• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Âm nhạc giúp não bộ phát triển đặc biệt như thế nào?

Hide Nguyễn

Du mục số
Chút kiến thức về não bộ: ÂM NHẠC TÁC ĐỘNG ĐẾN NÃO BỘ RA SAO?

Có một câu nói như thế này:
“Nếu bạn muốn có một cơ thể săn chắc, hãy tập thể dục. Còn nếu bạn muốn rèn luyện thể thao cho trí não, hãy nghe nhạc”

Có nhiều người thường không để ý hoặc là họ đã quá quen thuộc với sự hiện hữu của âm nhạc xung quanh mỗi ngày mà chưa thực sự chú tâm tìm hiểu về tác động của chúng, cụ thể là những lợi ích mà âm nhạc giúp não bộ phát triển ra sao?

Âm nhạc vào não bộ - VnKienthuc.com forum.jpg


Theo nghiên cứu khoa học, trong khoảng thời gian từ 16 đến 18 tuần thai kỳ, bộ não của em bé đã bắt đầu thích nghi với âm thanh. Thính giác của trẻ sơ sinh là giác quan phát triển nhanh hơn các giác quan khác. Khi não bộ xử lý âm nhạc, khu vực não sẽ giải phóng chất dẫn truyền thần kinh, gọi là dopamine - một chất hóa học giúp cải thiện tâm trạng, gia tăng sự vui vẻ.

Để tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này, chúng ta có thể chia chủ đề này thành 3 mục chính nhỏ, bao gồm: Cách não bộ xử lý âm thanh và cách âm nhạc ảnh hưởng đến não bộ như thế nào.

🎵 CÁCH NÃO BỘ XỬ LÝ ÂM THANH

Trải nghiệm âm nhạc thường mạnh mẽ và mang lại nhiều cảm xúc, thế nhưng rất ít người trong chúng ta hiểu một cách đầy đủ về cách mà âm thanh tác động đến tâm trạng. Trước khi tìm hiểu về cách mà âm nhạc tác động như thế nào đến não bộ, điều đầu tiên, không kém phần quan trọng, đó là tìm hiểu về cách cơ thể chúng ta phản ứng với âm thanh.

🎶 Sóng âm thanh

Nói một cách đơn giản, cơ thể chúng ta cảm nhận âm thanh dưới dạng rung động và chuyển những tín hiệu đó trở thành xung điện.

Khi chúng ta nghe, sóng âm đi truyền từ tai ngoài qua tai giữa và đến tai trong. Mỗi khi sóng âm truyền đến tai ngoài, chúng sẽ làm cho màng nhĩ rung lên như sợi dây cao su bị gảy liên tục. Sự chuyển động này làm thay đổi ba chiếc xương nhỏ bên trong và sự thay đổi này giúp khuếch đại những rung động đó khi truyền đến tai trong.

Sau khi rung động truyền đến tai trong, nơi đây các rung động đã kích thích hàng ngàn tế bào lông nhỏ trong tai mở ra các lỗ chân lông để giải phóng chất dẫn truyền thần kinh vào sợi dây thần kinh thính giác được kết nối với trung tâm thính giác của não.

Cuối cùng, những chất hóa học đó di chuyển dọc theo dây thần kinh thính giác và được não bộ tiếp nhận, xử lý và ghi nhận thành những âm thanh cụ thể. Tất cả những điều đó xảy ra với tốc độ gần như tức thời, bất kể chúng ta đang thức hay đang ngủ.

Tín hiệu âm thanh ảnh hưởng đến nhiều phần của não, nhưng mỗi khu vực não lại phản ứng khác nhau dựa trên cách phân loại tín hiệu thính giác, quá trình này có thể tạo ra nhiều loại phản ứng tinh thần, cảm xúc và thể chất. Chính sự đa dạng này đã khiến cho tâm lý học âm nhạc trở thành tâm điểm của nhiều nghiên cứu khoa học.

🎵 CÁCH NÃO BỘ PHẢN ỨNG VỚI ÂM NHẠC

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: có rất nhiều vùng não phản ứng với âm nhạc, trong đó có 5 vùng não chịu tác động nhiều nhất phải kể đến:

1. Thùy thái dương
2. Hạch hạnh nhân
3. Thùy trán
4. Tiểu não
5. Hồi hải mã

Lần lượt, hãy cùng xem xét những vùng riêng biệt của não bộ để tìm hiểu sự ảnh hưởng của âm nhạc lên não bộ ra sao.

1️⃣ Thùy Thái Dương
Thùy Thái Dương tham gia vào khá nhiều chức năng của não bộ, một trong số đó là khả năng hiểu ngôn ngữ. Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong việc nghe và phản ứng lại với môi trường xung quanh, cụ thể là trong những cuộc trò chuyện.

Thùy Thái Dương hoạt động như một trung tâm xử lý âm nhạc cho phép chúng ta nghe nhạc và cho phép chúng ta hiểu lời bài hát, trong đó có hai vùng phụ cho phép chúng ta thưởng thức âm nhạc, đó là vùng Wernicke và vùng Broca. Vùng Wernicke là phần não phân tích và hiểu những gì chúng ta nghe thấy, biến các từ của bài hát thành các cụm từ và câu chuyện cụ thể. Trong khi đó, khu vực của Broca cho chúng ta khả năng tự hình thành lời để chúng ta có thể hát theo nhạc hoặc bàn luận về những gì chúng ta đang nghe.

2️⃣ Hạch hạnh nhân
Hạch hạnh nhân nằm gọn trong Thùy Thái Dương và được xem là “tổng đài cảm xúc” của não bộ, khu vực này quản lý cả cảm xúc tiêu cực và cảm xúc tích cực.

Mặt khác, hạch hạnh nhân còn liên quan đến phản ứng chiến đấu-hay-bỏ chạy của con người. Vì vậy, hạch hạnh nhân cũng là phần não tham gia xử lý âm thanh và xác định phản ứng cảm xúc của chúng ta với âm nhạc vừa tiếp nhận.

Chính vì điều này, các nhà làm phim luôn biết cách tận dụng tối đa những hiệu ứng của âm nhạc vào các phân cảnh đắt giá của bộ phim, giúp tăng tính hấp dẫn và khơi gợi cảm xúc của khán giả: nhạc phim kinh dị gợi lên cảm giác căng thẳng sợ hãi; hoặc sử dụng âm nhạc cho một cảnh quay là cuộc hành quân chiến đấu cũng có thể tạo sự phấn khích, hào hứng cao độ; hoặc sử dụng âm nhạc để xoa dịu tâm trí, tạo nên sự tịnh tâm trong các phân cảnh bình yên, sâu lắng.

Tóm lại, tất cả những phản ứng sinh lý hay cảm xúc đều bắt nguồn từ hạch hạnh nhân.

3️⃣ Thùy trán
Thùy trán là khu vực quan trọng nhất trong não bộ của con người, nơi giúp chúng ta tư duy, lập kế hoạch và đưa ra quyết định. Những sở thích, quan điểm, thể loại nhạc yêu thích của chúng ta đều bắt nguồn từ hoạt động của thùy trán. Ngoài ra, bạn cũng có thể nâng cao chức năng của khu vực trán này bằng cách nghe nhạc.

4️⃣ Tiểu não
Những chuyển động cơ thể như: nhịp chân, gảy đàn hay khiêu vũ cũng là những phản ứng thông thường khi tiếp nhận âm nhạc và tiểu não là khu vực đảm nhiệm vai trò kích hoạt hay điều phối chuyển động của cơ thể như phản ứng với âm nhạc.

Việc chơi nhạc cũng dựa hoàn toàn vào phần não này. Nghiên cứu chỉ ra rằng một vài tuần học piano cũng có thể làm thay đổi tiểu não. Ngoài bộ nhớ dài hạn và bộ nhớ ngắn hạn, cơ thể người còn một bộ nhớ khác cũng quan trọng không kém, đó là bộ nhớ cơ. Trên thực tế, những người chơi nhạc thường rèn luyện và sử dụng bộ nhớ cơ để nhớ kỹ thuật chơi nhạc và điệu nhạc, bộ nhớ cơ này được lưu trữ và quản lý trong khu vực tiểu não.

Nếu khả năng nhận thức và bộ nhớ dài hạn của một người có thể mất dần theo thời gian thì tiểu não, một phần riêng biệt của não lại lão hóa theo cách khác. Một bệnh nhân Alzheimer, ngay cả khi họ không còn khả năng nhận diện người thân được nữa, họ vẫn có thể chơi piano nếu như họ đã từng học nhạc khi còn trẻ, sở dĩ điều này xảy ra là vì chơi nhạc đã trở thành một trí nhớ cơ bắp. Những ký ức đó trong tiểu não không bao giờ phai nhạt đi.

5️⃣ Hồi hải mã
Nghe nhạc không chỉ đem lại những lợi ích tức thời mà nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nghe nhạc hoặc chơi nhạc có thể làm thay đổi cấu trúc và chức năng của não bộ, đặc biệt là những bạn chơi có thói quen chơi một loại nhạc cụ thường xuyên. Điều này liên quan rất nhiều đến chức năng của hồi hải mã. Đối với người bị ảnh hưởng bởi bệnh Alzheimer, khu vực hồi hải mã là một trong những vùng não đầu tiên bị tổn thương.

Hồi hải mã là trung tâm trí nhớ của não bộ con người, khu vực hồi hải mã chịu trách nhiệm lưu trữ thông tin, đồng thời cũng điều chỉnh các phản ứng cảm xúc với những sự kiện nhất định, có thể gắn những ký ức liên quan với các yếu tố kích hoạt.

Nhiều nghiên cứu khoa học về vùng não hồi hải mã đã chỉ ra được mối liên hệ chặt chẽ giữa việc nghe nhạc, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Một bản nhạc được lặp đi lặp lại, với các mô típ và cụm từ có thể dễ dàng kích hoạt trí nhớ ngắn hạn đồng thời xây dựng ký ức dài hạn. Đó là lý do tại sao một người có thể nhớ một bài hát mà họ đã nghe cách đây 10 năm và cũng nhớ rõ bộ trang phục họ mặc và người đã cùng họ nghe bài hát đó.

Một điều quan trọng nữa, âm nhạc có thể giúp tăng cường quá trình hình thành kết nối thần kinh ở vùng hải mã, cho phép sản xuất các tế bào thần kinh mới và cải thiện trí nhớ.”

💗 Nếu bạn đang muốn trải nghiệm những lợi ích của âm nhạc một cách trọn vẹn nhất, bạn có thể học chơi một nhạc cụ nào đó. Đừng quá lo lắng hay tự ti khi nghĩ rằng bản thân bạn không có năng khiếu. Tôi cũng đã từng lầm tưởng rằng chỉ những người có năng khiếu thật sự mới có thể chơi nhạc, cho đến khi tôi thành công chơi được nhạc cụ và được tham gia biểu diễn cùng ban nhạc. Quả thật, năng khiếu là điều quan trọng nhưng sự nhiệt tình và chăm chỉ còn quan trọng hơn. Chơi nhạc đã giúp tôi biết cách thưởng thức âm nhạc hơn và tư duy cũng trở nên nhanh nhẹn hơn rất nhiều, so với những khó khăn mà tôi phải trải qua lúc khởi đầu thì những gì tôi nhận được là quá hời.

Sưu tầm
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top