• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Chia Sẻ Ý nghĩa và giá trị của tác phẩm văn học

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Ý nghĩa và giá trị của tác phẩm văn học
ngu-van_IJTC.jpeg.ashx

Ý nghĩa và giá trị của tác phẩm văn học

1. Khái niệm chung


Nói đến ý nghĩa và giá trị của tác phẩm văn học là nói đến sự đánh giá, thẩm định các phương diện thuộc về nội dung tư tưởng tình cảm, nội dung nhận thức, nghệ thuật, sự chân thành của tình cảm....được thể hiện trong tác phẩm. Vấn đề đặt ra là những ý nghĩa và giá trị đó do đâu mà có ? Bởi vì có một thực tế là trước cùng một tác phẩm, người đọc nói chung và giới phê bình, nghiên cứu nói riêng có thể có những cảm nhận và đánh giá không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau? Tại sao có tác phẩm chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi so với cuộc đời của tác giả nhưng cũng có những tác phẩm tồn tại mãi mãi với thời gian? Trả lời những câu hỏi này một cách đầy đủ và đúng đắn đòi hỏi người nghiên cứu không chỉ hiểu được đặc trưng của lí luận sáng tác mà còn phải chú ý đến lí luận tiếp nhận, lí luận về cảm thụ văn học. Trong phần này, chúng tôi chỉ nêu lên một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc lí giải, nhận định khác nhau về ý nghĩa và giá trị của tác phẩm văn học qua các giai đoạn phát triển của lịch sử nghiên cứu và phê bình văn học.

2. Những nguyên nhân tạo nên sự lí giải khác nhau về tác phẩm

2.1. Nguyên nhân từ phía người đọc

Tác phẩm văn học được sáng tác là để thưởng thức, tiếp nhận. Một tác phẩm chỉ tồn tại với tư cách là một tác phẩm đích thực khi nó đến với người đọc. Người đọc ở đây là một khái niệm hết sức rộng lớn, bao quát, đa dạng, phức tạp...bao gồm các tầng lớp người khác nhau về giai cấp, dân tộc, trình độ văn hóa, lứa tuổi, giới tính, kinh nghiệm, năng khiếu, cảm xúc thẩm mĩ... với những động cơ và mục đích đọc tác phẩm khác nhau. Chính sự khác biệt này là một nguyên nhân quan trọng trong việc định giá tác phẩm văn học.

- Tính chủ quan của người đọc

Có một quan niệm tương đối phổ biến ở phương Ðông cũng như ở phương Tây khẳng định vai trò chủ quan của người đọc trong việc tiếp nhận, thưởng thức và đánh giá tác phẩm. Những người theo quan niệm này cho rằng đọc tác phẩm không phải là tái hiện lại một cách trung thành những điều tác giả đã gửi gắm và thể hiện trong tác phẩm mà chủ yếu là tìm kiếm tâm hồn mình qua tác phẩm, người đọc là người kể lại tâm hồn mình qua những kiệt tác (A.France). Kim Thánh Thán cho rằng: Tôi ngày ngày sở dĩ phê bình Mái Tây thật là vì người sau họ nghĩ tới tôi, tôi muốn có gì làm quà cho họ, cho nên bất đắc dĩ mà làm việc đó. Tôi thực không rõ ý đồ của người viết Mái Tây có quả đúng như vậy hay không? Nếu quả cũng như thế, thì ta có thể nói rằng nay mới bắt đầu thấy rõ Mái Tây...Bằng không như vậy thì ta có thể nói là trước đây vẫn thấy Mái Tây nhưng nay lại thấy có riêng vở Mái Tây của Thánh Thán cũng được. Việc tiếp nhận tác phẩm văn học ở đây như là một hành động gửi gắm tâm sự của người đọc. Ðịnh cho tác phẩm một ý nghĩa và giá trị có phù hợp với những vấn đề ẩn chứa trong tác phẩm hoặc với ý định của tác giả hay không không phải là điều quan trọng mà quan trọng là ở vai trò của chủ thể cảm thụ. Ingarden nhấn mạnh Có bao nhiêu độc giả và có bao nhiêu sự đọc mới cho cùng một tác phẩm thì có bấy nhiêu những thành tựu mà chúng ta gọi là sự cụ thể hóa của tác phẩm. Rolland Barthes còn cực đoan hơn Khi đọc tác phẩm tôi đặt sự đọc vào cái tình huống của tôi...Tình huống hay thay đổi làm ra tác phẩm chứ không tìm lại được tác phẩm; tác phẩm không thể phản đối, chống lại cái ý nghĩa mà tôi gán cho nó.

- Tính khách quan của người đọc

Lí giải sự cảm thụ, đánh giá tác phẩm khác nhau dựa trên cơ sở chủ quan của người đọc là đúng đắn. Nếu như trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, dấu ấn cá nhân được thể hiện đậm nét thì trong lĩnh vưcû nghiên cứu, cảm thụ nghệ thuật cũng có tình trạng tương tự. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn sai lầm khi cho rằng người đọc là yếu tố hoàn toàn chủ quan trong việc xác định giá trị của tác phẩm văn chương. Bởi vì nếu vậy thì sẽ không lí giải nổi nhiều hiện tượng văn học khác nhau: Tại sao có một số tác phẩm được đánh giá cao ở giai đoạn này nhưng đến giai đoạn khác thì hoàn toàn ngược lại? Tại sao trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, người ta lại thường chú ý và khai thác một cách khác nhau một vài yếu tố nào đó trong tác phẩm ? Tại sao sau khi xem xong một tác phẩm nghệ thuật, người đọc nói chung đều có thể có một ấn tượng chung nào đó về tác phẩm, về một số nhân vật ? (Trương Phi, Quan Công, Hoạn Thư, Mã Giám Sinh, Sở Khanh...). Chính vì vậy, khi nói đến giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, không thể tách rời với những hoàn cảnh văn hóa-lịch sử- xã hội nhất định.

Ý nghĩa và giá trị của tác phẩm văn chương phụ thuộc vào vai trò chủ quan của người đọc, đặc biệt là những người đọc chuyên nghiệp (những nhà phê bình, nghiên cứu). Nhưng người đọc ở đây là những con người cụ thể và sống trong một môi trường, một hoàn cảnh xã hội, một thời kì lịch sử nhất định. Vì vậy, người đọc ở mỗi thời đại khác nhau sẽ có cái nhìn không hoàn toàn giống nhau về giá trị của tác phẩm. Nếu coi sáng tạo nghệ thuật là một hoạt động mang tính khuynh hướng xã hội mạnh mẽ thì tiếp nhận nghệ thuật cũng không thể thoát li khỏi những điều kiện lịch sử trong những thời kì nhất định. Trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học, mỗi cá nhân đến với tác phẩm không chỉ đem đến cho nó cái tôi mà còn cả cái ta nữa.Người đọc sẽ cắt nghĩa, định giá cho tác phẩm trên cơ sở lập trường giai cấp, lợi ích dân tộc, xã hội, nhu cầu tinh thần và thẩm mĩ không giống nhau qua từng thời kì lịch sử nhất định. Khrapchenkô đã dẫn lời của Biêlinxki để nói về Puskin như sau: Puskin thuộc về những hiện tượng mãi mãi tồn tại và vận động không dừng lại ở điểm bắt gặp cái chết mà tiếp tục được phát triển trong ý thức xã hội. Mỗi thời đại sẽ nói lên sự phán xét của mình về những hiện tượng ấy, và cho dù nó có hiểu đúng đến đâu chăng nữa thì bao giò nó cũng để dành lại cho thời đại tiếp sau nó nói lên một điều gì đó mới mẻ và đúng đắn hơn, và chẳng bao giờ một thời đại nào lại có thể nói hết tất cả . Trong lịch sử nghiên cứu văn học Việt Nam, có thể coi Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trường hợp tiêu biểu cho sự khai thác những phương diện khác nhau của tác phẩm qua các thời đại khác nhau như trường hợp mà Biêlinxki đã nêu lên với Puskin.

Một trong những khái niệm quan trọng để giải thích tính chất quyết định ý nghĩa và giá trị của tác phẩm qua từng thời kì lịch sử nhất định là tầm văn hóa hoặc tầm đón nhận của công chúng. Ðây là khái niệm do nhà triết học và xã hội học người Ðức là Các Manheim nêu ra, được Hans Robert Jauss vận dụng vào việc nghiên cứu văn học. Jauss phân biệt có sự tiếp nhận bên trong và sự tiếp nhận bên ngoài. Nếu sự tiếp nhận bên trong chủ yếu mang tính cá nhân, chủ quan thì tiếp nhận bên ngoài lại mang tính khách quan. ...sự tiếp nhận bên ngoài là sự gặp gỡ bị qui định bởi những điều kiện khách quan; sự tiếp nhận ở đây mang những hình thức lịch sử nhất định. Ðó là sự gặp gỡ của một truyền thống văn hóa này với tác phẩm của một truyền thống văn hóa khác, vì vậy nó diễn ra trên bình diện xã hội và văn hóa- lịch sử. Chính sự tiếp nhận bên ngoài này mới tác động quyết định đến sự hình thành và chuyển hóa tầm đón nhận của độc giả. Tất nhiên, nếu không có sự tiếp nhận bên trong thì sự tiếp nhận bên ngoài không thể nào phát huy tác dụng một cách sâu xa được.

Trong văn học Việt Nam, vấn đề xác định giá trị của những tác phẩm thuộc dòng văn học lãng mạn giai đoạn 1930-1945 cũng là một bằng chứng tiêu biểu cho vai trò của thực tế văn hóa- xã hội- lịch sử trong việc cảm nhận văn học. Ngay từ khi những bài thơ đầu tiên của phong trào Thơ mới ra đời, một tầng lớp công chúng mới, chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây với những quan niệm mới về văn học đã nhiệt tình ủng hộ và đánh giá cao thì đồng thời cũng chịu sự phản ứng quyết liệt của những nhà Nho cũng như những người đọc đã quen với những chuẩn mực của thơ ca cổ điển. Nếu có thể coi những năm từ 1936 dến 1945 thơ ca lãng mạn được đánh giá là những tác phẩm có giá trị, thì sau năm 1945 cho đến những năm đầu của thập kỉ 80, tình hình lại hoàn toàn thay đổi. Do hoàn cảnh chiến tranh với những điều kiện sống khó khăn, ác liêt, do nhận thức mục đích quan trọng nhất của lịch sử không phải là vấn đề số phận cá nhân, mơ mộng của con người mà là vấn đề đôc lập dân tộc, vấn đề giải phóng giai cấp...văn học lãng mạn nói chung và thơ mới nói riêng đã bị xem là một bộ phận văn học tiêu cực, có hại cho cách mạng...Ở giai đoạn này, không phải chỉ những nhà phê bình phủ nhận văn học lãng mạn mà ngay chính những nhà thơ lãng mạn đã tham gia vào cuộc kháng chiến như Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Ðoàn Phú Tứ...cũng đã lên tiếng phủ nhận tác phẩm của mình. Từ 1986 trở lại đây, do sự thay đổi của hoàn cảnh xã hội, những tác phẩm của dòng văn học lãng mạn lại được đánh giá cao với một cái nhìn mới mẻ và sâu sắc. Người đọc nói chung và giới nghiên cứu phê bình nói riêng laiû phát hiện ở Thơ mới cũng như ở những tác phẩm của tổ chức Tự lực văn đoàn những khía cạnh mới mẻ mà hình như trước đó người ta chưa hề phát hiện và khẳng định bộ phận văn học này đã góp phần to lớn vào quá trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam hiện đại.

2.2. Nguyên nhân từ phía bản thân tác phẩm

Khẳng định giá trị của tác phẩm văn chương từ tính chất chủ quan, cá nhân cũng như tính chất khách quan do những điều kiện lịch sử- văn hóa xã hội qui định chủ yếu cũng mới chỉ xác định giá trị của tác phẩm từ phía người đọc. Nhưng nếu giá trị của tác phẩm văn chương chỉ chịu sự qui dịnh của người đọc thì sẽ không giải thích được tại sao tác phẩm này lại đứng vững và tồn tại mãi với thời gian còn tác phẩm khác thì ngược lại ? Thực ra, giá trị của tác phẩm không chỉ do người đọc, thời đại mang đến mà còn do nguyên nhân khách quan từ chính bản thân tác phẩm. Và có thể nói đây là nguyên nhân quan trọng có ý nghĩa quyết định vì nó giúp cho ta giải thích được lí do người đọc cảm nhận, đánh giá tác phẩm khác nhau. Nói như Khrapchenkô, nội dung của tác phẩm dù được xem là biến đổi như thế nào trong các thời kì lịch sử khác nhau vẫn không phải là được mang từ ngoài vào mà là vốn chứa đựng trong bản thân chúng. Như vậy, giá trị nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật nằm ngay trong chính bản thân nó nhưng không phải được thể hiện rõ ràng, đơn nghĩa. Giá trị của tác phẩm được xác định và ý nghĩa của nó được khai thác không giống nhau một phần hết sức quan trọng là do các đặc điểm nội tại của nó, là do tính mơ hồ, đa nghĩa ở nhiều phương diện, đặc biệt là ở tính chất và chiều sâu của những khái quát nghệ thuật mà tác giả thể hiện trong tác phẩm.

Một trong những đặc trưng quan trọng của tác phẩm văn học là tính mơ hồ, đa nghĩa và cũng từ đặc trưng này, người đọc khó nắm bắt được đầy đủ và đánh giá thống nhất với nhau về một tác phẩm. Vấn đề này đã được các nhà lí luận, nghiên cứu văn học đề cập đến từ lâu.Tạ Trân, nhà thi thoại đời Minh cho rằng: Thơ có chỗ khả giải, bất khả giải, bất tất giải, giống như hoa dưới nước, trăng trong gương, không cần câu nệ tới dấu tích. Vương Sĩ Trinh cũng cho rằng thơ khó ở chỗ nếu không giải thích được thì thơ vô vị, mà giải thích được thì thơ hết vị.

Văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ, văn học phản ánh đời sống trong tính toàn vẹn, sinh động thông qua hình tượng nghệ thuật với một cấu trúc phức tạp, đa dạng nhằm thể hiện những cảm nhận và khái quát của nhà văn về cuộc đời. Chính vì vậy người đọc không dễ gì nắm bắt được một cách đầy đủ ý nghĩa vốn có của nó. Sẽ không có gì quá đáng nếu có người coi tính mơ hồ, đa nghĩa không chỉ là nét đặc trưng của văn học mà còn gắn liền với số phận lịch sử của nó.

Tính mơ hồ, đa nghĩa trước hết được biểu hiện ở ngôn ngữ. Ðây vốn là thuộc tính của ngôn ngữ toàn dân nhưng khi sáng tác nhà văn luôn có ý thức hướng về một ngôn ngữ mang tính hàm súc, đa nghĩa, gợi nên ở người đọc những cách giải thích, những mối tương quan khác nhau,làm cho một chữ mà nghĩ ba năm chưa xong, giảng nghìn năm chưa hết (Nguyễn Cư Trinh). Ðây cũng chính là một trong những nguyên nhân tạo nên sức sống, chiều sâu và giá trị nghệ thuật cho tác phẩm văn học.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top