Chia Sẻ Tương lai của cái tôi

Hide Nguyễn

Du mục số
Hãy tưởng tượng: có một loại máy có thể tải não của bạn về một chiếc máy tính và lưu thành một tệp. Tất cả những hy vọng, ước mơ, nguyện vọng, ký ức, bí mật xấu, và những tưởng tượng lập dị đều ở trong tệp tin đó và có thể được tải vào một chương trình khiến cho chiếc máy tính đó biến thành một bản sao hoàn hảo, dù tạm thời, nhân tạo của “bạn”.
Tương lai của cái tôi​

Chiếc máy tính sẽ làm những công việc cơ bản mà bạn thấy nhàm chán với cùng một sở thích và thị hiếu như chính bạn. Nó có thể tìm và mua một tấm thảm mới cho phòng khách, nghiên cứu dự án cho công việc, đóng thuế, tính toán tiền dành dụm cho con bạn học đại học, tất cả mọi thứ trong khi bạn ngủ hoặc ngồi ì ra trên ghế sofa và phát tướng.

Trên thực tế, đó vẫn là “bạn”, những nó nằm hoàn toàn ở bên ngoài cơ thể và nhận thức của bạn.

Bây giờ hãy tưởng tượng rằng cũng chương trình đó cho phép bạn thay đổi “bạn”. Bạn có thể xóa những ký ức đau thương, chỉnh sửa lòng tự trọng một chút, bỏ đi một tật xấu và cài đặt thêm một số thói quen tốt. Rồi bạn có thể kết nối chiếc máy tính với đầu của bạn và tải về một “bạn” mới chỉ trong vài giây, giống như Neo trong The Matrix, và giờ bạn biết kung fu.


Những giả sử bạn điên rồ hơn một chút và quyết định xóa bỏ toàn bộ ký ức và thay vào đó là những ký ức giả, nhân tạo. Bạn có còn là “bạn” không? Nếu như bạn còn xóa và thay thế cả tính cách của bạn thì sao? Lúc đó mọi chuyện sẽ thế nào?

Hoặc ta còn có thể quái gở hơn nữa. Giả sử bạn và một người bạn của bạn muốn nghịch một tí, hai người tải não của mình lên chiếc máy tính và tải ý thức của người kia về đầu của mình. Lúc này, “bạn” đang trong cơ thể của cô ấy, và “cô ấy” đang trong cơ thể của cậu. Giờ tưởng tượng hai người ở trong cơ thể nhau trong vài năm, đến lúc những tính cách, ký ức, nhận thức trở nên tạp lai, nửa-bạn, nửa-cô-ấy. Bạn có còn là bạn không? Cô ấy có còn là cô ấy không? Hay là cả hai đã trở thành hai thực thể mới kỳ lạ?

Nhưng khoan, vẫn còn có thể kỳ dị hơn nữa.

Giả sử trong cái tương lai tiên tiến giả tưởng này, chúng ta đã chinh phục được sao Hỏa. Và Hoàng đế Ngân hà Elon Musk ra chiếu chỉ rằng (nô lệ) con người của ông xứng đáng được có một phương tiện di chuyển nhanh và rẻ đến sao Hỏa. Vì vậy Hoàng đế Musk bắt đầu việc chế tạo ra một cỗ máy dịch chuyển tức thời. Ông gọi công ty này là “Chết đi, ta là Elon Musk và ta có thể làm mọi thứ.” Và trong vòng ba năm giá trị vốn hóa thị trường của nó là 8 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Và tất nhiên, Musk tạo ra một cỗ máy dịch chuyển tức thời và tất cả chúng ta đều sẵn sàng để dịch chuyển bản thân đến sao Hỏa dễ dàng như bạn đi bộ đến hộp thư nhà sáng nay.

Cơ chế hoạt động của cỗ máy dịch chuyển tức thời này rất đơn giản: nó phân tách cơ thể người thành hằng hà sa số những nguyên tử cấu tạo. Sau đó nó mã hóa những nguyên tử này thành dữ liệu và bắn dữ liệu ấy với tốc độ ánh sáng đến một cỗ máy tương tự ở sao Hỏa. Cỗ máy trên sao Hỏa nhận dữ liệu và tổ chức lại hằng hà sa số những nguyên tử ấy lại thành hình thể y đúc như ở Trái Đất, cụ thể là bạn đấy, và bùm! Bạn giờ đã ở sao Hỏa.

Có thật là thế không?

robotic-ai-woman-780x578.jpg


Cùng nhìn lại: Bạn bị phân tách ở Trái Đất. Mỗi một nguyên tử bị tách ra riêng biệt. Và “bạn” được tổng hợp lại trên sao Hỏa – dù có cùng cơ thể, não bộ, suy nghĩ và ký ức – là một thực thể được tái tạo hoàn toàn mới.

Thực chất, cỗ máy dịch chuyển tức thời hoạt động bằng cách giết chết bạn trên Trái Đất và rồi ở một địa điểm khác nhanh chóng tái tạo vô tính bạn giống với bạn trong khoảnh khắc trước khi chết.

Vậy có phải là “bạn” ở sao Hỏa không? Hay chỉ là một bản sao hoàn hảo của bạn nhưng thực chất là một người hoàn toàn khác?

Nếu bạn đang cảm thấy khó khăn khi “tìm kiếm bản thân” ở hiện tại, hãy thử chờ thêm một vài thập kỷ xem

Những câu hỏi này có vẻ hơi điên rồ và phi thực tế, nhưng nếu bạn chưa nghe nói thì xin thưa, công nghệ đang ngày càng phát triển theo cấp số mũ. Rất nhiều những công nghệ ấy sẽ được đưa ra công chúng ngay trong khoảng thời gian ta còn sống.

Và hãy nhìn xem, ngày nay chúng ta đã và đang đối mặt với những vấn đề về danh tính, chỉ là ở mức độ nhỏ bé hơn rất nhiều.

Tải toàn bộ tính cách của chúng ta lên một hệ thống nghe có vẻ điên rồ, nhưng bạn đăng tải phần lớn cuộc sống của bạn lên mạng xã hội, email và “đám mây” (cloud). Những dữ liệu được đăng tải ấy có phải là một đại diện chính xác của “bạn”? Đó có phải một phần danh tính của bạn? Nhưng toàn bộ bị xóa đi và thay thế bởi những thông tin khác, liệu “bạn” có thay đổi?

Là con người, chúng ta có một bản năng tìm kiếm những thông tin bên ngoài để nhận dạng bản thân. John là một tay trống cừ khôi. Greg thích anime. Christy là một luật sư.

Nhưng những thông tin bên ngoài này được quyết định bởi những yếu tố vật chất. Bạn không thể là một luật sư giỏi nếu không có văn bản pháp luật và hệ thống quan tòa. Bạn không thể nghiện anime nếu không có TV, cũng như bạn không thể là tay trống giỏi nếu chưa có ai phát minh ra trống.

Đó là những ví dụ đơn giản. Nhưng trọng điểm vẫn chỉ có một: những gì ta cho là đại diện cho bản thân, cho danh tính của mình – ta giỏi cái gì, ta trông thế nào, ta tin điều gì, ta quý trọng thứ gì – phần lớn đều được quyết định bởi những yếu tố công nghệ và kinh tế mà ta tìm thấy mình ở đó. Nếu bạn thấy mình ở trên đảo với một bộ lạc người và không ai biết bơi, bạn sẽ nhanh chóng đinh ninh danh tính của mình là “người biết bơi”. Nhưng nếu bạn tham gia đội bơi lội ở trường và luôn để thua, danh tính của bạn trở thành “kẻ thua cuộc”. Nhưng mười năm nữa khi đội bơi trường bạn bị thay thế bởi những con robot hình người, thì danh tính của bạn sẽ đơn giản chỉ là “con người” (người bơi dở tệ).

Cùng một hoạt động, nhưng có nhiều danh tính khác nhau – đó là những cách hoàn toàn khác nhau để gọi tên và nhìn nhận bản thân dựa trên những ngoại cảnh và công nghệ có liên quan.

Việc bạn đang đọc bài viết này bây giờ đây có nghĩa là trong đời này bạn đã chứng kiến công nghệ thay đổi còn nhiều hơn vào thời điểm 100 năm trước khi bạn được sinh ra. Điều đó có nghĩa bạn đang đọc bài viết này trên một thiết bị chỉ cần vài lần chạm tay đã có thể có được nhiều thông tin hơn những gì mà toàn bộ loài người ở thời điểm ấy tích lũy được qua hàng nghìn năm. Điều đó có nghĩa bạn có thể được tiếp xúc với nhiều ý tưởng và hình ảnh trong một ngày còn nhiều hơn những gì tổ tiên của bạn nhìn thấy cả đời.

Chính vì sự ồ ạt thông tin trong những thập kỷ gần đây, danh tính của chúng ta ngày càng trở nên dễ thay đổi và mở rộng hơn vì ngoại cảnh xung quanh ta thay đổi một cách chóng mặt. Với công nghệ ngày nay, con người không chỉ chọn cách phô bày bản thân với người khác như thế nào và xác định bản thân ra sao, họ còn có thể chỉnh sửa, thay đổi, và nhấn mạnh những đại diện ấy trên trang quảng cáo mình.

Ngay cả trong thế giới ngoại tuyến, phẫu thuật thẩm mỹ và chỉnh hình cơ thể đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn và rẻ hơn bao giờ hết. Dược phẩm và thực phẩm chức năng thì nhan nhản, thay đổi nhẹ những phản ứng trong tâm trí chúng ta để trở thành người ta nghĩ ta nên trở thành. Những giới hạn trong thế giới thực đã bị loại bỏ, vương quốc trực tuyến lại cung cấp một môi trường ít nguy cơ để ta “thử” những con người mới và xem có hợp với mình hay không. Và khi ta định hình con người ta trên mạng, điều đó cũng ảnh hưởng đến cuộc sống ngoại tuyến của chúng ta (và ngược lại).

Mọi thể loại ranh giới đều dần biến mất khi công nghệ thông tin hiện đại càng phát triển1. Tài sản của chúng ta dần được tinh thần hóa – âm nhạc, hình ảnh, video, tin nhắn và văn bản, dữ liệu và thông tin, ngay cả tiền của chúng ta cũng được số hóa2. Những nội dung do người dùng cung cấp cũng dần xóa nhòa ranh giới giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Điện thoại thông minh và kết nối Internet liên tục nhanh chóng xóa nhòa ranh giới giữa trực tuyến và ngoại tuyến. Ký ức của chúng ta được lưu lại dưới dạng hình ảnh số, những cập nhật trạng thái, bình luận, và “lượt thích” có thể truy cập chỉ trong vài giây. Những khác biệt giữa sinh học và công nghệ cũng dần phai nhạt – cấy ghép ốc tai nhân tạo (cochlear implant), khớp/chân tay giả, nâng ngực, máy điều hòa nhịp tim, chân tay robot kết nối với hệ thần kinh, bộ xương ngoài được gắn động cơ (motorised exoskeleton) – tất cả những điều trên và còn nhiều những sản phẩm pha trộn sinh học-công nghệ khác đều đã trở nên phổ biến và được chấp nhận rộng rãi hoặc sẽ trở nên phổ biến trong tương lai không xa. Dù rất nhiều người trong chúng ta vẫn đang thấy có một sự ngăn cách khá rõ ràng giữa thế giới số và thế giới “thực”, nhưng ngay cả những rào cản tâm lý này cũng sẽ dần dần bị xóa nhòa3.

teen-with-machine-body-780x520.jpg


DANH TÍNH TRONG TƯƠNG LAI (IDENTITY)
Người thượng cổ chẳng biết làm gì cả. Họ chỉ săn bắt, hái dâu, hay sinh em bé. Ngoài ra gần như không còn gì khác. Vì vậy, nhận thức về danh tính đối với họ hầu như không có. Bạn không thể hỏi một Zug Zug (một từ bắt nguồn từ bộ phim hài Mỹ Caveman) liệu họ có theo chủ nghĩa tự do hay họ thích phong cách đánh trống nào. Những thứ đó không tồn tại. Danh tính lúc này được dựa trên bầy đàn vì mọi người đều phải nương tựa vào bầy đàn để tồn tại.

Vào thời cổ đại, bạn bắt đầu chứng kiến sự phân chia lao động và sự sinh sôi của các thành thị và tiểu bang. Ít lâu sau, người nông dân là hoàn toàn khác so với người lính, hoàn toàn khác so với họa sĩ hay thầy tu hay bất cứ ai.

Nhưng phải đến thời kỳ Khai sáng thì ý tưởng mỗi con người đều có tâm hồn và tâm trí đặc trưng mới bắt đầu bén rễ. Khái niệm về quyền và bình đẳng nảy sinh và niềm tin nhân văn “theo đuổi hạnh phúc” cũng được biết đến. Những điều này có thể được quy cho thành tựu công nghệ vĩ đại nhất hàng thế kỷ: thuật in ấn. Những quyển sách rẻ và có sẵn cho phép con người lần đầu tiên có thể đọc và tìm hiểu tâm trí của người khác, để đồng cảm với suy nghĩ và hoàn cảnh và khổ cực của họ. Đột nhiên, con người không còn chỉ được xác định bằng nghề nghiệp và tầng lớp xã hội, mà họ còn được xách định bằng cảm xúc, suy nghĩ, và khát vọng.

Rồi bạn đến thế kỷ 20 và công nghiệp hóa khiến cho việc sản xuất trở nên rẻ mạt và dễ dàng đến nỗi con người bắt đầu mua hàng chỉ vì họ thích thế, chứ không vì họ cần món đồ ấy. Kết quả, suốt phần lớn thế kỷ 20, danh tính được xác định bởi người đó tiêu xài như thế nào, người đó dùng tiền ra sao. Bạn mua nhà bên bờ hồ hay nhà ở thành phố? Bạn là một người yêu thiên nhiên hay bạn thích các nhà hàng sang trọng? Xe tải hay xe hơi? Budweiser hay Miller? Rolling Stones hay Beatles?

Nhìn lại lịch sử loài người, ta thấy có hai xu hướng song song:

  1. Khi công nghệ phát triển, mỗi con người có nhiều sự linh hoạt và cơ hội hơn để thể hiện bản thân và cải thiện cuộc sống.
  2. Vì có nhiều sự linh hoạt và cơ hội hơn, danh tính của chúng ta – hay cách ta chọn để xác định và nhìn nhận bản thân – trở nên mơ hồ và trừu tượng hơn.
Người thượng cổ phải dựa 100% vào liên kết xã hội để tồn tại, vì vậy danh tính của họ được xác định theo bầy đàn. Người ở thời cổ đại theo chế độ phong kiến hoặc chế độ đẳng cấp, vì thế danh tính của họ bị gói gọn trong hai chế độ ấy. Ở thời hiện đại, con người bắt đầu nhận dạng bản thân dựa trên suy nghĩ và cảm xúc riêng, và sau đó là dựa trên việc mua sắm và những quyết định trong lối sống. Ngày nay, ta còn nhận thấy những định nghĩa trừu tượng hơn nữa về danh tính của một người, gồm cả những định nghĩa cơ bản như giới tính, xu hướng tình dục, chủng tộc và tướng mạo cơ thể thay đổi liên tục và dần trở nên tương đối. Nếu tôi muốn, ngày mai tôi có thể xác định bản thân là một tay đua xe đạp chuyển giới người Scotland tên Epiphany. Và thực sự bạn chẳng thể làm được gì để ngăn tôi cả.

Đây là một điều tốt. Nhưng nó cũng khiến việc hiểu bản thân và xác định ta là ai trở nên khó khăn hơn so với, để xem, khoảng vài thế hệ trước.

Và, mọi thứ chỉ ngày càng trở nên phức tạp hơn. Những người sinh ra vào thời kỳ bùng nổ dân số Mỹ (sau Chiến tranh Thế giới II, khoảng 1946-1964) thường đùa cợt về “cuộc khủng hoảng tuổi trung niên” – cuộc khủng hoảng về danh tính và giá trị của những mưu cầu xảy ra với những người bước vào tuổi 40 hay 50. Gần đây, có một buổi tọa đàm về “khủng hoảng đầu đời”, nghĩa là người trẻ hiện nay có quá nhiều cơ hội đến nỗi họ không thể chỉ lựa chọn và hài lòng với chỉ một thứ.

Công nghệ phát triển nhanh chóng, không ngạc nhiên nếu không đơn giản chỉ lúc nào cũng tìm kiếm bản thân trong một cuộc khủng hoảng danh tính nào đó, bởi vì, nói trắng ra, mọi thứ đang trở nên quái đản.

Dưới đây là ba khía cạnh chính của sự phát triển công nghệ có thể làm rối tung danh tính con người và chúng ta nhìn nhận mình là người như thế nào.

  1. Công nghệ gen và công nghệ nano. Hai công nghệ này rất có tiềm năng sẽ cung cấp mạch máu tùy ý – bạn có thể tùy chỉnh và thay đổi như với các bộ phận xe hơi. Liệu pháp gen cho phép chúng ta lựa chọn gen của chính mình và gen cho con cháu. Các bệnh và tính trạng di truyền có thể đươc loại bỏ ra khỏi gia đình, và các đặc điểm cơ thể không mong muốn có thể được thay thế bằng những đặc điểm như ý.
android-woman-holding-face-780x520.jpg


Công nghệ nano có nghĩa là ta có thể bắt đầu cấy ghép những chiếc máy vi tính siêu nhỏ vào các bộ phận trong cơ thể, và ở một số trường hợp có thể thay thế các tế bào bằng những phiên bản tế bào khác hiệu quả hơn. Bạn muốn nín thở 15 phút dưới nước? Nanobot (robot siêu nhỏ) thay thế hoặc hỗ trợ hồng cầu có khả năng cho phép chúng ta thực hiện điều đó. Ta có thể chạy nước rút hàng dặm một lúc mà không cần nghỉ ngơi và trở nên miễn dịch với những ốm đau và bệnh tật bình thường.

Trên hết, hoàn toàn có lý do để ta tin rằng những thứ như phẫu thuật thẩm mỹ hay những phương pháp chỉnh hình khác sẽ trở nên ngày càng phổ biến và với giá hợp túi tiền bình dân. Ngay tại ngày nay, hơn 15 triệu ca phẫu thuật được thực hiện mỗi năm tại Mỹ và con số đó đang tiếp tục tăng (đặc biệt là với nam giới)5. Trong vòng một đến hai thập kỷ nữa, những đặc điểm và khả năng cơ thể của chúng ta có thể sẽ không còn liên hệ với danh tính của chúng ta, giống những thứ như món ta ăn sáng hay chương trình TV yêu thích.

2. Người máy và Trí thông minh nhân tạo AI (Artificial Intelligence). Trong quyển sách Race Against the Machine, hai giáo sư đại học MIT Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee cho rằng sự tăng trưởng theo cấp số mũ của bộ xử lý vi tính, cộng với sự sụt giảm theo cấp só mũ trong chi phí của bộ xử lý ấy, dẫn đến không thể tránh khỏi việc ngoài trừ những công việc dịch vụ sáng tạo và nặng nhọc nhất, tất cả những công việc khác đều có thể được mượn sức từ những cỗ máy AI. Bác sĩ, kế toán, chủ ngân hàng, ngay cả quan lại chính phủ rất có khả năng một ngày nào đó sẽ được tự động hóa bằng thuật toán hay những chiếc máy học hỏi thông minh (smart-learning machine).

Lúc ấy kết quả sẽ là phần lớn dân số sẽ thất nghiệp. Đa số mọi người sẽ không có việc làm chỉ vì một lý do đơn giản là kỹ năng của họ dễ dàng bị đánh bại bởi máy vi tính.

Ngoài những khủng hoảng kinh tế xã hội và chính trị mà thành tựu này có thể gây ra, nó còn có thể làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng danh tính toàn cầu. Đa phần danh tính của chúng ta được xác định dựa trên việc làm mà ta cảm thấy có giá trị nhất6. Và nếu như công nghệ có thể thay ta làm mọi thứ thì không có điều gì ta làm được xem là một phần giá trị của xã hội, lúc ấy có thể ta sẽ như hàng triệu người khác tự hỏi mục đích tồn tại của mình là gì7.

3. Thực tế ảo. Những trò chơi phổ biến nhất trong mười năm qua hầu hết đều là trò chơi nhập vai – bạn là một anh hùng ẩn danh và sống trong cơ thể ấy, dùng kỹ năng của nhân vật và đưa ra những quyết định trong suốt hàng trăm (hoặc hàng nghìn) giờ chơi. Những “hình đại diện” này cho phép người chơi “thử khoác lên mình” những danh tính mà họ không thể có được ngoài đời thực.

Với sự trỗi dậy của thực tế ảo, ta hoàn toàn có lý do để tin rằng ngành công nghiệp này sẽ ngày càng tăng trưởng và trở nên phổ biến. Trên thực tế, thực tế ảo có thể cho ta khả năng vô hạn để thay đổi tính cách trong thế giới ảo và thử thách những giới hạn mà ta nhận thức bản thân trong một môi trường an toàn, không hậu quả. Nhà vị lai và nhà sáng chế gây tranh cãi Ray Kurzweil tin rằng thực tế ảo sẽ trở nên thú vị và có thể tùy chỉnh đến nỗi một ngày nào đó phần lớn dân số sẽ hoàn toàn từ bỏ “thế giới thực”. Ông nói đây cũng không hẳn là việc xấu. Dù sao thì tại sao lại phải đối mặt với những cảm xúc hỗn độn và các mối quan hệ và thất bại, trong khi ta có thể chỉ đơn giản sống trong thế giới ảo nơi tự động tùy chỉnh phù hợp với mọi mong muốn của chúng ta? Nếu như ta có thể kết nối bản thân với một chương trình thực tế ảo cho phép ta trở thành một vì thần, cho phép ta trải nghiệm thời gian chỉ bằng một phần tốc độ ở thế giới tực, loại bỏ mọi giới hạn về nhận thức và cho phép ta thực hiện mọi mơ tưởng và mong muốn mà ta có?

Trên thang điểm từ 1 đến 10, bạn muốn xào nấu nhận thức về bản thân đến mức nào? Sau đó bạn sẽ có thể nói chuyện với một con người thật khác như thế nào?

SỰ TRỖI DẬY CỦA PHẬT GIÁO-CÔNG NGHỆ (TECHNO-BUDDHISM)
Trong tương lai, rất có khả năng chúng ta sẽ đến thời điểm khi cơ thể có thể được thay đổi và nâng cấp theo ý muốn, khi nhận thức của có thể được đăng tải, chỉnh sửa, tải về và trao đổi từ một hệ thống điện toán đám mây, khi máy móc và trí thông minh nhân tạo sẽ quản lý đa số những công việc trên toàn cầu để ta có thời gian gần như vô tận để giải trí, và địa điểm thực cũng sẽ trở nên tầm thường so với sức mạnh và quy mô của kết nối toàn cầu.

Nói ngắn gọn, những đặc điểm danh tính cơ bản để xác định “bạn” là ai và “tôi” là ai – diện mạo, địa điểm, chuẩn mực, niềm tin, trải nghiệm – sẽ bị phai nhạt và trở nên dễ thay đổi và tùy ý, và ý niệm danh tính đơn lẻ có thể sẽ trở thành vết tích của một quá khứ xa xưa, cũng giống như khi ta nhìn lại ý niệm về bộ lạc và vương quốc ngày nay.

Khoảng tám tỉ năm trước, một người đàn ông tên Buddha đã gây chấn động khi cho rằng không hề có thứ gọi là “cái tôi”, tất cả đều là tưởng tượng do ý nghĩ của con người, và chúng ta đang đặt mối quan tâm vào một thứ không có thật. Ông nói thứ ta nhận thức là “ta” chỉ là một sự gắn kết với một mớ sự vật và trải nghiệm tạm thời mà não bộ của chúng ta lừa ta nghĩ rằng chúng đại diện cho điều gì đó.

matrix-monk-780x475.jpg


Bằng một cách quái đản và điên rồ, công nghệ đang bắt kịp và chứng minh sự đúng đắn của ý niệm này. Quan niệm bản thân cốt lõi – ở một mức nào đó, có một “tôi” bất biến và một “bạn” không hề thay đổi – đang dần tiêu tan ngay trước mắt chúng ta. Nhưng ảo giác về bản thân lại mạnh mẽ đến nỗi ta không nhận ra thay đổi việc ta là “ai” dễ dàng như thế nào.

Ở một khía cạnh nào đó, tất cả danh tính của chúng ta đều là danh tính ảo. Có thể bạn nghĩ rằng con người bạn trong thế giới thực mới là bạn “thực sự”, nhưng nhiều khả năng đó chỉ là vì bạn sợ từ bỏ con người mà bạn tin là bạn. Bạn đã hình thành một danh tính mà bạn cảm thấy thoải mái, điều này sinh ra một nhận thức về sự ổn định và có thể dự tính trước trên thế giới này và bạn dựa vào nó để thức dậy mỗi sáng và hoàn thành những việc nào đó. Chúng ta ai cũng vậy.

Thế nhưng, trên thực tế, bản thân ngoại tuyến của bạn miêu tả con người bạn cũng chẳng hơn gì bản thân trực tuyến – hay bản thân trong công việc, hay bản thân ở nhà, hay bản thân khi đi du lịch, hay bất cứ thứ gì – vì mọi danh tính của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh, được tạo dựng bởi thông tin và ngoài ra không còn gì khác.

Và công nghệ càng cho phép ta thao túng và nhào nặn thông tin, ta càng có thể thao túng và nhào nặn bản thân cho đến khi nhận thức về bản thân hoàn toàn biến mất.

Ghi chú

  1. Sheth, J. N., & Solomon, M. R. (2014). Extending the Extended Self in a Digital World. Journal of Marketing Theory and Practice, 22(2), 123–132.
  2. Will cash become extinct? | Bankrate.com
  3. Điều này một phần là do khác biệt về tuổi tác/thế hệ, người trẻ tuổi sống đa phần cuộc đời ở thời đại số sẽ nhận dạng qua thiết bị số nhiều hơn người lớn tuổi.
  4. The American Society of Aesthetic Plastic Surgery
  5. Christiansen, C. H. (1999). Defining lives: Occupation as identity: An essay on competence, coherence, and the creation of meaning. American Journal of Occupational Therapy, 53(6), 547–558.
  6. Có người cho rằng việc này đã đang diễn ra với một mức độ nhỏ hơn rất nhiều. Chúng ta đang chứng kiến sự sống lại của phe phản động không có học thức trên phần lớn thế giới. Điều này là bởi công việc của họ nhìn chung đã được tự động hóa hoặc thay thế, dẫn đến một số lượng lớn người thất nghiệp không hề có con đường tiến bộ rõ ràng.
  7. Kurzweil, R. (2006). The Singularity Is Near: When Humans Transcend Biology. Penguin Books.
  8. Hongladarom, S. (2011). Personal identity and the self in the online and offline world. Minds and Machines, 21(4), 533–548.
Dịch: Hồng Phương

Nguồn: https://tamlyhoctoipham.com/
https://markmanson.net/future-of-self
 
vì mọi danh tính của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh, được tạo dựng bởi thông tin và ngoài ra không còn gì khác. Ý là sao nhỉ?
 
Hiểu nôm na với khái niệm chúng ta hay bắt gặp là " vật chất quyết định ý thức".
Em muốn hỏi hay trả lời gì ? @dungcool2002
E thấy các diễn đàn hầu như chỉ ghé qua 1 là để chép không thì chỉ để góp mặt hỳ e nghĩ z...các mạg xã hội tkì e kũng k hỉu cho ắm vì e k đc chs nhưng e nghĩ cái j cũng có 2 mặt cuả nó nếu pk tận dụng nó xẽ đem lại hiệu quả mak mk k ngờ tới vì trên tg mạng này hỗn độn cả ng giỏi và ng xấu nên phải pk tự mk họk hỏi e nghĩ z ấy...tại e kũng k đc tiếp xúc nhiều vs các trang mạng xã hội cho lắm....
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top