Chân dung các nguyên thủ Pháp

Sự thù địch giả tạo với Mặt trận bình dân​


Ngay sau khi Lebrun trúng cử, những triệu chứng đầu tiên của cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đã xuất hiện. Cuộc khủng hoảng này đã hoành hành trên phần còn lại của thế giới từ năm 1929, nhưng chỉ thực sự lan tới Pháp vào năm 1931.

Tại Pháp, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chủ yếu là do sự bất cân đối giữa giá cả của Pháp và giá cả của thế giới. Trong khi cuộc khủng hoảng làm sụt giá các nguyên liệu, sau đó là giá các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp trên toàn thế giới, thì nước Pháp, vốn sở hữu một đồng tiền mạnh từ khi Raymond Poincaré chính thức bình ổn đồng franc năm 1928, khăng khăng từ chối phá giá đồng tiền của mình.

Do giá cả của Pháp cao hơn hẳn giá của thế giới nên hàng hóa của Pháp hầu như không xuất khẩu được. Nhưng những người cầm quyền như Lebrun và các chủ tịch Hội đồng cánh hữu Flandin và Laval lại không hề biết nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Tất cả họ đều cho rằng “những công chức ăn hại ngân sách” đã gây ra tình trạng này và đưa ra giải pháp giảm lương. Năm 1935, Pierre Laval tiến hành giảm 10% lương công chức. Hậu quả là cuộc khủng hoảng càng trầm trọng hơn do giảm sức mua trên thị trường nội địa, thị trường chủ yếu của hàng hóa Pháp.

Cuộc bầu cử năm 1936 đã đưa Mặt trận bình dân, được tạo nên từ liên minh các đảng và các tổ chức khác nhau thuộc cánh tả, lên cầm quyền. Trong Nghị viện, từ đây đa số ghế thuộc về các Đảng Cấp tiến, Xã hội và Cộng sản. Tình hình này làm Lebrun lo lắng, ông dễ làm việc với các chính khách cánh hữu hơn là với những người thuộc phe đa số mới này.

Tổng thống thậm chí đã định từ chức, nhưng ông sớm từ bỏ ý định đó vì nhận thấy rằng nếu ông từ chức, một thành viên thuộc phe đa số của Mặt trận bình dân sẽ được bầu làm Tổng thống, và người này sẽ không biết kìm hãm sự vươn lên của cánh tả như ông. Ông chỉ còn cách chấp nhận và mời vào chính quyền thủ lĩnh của đảng chiếm đa số trong Quốc hội Léon Blum. Lebrun tham gia không chút hứng thú, nhưng cũng không thể chống đối các biện pháp xã hội và chính trị mà chính phủ của Mặt trận bình dân thực hiện ngay trong những tháng đầu tiên.

Tổng thống có thể tự hào đã ngăn cản Pháp can thiệp để ủng hộ nước Tây Ban Nha Cộng hòa trong cuộc đấu tranh chống lại cuộc đảo chính quân sự của Tướng Franco, nhưng trên thực tế, nguyên nhân của việc Pháp không can thiệp là do Léon Blum rất cẩn trọng và không muốn kéo nước Pháp vào một cuộc chiến. Quan điểm của Lebrun không hề có chút ảnh hưởng gì.

Tổng thống hoan hỉ nhận thấy những khó khăn đầu tiên của Mặt trận nhân dân, và lấy làm mừng rỡ, không phải là vô cớ, khi thấy Mặt trận bình dân nghiêng về cánh hữu bằng việc thay thế Blum bằng Chautemps.

Tháng 3-1938, Chautemps từ chức, một lần nữa Tổng thống trao quyền cho Blum để chứng tỏ rằng thủ lĩnh của Phân nhánh Quốc tế công nhân Pháp (SFIO) không thể thành lập được chính phủ. Tuy vậy, do nhận thức được mối đe dọa ngày càng tăng từ hiểm họa phát xít, Blum đã đề nghị thành lập không phải một nội các của Mặt trận bình dân mà một nội các thống nhất dân tộc để lãnh đạo đất nước chuẩn bị đối mặt với nước Đức quốc xã.

Ngoại trừ Paul Reynaud sẽ chấp nhận một thể thức như thế nếu nó tương đối mở rộng cho cánh hữu, còn những lãnh đạo ôn hòa khác, mù quáng vì căm ghét Blum, đã từ chối đề cập vấn đề này nếu lãnh tụ Đảng Xã hội đứng đầu chính phủ.

Tổng thống mừng thầm trước diễn biến của tình hình và không làm gì để họ thay đổi ý kiến. Thất bại của Blum đã đánh dấu sự tan rã của Mặt trận bình dân. Tháng 4-1938, nhân vật Cấp tiến Edouard Daladier thành lập một chính phủ mới không có sự tham gia của Đảng Xã hội, mà có phái Ôn hòa. Tổng thống thở phào dễ chịu: Mặt trận bình dân không còn nữa.

Tháng 5-1939, nhiệm kì Tổng thống 7 năm của Lebrun mãn hạn. Tình hình thế giới ngày càng trầm trọng và chiến tranh sắp diễn ra.
 
Chiến tranh, thất bại, đình chiến​


Những người thân cận Lebrun cố ngăn cản ông tái ứng cử bằng cách phân tích cho ông thấy rằng ông sẽ là Tổng thống của chiến tranh, nhưng ông có vẻ thích thú với công việc từng làm và quyết định ra ứng cử lần nữa.

Tính cách không có gì nổi bật, vai trò chính trị mờ nhạt lại chính là những lợi thế giúp ông trúng cử nhiệm kì hai ngày 5-4-1939. Năm tháng sau, chiến tranh bùng nổ.

Khác với Poincaré trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Lebrun bị động trước các sự kiện xảy ra chứ không hề điều khiển chúng. Đầu tiên, Daladier không có hành động gì: đó là “cuộc chiến kỳ cục” từ tháng 9-1939 đến tháng 5-1940 và Lebrun đã không làm gì để đưa ông ta thoát ra khỏi tình trạng bị động. Khi Daladier bị mất chức vào tháng 3-1940, Tổng thống trao quyền điều hành chính phủ cho Paul Reynaud, con người cương quyết hành động mà các Nghị sĩ đã chỉ định.

Kể từ tháng 5-1940, nước Pháp bị xâm chiếm. Tình hình chiến sự thảm bại rất nhanh. Khi Bộ tham mưu tuyên bố không có khả năng bảo vệ Thủ đô, các cơ quan quyền lực nhà nước phải sơ tán. Đó là một cuộc tháo chạy điên loạn, đầu tiên là về Loire, ở đó Tổng thống đã sống một thời gian trong lâu đài Cangé, sau đó là tới Bordeaux, ở đây, theo truyền thống từ năm 1914, Lebrun lấy trụ sở của chính quyền tỉnh làm trụ sở của Tổng thống. Đây chính là lúc cần có một Tổng thống quyết đoán, đủ khả năng lấy lại được bình tĩnh và làm trọng tài!

Từ ngày 12-6, chính phủ bị chia làm hai. Ngày hôm đó, Tổng tư lệnh Weygand yêu cầu chính phủ kí một hiệp ước đình chiến bởi ông cho rằng mặt trận nước Pháp đã thất bại. Ông được một số Bộ trưởng trong đó có Thống chế Pétain, Phó chủ tịch Hội đồng, ủng hộ. Nhưng Chủ tịch Hội đồng Paul Reynaud , Bộ trưởng Bộ Nội vụ Georges Mandel và Phó quốc vụ khanh phụ trách chiến tranh, Tướng De Gaulle, chủ trương tiếp tục chiến đấu thông qua việc chuyển các cơ quan chính quyền sang Bắc Phi và để Tổng tư lệnh kí hiệp ước đầu hàng quân sự tại chỗ mà không có sự tham gia của chính phủ.

Trong nhiều ngày, hai xu hướng trong chính phủ gây chia rẽ sâu sắc, nhưng Lebrun không tỏ thái độ rõ ràng và vào giờ phút bi thảm đó, ông cũng không có ý định đưa ra quan điểm của nguyên thủ quốc gia về số phận của nước Pháp. Trong khi đó, ngày 16/6, Reynaud thông báo trước Hội đồng về bản hiệp định vừa được kí kết giữa đặc phái viên của ông tại London, Tướng De Gaulle, và Thủ tướng Anh Churchill.

Bản hiệp định này chủ trương hợp nhất các cơ quan quyền lực Anh-Pháp trong thời gian chiến tranh. Đa số thành viên Hội đồng từ chối ủng hộ Reynaud và lựa chọn hướng yêu cầu Đức đưa ra các điều kiện đình chiến. Tự cảm thấy không thể lãnh đạo chính phủ được nữa, Reynaud đệ đơn từ chức lên Tổng thống Lebrun và khuyên ông nên bổ nhiệm Pétain vào vị trí này vì Pétain đang được đa số Bộ trưởng tin tưởng. Lebrun làm theo và hoan hỉ nhận thấy Thống chế, vốn đang trông chờ lời đề nghị của Tổng thống, đã có sẵn trong túi một danh sách các Bộ trưởng.

Trong khi số phận nước Pháp đang ngàn cân treo sợi tóc, Tổng thống lại tự lấy làm sung sướng vì đã dễ dàng giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị nhờ quyết định từ chức của Paul Reynaud. Ngay trong ngày thành lập, nội các mới đã yêu cầu đình chiến. Sau đó, hiệp định đình chiến chính thức được kí ngày 25-6, theo đó một nửa đất nước được giao cho nước Đức phát xít, trong khi nửa còn lại hoàn toàn không nhận được một sự đảm bảo tối thiểu nào về chủ quyền quốc gia. Đây có vẻ là cơ hội tốt cho những thế lực chống đối nền Cộng hòa để thay đổi chế độ. Nhưng vẫn còn một dự án không được triển khai, mặc dù được Tổng thống và Chủ tịch hai Nghị viện là Herriot và Jeanneney ủng hộ.

Dự án này xuất hiện ngay sau yêu cầu đình chiến, theo đó các cơ quan quyền lực sẽ chuyển sang Bắc Phi nhằm tránh sức ép của kẻ thù, trong khi các thành viên chính phủ ủng hộ Pétain sẽ vẫn ở lại Pháp, bởi vì Pétain không muốn đi. Một dự án như thế này có lẽ sẽ làm đảo lộn đột ngột tất cả những ý định chính đáng nhằm thay đổi chế độ, do đó hai người thiết tha nhất với sự thay đổi này là phó quốc vụ khanh Raphaël Alibert và Nghị sĩ Pierre Laval sẽ cùng hợp sức để cản trở chuyến đi.

Ngay từ ngày 20-6, Lebrun quyết định bản thân ông cùng các Bộ trưởng và Chủ tịch hai Viện sẽ đến Port-Vendre, từ đó họ sẽ lên tàu đi Algérie, còn các Nghị sĩ sẽ đi từ Verdon bằng tàu Massilia. Trong khi nhiều Nghị sĩ do Laval đứng đầu, không ngừng gây sức ép lên Lebrun thì Alibert giữ chân nguyên thủ quốc gia bằng cách nói dối. Alibert tuyên bố rằng, trái với tin tức mà các cơ quan thông tin đã đưa, quân Đức vẫn chưa vượt qua sông Loire và do đó không việc gì phải vội vã cả. Chính vì vậy, Lebrun quyết định chờ thêm một đêm.

Ngày 21, trong khi các đại diện của nước Pháp đang thảo luận với Đức về hiệp định đình chiến thì Lebrun chuẩn bị thực hiện kế hoạch ra đi của mình. Đúng lúc ấy, Pierre Laval dẫn đầu một đoàn nghị sĩ xuất hiện trước Tổng thống và tuyên bố hết sức quyết liệt:

“Nếu Ngài rời khỏi lãnh thổ nước Pháp, Ngài sẽ không bao giờ được đặt chân trở lại nữa. Vâng, khi người ta biết rằng Ngài đã lựa chọn ra đi vào đúng thời điểm đất nước lâm vào cảnh nguy khốn nhất, tất cả mọi người sẽ đều chỉ nói một từ: đào ngũ… thậm chí còn có một từ nặng nề hơn nữa, đó là phản bội.”

Trước cơn thịnh nộ, Lebrun không biết nói gì, chỉ lặng lẽ cúi đầu. Khi Laval ra về mà không bắt tay ông, chính ông phải vội vã chào vị cựu Chủ tịch Hội đồng. Cuối cùng, Lebrun đã hủy bỏ cuộc ra đi, đồng thời để cho Laval được tự do trở thành nhân vật chính thức biểu tượng cho nền Cộng hòa.

Ngày 1-7, các cơ quan chính quyền chuyển đến Vichy. Ngày 10-7, sau nhiều cuộc nói chuyện với các Nghị sĩ làm họ đi từ thấy hấp dẫn đến lo sợ, Pierre Laval đã yêu cầu được Nghị viện, lúc đó đã mất hết tinh thần, thông qua một văn bản để giao đất nước cho Thống chế Pétain: “Quốc hội trao toàn bộ quyền lực cho Chính phủ, dưới chữ kí và quyền lực của Thống chế Pétain, nhằm ban bố, bằng một hoặc nhiều văn bản, Hiến pháp mới của nhà nước Pháp…”

Ngay hôm sau đã xuất hiện những Văn bản Hiến pháp, trong đó văn bản đầu tiên được viết theo phong cách các đạo luật thời Quân chủ, phong Thống chế Pétain làm nguyên thủ quốc gia và bãi bỏ điều trong Hiến pháp qui định về bầu cử Tổng thống:

“Tôi, Philippe Pétain, thống chế Pháp,

Căn cứ vào Hiến pháp ngày 11-7-1940, tuyên bố đảm nhận các chức năng của nguyên thủ quốc gia Pháp. Sau đây, tôi quyết định: điều 2 của Hiến pháp ngày 25-2-1875 bị hủy bỏ”.


Chức Tổng thống không còn nữa. Lebrun không còn phải đi đến chỗ đầu hàng, ông chấp nhận tình hình mới và rời khỏi Vichy trong sự thờ ơ của mọi người. Với cuộc ra đi không vinh quang này, kết cục của thời kì suy tàn kéo dài, lịch sử các Tổng thống của nền Cộng hòa đệ Tam đã chính thức khép lại.
 
Vincent Auriol, vị tổng thống bất hạnh của lực lượng thứ ba​


Nền Cộng hòa đệ Tứ: phương thức hoạt động

Xáo trộn lớn của thời Chiếm đóng đã qua, liệu nước Pháp giải phóng có quay trở lại với những thể chế Cộng hòa mà Quốc hội đã bỏ phiếu cho vào quên lãng ngày 10-7-1940 và chưa có Hiến pháp nào khôi phục lại không?

Đây là mong ước của hai đảng được hồi sinh sau giải phóng: Đảng Cấp tiến và Đảng Ôn hòa. Nhưng vào năm 1945, hai đảng này chỉ tồn tại trên giấy và không có tiếng nói trong nước.

Người dân Pháp chê trách Đảng Cấp tiến đã không tham gia với tư cách một đảng vào cuộc kháng chiến, mặc dù một vài nhà lãnh đạo có tham gia với tư cách cá nhân; còn đối với Đảng Ôn hòa, bất chấp sự tồn tại của các phong trào kháng chiến và thái độ không thể chê vào đâu được của một số vị lãnh đạo như Louis Marin hoặc Paul Reynaud, nhưng đảng này vẫn nằm trong số những đối tượng bất tín nhiệm như những đảng cánh hữu khác vì bị nghi ngờ đã ủng hộ chính quyền Vichy.

Lực lượng kháng chiến ngay từ đầu đã phản đối sự phục hồi nền Cộng hòa đệ Tam vì sự bất lực của nó là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Nhưng ngay từ năm 1945, lực lượng kháng chiến đã bị phân tán: họ không thành lập được một đảng lớn mạnh. Tuy vậy, lực lượng này có thể thu gọn lại trong một người và ba đảng.

Người đó chính là Tướng De Gaulle, người đứng đầu Chính phủ lâm thời. Ông mong muốn có một cơ quan hành pháp vững mạnh và một cơ quan lập pháp chỉ giới hạn trong vai trò của mình, không lấn sang chức năng của chính phủ. Quan niệm này sẽ hạn chế riêng rẽ vai trò của các chính đảng; thế nhưng khi đó có ba đảng lại đang gặp thời và không muốn từ bỏ ưu thế mà họ có được trong lòng dân chúng. Hai trong số ba đảng đó là những đảng cũ được cách tân qua vai trò chủ chốt của họ trong cuộc kháng chiến: đó là Đảng Xã hội SFIO và Đảng Cộng sản.

Đảng thứ ba hoàn toàn mới: đó là Phong trào Cộng hòa nhân dân (MRP). Được một nhóm Thiên chúa giáo từng giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong phong trào kháng chiến thành lập, đảng này không muốn kế thừa một cách thuần tuý và đơn giản đảng Dân chủ nhân dân cũ, một phiên bản của Đảng Dân Chủ Thiên chúa giáo kiểu Pháp.

Xuất hiện như một đảng cánh tả, MRP đưa ra một chương trình xã hội táo bạo. Nhưng tính cách của các thủ lĩnh đảng này đã làm cho nó trở thành Đảng Thiên chúa giáo, mặc dù không muốn, và quan điểm ôn hòa đã giúp đảng này giành được lá phiếu bầu của cử tri cánh hữu khi trong cuộc bầu cử đầu tiên sau giải phóng, họ không có những tổ chức chính trị truyền thống.

Tướng De Gaulle và ba đảng lớn thống nhất thay thế nền Cộng hòa đệ Tam bằng nền Cộng hòa đệ Tứ mà họ cho là dân chủ hơn và quan tâm hơn đến số phận của các tầng lớp nhân dân. Cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ngày 21-10-1945 để lấy ý kiến người dân Pháp về vấn đề này đã nhận được 96% câu trả lời tán thành. Nhưng hố sâu ngăn cách nhanh chóng xuất hiện giữa người đứng đầu Chính phủ lâm thời và hai đảng cánh tả khi đề cập vấn đề cân bằng quyền lực.

Tướng De Gaulle muốn có cơ quan hành pháp mạnh, trong khi Đảng Cộng sản và Xã hội lại thích một chế độ nghị viện trong đó cơ quan hành pháp sẽ bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan lập pháp. Vậy mà cuộc bầu cử ngày 21-10-1945 để chỉ định các thành viên trong Hội đồng lập hiến đã dành cho hai Đảng Xã hội và Cộng sản đa số tuyệt đối. Hội đồng lập hiến đã chuẩn bị phương án mà Tướng De Gaulle được biết là theo đó, Tổng thống chỉ là một nhân vật trang trí, không có quyền lực như các Tổng thống ở nền Cộng hòa đệ Tam và không có tác động đến chính phủ.

Đó dường như là nguyên nhân cơ bản dẫn đến quyết định từ chức của người đứng đầu Chính phủ lâm thời ngày 20-1-1946. Dự thảo hiến pháp được đưa ra để toàn dân phê chuẩn, nhưng không thành do Đảng MRP khi đó muốn là “đảng trung thành” với Tướng De Gaulle, đã bị người dân Pháp loại bỏ ngày 5-5-1946.

Hội đồng lập hiến mới được bầu vào tháng 6-1946 đã biến MRP thành đảng số 1 của Pháp. Mặc dù Tướng De Gaulle phản đối, tháng 10-1946 Hiến pháp của nền Cộng hòa đệ Tứ vẫn được thông qua nhờ thỏa thuận giữa Đảng MRP, Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản.

Hiến pháp mới thiết lập một chế độ nghị viện rất giống với chế độ của nền Cộng hòa đệ Tam, với hai Viện và một Tổng thống. Nhưng quyền lực của Tổng thống rất hạn chế, không chỉ so với Hiến pháp năm 1875 mà còn so với thông lệ được dần dần hình thành từ thời đó.

Cũng như trước đây, Tổng thống được hai Viện bầu ra cho nhiệm kì 7 năm và vẫn nắm quyền bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Nhưng khác với thời nền Cộng hòa đệ Tam, sự lựa chọn của Tổng thống chỉ có hiệu lực khi được Quốc hội phê chuẩn.

Cũng như vậy, Tổng thống vẫn giữ quyền yêu cầu xem xét lại lần hai các đạo luật đã được bỏ phiếu; cũng như các Tổng thống của nền Cộng hòa đệ Tam, các Tổng thống của nền Cộng hòa đệ Tứ không sử dụng đặc quyền này.

Cuối cùng, các Tổng thống có quyền rất quan trọng là quyền giải tán, nhưng với điều kiện hết sức chặt chẽ và hạn chế: trong trường hợp sau 18 tháng đầu tiên của một khóa lập pháp, hai cuộc khủng hoảng nội các diễn ra trong 18 tháng và với điều kiện chính phủ bị tuyệt đại đa số nghị sĩ phủ quyết.

Chưa hết, sự giải tán chỉ có thể được Hội đồng Bộ trưởng quyết định sau khi có ý kiến của Chủ tịch Quốc hội. Nếu như Tổng thống ở nền Cộng hòa đệ Tứ bị thua kém quyền lực so với những người tiền nhiệm ở nền Cộng hòa đệ Tam thì bù lại ông lại được giữ thêm một chức vụ danh dự mới, biểu tượng cho thời đại mới trong vấn đề chính sách thuộc địa: Tổng thống cũng đồng thời là Chủ tịch Liên hiệp Pháp.

Trong khuôn khổ đã được xác định như vậy, cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa đệ Tứ đã diễn ra ngày 16-1-1947.
 
Một người kháng chiến và một Đảng viên Đảng Xã hội ở Điện Élysée​


Cho tới mùa thu năm 1946, Đảng MRP vẫn hi vọng Tướng De Gaulle sẽ chấp nhận trở thành Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa đệ Tứ.

Nhưng ông từ chối giữ vị trí chỉ mang tính danh dự thuần tuý mà Hiến pháp dành cho Tổng thống; thực ra, dường như có ít khả năng các Nghị sĩ cánh tả bỏ phiếu cho ông.

Trong những điều kiện này, cuộc cạnh tranh diễn ra rất công khai và nhiều tham vọng đã được bộc lộ. Nhưng các đảng nhanh chóng đi đến thỏa thuận chia sẻ các “vị trí chủ chốt”. Đầu tiên, các Đảng Cộng sản, Xã hội và Cấp tiến sẽ bầu Vincent Auriol của Đảng Xã hội làm Chủ tịch Quốc hội, sau đó, vào thời điểm hợp lí, sẽ bầu làm Tổng thống.

Khi đó, nhân vật cấp tiến Herriot sẽ thay thế Auriol ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, còn đảng viên Đảng Cộng sản Georges Marrane sẽ được bầu vào ghế chủ tịch Hội đồng nhà nước, tên mới của Thượng nghị viện.

Phần đầu của kế hoạch đã diễn ra đúng theo dự tính, Vincent Auriol trở thành Chủ tịch Quốc hội nhờ phiếu bầu của các Đảng Cấp tiến, Xã hội và Cộng sản. Nhưng trong cuộc bầu cử chủ tịch Hội đồng nhà nước, Đảng MRP, nạn nhân của thỏa thuận trên, đã làm hỏng kế hoạch khi đề cử Champetier de Ribes, người đã trúng cử do lợi thế về tuổi tác.

Ngày 16-1-1947, MRP muốn tiếp tục hành động khi đưa Champetier de Ribes ra ứng cử cùng Vincent Auriol vào chức Tổng thống nhưng ý định không thành: Vincent Auriol trúng cử ngay từ vòng đầu với 452 phiếu, trong khi Champetier de Ribes chỉ nhận được 252 phiếu. Lần đầu tiên, một Đảng viên Đảng Xã hội giữ chức Tổng thống.

Tổng thống Auriol thực sự khác biệt so với các Tổng thống trước của nền Cộng hòa đệ Tam vì ông là một chính khách thực sự. Sinh ra ở vùng Haute-Garonne, trong một gia đình làm bánh mì, ông theo học ngành luật và triết học ở Toulouse và sớm gia nhập Đảng Xã hội. Là Thị trưởng của Muret, Nghị sĩ của vùng Haute-Garonne năm 1914, ông giữ vị trí quan trọng ở vùng này sau chiến tranh thế giới thứ nhất.

Ông tự tỏ ra là người hòa giải, luôn sẵn sàng chuẩn bị hoặc ủng hộ các bản kiến nghị thoả ước nhằm tránh việc các khuynh hướng chia rẽ trong SFIO có thể gây tan rã tổ chức này. Hơn nữa, ông còn là một chuyên gia tài chính. Khi giữ chức Chủ tịch Ủy ban tài chính thời Liên minh cánh tả, ông có công thực hiện thành công chương trình tài chính dựa trên ý tưởng của Đảng Xã hội; chương trình đã làm những người nắm giữ vốn hết sức lo lắng và giữ vai trò chủ yếu cho sự ra đời của “bức tường bạc” khiến Herriot bị hạ bệ.

Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính của Mặt trận nhân dân, Quốc vụ khanh trong nội các ngắn ngủi của Blum tháng 3, tháng 4 năm 1938 và là một trong những lãnh tụ của SFIO. Ngày 10 tháng 7 năm 1940, ông là một trong 80 nghị sĩ đã dũng cảm bỏ phiếu từ chối trao toàn bộ quyền lực cho thống chế Pétain khi Pierre Laval yêu cầu. Vì lí do này, ông bị chính quyền Vichy kết án tù, sau đó quản thúc tại nhà. Nhưng ngay từ giai đoạn này, ông đã khuyến khích các Đảng viên Đảng Xã hội vùng Haute-Garonne hình thành phong trào kháng chiến ở Toulouse với khẩu hiệu “Giải phóng và hợp thành liên bang”. Sau đó, ông thoát khỏi chế độ quản thúc và đến London sát cánh cùng Tướng De Gaulle năm 1943.

Ở Alger, ông lãnh đạo nhóm Xã hội của Hội đồng tham vấn. Trong cuộc bầu cử đầu tiên sau giải phóng, với tư cách là một người tham gia kháng chiến và lãnh tụ của một đảng, ông giành được lá phiếu của đa số cử tri và lần lượt trở thành Chủ tịch hai Hội đồng lập hiến, sau đó trở thành Tổng thống trong những điều kiện đã được nêu ở trên.

Vị Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa đệ Tứ khá được lòng dân. Người Pháp hài lòng về tính cách giản dị và không ưa hình thức của ông. Chính giọng điệu vui vẻ và thái độ niềm nở của ông giúp ông tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân, ông được xếp vào hàng những Tổng thống người miền Nam rất được dân chúng yêu thích như Loubet, Fallières, Doumergue. Để đạt được tình cảm tốt đẹp đó của dân chúng, còn phải kể tới việc Tổng thống giữ được vai trò quan trọng trong hoạt động của thể chế mặc dù Hiến pháp qui định cho ông những quyền hạn rất hạn chế.

Thật ra Auriol đã sớm rũ bỏ được những gò bó này. Ngay sau khi thắng cử, ông bổ nhiệm người bạn từ thời thơ ấu là Paul Ramadier, Nghị sĩ Đảng Xã hội, vào chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để có thể thống nhất hành động. Tổng thống cùng chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhanh chóng đem lại cho nền Cộng hòa đệ Tứ một bộ mặt thật đặc biệt, đưa nó thoát khỏi những tư tưởng không rõ ràng của Phong trào giải phóng. Họ thay thế tính thống nhất dân tộc đã thắng thế khi Vincent Auriol đắc cử và thể thiện qua sự hiện diện của các Bộ trưởng thuộc Đảng Cộng sản trong nội các của Ramadier, bằng “Lực lượng thứ ba”.
 
“Chủ trì, tuyên bố, đi thăm thú, nói quá nhiều…”​


Nước Đức và các đồng minh phát xít đã thảm bại năm 1945, ngay năm sau đó, bắt đầu hình thành sự đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Bên cạnh sự đối đầu cơ bản này còn có những mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc thuộc địa và các nước thực dân.

Nước Pháp cũng liên quan tới một cuộc xung đột như vậy. Từ tháng 11-1946, Pháp tham gia vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương chống lại Phong trào dân tộc, trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo.

Các Bộ trưởng thuộc Đảng Cộng sản của chính phủ Ramadier đã thể hiện sự chán chường, không muốn làm việc với Ramadier vì ông tuyên bố sẵn sàng theo đuổi cuộc chiến tranh này.

Ngày 18-3-1947, Đảng Cộng sản từ chối bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ về vấn đề Đông Dương. Ngày 1-5, Đảng Cộng sản tuyên bố bất hợp tác với chính sách kinh tế của chính phủ và nhất là không nhất trí với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Vì vậy, chủ tịch Hội đồng, người luôn được Tổng thống ủng hộ, đã quyết định bãi nhiệm các Bộ trưởng thuộc Đảng Cộng sản. Khối đoàn kết dân tộc được xây dựng từ thời kì giải phóng đã tan vỡ; từ đây, phe cực tả cộng sản sẽ luôn chống đối các chính phủ của nền Cộng hòa đệ Tứ. Trước đó một vài tuần lễ, đã xuất hiện một nhóm đối lập nguy hiểm khác.

Từ khi từ chức, Tướng De Gaulle đã chỉ trích mạnh mẽ nền Cộng hòa này và hi vọng có một hiến pháp mới. Nhưng tháng 3 năm 1947, ông chuyển từ lời nói sang hành động khi trong bài diễn văn tại Bruneval, vùng Normandie, ông thông báo ngày mà “đông đảo quần chúng đoàn kết với nước Pháp”. Và ngay sau đó, “Liên minh dân tộc Pháp” - đảng RPF - ra đời. Đảng này đề xướng xây dựng một nhà nước mạnh, một nhà nước lãnh đạo thực sự, trên những đổ nát của “chế độ”. Họ kêu gọi bạo lực, nhắc lại chủ nghĩa Boulanger và các liên minh chống chế độ đại nghị và thừa nhận phong trào mới là sự kế thừa của cái mà người ta có thể gọi là cánh hữu theo biểu quyết toàn dân.

Để chống lại hai lực lượng này, Vincent Auriol và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng định ra bộ mặt đặc biệt cho nền Cộng hòa đệ Tứ. Giữa phe cực tả cộng sản và các xu hướng biểu quyết toàn dân và cứng rắn của RPF, sẽ là “Lực lượng thứ ba”.

Chính Léon Blum đã đưa ra tên gọi này trong một tuyên bố của nội các vào tháng 11-1947. Lực lượng thứ ba là ai? Đó là những đảng không có chung quan điểm chính trị tích cực, nhưng cùng phản đối hai thái cực, cực tả và cực hữu, cùng gắn bó với nền dân chủ nghị viện, mong muốn đặt châu Âu trong liên minh với Mỹ thông qua việc kí kết hiệp ước thành lập NATO, đồng ý đặt viên gạch đầu tiên trong tiến trình xây dựng liên minh châu Âu bằng việc kí hiệp ước CECA , và trong một thời gian dài cùng nhất trí duy trì chủ quyền của Pháp tại Đông Dương.

Ngoài những điểm đồng thuận trên, còn có quá nhiều bất đồng tồn tại giữa các đảng trong Lực lượng thứ ba! Trong các quan niệm về kinh tế, các vấn đề xã hội, vấn đề không tôn giáo và trường học, tồn tại quá nhiều bất đồng giữa các đảng SFIO, Cấp tiến, UDSR, MRP và Độc lập, tất cả tạo nên nhiều bộ mặt khác nhau của Lực lượng thứ ba. Ngoài những bất đồng giữa các đảng nói trên, còn phải nói đến những mâu thuẫn thường xảy ra ngay trong nội bộ các đảng. Ai cũng biết rằng mỗi lãnh tụ đảng đều có xung quanh mình những người ủng hộ và những người này thường phản đối quyết liệt các lãnh tụ đảng có xu hướng khác.

Trên một vũ đài chính trị mà sự phức tạp và rắc rối gây nên rất nhiều những thói quen chính trị thời nền Cộng hòa đệ Tam, các phe đa số thường rất mong manh, sẵn sàng thay đổi theo hoàn cảnh và theo các cuộc vận động hành lang. Sự bất ổn đã trở thành đặc điểm chủ yếu. Nó tăng theo vai trò của người đứng đầu, phụ thuộc vào thời gian cầm quyền và tính thường trực, kinh nghiệm về các vấn đề chính trị và kiến thức về các lĩnh vực của người đó. Do tính cách khá mạnh mẽ, Tổng thống sẽ sử dụng khả năng hành động này để thực hiện chính sách của nền Cộng hòa đệ Tứ.

Hãy nghe Jacques Fauvet miêu tả thái độ của Tổng thống Auriol: “Nâng người này, cản người khác, bảo thủ, thường xuyên có những chọn lựa sai lầm, can thiệp bừa bãi vào công việc Nghị viện, thích nỗ lực tìm kiếm thoả hiệp giữa mọi người, giữa các đảng phái, các chương trình, dự án; can thiệp vào các việc công ngoài quyền hạn mà Hiến pháp qui định, tạo nên một chức năng Tổng thống theo ý mình, đôi khi rút lại các hồ sơ quá khó ở chỗ các Bộ trưởng hoặc ném cho họ những thông điệp đầy tính kĩ thuật, làm xáo trộn các viên chức, chủ trì, tuyên bố, đi thăm thú, nói quá nhiều, hiếm khi lắng nghe người khác: đó là nguyên thủ quốc gia: Ngài Auriol”.
 
Uy tín bị giảm sút trong các cuộc khủng hoảng nội các​


Chỉ cần quan sát những sự lựa chọn của Tổng thống người ta cũng thấy rằng, khi trở thành nguyên thủ quốc gia, Vincent Auriol có vẻ ít mong muốn tạo cho Lực lượng thứ ba một màu sắc quá nổi bật.

Thật vậy, người ta nhận thấy rằng sau Paul Ramadier, Tổng thống thường mời vào chính quyền những nhân vật ôn hòa nhất.

Đứng đầu chính phủ là những người thuộc Đảng MRP (Robert Schuman hoặc Georges Bidault ), Đảng UDSR (René Pleven ) hoặc Đảng Cấp tiến (André Marie).

Nhưng nhân vật tiêu biểu nhất cho thời kì này không thể là ai khác ngoài Henri Queuille, một trong những người ôn hòa nhất trong số các Nghị sĩ Đảng Cấp tiến, người lấy “chủ nghĩa bất động” làm học thuyết thực sự của chính phủ. Xuất phát từ cánh tả, nền Cộng hòa đệ Tứ rõ ràng đã ngả sang cánh hữu và hoạt động cá nhân của Tổng thống dường như đóng vai trò trong quá trình thay đổi này.

Với thắng lợi của các đảng cánh hữu (Độc lập, MRP, RPF), cuộc bầu cử lập pháp năm 1951 đã nhấn mạnh thêm thay đổi này. Bỏ phiếu đạo luật về trợ giúp giáo dục tư thục thông qua chương trình trợ cấp học phí cho tất cả các học sinh, chính sách cứng rắn đối với phong trào dân tộc tại hai xứ bảo hộ ở Bắc Phi, những khó khăn ngày càng lớn ở Đông Dương, đó là những vấn đề tạo nên bối cảnh chính trị mới.

Ngoài ra còn nhiều vấn đề mới nảy sinh: lạm phát tăng mạnh, và nhất là sự chia rẽ của các chính khách và các đảng phái dẫn đến tình trạng gần như không thể thành lập được chính phủ. Lực lượng thứ ba bị sa lầy vì mâu thuẫn căn bản giữa một bên là Đảng Xã hội ủng hộ chính sách tăng sức ép về thuế, và một bên là Đảng MRP, Cấp tiến và Ôn hòa, phản đối tăng thuế và muốn hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các vấn đề xã hội.

Nhận thức được sự bế tắc chính trị này, Vincent Auriol tìm kiếm một phe đa số khác, có cùng quan điểm với ông trong các lựa chọn về kinh tế, tài chính và xã hội, để thay thế. Ông đã đạt được mục đích của mình vào tháng 3-1952 khi bổ nhiệm nhân vật ôn hòa Antoine Pinay làm Thủ tướng và được phe đa số gồm Đảng MRP, Cấp tiến, Ôn hòa và 27 Nghị sĩ thuộc phái De Gaulle ly khai từ RPF. Bằng cách làm tan rã Đảng De Gaulle, Vincent Auriol đã loại trừ được một trong những mối đe dọa đang đè nặng lên nền Cộng hòa đệ Tứ và tạo điều kiện thành lập phe đa số trung-hữu.

Nhưng những khó khăn của Tổng thống chưa phải đã hết. Tháng 5-1953, ông cần hơn một tháng để tìm một Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Các vấn đề đối nội và đối ngoại bị phản đối đến mức Quốc hội lần lượt từ chối trao quyền cho Paul Reynaud thuộc Đảng Ôn hòa, Mendès France thuộc Đảng Cấp tiến, Georges Bidault thuộc Đảng MRP và một nhân vật cấp tiến khác là André Marie.

Cuối cùng, phe đa số chán nản trao chức Chủ tịch Hội đồng cho một nhân vật ôn hòa: Joseph Laniel . Cuộc khủng hoảng kéo dài khiến uy tín của Tổng thống bị lung lay dữ dội. Ngoài ra, Tổng thống luôn luôn trong trạng thái sôi sục, cũng tham gia vào mớ hỗn độn khi không ngần ngại nêu ra hai đảng đa số mà ông cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự tê liệt của cả hệ thống.

Đầu tiên, trong một bản thông báo ông cho biết rằng khi tổng thư ký SFIO là Guy Mollet đã từ chối thành lập nội các, “ông đã yêu cầu Mollet thuyết phục bạn bè của ông ta để họ không cản trở hoạt động của phe đa số và của chính phủ”. Đối với Đảng RPF, một thông báo khác cũng được đưa ra với giọng điệu cũng hết sức rõ ràng.

Về phần André Diethelm, Chủ tịch Đảng RPF, Tổng thống cũng cho mọi người thấy “như ông từng làm với Guy Mollet, rằng trong hoàn cảnh hiện tại, không một ai trong số hai người có thể tập hợp quanh đảng và chương trình của họ đa số trong chính phủ, nhưng mặt khác, họ hợp lực chống đối và bắt tay với một nhóm thứ ba làm cho chế độ nghị viện tuyệt đối không thể hoạt động được”. Đằng sau những từ ngữ khó hiểu là sự cáo buộc rõ ràng: những người thuộc Đảng De Gaulle và Xã hội đã tiếp tay cho Đảng Cộng sản làm tê liệt chế độ.

Các chính đảng khó có thể tha thứ cho Vincent Auriol vì những lời buộc tội nặng nề trên. Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kì, Tổng thống ngày càng bị cô lập, nhất là khi ông không đồng tình với việc chính phủ muốn thành lập Cộng đồng phòng thủ châu Âu (CED), theo mẫu của Cộng đồng Than Thép châu Âu, theo đó, thông qua quân đội chung châu Âu, nước Đức sẽ được tái vũ trang. Những bất đồng chính trị này, cộng với việc dư luận chỉ trích thói quen chính trị của hai đảng làm cho khả năng tái cử của Tổng thống là rất thấp.

Quốc hội phải họp vào cuối năm 1953 và tình hình này đã giải thích cho mức độ cam go của các cuộc đấu đá trong cuộc khủng hoảng mùa xuân. Có thể nói rằng trong thời điểm này, người nào tập hợp được đa số trong Quốc hội đang bị chia rẽ sâu sắc sẽ có cơ hội rất lớn trong cuộc bầu cử Tổng thống. Nhưng Vincent Auriol đã quá mệt mỏi và chán nản trước các cuộc xung đột dữ dội, ông không có ý định tranh cử thêm một nhiệm kì nữa, mà có thể chỉ giữ vai trò hòa giải trong trường hợp cần thiết.
 
René Coty, buổi chiều tàn của một chế độ

13 vòng bỏ phiếu: cuộc bầu cử tượng trưng thể hiện sự suy tàn của chế độ​


Quốc hội tháng 12-1953 đã minh chứng rất rõ những chia rẽ chính trị trong nền Cộng hòa đệ Tứ. Trong khi thông lệ dưới thời nền Cộng hòa đệ Tam là trước mỗi cuộc bầu cử, các bên thỏa thuận với nhau để chỉ giới thiệu một hoặc hai ứng cử viên đại diện cho các nhóm đảng phái chính trị lớn thì ở đại hội tháng 12-1953, mỗi đảng đều có một ứng cử viên riêng.

Tuy nhiên, chắc chắn là chỉ các đại diện của Lực lượng thứ ba đang hấp hối mới có thể hi vọng chiến thắng. Bốn ứng cử viên có cơ hội khả quan là Edmond Naegelen của Đảng Xã hội, người biết có thể sớm hay muộn trông mong vào phiếu bầu của Đảng Cộng sản; Yvon Delbos của Đảng Cấp tiến, cựu Bộ trưởng dưới thời Mặt trận nhân dân; Georges Bidault của MRP, Chủ tịch cuối cùng của Hội đồng kháng chiến quốc gia bí mật; và cuối cùng là Joseph Laniel của Đảng Độc lập, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Nhân vật này đang giữ chức vụ quan trọng nhất, có khả năng tập hợp đa số, nên có vẻ gặp thuận lợi nhất. Có một số người chỉ trích ông vì đã từng tham gia bỏ phiếu trao toàn quyền cho Thống chế Pétain vào tháng 7-1940, nhưng sau đó Laniel đã sớm tách khỏi chính phủ Vichy, và năm 1943 ông đã đại diện cho phái ôn hòa trong Hội đồng kháng chiến quốc gia.

Đó là chưa kể đến những nhà chiến lược hoạt động trong hậu trường. Tổng thư ký Đảng Cấp tiến Martinaud-Déplat cho rằng nếu Bidault không tham gia tranh cử thì người của Đảng Cấp tiến có nhiều cơ hội trúng cử nhất. Để làm cho nguyên Chủ tịch Hội đồng kháng chiến quốc gia rút lui, ông yêu cầu một số Đảng viên cấp tiến bỏ phiếu cho Laniel ở vòng 1.

Về phần mình, Tổng thư ký Trung tâm độc lập quốc gia (CNI) có mối thù riêng với Joseph Laniel nên không muốn vị Chủ tịch Hội đồng thắng cử. Hơn nữa, cả hai bậc thầy chiến lược của Nghị viện này đều đã có những ứng cử viên cho những vòng bỏ phiếu quyết định cuối cùng: đó là Henri Queuille đối với Đảng Cấp tiến và Antoine Pinay đối với Đảng Ôn hòa.

Ngoài ra, ván bài còn một phần bị khuấy đảo bởi cuộc “chiến tranh tôn giáo” giữa các chính khách về vấn đề Cộng đồng phòng thủ châu Âu (CED). Cộng đồng phòng thủ châu Âu được đề xuất năm 1950 và kí kết năm 1952, nhưng còn cần được Nghị viện phê chuẩn. Hiệp ước này sẽ thiết lập một cơ quan quyền lực siêu quốc gia đối với “quân đội châu Âu”, trong đó có cả đội quân của Đức.

Đối với những người ủng hộ (các Đảng MRP, UDSR, một bộ phận trong các Đảng Xã hội, Cấp tiến và Ôn hòa), bản hiệp ước này cho phép đạt tới điểm không thể quay trở lại trên con đường xây dựng một châu Âu siêu quốc gia: không thể tưởng tượng được rằng người ta có thể định thiết lập một cơ quan chỉ huy siêu quốc gia trong lĩnh vực cơ bản đối với chủ quyền của một quốc gia như quân đội, trong khi không có một chính phủ siêu quốc gia để hoạch định chiến lược cho quân đội này.

Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho những người không tán thành CED (gồm Đảng Cộng sản, phái De Gaulle, một bộ phận của các Đảng Xã hội, Cấp tiến và Ôn hòa) phản đối kịch liệt mọi dự định từ bỏ chủ quyền. Vậy mà trong hai ứng cử viên chính tại cuộc bầu cử Tổng thống, thì người thứ nhất là nhân vật ôn hòa Laniel, ủng hộ nhiệt liệt CED, còn người kia là Naegelen, thuộc Đảng Xã hội, lại kịch liệt phản đối CED.

Vì thế, những chính trị gia ủng hộ CED tìm mọi cách để ngăn cản Naegelen đạt được ngưỡng qui định 460 phiếu cần thiết để thắng cử, còn những người chống CED cũng thực hiện một chiến lược tương tự để chống lại Laniel. Ngoài cuộc chơi vô cùng phức tạp này, còn có một bất ngờ: Laniel đã đạt được nhiều phiếu bầu hơn cả mong đợi ngay tại vòng đầu, và khi các đối thủ khác yếu đi, ông lại nhận được phiếu bầu của Đảng Ôn hòa, phái De Gaulle và MRP, và không hề có ý định rút lui.

Ở vòng bỏ phiếu thứ ba và thứ tư, cuộc cạnh tranh mang dáng dấp của cuộc chiến tay đôi giữa Naegelen, ứng cử viên của cánh tả, và Laniel, ứng cử viên của cánh hữu. Tại các vòng bỏ phiếu tiếp theo, sự chênh lệch phiếu bầu không đáng kể nên không dẫn tới kết quả quyết định. Thái độ bất bình tăng mạnh, nhiều Nghị sĩ tỏ ra phẫn nộ trước sự bất lực của nền Cộng hòa trong con mắt người nước ngoài; thậm chí, một số đảng chính trị còn đe dọa dời khỏi đại hội.

Cuối cùng, để tháo gỡ tình huống này, Laniel chấp nhận rút lui tại vòng 11. Khi đó việc chỉ định một Nghị sĩ khác thuộc đảng cánh hữu là hoàn toàn có thể. Và khi đó, Louis Jacquinot định thử vận may, nhưng không thành công vì một nhóm Nghị sĩ ôn hòa đã đề nghị đưa một ứng cử viên trung lập, theo như truyền thống bầu cử cũ của nền Cộng hòa đệ Tam. Người đó có thể là Phó chủ tịch Hội đồng René Coty , hoặc nếu không, theo thông lệ, là Chủ tịch Thượng nghị viện Gaston Monnerville , một người da đen.

Mặc dù trở thành ứng cử viên chính thức cho vòng 12, nhưng Coty không nhận được số phiếu bầu cần thiết. Thật vậy, các Nghị sĩ phái De Gaulle từ chối bỏ phiếu cho Coty vì ông này từng tán thành việc trao toàn quyền cho Thống chế Pétain tháng 7-1940, và sau đó, sau khi thận trọng rời khỏi chính quyền Vichy, ông không hề tham gia kháng chiến.

Người ta không thể coi ông là người kháng chiến chỉ qua những cuộc nói chuyện của ông trong thời kì chiếm đóng với những người lập bản hiến pháp tương lai cho nước Pháp giải phóng.

Mặc dù vậy, René Coty lại có một lợi thế khác quan trọng khác: vì bị ốm trong lần tranh luận đầu tiên tại Nghị viện về vấn đề CED nên ông chưa tuyên bố chính thức về vấn đề này. Như vậy, do sự mệt mỏi của các cử tri và nhờ tính cách của mình, ông đã được bầu làm Tổng thống tại vòng 13 ngày 23-12-1953.
 
Vị tổng thống ngẫu nhiên​


Tổng thống mới làm người ta không thể không nhớ đến các Tổng thống theo truyền thống của nền Cộng hòa đệ Tam. Người Pháp nhìn nhận ông không phải như một chính khách mà như một người Pháp trung lưu đã giành được thiện cảm của họ.

René Coty sinh ra ở Havre năm 1882. Ông có một sự nghiệp hoạt động rất kinh điển. Là luật sư, ông từng biện hộ cho một vụ án nổi tiếng, đó là vụ nhà hoạt động công đoàn Jules Durand bị kết tội giết người oan.

Dù ông đã không ngăn cản được bản án tử hình, nhưng Tổng thống khi đó là Fallières đã kịp thời giảm án thành chung thân. Khi bản án được hủy bỏ, Durand đã bị tổn thương tinh thần nặng nề, phải vào bệnh viện tâm thần ngay khi ra tù.

Ngoài vụ đáng buồn này, sự nghiệp của Coty cũng giống như của nhiều Tổng thống khác. Là Đại biểu quốc hội của Havre, rồi thượng nghị sĩ, ông luôn thể hiện một sự thanh lịch tuyệt vời và tỏ ra rất có năng lực. Ông từng nhiều lần giữ các chức vụ khác nhau trong nội các, nhưng không phải ở hàng đầu, và làm tròn trách nhiệm một cách rất có ý thức và rất khiêm tốn. Tất cả điều đó giúp ông trở thành một con người “hiệu quả” vào thời điểm ông đến với cương vị Tổng thống.

Ông không có vẻ quá quan tâm đến việc ứng cử tại vòng 13 và ngạc nhiên khi được công bố trúng cử. Ông thậm chí không mặc bộ trang phục đen cần thiết cho buổi lễ trang trọng được tổ chức sau cuộc bầu cử, mà mặc bộ comlê xanh kẻ sọc khi tiếp nhận văn bản nhậm chức từ tay chủ tịch Quốc hội. Chính sự giản dị đó đã được người Pháp hoan nghênh và Coty chiếm được tình cảm của họ qua sự cảm tình hơn là thán phục, cũng như trường hợp của Loubet trước đây.

Trên phương diện chính trị, Coty thận trọng hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm. Ông hay góp ý với các Bộ trưởng, nhưng không bao giờ áp đặt quan điểm của mình như Vincent Auriol. Ông lo ngại sâu sắc về sự tê liệt của các thể chế và trong các bài diễn văn của mình, ông cho thấy cần phải cải tổ nhà nước.

Trong khi chờ đợi, vì muốn nước Pháp được lãnh đạo bằng một chính phủ thực sự, nên với sự đồng ý của Quốc hội, ông chỉ định những chính khách có đường lối và quyết tâm thực hiện đường lối đó, chứ không phải những người theo chủ nghĩa bất động. Nhưng mức độ trầm trọng của các vấn đề mà Coty gặp phải không giống với mức độ của các vấn đề của nền Cộng hòa trong nhiệm kỳ 7 năm của Vincent Auriol.
 
Nước Pháp sa lầy ở Algérie​


Đầu tháng 5-1954, nước Pháp bị thất bại nhục nhã ở Đông Dương trong trận Điện Biên Phủ. Thất bại này đã làm cho nội các Laniel sụp đổ.

Coty đã không do dự chỉ định Pierre Mendès France làm Thủ tướng, mặc dù ông này không cùng quan điểm chính trị với Coty, nhưng có giải pháp cho cuộc khủng hoảng Đông Dương: đó là đàm phán. Và quá trình đàm phán đã kết thúc bằng việc ký kết Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Cũng tương tự như vậy, khi chính phủ của Mendès France đổ, rồi chính phủ tiếp theo của Edgar Faure cũng chung số phận, Coty đã phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng về sử dụng vũ khí cũ của quyền hành pháp vốn không được dùng tới từ cuộc khủng hoảng ngày 16/5/1877: đó là giải tán Quốc hội.

Ngày 2-12-1955 tờ “Công báo” (Journal Officiel) đăng tải sắc lệnh giải tán Quốc hội. Nếu người dân bỏ phiếu phê chuẩn nỗ lực này của cơ quan hành pháp nhằm chấm dứt quyền tuyệt đối của cơ quan lập pháp thì rất có thể các thể chế sẽ tìm thấy sự cân bằng mà người ta tìm kiếm vô ích từ năm 1947.

Nhưng Đảng Xã hội, nhóm cấp tiến theo phái Mendès, UDSR và một bộ phận của phái De Gaulle trước đây do Chaban-Delmas lãnh đạo, đã liên minh với nhau trong Mặt trận Cộng hòa chống lại Edgar Faure. Cuối cùng, Mặt trận Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1956 và Coty phải đưa ra một lựa chọn chính trị gây ra những hậu quả nặng nề cho tương lai: chỉ định Mendès France hay Guy Mollet để thành lập chính phủ mới.

Khi đó, Tổng thống không phải không biết rằng nhiệm vụ chính của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sẽ là kết thúc cuộc chiến tranh Algérie. Cuộc chiến tranh này nổ ra ngày 1-11-1954 và lan rộng đủ trở thành một vụ bê bối chính trị lớn của nước Pháp. Lựa chọn Pierre Mendès France sau khi Mặt trận Cộng hòa thắng cử có nghĩa là nghiêng về chính sách đàm phán. Nhưng những rối loạn ở Đông Dương vẫn không dịu đi, nên Coty muốn trao quyền cho Guy Mollet. Coty cho rằng dựa trên nền tảng một đảng chính trị vững chắc, Guy Mollet sẽ tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.

Ngoài ra Guy Mollet còn là thủ lĩnh của Đảng Xã hội SFIO, nhóm Nghị sĩ lớn nhất trong phe đa số ở Quốc hội. Trên thực tế, Guy Mollet được đón tiếp ở Thủ đô Alger (Algérie) bằng những tiếng la ó và những cuộc biểu tình thể hiện thái độ thù địch của người châu Âu ở đây. Ông phải từ bỏ ý định bổ nhiệm tướng Catroux làm Bộ trưởng-công sứ vì người Pháp ở Algérie coi Catroux như một “lái buôn”, và cử Robert Lacoste giữ chức vụ này. Robert Lacoste ở cương vị này cho tới khi nền Cộng hòa đệ Tứ sụp đổ và nhanh chóng trở thành biểu tượng của đường lối theo đuổi cuộc chiến đến cùng.

Như vậy, chính phủ đầu tiên của nhiệm kỳ lập pháp mới đã đẩy đất nước vào sâu hơn trong cuộc xung đột mà hậu quả nhanh chóng dẫn đến số phận tất yếu của chế độ. Mặc dù các đoàn quân tiếp viện đã được gửi đến, nhưng cơ hội cho giải pháp bằng quân sự ngày càng trở nên mong manh hơn.

Ngay cả khi phần lớn những người đứng đầu chính phủ nhận thức được là cần phải đàm phán, cũng không ai dám thực hiện vì lo ngại sự phản kháng của cộng đồng người Pháp ở Algérie, họ luôn nhận được sự ủng hộ của người Pháp ở chính quốc kiên quyết giữ chủ quyền của Pháp và sự hậu thuẫn của quân đội. Guy Mollet, Bourgès-Maunoury rồi Félix Gaillard đều lần lượt thất bại trước vấn đề nan giải này.

Bốn lãnh tụ chính trị quan trọng đương thời, thành viên của các đảng CNI, Cấp tiến, MRP và phái De Gaulle là Duchet , Morice, Bidault và Soustelle đòi hỏi một “chính phủ cứu quốc” nhằm tránh khả năng nước Pháp từ bỏ Algérie. Người ta bắt đầu nói đến các âm mưu, đến sự phản kháng có thể xảy ra của quân đội, đến sự li khai của Algérie thuộc Pháp.

Tất cả các tin đồn này, cộng với xung đột leo thang tại Algérie, đã làm tăng thêm những bất đồng về nhiều mặt và gây chia rẽ giới chính trị gia. Tổng thống hiểu rằng thể chế bị tê liệt và rất lo lắng về mối nguy hiểm đang đe dọa chế độ.
 
“Hiểm họa đối với tổ quốc và nền Cộng hòa”​


Ngày 15-4-1958, nội các của Félix Gaillard từ chức. Kể từ ngày này, Tổng thống, vốn đang rối bời trước mâu thuẫn bùng nổ giữa cánh tả và cánh hữu, đang cố gắng để quên đi những mối oán hận đã qua, để làm yên lòng quân đội và để hòa giải sự đối đầu ngay trong nội bộ một đảng phái, nay lại phải nỗ lực tìm kiếm một người có thể tập hợp được đa số.

Sau ba tuần cố gắng không mang lại kết quả, ông nói: “Nếu các nhóm trong Nghị viện không lắng nghe lẫn nhau, phải chăng nên mời Tướng De Gaulle trở lại?”. Và Tổng thống đã thăm dò cựu lãnh tụ của chính phủ lâm thời.

Cuối cùng, ngày 8-5, Tổng thống chỉ định một trong những thủ lĩnh của MRP, ông Pierre Pflimlin , thành lập nội các mới. Dù đúng hay sai, ở Alger, người ta coi ông là một người ủng hộ chủ trương đàm phán, ủng hộ “quan điểm của Mandès là từ bỏ Algérie”, như Alain de Sérigny, một trong những thủ lĩnh của người Pháp ở Algérie được lắng nghe nhất, đã viết.

Ngày 13-5, trong khi Pflimlin đang yêu cầu Quốc hội trao quyền thì những người Algérie biểu tình đã chiếm trụ sở của chính phủ toàn quyền ở Alger, nhờ sự tiếp tay của lính dù, và ngay tối hôm đó tuyên bố thành lập một ủy ban cứu quốc Algérie thuộc Pháp do Tướng Massu đứng đầu.

Cuộc đảo chính tại Alger chỉ có thể diễn ra với sự đồng ý ngầm của các quan chức quân đội cao cấp nhất. Phải chăng tướng Massu không trao chức Chủ tịch Ủy ban Cứu quốc cho Tướng Salan , chỉ huy các đội quân Algérie? Nhằm giữ thể diện và tránh tình trạng căng thẳng, chính phủ Pháp đã ra quyết định phong Tướng Salan làm toàn quyền ở Algérie, nhưng quyết định đó không đánh lừa được ai.

Đối với Tổng thống Pháp, cuộc bạo loạn ở Alger là hậu quả của sự thất bại của các thể chế mà ông vẫn thường cảnh báo. Ông gửi cho quân đội (mà theo Hiến pháp ông là người chỉ huy cao nhất) một thông điệp đầy nhiệt huyết kêu gọi binh lính tuân lệnh, nhưng đã quá muộn. Cuộc binh biến ngày 13-5 đã thay đổi theo chiều hướng không làm nản lòng Tổng thống vì nó dẫn đến việc Pierre Pflimlin từ chức.

Thật vậy, ngay từ ngày 15-5, người ta thấy ở Alger một nhóm người thuộc phái De Gaulle và được Tướng Massu ủng hộ. Đích thân Tướng Salan đã gọi cho Tướng De Gaulle từ trên ban công phủ toàn quyền. Ngày 17, Jacques Soustelle có mặt ở Alger để chỉ huy chiến dịch biến cuộc biểu tình thịnh nộ của người dân đã diễn ra ngày 13 thành một ngày của De Gaulle.

Vụ việc được một nhóm người năng động và mạnh mẽ tiến hành nên đã thành công, và Tướng De Gaulle, người đã tránh bày tỏ thái độ tán thành hay phê phán vụ ngày 13/5, trở thành một giải pháp mà mọi con mắt đều đổ dồn vào. Sự thay đổi này không khiến Tổng thống bực tức vì ông cũng đã từng dự tính đến nhưng ông tránh từ bỏ vai trò hợp hiến của mình và vì nước Pháp đang có một chính phủ, chính phủ của Pflimlin, nên ông không thăm dò, cũng không chỉ định Tướng De Gaulle.

Tuy nhiên, các lãnh tụ chính trị chính, đặc biệt là Guy Mollet và Pflimlin, bắt đầu đàm phán với Tướng De Gaulle nhằm đạt được sự bảo đảm về hình thức chế độ trong tương lai, vì cũng như 12 năm về trước, vị Tướng này từ chối cộng tác với các thể chế mà ông luôn chỉ trích và hơn nữa các thể chế này lại vừa mới tỏ ra bất lực.

Ngày 27-5, sau một cuộc tranh luận không đạt kết quả với Pflimlin, De Gaulle đã đi nước bài quyết định khi tuyên bố rằng ông đã “bắt đầu quá trình hợp thức cần thiết để thành lập một chính phủ Cộng hòa”. Pierre Pflimlin chỉ còn cách từ chức.

Ngay lập tức, Tổng thống bổ nhiệm De Gaulle làm Chủ tịch Hội đồng. Tổng thống vừa mới từ bỏ thái độ trung lập chính trị của mình và gửi tới Nghị viện một bức thư giải thích quyết định này. Ông trình bày tại sao “trong mối nguy hiểm đối với tổ quốc và nền Cộng hòa”, ông quyết định đứng về phía “con người nổi bật nhất nước Pháp, người mà, vào thời điểm đen tối nhất trong lịch sử chúng ta, đã lãnh đạo chúng ta giành lại tự do, và người đã giành được sự đồng lòng của cả dân tộc, đã từ chối chế độ chuyên chế để xây dựng nền Cộng hòa”.

Tổng thống còn gửi kèm theo lời đe dọa rằng trong trường hợp Quốc hội từ chối trao quyền thành lập chính phủ cho Tướng De Gaulle, ông sẽ từ chức.

Ngày 1-6-1958, Quốc hội bỏ phiếu thông qua quyết định trao quyền thành lập nội các. Quyết định này dẫn tới sự ra đời của nền Cộng hòa đệ Ngũ tháng 9/1958 và sự rút lui của Tổng thống Coty sau 5 năm cầm quyền, ngày 8/1/1959.

Cho dù nhận thấy những khiếm khuyết của chế độ, vị Tổng thống thứ hai, cũng là Tổng thống cuối cùng của nền Cộng hòa đệ Tứ, đã tỏ ra bất lực trong việc thuyết phục chế độ khắc phục những khiếm khuyết đó và phải chấp nhận sự thay đổi đột ngột. Bức thư mà ông gửi tới hai Viện ngày 29-5 là sự can thiệp trực tiếp nhất của ông đến chính trường Pháp.

Sự can thiệp đó nhằm mục đích thuyết phục chế độ nên “tự sát” để tránh khỏi bị “ám sát”. Mặc dù bối cảnh hoàn toàn khác, nhưng người ta không thể không so sánh tình thế của tháng 5/1958 với tình thế hồi tháng 7-1940.

Khi bị đe dọa từ bên ngoài, nền Cộng hòa phó thác sứ mệnh thay đổi các thể chế mà nó tỏ ra không thể điều hành hoặc quản lý được nữa cho một người. Và trong cả hai trường hợp, nguyên thủ quốc gia, người phải bảo vệ chế độ, đều lẩn tránh trách nhiệm bảo vệ đó bằng cách giữ im lặng trong trường hợp thứ nhất, tán thành thay đổi trong trường hợp thứ hai.

Nhưng rất may cho con người trung thực như Tổng thống Coty vì những hậu quả của vụ ngày 13-5 đã dẫn đến một hình mẫu nhà nước Cộng hòa mới.
 
Nền quân chủ cộng hòa​


Trận động đất chính trị tháng 5 - 6 năm 1958, chấm dứt nền Cộng hòa đệ Tứ sau 12 năm tồn tại, đã đồng thời lật trang sử thể chế mới của nước Pháp được viết từ ngày 16-5-1877.

Thất bại Algérie ngày 13-5-1958 xuất hiện sau này như một sự kiện ngày mùng 6-2 từng thành công vì những phần tử cốt cán giành lại chính phủ Trung ương trên thực tế đã áp đặt một cuộc cải cách thể chế sâu rộng bằng cách tạo ra một quyền lực mạnh, quyền lực duy nhất theo họ có khả năng duy trì chủ quyền của Pháp ở Algérie.

Nhưng kết quả của nó lại là một cuộc cách mạng kiểu Copernic trong hệ thống chính trị Pháp và sự thay đổi hoàn toàn bản chất của nền Cộng hòa và vai trò của Tổng thống trong đó.

Logic của thói quen Cộng hòa sinh ra từ sau các cuộc đấu tranh cuối thế kỷ XIX cho thấy rằng trong lòng các thể chế, sự chế ngự thuộc về những đại biểu dân cử có chủ quyền, tập hợp trong một Quốc hội. Kể từ dó, điều quan trọng là quyền hành pháp phải bị kiểm soát chặt chẽ, không ngừng gợi lại tính bấp bênh của cơ quan này vì có thể bị các nghị sỹ lật đổ bất cứ lúc nào.

Sự phụ thuộc này của cơ quan hành pháp, hoàn toàn khác với một sự rối loạn thể chế, mà ngược lại, được coi là sự bảo đảm cho tự do và các quyền của công dân trước một quyền lực luôn có thể bị lạm dụng bởi những đặc quyền. Đồng thời, trọng tâm của cơ quan hành pháp không thể là một vị Tổng thống, theo Hiến pháp là không phải chịu trách nhiệm và không thể đụng tới, mà phải là một vị Chủ tịch Hội đồng (Thủ tướng) chịu mọi trách nhiệm hành pháp và như vậy, vị này có thể bị lật đổ.

Logic này có tính đến việc tước đi dần dần các quyền của Tổng thống, mà minh chứng điển hình là Felix Faure, Emile Loubet hay Armand Fallieres, người mà Casimir-Perier hay Alexandre Millerand chống lại một cách tuyệt vọng, và cả Raymond Poincare nữa, dù đã thận trọng hơn rất nhiều. Vậy mà chính nhờ một lần thay đổi hoàn toàn cấu trúc thể thế này, người ta đã được chứng kiến Charles De Gaulle tạo ra nền Cộng hòa đệ Ngũ.

Bên cạnh sự bất cân bằng về quyền lực xuất phát từ quyền tuyệt đối của Quốc hội và sự phụ thuộc của cơ quan hành pháp, chế độ mới đã thêm vào sự bất cân bằng theo chiều ngược lại bằng cách thiết lập quyền tuyệt đối của nhánh hành pháp, trực tiếp do Tổng thống điều hành đồng thời là người đại diện cho quốc gia và người lập ra chính sách của chính phủ; và sự phụ thuộc của nhánh lập pháp bằng việc giảm các cuộc bỏ phiếu thông qua luật cùng với một loạt các điều luật chặt chẽ cấm áp dụng các cơ chế giám sát mà văn bản Hiến pháp đã thừa nhận về mặt lý thuyết.

Tướng De Gaulle đã thiết lập một nền quân chủ Cộng hòa thực sự dựa trên sự hợp pháp hóa bằng cuộc bỏ phiếu phổ thông. Và hơn cả văn bản Hiến pháp, việc thực thi quyền lực mà ông tiến hành đã tăng cường tính quân chủ trong nền Cộng hòa đệ Ngũ, qua đó thiết lập một truyền thống quyền cá nhân, tất nhiên là mang tính tạm thời, nhưng gần như không giới hạn trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống.

Vậy mà nền Cộng hòa Tổng thống này lại được củng cố bằng thái độ của những người kế nhiệm Tướng De Gaulle, trong đó một vài người đã chỉ trích gay gắt phong cách nắm quyền của ông, nhưng một khi được vào Điện Élysée, họ lại nhắm mắt lao vào các thể chế mà nhân vật lịch sử này đã thêu dệt nên.

Thực vậy, từ năm 1958 đến năm 1986, đã phát triển một cách hiểu mới về thể chế của nền Cộng hòa đệ Ngũ, coi Tổng thống Pháp là người điều hành thế giới các nền dân chủ tự do có quyền lực vô biên, tình hình này được chấp nhận và thông qua bởi những người mà trong quá khứ và trong thói quen chính trị lại khác biệt sâu sắc với những người của Tướng De Gaulle; đó đương nhiên là Georges Pompidou, và cả Valery Giscard d’Estaing nữa, người thuộc vào trường phái ôn hòa, hay người của Đảng Xã hội François Mitterrand, từng coi những điều Tổng thống đã làm là “cuộc đảo chính vĩnh cửu”.

Khác với những gì đã diễn ra dưới các nền Cộng hòa trước, khi chế độ và các thể chế có mục tiêu là chỉ trích một cách hệ thống từ các trường phái chính trị lớn, từ sau năm 1981 không một lực lượng chính trị đáng kể nào xem xét lại những nét chính của bản Hiến pháp của nền Cộng hòa đệ Ngũ.

Lần đầu tiên kể từ cuộc Cách mạng Pháp, một sự đồng thuận gần như hoàn toàn đã được thiết lập xung quanh các thể chế. Vì thế, người ta chỉ có thể cho rằng từ đầu thế kỷ XXI, các thể chế này vẫn y như từ khi chúng sinh ra. Về mặt này, thời kỳ được mở ra từ năm 1986 đánh dấu một bước ngoặt không thể phủ nhận.

Bằng cách chấp nhận ở lại Điện Élysée sau thất bại của cánh tả trong cuộc bầu cử lập pháp năm này, và kêu gọi đích danh Jacques Chirac tham gia quyền lực trong vai trò một vị Thủ tướng của cánh hữu, vốn là khuôn mặt của lãnh đạo đa số sau các cuộc bầu cử, Tổng thống thuộc Đảng Xã hội François Mitterrand đã cắt đứt với tư tưởng mà Tướng De Gaulle từng truyền bá, dù không hề vi phạm các quy tắc của thể chế.

Lần chung sống chính trị đầu tiên đã mở ra từ đây, kéo theo việc giảm các quyền của Tổng thống xuống còn một quyền tối cao trong các vấn đề đối nội và quốc phòng (tuy nhiên, việc thực thi quyền này lại thuộc vào phạm vi hoạt động của Chính phủ) và chuyển sang cho Thủ tướng quyền lực thực tế trong lĩnh vực chính trị đối nội.

Hai năm sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 1988, lần chung sống chính trị này có thể được hiểu như một liệu pháp tạm thời trước khi mọi việc trở lại bình thường, tức là khi có sự trùng hợp giữa đa số của Tổng thống với đa số trong nghị viện, vốn là quy luật từ năm 1958. Nhưng lần chung sống chính trị thứ hai trong những năm 1993-1995 và đặc biệt là lần thứ ba vào năm 1997-2002, lần này Tổng thống Jacques Chirac - người lên án chủ nghĩa De Gaulle - chấp nhận, đã có xu hướng biến hiện thượng này thành chuẩn mực và, vì thế có xu hướng đặt cuộc bầu cử Tổng thống và Nghị viện ngang hàng nhau.

Cuộc cách mạng năm 2001 giảm đổi nhiệm kỳ Tổng thống từ 7 năm xuống còn 5 năm đã có hiệu lực ngay từ năm 2002 và có mục tiêu là đẩy nhiệm kỳ lập pháp và Tổng thống trùng với nhau, với chủ định là loại bỏ thói quen chung sống chính trị, nhưng chẳng có gì cho thấy cử tri sẽ đi theo hướng đó.

Nói cách khác, thực tế cho thấy cuộc bầu cử vào Điện Élysée không phải là một tờ khống chỉ đối với người được bầu với thời hạn nhiệm kỳ của mình, mà là một sự trao quyền có thể bị lật đổ vào mỗi kỳ bầu cử.

Nền dân chủ thông qua bầu cử và đại diện như vậy đã lấy lại được các quyền của mình bằng một con đường không thể ngờ tới, và đầu thế kỷ XXI, hình ảnh Tổng thống đã nằm trong khuôn khổ hình học biến thiên, tùy theo từng thời kỳ khuôn khổ này kế thừa Charles de Gaulle hoặc Jules Grévy.
 
Charles De Gaulle, khẳng định vai trò tổng thống​


Người mà các sự kiện tháng 5-1958 đã đưa lên nắm quyền, người mà các “cuộc trưng cầu dân ý” với đa số tuyệt đối đã khẳng định 10 năm cầm quyền, ông là ai?

Đối với đa số dân chúng Pháp, trước hết, đó là người đã biết hội tụ xung quanh mình sự thống nhất dân tộc trong thời kỳ kháng chiến, người được hi vọng là khi lên nắm quyền sẽ cứu cuộc kháng chiến này thoát khỏi nguy cơ trở thành một cuộc nội chiến.

Các chính trị gia cánh hữu, những người có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc đảo chính của người Algérie , đã chấp nhận việc ông lãnh đạo nước Pháp bởi họ nghĩ rằng uy tín của ông có thể giúp duy trì chủ quyền của Pháp tại Algérie, chính sách mà họ trông chờ ở người từng sáng lập ra Đảng RPF năm 1947, đảng theo trường phái dân tộc nhất trong số các đảng phái ở Pháp.

Cánh tả cũng chấp nhận ông, trừ những người Cộng sản và Xã hội cánh tả, những người vẫn mãi kịch liệt chống đối ông. Trừ những ngoại lệ hiếm hoi này, cánh tả và trung đều nhớ rằng năm 1945, ông không định áp đặt chế độ độc tài và vào thời đó, ông thậm chí còn thể hiện những mối quan tâm xã hội.

Các đảng phái này mong chờ ông sẽ xây dựng một hàng rào chống lại các nguy cơ lật đổ của phe cực tả ở Alger. Vì không hiểu sâu sắc thế nào là Tướng De Gaulle vào năm 1958, nên người ta dựa vào thời quá khứ của ông, một quá khứ thực sự khác thường.

Một sĩ quan có những suy nghĩ phản nghịch

Charles De Gaulle sinh ra là để cho sự kiện ngày 18-6-1940. Sinh ra tại Lille năm 1890, ông là học trò của trường Saint-Cyr, là một chiến binh dũng cảm và thiếu may mắn (đã bị thương và bị cầm tù) trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Sau đó tiến vào hàng ngũ thân cận của Thống chế Pétain và có lúc đã trở thành người được Thống chế che chở, ông có một sự nghiệp quân sự rất cổ điển.

Mãi đến năm 1932, con người ông mới tạo được một diện mạo mới, khi ông bắt đầu trở thành người chỉ trích gay gắt và cay độc các học thuyết quân sự đương thời, một “người bất khuất” theo cách nói khéo léo của Jean Lacouture, một trong số những người viết tiểu sử của ông.

Sự bất khuất này trước tiên thể hiện ở mức độ của những quan niệm chiến lược. Trong khi phần lớn các lãnh đạo quân sự lớn, như Thống chế Pétain chẳng hạn, vẫn còn rút ra các bài học từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và do đó, vẫn có chủ trương đề cao phòng ngự hơn là tấn công, thì De Gaulle đã bình thản khẳng định đây là những quan niệm lạc hậu.

Ông mô tả tương lai trong hai cuốn sách ông xuất bản năm 1930 và 1934, Lưỡi kiếm và Hướng tới quân đội chuyên nghiệp. Trong các tác phẩm này, ông đã phác họa quân đội của chiến tranh trong tương lai, chủ yếu gồm các trang thiết bị tự động hoá, trước tiên là xe tăng và sau đó là máy bay. “Đội tinh nhuệ” này sẽ buộc phải do những người lính chuyên nghiệp điều khiển.

Đặc biệt, đây chính là điểm khiến khái niệm này mang tính cách mạng, đó là xe tăng và máy bay sẽ phải tạo thành các đơn vị độc lập có khả năng thực hiện các cuộc đột phá phòng tuyến đối phương, các đơn vị truyền thống tràn vào các lỗ hổng do xe tăng và máy bay tạo ra, sau đó sẽ có nhiệm vụ mở rộng và bố trí lại. Tại Pháp, các quan niệm này đã không hề được chấp nhận.

Đại tá De Gaulle đã thu hút được một số chính trị gia bị cô lập như Paul Reynaud và một số Nghị sĩ cánh tả, nhưng các lãnh đạo trong Bộ tham mưu lại coi đó là những điều vớ vẩn và các đời Bộ trưởng Chiến tranh nối tiếp nhau không chịu chú ý đến các quan điểm đó. Tuy nhiên, vào tháng 3-1940, sự sụp đổ của nội các Daladier đã biến Paul Reynaud thành người đứng đầu chính phủ. Đại tá De Gaulle, người không được giữ trọng trách vì các quan chức quân đội phản đối, nay đã trở thành Cố vấn quân sự của Chủ tịch Hội đồng.

Nhưng đã muộn, ngày 10-5-1940, Đức bắt đầu tấn công vào phía Tây và 10 ngày sau đó, nước Pháp tỏ ra tuyệt vọng và đầu hàng. Thời của Charles De Gaulle đã đến.
 
Lãnh đạo Kháng chiến và Chính phủ lâm thời​


Ngày 5-6, bất chấp sự phản đối của Bộ tham mưu, Paul Reynaud đã cải tổ nội các, cách chức Bộ trưởng Chiến tranh Édouard Daladier, người giành được niềm tin của giới chức quân sự.

Đích thân ông đã tập trung mọi sức mạnh về quốc phòng và chỉ định Tướng De Gaulle làm Thứ trưởng Chiến tranh. De Gaulle sau đó đã chứng tỏ là người ủng hộ mạnh mẽ nhất chính sách theo đuổi chiến tranh đến cùng do Thủ tướng đề xuất.

Chính vì thế ông đã trở thành người đại diện cho Paul Reynaud ở London bên cạnh Winston Churchill và vào lúc các lãnh đạo quân sự chủ trương đình chiến, ông đã moi được của Churchill bản Dự án liên minh Anh - Pháp và ngăn cản dự định đình chiến. Ông trở lại Pháp với niềm tin là đã thành công trong việc duy trì tình trạng chiến tranh ở Pháp.

Ngày 16-6, khi vừa cập bến, ông hay tin Paul Reynaud từ chức, Pétain thành lập nội các mới và tuyên bố đình chiến. Ông liền trở lại London và Churchill cho phép ông sử dụng đài BBC để đáp lại diễn văn của Thống chế Pétain đọc ngày 18/6 tuyên bố đình chiến (“Hôm nay, tôi rất đau lòng phải nói với các bạn rằng cần phải chấm dứt chiến tranh”). Cùng ngày, ông đã đưa ra lời kêu gọi kháng chiến: “Các lãnh đạo suốt nhiều năm nay đứng đầu các lực lượng quân đội Pháp đã thành lập một Chính phủ. Chính phủ này mượn cớ quân đội Pháp thất bại đã liên kết với kẻ thù để dừng cuộc chiến này [...].

Nhưng phải chăng lời cuối cùng đã được nói ra ? Phải chăng chúng ta đã chính thức thất bại? Không [...] Nước Pháp không đơn độc! [...] Cuộc chiến này không thể được giải quyết ở chiến trường Pháp. Đây là một cuộc chiến tranh thế giới [...] Tôi, Tướng De Gaulle, hiện đang ở London, kêu gọi các sĩ quan và binh lính Pháp đang sống trên lãnh thổ Anh [...], các kĩ sư và công nhân lành nghề trong các nhà máy sản xuất vũ khí [...] hãy hợp tác với tôi. Dù chuyện gì xảy đến đi nữa, ngọn lửa kháng chiến Pháp cũng không thể bị dập tắt và sẽ không bao giờ tắt [...]”.

Kể từ đó, hoàn cảnh đã biến một người bất khuất thành một người lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận cách mà một nhóm nhỏ ban đầu chỉ là tổ chức Nước Pháp Tự do (France Libre) đã tôn mình thành một lãnh đạo Chính phủ lâm thời của nước Pháp giải phóng và không biết thối chí.

Tại London, tháng 6-1940, đúng là Tướng De Gaulle đã có thể tin vào sự ủng hộ của Churchill, nhưng chủ yếu là để tuyên truyền chống đình chiến trên đài phát thanh London. Song ông cũng đã tập hợp được một nhóm nhỏ những người tình nguyện sau này trở thành nòng cốt của Lực lượng quân đội Pháp Tự do, và đã giành được vùng đất cơ bản nhờ liên kết với các thuộc địa của AEF.

Nhưng ông phải chú ý đến sự phản đối của Mỹ dưới thời Tổng thống Roosevelt vốn coi ông là một người đầy tham vọng nên không chịu chấp nhận ông là một Thủ tướng Pháp tị nạn, và tính đến sự phản đối, dù có nhẹ hơn, của người Anh, vốn không muốn phá vỡ đoàn kết với Mỹ.

Phản đối kép này ngày càng trở nên mạnh hơn khi Tướng De Gaulle quyết không nhân nhượng để chủ quyền của Pháp ở các vùng thuộc địa bị xem xét lại, đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng trầm trọng cuối năm 1942. Mỹ giải phóng Bắc Phi và đưa các lãnh đạo mà họ cho là tiêu biểu hơn và mềm dẻo hơn De Gaulle lên nắm quyền. Đầu tiên là Đô đốc Darlan , một người bỏ hàng ngũ để đi theo Vichy.

Rồi sau khi Chính phủ ở Vichi sụp đổ tháng 12-1942, là Tướng Giraud, cũng là một người rất gần gũi với chế độ của Thống chế Pétain. Để minh chứng cho sự tiêu biểu của mình, Tướng De Gaulle đã thúc đẩy các cuộc đàm phán với các phong trào Kháng chiến trong nước được khởi động bấy lâu với hi vọng họ thừa nhận quyền lực của ông.

Nhưng các phong trào này chỉ chấp nhận liên kết nếu đổi lại là các đảm bảo về chính trị mà Christian Pineau đến London tìm kiếm vào tháng 3-1942. Vì thế Tướng De Gaulle đã chấp nhận một chương trình dân chủ hàm chứa các quan tâm xã hội và hứa ngay sau ngày Giải phóng “sẽ trao lại tiếng nói cho nhân dân”.

Thế là Hội đồng Quốc gia Kháng chiến được thành lập với các đại diện của phong trào kháng chiến lớn và các đảng phái chính trị chủ chốt. Ngay trong phiên họp đầu tiên, Hội đồng này đã yêu cầu hình thành một chính phủ lâm thời do Tướng De Gaulle đứng đầu. De Gaulle đã đến Alger và lập Ủy ban Giải phóng Quốc gia Pháp (CFLN) mà ông và Tướng Giraud là đồng Chủ tịch. Dần dần, Tướng Giraud cũng bị loại. Ngay trước khi quân đồng minh đổ bộ, De Gaulle, lúc đó là Chủ tịch duy nhất, đã biến CFLN thành Chính phủ lâm thời.

Bất chấp sự phản đối của quân đồng minh vì muốn một chế độ chiếm đóng quân sự trong thời gian chờ bầu cử tự do, Chính phủ Lâm thời được nhân dân ủng hộ đã nắm tình hình ngay khi quân đồng minh đổ bộ và lôi kéo được sự gia nhập của các phong trào kháng chiến khác và các chính quyền địa phương được hình thành sau ngày Giải phóng.
 
“Vượt cạn”​


Tướng De Gaulle bắt đầu được tôn sùng từ ngày 26-4-1944, ngày mà tại một Paris trong không khí hoan hỉ, ông bước trên đại lộ Champs Élysées. Nhưng khi ông lên nắm quyền, lập tức khó khăn bắt đầu.

Người ta đã chứng kiến ông bất đồng như thế nào với các đảng phái chính trị về thể thức của nền Cộng hòa đệ Tứ, nhất là khi ông mơ ước một quyền hành pháp mạnh, trong đó nhân vật chính phải là Tổng thống, người đứng đầu nhà nước, người khởi xướng Chính phủ.

Việc ông từ chức tháng 1-1946 chỉ là kết quả của sự bất lực khi cố gắng đề cao quan điểm này trước các đảng phái chính trị vốn gắn bó với quan điểm quyền lập pháp là tối cao và chủ trương một “chế độ đại nghị”.

12 năm trôi qua thực sự là một chuyến “vượt cạn” đối với những người ủng hộ De Gaulle. Dù đã rời Paris để lui về sống trong ngôi nhà của mình ở Colombey-les-deux-Eglises nhưng De Gaulle vẫn chú tâm theo dõi những biến cố chính trị của nền Cộng hòa đệ Tứ và tiếp tục gợi ý cho một nhóm những người trung thành khát khao hành động.

Những khó khăn của nền Cộng hòa, sự chia cắt giữa Đông và Tây, sự nổi dậy của cộng sản, nước Pháp bị đặt dưới sự giám sát của các đồng minh Anh - Mỹ và sự bất lực tương đối của các chính phủ ngắn ngày... tất cả đã khiến ông tin rằng thời của ông lại đang đến.

Vài tháng sau khi lui từ tháng 1-1946, Tướng De Gaulle quay trở lại chính trường và gây một tiếng vang lớn. Ở Bayeux, ngày 18-6-1946, trong một bài diễn văn nổi tiếng, ông chủ trương cải cách Hiến pháp theo hướng tăng quyền cho cơ quan hành pháp. Một chiến dịch thực sự đã diễn ra sau đó với những cột mốc là các bài diễn văn ở Épinal và Bruneval, và kết thúc ngày 7-4-1947 bằng bài diễn văn ở Strasbourg tuyên bố thành lập Đảng Tập hợp dân tộc Pháp.

Đảng mới này khiến các đảng khác lúc đó rất lo lắng, các nhà Cộng sản từng tuyên cáo chống lại “kẻ độc tài tập toạng” đã gặt hái được thành công ngay lập tức. Các cuộc bầu cử Hội đồng địa phương tháng 10-1947 đã đem lại cho họ 40% số phiếu. Nhưng chiến thắng bầu cử này có được trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu nên không bền vững. Tỷ lệ số phiếu ủng hộ họ đã giảm dần sau mỗi lần bầu cử tiếp theo và cuộc bầu cử lập pháp năm 1951 không đem lại cho họ đa số áp đảo để Chủ tịch đảng trở lại nắm quyền.

Thời cơ đã bị bỏ lỡ và những người ủng hộ De Gaulle trong Nghị viện nhanh chóng chia rẽ. Còn rất ít người chấp nhận sống trong sự cô lập, giữa một Nghị viên luôn mời họ hành động và đổi lại là tặng cho họ những lá phiếu để có chân trong chính phủ. Từ tháng 3-1952, một vài trong số họ, theo xu hướng ôn hòa hơn, đã rời RPF để bỏ phiếu cho Antoine Pinay ra ứng cử. Năm 1953, sự chia rẽ ngày càng lớn, tạo thành ngày càng nhiều nhóm nghị sĩ nhỏ, và họ đã bỏ phiếu cho René Mayer, rồi đến Joseph Laniel ra ứng cử.

Vì thế, năm 1953, Tướng De Gaulle đã rời RPF và quay trở lại Colombey. Từ nay không còn lệ thuộc vào các phong trào của mình, các Nghị sĩ từng ủng hộ De Gaulle đã chia rẽ: một số người trở lại cánh hữu trước đây; một số khác thành lập đảng Cộng hòa - Xã hội và tiếp tục dựa vào De Gaulle (ông không bảo trợ cho đảng này nữa), nhưng đã tham gia vào các hoạt động của Nghị viện.

Một phần trong số họ ủng hộ chính phủ của Pierre Mendès France, người đã đưa Jacques Soustelle - một người ủng hộ De Gaulle - làm Toàn quyền ở Algérie, và đi theo Jacques Chaban - Delmas chiếm đa số của Đảng Mặt trận Cộng hòa, đảng mới ra đời sau cuộc bầu cử năm 1956.

Các sự kiện ngày 13-5-1958, hoạt động cuồng nhiệt của một số người ủng hộ De Gaulle, sự tê liệt của các thể chế, đã đưa “người cô độc ở Colombey” này trở lại chính trường. Trong những ngày khủng hoảng này, ông có thái độ khó hiểu giúp ông nắm được chính quyền nhờ sự ủng hộ của gần như tất cả các lực lượng đối lập nhau, một số người thấy ông là vị cứu tinh của Algérie thuộc Pháp, những người khác coi ông là thành lũy bảo vệ pháp chế Cộng hòa.
 
Tư tưởng Quân chủ​


Mục tiêu đầu tiên của tân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là “xây dựng lại Nhà nước”, điều mà nhiều người vẫn không tin.

Ngay từ ngày 31-5-1958, ông đã họp lãnh đạo các đảng đoàn trong Nghị viện tại Toà nhà Lapérouse (trừ những người Cộng sản vì đã từ chối tới dự) và vạch ra những đường hướng cải cách Hiến pháp của mình trước khi nhậm chức.

Ông đặc biệt nhấn mạnh tới sự cần thiết phải bầu ra một Tổng thống theo đa số, không áp dụng hình thức bầu phổ thông đầu phiếu do các đảng phái phản đối kịch liệt.

Tuy nhiên, nhậm chức ngày 1-6, ngày hôm sau ông đã nắm toàn bộ quyền lực mà ông có trong suốt 6 tháng, và ngày 3/6, một đạo luật đã giao cho ông nhiệm vụ sửa đổi Hiến pháp - nhưng với một số điều kiện.

Điểm chính trong thỏa thuận này là bản Hiến pháp tương lai sẽ phải đảm bảo sự cân bằng về quyền lực, theo đề nghị của De Gaulle, (nghĩa là chấm dứt quyền lực tối cao của Nghị viện), nhưng giữ chế độ đại nghị như đòi hỏi của các lãnh đạo các đảng phái của nền Cộng hòa đệ Tứ, (tức là Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội).

Một ủy ban luật gia do Michel Debré đứng đầu chịu trách nhiệm triển khai thỏa thuận này trong mùa hè năm 1958. Dự án tiền khả thi của thỏa thuận sẽ do chính Tướng De Gaulle và hai Quốc vụ khanh từ nền Cộng hòa đệ Tứ là Guy Mollet và Pierre Pflimlin chỉnh sửa, sau đó được trình lên Hội đồng Tư vấn Hiến pháp mà Paul Reynaud làm Chủ tịch và gồm các thành viên của Quốc hội của nền Cộng hòa đệ Tứ.

Về vấn đề cân bằng quyền lực, chủ yếu các quan điểm của Tướng De Gaulle được thể hiện trong bài diễn văn ở Bayeux đã thắng thế. Tuy nhiên, sự trợ giúp của Michel Debré tỏ ra hết sức quan trọng. Vả lại, một tài liệu của ông trong thời kháng chiến đã làm sáng tỏ những quan điểm hiến pháp của De Gaulle.

Tháng 1-1944, các luật gia thời Kháng chiến, tập hợp trong Ủy ban nghiên cứu chung, chuẩn bị các thiết chế cho nền Cộng hòa tương lai. Trong số nhiều dự án khác nhau mà họ xem xét, có một dự án của Jacquier và Bruère, bút danh của Michel Debré và Emmanuel Monick. Với mong muốn “thiết lập một nền dân chủ cường tráng, có khả năng trao lại cho nhân dân Pháp ý nghĩa về trách nhiệm của mình”, bản dự án này đã khẳng định: chính sự thiếu vắng một người đứng đầu nhà nước theo đúng nghĩa đã gây ra những nỗi đau cho nước Pháp năm 1940.

Do thiếu một ông hoàng kế nhiệm vừa ý mình nên họ chủ trương bầu ra một “ông hoàng Cộng hòa” với nhiệm kỳ 12 năm (bằng với thời gian trung bình tại vị của các đức vua kiểu cha truyền con nối). Người này phải nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri “gồm các Nghị sĩ, các đại diện nghiệp đoàn, đại diện các đại hội đồng, hội đồng địa phương, có thể cả đại diện của trường đại học và của toà án”.

Người này sẽ có trách nhiệm điều hành Chính phủ trong khi Nghị viện bị giới hạn ở vai trò lập pháp và ngân sách. Người ta thấy đây là tư tưởng của một chế độ quân chủ tạm thời, chủ yếu dựa trên sự ủng hộ của các đảng phái hoặc các chuyên gia mang tính đại diện nhất của tổ quốc. Được sửa đổi theo mong muốn của các đảng phái tham gia soạn thảo, Hiến pháp năm 1958 có lẽ đã chịu ảnh hưởng của các đề xuất này.

Người đứng đầu nhà nước được chỉ định, nhưng không phải với nhiệm kỳ 12 năm, mà chỉ 7 năm có quyền tái cử như dưới nền Cộng hòa đệ Tam và đệ Tứ. Đoàn cử tri rộng hơn so với nền Cộng hòa đệ Tam, nhưng khía cạnh nghiệp đoàn trong dự án của Pacquier - Bruère đã bị hủy: đoàn cử tri chỉ gồm các đại biểu dân cử, các Nghị sĩ, thành viên các đại hội đồng và thành viên các hội đồng ở lãnh thổ hải ngoại, đại biểu các hội đồng địa phương với số lượng không giống nhau tuỳ theo số dân từng xã.

Khoảng 80.000 người đã tham gia cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa đệ Ngũ vào tháng 12-1958. Cần phải thấy rằng sự lựa chọn của các đại cử tri, dù đã được mở rộng, vẫn biến Tổng thống thành người được những người có địa vị bầu ra, giống như thời nền Cộng hòa đệ Tam và đệ Tứ (và có thể còn hơn thế vì các vùng nông thôn chiếm ưu thế về số lượng trong đoàn cử tri).

Các quyền của Tổng thống cũng được tăng lên đáng kể. Đó là quyền bổ nhiệm Thủ tướng và các Bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng, không cần Quốc hội phê chuẩn. Đây là bước đầu tiên và quan trọng của quá trình phát triển, biến Thủ tướng thành người được Tổng thống bổ nhiệm, chứ không phải do Nghị viện bầu như dưới hai nền Cộng hòa trước; nhờ đó, cơ quan hành pháp thoát một phần khỏi áp lực của cơ quan lập pháp.

Trong những điều kiện này, không có gì ngạc nhiên khi một số văn bản của cơ quan lập pháp có hiệu lực mà không cần được Thủ tướng ký. Nhưng đặc biệt, ngoài những quyền mà những người tiền nhiệm cũng có, (ví dụ như quyền yêu cầu thảo luận lại các luật) Tổng thống mới còn được tăng thêm một số quyền. Trước tiên, đó là quyền giải tán Quốc hội (điều 12 của Hiến pháp) mà không phải chịu bất kỳ hạn chế nào từng được áp dụng để giới hạn việc sử dụng quyền này dưới nền Cộng hòa đệ Tam và đệ Tứ.

Tiếp theo, đó là khả năng yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý một số dự án luật, theo đề nghị của chính phủ, đây chính là phương tiện để Tổng thống bày tỏ trực tiếp kêu gọi cả nước (điều 11). Cuối cùng, (điều 16), là có những quyền đặc biệt “khi các thiết chế của nền Cộng hòa, sự độc lập của Tổ quốc, sự toàn vẹn của lãnh thổ hoặc việc thực thi các cam kết quốc tế bị đe dọa nghiêm trọng và trực tiếp, và khi hoạt động bình thường của các cơ quan công quyền Hiến định bị ngắt quãng”.

Tăng quyền hành pháp cho người đứng đầu Nhà nước đồng nghĩa với việc hạn chế quyền của Nghị viện. Trên thực tế, mặc dù về lý thuyết vẫn theo chế độ đại nghị, nhưng một loạt các biện pháp cẩn trọng nhằm ngăn chặn sự quay trở lại thể chế Quốc hội tối cao, và nguy cơ bị giải tán đè nặng trên đầu Quốc hội nếu cơ quan này định bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Như vậy, các đặc quyền của Nghị viện chỉ còn là bỏ phiếu thông qua luật và ngân sách dưới sự kiểm soát của Chính phủ.

Từ khi Hiến pháp năm 1958 có hiệu lực, những điều khoản mới này đã biến Tổng thống thành bộ phận chủ đạo trong hệ thống Hiến pháp của Pháp. Nhưng vị trí của Tổng thống trong các thiết chế còn rõ ràng hơn nữa qua những hành động vượt Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp.
 
Thực thi quyền Tổng thống​


Lịch sử về các Tổng thống đã cho chúng ta thấy rằng bản thân nội dung Hiến pháp không quan trọng bằng tinh thần áp dụng Hiến pháp.

Được Hiến pháp năm 1875 trao cho những quyền rất rộng, nhưng trên thực tế, các vị Tổng thống của nền Cộng hòa đệ Tam lại để tuột khỏi tay những quyền này. Trong khi đó, được trao những quyền rất quan trọng, vị Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa đệ Ngũ lại không ngừng làm cho chúng được tăng lên.

Ngày 21-12-1958 đã diễn ra vòng một cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên theo thể thức mới. Tướng De Gaulle chỉ phải đối đầu với 2 ứng cử viên mang tính hình thức: Georges Marrane do Đảng Cộng sản giới thiệu và Linh mục của xã Châtelet , đại diện của Đảng Liên minh các lực lượng dân chủ, một tập hợp lủng củng những người cánh tả.

Trên tổng số 79.470 số phiếu hợp lệ, De Gaulle được 62394 phiếu thuận, chiếm 78,5%, trong khi đối thủ lớn nhất của ông cũng chỉ được 10354 và đối thủ còn lại là 6772 phiếu. Tính cách đặc biệt của tân Tổng thống cùng những thử thách thảm hại mà nước Pháp đã trải qua đã góp phần củng cố quyền lực cho ông.

Tổng thống bổ nhiệm Michel Debré, một con người nổi tiếng tận tâm với Tổng thống, làm Thủ tướng. Vì vậy hiển nhiên là qui định trong Hiến pháp, theo đó Thủ tướng quyết định và điều hành chính sách quốc gia, không còn ý nghĩa gì: Thủ tướng chỉ là người cộng sự thân cận nhất của Tổng thống, người lựa chọn những định hướng lớn. Nghị viện sẽ phản ứng bằng cách đe dọa chính phủ chăng? UNR, một đảng mới thành lập dựa vào người đứng đầu nhà nước, chỉ giành được 206 trên tổng số 576 ghế trong Quốc hội mới được bầu.

Còn các đảng phái chính trị khác, hi vọng ở Tướng De Gaulle một giải pháp cho cuộc xung đột Algérie, cũng chỉ có 10 ghế đối lập cương quyết trong Quốc hội, đó là các nghị sĩ thuộc Đảng Cộng sản. Cuộc xung đột Algériee vì thế đã cho thấy vai trò ngày càng lớn của Tổng thống De Gaulle, người đã nhanh chóng vượt qua các giới hạn của Hiến pháp.

Ông khiến mọi người sớm hiểu rằng (và mãi sau này một số Nghị sĩ vẫn bực tức về điều đó) vụ việc ở Algérie vượt ra ngoài thẩm quyền bình thường của Chính phủ, rơi vào “lĩnh vực dành riêng” của Tổng thống, mà Hiến pháp đương nhiên không có khoản nào đề cập. Nhưng chừng nào các đảng phái khác nhau còn có thể nghĩ rằng việc hình thành lĩnh vực dành riêng này đúng với những gì họ muốn thì chừng đó sẽ chẳng ai nghĩ tới việc phàn nàn.

Tổng thống đã dần hoàn thiện chính sách về Algérie theo hướng một cuộc đàm phán dẫn tới độc lập cho vùng thuộc địa này. Các bài diễn văn, những lần xuất hiện trên truyền hình đã liên tục được thực hiện trong các giai đoạn của tiến trình này.

Tháng 9-1959, khái niệm “tự quyết” lần đầu tiên được đề cập; tháng 6/1960, những cuộc nói chuyện đầu tiên với “phiến quân” đã diễn ra, đó là cuộc đàm phán ở Melun (thuộc vùng Ile de France). Tháng 5-1961, những cuộc đối thoại mới, sâu hơn, đã diễn ra ở Évian (Pháp). Tháng 3/1962, lần cuối cùng và cũng ở Évian, là hòa bình. Nhưng những diễn biến này không phải không gặp trở ngại.

Tại Quốc hội, các đảng cánh hữu trong Quốc hội đã đánh mất đa số. Ở Alger, các công dân châu Âu đã dựng nên những hàng rào chắn trên đường phố vào tháng 1-1960. Bốn lãnh đạo chính của quân đội Pháp là tướng Salan, tướng Challe (cả hai đều từng là tổng tư lệnh ở Algérie), tướng Jouhaud và tướng Zeller, tiến hành ra một cuộc đảo chính quân đội ngày 22-4-1961.

Thất bại của của cuộc đảo chính đã tạo điều kiện cho sự ra đời Tổ chức Vũ trang Bí mật, một tổ chức khủng bố tập hợp các phần tử quá khích ở Algérie thuộc Pháp, có mục đích ngăn cản sự độc lập của Algérie bằng một loạt các cuộc tấn công, khi Algérie độc lập, họ trả thù bằng cách ám sát tướng De Gaulle. De Gaulle đã là mục tiêu của 2 vụ ám sát, một lần ở Pont-sur-Seine ngày 8-9-1961, và lần thứ hai vào ngày 22-8-1962 ở Petit-Clamart.

Tất cả những việc trên đã càng củng cố thêm các quyền của Tổng thống. Để kết thúc chiến tranh, không ai dám ra tranh cử kế nhiệm ông. Ông đã sử dụng rộng rãi quyền tổ chức trưng cầu dân ý, trước tiên là để biết ý kiến người dân về khái niệm khá mù mờ liên quan đến quyền tự quyết, làm nổi lên đây đó các vụ lộn xộn, và sau đó vào tháng 4-1962 để nhận được sự ủng hộ của nhân dân đối với các Thỏa thuận Évian.

Người Pháp đã đồng ý với cách quản lý “lĩnh vực dành riêng”. Trên thực tế, bằng cách thông qua sự hạn chế ảnh hưởng của cơ quan hành pháp, người Pháp đã củng cố thêm tính tổng thể trong chính sách của mình. Các Nghị sĩ cũng không phản ứng khác; sau vụ “đảo chính của các vị Tướng”, họ đã trao cho Tổng thống các đặc quyền ghi trong điều 16. Làm sao họ có thể không đồng ý khi Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội mà từ nay trở đi ông có toàn quyền sử dụng và biến đất nước thành quan toà giữa ông và Nghị viện.

Chiến tranh Algérie kết thúc đã chứng tỏ rằng ngay cả khi không có những hoàn cảnh đặc biệt xảy ra lúc đó, chế độ sẽ đi theo hướng thiết lập một “chế độ quân chủ Cộng hòa” và tạm thời mà Michel Debré đã từng nói.
 
Cuộc cách mạng phổ thông đầu phiếu​


Khi cuộc chiến Algérie sắp kết thúc, Michel Debré, người đã điều khiển cuộc chiến này theo đúng thời hạn mong muốn của Tổng thống dù trong lòng không phải không cảm thấy giằng xé, đã đệ đơn từ chức và cũng theo yêu cầu của Tổng thống.

Tướng De Gaulle đã nhanh chóng thay thế ông Debré bằng Georges Pompidou.

Quyết định này đã khiến Nghị viện xì xào: Pompidou không phải và chưa bao giờ là một Nghị sĩ. Ông là Giám đốc Ngân hàng Rothschild, những chức vụ chính trước khi leo lên vị trí mà từ nay ông sẽ nắm giữ là Chủ tịch văn phòng của Tướng De Gaulle và mới đây, ông đã thực hiện thành công nhiệm vụ bí mật trước khi mở các vòng đàm phán với FLN của Algérie.

Chính vì vậy, việc sự chọn nhân vật này là để biến Thủ tướng, người chịu trách nhiệm về chính sách của Chính phủ, thành một người được ủy thác thuần tuý của Tổng thống. Nhưng mùa hè năm 1962, sau vụ ám sát ở Petit-Clamart, một tin mới bắt đầu bị lọt ra ngoài khiến Nghị viện vô cùng ngạc nhiên: Tướng De Gaulle có ý định thay đổi Hiến pháp để bầu người đứng đầu nhà nước theo hình thức phổ thông đầu phiếu.

Trước sự phản đối của tất cả các đảng phái đối với sửa đổi này vì sợ rằng, giống như dưới nền Cộng hòa đệ Nhị, nó sẽ mở ra một con đường tới chế độ độc tài quân sự, mạnh tới mức bất chấp mọi qui định của Hiến pháp, ngày 12-9, Tướng De Gaulle đã quyết định đem ra trưng cầu dân ý một dự luật mà không trình Nghị viện trước. Đó là một cuộc kiểm tra sức mạnh.

Được cựu Nghị sĩ Paul Reynaud dẫn đầu, đa số của Quốc hội đã đáp lại bằng việc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 5-10-1962 (tính đến nay, đây là cuộc bỏ phiếu duy nhất trong lịch sử của nền Cộng hòa đệ Ngũ) để lật đổ Chính phủ Pompidou. Tổng thống ngay lập tức có lời đáp: Quốc hội bị giải tán và Chính phủ được duy trì để giải quyết nhanh các công việc thông thường.

Vì vậy, cuộc trưng cầu dân ý ngày 28-12-1962 và cuộc bầu cử lập pháp các ngày 18-11 đến 25-11 có mục đích là dùng nhân dân giải quyết cuộc tranh luận không lối thoát từ năm 1958. Với việc ủng hộ Tướng De Gaulle, người Pháp đã tán thành thể chế của nền Cộng hòa đệ Ngũ như ông thai nghén: Tổng thống không chỉ là người đứng đầu nhà nước mà còn là người đứng đầu chính phủ thực sự, Thủ tướng chỉ là người đứng đầu Bộ tham mưu.

Còn nếu cho rằng Tướng De Gaulle sai lầm thì người Pháp sẽ biểu lộ mong muốn quay trở lại quan niệm của Paul Reynaud, theo đó chủ quyền quốc gia nằm trong tay Quốc hội, cơ quan được dân bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu.

Thách thức này lớn đến nỗi Tướng De Gaulle phải đặt lên bàn cân một trọng lực mới là việc ông có thể sẽ từ chức. Bởi ông thấy tất cả các đảng phái chính trị từ tả sang hữu (trừ Đảng UNR) đều chống lại ông, các ý kiến của các nhà lập pháp trong Tham chính Viện và Hội đồng Hiến pháp cũng cho rằng hình thức sửa đổi Hiến pháp là vi hiến, rằng việc này phải được trình Nghị viện trước khi đưa ra trưng cầu dân ý. Dường như bị cô lập, song Tướng De Gaulle thực sự lại liên tục chiến thắng.

Ngày 28-11-1962, 62,25% cử tri đã thông qua sửa đổi Hiến pháp, biến người đứng đầu nhà nước thành “người của toàn dân” và đương nhiên tăng thêm quyền cho ông so với các Nghị sĩ: mỗi nghị sĩ chỉ đại diện cho cử tri ở khu vực bầu cử của họ.

Dựa vào chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý, ông đã yêu cầu nhân dân khẳng định lại điều này bằng cách bầu những người cương quyết ủng hộ chính sách của ông. Các cuộc bầu cử tháng 11/1962 đã đem đến câu trả lời mà ông mong đợi: đa số mới gồm UNR và bộ phận những người Độc lập do Valéry Giscard d’Estaing đứng đầu ủng hộ chính sách De Gaulle.

Có thể coi mùa thu năm 1962 là dấu mốc quan trọng trong bước phát triển của chế độ hướng tới nền Quân chủ tạm thời mà một trong số những người sau này trở thành nhà tiên tri của chủ nghĩa De Gaulle đã tuyên bố ngay sau thời kỳ Chiếm đóng.

Năm 1958, Tổng thống vẫn rất gần với Tổng thống của nền Cộng hòa đệ Tam. Hiến pháp biến ông thành người trọng tài quốc gia, chấp nhận trao cho Tổng thống các phương tiện để đóng vai trò này và qua đó khẳng định quyền lực của mình.

Năm 1962, Hiến pháp sửa đổi qui định bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu đã làm thay đổi ý nghĩa của thể chế Tổng thống. Được nhân dân Pháp bầu ra nên Tổng thống đặt quyền chịu trách nhiệm trước quốc gia của mình đối diện với quyền này của Quốc hội. Ông trở thành một nhà Quân chủ Cộng hòa vì quyền tối cao của nhân dân đã thay thế cho quyền Thánh thượng (droit divin, một học thuyết về vương quyền thế kỉ XVII, theo đó vua được Chúa trực tiếp tấn phong).

Việc thực hiện các quyền của Tổng thống cũng đi theo hướng này. “Lĩnh vực dành riêng” không ngừng mở rộng, làm hạn chế nội các chính phủ trong vai trò tư vấn và hành pháp; những lĩnh vực chính trong đời sống quốc gia trở thành bộ phận thường trực trong nội các: quốc phòng, đối ngoại và đôi khi là các vấn đề kinh tế.

Trên thực tế, một vấn đề sẽ rơi vào lĩnh vực dành riêng khi nó trở thành một sự kiện nổi bật trong hoạt động của nhà nước và ra khỏi lĩnh vực này khi nó không còn nổi bật nữa để thuộc vào lĩnh vực của các công việc thông thường, công việc của Chính phủ.

Sự can thiệp trực tiếp của Tổng thống vào các vấn đề chính trị quan trọng thông qua trưng cầu dân ý, các cuộc họp báo hoặc các bài diễn văn trên đài phát thanh truyền hình chứng tỏ rằng Điện Élysée đang làm ra chính sách của nước Pháp.

Nhờ các điều khoản mới trong Hiến pháp và hơn thế là việc áp dụng chúng, nhờ bối cảnh chính trị khiến toàn bộ các cơ quan công quyền (đa số trong Nghị viện, Thủ tướng và nội các) đều hoàn toàn ủng hộ ông, Tổng thống De Gaulle đã có những quyền rất rộng mà chưa bao giờ một người đứng đầu nền Cộng hòa nào ở Pháp có được.

Việc còn lại mà De Gaulle phải làm là thông qua trưng cầu dân ý kêu gọi nhân dân trao cho ông quyền đặc biệt mà từ nay ông được hưởng, phê chuẩn nền quân chủ tạm thời mà ông nắm. Đó là mục đích mà người đứng đầu nhà nước xác định cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 1965, cuộc bầu cử đầu tiên kể từ năm 1848 được diễn ra dưới hình thức phổ thông đầu phiếu.
 
Chiến thắng trong bầu cử, chứ không chiến thắng trong cuộc trưng cầu​


Không ai nghi ngờ rằng sau chiến thắng vang dội các cuộc trưng cầu năm 1962, Charles De Gaulle nghĩ đến một nhiệm kỳ thứ hai vào năm 1965 trong những điều kiện hoàn toàn khác với nhiệm kỳ đầu vì từ nay ông không phải là một người được những người có địa vị bầu ra như năm 1958 mà là do toàn dân bầu.

Nhất là khi các đảng phái chính trị, bàng hoàng sau thất bại kép mà họ phải chịu từ cuộc trưng cầu dân ý và cuộc bầu cử lập pháp nên quay sang chống lại cách thức bầu Tổng thống mới, có vẻ không muốn tham gia tích cực vào cuộc bầu cử này. Điểm đặc biệt là sáng kiến duy nhất của phe đối lập trong lĩnh vực này là sáng kiến của tuần báo L’Express.

Tờ báo này đã tung ra một ý định về một ứng cử viên đối lập vào năm 1963, một ông X... bí hiểm, theo mô tả thì dần dần lộ ra danh tính là Gaston Defferre, Thị trưởng thuộc Đảng Xã hội của Marseille. Sau khi đã chiếm được lòng dư luận trong suốt gần 2 năm, giành được cảm tình của các câu lạc bộ có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và một phần của SFIO, năm 1965, sáng kiến này đã vấp phải sự phản đối của Tổng thư ký SFIO Guy Mollet và của Tổng thư ký MRP Josepth Fontanet về việc hình thành một “đại” Liên hiệp Dân chủ Xã hội, hội tụ SFIO và các đảng trung tâm đối lập và làm hậu thuẫn cho ứng cử viên Defferre.

Bỗng nhiên, ông này từ chối ra tranh cử. Tuy nhiên, sáng kiến này nhấn mạnh sự cần thiết của việc hình thành một đảng phái chính trị dân chủ có khả năng đối chọi với UNR và ủng hộ một ứng cử viên khác với De Gaulle.

Trên thực tế, mùa thu năm 1965, không có gì xảy ra, và các tuyên bố tranh cử hết sức phân tán. Ngoài luật sư Tixier Vignancour, đại diện cho phe cực hữu, và Marcilhacy, Thượng nghị sĩ của Charente được “Thỏa thuận quốc gia tự do” lựa chọn, còn có một ứng cử viên khác tuyên bố ra tranh cử ngày 16-9 là một công dân độc lập, ông Barbu.

Ba ứng cử viên tỏ ra tiêu biểu thực sự là: François Mitterrand, tuyên bố ra tranh cử vào ngày 9-9 và liên tục nhận được sự ủng hộ của tất cả các đảng phái chính trị cánh tả, Đảng Xã hội SFIO, Đảng Xã hội cấp tiến, đảng Cộng sản, PSU, Thoả ước các Thể chế Cộng hòa (gồm các câu lạc bộ cánh tả); Jean Lecanuet, Chủ tịch MRP, được đảng này và Trung tâm Quốc gia các nhà độc lập ủng hộ; và cuối cùng là Tướng De Gaulle, tuyên bố ra tranh cử ngày 4-10 với một bài diễn văn có thể tóm tắt bằng câu: “Tôi hoặc sự lộn xộn”.

Trên thực tế, tổng thống không do dự tiên đoán trong trường hợp ông thất bại, “không ai có thể nghi ngờ rằng nước Cộng hòa mới sẽ nhanh chóng biến mất và nước Pháp sẽ phải chịu, lần này thì không gì có thể cứu vãn được, một sự lộn xộn về nhà nước còn tệ hại hơn lộn xộn mà trước kia nước Pháp đã phải nếm trải”.

Đối với người Pháp, chiến dịch tranh cử lần này lớn chưa từng thấy. Nó được đánh dấu bằng sự tham gia ồ ạt của truyền hình, mỗi ứng cử viên lần lượt xuất hiện trên màn hình và các đối thủ của Tướng De Gaulle đã tận dụng tuổi trẻ của họ (49 và 45 tuổi) để chống lại ông, vị Tổng thống mãn nhiệm (75 tuổi).

Mặt khác, trong chiến dịch này, các cuộc thăm dò liên tục được tổ chức, lần đầu tiên nói rõ theo từng giai đoạn tình hình của các ứng cử viên chính như thế nào theo ý định bỏ phiếu. Về điểm này, chiến dịch tranh cử luôn khiến mọi người ngạc nhiên tột độ.

Trong khi Tướng De Gaulle được coi là người chiến thắng dễ dàng ngay từ vòng đầu, thì gần tới ngày bỏ phiếu, người ta lại nhận thấy sự sụt giảm các ý định bầu cho ông, sự ủng hộ gia tăng theo tỷ lệ nghịch dành cho các đối thủ của ông là François Mitterrand (từ 22% lên 27%) định bầu, và Jean Lecanuet, người đã có một chiến dịch tranh cử lạ lùng trên truyền hình (tăng từ 5% lên 20%).

Bước đột phá này của Jean Lecanuet trong lòng cử tri trung hữu và cánh hữu, vốn đến lúc đó vẫn ủng hộ Tướng De Gaulle, làm cho De Gaulle chỉ giành được 43% ý định bỏ phiếu ngay trước bầu cử. Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, Tướng De Gaulle đã không có được số phiếu cần thiết để chiến thắng ngay từ vòng.

Đêm 5-12, kết quả đã cho thấy Tướng De Gaulle đứng đầu với 43,71% số phiếu - François Mitterrand, Jean Lecanuet, Tixier-Vignancour, Marcilhacy và Barbu lần lượt giành được 32,30%, 15,85%, 5,27%, 1,73% và 1,16%.

Trong cuộc bầu cử ngày 19-12, luật bầu cử qui định rằng chỉ 2 ứng cử viên có số phiếu phổ thông cao nhất được vào vòng 2. François Mitterrand tuyên bố không phải là “ứng cử viên duy nhất của cánh tả” mà là “ứng cử viên của những người Cộng hòa” đối đầu với Tướng De Gaulle.

Cuối cùng, Tướng De Gaulle đã chiến thắng với 54,50% số phiếu, đối thủ của ông được 45,40%. Tướng De Gaulle đã có được sự thừa nhận của nhân dân mà ông muốn, nhưng không dễ dàng như người ta tưởng. Thể thức chính trị mới đã thúc đẩy sự thống nhất của cánh tả mà người ta cho là đang hấp hối, và cánh tả đã thực sự phục hồi.

Trong khi người đứng đầu nhà nước có vẻ đang đạt được mục đích và vượt qua thử thách với một quyền lực được củng cố thì cuộc bỏ phiếu lại cho thấy rằng các hoàn cảnh đặc biệt của cuộc chiến Algérie đã qua, cuộc tranh luận chính trị đang trở lại, và trong cuộc tranh luận này, chủ nghĩa De Gaulle tỏ ra yếu thế. Xét ở một góc độ nào đó, cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên theo hình thức phổ thông đầu phiếu đã phản bội những hi vọng của Charles De Gaulle. Ông muốn một cuộc trưng cầu biến ông thành “người của đất nước”.

Ông đã giành được một chiến thắng với đa số dân Pháp bầu chọn chứ không phải thiểu số. Trên thực tế, hơn 3 năm sau chiến thắng này, Tướng De Gaulle đã rời chính trường khi chưa hoàn thành nhiệm kỳ II của mình, do bị rơi vào một cuộc khủng hoảng được dự báo từ lâu. Sau đây là ba giai đoạn liên tiếp đánh dấu diễn biến của cuộc khủng hoảng này trong nhiệm kỳ II của ông, cuộc khủng hoảng đã lật đổ nhà kiến tạo nền Cộng hòa đệ Ngũ.
 
1967: thời của những thử thách​


Trước cuộc bầu cử năm 1965, những bất bình bắt nguồn trước tiên từ những lựa chọn chính sách đối ngoại, thể hiện một sự đoạn tuyệt với chính sách mà một số thành viên trong đa số mong muốn.

Những người này đã từng ủng hộ Tướng De Gaulle, đặc biệt là cánh hữu tự do và thân châu Âu, và các thành viên của MRP. Thế nhưng các tuyên bố cụt ngủn của Tổng thống đã khiến ông mất đi sự ủng hộ này.

Tướng De Gaulle đã giữ khoảng cách với việc hội nhập châu Âu và chọn một châu Âu hợp bang, “châu Âu của các tổ quốc”, nên đã theo đuổi một chính sách tạo nên từ tối hậu thư và mệnh lệnh. Cũng chính vì thế, trước sự thất vọng của những người “ưa châu Âu”, ông hai lần phản đối sự gia nhập của nước Anh vào Thị trường chung. Tương tự, Tướng De Gaulle đã từ chối mọi sự lệ thuộc vào Mỹ và rời khỏi chính sách Đại Tây Dương mà Pháp đã từng theo đuổi đến năm 1958.

Mong muốn khẳng định sự độc lập quốc gia của ông đã khiến ông xây dựng một “lực lượng đánh trả” hạt nhân tự chủ, quyết định rút Pháp khỏi Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, phản đối Mỹ trong chính sách đối với Viễn Đông (Trung Quốc, Việt Nam) cũng như chính chủ trương sách tiền tệ (đòi Pháp triệt để dự trữ vàng thay đô la). Chính sách độc lập quốc gia ngờ vực và mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa này đã không làm hài lòng các nhà Độc lập, Xã hội, Cấp tiến, MRP, những người nhìn chung ưa hội nhập châu Âu và Đại Tây Dương.

Một nguyên nhân khác gây bất bình theo một chiều hướng rất khác, đó là chính sách kinh tế và xã hội mà chính phủ theo đuổi từ năm 1963. Năm 1958, nền Cộng hòa đệ Ngũ mới khai sinh đã làm trong sạch tình hình tài chính của Pháp. Nhưng đến năm 1963, dường như các tác động của chính sách trong sạch hóa này đã không còn và nước Pháp đứng trước nguy cơ lạm phát quay trở lại.

Trong những điều kiện này, theo gợi ý của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Valéry Giscard d’Estaing, một bước ngoặt quyết định đã được áp dụng: chính quyền quay lưng lại với học thuyết duy ý chí về kinh tế và xã hội, thể hiện kinh tế chỉ huy và kế hoạch hóa, để tiến hành lựa chọn chính sách tự do. Từ nay, những học thuyết chính thống chiến thắng với kế hoạch bình ổn năm 1963: một sự cân bằng nghiêm ngặt về ngân sách được duy trì bằng việc tăng thu giảm chi. Ngoài ra, để ngăn chặn lạm phát, người ta ưu tiên tác động đến lương, một mức trần hằng năm là 4% đã được ấn định cho việc tăng lương.

Chính sách hết sức tự do này đã gây bức xúc cho không chỉ người lao động mà cả các ông chủ nhỏ và khu vực nông thôn, những người bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giảm lạm phát. Những bất bình này, mà vì thế Tướng De Gaulle không được bầu ngay từ vòng đầu trong cuộc bầu cử năm 1965, còn được thể hiện rõ hơn trong cuộc bầu cử lập pháp năm 1967.

Trên nhiều phương diện, cuộc bầu cử lập pháp này giống như phần tiếp theo của cuộc bầu cử Tổng thống, một kiểu “vòng 3”. Rút ra bài học từ việc không đạt được đa số cần thiết, Đảng UNR của Tướng De Gaulle định cởi mở với cánh tả bằng việc đón nhận những người ủng hộ De Gaulle theo cánh tả trong Liên minh Dân chủ Lao động (UDT) và mong muốn này được thể hiện ở cấp độ chính phủ bằng việc hai nhân vật theo trường phái De Gaulle cấp tiến xuất hiện trong các ghế Bộ trưởng, đó là Jean-Marcel Jeanneney và Edgar Faure, cùng lúc với việc loại Valéry Giscard d’Estaing, người phải trả giá cho các hậu quả chính trị của “Kế hoạch bình ổn” năm 1963.

Về phe đối lập, sự tập hợp do tình thế xung quanh François Mitterrand và Jean Lecanuet hướng tới việc thành lập các đảng phái chính trị lâu bền. Các nhà Cấp tiến, Xã hội và các thành viên của các câu lạc bộ đã tập hợp nhau lại dưới ngọn cờ của Liên hiệp Cánh tả Dân chủ và Xã hội (FGDS), dù liên hiệp hỗn hợp này chưa qui tụ được PSU và Pierre Mendès France. Về phần mình, những người ủng hộ Jean Lecanuet, được gọi là “những người trung tâm đối lập”, đã thành lập Trung tâm Dân chủ, hội tụ MRP, những người Độc lập và một số thành viên trung-tả.

Đúng là cuộc bầu cử vòng 1 ngày 5-3-1967 đã khẳng định lại ưu thế của chủ nghĩa De Gaulle với 37,8% số phiếu phổ thông. Đảng đối lập duy nhất giành chiến thắng, chủ yếu trong các vùng có công nhân bị tác động của sự suy thoái, là Đảng Cộng sản (22,5%). Nhưng cánh tả phi cộng sản vẫn bền vững (18,7%) trong khi Trung tâm Dân chủ bị thất bại rõ rệt (12,8%). Kết quả này lẽ ra đã có thể củng cố thêm sức mạnh cho De Gaulle nếu vòng 2 không bị đánh dấu bởi một trừng phạt tương đối của tất cả các phe đối lập (kể cả những người trung tâm) chống lại phe De Gaulle.

Ngày 12-3, đa số đã giành được chiến thắng sít sao (245/487 ghế) trước những người đối lập thuộc cánh tả và hữu nhờ vào những lá phiếu hải ngoại. Nền Cộng hòa đệ Ngũ suýt phải chứng kiến cơn ác mộng thể chế: đa số của Tổng thống và đa số của Nghị viện không thuộc cùng một phe, điều sẽ dẫn tới khủng hoảng chế độ. Dù sao, chế độ cũng đã bị suy yếu sau các cuộc bầu cử lập pháp và tối hôm diễn ra vòng bỏ phiếu thứ hai, Pierre Mendès France đã có thể tiên đoán rằng cơ quan lập pháp sẽ không thể hoạt động đến hết nhiệm kỳ.

Sự suy yếu đi của chế độ đương nhiên trước hết là sự suy yếu của Tổng thống. Đối với ông, thời gian thử thách mới chỉ bắt đầu.

Chưa kịp rút ra bài học từ cuộc bầu cử lập pháp năm 1967, Tướng De Gaulle, người mà nhờ ông chính quyền được hợp pháp hóa qua cuộc bầu cử Tổng thống chứ không phải là qua cuộc bầu cử lập pháp, đã áp dụng một chính sách cứng rắn hơn bằng cách tăng các hành động để chứng tỏ rằng ông không hề muốn bị ràng buộc bởi một cuộc thăm dò chỉ dành để bầu ra các nhà lập pháp. Về chính sách đối ngoại, ông bất chấp niềm tin của đa số dân Pháp bằng cách kịch liệt phản đối nhà nước Israel vào năm 1967 sau “cuộc chiến 6 ngày” và tuyên bố ủng hộ sự độc lập của Québec trong một chuyến công du Canada.

Trong lĩnh vực đối nội, ông vẫn giữ lại các vị trí Bộ trưởng đã thất bại sau bầu cử, Maurice Couve de Murville (Bộ Ngoại giao) và Pierre Messmer (Quân đội). Cuối cùng, ông từ chối mọi dự án đàm phán về lương, điều kiện làm việc, giờ làm... mà các nghiệp đoàn đề nghị, đồng thời quyết định dùng mệnh lệnh để quản lý chính sách kinh tế và xã hội.

Sự không hài lòng của toàn thể xã hội Pháp trước chính sách của Tổng thống được thể hiện hết sức bất ngờ trong cuộc khủng hoảng năm 1968.
 
Năm 1968​


Trước khi trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị, đây là một cuộc khủng hoảng văn minh. Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ tấm gương của xã hội là Trường Đại học Tổng hợp, ở đó nó biểu hiện một cách tập thể như một sự phản đối hoạt động của các khoa.

Hơn thế, nó còn như sự chối bỏ hoàn toàn xã hội tiêu thụ, xã hội văn minh chạy theo lợi nhuận và năng suất, như sự chối bỏ mọi ràng buộc đối với con người.

Từ các khoa, đám đông sôi sục đổ xuống đường phố sau khi các trường đại học bị đóng cửa. Các đêm từ 3 đến 10-5 là những đêm nổi dậy của khu phố La-tinh. Ban đầu nghi ngờ phong trào mà họ không tạo ra và không thể kiểm soát, nhưng đến giữa tháng 5, các nghiệp đoàn và đảng phái cánh tả đã hùa theo phong trào của sinh viên.

Họ càng có lý để làm việc này vì từ ngày 15-5, phong trào đã nhân rộng ra thành một cuộc khủng hoảng xã hội trầm trọng khiến nước Pháp bị tê liệt bởi một loạt các cuộc đình công chiếm giữ các nhà máy. Thế nhưng trong bối cảnh nhà nước dường như đang bị tan rã, thì Tổng thống vẫn bị động một cách kì lạ, ông bị rối bời bởi một phong trào mà ông không lường trước được và không kiểm soát được, nó cũng vượt qua tầm kiểm soát của cả bộ máy chính trị Pháp.

Trong thời gian đầu, dường như ông chờ phong trào này tự sụp đổ và không để ý tới nó: ông cho là không cần thiết phải hoãn chuyến đi Rumani, và chỉ đến khi cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng ông mới quyết định rút ngắn chuyến đi này. Song, bài diễn văn khi đó ông nói với người dân Pháp đề nghị trưng cầu dân ý vào tháng 6 về sự tham gia của dân chúng vào cơ quan nhà nước dường như quá xa vời với họ, tới mức ông không nhận được hưởng ứng nào.

Chính Thủ tướng Georges Pompidou, người vừa từ Afghanistan trở về sau chuyến công du chính thức, đã cứu vãn được tình hình. Để chấm dứt cơn suy thoái, ông đã quyết định mở các cuộc thảo luận với các nghiệp đoàn, và đến ngày 27-5 thì ký kết được Thỏa thuận Grenelle chấp nhận tăng lương cho công nhân. Cuộc khủng hoảng lại nổi lên vào cuối tháng 5 có vẻ sẽ giết chết chế độ.

Trên cơ sở chối bỏ Thỏa thuận Grenelle, các đảng phải chính trị cánh tả đã công khai tự cho là người kế thừa của chủ nghĩa De Gaulle vốn đang bị đe dọa. Ngày 28-5, François Mitterrand đề xuất một danh sách chính phủ lâm thời do Pierre Mendès France điều hành, còn các nhà Cộng sản lại đưa ra khái niệm “Chính phủ nhân dân”. Quyền lực dường như bị bỏ trống. Trong khi những tin đồn từ chức nổi lên trong chính giới, người ta lại thông báo Tướng De Gaulle biến mất vào ngày 29-5. Mọi người không biết ông đã rút về Colombey-les-deux-Églises hay đã trốn ra nước ngoài.

Trên thực tế, Tổng thống đã gặp các lãnh đạo quân sự của Pháp tại Đức để bảo đảm mình có được sự trung thành của quân đội. Ngày 30/5, ra khỏi chiếc vỏ sò của mình, ông nắm lại mọi thứ trong tay và một lần nữa lật lại tình hình.

Trong một bài diễn văn đầy cương quyết, ông đã bác bỏ mọi ý định từ chức và tuyên bố ông sẽ giữ lại Thủ tướng Georges Pompidou, giải tán Quốc hội, khiến các đảng phái ngay lập tức quay lại hoạt động truyền thống của mình là chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử.

Tối hôm đó, lời kêu gọi hành động dân sự đã mở đường cho một cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người ủng hộ De Gaulle trên quảng trường Champs-Élysées, phá vỡ thế độc quyền của phe cực tả trên các đường phố.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top