• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Trầm tích khảo cổ học xứ Quảng

whiteheaven

New member
Xu
0
Những năm qua, nhiều di chỉ khảo cổ học được khảo sát, điều tra và tiến hành khai quật. Cổ vật của tiền nhân được bảo quản, nghiên cứu, trưng bày ở các kho hiện vật, bảo tàng và bước đầu phát huy giá trị.

“Điểm danh” di sản

Cho đến nay, dấu tích con người để lại được cho là lâu đời nhất ở xứ Quảng thuộc thời kỳ đồ đá mới. Đó là di chỉ khảo cổ học Bàu Dũ (tại thôn Phú Bình, xã Tam Xuân, Núi Thành). Tại đây, người dân phát hiện hàng đống sò điệp nên các nhà khảo cổ học gọi là “nền VH sò điệp” có niên đại cách nay khoảng 6.000 năm.
Bên cạnh những lớp vỏ sò, điệp, ốc lẫn với xương thú đã đập vỡ, răng trâu, răng nai, xương cá biển, mai rùa... còn có một số di vật bằng đá cuội như công cụ chặt có dấu vết ghè đẽo, một số chày nghiền, bàn nghiền... Di chỉ Bàu Trám (thuộc thôn Lý Trà, xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành) là khu cư trú cổ đồng thời là khu mộ táng, thuộc sơ kỳ thời đại sắt sớm, niên đại khoảng thế kỷ V-VI trước công nguyên. Cũng tại di chỉ này, hiện vật được làm bằng đá có khoảng 184 di vật như rìu, cuốc, mũi khoan, bàn mài, bàn nghiền...

ms1.jpg

Vũ nữ Apsara, kiệt tác còn lại của kinh đô Trà Kiệu
(hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Chàm Đà Nẵng).

Quảng Nam là một trong những “cái nôi” của VH Sa Huỳnh. Đây là nền VH thuộc giai đoạn sơ kỳ đồ sắt của cư dân nông nghiệp ven biển cách đây 3.000 - 2.500 năm, hoặc cuối thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên. Tại Quảng Nam, VH Sa Huỳnh lần đầu tiên phát hiện vào năm 1976. Từ đó đến nay, thêm gần 100 địa điểm có di tích VH Sa Huỳnh được tìm thấy, phân bố chủ yếu ở lưu vực sông Thu Bồn. Trong đó có gần 30 địa điểm đã được khai quật hoặc đào thám sát gồm di chỉ như Bàu Trám, Phú Hòa, Tam Mỹ, Đại Lãnh, Quế Lộc và Tiên Hà.
Hàng loạt các di chỉ mộ táng Sa Huỳnh cũng đã được phát hiện và khai quật tại những vùng hạ lưu sông Thu Bồn gần Hội An như Hậu Xá I, Hậu Xá II...; gò Mã Vôi, gò Miếu Ông và gò Dừa (Duy Xuyên)... Kết quả điều tra khảo cổ học cho thấy, các huyện miền núi Quảng Nam, trong đó có huyện Nam Giang, Đông Giang, Đại Lộc, Tiên Phước... cũng là một trong những địa bàn phân bố của nền VH Sa Huỳnh. Tiêu biểu là di chỉ Brang (xã Cà Dy, Nam Giang); Pà Xua, Ja Ra (xã Tà Bhing, Nam Giang).

Bất ngờ từ lòng biển

Các di chỉ khảo cổ học ở dưới nước cũng là một tiềm năng của Quảng Nam. Từ thế kỷ XV đã từng tồn tại con đường gốm sứ và tơ lụa trên biển Đông đưa hàng hóa của Đại Việt đến các nước Đông Nam Á, xa hơn là các nước vùng Trung Cận Đông. Con đường này đã góp phần phát triển kinh tế và đưa VH Đại Việt đến với bên ngoài. Cũng trên con đường đó đã có không ít con tàu vĩnh viễn nằm lại trong lòng đại dương. Gió bão, đá ngầm và những rủi ro khác là những nguyên nhân khiến các con tàu này không đến được bến cảng đã đánh dấu trên hải đồ.

ms.jpg

Phế tích An Phú sau khi được phát lộ.

Một trong số đó là con tàu đắm được phát hiện ở Cù Lao Chàm (Hội An). Bắt đầu từ năm 1998, các cuộc khai quật ở ngoài khơi Cù Lao Chàm đã trục vớt từ con tàu cổ bị chìm dưới đáy đại dương được 340 nghìn cổ vật, trong đó có 250 nghìn cổ vật còn nguyên vẹn với trên 40 loại hình khác nhau, chủ yếu là gốm sứ Chu Đậu. Sau đợt khai quật quy mô này, Sở VH-TT&DL phối hợp với Công ty Đoàn Ánh Dương tổ chức thêm 3 đợt trục vớt nữa, dù là “khai quật lại” nhưng đã đưa lên khỏi mặt nước hơn 15.934 cổ vật. Số cổ vật này làm giàu thêm di sản VH xứ Quảng. Nhiều hiện vật quý giá từ con tàu đắm đã mang đi triển lãm tại Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương.
Ngoài vùng biển Cù Lao Chàm, các vùng sông nước khác của Quảng Nam như biển Cửa Đại, sông Thu Bồn, sông Trường Giang, Cửa Lở, Cửa An Hòa... cũng có khả năng chứa cổ vật trong lòng sông, có thể khảo sát và lập hồ sơ, bản đồ di chỉ khảo cổ học để nghiên cứu, khai quật khi có điều kiện.


Phế tích Chămpa

Quảng Nam cũng chính là vùng đất lắng đọng của VH Chămpa. Ngoài khu đền tháp Mỹ Sơn, các nhóm tháp còn khá nguyên vẹn như Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bằng An. Hơn 25 phế tích kiến trúc Chăm nằm rải rác từ Đại Lộc đến Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, trong đó tập trung nhiều nhất là huyện Duy Xuyên (5 phế tích) và ít nhất là Quế Sơn, Thăng Bình (2 phế tích). Bên cạnh một số phế tích đã được lập hồ sơ xếp hạng bảo vệ như các di tích ở Chiêm Sơn Tây, Chùa Vua, Gò Gạch, Gò Lồi, Triền Tranh thì hầu hết các phế tích còn lại có giá trị khảo cổ nhưng chưa lập hồ sơ xếp hạng bảo vệ.

ms2.jpg

Khai quật di chỉ khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh tại lưu vực sông Thu Bồn.

Một số phế tích còn có rất nhiều hiện vật nằm rải rác trên bề mặt, hiện vật chủ yếu là bằng sa thạch với mật độ dày và phân bố trên một diện tích rộng. Tại phế tích Gò Vua (Duy Trinh, Duy Xuyên), người dân trong quá trình canh tác thỉnh thoảng vẫn nhặt được các hiện vật bằng sa thạch hoặc bằng đất nung. Năm 1997, Bảo tàng huyện Duy Xuyên đã thu được ở đây một linga ba tầng rất đẹp và còn khá nguyên vẹn (kích thước 150cm x 35cm x 35cm).
Quảng Nam là địa bàn tồn tại nền văn hóa (VH) khảo cổ giàu có với gần trăm di chỉ khảo cổ học VH Sa Huỳnh thuộc thời tiền sơ sử, hàng chục di chỉ phế tích Chăm thời cổ trung đại. Đây được xem là trầm tích khảo cổ học của xứ Quảng.Ngoài ra có một số hiện vật khác như chóp tháp điêu khắc 4 tầng giật cấp thu nhỏ dần lên đỉnh (kích thước 20cm x 20cm x cao 27cm), chân đế trụ 4 mặt điêu khắc 4 con voi ở tư thế đứng cùng các tai trang trí góc tháp bằng sa thạch và đất nung các loại. Tại hướng đông của ngọn đồi, dấu vết phế tích càng rõ nét hơn khi người dân trong lúc bạt đồi dựng nhà đã làm phát lộ một mảng tường vùi sâu dưới mặt đất 1,7m. Từ hiện trạng phế tích trên, có thể phỏng đoán về một quần thể kiến trúc đền tháp rất lớn tại đây. Tuy nhiên, để khai quật nghiên cứu rất khó vì ngọn đồi không còn nguyên vẹn do người dân đã làm nhà và canh tác bên trên.
Sự hiện diện của mỗi phế tích luôn là một câu hỏi lớn với nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp về lịch sử, kiến trúc của các phế tích Chăm. Nhiều phế tích có giá trị cao về nghệ thuật, kiến trúc và kỹ thuật chế tác vật liệu.

TẤN VỊNH
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top