Du mục kỹ thuật số - Thời đại "phượt số"

Hide Nguyễn

Du mục số
Du mục kỹ thuật số là gì?

Những du mục kỹ thuật số, còn được gọi là những du mục toàn cầu, là những người có địa điểm làm việc độc lập và sử dụng công nghệ để làm việc. Những du mục kỹ thuật số thường di chuyển đến các quốc gia khác nhau trên thế giới và làm việc từ xa. Điều hoàn toàn có thể ở thời điểm hiện tại do Internet giá rẻ, sự xuất hiện của điện thoại thông minh và thoại qua giao thức Internet (VoIP) cho phép họ giữ liên lạc với cấp trên và khách hàng.

Hay nói cách khác, "du mục kỹ thuật số"- digital nomad, hiện được mường tượng như một lối sống trong mơ. Trong đó, các bạn có thể đi du lịch khắp nơi, vừa tận hưởng vừa làm những công việc tự do mà mình muốn, lại không phải lo tích luỹ quá nhiều tiền bạc. Họ có thể làm việc với đối tác ngay trên một bãi biển và nhâm nhi nước dừa, miễn là có một chiếc laptop và một đường truyền internet tốt.

Những du mục kỹ thuật số thường là những người trẻ tuổi và công việc của họ thuộc hầu hết các ngành trong nền kinh tế tri thức như marketing, thiết kế, IT, viết lách, truyền thông, gia sư, tư vấn,…

photo-0-1495855476950.jpg

Xê dịch là đặc điểm của thời đại số hóa. Ảnh sưu tầm

Không có con số chính thức nào về số lượng du mục kỹ thuật số hiện đang đi du lịch trên khắp thế giới, nhưng theo Open Colleges của Australia, thì đến năm 2020, 1/3 người Mỹ sẽ làm việc tại nhà, do đó tiềm năng tăng trưởng là rất lớn.

Nó lớn đến mức, một chuyên gia dự đoán rằng đến năm 2035 sẽ có tới 1 tỷ du mục kỹ thuật số. Rõ ràng, đó không phải là một xu hướng nhất thời.

Hầu hết những vị khách du lịch kiểu mới này là millenials – những người sinh ra giữa 1980 và 2000. Họ cảm thấy chán nản với những công việc làm giờ hành chính, coi trọng trải nghiệm, đặc biệt là du lịch, hơn của cải vật chất. Bên cạnh millenials, thì baby boomers (những người sinh trong khoảng thời gian 1946 – 1964 ở Anh, Mỹ, Canada và Australia) và những người thay đổi nghề nghiệp cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong số du mục kỹ thuật số.

Có nên trở thành một 'du mục kỹ thuật số'?

Có nhiều thứ bạn sẽ phải chuẩn bị và đánh đổi để bắt đầu cuộc hành trình này, trong đó tiền bạc, chuyên môn và kỹ năng sống là những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Lulu Anderson là một "du mục kỹ thuật số" người Mỹ. Cô từng đến Việt Nam vào tháng 5/2016 và làm việc hai tháng tại không gian làm việc chung Dreamplex. Hiện cô đang ở Montenegro, một quốc gia nhỏ tại châu Âu và làm tư vấn từ xa các chiến lược marketing kỹ thuật số cho các công ty trên khắp thế giới.

Lulu-anderson-tai-Da-Nang-jpeg-8492-3411-1475329234.jpg

Lulu Anderson thừa nhận thu nhập trong thời gian làm một "du mục kỹ thuật số" không cao và phải đối phó với nhiều khó khăn.


Trước khi bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới của mình, Lulu từng là một quản lý cấp cao cho một công ty dược phẩm lớn tại Mỹ. Sau đó, cô mở công ty truyền thông của riêng mình và tập trung vào mảng kỹ thuật số. Cô cũng từng làm quản lý marketing kỹ thuật số cho nhiều thương hiệu lớn tại Mỹ như: Lululemon, TJ Maxx, Hasbro...

Cô bắt đầu du lịch vòng quanh thế giới vào tháng 10/2015 với điểm đến đầu tiên là Indonesia, sau đó là Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Montenegro.

Cô khuyên các bạn trẻ muốn bắt đầu cuộc sống của một "du mục kỹ thuật số" nên giới hạn các chi tiêu của mình tại mỗi nước đi qua từ 25 đến 35 USD mỗi ngày (khoảng 500.000 đồng đến 770.000 đồng). Ngoài ra, các bạn cũng nên lập kế hoạch những nơi mình sẽ đi qua, khoảng thời gian ở lại mỗi nước và những gì các bạn muốn làm tại đó. Theo Lulu, một "du mục kỹ thuật số" không chỉ là làm việc trên máy tính mà còn nên tham gia các hoạt động cộng đồng, khám phá những địa phương mình đi qua và tìm kiếm những cách để tạo thu nhập cho bản thân trong quá trình đó.

Một trong những cách để tiết kiệm chi phí là trao đổi kỹ năng lấy tiện ích. Ví dụ, Lulu sẽ làm hướng dẫn viên cho một đoàn khách của một khách sạn địa phương, đổi lại khách sạn này sẽ cho cô ở miễn phí trong suốt thời gian lưu trú tại đây.

Ngoài ra, trước khi trở thành một "du mục" thì các bạn phải có kỹ năng thật vững. Khi bắt đầu hành trình thì bạn chỉ có thể làm những công việc thời vụ, cho nên nếu kinh nghiệm của bạn càng nhiều thì sẽ càng dễ tìm việc hơn. Bản thân Lulu đã làm việc gần 10 năm cho các tập đoàn lớn của Mỹ trước khi bắt đầu lối sống "du mục". Vì vậy, các bạn trẻ nên dành thời gian hoàn thiện kỹ năng chuyên môn và trau dồi vốn sống để bắt đầu cuộc sống du mục thay vì chạy theo trào lưu.

Lulu nói một khi cô có nhiều khách hàng thì cô có quyền yêu cầu phí cao và thời gian làm việc ít đi. Cô cho biết hiện tại chỉ làm việc khoảng 20 tiếng mỗi tuần, tức chỉ 3-4 giờ một ngày. Lulu thú nhận thu nhập từ những công việc thời vụ vẫn không cao bằng những việc ổn định cô từng làm tại Mỹ. Tuy nhiên, những ai muốn trở thành "du mục kỹ thuật số" phải chấp nhận đánh đổi giữa trải nghiệm và vật chất.

Kevin-Tung-1975-1475329014.jpg

Kevin Tùng Nguyễn cho rằng lối sống "du mục kỹ thuật số" không thể kéo dài với mỗi người, chỉ vài ba năm.

Lulu vẫn chưa xác định được lối sống này sẽ kéo dài được bao lâu vì cô còn muốn đi đến nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, cô nghĩ sẽ có lúc phải ở lại một nơi toàn thời gian và những cuộc hành trình là cách để cô tìm được nơi đó. "Có thể tôi sẽ về lại Mỹ, hoặc sinh sống toàn thời gian tại một đất nước mà tôi cho là phù hợp vào thời điểm đó", cô gái Mỹ cho biết.

Một trường hợp khác là Kevin Tùng Nguyễn, hiện là Giám đốc phát triển tại Công ty iCare Benefits. Anh từng khởi nghiệp với start-up Mobile Capture, và từng có thời gian làm tư vấn đầu tư tài chính cho tập đoàn Merryl Lynch tại Mỹ.

Kevin có thể được coi là một "du mục kỹ thuật số" vì các hoạt động kinh doanh, quản lý start-up của anh đều được thực hiện online. Tất cả quản lý đều phải báo cáo kết quả kinh doanh mỗi ngày cho Kevin qua mạng nội bộ, thậm chí anh không làm việc qua email. Do đó, từ bất cứ đâu, Kevin đều có thể giám sát được các hoạt động kinh doanh của mình và mỗi chuyến đi của anh đến Singapore, Hong Kong, Mỹ, Indonesia... đều để phục vụ cho công việc hiệu quả hơn.

Thật ra, Kevin tránh không gọi bản thân là một "du mục kỹ thuật số". Anh còn khuyên các bạn trẻ hãy tránh xa việc trở thành "du mục kỹ thuật số" khi chưa đủ chín chắn về quản lý công việc lẫn tài chính.

Theo Kevin, lối sống "du mục kỹ thuật số" không dễ dàng thực hiện. Đó là lý do có rất nhiều người trở thành "du mục" sau đó lại nhanh chóng từ bỏ vì khi họ đã chọn con đường "rày đây mai đó" thì việc duy trì tài chính ổn định rất khó.

Thu nhập của những "du mục" đến từ những nguồn như làm việc từ xa hay viết blog. Riêng về khoản viết blog, chỉ khi blog có đủ độ nổi tiếng thì mới có một lượng "fan" nhất định và người "du mục" sử dụng các công cụ tìm kiếm để dẫn các hình thức quảng cáo lên blog của mình. Càng nhiều người đọc blog, càng nhiều người thấy quảng cáo, và các "du mục" kiếm được thu nhập từ đó.

Theo Kevin, một "du mục kỹ thuật số" thành công là người có thể làm bất cứ gì họ muốn và đi bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi vì để có thể đi được nhiều nơi, họ luôn trong tình trạng tìm việc, bởi họ chỉ làm việc ngắn hạn, phải luôn tìm những cuốc tàu, xe... giá rẻ và ăn uống, sinh hoạt với một phong cách rất đạm bạc. Vì vậy, Kevin cho rằng phong cách sống này không thể kéo dài mãi mà chỉ có thể là vài ba năm mà thôi.

Anh quan niệm rằng có nhiều phong cách "du mục kỹ thuật số". Có người đặt mục tiêu đi thật nhiều nơi, có thật nhiều trải nghiệm lên hàng đầu và công việc họ làm chỉ để trang trải cho mục đích đó. Trong khi đó, Kevin ưu tiên các hoạt động kết nối và phát triển các doanh nghiệp của mình, và các chuyến đi chỉ là một phương thức thực hiện được những điều này.

Theo thống kê không chính thức của website Nomadlist.com, hiện nay có khoảng hơn 10.800 "du mục kỹ thuật số" trên khắp thế giới. Một khảo sát của website Upwork.com cho thấy 92% những người trở thành "du mục" cảm thấy thoả mãn với cuộc sống hơn, 59% có thu nhập cao hơn, 79% cảm thấy năng suất làm việc cao hơn công việc bàn giấy. Ngoài ra, 82% số người được hỏi cho biết làm việc qua internet cho cuộc sống mà họ cảm thấy đáng sống thay vì phải làm theo guồng máy của các công ty, tập đoàn như trước.

Nguồn: sưu tầm
-----
Diễn đàn những người trẻ khởi nghiệp
www.hoc2h.com www.vnkienthuc.com www.baoboi.vn www.muatet.vn
 
Các điểm đáng du mục số nhất - Tại đây

Top 5 hiện nay có tới 4 thành phố ở châu Á, đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh cũng nằm trong top đầu này.

Các tiêu chí để đánh giá thành phố lý tưởng cho dân du mục kỹ thuật số là: chi phí sinh hoạt, nhịp sống sôi động, độ an toàn hay thậm chí là kết nối wifi ổn định.

1. Chiang mai (Thái Lan)

Chiang mai (Thái Lan) luôn đứng đầu bảng xếp hạng thành phố lý tưởng của các du mục kỹ thuật số bởi sự yên tĩnh cho cả công việc lẫn giải trí. Thành phố này được đánh giá là sự kết hợp hoàn hảo giữa chi phí sống thấp, wifi ổn định, con người và cộng đồng thân thiện.

2. Bangkok (Thái Lan)

Thủ đô Bangkok xếp vị trí thứ 2 và là sự lựa chọn của những du mục kỹ thuật số ưa thích cuộc sống nhộn nhịp mà giá cả cực kỳ phải chăng. Bangkok còn có đầy đủ đặc quyền của một thành phố lớn. Nhưng nhược điểm là không khí ô nhiềm và thời tiết nóng bức.

3. Ubud, Bali (Indonesia)

Là một thị trấn nhỏ tại Bali, Indonesia, nhưng Ubud lại được các du mục kỹ thuật số đánh giá rất cao trong các tiêu chí chi phí sinh hoạt, cuộc sống thú vị, độ an toàn cao và thời tiết dễ chịu. Tuy nhiên, chất lượng wifi ở đây chưa cao.

4. Berlin (Đức)

Berlin là thành phố châu Âu duy nhất lọt vào top 5. Thành phố này có nhiều người trẻ và những cộng đồng startup. Những du mục kỹ thuật số sống tại đây đánh giá thành phố có chất lượng sống tuyệt vời, an toàn và thân thiện. Điểm trừ lớn nhất là thời tiết lạnh lẽo.

5. TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam)

TP.HCM ngày càng được nhiều dân du mục kỹ thuật số yêu thích bởi mức độ tăng trưởng nhanh, giá cả phải chăng, thời tiết ấm áp. Tuy nhiên, tiếng Anh ở đây chưa được sử dụng phổ biến và chất lượng internet vẫn khiến nhiều người gặp bất tiện.
 
Du mục số không thể thiếu Đà Nẵng


images1333557_khang_ninh_du_muc_ky_thuat_so_o_DN.jpg

Một buổi gặp mặt của các bạn trẻ du mục kỹ thuật số. Ảnh: KHANG NINH

“Đà Nẵng là sự pha trộn tuyệt vời của nhiều điều”

Một buổi sáng tại quán cà-phê trên đường Chế Lan Viên (quận Ngũ Hành Sơn), nhóm bạn trẻ khoảng 19 người đến từ Mỹ, Phần Lan, Úc, Nhật Bản và Việt Nam ngồi chuyện trò sôi nổi và trao đổi công việc với nhau bằng tiếng Anh. Mỗi người mỗi nghề, nhưng các công việc có một điểm chung, đó là không cần văn phòng, chỉ cần máy tính xách tay và mạng Internet tốc độ tốt.

Nhóm bạn trẻ ấy là những người “du mục kỹ thuật số”. Hiểu đơn giản, họ di chuyển giữa các thành phố, quốc gia, hay thậm chí chỉ giữa những quán cà-phê để làm việc. Nếu như hình ảnh dân du mục trên các thảo nguyên rộng lớn ở châu Mỹ, châu Phi thường gắn liền với nghề săn bắt hay trao đổi hàng hóa, thì những du mục kỹ thuật số lại làm rất nhiều nghề, từ kỹ sư phần mềm, lập trình viên, đến doanh nhân khởi nghiệp, nhà thiết kế, nhà văn…

Những nghề này không đòi hỏi phải ở văn phòng cố định, mà có thể đi du lịch khắp thế giới trong lúc làm việc, chỉ cần có các thiết bị kỹ thuật số cần thiết.

Xuất hiện từ năm 2015, đến nay, cộng đồng du mục kỹ thuật số tại Đà Nẵng có từ 100-200 thành viên. Trên mạng xã hội Facebook, họ lập nhóm có tên gọi “Digital Nomads in Danang” (Du mục kỹ thuật số ở Đà Nẵng) với gần 300 thành viên. Tại diễn đàn, những người du mục hiện đại này có thể hỏi han nhau từ phong tục tập quán bản địa, chỗ ở, chi phí sinh hoạt, đến địa điểm có tốc độ truy cập Internet tốt cho công việc.

Anh Edwin Merino (người Mỹ) là quản trị viên của nhóm “Digital Nomads in Danang”. Năm 2015, vì muốn được trải nghiệm nhiều nền văn hóa trên thế giới, anh bỏ công việc chuyên viên tin học ở một công ty tại San Francisco (Mỹ) để bắt đầu hành trình của một du mục kỹ thuật số. Sau 6 tháng rong ruổi qua 8 nước châu Á, Edwin đến Đà Nẵng.

Anh chia sẻ, Việt Nam có nền văn hóa đặc biệt mà anh đang tìm kiếm. “Nếu như Đài Loan, Nhật Bản hay Malaysia đều đã phát triển giống như phương Tây, thì ở Việt Nam, người dân vẫn ngồi quán cóc vỉa hè, vẫn đi xe máy, vẫn giữ gìn những phong tục của người châu Á và đặc biệt là rất thân thiện”. Về lý do chọn Đà Nẵng mà không phải những thành phố lớn khác, anh Edwin nói: “Ở đây có núi, có biển, có sự an bình và có cả sự năng động, cứ như sự pha trộn tuyệt vời của nhiều điều”.

Hiện tại, anh Edwin vừa điều hành một doanh nghiệp đặt tại Đà Nẵng trong lĩnh vực bất động sản, vừa là blogger có tiếng trong cộng đồng du mục kỹ thuật số. Những ấn tượng về Đà Nẵng là cảm hứng cho bài viết “6 lý do tại sao tôi chọn Đà Nẵng làm nhà” của anh từng được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Trên trang tin điện tử The Blond Travels chuyên dành cho các du mục kỹ thuật số, chị Joanna Szreder (người Ba Lan) đánh giá, điểm độc đáo của Đà Nẵng là vẫn bảo tồn được những nét đẹp sơ khai. “Bạn có thể vừa đi chợ và mua các loại rau, trái rẻ, vừa tận hưởng các cơ sở vật chất hiện đại hay đi mua sắm ở các trung tâm thương mại”, chị Joanna nói. Đối với những người muốn có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, Đà Nẵng tạo cho họ môi trường sống tuyệt vời.

images1333558_evergreen.jpg

Anh Jan Zellman và chị Kasia Weina tại buổi khai trương không gian làm việc chung của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. Công ty Evergreen Labs của anh Jan và chị Kasia đã tổ chức nhiều hoạt động hướng tới phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, tạo nét mới cho khởi nghiệp địa phương.
Bức tranh khởi nghiệp mới mẻ

Từ sự lớn dần của cộng đồng du mục kỹ thuật số, các doanh nghiệp khởi nghiệp du mục đang tạo thêm sự phong phú cho khởi nghiệp Đà Nẵng.

Công ty Evergreen Labs (trụ sở tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng) được hình thành từ ý tưởng của anh Jan Zellman (người Đức) và chị Kasia Weina (người Mỹ). Từ đầu năm 2016, Evergreen Labs tập trung liên kết và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương giải quyết những vấn đề “nóng” về môi trường và xã hội trong cộng đồng.

Tháng 11-2016, doanh nghiệp khởi nghiệp này tổ chức phiên chợ nông dân, quy tụ hơn 30 nhà phân phối nông sản hữu cơ chất lượng cao của khu vực miền Trung, mở cửa miễn phí cho người dân và khách du lịch tại Đà Nẵng. Phiên chợ nhằm tạo thói quen sử dụng thực phẩm sạch cho người dân Đà Nẵng, đồng thời thúc đẩy các nhà sản xuất và phân phối nông sản sạch phát triển. Chị Kasia cho biết, Evergreen Labs đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để được phép tổ chức phiên chợ hằng tháng tại Đà Nẵng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã tổ chức các đợt dọn rác trên bãi biển Sơn Trà dành cho dân địa phương và cộng đồng người nước ngoài tại Đà Nẵng.

Anh Phạm Quốc Đạt, người sáng lập không gian làm việc chung HATCH! cho biết, du mục kỹ thuật số là một trong những đặc thù của Đà Nẵng, có tiềm năng phát triển thành thị trường khá sôi động. Anh Lưu Duy Trân, phụ trách thị trường và truyền thông Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng nhận định, đây cũng là nhóm khách hàng tiềm năng đối với các không gian làm việc chung Đà Nẵng. Anh Trân cho biết, năm 2017, không gian của Vườn ươm có thể sẽ đón nhận số lượng đáng kể khách hàng là du mục kỹ thuật số.

Trên trang tin điện tử nomadlist.com chuyên đánh giá các thành phố dành cho dân du mục kỹ thuật số, Đà Nẵng được đánh giá “xuất sắc” ở các mục chi phí sinh hoạt, thời tiết, chất lượng không khí. Các hạng mục an toàn giao thông, nơi làm việc, tính thân thiện của người dân cũng được đánh giá tốt. Trang này xếp hạng Đà Nẵng ở mức điểm 7/10 - con số khá cao đối với một thành phố mới nổi. Còn nếu tìm kiếm trên Google, bạn có thể sẽ ngạc nhiên vì cộng đồng này có những hướng dẫn chi tiết từ các quán cà-phê, mức giá thực phẩm, phương tiện đi lại, nhà ở, thậm chí cả giá áo quần trong các chợ địa phương.


Sưu tầm
-----------
Diễn đàn học trực tuyến
www.vnkienthuc.com www.hoc2h.com www.vnkienthuc.com www.baoboi.vn www.songohan.vn www.muatet.vn
 
Bài học khai thác các du mục kỹ thuật số từ ngành du lịch của Thái Lan

photo-0-1495855443574.jpg


Hình thức làm việc kiểu mới đang ngày càng trở nên phổ biến này không chỉ phản ánh một lối sống năng động, ưa trải nghiệm, và “mạo hiểm” của giới trẻ mà còn là một cơ hội để thúc đẩy ngành du lịch của các quốc gia trên thế giới.

Thái Lan là một trong những đất nước khai thác thành công đối tượng khách du lịch mới này. Bằng chứng là đất nước Đông Nam Á đứng đầu các bảng xếp hạng về điểm đến ưa thích của những du mục kỹ thuật số. Vậy bí quyết của quốc gia này là gì?

Thứ nhất, Thái Lan có thể làm hài lòng mọi đối tượng với những nhu cầu khác nhau. Nomad List xếp hạng Bangkok là thành phố hàng đầu cho những du mục kỹ thuật số nhờ các yếu tố như khí hậu, chi phí sinh hoạt, tốc độ internet và quy mô thành phố. Thủ đô Thái Lan nổi tiếng với những ngôi chùa lộng lẫy và những khu chợ nhộn nhịp, nhưng với vai trò là một trung tâm quốc tế lớn, Bangkok cung cấp tất cả những tiện nghi hiện đại cần thiết cho một ngôi nhà.

photo-0-1495855418666.jpg


Bãi biển ở Phuket

Sân bay Suvarnabhumi ở trung tâm thành phố, với các chuyến bay nội địa giá rẻ của các hãng hàng không như Lion Air, Nok Air và AirAsia sẽ giúp những du mục kỹ thuật số dễ dàng đi nghỉ mát vào cuối tuần. Nếu là người thích đi biển, thì Phuket ở biển Andaman hoặc Ko Samui ở Vịnh Thái Lan là những sự lựa chọn tuyệt vời. Đối với những người thích leo núi thì có thể đến Chiang Mai – một địa điểm yêu thích với cộng đồng du mục kỹ thuật số đang nở rộ.

Thứ hai, Thái Lan có tốc độ Internet nhanh và nhiều không gian làm việc chung. Tìm được một nơi có Internet nhanh và ổn định là một trong thách thức lớn nhất đối với những du mục kỹ thuật số, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Đông Nam Á được yêu quý bởi cả khách du lịch và người xa xứ, nhưng Thái Lan là một trong ít quốc gia trong khu vực có mạng Internet thỏa mãn tốc độ trên 10 MBps và phục vụ được nhu cầu về không gian làm việc chung chất lượng của những du mục kỹ thuật số.

photo-0-1495855395363.jpg


Tất cả những gì bạn cần là một thẻ thành viên tháng và máy tính xách tay để có thể sử dụng không gian làm việc chung ở Bangkok. The Work Loft, một văn phòng đầy đủ tiện nghi ở Bangkok, không chỉ đảm bảo Internet ổn định mà còn cung cấp các tiện nghi khác như phòng họp riêng và một quán cà phê. The Work Loft còn cung cấp thử nghiệm miễn phí cho người mới với 14 ngày dùng thử miễn phí. Các lựa chọn phổ biến khác bao gồm Punspace ở Chiang Mai và Stash ở Phuket.

Thêm vào đó, sinh hoạt ở Thái Lan rất thoải mai và có chi phí phải chăng. Là thành phố lớn thứ 2 ở Thái Lan, Chiang Mai có một sự pha trộn giữa phong cách tân thời, đô thị và cách tân sáng tạo trong khi vẫn giữ được nhịp độ sống chậm rãi mà một đô thị bận rộn như Bangkok có thể thiếu.

photo-0-1495855378042.jpg


Nimmanhaemin là một khu vực nổi bật, với những cửa hàng thời trang kiểu cách, những khu vườn tươi tốt và các quán cà phê nghệ thuật rải rác trên các con phố. Một căn hộ studio hiện đại được trang bị đầy đủ ở đây có giá chỉ từ khoảng 300 USD/tháng.

Cà ri Thái và các món mỳ ở đây có giá dưới 5 USD và một tách cà phê địa phương được ủ ngay tại các trang trại miền núi phía Bắc chỉ khiến bạn tiêu tốn dưới 1 USD. Để khám phá Chiang Mai, thì việc thuê một chiếc xe tay ga với chi phí 8 USD/ngày là một cái giá khá rẻ.

Thái Lan còn là nơi hoàn hảo để gặp gỡ những du mục kỹ thuật số khác. Một trong những bất lợi của phong cách làm việc du mục kỹ thuật số là cảm giác cô đơn khi ở một quốc gia mới nơi bạn chả biết ai cả và tiếng Anh không được sử dụng rộng rãi. Nhưng đó không phải là một vấn đề ở Thái Lan – một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới và cũng được ưa chuộng bởi những người xa xứ.

photo-0-1495855359550.jpg


Mỗi tháng, các sự kiện và hội thảo được tổ chức ở Bangkok và Chiang Mai để các du mục kỹ thuật số gặp gỡ và mở rộng quan hệ. Các nhà hàng và bar châu Âu có ở khắp nơi giúp cho việc kết nối với những người nước ngoài và nói tiếng Anh khác dễ dàng hơn.

Chiang Mai có các cuộc gặp gỡ vào mỗi sáng thứ Bảy cho mọi đối tượng tham gia vào một cuộc leo núi đầy thử thách lên ngọn của Doi Suthep. Các không gian làm việc chung cũng là những địa điểm tuyệt vời để kết bạn với những người khác chia sẻ lối sống du lịch/làm việc.

Cuối cùng, dù các yêu cầu về thị thực thay đổi liên tục, Thái Lan vẫn là một quốc gia khá dễ tính trong việc ở lại lâu dài hoặc ngắn hạn, với nhiều lựa chọn visa khác nhau. Những du mục kỹ thuật số có thể nộp đơn xin thị thực du học để học tiếng Thái và trở thành người nói song ngữ khi theo đuổi sự nghiệp kinh doanh trực tuyến.

photo-0-1495855340903.jpg




Một lựa chọn khác là thị thực tự vệ để học hỏi từ một chuyên gia các kỹ thuật quan trọng để bảo vệ bản thân. Nếu không chắc chắn mình sẽ ở bao lâu và thích thị thực theo tháng, luôn có thị thực du lịch luôn là một sự lựa chọn sẵn sàng. Tuy nhiên, cần cẩn thận: biên giới đang ngày càng được thắt chặt, đặc biệt đối với những người nước ngoài đã từng ở quá hạn thị thực hoặc qua nhiều nước liên tục trong một thời gian dài.

Theo Cafebiz.Vn
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top