Câu hỏi trắc nghiệm bài 1: Các cấp tổ chức của thế giới sống (Có đáp án chi tiết)

Qua bài 1, chúng ta được học về các cấp tổ chức sống và đặc điểm chung của từng cấp tổ chức sống. Để củng cố kiến thức và dễ dàng ghi nớ nội dung bài học chúng ta cùng trả lời một số câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến bài 1: Các cấp tổ chức của thế giới sống nhé!

Câu hỏi trắc nghiệm bài 1 Các cấp tổ chức của thế giới sống.png


Câu hỏi trắc nghiệm bài 1: Các cấp tổ chức của thế giới sống

Câu 1: Các cấp tổ chức cơ bản của thế giới sống bao gồm:
1. Quần xã
2. Quần thể
3. Cơ thể
4. Hệ sinh thái
5. Tế bào
Các cấp tổ chức đó theo trình tự từ nhỏ đến lớn là…
A. 5-3-2-4-1
B. 5-3-2-1-4
C. 5-2-3-1-4
D. 5-2-3-4-1
Lời giải:
Thế giới sống được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc chặt chẽ:
Nguyên tử → phân tử → bào quan → tế bào → mô → cơ quan → hệ cơ quan → cơ thể → quần thể → quần xã → hệ sinh thái → sinh quyển.

Câu 2: Hãy chọn câu sau đây có thứ tự sắp xếp các cấp độ tổ chức sống từ thấp đến cao:
A. Cơ thể, quần thể, hệ sinh thái, quần xã
B. Quần xã, quần thể, hệ sinh thái, cơ thể
C. Quần thể, quần xã, cơ thể, hệ sinh thái
D. Cơ thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái
Lời giải:

Theo sự phân cấp trong thế giới sống, thứ tự các cấp độ tổ chức từ thấp đến cao là:Cơ thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái.

Câu 3: Trong các cấp tổ chức sống dưới đây, cấp nào là lớn nhất ?
A. Tế bào
B. Quần xã
C. Quần thể
D. Bào quan
Lời giải:
Trong các cấp tổ chức sống trên thì quần xã là cấp lớn nhất.

Câu 4: Tổ chức sống nào sau đây có cấp thấp nhất so với các tổ chức còn lại?
A. Quần thể
B. Quần xã
C. Cơ thể
D. Hệ sinh thái
Lời giải:
Thế giới sống được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc chặt chẽ:
Phân tử → bào quan → tế bào → mô → cơ quan → hệ cơ quan → cơ thể → quần thể → quần xã → hệ sinh thái → sinh quyển.
Như vậy, cấp độ tổ chức thấp nhất so với các tổ chức còn lại là cơ thể.

Câu 5: "Đàn voi sống trong rừng" thuộc cấp độ tổ chức sống nào dưới đây?
A. Cá thể
B. Quần xã
C. Quần thể
D. Hệ sinh thái
Lời giải:
Đàn voi sống trong rừng thuộc cấp độ quần thể.

Câu 6: Tập hợp nhiều tế bào cùng loại và cùng thực hiện một chức năng nhất định tạo thành:
A. Hệ cơ quan
B. Mô
C. Cơ thể
D. Cơ quan
Lời giải:
- Thế giới sống được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc, các cấp tổ chức thấp hơn là nền tảng để xây dựng các cấp tổ chức sống cấp trên.
- Nhiều tế bào cùng loại, cùng thực hiện 1 chức năng sẽ tập hợp lại và tạo nên tổ chức sống cao hơn là mô.

Câu 7: "Đàn Vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà" thuộc cấp độ tổ chức sống nào dưới đây?
A. Quần xã
B. Hệ sinh thái
C. Quần thể
D. Sinh quyển
Lời giải:
"Đàn Vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà" thuộc cấp độ tổ chức quần thể vì gồm các cá thể cùng loài, cùng chung sống trong 1 sinh cảnh, các cá thể có khả năng sinh sản tạo thế hệ mới.

Câu 8: Tập hợp các sinh vật sống ở rừng Quốc gia Cúc Phương là
A. Cá thể sinh vật
B. Quần thể sinh vật
C. Quần xã sinh vật
D. Cá thể và quần thể
Lời giải:
Tập hợp cá thể sinh vật sống trong rừng Quốc gia Cúc Phương gồm nhiều loài khác nhau, cùng chung sống trong 1 sinh cảnh ở 1 thời gian gọi là quần xã sinh vật.

Câu 9: Các cấp tổ chức của thế giới sống không bao gồm thành phần nào dưới đây?
A. Mô
B. Bào quan
C. Phân tử
D. Nguyên tử
Lời giải:

Nguyên tử không phải là một cấp tổ chức của thế giới sống.

Câu 10: Thành phần nào dưới đây không phải là một cấp tổ chức của thế giới sống?
A. Tế bào thực vật
B. Quần xã sinh vật
C. Nguyên tử
D. Đại phân tử hữu cơ
Lời giải:
Nguyên tử không phải là một cấp tổ chức của thế giới sống.

Câu 11: Trong cơ thể vi khuẩn không tồn tại cấp tổ chức sống nào dưới đây?
A. Tế bào
B. Cơ quan
C. Bào quan
D. Phân tử
Lời giải:
Trong cơ thể vi khuẩn không tồn tại cơ quan.

Câu 12: Ở cơ thể vi khuẩn cấp tổ chức sống nào dưới đây cao nhất?
A. Tế bào
B. Cơ quan
C. Bào quan
D. Phân tử
Lời giải:
Ở cơ thể vi khuẩn cấp tổ chức sống cao nhất là tế bào

Câu 13: Đơn vị tổ chức cơ sở của mọi sinh vật là
A. Các đại phân tử
B. Tế bào
C. Mô
D. Cơ quan
Lời giải:
Tế bào là đơn vị cơ bản cấu tạo nên mọi cơ thể sinh vật.

Câu 14: Các sinh vật dù rất khác nhau nhưng chúng vẫn có đặc điểm chung vì
A. Chúng sống trong môi trường giống nhau
B. Chúng đều được cấu tạo từ tế bào
C. Chúng đều có chung một tổ tiên
D. Tất các các câu trên đều đúng
Lời giải:
Các sinh vật dù rất khác nhau nhưng chúng vẫn có đặc điểm chung vì đều cấu tạo từ tế bào. Tế bào là đơn vị cơ bản cấu tạo nên mọi cơ thể sinh vật (Mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ 1 hay nhiều tế bào)

Câu 15: Trong các cấp tổ chức của thế giới sống, cấp tổ chức sống cơ bản nhất là cấp nào
A. Phân tử
B. Bào quan
C. Tế bào
D. Cơ thể
Lời giải:
Cấp tổ chức sống cơ bản nhất là tế bào.

Câu 16: Căn cứ chủ yếu để coi tế bào là đơn vị cơ bản của sự sống là
A. Chúng có cấu tạo phức tạp
B. Chúng được cấu tạo bởi nhiều bào quan
C. Ở tế bào có các đặc điểm chủ yếu của sự sống
D. Cả A, B, C
Lời giải:
Tế bào là cấp tổ chức quan trọng vì nó biểu hiện đầy đủ các đặc tính của cơ thể sống.

Câu 17: Tế bào là đơn vị tổ chức cơ bản của sự sống vì :
A. Có các đặc điểm đặc trưng của sự sống
B. Mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ tế bào
C. Tế bào có nhiều bào quan với những chức năng quan trọng
D. Tất cả các tế bào đều có cấu tạo cơ bản giống nhau
Lời giải:
Tế bào là cấp tổ chức quan trọng vì nó biểu hiện đầy đủ các đặc tính của cơ thể sống.
Tế bào là đơn vị tổ chức cơ bản của sự sống vì mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ tế bào

Câu 18: Các cấp tổ chức sống không có đặc điểm nào sau đây ?
A. Liên tục tiến hóa
B. Tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc
C. Là một hệ thống kín
D. Có khả năng tự điều chỉnh

Lời giải:
Các cấp tổ chức sống là hệ thống mở và có khả năng tự điều chỉnh, không phải là hệ thống đóng kín.

Câu 19: Điều dưới đây đúng khi nói về một hệ thống sống :
A. Một hệ thống mở
B. Có khả năng tự điều chỉnh
C. Thường xuyên trao đổi chất với môi trường
D. Cả A, B, C đều đúng
Lời giải:

- Thế giới sống có các đặc điểm chung: Tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc; Là hệ thống mở và tự điểu chỉnh; Thế giới sống liên tục tiến hóa.
- Các đặc điểm này thể hiện ở các cấp độ tổ chức sống.

Câu 20: Tổ chức sống cấp thấp hơn làm nền tảng để xây dựng nên tổ chức sống cấp cao hơn” giải thích cho nguyên tắc nào của thế giới sống?
A. Nguyên tắc thứ bậc
B. Nguyên tắc mở
C. Nguyên tắc tự điều chỉnh
D. Nguyên tắc bổ sung
Lời giải:
Tổ chức sống cấp dưới làm nền tảng để xây dựng nên tổ chức sống cấp trên là nguyên tắc thứ bậc.

Câu 21: Khi nói về nguyên tắc thứ bậc của các tồ chức sống, phát biểu nào sau đây đúng?
A. Cấp tổ chức nhỏ hơn làm nền tảng để xây dựng cấp tổ chức cao hơn
B. Tất cả các cấp tổ chức sống được xây dựng từ cấp tế bào
C. Kích thước của các tổ chức sống được sắp xếp từ nhỏ đến lớn
D. Các cơ thể còn non phải phục tùng các cơ thể trưởng thành
Lời giải:
Thế giới sống được tồ chức theo nguyên tắc thứ bậc, có nghĩa là: Tổ chức sống cấp dưới làm nền tảng xây dựng nên tổ chức sống cấp trên. Ngoài đặc diêm của tổ chức sống cấp thấp, tổ chức cấp cao còn có những đặc tính riêng gọi là đặc tính nổi trội.

Câu 22: Các cấp tổ chức của thế giới sống đều là những hệ mở vì:
A. Có khả năng thích nghi với môi trường
B. Thường xuyên trao đổi chất với môi trường
C. Có khả năng sinh sản để duy trì nòi giống
D. Phát triển và tiến hóa không ngừng
Lời giải:
Hệ thống mở: Sinh vật ở mọi tổ chức đều không ngừng trao đổi vật chất và năng lượng với môi trường

Câu 23: Tất cả các tổ chức sống đều là hệ mở. Nguyên nhân là:
A. Thường xuyên trao đổi chất với môi trường ngoài
B. Thường xuyên có khả năng tự điều chỉnh
C. Thường xuyên biến đổi và liên tục tiến hóa
D. Có khả năng sinh sản, cảm ứng và vận động
Lời giải:
Tổ chức sống là hệ mở vì: Các cấp tổ chức của thế giới sống luôn diễn ra hoạt động trao đổi chất và năng lượng với môi trường; thu nhận và trả lời các kích thích từ môi trường

Câu 24: Cấp tổ chức nào sau đây không phải là cấp tổ chức sống cơ bản của thế giới sống?
A. Cơ thể
B. Quần xã
C. Hệ cơ quan
D. Hệ sinh thái
Lời giải:
Hệ cơ quan không phải là cấp tổ chức sống cơ bản của thế giới sống.

Câu 25: Đọc thông tin dưới đây: "Về quần thể thực vật mà cụ thể là rừng nhiệt đới thì những cây ưa ánh sáng sẽ phát triển ở tầng trên cùng (thân cao to, tán lá rộng để có thể hấp thụ lượng ánh sáng tối đa), tiếp theo là tầng thân gỗ ưa sáng ở mức độ trung bình sẽ phát triển phía dưới tầng thân gỗ ưa sáng. tiếp nữa là tầng cây thân leo, cây ưa bóng râm, thân thảo sẽ phát triển ở gần sát mặt đất. Đây là ví dụ về sự phân tầng của thực vật trong rừng nhiệt đới"

Ví dụ trên thể hiện đặc điểm nào của thế giới sống?
A. Thế giới sống liên tục tiến hóa
B. Hệ thống tự điều chỉnh
C. Tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc
D. Hệ thống mở
Lời giải:
Ví dụ trên thể hiện sự tự điều chỉnh của thế giới sống, các sinh vật sẽ điều chỉnh để thích nghi được với điều kiện môi trường.
Nguồn: Sưu tầm

Tổng kết: Các bạn vừa tham khảo một số câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến bài 1: các cấp tổ chức của thế giới sống. Mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn ghi nhớ nội dung chính bài học để đem lại kết quả cao trong học tập.
_Chúc các bạn học tốt!_​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top