• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Chia Sẻ Vô danh trận mạc- câu chuyện về một chú cho dũng cảm.

Trang Dimple

New member
Xu
38
Vô danh trận mạc
clip_image002.jpg

Số phận đã sắp đặt cho chú chó Lu gặp anh lính trẻ để rồi thử thách họ trong những hoàn cảnh đặc biệt, trớ trêu của thời chiến. Lu đã nhiều lần cứu sống anh nhưng cũng để lại trong lòng anh một vết thương khó lành khi nó đã không thể cùng có mặt với anh trong ngày chiến thắng


Đó là Lu. Tôi nhặt nó trong một bản nhỏ cháy toang hoang, nham nhở, còn nguyên mùi khét vì đạn cối giã xuống từ chiếc C130 bay tuần đêm. Lúc sắp qua bản, tôi chợt nghe thấy tiếng rít yếu ớt vọng lên từ lòng đất, như là những âm thanh mơ hồ hay gặp trong chiến tranh. Không phải! Khi tôi đá gạt cành cây bị đạn chém rụng xuống mặt đất, lộ ra lòng hố tối thẳm, một đôi mắt đen, lấp láy. Hoảng hốt vài giây, nắm chặt hơn báng súng, tôi nhìn thấy một xác chết ôm đôi mắt kia trong lòng. Nhìn kỹ nữa, đứa trẻ chừng tám chín tuổi, đầu vỡ, gáy dựa vào thành hố, mắt trắng hoang mang, trân trân nhìn ngược lên trời. Máu đã khô, đen thành vệt chảy xuống đầy hai bàn tay đang ôm chặt con chó nhỏ. Để đưa nó lên, tôi gần như phải bẻ ngón tay của người đã che chắn cho nó.Chúng tôi gọi tên nó là Lu. Đừng nghĩ đó là một tên Tây. Nó cũng như là Vện, là Lêu, là Êu Êu. Còn khi gọi Lu Lu thì có vẻ Tây rồi! Không phải tụi tôi muốn vậy. Ban đầu gọi một từ Lu gọn lỏn, nó chưa nhận ra là gọi nó. Chó mà! Thế là phải gọi hai lần từ Lu, quen miệng thành Lu Lu. Vậy là từ ngày đó, con chó sống sót của cái bản đã bị hủy diệt ấy, được coi là thành viên thứ bảy trong tiểu đội Hà Nội. Đấy là tôi muốn nói tới sự chia chác khẩu phần ăn của sáu người cho nó, chứ yếu ớt, còi hoi như nó thì làm được trò trống gì để đỡ đần cho thằng lính! Chúng tôi nghiền nhỏ cơm hoà nước thành thứ cháo hạng nhất cho nó liếm. Tóm được dăm cá suối nhỏ về kho với me rừng, tôi lén tiểu đội, chan cho nó ít nước hiếm hoi. Giá mà có sữa, trứng bột như hồi chuẩn bị đi B dài nhỉ? Thằng Bảo dân Hàng Thiếc thốt ra. Mơ ước thần tiên! Hão huyền! Tôi mắng. Quả thực vậy, muối cũng thiếu, thèm mặn! Mỳ chính và muối được gìn giữ như của báu. Đôi khi nhón trộm vài hột, thả vào lưỡi. Sung sướng quá! Nói gì tới đường sữa cho chó! Thế mà nó qua được. Ba ngày đã nhởn nhơ quanh lán. Năm ngày nhảy tưng tưng khi chúng tôi từ rẫy hay đi tuần tra về. Nó bắt đầu có da có thịt sau hai ba tuần gì đó. Lông không xác xơ nữa, mỡ dần, rõ sắc vàng điểm chấm đen và, nhanh nhẹn ra hồn chó. Cứ thế, theo ngày tháng nó biết thêm ra. Chúng tôi cũng dần quen hơi bén tiếng với nó. Những người lính sống âm thầm trong rừng, xa dân, xa bản, một con chó cũng làm cho cái lán vui vui. Một tháng sau, lần đầu tiên nghe nó sủa. Nhách… nhách... nhách…Tiếng kêu của chó, tiếng của sinh linh suýt chết, dẫu còn mong manh va vào núi đá, vọng trượt trên những tàn cây gợi lên điều gì rất xa xôi trong tôi.


Đám lính Hà Nội, tiểu đội trưởng Hạnh chai sạn, đánh nhau từ Bắc vào Nam; từ tôi, thằng Hoàng, thằng Lưu, Bảo…những cựu chiến binh dầy dạn bom đạn, biết thế nào là Huế Mậu Thân đẫm máu hay chiến dịch Lam Sơn 719 của địch, tới thằng Tâm, thằng Khanh (rất hay bốc phét) vừa nhập ngũ… Mỗi người nhìn nhận, đùa giỡn, ứng xử với nó một khác. Ví như thằng Tâm, cũng hay cho nó ăn đấy, nhưng mỗi lần cho ăn thường vỗ vỗ vào đầu nó và nói như hát: “Nhanh lên chứ, vội vàng lên tí nữa…Sáu bát, sáu bát!”. Hê hê, tôi biết tỏng cái thứ thân thiện kiểu ấy. Nó là thằng gầy nhẳng mà háu đói nhất. Với anh Hạnh thì lại khác. Anh có thể ngồi yên bên nó, gãi đầu và xoa lưng, cù vào ức nó cả giờ. Ngược lại, khi tiểu đội bận, đi vắng cả, nó cũng hàng giờ im lặng, ngúc ngoắc hai tai, để nghe anh kể lể gì đó. Tôi cứ đinh ninh khi ấy, anh đã nói với Lu như đã từng kể với riêng tôi, về một bà chị bốn mùa đi đội than, quẩy nước mắm, gánh củ nâu từ những chiếc thuyền có hai cánh buồm với bao nhiêu miếng vá ngoài bến Phà Đen… Tụi tôi vào lính với hoàn cảnh, nguồn gốc khác nhau. Anh Hạnh sinh ra trong một nhà nghèo. Bố mẹ mất sớm, phải ở với chị, phải đi bóc vỏ cây, ở những cái bè gỗ trôi từ mạn ngược về. Người như vậy, không thể sống vô tư như đám con cái viên chức cũ, hay con cán bộ kháng chiến. Có thể do từng trải, anh là người cần kiệm, biết nhặt nhạnh từ chút giẻ cũ lau súng tới mẩu sắn gãy ngoài nương cho nồi cơm bọn tôi thêm một lần xới. Thằng Hoàng thì trái lại với anh Hạnh. Nhà nó giàu nứt đố đổ vách. Theo lời nó kể, nhà nó toàn bán gạo mậu dịch mua gạo tám xoan về ăn. Giò lụa cắn ngập răng. Thịt gà nhả bã. Có phải vì đói mà nó bốc phét như thằng Khanh không, nhưng tôi biết, mẹ nó quen mẹ tôi, bán vải ở chợ Đồng xuân. Một bà đậm người, cổ thường đeo chuỗi ngọc xanh màu hoa lý. Hoàng rất hay trêu Lu. Đôi khi ngu xuẩn nắm cả đuôi nó kéo ngược. Lu kêu lên thảm thiết, nó giận Hoàng vài hôm. Nhưng Hoàng cũng hào phóng. Có bữa, đang cắn dở miếng thịt nhím béo lắm, thấy Lu trân trân nhìn, nó vứt ngay lên cao để Lu nhảy lên tợp lấy… Tất nhiên với tôi, Lu gần gũi nhất. Đêm lạnh, nó nhảy lên sạp, chui vào cuối chăn làm ấm hẳn đôi bàn chân tôi.
hinh-anh-nhung-chu-cho-de-thuong-13.jpg


Mùa mưa cao nguyên năm ấy thực đáng sợ. Mưa cứ rơi hết ngày này tới ngày khác, phá hỏng tất cả các con đường vận chuyển. Xe từ Bắc không thể vào được tới mặt trận. Khẩu phần gạo tụt xuống, đầu mùa mưa là năm lạng, sau ba lạng và xuống hai lạng một người. Lĩnh gạo về, vừa mở dây buộc, bọ đen nhảy lên tanh tách. Đãi kỹ cho bớt bọ, mọt thì bột gạo trôi hết theo nước suối, còn trơ lại lõi gạo. Đãi không kỹ thì bát cơm đắng nghét. Sắn cũng vừa đen vừa mốc. Cũng may là khi đó chúng tôi không phải đi đánh nhau. Chúng tôi trông kho đạn của tiểu đoàn, làm rẫy và thi thoảng tuần tra trên những lối mòn ven sông, bảo vệ vòng ngoài cho căn cứ của sư đoàn. Thế là sướng lắm rồi! Còn có cái mà sột soạt, tọng cho đầy cái dạ dày luôn kẹp lép, dù làm rẫy cực nhọc lắm. Tại đó, không như hồi đánh và giữ Boloven, thú như trong chuồng, tha hồ bắn. Những cánh rừng khoop bằng phẳng trên cao nguyên chỉ sẵn cú, sóc và chuột. Còn rừng xanh có cheo và các thú khác nhưng không được nổ súng lộ căn cứ! Chỉ còn cách đặt bẫy thú, săn bắt cá. Muốn nổ súng phải đi thật xa, cả ngày đường. Bẫy thú thì bọn “cày đường nhựa” tụi tôi hoàn toàn ít kinh nghiệm. Chỉ còn cách vớ được bất kỳ con gì cũng tống vào dạ dày, kể cả loài quạ tanh và dai, bọn vẹt chỉ toàn thấy đầu. Tới mùa măng le mọc, đi tìm lỗ dúi mà đào tới cùng và truy bắt. Những khi ấy, càng lớn Lu càng đắc dụng. Nó hít thật lực, hai chân trước cào cào, như báo hiệu hướng hang của dúi. Thèm chất tanh, đi đặt câu, nhưng chỉ trong mùa khô, khi các con suối hẹp lại, cạn đi để cá quả và trê hay cắn mồi. Muốn ăn cá lớn, phải đi xa nữa, tới con sông luôn xiết chảy. Đổi cái võng đôi Tô Châu mới, nửa cân muối mỏ, được bộ lưới bén của dân Lào dài chừng hơn hai chục mét. Tìm chỗ nước lặng, hay nơi suối gặp sông mà thả lưới. Cũng nhiều khi dùng bộc phá đánh cá. Nếu đánh, chỉ với lượng TNT rất ít, cắt ngắn dây cháy chậm sát kíp, tính sao khi nổ đủ độ sâu hai mét, cho người trên bờ chỉ nghe tiếng ục rất nhỏ, trầm và thấy nước sôi quẩn lên là lao ngay xuống vớt cá. Sông cao nguyên, đoạn nào lòng lắm đá, xiết chảy, cá mõm trâu nhiều lắm. Đánh một phát cháy nhanh, cá nổi ệch bụng, trắng phớ trôi theo nước xiết. Nhảy ào xuống, bơi theo mà nhặt. Phải nhanh tay, nhanh mắt không cá trôi mất tiêu. Phải có nghề, mồm ngậm cá, tay cầm cá và ngón chân cũng kẹp cá. Khi còn nhỏ, Lu cứ chạy ven bờ sủa nhặng, làm tôi rất bực. Lúc xong việc, chúng tôi quây quần bên đống lửa nướng cá ăn cho đỡ mệt vì rét và đói. Lu rất có kỷ luật, dù cá thơm như thế mà cậu chỉ chồm hỗm ngồi yên, mắt đăm đăm vào dàn cá đang thả mỡ rơi xèo xèo xuống dàn lửa. Nó là kẻ biết chờ đợi, kiên nhẫn chờ mấy cái đuôi cá nướng tụi tôi bẻ chia cho. Có lần, tôi bảo: “Ăn thế thôi. Chẳng làm gì lại kêu nhặng lên. Mày là chó, công cán gì mà ăn như vua! Biết tội chưa?”. Lu có thể nhận ra tôi nghiêm khắc, nên có vẻ sợ và chắc hối hận. Nhìn mắt nó thì biết. Cu cậu chứng tỏ thái độ bằng cách thè ngay lưỡi liếm nịnh vào tay tôi. Tôi tin rằng, giống vật hiểu được tiếng nói con người. Chỉ có điều nó không nói ra mà thôi. Bằng chứng là hai tháng sau, trong một lần đánh cá, khi chúng tôi đồng loạt nhao xuống dòng nước xiết, Lu cũng nhào theo và, thoắt càm lên bờ một con cá khá lớn rồi lại nhao xuống thả trôi tới hơn ba trăm mét để kiếm thêm con nữa. Tất nhiên, dù tụi tôi vì thiếu đói mà keo kiệt, vẫn phải để nó xơi nguyên một con cá. Thời gian vèo một cái hết mùa mưa. Chúng tôi sắp thu hoạch rẫy. Lúa rất mẩy và ngô nếp căng sữa chưa từng thấy. Khi này, Lu đã thực sự trở thành một chàng chó cường tráng và bắt đầu đỡ đần tụi tôi. Nó lùng sục suốt đêm ngày đuổi lũ chuột và sóc, cả những con khỉ nhanh lại khôn như chấy. Tôi không thể tưởng tượng rằng, sao nó bắt chước nhanh tới vậy. Đó là lần thấy tôi bò trườn giữa những cây lúa đang trĩu hạt, tiếp cận, đủ tầm bắn, một chú hoãng đang giác, lạc vào ven rẫy, nó cũng ngậm tăm bò ngay bên cạnh và lao như tên bắn ngay sau khi khói súng vừa loang trên đầu nòng… Mỗi ngày, nó được chứng kiến thêm, tham gia vào nhiều công việc của thằng lính. Nó vừa là bạn vừa là chiến hữu.
388695_10151446411941785_1422089396_n.jpg


Đêm ấy tôi ôm Lu ngủ. Nó thở phì phò và liếm vào mặt, cổ tôi. Không biết bằng cách nào mà nó đã chạy suốt hơn cả trăm cây số để đuổi theo đội hình tiểu đội. Hay là sự huyễn hoặc và số phận đã bày đặt ra thử thách nó và cả chúng tôi nữa, những con người bình thường đã gắn bó ở những thời điểm đặc biệt, trớ trêu của cuộc sống. Sớm sau tỉnh dậy đã thấy Lu ngồi chồm chỗm bên cạnh. Nó đương ngắm tôi rất kỹ. Đôi mắt không như mọi khi, trìu mến. Tôi không thể hiểu được nó nghĩ gì. ánh mắt ấy, nếu là của con người, chắc hẳn để phán xét người khác. Nó suy nghĩ gì? Đôi mắt kia, nhìn tôi đăm đăm như muốn nói, muốn hỏi? Ba ngày sau, thành phố cao nguyên, kể cả sân bay, hoàn toàn về tay chúng tôi. Đó là trận đánh có tính then chốt, tạo nên sự sụp đổ quân đội địch như trò chơi Domino. Sau trận mở màn ấy, tiểu đội chúng tôi khuyết đi hai người. Họ bị bắn gục ngay trong nửa ngày đầu trận chiến. Anh Hạnh bị trọng thương phải đi viện. Thằng Hoàng lên thay. Nhận thêm ba tân binh từ Bắc mới vào. Rồi lại đánh cắt chéo xuống miền Trung. Không ai xua đuổi Lu nữa. Kể cả tay chính trị viên khó tính. Thế là Lu tham gia hầu hết các trận đánh. Tại Cheo Reo nó lập được chiến công nữa. Chúng tôi nhờ nó tìm được 16 trẻ, tám chín người lớn thoi thóp chờ chết trong rừng. Họ là đám người chẳng biết gì cả, chạy trốn chiến tranh lại đi lẫn vào đội quân rút chạy để rồi tán loạn, lạc trong rừng cao nguyên. Những tốp người Kinh có Thượng có... nằm cong queo bên một gốc săng lẻ đã toác môi vì đói và khát.

Tôi cứ đinh ninh là Lu sẽ theo tôi về tận Sài Gòn và sẽ ra thăm Hà Nội. Nhưng thực tế không thể như mong ước. Cửa ngõ Sài Gòn có phòng tuyến phía Tây. Địch ném bom ngạt bảy tấn xóa sổ cả một đơn vị. Chúng tôi vẫn tiến lên, đánh địch giằng co từ chiều tới tận cả ngày sau. Lu luôn luôn bám sát bên tôi. Chúng tôi bị cản lại trước một khoảng trống giữa hai khu nhà. Đạn cầy ngang hất dọc. Không khí khét lẹt, nung nóng bởi những đám lửa bất ngờ bùng lên. Tạm thời nằm xuống trước một khoảnh trống thì từ đâu hiện ra đứa trẻ ba bốn tuổi khóc ré và chạy ra giữa làn đạn của hai bên. Chẳng bên nào dám bắn cả. Nhưng không thể nằm chờ. Tôi bảo Lu tiến lên, như ngày nào nó ở hậu cứ, trên rẫy, càm bất cứ một vật gì khi tôi ra lệnh. Nó, người bạn trung thành và gan dạ vọt tiến qua bức tường đổ rồi cắt chéo đường ngắn nhất tiếp cận ngay đứa trẻ. Đúng khi nó sắp hoàn thành nhiệm vụ thì nó gục xuống. Nó bị ai đó bắn hạ. Bình thường, khó bắn trúng nó lắm, bởi nó nhanh vô cùng, di chuyển lắt léo hơn cả đạn. Nhưng lúc ấy, nó phải chậm chạp bò lùi, kéo đứa trẻ xuống rãnh sâu bên đường. Lu của tôi giật nảy người lên rồi nằm im…Thế là tiếng súng hai bên lại rộ lên, bùng sáng những đám lửa da cam.

Tôi cùng tiểu đội quay lại nơi Lu nằm tênh hênh bên cái lạch thoát nước bên đường. Để đứa trẻ có thể sống, Lu đã chết. Nó đã chết. Viên đạn cày trên đường, xuyên vỡ nát bả vai và phá tung lồng ngực nó. Máu ướt thẫm mặt đường nơi nó nằm xuống. Bốn chân duỗi ra, buông xuôi. Đôi mắt khép lại như ngủ. Chắc chắn, nó không hiểu vì sao con người lại giết nó và ai đã bắn nó. Tại sao lại bắn nó? Đó là sự chủ định của một con người cụ thể hay là viên đạn định mệnh của chiến tranh dành cho một số phận chó.

Người ta chôn cất các chiến sĩ của đoàn tôi trên một khu đất cao. Cạnh đó chúng tôi đưa xác Lu tới và đắp một ngôi mộ nhỏ. Không ai dám ngăn cản chúng tôi làm việc đó. Bởi đã một tháng nay, câu chuyện của Lu trở thành huyền thoại trong biết bao câu chuyện của trung đoàn. Giống như các chiến sĩ đặc công, những người đã ngã xuống vào đêm đầu tiên mở màn cho chiến công Ban Mê Thuột; giống như tiểu đội bộ binh truy kích, chạy bộ mấy chục cây, chặn đứng toán xe đầu tiên của toàn bộ lực lượng địch tùy nghi di tản, giúp quân đoàn chúng tôi tiêu diệt toàn bộ sinh lực chính của địch trên cao nguyên, tạo nên sự kinh hoàng, rã đám toàn bộ lực lượng còn rất đông của quân lực Việt Nam Cộng hoà. Chúng tôi cắm một tấm biển gỗ và trên đó, tự tay tôi dùng bút dạ chiến lợi phẩm đề: “Lu. Tiểu đội Ba. Đoàn Bẩy Hai. Đã hy sinh ngày 16 tháng 4 – 1975.”
puppy-779289_960_720.jpg

Vĩnh biệt, tôi bắn một loạt tiểu liên lên trời. Khói súng bay lên từ đầu nòng và tản ra rồi lững lờ lên cao. Tự nhiên mắt tôi nhòa lệ. Có thể vì nhòa lệ hay ảo giác, tôi thấy hình Lu trong khói súng. Nó đang phi…đúng hơn là phi tít lên trời xanh, hòa vào những đám mây lang thang của bầu trời tháng tư phía Nam mùa mưa. Chúng tôi tiến vào Sài Gòn không có Lu. Chiến tranh chấm dứt.

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top