Truyện cực ngắn

vanchuong83

New member
Xu
0
TRUYỆN CỰC NGẮN
Thạc sĩ Bùi Như Hải

Short - short story - là một thuật ngữ mới thâm nhập vào đời sống văn học Việt Nam những năm 90 của thế kỉ XX: “Xu hướng tìm đến truyện rất ngắn - một thứ truyện ngắn mini như những tri thức nghệ thuật thật sự chỉ thật rõ vào những năm 90” (Vũ Tuấn Anh). Xu hướng này được thể nghiệm ở nhiều tác giả, nhiêu thế hệ nhà văn. Từ những nhà văn giàu kinh nghiệm trong nhiều truyện ngắn ở giai đoạn trước như Nguyễn Quang Sáng đến các nhà văn trẻ như Phạm Sông Hồng, Phan Thị Vàng Anh, Phạm Văn Khôi...

Trong lịch sử văn học chưa có thể loại nào lại được gán cho nhiều tên gọi như short - short story. Với nhiều góc độ tiếp cận, thể loại sinh sau nở muộn này du hành với nhiều tên gọi khác nhau như truyện tia chớp (flash fiction), truyện bất ngờ (sudden fiction), truyện bưu thiếp (postcard fiction), truyện mini (minte fiction), truyện nhanh (fast fiction), truyện hỏa tốc (furious fiction), vi truyện (micro fiction). Ở Pháp, truyện cực ngắn (truyện mini) được gọi là “novelless”; Trung Quốc được gọi là truyện bỏ túi, truyện bằng lòng bàn tay, truyện dài một hơi khói. Những tên gọi ấy đã ngầm thừa nhận hình thức ngắn gọn, rất ngắn của thể loại này.

Truyện cực ngắn xuất hiện khá sớm ở các nước phương Tây, nhà nghiên cứu văn học Đặng Anh Đào cho rằng tiền thân của truyện cực ngắn là những “tin vặt” trên báo chí: “Từ thế kỉ XVIII, các tờ báo đã đăng tải những sự kiện nhỏ, những mẫu giai thoại này làm tươi tắn sự nhàm chán của những trang giấy và khiến độc giả được giải trí”. Thế nhưng, truyện cực ngắn không chỉ có từ những tin vặt trên báo chí, mà còn có từ trong các truyện dân gian, từ truyền thuyết đến cổ tích, tiếu lâm hay ngụ ngôn. Và trong văn học viết cũng xuất hiện trong các ngụ ngôn của Aesop và tập Metarnorphosis của Ovid thời cổ đại.

Đến thời hiện đại, truyện cực ngắn ngày càng phát triển rộng rãi, với nhiều cây bút tài hoa như Guy de Maupassant. Và gần thập niên trở lại đây, truyện cực ngắn được đưa vào giảng dạy ở nhiều trường đại học Âu Mĩ.

So với thế giới, truyên cực ngắn xuất hiện ở Việt Nam như một chùm “hoa muộn” (Đặng Anh Đào) nhưng nó đã gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận. Nguyễn Quang Sáng trong tập truyện ngắn Con mèo của Poujita (giải thưởng văn học 1994) có nhiều truyện rất ngắn. Đặc biệt, ý thức viết truyện cực ngắn được trở nên phổ biến, hứng thú kể từ khi Tạp chí Kiến thức ngày nay và Tạp chí Thế giới mới phát động cuộc thi.

Cuộc thi đã tạo nên một không khí sôi động, hào hứng, có ý nghĩa góp phần vào công cuộc đổi mới văn xuôi sau thời kì đổi mới. Kết quả cuộc thi thật bất ngờ, thú vị: một tập truyện cực ngắn ra đời “40 truyện rất ngắn”(NXB Hội nhà văn, 1994), một số tên tuổi tác giả viết truyện cực ngắn thật thông minh và duyên dáng như Phan Thị Vàng Anh, Hổ Phu Phục, Phạm Văn Khôi, Phạm Sông Hồng.

Truyện cực ngắn có độ dài bao nhiêu chữ ? Tạp chí Kiến thức ngày nay tổ chức cuộc thi sáng tác truyện 300 chữ. Tạp chí Thế giới mới thì giới hạn ở 1.000 chữ. Vương Mộng (nhà văn Trung Quốc) lại cho rằng thể loại này chỉ gói gọn trong 200 chữ. Các nhà xuất bản và các nhà văn đồng ý truyện cực ngắn dài từ khoảng 50-2.000 từ (Tiền vệ.org.com). Giả Bình Ao quả quyết rằng: “sự khác nhau giữa truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn vĩnh viễn không phải là số chữ nhiều hay ít”.

Chúng tôi cho rằng, ranh giới thể loại không rõ ràng, rành mạch nhưng vẫn phải thừa nhận đây là một thể loại có sự hạn định tương đối về số lượng con chữ, mà người viết truyện cực ngắn không thể tự do phóng bút, nghiền ngẫm triền miên về hiện thực đời sống xã hội và con người. Họ phải bấm bụng cắt đi mọi cái để cho tác phẩm có một khoảng trống thị giác lớn. Và vì thế, ở góc độ nào đó, hai chữ “cực ngắn”(mini) đúng là “vòng kim cô” định mệnh nhưng cũng đồng thời lại là “vòng nguyệt quế” ngọt ngào. Nhà văn nào mạnh dạn đội lên đầu “vòng kim cô” ấy thì hầu hết là những nhà văn tài năng xuất sắc.

Truyện cực ngắn như tên gọi của nó là những truyện rất ngắn. Đến với thế giới truyện ta bắt gặp xu hướng tinh giảm đến mức tối đa về dung lượng câu chữ, nhân vật, tình tiết, không - thời gian. Chính dung lượng hạn hẹp nên buộc truyên cực ngắn phải biến thái các yếu tố bên trong. Vì thế, các bình diện thi pháp truyện cũng trở nên linh hoạt, và có những đặc điểm riêng biệt để đáp ứng nhu cầu nghiêm ngặt về dung lượng của tác phẩm.

Có những tác phẩm làm chúng ta ngỡ ngàng vì kết cấu quá ngắn như Lụy, Con ma nhảy múa (Hoàng Long); Bên mình (Trung Thu). Bạn đọc mất bao nhiêu thời gian để đọc tác phẩm trên ? 10 giây hay 30 giây ?. Ví như: Những cành mai trắng xô đẩy làm tôi tử sinh - Lụy . Sự ngắn ngủi của loại truyện này khiến người đọc tiếp thu một mạch, một giây lát.
Nhà văn Nguyên Ngọc đã so sánh truyện cực ngắn với tạc tượng, yêu cầu người nghệ sĩ tước bỏ không thương tiếc những gì che khuất cái chính yếu. Chính mảnh lưới ngôn từ cực kì nhỏ hẹp này mà nhiều bạn đọc hoài nghi giá trị truyện cực ngắn, xem nó như trò chơi chữ nghĩa mang tính đánh đố.

Một hiện tượng tìm thấy ở truyện cực ngắn là sự giảm lược tối thiểu hệ thống nhân vật. Nhân vật trong truyện cực ngắn không được diễn tả, làm nổi bật đầy diện mạo, tính cách, số phận nhân vật và lẫn những biến thái tinh vi tâm hồn, mà chỉ chú ý đến những chi tiết, những khoảnh khắc tâm lí, những nghịch lí trong đời sống nhân vật. Từ đó, tổng hợp, khuếch đại để đi đến một thông điệp, một ý tưởng mà nhà văn muốn phát ngôn với cuộc đời.

Như vậy, nhân vật trong truyện cực ngắn không phải là nhân vật tính cách, nhân vật tâm lí; nhân vật không đi hết chiều sâu thế giới tâm hồn của chính nó, mà là nhân vật mang tính quan niệm, mang tính tư tưởng thể hiện một thái độ đánh giá về đời sống, con người của nhà văn.

Thi pháp tẩy trắng nhân vật được nhà văn huy động tối đa, thậm chí ngay cả một cái tên để thể hiện với đời cũng có lúc lại tẩy xóa mất như Tin nhắn, Vô tình, Đổi thay của Hoàng Nhật Tuyên; Tuổi dại của Lê Xuân Định; Thời gian của Tùy Nghi; Quà đồng của Trà Lâm Hoa Vinh.

Nói về nỗi đau của nàng cán bộ trẻ bị chàng rất đàn ông lừa dối trong tình yêu, Hoàng Nhật Tuyên chỉ viết “Chúng mày đi nhậu với nhau đi! Bà xã tao mới sinh, không đi được”. Tình huống này nếu lọt vào tầm ngắm của nhà tiểu thuyết hay truyện ngắn thì tôi tin chắc rằng sẽ có ngay một đoạn văn dài để miêu tả nỗi niềm đắng cay, tủi nhục sau khi bị chàng trai lừa dối. Thế nhưng Hoàng Nhật Tuyên miêu tả gói gọn trong mười lăm từ, thế mà người đọc cứ thấy xót xa, đau nhói trong lòng. Cái ngắn ngủi ấy như những nhát cắt thấm thía vào da thịt cuộc đời.

Để đảm bảo diện mạo, kết cấu trong truyện cực ngắn cũng rất ngắn gọn, không thừa một chi tiết nào trong những vi truyện này. Bước vào Tin nhắn ta bắt gặp ngay đôi nam nữ quen nhau trong một cuộc hội thảo về môi trường do Bộ tổ chức tại khu vực miền Trung. Hay Lê Khắc Thao khi dệt Giấc mơ, bắt đầu bằng một quyết định rất tỉnh táo: “Phải đi thôi. Mình đã hẹn Lan chiều nay sẽ trở lại trường”. Phải chăng do hơi thở hiện đại, nhịp chuyển của cơ chế thị trường đã dồn thúc nhà văn, khiến họ không thể nhẩn nha dạo bước? Hay đó là ý đồ của nhà văn trong việc phản ánh cuộc sống trong chính chiều sâu của nó chứ không theo chiều rộng như nhân vật chính của đời sống thể loại khác.

Thực ra, ý thức về dung lượng ấy còn đi theo quán xuyến ngòi bút nhà văn trong từng câu chữ. Bước vào Vòng đời ta bắt gặp “không phải chị không thương mẹ nhưng công việc gia đình quá nhiều thứ phải lo toan nên đôi khi chị không thể chăm sóc mẹ mình một cách chu toàn”. Cái vòng đời của lòng người như đã lan tỏa vào từng câu chữ, làm cho vật liệu thẩm mĩ ấy cũng đanh gọn và sắc lạnh.

Ngôn ngữ trong truyện cực ngắn mang nhiều dấu hiệu đổi mới, táo bạo đáng ghi nhận. Ngôn ngữ được “chưng cất”, giọt gũa đến mức tối đa, mang ý nghĩa hàm súc cao độ, tức là khả năng siêu ngôn ngữ “ý tại ngôn ngoại”. Chính vì thế, cấu trúc câu thường là cấu trúc ngữ pháp đơn giản, giảm thiểu các thành phần phụ, triệt tiêu các thành phần chuyển tiếp, những từ liên kết.
Ngôn ngữ trong truyện cực ngắn phát huy tối đa khả năng thông tin, khả năng biểu hiện ý nghĩa. Chúng ta thật khó ngắt ra những câu cụ thể để chứng minh, bởi muốn có được ý ngoài lời phải đặt nó trong hệ thống, trong văn cảnh, ngữ cảnh. Truyện Tin nhắn là một minh chứng, nếu chúng ta không đặt vào hệ thống của truyện, không chứng kiến cảnh hai người quen nhau, yêu nhau hạnh phúc ở phần đầu của truyện thì không thể hiểu hết ý nghĩa của câu “Chúng mày đi nhậu với nhau đi! Bà xã tao mới sinh, không đi được” ở phần cuối truyện trong cảnh cô gái bị chàng trai lừa tình.

Truyện ngắn mini giảm lược tối đa câu chữ nên tên đề của truyện cũng được nhà văn lựa chọn và bản thân nó cũng mang ý nghĩa bao quát, cốt yếu của truyện: Tin nhắn, Vô tình, Dòng đời (Hoàng Nhật Tuyên); Hoa muộn (Phan Thị Vàng Anh); Cây nhang (Nguyễn Ngọc Mộc).

Ở truyện cực ngắn, một thủ pháp phổ biến mà các nhà văn thường sử dụng: thủ pháp “tạo khoảng trắng” hay còn gọi là “vùng lặng”. Những “vùng lặng” có sức ngân vang lớn, nó như những dấu lặng trong âm nhạc, vang vọng, lan tỏa và thấm sâu vào nhận thức, tình cảm của người tiếp nhận, phát huy vai trò đồng sáng tạo của bạn đọc, tạo nên tính đa thanh của truyện ngắn hiện đại.

Thủ pháp “chân không” này không phải ai cũng ngộ ra được một cách nhanh nhạy. Ví như truyện Con ma nhảy múa (Hoàng Long) vẻn vẹn hai câu: Bạn đã bao giờ thấy một con ma nhảy múa chưa ? Nó đang ở trước mặt bạn đấy. Chừng đó thôi, bạn đọc lí giải cho được thông điệp thẩm mĩ của tác giả cũng phải mất nhiều lao lực đấy!. Bởi vì, tự thân tác phẩm là một con ma ngôn từ, nhảy múa trước mắt bạn đọc, tạo nên một khối “ru bích” trong trò chơi tăm tích chữ nghĩa.

Là một thể loại ra đời trong lòng xã hội hiện đại, tất yếu truyện cực ngắn phải dung hợp những kĩ thuật viết mới. Bút pháp đồng hiện được xem là một thủ pháp hiệu quả giúp nhà văn vượt lên trên sự ràng buộc về dung lượng thể loại để đưa đến người đọc những góc nhìn khác nhau về đời sống xã hôi và con người.

Yếu tố kì ảo như một chất men say cần thiết trong truyện cực ngắn, được nhà văn sử dụng một cách đắc địa để làm nên chiều sâu nội dung tác phẩm, tạo cho thể loại một dưỡng chất mới, thú vị và lôi cuốn hơn. Hoa chanh trái vụ mượn yếu tố kì ảo để tiến sâu vào đời sống tâm hồn con người.

Văn Như Cương đưa người đọc về lại với ngày xưa huyền ảo để gặp mùi hoa chanh trái vụ ngọt ngào dâng tràn. Nụ hoa tươi nguyên thụ hình từ bàn tay tật nguyền của đứa trẻ, hiện lên chân ảnh đẹp của người con gái. Kiểu kết cấu buông lững (kết thúc bất ngờ) được xem là đặc trưng của truyện cực ngắn; “Truyện cực ngắn thường là sự gặp gỡ của những trạng thái đời sống ở thời điểm ngưng kết đi tới chuyển đổi như phút 89 tràn đầy kịch tính trên sân cỏ trong những trận đấu bóng nghiêng ngửa” (Châu Thành Nguyễn). Tin nhắn (Hoàng Nhật Tuyên) là một kiểu kết thúc để ngỏ. Cá rô đồng (Khải Nguyên) là một cuộc hội ngộ đầy ý muốn, cô gái đã phóng sanh cho con cá rô dại dột tham gia cuộc dự tuyển vượt vũ môn lại gặp ngay sinh linh ấy trên bàn ăn của mẹ. Đó cũng chính là vòng tròn định mệnh của cuộc đời.

Trên những nẻo đường tìm kiếm những phương thức chiếm lĩnh đời sống xã hội và con người mới, con đường “kiệm lời” là con đường cách tân đổi mới có giá trị hữu hiệu. Bởi vì, bằng con đường “kiệm lời” truyện cực ngắn đã tô đậm thêm đặc điểm thể loại truyện ngắn, xây dựng bức tường sừng sững phân biệt rạch ròi ranh giới truyện ngắn và truyện vừa mà bấy lâu nay trong lịch sử lí luận về thể loại chưa phân định rõ ràng. Đó là, “dung lượng ngắn”, truyện ngắn “phải ngắn” nhưng ngắn bao nhiêu trang ?
Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam đã đặt ra một cái “khuôn” cho thể loại truyên cực ngắn “dưới một ngàn chữ”. Điều đó, khẳng định việc đưa ra tiêu chí phân loại truyện bằng dung lượng tác phẩm là hợp lí.

Truyện cực ngắn dẫu nhỏ bé về hình hài nhưng khả năng bao quát phạm vi hiện thực rộng lớn. Từ những mảng đề tài lớn về chiến tranh, nông thôn, thân phận con người, về những đường ranh giới mong manh cuộc đời cho đến những rung cảm nhẹ nhàng của tâm hồn… Tất cả đều góp mặt trong tà áo hẹp của thể loại “bé bằng lòng bàn tay”.

Xét cho cùng, sự ra đời của truyện cực ngắn là tất yếu, vừa phù hợp với quy luật phát triển của cuộc sống vừa đáp ứng yêu cầu tự thân của chính văn học. Truyện cực ngắn đồng hành trên bước đường đổi mới của văn xuôi sau thời kì đổi mới. Nó vừa “lưu giữ”, “biến cải” truyền thống thể loại truyện ngắn, vừa phá vỡ và thu hẹp khuôn khổ thể loại, mở thêm hướng tiếp cận hiện thực mới. Cùng với những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ, làm phong phú, đa dạng thêm hình thức truyện ngắn hiện nay, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển thể loại văn xuôi, đưa văn học nước nhà đi vào quỹ đạo chung cùng văn học nhân loại.

(Sưu tầm)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top