• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Đọc hiểu văn bản "Bến quê" từ đặc trưng loại thể (tài liệu dùng cho giáo viên)

Chị Lan

New member
ĐỌC HIỂU VĂN BẢN BẾN QUÊ TỪ ĐẶC TRƯNG LOẠI THỂ


1. Trong ý đồ thiết kế và thực hiện chương trình dạy học Ngữ văn ở cấp THCS, thể loại là một tiêu chí quan trọng. Một trong những yêu cầu quan trọng của chương trình Ngữ văn THCS là hình thành ở HS những hiểu biết về các kiểu văn bản và nắm được các phương thức biểu đạt chủ yếu (tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận). Hầu hết các văn bản được lựa chọn để học là các tác phẩm văn học (hoặc đoạn trích tác phẩm), vì thế mỗi kiểu văn bản trong chương trình Ngữ văn lại thuộc về một thể loại văn học nhất định(...) Những hiểu biết về thể loại có một ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc tiếp nhận, phân tích các tác phẩm có trong chương trình, mà còn cần thiết cho HS để đọc hiểu được các tác phẩm khác ngoài chương trình [4 tr186]. Như thế là bởi vì: Thể loại văn học là sự thống nhất giữa một loại nội dung và một dạng hình thức văn bản và phương thức chiếm lĩnh đời sống, là dạng thức tồn tại chỉnh thể của tác phẩm [5 tr300,301). Đọc hiểu văn bản phải đi từ dạng hình thức văn bản để cảm thụ phương thức chiếm lĩnh đời sống, rồi từ đó hiểu được nội dung, ý nghĩa, các khía cạnh tư tưởng nghệ thuật mà tác giả thể hiện qua văn bản; phải đi từ việc nắm bắt và sử dụng những thông tin có ngay trong văn bản (có ý kiến cho rằng đây là hoạt động đọc hiểu cấu trúc văn bản) đến những thông tin có trong bài (đọc hiểu nội dung văn bản), rồi cao hơn là khái quát liên hệ giữa những cái mà học sinh đã đọc với thế giới bên ngoài (đọc hiểu ý nghĩa văn bản). Có thể đồng tình với quan niệm cho rằng: tính chất của hoạt động đọc hiểu văn bản sẽ được quy định theo nguyên tắc đọc hiểu văn bản phù hợp với đặc điểm thể loại của văn bản [1 tr26]. Bài viết này góp phần thảo luận về phương hướng, phương pháp dạy đọc hiểu trích đoạn văn bản truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong chương trình Ngữ văn lớp 9 (kỳ 2). Việc làm này vừa là một thể nghiệm cụ thể vừa góp phần cung cấp những kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng có thể tích hợp thực hiện hiệu quả hơn ý đồ của chương trình Ngữ văn THCS nói chung.

2. Trước khi vận dụng kiến thức về đặc điểm loại thể để tìm hiểu văn bản tác phẩm, cần chú ý kiến thức về các thể loại văn học, đối với HS (THCS) không phải ở dạng lý thuyết mà gắn liền với các văn bản cụ thể [3 tr186], nghĩa là khi bước vào hoạt động đọc hiểu, HS chỉ có những kiến thức còn chưa thật khái quát, minh định về đặc điểm thể loại văn bản. Vả chăng, trong thực tế văn học, nhất là ở văn học hiện đại, mỗi tác phẩm thường không sử dụng duy nhất một phương thức biểu đạt mà phối hợp nhiều phương thức. Chẳng hạn trong tác phẩm truyện luôn có cả tự sự, miêu tả, biểu cảm và đôi khi cả nghị luận. Tuy nhiên, ở mỗi tác phẩm, vẫn nổi lên một hay vài phương thức biểu đạt chủ yếu, làm căn cứ để xác định và gọi tên thể loại của tác phẩm ấy [4 tr187]

Giáo viên không thể chỉ xuất phát từ những tri thức của bản thân mình - ở trình độ giáo viên - về đặc điểm thể loại tác phẩm, mà phải căn cứ vào tri thức và kinh nghiệm của HS, căn cứ vào tài liệu giáo khoa và các phương tiện dạy học bổ trợ khác liên quan đến văn bản mà HS có được để tiến hành dạy học văn bản.

Cần căn cứ vào SGK, từng bước xác định thể loại của văn bản, gợi nhớ những đặc điểm thể loại này đã có trong kinh nghiệm kiến thức của học sinh, xác định sự thể hiện các đặc điểm thể loại của văn bản, từ đó hướng dẫn HS tiến hành các bước đọc hiểu cho phù hợp với điều kiện và mục tiêu dạy học văn bản.

Theo SGK cung cấp, ta có thể xác định trích đoạn văn bản Bến quê thuộc thể loại truyện hiện đại. Cách xác định này được gợi ý ngay ở phần kết quả cần đạt của bài 27: “Cảm nhận được ý nghĩa của triết lý về cuộc đời con người mà tác giả gửi gắm trong truyện Bến quê. Thấy và phân tích được những đặc sắc nghệ thuật của truyện” [3 tr100; chúng tôi nhấn mạnh các từ gạch chân]. Đó dù sao cũng chỉ là một gợi ý. HS đọc văn bản có thể căn cứ vào đặc điểm của hiện tượng đời sống được miêu tả trong tác phẩm, phương thức chiếm lĩnh thực tại của tác giả, cách thức tổ chức tác phẩm và lời văn - tức là căn cứ vào những tiêu chí để phân chia, nhận dạng thể loại tác phẩm - để xác định Bến quê là văn bản truyện (nhận thức và thể hiện đời sống qua kể lại chuỗi các biến cố, sự kiện, hành động liên quan đến các nhân vật; lời văn xuôi bao gồm các yếu tố thuật kể). Tính chất hiện đại của văn bản truyện Bến quê có thể được nhận biết qua lời chú thích về tác giả tác phẩm [3 tr106,107]. Từ những nhận biết ban đầu này, có thể gợi HS nhớ lại các kiến thức sâu hơn, cụ thể hơn về đặc điểm thể loại biểu hiện thực tế trên văn bản. Trong thực tế văn học, nhất là ở văn học hiện đại, mỗi tác phẩm thường không sử dụng duy nhất một phương thức biểu đạt mà phối hợp nhiều phương thức. Chẳng hạn trong tác phẩm truyện chú ý tới điểm [4 tr187] nêu trên; “Các thể truyện (truyện ngắn, tiểu thuyết) tuy có sự tiếp nối các thể tương tự trong văn học trung đại, nhưng đã có sự đổi mới sâu sắc về mọi phương diện. Đề tài được mở rộng, hướng đến mọi mặt của đời sống xã hội và con người, không bị gò bó vào mục đích giáo huấn đạo lý. Nghệ thuật tự sự và miêu tả có những đổi mới rất cơ bản, từ sự đa dạng và có thể thay đổi điểm nhìn, vai kể, đến vai trò của người kể chuyện, từ việc sử dụng nhiều thủ pháp miêu tả đến sự đổi mới về ngôn ngữ, câu văn. Nhân vật trong truyện hiện đại được nhìn nhận và miêu tả trong tính cách cá thể, nghĩa là mang đặc điểm, tính cách, tâm trạng và số phận của từng cá nhân, cố nhiên vẫn phải có tính tiêu biểu, nhưng không bị quy vào một cách giản đơn chỉ những kiểu, loại như nhân vật trong truyện dân gian hay phần lớn truyện trung đại” [3 tr199]. Đó sẽ là những tiền đề hiểu biết về đặc điểm thể loại được sử dụng làm cơ sở để tiến hành đọc hiểu văn bản thuận lợi và hiệu quả hơn. Liên hệ đến truyện hiện đại Bến quê, cũng từ những gợi ý trong SGK, có thể thấy trong văn bản truyện ngắn này có cả “tình huống nghịch lý” [3 tr100], nhân vật Nhĩ “trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, ở cảnh ngộ bị buộc chặt vào giường bệnh” [3 tr107], có cả những đoạn miêu tả (người, cảnh vật: dòng sông, con thuyền, bãi bồi), biểu cảm (dòng nội tâm nhân vật - tr100; niềm khao khát - của nhân vật [3 tr107], những suy ngẫm, trải nghiệm của nhà văn về cuộc đời và con người [3 tr108]; cả những bàn luận triết lý (qua ngôn ngữ và giọng điệu giàu chất suy tư, hình ảnh biểu tượng - [3 tr100]). Đề tài của Bến quê không chủ yếu hướng ra các hiện tượng của đời sống bên ngoài cuộc đời, mà quan tâm miêu tả thể hiện dòng nội tâm của nhân vật [3 tr100] - thế giới tâm hồn, thế giới tinh thần bên trong bề sâu con người, giúp người đọc quan sát, cảm nhận, từ đó mà suy ngẫm về cuộc đời con người, “thức tỉnh ở mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, của quê hương” [3 tr108]. Nhân vật của Bến quê “được nhìn nhận và miêu tả trong tính cách cá thể, nghĩa là mang đặc điểm, tính cách, tâm trạng và số phận của từng cá nhân, cố nhiên vẫn phải có tính tiêu biểu” - Nhĩ vừa là một người đang trong cơn thập tử nhất sinh, một người chồng, một ông bố, một người bình thường trong khu phố bờ sông, vừa là hình tượng tiêu biểu cho những nghịch lý của loại người từng trải, “đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ”, “đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”, nhưng lại “chưa hề bao giờ đi đến cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình” [3 tr101]. Và những kiến thức chung nhất về nhân vật trong truyện hiện đại có thể gợi ý HS cảm thụ và nhận xét về các nhân vật khác trong tác phẩm. Có thể với HS, những khái niệm điểm nhìn, vai kể không dễ hiểu và vận dụng, nhưng SGK cũng có gợi ý “Nhĩ đã nhìn thấy những gì qua khung cửa sổ” [3 tr107]; và nếu HS đọc kỹ văn bản, sẽ thấy điểm nhìn, vai kể (qua đó hình tượng của tác phẩm được miêu tả, kể lại, hiện lên) được chuyển đổi khá linh hoạt: từ nhân vật Nhĩ (là chủ yếu), rồi vợ anh - Liên; người kể chuyện; ông cụ giáo Khuyến, và nghệ thuật trần thuật như vậy làm cho hình tượng cuộc sống, con người trong văn bản trở nên sinh động gần gũi, trở nên “thật” hơn, gây ấn tượng hơn, thuyết phục hơn...

3. Sau khi đã có những định hướng - cảm nhận về thể loại văn bản tác phẩm, có thể từ những kiến thức chung về thể loại, từ các cấp độ ngôn từ của văn bản tái hiện cấu trúc tự sự, đi sâu cảm thụ, phân tích những giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản, chuẩn bị cơ sở cho bài dạy học đọc hiểu văn bản trên lớp.

Việc cảm nhận ranh giới và ý nghĩa của từng yếu tố và cấp độ yếu tố chỉnh thể văn bản, chỉnh thể thế giới nghệ thuật trích đoạn đòi hỏi người tiếp nhận phải đọc kỹ tác phẩm. Theo đặc điểm thể loại truyện, cần nắm vững, từ đó lý giải ý nghĩa và giá trị tư tưởng, nghệ thuật các sự việc, các chi tiết về cuộc sống, con người mà tác giả đã hư cấu và trình bày trong văn bản.

Mở đầu đoạn trích văn bản là cái nhìn và suy nghĩ của Nhĩ về cảnh vật xung quanh. Nhĩ đang trong hoàn cảnh ốm nặng, đang như một đứa trẻ, được vợ bón từng thìa thức ăn, rồi để cho con trai cầm chiếc khăn bông tẩm nước ấm khẽ lau miệng, cằm và hai bên má cho mình. Anh quan sát và suy nghĩ về những bông hoa bằng lăng cuối mùa còn sót lại trên cành; cảm nhận những thay đổi của thời tiết (không khí và ánh sáng nóng nắng của mùa hè đã dịu đi, không hầm hập và loa loá chói như trước); về mặt sông và màu nước sông Hồng, “về những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra (...) một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non - những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”. Cảnh vật hiện qua cái nhìn chính là cách để tác giả thể hiện dòng suy nghĩ của nhân vật - có cả những cảm nhận, cả những trăn trở, tự đối thoại, cả cụ thể và khái quát vừa gợi lên hình tượng Bến quê, vừa dẫn đến những dòng tự ý thức của nhân vật Nhĩ về nghịch lý đáng tiếc của đời mình, về trạng thái sức khoẻ bi đát của mình... (“Ngoài cửa sổ ... tím thẫm như bóng tối”).

Những lời tiếp theo của người trần thuật kể về cuộc đối thoại của vợ chồng Nhĩ, vừa tiếp tục thể hiện những cảm nhận, suy nghĩ bi đát của Nhĩ (hình ảnh bờ đất lở dốc đứng của bờ bên này “đêm đêm cùng với con lũ nguồn đã bắt đầu dồn về, những tảng đất đổ oà vào giấc ngủ”, câu hỏi về thời gian - gợi biểu tượng về sự lo lắng...), những nhận biết ân hận của Nhĩ về người vợ suốt đời tần tảo, những tếu táo đùa cợt để an ủi vợ...; vừa khắc họa hình ảnh Liên - người phụ nữ nhạy cảm, nhân hậu, hết lòng chăm sóc, động viên chồng (“Chờ khi đứa con trai... bậc gỗ mòn lõm”).

Rồi tới chuyện người cha sắp từ giã cõi đời khẩn khoản nhờ con trai thực hiện điều ham muốn cuối cùng của mình, như là cố gắng mà Nhĩ có thể còn làm được để sửa chữa những khiếm khuyết mà anh vừa tự nhận ra: nhờ người con trai ngày càng có nhiều nét giống bố thay anh qua đò, đặt chân lên bờ bên kia; anh con trai miễn cưỡng thực hiện (“Chờ Liên xuống tầng dưới rồi ... giắt vào người mấy đồng bạc”).

Nửa cuối của văn bản tác phẩm là những cảm nhận, suy nghĩ của Nhĩ khi anh cố lết ra phía cửa sổ để nhìn xem đứa con trai thực hiện điều anh mong mỏi thế nào (Thằng bé vẫn cắp cuốn sách bên nách đang sà vào một đám người chơi phá cờ thế; Nhĩ buồn bã nghĩ về những giới hạn, thói tật mà con người trên đường đời thật khó tránh được; phức hợp tâm trạng mê say pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn, lời lẽ không bao giờ giải thích nổi khi Nhĩ nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp hằng có của cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia, cả trong những nét tiêu sơ; khi anh liên tưởng tới những nét tần tảo và chịu đựng hy sinh như có từ bao đời xưa nơi người vợ, nơi gia đình mà Nhĩ tìm thấy được nơi nương tựa sau nhiều ngày tháng bôn tẩu, tìm kiếm...). Phần này cũng có những chi tiết kể về tình cảm và sự giúp đỡ của những đứa trẻ, những người hàng xóm với Nhĩ...

Như vậy, trong cấu trúc tự sự của văn bản có hai lớp sự việc, hiện tượng đan xen lẫn nhau: lớp sự việc, hiện tượng bề ngoài là những cảnh vật, đối thoại, hành động kể về Nhĩ và những người thân trong gia đình, những người hàng xóm - chuyện về một người ốm; và lớp sự việc, hiện tượng bên trong là những cảm nhận, suy tư của nhân vật Nhĩ - một người từng trải, người từng có nhiều kinh nghiệm sống - về quê hương, về bản thân và vợ con trong gia đình, về cuộc sống và con người. Trọng tâm của hình tượng nghệ thuật không phải ở lớp sự việc, hiện tượng bề ngoài. Lớp sự việc, hiện tượng bề ngoài chỉ đóng vai trò khêu gợi, dắt dẫn hay làm rõ cái nhìn và tâm trạng của nhân vật. Cả hai lớp sự việc, hiện tượng ấy đều nhằm làm rõ những nhận xét, suy nghĩ về cuộc sống, con người mà tác giả muốn chuyển đến bạn đọc. Hai lớp sự việc, hiện tượng ấy được tạo nên bởi sự lựa chọn, sáng tạo và kết hợp các chi tiết hư cấu, được tái hiện qua cái nhìn đan xen của các nhân vật (chủ yếu là của Nhĩ, ngoài ra còn có thể kể đến cái nhìn của Liên, cụ giáo Khuyến hàng xóm, của người kể chuyện). Dạy đọc hiểu văn bản thực chất là hướng dẫn hoạt động tiếp nhận của học sinh, từ văn bản ngôn từ mà tái hiện thế giới hình tượng nghệ thuật, nắm được cách thức tổ chức ngôn từ và hình tượng, từ đó khám phá ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

4. Trên cơ sở những điều vừa trình bày, chúng tôi thử nêu lên tiến trình dạy học đọc hiểu văn bản, các nội dung, yêu cầu khi dạy - học đọc hiểu văn bản này.

1. Phần giới thiệu tác giả, tác phẩm: HS căn cứ vào SGK

2. Xác định thể loại văn bản tác phẩm: GV nêu câu hỏi, hướng dẫn để HS trả lời (Câu hỏi: Hãy xác định thể loại của văn bản Bến quê? Gợi ý trả lời: Dựa vào các thông tin đã có trong SGK; vào hình thức ngôn từ (văn xuôi); cách thức xây dựng và tổ chức hình tượng của tác phẩm (câu chuyện về nhân vật Nhĩ và các nhân vật khác...). Trả lời: đây là văn bản thuộc loại tác phẩm tự sự; do đó muốn hiểu tác phẩm, phải thông qua việc đọc văn bản, tái hiện và cảm nhận ý nghĩa, giá trị các chi tiết đời sống, con người được tác giả hư cấu, sáng tạo).

3. Văn bản trần thuật lại câu chuyện về nhân vật nào? Có thể tách câu chuyện ấy thành mấy sự việc? (Trả lời: Văn bản chủ yếu trần thuật lại câu chuyện về nhân vật Nhĩ. Có thể tách câu chuyện ấy thành 4 sự việc nối tiếp theo trật tự thời gian: suy nghĩ của Nhĩ khi ngồi để vợ con chăm sóc; câu chuyện của vợ chồng Nhĩ; chuyện Nhĩ nhờ con trai sang bên kia sông; những hành động và suy nghĩ của Nhĩ sau khi con trai anh rời khỏi nhà. Các nhân vật khác chỉ là nhân vật phụ).

- Sự việc 1: tâm trạng của Nhĩ khi ngồi để vợ con chăm sóc (ứng với câu hỏi 1 và 2 trong SGK). Gợi ý để HS tập hợp những chi tiết làm rõ hoàn cảnh và tình huống truyện: Nhĩ ốm nặng (ngồi để cho vợ bón từng thìa thức ăn, rồi ngửa mặt như một đứa trẻ để con trai lau miệng, cằm và hai bên má); hướng ra bên ngoài (nghiêng mặt ra ngoài cửa sổ, thấy những bông hoa bằng lăng cuối cùng còn sót lại, nhận ra sự thay đổi của thời tiết, cảm nhận “những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ” của “cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông H?ng” trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà anh); tự thấm thía một nghịch cảnh của bản thân “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình”. Chú ý nghệ thuật trần thuật qua điểm nhìn nhân vật vừa dựng truyện, vừa có tác dụng miêu tả tâm trạng; hình ảnh giàu tính biểu tượng về những bông hoa, về vùng bãi bồi ven sông; nghệ thuật đối lập làm nổi bật tình huống truyện (nghịch cảnh mà Nhĩ tự cảm nhận, bộc lộ).

- Sự việc 2: câu chuyện của vợ chồng Nhĩ “sau khi đứa con trai đã bưng thau nước xuống nhà dưới”. GV hướng dẫn HS tìm hiểu những câu hỏi, lời nói, cái nhìn đầy tâm trạng của Nhĩ; thái độ và những câu trả lời của người vợ. Những chi tiết ấy làm rõ hơn trạng thái bi đát về sức khoẻ của Nhĩ, vốn đã được kể ở đoạn đầu văn bản (phiến lưng đã có nhiều mảng da thịt vừa chai cứng vừa lở loét của Nhĩ; bờ đất lở dốc đứng của bờ bên này, và đêm đêm cùng với con lũ nguồn đã bắt đầu dồn về, những tảng đất đổ oà vào giấc ngủ gợi những vất vả, tốn kém mà vợ con Nhĩ đang cùng anh gánh chịu; thời điểm “tháng mười” trong những câu gượng đùa của Nhĩ); tiếp tục triển khai việc miêu tả tâm trạng Nhĩ (những cảm động, ân hận của Nhĩ trước tình cảm hết lòng chăm sóc của vợ con, khi lần đầu tiên Nhĩ để ý thấy Liên đang mặc tấm áo vá). Kể lại sự việc này, có lẽ tác giả chủ yếu muốn xây dựng một hình tượng nghệ thuật để người đọc cảm nhận về phẩm chất truyền thống, vẻ đẹp tiêu sơ, tần tảo, bình dị của những người vợ (những cảm nhận tinh tế, nhạy bén về tâm trạng của chồng, những ngón tay gầy guộc, tấm áo vá, những lời động viên an ủi chồng, dặn dò con, việc đi lại dọn dẹp, hãm thuốc, tiếng bước chân rón rén quen thuộc suốt cả một đời người đàn bà trên những bậc gỗ mòn lõm...). Những chi tiết này sẽ còn láy lại ở sự việc 4 như những nét tiêu biểu cho vẻ đẹp và giá trị của gia đình, quê hương.

- Sự việc 3: chuyện Nhĩ nhờ con trai sang bên kia sông, chủ yếu được trần thuật từ điểm nhìn người kể chuyện, qua ngôn từ đối thoại và một vài chi tiết miêu tả. Đây là sự việc chuyển tiếp để triển khai mạch tâm trạng của Nhĩ, tô đậm tư tưởng của tác phẩm. Tuy nhiên, GV có thể gợi ý để HS tìm hiểu ý nghĩa giàu chất triết lý của các chi tiết: Tuấn ham đọc sách (nhưng lại không hiểu được tâm trạng và mong muốn của cha, chưa hiểu được những uẩn khúc của cuộc đời); Nhĩ thấy con ngày càng giống mình (sự lặp lại giữa các thế hệ); lời yêu cầu khẩn khoản của Nhĩ (biết mình sắp từ giã cõi đời, muốn được nhờ con bù đắp một khiếm khuyết bao năm qua mà anh vừa thức nhận - đây cũng là một khao khát và hành động hợp lý, phản ánh một quy luật phổ biến của đời người); thái độ hờ hững, ngạc nhiên của Tuấn nghe và trả lời, rồi miễn cưỡng thực hiện mong muốn của người cha (thể hiện khoảng cách giữa hai thế hệ).

- Sự việc 4: những hành động và suy nghĩ của Nhĩ sau khi con trai anh rời khỏi nhà. GV gợi ý để HS nhận ra trên văn bản và ý nghĩa của các chi tiết: Nhĩ thu hết sức lực, và nhờ sự giúp đỡ của lũ trẻ hàng xóm, ngồi gần cửa sổ để có thể quan sát đứa con trai sang bãi bồi bên kia sông (khát vọng thực hiện mong muốn sửa chữa những khiếm khuyết; sự vô tư giúp đỡ của lũ trẻ; thức nhận của Nhĩ về hoàn cảnh của mình...); cảnh con đò ngang sang sông, chuyện Tuấn không có mặt trong đám người chờ đò vì đang sà vào một đám người chơi phá cờ thế trên hè phố (gợi tương quan giữa cuộc đời và con người); suy nghĩ, tâm trạng của Nhĩ (nhớ lại những kỷ niệm cuộc đời mình, hiểu điều gì đang hấp dẫn thằng Tuấn, điều gì đang khiến Tuấn có thể lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày; những suy nghĩ buồn bã về thói thường của con người trên đường đời, niềm mê say pha lẫn nỗi ân hận đau đớn khi thức nhận vẻ đẹp và những giá trị giản dị mà giàu có, sâu sắc của quê hương và gia đình); Nhĩ tưởng tượng mình đang được đặt chân lên vùng bãi bồi và lời thăm hỏi của cụ giáo Khuyến kéo Nhĩ lại với những gì đang xảy ra trong thực tế (mâu thuẫn tưởng tượng với thực tế); hành động của Nhĩ đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại, khoát khoát tay y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó (vừa thể hiện nhân vật Nhĩ, vừa giàu ý nghĩa biểu tượng: “thức tỉnh mọi người về những cái vòng vèo, chùng chình mà chúng ta đang sa vào trên đường đời, để dứt ra khỏi nó, để hướng tới những giá trị đích thực, vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững” [1 tr25]).

Các sự việc 1, 2, 3, 4 vừa tách rời, độc lập tương đối (để thể hiện những khía cạnh ý nghĩa; chẳng hạn sự việc 2 tạo cảm nhận về người vợ; sự việc 3 tạo cảm nhận về người con) vừa kế tiếp nhau, thống nhất với nhau (để tạo nên ấn tượng chung, làm nổi bật tư tưởng cơ bản của tác phẩm: thức nhận về những nghịch lý, những giá trị của cuộc đời). Văn bản chứa nhiều yếu tố miêu tả tâm trạng, cảm xúc của các nhân vật, đặc biệt là của Nhĩ, nhưng đó là cách kể lại, dựng lại nhân vật, rất khác với cách thể hiện trực tiếp tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong loại tác phẩm trữ tình. Các chi tiết, hình ảnh, hành động, lời nói, tâm trạng được trần thuật ở các sự việc nhằm tạo nên tính liên tục của truyện, nhưng chủ yếu được chọn lựa, kết hợp nhằm thể hiện nổi bật và ấn tượng cách nhìn và quan niệm của tác giả, khêu gợi cảm nhận, suy nghĩ của người đọc về ý nghĩa đời sống, con người, về Bến quê (Theo tôi, nhan đề tác phẩm cũng là một yếu tố rất đáng quan tâm tìm hiểu khi đọc hiểu văn bản. SGK chưa hướng HS chú ý đến yếu tố này).

5. Đọc hiểu văn bản tự sự chính là qua văn bản để khám phá các chức năng nghệ thuật và ý nghĩa được hàm chứa trong các cấp độ chi tiết cũng như trong chỉnh thể câu chuyện được trần thuật trong văn bản, chính là “đọc để nắm bắt chuỗi các sự việc xung quanh nhân vật, từ đó đánh giá tính chất xã hội của sự việc và nhân vật” [1 tr26]. (Tuy nhiên, HS thường cảm thụ các chi tiết và câu chuyện trong tác phẩm như các chi tiết và câu chuyện ngoài cuộc đời, ít chú ý đến chức năng và ý nghĩa nghệ thuật như là cơ sở, mục đích đã khiến tác giả hư cấu, sáng tạo ra các chi tiết và câu chuyện như vậy). Có thể nói đây là một quá trình vô cùng phong phú, đa dạng, nếu như không muốn nói là vô tận. Đặc thù của đọc hiểu văn bản trong nhà trường là: trên cơ sở thực tế đối tượng HS, thời lượng của chương trình, GV có thể phân phối thời gian để HS tiến hành các hoạt động đọc hiểu khi soạn bài ở nhà; khi thảo luận trên lớp (Với văn bản Bến quê, HS tự tìm hiểu các mục 1, 2 khi soạn bài; trên lớp thảo luận về cấu trúc tự sự của văn bản, thảo luận các mục còn lại, chủ yếu là các mục 5, 6, 7). Mặt khác, GV có thể gợi ý và hướng HS nắm bắt những giá trị tư tưởng và nghệ thuật phù hợp với trình độ và lứa tuổi, chứ không phải là tất cả những gì mà tác phẩm hàm chứa, mà khả năng của GV có thể cảm nhận (chẳng hạn, cần giúp HS trước hết nắm bắt ý nghĩa các hình tượng Liên, Tuấn, lũ trẻ hàng xóm, từ đó hiểu được ý nghĩa của hình tượng nhân vật Nhĩ với những suy tư giàu chất triết lý về con người và cuộc đời...).


(Source: PHÙNG NGỌC KIẾM - Trường ĐHSP Hà Nội )
 

phamthithom1982

New member
Xu
0
Đề tài: Phân tích nhân vật Quang Trung – Nguyễn Huệ trong đoạn trích Hoàng Lê nhất thất thống chí.

Hoàng Lê nhất thống chí là văn bản viết về những sự kiện lịch sử, mà nhân vật chính tiêu biểu – anh hùng Quang Trung ( Nguyễn Huệ). Ông có một nét đẹp của vị anh hùng dân tộc trong chiến công đại phá quân thanh, với sự dũng mãnh, tài trí , tầm nhìn xa trông rộng thì Quang Trung quả là một hình ảnh đẹp trong lòng dân tộc Việt Nam.

Một con người có hành động mạnh mẽ và quyết đoán: từ đầu đến cuối đoạn trích , Nguyễn Huệ luôn luôn là người hành động một cách xông xáo mạnh mẽ, nhanh gọn, có chủ đích và rất quả quyết. nghe tin giặc đã chiếm thành Thăng Long, mất cả một vùng đất đai rộng mà ông không hề nao núng, “ định thân chinh cầm quân đi ngay”. Rồi trong vòng chỉ một tháng, Nguyễn Huệ đã làm bao nhiêu việc lớn: “ tế cáo trời đất”, “lên ngôi hoàng đế”, “ đốc suất đại binh’’ ra Bắc gặp gỡ “người cống sĩ ở huyện La Sơn”, tuyển mộ quân lính và mở các cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng.

Hơn thế nữa ông còn có một trí tuệ sáng suốt, nhạy bén:

Sáng suốt trong việc phân tích tình hình thời cuộc và thế tương quan chiến lược giữa ta và địch. Đưa ra lời phủ dụ có thể coi như bài hịch ngắn mà ý tứ thật phong phú, sâu xa, có tác động kích thích lòng người yêu nước và truyền thống quật cường của dân tộc.

Sáng suốt nhạy bén trong việc xét đoán và dùng người, thể hiện qua cách xử tri với các tướng sĩ tại Tam Điệp, khi Sở và Lân mang gươm trên lưng chịu tội. ông rất hiểu sở trường sở đoản của các tướng sĩ, khen chê đều đúng người đúng việc,…

Cùng với ý trí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng Quang Trung đã làm lên trang lịch sử hào hùng cho dân tộc. chỉ mới khởi binh đánh giặc chưa dành lại được tấc đất nào, vậy mà mà Quang Trung đã nói chắc như đinh đóng cột “ phương lược tiến đánh đã có tính sẵn”, lại còn tính sẵn cả kế hoạch ngoại giao sau khi chiến thắng nước lớn gấp 10 lần nước mình, để có thể dẹp chuyện binh đao, cho nước nhà yên ổn mà nuôi dưỡng lương thực.

Tài dùng binh như thần: cuộc hành binh thần tốc do vua Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn còn làm chúng ta kinh ngạc. ngày 25 tháng chạp bắt đầu xuất binh ở phú xuân( Huế), một tuần lễ sau đã ra tận Tam Điệp cách Huế 500km. vậy mà đến đêm 30 tháng chạp hành quân ra Bắc vừa đi vừa đánh giặc vậy mà ông hoạch định là mồng 7 tháng giêng sẽ vào ăn tết ở Thăng Long, trong thực tế đã vượt mức hai ngày. Hành quân xa và đầy gian khổ như vậy nhưng cờ nào đội ấy vẫn chỉnh tề, răm rắp nghe theo chỉ huy.

Hình ảnh Quang Trung lẫm liệt trong chiến trận: Hoàng đế Quang Trung thân chinh cầm quân đánh giặc không phải chỉ trên danh nghĩa. Ông là một tổng chỉ huy chiến dịch thật sự hoạch định phương lược tiến đánh, tổ chức quân sĩ, tự mình thống lĩnh mũi tên tiến công, cưỡi voi đi đốc thúc, xông pha trước hòn tên mũi đạn, bày mưu tính kế…Đội quân của vua Quang Trung không phải là đội quân thiện chiến, lại vừa trải qua những ngày hành quân cấp tốc, không có thì giờ nghỉ ngơi, vậy mà dưới sự lãnh đạo tài tình của vị chỉ huy này đã đánh những trận thật đẹp, thắng áp đảo kẻ thù ( bắt sống hết quân do thám của địch ở phú Xuyên, giữ được bí mật để tạo thế bất ngờ, vây kín làng Hạ Hồi…) trận đánh Ngọc Hồi cho ta thấy rõ tài trí về chiến lược phong thái lẫm liệt của vua Quang Trung ( khói tỏa mù trời cách gang tấc không thấy gì mà chỉ nổi bật hình ảnh của vua Quang Trung..có sách ghi chép lại áo bào đỏ của ông sạm đen khói súng..)

Từ những đoạn trích trên ta thấy hiện về trong lịch sử một nhân vật xuất chúng: lẫm liệt oai phong, văn võ song toàn đã ghi vào trang lịch sử vẻ vang của dân tộc, làm sáng ngời truyền thống dân tộc, ngàn đời sau vẫn nhắc tên người anh hùng áo vải Quang Trung.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top