• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chia Sẻ Trong những vần thơ “Đất nước” mến yêu dạt dào cảm hứng ấy, có tác phẩm của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm.

ngan trang

New member
“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu. Nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ lặng im...(Tạ Hữu Yên). Cứ mỗi lần nghe lại bài hát này lòng ta xốn xanh da diết ! Nhớ những ngày bé thơ đến lớp, cô giáo dạy tôi viết hai chữ “Việt Nam” và gọi đó là Đất Nước.
Đất nước.jpg


Tôi mơ hồ chả hiểu, chỉ biết rằng đó là cái gì lớn lao và thật quý báu lắm ! Thời gian trôi qua nhanh, mang tuổi thơ bé bỏng của tôi đi xa. Cho đến hôm nay, qua bao nhiêu vần thơ đọc được tôi đã thấm thía hai tiếng thiêng liêng “Đất Nước”. Nhưng rất buồn là tôi không thể viết thành thơ. Trong những vần thơ “Đất nước” mến yêu dạt dào cảm hứng ấy, có tác phẩm của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm.
Đất nước Nguyễn  Khoa  Điềm.JPG

Hai nhà thơ đã truyền cho tôi cảm xúc mạnh mẽ. Những vần thơ giúp tôi nhìn ra chân dung của đất nước. Bình dị và trong sách, hồn hậu và nhân ái, nghèo khổ nhưng oai hùng.
Có lẽ chính những điều ấy đã khơi gợi cảm hứng cho các bài thơ, đã gieo vào lòng từng nhà thơ bao suy tư và trăn trở. Từ cảm xúc của những ngày sống hết mình với chiến đấu, từ vốn tri thức khá phong phú của mình, qua chương
“Đất nước” Nguyễn Khoa Điềm đã cắt nghĩa sâu xa cho tuổi trẻ thành thị miền Nam lúc này. Những hiểu biết về lịch sử dân tộc như sống dậy, lay động tâm hồn tác giả. Mỗi câu chuyện cổ tích, những thời khắc lịch sử của những cuộc đấu tranh giữ nước và dựng nước ngày càng thiêng liêng, tha thiết hơn bao giờ ....

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”...mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân ta biết trồng tre và đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó.


Trong hai câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm man mác âm hưởng sử thi. Yếu tố cổ điển và hiện đại hoà quỵên vào nhau tạo thành một cấu trúc hai cực. Đất nước mình chân thật như cuộc sống. Những câu thơ dài tuôn chảy êm dịu như dòng sông.
Một dòng cảm xúc dào dạt âm thầm nhưng mãnh liệt. Cảm hứng về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm bắt nguồn từ những huyền thoại : “Ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”. Dường như nhà thơ đã huy động vào đây nhiều vốn liếng, trí tuệ, sự từng trải, gửi gắm vào đây bao kỉ niệm suy tư.


Nguyễn Khoa Điềm đã cùng ta hành hương về với cội nguồn dân tộc và rồi tham gia vào cuộc chiến đấu chung là con đường đúng đắn duy nhất đối với người thanh niên yêu nước. Nhà thơ mạnh dạn để cái “tôi” của mình xuất hiện. Có thể nói rằng , muốn viết những vần thơ tuyệt vời về Đất nước không chỉ đơn thuần là nhà thơ biết rung động trước một vầng trăng, một tia nắng, một điệu dân ca hay một tiếng thơ cổ điển. Đây là cả một quá trình suy ngẫm, và “nhìn lại” đất nước. Từng lời thơ đầm ấm giàu ý thức của tuổi trẻ đã nhận ra vai trò của mình trước thời đại và nhận thức được đất nước này là của nhân dân. Chúng ta phải chiến đấu để bảo vệ đất nước tươi đẹp.

Nhà thơ cảm nhận phát hiện ra đất nước từ csai nhìn tổng hợp , nhiều mặt và dường như đã toàn vẹn. Với Nguyễn Đình Thi cảm hứng về đất nước bắt nguồn từ những chất liệu hình ảnh cụ thể, sinh động của cuộc kháng chiến chín năm cứu nước thần thánh của chúng ta. Bài thơ mang tính khái quát về cảm hứng lịch sử và truyền thống của dân tộc. Có phải chăng, cái cảm hứng ấy của hai nhà thơ này đều bắt nguồn từ lòng yêu nước sâu sắc? Do hoàn cảnh và thời điểm lịch sử mà mỗi nhà thơ lại có cảm nhận khác nhau.

Cảm hứng về đất nước đến với Nguyễn Đình Thi trong lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra dữ dội và tàn khốc. Người thanh niên Hà Nội ấy, cũng đã bước vào cuộc kháng chiến nhưng tâm hồn anh thanh niên vẫ đủ sức cảm nhận:

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa”


Đất nước nguyễn thi.jpg
Chính “mùa thu Hà Nội” ngày hôm nay đã gợi cảm hứng cho tác giả. Nhìn mùa thu này nhà thơ lại nhớ đến mùa thu xưa. Dường như lời hát “Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta ra đi theo tiếng gọi sơn hà nguy biến. Rên khắp trời, lời hoan hô quân, dân ta tiến ra trận tiền” còn vang vọng bên tai. Hôm nay đứng giữa đất trời chiến khu trong buổi sáng mùa thu mát lành nhà thơ suy tư về đất nước. Cái cảm giác đầu tiên mà Nguyễn Đình Thi bắt gặp là cái rất riêng, rất đặc trưng về, rất Hà Nội : mùi hương cốm mát. Phải là một chàng trai Hà Nội chính gốc mới có được cái cảm nhận ấy. Phải gắn bó máu thịt với thủ đô mới chan hoà tình thương nơi này đến thế ! Niềm cảm xúc dâng trào. Những hồi tưởng về mùa thu trước tuy êm ái nhưng thật ra lòng nhà thơ dạt dào biết bao


“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.


Người ra đi mang dáng dấp của cậu học trò, tỏng sáng lưu luyến bao nhiêu kỉ niệm đẹp với từng con phố dài xao xác hơi may. Có một chút lưu luyến bâng khuâng trong lòng người, nhưng không hề bi luỵ. Câu thơ mang màu sắc lãng mạn tươi mát trong lành:

“Sau lăng thềm nắng lá rơi đầy”

Cảm hứng về đất nước của Nguyễn Đình Thi cũng bắt đầu vui phơi phới của người tự do. Đứng giữa một vùng chiến khu tự do nhà văn đón nhận đất nước với những điều mới mẻ:

Mùa thu nay khác rồi
“Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha”


Phải có con mắt tinh tế, giao cảm với thiên nhiên nhà thơ mới nhận được sự ”thay áo mới” của mùa thu. Tất cả như nô nức, muôn âm thanh trong trẻo xanh biếc của trời thu như hoà quyện vào nhau; đất nước như “đang cười, đang nói”. Tâm hồn nhà thơ dạt dào mênh mông thấy đất nước mình như “rừng tre phấp phới”. Hình ảnh cây tre cũng được các nhà thơ nhắc đến khi viết về đất nước:

“Ta yêu Việt Nam đẹp, Việt Nam thơ bát ngát câu Kiều bờ tre, mái rạ
Mái đình cong con như em gái giữa đêm chèo
Cánh cò Việt Nam trong hơi mát xấm xoen cò lả
Cái đôn hậu nhân tình trong nét chạm chùa Keo”
(Chế Lan Viên)


Từ xúc cảm mãnh liệt dạt dào nhà thơ cảm nhận được đất nước mình không giống Chế Lan Viên với lối trầm ngâm, lắng đọng mà ở đây, đất nước hiện lên nô nức, tươi mát nhưng cũng hết sức hào hùng:

“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.


Nhà thơ không thiên tả cảnh mà nghiêng về yếu tố tượng trưng. Chỉ một vài hình ảnh cụ thể như : “ núi rừng, những cánh đồng, ngả đường, dòng sông” nhà thơ đã vẽ nên đất nước. Một đất nước được khẳng định chủ quyền “ Trời xanh đây là của chúng ta”, giống Lý Thường Kiệt ngày xưa đã khẳng định : “Nam quốc sơn hà nam đế cư”. Mượn một vài hình ảnh cụ thể nhưng có tính khái quát cao nhà thơ đã gửi găm stình cảm, gửi gắm tâm trạng của mình trong đó. Niềm tự hào nhà thơ thể hiện qua điệp nhữ “của chúng ta”. Rất đẹp, rất thơ với “những cánh đồng, những dòng sông, rừng núi”...Cảm hứng lịch sử với truyền thống dân tộc đã nhắc nhở nhà thơ đừng quên:

“Nước chúng ta
Nước của những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về”


Có nhìn về quá khứ xa xôi mới quý hơn những ngày mình đang sống . ở đây càng thấy quý hơn bởi chữ “tâm” của nhà thơ. Không chỉ có cảm nhận đất nước trong hiện tại với biết bao niềm vui chào đón mà còn nhìn lại lịch sử dân tộc. Có phải chăng những tiếng “rì rầm” trong đất ấy, những buổi ngày xưa vọng về thôi thúc bước chân và trái tim nhà thơ? Cảm hưúng thời đại đã kết hợp nhuần nhuyễn với cảm hứng Lịch sử truyền thống đã tạo ra những câu thơ tuyệt vời. Thi sĩ Gớt( Đức) có nói rằng : “Nhà thơ phải biết nắm lấy cái riêng biệt và từ đó, nếu cái riêng biệt là chân chính nhà thơ biểu hiện cái khái quát”. Nguyễn Đình Thi đã đi theo cái hướng này và đã thành công. Bằng những liên kết sóng đôi nhà thơ thường đi từ cái cụ thể đến cái khái quát.

Do đó mạch thơ tuôn trào theo cảm xúc không bị dàn trải. Nhà thơ cảm nhận đất nước bằng chính cái tâm hồn của mình, đáy lòng mình, không triết lý, không ồn ào nhưng đầy khích lệ. Chính vì vậy mà đất nước Việt Nam hiện lên rất hiện thực. Đó là một đất nước tạo hình trong đau khổ. Chíên tranh kéo dài không biết bao năm từ Đinh, Lý, Trần, Lê và cho đến ngày hôm nay vẫn chưa hết. Đất nước vẫn còn:

“Những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều”


Từ xúc cảm khôgn chỉ là niềm vui mà còn là nỗi đau nên trong bài thơ Đất nước lại có những vần thơ “đẫm nước mắt” như thế. Hình ảnh “cánh đồng quê chảy máu” đã tố cáo tội ác của giặc. Lấy “máu đỏ mà tưới trên cánh đồng vàng” không phải là tàn nhẫn hay sao? Cái hay của Nguyễn Đình Thi là ở chỗ đó. Hiện thực, quá khứ đã hội tụ về đây đó trong bài thơ nhưng với tâm hồn của một người lính mang dáng dấp học trò. cảm hứng lãng mạn luôn luôn chi phối.

“Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”


Tình cảm riêng tư cũng đã trở thành cảm hứng về đất nước. Trong cái chung bao giờ cũng có cái riêng Nguyễn Đình Thi đã từng nói “Ta yêu em như yêu đất nước”. Chính những tình cảm này đã góp phần tạo nên “Đất nước” đôn hậu, ân tình và trìu mến hơn. Cảm hứng về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm cũng được khơi gợi từ chuyện giữa “anh và em”.

“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”.


Nguyễn Khoa Điềm đã tiếp nhận đất nước trên nhiều phương diện. Từ địa lý cho đến lịch sử , rất cụ thể. Những câu thơ dài xen lẫn những câu ngắn và lối chiết tự khiến cho lời thơ có vẻ trầm tư. Tình yêu lứa đôi nảy sinh trong tình yêu đất nước. Cảm hứng đất nước bắt nguồn từ cách cảm nhận của nhà thơ qua những trắc nghiệm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tư tưởng của nhân dân đã chi phối toàn bộ cảm hứng, cấu từ hình tượng thơ. Nhà thơ cảm nhận rằng chính nhân dân đã làm nên đất nước và đất nước đã muôn đời là của nhân dân. Đất nước đối với nhà thơ vừa cụ thể mà cũng huyền ảo. Bởi vì cảm hứng ấy bắt nguồn từ những câu chuyện cổ, từ những điều gần gũi thân thương với cuộc sống của chúng ta:

Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”


Rất cụ thể, gần gũi và bình dị : “Tóc mẹ...gừng cay muối mặn”. Nhưng đây cũng là sự sáng tạo. Nhà thơ cảm nhận đất nước theo chiều dài, lẫn chiều sâu, xuyên suốt từ quá khứ cho đến hiện tại. Truyền thống, phong tục được coi là chất sống vĩnh hằng. Đất nước là tất cả những gì có trong cuộc sống, là mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng:

“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
...Em ơi em Đất Nước là một phần trong máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...”


Lời nhắn nhủ có vẻ riêng tư nhưng thật ra tác giả muốn nói chung với tất cả chúng ta. Không phải là lời giáo huấn mà là nỗi tâm tình, đầm ấm và thắm thiết. Những gì đã qua mà nhà thơ chứng kiến, đã biết, đã hiểu là nguồn cảm hứng chủ yếu của bài thơ. Tình yêu nước thể hiện thầm kín trong từng câu thơ.

Dường như đối với Nguyễn Khoa điềm đất nước mênh mông rông lớn lắm nhưng nó không xa lạ gì với chúng ta, nó ở ngay trong ta. Tất cả những gì có trong cuộc sống đều góp phần tạo nên đất nước. Đó là cảm nhận của lớp người đi trước. Nhà thơ đã khắc hoạ lại đất nước hết sức điển hình. Một đất nước Việt Nam với những chuyện cổ tích, ca dao, bình dị, chân tình nhưng người dân giàu lòng yêu thương, sẵn sàng hi sinh mình để tạo nên dáng hình xứ sở. Cảm hứng về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm không dừng lại ở một giới hạn nào, bởi vì đất nước kết tinh trong mỗi con người. Đất nước hoá thân trong đời sống của mỗi cá nhân và mỗi cá nhân đang sống đều mang di sản đất nước của cha ông để lại.

“Ôi đất nước bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta”


Vì vậy, chúng ta hôm nay có trách nhiệm giữ gìn và truyền cho thế hệ mai sau. Cảm hứng thời đại xen với cảm hứng truyền thống. Lịch sử dân tộc tạo ra mạch thơ dài không ngơi nghỉ. Nhưng điều đó khiến ta liên tưởng đến đất nước mình...Trong từng thời điểm, đất nước có những phút giây thơ mộng nhưng qua bao nhiêu chặng đường mà nhà thơ đã đi đất nước sống trong cực nhọc, nặng nề dưới bom đạn , chiến tranh. Nhưng mà cha ông ta:

“Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
Lưng đeo gươmg ta mềm mại bút hoa
Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hoà”
(Huy Cận)


Chính nỗi đau đớn mà đất nước đã phải chịu đựng làm xốn xang tâm hồn của nhà thơ. Thật vậy, bốn ngàn năm qua tổ quốc ta chưa hề châm dứt chiến tranh:
“Đất nước tôi, đất nước tôi, từ thuở còn nằm nôi sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa...”
Những buổi trưa hè giọng ca dao vẫn cất lên trên đất nước đau thương. Cung xlà một đất nước Việt Nam nhưng mỗi nhà thơ đều cảm nhận ở những điều khác nhau. Cảm hứng về “đất nước” bắg đầu từ hiện thực. Nhưng ở mỗi nhà thơ đều mang hình nét lãng mạn, lạc quan:


Đất Nước của nhân dân, Đất Nước cả ca dao thần thoại
Dạy anh biết “Yêu em từ thuở trong nôi”


“Đất nước” là chủ đề bao trùm thơ Việt Nam trong giai đoạn 1945-1975. Biết bao nhà thơ đã viết về đề tài nay. Nhưng tôi cho rằng trong tất cả những bài thơ Đất nước Nguyễn Đình Thi là người thành công hơn cả. Đất nước của Nguyễn Đình Thi rất chân thật nhưng rất nghệ thuật nhờ nhà thơ đã chọn hình tượng đặc sắc. Tuy nhiên ở mỗi bài thơ Đất nước nhà thơ nào cũng có nét hay riêng.

Tóm lại, cảm hứng đất nước của nhà thơ bắt ngùôn từ lòng yêu nước chân thành, sâu sắc ! Cảm hứng đó không bắt gặp trong hiện tại mà họ còn tìm về quá khứ. Với những năm tháng gian khổ chiến tranh với truyền thống tốt đẹp của dân tộc...Chính các nhà thơ cũng có một phần tạo ra: “Nam quốc sơn hà” tươi đẹp ! Để chúng ta có thể tự hào : “Đất nước tôi...sáng ngời muôn thuở. Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ...”
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Đất Nước
Tác giả: Nguyễn Khoa Điềm

Khi ta lớn Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa.." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó..
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ra cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời..
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau 4.000 năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta
Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào 4.000 năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhỏ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong 4.000 lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyển lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước là Đất Nước nhân dân
Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết "yêu em từ thở trong nôi"
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi
Người dạy ta nghèo ăn cháo ăn rau
Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi
Chén rượu đánh lừa con mỏi, cơn đau
Con nộm nag tre đánh lừa cái chết
Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
Không hề lừa ta dù cao dao, cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dẫu phải cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơí
Em nghe không trái thị đã rơi xuống tay người
Trai không chỉ rơi vì sức hút đất đai
Trái rơi vì tay người ao ước
Khi trái chạm tay người và người ấm ủ
Thì lừng hương và cô Tấm bước ra
Đi trả thù và sống Tự do
Không rơi xuống bùn, ôi trái thị quê ta
Để bùn lấm và thành bùn vạn kiếp
Rơi vào tay người, đó là định luật
Của đấu tranh và nhân nghĩa Việt Nam
Tuổi trẻ ơi trong sương gió tháng năm
Ta đã lớn rồi, chín đầy hy vọng
Hãy ngã xuống tay nhân dân, hỡi sắc vàng của nắng
Hỡi hương thơm của nồng mặn mồ hôi..
Hãy ngã vào tay nhân dân, đừng vãi đừng rơi
Đừng do dự, đừng hoài nghi nữa
Hãy yêu nhân dân và nghe người nhắn nhủ
Hãy tìm sức mạnh trên cơ thể nhân dân
Nhân dân đang đi lên đội ngũ trùng trùng
Thế vô tận của nghìn năm giết giặc
Lửa đã cháy hồng hào mặt đất
Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù
Không bao giờ xương máu phải bơ vơ
Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất
Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt
Nguyện làm người xung kích của quê hương
Đấy tiếng hát chúng con: tiếng hát xuống đường!



Đất nước- Nguyễn Thi

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Ðứa đè cổ, đứa lột da...

Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!

Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng.

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.


1948-1955
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Suy ngẫm về câu thơ nguyễn đình thi
Ôm đất nước những người áo vải
đã đứng lên thành những anh hùng (đất nước)

Bùi Ngọc Minh


1.

Mỗi khi nhớ về một nhà thơ, tâm tư ta thường ngân vang những bài thơ hay, những câu thơ hay của nhà thơ ấy. Đó là những vần thơ màngười thì cho là làm họ lạnh xương sống, người thì bảo rằng làm họ chảy nước mắt, thậm chí có người còn cực đoan hơn khi cho rằng đọc được một câu thơ hay có chết cũng sướng… riêng tôi lại thấy khi có may mắn, diễm phúc hội ngộ với những câu thơ như vậy, dường như có một mũi kim, khẽ chạm vào đâu đó trên da thịt và làm lan tỏa khắp con người mình một cảm giác đê mê, tâm trí lâng lâng… để rồi nó ám ảnh làm mình không thể nào quên được. Câu thơ: ôm đất nước những người áo vải – đã đứng lên thành những anh hùng của nguyễn đình thi, với tôi là một trong những câu thơ như thế.

2. Đất nước là một bài thơ không dài lắm (49 câu thơ) nhưng lại được viết trong khoảng thời gian khá dài (1948 -1955). Điều này cho thấy nhà thơ trăn trở suy tư, nung nấu, lao tâm khổ tứ về đứa con tinh thần của mình như thế nào. Câu thơ đạt đến sự giản dị trong sáng mà cao sang vô cùng. Nó trong suốt như ánh sáng mặt trời,(nhưng khi phân tích quang phổ lại lấp lánh bảy sắc cầu vồng). Hình ảnh, câu chữ không tân kì hiện đại, ngỡ như đọc lên là hiểu ngay, không ngờ lại sâu sắc, hàm súc tuyệt vời:

ôm đất nước những người áo vải

đã đứng lên thành những anh hùng

Toàn những chữ quen thuộc mà sao ám ảnh ta đến thế ? Chữ ôm trong tiếng ta là một động từ, thường dùng chỉ những cử chỉ âu yếm thân thiết trong quan hệ máu mủ ruột rà, thân tình thắm thiết (tôi dang tay ôm nước vào lòng – sông mở nước ôm tôi vào dạ, nhớ con sông quê hương, tế hanh); cũng có khi dùng trung tính, hoặc dùng chỉ sự tham lam vô độ nào đó (này này đế quốc biết hay chăng? (…) trái đất ngươi ôm, ôm chẳng nổi – ta với trời kia cả cung trăng, lê đức thọ). Trong câu thơ nguyễn đình thi, chữ ôm thuộc nghĩa đầu tiên. Những người áo vải, ai chẳng hiểu là quảng đại dân chúng là tập đoàn người đông đảo nhất, nó phân biệt, thậm chí đối lập với những người áo gấm. Những người áo vải còn được gọi là bách tính, trăm họ, dân đen con đỏ, dân chúng hay thảo dân (khi là cây mác cây chông – khi là ngọn cỏ, khi không là gì), chúng sinh, quần chúng và gần đây còn có chữ cửu vạn (vốn là tên một con bài trong cỗ tổ tôm vẽ hình một người đang còng lưng vác một kiện hàng lớn)…những kiếp vô danh, sống lầm lũi, lam lũ thậm chí chịu thiệt thòi nhiều thứ: đói nghèo, tăm tối, tủi nhục…nhưng đông đảo nhất ở mọi không gian kiếp người. Hạt nhân của những người áo vải ở đất nước này, đến nay là lớp người nào? Nếu không phải là người nông dân cổ cày vai bừa, một nắng hai sương, chân lấm tay bùn ,bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó – chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung – chỉ biết ruộng trâu, ở theo làng bộ ( văn tế nghĩa sĩ cần giuộc, nguyễn đình chiểu) ? Vậy mà, trong câu thơ, những người áo vải bỗng vụt hiện lớn lao kì vĩ, ôm (gữi gìn, bảo vệ và dựng xây) đất nước giang sơn gấm vóc này, trong suốt chiều dài lịch sử nhiều nghìn năm. Không gian giang sơn đất nước rộng lớn, bỗng trở nên nhỏ bé thân thương bởi tấm lòng của những người áo vải. Họ là những người khổng lồ về lòng yêu nước và sức sống mãnh liệt trường tồn. Không hiểu sao cứ đọc câu thơ này, tôi lại liên tưởng đến bức tranh thánh đức mẹ đồng trinh bế chúa hài đồng của thiên chúa giáo. Sau này, các nhà thơ thế hệ chống mĩ đã suy tư về những người áo vải vô cùng thấm thía sâu sắc:

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh...

(……)

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra đất nước

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

( mặt đường khát vọng, nguyễn khoa điềm)



Cha tôi đó dân làng tôi vậy đó

Xả hết mình khi đất nước gặp tai ương

Rồi thanh thản trở về với ruộng

Sống lặng yên như cây cỏ trong vườn

( cầu bố, nguyễn duy)

Từ khi lập quốc, người áo vải xứ ta luôn thủy chung sống chết với đất nước này. Họ không tiếc công sức, tiền của thậm chí cả sinh mạng của mình vì sự trường tồn của tổ quốc trong trường kì lịch sử dựng nước và giữ nước. Trái tim yêu nước của người áo vải cực kì đáng kính trọng và cho đến thời nay, họ vẫn là những người rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, có công lớn nhất đưa nước việt ta, từ một nước nông nghiệp lúa nước triền miên thiếu đói về lương thực, trở thành một trong những cường quốc hàng đầu về xuất khẩu lúa gạo, nhưng họ vẫn là tầng lớp xã hội chiếm số đông nhất trong số những người có thu nhập thấp. Họ không như những trần ích tắc, trần thiêm bình, lê chiêu thống… bán nước cầu an, không như tổng thống việt nam cộng hòa nguyễn văn thiệu hùng hồn tuyên bố tử thủ sài gòn, rồi lặng lẽ ôm tài sản quốc gia …đánh bài chuồn…người áo vải trở nên khổng lồ, mang tầm kích huyền thoại trong tư thế trữ tình đậm chất sử thi ôm đất nước… đứng lên thành những anh hùng .nhạc điệu, nhịp điệu, âm điệu của câu thơ, không phải được tạo nên do âm vận, mà là thứ nhạc của câu thơ tự do rất gần, nếu không muốn nói là áp sát với lời nói thông thường, với khẩu ngữ, nhưng vẫn cứ là thơ đích thực. Đó phải chăng là âm nhạc của tấm lòng nhà thơ với những người áo vải? Ta hiểu vì sao, trước đó nguyễn đình thi chủ trương một lối thơ không vần, nhưng rồi do những lí do chủ quan và khách quan, chủ trương cách tân thơ việt của ông giữa đường đứt gánh. Thật đáng tiếc thay ! Ta cũng hiểu vì saođất nước được viết trong thời gian dài như vậy. Đó phải chăng là kết tinh những suy tư mang tầm triết luận về lịch sử, văn hóa, về thân phận người áo vải ở xứ ta của nguyễn đình thi; điều mà thời gian gần đây giới học giả (người đứng đầu: nhà văn vừa quá cố hoàng ngọc hiến) gọi là minh triết? Câu thơ này có thể gọi là minh triết nguyễn đình thi được chăng? Vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt, kiên cường bất khuất của đất nước này đồng nghĩa với sự mất mát hi sinh, giản dị, bình dị, hiền hòa mà vô cùng quật khởi của những người anh hùng áo vải qua tất cả những thăng trầm của lịch sử dân tộc.

3. Mỗi một thi phẩm là một chỉnh thể nghệ thuật, mà nói như vưgôtxki (tâm lí học sáng tạo nghệ thuật) là mỗi tác phẩm đều có cơ thể học và sinh lí học , tâm lí học của nó. Mỗi bài thơ, nói theo y lí phương đông hình như cũng có một hệ kinh lạc, một hệ thống những huyệt đạo. (giáo sư nguyễn tài thu đã từng châm cứu biểu diễn khoa học ở một số nước phương tây để các nhà phẫu thuật danh tiếng thực hiện những ca đại phẫu mà không cần gây mê). Huyệt đạo quan trọng nhất của thi phẩm đất nước, chính là câu thơ ta đang bàn. Còn nhớ trong một bài viết về đất nước, có người cho rằng người ra đi đầu không ngoảnh lại, chính là người chiến sĩ của trung đoàn thủ đô, sau những ngày tiêu thổ kháng chiến ở hà nội mùa đông năm 1946. Hiểu như vậy cũng chỉ là phỏng đoán, vì văn bản bài thơ không có chi tiết nào nhắc đến biến cố lịch sử ấy. Việc xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ này không đơn giản. Phần mở đầu xưng tôi (tôi nhớ những mùa thu đã xa), phần tiếp theo lại là chúng ta (trời xanh đây là của chúng ta…), rồi ta (lòng dân ta yêu nước thương nhà)… nhân vật trữ tình chính trong bài này là những người áo vải. Tất cả những cách xưng danh khác đều là những biến thể của người áo vải. Cứ trả lời những câu hỏi sau sẽ rõ:tôi là ai? Người ra đi là ai? Chúng ta là ai ? Những người chưa bao giờ khuất là ai? Ai bị bọn chúa đất, thằng giặc tây đè cổ lột da? Bát cơm ai chan đầy nước mắt?... Tất cả đều có thể trả lời tường minh và thuyết phục: những người áo vải. Câu thơ đã làm hiện hình cả thần thái, hồn vía của bài thơ . Nó cho thấy tấm lòng, tài hoa, tinh hoa, tinh huyết của nhà thơ luôn hướng về những người áo vải. Còn nhớ, một thi sĩ anh quốc thế kỉ xviii có bài thơ:

để thấy vũ trụ trong một hạt cát

và bầu trời trong một đóa hoa rừng

hãy giữ vô cùng trong lòng tay bạn

và thiên thu trong một khắc đồng hồ.

(william blake (1757 – 1827), chuyển dẫn theo cao chi - vũ trụ toàn ảnh: một kỉ nguyên khoa học mới ? - tạp chí tia sáng, 16/ 04/ 2009

Từ một hạt cát, một đóa hoa hồng, có thể thấy cả mô hình vũ trụ. Ở một phương diện nào đó, ta có quyền hiểu câu thơ đang bàn trong quan hệ với tổng thể toàn thi phẩm theo tinh thần ấy. Khổ cuối, bài thơ đã phục hiện một tượng đài bất tử về vẻ đẹp bình dị mà vĩ đại của những người áo vải, một biểu tượng hoành tráng, cô đọng của nước việt nam thời đại mới:

súng nổ rung trời giận dữ

người lên như nước vỡ bờ

nước việt nam từ máu lửa

rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

Chủ thể làm nên tượng đài tráng lệ này là ai? Nếu không phải là những người áo vải.

câu thơ còn góp phần giúp ta hiểu vì sao nguyễn đình thi viết ca khúc bất hủ người hà nội, tiểu thuyết vỡ bờ, vở kịch nguyễn trãi ở đông quan…

4. Có lẽ vì vậy mà với tôi, cứ nhớ tới người nghệ sĩ đa tài nguyễn đình thi, lập tức câu thơ:

Ôm đất nước những người áo vải
đã đứng lên thành những anh hùng​

Cứ ngân nga mãi trong hồn…​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top