dám nói thế, không phải là đại ngôn, nhưng vì tiện nhân tự biết tiện nhân. Trong hai mươi năm trời, tiện nhân khổ công trau nghề, nào hỏi, nào tập, nào khảo cứu, học cả văn chương toán pháp, địa lý, thiên văn, nghe tiếng ai giỏi là tìm đến thụ giáo, các đền đài dinh thự trong nước dù xa dù gần đều cố đi xem, cả những danh lam thắng tích ở Trung Quốc, ở Chiêm Thành, ở Tây Trúc cũng không quản đường trường, lần đến khảo sát, cũng vì thế mà ngày nay hơn bốn mươi tuổi đầu, tiện nhân mới có ít nhiều sở đắc, nói ra thì Hoàng thượng nửa tin, nửa ngờ. Trong suốt một năm đi trốn, tuy bị truy nã, khổ nhục trăm đường, tiện nhân cũng đã vẽ phác bản đồ Cửu trùng đài, tính toán đâu đấy và đã ghi hết cả trong một cuốn sổ.
LÊ TƯƠNG DỰC , mừng rỡ - Đâu cho trẫm xem.
VŨ NHƯ TÔ - Trong túi áo tiện nhân đây. Nhưng xin Hoàng thượng...
LÊ TƯƠNG DỰC - Đưa trẫm xem đã.
VŨ NHƯ TÔ - Xin Hoàng thượng trả lời tiện nhân đã.
LÊ TƯƠNG DỰC - Mi tưởng ta không lấy được của mi sao? (Đến lần túi Vũ Như Tô rút ra một bản đồ to và một quyển sổ dày).
VŨ NHƯ TÔ, khinh bỉ - Không ngờ Hoàng thượng!...
LÊ TƯƠNG DỰC , đặt bản đồ lên long kỷ, mặt mỗi lúc một tươi, một lúc lâu - Thực vừa ý trẫm. Nhiều chỗ trẫm không nghĩ tới! Cửu trùng đài! Trẫm có ý xây đài trên bờ Tây hồ. Đây là miếu công thần, đây là lầu vọng nguyệt. Đây là san hô sảnh, đây là điện vàng, điện ngọc, đây là đại uyển, tiểu uyển, đây là trà điện, nhạc điện... đứng trên đài cao ngất này bao quát được Long thành. (Đếm). Phải, đúng 100 nóc, hiển nhiên là hình trăm rồng tranh ngọc. Tráng quan lắm, ý trẫm lại muốn khơi một dòng nước từ chính điện thông ra hồ Tây, hai bên bờ trồng kỳ hoa dị thảo, để ngày ngày trẫm cùng cung nữ bơi thuyền hoa ra hồ ngoạn thưởng, mi nghĩ sao?
VŨ NHƯ TÔ - Được!
LÊ TƯƠNG DỰC - Vậy thì mi thêm vào.
VŨ NHƯ TÔ - Không thêm bớt gì cả. Đài cửu trùng không xây cho...
LÊ TƯƠNG DỰC - à mi giỏi thực! Lần này trẫm không tha mi nữa, trẫm cũng không cần mi nữa, (xem quyển sổ) đủ rồi. Đủ rồi, trẫm gọi thợ khác cứ theo đây mà xây, sửa chút ít là vừa ý trẫm. Còn mi, mi chờ quân đao phủ dẫn đi.
VŨ NHƯ TÔ - Đó là quyền Hoàng thượng. Nhưng... xây đài Cửu trùng không dễ thế đâu. Nếu chỉ xem sách mà làm được thì chán nhà nho đã thành Khổng Tử, chán vị tướng đã thành Tôn, Ngô, chán thi nhân đã thành Lý, Đỗ. Cần phải có mắt, có tai, có tâm huyết, có tay mình vào đó. Hoàng thượng cứ giữ lấy bản đồ, cầm lấy quyển sổ, đi tìm thợ giỏi, tiện nhân không dám nói sao, nhưng tiện nhân tin rằng không một kẻ nào làm nổi. Bản đồ kia chỉ là phần xác, nhưng phần hồn thì chỉ ở lòng tiện nhân, mà phần hồn mới là phần chính.
LÊ TƯƠNG DỰC , dịu giọng nhìn bản đồ say sưa - Mi định không giúp trẫm sao?
VŨ NHƯ TÔ - Tiện nhân dám đâu tiếc sức? Cũng mong giúp Hoàng thượng xây cho nước ta một tòa lâu đài nguy nga, cùng với vũ trụ trường tồn. Chỉ xin Hoàng thượng hai điều: thứ nhất, đài phải xây theo đúng kiểu bản đồ này, không thay đổi một ly nào. Thứ hai: Hoàng thượng và triều đình phải trọng đãi công ngang sĩ. Sách Trung dung có dạy “Lai bách công giã”. Hoàng thượng chắc còn nhớ đấy. Nước phú dân cường là nhờ ở đó. Hai điều đó không được, tiện nhân đành phí thân này.
LÊ TƯƠNG DỰC , trầm ngâm - Sao mi cứ băn khoăn?...
VŨ NHƯ TÔ - Không băn khoăn sao được? Khi anh em tiện nhân, chỉ vì có chút tài năng, mà phải cực nhục như quân có tội, thì kẻ này không thể nào ăn ngon ngủ yên được. Chính tiện nhân đây, cổ đeo gông, tay mang xiềng xích, nhục quá trâu ngựa, Hoàng thượng xử đãi như thế mà không biết ngượng sao?
LÊ TƯƠNG DỰC - Được, hai điều mi xin, trẫm cho cả. Trẫm chịu mi vậy. Nhưng mi phải đem hết sức ra xây Cửu trùng đài cho trẫm.
VŨ NHƯ TÔ - Được, Hoàng thượng cho hai điều ấy, tiện nhân dám đâu không hết sức. Huống chi xây Cửu trùng đài, vì Hoàng thượng thì ít, mà vì tiện nhân thì nhiều. Đã làm xin cúc cung tận tụy. Hoàng thượng tuyển cho năm vạn thợ và phải giao cho tiện nhân toàn quyền làm việc, kẻ nào trái lệnh chém bêu đầu. Có thế thì đài mới xong được.
LÊ TƯƠNG DỰC - Bao giờ xong?
VŨ NHƯ TÔ - Độ năm năm. Hoàng thượng liệu có thể theo cho đến buổi hoàn thành không?
LÊ TƯƠNG DỰC - Sao lại không? Ngay bây giờ, trẫm sai ban hành đạo chiếu. Và ngày mai bắt đầu làm việc.
VŨ NHƯ TÔ - Xin phụng mệnh. Nhưng gông và xiềng xích này Hoàng thượng còn bắt tiện nhân đeo đến bao giờ?
LÊ TƯƠNG DỰC , ngần ngại - Tháo cho mi, nhưng mi đừng phụ lòng trẫm.
VŨ NHƯ TÔ, nói to - Hoàng thượng coi tiện nhân là người thế nào? Đại trượng phu một nhời đã hứa, dẫu nhảy vào đống lửa cũng không từ.
LÊ TƯƠNG DỰC - Mi nên thành tâm giúp trẫm. Được, mi theo trẫm vào đây.
Màn hạ
Nhân vật
Lê Tương Dực - Vua nhà Lê 24 tuổi
Kim Phượng - Thứ phi 20 tuổi
Trịnh Duy Sản - Quận công 60 tuổi
Nguyễn Vũ - Đông các đại học sĩ 52 tuổi
Lê An - Công bộ thượng thư 58 tuổi
Vũ Như Tô - Kiến trúc sư 40 tuổi
Đan Thiềm - Cung nữ 38 tuổi
Thị Nhiên - Vợ Vũ Như Tô 40 tuổi
Hai Quát - Phó đốc công
Phó Bảo - Phó nề
Phó Cõi - Phó mộc
Phó Toét - Phó đúc
Phó Độ - Phó chạm
Lê Trung Mại - Thái giám 42 tuổi
Ngô Hạch - Võ sĩ của Trịnh Duy Sản 25 tuổi
Thái tử Chiêm Thành - 18 tuổi
Thợ - Nội giám - Cung nữ - Quân sĩ
Hồi thứ nhất
Một cung cấm của vua Lê
Lớp I
Lê Tương Dực - Kim Phượng - Cung nữ(Ăn mặc diêm dúa)
KIM PHƯỢNG - Tâu Hoàng thượng, có việc chi mà mặt rồng hớn hở. Việc bang giao với Trung Quốc đã xong xuôi hay sao?
LÊ TƯƠNG DỰC - Có phải đâu công việc ấy, trẫm mặc triều đình. Nội giám bay! Đem rượu trẫm uống. Trẫm vui đây là về việc Cửu trùng đài.
KIM PHƯỢNG - Cửu trùng đài!
LÊ TƯƠNG DỰC - Mộng của trẫm sắp thành. Trời quá yêu cho trẫm một người thợ giỏi. Suốt một năm trời tìm kiếm cũng không uổng công.
KIM PHƯỢNG - Tâu Hoàng thượng đó là ai?
LÊ TƯƠNG DỰC - Vũ Như Tô.
KIM PHƯỢNG - Vũ Như Tô!
LÊ TƯƠNG DỰC - Bấy lâu nay bao nhiêu thợ trong nội, bao nhiêu thợ chốn kinh kỳ, bao nhiêu thợ địa phương, trẫm đều không vừa ý. Rặt là phường tiểu xảo, không ai có quy mô to tát. Trẫm đã xuống chiếu cầu người tài. Nhiều quan đề bạt Vũ Như Tô. Trẫm cũng biết tiếng. Nhưng hắn ngu si, làm cao, còn đem vợ con đi trốn. Nay hắn bị đóng cũi giải về, rõ tự mình chuốc khổ, chứ có làm chi nên tội?
KIM PHƯỢNG - Thực là giống ngu si. Đứa thợ quèn thì chỉ chết già ở hang cùng ngõ hẻm! Mấy kẻ đã được quân vương biết tới? Hay là để người đời khinh rẻ như bèo. Thực là giống ngu si.
LÊ TƯƠNG DỰC - Nhưng hắn là một người thợ có hoa tay tuyệt thế, chạm trổ, nạm đục, xây dựng không kém đường gì. Lại có tài đào muôn kiểu hồ, vẽ những vườn hoa lộng lẫy như Bồng lai. Hắn còn là một tay hội họa khác thường: Chỉ một vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công. Còn cái tài tính toán thì không lời nào tả hết. Hắn sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ. Khanh cho thế là ngạc nhiên sao? Cửu trùng đài tới nay không ai dựng nổi, rồi đây Vũ sẽ xây nhanh chóng như đài nhất dạ, huy hoàng tráng lệ như đài Cô Tô. Trẫm sẽ cùng khanh vui sướng mặc cả sự đời. Khanh tính sao?
KIM PHƯỢNG - Thực là phúc lớn cho chị em thần thiếp, trời mới xui cho thánh thượng gặp người tài. Xin chúc thánh hoàng vạn tuế, để chị em thần thiếp được hưởng ơn trời.
LÊ TƯƠNG DỰC - ái khanh buổi nay tươi đẹp bội phần. Bay đâu, tấu nhã nhạc lên. Trẫm muốn theo Minh Hoàng đưa hồn vào cõi mộng... Ước gì trẫm cùng khanh sống mãi tuổi thanh xuân...
Đan Thiềm vào.
Lớp II
Những người trước, thêm Đan Thiềm
ĐAN THIỀM, quỳ xuống - Tâu Hoàng thượng!...
Vua cau mặt và các cung nữ nguýt khinh bỉ.
LÊ TƯƠNG DỰC - Có việc chi, mi vào hoãn cuộc vui? Đây là lần thứ mấy?
ĐAN THIỀM - Tâu Hoàng thượng, thần thiếp có bao giờ dám vượt phận hèn? Nguyên quan thượng thư công bộ xin vào bệ kiến tâu việc Vũ Như Tô.
LÊ TƯƠNG DỰC , quay phắt lại - ồ! Đã giải nó về kinh rồi à? Cho quan công bộ vào.
ĐAN THIỀM ra, Kim Phượng và bầy cung nữ đứng sau lưng vua. Lê An vào.
Lớp III
Vua - Kim Phượng - Cung nữ - Lê An
Lê An, quỳ xuống - Vạn tuế!
LÊ TƯƠNG DỰC - Cho phép ngươi đứng dậy.
Lê An, đứng dậy, sợ sệt - Tâu Hoàng thượng, Vũ Như Tô đã giải về kinh.
LÊ TƯƠNG DỰC - Mau dẫn nó vào đây. Trẫm đang mong đợi.
Lê An, ngập ngừng - Nhưng muôn tâu Hoàng thượng... y...
LÊ TƯƠNG DỰC - Sao?
Lê An - ... là một kẻ quê mùa...
LÊ TƯƠNG DỰC - Không sao!
Lê An - Y còn là một tên vô lễ, khinh đại thần, khinh triều đình.
LÊ TƯƠNG DỰC - Là một tên thợ quèn, nó dám hỗn láo như vậy à?
Lê An - Tâu Hoàng thượng y còn khinh cả...
LÊ TƯƠNG DỰC - Cả ai? Khinh cả trẫm?
Lê An - Hoàng thượng...
LÊ TƯƠNG DỰC - Trẫm? Quân vô lễ! Nó không sợ chết hay sao?
Lê An - Chính y không sợ chết nên mới dám buông những nhời bất kính, thần không dám nói ra đây.
LÊ TƯƠNG DỰC - Nó thấy trẫm cần đến mà ngông cuồng sao? Đem nó ra chính pháp.
KIM PHƯỢNG - Tâu Hoàng thượng nhưng còn Cửu trùng đài?
LÊ TƯƠNG DỰC , mơ mộng - Cửu trùng đài?
Lê An - Cửu trùng đài! Tâu Hoàng thượng, y khai trước mặt hạ thần là đành chết chứ không chịu làm.
Vua và KIM PHƯỢNG , kinh ngạc - Không chịu làm?
Lê An - Thần đã dỗ dành, dọa nạt nhưng y vẫn chấp nê, y còn nói...
LÊ TƯƠNG DỰC - Nó nói sao? Cho ngươi cứ thực tâu bày.
Lê An - Tâu Hoàng thượng, y nói, nếu là đời vua Hồng Đức, y không ngại gì trổ hết tài năng xây một tòa cung điện nguy nga; còn Hoàng thượng, là... hôn quân, bạo chúa, xin Hoàng thượng tha chết cho hạ thần (người run bắn lên). Vì thế nên y nhất định không giúp Hoàng thượng xây đài.
LÊ TƯƠNG DỰC - Điệu nó ra chính pháp. Gầm trời không thiếu gì người tài hơn nó. Trẫm sẽ gọi hết cả thợ trong nước về xây đài, kẻ nào trái ý chém bêu đầu làm lệnh.
Lê An - Tâu Hoàng thượng nhưng nghìn năm chưa dễ có một người như Vũ Như Tô. Tội thì có to, tài thì nên dụng.
LÊ TƯƠNG DỰC - Ngươi muốn dung nó sao? Đầu ngươi cũng không vững hơn đầu nó (nghiến răng, mặt lộ vẻ tàn ác ghê gớm). Hãy đi bắt chín họ nó về, bất kỳ già trẻ lớn bé đem ra chợ chém ngang lưng bêu đầu ngoài chợ. Còn Vũ Như Tô thì giam nó lại, ngày đêm khảo đả, cho nó chịu muôn đường thống khổ, rồi đem làm tội lăng trì.
Lê An - Phụng mệnh.
KIM PHƯỢNG - Nhưng còn Cửu trùng đài?
LÊ TƯƠNG DỰC , mơ mộng - Cửu trùng đài! (dịu giọng bảo Lê An) Ngươi ra dẫn thằng Tô vào đây.
Lê An - Phụng mệnh.
Lê An ra, một tên nội giám vào.
Lớp IV
Vua - Kim Phượng - cung nữ - nội giám
Nội giám, quỳ tâu - Rước Hoàng thượng ra lâm triều. Có sứ thần Trung Quốc.
LÊ TƯƠNG DỰC , giậm chân - Phiền nhiễu vô cùng. Muốn yên không được. (quay bảo Kim Phượng) Cho khanh lui gót. (gọi to) Đan Thiềm.
Cung nữ và nội giám ra.
Lớp V
Vua - Đan Thiềm
ĐAN THIỀM - Hoàng thượng cho đòi thần thiếp?
LÊ TƯƠNG DỰC - Chốc nữa Vũ Như Tô vào đây mi dẫn một đội nữ binh canh gác điện này, đợi trẫm về ngay.
ĐAN THIỀM - Phụng mệnh. (Tương Dực ra) Muốn xây Cửu trùng đài mà coi thợ giỏi như rơm rác, hoa thơm nào còn đâm chồi nẩy lộc trên đất này? Kể cũng thương hại cho Như Tô, có tài nên mua vạ. Kìa hắn đến kia chăng?
Lớp VI
ĐAN THIỀM - Vũ Như Tô - Lính
Bọn lính áp giải Vũ Như Tô vào.
Chàng đeo gông, chân tay mang nặng xiềng xích.
Một người lính - Thưa bà, đây là Vũ Như Tô.
ĐAN THIỀM - Được. Cho lui.
Bọn lính ra.
Lớp VII
Đan Thiềm - Vũ Như Tô
ĐAN THIỀM - Trời xui khiến tôi gặp ông ở chốn này. Thực là duyên kỳ ngộ.
VŨ NHƯ TÔ - Tôi là một kẻ quê mùa, không biết những nhời mỉa mai bóng gió.
ĐAN THIỀM - Đây là thực tình. Ông đừng nghi kỵ. Chính tôi đang muốn gặp ông để nói chuyện.
VŨ NHƯ TÔ - Hỏi chuyện tôi! Để làm gì? Các người không thể nào hiểu được chuyện tôi, các người nông nổi...
ĐAN THIỀM - Ông mới gặp tôi, lấy cớ gì mà bảo tôi nông nổi?
VŨ NHƯ TÔ - Người ăn chơi thì đều nông nổi.
ĐAN THIỀM - Sao ông bảo tôi là người ăn chơi?
VŨ NHƯ TÔ - Cung nữ đều là tuồng ăn chơi. Huống chi trông quầng mắt thâm kia, tôi đoán chắc là người trong túy hương mộng cảnh.
ĐAN THIỀM - Ông nhầm lắm. Đôi mắt thâm quầng này là do những lúc thức khi người ngủ, khóc khi người cười, thương khi người ghét.
VŨ NHƯ TÔ - ủa? Bà nói như một người đồng bệnh.
ĐAN THIỀM - Chính là một người đồng bệnh, nên chưa biết ông, tôi đã ái ngại cho ông. Tài làm lụy ông, cũng như nhan sắc phụ người.
VŨ NHƯ TÔ - Thực mang tội với bà. Xin cho nghe chuyện.
ĐAN THIỀM - Ông tạm ngồi xuống cái đôn kia cũng được. Ông có mỏi không? Rõ khổ. Tài bao nhiêu lụy bấy nhiêu! Gông xích, trông ông tiều tụy quá, tôi lại càng thương số phận tôi.
Tôi bị tuyển vào cung từ năm 17 tuổi. Hồi ấy tôi đã có người dạm hỏi. Tôi bị giam trong cung ngày ngày bạn với cảnh già. Rồi từ đấy đến nay, ngót 20 năm tôi chỉ đóng vai thị nữ hầu hạ từ vua cho đến các phi tần, nhiều kẻ kém cả tài lẫn sắc.
VŨ NHƯ TÔ - Tôi không ngờ lại được biết một đời cung oán nhãn tiền.
ĐAN THIỀM - Thân tôi không đáng kể đã đành, nhưng còn ông?
VŨ NHƯ TÔ - Cũng là thân không đáng kể.
ĐAN THIỀM - Sao lại không đáng kể? Hữu tài tất hữu dụng.
VŨ NHƯ TÔ - Cảnh ngộ chúng tôi có khác chi cảnh ngộ bà? Có phần khổ nhục hơn nữa. Chế độ thì nghiệt ngã vô lý: nhà không cho làm cao, áo không cho mặc đẹp. Ai xây một kiểu nhà mới khả quan, thì lập tức kết vào tội lộng hành đem chém. Thành thử không ai dám vượt ra khuôn sáo nghìn xưa, nghề kiến trúc đọng lại như một vũng ao tù. Người có tài không được thi thố đành phải tiến về mặt tiểu xảo. Mà nói ngay đến những bọn này nào họ có được yên thân. Họ phải lẩn lút, giấu giếm. Vô phúc mà triều đình biết, thế là gia đình tan nát. Họ bị đóng cũi giải kinh, để làm những công việc nhà vua, thân giam trong nội như một tên trọng phạm, mãi đến khi mắt mờ, tay chậm, họ mới được thải hồi nguyên quán. Triều đình còn không ban cho họ một chút bổng nhờ để mưu sống buổi tàn niên. Cách đối đãi như thế, thì nhân tài nhiều sao được, mà ai chịu luyện tập cho thành tài? Thậm chí người ta nói kẻ có tài đã không giúp cho gia đình, còn là một cái vạ nữa.
ĐAN THIỀM - Thảo nào mà nước ta không có lấy một lâu đài nào ra hồn, khả dĩ sánh với những lâu đài Trung Quốc. Ngay cả Chiêm Thành cũng hơn ta nhiều lắm...
VŨ NHƯ TÔ - Tôi bẩm sinh có khiếu về kiến trúc. Tôi đã học văn, sau bỏ văn tập nghề, nhưng tập thì tập, vẫn lo nơm nớp, chỉ sợ triều đình biết, thì vợ con ở nhà nheo nhóc, mà mình cũng không biết bao giờ được tháo cũi xổ lồng. Vua Hồng Thuận ngày nay càng khinh rẻ chúng tôi, cách đối đãi lại bạc ác. Chẳng qua là cái nợ tài hoa, chứ thực ra theo nghề ở ta lợi chẳng có mà nhục thì nhiều.
ĐAN THIỀM - Chính vì thế mà ông càng đáng trọng.
VŨ NHƯ TÔ - Trọng để làm gì? Tìm danh vọng chúng tôi đã chẳng chọn nghề này. Đời lẩn lút...
ĐAN THIỀM - Vậy thì các ông luyện nghề làm gì, luyện mà không đem ra thi thố?
VŨ NHƯ TÔ - Đó là nỗi khổ tâm của chúng tôi. Biết đa mang là khổ nhục mà không sao bỏ được. Như bóng theo hình. Chúng tôi vẫn chờ dịp.
ĐAN THIỀM - Dịp đấy chứ đâu? Cửu trùng đài...
VŨ NHƯ TÔ - Bà đừng nói nữa cho tôi thêm đau lòng. Ngày ngày, tôi thấy các bạn thân bị bắt giải kinh, người nhà khóc như đưa ma. Còn tôi, mong manh tin quan đến bắt, tôi đem mẹ già, vợ và hai con nhỏ đi trốn. Được một năm có kẻ tố giác, quan địa phương đem lính tráng đến vây kín nơi tôi ở. Tôi biết là tuyệt lộ, mặc cho họ gông cùm. (Chàng rơm rớm nước mắt) Mẹ tôi chạy ra bị lính đẩy ngã, chết ngay bên chân tôi. Bọn sai nha lộng quyền quá thể. Rồi tôi bị giải lên tỉnh, từ tỉnh lên kinh, ăn uống kham khổ, roi vọt như mưa trên mình, lắm khi tôi chết lặng đi. Mẹ cháu lẽo đẽo theo sau, khóc lóc nhếch nhác, tôi càng đau xót can tràng. Cũng vì thế mà tôi thề là đành chết chứ không chịu làm gì.
ĐAN THIỀM - Cảnh ngộ của ông thì đáng thương thực. Nhưng ông nghĩ thế thì không được.
VŨ NHƯ TÔ - Sao vậy?
ĐAN THIỀM - Không được. Vì đức Hồng Thuận sẽ bắt ông chịu cực hình và còn đem chu di chín họ nhà ông. Ông đã tu được bao nhiêu công quả mà phạm vào tội đại ác ấy?
VŨ NHƯ TÔ - Tài đã không được trọng thì đem trả trời đất. Đó là lẽ thường. Cũng như nhan sắc...
ĐAN THIỀM - Không thể ví thế được, sắc vất đi được, nhưng tài phải đem dùng.
VŨ NHƯ TÔ - Bà đã thương tài xin giúp cho tôi trốn khỏi nơi này. Ơn đó xin...
ĐAN THIỀM - Tôi giúp cũng không khó gì. Nhưng ra khỏi chốn này liệu ông có thoát hẳn được không? Hơn nữa, cái vạ chu di cửu tộc vẫn còn chờ chờ ra đó. Ông đừng tính nước ấy, không nên.
VŨ NHƯ TÔ - Vậy bà khuyên tôi nên ở đây làm việc cho hôn quân sao?
ĐAN THIỀM - Miễn là ông không bỏ phí tài trời. Ông nên lợi dụng cơ hội đem tài ra thi thố.
VŨ NHƯ TÔ - Xây Cửu trùng đài?
ĐAN THIỀM - Phải.
VŨ NHƯ TÔ - Xây Cửu trùng đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được.
ĐAN THIỀM - Ông biết một mà không biết hai. Ông có tài, tài ấy phải đem cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cỏ cây. Ông không có tiền, ông không có thể dựng lấy một tòa đài như ý nguyện. Chấp kinh, phải tòng quyền. Đây là lúc ông nên mượn tay vua Hồng Thuận mà thực hành cái mộng lớn của ông... Ông khẽ tiếng. Đó là tiểu tiết. Ông cứ xây lấy một tòa đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp nước ngoài, thế là đủ. Hậu thế sẽ xét công cho ông, và nhớ ơn ông mãi mãi. Ông hãy nghe tôi làm cho đất Thăng Long này thành nơi kinh kỳ lộng lẫy nhất trần gian.
VŨ NHƯ TÔ - Đa tạ. Bà đã khai cho cái óc u mê này. Thiếu chút nữa, tôi nhỡ cả. Những lời vàng ngọc tôi xin lĩnh giáo. Trời quá yêu nên tôi mới được gặp bà.
ĐAN THIỀM - Tôi cũng may được gặp ông. Xin ông cố đi. Đức vua ngự tới.
LÊ TƯƠNG DỰC vào.
Lớp VIII
Hai người trên, thêm Lê Tương Dực
LÊ TƯƠNG DỰC - Đan Thiềm, đây có phải là Vũ Như Tô không?
ĐAN THIỀM - Tâu Hoàng thượng phải.
LÊ TƯƠNG DỰC - Được, cho mi ra. Mi không biết gì mà đứng đấy nghe chuyện.
ĐAN THIỀM cúi đầu đi ra - Vũ Như Tô tỏ ý tức giận.
Lớp IX
Bớt Đan Thiềm
LÊ TƯƠNG DỰC , cười gằn - Vũ Như Tô, mi không sợ chết sao?
VŨ NHƯ TÔ - Tâu Hoàng thượng, tiện nhân không sợ chết.
LÊ TƯƠNG DỰC - Người ta ai không tham sinh uý tử. Mi nói không sợ chết chẳng hóa ra vọng ngôn sao! Sao trẫm triệu vào kinh, mi lại trốn?
VŨ NHƯ TÔ - Tâu Hoàng thượng, tiện nhân trốn đi để tránh cho triều đình một tội ác.
LÊ TƯƠNG DỰC - Trẫm sai cắt lưỡi mi đi bây giờ!
VŨ NHƯ TÔ - Lời thẳng thì hay trái tai. Xin Hoàng thượng cho phép tiện nhân được nói. Tiện nhân có bị cực hình cũng không oán hận.
LÊ TƯƠNG DỰC - Trẫm đã khoan thứ cho mi nhiều lắm rồi.
VŨ NHƯ TÔ - Tâu Hoàng thượng, tiện nhân có tội gì mà Hoàng thượng phải khoan thứ? Tiện nhân không trộm cướp, không tham nhũng, không giết người, tiện nhân chỉ biết phụng dưỡng mẹ già, nuôi vợ, nuôi con. Đang yên ổn, bỗng dưng tiện nhân bị bắt, bị đóng gông tra xiềng rồi bị giải đi, ăn không được ăn, uống không được uống, nghỉ ở đâu cũng bị đem giam vào lao như những quân trọng phạm. Hỏi tiện nhân có tội gì?
LÊ TƯƠNG DỰC - Vua cần đến thì thần dân phải xả thân làm việc kỳ đến chết thì thôi.
VŨ NHƯ TÔ - Nhưng xử đãi thế thì ai muốn trau dồi nghề nghiệp? Kính sĩ mới đắc sĩ...
LÊ TƯƠNG DỰC - Kính sĩ đắc sĩ, mi là sĩ đấy ư: Mi dám tự phụ là sĩ thảo nào mi không sợ chết.
VŨ NHƯ TÔ - Sĩ mà không có chân tài thì tiện nhân không bàn. Anh em tiện nhân còn có những nguyện vọng sâu xa hơn đối với nước. Hoàng thượng quá nhầm về chữ sĩ. Một ông quan trị dân, với một người thợ giỏi, xây những lâu đài tráng quan, điểm xuyết cho đất nước, tiện nhân chưa biết người nào mới đáng gọi là sĩ.
LÊ TƯƠNG DỰC - Trẫm rộng lượng nên mi mới được ăn nói rông càn. Chẳng qua là trẫm mến tài, người khác thì đã mất đầu.
VŨ NHƯ TÔ - Thân này tiện nhân đã cầm chắc là không được toàn. Nhưng trước khi chết tiện nhân cũng cố hết sức biện bạch mong Hoàng thượng đừng coi rẻ anh em tiện nhân, ngõ hầu con em theo gót sau này được mở mày mở mặt. Những ân huệ ấy tiện nhân không xin cho mình - tiện nhân xin chịu chết mà xin cho lũ hậu tiến. Được biệt đãi, có địa vị thì những kẻ tài hoa mới xuất hiện, tranh nhau tô điểm nước non.
LÊ TƯƠNG DỰC - Đó là công việc của trẫm và các đại thần. Mi là một tên thợ không biết gì. Hãy nghe trẫm hỏi chuyện Cửu trùng đài. Một năm nay không xây được, trẫm lấy làm phiền lắm. Đài phải có trăm nóc, cao mười trượng, dài năm trăm trượng, mi có đủ tài xây được không?
VŨ NHƯ TÔ - Tiện nhân không thấy cái khó ở đâu cả. Tiện nhân tự xét, thực thừa sức xây Cửu trùng đài.
LÊ TƯƠNG DỰC - Mi định xây ra làm sao?
VŨ NHƯ TÔ - Điều tiện nhân xin lúc nãy, Hoàng thượng hãy chuẩn y cho đã.
LÊ TƯƠNG DỰC - Mi định ép ta sao? Đầu mi chỉ một lệnh truyền là không còn trên cổ.
VŨ NHƯ TÔ - Tiện nhân đã coi rẻ đầu này. Nó rơi lúc nào là xong một kiếp. Tiện nhân nhắc đi nhắc lại nhiều lần như thế, Hoàng thượng đã quên rồi sao? Chỉ vì tiền đồ nước ta mà tiện nhân xin Hoàng thượng trọng đãi thợ. Hoàng thượng không được khinh rẻ họ, không được ức hiếp họ (mắt sáng lên, nét mặt quả quyết). Được thế thì tiện nhân mới chịu làm, mà xin Hoàng thượng biết cho, đài Cửu trùng, phi Vũ Như Tô này, không ai làm nổi.
LÊ TƯƠNG DỰC , lòng tự tin của Vũ làm cho vua kinh ngạc - Sợ mi chỉ là một kẻ đại ngôn.
VŨ NHƯ TÔ - Tiện nhân dám nói thế, không phải là đại ngôn, nhưng vì tiện nhân tự biết tiện nhân. Trong hai mươi năm trời, tiện nhân khổ công trau nghề, nào hỏi, nào tập, nào khảo cứu, học cả văn chương toán pháp, địa lý, thiên văn, nghe tiếng ai giỏi là tìm đến thụ giáo, các đền đài dinh thự trong nước dù xa dù gần đều cố đi xem, cả những danh lam thắng tích ở Trung Quốc, ở Chiêm Thành, ở Tây Trúc cũng không quản đường trường, lần đến khảo sát, cũng vì thế mà ngày nay hơn bốn mươi tuổi đầu, tiện nhân mới có ít nhiều sở đắc, nói ra thì Hoàng thượng nửa tin, nửa ngờ. Trong suốt một năm đi trốn, tuy bị truy nã, khổ nhục trăm đường, tiện nhân cũng đã vẽ phác bản đồ Cửu trùng đài, tính toán đâu đấy và đã ghi hết cả trong một cuốn sổ.
LÊ TƯƠNG DỰC , mừng rỡ - Đâu cho trẫm xem.
VŨ NHƯ TÔ - Trong túi áo tiện nhân đây. Nhưng xin Hoàng thượng...
LÊ TƯƠNG DỰC - Đưa trẫm xem đã.
VŨ NHƯ TÔ - Xin Hoàng thượng trả lời tiện nhân đã.
LÊ TƯƠNG DỰC - Mi tưởng ta không lấy được của mi sao? (Đến lần túi Vũ Như Tô rút ra một bản đồ to và một quyển sổ dày).
VŨ NHƯ TÔ, khinh bỉ - Không ngờ Hoàng thượng!...
LÊ TƯƠNG DỰC , đặt bản đồ lên long kỷ, mặt mỗi lúc một tươi, một lúc lâu - Thực vừa ý trẫm. Nhiều chỗ trẫm không nghĩ tới! Cửu trùng đài! Trẫm có ý xây đài trên bờ Tây hồ. Đây là miếu công thần, đây là lầu vọng nguyệt. Đây là san hô sảnh, đây là điện vàng, điện ngọc, đây là đại uyển, tiểu uyển, đây là trà điện, nhạc điện... đứng trên đài cao ngất này bao quát được Long thành. (Đếm). Phải, đúng 100 nóc, hiển nhiên là hình trăm rồng tranh ngọc. Tráng quan lắm, ý trẫm lại muốn khơi một dòng nước từ chính điện thông ra hồ Tây, hai bên bờ trồng kỳ hoa dị thảo, để ngày ngày trẫm cùng cung nữ bơi thuyền hoa ra hồ ngoạn thưởng, mi nghĩ sao?
VŨ NHƯ TÔ - Được!
LÊ TƯƠNG DỰC - Vậy thì mi thêm vào.
VŨ NHƯ TÔ - Không thêm bớt gì cả. Đài cửu trùng không xây cho...
LÊ TƯƠNG DỰC - à mi giỏi thực! Lần này trẫm không tha mi nữa, trẫm cũng không cần mi nữa, (xem quyển sổ) đủ rồi. Đủ rồi, trẫm gọi thợ khác cứ theo đây mà xây, sửa chút ít là vừa ý trẫm. Còn mi, mi chờ quân đao phủ dẫn đi.
VŨ NHƯ TÔ - Đó là quyền Hoàng thượng. Nhưng... xây đài Cửu trùng không dễ thế đâu. Nếu chỉ xem sách mà làm được thì chán nhà nho đã thành Khổng Tử, chán vị tướng đã thành Tôn, Ngô, chán thi nhân đã thành Lý, Đỗ. Cần phải có mắt, có tai, có tâm huyết, có tay mình vào đó. Hoàng thượng cứ giữ lấy bản đồ, cầm lấy quyển sổ, đi tìm thợ giỏi, tiện nhân không dám nói sao, nhưng tiện nhân tin rằng không một kẻ nào làm nổi. Bản đồ kia chỉ là phần xác, nhưng phần hồn thì chỉ ở lòng tiện nhân, mà phần hồn mới là phần chính.
LÊ TƯƠNG DỰC , dịu giọng nhìn bản đồ say sưa - Mi định không giúp trẫm sao?
VŨ NHƯ TÔ - Tiện nhân dám đâu tiếc sức? Cũng mong giúp Hoàng thượng xây cho nước ta một tòa lâu đài nguy nga, cùng với vũ trụ trường tồn. Chỉ xin Hoàng thượng hai điều: thứ nhất, đài phải xây theo đúng kiểu bản đồ này, không thay đổi một ly nào. Thứ hai: Hoàng thượng và triều đình phải trọng đãi công ngang sĩ. Sách Trung dung có dạy “Lai bách công giã”. Hoàng thượng chắc còn nhớ đấy. Nước phú dân cường là nhờ ở đó. Hai điều đó không được, tiện nhân đành phí thân này.
LÊ TƯƠNG DỰC , trầm ngâm - Sao mi cứ băn khoăn?...
VŨ NHƯ TÔ - Không băn khoăn sao được? Khi anh em tiện nhân, chỉ vì có chút tài năng, mà phải cực nhục như quân có tội, thì kẻ này không thể nào ăn ngon ngủ yên được. Chính tiện nhân đây, cổ đeo gông, tay mang xiềng xích, nhục quá trâu ngựa, Hoàng thượng xử đãi như thế mà không biết ngượng sao?
LÊ TƯƠNG DỰC - Được, hai điều mi xin, trẫm cho cả. Trẫm chịu mi vậy. Nhưng mi phải đem hết sức ra xây Cửu trùng đài cho trẫm.
VŨ NHƯ TÔ - Được, Hoàng thượng cho hai điều ấy, tiện nhân dám đâu không hết sức. Huống chi xây Cửu trùng đài, vì Hoàng thượng thì ít, mà vì tiện nhân thì nhiều. Đã làm xin cúc cung tận tụy. Hoàng thượng tuyển cho năm vạn thợ và phải giao cho tiện nhân toàn quyền làm việc, kẻ nào trái lệnh chém bêu đầu. Có thế thì đài mới xong được.
LÊ TƯƠNG DỰC - Bao giờ xong?
VŨ NHƯ TÔ - Độ năm năm. Hoàng thượng liệu có thể theo cho đến buổi hoàn thành không?
LÊ TƯƠNG DỰC - Sao lại không? Ngay bây giờ, trẫm sai ban hành đạo chiếu. Và ngày mai bắt đầu làm việc.
VŨ NHƯ TÔ - Xin phụng mệnh. Nhưng gông và xiềng xích này Hoàng thượng còn bắt tiện nhân đeo đến bao giờ?
LÊ TƯƠNG DỰC , ngần ngại - Tháo cho mi, nhưng mi đừng phụ lòng trẫm.
VŨ NHƯ TÔ, nói to - Hoàng thượng coi tiện nhân là người thế nào? Đại trượng phu một nhời đã hứa, dẫu nhảy vào đống lửa cũng không từ.
LÊ TƯƠNG DỰC - Mi nên thành tâm giúp trẫm. Được, mi theo trẫm vào đây.
Màn hạ