Chuyền đề :Hà Nội thơ

"Em Về, Hà Nội" của Hoàng Anh Tuấn, bài thơ mà tôi vẫn thích, một vài dòng k thể nói hết tương tư...

HAT và Nguyên Sa cùng sang Paris học, ông đã viết những vần thơ hay về HN để mỗi khi vui buồn ta lại lật từng trang .


Hà-nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
Giã từ em -mười bảy tuổi- một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá

Hà-nội yêu, áo lụa ngà óng ả
Thoáng khăn san nũng nịu với heo may
Năm ngón tay nhón một trái ô mai
Chiếc răng khểnh xinh nụ cười cam thảo

Hà-nội yêu, mối tình đầu khờ khạo
Em nhận thư, anh ngây ngất tủi mừng
Khi về nhà, cười nụ với cầu thang
Một tuần lễ, vui như ngày thi đỗ

Hà-nội yêu, cốm Vòng đơm gió nhỏ
Nên mùa Thu kín đáo khép tà mây
Ván giải gianh, có một lúc bàn tay
Vơ nắm sỏi với lòng anh hồi hộp

Hà-nội yêu, đẹp Trưng Vương mái tóc
Chiếc kẹp nghiêng, ba lá nép vào nhung
Miếng sấu xanh đừng chua quá ghê răng
Em hóm hỉnh, chiếc mũi xinh chun lại

Hà-nội yêu, liễu hẹn hò nắng mới
Hẹn hò em anh bối rối chim khuyên
Nào có bao giờ anh được hôn em
Nên dáng liễu còn u sầu vạn thuở

Hà-nội yêu, xin cầm tay lần nữa
-một lần thôi cho vừa đủ hai lần-
thèm ngày xưa hạnh phúc rất thiên thần
anh chết lặng trong tình yêu thác đổ.

Hà-nội yêu, vẫn y nguyên tưởng nhớ
Nên nghìn năm vẫn ngỡ mới hôm qua
Bóng hoàng lan, sân gạch mát sau nhà
Còn vương vấn trong những bài thơ cũ

Hà-nội yêu, xin về từ thống khổ
Dây kẽm gai dù xé rách bờ vai
Bóng ngục tù dù ngầu đục mắt nai
Anh xin đón vào đôi tay khô héo.

Vài dòng chú thích: thật ra tôi có bài thơ này từ khá lâu rồi do một người đã tặng mà tôi rất quí nhưng để tôn trọng tôi có thấy một vài trang trên web và hiện nay tập thơ đã được in và lưu hành nên tôi chưa xin phép tác giả mà đăng ở đây, xin trân trọng.


Nguồn : nguoihanoi.net
 
Thi ca HAT đã vượt bao không gian có em Hà Nội bay sang Paris nhung nhớ, về Sài Gòn mộng mơ, vẫn em Hà Nội trong tâm tư thi nhân của tâm thức nồng nàn, của hồn thơ lãng mạn. Các bằng hữu của tôi từ các không gian khác nhau đã nói về Hoàng Anh Tuấn và thơ của ông như sau:

--- Với Hồng Vũ Lan Nhi:

"Tôi yêu thơ Hoàng Anh Tuấn trong nét dịu dàng, nét dấu yêu khi anh diễn tả thơ anh, đơn cử ví dụ:

"Tiếng nguyệt cầm đong từng quạnh quẽ
Chuyển từ lưu thủy đến hành vân
Mắt người thơ quá giang lần đó
Không biết bao giờ thôi nhớ nhung

Nhớ nhung tay ngọc thêu mộng ngọc
Như liễu trang đài đắm giọt sương
Có giọt sương nào theo gió Bắc
Thổi niềm ưu ái tới Nam phương?

Nam phương đưa tiễn người nhan sắc
Ði vào dĩ vãng một mùa Xuân
Gởi cánh thư này về cố quốc
Y nguyên tâm sự của Huyền trân
(Bến Xuân Tiễn Biệt)"

--- Với Vũ Hoài Mỹ

"Hoàng Anh Tuấn là nhà thơ của thơ bóng bẩy và nhẹ nhàng qua bao vần thơ mà chúng ta tìm thấy trong kho tàng thơ của ông, hãy nghe:

"Khung cửa sổ mở ra trời mai sớm
Mát trong veo hương cốm đã Thu về
...
Có một nàng công chúa sắp đi ngang
Trên tà áo còn nguyên màu cổ tích
Xin trở lại thuở ngày xưa tinh nghịch
Cầm tay nhau lần đó để xa nhau
Ðể ước ao khi thương nhớ nghẹn ngào
Ðược cầm lại bàn tay em công chúa
(Công Chúa Tháng Chín)" "

---Với Hoàng Đạm Thủy:

"Thơ Hoàng Anh Tuấn biểu tượng cho hồn thơ quá lãng mạn, tâm tư về trong yêu dấu của kỷ niệm ngày xưa rất đằm thắm, rất ngọt ngào:

"Ngọn gió nào êm ái
Xin về tà áo em
Ngọn gió nào dịu hiền
Cho áo em mềm mại
Cho mềm mại áo em
Ngọn gió nào dễ thương
Tà áo em khép lại
Ủ hồn anh cô đơn
Em ngàn năm thơ dại
Tình ngàn năm khói sương
(Viết Lên Tà Áo Em)" "

--- Với Nguyễn Thụy Vi:

"Tôi thích đọc thơ Hoàng Anh Tuấn vì tính chất tình cảm nhẹ nhàng che dấu qua những ví von, những dẫn dụ trong thơ của ông:

"Hãy thử nhìn anh bằng đôi mắt thỏ
Hãy Mỵ Khương hãy rất Mỵ Khương yêu
Hãy thử nhìn anh bỡ ngỡ thật nhiều
Rất kinh ngạc thấy ngày xưa chưa chết

Anh thoáng hững hờ về rừng khuynh diệp
Tới Ðường Hoa tìm nối tiếp hẹn hò
Cánh tay anh dù nặng tháng ngày qua
Vẫn rào rạt thắt vai em tròn mộng
(Mỵ Khương Tháng Sáu)" "

--Với Hoàng Thy:

Nhạc sĩ Hoàng Thy cũng có thơ và nhạc về Hà Nội, anh rung cảm thơ về "Em Hà Nội" của Hoàng Anh Tuấn, nào ta hãy nghe thơ Hà Nội của Hoàng Thy khi xét Hoàng Thy và Hà Nội:

"Anh thấy mây Thu vẫn lững lờ
Quyện vào mắt biếc nét ngây thơ
Trơi trong làn tóc mùi hoa sữa
Ngây ngất hồ Gươm đứng thẫn thờ

Anh thấy mưa phùn lây lất bay
Chiều thu Hà Nội dáng hao gầy
Xin em cứ để mưa rơi rớt
Trên dáng trang đài ngây ngất say
(Hà Nội Cuối Thu, Hoàng Thy)

Ngoài ra nhạc Hoàng Thy cũng chia sẻ sự đồng cảm nhận về em Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn:

"Hà Nội bây giờ còn trong nỗi nhớ
Những chiều se lạnh bên phố chờ ai
Cơn mưa phùn rơi không ngại ướt áo
Từng cội me già nhẹ tiếng lao sao

Mái đình rêu phong muôn đời cổ kính
Con đường gạch đỏ ngai bước chân ai
Mặt nước hồ Gươm miệt mài soi bóng
Những cuộc tình làm gợn sóng lung linh

Từ dạo Thu về phố bỗng hoang vu
Héo hắt hồ Gươm khi gió Thu về
Hàng me chết lặng khi Thu chợt đến
Tàn tạ hao gầy vào độ Thu sang"
(Mùa Thu Hà Nội, Hoàng Thy)

Tôi nêu thơ Hoàng Thy về Hà Nội để thấy rằng sự đồng cảm của anh với thơ em Hà Nội của thi nhân Hoàng Anh Tuấn, cả hai ấp ủ người yêu trong văn thơ là em Hà Nội. Hà Nội của mộng mơ, Hà Nội của nhớ thương.

Hoàng Thy viết:

"Tôi biết thơ Hoàng Anh Tuấn khi còn ở bên nhà. Anh sống với Hà Nội, yêu Hà Nội và mơ về Hà Nội trong thi văn của anh. Tôi lớn lên trong gia đình vốn gần gủi với âm hưởng và nhiều kỷ niệm với Hà Nội, tôi cảm thấy sự đồng cảm với Hoàng Anh Tuấn, ví dụ Hà Nội về trong giấc mơ xưa, Hà Nội khi mùa thu về:

"Những dặm nhớ vẫn đo dài cách biệt
Thăm thẳm xa hun hút bóng thời gian
Ôi mùa Thu trời Hà nội mưa đan
Vương ánh mắt những thờ ơ khép cửa
Khi yêu dấu long lanh trên nhánh cỏ
Niềm đong đưa trong vắt giọt rưng rưng
Ta hẹn em bằng âu yếm nói thầm
Những gắn bó chẳng bao giờ nới lỏng
Cho mềm xanh xõa tóc gội heo may
Những làn môi cốm mới lúc đầu ngày
Thơm hờ nhẹ lên phớt nhung gò má
...
Khi chợt nghe văng vẳng tiếng rao quà
Những ngu ngơ một thuở ấu thời xa
Lại bụ bẫm trong vành nôi quá khứ
Khi chợt nghe tiếng ru hời ngọt sữa
Hồn mở ra cùng đồng lúa xôn xao
Nắm xôi bùi đơm vàng đổ hoa cau
Lại bé bỏng thả con diều cao ngất
Những dặm nhớ chỉ còn xa gang tấc
Nên lòng ta ngơ ngẩn phải lòng em"
(Hà Nội, Mùa Thu và Em) "

----Với Hà Phương Hoài:

Hà Phương Hoài là người say mê thi ca, anh thường bàn bạc về văn thơ, tôi có dịp tiếp xúc với anh. Anh gởi tôi email về thơ Hoàng Anh Tuấn như sau:

"Hoàng Anh Tuấn là khuôn mặt lớn, có nhiều áng thơ mượt mà, chứa chan của kỷ niệm về những khung trời đã qua tại Hà Nội. Tôi tìm thấy thơ Hoàng Anh Tuấn trang trọng cho một Hà Nội dấu yêu. Thơ anh bàng bạc những địa danh, những con đường, những góc phố, những dấu mốc của thời gian cũ về những cảm nghĩ mà anh muốn giới thiệu hay đem chúng ta về Hà Nội của anh như trong bài "Yêu Em, Hà-nội":

"Hà nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
Giã từ em mười bảy tuổi một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá

Hà nội yêu, cốm Vòng đơm gió nhỏ
Nên mùa Thu kín đáo khép tà mây
Ván giải gianh, có một lúc bàn tay
Vơ nắm sỏi với lòng anh hồi hộp"

Hà Nội có mùa Thu hương cốm, có những quả sấu xanh mang vị chua của thủa thiếu thời mà chúng ta thấy trong thơ của anh.

"Hà nội yêu, đẹp Trưng Vương mái tóc
Chiếc kẹp nghiêng, ba lá nép vào nhung
Miếng sấu xanh đừng chua quá ghê răng
Em hóm hỉnh, chiếc mũi xinh chun lại.

Hà nội yêu, xin cầm tay lần nữa
một lần thôi cho vừa đủ hai lần
thèm ngày xưa hạnh phúc rất thiên thần
anh chết lặng trong tình yêu công chúa"

Tiếng rao hàng ở Hà Nội ngày xưa trên những con đường thơm hương tỏa của loài hoa sữa:

"Khi chợt nghe văng vẳng tiếng rao quà
Những ngu ngơ một thuở ấu thời xa
Lại bụ bẫm trong vành nôi quá khứ
Khi chợt nghe tiếng ru hời ngọt sữa"

Tôi nghe tiếng thơ Hoàng Anh Tuấn ru tôi về một Hà Nội trong tâm tưởng của anh và của tôi. Cám ơn thơ của Hoàng Anh Tuấn."

--- Với Phạm Văn Vĩnh:

Anh Phạm Văn Vĩnh định cư tại Paris đã lâu, anh yêu văn thơ, anh nghiên cứu thơ văn anh thường bàn bạc với tôi về nhiều tác giả trong đó có thi ca của Hoàng Anh Tuấn. Sau đây là bài viết của anh:

"Tôi biết đến nhà thơ Hoàng Anh Tuấn vì một sự tình cờ. Cách nay đã mấy mươi năm, khi còn đang học ở bậc trung học, nghe ca sĩ Thái Thanh hát bài "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội". Hay quá. Nhạc hay và lời cũng haỵ Phải nói lời và nhạc quấn quýt lấy nhau. Lúc đầu tôi chỉ biết tác giả của bài hát này là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tháng ngày trôi đi như một sự bình thường và tôi cũng quên luôn bài hát ấy. Nhưng một hôm, bài hát lại trở về văng vẳng bên tai tôi:

"... Thương màu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha
Thơ ngây đôi má nhung hường
Hà Thành trước kia thường, thường về cùng lối đường
Khi mưa ướt, lạnh mình ướt
Chung nón dìu bước thơm phố phường..."

Lần này thì khác hẳn lần trước. Ngay sau khi nghe xong bài hát, như có một mãnh lực vô hình nào đưa đẩy, tôi dắt bộ chiếc xe đạp cũ kỹ vào trong chợ, đến ngay quầy bán sách báo, dụng cụ văn phòng, hỏi mua bản nhạc lá "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội". Bấy giờ tôi mới biết người viết lời mang tên Hoàng Anh Tuấn. Phải thành thực mà nói, hồi nhỏ tôi chỉ chú trọng đến âm hưởng của các bản nhạc, còn lời tôi không chú ý lắm. Nhiều khi hát thuộc lòng, không hiểu và không cần hiểu bài hát nói gì. Thi phú thời thơ ấu của tôi vỏn vẹn với các bài học thuộc lòng và thi ca trong chương trình ở học đường. Cái tên Hoàng Anh Tuấn cũng đi vào quên lãng. Về sau tôi lại biết đến tên ông không phải vì thơ mà vì ông là đạo diễn cho phim trường ở Việt Nam.

Mãi về sau, vài người bạn gởi cho tôi đọc đôi ba bài thơ của ông đạo diễn này. Lúc ấy tôi mới nghĩ một cách tự nhiên rằng ngoài việc làm phim, ông cũng làm thơ và thơ của ông rất hay. Tôi thích nhất những câu thơ viết theo thể lục bát, mỗi chữ được tác giả nắn nót thật xúc tích. Tôi nghĩ nhiều khi viết những dòng thơ này, ông đã ngồi lỳ cả buổi tô đậm những chữ thơ đã được viết trên giấy trắng rồi cuối cùng vò nhầu tờ giấy, vất đi, viết lại cho hợp ý mình hơn. Xin đọc qua vài đoạn !

Chuyện tình thôi thế phù du
Mà sao em vẫn thiên thu muộn phiền.
Chân trời tím ngắt vắng em
Tím bờ môi để đêm đêm hững hờ
Hẹn em về chốn chân như
Lạc loài đốt mấy tờ thư soi đường
Ừ thì gối mộng sầu thương
Có gì vĩnh cửu, miên trường đâu em?
(Về Chân Trời Tím)

Nước xuôi buồn lả mái chèo
Hai hàng mi gọi đìu hiu xuống ngày
Nhớ gần buộc gót chân mây
Ngẩn ngơ vạt áo chiều dài khẽ canh
Buồn theo mộng nhỏ đi quanh
Hàng trăm lối mộng độc hành về khơi
Tóc thôi lưu bước sông dài
Thuyền xưa chót lạc ra ngoài mắt xưa
Tuy còn nguyên điệu chèo thơ
Khoang tình đã lặn cơn mưa gối đầu
(Nhớ Xuống)

Ngoài thể lục bát, thơ của ông còn viết theo thể tự đo, lời vẫn hay, ý vẫn đẹp, vẫn với cung cách nắn nót từng chữ để tìm ra nguyên câu, nguyên bài:

Trong bóng tối buồn như màu tóc rụng
Của điệu nhạc tắt đèn
Lần đầu tiên tôi thở
bằng hơi em
lần đầu tiên tôi ngã mình trên những vì sao đã chết
(Điệu Nhạc Tắt Đèn)

Kể từ đó thơ ta đầy châu báu
Vì hồn ta chứa đựng cả hồn em
Ta cắn môi cho đứt đoạn ưu phiền
Em cũng nhướng nét mày cong mềm mại
(Ước Hẹn Mùa Xuân)

Quê ông ở Hà Nội. Có lẽ chính vì thế mà khi ông đặt bút viết về Hà Nội, bài thơ nào cũng chứa chan tình cảm, rạo rực, lãng mạn và chân thật:

Hà-nội yêu, liễu hẹn hò nắng mới
Hẹn hò em anh bối rối chim khuyên
Nào có bao giờ anh được hôn em
Nên dáng liễu còn u sầu vạn thuở
(Em Về Hà Nội)

Em Hà Nội hàng Đường trong giọng nói
Để hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một trường thi lãng mạn
Thơ thuở bé khắc ghi tình ngõ Trạm
Hàng Cỏ ơi, nét thảo có mờ phai
Theo gót chân em từng bước hàng Hài
Yêu hàng Lược chải mềm hương mái tóc
(Bài Thơ Hà Nội)"

--- Với Nguyễn Đăng Tuấn:

Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tuấn vốn say mê thi phú, anh gửi tôi những cảm nghĩ của anh về Hoàng Anh Tuấn như sau:

"Hoàng Anh Tuấn, làm thơ và phóng đi, như trẻ thơ xếp giấy làm thuyền, lênh đênh bến cỏ bờ mê. Cả đời, thơ thất tán trong các tạp chí. Tưởng rằng, rồi cũng sẽ xuôi bao ngã giòng đời không về lại. Thế mà, nhờ sự ưu ái của người con gái, nhà văn Thu Thuyền, chúng ta hôm nay có được tập thơ đầu tay của người làm thơ hằng nửa thế kỷ: "Yêu Em, Hà Nội".

"Hà-nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
Giã từ em -mười bảy tuổi- một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá

Hà-nội yêu, áo lụa ngà óng ả
Thoáng khăn san nũng nịu với heo may
Hai ngón tay nhón một trái ô mai
Chiếc răng khểnh xinh nụ cười cam thảo"

Hoàng Anh Tuấn, bay nhảy trong của cõi thơ người, mượt mà, óng ánh. Có bài thơ đã thành ca khúc "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội". Vẫn là Hoàng Anh Tuấn, của "Nhớ thương ngày qua", của "Năm cửa ô" đã mịt mùng và mãi yêu, Hà Nội.

"Mưa hoàng hôn
Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về
nương chiều tà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hoà
Thương màu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha"

Lóng lánh, trời Âu. Thiết tha, trời Mỹ. Hoài niệm, trời Nam. Hoàng Anh Tuấn, nhà thơ cũng những giòng thơ riêng, thôi thúc, trong nhịp điệu hiền hòa. Đã tặng cùng với trần gian, chút gì yêu qúy, như ngàn năm văn vật vẫn còn nơi đất xưa. Hà Nội, mãi còn thương, mãi hoài yêu. Cả đời cho thi phú, cả đời yêu em. Yêu Em, Hà Nội của ông"

--- Với Hà Huyền Chi:

Nhà thơ Hà Huyền Chi vốn là bằng hữu với Hoàng Anh Tuấn, tôi nhờ anh cho tôi một đoạn bình thơ, anh ghi cho tôi thêm một đoạn bình người.

Trong phone anh HHC kể từ khi hai anh gặp lại nhau hồi gần đây, gió Mỹ ần cần làm HAT phát tướng. HHC là bằng hữu thân tình với Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Duyên Anh, Thanh Nam, Văn Quang, Nguyễn Đạt Thịnh, Nguyễn Đình Toàn và Hoàng Anh Tuấn, HHC vốn là nhà thơ vui tính, đượm nét thi ca của phái tinh nghịch, của thơ bóng bẩy, thỉnh thoảng là lời đùa của tình thân về bình tướng, nhưng lại sắc nét khi anh ghi nhận trong đoạn "Gửi Chút Hương Lòng Theo Gió" về nhà thơ HAT:

"Hoàng Anh Tuấn (HAT) làm giám đốc đài phát Thanh Đà Lạt một thời. Làm vài cuốn phim vui chơi. Làm thơ như rượu nói. Gã buông thả với nếp đời. Ở một chừng mực, vô chừng. Thơ đề trên vạt áo người. Thơ liệng máy bay ngất ngưởng. Dầu anh quý thơ vô chừng, vô lượng. Mỗi dòng thơ thành hình, như chắt lọc từ đáy tim mình. Nghiêm túc.

Tháng 7-04 gặp HAT, béo tròn trùng trục. Khác xa Thơ. Đấu ốm nhom. Không thuốc làm mây. Không rượu thay cơm. Hàm răng giả cười trong ly nước lọc. Con bé Thu Thuyền muốn khóc. Gom thơ cha chờ được phép in. Gã đạo diễn phim Xa Lộ Không Đèn, vẫn lắc. Có làm gì dăm kỷ niệm toan ném vào quên. Dù là "Em Yêu, Hà Nội", hay Hà Nội trong em. Con đường cụt, cuối chiều đời, lữ thứ.

Hoàng Anh Tuấn sống trọn tình với chữ nghĩa. Như Mai Thảo, Thanh Nam,... Thi tập cuối đời như chiếc lá muộn màng. Gửi chút hương lòng theo gió. hahuyenchi"

Đến đây tôi xin tạm chấm dứt bài viết về nhà thơ Hoàng Anh Tuấn như nhận xét tình thân từ nhà thơ Hà Huyền Chi về HAT của sự thủy chung cho chữ nghĩa, hay HAT như nhà thơ cả đời cho thi phú như nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tuấn nhận xét. Để bây giờ chúng ta có được chiếc lá muộn màng "Yêu Em, Hà Nội".

Việt Hải
 
"Yêu Em, Hà-nội" và Hoàng Anh Tuấn


Tôi đọc tài liệu sự lãng mạn của nhà thơ Boris Pasternak, ông làm thơ và viết văn, ông có ngừời tình Olga Ivinskaya, vốn là cô thư ký của ông. Trong tình yêu đó ông đưa người tình này vào tác phẩm lừng danh Dr. Zhivago qua hình ảnh người tình Lara. Người đọc đều thấy ông Pasternak yêu Olga như Dr. Zhivago yêu Lara.

Rồi cùng ngày hôm nay tôi đọc thơ của người thi sĩ lãng mạn Việt Nam Hoàng Anh Tuấn (HAT). So với Boris Pasternak, Hoàng Anh Tuấn cũng vậy thôi, HAT làm thơ, HAT viết văn, và... HAT cũng có người tình. Đó là em Hà Nội, một địa danh, một chốn xưa với ngàn năm văn vật. Tôi hiểu ông trong văn chương vì chính HAT đã ru mộng mình về người tình muôn thuở qua những áng thơ mượt mà bất hủ, đó là người em Hà Nội trong tâm tưởng. Ông yêu Hà Nội như người tình, ông nhân cách hóa Hà Nội như người tình. Bởi vì Hà Nội là Em và Em là Hà Nội. Nào, ta hãy nghe HAT thì thầm trong bài "Yêu em, Hà Nội":

"Hà-nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
Giã từ em -mười bảy tuổi- một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá..."

Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7-5-1932 tại Hà-nội. Hà Nội đến với HAT qua nhiều kỷ niệm của thuở thơ ấu như hình ảnh khôn nguôi, em Hà Nội ve vãn những ý nghĩ từ ban sơ trong văn thơ của HAT, em Hà Nội cho HAT chất xúc tác dâng tràn nguồn rung cảm, em Hà Nội cho HAT sự ấp ủ dấu yêu qua nhiều bài thơ mà tôi xem trong tập thơ "Yêu Em, Hà Nội". Dù theo dòng đời ông đã xa em Hà Nội để sang Paris rồi vào Sài Gòn, HAT mang em Hà Nội bằng con tim nặng trĩu thương yêu qua nhũng dòng thơ đầy nhung nhớ:

"Hà-nội yêu, mối tình đầu khờ khạo
Em nhận thư, anh ngây ngất tủi mừng
Khi về nhà, cười nụ với cầu thang
Một tuần lễ, vui như ngày thi đỗ"

Em Hà Nội cho HAT mùa hò hẹn, mùa gặp gỡ yêu thương, bao sầu vấn vương dáng liễu xưa:

"Hà-nội yêu, liễu hẹn hò nắng mới
Hẹn hò em anh bối rối chim khuyên
Nào có bao giờ anh được thơm em
Nên dáng liễu còn u sầu vạn thuở"

Đoạn cuối của tình yêu em Hà Nội hay lời thầm nhủ ở đoạn sau cuối bài thơ "Yêu Em, Hà Nội" được làm chủ đề của thi tập tôi đang xem:

"Hà-nội yêu, vẫn y nguyên tưởng nhớ
Nên nghìn năm vẫn ngỡ mới hôm qua
Bóng hoàng lan, sân gạch mát sau nhà
Còn vương vấn trong những bài thơ cũ"

Trong bài "Yên Lặng Ban Mai", HAT đi về dĩ vãng xa xưa tìm Hà Nội có phố Sinh Từ, có gió mùa Thu, có hương cốm mùa Thu, qua tiếng rao hàng ngọt ngào của ngày xưa:

"Tôi kiếm hồn tôi xưa Hà Nội
Thuở còn trong vắt gió vào Thu
Thoảng nghe ngọt tiếng cô hàng cốm
Chênh vênh đâu cuối phố Sinh Từ"

HAT nghe tiếng chim hót ngoài hiên cửa sổ mà tưởng chừng như nghe em Hà Nội len lén vào tâm hồn trong sự tĩnh lặng nhớ nhung:

"Tôi xưa Hà Nội ngừng tay viết
Nửa trang giấy nhạt chữ chưa về
Tiếng hát vành khuyên ngoài cửa sổ
Len vào tôi của lặng thinh nghe"

HAT diễn tả em Hà Nội của ông qua 36 phố phường, mà nơi đó có phố hàng Ngang, hàng Gai, hàng Than, hàng Giấy, hàng Bạc, hàng Buồm, hàng Guốc, hàng Bông, hàng Đào, hàng Đường,..., những nỗi ru điệu nhớ bao ngọt ngào, bao nồng nàn, bao đắm say trong nỗi lòng rung động chợt hiện về bao ký ức xưa có chợ Hôm, có chợ Đồng Xuân, có Viễn Đông Bác Cổ, có đường Cổ Ngư, có phố Sinh Từ, và có Sông Tô Lịch trong "Bài Thơ Hà Nội". Hãy nghe tiếp tiếng thơ HAT về em Hà Nội:

"Em Hà Nội hàng Ðường trong giọng nói
Ðể hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một trường thi lãng mạn
Thơ thuở bé khắc ghi tình ngõ Trạm
...
Tìm đến anh hàng Giấy mỏng tương tư
Nghe khơi buồn sông Tô Lịch ngẩn ngơ
Thơ giàu có như thương về hàng Bạc
Hàng Vôi đó nồng nàn trong ngây ngất
Ý hàng Ðào chín mọng trái môi chia
Xin hàng Than rực cháy lửa đam mê
Khi quấn quít trong ái ân Hà Nội"

Phải nói là thơ của HAT quá lãng mạn, quá tình tứ qua bốn dòng cuối, em Hà Nội cho tình yêu nồng nàn trong ngây ngất, HAT mường tượng em Hà Nội chín đỏ bờ môi, em Hà Nội rực lửa trong nỗi quấn quít để thoáng ái ân hiện về. Thảo nào nhà văn Nguyễn Thạch Kiên trong một dịp tôi gọi điện thoại thăm ông, rồi tôi đề cập về nhà thơ Hoàng Anh Tuấn làm thơ nhớ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên đắc ý khi đưa ra nhận xét là Hoàng Anh Tuấn là nhà thơ của sự lãng mạn, mang con tim thổn thức trong thi ca về Hà Nội.


Nguồn : nguoihanoi.net
 
SÔNG 17 TUỔI

Trương Nam Hương




Năm anh mười bảy
Sông Hồng tuổi em
Bờ đê. Đêm ấy
Sóng. Trăng. Cỏ mềm…

Anh vốc nước lên
Chạm môi em đỏ
Khoác vai bóng thuyền
Buồm lơi cúc gió

Em để nay anh
Tiếng sông úng ớ
Mắt sao mướy xanh
Rơi nhoè ngấn cỏ

Ngày trăng biết nhớ
Sông Hồng biết yêu
Năm anh mười bảy
Cầm con sóng liều…

Rồi anh biền biệt
Dạt trôi bao miền
Ba mươi năm ấy
Sông Hồng hóa em!




hn4.jpg


Nguồn : nvhtn.sgcvn.com/1000nam
 
Góc nhớ Hà Nội


Trương Nam Hương


Hoa sấu rụng tầng tầng xanh ký ức
tán bàng che không kín thuở ngây khờ
Tay em ấm hay mùa đang thổn thức
Heo may xoè năm ngón gió bơ vơ

Anh nhặt lại tuổi mình viên sỏi nhỏ
Ba mươi năm nằm lắng dấu anh về
Xao xác gọi tên em từng góc phố
Hà Nội chờ nghiêng xuống một vòm ve!

Mùa hư ảo hay tình em ảo thế
Anh xoay ngang đã chạm sóng Tây Hồ
Có ánh mắt nhìn anh qua thế kỷ
Thấy anh giờ dắt nhớ tuổi anh xưa !


hn1.jpg



--------

Hà Nội chiều thu


Nguyễn Ngọc Khuê





Gió thổi về chiều nay
Nhuộm màu vàng cho nắng
Hàng cây chợt se lạnh
Cánh lá rơi lượn nghiêng


Cây bàng gối mái hiên
Lá chuyển dần thành đỏ
Thoang thoảng hương hoa sữa
Xao xuyến màu hoàng lan


Mây đang chờ trăng lên
Khoe sánh vàng óng ả
Hương cốm về trước ngỏ
Tiếng chuông chiều ngân xa …


Sóng Tây Hồ lao xao
Trải thảm vàng rực rỡ
Đã qua mùa sen nở
Vắng sắc hồng lung linh


Cành liễu xòa tóc tiên
Mặt Hồ Gươm lay gió
Bước chân ai gợi nhớ
Bâng khuâng chiều hoàng hôn




songhong.jpg





----------

Nhớ Hà nội giữa Sài gòn


Lệ Bình




Cùng em vào với Sài Gòn
Nụ hôn hoa sữa anh còn gói theo


Sài Gòn ngày mới nắng trong veo
Bởi mắt em mang tình yêu Hà Nội
Anh soi vào gặp điều bổi hổi
Khát vọng nào xanh như thể vừa xanh


Ngọn heo may sưởi ấm nắng hanh
Nở rực đường hoa mỗi mùa xuân đấn
Hương mai vàng chia niềm xao xuyến
Với sắc đào đỏ thắm giấc chiêm bao


Trời bà Điểm nắng rám buồng cau
Hẹn mùa cưới kịp gửi ra Hà Nội
Cốm Làng Vòng ngừơi thân trao vội
Mở lá sen thoảng thơm suốt mùa thu


Giữa Sài Gòn gặp Hà Nội mơ
Bao kỷ niệm đã khắc vào nỗi nhớ
Thức cùng ta bồi hồi trăn trở
Bình minh lên me nhớ sấu vào mùa


Vị ngọt chua kết trái câu thơ
Kết trái cả những điều chưa kịp nói
Trái tim đập nhịp đôi Hà Nội
Đêm Sài Gòn nỗi nhớ mọc đầy sao!




hn2.jpg



Nguồn : nvhtn.sgcvn.com/1000nam
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top