Văn hóa dân gian

Văn hóa dân gian
Văn hóa dân gian là gì - Văn hóa dân gian Việt Nam - Văn hóa dân gian ở Việt Nam

Đoàn Văn Chúc
1. Khái niệm về văn hóa dân gian

Theo nghĩa từ, “dân” là những người trong một cộng đồng xã hội, “gian” là khoảng, khu vực, vậy trong cụm từ “văn hóa dân gian”, ta có thể hiểu “dân gian” là một danh từ làm chức năng định ngữ, hay cũng có thể là tính ngữ. Trong cả hai trường hợp, “văn hóa dân gian” đều có nghĩa là những tác phẩm văn hóa do bình dân sáng tạo. Phần lớn các nước trên thế giới ngày nay dùng từ “folklore” (gốc tiếng Anh, folk, nhân dân, lore, tri thức) để chỉ hiện tượng mà tiếng Việt gọi là văn hóa dân gian.Chỉ như vậy thôi, người ta cũng nhận thấy ngay rằng văn hóa dân gian chỉ xuất hiện trong xã hội đã phân hóa thành đẳng cấp. Về vấn đề văn hóa trong xã hội giai cấp, các nhà kinh điển của học thuyết Mác xit đã đề cập:“Trong mọi thời đại, những tư tưởng của giai cấp thống trị là những tư tưởng thống trị. Điều đó có nghĩa là giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị trong xã hội. Giai cấp nào chi phối những tư liệu sản xuất vật chất thì cũng chi phối luôn cả những tư liệu sản xuất tinh thần, thành thử nói chung tư tưởng của những người không có tư liệu sản xuất tinh thần cũng đồng thời bị giai cấp thống trị ấy chi phối” (K. Marx và F. Engels, “Hệ tư tưởng Đức”, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1962).

Luận điểm cơ bản ấy trước hết cho thấy mỗi xã hội chỉ có một văn hóa thống trị, thống trị với ý nghĩa văn hóa ấy chiếm lĩnh địa vị ưu thắng trong sự điều khiển đời sống tinh thần, tức xác định các hệ thống giá trị chính thống của xã hội ấy.
Nhưng lịch sử mỗi dân tộc không bắt đầu bằng xã hội có giai cấp, mà bằng xã hội chưa có giai cấp, là xã hội thị tộc, người ta sống bằng săn bắt, đánh cá, chăn nuôi, cũng có thể có trồng trọt ít nhiều; công cụ lao động còn thô sơ, chưa có phân công lao động; người ta sống thành bầy nhóm biệt lập, cơ cấu xã hội chỉ giới hạn ở sự mở rộng của gia đình, do đó văn hóa xã hội của xã hội ấy có hai đặc điểm:

- Chỉ có một văn hóa chung của cộng đồng thị tộc.

- Văn hóa vận hành trực tiếp và tức thì trong toàn thị tộc, do thị tộc không đông người, chưa có những tổ chức xã hội trung gian (thí dụ khi trưởng tộc qui định một thể lệ ứng xử nào đó thì thể lệ ấy đi thẳng từ trưởng tộc đến mỗi thành viên trong một cuộc tụ tập vào lúc cuối ngày chẳng hạn), và cũng do đó mà có tính tức thì về thời gian, không phải chờ đợi sự vận hành như trong các xã hội phát triển thành quốc gia đông đúc sau này.
Hiện tượng phân hóa văn hóa thành những văn hóa con, hay gọi là văn hóa riêng, trong một cộng đồng xã hội chỉ xuất hiện khi cộng đồng ấy đã có sự phân hóa đẳng cấp, và mặt khác là khi có sự hợp nhất, tháp nhập hay sự thôn tính các thị tộc khác nhỏ yếu hơn trong những điều kiện nhất định của lịch sử.Nói chung, sự phân hóa đẳng cấp thường đã rõ rệt từ hậu thời kỳ đá mới và đồng sớm, song trong buổi đầu ấy dù đã có sự phân hóa xã hội mà vẫn chưa có sự phân hóa văn hóa. Bởi nếu như sự xuất hiện đẳng cấp và giai cấp đã là một quá trình lâu dài, thì sự xuất hiện những đặc điểm giai cấp trong văn hóa còn lâu dài hơn nhiều. Như thế do, về phương thức phát sinh và tồn tại, văn hóa được ra đời bằng kế thừa và giao lưu, nhất là nó phải được lặp lại trong thời gian lâu dài mới có thể định hình là một văn hóa. Một thí dụ:Đại Việt sử ký toàn thư chép (thời Lê Thái Tông):“Đinh tỵ: (Thiệu - bình) năm thứ tư (1437) (…) Sai hành khiển Nguyễn Trãi và Lễ bộ ty giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí, dạy tập múa nhạc (…)Tháng 5, hành khiển Nguyễn Trãi tâu rằng: “Mới rồi, bọn thần cùng Lương Đăng hiệu định nhã nhạc, nhưng kiến giải của thần không giống với Lương Đăng, thần xin trả lại công việc được sai”. (…) Đại để qui chế do Đăng và Trãi định ra phần nhiều không hợp nhau, những chỗ bàn về số lượng, trọng lượng các nhạc khí có nhiều điều trái nhau, mà trình bày cũng khác nhau, cho nên Trãi xin thôi việc ấy. Vua theo lời bàn của Đăng, rồi làm theo. Vua yết thái miếu bãi trò hát chèo, không tấu nhạc dâm nữa” (ĐVSKTT, NXB khoa học xã hội, 1985, t.II, tr.338-342).

Đoạn sử trên đây cho thấy đến tận thế kỷ XV, văn hóa ở xã hội ta vẫn còn đương trên đường phân hóa, đẳng cấp quí tộc. Vua quan vẫn chưa có một văn hóa với những đặc điểm riêng thuộc, mặc dầu bản thân đẳng cấp ấy thì đã được hình thành muộn nhất cũng từ thời Lý. Nó vẫn phải dùng ca múa nhạc dân gian, nếu kể từ Lý (thế kỷ XI) thì đến thế kỷ XV, nó mới bắt đầu tạo cho mình một ca múa nhạc riêng.
Bởi vậy, là hợp lý khi nói văn hóa dân gian chỉ xuất hiện trong xã hội giai cấp thành thục, nghĩa là chỉ đến khi này nó mới thực sự đứng trước một văn hóa mới hình thành là văn hóa bác học. Và cũng là đúng đắn khi nói văn hóa dân gian là sự thực hiện văn hóa phong kiến, vừa cả các yếu tố dân chủ và xã hội chủ nghĩa như V.I Lênin đã chỉ ra khi nói về văn hóa dân tộc. Nói cách khác, “văn hóa dân gian là văn hóa của nông dân và thợ thủ công trong xã hội phong kiến”.Vậy là trong xã hội đẳng cấp, văn hóa dân gian và văn hóa bác học là hai thành phần lớn văn hóa cấu thành văn hóa của xã hội. Trong mỗi thành phần lớn ấy còn là những văn hóa con của những nhóm xã hội khác nhau. Văn hóa con được hình thành trên những cơ sở khác nhau: tộc người, nghề nghiệp (nông dân, thợ thủ công, thương nhân), trình độ học thức (trí thức, tiểu trí thức), giai cấp, tôn giáo, vùng địa lý (núi rừng, đồng bằng, biển)…vv…Các văn hóa con, một mặt, giữ gìn những giá trị riêng của chúng, mà một số những giá trị riêng này có thể đối lập nhau, giữa các văn hóa con, song mặt khác, chúng vẫn hòa nhập với các giá trị chung, căn bản của cả cộng đồng xã hội (như chống ngoại xâm, phú cường chung, an ninh…). Chính đó là điều mà Marx đã nói đến theo giác độ chính trị học: “Trong mọi thời đại, những tư tưởng của giai cấp thống trị là tư tưởng thống trị”. Và “thống trị” ở đây được hiểu là “ưu thắng”, là chiếm vị trí lãnh đạo.

2.
Nguồn gốc hình thành của văn hóa dân gian


Ở đa số các xứ la-tin, Âu châu và Mỹ châu, từ folklore, trong ngôn ngữ dân gian, được dùng để chỉ những cuộc biểu diễn, những buổi liên hoan ca nhạc và nhảy múa, và trong ngôn ngữ bác học, chỉ sự nghiên cứu văn hóa của nông dân. Ở Hoa Kỳ, từ ấy thường gợi đến những ca sĩ tóc dài hoặc những người chất phát thời xa xưa kể những câu chuyện phần lớn là nhân vật bịa đặt, như gã vô công rồi nghề, anh chàng thóc mách, vv…. Ở Việt Nam, sự phân biệt thành dâm thư, dâm nhạc (tức văn hóa dân gian) hẳn chỉ bắt đầu từ thời Lê Thái Tông trở đi, tức là thời kỳ nho học toàn thắng, trở thành hệ tư tưởng chính thống của quốc gia, nhất là nho sĩ đã trở thành một tầng lớp đông đảo gắn liền với đẳng cấp phong kiến và họ đã là một lực lượng sản xuất những tác phẩm văn hóa với nội dung và hình thức phân biệt với văn hóa dân gian mà từ đó trở về trước vốn là văn hóa chung của cả cộng đồng xã hội. Sự thật, cả đến sau khi đã có sự phân hóa thành văn hóa bác học và văn hóa dân gian thì đường giới cũng chỉ là tương đối, như trong lĩnh vực tín ngưỡng người ta khó tìm thấy đâu là cái bác học. Có lẽ ranh giới giữa dân gian/bác học là ở hình thức và phương pháp nhiều hơn. Có xu hướng cho văn chương bình dân là “nôm na cha mách quẻ”, nhưng cũng trong hàng ngũ nho sĩ từ thế kỷ XII đã xuất hiện thơ nôm (Hàn Thuyên), thế kỷ XIV “Quốc ngữ thi tập” (Chu Văn An), thế kỷ XV “Quốc âm thi tập” (Nguyễn Trãi), thơ nôm Lê Thánh Tông,…vv…

Nói chung văn hóa dân gian được hiểu chủ yếu chỉ là văn chương và thơ ca do bình dân sáng tác bằng ngữ ngôn mẹ đẻ (nôm) là để mua vui trong lúc rỗi rãi hoặc để than thân trách phận.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, việc khảo cứu văn hóa dân gian đã được tiến hành, song đó mới chỉ là những công việc riêng tư của các cá nhân học giả người Việt Nam hoặc người Pháp, chưa có tính cách quốc gia.Các quan niệm về văn hóa dân gian, hoặc để hòa nhập với cách gọi của thế giới là Folklore, dù ở gốc độ hay trình độ nào, cũng cho thấy Folklore là một lĩnh vực rộng lớn của tri thức mà nhiều người biết đến và quan tâm. Hơn thế nữa, mỗi người, tùy theo thế hệ, mà được trang bị tinh thần nhiều hay ít bằng trí thức và tư tưởng của Folklore. Folklore là những thành tựu văn hóa của một chặng đường lịch sử rất dài của mỗi dân tộc: nó kế thừa những hoạch đắc văn hóa của các xã hội trước nó (nguyên thủy và cổ đại) và tích tụ, kết tinh những hoạch đắc văn hóa của các xã hội nông nghiệp từ Trung đại đến Cận đại, tạo nên một cơ tầng văn hóa của một xã hội, và được lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng và trực quan.Về nguồn gốc hình thành folklore, đã có những quan niệm khác nhau.
Trước tiên vẫn là quan niệm của nhà nhân học Anh E.B. Tylor, người đi đầu trong việc nghiên cứu văn hóa. Ông cho rằng những người tiền sử, xem xét vũ trụ theo quan điểm hồn linh, đã phú cho mỗi động vật, cây cối và đá đất một linh hồn và một nhân cách. Những tín ngưỡng ấy dư tồn trong các văn minh sau này ở các tầng lớp thất học và chúng hợp thành tầng cơ bản của folklore.Trong quan niệm của nhà nhân học Anh, có hai điều đáng chú ý.Thứ nhất, ông đã qui chiếu tín ngưỡng hồn linh về thời nguyên thủy, bằng những chiêm nghiệm bản thân (mơ ngủ, sự chết, sự ốm), đã đi tới kết luận rằng sự sống của con người tùy thuộc một yếu tố phi vật chất là linh hồn. Quan trọng hơn là người nguyên thủy đi tới kết luận linh hồn là độc lập với thể xác và bất diệt. Và sức người là vô hiệu, là bất lực trước sư rời bỏ thể xác của linh hồn, tức trước cái chết. Từ đó mà hàng loạt biện pháp ma thuật được ra đời để hoặc cứu vãn linh hồn khi nó đứng trước nguy cơ rời bỏ vĩnh viễn thể xác, hoặc để cầu xin nó khi nó đã đi vào cõi bất diệt với những tính năng mới. Các hành vi cứu vãn và cầu xin đã được thực thi bằng các biện pháp ma thuật thì được thực hiện bằng các hình thức biểu tượng tính, tức các phương tiện văn hóa, giọng cầu xin thành điều xướng, ca, động tác cầu xin (hay xua đuổi ma quỷ) là những chuỗi động tác nhảy múa, sự tái hiện người đã mất thành những mặt nạ, tượng hình nhân…vv… Tình hình này còn thấy ở các bộ lạc Indian dư tồn ở Châu Mỹ thời nhà nhân học Mỹ Lewis Henry Morgan (1818 - 1881) điều tra, mà F. Englels đã thuật lại như sau:“Những bộ lạc khác nhau ấy có những ngày lễ thường kỳ của họ, với một số hình thức lễ bái nhất định, cụ thể là nhảy múa và các trò chơi; đặc biệt nhảy múa là một môn, bộ phận cấu thành chủ yếu của tất cả các nghi lễ tôn giáo; mỗi bộ lạc đều tiến hành riêng những nghi lễ của mình”. (Nguồn gốc của gia đình…,NXB Sự thật, Hà Nội, tr.145).

Đó cũng là thêm chứng cứ để nói tín ngưỡng là một cái nôi cho các biểu thị biểu thượng tính thành hình là những hình thức điển hình diễn đạt mà ngày nay người ta gọi là các loại hình văn hóa, hoặc các phương diện văn hóa.
Tuy nhiên, chỉ nên nói chung là tín ngưỡng, không nên giới định cụ thể ở tín ngưỡng hồn linh, coi thuyết hồn linh là tín ngưỡng khởi đầu, tiếp tục là tín ngưỡng totem, rồi đến thiên nhiên giáo và đa thần giáo, tức một tiến hóa luận đơn tuyến như E.B. Tylor, và đó cũng chính là điểm khiến ông bị công kích nhiều nhất. Người ta đã dẫn ra một số dân tộc cổ xưa nhất đã có quan niệm về một đấng tối cao hữu ngã, và ở những dân tộc ấy, quan niệm hồn linh chỉ có vai trò thứ yếu. Hơn nữa như người xứ Mélanésia trước khi có thuyết hồn linh thì đã có tín ngưỡng vào một sức mạnh huyền bí và vô ngã là “linh khí” (mana)…vv…Cũng chỉ nên hiểu chung là tín ngưỡng thì mới giải thích được sự hình thành các loại hình của folklore ở các dân tộc không có tín ngưỡng hồn linh, hoặc tín ngưỡng ấy đóng vai trò thứ phụ.

Quá trình hình thành của các loại hình folklo là cả một quá trình dài đẵng cùng với quá trình đi từ dụng cụ sản xuất sang công cụ sản xuất, từ ngôn ngữ thành câu (từ Người khéo léo, Homo habilis, của thời đá cũ sang Người chế tác, homo faber, của thời đá mới).
Phái nhân học trường Camdbrige ở Anh đưa ra ý kiến trung tâm rằng huyền thoại – lễ thức là nguồn gốc hình thành của mọi folklore. Như vậy do một câu chuyện huyền thoại đem theo nó và bình giải một tập lễ thức hiến tế cầu sinh sản (phồn thực) ở những người phi đạo. Theo dòng thời gian, huyền thoại tách biệt khỏi lễ thức và trôi bay độc lập, trong truyền thống truyền miệng, thâm nhập, các ba-lát dân gian, các bài hát trẻ em và các loại hình folklore.Quan điểm này thay thế tín ngưỡng hồn linh bằng huyền thoại – lễ thức. Đúng rằng huyền thoại – lễ thức đã là hình thức hoạt động rỗi chính yếu của cả một thời kỳ lịch sử dài đặc là Nguyên thủy và Cổ đại, còn kéo dài cả trong những xã hội nông nghiệp Trung đại sau này, và xoay quanh nó là các hình thức văn hóa khác phát triển. Nhưng như vậy không nghĩa là huyền thoại-lễ thức khác là nguồn gốc hình thành của folklore. Huyền thoại và lễ thức cũng chỉ là hai hình thức văn hóa như các hình thức khác. Chúng cũng được ra đời và hình thành để thực hiện một tín ngưỡng, mà tín ngưỡng đây được hiểu là một cách hành động để có duy trì và phát triển sự sinh tồn. Thí dụ như điêu khắc đã được ra đời để tái hiện hình ảnh tiên tổ làm nơi cho linh hồn họ trú ngụ, đồng thời thỏa mãn lòng thương nhớ, làm nguôi ngơi sự bất lực của người sống trước một qui luật nghiệt ngã tự nhiên (trời đất).Việc thay thế “tín ngưỡng hồn linh” bằng “huyền thoại – lễ thức” không giúp ích cho việc giải thích nguồn gốc hình thành của folklore, tuy nhiên nó đã đóng góp vào sự nói rõ tính kế thừa của folklore đối với các văn hóa nguyên thủy.

Mặt khác, bên cạnh phương thức sinh hoạt văn hóa là lễ thức mà trong đó tập trung và tập hợp nhiều hình loại văn hóa khác nhau, còn là phương thức sinh hoạt hàng ngày: người ta hò hát khi đâm đò, khi giã gạo, kể chuyện khi ươm tơ, quay sợi, hát ví trên ruộng đồng…vv…

Các hình loại văn hóa, dù sáng tạo mới hay tái sáng tạo, là được thai ngén và ra đời vập chững từ đây, để được nâng cao, hoàn thiện trong các lễ hội, nhất là các lễ hội chính của cộng đồng.
Ngoài ra, có xu hướng cho rằng folklore bắt nguồn từ đẳng cấp quí tộc, nghĩa là từ thơ ca cung đình, ký kịch, độc tấu của ca sĩ và những lễ hội của các tầng lớp có của cải, điều kiện và thì giờ tiến hành mà xuống đến nông dân.Sự thật là ngược lại, văn hóa quý tộc bắt nguồn từ văn hóa của nhân dân và chỉ phân hóa thành văn hóa quý tộc ở những thời sau này khi xã hội phân hóa thành đẳng cấp. Và ngay cả khi đã được phân hóa, văn hóa quý tộc cũng vẫn không ngừng chịu ảnh hưởng của văn hóa dân gian. Tuy nhiên, khi văn hóa quý tộc đã hình thành thì nó đã tác động ngược lại đến văn hóa mà nó đã từ đấy mà ra. Thì đó là sự vận động phản hồi của văn hóa được diễn ra hằng xuyên trong các xã hội giai cấp. Nhầm lẫn của xu hướng là đã lấy tác động phản hồi làm nguồn gốc.

Một xu hướng khác của một số nhà nghiên cứu Xô Viết cho rằng folklore nảy sinh từ nhân dân và đó là sự biểu thị những bất bình của nhân dân chống lại sự bóc lột của giai cấp quý tộc và địa chủ.
Quan niệm trên đây có phần đúng: Người ta thấy trong folklore, nhất là trong thơ ca và văn, kể cả truyền miệng và viết, một bộ phận không nhỏ dành cho sự giải bày những thống khổ của nhân dân trong đời sống xã hội: đói kém, túng thiếu, bệnh tật, thuế khóa nặng, lao dịch khổ cực, luân lý khắc nghiệt ràng buộc…v v… Nhưng đó không phải là tất cả những vấn đề trong nội dung của folklore. Người ta còn thấy những tri thức về sản xuất, về ăn ở ngon lành về cư xử trong đời sống xã hội, về nuôi dạy con em, về trang điểm làm đẹp…vv… Do đó quan niệm trên đã tỏ ra cực đoan, phiến diện.

Một vấn đề khác đã từng được các nhà nghiên cứu folklore quan tâm là xuất xứ của folklore. Có phải rằng một hay vài dân tộc nào đó có văn minh sớm hơn đã sáng tạo nên folklore và từ trung tâm ấy folklore được tỏa đi nhập vào các dân tộc xung quanh với tư cách là những nguyên mẫu cho folklore các dân tộc ấy. Cũng đã có quan điểm như vậy. Ấy là nhà ngữ văn học và đông phương học người Đức Theodor Benfey (1809-1881) người có những công trình nghiên cứu xuất sắc về phạn ngữ, cho rằng Ấn Độ, với một văn minh sớm sủa, là xứ gốc của các chuyện có thể gọi là nguyên mẫu. Các chuyện Ấn Độ, với đặc điểm là đầy kỳ diệu, đã nhập vào châu Âu từ những thời tiền sử. Nhiều người tán thành ý kiến ấy và còn cho rằng chuyện Ấn Độ cũng di cư sang cả phương Đông.
Nhưng rồi sau đấy, người ta đã tìm thấy nhiều điểm xuất phát khác nhau của folklore và chúng đã phá vỡ quan điểm của T.Benfey.Cũng phải tránh một cực đoan khác rằng mỗi địa phương nhỏ bé đều có folklore của mình. Vấn đề dẫn đến một sự phân loại dân tộc học ứng với các bậc của folklore Khi hiểu một folklore la một toàn bộ các loại sản phẩm tinh thần mang tính biểu tượng, phản ánh một kiểu thức sinh tồn riêng biệt của một nhóm người, thì cấp dân tộc học tương ứng với một folklore là tộc người, cũng gọi là dân tộc (như tộc người Thái, tộc người Tày, tộc người H’mông, tộc người Việt…vv…). Nói cách khác, các tộc người mới có đủ điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội để sản sinh một folklore hiểu trong tính chỉnh thể của nó.Tính nhiều nguồn phát sinh của folklore đã được xác định, đúng như thực tế đã là thế. Thí dụ thơ “quốc phong” trong kinh Thi là sự tập hợp thi ca dân gian Trung Quốc thời Cổ đại, thì người ta thấy ở đó có ca dao, dân ca của 15 nước hoặc vùng: Chu – Nam, Thiệu Nam, Bội, Dung, Vệ, Cối, Tào, Bân; những nước hoặc vùng thời ấy thường tương ứng với dân tộc. Ở Việt Nam cũng như vậy, người ta thấy có folklore của dân tộc Thái, của dân tộc Mường, của dân tộc H’mông,…vv…

Các folklore sinh ra vào những thời điểm sớm muộn khác nhau hay trùng nhau. Tuy nhiên người ta lại thấy chúng bộc lộ những tương tự về phát sinh và phát triển, dù đó là những dân tộc ở cách xa nhau, chẳng bao giờ tiếp xúc với nhau, như sự hiến tế, các lễ thức ma thuật, các nghi thức thụ môn, sự đếm số…v v…
Người ta thường nói đến tính dị bản của folklore. Ấy là trong khi vận hành đến các nhóm con của dân tộc mà folklore được sửa đổi về chi tiết cho phù hợp với thực tế của mỗi nhóm, và bởi thế không thể coi mỗi dị bản ấy là một nguyên mẫu (bản gốc). Điều này thấy có ở mọi lĩnh vực của folklore: ca nhạc, hội họa, thơ văn, lễ hội.

Tính nguyên mẫu (đại đồng) của folklore nói lên tính ổn định đặc biệt của folklore; tính dị bản (tiểu dị) của folklore lại cho thấy tính sinh động đặc biệt của nó: nó luôn luôn thích nghi với môi trường mới và cả với thời gian mới.
Về phương thức sáng tạo, có hai quan niệm đối lập. Một cho rằng một tác giả vô danh đã sáng tác mỗi chủ đề chính của folklore vào một lúc nào đó, sau này khi tác phẩm đã vận hành thì những chi tiết có thể được sửa đổi, bởi những người truyền bá, cho phù hợp với đặc điểm của địa phương.

Một quan niệm khác thì qui việc tác khúc các bài ca và nhảy múa cho một nhóm người biết ca hát, biết nhảy múa.
Dường như sẽ là hợp lý hơn khi hòa hợp cả hai quan niệm trên đây bằng một tiến trình sáng tạo như sau:- Một người có năng lực sáng tác phác thành tác phẩm (làn điệu ca nhạc, điệu múa, vở kịch, vở kịch cho sân khấu,…vv…), và ở Việt Nam, người ta thường đặc biệt chú ý đến những tiểu tri thức ở nông thôn; tất nhiên vẫn có những người không biết chữ Hán (không phải tiểu tri thức) vẫn là tác giả của những bài vè, ca dao hoặc truyện cười;

- Phác thảo đầu tiên ấy, nhất là kịch bản sân khấu, bài hát, điệu múa, được đưa ra trước những người có năng lực và liên can (họ sẽ phải trình diễn trước công chúng), những người này bổ sung, sửa sang;

- Cuối cùng, tác phẩm được thành hình hoàn chỉnh, và đi vào đời sống xã hội; lại đến lượt đích mỗi địa phương công chúng sửa đổi cho phù hợp với đặc điểm chi tiết của vùng mình.
Sự sáng tác của dân ca quan họ Bắc Ninh đã là một quá trình như trên. (Và cả trong kháng chiến chống Pháp, ở một số đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam, như Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, có một số vở kịch gọi là sáng tác tập thể, kỳ thực cũng được ra đời theo cách tương tự, tức cá nhân sáng tác là yếu tố nòng cốt, và nhóm “nghề” (tập thể) tham gia là thứ yếu, và khi nhận sự bổ sung của tập thể thì vẫn thông qua lăng kính tiếp nhận của cá nhân).Và tình hình trên đây là có tính lịch sử của nó: khi các tầng lớp bình dân trong xã hội đều được học ít, hoặc không được học, năng lực chuyên môn về sáng tạo văn hóa của họ là chỉ nhờ ở sự hiểu biết bằng truyền miệng và trực quan của folklore, sự bổ sung của tập thể có vai trò của nó là sự khắc phục những bất cập của cá nhân.

3.
Các hình loại văn hóa dân gian


Văn hóa dân gian chỉ là một giai đoạn của sự phát triển của văn hóa của một cộng đồng xã hội. Do đó, khi nói các hình loại văn hóa dân gian thì ấy là nói các hình loại văn hóa mà lịch sử đã đạt được từ khi ấy trở về trước, không phải chỉ riêng những hình loại được sản sinh trong đích thời kỳ nông nghiệp phong kiến.Việc phân loại các hình loại văn hóa dân gian cũng gặp những khó khăn do thường bị trùng lặp hoặc bỏ sót (như câu đố có thể được xếp vào văn chương truyền miệng, cũng có thể xếp vào trò chơi). Phần lớn các nhà folklore đã đồng ý chia thành một số loại lớn truyền thống như sau:

- Văn chương truyền miệng;
- Văn hóa vật chất;
- Văn hóa ứng xử;
- Những thành phần lai pha.

3.1.
Văn chương truyền miệng


Các chủng văn chương truyền miệng bao gồm sự diễn đạt nói và hát. Có thể chia chúng thành ba nhóm chính:a. Chuyện dân gian (récits populaires);b. Diễn từ dân gian (discours populaires);c. Khúc hát dân gian (chansons populaires);

a. Chuyện dân gian:

Bao gồm một lĩnh vực rộng lớn trong truyền thống truyền miệng bằng văn xuôi. Có thể chia thành thể loai.

- Huyền thoại: bao gồm một lĩnh vực rộng lớn chuyện truyền miệng. Có thể đó là chuyện kể về những nhân vật sáng thế nhưng không phải là thánh thần. Như Lạc Long Quân và Âu Cơ trong huyền thoại của dân tộc Việt Nam đẻ trăm trứng nở trăm con (loài chim và loài cá đều đẻ trứng) hoặc ông Thu Tha bà Thu Thiên trong “Đẻ đất nước” của tộc Mường, ông Trày bà Trày trong “Khúa kế” của tộc H’mông…, là những nhân vật sáng thế song không có pháp thuật gì linh dị, bí hiểm như các thánh thần sau này.
Nói chung, huyền thoại là những chuyện kể về nguồn gốc, cái gốc gác sâu xa, từ vật tự nhiên là trời đất, sông núi, loài người, cây cỏ, động vật, sự sống, sự chết,…, đến hiện tượng xã hội như xã hội này được cấu thành như thế nào? Sao lại có buông thả này, cấm kỵ nọ? Sao nhóm tộc này phát triển, nhóm tộc kia trì trệ, lụi tàn…vv… Trong các bộ huyền thoại của các dân tộc, người ta còn thấy huyền thoại phát hiện những phạm trù xã hội đối lập như tình thân/sự thù địch, tình riêng/nghĩa chung (Mỵ Châu – Trọng Thủy)… Huyền thoại còn nói về nguồn gốc cái nhỏ: lửa, gió, sấm sét…, hay hình hài một số giống vật (trâu không yếm, hổ không biết trèo); một số giống cây, hay nữa đặc điểm tộc người (người Tây Nguyên không có chữ, cưa răng…). Nguồn gốc do huyền thoại kể bao giờ cũng mang tính diệu kỳ ngây thơ.

- Chuyện thần tiên hay thần tích: là những chuyện về các vị thần; ấy là những hư cấu dân gian với những đoạn dài pháp luật, cũng có thể nhân vật thần tiên là người thật song được linh diệu hóa và trở thành thần tiên. Một số lớn các chuyện được ghi chép trong Việt điện u linh, Nam hải dị nhân thuộc thể loại này. Chuyện thần tiên thường dễ bị lẫn lộn với huyền thoại với pháp thuật, linh biệt giữa tính kỳ diệu của huyền thoại với pháp thuật, linh dị của chuyện thần tiên, cũng như chú ý đến đặc điểm sự tích về nguồn gốc của huyền thoại, như chuyện Sơn Tinh (thần Tản Viên, Chử Đồng Tử - Tiên Dung…). Đó chính là trường hợp thời Cổ đại kế thừa thời Nguyên thủy, nên có thể một chuyện vừa là huyền thoại vừa là chuyện thần tiên trong một tính liên tục lịch sử.

- Truyền thuyết hoặc truyền kỳ: là những chuyện được người ta cho là có thật, song hoàn toàn là bịa đặt có nhiều yếu tố hoang đường và chứa đựng những ám chỉ. Các chuyện như Từ Thức, Tấm Cám, Mỵ Nương, Trương Chi,… thuộc thể loại này. Trong một bộ phận truyền thuyết, nhân vật là thực, nhưng được tô đậm theo cách biến hình hay phóng đại bằng những yếu tố hoang đường, như các chuyện An Dương Vương được nỏ thần, Bà triệu vú dài ba thước, Lê Lợi được kiếm…, về sau này các chuyện như Nàng Ba Đề Thám đứng trên ngựa phi bắn súng trường. Với cái tên truyền thuyết hay truyền kỳ, chủng loại này có thể ôm gồm trong nó cả huyền thoại, thần tích hoặc bất kỳ một chuyện nào dù Nguyên thủy, Cổ đại, Trung đại hay Cận đại, miễn là có yếu tố hoang đường, kỳ diệu.

- Chuyện ngụ ngôn: thể chuyện bằng văn xuôi hay văn vần nhằm minh họa một lời răn dạy; nhân vật có thể là người, cũng có thể là súc vật.
- Chuyện dài: là những miêu tả đầy phiêu lưu mạo hiểm với tính chất hiện thực nhằm đề cao hay phê bình một giá trị đạo đức nào đó (Phạm Công Cúc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Hoàng Trừu,… là những chuyện dài văn vần).

- Chuyện cười: là những hư cấu ngắn, khôi hài, thường thô tục và được kết thúc bằng một nét cay độc, chế giễu, công kích những thói hư tật xấu trong đời sống xã hội.

- Chuyện vặt: một thể chuyện mà tình tiết rất ngắn gọn, với đề tài là một sự lố bịch, đáng cười nhằm thẳng vào một số nhân vật thường là có quyền thế với những khuyết tật ảnh hưởng xấu đến dân chúng. Ở ta thể tài chuyện vặt cổ truyền là vè và các mẩu chuyện nhỏ bằng văn xuôi, cũng có khi là văn vần, được truyền bá bằng miệng

b. Diễn từ dân gian:
Diễn từ dân gian gồm mấy nhóm sau đây:

- Ngạn ngữ hoặc tục ngữ: là những tóm tắt các trí thức trong đời sống tự nhiên và xã hội thành những từ ngữ cô đọng, dễ truyền lan từ miệng này sang miệng nọ; nhóm này gồm: ngạn ngữ, tục ngữ, cách ngôn, châm ngôn, ca dao, phong dao, đồng dao.

- Câu đố: những miêu tả rất vắn gọn đặc điểm hình thái hay tính chất một sự vật bằng cách ẩn dụ hay hoán dụ khiến người trả lời phải vận dụng trí tưởng tượng, hồi tưởng và liên tưởng khi trả lời;

- Diễn ngữ: những lời diễn đạt thay cho cách nói thông thường quá thật thà đến lỗ mãng, vào những dịp chúc tụng vui vẻ hay những dịp chia buồn (như lời mời ăn uống “sơi chén rượu nhạt” “dùng lưng cơm dưa muối”).

c. Ca khúc dân gian:
Được chia làm nhiều chủng nhỏ, một đặc điểm chung đối với ca khúc dân gian là chúng thường liên kết chặt chẽ lời ca với giai điệu.

- Chuyện hát: thể chuyện dài hay vừa, bằng văn vần, cũng có chỗ xen kẽ vài câu văn xuôi ngắn gọn, phổ thông ở nước ta, trong mọi tộc, hồi đầu thế kỷ XX trở về trước, thường là một thành phần của lễ thức ở đình, đền, vào dịp hội ở các gia đình vào dịp lễ trọng như tang, cưới, khao. Đó là những câu chuyện về sự tích các thần thánh (lễ thức ở gia đình, hoặc nữa là những chuyện lịch sử xã hội từ xa xưa đến hiện kim (như các phường xẩm thường hát ở bến đò, cổng chợ).

- Ca khúc trữ tình: diễn tả một cảm xúc thành giai điệu âm nhạc, và các ca khúc này, ta thường gọi là làn điệu, có đời sống tự lập để quần chúng đặt lời phù hợp với chúng mà sử dụng tùy theo trạng thái cảm xúc của mình (như kể sa mạc lúc thư nhàn) và cũng làm làn điệu cho các chuyện hát. Các làn điệu dân ca được xếp vào thể loại này (quan họ, ví, giặm, xli…vv…).

- Bài hát trẻ em: một thể loại truyền miệng với hai yếu tố chính là lời hát và điệu hát. Đặc điểm căn bản của lời hát và điệu hát là tính phi lý (tính vô nghĩa) và điệu hát đơn giản, thiên về tiết tấu cũng đơn giản và tự do dường như nó chỉ cốt giúp cho đứa trẻ từ tuổi thứ ba trở lên phát triển chức năng của cơ chế, và sau này khi đứa trẻ lớn hơn, các bài hát lại là một thành phần của một trò chơi nào đó.

3.2.
Văn hóa vật chất


Trong khi các thể loại truyền miệng chỉ tồn tại trong trí nhớ người, thì ở một đầu cực khác, văn hóa vật chất tồn tại ở những sản phẩm hữu thể và hữu hình, bao gồm:a. Kiến trúc;b. Các nghệ thuật tạo hình;c. Mỹ nghệ.

a. Kiến trúc

Tức là sự xây dựng nơi cư trú của nhân dân và các công trình công cộng.
Làng là đơn vị cư trú sơ bản (ở miền núi là bản, buôn). Làng được cấu thành trên một khu vực gọi là thổ cư (đất ở) nằm trong phạm vi đền thổ chung của cả làng. Làng thường không có hình dạng kỷ hà nhất định, nó phát triển theo sự phát triển tự nhiên của dân số. Xung quanh làng có hàng rào cây xanh (tùy nơi là dừa, tre…), bao bọc bảo vệ sự sinh tồn trên nhiều phương diện: an toàn xã hội, an toàn sinh học và thẩm mỹ. Làng mang nặng tính chất lệ thuộc tự nhiên của phương thức lao động thủ công và tính tự phát của kinh tế tiểu nông, tức là dựa phần lớn vào điều kiện tự nhiên và điều kiện của mỗi hộ gia đình nông dân, nên nói chung là không có quy hoạch tổng thể, nhất là về giao thông và cấp thoát nước, một lý do của cảnh bùn lầy nước đọng và thời 1558, thời Lê Anh Tông, có qui hoạch xây dựng làng theo hình cá chép, bố cục thành từng giong cách nhau 60 mét một, mỗi giong có cổng, đêm đóng, nhưng không phải làng nào cũng thực hiện được.Các công trình kiến trúc trong làng có thể chia hạng như sau:

- Chùa;
- Đình;
- Văn chỉ hoặc văn miếu (thờ Khổng Tử và 72 Tiên Hiền);
- Đền;
- Cây hương;
- Quán (điếm canh nước lũ hoặc canh đồng điền, đồng thời là nơi nghỉ dừng chân đi đường hay dừng tay làm đồng)
-Quán chợ;
- Nhà ở của tư nhân.

Mỗi hạng công trình trên đều có lề lối kiến trúc riêng khiến người ta dễ dàng nhận ra ngay mỗi hạng loại trong chúng. Và nhìn chung, chúng vẫn có những đại thể tương tự khiến phân biệt dễ dàng một cách hữu hình một dân tộc, hoặc mỗi miền, có khi mỗi vùng.

b. Hội họa và tạo hình

Gồm nhiều dạng, chia thành ba nhóm:

- Nhóm trang trí thường trực trong và ngoài nhà (cả tư nhân và công cộng), tranh vẽ, tượng trạm trổ trên tường và các bộ phận gỗ mái nhà, chữ viết (câu đối, hoành phi khắc vào tường, gỗ và giấy…);

- Nhóm trang trí theo dịp: đồ mã chiếm vị trí ưu thắng (đèn lồng, đèn xếp, hoa giấy…) và đồ thêu may (cờ, quạt, tàn tán, lọng, áo quần, giày mũ nghi thức…);

- Nhóm đồ chơi trẻ em: gồm nhiều chủng được kết hợp từ sự lai pha nhiều môn nghệ thuật: đồ mã vừa khắc trạm trổ vừa đắp nặn như ông phỗng, tiến sĩ giấy, mặt nạ, tượng đất nung, đầu lân, đầu rồng, đèn giấy nhiều hình kiểu khác nhau, con giống màu bột gạo…vv…

c. Mỹ nghệ:

Là các nghề làm tại nhà, thường là nghề phụ bên cạnh nghề chính là nông nghiệp theo các kiểu mẫu truyền thống và các phương pháp cổ truyền. Một số lớn đồ dùng bằng mây, tre, lá, gỗ, đá, sành, gốm, đồng, vải, kính…, là thuộc chủng này, và chúng tham gia sự trang trí thường trực trong mỗi gia đình bình dân cũng như tầng lớp trên. Khuynh hướng thực dụng của mỹ nghệ là đặc điểm chính để phân biệt nó với mỹ thuật. Do tính cách kép đôi của nó (thực dụng và thẩm mỹ) cũng có thể xếp lề lối phục trang, tô điểm con người vào mỹ nghệ. Ấy là sự chế tác các đồ mặc (các thứ quần áo và phụ tùng), các đồ đội (nón, mũ), các đồ đi (giầy, dép, guốc), các đồ trang sức (nhẫn, vòng, phấn, sáp). Trang phục có hai dạng vẻ chính: trang phục thông thường hằng ngày và trang phục dịp nghi lễ; và về phương diện xã hội là trang phục của các tầng lớp dưới. Chúng được phân biệt không những ở chất liệu, tốt, xấu, cũng còn ở cả kiểu lối và mô típ trang trí.

3.3.
Văn hóa ứng xử


Bao gồm ba thành phần khuôn mẫu ứng xử:

a. Những khuôn mẫu thông thường, tức những hành vi được định thức hóa trong sự ứng xử giữa các vai trò xã hội trong đời sống hằng ngày.
b. Những khuôn mẫu đặc biệt, tức những nghi thức đặc biệt đối với các đối tượng đặc biệt, ấy là các Lễ - Tết – Hội.
c. Một khu vực thường tránh được nói đến là những khuôn mẫu ứng xử trong tình dục, song dù muốn hay không chúng vẫn bộc lộ một trình độ nhất định văn hóa, và do đó mà có tác động hiển nhiên đến sự phát triển xã hội (như sự gia tăng không kiểm soát được về dân số, nạn hữu sinh vô dưỡng).Các thành phần trên hợp thành nếp sống (phong hóa) của một xã hội và được coi là một yếu tố quan trọng của văn hóa.

3.4.
Những thành phần lai pha


Là các loại hình đứng ở giữa văn chương truyền miệng và văn hóa vật chất. Chúng chứa đựng một hành động, một sự dàn dựng và những phụ tùng diễn tả. Có thể chia chúng làm bốn:- Nhóm nghệ thuật dân gian.- Nhóm các trò chơi.- Nhóm các cảnh diễn.- Nhóm kỹ thuật nấu nướng.

a.
Nhóm nghệ thuật dân gian: bao gồm nghệ thuật hát múa, nghệ thuật sân khấu và tạp kỹ.

- Nghệ thuật hát múa: có hai thể loại: thể loại biểu diễn và thể loại sinh hoạt.
Biểu diễn ở đây được hiểu là biểu diễn để trước hết phục vụ cái linh thiêng (vả chăng đây cũng là đặc điểm của hầu hết các hình loại văn hóa dân gian: một thành phần của lễ thức). Như múa hát đưa linh, múa hát xoan đúm ả đào (hát bỏ bộ), múa hát đồng bóng, múa hát trừ tà trục quỷ (trong đám tang, chữa bệnh…), múa lân, múa tứ linh, múa rồng…Một khi đã có múa biểu diễn thì phải có múa sinh hoạt, vì múa lễ thức là hình thức điển hình của múa sinh hoạt, nhưng đến nay không bảo lưu gì được ở tộc Việt. Nhảy múa sinh hoạt (khiêu vũ) chỉ còn thấy lẻ tẻ rải rác ở một số tộc như H’mông (múa khèn), Thái (múa xòe, sạp).Nghệ thuật múa ở ta ra đời sớm, từ thời tiền sử: trên trống đồng đông sơn, có khắc những cảnh chèo đưa linh và trên những di vật khác như tượng đồng thuộc cùng thời.

- Nghệ thuật sân khấu gồm:

+ Chèo:
một thể loại nghệ thuật sân khấu (chủ yếu của đồng bằng Bắc bộ), lấy ngôn ngữ cách điệu, hát và múa làm phương tiện biểu hiện. Đề tài là những câu chuyện đạo lý rút tỉa từ đời sống của bình dân; nội dung thiên về trữ tình êm dịu với phong cách nghệ thuật mang tính mô phỏng hiện thực. Như tên nó, chèo có gốc gác xa xôi là những làn điệu hò hát và động tác khi chèo đò – tức thuở một bộ phận của cộng đồng tộc Việt còn sống bằng đánh cá là chính. Hẳn là khi sản xuất trồng trọt bắt đầu thì “chèo nước” đã theo những người trồng trọt mà được thực hành trên đất liền nên có một biến thức là “chèo cạn”. Còn như gốc gác gần hơn, trực tiếp hơn của chèo có thể là những cảnh múa hát lễ thức (chèo đưa linh, hát bỏ bộ…)

+ Tuồng:
cũng như chèo, tuồng là một thể loại nghệ thuật sân khấu lấy ngôn ngữ cách điệu, hát và múa làm phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nhưng nếu như đặc thù về tính chất nội dung của chèo là trữ tình êm dịu thì của tuồng lại là bi tráng, phong cách diễn tả là biểu hiện chủ nghĩa (dùng hóa trang, phục trang, điệu bộ và gia điệu đặc cách hóa theo lối biểu tượng pha trộn với mô phỏng để diễn trạng thái nội tâm). Đề tài khi lấy từ lịch sử (Trung Quốc hay Việt Nam) thì gọi là “tuồng pho”, nếu đề tài lấy từ đời sống hằng ngày thì gọi là “tuồng đồ”.
Tuồng vốn là nghệ thuật sân khấu Trung Quốc có nguồn gốc từ những cảnh diễn lễ thức bằng roi, côn từ thời Chu (trước công nguyên), phát triển trong thời Đường, đến nhà Nguyên (Hốt – Tất – Liệt, 1280-1294) giao lưu với tuồng của Mông Cổ. Theo Đại Việt sử ký, tuồng du nhập nước ta sau khi nhà Trần đánh Toa Đô (1285) bắt được kép hát giỏi là Lý Nguyên Cát. Quá trình tuồng đi vào đời sống của xã hội ta cũng là quá trình nó được canh cải cho phù hợp với điều kiện mới và trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển trong khí hậu chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội Việt Nam, tuồng đã trở thành một nghệ thuật dân tộc, dù nó không phải cổ truyền.

+ Cải lương: một thể loại nghệ thuật sân khấu của Nam bộ, lấy hát làm phương tiện biểu hiện chính yếu, trừ hát ra, cải lương sử dụng ngữ điệu, động tác gần gặn với kịch nói, chỉ cách điệu đôi chút. Cải lương thích hợp với đề tài tâm lý xã hội, thiên về trữ tình buồn (đã từng có ý kiến cho là bi lụy). Theo sự nghiên cứu ngày nay, cải lương bắt nguồn từ một giai điệu do một nghệ sĩ dân gian sống cách đây ngót một trăm năm sáng tác nhân cảnh ngộ éo le của ông: vợ chồng ông rất yêu thương nhau, nhưng do tập quán gia đình ác nghiệt và cổ hủ của nếp sống cũ, vợ chồng ông phải bỏ nhau. Ông xót thương số phận không may của vợ bèn mượn tâm tình của vợ làm thành điệu “vọng cổ hoài lang” (nghe tiếng trống điểm canh tưởng nhớ đến chồng). Lúc đầu người ta hát vọng cổ trong các phòng ban, rồi từ đó phát triển thành nghệ thuật sân khấu.

+ Múa rối: một thể loại nghệ thuật dùng quân rối kể lại câu chuyện. Người ta thường chia nghệ thuật múa rối thành hai chủng: múa rối nước, tức là dùng mặt nước làm sân khấu, và múa rối cạn dựng sân khấu trên mặt đất. Múa rối thích hợp với các đề tài ngộ nghĩnh, vui nhộn, mang tính ngụ ngôn hay ẩn dụ. Do vậy múa rối đặc biệt thích hợp với thiếu nhi.
Ta thường nghe nói “phường chèo leo dây múa rối”, câu nói ấy cho biết nhóm nghệ thuật ngày xưa là phường chèo đã có khả năng thực hành ba môn nghệ thuật: hát chèo, làm một số trò tạp kỹ (leo dây) và múa rối.

Cho đến nay ta vẫn chưa thể xác định ngạn ngữ trên được đưa vào thời kỳ lịch sử nào, và lại càng không thể xác định được múa rối ra đời từ bao giờ.
Người ta cũng còn dùng con rối để diễn trên không trung: buộc rối vào diều sáo, và rối cử động theo gió; nhiều nơi làm rối bằng pháo hoa (cây bông) trong các đêm hội làng – pháo nổ ra thành những cảnh xay lúa, giã gạo, đánh vật, có khi là một vài pha trong tích chèo, tuồng như Triệu Tử Long phò A Đẩu, Quan Công khán binh thư, Gia Cát cầu phong…

Còn như “leo dây” thì đích là cái ngày nay người ta gọi là tạp kỹ, thông thường hơn, là xiếc. Tạp kỹ dân gian của ta, ra đời trong xã hội nông nghiệp nên các trò của nó chỉ chủ yếu là trò thăng bằng và trò thủ sảo (khéo tay hay mắt)

.
b. Nhóm các trò chơi: trò chơi của người lớn và trẻ em, trong đó chia ra:

- Trò chơi thể lực (rèn luyện sức khỏe).
- Trò chơi khéo léo (rèn luyện chức năng cơ chế).
- Trò chơi trí tuệ (rèn luyện phương pháp).
- Trò chơi tính cách (rèn luyện thái độ ứng xử).

c.
Nhóm cảnh diễn: Hỗn hợp trong nó nhiều chủng loại khác nhau của văn hóa để tạo thành cảnh diễn (Spectacle là yếu tố cấu thành các lễ - tết – hội). Hội làng, lễ cưới, lễ tang, lễ kỳ đảo, giỗ gia tiên, tết nguyên đán…, tất thảy đều được tiến hành theo một xênario truyền thống, nghĩa là theo một kịch bản qui định một chuỗi những cảnh diễn liên tiếp. Các lễ, tết, hội là một phương diện sinh tồn quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội nông nghiệp, chúng đáp ứng nhu cầu tâm linh và giao lưu đại chúng

.
d. Nhóm kỹ thuật nấu nướng: kỹ thuật nấu nướng là sự đổi khác phương thức chế biến cùng một nguyên liệu để tạo nên sự ăn uống ngon và lành (hợp vệ sinh), thích hợp với khẩu vị từng trường hợp. Nếu như văn chương, hội họa, nhạc…vv…, tạo nên sự khoái cảm tâm hồn thì các món ăn tạo nên sự khoái cảm vật chất. Có thể do vậy người ta gọi kỹ thuật nấu nướng ở trình độ tinh tế là nghệ thuật nấu nướng. Nhóm này cũng có nhiều cách phân loại. Ở đây, chia thành ba dạng chính: thức ăn, thức uống và thức hút.Thức ăn được chia làm hai dạng nhỏ:

-Thức ăn chính: gồm các thức ăn để no, dùng trong các bữa chính, như cơm, các món xào, nấu, luộc,rán…
- Thức ăn phụ: gồm các món ăn tráng miệng, tức ngay sau bữa ăn chính và ăn “chơi”, tức “ăn tiêu khiển”, hoặc “ăn quà” với các món thích hợp từng buổi trong ngày, gồm bánh ngọt, chè ngọt, hoa quả, cây củ…Thức uống cũng được hình thành ba dạng nhỏ:
- Thức khai vị: gồm các thứ rượu cất bằng ngũ cốc hay hoa quả;
- Thức giải khát: gồm các thứ nước ngọt chủ yếu được chế biến từ hoa quả và cây củ;
- Thức uống tiêu khiển: như các thứ trà, cà phê, cũng có khi là thứ rượu phổ thông.

Thức hút, ba thứ thuốc lâu đời ở Việt Nam là thuốc lào, thuốc lá, và thuốc phiện. Thuốc lào là phổ thông ở miền Bắc; thuốc lá ở miền Trung, Nam; thuốc phiện ở các vùng cao Bắc bộ.

Một thứ khó xếp loại là “trầu” với truyền thuyết nổi tiếng là sự tích Trầu Cau. Ở Bắc Bộ thời trước khởi nghĩa Tháng Tám, mọi người, dù quyền quý hay bình dân đến tuổi thiếu niên là biết ăn trầu. Trầu đã có vai trò lớn khi giao tiếp xã hội.

Nếu phân loại theo chức năng (dinh dưỡng, kích thích) thì các thứ thuốc hút và trầu thuộc loại kích thích, nhưng là kích thích sự say sưa ngây ngất, không phải kích thích sự tiêu hóa.
Ta đã vẽ đại lược một toàn cảnh các hình loại và thể loại của văn hóa dân gian trên cả một quá trình dài kế thừa và giao lưu.Toàn cảnh ấy, cùng với văn hóa bác học, tạo nên quang cảnh môi trường văn hóa của các thế hệ nhân dân thời tiền công nghiệp.

4.
Các chức năng của văn hóa dân gian


Chức năng tìm nguồn gốc

Nguồn gốc thế giới là thế nào? Ai đã sinh ra trời, tinh tú, đất, nước, con người cỏ cây, động vật? Cái gì có trước? Người khi chết đi vào hư vô vĩnh viễn hay có một cõi nào dành riêng? Linh hồn là cái gì mà khi nó rời bỏ thể xác là con người chết?...vv…
Trong hầu hết các huyền thoại, người ta đều bắt gặp những giải thích về nguồn gốc. Nếu ở Kinh Sáng Thế của các dân tộc Trung Cận Đông là Chúa Trời sinh ra ông AĐam và bà Eva để từ đấy loài người sinh sôi thì ấy là nó đã giải thích nguồn gốc loài người là từ phối ngẫu giữa nam/nữ mà thượng đế, tức cõi tự nhiên, là đấng sáng tạo uyên nguyên.“Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất. Và đất là vô hình trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực. Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. Đức Chúa Trời phán rằng: phải có sự sáng; thì có sự sáng. Đức Chúa Trời thấy sáng là tốt lành bèn phân ra sáng cùng tối. Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhất (…)Đức Chúa Trời phán rằng: chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và như tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất (…). Ngài dựng nên người nam cùng người nữ…” (Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước, Thánh kinh hội xuất bản, Sài gòn 1971, tr.1-2).

Một đoạn trong “Quắm tô mương” (truyện kể bản mường) của nhóm Thái đen Tây Bắc Việt Nam.
“Thuở ấy, trời sinh ra mới nhú lên bằng hoa nấm đất mới chụm lại thành ba cột. Từ miền bảy quả đồi, miền chín ngọn nước, miền Mường Ôm, Mường Ai, Mường Lò ngoài vòm trời, nước chảy tụ vào miền Sông Đà, Sông Thao nước đỏ gặp nhau.Then lớn cử bầy chúa đều là người gần trời đem con cháu gồm có giống Xá, có năm giống Thái xuống ăn đất trần gian để dựng bản lập mường. Nhưng loài người lúc ấy còn dại lắm. Có bản không biết lập mường. Có mường không biết lập tạo. Họ từng bầy từng đàn lang thang khe rừng khe suối. Nhà cửa chưa biết làm; đến tối họ gặp đâu ngủ đấy, nay gốc cây mai hang đá. Họ kiếm được gì ăn nấy, Ăn sống không cần chọc tiết, ăn thịt tươi không biết tanh hôi. Thế mà người họ vẫn khỏe, thân rắn như đồng như sắt, chân chạy nhanh thì bắt được hươu, tay vơ vội được chim, được sóc. Họ không có quần áo che thân, trần truồng như bầy thú. Họ không biết nên vợ nên chồng, ăn chung ở đụng. Con đẻ không biết bố, người lớn lên không biết dòng họ. Thực là “hỗn độn không cùng giống, vạn người không cùng bản”; làm sao dựng nên trần gian được. Then đành phải gọi hết về trời” (Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc thái, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.48-49).

Chương “Đẻ đất” của tộc Mường kể:

Muốn biết chuyện có đất đỏ đất nâu
Phải bảo nhau ngồi nghe ngồi lắng.
Trông trời, trời nên vành vạnh
Nhìn xa ngó quạnh
Bốn bên đều trống rỗng
Đồn, đồn, đồn rằng
Có một năm mưa dầm mưa dãi
Năm mươi ngày nước thảy
Bảy mươi ngày nước tha
Nước rút dọc có lối ra
Nước rút ngang có lối tránh
Mọc lên một cây xanh xanh
Cây xanh xanh có chín mươi cành
Cành chọc lên trời lá xanh biết cựa
Thân trên mặt đất, thân cây biết rung
Cành bung xung có tiếng đàn bà con gái
Cành chọc lên trời biến nên cật đứa cái.
Là ông Thu Tha
Cành bung xung biến nên cật con đứa con gái
Là bà Thu Thiên
Ông Thu Tha, bà Thu Thiên
Ra truyền: làm nên đất nên trời
Ra truyền: làm nên đôi nên lứa
Truyền cho:
Con gà có cựa, dây dưa biết leo,
Cây pheo có gai có ngọn…”

(Tẻe Tất Tẻe Rác, tức Đẻ đất đẻ nước, tuyển tập truyện thơ Mường, sở Văn hóa Thanh Hóa, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, t.I, tr. 30 - 32).

Huyền thoại của tộc H’mông trong bài hát “Chỉ đường” cho người mới chết (Khúa kê – Kruôz cê), kể rằng:

“Ngày xửa xưa ai sinh ra mặt đất

Ai tạo ra bầu trời
Kể rằng:
Ngày xửa xưa, bà Trày tạo ra mặt đất
Ông Trày tạo ra bầu trời
Ông Trày làm trong vài ba năm
Làm được đủ mặt đất
Ông Trày làm xong ra chỗ chân trời ngó ngó
Ông Trày làm đoạn ra chỗ chân trời nhìn nhìn
Thấy bà Trày làm được mặt đất rộng thật rộng
Ông Trày làm được bầu trời hẹp thật hẹp
Mặt đất rộng hơn bầu trời
Ông Trày bảo bà Trày rằng:
- Mình làm được mặt đất rộng
Ta làm được bầu trời hẹp
Mình dồn đất cho khớp với trời ta
Bà Trày mới dồn mặt đất cho khớp với bầu trời
Vậy mặt đất mới nhô lại co thành núi cao
Mới lõm sâu thành biển, hồ, thung lũng.
Lồi nhô lõm sâu nhăn như nếp váy
Lõm sâu lồi nhô nhăn như nếp áo…”

(Dân ca H’mông, NXB Văn học Hà Nội 1984, tr. 316).

Ngoài sự tìm nguồn gốc cái chung, cái lớn, huyền thoại còn tìm nguồn gốc cái “nhỏ” mà dân tộc Thái gọi là cái “nọi” như khi nói về nguồn gốc của lửa.

“Nhờ mày lên xin lửa của Then
Nhờ mày lên xin lửa của Trời”

Tương tự Prométhée trong huyền thoại Hy-La ăn cắp lửa của Jupiter để thổi sinh khí vào con người bằng nặn phù sa.
Huyền thoại bao giờ cũng nói cái gì đó sinh ra như thế nào, và đó cũng là tình hình phổ thông của huyền thoại ở mọi nơi trên trái đất. Trong khi thực hiện chức năng tìm nguồn gốc, huyền thoại đồng thời phát hiện những phạm trù xã hội cũng tự nhiên. Prométhée với ngọn lửa đánh cắp về, là anh hùng sáng tạo sự sống, đã bị xiềng trên đỉnh núi cho quạ rỉa gan; phạm trù sáng tạo hy sinh vẫn theo đuổi loài người đến nay và hẳn là còn dài lắm về sau…vv…

Bằng những biểu tượng về nguồn gốc, huyền thoại đem đến cho con người của mọi thời kỳ lịch sử những cảm thức về quá khứ, cũng như ý thức về tính đồng nhất, tính thống nhất xã hội.
Sau huyền thoại, các loại thể văn chương tiếp tục trên con đường ấy, nhưng không phải sự tìm nguồn gốc ban sơ nữa, mà những nguồn gốc của sự tiếp tục: tìm nguồn gốc xã hội và tự nhiên của thế giới bên trong cũng như của những hành vi người.

Chức năng tưởng tượng

Tưởng tượng là sự suy tưởng, mà điểm tựa là hiện thực của đời sống đang diễn ra, nhằm vượt thoát khỏi tình trạng hiện thời, vượt khỏi những quy định tự nhiên và xã hội đang hạn chế sự thỏa mãn các nhu cầu sống. Sự vượt thoát ấy chỉ có thể được thực hiện với nhiều điều kiện, mà sự hữu thức về nó là một điều kiện tiên quyết.
Trong các thể loại văn chương truyền miệng hay nghệ thuật sân khấu, nhất là những tác phẩm được sản sinh trong các thời kỳ xã hội có giai cấp, người ta luôn bắt gặp con người được đem tới thế giới thần tiên, một thế giới ít khổ lụy, nhiều hạnh phúc. Người con gái quê mùa lấy hoàng tử giàu sang phú quý và đầy tốt bụng, lòng nghĩa hiệp khoan dung của thần, Phật, nhưng ông quan công bằng bác ái…, đó là những vượt thoát khỏi tình trạng xã hội hiện hành. Những mưa thuận gió hòa, hài ngàn dặm, thuốc tràng sinh, hạt “kim đan” bằng hạt vừng đủ để sống mạnh khỏe và không phải cặm cụi làm việc suốt đêm ngày…vv…, là những vượt thoát về đời sống tự nhiên.Bằng vô số nhân vật của mình, folklore còn bứt con người ra khỏi những quan hệ xã hội khắc nghiệt buộc họ vào một tình cảnh cay đắng. Nó phá hủy những cấm kỵ xã hội, nó gieo mầm sự dân chủ xã hội: gã hầu dạy bảo hay xỏ xiên vị quan lớn, lỡm đùa bà lớn đài các, chú hề đồng dạy chữ nghĩa thánh hiền cho thầy đồ, cậu khóa.

Chức năng định giá trị

Giá trị ở đây được hiểu là các mục tiêu trong đời sống của một cộng đồng xã hội.
Văn hóa dân gian nói đến hàng ngàn vạn những nhân vật có công tích lớn hay nhỏ đối với cộng đồng dân tộc bằng mọi phương tiện của nó; văn chương, nghệ thuật, đài tượng, miếu mạo, lễ hội,…, ấy là những nhân vật xa lạ với thế giới mê tín, họ góp công tích vào sự tồn tại của cộng đồng trên các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Họ trở thành những biểu tượng của dân tộc hoặc của một vùng. Họ tồn tại lâu dài bởi họ là hiện thân của các giá trị, mà các giá trị này thì được văn hóa dân gian chuyên chở vào đời sống xã hội bằng mọi hình thức nó có; đền, lăng, lễ hội…vv…

Chức năng sư phạm

Ấy là sự hướng dẫn, khuyên bảo cụ thể những điều thích đáng, nên làm trong đời sống tự nhiên và xã hội. Một bộ phận lớn của văn hóa dân gian (cách ngôn, châm ngôn, tục ngữ, ngụ ngôn) được dành vào việc phổ biến những tri thức hành động. Chúng trở thành một bộ phận cấu thành tri thức của nhân dân, đến mức bất kỳ ai, dù có học vấn của nhà trường, cũng đều được trang bị từ hàng chục đến hàng trăm tri thức về mọi ứng xử trong đời sống xã hội, ăn uống trang phục… Với chức năng này, văn hóa dân gian thực sự đã làm công việc của một nhà trường truyền miệng trong những thời kỳ dài dặc mà trên 90% số dân chìm đắm trong nạn mù chữ.

Chức năng kiểm tra xã hội

Với chức năng sư phạm, văn hóa dân gian đề xuất những qui tắc hành động thích hợp thì với chức năng kiểm tra xã hội, nó nhấn mạnh sự cần thiết phải ứng xử xã hội thích hợp, nó ngăn ngừa những xu hướng lệch chiều xã hội bằng cách: bộc lộ sự khinh bỉ, tức giận và chê cười những gì xa rời các chuẩn mực đã được nhân dân thừa nhận. Cách này đã sản sinh những câu chuyện vặt. Chuyện cười, chuyện dài chế giễu những kẻ cẩu thả, lười biếng, biển lận, khoe khoang, nịnh hót, tàn ác, tham lam…vv…
Bên cạnh văn chương truyền miệng, là những sản phẩm văn hóa hữu thể như tranh, tượng, nghệ thuật sân khấu. Khi bài xích như vậy, văn hóa dân gian ngầm ca ngợi những ứng xử phù hợp với chuẩn mực được số đông thừa nhận và phù hợp với tiến bộ xã hội.
*
* *
Khi hiểu văn hóa dân gian là biểu hiện của sự vận hành của văn hóa chính thống ở tầng cấu trúc sơ đẳng của xã hội thì điều ấy cũng có nghĩa là trong các xã hội có giai cấp sau xã hội nông nghiệp phong kiến vẫn có sự biểu hiện tương tự, song nó được gọi bằng một tên khác và với những đặc điểm riêng, thí dụ trong các xã hội công nghiệp.Việc nghiên cứu nó là thuộc về xã hội học văn hóa.
Vanhoahoc.edu.vn
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Văn học dân gian trong đời sống văn hóa hiện đại hiện nay ở nước ta đang diễn ra như thế nào nhỉ ?

Làm thế nào để kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian và văn hóa đương đại ?
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Xã hội ngày càng phát triển, thời của mình nằm giữa VN xưa và VN hiện đại nên những ký ức tuổi thơ mình không bao giờ quên. Mỗi lần bắt gặp lại hình ảnh trò chơi dân gian là mình thấy chạnh lòng. Đa số trẻ con bây giờ toàn chơi với computer
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top