Buồn làm sao buông - Anh Khang

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Buồn làm sao buông - Anh Khang (Hoàn)

Đôi dòng
Cuộc đời vốn nhiều nỗi buồn, hẳn vậy. Có điều, tôi lại dành khá nhiều nỗi buồn của những ngày còn trẻ cho duy nhất một điều - là Tình yêu. Nghe qua có vẻ vị kỷ, bởi ngoài kia còn biết bao điều đáng để chùng chân, nặng lòng và nghe nước mắt lưng tròng rơi, tại sao cứ phải cố chấp vì tình yêu đã cũ mà tự làm mòn xói đi cảm xúc của mình?

Chắc bởi vì có những ký ức dù đã hao gầy cách mấy nhưng giống như không khí vậy, cứ phải nhắc đi nhắc lại, tựa hơi thở một phút phải đủ chừng ấy lần. Chỉ cần thiếu mất sẽ không thở được, thậm chí phải ngừng nhịp tim đi. Thế nên, chừng nào còn thở là chừng ấy còn nhớ và buồn. Đều đặn. Bình lặng. Kiên tâm.

Ký ức sở dĩ không thể mất mát là bởi chúng ta còn quá trẻ trước trăm năm, những ngày đã qua xem ra ít ỏi lắm nếu so với con đường còn dài trước mắt. Vì lẽ đó mà những lần đầu tiên chạm ngõ ký ức luôn để lại trong lòng những xốn xang, bần thần và khắc sâu hơn cả. Cái nắm tay đầu tiên, nụ hôn đầu tiên, người thương đầu tiên... nghiễm nhiên trở thành không khí tiếp thở cho ta mỗi ngày. Dẫu rằng chuyện hai đứa mình ngày xưa ấy, nhắc lại bây giờ chỉ thấy toàn những đổi thay. Có buồn đến thế, có thở dài nhiêu khê, thì chuyện cũ - người xưa của khoảng thanh xuân đầu tiên sẽ luôn được trí nhớ gọi về.

Vậy thì liệu bạn có thể đọc những dòng viết dưới đây bằng tất cả sự vị tha của mình - như một người-chớm-già vị tha cho đôi sợi tóc bạc len lén mọc trên mái đầu xanh? Bởi trước khi kịp già, hẳn ai trong chúng ta cũng phải trải qua dăm ba ngày trẻ như thế, chỉ thấy bản thân một mình bầu bạn với nỗi buồn, nỗi cô đơn, nỗi cự tuyệt... Tất cả đều bắt nguồn từ lúc người ấy bỏ đi, để lại riêng ta cùng với miên trường niềm thương thân vị kỷ. Xin hãy hiểu cho đỉnh điểm cao nhất của cô đơn không phải là một mình, mà là trong tim đã có sẵn một người nhưng bên cạnh thì trăm ngàn người không ai giống vậy.

Chúng ta đều biết ơn đời sống đã thi ân quá nhiều cho phần số của mỗi người. Được sống, đã là một ơn may, nhưng đôi khi trong bản vẽ phước phận cũng chệch tay khiến đọng lại những vết lem tựa nước mắt rơi phải làm nhòe. Bởi thế, cuộc đời - về cơ bản - không hề buồn, nhưng từ khi người xuất hiện, nó mới buồn miên mải. Có điều thiên hạ cứ suốt ngày bảo “chán đời” xong vẫn phải sống tiếp đó thôi. Vậy thì mạnh miệng nói “chán người” cũng có buông bỏ được người đâu?

Câu hỏi ấy tôi đã từng tự hỏi trong suốt những ngày mà lòng còn hướng về riêng-duy-nhất-một-người. Rồi chợt nhận ra, có những kỷ niệm xứng đáng cho chúng ta phải tranh đấu không ngừng với thời gian, với lòng người, với sân si thương giận... để nắm giữ nó đến trời cùng đất tận.

Nhưng, trời cùng đất tận, rốt cục cũng không đáng sợ bằng một chữ - Quên. Thế nên, cũng phải đến một lúc nào đó, lòng bỗng thấy nhẹ tênh như nắng chiều la đà sắp rớt và thấy từ xa có bóng người khuất dần vào hoàng hôn chuyển tối. Tắt ngóm. Tắt lòng. Thế là cũng xong.

Có những nỗi buồn ta quẩn quanh trong ấy, có những kỷ niệm dù thiết tha đến vậy hay có những con người ta đắm say cách mấy, cũng phải đến ngày học cách buông tay.

Vì bạn biết đó, chúng ta chỉ có hai tay, nếu cứ dùng dằng níu kéo những điều đã mất thì còn sức lực nào nữa để nắm thật chặt thật chắc hạnh phúc? Phải học cách buông bỏ nỗi buồn để đôi tay thảnh thơi mà nâng chiều niềm vui sắp tới...

Bởi buồn hay vui, buông hay giữ, đều do ở lòng mình!

A.K – 2014

Tác giả


Xuất thân là một học sinh chuyên Văn của Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong Tp. Hồ Chí Minh, Quách Lê Anh Khang được nhiều bạn bè đồng trang lứa biết đến với các thành tích nổi bật như Huy chương vàng Olympics Truyền thống 30/4, Thủ khoa kỳ thi Học sinh Giỏi Thành phố, Giải III Học sinh Giỏi Quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Trên nền tảng đó, Anh Khang đã tiếp tục rèn luyện ngòi bút trong những năm tháng là sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông của trường bằng việc trở thành cộng tác viên thường xuyên cho nhiều tờ báo. Ngay từ khi còn trên ghế giảng đường, anh đã là cây bút quen thuộc với nhiều độc giả của báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần. Đây cũng là tờ báo anh đã công tác trong hơn 4 năm trước khi chuyển sang phụ trách biên tập cho tạp chí Her World hiện nay.

Vừa là phóng viên, vừa công tác trong lĩnh vực PR - Marketing, thỉnh thoảng Anh Khang còn lấn sân sang vai trò người dẫn chương trình và sáng tác nhạc. Vì “ôm đồm” nhiều việc như thế mà mọi người đã gọi tác giả trẻ này bằng biệt danh “Tắc kè đa tài” (như tên một bài báo từng viết về anh). Ngày trôi về phía cũ là tập tản văn đầu tay của Anh Khang. Sau quyển sách này, anh sẽ tiếp tục đến với độc giả qua một số truyện ngắn và tiểu thuyết, theo đuổi sự nghiệp sáng tác như một nhà văn thực sự - niềm đam mê từ thời niên thiếu của anh.
 
BUỒN

"Buồn đem ra ngõ mà phơi

Để cho người nhớ những lời người quên..."

Duy

Có một người duy nhất để thương và nhớ.

Có một người duy nhất để khóc và đau.

Có một người duy nhất để mãi mãi không

thuộc về nhau nhưng cũng chẳng thể nào

buông tay được. Có một người như thế, âu

cũng là một phước phần cho riêng mình –

dẫu có là phước phần đớn đau.

Cuộc đời ai rồi cũng sẽ gặp một người mà nếu không lấy được người ấy thì sau này có lấy ai cũng không còn quan trọng nữa.

Bởi vì người ấy đã trở thành duy nhất của mọi cung bậc hờn giận yêu thương, đến nỗi những mối tình về sau dù cố gắng cách mấy cũng chỉ là sự lặp lại chẳng thể nguyên lành như cảm giác lần đầu.

Duy chỉ có một người làm tim ta lạc nhịp, hẫng nhịp và cả nhộn nhịp, chỉ bằng một nụ cười bâng quơ hoặc một cái chạm tay rất khẽ.

Duy chỉ có một người khiến ta bất chấp mặc cả với nỗi đau, đánh đổi bằng hết sự tổn thương nhận lấy riêng mình chỉ để được đi cùng trên một đoạn đường rất ngắn.

Duy chỉ có một người để ta cam tâm dành trọn những thương yêu son trẻ, cháy đến kiệt cùng như ngọn diêm đã tắt lửa vẫn len lỏi nồng mùi phốt pho với hy vọng thổi bùng chút vương vất tàn tro.

Duy chỉ có một người có thể lấp đầy khoảng trống trong lòng, đan đầy kẽ hở giữa những ngón tay và khép lại tròn đầy những hy vọng dẫu hoang đường về tình yêu viên mãn.

Duy chỉ có một người.

Duy nhất mà thôi...

Anh luôn là một chàng trai ngoan đạo, mỗi cuối tuần đều đặn đi lễ Nhà thờ, đĩnh đạc đọc Thánh thư dưới chân tượng Chúa và hòa vào dàn đồng ca hát lên thứ phúc âm trong trẻo. Em, ngược lại, là một kẻ vô thần, chẳng có niềm tin vào bất cứ tôn giáo nào, chỉ suy tôn một đấng cứu thế duy nhất cho trái tim mình - là anh.

Em chỉ biết những câu chuyện trong Kinh thánh qua lời anh kể lại mỗi khi cần an ủi em khỏi những cơn buồn thường nhật. Anh sẽ bảo “Phúc cho những ai không thấy mà tin” rồi dẫn dắt xa gần về ngày lễ Phục sinh nào đó tít tận trời Tây để trấn an mỗi lần em mơ hồ không biết niềm tin của mình sẽ dẫn đến đúng hay sai. Và khi em loay hoay giữa những ngổn ngang lựa chọn của cuộc đời, anh chỉ đơn giản nhìn em và đanh giọng hỏi: “Vậy chứ em muốn gì? Chúa sẽ cho em những gì em muốn, nhưng trước hết là em phải biết mình muốn gì đã!”.

Ừ thì, quả thật em chẳng biết mình muốn gì cho tương lai, cho quá nhiều thứ cần đong đếm trước mắt của tuổi trưởng thành... Chỉ duy một điều em biết rõ nhất: “Em-muốn-có-anh, nhưng Chúa trời cũng có cho em đâu?”

Anh thoáng nheo mắt, bất giác nhìn quanh như cố giấu đi những xao động rất khẽ trong lòng, rồi điềm nhiên bảo: “Nếu những điều em muốn không bao giờ có được, nghĩa là Chúa đã nhìn thấy trước nó không thích hợp với em. Đó chỉ là ước muốn nhất thời, chẳng thể đủ đầy để em tựa vào mà nương nhờ đến cuối đường tìm hạnh phúc...”

Nhiều năm về sau nữa, anh sẽ hiểu ra đó là lời nói tàn nhẫn nhất có thể dành cho một người đã từng yêu anh.

Nhiều năm về sau nữa, em vẫn còn huyễn hoặc tin rằng một người như thế, một tình yêu như thế, nỡ quên sao đành?

Nhiều năm về sau nữa, khi thời gian phủ bụi lên ký ức, tình yêu chỉ còn là nắm đất thả xuống cho cỏ mọc phủ quanh, em và anh sẽ ở đâu đó dưới hai khung trời khác cả màu xanh, để lòng bần thần mỗi lần nghe câu hát: “Và chúng ta sẽ đôi lần nuối tiếc, để một dòng sông lơ đãng trôi qua...”.

Có lần, anh kể em nghe gần 4,5 tỉ năm trước, một hành tinh sau chuỗi ngày lang thang mê mải đã va vào Trái đất, chấm dứt thân phận độc hành giữa thiên hà ngàn vạn ngôi sao nhưng chẳng có nơi nào nương nhờ. Sau cuộc chạm mặt bất ngờ ấy, những mảnh vỡ và bụi văng ra, tụ lại thành một thiên thể lặng lẽ, nhẫn nại xoay quanh Trái đất từ thuở ấy đến giờ.

Đó chính là Mặt trăng.

Nhưng dẫu thiên thể ấy cả đời hướng về riêng Trái đất thì bản chất của Trái đất vẫn cứ phải xoay quanh Mặt trời. Trớ trêu là vậy, mà Mặt trăng có bao giờ ca thán nửa lời hay quay lưng tắt thứ ánh sáng ấy đi. Vẫn nhẫn nại bằng hết yêu thương, Mặt trăng đã, đang và sẽ quẩn quanh cả trọn đời thiên thể cho riêng Trái đất.

Em không dám nhận mình ngang ngửa với sự cao thượng của vũ trụ, nhưng em biết chắc thứ duy nhất mình đã, đang và sẽ luôn hướng về - duy chỉ là anh!

Có một người duy nhất để thương và nhớ. Có một người duy nhất để khóc và đau. Có một người duy nhất để mãi mãi không thuộc về nhau nhưng cũng chẳng thể nào buông tay được. Có một người như thế, âu cũng là một phước phần cho riêng mình - dẫu có là phước phần đớn đau.

Nhưng con người ta không thể sống ngày này qua ngày khác chỉ bằng tình yêu, em ạ. Cuộc đời không dư dả hoa hồng để mơ mộng, không đủ nhiều hy vọng để trông chờ và càng không có sẵn anh bên cạnh bất cứ khi nào em cần đến. Thế nên, nếu em cứ đặt trọn vào anh thứ hạnh phúc duy nhất thì em chỉ thêm hụt hẫng mà anh cũng nặng lòng.

Anh đủ thừa thông minh để biết em yêu anh nhiều đến chừng nào. Nhưng lại không đủ dũng cảm và kiên tâm để đi cùng trên con đường mà chính anh còn mơ hồ chưa biết điểm dừng chân. Thế nên, tình yêu của em dẫu nhiều và phung phí đến mấy cũng trở thành vô nghĩa. Dã tràng cần mẫn đổ cát bể khơi, cuối cùng chỉ là chuyện hoang đường. Bao giờ cho đầy, khi mà lòng biển quá mênh mông?

Anh biết mình gần nhau nhưng không thể bước tới, bởi giữa chúng ta có quá nhiều cách ngăn. Dẫu có ăn năn nhìn nhau sau một nụ hôn vội, cũng chỉ là thứ cảm xúc vướng víu “bỏ thì thương, vương thì tội”. Mang theo thì bất khả, để đó thì không đành. Đã vượt qua tình bạn mà không thể chạm tới tình yêu. Đi cùng một đoạn đường mà biết trước phải rời nhau khi chưa đến cuối.

Cảm xúc đó có lẽ là thứ tình thương duy nhất mà chúng ta không bao giờ tìm được câu trả lời, không bao giờ có thể buông tay - dẫu bàn tay từng đan lấy nhau đã rời mất từ lúc nào...

“Duy kiến trường giang thiên tế lưu...”[1]

[1] Chỉ thấy dòng sông trôi mãi về phía cuối chân trời
 
Chỉ Sài Gòn chịu đau khi chúng ta lạc nhau

Anh biết làm gì với Sài Gòn đèn xanh đèn đỏ,

mà chẳng có ngọn đèn nào

thắp sáng dẫn lối về ngày xưa?

“Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay, nhiều như những gì mình-đã-mất...”[1]

[1] Người tình trăm năm - Đức Huy

Anh đã lẩm nhẩm đâu đó trong trí nhớ câu hát này, khi trở lại góc phố mà hai đứa từng qua. Hàng cây hai bên đường vẫn chạy dài tít tắp, xếp hàng ngay ngắn hệt như một binh đoàn tề chỉnh nghiêm trang đón anh vào giáo đường viếng lễ tang của một cựu binh nào đó được tổ quốc ghi công. Và anh, chắc để đóng trọn vai khách đến chia buồn, cũng đã đỏ cay mắt từ lúc nào chẳng hay.
Hàng cây còn đủ hai phía để chở che nhau. Mà anh vắng mất một người nên gió khuya thổi ngang, bề nào cũng lạnh.
À, hình như hôm đó, anh vẫn còn nhớ, em mặc áo xanh.
...
Nhưng đêm nay, chỉ có đêm và anh, đen kịt và trắng nhờ, sao trời tờ mờ “nhiều như những kỷ niệm qua tay...”, trôi tuột hệt cát rơi qua kẽ, chẳng giữ kịp bao giờ.

Anh biết làm gì với Sài Gòn đèn xanh đèn đỏ, mà chẳng có ngọn đèn nào thắp sáng dẫn lối về ngày xưa? Quá khứ hút mắt rồi, đâu còn thấy nữa để loạng choạng bước về...

“Quá khứ của chúng ta là những chuỗi sai lầm”... Anh đã từng nói với em như vậy. Mà giờ nghĩ lại, anh thấy câu nói ấy hóa ra cũng lại là một sai lầm. Sai không phải ở quá khứ của chúng ta, của anh, của em hay của bất kỳ ai - mà sai từ khi chúng ta gọi đó là Quá-Khứ.

Chúng ta phủi tay rũ bỏ hết hơi ấm còn vương vất trên những ngón tay đã từng đan vào nhau những đêm về gió lạnh. Chúng ta quay lưng phó mặc ngày xưa nằm lại chỏng chơ trên con đường vắng lặng thôi gọi nữa tên nhau. Chúng ta buông thả mình trong niềm quên nỗi nhớ, trong những sai lầm chồng chất thêm cao, nhưng không bao giờ tự nhìn lại để nhận ra mình đã thuộc về hai thế giới hoàn toàn xa lạ.

Sai lầm của hai người-lạ-đã-từng-quen là nhìn nhau, cười thật khẽ đủ để xã giao và quay lưng bước tiếp. Giống như mọi thứ đang xoay đều trong cái khung định sẵn bất di bất dịch của lề thói thường nhật, bỗng đột ngột cuồng chân, bấn loạn vọt lên tốc độ tối đa. Đến khi hãm phanh thì loạng choạng xém ngã. Mặt đường hằn một vết thương...

Hẹn nhau đi đầu non cuối bể, cuối cùng rời tay buông bỏ điềm nhiên, quên bẵng câu thề. Chỉ có những lỗi hẹn là tròn đầy nguyên vẹn. Chỉ có những nỗi nhớ là nhiêu khê trở về. Chỉ có Sài Gòn phải chịu đau bao lần khi chứng kiến hết thảy mọi cuộc chia ly và đánh mất, mà không cách nào dẫn lối đưa đường cho hai con người trở lại gặp nhau. Dẫu họ vẫn đang sống dưới cùng một bầu trời đầy sao và nhìn thấy chung thứ ánh sáng lóa mắt.

Sài Gòn - Đêm - Nhớ em đến khô khốc...
 
Chẳng để làm gì


Bởi vì cho dù yêu nhau đến cùng hay

đành đoạn bỏ đi, thì cái cảm giác sau khi trải qua

một mối tình không hề dễ chịu.

Ngơ ngác nhất là khi tất cả yêu thương cuối cùng khép lại với kết cục “Chẳng-để-làm-gì”...

Anh biết em đi hay ở, cũng chẳng để làm gì!

Em biết anh nhớ hay quên, cũng chẳng để làm gì!

Và nếu chúng ta có thể trở lại như ngày xưa chăng nữa, cũng chẳng để làm gì.

Lửa cháy tàn tro, rượu cạn men nhạt, mọi thứ đã làm tròn phận sự của nó. Duy chỉ có hai đứa vẫn cứ lấp lửng giữa ngọt-đắng, dùng dằng giữa níu-buông mà chẳng bao giờ thấy đâu là cuối đường để biết được sự cố chấp này liệu có nguyên do? Hay tất cả chỉ là hoài phí, chẳng-để-làm gì...

Thật ra là tự em đa tình, chứ vốn dĩ, tình cảm này ngay từ khi bắt đầu đã biết sẵn chỉ là tự mình huyễn hoặc bọc đường cho những đắng đót đơn phương.

Thật ra là tự anh vô tâm, chứ vốn dĩ, những lời nói ấy chỉ có thể dành riêng cho một người rất mực yêu thương, cớ sao cứ thản nhiên bông đùa với những người dưng khác.

Thật ra, vạn vật dù vô tri hay hữu tình đều đã định sẵn một lý do cho sự tồn tại “để làm gì” của chúng. Chỉ riêng anh và em, đến bao giờ chúng ta mới ngộ ra rằng thứ tình cảm này vốn dĩchẳng-để-làm-gì.

Vô nghĩa và hoang phí cảm xúc đến thế mà vẫn cháy đến kiệt cùng như lửa đã bén cồn, chỉ có thể bùng lên đến khi tro tàn mà chẳng-thể-làm-gì.

Ừ thì, biết là chẳng-ĐỂ-làm-gì, nhưng cũng chẳng-THỂ-làm-gì khác hơn ngoài việc đau đến sau cuối...

Bởi thế mới thấy, muốn hủy hoại một đứa con nít, hãy cứ chăm bẵm nuông chiều. Còn muốn hủy hoại một kẻ trưởng thành, hãy cho họ trải qua một lần thương yêu.

Thật đấy, tình yêu là thứ hủy hoại con người nhanh nhất, dù là tình yêu viên mãn hay chỉ là một phút xao lòng. Bởi vì cho dù yêu nhau đến cùng hay đành đoạn bỏ đi, thì cái cảm giác sau khi trải qua một mối tình không hề dễ chịu. Thậm chí ngay cả trong lúc còn yêu, con người ta cũng luôn ngập tràn những lo toan, hoài nghi và tự ti đến tội nghiệp.

Nhớ cho rằng, tình yêu cũng như không khí vậy - cứ tưởng là trong lành và duy trì nhịp thở cho trái tim, nhưng lại chính là nguyên nhân dẫn đến ôxy hóa bào mòn rất nhiều thứ kim loại trở nên vô dụng. Kim loại sắc bén bền bỉ thế kia mà còn trơ ra rỉ sét chịu trận, huống hồ khối cơ mềm oặt nơi ngực trái làm sao gánh chịu nổi thứ gặm nhấm hủy hoại trá hình “tình yêu - nguồn sống” ấy?
 
Hướng về riêng phía người thôi

Hoa nở để mà tàn. Người gặp để rẽ ngang

Ngày đó, tôi chẳng thiết tha gì với hoa cỏ và facebook cá nhân tuyệt nhiên không có chỗ để post hình hoa hòe. Hai loại hoa duy nhất tôi phân biệt được là hoa hồng và hoa vạn thọ, một cái để tặng sinh nhật, cái kia để chưng bàn thờ - tuyệt đối đừng nên nhầm lẫn nếu không muốn tiệc sinh nhật người ta thành ra đám giỗ cho mối quan hệ của mình.

Nhưng từ khi quen người, tôi thuộc lòng tên gọi từng loại hoa. Buổi hẹn hò của hai đứa dù có chạy loanh quanh thành phố, nói xàm nói nhảm thế nào thì trước lúc tiễn nhau về, trên tay sẽ luôn cầm sẵn một bó hoa như lời hẹn cho lần gặp kế tiếp. Niềm vui của người nhiều khi chỉ đơn giản là tìm được bó hoa súng tím xanh vì biết tôi thích màu của bầu trời, rồi mang về nhà để tôi hậu đậu cắm xiêu vẹo trong bình và ngay hôm sau, nó đã héo queo chỉ còn có thể đem ra nấu lẩu mắm. Rồi để dỗ dành một đứa vụng về đang buồn bã vì hoa cỏ chết yểu, người sẽ lại kiên nhẫn cùng tôi ra hàng hoa mà tỉ mẩn chọn mua hoa khác, kèm theo cái liếc mắt dặn dò: “Hoa tulip khó trồng lắm đó, mang về xong nó héo nữa thì đừng có than vãn”. Rốt cục, tôi vẫn chọn tulip và cả hai phải lúi cúi kiếm đá lạnh để thả vào bình hoa, vì tulip chỉ nở tươi được trong nước lạnh mỗi ngày.

Nếu theo kết quả khảo sát xã hội gần đây cho thấy một trong những biểu hiện của người hạnh phúc là thích cắm hoa, thì quả thật tôi phải cảm ơn người đã có thời tập cho tôi thói quen được hạnh phúc. Dù rằng hạnh phúc ngắn ngủi và thời gian bên nhau chẳng tròn đầy, nhưng thói quen mang hoa về rải khắp nhà đã thành nếp sống từ ấy. Mà đã là nếp sống, bắt quên sao đành?

Thế nên khi bạn bè mang đến tặng tôi những giỏ hoa tràn ngập hướng dương trong một ngày-đáng-lẽ-phải-vui, thì cái thói quen xưa cũ lại thảng hoặc trở về. Tôi nhớ người hay gọi hướng dương là “cúc Mặt trời”, theo kiểu chúng tôi thường gán ghép tên gọi khác cho những thứ vốn dĩ quen thuộc (như cách người gọi tôi là “quờ lờ a cờ”, và tôi gọi người là “người lạ thân thương”). Đến độ sau này khi không còn cùng nhau đi qua những hàng hoa ngày cũ, tôi vẫn cứ một mình bảo cô chủ bán hoa: “Cho một bó cúc Mặt trời” khiến người xung quanh kỳ thị hoang mang chẳng hiểu tôi đang nói thứ ngôn ngữ gì.

Tôi nhớ thần thoại Hy Lạp có lần kể về tình yêu đơn phương của cô nàng Clytie yêu thầm Thần Mặt trời Helios. Mỗi ngày, cô gái phàm trần ấy chẳng thể làm gì khác hơn ngoài việc ngước nhìn cỗ xe ngựa của thần đi qua bầu trời rồi chết dần chết mòn, hóa thân thành một bông hoa hướng dương. Chẳng biết thần thoại xưa có thật trong đời không, chứ hoa hướng dương từ bao thế kỷ nay vẫn cứ nở rực dưới Mặt trời, cứ vươn về một phương ánh sáng mà ươm vàng một sắc màu lành lặn nhất của thứ tình yêu tròn đầy. Với mỗi một bông hướng dương, thứ ánh sáng đó là nguyên vẹn và duy nhất để nhuộm vàng đời sống thảo mộc cho mình. Còn trên cao, Thái dương vẫn lãnh đạm tỏa sáng cho hàng ngàn hàng vạn loài hoa khác nhau, chứ chẳng thể của riêng bất kỳ thứ thực vật nào.

Tình yêu của Clytie dành cho Helios ngay từ đầu đã hoang đường như thế. Một kẻ thuộc về bầu trời, một người ở lại mặt đất, dẫu có nhìn thấy nhau, dẫu có một phút xao lòng vì nhau cũng chẳng thể nào với tới nhau. Hoa nở để mà tàn. Người gặp để rẽ ngang. Tình cảm đâu phải cứ muốn giữ là sẽ sở hữu mãi được một bàn tay trước những ly tan của năm tháng, nhất là khi chính bàn tay mình còn chưa biết cách cầm-níu-nắm-buông cho đúng lúc và đúng người.

Nhưng, tình yêu đòi hỏi phải sở hữu thì có còn nguyên vẹn là tình yêu? Hay chỉ còn sự chiếm hữu ích kỷ của bao điều áp đặt? Tình yêu thật sự trên đời, không đòi hỏi phải nắm giữ trong tay hay đơn phương ảo tưởng trong lòng, mà là thứ tình cảm cam tâm trong tim. Hoàn toàn cam chịu, hoàn toàn kiên tâm, dẫu cho người ấy có đoái hoài hay không.

Thế nên, vẫn muốn như hướng dương, nở rực hay lụi tàn vẫn hướng về riêng phía Mặt trời. Muốn được thương người, dẫu buồn vui khóc cười vẫn dõi theo đoạn đường đã ngược lối chia đôi.
 
Đừng đi! Ngoài kia bóng tối

Người ta hơn ta nhiều vậy

Ta lấy gì để sánh đây?


Có những khoảnh khắc - nhanh thôi, chút xíu rồi qua - nhưng bạn cảm thấy cả Sài Gòn rộng hơn hai nghìn chín mươi lăm cây số vuông vẫn nhỏ bé đến độ không có chỗ nào đủ vừa cho bạn nép vào an tựa. Đi đâu cũng thấy mình thừa ra, ở đâu cũng thấy bị bỏ lại, rốt cục cả thành phố lớn đến nhường vậy mà tìm một nơi để co mình, tìm một người để yêu và tin, còn khó hơn bắt Mặt trời một ngày phải có đến hai lần bình minh.

Đâu cần cả một đô thị bạt ngàn nhà cao đèn màu phù phiếm huyên náo, chỉ cần một góc nhỏ để trú thân và dung dưỡng vui buồn. Đâu cần cả tám triệu người tất tả lướt qua nhau mỗi ngày, chào vội - cười nhạt - rồi thôi, chỉ cần một người chịu ở lại và quay nhìn về phía sau khi mình nấc khẽ hai tiếng “Đừng đi”. Chỉ vậy thôi mà, có được hay không?

Người ở lại thêm chút thôi!
Hoàng hôn ngoài kia chưa tới
Nắng chiều dùng dằng đến tội
Vẫn chưa nỡ xa bầu trời...

Đừng đi! Ta nào có lỗi?
Nỡ sao tắt hết Mặt trời
Mình ta về nơi bóng tối
Trong đêm chẳng rõ khóc - cười?

Vậy mà vẫn chúc người vui
Bên cạnh ai đó suốt đời
Ta ở nơi này nếu thấy
Âu cũng vui lây với người

Chẳng phải cao thượng “cao tay”
Mà thành tâm đấy, xin người!
Hạnh phúc thật nhiều bên ấy
Ta cam lòng thấy đủ đầy.

Bởi người đã quyết buông tay
Ta đâu dám tính sum vầy?
Người ta hơn ta nhiều vậy
Ta lấy gì để sánh đây?

Nên đành lầm lũi làm mây
Nấn ná cản hoàng hôn này,
Để khi người không ngoảnh lại
Vẫn còn nắng in bóng ai...
 
Đôi lúc phải cảm thông người đến trước

Nhớ một người không phải vì họ xứng đáng với nỗi nhớ niềm thương

mình dành cho, mà vì họ đã từng cùng mình trải qua

những thời khắc đẹp nhất của tuổi trẻ không trở lại bao giờ!


Có nụ cười nào trên môi em rơi xuống đáy cốc thành nỗi buồn xanh veo...

Đến phút cuối cùng gần nhau, em vẫn giấu tất thảy niềm riêng bằng vẻ thản nhiên nhất. Anh khẽ nhìn gương mặt bình lặng như nước của em, dò chừng: “Còn điều gì ta chưa nói kịp sao?”

Em lại cười. Cốc nước xoay đều trong tay em lăn tăn sủi bọt. Lòng anh gợn chút hồ nghi về khoảnh khắc này - là đúng, là sai, chắc chỉ thời gian mới trả lời được. Nhưng câu trả lời chắc chắn nhất mà chúng ta đều biết - là chẳng ai trong hai đứa buồn nhất cho lần ra đi này.

Anh không buồn, chỉ xốn xang cho một hành trình mới chưa biết điểm dừng.

Em không buồn, chỉ thảng hoặc bấm đốt ngón tay, chặc lưỡi “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”.

Chỉ có người ấy. Ừ thì, chỉ có người ấy là buồn nhất thôi.

Vì người ấy là người anh thương.

Vì người ấy là người sẽ phải nhìn anh đi về một khung trời khác hướng.

Vì người ấy là người sống tiếp một cuộc đời chông chênh khi không còn anh bên cạnh để ngả vào nương tựa.

Còn em, đã quen rồi với bờ vai anh họa hoằn lúc có lúc không, khi vui tìm đến, khi chán tìm quên. Có lẽ thế, nên lần chia tay này, với em, cũng chỉ là một đoạn gấp khúc dài hơn những buổi đón đưa trước, cũng chỉ là lời hẹn “Gặp em lần sau!” sẽ lâu hơn bình thường. Có gì mà phải buồn? Có quyền gì để đeo mang nhớ thương về một người vốn dĩ đã thuộc về kẻ khác?

Vậy nỗi buồn này, nếu có, em sẽ buồn cho người ấy nhé.

Bởi những kẻ không được yêu thương thà chấp nhận ra vẻ cao thượng để nấn ná ở gần chúc phúc, còn hơn làm một người bình thường vô phận sự lướt vội qua nhau không chút mảy may trên đường.

Cùng một con đường, cùng một loài cây, mà bên ấy lá xanh còn bên này mọi thứ đã lìa cành.

Cùng một tình thương, cùng một con người, mà khi ấy biết bao là thiết tha còn lúc này lại vô chừng là xa lạ.

Cùng yêu chung một niềm đau cả, mà người ấy thì được anh đáp trả nên hân hoan cam tâm với tình cảm sớt-chia-có-hạn-kỳ, còn em chẳng được gì ngoại trừ sự hoang đường tự mình ảo tưởng. Bên ấy và bên này, dẫu có giành được người về phía bên nào thì cũng chỉ là tạm bợ, vì có ai suốt đời chỉ đi một bên lề bao giờ? Đường người đi, vẫn là lối thẳng trải dài và bên nào chăng nữa thì cũng chỉ là bấp bênh họa hoằn khi có khi không.

Bởi vậy mới hiểu thật ra câu nói tội nghiệp nhất không phải là “I’m missing you” - mà là “I’m missing us”... Nhớ một người không phải vì họ xứng đáng với nỗi nhớ niềm thương mình dành cho, mà vì họ đã từng cùng mình trải qua những thời khắc đẹp nhất của tuổi trẻ không trở lại bao giờ
 
Lẽ bất thường này đời thấy được bao?

Thứ duy nhất mình có thể cầu xin là

xin với chính mình, rằng thương mình

một chút đi, có được không?

Cảm giác bất lực nhất là khi nhìn thời gian trôi mà bản thân vẫn ngồi yên một chỗ, trong lúc người ta đã dời chân đi khuất từ lâu rồi.

Em biết không, Sài Gòn vẫn hệt như ngày em quay lưng bước về phía người ấy, bỏ anh lại giữa chông chênh những vui cùng buồn.

Anh học cách chấp nhận định mệnh như một lẽ tất yếu, đến rồi đi, xa rồi gần, thương rồi nhạt... Duy chỉ có một điều anh vẫn còn chấp nhất là tại sao giữa rất nhiều yêu thương, em lại chọn anh để từ bỏ? Cũng như giữa rất nhiều quên nhớ, anh lại chọn em để khắc cốt ghi tâm, không một niềm quên nào chạm đến được, không một nỗi nhớ nào thiết tha hơn.

Có những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau, họ đứng từ phía xa nhìn nhau cho đến khi niềm đau nhạt dần thành niềm quên bình thản. Lẽ thường ở đời!

Có những người yêu nhau nhưng buộc phải chia ly, rẽ khác hướng đi mà nghe lòng nặng chùng trên từng bước chân giẫm mòn kỷ niệm. Lẽ thường ở đời!

Có những người yêu nhau nhưng cạn lòng tình nhạt, tay rời tay thư thả như chưa hề mất mát, mặc cho kỷ niệm ngơ ngác nằm lại như một đứa con hoang. Lẽ thường ở đời!

Có những người yêu nhau... Ừ thì lẽ thường ở đời.

Có những người mất nhau... Ừ thì lẽ thường ở đời.

Nhưng có những người yêu nhau chưa từng nhưng vẫn đau khi buộc phải dừng chân và cam tâm làm người dưng ngóng chờ người đã đi khuất từ lâu một lần quay lại. Đợi chờ một điều vốn dĩ chẳng biết có thành hay không, đợi chờ một người vốn dĩ chẳng biết có dành cho mình hay không? Lẽ bất thường này, đời thấy được bao?

Cứ tưởng vì một ai đó, mình có thể làm bất kỳ điều gì, chỉ cần đổi lại, xin người đừng đi. Nhưng hóa ra, thứ duy nhất mình có thể cầu xin là xin với chính mình, rằng thương mình một chút đi, có được không? Người đã “không yêu” thì mình có làm trăm chuyện, có níu kéo kỳ kèo, cũng không thể thay đổi được quyết định của một-người-không-phải-mình. Chi bằng, tự thay đổi quyết định của bản thân. Rằng hãy “ngừng yêu”...
 
Mùa Thu giấu thương


Nỗi nhớ giờ có nghĩa gì đâu, khi chúng ta

đã tự lỗi hẹn với chính mình.

Sài Gòn. Mùa Thu. Và hoa sữa.

Thiết nghĩ ba thứ ấy đặt cạnh nhau sẽ vô chừng trớt quớt, bởi thành phố nhiệt đới quanh năm chỉ có hai mùa mưa - nắng thì tiết Thu ở đâu, hoa sữa chỗ nào?

Nhưng sự thật là Sài Gòn vẫn có mùa Thu. Đó là khi sáng sớm nắng chiếu lóa mắt nhưng chiều về lại dịu dàng trải vàng mọi cung đường. Thậm chí, trời đang nắng ráo bỗng phơn phớt đổ mưa, chỉ kịp làm ướt áo xong lập tức hiu hiu gió hong khô.

Thế nên tình yêu của hai đứa cũng thất thường một cách rất dễ thương. Mới vừa đan tay bước qua phố nắng, đôi bóng trải dài trên mặt đường khắng khít, thì ngay tức khắc giận hờn vu vơ, em quay đi cho anh ở lại với cơn mưa ập xuống.

Cứ mỗi lần em trách buồn như thế, anh sẽ lại nhỏ nhẹ đứng đợi trước hiên nhà kèm theo tin nhắn dụ dỗ: “Xuống nhà đi, anh chở em đi dạo Hà Nội phố”.

Dĩ nhiên, chiếc xe máy cùn của anh chẳng thể đi được quãng đường 1.735km trong đêm để ra thủ đô mà dỗ ngọt cho em chịu làm lành. Nhưng cũng mừng là Sài Gòn vào Thu sẽ có những góc phố mang hương thơm nồng rất đặc trưng của đất kinh kỳ - hương hoa sữa.

Ngồi sau lưng anh, ánh mắt em rạng rỡ hơn cả sao Hôm trên trời đang ganh tỵ nhìn hai đứa. Những cánh hoa sữa nép mình trên những ngọn cây cao tít tỏa ra mùi hương dịu dặt trong đêm, ướp thơm cả khu phố đang yên giấc. Giận hờn bỗng chốc theo gió quyện vào hương hoa và trở thành những cảm xúc ngọt ngào đong đưa giữa không gian trong vắt. Em tựa cằm trên vai anh, lí lắc bảo: “Anh chàng lắm trò, hái hoa sữa cho em đi...”.

Chiều lòng cô nàng dỗi hờn, anh cũng loay hoay đeo lên nhánh cây, với tay kéo xuống một chùm hoa li ti những nụ xanh xanh phớt trắng. Như những ngôi sao tí hon rớt vào tay bé nhỏ, hoa sữa phảng phất sắc xanh dịu dàng tỏa sáng như ngọc lục bảo ướm trên mình em. Nhưng chưa kịp lãng mạn thì hai đứa đã liên tù tì hắt xì và xây xẩm đến choáng váng bởi mùi hương gắt gỏng đến khó chịu ở cự ly gần của loài hoa này. Anh lắc đầu: “Có những thứ chỉ thơm và đẹp khi ở đâu đó đằng xa, chứ đến gần thì tá hỏa, em thấy chưa?”.

Em lại cau mày: “Vậy còn em, ở gần hay ở xa, thì mới đẹp lòng anh?”
...
Câu hỏi xưa lại vang lên trong trí nhớ khi anh đi giữa hàng hoa sữa của mùa Thu, một mình. Bất giác tự thấy, dường như tình yêu cũng như hoa sữa vậy? Khi còn trên cao, khuất xa tầm với thì mùi hương thanh mát ngọt lành, đến gần trong tay thì hắc nồng, khó thở. Tình nhân còn gần thì cứ dỗi hờn trách giận, đến lúc xa rồi thì mới biết có thiết tha đến mấy cũng chỉ như gió thoảng trên hoa. Tuyệt nhiên khi đi qua, chỉ để lại mùi hương gợi nhắc, chứ kẻ ở lại chẳng cầm nắm được gì. Nguyễn Du viết“Hương gây mùi nhớ...” từ thuở Kim Kiều tương tư thương dõi theo nhau suốt mười mấy năm đoạn trường. Đến tận bây giờ, đố sai vào đâu được, bởi mùi hương là thứ gợi nhắc đầy ám ảnh và dai dẳng. Có điều, chúng ta chẳng thể giống tiền nhân, thành ra giữa vô chừng “mùi nhớ - hương quên” của đời thường xáo động, mình lạc nhau và nhạt nhau lúc nào...

Hẹn nhau đi đầu non cuối bể, cuối cùng rời tay, quay lưng, lánh mặt vì những chuyện vụn vặt không đâu. Chẳng dám buồn vì yêu thương đã lỗi hẹn, chỉ thấy tiếc mỗi khi nhìn về một cuộc tình nhiêu khê mà đi hoài vẫn không bước qua hết sự si mê mù quáng. Muốn thở dài bằng tất cả ôxy còn lại trong cơ thể và hét lên rằng: “Trời ơi, anh nhớ em!”. Mà nỗi nhớ giờ có nghĩa gì đâu, khi chúng ta đã tự lỗi hẹn với chính mình?

Nỗi nhớ nhau mang hình dáng thế nào? Nói đi, để anh biết đường tìm nó đặng trùm bao bố thả trôi sông, chứ không anh cứ ngơ ngẩn lông nhông thế này. Nó đúng là thứ lẩn thẩn nhất trên đời mà chúng ta từng phải đối diện, cứ dùng dằng chẳng muốn ở, cũng chẳng màng dời chân, cứ phân vân lưng chừng một cách nhởn nhơ chậm rãi đến khó chịu.

Nhớ...

là khi cúp máy sau những phút thừa thãi lặng im, em ngơ ngác nhìn quanh căn phòng đầy những hoài niệm. Nhìn đâu đâu cũng thấy bờ vai ấy, tấm lưng đầy, lúc anh đi.

là khi chán chường chạy qua khắp những ngả đường quen thuộc, anh mơ hồ chẳng biết chốn dừng chân. Nghe đâu đâu cũng vang giọng nói ấy, nụ cười quen, mùi tóc thơm dịu dặt của em.

Ký ức là thứ gây nghiện, mà anh làm sao cai dứt khi mùi hoa cứ quanh quất đâu đây mỗi độ tháng Mười. Cho nên mùa Thu cứ về để nhắc nhớ những thứ vốn dĩ chưa từng đổi thay. Chỉ có hai đứa trẻ yêu nhau đã tỉnh giấc ngủ trưa chóng vánh để nhận ra tình yêu là một cơn say nắng dài ngày. Rồi cũng phải thức dậy. Rồi cũng phải tàn phai, như màu hoa cũng đến chừng nhạt sắc, chỉ còn lại chập chờn hương nhớ trên phố tỏa đầy.

Thế nên anh vẫn cứ đi về trên con đường quen cũ mỗi mùa Thu. Không phải để nhìn hoa nhớ người, mà để được hít thở trở lại cái không khí hao hao kỷ niệm. Bởi sợ lắm đến một ngày khi mùa Thu không còn hương hoa nữa, nỗi nhớ vì thế cũng tàn như nến tắt, là tự khắc đến khi gặp lại, anh và em chẳng thiết một câu chào. Đến lúc nỗi nhớ không còn thì người thương - người quen - người dưng - người lạ chung quy cũng chỉ là một.

Khi em nói chúng mình sắp lạc nhau
anh biết bàn tay không còn nắm đủ chặt.
Khi em nói chúng mình sắp lạ nhau
anh thấy con đường rẽ về hai bước ngoặt
Khi em nói sắp rồi... kể cả yêu thương cũng cần có hạn định
anh ngoái lại trăm lần cũng không thấy được nữa bình minh...
 
Những ngọt ngào nhân tạo

Chúng ta vẫn phải sống tiếp - và sống tốt

- mặc cho bao nhiêu bầu trời đã phải

nằm lại phía sau lưng.
Có một tội ác gọi là sự “quan tâm ban phát”!

Như là vào lúc ai đó đang nhạt lòng hụt hẫng nhất, bạn mang đến viên kẹo dúi vào tay họ. Rồi khi người ta vừa ngậm tan những ngọt ngào thì bạn bình thản bảo: “Tôi chẳng quan tâm bạn buồn hay vui, bạn cần hay không cần viên kẹo ấy. Chỉ là với ai, tôi cũng đều sẵn lòng rộng lượng như vậy!”.

Trời ơi, tình thương đâu phải là thứ bố thí để người mang đi ban phát khắp nơi như Mị Châu rải lông ngỗng tìm chồng trên đường chạy nạn. Ít ra, ngày xưa chỉ có một Trọng Thủy để lần theo vết dấu, còn thời nay, người thèm kẹo nhiều như thể trong lễ Halloween “cho kẹo hay bị ghẹo” [Treat or Trick]. Biết mình là gì giữa bộn bề đời nhau? Biết thứ ngọt ngào mà người mang đến là chắt chiu thật thà hay chỉ hao hao như trăm ngàn phẩm màu pha đường hóa học được sản xuất hàng loạt trên băng chuyền?

Mà thật ra, nên tự trách bản thân ngay từ đầu đã quá cả nghĩ. Chỉ là chút ngọt ngào chóng nhạt thôi, suy diễn làm gì để lầm tưởng mình được yêu thương. Bài học cho những tình cảm đơn phương là đừng bao giờ ngộ nhận bất cứ hành động lịch thiệp giao đãi nào rồi tự khuếch tán mơ mộng nó thành điều kỳ vĩ lớn lao rồi lâm ly cảm động muốn khóc. Bởi ngay khi vị ngọt vừa tan trên đầu lưỡi, bạn nhìn quanh sẽ thấy cũng hành động ấy, cũng sự quan tâm ấy, người ta đang dành cho nhiều người khác nữa sau mình. Kẹo ngọt, bánh ngọt, lời ngon ý ngọt... dường như đã là bản năng ban phát đồng đều của “kẻ ác” kia rồi!

Chỉ có mỗi bạn, kể từ đó, ăn viên kẹo nào, cũng thấy đắng chát như nhau!

Nhưng, chúng ta vẫn phải sống tiếp - và sống tốt - mặc cho bao viên kẹo ngọt đắng trong lòng và mặc cho bao nhiêu bầu trời đã phải nằm lại phía sau lưng. Phía trước mặt chỉ còn những mông lung và chẳng biết có ai sẽ đi cùng.
 
281211

Rồi đèn xanh đèn đỏ

Rồi kẻ bỏ kẻ đi

Cho ngày thứ 365 trọn vẹn của chẵn một năm dài “yêu phải người dưng”. Đã không thể đi đến cùng với nhau thì ít ra, nhói nhớ và hẫng đau, tự mình phải trải qua cho đủ đầy đến cuối - dù chỉ một mình.

Nhiều năm về sau nữa, chắc ta vẫn chưa thể quên nụ hôn vội của một tối chếnh choáng say. Nhiều năm về sau nữa, chắc người vẫn sẽ còn tự hỏi, sao ta lại có thể yêu một ký ức lâu đến như vậy? Bởi dẫu chỉ là thoáng qua, nhưng cảm xúc khi ấy lại là đủ đầy nhất trong tất cả các mối quan hệ hao hao tình yêu mà ta tưởng mình từng có. Thế nên, 281211, sẽ luôn là một ký ức ta dành riêng cho duy nhất người. Cho đến ngày nhắm mắt, vẫn không thể bắt quên...

Biết người còn thở dài?
Khi nhắc lại về nhau.

Giả vờ chẳng thấy đau
Nắm tay nhau lần nữa
Tiễn người về, khép cửa
Khép chặt lời: “Đừng đi...!”

Giả vờ chẳng hoài nghi
Biết ngày mai còn gặp?
Biết tình cờ chạm mặt,
Có giấu nổi rưng rưng?

Giả vờ là người dưng
Vài lần bước chung phố
Rồi đèn xanh đèn đỏ
Rồi kẻ bỏ kẻ đi

Giả vờ nhấp cạn ly
Uống cho đầy ngày cũ
Nụ hôn chưa tỉnh rượu
Sao biết mình đúng - sai?

Giả vờ chẳng đổi thay
Người nán lại đôi lúc
Để nghe nơi lồng ngực
Chẳng giả vờ nhói đâu...
Giả vờ chẳng thấy đau
Buông tay cho nhau bước
Để ngày yêu phía trước
Chỉ còn giả vờ thôi!

Giá mà có thể giả vờ
như chưa từng thương yêu đến kiệt cùng
một người-rất-xứng-đáng
nhưng lại không thể đường-hoàng
chính-đáng yêu mình!
 
Có không, một ai đó giống anh?

Cho dù những ngày đã qua có đôi phần

đắng cay và hối tiếc thì anh ấy vẫn luôn là

một người quan trọng nhất trong cuộc đời

của tôi.

Khi viết Someone Like You, tôi cảm

thấy có chút hụt hẫng và cô đơn... Tôi tưởng tượng

đến khi mình khoảng 40 tuổi, tìm lại

người yêu cũ một lần nữa chỉ để biết rằng

anh ấy đã an cư với một người vợ đẹp cùng

những đứa con ngoan và hoàn toàn

hạnh phúc. Còn tôi, vẫn một mình...

[Adele][1]​


[1] Adele - Nữ ca sĩ người Anh đã đoạt được 6 giải Grammy vào năm 2012, trong đó có giải Màn trình diễn đơn ca nhạc Pop xuất sắc nhất cho ca khúc Someone Like You (Một ai đó giống anh).


Thật sự em đâu có gì đáng để anh yêu...

Em luôn bảo mình như thế, khi nhìn anh bên cạnh người ấy!

Còn anh, chỉ khẽ lắc đầu: Rồi sẽ có một người biết trân trọng em hơn anh...

Mà thật ra, nghĩ lại, anh tự thấy câu nói đó cũng là một lời biện hộ hồ đồ.

Làm sao tìm được một ai đó giống anh, huống hồ là hơn anh? Không phải bởi anh tâm cao khí ngạo, mà bởi vì tự em đã ràng buộc chính mình trong cái thước đo duy nhất chỉ có anh làm đỉnh điểm. Loay hoay trong vòng tròn cảm xúc lấy anh làm tâm, nên 360 độ xoay mòng, lúc nào em cũng thấy chỉ mỗi riêng anh.

Có lần, cô bạn em bảo, dù không còn chút tình cảm nào với người yêu cũ, nhưng vẫn thỉnh thoảng vào facebook người ta để biết họ đang sống, đang yêu thế nào. Ngạc nhiên hơn cả là cô ấy luôn thấy hả dạ khi những tình yêu sau này của anh ta chẳng ai hơn mình và bản thân vẫn kiêu hãnh “anh đào ở đâu ra người tốt hơn em?”.

Em chưng hửng hỏi lại, vậy còn thấy người yêu mới của họ đẹp hơn, giỏi hơn mình rất nhiều, và hiểu được hiển nhiên tại sao người ta chọn người ấy chứ không phải mình, thì là cớ làm sao?

Bạn em trố mắt: Sao phi lý vậy? Không thể thất bại vậy được? Phải thấy mình luôn hơn mọi mặt chứ?

Em chỉ cười trừ.

Có lẽ bản thân luôn là người thất bại như thế.

Lần nào em cũng tự thấy thương hại bản thân, mỗi khi cố chấp vào facebook của anh và nhìn cuộc sống đủ đầy yêu thương của hai người đang tay trong tay. Còn em, chỉ đứng ngoài. Có thành công kiêu hãnh cách mấy chăng nữa, được bao người yêu chiều đến đâu chăng nữa, thì đứng trước anh, em chỉ luôn là đứa trẻ vụng về và trắng tay, không thể giữ lại nổi người thương duy nhất của mình.

Hồi lần đầu biết yêu, lúc phát hiện người yêu có niềm vui mới, em chỉ biết mở Google Earth, tra địa chỉ “tình địch” để hiện ra khung cảnh... mái nhà của người ấy chụp qua vệ tinh, xong... đập đầu vào màn hình máy tính kiểu như ghen ăn tức ở.
Ôi, thời trẻ con là thế.

Còn bây giờ, với anh - một cuộc tình chắc chắn không vụng về như lần đầu tiên, nhưng không đủ chín chắn để kiên tâm làm người cuối cùng - em đối diện với sự thất bại cũng không trưởng thành hơn là bao.

Mà quả thật, em biết đối diện thế nào với một sự thật không thể thay khác ấy?

Đẹp - xấu, giỏi - dở khiến mình thua thiệt, ừ thì có thể do hệ quy chiếu khác nhau, đối sánh khác nhau, mắt nhìn khác nhau. Nhưng tình mình thua thiệt, lòng mình chẳng được người ta thấu hiểu, thì đâu thể đổ thừa vô bất cứ điều gì để bớt tủi thân?

Thế nên chấp nhận mình chẳng là gì so với người ấy, biết đâu nhờ vậy sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và cam tâm bỏ cuộc? Bởi vì đâu ai dư thừa cố chấp để kiên trì trên đường đua mà đối thủ đã chạm đích trước lúc mình kịp nghe phát súng khởi hành. Chưa kể, vừa miệt mài chạy đuổi theo, vừa thấy từ xa người ta đã giành vòng nguyệt quế bên vòng tay ôm chúc tụng, hẳn kẻ đang một mình sẽ chạnh lòng chùn chân lắm...

Đành tự dừng lại và rẽ sang đoạn đường khác một mình, an ủi rằng sẽ có một ai đó giống anh chờ em ở cuối hành trình. Ở nơi đó, em không cần tự ti buộc bản thân dừng lại, em không cần cạnh tranh hơn thua với bất kỳ ai, có được không?

Anh từng viết tới viết lui cho em bức thư chỉ vỏn vẹn vài dòng mà hoài chẳng thành câu, trước khi rời đi về khoảng trời khác. Nhưng rồi lại chẳng gửi. Những dòng chữ ấy, chắc giờ đã nhạt mực và lem nhem trong xó xỉnh nào đó phủ bụi thời gian, biết có còn thấy lời nhắn nhủ: “Vì anh, em hãy tự mình sống tốt”. Rồi chợt hiểu ra, nếu vẫn còn vì anh, nghĩa là em vẫn luôn nghĩ cho anh, vẫn xoay quanh tuổi trẻ giữa vòng tròn hướng tâm tới anh. Lòng vòng mãi trong long đong vậy rồi làm sao sống tốt? Nghĩ vậy, anh vo tròn những dặn dò thừa thãi, thở dài và bảo với bản thân: “Phải vì mình mà hạnh phúc, phải vì mình mà ngừng tổn thương. Chỉ có chính bản thân mới có thể tự căn dặn thức tỉnh mình”.

Anh đành chọn cách im lặng và dửng dưng vừa đủ để em phải chạnh lòng mà quên, còn mình vừa đủ chập chờn mà nhớ, về một người-dưng-lưng-chừng, về một ngày-xưa-lưng-chừng.

Em này, em có nhớ anh từng hỏi, mấy năm trời đã bao giờ em hối hận vì ngày đó gặp anh và trượt dài trong thứ tình cảm bất thành này? Câu trả lời luôn là “chưa từng”. Em bảo nếu thời gian có quay trở lại, em vẫn sẽ đặt tay mình vào tay anh. Bàn tay đã dìu em đi hết những tháng ngày mong manh nhất của tuổi trẻ, dẫu chỉ là đi đến những mông lung. Mà có là gì, kết cục ra sao đôi khi không quan trọng bằng con đường dẫn đến đó thế nào, bởi khi nhìn lại, quãng thời gian ấy thực sự không hề uổng phí. Em đã yêu, đã giận, đã chờ đợi, đã buông xuôi, đã đi tới tận cùng đau khổ, đã lên đến tột đỉnh hân hoan. Dĩ nhiên ai trong chúng ta cũng đều mong một kết cục viên mãn, nhưng chẳng phải có những thứ đã mất đi hình hài, vẫn còn lại trong lòng thứ cảm giác xứng đáng để nhớ hoài, đau mãi đó sao?

Có điều, em đừng khư khư buộc ràng mình trong quá khứ và lầm lẫn giữa “chuyện cũ” và “tình yêu”. Đến một ngày khi em đã bước đủ xa để có thể quay lại nhìn phía sau và điềm nhiên gọi nó bằng cái tên “Cũ”, em sẽ nhận ra cảm giác xốn xang đó không còn là yêu thương hay ảo tưởng thiết tha gì nữa. Nó đơn giản chỉ là phía sau lưng, và anh, đơn giản chỉ là một ai đó đã từng. Nó khác xa tình yêu mà em sẽ có, và anh, cũng khác xa một ai đó trong tương lai mà em gọi bằng hai tiếng “gia đình”.

Vậy nên, đừng kiếm tìm một ai đó giống anh, đừng quẩn quanh trong vòng tròn ngộ nhận. Em có thấy ngoài kia, cũng vì ngộ nhận mà biết bao người đi kiếm tìm một-nửa vẫn cứ va vào nhau hụt hẫng. Chúng ta đã từng sai và biết rằng cả hai chẳng vừa vặn để kết tròn đôi, vậy sao lại cứ phải tìm một người giống cũ, để tiếp tục thêm một lần tổn thương?

Vì anh là anh, không ai thay thế được cả.

Vì em là em, sẽ còn cố chấp đến thiết tha.

Nhưng vì chúng ta không ai có thể sống giùm cho phần đời của người khác! Đành tự vì mình, nhất định bản thân phải-thật-hạnh-phúc!
 
Ta chỉ có tấm lòng
Ở lại đi...Ta chẳng có gì

Ngoài một-cuộc-đời sống với cố chấp

chẳng biết để làm chi?
Mệt lắm rồi, dẹp hết đi!

Muốn hét thật to câu này, trong suốt những tháng ngày mà tôi còn yêu thương lẫn tổn thương từ người.

Ấy vậy mà cũng nhờ có chữ “thương” cản lại nên tôi chỉ dám manh động trong suy nghĩ, chứ hành động thì vẫn còn thiết tha níu kéo nhiều lắm.

Giá mà có thể tàn nhẫn với một nỗi yêu thương đã từng có, đến-tận-cùng.

Để có thể hả lòng hả dạ mà quay lưng nhẹ nhàng, trút được cảm giác nặng chì nơi cổ họng, tức lắm nhưng vẫn nín nhịn, ghen lắm nhưng vẫn lặng thinh.

Đơn giản vì mình có là gì trong cuộc sống của nhau đâu mà đòi hỏi quyền hạn được trách cứ hay ghen hờn?

Tuổi trẻ là vậy sao? Cứ lao vào những mối quan hệ không thể gọi thành tên, người yêu thì chẳng phải, người dưng cũng chẳng đành. Biết là khi mình cần, họ sẽ luôn có mặt, và ngược lại, khi họ buồn, thì nước mắt mình tự động rơi xuống. Biết là thân gần như thế, mà chẳng thể trở thành một thứ tình cảm có thể định hình. Là cớ vì sao?

Là vì thiếu và vì thừa!

Ta thiếu tất cả, chỉ có một tấm lòng cho người!

Người thừa mứa lựa chọn, chỉ thiếu sự quyết đoán để yêu thương.

Người vẫn cứ kiếm tìm một ai đó thật sự đủ đầy cho khái niệm hạnh phúc, mà ta thì chỉ là một trong số những lựa chọn chẳng thể vừa vặn. Có điều, càng đi kiếm tìm, càng thấy cô đơn. Càng nhiều lựa chọn, càng chẳng thể có được một hạnh phúc vẹn tròn.
Lòng người vẫn đi lạc nơi đâu, để lòng ta long đong thế này?

Và người biết không? Ta có thể làm một người ở lại chung tình, nhưng chẳng đủ cao thượng để làm người đơn phương đi yêu chung một tình yêu san sẻ cho quá nhiều chọn lựa.

Thật ra đời chẳng giống trong thơ nhạc
Mình chẳng vui khi ai đó mỉm cười
Mà ngược lại, thấy người bên kẻ khác
Là trong lòng như xác pháo đang rơi.

Chữ cao thượng, cao tít tắp trên trời
Mình chẳng phải thiên thần để với tới
Thôi đành làm kẻ phàm nhân tội lỗi
Đi ghen hờn với những kẻ có đôi!

Mặc kệ đời gièm pha mình nhỏ mọn
Chứ nhất quyết không ưa nổi “kẻ thù”
Bỏ bùa mê thuốc lú để giành trọn
trái tim người về làm của riêng tư.

Mà thật ra nếu tay đôi quyết đấu?
Mình cũng có đời nào thắng nổi đâu
Người ta đẹp, giỏi giang... Mình thì xấu!
Trứng vịt muối đòi chọi với trân châu?!

Tủi thân vậy mà sao vẫn cứng đầu
Cứ đi thương người yêu của kẻ khác
Để lầm lũi cả cuộc đời ngơ ngác
Ngó nắng chiều mà cứ tưởng rạng đông!

“Ở lại đi, ta chỉ có tấm lòng...”
Người hỏi lại: “Vậy có ăn được không?”
Còn kẻ ấy có bánh với hoa hồng
Thôi thua rồi, đành bỏ cuộc cho xong!

Ở lại đi... Ta chẳng có gì
Ngoài một-cuộc-đời sống với cố chấp chẳng
biết để làm chi?
 
Khác lắm rồi, tháng 5 ơi!

Có những ngày không biết mình thuộc về

ai, thuộc về chốn nào. Và mọi con đường,

dù có kiên trì lẫn cam chịu bước đi, thì chỉ

dẫn về với một ngã cụt duy nhất mang tên bỏ cuộc.

Tan chiều. Tan sở. Tan tầm. Tháng 5.

Những đám mây xám tan thành mưa đầu mùa bê bết. Những đám đông tan hòa vào dòng người chộn rộn. Tự thấy mình cũng tan như viên đá loãng vào ly trà váng mỡ trong quán ăn xập xệ dưới chân cầu mà bản thân vừa ghé đại để nuốt trôi nỗi cô đơn. Bữa tối nhanh gọn, miếng ăn rẻ bèo đến thế mà nuốt sao cũng không trôi hết cắn đắng sượng ngắt trong vòm họng.

Rốt cục thì cũng sẽ có những ngày không biết mình thuộc về ai, thuộc về chốn nào. Và mọi con đường, dù có kiên trì lẫn cam chịu bước đi, thì chỉ dẫn về với một ngã cụt duy nhất mang tên bỏ cuộc.

Mọi thứ tan và tàn hết rồi, chỉ còn mỗi ảo ảnh viển vông trong lòng là vẫn cứ chấp nhất không chịu buông xuôi và bốc hơi đi mất, là cớ vì sao?

Là vì vẫn chưa cam tâm khi không biết được câu trả lời cho một điều đã cũ.

Là vì, chỉ đến khi biết được sự thật cuối cùng, những suy diễn và hy vọng trong chúng ta mới có thể nhẹ nhõm từ bỏ. Chứ sống mãi trong cái cảm giác luôn tự lục vấn bản thân và người khác về những điều đã qua, quả tình là mệt mỏi và lay lắt lắm.
Sài Gòn những ngày này, Mặt trời tương tư Trái đất nên cứ tìm cớ [thậm chí vô cớ] đi ngang rồi vồ vập áp sát nhau. Tình yêu trái ngang, tréo ngoe của hai bạn báo hại thành ra có biết bao nóng nảy, bực bội được hun nóng tiếp lửa để bừng bừng thành những cơn giận cầu kỳ. Những kẻ yêu nhau cãi vã bởi vô chừng chuyện phi lý, những kẻ một mình cũng suy nghĩ đâu đâu rồi tự tan chảy thành mặt hồ loang nước sùng sục sôi. Rốt cục nhìn quanh, cả thành phố tám triệu người, chẳng có nổi một người lành lặn về thân nhiệt lẫn tâm nhiệt. Không tin cứ thử chạm gần bất kỳ ai bên cạnh, bỏng tay chứ chẳng chơi! Mà nếu không bỏng tay thì cũng sẽ bỏng tim hoặc bỏng lòng bởi sự lỏng bỏng của cảm xúc khi trời vào tháng 5.

Những ngày như vậy, tự dưng muốn bốc hơi thành nước lên trời, rơi lạc vào ô kính xe ai đó ngang qua giữa đời, ngồi hát nghêu ngao: Có hạt mưa nào đọng lại trên kính cửa, buồn như em và ngơ ngác như em, khi ngoài kia đã không còn tôi nữa...

Tháng 5, đến cả những kẻ lạnh lòng nhất cũng thấy nhịp tim trở mình nóng hổi và lấm tấm trên ký ức là những giọt mồ hôi mất mát. Mà này, liệu em có trở lại để nắm lấy tay nhau sau bao lỗi lầm, nếu tôi bảo bây giờ tôi khác lắm?
 
Thất tịch và câu chuyện
về người yêu gạch đầu dòng

Chúng ta mãi chỉ là phàm phu tục tử, rất đỗi

trần gian và rất dễ phai tàn cảm xúc.

Cứ mưa là lại thích trốn việc, vùi mình đâu đó ở một góc quán xanh, nhìn nước trên đầu rớt róc rách qua vai.

Thấy lòng trong veo!

Mà Thất tịch năm nay, mưa ngộ ghê nơi! Ngày Ngưu lang - Chức nữ tương ngộ sau một năm xa cách theo truyền thuyết kể lại, lý ra phải ủ ê mưa suốt. Đằng này, phía kia đường vừa mưa như trút nước còn phía này đường lại khô hanh như thể giữa tháng Ba trời hạn.

Thế là ngồi trong quán nước nhìn ra khoảng trời nửa nắng - nửa mưa, tự hỏi: Phải chăng sau 365 ngày không gặp, tình cảm đã lợt nhạt, nên ngày trùng phùng 7/7 năm nay, chàng Ngưu nàng Chức cười không đặng, khóc không xong, thành ra mưa nắng rất chi là thất thường xen lẫn.

Ừ thì, trần gian cũng có lắm mối tình thất thường mưa nắng - yêu chẳng tới nơi, lạ cũng chưa hẳn.

Cứ tạm gọi đó là những “người yêu gạch đầu dòng” - như kiểu bạn bè tôi hay định nghĩa về những người yêu của họ.

Tại sao lại gọi là “người yêu gạch đầu dòng”?

Vì nếu bạn tự liệt kê điều kiện cần & đủ của một người yêu, gạch đầu dòng thứ nhất - đẹp trai, gạch đầu dòng thứ hai - tài hoa, gạch đầu dòng thứ ba - chung thủy... chẳng hạn, thì khi kiếm được một ai đó đầy đủ những tiêu chí như vậy, coi như họ đúng chuẩn trở thành “người yêu gạch đầu dòng”. Nghĩa là bất kỳ yêu cầu gì, họ cũng đáp ứng được cả. Chỉ có một điều duy nhất mà không một gạch đầu dòng nào có thể thay thế được. Là cảm xúc trong tim.

Khi mà trong lòng bạn vẫn chưa thể gạch bỏ tên người cũ, gạch bỏ những cảm xúc cũ, gạch bỏ những tôn thờ riêng dành cho một thứ kỷ niệm cũ, thì cho dù có bao nhiêu người chân thành lý tưởng xuất hiện, họ cũng chỉ là những “người yêu gạch đầu dòng”. Họ sẵn sàng làm cho bạn đủ mọi điều của những kẻ đang yêu, và bạn, hẳn cũng thấy lòng vui nhẹ khi tay đan tay trên phố hẹn hò.

Có điều, thứ mà họ mang đến chỉ là những gạch đầu dòng, như đói thì cùng đi ăn, buồn thì cùng xem hát, chán thì cùng du lịch - những điều mà A làm được thì B cũng làm được, và hết thảy cái thành phố tám triệu dân này, nếu ai đáp ứng được cái tiêu chuẩn đề ra của bạn, đều có thể làm được.

Bạn cần nhiều hơn là những gạch đầu dòng - mặc dù xét cho cùng, đề ra yêu cầu, vẽ ra hình mẫu lý tưởng thế nào đều do bạn kiến tạo.

Nhưng cái bạn cần hơn cả, cái khiến bạn có thể gạch một dòng chữ ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn, thì dĩ nhiên, không thể là một người yêu gạch đầu dòng.

Vậy mà, không chỉ bạn bè tôi, đầy rẫy ngoài kia vẫn đang có nhiều lắm những cặp tình nhân gạch đầu dòng. Yêu cho qua ngày, cặp kè cho có tụ. Thấy người này hội tụ đủ những điều mình cần cho một mối quan hệ thì... cứ yêu. Rồi nếu thấy một vài người khác nữa cũng có những chỉ tiêu vừa khít với những gạch đầu dòng mình đề ra, thì lại... yêu tiếp. Cứ thế, họ đi yêu những gạch đầu dòng - chứ không phải yêu một tấm lòng... Và trong chính trái tim của họ, vẫn có một thứ chưa bao giờ được gạch xóa khỏi tiềm thức - là bóng hình một người cũ xưa.

Thế nên, trên trời thì vẫn cứ mưa ngâu, Ngưu - Chức thì vẫn cứ trùng phùng mỗi năm một lần dù chẳng biết trong lòng còn yêu? Còn dưới trần, người ta cứ gặp nhau yêu nhau theo kiểu gạch đầu dòng, dù một năm sau gặp lại, chưa chắc nhớ vì sao mình từng yêu người đó? Bởi vì, đã là những yêu cầu gạch hàng sắp xếp, thì sẽ luân phiên thay đổi theo ý muốn, nhu cầu mỗi ngày. Cho nên yêu theo kiểu gạch đầu dòng thì còn lâu mới tìm được đâu mới đúng là chân tình.

Đó là lý do vì sao Ngưu - Chức chỉ có trong truyền thuyết, còn chúng ta mãi chỉ là phàm phu tục tử, rất đỗi trần gian và rất dễ phai tàn cảm xúc!
 
Hay là đi tu?

Cửa chùa đâu phải giỡn chơi.

Hễ ai “bồ đá” cũng đòi vô đây?


Hay là mình bỏ đi tu?
Nụ hôn bỏ xuống ao tù thành sen.
Vui buồn thương nhớ hờn ghen
Thả trôi theo nước để quên cho rồi.
Duyên mình không thể thành đôi
Thì thôi khoác áo nâu ngồi tụng kinh.
Tụng sao vang đến Thiên đình!
Phật Trời nghe thấy phải nhìn xuống coi.
Rằng sao có kẻ đôi mươi,
Lại mang thân gửi vào nơi cửa Thiền?
Mình đáp trả rất ngoan hiền:
“Tại ông tất cả để phiền cho tui.
Tơ hồng sao cứ rối nùi?
Yêu nhầm tình phụ chẳng vui chỉ buồn.
Nên đành niệm Phật nghe chuông.
Khép lòng mặc kệ mưa tuôn bên ngoài...”
Trời bèn bảo: Chớ thở dài!
Tại ngươi cố chấp chọn sai cơ mà?
Yêu... ngu rồi đổ thừa ta.
Duyên do Trời định, tình là do ngươi.
Cửa chùa đâu phải giỡn chơi.
Hễ ai “bồ đá” cũng đòi vô đây?
Ta đâu có bắt chia tay.
Mà sao toàn đổ lỗi ngay: Ông Trời?!
 
Những nhớ nhung rồi có nghĩa gì không?
Chúng ta đâu còn gì chung ngoài những năm tháng cũ.
“Ôi miền giáo đường, ngày Chủ nhật buồn.
Còn ai còn ai?...” [1]

[1] Tuổi đá buồn - Trịnh Công Sơn

Cứ đến nhà thờ, là nhớ nhau.

Cứ đến mùa Vọng, là tự khắc kỷ niệm dù đã hư hao cỡ nào, vẫn trở lại nguyên lành, nhắc nhớ trong lòng như chưa từng có bất kỳ tổn thương.

Nó vẫn còn nhớ cái cảm giác đứng chơ vơ giữa sân giáo đường, dưới tán cây Jacaranda xác xơ cuối mùa, khi những cánh hoa tím đã rụng gần hết dưới chân. Nó, muôn đời vẫn là kẻ phân vân, đi không nỡ, ở không xong, cứ quanh quẩn nhìn xuống gót đang vương đầy sắc tím của một sự níu kéo muộn màng. Bởi hoa Jacaranda một khi đã lìa cành là lập tức rã cánh tàn nhanh, có mang ép vào tay cũng chỉ đổi lại sự nhàu nhĩ, chắp vá bất thành. Cúi xuống đã thế, nhìn lên cũng chẳng thấy lòng lành. Những tán cây xiên vẹo như vẽ lên nền trời khuôn nhạc dở dang và nặng trĩu bởi loài thiên di trú tạm đang nương mình trên ấy tạc thành hình những nốt nhạc. Một bản giao hưởng có phần gượng gạo về thanh âm và hình sắc, nhưng tiếng vọng vào lòng đủ xao xác và bế tắc mọi cảm quan.

Duy chỉ trên môi vẫn khẽ bật thành tiếng gọi tên người. Như một sự ngẫu nhiên vô thức.

Là thế đó người.

Nó luôn tự hỏi, rốt cục thì những nhớ nhung này có nghĩa gì không? Chính bản thân thừa hiểu nhớ một chuyện đã qua hệt như ép khô hoa đã rụng, hệt như đếm dấu chân chim băng ngang trời. Nghĩa là cố chấp cách mấy cũng chỉ giữ lại được xác hoa không hương không sắc, kiên tâm đến cùng thì họa hoằn ghi nhớ được tên vài loài thiên di, chứ chẳng thể giữ lại chúng đừng đi giữa bầu trời.

Tóm gọn nỗi nhớ, chỉ trong hai chữ hoài công!

Vậy mà bao mùa Vọng đã qua, bao giáo đường đã vào, nó vẫn chỉ cúi đầu xin với Chúa trên cao, rằng nỗi nhớ này, đừng bao giờ buộc nó phải quên đi. Bởi đã không giữ được người ở lại, không giữ được lòng mình trẻ mãi với yêu thương, thì ít ra, phải giữ được nỗi nhớ để nhắc nhở mình rằng, nó và người, đã có cùng chung những năm tháng đó! Ừ thì, chúng ta đâu còn gì chung ngoài những năm tháng cũ, nếu lỡ quên luôn cả điều ràng buộc hiếm hoi ấy giữa hai đứa, thì biết người còn nhận ra nó là ai - nếu có ngày gặp lại? Cho nên bất chấp tất cả sự hoài phí, nó vẫn ghi nhớ bằng hết ký ức để tự xác tín với chính mình rằng trong phần đời này, nó và người đã từng một lần được chung đường và chung một tiếng thương - bất kể là yêu thương hay tổn thương!

Và người biết không, dẫu buồn nhiều hơn vui, dẫu thương người hơn cả thương thân, thì những ngày-trẻ-đã-qua được ở bên người, vẫn là khoảng thanh xuân đúng nghĩa nhất chỉ đến một lần. Đời người chẳng thể lặp lại như tự nhiên luân phiên xoay vòng trở lại sau mỗi 12 tháng. Cho nên, mùa Vọng thì vẫn cứ về đây, mà người thì đã xa đến vậy. Và ta dù còn thương nhiều cách mấy, cũng chỉ đành tự vỗ về mình bằng nỗi nhớ - thứ duy nhất chẳng bao giờ đổi thay.

Là thế đó người.

“Lời ru miệt mài. Ngàn năm - Ngàn năm...”
 
Tự thương lấy mình
Trong tình yêu, ngay từ đầu đã cho
cơ hội dư dả để mỗi người chúng ta lựa chọn.
Nhưng sau nhiều lần chọn đúng, vẫn sẽ có
một lần cam tâm tình nguyện sai.

Nó luôn thích đồ ngọt, mà chắc là người hiểu vì sao... Không phải vì nó hay tầm xàm bảo ráng ăn nhiều đường nhân tạo để tự ảo tưởng rằng đời mình vẫn không thiếu những ngọt ngào. Chỉ là mỗi khi thấy nó nghệch mặt ngồi xắn từng khoanh bánh hay vục mặt trong một nùi kem béo trắng xốp như bông, người sẽ hiểu ngay và hỏi rằng: “Lại buồn bã gì đúng không?”

Ừ thì, bây giờ nó đang buồn đây!

Buồn vì quán quen đã không còn bán nữa bánh táo nó thích. Buồn thêm là sang quán mới nếm thử món chessecake nhìn ngon và ưng mắt quá chừng, nhưng thật ra ăn dở tệ và ngấy thấy ghê luôn!

Buồn vì bánh cheesecake, như cách người vẫn phiên âm và gọi đùa, vẫn mãi là bánh “chia cách”. Sự ngọt ngào ấy không thể níu gần khoảng cách ngày càng xa hút mắt của hai đứa, càng không thể làm dịu lòng lẫn cổ họng đang khô đắng chẳng rõ nguyên do.

Và buồn nhất là khi đã trốn tránh tất cả cảm xúc phiền hà giữa chúng ta, nó vẫn buộc phải nhận ra... Nó thương người!
Chẳng cần biết yêu thương này là đúng hay sai. Chỉ vì từ lúc bắt đầu, nó đã chọn một con người không bao giờ có ý định dừng lại ở một nơi nào đủ lâu dài.

Mà thật ra trong tình yêu, ngay từ đầu đã cho cơ hội dư dả để mỗi người chúng ta lựa chọn. Nhưng sau nhiều lần chọn đúng, vẫn sẽ có một lần cam tâm tình nguyện sai. Thì có sao? Cứ chầm chậm bước tiếp trên con đường sai lạc ấy một cách kiên trì, đến khi nào không còn đủ niềm tin thì hẵng rời đi.

Mà thôi, chuyện đó giờ cũng không còn quan trọng nữa!

Này người, nó lại đi ăn bánh ngọt nữa đây. Một mình...

Góc quán đó luôn là lựa chọn đầu tiên khi nó cần một nơi yên tĩnh và đèm đẹp để nhìn ngày trôi đi. Ngay ngã tư của hai con đường một chiều giao nhau, đủ hiểu không bao giờ nơi này vắng tiếng còi xe hay ngơi chút bụi bặm. Có ai đó từng nói muốn thấy rõ nhất sự tất bật gấp gáp của nhịp sống đô thị, hãy cứ nhìn vào những con đường một chiều. Thế nên cái cảm giác ngồi trong cửa kính cách biệt nhìn ra dòng xe hối hả chóng vánh ngoài kia, thấy nhẹ lòng thảnh thơi hết sức. Thì thôi ai muốn mệt nhoài chạy theo những cuộc đuổi nhau bất tận ngoài đời, hãy cứ vững chân vững lòng tiếp tục. Còn nó, đứng lại nhìn theo - dù chẳng còn thấy gì ngoài khói bụi ngút mắt đằng xa...

Một người đi khuất cuối đường

Một người ở lại tự thương lấy mình...
 
Ai khổ nhất trong Những người khốn khổ?

Yêu một người là chấp nhận đánh đổi
tất cả để nhìn thấy họ cười vui, dù nụ cười ấy
chẳng phải dành cho mình.

Khi xem đi xem lại đến ba lần bộ phim nhạc kịch Les Misérables – Những người khốn khổ được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Victor Hugo, tôi đã nghĩ hoài về câu hỏi này.

Có người sẽ nghĩ ngay đến bà mẹ Fantine tội nghiệp, hay người tù hoàn lương Jean Valjean, hay cô bé Cosette đáng thương... Những nhân vật đó, chúng ta đều đã thuộc nằm lòng trong những bài học Ngữ văn thời trung cấp, vì quả tình, họ khốn khổ thật.

Nhưng nếu chỉ xét trong hệ quy chiếu của những kẻ đang yêu, tôi lại có một câu trả lời hoàn toàn khác.

Lúc này đây, tôi chỉ nghĩ đến Éponine, nghĩ về tình yêu thầm lặng và tội nghiệp mà cô dành cho Marius. Lần nào rời khỏi rạp, trong đầu cũng chỉ nghe vọng lại những câu hát của Éponine:

“I love him. But every day I’m learning
All my life I’ve only been pretending
Without me, his world would go on turning
A world that’s full of happiness
That I have never known...”

[Tôi yêu chàng, nhưng ngày qua ngày tôi lại hiểu ra rằng mình chỉ đang tự lừa dối bản thân.
Không có tôi, thế giới của chàng vẫn tiếp tục vòng quay tròn đầy của hạnh phúc -
thứ hạnh phúc tôi chẳng biết đến bao giờ].

Tình cảm đơn phương dường như luôn là một chiều cạnh tất yếu của cuộc sống. Thế nên trongNhững người khốn khổ của nhà văn hiện thực - lãng mạn bậc thầy Victor Hugo, làm sao thiếu đi được một mảnh đời “cùng khổ” bởi tình yêu một phía ấy?

Yêu một người là chấp nhận đánh đổi tất cả để nhìn thấy họ cười vui, dù nụ cười ấy chẳng phải dành cho mình. Tôi nhớ hoài hình ảnh thẫn thờ của Éponine khi buông rơi những đồng bạc mà Marius trả công cho cô vì đã dẫn đường để anh tìm đến nhà Cosette - người con gái khiến Marius yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Dẫn lối cho người mình yêu thương đến với một người-không-phải-mình, tự tay dâng nhường thứ hạnh phúc đôi lứa mà cả đời mong cầu, để đứng từ xa ngần ngại nhìn Marius và Cosette thành đôi, còn mình đành lẻ nhịp. Trời ơi, cái cảm giác đó đau đớn cùng cực. Vậy mà, Éponine vẫn cam tâm chịu đựng, nhận về riêng tất thảy nỗi buồn, chỉ để cho người mình yêu toàn vẹn niềm vui.

Éponine cứ nghĩ lời hứa trả ơn của Marius sẽ là một cái siết vai, một vòng tay ôm, nhưng cuối cùng, chỉ là 5 đồng bạc leng keng vang tiếng lạnh tanh rơi xuống nền đất. Cô đâu cần thứ vật chất ấy, dẫu cho cuộc sống của Éponine chật vật lắm, và lại được nuôi lớn trong môi trường lừa lọc của cha mẹ hành nghề cướp gạt. Nhưng tình yêu thầm lặng và mù quáng cô dành cho Marius lớn hơn cả những lo toan cơm áo đời thường. Có một người xứng đáng để mình yêu đến độ chẳng màng đến sang - hèn, được - mất của cuộc sống, âu cũng là một niềm an ủi trọn vẹn cho một cuộc đời chẳng mấy trọn vẹn của Éponine.

Đến phút cuối cùng, khi chắn làn đạn để bảo vệ Marius và ngã quỵ xuống giữa lấm lem mưa, máu và nước mắt, Éponine vẫn lẳng lặng cầu xin chỉ duy nhất một điều: “Liệu Ngài có thể hôn lên trán em sau khi em ngừng nhịp thở? Ngài Marius, Ngài biết không, có lẽ em đã trót đôi chút thương Ngài...”[1]

[1] Nguyên văn trong tiểu thuyết là “And then, do you know, Monsieur Marius, I believe I was a little in love with you”

Cảm giác yêu và nể phục một người sâu nặng lắm. Bởi nó không chỉ có sự si mê nhất thời của yêu đương trai gái, mà còn cả sự trân trọng thiết tha dành cho một người mà mình luôn hướng về. Si mê có thể chóng qua và nhạt dần, nhưng đã là trân trọng thì cả đời vĩnh viễn khắc cốt ghi tâm.

Tình yêu của Marius và Cosette đẹp đó, nhưng với tôi, nó vẫn cứ chập chờn đâu đó những si mê xốc nổi. Và kết cục viên mãn của hôn lễ hai người chẳng qua là để đúng bài bản tiểu thuyết lãng mạn. Còn đời thực, mấy ai được ân may có một tình yêu như thế?

Đời thực, chỉ như Éponine đối với Marius là cùng. Một người kiên tâm nặng tình, một người vô tâm quay lưng.

“Don’t you fret, Monsieur Marius. I don’t feel any pain
A little fall of rain. Can hardly hurt me now
You’re here, that’s all I need to know...”

[Đừng băn khoăn cho em, Ngài Marius. Em chẳng thấy đau đớn chi đâu
Một chút mưa rơi nhẹ ướt áo. Chẳng thể nào làm tổn thương em được
Chỉ cần Ngài ở đây bên cạnh, chỉ cần vậy thôi đã đủ cho em rồi...]

Đó là những lời cuối cùng Éponine hát cho Marius khi cô lịm dần trong vòng tay anh, trong nhạt nhòa những mảnh ký ức chắp vá của mối tình đơn phương mà cô biết trước sẽ chẳng bao giờ thuộc về mình. Có một phút nào đó, tôi tự thấy mình không phải đang xem trên màn hình trăm inch một bộ phim nhạc kịch, mà đang đập cùng nhịp tim của những Éponine, của những Marius - nhịp tim của những tơ duyên bất thành, dù đơn phương nhưng vẹn đầy yêu thương.

Bởi lẫn trong Les Misérables, lẫn trong hình ảnh Éponine ấy là cuộc đời chúng ta đang sống, có đau khổ, có tình yêu, và có cả những hy sinh đầy cam chịu, nhưng vẫn mãn nguyện mỉm cười. Bởi đến phút cuối cùng, họ biết mình đã sống một cuộc đời trọn vẹn với tình yêu và đức tin mà bản thân tự ràng buộc tuyên thệ.

Mà hình như phim ảnh văn thơ cũng thường quanh đi quẩn lại những tình yêu ngoài lề như thế. Tôi vẫn nhớ trong bộ phim truyền hình nổi tiếng Glee dạo gần đây, nhân vật nam chính đã nói với cô bạn yêu thầm mình rằng: “Sẽ ổn cả thôi. Thật ra ai trong chúng ta cũng từng trải qua cảm giác đơn phương thích một người và làm những chuyện khờ dại mà sau này bản thân ngẫm lại đều ước chi mình đừng như vậy. Sẽ đến lúc điều mà chúng ta mong muốn nhất là được trở lại làm bạn của nhau như ban đầu...”

Tình cảm đơn phương giống như gieo hạt mầm trên đại lộ nền xi-măng cứng ngắt vậy. Nếu gắng gượng kiên trì và cố chấp lắm, rồi cũng đến lúc bạn đập vỡ đất, đào nứt lớp nhựa đường cho mầm xanh nảy lên. Nhưng xe cộ ngược xuôi, chân người vội vàng, cũng sẽ đạp ngang cán nát khi chồi non còn chưa kịp đón lấy ánh Mặt trời đầu tiên. Vốn dĩ ngay từ đầu, hạt mầm cảm xúc không nên gieo trên đất nền khô khốc và khó thể dung dưỡng yêu thương ấy.

Nhưng rồi ai cũng từng khờ dại đôi lần thế thôi, kiểu như Trời muốn thử lòng người kiên nhẫn và mù quáng đến đâu. Vấn đề là sau lần gieo mầm bất thành ấy, bạn có còn dám quay trở lại đại lộ, nhìn nền xi-măng trơ mình dưới khói bụi xám xịt và mảy may không còn chút hạt giống xanh màu hy vọng?

Mấy ai đủ can đảm để trở lại làm bạn khi cảm giác xưa vẫn còn xao xác trong lòng? Mấy ai đủ can đảm đau lại từ đầu khi nhìn lại nụ cười ấy, ánh mắt ấy, chỉ thấy tất cả những xốc nổi, vụng về mà bạn từng làm cho họ, trở về nguyên vẹn.

Còn bạn, chuyện khờ dại nhất bạn từng làm cho một mối tình đơn phương là gì?
 
Có một người vẫn đợi

Cố chấp đâu phải lỗi của ai? Tin yêu đâu phải tội mà ngần ngại?
Yêu thì yêu, thế thôi!
Người chẳng cần về thì nơi đây vẫn cứ đợi, mãn đời!​

Lâu lắm rồi mới phải thức dậy vào đúng giờ giấc sinh hoạt bình thường của cuộc sống thường nhật. Nói cho đúng là sau một đêm hồ như không thể chợp mắt thì việc thấy ngoài trời đã sáng là một niềm an ủi, ít ra cũng có thể bật dậy thoát khỏi đám bùng nhùng chiếu chăn lạnh ngắt chẳng thể dỗ giấc cho mình. Chân trần bước về quán cũ của những ngày mà hạnh phúc đơn giản chỉ cần cà phê đắng và-nắm-lấy-tay-nhau.

Còn bây giờ, chỉ muốn xin một hiên nắng đầy, một ly nước trong veo để mình uống cạn hết mệt nhoài của đời thường nhật. Cũng phải thôi, đời vội quá, nhiều bon chen ồn ã, con người ta cứ vô tình quên mất mình cũng có sóng trong lòng...

Cứ thế này, hỏi sao chẳng thể nào vị tha với mùa Đông - cái mùa khiến lòng người chông chênh và bần thần hơn cả.

Ai đó bảo mùa này là mùa An lành, An nhiên... chứ riêng nó thấy gọi đây là mùa của Bất An coi bộ đúng hơn. Những ngày cuối năm cứ vô hình nhắc nhớ cho người ta nhiều niềm riêng đã cố giấu suốt 12 tháng trời, cứ xốn xang cồn cào khi một tuổi nữa sắp mất mà nhìn lại đoạn đường đã qua vẫn vô chừng là lung lay. Chưa bao giờ chúng ta cảm thấy cần một điểm tựa, một bờ vai, một vòng tay như bây giờ, bởi đâu ai muốn một mình đón thời khắc thiếu nắng ấm, dư gió lạnh trong mùa-của-bất-an này.

Nhưng nó không chỉ cần một người đơn thuần bên cạnh, nó cần một ai đó có-thể-hiểu-mình. Mà người ơi, có hiểu không?

Ai đó bảo trái tim người vốn dĩ bằng nước được cất vào lồng ngực thành băng, chỉ cần chạm nhẹ bằng chút thân nhiệt ấm nồng từ “người dưng” là tự khắc, tim chảy tan thành nước bất khả vãn hồi. Thế nên, trải qua mỗi lần yêu là thêm một lần trái tim người cạn kiệt, cứ vỡ òa thành nước cho đến lúc kiệt cùng, bốc hơi thành sương mai.

Ấy vậy mà, vẫn thương hoài đấy thôi.

Cố chấp đâu phải lỗi của ai? Tin yêu đâu phải tội mà ngần ngại?

Yêu thì yêu, thế thôi!

Người chẳng cần về thì nơi đây vẫn cứ đợi, mãn đời!


Nhớ lại bài thơ của chính mình đã viết hồi năm 15 - 16 tuổi. Gần 10 năm sau, cảm xúc ấy vẫn y nguyên, có lẽ vì đã là đợi chờ, thì 1 năm hay 10 năm, cũng hệt vậy mà thôi.

“Có một người vẫn đợi với heo may
Với lá rơi vô tình trên lối nhỏ
Một người xa thu âm thầm qua ngõ
Lá vẫn rơi, day dứt, vẫn mong chờ.

Có một người vẫn đợi mối tình thơ
Đợi bước về một người đi xa mãi
Đợi một thời xa rồi bao khờ dại
Dĩ vãng xưa đã mãi ngủ quên rồi.

Có một người vẫn đợi chỉ mình thôi
Dẫu người đi không một lần tiếc nhớ
Dẫu thu về ngỡ ngàng rồi dang dở
Lá thu rơi cản nẻo gió sang mùa...

Có một người vẫn đợi cả trong mơ
Để giật mình khi một mình trên phố
Ai thoáng qua mà như là ai-đó
Dẫu biết rằng hình bóng chỉ là mơ!

Có một người vẫn đợi vẫn ngu ngơ
Dẫu mùa sang người đi bên xuân mới
Người ở lại vẫn chờ trông vời vợi
Vẫn thu vàng, vẫn lá hững hờ rơi...”
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top