Về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)
Nước bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học như thế nào?
Ô nhiễm nguồn nước bởi thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học là hiện tượng phổ biến trong các vùng nông nghiệp thâm canh trên thế giới. Trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học, một lượng đáng kể thuốc và phân không được cây trồng tiếp nhận. Chúng sẽ lan truyền và và tích lũy trong đất, nước và các sản phẩm nông nghiệp dưới dạng dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Tác động tiêu cực khác của sự ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và phân bón là làm suy thoái chất lượng môi trường khu vực canh tác nông nghiệp như phú dưỡng đất, nước, ô nhiễm đất, nước, giảm tính đa dạng sinh học của khu vực nông thôn, suy giảm các loài thiên địch, tăng khả năng chống chịu của sâu bệnh đối với thuốc bảo vệ thực vật.
Ô nhiễm đất do hóa chất BVTV :
Các loại hóa chất BVTV thường là những hóa chất độc, khả năng tồn lưu lâu trong đất, tác động vào môi trường đất, sau đó đến sản phẩm nông nghiệp, đến động vật và người, theo kiểu tích tụ, ăn sâu và bào mòn. Do việc sử dụng, bảo quản chưa đúng quy định nên đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và nông sản gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
- Ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật: Thuốc bảo vệ thực vật có đặc điểm rất độc đối với mọi sinh vật; tồn dư lâu dài trong môi trường đất- nước; tác dụng gây độc không phân biệt, nghĩa là gây chết tất cả những sinh vật có hại và có lợi trong môi trường đất. Theo các kết quả nghiên cứu, hiện nay, mặc dù khối lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở Việt nam còn ít, trung bình từ 0,5-1,0 kg ai/ha/năm, tuy nhiên, ở nhiều nơi đã phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong đất.
- Ô nhiễm môi trường không khí
Theo nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, khi phun thuốc BVTV để trừ dịch hại ngoài đồng ruộng thì chỉ có 5 - 7% lượng thuốc tham gia trực tiếp vào quá trình tiêu diệt dịch hại, còn 93 – 95% bị rửa trôi vào nguồn nước, thẩm thấu vào đất canh tác gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và tiêu diệt các loài vi sinh vật có ích. Mặt khác, khi phun, thuốc bị khuếch tán vào trong không khí và nhờ gió và mưa sẽ di chuyển đến nhiều vùng khác nhau.
Tác hại
Khi phun thuốc BVTV trên đồng ruộng không chỉ tiêu diệt các loài sâu, bệnh, cỏ dại... gây hại cây trồng mà còn tiêu diệt các loài thiên địch có ích (thiên địch là những côn trùng hoặc nhện... lấy sâu hại làm thức ăn hoặc ký sinh sâu hại như các loài ong mắt đỏ, ong đen kén trắng ký sinh trứng và sâu non của một số loài sâu hại, bọ cánh cứng 3 khoang ăn các loài sâu hại, bọ xít nước ăn rầy nâu, nhện lưới bắt sâu...); đa số các loài thiên địch bị tiêu diệt trước và chết nhiều hơn do chúng dễ mẫn cảm với thuốc BVTV hơn nhiều so với các loài sâu hại. Bên cạnh đó, các loài sâu hại sau khi bị phun thuốc, những cá thể còn sống sẽ phục hồi quần thể nhanh hơn nhiều so với các loài thiên địch vì các loại thuốc BVTV hiện nay không thể tiêu diệt được hết các loài sâu, bệnh khi phun trên đồng ruộng (hiệu quả của thuốc BVTV chỉ đạt từ80 – 85%). Vì vậy, ở những nơi nào người dân dùng nhiều thuốc để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại lúa hoặc các cây rau mầu khác... thì ở chính những nơi đó sẽ thường xuyên bùng phát dịch sâu bệnh vào những vụ và năm sau do thiên địch chưa kịp hồi phục để đủ sức khống chế sâu hại. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật sẽ gây hiện tượng sâu hại quen thuốc dẫn đến kháng thuốc và chống thuốc. Vì vậy, những vụ và năm sau muốn tiêu diệt sâu bệnh hại người dân lại phải tăng nồng độ và liều lượng các loại thuốc BVTV dẫn đến hiện tượng lượng thuốc BVTV tăng dần qua các năm trên cùng đơn vị diện tích. Điều đó gây tốn kém về kinh tế, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, dư lượng các loại thuốc BVTV ngày càng cao trên các loại nông sản, ảnh hưởng càng nguy hại tới sức khoẻ con người.
Cách khắc phục
Từ những hiểm hoạ mà thuốc BVTV đã gây lên cho con người và môi trường sinh thái ngày càng hiện hữu, Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) đã khuyến cáo người nông dân thực hành canh tác và bảo vệ cây trồng theo hướng phòng trừ tổng hợp ( IPM). Theo đó, nhiều biện pháp kỹ thuật tổng hợp như: Tạo cây trồng sinh trưởng khoẻ bằng các biện pháp canh tác như làm đất, bón phân, chọn giống tốt... để cây có thể tự bù đắp (đền bù) những thiệt hại do sâu, bệnh gây lên. Bên cạnh đó, cần phải bảo vệ và nhân nuôi các loài thiên địch có ích trên đồng ruộng. Đây chính là những “người bạn” đồng hành cùng nông dân trong tiêu diệt các loài sâu hại cây trồng không để chúng phát triển đến ngưỡng gây thiệt hại về kinh tế; nâng cao kiến thức về kỹ thuật canh tác cho người nông dân thông qua các lớp tập huấn IPM hoặc các mô hình trình diễn để họ trở thành những “chuyên gia” trên đồng ruộng của mình, từ đó mà họ tự quyết định có nên phun thuốc hay không trong từng điều kiện cụ thể của đồng ruộng (điều này còn phải căn cứ vào số tiền đầu tư cho thuốc BVTV, công phun và lợi nhuận thu được sau khi phun thuốc ra sao, trong chuyên môn gọi là ngưỡng kinh tế); và thuốc BVTV chỉ là một biện pháp cuối cùng khi sâu bệnh đến ngưỡng gây hại về kinh tế mà các biện pháp khác không đủ khả năng khống chế. Một thực tiễn quan trọng của hệ sinh thái đồng ruộng cần phải được nhắc lại là: Người nông dân và cán bộ kỹ thuật phải biết chấp nhận rằng trên các loại cây trồng đang sinh trưởng lúc nào cũng phải cũng phải có sâu bệnh gây hại, nhiệm vụ trong chỉ đạo kỹ thuật là phải nắm bất từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng và giai đoạn phát triển gây hại của sâu bệnh, yếu tố thiên địch, thời tiết... để khống chế sâu bệnh không để chúng phát triển đến ngưỡng gây thiệt hại về kinh tế. Biện pháp phun thuốc chỉ cần tiến hành khi sâu bệnh tiến gần tới ngưỡng gây hại về kinh tế và có chiều hướng tăng mật độ, chứ không phải cứ có sâu bệnh là chỉ đạo phun thuốc. Vì vậy, nếu chỉ đạo không đúng kỹ thuật sẽ gây tốn kém tiền của nông dân đồng thời kéo theo những hệ luỵ khác về môi trường, sức khoẻ, chất lượng nông sản, nhất là làm suy giảm sự cân bằng của hệ sinh thái nông nghiệp... Do đó, biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) đã được nông dân Thế giới và Việt Nam đón nhận từ thập niên 90 và ngày càng thể hiện tính ưu việt của một nền nông nghiệp hữu cơ an toàn và bền vững. Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện chương trình “3 giảm 3 tăng” trong thâm canh lúa, đây chính là một tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm giảm lượng thuốc BVTV trên đồng ruộng nhưng vẫn giữ vững và tăng năng suất lúa. Nhưng trên thực tế hiện nay, một số cán bộ nông nghiệp và người nông dân do không hiểu hết kỹ thuật nên chỉ coi thuốc BVTV nhất là các loại thuốc hoá học là một phương tiện duy nhất trong phòng trừ sâu, bệnh, cỏ dại... gây hại cây trồng. Nếu không thay đổi tư duy khoa học thì “nền nông nghiệp hữu cơ an toàn và bền vững” sẽ mãi xa vời trên thực tế và sức khoẻ con người, môi trường sống ngày càng bị đe doạ nghiêm trọng.
Viết tắt: BVTV: Bảo vệ thực vật
Tổng hợp