Hide Nguyễn

Du mục số
Đời sống tâm lý con người bao gồm ba mặt cơ bản: Nhận thức, Tình cảm, Hành vi.

Nếu như ở hai mặt Nhận thức và hành vi đã được các ngành khoa học tự nhiên cũng như xã hội nghiên cứu sâu sắc và tìm ra những quy luật đặc trưng thì Tình cảm là mặt còn nhiều bí ẩn nhất, các quy luật của nó cũng được nghiên cứu song chưa thể giải mã rõ ràng. Vì đời sống tình cảm con người là một trong ba mặt tâm lý phức tạp nhất. Trong đời sống tình cảm phức tạp ấy thì tình yêu lại là một dạng tình cảm đặc biệt nhất mà hầu như ai cũng quan tâm, ai ai cũng đặt ra các câu hỏi khi đứng trước tình yêu.

Tâm lý học cũng có nhiều nghiên cứu về tình yêu nhất là các bài học về cách ứng xử, cách giữ gìn và bảo vệ tình yêu…Song để hiểu về tâm lý tình yêu không hề đơn giản. Cho đến nay có rất nhiều sách báo đề cập đến tình yêu nhưng người quan tâm vẫn chưa thoả mãn với những câu trả lời cho những băn khoăn gặp phải.

Sự hiểu biết không đúng về tình yêu sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng- Vì tình yêu chi phối mạnh mẽ đến đời sống của con người, nó liên quan mật thiết đến những vấn đề hệ trọng như quan hệ tình dục, hôn nhân, hạnh phúc gia đình…


CHƯƠNG I: KHÁI NIỆM TÌNH YÊU

1.1 Tình yêu và tình yêu nam nữ

Tình yêu là một phạm trù rộng lớn và vĩnh hằng. Tình yêu hiểu theo nghĩa rộng là: yêu tổ quốc, yêu nhân dân, yêu bạn bè, quê hương, cha mẹ…Có tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, tình yêu công việc,…Và tình yêu nam nữ chỉ là một phần của tình yêu con người trong toàn bộ tình yêu nói chung. Với góc độ rộng như vậy thì không thể tài liệu, sách vở nào nói hết được. Giả sử chúng ta có tập hợp được hết những công trình nghiên cứu, những đầu sách có liên quan cũng không thể đầy đủ được.

Tình yêu với nghĩa hẹp được đồng nhất với tình yêu nam nữ, đó là thứ tình cảm đặc biệt và hấp dẫn nhất, xưa nay được thế giới bàn cãi nhiều nhất. Chỉ với tình yêu nam nữ thôi, chúng tôi cũng không có tham vọng trình bày đầy đủ các vấn đề của nó mà chỉ khai thác một số khía cạnh nhằm cung cấp cái nhìn có tính cơ bản nhất về tình yêu nam nữ dưới góc đọ tâm lý học.

Vậy thuật ngữ “tình yêu” mang nghĩa hẹp là tình yêu nam nữ. Song vẫn cần khẳng định rằng tình yêu nam nữ và tình yêu nói chung có mối quan hệ biện chứng khăng khít với nhau. Tình yêu nam nữ có bản chất là tình người, đồng thời tình yêu nam nữ lại là động lực thúc đẩy và hoàn thiện các dạng tình yêu khác. Trong cuốn “Luận về tình yêu” có viết: “Tình yêu (tình yêu lứa đôi hay tình yêu nam nữ) là cánh cửa để nở mọi cánh cửa. Muốn yêu nhân loại trước hết con người phải biết yêu nhân tình của mình, muốn sống chân lý phải biết yêu chân lý, muốn hiểu biết thìhãy mở đầu yêu nhận thức, muốn làm thi nhân thì hãy yêu cảm xúc cảu mình…” [6, 123]

1.2. Định nghĩa

Xưa nay, có vô số định nghĩa về tình yêu nhưng chưa có một định nghĩa nào được công nhận là hoàn thiện. Người ta định nghĩa tình yêu là gió, là mây, là khói, là lá, là hoa, là sông dài, biển rộng, là núi cao vực thẳm, là mưa cuồng sóng dữ, là đạn nổ bom rơi, là X, là Y, là v v…Do đó, có người nói: “ yêu đã khó, tìm được một định nghĩa yêu còn khó hơn”.

Ngay cả trong lĩnh vực khoa học khác nhau cũng có quan niệm tình yêu khác nhau-Một số định nghĩa vui về tình yêu theo các ngành khoa học:
-Theo y học: Yêu là huyết áp tăng lên, tim đập mạnh, bộ máy hô hấp làm việc dồn dập, nói chung rất nguy hiểm cho người yếu tim.

-Theo dược học: Tình yêu là một chất kích thích làm cho con người ta sảng khoái vui tươi, nhưng cũng có khi là thữ chất độc làm cho người ta ủ dột, mềm yếu.

-Theo vật lý học: Tình yêu là hiện tượng hút nhau giữa hai cực điện trái dấu.

- Theo hoá học: tình yêu là một loại phản ứng phát nhiệt.

- Dưới con mắt của nhà thơ, nhà văn, chẳng hạn như Xuân Diệu, một nhà thơ tình nổi tiếng

"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu"


Triết học có một định nghĩa tình yêu như sau: Nói chung, tình yêu theo nghĩa khái quát và trừu tượng nhất, đó là quan hệ (thái độ) giữa con người khi người này xem người kia như là gần gũi thân thiết với bản thân mình và bằng cách này hay cách khác đồng nhất với gnười đó. Cảm thấy có nhu cầu gần gũi liên kết, đồng nhất hứng thú và ước vọng của mình với người kia và cố gắng chiếm hữu lấy nhau.

Xét ở lĩnh vực tình yêu sẽ chẳng có một định nghĩa nào hoàn thiện. Định nghĩa nào cũng có thể đúng. Đúng theo từng trường hợp của từng cá nhân, trong từng không gian, từng thời gian nhất định. Bởi tình yêu thì muôn mặt, muôn vẻ, muôn màu, muôn hướng…Cũng có thể tình yêu vụt như sao băng, nhưng cũng có tình yêu âm thầm lặng lẽ để biến thành sóng ngầm…

Nhìn từ góc độ giáo dục: “tình yêu là mối quan hệ liên nhân cách, là một loại tình cảm đạo đức. Tình cảm ấy là tình cảm tự nhiên xuất hiện đồng thời với sự xuất hiện của con người trên “quả đất” [2,8]
Nhà giáo dục người Nga V.Xukhômdiuxki: “ Tình yêu là một sự biểu hiện của văn hoá, cần phải học để biết yêu… Tình yêu là sự biểu hiện của một nền văn hoá cao cấp của nhân loại, chỉ cần xem xét một con người yêu đương ra sao, ta có thể kết luận người ấy là người như thế nào. Con người có thể xây dựng những nhà máy điện, những toà lâu đài, những thành phố, có thể tạo ra những con tàu vũ trụ nhưng nếu họ không học để biết yêu một cách nghiêm túc thì vẫn chỉ là con người man rợ”. [5, chương 4]

Trong các tài liệu tâm lý học có rất nhiều định nghĩa về tình yêu.
Tâm lý học đại cương và tâm lý học phát triển nhấn mạnh rằng tình yêu là một đặc trưng tâm lý ở lứa tuổi thanh niên.

Tâm lý học đại cương tập II do Phạm Minh Hạc chủ biên có nói: “Tình yêu đôi lứa - một vấn đề muôn thủa của loài người. Nó là sự phát triển hợp quy luật của tâm lý con người. Muốn lý giải vấn đề tình yêu phải đặt tình yêu vào trong cuộc sống hiện thực hàng ngày… Tình yêu lứa đôi cần cho con người như không khí, cơm ăn, nước uống. Phải dạy yêu đương cho thanh niên như các môn văn, toán… Dạy trong giờ trên lớp và ngoài lớp…”.

Đặc biệt trong tâm lý học giới tính, tâm lý tình yêu được nghiên cứu theo sự phát triển của xúc cảm giới tính, phát triển từ giai đoạn thiếu niên - nẩy sinh tình bạn khác giới, tuổi thanh niên - tình yêu đôi lứa, tiếp đó là hôn nhân, ở người già…

Tình yêu là sự thể hiện cao nhất của tình người, là sự gần gũi cao nhất, sự hiểu biết cao nhất, là sự trợ giúp cao nhất của con người với nhau. Đó là sự cuốn hút lẫn nhau, hoà quyện, quyến luyến lẫn nhau cả về thể xác và tâm hồn. Nói cách khác, tình yêu là một loại tình cảm đặc biệt thể hiện sự cuốn hút lẫn nhau giữa hai giới, cả về mặt tâm hồn lẫn thể xác, thúc đẩy mỗi người vượt ra khỏi cái vỏ cá nhân của mình để hoà nhập với người mình yêu, khiến cho mỗi bên đều trở nên phong phú, tốt đẹp và hoàn thiện hơn nhờ bên kia.

Theo từ điển tâm lý học do Vũ Dũng chủ biên: “Tình yêu là tình cảm mãnh liệt đắm say và tương đối bền vững được tạo nên do những nhu cầu ẩn dấu sắc thái sinh lý của chủ thể”.

Tóm lại, quan điểm về tình yêu trong tâm lý học: Tình yêu là một loại tình cảm đặc biệt giữa hai người khác giới, thể hiện sự thống nhất, hài hoà, cuốn hút say mê cả về tâm hồn lẫn xúc cảm.

Ngày nay, có những tài liệu bàn đến tình yêu trong quan hệ đồng tính luyến ái, nhưng quan điểm trên vẫn là chủ đạo và trở thành chuẩn mực xã hội.

1.3. Đặc điểm của tình yêu chân chính (5,chương 4)

* Tình yêu ở giai đoạn trưởng thành tuyệt nhiên không phải là bản thân các yêu cầu sinh lý mà là sự thống nhất hài hoà của sự say mê cảm giác (tình dục). Với nhu cầu giao tiếp, sự hoà hợp với người mình yêu. Hai niềm say mê không trưởng thành cùng lúc mà nó khác nhau giữa hai giới:

+ Nữ: Sự trưởng thành về sinh lý sớm hơn. Ở giai đoạn đầu, nhu cầu về tính dịu dàng, sự âu yếm và tình cảm ấm áp thể hiện mạnh hơn nhu cầu chung đụng về cơ thể. Nữ giới tự tin hơn trong sự trải nghiệm tâm lý vì họ không phải giữ vai trò chủ động trong giao tiếp nam nữ.

+ Nam: Mặt sinh lý phát triển chậm hơn. Ở đa số, sự say mê cảm giác (tình dục) được bộc lộ sớm hơn nhu cầu thân thiết về tinh thần. Trong giao tiếp nam nữ, nam căng thẳng nhiều hơn.

* Sự cuốn hút lẫn nhau giữa hai giới - do cảm phục quý mến, thương nhớ nhau, tìm đến nhau, họ nhớ thương nhau bồn chồn da diết cho dù chỉ phải xa nhau trong một thời gian rất ngắn. Nếu tình cảm này tiến triển thuận lợi thì cường độ nỗi nhớ tăng dần, hình ảnh người này sẽ choán hết tâm trí người khác. Sự trống vắng sẽ trở thành một nỗi dằn vặt khắc khoải.

* Tình yêu thúc đẩy con người tự hoàn thiện mình, vươn tới những điều mà mình cho là cao đẹp, lý tưởng và luôn mong người yêu của mình cũng được như vậy. Tình yêu thực sự luôn mang lại cho con người tất cả sự cao thượng, làm cho người xấu trở nên tốt, cái bất khả thành cái khả thi - đó chính là sự cảm hoá của tình yêu.

Đó là sự quên mình, sống cuộc sống của người mình yêu. Do đó, có sự đồng cảm sâu sa, trọn vẹn, chăm sóc, giúp đỡ nhau chân thành, hành động tất cả vì người yêu với một mong muốn duy nhất: Đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người mình yêu.

* Tính duy nhất của tình yêu

Tình yêu luôn là duy nhất không thể chia sẻ. Không có hai tình yêu cùng song song tồn tại trong cùng một thời gian. Sự xuất hiện của tình yêu này sẽ làm triệt tiêu tình yêu kia. Nếu ở một người tồn tại song song một tình cảm như nhau với hai đối tượng - người đó chưa hề có tình yêu đối với đối tượng nào, đó chỉ là những dạng tình cảm khác, không phải tình yêu.

* Tính trách nhiệm trong tình yêu

Cả hai đều có ý thức trách nhiệm đối với tương lai, hạnh phúc của nhau, luôn quan tâm chăm sóc chu đáo cho nhau, muốn giúp nhau khi gặp khó khăn để cả hai càng tốt hơn, biết bảo vệ che chở cho nhau…
Nhờ đó, họ có sức mạnh vượt qua những thử thách như sự xa cách, sự khác biệt về tuổi tác, giai cấp, địa vị xã hội, dân tộc…

Thiếu tình cảm nghĩa vụ, tình yêu sẻ chỉ còn là sự lợi dụng, nó sẽ nhanh chóng tàn lụi.

Một cách nói rất đúng trong tình yêu là: “Người thích hoa thì tìm cách ngắt hoa. Nhưng người yêu hoa thì tìm cách chăm sóc hoa”.

* Sự chân thành, trung thực, tin cậy lẫn nhau

- Chân thành: là liều thuốc nuôi sống tình yêu, giúp cho tình yêu có khả năng tồn tại. Thiếu nó, tình yêu sẽ chỉ là sự giả dối, nghi ngờ, dằn vặt, khinh miệt lẫn nhau. Sự chân thành được thể hiện là: Không dấu nhau bất cứ điều gì, cho dù nó là ý nghĩ, điều thầm kín nhất. Vấn đề còn đang tranh luận sôi nổi là chân thành vào lúc nào và đến mức độ nào.

- Tính trung thực: Là cơ sở để xây dựng niềm tin bền vững, hình thành lòng vị tha cao thượng, giúp cho họ tin vào nhau, tin vào tình yêu của nhau, vào tương lai tươi sáng mà họ có thể đem lại cho nhau, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy, vững chắc của nhau.

Sự chân thành, trung thực giúp cho con người có tình yêu chân chính và trở thành người chân chính.

-Sự tôn trọng lẫn nhau: Tình yêu chân chính phải có sự tôn trọng lẫn nhau, giữa hai người thể hiện ở sự bình đẳng, tôn trọng sở thích, nhu cầu, quyết định nghề nghiệp của mỗi người, bất cứ sự áp đặt nào trong tình yêu cũng gây ra sự xích mích tan vỡ.

* Tình dục trong tình yêu

Sự cuốn hút lẫn nhau dẫn đến trao và nhận tất cả. Đó chính là cơ sở thúc đẩy quan hệ tình dục trong tình yêu - một mối quan hệ đầy tính nghệ thuật và đạo đức.

- Tính nghệ thuật: Cần dựa vào tâm lý mỗi giới để ứng xử.

- Tính đạo đức: Quan hệ tình dục mang tính chất đạo đức khi được tình yêu, pháp luật, gia đình cho phép.

Tình dục trong tình yêu là biểu hiện cao nhất của sự cho và nhận, nhưng tình dục của con người không chỉ đơn thuần là nhu cầu sinh vật mà trong đó còn phản ánh trình độ đào tạo chung của mỗi người trong cuộc sống xã hội, phản ánh bộ mặt đạo đức, thẩm mỹ của họ trong tình yêu. Tình yêu đôi lứa chỉ cao thượng, chân chính khi có sự hài hoà, làm chủ được bản thân, điều khiển được dục vọng của mình.
 
1.4. Bản chất của tình yêu

Khi nói đến bản chất của tình yêu, câu chuyện tình yêu đầu tiên của loài người - mối tình Chàng và Nàng vẫn có giá trị. Theo Kinh thánh, sau khi được Chúa Trời nặn ra, Ađam không chịu nổi kiếp sống buồn bã, thui thủi nơi trần thế hoang vu liền dâng lời ca thán khôn nguôi lên Đức Chúa Trời. Chúa Trời thông cảm, và nhân lúc Chàng ngủ, Ngài đã rút chiếc xương sườn thứ 7 của Chàng để tạo ra người nữ Eva - làm bạn cùng chàng. Ngài phán, từ nay các ngươi sẽ mãi mãi thuộc về nhau, vì các ngươi không phải là HAI mà là MỘT mà ra. Nếu không có nhau các ngươi sẽ trống trải vì sự thiếu hụt phần cơ thể của mình, bởi thế các ngươi luôn tìm kiếm nhau để hiệp nhất lại cơ thể đã bị tách ra của mình. (6, 41-42)

Ngay từ truyền thuyết Kinh thánh đã khẳng định tình yêu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống con người.

Bản chất của tình yêu là lòng nhân ái

Có một số nhà nghiên cứu về tình yêu nam nữ thể hiện quan điểm sai lầm. Quan niệm này chỉ hiểu:

Con người = con vật + văn hoá tình yêu = tình dục + văn hoá chứ chưa thấy được sự khác nhau về chất giữa con người và con người. Và quan niệm sai lầm này không phải chỉ có trên lý luận mà cũng thể hiện trong quan hệ yêu đương của con người. Tình trạng đó làm nghèo nàn và giảm đi rất nhiều vẻ đẹp của tình yêu đích thực, mặc dù chúng ta công nhận có mối quan hệ gắn bó giữa tình yêu với tình dục.

Bản chất của tình yêu gắn với bản chất của con người, C. Mác viết: “ Bản chất của một nhân cách riêng không phải là râu, là máu, không phải là bản tính vật lý trừu tượng của nó mà là tính xã hội của nó”. Và trong bản tính (bản chất) của con người có nhu cầu sâu xa- nhu cầu về người khác- Đó là mong muốn vượt khỏi hàng rào cá nhân mình để đi đến với một người khác, hoà nhập với mọi người, được mọi người công nhận. Mặt khác, muốn mọi người đến với mình, quan tâm đến mình, ghi lại dấu ấn của họ với mình và thu nhận họ…

Nhà tâm lý học Xô Viết nổi tiếng A.V.Pêtrôski gọi đó là hai mạt của nhu cầu thống nhất- nhu cầu được là một nhân cách, biểu lộ ở chỗ muốn mình được “được đại diện” trong người khác và những người khác “có đại diện” trong bản thân mình.

V.A. Xukhômlinski đã phân tích rất rõ hai mặt của nhu cầu về người khác, khi con người đã trở thành cá nhân như sau:

Sự phát triển bình thường về đạo đức, sự hài hoà giữa tình yêu, hạnh phúc và lao động (mà sức khoẻ bình thường của con người thực chất phụ thuộc vào sự hài hoà ấy) chỉ có thể có được trong điều kiện em bé tin chắc rằng: mình rất cần, rất cần đối với một người nào đó, mình vô cùng quý báu đối với một người nào đó. Có người nhìn thấy ở mình ý nghĩa cuộc đời họ, nhưng chính mình lại rất quý trọng một người, thiếu người đó mình không sống nổi. Niềm tin ấy có thể không biểu hiện dưới dạng một ý niệm rõ ràng, nhưng nó làm cho cuộc sống của em bé tràn đầy những cảm giác sung sướng”.
ậ một chỗ khác, ông viết: “ lòng yêu thương người chính là hạt nhân đạo đức của các bạn. Với lòng yêu người, mỗi chúng ta sẽ khẳng định mình là một con người của dân tộc. Trong lòng yêu người của chúng ta còn có một nguồn gốc tinh thần nữa, đó là nhu cầu của chúng ta về người khác”…

Trong tình yêu của con người mãi mãi cháy lên một ngọn lửa có thể gọi đó là tinh thần sẵn sàng thuộc về người khác, làm một người yêu của người khác. Đó không phải là sự nô lệ mà là một bài ca thực sự về nhân cách. Nguồn gốc tinh thần đó chứa đựng cội rễ của nhân phẩm, của lòng tự hào, của tính độc đáo trong mỗi cá nhân. Con người, không thể trưởng thành một cách thực sự về đạo đức, không thể từng bước đi vào thế giới rộng lớn của đời sống công dân, nếu như con người không biết yêu ngừơi và gắn liền với những nhu cầu vốn có như nhu cầu mới này cũng như nhu cầu giao tiếp, nhu cầu hợp tác…

Nhưng bây giờ cũng đã có thêm sắc thái mới, ví dụ như cần khẳng định trước xã hội, nhu cầu được tôn trọng…

Khi những nhu cầu đặc trưng, chỉ có ở con người và liên quan đến tình người nàyđược thoả mãn ít hay nhiều, các cá nhân chẳng những thấy yên tâm, thấy mình có ý nghĩađối với xã hội và xã hội có ý nghĩa đối với mình mà còn được “kích thích năng lượng sống”, “tạo ra một sức sản xuất mới”. nói cách khác họ trở nên có giá trị hơn và tự thấy giá trị của mình tăng thêm, tức là cảm thấy mình là một nhân cách trọn vẹn, một con người chân chính, cảm thấy hạnh phúc. Sự thoả mãn này có thể mạnh mẽ sâu xa hơn sự thoả mãn các nhu cầu khác của con người? Dĩ nhiên qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, những giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau, thậm chí ở từng cá nhân khác nhau…Nhu cầu này cũng có lúc, cũng có thể bị biến dạng đi nhưng nó là phổ biến cho mọi cá nhân. Theo chúng tôi chính lòng nhân ái, tình người, cùng với những nhu cầu đặc trưng của nó ở giai đoạn lịch sử khi cá nhân hình thành là nhu cầu về người khác, nhu cầu được là nhân cách, mới là gốc rễ chủ yếu, là nền tảng thực sự của tình yêu nam nữ, chứ không phải là nhu cầu tình dục và bản năng. (2,39-53)

Tóm lại, nhu cầu về người khác và cũng là lòng nhân ái của con người là bản chất của tình yêu.

Chính vì lẽ đó các nhà nghiên cứu đưa ra lý luận: Tình yêu là sự lựa chọn của con tim, không ai bắt được con tim yêu hay không, song có điểu trong cả hai trường hợp: yêu hay không, gần gũi hay chia tay, con người đều phải thể hiện văn hoá nhân ái của mình.

Tình yêu ngày nay khác xưa nhiều lắm. tình yêu ngày xưa có tình làng nghĩa xóm bảo trợ, có các tôn giáo khép vào tôn ti trật tự…Nhưng tình yêu ngày nay là tự do - sự bảo trợ duy nhất của nó là văn hoá nhân ái. Tình yêu mới đặt căn bản trên quyền tự do lựa chọn của mối người, song như triết gia J.P.Sartre đã nói: “Có tự do trọn vẹn, nghĩa là phải chịu trách nhiệm trọn vẹn trước sự lựa chọn của mình”.

Bởi vậy, tình yêu đôi lứa ngày nay, trái tim mỗi cá nhân không thể tự từ thác được gánh nặng của trách nhiệm lựa chọn: Yêu hay không, chia tay hay tái thiết tình yêu…tình yêu có quyền lựa chọn tất cả, nhưng chắc là trong mọi trường hợp nó không có quyền được chọn: thiếu LÒNG NHÂN ÁI.
 
CHƯƠNG II: CÁC HỌC THUYẾT VỀ TÌNH YÊU

2.1 Tiếp cận phong cách yêu Lee [4, 672-674]

Nhà xã hội học John Lee đã mô tả sáu phong cách cơ bản của tình yêu. phong cách có thể thay đổi khi quan hệ thay đổi hoặc khi cá nhân tham gia vào những quan hệ khác nhau. Sau đây là 6 phong cách.

- Eros: Yêu vẻ đẹp. Eros là tên của thần tình yêu, con của thần sắc đẹp Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp. những người yêu kiểu Eros vui thích với những tiếp xúc thể chất trực tiếp. Họ bị cuốn hút bởi cái đẹp (dù cái đẹp này chỉ có trong mắt họ). Họ yêu vẻ đẹp cơ thể. Tình yêu của họ mãnh liệt nhưng chóng tàn.

- Mania: Tình yêu ám ảnh. Những người có tình yêu ám ảnh không ngủ được vào ban đêm, ban ngày buồn rầu đau khổ. Hình bóng người yêu làm cho họ phấn khích trong giây lát nhưng lại thôi ngay. Sự thoả mãn của họ rất ngắn ngủi và luôn đòi hỏi kích thích mới. Tình yêu ám ảnh luôn đòi hỏi kích thích.

- Ludus: Tình yêu - trò chơi. tình yêu trò chơi này là trò chơi để chơi và để giải trí. Những người chơi trò chơi tình yêu này thường tình cờ, vô tư và bất cẩn. Không có gì là nghiêm túc trong trò chơi tình ái này.

- Storge: Tình yêu - bạn bè. Đây là tình yêu giữa những người bạn. nó thường được bắt đầu bằng tình bạn, ngày càng sâu sắc hơn và thành tình yêu. Nếu tình yêu cạn nó cũng cạn từ và hai người lại trở thành bạn.

- Agape: Tình yêu vị tha. Nó thực sự là tình yêu truyền thống và tình yêu truền thống của Thiên chúa giáo. Nó trinh trắng, kiên nhẫn và không đòi hỏi. Nó không mong sự đền đáp. Tình yêu Agape có tính trừu tượng và lý tưởng. Đối với những người kiểu này yêu cả nhân loại dễ hơn là yêu một người cụ thể.

- Pragama: Tình yêu thực dụng. Những người yêu thực dụng giống như những kẻ làm ăn trong cung cách tìm kiếm đối tác. Họ dùng lôgíc để tìm kiếm những người có địa vị, học vấn, xuất thân, tôn giáo vào quan điểm tương xứng với họ. Nếu tìm được đối tác, những tình cảm của họ có thể phát triển. Nhưng chắc chắn là lôgíc như con dao hai lưỡi, sẽ làm họ bị tổn thương.

Bên cạnh những phong cách yêu thuần khiết này, còn có những phong cách pha trộn: Storge và Eros, Ludus với Eros, Store với Ludus. Các nghiên cứu thấy rằng thanh niên ở phổ thông trung học thường có tình yêu kiểu Eros và Agape.

2.2. Thuyết tam giác tình yêu của Sternberg [4, 679-681]

Thuyết tam giác tình yêu (nhấn mạnh về bản chất động của tình yêu) được nhà tâm lý học Robert Sternberg đưa ra năm 1986. Theo ông, tình yêu là sự kết hợp của ba thành phần: Gần gũi, đam mê, và quyết định - tuân thủ tình yêu.

Mỗi thành phần đều có thể tăng trưởng hoặc suy giảm trong tiến trình phát triển của quan hệ yêu đương và do đó tác động lên chất lượng của quan hệ này. Các thành phần này cũng có thể kết hợp theo những cách khác nhau, mỗi một kết hợp cho ta một thể loại tình yêu: Thơ mộng, mê đắm, hão huyền, quý mến… Trong một quan hệ yêu đương ở những giai đoạn khác nhau có thể có những thể loại khác nhau về tình yêu.

- Thành phần gần gũi

Gần gũi tương ứng với những tình cảm ấm áp, thân thiết và ràng buộc mà ta có khi đang yêu. Theo Sternbeg và Grajek có 10 dấu hiệu của sự gần gũi.

1. mong muốn làm điều tốt lành cho bạn tình.

2. Cảm thấy hạnh phúc với bạn tình.

3. Quý trọng bạn tình.

4. Có thể nhờ cậy bạn tình khi cần.

5. Có thể hiểu nhau.

6. Chia sẻ bản thân và những gì thuộc về mình cho bạn tình.

7. Nhận những ủng hộ về tình cảm đối với bạn tình.

8. Ủng hộ về tình cảm đối với bạn tình.

9. Có thể tâm sự với bạn tình về những điều thầm kín.

10. Đánh giá cao sự hiển diện của bạn tình trong cuộc sống của bản thân.

- Thành phần đam mê

Thành phần đam mê có yếu tố cấu thành là sự thư mộng, lôi cuốn và tình dục trong quan hệ tình yêu. Những yếu tố này có thể được kích độngbởi mong muốn nâng cao sự tự đánh giá, ham muốn sinh hoạt tình dục hoặc chứng tỏ năng lực tình dục, muốn hoà nhập, muốn chiếm ưu thế hoặc muốn phụ thuộc vào người khác.

- Thành phần quyết định - Tuân thủ tình yêu

Thành phần này gồm hai phần riêng biệt: phần tạm thời và phần lâu dài. Phần tạm thời chính là việc cá nhân quyết định ( hoặc nhận biết) mình yêu ai. Cá nhân có thể quyết định việc này một cách có ý thức hoặc vô thức. Nhưng nó thường xuất hiện trước khi cá nhân biểu lộ sự tuân thủ tình yêu với người mình yêu. Sự tuân thủ tình yêu này là phần lâu dài, nó là sự duy trì tình yêu. Nhưng quyết định yêu không có nghĩa là nhất định sẽ kéo theo sự tuân thủ tình yêu nhằm duy trì tình yêu.

*Thể loại của tình yêu.

Theo Sternberg, ba thành tố có thể kết hợp với nhau để tạo ra các thể loại tình yêu sau:

1. Thích( chỉ gần gũi)

2. Mê đắm ( chỉ đam mê)

3. Tình yêu thơ mộng ( gần gũi và đam mê)

4. Tình yêu - bạn bè ( gần gũi và tuân thủ tình yêu)

5. Tình yêu mù quáng ( đam mê và tuân thủ tình yêu)

6. Tình yêu hoàn hảo( gần gũi, đam mê và tuân thủ tình yêu)

7. Tình yêu hão huyền ( chỉ có một hoặc quyết định hoặc tuân thủ tình yêu)

8. Vô tình ( không có cả ba thành phần )


Những phạm trù của Sternberg chính là những thái cực của tình yêu; ít người có tình yêu thuần khiết theo phân loại này, tuy nhiên những phạm trù này cho chúng ta khảo sát tình yêu ở một mức độ nhất định.

2.3. Học thuyết về tình yêu là quan hệ gắn bó [4, 684-686]

Học thuyết gắn bó coi tình yêu là một quan hệ gắn bó, một ràng bụôc tình cảm gần gũi và phát triển, có khởi nguồn từ thủa sơ sinh. Các nhà nghiên cứu giả định rằng, tình yêu thơ mộng và sự gắn bó trẻ sơ sinh - người chăm sóc có động lực tình cảm tương đồng. Philip Shaver và đồng nghiệp giả định rằng mọi tình yêu - bắt đầu là tình yêu bố mẹ sau đó là tình yêu lứa đôi, sau nữa là tình yêu con cháu- đều là sự gắn bó. Dựa trên những khảo sát về trẻ sơ sinh - người chăm sóc của Jonh Bowby, ,một vài nhà nghiên cứu đã đưa ra một số tương đồng giữa tình yêu thơ mộng và gắn bó.
Theo Marry Ainsworth có bốn kiểu gắn bó: an toàn, chống đối, lẩn tránh, và mất phương hướng- vô tổ chức.

Shaver và đồng nghiệp cho rằng các kiểu gắn bó này đựơc tiếp tục phát triển trong thời niên thiếu cho đến tuổi trưởng thành. Họ đã tiến hành một vài khảo sát ở người trưởng thành và phát hiện những kiểu gắn bó tương tự.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lưu Bình, Uông Hải Yến, Trần Diễm Thu. Tâm lý tình yêu. NXB Hà Nội - 1998
2. Lê Thị Bừng. Tình yêu nhìn từ góc độ giáo dục. NXB Giáo dục 1997.
3. Dale Carnegie. Tâm lý vợ chồng. NXB Đồng Nai - 1995.
4. Nguyễn văn Đồng. Tâm lý học phát triển - NXB Chính trị Quốc Gia 2004
5. Phạm Thị Đức - Đề cương bài giảng môn Tâm lý học Giới tính - 2004
6. Nguyễn Hoàng Đức . Luận về Tình yêu - Tập I. NXB Thanh Niên 1998
7. Phạm Minh Hạc ( chủ biên) Lê Khanh, Trần Trọng Thuỷ . Tâm lý học Đại cương. Tập II. NXB Giáo dục
8. Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Minh Đức, Nghệ thuật hiểu thấu tâm lý người khác. NXB Thanh Niên 2000
9. Nguyễn Đình Xuân. Tuổi trẻ, sự nghiệp, tình yêu. NXB Giáo dục 1997.

TÂM LÍ HỌC

Tư liệu sưu tầm.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top