ngan trang
New member
- Xu
- 159
Sự thù địch giả tạo với Mặt trận bình dân
Ngay sau khi Lebrun trúng cử, những triệu chứng đầu tiên của cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đã xuất hiện. Cuộc khủng hoảng này đã hoành hành trên phần còn lại của thế giới từ năm 1929, nhưng chỉ thực sự lan tới Pháp vào năm 1931.
Tại Pháp, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chủ yếu là do sự bất cân đối giữa giá cả của Pháp và giá cả của thế giới. Trong khi cuộc khủng hoảng làm sụt giá các nguyên liệu, sau đó là giá các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp trên toàn thế giới, thì nước Pháp, vốn sở hữu một đồng tiền mạnh từ khi Raymond Poincaré chính thức bình ổn đồng franc năm 1928, khăng khăng từ chối phá giá đồng tiền của mình.
Do giá cả của Pháp cao hơn hẳn giá của thế giới nên hàng hóa của Pháp hầu như không xuất khẩu được. Nhưng những người cầm quyền như Lebrun và các chủ tịch Hội đồng cánh hữu Flandin và Laval lại không hề biết nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Tất cả họ đều cho rằng “những công chức ăn hại ngân sách” đã gây ra tình trạng này và đưa ra giải pháp giảm lương. Năm 1935, Pierre Laval tiến hành giảm 10% lương công chức. Hậu quả là cuộc khủng hoảng càng trầm trọng hơn do giảm sức mua trên thị trường nội địa, thị trường chủ yếu của hàng hóa Pháp.
Cuộc bầu cử năm 1936 đã đưa Mặt trận bình dân, được tạo nên từ liên minh các đảng và các tổ chức khác nhau thuộc cánh tả, lên cầm quyền. Trong Nghị viện, từ đây đa số ghế thuộc về các Đảng Cấp tiến, Xã hội và Cộng sản. Tình hình này làm Lebrun lo lắng, ông dễ làm việc với các chính khách cánh hữu hơn là với những người thuộc phe đa số mới này.
Tổng thống thậm chí đã định từ chức, nhưng ông sớm từ bỏ ý định đó vì nhận thấy rằng nếu ông từ chức, một thành viên thuộc phe đa số của Mặt trận bình dân sẽ được bầu làm Tổng thống, và người này sẽ không biết kìm hãm sự vươn lên của cánh tả như ông. Ông chỉ còn cách chấp nhận và mời vào chính quyền thủ lĩnh của đảng chiếm đa số trong Quốc hội Léon Blum. Lebrun tham gia không chút hứng thú, nhưng cũng không thể chống đối các biện pháp xã hội và chính trị mà chính phủ của Mặt trận bình dân thực hiện ngay trong những tháng đầu tiên.
Tổng thống có thể tự hào đã ngăn cản Pháp can thiệp để ủng hộ nước Tây Ban Nha Cộng hòa trong cuộc đấu tranh chống lại cuộc đảo chính quân sự của Tướng Franco, nhưng trên thực tế, nguyên nhân của việc Pháp không can thiệp là do Léon Blum rất cẩn trọng và không muốn kéo nước Pháp vào một cuộc chiến. Quan điểm của Lebrun không hề có chút ảnh hưởng gì.
Tổng thống hoan hỉ nhận thấy những khó khăn đầu tiên của Mặt trận nhân dân, và lấy làm mừng rỡ, không phải là vô cớ, khi thấy Mặt trận bình dân nghiêng về cánh hữu bằng việc thay thế Blum bằng Chautemps.
Tháng 3-1938, Chautemps từ chức, một lần nữa Tổng thống trao quyền cho Blum để chứng tỏ rằng thủ lĩnh của Phân nhánh Quốc tế công nhân Pháp (SFIO) không thể thành lập được chính phủ. Tuy vậy, do nhận thức được mối đe dọa ngày càng tăng từ hiểm họa phát xít, Blum đã đề nghị thành lập không phải một nội các của Mặt trận bình dân mà một nội các thống nhất dân tộc để lãnh đạo đất nước chuẩn bị đối mặt với nước Đức quốc xã.
Ngoại trừ Paul Reynaud sẽ chấp nhận một thể thức như thế nếu nó tương đối mở rộng cho cánh hữu, còn những lãnh đạo ôn hòa khác, mù quáng vì căm ghét Blum, đã từ chối đề cập vấn đề này nếu lãnh tụ Đảng Xã hội đứng đầu chính phủ.
Tổng thống mừng thầm trước diễn biến của tình hình và không làm gì để họ thay đổi ý kiến. Thất bại của Blum đã đánh dấu sự tan rã của Mặt trận bình dân. Tháng 4-1938, nhân vật Cấp tiến Edouard Daladier thành lập một chính phủ mới không có sự tham gia của Đảng Xã hội, mà có phái Ôn hòa. Tổng thống thở phào dễ chịu: Mặt trận bình dân không còn nữa.
Tháng 5-1939, nhiệm kì Tổng thống 7 năm của Lebrun mãn hạn. Tình hình thế giới ngày càng trầm trọng và chiến tranh sắp diễn ra.