Cho đến hiện nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Triết học ra đời ở cả phương Đông và phương Tây gần như cùng một thời gian, đó là vào khoảng thế kỷ VIII – VI trước Công nguyên, tại các trung tâm văn minh lớn của nhân loại thời cổ đại như Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp…
Khi ấy, trình độ nhận thức của con người đã đạt đạt tới mức trừu tượng hoá, khái quát hoá, hệ thống hoá để xây dựng nên các học thuyết, lý luận thay cho những tri thức tản mạn, rời rạc, huyền thoại… Và đây chính là nguồn gốc nhận thức của sự hình thành triết học.
Mặc khác, triết học ra đời có nguồn gốc xã hội trực tiếp là khi trình độ của nền sản xuất phát triển tới mức có sự phân chia lao động của con người ra làm đôi, một đằng này là lao động chân tay và một đằng kia là lao động trí óc, gắn với sự phân chia giữa các giai tầng trong xã hội. Đó cũng là khi có một bộ phận người đứng ở vị trí và vai trò quản lý xã hội, hoặc tập trung cho lao động trí óc. Họ có điều kiện suy nghĩ và chuyên tâm vào các hoạt động nhận thức, khám phá thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy nhằm “giải thích thế giới” và “cải tạo thế giới”, để phục vụ các lợi ích trên con đường phát triển của tầng lớp giai cấp mình.
Sự ra đời của triết học đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tư duy con người, làm một cuộc cách mạng vĩ đại trong nhận thức với việc cung cấp cho con người một khoa học hoàn bị về thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận để nhận thức, giải thích và cải tạo thế giới. Nó phản ánh bản chất của hệ thống thế giới các sự vật - hiện tượng – quá trình, đồng thời chỉ ra vị trí và vai trò của con người trong thế giới đó.
Với tư cách là khoa học của cái chỉnh thế và cái chung nhất, triết học đã thu nhận về mình tất cả các ngành khoa đã phát khởi trước nó để trở thành “khoa học của mọi khoa học”. Từ đây, triết học và khoa học thống nhất làm một, và trong một giai đoạn lịch sử giới hạn của sự bùng nổ nhận thức, các nhà khoa học không thể không trở thành nhà triết học và ngược lại – tuy “hai” mà “một”, tuy “một” mà “hai”.