• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Trang Dimple

New member
Xu
38
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen sinh ngày 07 – 9 - 1920 tại làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức - tỉnh Hà Đông (nay là phường Nghĩa Đô - quận Cầu Giấy - Hà Nội) trong một gia đình thợ thủ công.
Ông còn có nhiều bút danh khác như: Mai Trung, Duy Phương, Mắt Biển, Hồng Hoa, Vũ Đột Kích,…
Quê quán : xã Kim An - huyện Thanh Oai - tỉnh Hà Tây.
Một số tác phẩm đề tài thiếu nhi của ông được dịch ra ngoại ngữ. Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật Đợt 1 (1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.


Với những thành tựu to lớn đã đạt được sau hơn nửa thế kỉ sáng tạo nghệ thuật, Tô Hoài xứng đáng là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, là tấm gương lao động nghệ thuật cho văn nghệ sĩ noi theo. Cả cuộc đời sống và sáng tạo hết mình để cống hiến cho văn chương của nhà vă Tô Hoài sẽ được tái hiện lại phần nào qua mỗi câu chuyện.

Ngày 27/10/2015, hiệu sách Dế Mèn khai trương tại ngôi nhà 108, C3, tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội, vốn là thư phòng của nhà văn Tô Hoài trước kia. Hiệu sách Dế Mèn do chính con cháu Tô Hoài thực hiện, diện tích rộng hơn 10m2 tương lai sẽ có thêm phòng đọc mini phía trong - nơi nhà văn Tô Hoài từng ngồi viết văn, ngủ, nghỉ. Ngoài các đầu sách của nhà văn Tô Hoài, hiệu sách còn có nhiều tác phẩm cho thiếu nhi, phần lớn là sách văn học. Hiệu sách cũng tạo công việc cho con cháu trong nhà, giúp các cháu có cơ hội hiểu thêm về ông và là nơi để bạn bè, người yêu sách ghé thăm như khi ông còn sống

Tô hoài.jpg


Bút nghiên xin chia sẻ tới các bạn đọc truyện ngắn "cái áo tế" Của Tô Hoài

Lúc nào lão Đợ cũng cởi trần, đóng cái khố một, bằng mảnh bẹ chuối khô quấn đuôi lươn. Ngày trước lão cao lực lưỡng, bây giờ hai hõm vai nhô ra như cái mấu đòn gánh. Người ta hay đùa lão Đợ kiếp trước ông là ông Thiên Lôi phải trời đày xuống trần nên mới khỏe chịu nắng chịu gió thế.

Nghe dễ là gần sáng. Tiếng sấm đầu đông ùn ục như trời sôi bụng. Áp tháng chín, sấm cạn. Thế này là trái tiết, người ta dễ ốm, con cua con ếch thì lo xa tránh rét nghe sấm đã ẩn vào trong hang cả rồi.

Bao nhiêu năm đến giờ chẳng nhớ, chẳng buồn nhớ. Thuở ấy, nhà Đợ có hai cái nan, một nan vợ một nan chồng. Nan vợ thêm thằng con trai mới lên ba. Hai cái nan xuôi ngược, tối đâu ghé đấy, cũng quanh quẩn chẳng xa hơn quãng sông con. Năm kia, chẳng may nhà nó ốm rồi chết. Người chồng lên bờ, xin làng một nấm đất đắp ngôi mộ. Rồi làm túp lều lấn sang bên cạnh. Lại vỡ thêm mảnh đất, vun luống cải, luống rau. Chỗ ấy hõm vào một quãng bờ, như cái đìa nước. Trong vũng nước sinh sôi mọi thứ cá mú, thế là không phải lần hồi ngoài sông nữa.

Chẳng bao lâu, tháng Nhõn đã xốc vác được. Nhõn đi kiếm ăn theo nước lên ngược. Có chuyến đẩy về cả bè củ nâu đem xuống bán dưới bến Nứa ngoài Kẻ Chợ. Từ ngày ấy vẫn nửa lều nửa nhà, với mảnh vườn rách đâu vá đấy, chẳng bao lâu và bây giờ bác Đợ đã thành lão Đợ.

Lão Đợ ngồi dậy, ưỡn lưng vươn vai. Trở trời mưa nắng với con cá, cũng lắm khi bận tới con người. Tiếng sấm muộn này có khi có chuyện đây, lão lấy cái giỏ giắt vào lưng khố. Chiếc nan chân liền của lão vẫn cắm ngoài mép nước. Hai tay như hai cái vây cá ve vẩy đẩy nan lướt ra. Suốt dải bờ, tiếng óc ách, óc ách như dế kêu, nhảy nhảy trong tai. Như đã trông thấy trong bờ có đến hàng trăm, mấy trăm con chạch chấu đương ngoe nguẩy đào bùn làm lỗ ẩn vào hang.

Lão Đợ cúi xuống, nghiêng cái nan vào bờ. Bắt chạch dịp này dễ ăn. Chẳng phải câu kéo, nơm vó, chỉ việc quơ tay. Chốc lát đã được lưng giỏ. Bỗng có tiếng gọi trên bờ, sau cái nan khuất chổng đuôi.

- Bố cu Đợ đấy phải không?

Đứa nào lếu láo dám réo tên cái lão ra. Chắc chỉ lại lão từ Hoả mới dám chớt nhả thế. Lão Đợ quay cái nan, nhìn vào thì đúng ông từ Hoả. Hẳn ông thủ từ ra đình thắp hương. Hôm nay mồng một. Ông thủ từ giữ đình. Khi nào ra đình, ông từ cũng xách đôi guốc mộc gốc tre, ông chỉ xỏ guốc nghiêm chỉnh khi đi vào đình.

Ông từ Hoả ra bờ đầm, ngồi thụp xuống, thì thào:

- Nhích cái nan vào về nhà, nói cái này.

Gì thế, cái này là cái gì, cả năm cả đời lão Đợ chẳng có cái gì phải nói ghé tai, lão chẳng hay nghĩ ngợi loăng quăng. Lão Đợ vẩy tay, quay cái nan vào, thò tay móc lôi ra một con chạch chấu chúi trong bùn.

Lão Đợ làm rốn bắt mấy con chạch nữa rồi lão cũng tạt nan về sớm. Lão Đợ vác ngửa cái nan lên đổ chạch vào thúng sơn, được vừa lưng thúng, có con nhảy cả ra ngoài. Lão chọn mấy con chạch to, đem xuống cầu ao.

Con chạch vàng nhẫy, chỉ mổ moi rồi xiên vào mấy đọt tre tươi. Ông lão vào nhà chất củi rồi cời bếp than, đặt cá lên nướng.

Ông từ Hoả bước tới, kêu:

- Cái giống chạch phải được nước mưa cuối thế này, ăn mới lẳn thịt, thơm điếc mũi!

Một mảnh lá chuối đựng muối với mấy quả ớt vàng chóe. Hũ rượu nút lá chuối đặt cạnh. Hai cái bát đàn ăn cơm uống rượu lẫn lộn, tất cả bày ra mái hiên. Ông Đợ và ông Hoả đều cười nói ồn ào: “Khéo vẽ! Bày ra rồi lại phải dọn. Cứ thế này, ăn xong chỉ việc đứng dậy”.

Nhưng ông từ Hoả cẩn thận, xuống cầu ao khoả cái chân, nhưng rồi lại chân đất đi lên. Ông ngồi vào đầu mấu cái ống bương kê làm ghế, trong khi lão Đợ mở nút vò rượu.

Ông từ Hoả chép chép miệng:

- Rượu nhà nấu, cá muốn ăn lúc nào thì đi bắt. “Anh hùng tiếng đã gọi rằng”, cái lão này phong lưu đến nơi rồi.

- Phong lưu có hơn thằng mõ không?

Ông Hoả trợn mắt:

- Ấy chết, ai lại ví von giồng cây chuối ngược thế. Phải nói ngay thế này. Sáng hôm qua, tôi ngồi chẻ đóm, tôi nghe rõ ông ổng. Mà các cụ vặc nhau như mổ bò, ngoài cửa đình còn nghe à uôm như đất vào tai. Có cụ bảo, cái lão Đợ mà làm chủ tế thì cả làng này đi ăn mày. Có cụ nói ác nữa: cái thằng chết trôi sông phải lên bờ chôn nhờ đất thiên hạ mà bây giờ làm chủ tế à. Ấy vậy mà các bố ấy cứ bàn quẩn đầu bắt đuôi, có nhẽ phải xuống tận bể Đông hỏi ông Hà Bá thế nào mà vẫn chỉ thấy lão Đợ vẫn chỉ còn lão Đợ làm được chủ tế.

Lão Đợ ngây mặt ra:

- Thế còn ai làm được?

Ông từ Hoả gật gù:

- Chỉ còn lão Đợ thôi. Tính chẻ hoa ra rồi, cấn cái rồi. Đếm mặt năm sáu mươi thì đã xuống lỗ cả. Thế mà lão Đợ dư sáu mươi vẫn lội ao lội sông ùm ùm, được là thế ấy. Bảo rằng lão thằng ngụ cư, thế thì tông tích cả làng này ai chả là tháng ngụ cư, ai chả là ở dưới sông bò lên, chứ cứ đâu cái ông lão Đợ. Có cụ chết cười lại bênh ông. Độ nhà ấy song toàn, trên thuận dưới hoà. Người ta đốp cho, bà lão ấy ngỏm từ đời ông ba mươi, lấy ai ra mà cãi nhau, đánh nhau, làm sao mà chẳng song toàn. Cứ lý sự kéo co cả buổi...

Ông từ Hoả tợp một ngụm rượu, cười khè khè:

- Thế là ông lão được chân chủ tế. Sướng chưa?

Lão Đợ buông sõng:

- Chẳng thấy sướng chỗ chó nào.

Ông từ Hoả uống cạn bát rượu, đứng dậy hét:

- Không được láo, nói thế thánh vật đấy!

Lão Đợ lẳng lặng ra xé mảnh lá chuối, gói nốt mấy con chạch nướng, đưa cho ông từ Hoả. Ông từ vẫn hầm hầm mặt giận lão Đợ báng bổ thần thánh nhưng vẫn cầm gói cá, lập cập bước ra. Hai ông lão này hay dỗi nhau từng lúc, quá trẻ con.

Lão Đợ ngồi lại một mình. Trước mặt, chỉ còn mấy cái que xiên cá nham nhở. Lão Đợ cắn cả nửa quả ớt rồi uống nốt bát rượu, sau lão nằm kềnh ra nền đất. Cái đầu lơ thơ tóc một búi túm đằng gáy gối lên mấu tre vừa ngồi.

Lão không say, cũng không buồn ngủ. Lão đương nghĩ vẩn vơ về cái việc chủ tế, tế chủ không biết ra làm sao.

Xem rước, xem tế thì lão xem rồi, xem nhiều rồi khi sang tháng ba rồi tháng chín, ngoài đình có kỵ thánh đều có lễ, có tế, có năm lại rước chạ. Chốc đã mấy chục năm qua. Đến cái năm Đợ được vào làng được cắt chân đinh vác cái thùng lùng theo bác khán thủ đi tuần, đi hộ đê, đóng hàng giáp, việc làng, lấy phần, đấy mới thật ra trai làng. Xem hội đứa nào làng lạ bắng nhắng, đánh nhau ngay.

Thế mà có điều là đình đám làng này chẳng ra gì Xem hội to thì rủ nhau lên phủ, sang tỉnh khác. Những miền lắm của, voi gỗ ngựa đá thờ, đao đình vảy rồng, cột trụ có con nghê sành. Làng này chỉ có đình cột xoan, cột mít, mái lá cọ. Năm gian đình bày mỗi cái cuốn thư, chiếc kiệu long đình sơn then đã loang lổ trơ gỗ mộc cả bốn chân. Không thấm vào đâu với những cột đình sơn son thếp vàng, những dải y môn buông tua điều quanh long đình kiệu bát cống, lại con ngựa bạch có bánh xe...

Chuyện về của cải những đình chùa nhà hàng xứ người ta thì biết thế nào kể xiết. Thạo đi xem hội thiên hạ rồi. Đi xem hội thiên hạ mà nô nức chen chân, có khi cơm nắm cơm đùm trẩy hội vài ba ngày mới tới mà vẫn nô nức.

Ấy như hội làng thanh bạch mà vẫn có cái nghiêm hội làng. Trong gian ở hậu cung thấy bảo có các đạo sắc phong thần của nhà vua, nhà chúa. Mọi người đều thuộc sự tích ông thánh làng ta. Thánh cũng như người làng, ai cũng cởi trần, đeo giỏ đi bắt ếch. Thánh làng ta thấy bảo cũng thế. Rồi ngài nổi tướng theo vua đi đánh giặc. Gặp giờ linh, ngài hoá.

Ngài thiêng lắm. Đến ngày kị, hàng giáp mổ lợn, mổ trâu, mặc lòng, bao giờ trên bàn thờ, dưới tay ngai cũng phải buộc đôi ếch - phải vào tận chân núi kiếm ếch hương về nuôi vỗ béo hàng tháng. Làng lại kiêng những huý. Con ếch được gọi là “ông ộp”, mà phải nói nhẹ nhàng như khấn, sợ to tiếng, ngài quở.

Lão Đợ đương gờ gờ mắt nghĩ lơ mơ về đức thành hoàng. Lão nghĩ cũng lạ: ông thánh cởi trần, ông thánh đeo cái giỏ, thế thì ta là ông chủ tế tế ông thánh là phải rồi. Cứ nghĩ về ông thánh, về ông chủ tế, lão Đợ tan mất cơn buồn ngủ. Lão Đợ đứng lên đậy tàu lá chuối lên mặt cái thúng sơn, ở trong đám chạch chấu đương ngoi lúc nhúc. Lão cắp thúng cá đem ra chợ hôm ngoài bến, như mọi khi đi nan về. Một lúc, lão Đợ bán hết cá, đã úp cái thúng không lên đầu, đội về. Trông thấy ông từ Hoả đang cắm cúi bấm chân gánh thùng nước. Chiếc đòn gánh lắc lư, hai cái thùng tre ghép, mặt đậy hai chiếc lá bàng, nước sóng sánh nhẹ nhẹ. Cơn say ban trưa còn lại hay chân lão vốn chân vòng kiềng cho nên thùng lắc.

Lão Đợ đã quên chuyện bực bội. Lão hỏi bô bô:

- Gánh nước cúng à?

Ông từ Hoả nhìn lên cũng trả lời mau miệng:

- À nước tắm đình.

Rồi lại thì thào:

- Sắp đến rằm.

Chẳng biết quên hay chợt nhớ ra, lão Đợ cười khơ khớ:

- Ờ nhỉ?

Lão Đợ rút trên đầu, cái xâu mấy con chạch nhét trong đít thúng, lại đưa cho ông từ:

- Cầm về tối uống rượu nhé.

Rồi ông tự nhiên chuyển sang chuyện khác, như hỏi giữa giời:

- Chẳng biết làm chủ tế nó ra thế nào...

Ông từ Hoả cầm xâu cá, nói:

- Đã có ông bồi tế giúp một tay. Không thấy mọi khi đấy à.

Ông từ Hoả đã gánh nước vào khuất chân tre cổng đình. Lão Đợ vừa đi vừa gõ ngón tay lên nóc cái thúng sơn trên đầu, bắt chước như đánh trống tế. Đã có ông bồi tế? Đã có ông bồi tế giúp một tay. Lão bước nhấp nhểnh. Cái lạt xâu tiền bán cá buộc bên mép khố kêu róc rách, róc rách.., tế chủ tế chủ..

Một hôm, có mấy cụ hương kéo đến nhà lão Đợ. Bác khán thủ đi với hai trai tuần, một người bưng cái mo cau, trong đựng mấy miếng trầu, một rẻ cau, một be rượu, bác khán hai tay ôm cái tráp gỗ mộc. Ông từ Hoả đã mách cho lão Đợ biết làng đem rượu và trầu cau với áo tế đến, thế là làng đã có lời mời rồi.

Bác khán đặt cái mâm chõng xuống giữa nhà rồi để ra cái tráp, hệt cái hòm thợ mộc. Rồi mở cái mo trầu cau đã têm sẵn lên trên mặt tráp phủ vuông vải điều. Cụ hương hai tay nhấc vuông vải, mở tráp.

Trong tráp, gấp sẵn cái áo tế. Hằng năm, mỗi hôm tế ngoài đình, ông tế chủ được mặc áo tế, làng nước ai cũng biết cả. Áo thụng tế không phải áo nâu da bò, không phải áo lương áo kép nhà giàu đâu, áo thụng của làng là của thần, của thánh chỉ ông tế chủ mới được xỏ tay. Làng chỉ sắm được có một cái. Cụ nào lên lão được kén vào chân chủ tế được lộc mặc. Quanh năm, cái áo tế được cất trong tráp để vào hòm gian ở hậu cung.

Tráp vừa mở, mấy con gián cuống quít bò ra. Anh trai tuần giơ gót chân day con gián. Cụ hương kêu to:

- Ấy chết. Lạy thánh. Không được! Không được làm thế.

Cụ hương nhẹ tay rũ cái áo tế rồi xóc lên. Cái áo thụng the quyến hoa chanh nhuộm lam, đã ngả bạc, nhưng gấu áo, gấu tay còn đứng nếp.

Cụ hương vuốt áo như nói một mình, nhủ khấn:

- Lạy thánh xá cho, áo lễ làng ta lắm nào cũng mới nguyên như năm nào.

Rồi cụ nói với ông Đợ:

- Hôm kị thánh có chạ dưới lên góp lễ, cụ chủ tế mặc áo thụng đứng lên cho chạ anh chạ em người ta trông vào.

“Ối dào, mấy chục năm nay tớ vẫn giữ chân đánh trống tế đến bây giờ mới được lượt chân chủ tế Chẳng lạ gì cái chạ dưới mà phải trông vào trông ra. Bất quá lại khiêng cái long đình gẫy chân, có bó nhang đen, có nải chuối xanh để bàn thờ, với đấu xôi nén, năm nào cũng cỗ chay. Chẳng có gì mà phải lo, được rồi!”.

Lão Đợ quen miệng hay nói “được rồi”, mà cũng chẳng để ý được cái gì. Khi mọi người đã về, lão Đợ ngồi đờ ra một lúc. Lão cầm cái áo tế đưa lên mũi ngửi, lại nói “được rồi”. Lão không để áo ra mặt đất mà trải lên đống lá chuối khô vuốt từng tà áo, gấu áo nhăn nheo. Không biết áo tế đã bao nhiêu đời các cụ xỏ tay có chỗ lồng tay ào. Áo nhẹ như bấc, rộng thênh thang, giơ hai tay lên đỉnh đầu hạ hai tay xuống, những vạt áo lam mờ phất lên như làn gió mát. Lão có cam tưởng như ông quan, lại như ông thần.

Lão Đợ vẫn đứng nghiêm, hai bàn tay đặt trước bụng. Lão đương nhớ lại những lần ra đình xem tế.

Ông từ Hoả ở đâu đến, chưa thấy người đã thấy tiếng.

- Tế một mình à? Lão này tập tế. Rồi có người đến tập cho, ra đình thử mới hệt.

Lúc ông từ Hoả vào đến trước cửa, hấp háy mắt ngắm lại, ông từ kêu choang choác:

- Ối giời ôi, tế cởi truồng. Chết chết, phải tội, phải tội lòi con ngươi ra.

Cái lão nửa đời này chỉ được cái vu vạ. Lão vẫn đóng cái khố đuôi lươn đấy thôi. Nhưng mà nhìn lại, lão Đợ cũng giật thót mình. Lão trông xuống cái vạt áo thụng thưa như mành mành, rõ ra cái cẳng chân, cái đầu gối như gốc tre, cái ống nứa. Thế này thì khác nào chưa mặc quần! Ông từ Hoả ngồi xuống, rút đằng sau lưng ra một cái quần. Ồ cái quần mồi của ông từ vẫn mặc những ngày sóc, ngày vọng lên đình thắp hương. Ông từ nói:

- Phải mặc cái này nước được. Chứ đến chỗ lễ bái mà tô hô ra thế kia thì hàng chả ngả vậ đấy. Mặc thử xem nào.

Cái quần lá toạ của ông từ Hoả, quần vai gốc dấn bùn rồi nhuộm cậy, màu bùn màu cậy như cái mo nang, chó cắn phải gãy răng. Không bước của con cái đùa nào biếu hay là của làng may cho ta năm ông ta giữ chân thủ từ, ông từ Hoả chỉ mặc cái quần này ngày tết nhất và những hôm làng có việc mà thôi. Thế là ông từ tốt bụng với lão Đợ lắm.

Lão Đợ đút ống quần luồn cái khố vào trong, ông từ Hoả toan quát lên, nhưng lão Đợ đã mặc cả quần cả áo thụng rồi lão quat đầu xuống hỏi:

- Tôi mặc mất quần ông rồi, hôm làng vào đám ông mặc quần nào?

- Không phải lo, không lo.

Rồi ông sửa sang cái quần chùng cho ông Đợ. Ông từ Hoả đã vứt cái dây chuối khô làm dải rút. Ông thắt vặn hai lá toạ quần lại. Ông làm thoăn thoắt nhừ bác phó may thử áo. Lão Đợ cứ đứng giơ hai tay áo thụng, có ý kính nể vẻ tháo vát của ông từ Lão thủ từ lo việc lễ bái đã mấy năm, bắt con cá con mú thì lão vụng nhưng việc đèn hương lão co chừng khéo. Đằng nào cũng được được rồi. Lão Đợ cười:

- Đứng ngay lưng lên xem nào?

Lão Đợ đứng ngay người. Hai vai áo thụng nhô ra, cong cong như cánh con dơi. Thành thử trông lão hốc hác to lớn, oai lạ. Lão Đợ không nhận thấy, thế nhưng ông từ Hoả ngắm nghía ông bạn già đóng bộ vào rồi cũng phải nghĩ thầm: ông này đứng chân tế chủ, lạy thánh mớ bái, thánh phù hộ đây.

Lão Đợ sốt ruột:

- Thế nào, xong chưa?

Rồi lão thõng hai bàn tay xương xầu gầy khô xuống cái vạt trước áo lam, nhăn nhó:

- Rặm quá, như có đàn rệp bò trong bẹn.

Ông từ Hoả cười khe khé:

- Cả đời có mặc áo quần đâu mà biết con rận con rệp. Đừng nói nhảm, việc đình chùa nhà thánh không dám khuất mắt đâu, người ta phải đập rồi phơi mấy nắng rồi đấy.

Ông từ Hoả kéo cái quần sồi lão Đợ đứng mặc đem gập lại, đặt cẩn thận xuống dưới cái áo tế trong tráp, lão Đợ cứ đứng trơ ra cho ông từ lột, lát sau như chợt tỉnh, lại hỏi lẩn thẩn:

- Ông từ cũng phải vào hậu cung thắp hương mà không có quần mặc thì...

Ông từ Hoả nhăn nhó vẻ khó chịu:

- Cứ lo con bò trắng răng, đã bảo đâu khắc có đấy rồi.

Cũng chẳng biết “đâu khắc có đấy rồi” là thế nào, lão đâm ra cuống, đến lúc lại nghe yên tâm nói thế, ông Đợ lại yên tâm vu vơ, lại thấy ông từ Hoả mới là tay tháo vát.

Bỗng nhiên lúc này, lão Đợ có ý mong thằng Nhõn. Đã biết là thằng Nhõn đi, năm nào đến kị thánh làng thì Nhõn cũng nhớ về. Nó bảo: “Ông thánh làng ta thiêng lắm phải về lễ tạ thánh mới cho ăn lộc”. Chả cứ nó, nhiều người đi làm ăn xa cũng về hội làng. Cái lệ, cái nết làng nước thế. Năm nay, lão Đợ được giữ chân chủ tế, lão càng có ý ngóng con. Mấy lần ra bến, lão Đợ lại nhắn người buôn bè đường ngược. Rồi chiều chiều tha thẩn ra bờ sông. Lão Đợ càng mong.

Cái ngày thằng Nhõn còn bé, ông lão cũng đã đi kiếm ăn trên rừng. Bây giờ Nhõn lại theo nghiệp ông. Vào rừng kéo gỗ mướn, đến vụ thì đẩy bè củ nâu xuôi bến Nứa dưới Kẻ Chợ. Con sông này chỉ lên một ngày đường nước đã sang đồng đất đường rừng. Xẩm tối, từ ngoài bến, hôm ấy Nhõn về. Cái đòn ống buộc cái bu đựng hai con gà trống. Những con gà, gà nhà làng Mường cũng chẳng khác gà rừng, mã tía, đuôi xòe dài như đuôi công, chốc lại cong cổ gáy the thé.

Từ bờ rào ngoài đường cái trông vào nhà, Nhõn đã oang oang:

- Lạy bố. Nhà ta có cái tráp đẹp thế kia.

Lão Đợ ra đến trước mặt Nhõn, thì thào quát khẽ:

- Làm gì mà réo như đánh mõ thế. Cái áo tế, nghe ra chưa, cái áo tế.

- Người lên bến trên ấy đã khoe cả vùng biết bố làm tế chủ rồi. Tối nay thịt gà cúng cụ.

Lão Đợ nói:

- Chỉ thiếu có cái quần, thì ông từ Hoả cho mượn. Phúc đức chưa.

Nhõn nói:

- Được rồi. Mai kia lên Mường nhuộm đôi quần vải chàm, cái quần chàm mới hợp với màu áo lam tế.

Ông lão như khoe, lại như đánh đố con:

- Lại còn đi tập tế, ối cái rắc rối quá.

Nhõn cứ nói dễ như bỡn:

- Không phải đi đâu cả. Tôi biết rồi. Ra ngoài ông đồ Bùn, hỏi các thứ. Trẻ con xem tế cũng đã thuộc cả. Hương.., bái... Cúc cúng bái... Năm nào chẳng thế.

- Lạy thánh, thằng này chỉ bố láo!

Nhõn cười ầm lên. Một mình Nhõn đã nhộn cả nhà.

Lão lại ngồi nhẩm từng thứ. Cứ lỉnh kỉnh mà rối cả ruột. Mà phải đi mượn chứ, ai lại đi sắm để ngày sau làm tế chủ, rõ rồ. Quấn cái khăn lượt, mượn đâu ra cái khăn lượt. Rồi mai kia thằng Nhõn lên ngược, may cho ông đôi quần chàm, à cái thắt lưng chàm nữa.

Còn đôi hia, các cụ tế chủ mọi năm đi hia, nhuộm bùn rơm rồi tết bện lại, như cái chổi lúa, thế thì trông không được mắt, không được. Không, không, ta sẽ làm đôi hia cho ra hồn.

Lão Đợ xuống ngắm nghía dưới bờ tre. Lão chọn một cây tre chết róc đã vàng ửng xác xơ. Lão cúi xuống tận gốc rồi đào bật cả chòm rễ cây tre chết đứng, bửa đôi ra.

Chỉ nửa buổi, đã đẽo xong đôi guốc gộc tre, gọi là đôi guốc, đôi giày, đôi hia gộc tre cũng được. Nó không cần quai, thúc vào mũi nó hùm hụp như cái gáo dừa. Nung cái đinh lên, dùi một bên một lỗ, như hai con mắt trổ ngoài mũi thuyền. Cái gót thì đẽo tròn, để nguyên cả tảng. Thế là được đôi hia vạn đại.

Xong rồi, lão Đợ đem vùi đôi hia gộc tre còn mộc xuống bùn ao.

Hôm ấy, trống đình đánh liên hồi từ sáng sớm. Tế ở đình có chạ dưới lên góp lễ - như mọi năm. Trẻ con các xóm đã nháo nhác từ hôm qua. Các bác hương, bác nhiêu, chú trai tuần mặc áo năm thân, búi tóc chít khăn xúm xít giải chiếu mộc, chiếu hoa khắp các gian trong đình, cả hai bên tả vu hữu vu, vào tận hậu cung. Mái lá tối như hũ nút, chỉ thấy những chấm hương đỏ ngòn, cây hương đen thơm ngào ngạt.

Các bác, các cô cũng ra đông. Cả những chị con mọn cũng vừa xốc con bú vừa chạy te tái. Đàn bà con gái không được vào đình, không được lướn phướn nhòm ngó chổng mông vào cửa đình. Tất cả đứng tụ lại thành đám ngoài gốc đa, xem cái long đình của chạ dưới vừa lên. Những bà già ở các xóm ra, chốc lại lẩm nhẩm chắp tay vái vào trong cánh cửa đình đã mở toang, khói hương lùa ra xanh rờn từng đám.

Ông chủ tế ra ông chủ tế, lão Đợ đã như đồng thuộc. Chả là lão cao lêu nghêu lại to xương, quai hàm, bả vai nhô, cái áo thụng phơ phất như cánh phướn nhà chùa. Lão chít cái khăn lượt vểnh từng vố Cái quần nhuộm cậy buông lửng xuống trên đôi guốc gộc tre lênh khênh như ông lão đi cà kheo. Cả đám tế chỉ mỗi một mình cụ chủ tế được mặc áo thụng. Rõ ra dáng ông tướng, ông quan hầu thánh, quan hầu thành hoàng.

Lão Đợ xách đôi guốc gộc tre vào đến sân đình rồi đặt xuống, đi vài bước làm phép, rồi lại tụt ra bước chân không.

Cái trống cái kê nghiêng đã nổi ba hồi một. Kiệu long đình của chạ dưới rước lên đã đỗ gốc đa ngoài mái hiên.

Nhõn hôm nay ăn mặc bảnh chọe, không như mọi khi cởi trần vác cái đòn ống đẩy bè.

Nhõn chít khăn lượt. Nhõn mặc chiếc áo nâu năm thân đứng ngay sau lưng ông chủ tế. Chẳng phải đã được cắt đặt thế nào, Nhõn cứ tự nhiên đứng lẫn vào với chân ba bốn người bồi tế. Tối qua, Nhõn còn dặn bố. “Bồi tế người ta xướng thế nào thì ông mặc kệ, ông cứ nghe tôi nói sau lưng ông mà làm. Người ta bảo bái thì tôi xướng quỳ xuống. Người ta bảo bình thân thì tôi bảo đúng chắp tay ngay người, người ta lại xướng hương thì nghe tôi bảo đứng lên, ấy cứ thế mà làm...

Người đông xướng: Tiên tước. Nhõn giục: Buộc lên. Lão Đợ ngay người thủng thỉnh bước lên. Người tây xướng: Độc chúc. Nhõn nói sau lưng bố: Đưa văn tế cho nó đọc. Cụ chủ tế cầm một tờ giấy lệnh gấp đôi, vái rồi đưa cho bác đồ Bùn đọc văn tế.

Giọng bác đồ lanh lảnh... Từ Liêm huyện, Hoài Đức phủ...

Trong đình, ngoài đình im phăng phắc. Một hồi trống, một câu xướng: Nghệ ẩm phục vị. Đến câu này, thằng Nhõn chưa giục, ông Đợ đã thuộc. Ông Đợ quỳ xuống. Hai người bồi tế hai tay bưng chén rượu và cơi trầu. âm phúc... Cụ tế chủ nhận chén rượu, vái một vái lên bàn thờ rồi ngửa mặt uống một hơi. Lại vái một vái, cầm miếng trầu ăn. Uống rượu ăn trầu, không biết từ lúc nào, ông Đợ đã thuộc ngay.

Lễ tất. Nhõn nói vào sau lưng ông Đợ: “Xong rồi”. Rồi lại nói: “Nhớ đi ra thì phải lùi, không được đi chổng đít vào. Thế thế”.

Lão Đợ đã biết rồi, lão Đợ lùi đúng đến chỗ lão xếp đôi guốc gộc tre.

Suốt buổi tế hương đốt nghi ngút trong hậu cung ra ngoài các án thư. Chốc chốc, tiếng trống rền rĩ từng hồi. Tiếng đông xướng tây xướng, tiếng độc văn, giọng kim giọng thổ ồn ào. Người tế, người xem tế từ trong ra ngoài, ai đứng đâu nguyên đấy, có lúc im phăng phắc. Trẻ con thao láo mắt nhìn vào Có tiếng trẻ bỗng khóc thét. Người mẹ bế xốc lên, chạy huỳnh huỵch.

Ông tế chủ đã xong việc đi sang gian bên, ngồi với các quan viên chạ dưới. Mỗi cụ xơi một miếng trầu rồi uống ba tuần rượu chay. Năm ngoái có con gà, ván xôi nhưng năm nay làng dưới đã lên có lời trước, chạ em đuối quá, không lo được, mà lệ làng thì phải giữ, quan anh đánh cho chữ đại xá. Ở đằng sau cái long đình có tiếng gọi:

- Ông tế chủ! Lạy ông tế chủ!

Lão Đợ ngẩn mặt ra nhìn mấy người khiêng kiệu. Lố nhố một bọn chân đất, vai trần, trai kiệu đóng cái khố bao. Lão Đợ nhận ra các quan viên chạ dưới. Lão nhớ mặt cái người già hơn lão, ngày ngày vẫn chỉ đào chuột, đi đơm cá. Những người bạch đinh, chân trắng này vẫn phải đi khiêng kiệu, cũng là giai già mới được cắt đấy. Hôm nào lão Đợ chẳng đụng mặt với các lão ấy cất vó, xách giỏ đi dưới bãi.

Lão nói:

- Cụ được chân tếch, hơn đàn em rồi, sướng nhỉ?

Sướng chứ. Nhưng mà bắt con chạch chấu dễ nhằn hơn, có cái be cay đấy không?

Lão kia cười khì khì, lôi trong đáy long đình ra một vò rượu.

- Lạy cụ, trông khăn áo đi hia gộc tre thế cũng biết là cụ khó nhọc mướt mồ hôi rồi. Cụ làm một ngụm giải cảm.

Lão Đợ, hai tay áo thụng xắn lên, bưng vò, ừng ực liền mấy hơi. Rồi quệt tay chùi mép. Lão kia cú ngóc lên nhìn rồi chắp tay vái: “Trông cụ có tướng lắm!”. Lão Đợ nói: “Tướng cướp à?”, rồi lại giơ cái ống tay áo lên chùi mép lần nữa rồi mới thủng thỉnh vào đám các chạ trong đình cũng đương tíu tít rượu suông.

Cái long đình bốn người khiêng. Bốn người chân trắng đi túc trực đám rước, lại lõng thõng về làng bên. Tuy năm nay chẳng bày vẽ nhưng chạ nào có cái lễ, thì phải có rượu rồi chẳng biết người ta biện rượu ra ở đâu, cả đến những người khiêng cũng lắc lư, như kiệu bay. Cái long đình gỗ mộc tả tơi như cái võng vong đám ma mà cũng bay, cũng bay. Chốc chốc trống đánh tong tong, tế trong đình rồi, bây giờ người bay kiệu bay.

Lão Đợ bảo ông từ Hoả:

- Đóng cửa đình rồi về vào nhà tôi nhé!

Ông từ Hoả cười khì khì:

- Xong ngay đây.

Ông từ Hoả cầm cái bầu khoá đuôi chuột to bằng quả mướp, đặt vào then rồi rút khoá, buộc thắt lưng. Thằng Nhõn đi trước, hai tay cung kính bưng một xâu những con ếch thờ của cụ tế chủ được phần. Nhưng lúc nãy Nhõn đã bẻ cả xương đùi cho những con ếch mất giãy. Cả mấy người đều chếnh choáng.

Lão Đợ, mỗi tay cầm một chiếc guốc gộc tre. Cái áo thụng đã cởi vắt lên vai. Ông từ Hoả rút cái áo thụng, gấp lại cắp xuống nách, nhưng lão Đợ không biết.

Lão Đợ nhìn mấy con ếch bóng nhãy thằng Nhõn xách trong cái lạt tre. Chốc nữa, những “Ông ộp” này được hoá kiếp đi rồi thành thần. Ông thánh làng ta đi bắt ếch rồi theo vua đi đánh giặc. Thành hoàng làng ta hàng trăm năm hàng nghìn năm có công rồi hiển thánh, bói ra khoa thấy lẫy lừng. Ông thành hoàng làng ta hiển thánh sinh ra cái hèm thịt ông ộp. Hôm hội nhà ai cũng có một giỏ ông ộp, cả làng ăn cỗ om, cỗ rán ông ộp. Ông thành hoàng làng cũng ăn tiệc ông ộp. Vừa hay, gió heo may nổi, con chạch chấu chúi xuống bùn, con ếch vào ngủ trong mà, ếch đi tránh rét nằm ngủ đông như cua, tha hồ nhà nào cũng có cỗ “Ông ộp”.

Lão Đợ đã về đến trước đống rơm. Lão ngước mắt lên mới thấy vàng mặt trời. Bỗng dưng lão trông thấy một ông râu quai nón đi vào. Ông lão râu quai nón đóng khố bao, lại đeo cái giỏ bên mông, tay chăm chăm con dao bảy sáng nhoáng ông lão đi nhanh như gió nổi dào dạt qua đống rơm, rồi lại biến mất.

Đích là người về rồi, người về rồi. Lão Đợ giật cái áo tế ở nách lão từ Hoả, cuống quít mặc vội. Lão lúng túng quên cả chít khăn.

Lão Đợ giục Nhõn:

- Nhanh lên! Đèn nhang lên! Ngài về! Ngài về!

Lão Đợ đi guốc gộc tre, mặc áo thụng nằm phủ phục xuống giữa cổng. Ông từ Hoả cũng nghển đầu lên rồi cũng thụp xuống sau lưng lão Đợ. Thằng Nhõn ra rút một nắm hương đen đặt vào đống rấm. Hai ông lão cúi móp xuống đất. Mắt ông lão trừng trừng nhìn lên rồi nhắm lại, hai người cũng nói lẫn lộn, loác choác, như ngủ mê, lại rì rào như khấn:

- Đấy, đấy Ngài cởi trần thắt lưng điều, ngài cầm con dao bảy, ngài chỉ dao về đằng kia, đưa quân ngài trảy về đằng kia. Nhõn ơi! Mày đem thả ngay xâu con ộp xuống sông, cho ngài lấy lương ăn. Ngài đang đánh giặc to lắm. Ông Hoa ơi, trong bếp còn mấy vò rượu ông khuân ra cho tôi. Ngài đi ngoài kia, đấy tiếng tù và, lại tiếng tù và... đấy đấy.

Hai ông già cứ nghi ngóp rót rượu ra bát lồi ừng ực uống, rồi lại ngóc đầu lên. Ông từ Hoa ơi? - Đấy, đấy ngài...

Lúc ấy, Nhõn đi ném cả xâu ếch xuống sông. Nhà tối om, Nhõn nhóm lên một đống củi. Nhõn cũng trông thấy loạn cả mắt trong ánh lửa nhảy nhót. Thánh đã biết ta bẻ hết chân những con ếch thờ rồi. Nhõn quỳ xuống, sợ dựng tóc gáy. Rồi Nhõn rà rà vào bếp cắp một hũ rượu. Nhõn lại chạy xuống bến. Cái bè củ nâu ba cây luồng vẫn nẹp đấy Nhõn cởi chão néo đẩy cái bè băng ra giữa dòng. Không biết Nhõn lại ngược hay xuôi Kẻ Chợ. Xâu ếch chết rồi. Nhõn sợ đánh mất xâu ếch của thánh. Nhõn vẫn thấy quân đi ồn ào trên kia.

Bây giờ thì xung quanh đã im ắng. Ông từ Hoa định về ngoài đình, ông vẫn nhớ đường. Người say bao giờ cũng nhớ đường về nhà, về đến nhà ngủ thiếp đi lúc trở dậy mới không biết ở đâu. Ông Hoả lại vẫn trông thấy cái áo thụng rớt dãi ọe ra ướt hết ngực áo lão Đợ. Thế thì ông phải đem về, giặt ngay. Chẳng có thì cái áo thụng ố ra, nó bị chuột cắn, nó bị gián nhấm, cơ chừng mà thánh vật chết, mà phải làng bị vạ.

Ông từ Hoả lò lồm cồm đến chỗ lão Đợ. Ông run rẩy lần tay cởi cái dải áo.

Lão Đợ nhắm mắt nói khao khao:

- Đứa nào?

- Từ Hoả đây.

- Thằng kẻ trộm à?

Ông từ Hoa rên hừ hừ:

- Áo thụng ố hết rồi phải đem ra ao đình giặt.

Lão Đợ ngồi dựng lên:

- Áo này áo thánh, tôi là chủ tế tôi phải rước áo về đình cho ông từ người ta giặt. Phải thế mới được.

Lão Đợ cởi trần, hai tay bưng cái áo tế lên trước mặt. Lão Đợ cũng không nhận ra ông từ Hoả vẫn đi sau lưng.

Đã ra tới đầu ao làng tối om. Nhưng con đường này, tảng đá, hòn gạch bờ bụi các người đi cả đời đã thuộc nhẵn.

Hai người say vẫn đi. Rồi lão Đợ giơ cái áo nâng lên ngang mặt, đưa cho ông từ Hoa.

Rồi lão Đợ quay về tay không. Hai ông lão đường đi đường về như đi trong đường mê mà ai cũng về được cả.

Đến ngõ, lão Đợ trông thấy cây rơm, cây rơm là đến nơi rồi. Lão lăn ra ngủ dưới chân cây rơm. Mờ sáng hom sau, ngoài đình viếng đập cửa chan chát:

- Từ Hoả ơi, từ Hoả!

Ông từ Hoả mắt nhắm mắt mở ra mở cưa. Nhòm ra, lão Đợ cái mặt rượu bây giờ nhợt nhạt bệch ra. Lão Đợ lơ láo thì thào.

- Mất cái áo tế rồi. Lạy thánh mớ bái hay là quân ngài lấy tôi gọi thằng Nhõn hết hơi. Mất cái áo tế mất...

Ông từ Hoả lẳng lặng vào, lão Đợ bước theo đến chỗ cái mái vảy chỗ cái sân đất bên hậu cung. Ở mảng sáng chỗ sợi mây chăng ra, cái áo thụng vừa được ông từ phơi lên, nước còn nhỏ giọt. Lão Đợ quỳ xuống vái cái áo tế. Ông từ Hoả nói như phân trần, lại như phàn nàn:

- Dớt dãi cả ra áo phải giặt ngay, không có thì phải tội chết.

Lão Đợ thở dài thượt một cái:

- Thế mà lo sốt vó từ gà gáy.

Lão Đợ dửng dưng bước ra, lão nói:

- Tôi phải ra sông bảo thằng Nhõn lấy cái nan xuống đìa kiếm mấy “Ông ộp”, hôm nay mới được làm cỗ kị thánh.


Các bạn có thể đọc truyện ngắn tiếp theo của nhà văn Tô Hoài :Cây mía đỏ
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Trang Dimple

New member
Xu
38
Bút nghiên xin chia sẻ tới các bạn đọc truyện ngắn "Cây mía đỏ" Của Tô Hoài

cây mía đỏ.jpg

Nhà nào cũng gói bánh chưng hôm hăm bảy tết. Nồi thịt bò quấn lạt kho chín nục, đã treo lên cột chạn bếp rồi. Những chùm khánh đất trên cây nêu reo leng keng trong gió ngoài vườn.
Năm nào bà cũng đi buổi chợ tết cuối năm - có khi hăm chín bắt làm ba mươi, ngày áp Tết thật túi bụi, tất bật. Hầu như chẳng còn việc gì bận bịu đến chợ búa, bà vẫn đi phiên chợ tất niên. Bà đi với cháu. Thằng bé năm nay đã lên tám.
- Bé lon ton đi sắm Tết với bà. - Bà ơi? Bà lại đi mua cỗ ăn Tết à? Bà mua những gì nữa?
Bà nói:
- Không. Bà chỉ còn đi sắm gậy cho cụ. Đường xa mà mưa phùn lầy lội cả ngày thế này các cụ phải có gậy chống mới về kịp ăn cỗ tối ba mươi được Mai đã ba mươi rồi.
Hai bà cháu đã đi đến cây đa đầu làng. Mới hôm nào, giữa trưa nắng hè, những quả đa chín vàng rụng lộp độp, rơi cả xuống đầu. Nhưng không phải tự dưng có quả đa rơi đâu. Trên cao cao kia, những con chim bồ các đứng len lỏi rúc trong những đám lá đa tìm ăn quả đa chín. Thế mà gió bấc về lúc nào không biết. Cây đa cổ thụ kia đã trơ trọi cả lá chỉ còn nghe tiếng gió à à. Những con quạ phờ phạc trong hốc đa tung cánh bay ra thế là lại đến Tết.
Bà vào hàng mua mía ngay đầu chợ. Cô hàng mía chít khăn vuông kín mít chỉ còn thấy hai con mắt to hó, cô đã đặt gánh xuống hai bó mía. Cô cởi ra từng cây, dựng đứng ngoài tường. Những cây mía mỗi đốt đỏ lựu màu mận, trên ngọn để búp lại như cái bắp ngô xanh xanh. Rõ là cây mía thờ bán chợ Tết.
- Bà ơi? Bà mua mía làm gì?
- Đã bảo mà. Gậy của các cụ chống, các cụ về ăn Tết.
Bà chọn hai cây mía. Cô bán mía lấy cho bà lão hai cây mía mẫm hơn, rồi bó lại. Bà xách đuôi cho cháu vác ngọn mía. Cháu nghênh ngang đi trước. Cái chợ ồn ào đằng sau lưng như không còn gì.
Một quãng xa.
Đã lại về đến gốc đa, gió rét thổi ràn rạt. Chẳng biết vẫn con quạ ban nãy hay những con quạ rét quá vừa ngủ dậy, bấy giờ mới bay ra gió sởn cả lông lên. Bà cháu đã mau chân về đến nhà. Cái mâm chõng làm bàn thờ đã được kê bốn hòn gạch vồ đẩy lên cao. Trên mâm, bên cạnh ống hương, cái mâm bồng ngũ quả nhô ra nải chuối xanh. Nén hương đen dài khói lơ lửng khắp gian nhà cũng được bố thắp từ sáng sớm.
Cháu đã thuộc mọi việc bày bàn thờ Tết. Cháu vác hai cây mía ra chum nước rửa. Bà thắp một tuần hương nữa rồi xếp cây mía vào bức vách hai bên giường thờ.
Bà ngoảnh ra sân mưa phùn rồi bảo cháu: Các cụ phải đi nhanh mới về kịp giao thừa được chiều ba mươi rồi.
Cháu nhìn lên giường thờ, nói:
- Thế thì các cụ đã có cây mía làm gậy đây rồi.


Các bạn có thể đọc
Truyện ngắn Tô Hoài - cái áo tế
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Bút nghiên xin chia sẻ tới các bạn đọc truyện ngắn "Con cua tám cẳng" Của Tô Hoài

con cua tám cằng.jpg

Ông lão đang ngồi lơ mơ. Bỗng thoáng một cái gì đụng đậy ngoài sân đất. A, con cua, con cua bò lổm ngổm dưới bờ ao lên. Lại một con nữa. Hai con cua, cái càng giơ lêu ngêu. Ngoài đồng bây giờ chẳng có bóng một con cua. Người ta bỏ cái thuốc sâu, như thuốc mối thuốc mọt ấy mà, đến thằng nhện nước loăng quăng cũng chết mất giống. Những con cua sống sót này ranh ma thế. Nó khôn bằng mấy người già đấy, biết chạy chết vào các ao trong làng.
Ông lão cúi ngắm nghía con cua đồng như chưa trông thấy con cua bao giờ. Cái càng cua huơ lên định quắp. Con cua tám cẳng hai càng, một mai hai mắt rõ ràng con cua. Con cua có tám cẳng, con cua đến lắm chân. Cứ đương bò ngang con cua lại bò dọc, hu ríu chẳng chân nào bảo được chân nào. Phải rồi, cho nên người đời mới mắng nhau: Ngang như cua, ngang như cua bò.
Chẳng phải đứa nào đâu xa, bà lão nhà này vẫn nhiếc tớ, tớ chỉ được cái nói ngang, ngang như cua. Chẳng biết bà lão hay lẩm bẩm về tớ như thế từ bao giờ. Ở với nhau cả đời, sao mà cứ ngày lại thấy ra một cái tật, một cái chẳng hay ho ra làm sao. Bà lão bảo lão ngang như cua, lão chỉ thấy cái miệng bà lão nói dối dựng đứng. Nó đi chợ về, nó bảo nó ra bến. Nó ngỡ nếu nói là đi chợ thì lão này lại cho là bà lão đi chợ ăn quà. Không biết lão có nghĩ thế không, nhưng lão đoán có phần có khi đúng, không phải lão ngang như cua.
Thế là lão bực, lão dúi một cái. Bà lão ngã ngồi xuống. Nhưng bà lão đã nhổm lên, đẩy ông lão một cái ông lão lăn chiêng ra, hay là ông lão nằm ăn vạ ông lão quờ quạng như con cua bò thế rồi lại rên phè phè như con rắn hổ mang.
Bà lão lập cập bước ra ngõ, nói trống không:
- Đứt đuôi con nòng nọc, đứt đuôi con nòng nọc, từ đây cơm ai người nấy ăn.
Mấy hôm sắp trở trời hay sao, cái mảnh mìn giắt trong bắp chân làm ông lão lại nhức nhối. Ông lão được trợ cấp thương tật, nhưng có đứa bảo đấy là ngày trước tại lão đi vô ý giẫm phải. Không biết mìn ta hay mìn Tây, ông không cãi lại với ai bao giờ. Chỗ ấy là ven đường thằng Tây qua lại, chỗ nào Tây gài mìn thì đấy là mặt trận, có là du kích cảm tử như tao mới dám ra đấy biết chưa. Bà lão dỗi thật. Cả ngày hôm sau, cái bếp im ắng. Đúng là bà lão dỗi thật rồi. Mặc kệ. Có lúc ông lão muốn lên tỉnh chơi với thằng giáo. Nhưng mới nghĩ đến nó, ông lão đã bực mình. Trẻ con bây giờ hỗn. Đời ông, cầm súng cũng có, cầm cuốc cũng có, ông chẳng phải đi học trường thấp đẳng, cao đẳng gì cả. Nhưng cái gì ông cũng biết, cái gì không đúng “quy lát” cũng không qua được mắt ông. Mày cậy mày có đôi ba chữ, mày cũng bảo ông nói ngang như cua. Mày bảo ông im đi, ông đừng nói nữa. Con nhà láo đâu mà láo thế. Cái con mẹ mày cả đời chỉ biết dựa cột cũng vào hùa với mày. Chúng mày ếch ngồi đáy giếng thì có. Mẹ mày bảo từ giờ mỗi người một niêu. Ông sợ gì. Ông lên nhà thương nhà nước trên huyện ông ở cho mà xem. Ông có sổ ốm, ông đi bệnh viện lúc nào cũng được. Nhưng mà ông cũng nghĩ doạ chúng nó thôi, có bần cùng mới đến cái chỗ chứa người bệnh, người chết cho nó ốm đau sầu não người ra.
Ông cũng có việc của ông. Đến mùa hanh hao, ông đi mua những cây tre chết dóc. Tre ấy chẳng bán thì cũng đẵn bỏ cho măng mọc, người ta bán như cho không. Ông vác tre về, chặt từng đốt, ngâm bùn phơi rồi chẻ ra vót đũa cả, đũa quấy bánh đúc. Cái tre chết dóc, lại tre cật, trông đôi đũa chưa gác bếp đã muốn mua rồi, mà nhà nào cũng phải có đũa, có đũa cả, chưa dùng đến thì cũng cắm vào rọ cho đẹp bếp, đẹp chạn, cho vẻ nllà phong lưu. Nó là cái đũa cả, đũa đầu họ nhà vua bếp. Ông chỉ vót đũa cả. Cả chợ gọi ông là cụ “đũa cả” ông cười.
Chẳng qua ông lão nghĩ ồn ào thế chứ anh giáo có dám láo, hỗn gì với cụ đâu. Anh giáo chỉ ngượng mỗi cái gì ông cũng bảo ông biết, ai cắt nghĩa ông cũng có ý kiến. Cái rađiô, cái truyền hình ấy a, chỉ hơn được là trông thấy cái thằng người chứ nó cũng ở cái galen mà ra. Chỉ được cái không phải dựng cây tre ngoài sân, không lo bị sét đánh, chứ nó cũng eo éo thế thôi, có gì đâu... Hội hè à, ngày trước, ông mà đi hội Lim ấy a, con gái Lim có mà theo ông hàng đàn. Chúng mày bảo tham ô là thế nào, đứa nào cầm tiền trong tay chẳng muốn tiêu, ngày xưa việc vua quan việc thằng Tây cũng vậy thôi. Ông đã bảo mà.., mày thấy tao nói cái gì không đúng. Ông không biết à? ông biết tất... Rồi cả mấy hôm nay không có khói bếp. Cơ mà bà lão bỏ bếp thật. Thế thì ông đi. Ông đi cho mà biết tay cho mà thấy là ông đi đâu cũng được. Nhưng ông không lên nhà anh giáo trên tỉnh. Ông lại lên bệnh viện. Cái sổ ốm của ông lão và cái chân ông đau, cả hàng huyện người ta đã quen mặt, quen bệnh ông rồi. Từ hôm lên đây lão không nhắn thằng giáo, nó không biết mà về thăm ông đã đành, nhưng cũng không thấy mặt bà lão. Thế là ra sao nhỉ, ông mà có thế nào ở đây, ông mà chết ở đây cho chúng mày trắng mắt ra. Ông lão nói quở mình thế, nhưng mấy hôm nay ông lão cũng ê ẩm cái chân thật. Có người thấy ông vắng nhà, hỏi thì bà lão nói: “Ông lão đi ăn cơm hà nước rồi”. “Ông ấy đi ăn cơm tù hay sao mà cơm nhà nước ạ?”. Biết người ta trêu, nhưng bà lão cũng chửi: “Quân này xấc nào? Nhà nước mời ông ấy lên trên nhà thương, không phải chuyện đùa đâu” - “À ra thế... Thế thì bà cũng lên huyện ăn cơm nhà thương một thể, tội gì!” – “Ăn cơm nhà thương ghê chết được”.
Bề ngoài thì cứ như thờ ơ, như đủng đỉnh, chả biết ông bà khinh khỉnh với nhau từ bao giờ. Cái lúc còn trẻ chẳng biết thế nào, mà lúc còn trẻ bao nhiêu chuyện, thì nói làm gì. Vả chăng, ông lão ba hoa cứ ba hoa ông lão vẫn vót đũa bán được tiền, bà lão chỉ để ý có thế. Rồi đôi khi ông lão hay vặc nhau với thằng giáo trên tỉnh về - nhưng thằng giáo mà giảng giải, mà đưa tiền biếu, lão cũng im. Nhiều lần như thế bà lão mới nhận ra quả là ông lão hay nói ba hoa như tướng thế mà cái số ông lão sướng. Ông lão là tướng xó nhà. Nhưng bà lão không như thằng giáo, mà bà lão thấy ông trái mười mươi cũng chẳng biết nói thế nào, bà lão im, bà lão nhịn. Cái khó chịu nhau lịm vào trong từ bao giờ.
Ừ cứ để nằm như con gà rù ở đấy vài hôm cho bớt rác tai. Bà lão bảo thế, nghĩ thế nhưng rồi cũng sốt ruột. Buổi chợ hôm ấy có người dưới bãi đem lên chợ bán cái mía bãi mềm và ngọt. Bà lão mua hai cây.
Chốc nữa tan chợ, tạt sang bệnh viện.
Bấy giờ ông lão vẫn đứng nhìn con cua ở ngoài sân. Ông đi bắt cua từ thuở bé, mà cũng không bao giờ tẩn mẩn nhìn con cua như hôm nay. Những cái chân cua, càng cua líu, ríu xô ngang đằng này, xô dọc đằng kia, tám cái mỗi cái một phách làm cho cái mai cua cứ xoay ngang xoay dọc. Buồn cười đấy Nhưng mà cái thằng giáo bảo ông ngang như cua thì không được. Con cua là con cua, con cua bò ngang con cua bò dọc, thì nó là con cua chứ nó có phải là ông đâu.
Ông lão đã ra ngoài thềm, ngồi xuống, tay cầm cái túi nilông. Con cua bò nghênh càng lên định cắp, ông lão chộp chộp.., hai ngón tay nhón xuống, nhấc mai con cua, ông lão thấy ông vẫn nhanh vẫn thạo chẳng khác ngày trước đi bắt cua ngoài đồng. Ông lão đã nhón được mấy con cua bỏ vào túi. Những chân cua quào quào trong cái giấy bóng mà không leo lên được. Còn ở khe gạch thập thò mấy con cua nữa. Ông nhấc gạch bắt nốt. Chốc nữa, ông xuống nhà bếp. Hái vài cái rau dền cơm, thế là được bát canh cua ngọt. Hay là đem nướng ăn chơi, cua nướng chấm muối nhắm rượu, nghe cũng được đấy
Bên kia bờ ao, thoáng bóng người đi vào. Hình như trên tỉnh người ta sắp về khám, cho nên nhà thương đã đuổi không cho đám người nhà thổi cơm ngoài hiên, lại che mắt cán bộ đem chậu vôi quệt trắng nham nhở lên những góc tường ám khói bếp. Thôi, nghỉ tay cái đã. Ngộ nhỡ các cô y tá vào, thấy ông bắt cua phê bình ông “đau chân mà đi bắt cua, cụ khỏi rồi ạ” rồi bảo ông bác sĩ cho ông đem sổ ốm về thì rầy rà. Ồi, mà cũng phải ngả dưng. Chỉ cúi xuống nhặt con cua mà cái sống lưng đã lục cục tê tê như bị ai dằn xuống.
Ông lão nghiêng đầu nhìn ra. Người nào lù rù đi vào như cái bà lão đụn rạ nhà mình. Không, không phải. Nhận ra người nào, nhận ra ai rồi. Cái bà lão ngày trước ở dưới bãi đây mà, chỉ thoang thoáng cũng nhận nhau ngay. Thuở con gái, ả này mê mình, mê tơi, đã thề không lấy được nhau thì nhảy xuống sông trẫm mình, thì uống dấm thanh thuốc phiện mà chết. Thế rồi mỗi người lại đi một ngả. Cho đến bây giờ, dường như đã quên nhau. Bây giờ làm sao lại biết ta ở đây mà mò vào. Vào đây có việc hay là bà lão thăm ai, nhưng mà ông lão cứ bỗng nhiên thấy mình như ngày xưa, như ngày xưa. Đằng ấy biết tớ ở đây, ư, gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó, đi đâu cũng đánh hơi được Thánh thiên tử thật. Mà đã bao nhiêu năm nay ai biết ai thế nào, nó đi lấy chồng xa tận đâu, tít tận đâu chẳng biết. Ông lại càng thấy ông đương trở về ngày trước. Mày đến chấp chới tao.
Thế đấy... Thế đấy...
Bà lão đã bước lên thềm.
- Ông đấy à?
Bà lão cất tiếng trước. Ông lão làm như bây giờ mới nhìn ra và im lặng, ông lão thật thấy bà lão nhưng bởi vì cái giọng rè rè của người già lại làm cho cái thuở trẻ mơ hồ kia nhàn nhạt đi. Không phải cái bà lão rồi... Bà lão lại kêu lên trước:
- Ôi giời ôi? Sao lại hom hem mõ ra thế kia?
Tiên sư con quạ mổ, ông chúa ghét cái đứa độc miệng. Đã kêu giời, lại rủa hom hem mõ ra là thế nào. Ông lão bực mình, ông lão lầm lì không hỏi lại một câu. Ông câm như thóc. Nhưng bà lão dường như thương hại ông gầy yếu quá, bà lão tần ngần ngồi ngay xuống đầu giường.
- Ông ốm đến thế cơ à?
Ông lão lại cáu nữa. Bà lão nói:
- Tưởng ông đi đông đi tây ông lên xe xuống ngựa thế nào chứ ông lại co quắp mốc meo thế này à?
Con mẹ này nói đến thế thì ngu quá. Thôi chấp gì cái đứa lú lẫn đến nỗi cái lưng còng như con rùa cả đời nằm trong xó luồn bắt muỗi thế kia mà. Nhớ rồi, con này ngày ấy là cái đứa ăn nói ba toác, bạ gì nói đấy. Đàn bà ti hí mắt lươn, chúa ớ, chỉ khỏe nhìn trộm. Bây giờ mà cái quần vẫn bê bết bùn như lội dưới ao lên. Cái đũng sứt chỉ xuống đến đầu gối mà vẫn để toạc tè he như thế. Mày mới là con mẹ mõ già, mày mới là con mẹ sắp xuống lỗ.
Nghĩ thế, tưởng như đã hả, lão ra ý thương hại. Lão dịu giọng hỏi:
- Làm sao biết ở đây mà vào?
Bà lão cười nhe hai cái lợi nhợt nhạt chẳng còn chiếc răng nào. Ông lão cúi mặt, ghê cả người, không nhìn.
Thì bà lão nói nhỏ:
- Yêu nhau tam tử núi cũng trèo... Nói đùa chứ, nghe ở ngoài chợ họ rủa cái lão “đũa cả” lên nằm nhà thương rồi.
Ở ngoài chợ cũng phải đồn về tớ. Ông lão khoái bởi cái câu bà lão nói, nhưng ông chỉ thích nghe ra cái nửa câu nỉ non véo von Yêu nhau tam tứ núi... ông lại hỏi khe khẽ, đã nhãng những khó chịu từ nãy.
- Người ta nói láo thế à?
- Chúng nó còn bảo nhà lão ấy bây giờ hai niêu. Thế mà lão cứ bốc vụng cơm, bà lão tức không thổi nữa. Đói quát phải lên xin cơm nhà nước. Nghe thế cũng chạnh lòng, thử tạt vào xem thế nào?
Hai tiếng “chạnh lòng” làm cho ông lão nghĩ lại cái đời mình, cũng thấy ngậm ngùi, ông quên cả những lời đồn ác. Nhưng ông lại tỏ ra cứng cựa ngay. Ông hét:
- Xà! Mồm thiên hạ như cái đít trẻ con?
- Nằm chong gọng một xó thế này dễ người ta bêu xấu oan đấy?
Ông lão không nói gì nữa. Chẳng nhẽ lại đi cãi nhau với cái đứa lắm lời này. Bây giờ ông mới tẩn mẩn nhìn mặt bà lão, hai hàm răng rụng tiệt, cái cằm móp dẹt lại, trông như mặt con tườu. Ông lão nhớ ông có cái thú thỉnh thoảng ông ngồi đếm tay xem ngày trước đã có bao nhiêu đứa con gái mê ông, lần nào cũng đếm lẫn, ông thích đếm lẫn. Nhưng mà tớ phải cái tính dễ tặc Lưỡi, gái nào cắn câu cũng tặc lưỡi. Chứ người như con khỉ con tườu thế kia, đâu đã đáng lọt vào đuôi mắt, thì lão phải lòng phải bề nỗi gì. Trong khi lão rủa thầm, lão chê bà lão thì bà lão thở dài:
- Ngỡ những thế nào rồi mà bây giờ ngồi vót đũa...
- Xà Mày thì.., mày thì... Câm đi
- Ờ, cái gì sột soạt... Cái gói kia, cái gói gì đấy>
Ông lão nhìn chiếc túi nilông treo trên đầu giường ngay bên chân bà lão. Ông nói ơ hờ:
- Mấy con cua...
- Đồng áng nước trong như mắt mèo thế này mà bắt được cua, giỏi nhỉ?
- Mày thì biết gì! Cua thằng chủ nhiệm biếu... Người ta biếu?
- Thì vưỡn!
Ông định nói có ăn cua thì mang về. Mỗi con cua bây giờ cũng bạc trăm, mà phải lên chợ, chứ ra bến đâu dễ đã chuốc được. Ông lão định bảo bà lão thế, bởi ông lại nhớ cái tính ông huếch, ngày trước hay đi bẫy con gáy, có khi vác cần đi câu được con cá con chim lại đem cho các cô nhân ngãi. Ôi chao, bây giờ thì ông nói: Của thằng chủ tịch, thằng chủ nhiệm.., nghe cũng oai oai.
Bà lão nói: “Vào cữ này cua đồng ngọt thịt. Ngày trước, chỗ cánh ruộng nào cũng ối cua...”. Ông đương nói: “Này có...” thì có một bà lão xách hai cây mía, tò tò vào. Bà lão ở trong vẫn ngồi vắt chân lên đầu giường. Ôi chao, mắt toét nhoẻn mắt quáng gà hay sao.
Bà lão kia chống hai cây mía đứng ngoài hiên. Rồi nói vào như quát:
- Có nuôi được nhau thì đem nhau về.
Rồi vác hai cây mía, cung cúc đi ra. Ngoài cổng, các cô y tá ở ngoài chợ về, thấy bà lão đi xăm xăm, nước mắt nước mũi giàn giụa. Các cô hỏi:
- Cái gì hả bà? Ông ấy làm sao, hả bà?
Bà lão đứng xững lại, không nói. Mấy cô hốt hoảng chạy vào, xem ông lão làm sao.
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Bút nghiên xin chia sẻ tới các bạn đọc truyện ngắn "Đón giao thừa" Của Tô Hoài

đón giao thừa.jpg


Chẳng nhớ đã mấy năm qua, mùa nước năm ấy đương nửa đêm, sóng ngoạm cả cái xóm bãi xuống sông. May, người còn chạy kịp. Thế là cái xóm tan tác, nhà thì phiêu bạt, nhưng vẫn có người còn bám vào mặt nước. Vợ chồng nhà ấy ôm đứa con đỏ đem nhau xuống ở thuyền. Từ cái đêm nước lên khủng khiếp ấy thế mà chốc đã ba mặt con, ba con vịt giời. Mới chỉ có cái Gái đỡ đần được, hai nhóc ba năm đôi kia thì mới chỉ biết ăn chưa biết gì.

Mấy năm gần đây, cá mú trong sông biến đâu vãn cả. Có hôm bơi lên đến cửa sông Hát, cả buổi mò mẫm chỉ kéo được mấy con thờn bơn. Rồi cái chợ Long Biên mọc lên ngay bên chân cầu Của chìm của nổi các tỉnh xuôi về thành phố lên đậu cả vào chợ. Thì thuở xưa xa đã là vậy. Bởi thế mấy cái phố mép sông mới có tên từ thuở nào là Hàng Khoai, Hàng Đậu, Hàng Nâu và các chợ Gạo, cái bến Nứa mới trên bến dưới thuyền.

Nay vẫn thế. Của rừng đổ về, con người kiếm cái ăn quanh công việc vận chuyển đó. Sông Đà, sông Lô vào sông Thao xuống sông Hồng, rừng đồi đưa các thức về đồng bằng. Sắn khoai, trứng gà, buồng chuối, sọt dứa, xa nữa đến mùa có muỗm châu Yên, mận Bắc Hà và những bè gỗ, bè vầu. Nhưng mà nhà mình xác xơ, chỉ trông thấy của người ta.
Chồng bảo vợ:


- Nhà nó này, tôi lên chợ Phương kiếm cái Tết.

Hôm trước, vợ chồng đã bàn chuyến này lên chợ Phương Lâm tải củ mài về bán. Tết nhất người ta ngán mỡ, chè củ mài hẳn đắt hàng. Ở nhà, mẹ con cái Gái lại như mọi ngày lội xuống bãi đón thuyền, những lái thuyền vào thuê người vác, người đội, người xách hàng lên chợ. Những cuốn lá dong thì vác vai, những giỏ trứng và bu gà thì cõng. Có những cái thùng nhôm, thùng thiếc bọc lá chuối khô, chẳng biết là sơn ta hay thùng mỡ, chủ hàng mặc cả quẩy một lèo không được đỗ.

Chặp tối, vẫn chưa thấy mẹ và chỉ Gái về. Hai đứa thức dậy, khóc váng một lúc mỏi mồm rồi im. Trông lên, ánh điện trên đường đã sáng viền suốt thành đê và trên cầu. Không rõ tiếng nước vỗ óc ách hay tiếng chân người lội. Những cái thuyền to mọi đêm vẫn về đậu trong bóng cầu, bây giờ mờ mịt đã lẫn vào bóng tối. Có lẽ tiếng người, hình như chân mẹ. Nhưng sao mãi không thấy vào. Hay là cứ mong thì tưởng ra như thế. Lúc sau tối hẳn, mẹ và chị mới lên đến chân cầu thật. Nghe tiếng khoả chân nước róc rách.

Đêm ba mươi, ở cái bến chân cầu cũng chẳng khác mọi khi tối om. Lúc nào cũng chỉ nghe tiếng nước nói thì thào. Các thuyền đã đi ngủ cả rồi. Mùi hương ở thuyền nhà ai cúng thơm ngát trong gió heo rào rạt. Ba đứa trẻ vẫn ngồi nhòm sáng điện ở lưng đê hắt xuống. Mẹ bảo:
- Chúng mày ngủ đi chứ.
Cái Gái nói:
- Còn đợi xem pháo bông giao thừa.
Mẹ dỗ:
- Nằm xuống cho ấm chỗ. Lúc nào có pháo bông tao gọi.
Hai đứa em thì nói một câu mọi tối vẫn nói:
- Đợi bố về mới đi ngủ chứ.


Vừa hay, một ánh đuốc lóe lên chân cầu. Rồi trông thấy bóng bố cao cao đi chập chờn tới.
Lũ trẻ đứng cả lên reo to.
Bố hỏi như quát:
- Chưa đứa nào ngủ à?
Lũ trẻ tranh nhau nói:
- Đợi bố! Đợi bố về!
Bố cắm đóm đuốc, buông bịch một buộc sắn xuống đất. Mình bố bóng nhoáng không biết là quần áo ướt hay là bùn ướt.
Bố nói:
- Chẳng mua được chó gì. May quá, được người ta thuê chở đá. Neo dưới bến rồi, đến mùng hai tốt ngày người ta mới ra lấy bấy giờ mới trả công mở hàng nhân thể.
Người vợ làu bàu:
- Nhỡ cái...
- Chẳng nhỡ gì cả. Đá là của mình, mình giữ trên bến rồi.
Bọn trẻ con ngỡ bố chở đá uống nước đá, có đứa thít lên tưởng tượng làm vẻ ghê răng. Mẹ chúng nó đã biết đấy là những tảng đá người ta tải trên ngược về bày ở ngoài chợ Long Biên, để bán cho người chơi cây cảnh.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Trang Dimple

New member
Xu
38
Bút nghiên xin chia sẻ tới các bạn đọc truyện ngắn " Gấu đi chơi" Của Tô Hoài

gấu đi chơi.jpg


Theo thống kê của các cơ quan có trách nhiệm, cho đến tháng 12- 2000 ở Hà Nội có 697 con gấu nuôi trong nhà. Cách đây 3 năm (1997) mới có 62 con.
(Tin các báo)


Bé tha thẩn chơi trong phòng một mình. Bé đương xếp các thứ để bày cỗ. Mẹ bảo Bé bày cỗ đón năm mới, cũng như bày cỗ tết trung thu ấy mà. Bàn vuông trên cao, phủ khăn hoa. Có quả bòng tròn xoe, vàng hây to tướng đặt giữa, hai hộp súc cù là giấy bóng vàng nhấp nhánh và bao thứ màu xanh đỏ vui vui. Giá có các bạn đến chơi bày cỗ thì hay biết mấy. Hình như có tiếng bước nhè nhẹ. Bé ngẩng đầu nhìn ra. Bé không kịp giật mình. Một chú gấu lừng lững vào. Con gấu đã trông thấy trong chuồng trấn song sắt ở vườn Thủ Lệ. Con gấu đen sì, lông xồm xoàm to ngang cánh phản gần vừa cái cửa. Gấu đã trông thấy Bé, gấu bèn đứng hai chân lên. Gấu ra điệu hai chân ve vẩy như hai tay người đi làm dáng.
Bé hốt hoảng. Bé lấy hai bàn tay bịt mặt.
Gấu nói:
- Đừng sợ tớ. Gấu đây mà.
Bé hé mắt trong kẽ tay. Gấu lại nói, như phân trần:
- Tớ to con thế này nhưng chưa bằng tuổi ấy đâu Tớ mới được lên ba, chắt ấy thì đã lên tám rồi chứ chẳng chơi.
Bé đã bạo dạn hơn:
- Tớ lên bảy.
Gấu cười he he:
- Thế thì ấy là anh tớ rồi.
Từ lúc nào, Bé đã hết sợ, lại như Bé đương mong bạn đến chơi thì bạn đến. Bé hỏi:
- Đằng ấy ở vườn Thủ Lệ về đây à?
Gấu xua một tay.
- Kém quan sát. Kém quá. Không, không, tớ là hàng xóm ấy thôi.
- Sao tôi không biết nhỉ?
- Không biết cũng là phải. Lão chủ cũi tớ ở trong buồng cả ngày cả đêm.
- Làm thế nào mà lần sang được đây?
Gấu nhe hai hàm răng trắng tểnh cười khé khé.
- Người ta nhớ đến thế nào thì cũng có lúc quên chứ. Lão chủ vội đi, quên cài then. Thế là tớ đẩy then chuồng, vứt cái khoá xuống đất, tớ đi chơi. Hai đứa dần dần trò chuyện rôm rả.
Bé hỏi:
- Đằng ấy cứ bị cùm thế thì cuồng cẳng lắm nhỉ?
Gấu kể:
- Lâu lâu lão ta lại giơ lên cái kim thực dài. Tớ chẳng có tội gì mà lão điên ấy cũng đâm tớ. Tớ vừa giơ tay định gạt cái kim thì tớ đã ngã lăn ra nằm mê luôn.
- Lạ nhỉ?
- Không lạ đâu. Người ta bảo đấy là lão đánh thuốc mê để chọc kim vào bụng tớ lấy mật của tớ. Tớ chẳng biết gì cả, mà cũng không thấy đau. Đến lúc tỉnh dậy, thấy lão cười cười, tay cầm một túi khẩu mía. Lão ta bảo: ăn đi, ăn đi, ăn tẩm bổ. Mía cũng ngọt thật tớ nuốt cả bã. Lúc nào tớ cũng đói.
- Quả trên bàn kia là quả gì mà to thế?
- Quả bòng để bày cỗ tết.
- Cho tớ nhé. Tớ chén hết quả bòng ngay.
- Hôm nay là ba mươi, ăn bánh chưng trước đã. Mẹ bảo thế.
Gấu lắc đầu:
- Tớ ăn bánh chưng rồi. Nhai dính răng bỏ mẹ!
Bé như chợt nhớ ra:
- À tôi cho đằng ấy cái này. Đằng ấy đã biết kẹo súc cù là chưa?
- Chưa biết.
- Các bạn tôi đều thích súc cù là ghê?
Bé quay vào bàn, lấy một miếng súc cù là nâu bóng nhoáng. Bé đặt súc cù là vào cái đĩa, chìa ra phía Gấu:
- Nếm thử xem.
Gấu cúi xuống, thè lưỡi, nuốt chửng một phát cả miếng súc cù là. Rồi Gấu ngẩng mõm, hai con mắt hấp háy như thèm ăn nữa.
Bé hỏi:
- Ngon không?
Gấu kêu to:
- Ngon quá! Ngon quá! Ngon hơn mật ong trên rừng. Cho tớ miếng nữa.
- Chốc nữa, mẹ tôi về, tôi xin cho.
Thế thì tớ nằm đây đợi mẹ ấy.
Lúc ấy, ngoài cửa có tiếng chân người rậm rịch. Rồi nhiều người chạy ra.
Lao xao tiếng kêu: “Con gấu chạy đi đâu rồi? Có ai trông thấy con gấu nhà tôi không?”
Người ngoài đường nhốn nháo cứ vừa xúm xít lại vừa tản ra, ai cũng rối rít, hốt hoảng. Nó mà gặp, nó mà vồ, nó mà tát cho một cái thì chết cả. Con gấu nhà đứa nào xổ ra thế. Phố phường cũng hoá ra đường rừng rồi. Đôi bên hàng phố đóng cửa rào rào. Phút chốc, suốt dọc phố vắng tanh. Bé nhìn Gấu:
- Người ta đương đi tìm mày đấy. Về đi.
- Tớ còn đợi ấy xin mẹ cho tớ miếng súc cù là.
Bé nói ngẩn ngơ:
- Người ta sắp vào lôi ấy về.
Gấu cười nhe hàm răng trắng phau.
- Chẳng sợ. Vào đây, cứ vào, có đứa nào chịu nổi cái tay bàn vả của tớ không. Tớ mà tát một cái thì bật má.
Thong thả, Gấu khoanh hai chân trước, nằm kề mõm lên. Hai con mắt Gấu lim dim, lúc ngước lên nhìn Bé, lúc lúc lại nhìn ra cửa. Vẻ tinh nghịch, Gấu chờ mẹ Bé về.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Nguyễn Đảm Vp

Cộng tác viên
Xu
0
Mỗi câu chuyện của Tô Hoài đều thật thú vị.

Lại sắp đến tết rồi. Thời gian trôi nhanh thật.

Con cua tám cẳng hai càng
bò đi bò lại hỏi bò mấy chân
 

Hide Nguyễn

Du mục số
Ngày 27/10/2015, hiệu sách Dế Mèn khai trương tại ngôi nhà 108, C3, tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội, vốn là thư phòng của nhà văn Tô Hoài trước kia. Hiệu sách Dế Mèn do chính con cháu Tô Hoài thực hiện, diện tích rộng hơn 10m2 tương lai sẽ có thêm phòng đọc mini phía trong - nơi nhà văn Tô Hoài từng ngồi viết văn, ngủ, nghỉ. Ngoài các đầu sách của nhà văn Tô Hoài, hiệu sách còn có nhiều tác phẩm cho thiếu nhi, phần lớn là sách văn học. Hiệu sách cũng tạo công việc cho con cháu trong nhà, giúp các cháu có cơ hội hiểu thêm về ông và là nơi để bạn bè, người yêu sách ghé thăm như khi ông còn sống
Khi nào có dịp sẽ ghé thăm :)
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top