• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.
Vnkienthuc.com cung cấp cho các em Đề thi thử môn ngữ văn 9 số 4 - có đáp án. Hi vọng sẽ giúp các em gặt hái được những điểm số cao trong kỳ thi sắp tới

PHẦN I. ĐỌC - HIỂU

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

KHÁT VỌNG

Chuyện kể rằng
Có quả trứng đại bàng
Rơi vào ổ gà đang ấp
Khi nở ra cùng với bầy gà

Đại bàng con ngượng ngùng chiêm chiếp
Nhảy bay loạng choạng
sân nhà
Không ai nói với đại bàng về những chân trời xa
Về những đại ngàn bí mật
Nên nó vẫn hồn nhiên bới đất
Chỉ có khát vọng mơ hồ
Lâu lâu lại cồn cào trong ngực...

Làm sao mà ai biết
Mình đã bắt đầu từ quả trứng nào đây
Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?...

(Đặng Hồng Thiệp, Thơ sông Lam, NXB Hội Nhà văn, 2017, trang 247)

Câu 1: Xác định thể thơ của bài thơ trên.

Câu 2: Em hiểu như thế nào về hình ảnh “bầy gà” trong bài thơ?

Câu 3: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ: Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?.

Câu 4: Thông điệp nào trong bài thơ có ý nghĩa nhất với em? Vì sao?

Đề thi thử môn Ngữ văn 9 - có đáp án - vnk.jpg

(Ảnh sưu tầm internet)

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1:
Từ nội dung bài thơ ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của khát vọng sống đối với mỗi người.

Câu 2:
Nhà phê bình văn học Hoàng Minh Châu cho rằng: Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời.
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập một, NXBGD Việt Nam 2018), liên hệ với truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri, Ngữ văn 8, tập một, NXBGD Việt Nam 2018) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Mời các em xem tiếp phần gợi ý đáp án và các bài làm mẫu dưới phần bình luận ! Đừng quên vnkienthuc.com mỗi ngày dưới phần bình luận nhé!

Sen Biển( sưu tầm và biên soạn)
 
GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU


Câu 1:

Thể thơ: Tự do

Câu 2: Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm nổi bật được ý nghĩa hình ảnh “bầy gà”: tượng trưng cho hoàn cảnh sống tù túng; cái tầm thường, quẩn quanh, thiển cận, hạn hẹp, không có khát vọng, ước mơ….

Câu 3:

- Hai biện pháp tu từ: Ẩn dụ (vỗ cánh tung bay- sự trưởng thành, vượt lên hoàn cảnh vươn tới tầm cao…), câu hỏi tu từ (Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?)

- Tác dụng: Khuyến khích con người sống có ước mơ, dám thử thách bản thân, vượt qua giới hạn bản thân để trưởng thành; tạo cho câu thơ giàu hình ảnh, giàu sắc thái biểu cảm

Câu 4: Thí sinh có thể rút ra thông điệp khác nhau từ văn bản nhưng cần lí giải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là một số thông điệp và hướng lí giải:

- Sống trong hoàn cảnh bó buộc, con người có thể trở nên tầm thường, thiển cận, kém cỏi. Vì thế phải biết vượt lên hoàn cảnh để được là chính mình.

- Con người cần khám phá, phát hiện những năng lực sở trường của bản thân để vươn tới tầm cao.

- Phải có ước mơ, khát vọng, dũng cảm vươn lên để sống ý nghĩa.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu1: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về khát vọng của mỗi người trong cuộc sống

- Có khát vọng con người sẽ phát huy hết khả năng bản thân để vượt qua khó khăn, thử thách.

- Có khát vọng con người sẽ luôn tìm thấy niềm đam mê, có mục tiêu để nỗ lực vươn lên đạt những thành công

- Khát vọng chính đáng là kim chỉ nam thôi thúc con người hành động mãnh liệt để hướng tới lẽ sống cao đẹp.

- Cần phân biệt khát vọng khác với dục vọng. Khát vọng phải gắn với hành động, dựa trên cơ sở thực tiễn…

Câu 2: Từ hiểu biết về truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), liên hệ với truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) để làm sáng tỏ ý kiến của Hoàng Minh Châu: Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời

1. Giải thích ý kiến

- “Chân”: sự thật, chân lí được phản ánh trong tác phẩm

- “Thiện”: cái hay, cái tốt thuộc phạm trù đạo đức, nhân cách

- “Mĩ”: cái đẹp, cái cao cả, là vẻ đẹp nghệ thuật có khả năng khơi gợi những xúc cảm thẩm mĩ

=> Ý kiến là sự đánh giá các yếu tố cấu thành của tác phẩm văn chương chân chính. Với những giá trị đó, nó có thể vượt qua giới hạn không gian, thời gian để trở thành tác phẩm chung của nhân loại, của mọi thời đại.

2. Từ hiểu biết về truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), liên hệ với truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri) để làm sáng tỏ ý kiến

a) Phân tích Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)


* Vài nét về Nguyễn Quang Sáng và Chiếc lược ngà

* Phân tích một số biểu hiện cụ thể của chân, thiện, mĩ:

- Tác phẩm phản ánh chân thực nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam, từ đó tố cáo chiến tranh xâm lược phi nghĩa.

+ Nỗi đau sinh li: chị Sáu xa chồng, lặn lội thăm chồng; ông Sáu xa con từ khi con một tuổi; con không biết mặt cha.

+ Nỗi đau éo le trong tình huống ông Sáu về thăm nhà: bé Thu không nhận cha, có những hành động đáng trách khiến mọi người đau lòng. Ông Sáu yêu thương con nhưng bất lực, bế tắc, có những hành động nóng nảy để phải ân hận.

+ Nỗi đau tử biệt: bé Thu nhận cha và sống trong tình phụ tử chỉ một phút giây ngắn ngủi.

- Tác phẩm ngợi ca tình cảm gia đình, tình phụ tử thiêng liêng bất diệt trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

- Những sáng tạo đặc sắc về nghệ thuật

b) Liên hệ với truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri)

- Vài nét về O Hen-ri và Chiếc lá cuối cùng

- Tác phẩm thể hiện chân thực, cảm động về số phận những con người nghèo khổ, bệnh tật. Từ đó thể hiện sự đồng cảm, xót thương; trân trọng những tình cảm cao quý, ca ngợi giá trị của nghệ thuật chân chính. Tác phẩm có những đổi mới về nghệ thuật viết truyện ngắn.

c) Rút ra điểm tương đồng và khác biệt

- Cả hai tác phẩm đều hướng đến những giá trị chân, thiện, mĩ; tình yêu thương con người…

- Tuy nhiên, ở mỗi tác phẩm, cách thể hiện những giá trị chân, thiện, mĩ có sự khác nhau: Chiếc lược ngà là tình cảm gia đình trong chiến tranh, Chiếc lá cuối cùng là tình người trong nghèo khổ. Sự khác nhau này xuất phát từ hoàn cảnh xã hội, văn hóa, phong cách nhà văn...

3. Bình luận, đánh giá
- Đó là ý kiến đúng đắn đề cập đến những giá trị tốt đẹp của văn chương chân chính.

- Ý kiến đó vừa là định hướng vừa là yêu cầu với nhà văn trong sáng tác. Đồng thời cũng định hướng cách tiếp cận tác phẩm của người đọc.

- Hai tác phẩm Chiếc lược ngà và Chiếc lá cuối cùng đã hướng con người tới những giá trị cao quý chân, thiện, mĩ nên sẽ luôn đứng vững trước sự sàng lọc của thời gian.

Sen Biển( sưu tầm và biên soạn)
 
Bài văn mẫu

Câu 1: Từ nội dung bài thơ ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của khát vọng sống đối với mỗi người.


Trong cuộc sống, khát vọng chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với mỗi người. Thật vậy, khát vọng chính là thứ thật quan trọng, đẹp đẽ và thiêng liêng. Khát vọng chính là ngọn đèn hải đăng soi sáng quá trình và con đường của mỗi cá nhân, giúp chúng ta từng bước từng bước chinh phục được thành công trong cuộc đời. Chỉ khi có khát vọng và ước mơ cùng với một lộ trình chinh phục ước mơ đó cho bản thân mình, con người sẽ chủ động và sẵn sàng dấn thân theo đuổi ước mơ mà hàng ngày mình khao khát đi. Những khát khao, ước mơ dù thật là nhỏ bé, bình dị nhưng lại là thứ giúp chúng ta soi sáng rõ trên con đường có đầy ổ gà để tiến đến thành công. Vậy nên, trong cuộc sống, con người cần không bao giờ từ bỏ khát vọng và luôn có một thái độ sống tích cực và lạc quan. Đầu tiên, mỗi người cần có một thái độ sống dũng cảm, lạc quan. Sống một lần trên đời nên ai cũng nên dám theo đuổi ước mơ, để cống hiến và khẳng định bản thân với mọi người xung quanh. Thứ hai, mỗi người đều cần vươn tới 1 cuộc sống tươi đẹp hơn. Có ước mơ, con người sẽ được sống cuộc sống tràn ngập nhiệt huyết, dù gian truân nhưng thật hạnh phúc. Tóm lại, bên cạnh khát vọng, con người cũng cần có ý chí, quyết tâm và không ngừng trau dồi kiến thức của mình để chinh phục ước mơ của mình.

Sen Biển( sưu tầm và biên soạn)
 
Câu 2:
Nhà phê bình văn học Hoàng Minh Châu cho rằng: Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời.

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập một, NXBGD Việt Nam 2018), liên hệ với truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri, Ngữ văn 8, tập một, NXBGD Việt Nam 2018) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Từ xưa đến nay, hướng tới chân - thiện - mỹ luôn là mục đích của văn chương. Bởi văn chương là một sản phẩm do con người tạo ra, mà con người thì khác muôn loài ở bản chất muốn vươn tới những điều tốt đẹp, nên văn chương luôn là một hoạt động vì con người, với khát vọng làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Chính vì thế em hoàn toàn đồng ý với ý kiến của nhà phê bình văn học Hoàng Minh Châu khi ông cho rằng: Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời. Thông qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và liên hệ với chuyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O hen-ri, Em sẽ làm sáng tỏ ý kiến trên.

Trước hết chúng ta phải đi tìm hiểu, thế nào là Chân - thiện - mỹ? Thật ra thì khái niệm chân - thiện - mỹ có nhiều tầng ý nghĩa. Nhưng cách hiểu chung nhất: chân là cái thật, cái đúng, là lẽ phải, đối lập với cái giả, cái sai trái. Nói đến cái chân của văn chương là nói tác phẩm văn chương phải chân thực, phản ánh được bản chất, chân lý của cuộc sống. Những truyện thần thoại dẫu hoang đường đến mấy cũng để mọi người hiểu bản chất của cuộc sống. Ví như, truyện Thánh Gióng để mọi người thấy sức vươn dậy kỳ diệu của cộng đồng dân tộc trước nạn ngoại xâm; truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung nói về khát vọng tình yêu của con người Việt Nam vượt qua tất cả sự “môn đăng hộ đối” để xây dựng hạnh phúc; tác phẩm Chinh phụ ngâm thể hiện những bất hạnh của con người trong các cuộc chiến tranh...

Cái chân là nền tảng, là tiên đề để thực hiện cái thiện và cái mỹ. Một tác phẩm không có được cái chân thì cái thiện và cái mỹ cũng dễ bị chuệch choạc, khó lòng có được. Tự cái chân cũng đã bao hàm một phần cái thiện và cái mỹ. Vì vậy, mấy chục năm nay, chúng ta chủ trương xây dựng một nền văn chương phản ánh chân thực cuộc sống xây dựng và chiến đấu vì Tổ quốc. Cái chân là tiêu chuẩn chi phối sự thành công của một tác phẩm. Đối với mỗi nhà văn, sự trung thực cũng chính là điểm tựa để có thể từ đó bộc lộ tài năng, kết tụ thành những tác phẩm có giá trị. Những tác phẩm tô hồng và bôi đen cuộc sống đều là những tác phẩm không có được cái chân nên dễ bị cuộc sống đào thải. Những năm gần đây, văn chương của chúng ta không có tác phẩm nào nằm trong hai thái cực này, nhưng từng phần trong tác phẩm phạm phải với mức độ khác nhau thì vẫn có.

Thiện là điều lành, điều tốt, đối lập với điều ác. Lịch sử phát triển của loài người là lịch sử đấu tranh không ngừng giữa cái thiện với cái ác và không phải bao giờ cái thiện cũng chiến thắng. Nhưng một tác phẩm văn chương thì phải là một tác phẩm hướng thiện. Dẫu một tác phẩm lấy cái ác làm đề tài thể hiện thì tư tưởng thoát ra vẫn phải là cái thiện, như tiểu thuyết “Tội ác và trừng phạt” của Đốtxtôiépxki miêu tả kỹ lưỡng tâm lý và hành động của một kẻ giết người, cũng là để con người ăn năn và hướng tới điều thiện. Nhà văn Aimatốp miêu tả một kẻ đào ngũ trong chiến tranh vệ quốc của Liên Xô cũng là để khẳng định những kẻ hèn nhát không có đất sống, là người phải sống xứng đáng và dũng cảm...

Tiếc rằng, một vài tác phẩm của chúng ta những năm qua không có được điều rạch ròi này. Có nhà văn nữ miêu tả truyện ngoại tình lại thi vị hóa nó là “một nửa cuộc đời”, hay có nhà văn miêu tả người anh hùng dân tộc với lời nói thô tục và hành vi đê tiện...

Mỹ là cái đẹp. Tác phẩm văn chương phải đẹp thì mọi người đều thống nhất. Nhưng thế nào là đẹp thì lại có nhiều ý kiến khác nhau. Cái đẹp ở đây không phải chỉ là cái đẹp của hình thức nghệ thuật. Nhưng nội dung và hình thức biểu hiện hay đi liền với nhau. Một hình thức rối rắm, xộc xệch, lủng củng thường không thể chứa đựng được điều gì tốt đẹp. Những sáng tác tự phong là “thơ hiện đại” của một số người trong những năm qua, cầu kỳ và rối rắm thái quá, hoặc với “những bài tình nhớt đêm”, những cuộc loạn luân với hình bóng tiền nhân qua “Bóng đè”... thì thật xa vời với tiêu chí mỹ. Những tác phẩm văn chương nổi tiếng của dân tộc ta cũng như của các dân tộc trên thế giới còn lưu lại đến ngày nay đều là những tác phẩm có giá trị chân - thiện - mỹ cao. Dẫu không phải các dân tộc đều đúc kết thành lý luận, nhưng sự thưởng thức tự nhiên của mọi người, của mọi thế hệ như đều lấy chân - thiện - mỹ là tiêu chuẩn để đáng giá, là tấm gương soi giá trị tác phẩm văn chương. Các thế hệ nhà văn mọi dân tộc đều có khát vọng hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ dẫu mỗi dân tộc có những biểu hiện độc đáo riêng. Đi sâu vào nền văn chương nước nhà, từ thơ ca và truyện cổ dân gian, đến thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, rồi Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, thơ mới 1930-1945 và nền văn chương hiện đại có "Chiếc lược ngà" - Nguyễn Quang Sáng... tất cả đều thấm đẫm giá trị chân - thiện - mỹ và do đó vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc tới bây giờ và mai sau.

Nguyễn Quang Sáng còn có bút danh là Nguyễn Sáng sinh năm 1932, quê ở Chợ Mới, tỉnh An Giang. Là bộ đội thời đánh Pháp, sau năm 1954 tập kết ra miền Bắc mới bắt đầu viết văn. Trong những năm đánh Mĩ, ông sống và hoạt động tại chiến trường Nam Bộ. Cảnh vật, con người và hơi thở nhịp sống trong tác phẩm Nguyễn Quang Sáng đậm đặc màu sắc Nam Bộ. Màu sắc bi tráng với bao sự tích anh hùng, những tình huống hấp dẫn đầy kịch tính và giàu chất thơ tạo nên cốt cách và vẻ đẹp trang văn Nguyễn Quang Sáng.Ông để lại nhiều tác phẩm đặc sắc bằng nhiều thể loại. Các tập truyện ngắn: "Con chim vàng", "Người quê hương", "Chiếc lược ngà", "Bông cẩm thạch", "Người con đi xa" … Tiểu thuyết có: "Đất lửa", "Mùa gió chướng", "Dòng sông thơ ấu". Ngoài ra ông còn có một số kịch bản phim, lưu giữ trong lòng người "một thời để nhớ, một thời để yêu".

Nguyễn Quang Sáng viết truyện ngắn "Chiếc lược ngà" vào tháng 9 năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong những tháng ngày sôi sục đánh Mĩ. Truyện kể về ông Sáu, một cán bộ "nằm vùng tại miền Đông'" da diết thương nhớ vợ con, dùng ngà voi làm thành chiếc lược ngà xinh xắn, trước lúc từ thương đã nhờ bạn chiến đấu trao lại chiếc lược ngà cho đứa con gái bé bỏng, yêu thương. Qua đó, tác giả thê hiện tình cha con sâu nặng, tình đồng đội thiết tha trong cảnh ngộ éo le thời chiến tranh, đồng thời ca ngợi truyền thống cách mạng yêu nước của người nông dân Nam Bộ.



Còn tiếp...
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Xuyên suốt tác phẩm kể về người cha (anh Sáu) xa nhà đi chiến đấu từ khi con còn nhỏ. Khi về thăm nhà mang theo nỗi nhớ và tình yêu thương con tha thiết. Nhưng con gái anh (Bé Thu) đã nhất quyết không nhận cha bởi vì anh có vết thẹo trên má. Điều này đã khiến anh vô cùng đau đớn và khổ tâm. Khi con bé nhận ra anh là ba, cũng là lúc anh phải ra đi mang theo nỗi nhớ con ra chiến trường đến tận lúc hy sinh. Tác phẩm như một bài ca, ca ngợi tình phụ tử thiêng liêng bất diệt trong hoàn cảnh chiến tranh éo le. Vậy chiến tranh có vai trò gì trong việc bộc lộ tư tưởng của tác phẩm? Trước hết phải nói tới cội nguồn nỗi nhớ con của anh Sáu. Chiến tranh khiến anh phải xa nhà đi chiến đấu từ khi con còn nhỏ. Chị đã vài lần ra thăm anh nhưng không thể mang theo con vì đường xa vất vả, đi lại khó khăn nguy hiểm vì bom đạn nữa. Chính điều này càng làm cho nỗi nhớ con trong anh cồn cào, để rồi khi về thăm nhà, thăm con, “cái tình cha trong người anh cứ nôn nao”... Vừa nhìn thấy con bé anh đã nhảy thót lên bờ cất tiếng gọi con... Như vậy có thể nói, chiến tranh đã chia cắt cha con, đã dồn nén tình yêu thương và nỗi nhớ con trong anh đến tha thiết. Đó cũng là khởi nguồn cho nỗi khổ tâm khi con không nhận anh. Rõ ràng chiến tranh là nguyên nhân trực tiếp gây nên nỗi bất hạnh đó. Nói đến đây chắc hẳn sẽ có những quan niệm cho rằng, cũng giống như quan niệm của giáo sư Chú, không đi chiến tranh, đi xa cũng vậy thôi. Xin thưa có sự khác biệt: Thử hỏi trong điều kiện mà người mẹ có thể đi thăm được thì tại sao không thể mang theo con? Chỉ có thể là chiến tranh ác liệt, nguy hiểm mà người cha là anh Sáu đã hiểu điều này. Hơn nữa, trong chiến tranh, điều kiện thiếu thốn thì sự cảm nhận yêu thương càng ít, anh chỉ có một tấm hình nhỏ của con... Tất cả điều đó càng như thôi thúc nỗi nhớ con trong anh nhiều hơn. Đó chính là biểu hiện của tình phụ tử thiêng liêng. Nếu thử hình dung ta thay yếu tố chiến tranh bằng yếu tố khác thì tác phẩm sẽ ra sao?

Đỉnh điểm của sự khổ tâm trong anh Sáu là con bé không nhận anh. Vì sao? Vì vết thẹo. Vết thẹo đó do chiến tranh gây ra. Bà ngoại bé Thu kể cho nó nghe tội ác của bọn giặc tây ở đầu làng. Để nó thấy rằng chính chiến tranh, chính tội ác của chiến tranh đã làm cho ba nó như vây. Vậy rõ ràng rằng chiến tranh có vai trò then chốt tạo nên sự éo le cho tình huống truyện . Câu nói của bà ngoại bé Thu cũng gợi cho ta những suy nghĩ về tội ác của chiến tranh. Đâu phải chỉ mình anh Sáu bị như vậy, đâu phải chỉ có mỗi tình phụ tử này bị chia cắt, mà đã có biết bao nhiêu tội ác như vậy do chiến tranh gây ra. Rõ ràng yếu tố chiến tranh ở đây là không hề thay thế.

Và rồi tình phụ tử thiêng liêng trỗi dậy, cha con nhận ra nhau. Nhưng cũng một lần nữa chiến tranh lại chia cắt. Người đồng đội đi cùng có ý muốn anh ở lại vài ngày, nhưng do chiến tranh, phải nhận nhiệm vụ với tổ quốc mà anh phải dứt áo ra đi. Nghĩa vụ thiêng liêng ấy cũng bắt nguồn từ tình yêu gia đình quê hương (có cả yêu thương con). Thử hỏi có nhiệm vụ nào quan trọng hơn được điều lớn lao ấy. Rõ ràng một lần nữa chiến tranh lại là nguyên nhân chia cắt tình phụ tử thiêng liêng này.

Khi trở lại chiến trường mang theo nỗi nhớ con. Anh giữ lời hứa với con là sẽ làm cho con chiếc lược. A luôn mang theo nó bên minh, thường chải lên đầu cho vơi bớt nỗi nhớ con và mong chờ ngày đoàn tụ. Nhưng rồi chiến tranh lại cướp đi cái mong ước nhỏ nhoi ấy. Anh hy sinh , trong giờ phút cuối cùng, anh dùng chút sức lực còn lại nhờ anh Ba trao lại cho con cây lược. Chiến tranh có thể cướp đi mạng sống của anh chứ không thể cướp đi được tình yêu thương của anh dành cho con. Người đọc nghẹn ngào trước nỗi đau ấy và lên án sự tàn ác của chiến tranh. Chiến tranh gieo giắc trong anh Sáu nỗi nhớ con và giờ đây nó cướp đi cuộc sống của anh cùng tình yêu thương con tha thiết.

Điều đọng lại sâu sắc nhất trong lòng người sau khi đọc xong tác phẩm chính là sự cảm động về tình cha con thiêng liêng, bất diệt. Nhưng người đọc cũng không thể quên được những nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra, từ đó trong họ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời và thái độ sống. Đó là ý nghĩa nhân văn mà mỗi tác phẩm mang lại.

Nếu như trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” ta ám ảnh về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, mà xã hội phong kiến không chỉ là chiến tranh thì yếu tố này hẳn không ảnh hưởng quá nhiều trong tác phẩm. Nhưng ở đây, tình phụ tử gắn với hoàn cảnh chiến tranh để rồi người đọc “nặng lòng” qua từng chi tiết. Phải chăng đó là Vai trò của yếu tố này trong tác phẩm...
Ngoài ra chúng ta dễ dàng nhận thấy tình cảm gia đình, tình phụ tử thiêng liêng bất diệt mà nhà văn thể hiện trong tác phẩm. Ông Sáu, một hình tượng đẹp về người cha hy sinh cả cuộc đời để gìn giữ tình cha con bất diệt, dù chiến tranh, hình thức bên ngoài thì tình cảm đó chưa bao giờ phai nhạt trong người đàn ông này.

Nhớ con, thương con vô hạn, Sau tám năm xa nhà đi kháng chiến, bé Thu lên tám tuổi thì ông Sáu người cha xa biệt con từng ấy thời gian giờ mới có dịp về phép thăm nhà, gặp mặt đứa con gái đầu lòng mà ông vô cùng thương nhớ,ông nghĩ rằng đó là động lực để ông cố gắng chiến đấu. Khi vừa cập bến tàu, nhìn thấy Thuồng đã vội cất tiếng gọi con cùng với điệu bộ "vừa bước, vừa khom người đưa tay chờ đón con", có lẽ lúc này ông rất vui và xúc động, hạnh phúc, tin rằng đứa con sẽ đến với mình. Nhưng oái oăm thay bé Thu đã từ chối, chạy và kêu thét lên gọi má khiến ông Sáu vô cùng buồn bã, thất vọng, đau đớn.

Và Trong hai ngày phép ở lại cùng con ngắn ngủi, ông Sáu đã làm hết sức của mình không đi đâu chỉ quanh quẩn ở nhà với con, chăm sóc con nhưng bé Thu không nhận cha khiến ông vô cùng buồn, ... nhưng ông sẵn lòng tha thứ cho con. Ông cứ nghĩ về tới nhà con sẽ chạy lại ôm ông và chia sẻ với ông những điều mà ông xa nó trong từng ấy thời gian nhưng tình yêu thương của người cha dành cho con trở nên bất lực khi ông Sáu đánh con bé một cái vào mông vì nó đã hất miếng trứng cá mà ông gắp ra khỏi bát cơm làm cơm văng tung toé, rồi nó bỏ đi sang nhà ngoại, vừa đi vừa vùng vằng, đánh đổ một số thứ đồ kêu loạng choạng để báo cho ông biết là hãy để nó yên.

Nhưng rồi, cuộc vui nào cũng phải tàn, dù không được con bé chấp nhận và yêu thương, nhưng đối với ông thời gian ngắn ngủi đó cũng khiến ông vơi đi nỗi nhớ về con sau 8 năm xa cách đằng đẵng. Cho đến lúc chia tay, ông nhìn con trìu mến lẫn buồn rầu "đôi mắt của người cha giàu tình thương yêu, độ lượng, có phần thất vọng, sợ con không đón nhận tình cảm của mình. Nhưng rồi như có một thứ sức mạnh nào khiến bé Thu gọi ông là cha trong tiếng khóc nghẹn ngào, em hôn lên tất cả những gì em với tới và hôn ngay vào vết thẹo trên khuôn mặt ông,trước cử chỉ của bé Thu, "anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên mái tóc con". Có thể nói rằng những giọt nước mắt của hai cha con đang rơi đó là giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc của một người cha cảm nhận được tình ruột thịt từ con mình.

Đặc biệt tình cảm ông dành cho con gái của mình là lúc con đã dành thời gian rảnh rỗi của mình để làm cho con cái lược ngà, tình cảm của ông Sáu với con đã được thể hiện tập trung và sâu sắc ở phần sau của truyện, khi ông Sáu ở trong rừng, tại khu căn cứ.

Dù đã xa con thật rồi, nhưng khi trở về căn cứ, ông lại có cảm giác nỗi nhớ thương xen lẫn sự day dứt, ân hận ám ảnh ông suốt nhiều ngày vì ông đã đánh con khi nóng giận. Ông không nghĩ mình sẽ đánh con vì ông đúng là một người cha hiền lành, nhân hậu, biết nâng niu tình cảm cha con, nhưng có lẽ ông quá yêu con, bất lực nên ông mới hành động như thế. Rồi lời dặn của đứa con: "Ba về, ba mua cho con một cây lược ngà nghe ba!" đã thúc đẩy ông nghĩ đến việc làm một chiếc lược ngà dành cho con. Chứng tỏ ông rất chiều con và luôn giữ lời hứa với con. => Đó là biểu hiện tình cảm trong sáng và sâu nặng của người cha.

Ông đã hạnh phúc biết bao nhiêu khi kiếm được khúc ngà, anh vui sướng như đứa trẻ được quà, rồi để hết tâm trí, công sức vào việc làm cây lược, cưa răng, chuốt bóng, khắc chữ... tỉ mỉ, cần mẫn, công phu. Lòng yêu con đã biến người chiến sĩ thành một nghệ nhân - nghệ nhân chỉ sáng tạo một tác phẩm duy nhất trong cuộc đời. Cho nên nó không chỉ là chiếc lược xinh xắn và quý giá mà đó là chiếc lược kết tụ tất cả tình phụ tử mộc mạc mà đằm thắm, sâu xa, đơn sơ mà kỳ diệu làm sao! Chiếc lược ngà ??? thiêng liêng đã làm dịu nỗi ân hận và ánh lên niềm hy vọng khắc khoải sẽ có ngày anh Sáu được gặp lại con, trao tận tay nó món quà kỷ niệm này.



Còn nữa...
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Nhưng chiến tranh thật tàn nhẫn, nó là thứ độc ác khiến tình cảm cha con sâu nặng trở thành thứ tình cảm thật đáng thương, anh không kịp đưa cho đứa con gái của mình cây lược ngà đến tận tay cho con, người cha ấy đã hy sinh trong một trận càn. Trước khi vĩnh biệt con,ông vẫn không quên nhờ người đưa cho con gái giúp ông, ông Sáu vẫn nhớ chiếc lược, đã chuyển nó cho người bạn như một cử chỉ chuyển giao sự sống, một sự uỷ thác, là ước nguyện cuối cùng của người bạn thân: ước nguyện của tình phụ tử. Điều đó đúng như ông Ba nói: "chỉ có tình cha con là không thể chết được". Đó là điều trăng trối không lời, nó rõ ràng và thiêng liêng hơn cả một lời di chúc.
Tính Chân -thiện - mỹ của truyện ngắn Chiếc lược ngà còn được thể hiện thông qua những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc mà Nguyễn Quang Sáng sử dụng trong tác phẩm. Truyện ngắn Chiếc lược ngà là biểu tượng cho đặc điểm trần thuật truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng. Điều tạo nên sức hấp dẫn của câu chuyện là tác giả đã xây dựng được một tình huống hết sức chặt chẽ, hấp dẫn xoay quanh những tình huống bất ngờ nhưng tự nhiên và hợp lý. Nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Quang Sáng thoải mái, tự nhiên với giọng điệu thân mật, dân dã. Tác giả đã kể chuyện từ nhân vật “tôi” (bác Ba) – người bạn thân chiến đấu của ông Sáu, một người chứng kiến toàn bộ câu chuyện. Việc sử dụng ngôi kể này tạo được giọng điệu kể chuyện thủ thỉ tâm tình, gợi cảm giác chân thực, gần gũi vói người đọc. Bác Ba là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện. Vì vậy, với cách lựa chọn ngôi kể này vừa tạo sự khách quan, vừa có sức thuyết phục với người đọc về những sự kiện, tình tiết trong truyện. cách lựa chọn ngôi kể này rất phù hợp, nó thể hiện sự tinh tế của tác giả. Người kể hoàn toàn điều khiển nhịp kể kể và dẫn dắt nội dung câu chuyện theo dòng cảm xúc của mình. Nhà văn rất thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, đặc biệt là tâm lý của nhân vật trẻ em rất tinh tế. Điều đó thể hiện sự nhạy cảm, tấm lòng yêu thương trân trọng của nhà văn đối với con người và tình người. Với ngôn ngữ truyện mang đậm chất địa phương Nam Bộ. Đó chính là những điểm đặc sắc không thể trộn lẫn về nghệ thuật trong Chiếc lược ngà.
Trong chương trình Ngữ Văn trung học cơ sở cũng có một tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong em về tính chân - thiện -mỹ của nó. Đó chính là tác phẩm Chiếc lá cuối cùng. Tác giả của nó là O Hen – ri O Hen-ri sinh năm 1862 mất năm 1910 là nhà văn Mĩ chuyên viết truyện ngắn. Truyện của ông nổi tiếng là dí dỏm, dễ hiểu, giàu tình cảm và luôn có những cái kết bất ngờ và khéo léo. Những truyện của O Hen-ri thường nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả, tình thương yêu người nghèo khổ, rất cảm động. Được bạn đọc yêu thích hơn cả như: Căn gác xép, Tên cảnh sát và gã lang thang, Quà tặng của các đạo sĩ,… và “kiệt tác” Chiếc lá cuối cùng.
Chiếc lá cuối cùng là một trong những truyện ngắn hay nhất của O Hen-ri. Câu chuyện kể về Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men – những họa sĩ nghèo cùng sống trong một căn hộ thuê gần công viên Oa-sinh-tơn. Giôn-xi bị bệnh viêm phổi khá nặng, cô thấy tuyệt vọng và tin rằng khi chiếc lá cuối cùng của cây thường xuân cạnh cửa sổ rụng xuống, cô cũng sẽ lìa đời. Kì diệu thay, sau một đêm mưa bão khủng khiếp, chiếc lá ấy vẫn dũng cảm bám vào cành cây bằng sự kiên cường mãnh liệt. Điều đó đã khiến Giôn-xi thay đổi ý nghĩ về cái chết của mình, cô không còn muốn chết nữa mà đã lạc quan, vui vẻ và có niềm tin vào cuộc sống hơn. Qua lời kể của Xiu, Giôn-xi mới biết rằng chiếc lá ấy là do cụ Bơ-men đã vẽ vào ngay cái đêm mà chiếc lá cuối cùng rụng xuống, trong khi đó, để cứu sống Giôn-xi, cụ Bơ-men đã hi sinh mạng sống của mình. Điều gì đã khiến chiếc lá cuối cùng vẫn còn đấy, vẫn đeo bám vào cây dây leo mỏng manh mặc cho mưa gió trút xuống? Điều gì đã khiến Giôn-xi – con người tàn nhẫn có ý nghĩ quái gở ấy lấy lại niềm tin vào cuộc sống? Phải chăng tất cả đều là một phép màu? Vâng! Đúng là có phép màu, không phải phép màu nhiệm xảy ra ở trong truyện cổ tích mà ta thường đọc, cũng không phải do ông tiên hay thần linh nào ban tặng mà đó là phép màu của tình yêu thương. Chính cụ Bơ-men - con người có tình yêu thương, giàu đức hi sinh cao cả ấy đã làm cho chiếc lá vẫn còn mãi, vẫn tươi xanh mặc bao giông gió vùi dập phũ phàng. Chiếc lá vẫn đeo bám lấy sự sống để Giôn-xi thấy rằng: cuộc sống này đáng quý biết bao! Đáng trân trọng biết bao! Tại sao lại không yêu quý, trân trọng từng phút giây được sống mà lại đặt cược mạng sống của mình vào những chiếc lá thường xuân? “Kiệt tác” của cụ Bơ-men cũng đã cho Giôn-xi biết rằng: cô đã quá yếu đuối, tệ bạc với cuộc đời và chính bản thân mình. Xiu cũng là một nhân vật đáng ca ngợi, một cô gái với tình bạn cao đẹp, chung thủy, hết lòng với Giôn-xi. Dù hoàn cảnh cũng nghèo khó nhưng cô luôn động viên Giôn-xi chiến thắng bệnh tật, khát khao sống với cuộc đời. Từ hiện thực đầy rẫy những bất công vô lý, đem đến bao bất hạnh cho những con người nghèo khổ, nhà văn luôn khơi dậy được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật qua tình huống truyện thật bất ngờ và cảm động. Thành công của “Chiếc lá cuối cùng” còn phải kể đến tài năng viết truyện điêu luyện của O Hen-ri đặc biệt là nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần và việc kể, tả tâm trạng nhân vật. O Hen-ri đã rất khéo léo trong việc lựa chọn ngôi kể thứ ba để có thể kể hết câu chuyện của nhân vật một cách khách quan, biểu thị thái độ đánh giá, bộc lộ các khía cạnh khác nhau của từng nhân vật. Truyện được xây dựng theo kiểu có nhiều tình tiết hấp dẫn, sắp xếp chặt chẽ và khéo léo khiến người đọc bị lôi cuốn vào câu chuyện một cách say mê, hứng thú. Kết thúc truyện thật bất ngờ khiến cho người đọc phải ngẫm nghĩ rất nhiều về sự hi sinh cao cả của cụ Bơ-men mà Giôn-xi lại không phản ứng gì thêm, tạo sự dư âm cho truyện ngắn đặc sắc này. Và chính điều này làm nên giá trị chân - thiện - mỹ của tác phẩm.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng cả hai truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng và Chiếc lược ngà đều hướng tới tính chân - thiện – mĩ đều thể hiện tình yêu thương mãnh liệt dành cho con người. Tuy nhiên do phong cách sáng tác, hoàn cảnh xã hôi mà cách thể hiện giá trị chân - thiện – mĩ của mỗi tác phẩm khác nhau. Nếu ở Chiếc lược ngà Nguyễn Quang Sáng thành công thể hiện tình cảm gia đình trong chiến tranh thì ở Chiếc lá cuối cùng O Hen -ri đã rút cạn nước mắt người đọc bằng những trang văn nức nở thể hiện tình người trong nghèo khó. Sau khi tìm hiểu về hai truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng và Chiếc lược ngà em càng nhận thấy ý kiến của nhà phê bình Hoàng Minh Châu là hoàn toàn đúng đắn khi ông đề cập đến những giá trị làm nên sự trường tồn của văn chương. Ý kiến của ông như một chiếc kim chỉ nam giúp nhà văn định hướng sáng tác và giúp người đọc tiếp cận tác phẩm.
Hai tác phẩm Chiếc lược ngà và chiếc lá cuối cùng đã luôn thể hiện được giá trị chân - thiện – mĩ của mình nên sẽ luôn trường tồn và sống mãi với thời gian


Sen Biển
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top