• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Tìm hiểu cấu trúc nội dung của bài giảng điện tử

Hide Nguyễn

Du mục số
Hiện tại chưa có định nghĩa chính xác do đó cũng chưa có qui chế sử dụng tuy nhiên có thể hiểu bài giảng điện tử là giáo án được soạn thảo bằng máy tính và có thể in ra để thay thế cho giáo án viết tay. Trong bài giảng điện tử này có chứa các nội dung trình chiếu, các mô phỏng ( hay được gọi là thí nghiệm ảo) cũng như hình ảnh, âm thanh và các dụng cụ thí nghiệm thật (đương nhiên chỉ có thể mô tả cách sử dụng ).

Sơ lược một số khái niệm bài giảng điện tử:

  • “Giáo án”: Có thể hiểu là bản thiết kế cho tiến trình một tiết dạy/học, là bản kế hoạch mà người giáo viên dự định sẽ thực hiện giảng dạy trên lớp cho học sinh cụ thể.
  • “Bài giảng” là sự thực thi một giáo án (kế hoạch dạy học) nào đó trên đối tượng học sinh. Nói cách khác, một giáo án chỉ có thể trở thành bài giảng khi nó được thực thi.
  • “Bài giảng điện tử” là một hình thức tổ chức bài lên lớp mà ở đó toàn bộ kế hoạch hoạt động dạy học đều được chương trình hoá do giáo viên điều khiển thông qua môi trường multimedia do máy vi tính tạo ra. Cũng có thể hiểu bài giảng điện tử là những tệp tin có chức năng chuyển tải nội dung giáo dục đến học sinh,
  • “Giáo án điện tử”: Có thể hiểu là bản thiết kế cụ thể toàn bộ kế hoạch hoạt động dạy học của giáo viên trên giờ lên lớp, toàn bộ hoạt động dạy học đó đã được multimedia hoá một cách chi tiết, có cấu trúc chặt chẻ và logic được quy định bởi cấu trúc của bài học. Giáo án điện tử là một sản phẩm của hoạt động thiết kế bài dạy được thể hiện bằng vật chất trước khi bài dạy học được tiến hành. Giáo án điện tử chính là bản thiết kế của bài giảng điện tử, chính vì vậy xây dựng giáo án điện tử hay thiết kế bài giảng điện tử là hai cách gọi khác nhau cho một hoạt động cụ thể để có được bài giảng điện tử.

B%C3%A0i-gi%E1%BA%A3ng-%C4%91i%E1%BB%87n-t%E1%BB%AD-450x264.jpg


Trong quá trình giảng dạy của giáo viên nảy sinh một số vấn đề:

  • Vấn đề thứ nhất hiện nay là: Nhiều người dùng thuật ngữ “giáo án điện tử” để chỉ các bài trình chiếu PowerPoint. Đó là sai lầm về thuật ngữ và cách hiểu vì đây chỉ là tập hợp các slide để trình bày vấn đề giáo viên muốn truyền đạt, còn hệ thống câu hỏi, những gợi ý, dẫn dắt …. thường không thể hiện ra ở các slide. Thực tế, các bài giảng kiểu này có thể được soạn trên PowerPoint, Violet, Flash, được giảng dạy qua máy vi tính và được coi như là một loại thiết bị dạy học điện tử. Hơn nữa, trong tiếng Anh chúng ta chỉ tìm được từ giáo án (lesson plan), không tìm được từ bài giảng điện tử mà chỉ có từ “presentation”.
  • Vấn đề thứ hai là: Nhiều người lẫn lộn khái niệm giáo án (lesson plan) với bài giảng điện tử hoặc coi bản trình chiếu PowerPoint là giáo án. Cấn thống nhất rằng khi dùng bài giảng điện tử, giáo viên phải có giáo án (kịch bản) chi tiết kèm theo, nêu rõ phần nội dung bài giảng nào cần dùng thiết bị dạy học điện tử này, dùng như thế nào…
  • Vấn đề thứ ba là: Khi sử dụng bài giảng điện tử và trình chiếu trên lớp, nhiều giáo viên không viết bảng. Cần nhấn mạnh rằng bài giảng điện tử không phải là một công cụ để thay thế “bảng đen phấn trắng” mà là cái đóng vai trò định hướng trong tất cả các hoạt động trên lớp, minh họa cho bài giảng của mình.

  • Tổng hợp
 

Hide Nguyễn

Du mục số
1. Một số quan niệm về Bài giảng điện tử.

Việc ứng dụng CNTT trong quá trình dạy học thời gian gần đây phát triển rất mạnh mẽ ở tất cả các bậc học, từ đó xuất hiện một số khái niệm được sử dụng khá phổ biến, chẳng hạn:

- Bài học điện tử: là bài học có nội dung và hình thức thể hiện cũng như phương thức thực hiện nó phải dựa vào các nguồn và công cụ điện tử.

- Thiết bị dạy học điện tử: là thiết bị dạy học được tạo ra nhờ ứng dụng CNTT.

- Giáo án (hay bài soạn): là bản thiết kế cách thức thực hiện bài học do GV thực hiện nhằm tiến hành hoạt động dạy học trong khuôn khổ của một bài học. Giáo án được trình bày bằng các phương tiện khác nhau như: giấy, bút, thước, dùng tay hoặc computer.

- Giáo án điện tử (GAĐT): là văn bản thể hiện thiết kế dạy học (bài học) được tạo ra bằng các công cụ phần mềm, có nội dung và cấu trúc số hóa và được thực hiện trong dạy học thông qua máy tính, các tiện ích của máy tính và của mạng truyền thông điện tử. Một số quan niệm lại cho rằng GAĐT là giảng dạy được thực hiện nhờ vào sự hỗ trợ của máy tính và công cụ đa phương tiện (multimedia) như: văn bản đồ họa, hình ảnh, âm thanh…

- Bài giảng điện tử: là bài giảng được xây dựng, thiết kế trên máy tính qua việc tích hợp các ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ dạy học một cách có hiệu quả.

BGĐT được thiết kế trên máy vi tính theo đúng tiến trình hoạt động trên lớp của GV và SV; nói đến BGĐT thì đã nói đến việc bài giảng đó được tích hợp các ứng dụng CNTT và phải sử dụng máy vi tính khi thực hiện việc dạy học nội dung đó. BGĐT nhất thiết phải sử dụng các công cụ đa phương tiện bao gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh, đồ họa, phim minh họa… để chuyển tải tri thức, tạo điều kiện cho người học học tập trong hoạt động và bằng hoạt động theo định hướng đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) như hiện nay.

Trong thực tế hiện nay, GAĐT và BGĐT được dùng phổ biến và chưa thống nhất. Thuật ngữ GAĐT được sử dụng khá lạm dụng, nhiều lúc đó chỉ là một “bản trình diễn điện tử” trên powerpoint và quá lạm dụng kênh chữ, các tiết dạy học mang tính chất “trình diễn” nhiều hơn và GV sử dụng bàn phím, chuột, các nút lệnh điều khiển trong suốt cả tiết học, SV chủ yếu xem, nghe một cách thụ động, chưa chú ý đến tích cực hóa hoạt động của SV.

Có quan niệm “Bài giảng điện tử e – Learning” là bài giảng được xuất dưới dạng file tự chạy trong đĩa CD giáo trình nào đó hoặc xuất trực tiếp trên một hệ thống website và là bài giảng trực tiếp không cần sự có mặt của GV. Như vậy quan điểm bài giảng điện tử e – Learning ở đây là tương đối mới với quan niệm của hầu hết các GV hiện nay. Lâu nay, thường có quan niệm trong việc thiết kế BGĐT là phục vụ cho GV giảng bài trên lớp. Tuy nhiên yêu cầu về bài giảng e – Learning theo quan điểm này lại là phục vụ cho việc tự học của SV mà không cần đến vai trò của GV.

Thực tế hiện nay nhiều người hiểu và sử dụng thuật ngữ GAĐT đồng nghĩa với BGĐT, theo chúng tôi hiện nay GV sử dụng một số phần mềm công cụ như violet, sketchpad, flash, video, powerpoint… và mạng internet hỗ trợ dạy học một phần hay của một tiết học thì nên gọi đó là tiết dạy có ứng dụng CNTT.

2. Yêu cầu đối với một bài giảng điện tử.

Yêu cầu của một BGĐT là tích hợp các ứng dụng CNTT sao cho phù hợp với nội dung, mục đích dạy học, đảm bảo đặc trưng bộ môn góp phần tích cực hóa hoạt động học tập của SV làm tăng hiệu quả dạy học. Có thể cụ thể hóa thành các yêu cầu sau:

  • Yêu cầu về nội dung
Cần trình bày nội dung với lý thuyết cô đọng được minh họa sinh động và có tính tương tác cao rõ nét mà phương pháp giảng dạy bằng lời khó diễn tả. Để thực hiện yêu cầu này GV phải hiểu rất rõ vấn đề cần trình bày, phải thể hiện các phương pháp sư phạm truyền thống và đồng thời phải có kỹ năng về tin học để thực hiện các minh họa, mô phỏng hoặc tận dụng chọn lọc từ tư liệu điện tử có sẵn.

  • Yêu cầu về phần câu hỏi – giải đáp
- Kiểm tra đánh giá người học có hiểu nội dung (từng phần, toàn bài) vừa trình bày không.

- Liên kết một chủ đề đã dạy trước với chủ đề hiện tại hay kế tiếp. Câu hỏi cần được thiết kế sử dụng tính đa phương tiện để kích thích người học vận động trí não để tìm câu trả lời.

  • Yêu cầu phần thể hiện khi thiết kế
Các nội dung chuẩn bị của hai phần trên khi thể hiện trình bày, cần được bảo đảm các yêu cầu:

- Đầy đủ: có đủ yêu cầu nội dung bài học.

- Chính xác: đảm bảo không có thông tin sai sót.

- Trực quan: hình vẽ, âm thanh, bảng biểu trực quan, sinh động, hấp dẫn người học.

Từ đó đặt ra vấn đề, vậy thì phần mềm công cụ hỗ trợ GV thiết kế BGĐT đạt được những yêu cầu nào, phải có chức năng gì để có thể tạo ra BGĐT đạt được những yêu cầu nói trên.

Bài giảng điện tử có thể thiết kế cho GV, SV sử dụng trên lớp học hỗ trợ SV tự học ở nhà, cần phải xác định rõ mục đích này khi thiết kế.

3. Cấu trúc của một Bài giảng điện tử.

Về cấu trúc hình thức của một BGĐT có thể đưa dưới dạng sau:

Tên bài học

Hoạt động 1

Hoạt động 2, …

Nội dung 1 (tóm tắt kiến thức cần nhớ của phần 1 chẳng hạn)…

Hoạt động n, …

Nội dung 2 (tóm tắt kiến thức cần nhớ của phần 2 chẳng hạn), …

Bài tập 1, …

Thông qua cấu trúc này, một BGĐT cần thể hiện được:

- Tính đa phương tiện (multimedia): sự kết hợp của các phương tiện khác nhau dùng để trình bày thông tin thu hút người học, bao gồm văn bản (text), âm thanh (sound), hình ảnh đồ họa (image/graphics), phim minh họa, thực nghiệm…

- Tính tương tác: sự trợ giúp đa phương tiện của máy tính cho phép người thầy và người học khai thác các đối thoại, xem xét khám phá các vấn đề, đưa ra câu hỏi và nhận xét về câu trả lời.

Một điểm mạnh của cấu trúc BGĐT là hoạt động với máy tính không tuần tự và đó cũng chính là ưu điểm tuyệt đối của web. Khi sử dụng BGĐT, người sử dụng có thể sử dụng bất cứ trang nào, phần nào tùy theo mục đích, nhu cầu của họ, không nhất thiết phải theo một tuần tự nhất định.

4. Quy trình thiết kế Bài giảng điện tử.

Trước khi có ý tưởng thiết kế một BGĐT cần chú ý một số điểm quan trọng sau: lựa chọn chủ đề dạy học thích hợp, không phải chủ đề dạy học nào cũng cần tới BGĐT. Chủ đề dạy học thích hợp là chủ đề có thể dùng BGĐT để hỗ trợ dạy học và tạo ra hiệu quả dạy học tốt hơn khi sử dụng các thiết bị dạy học truyền thống. Cần tránh chọn những chủ đề, những tiết học mà việc thiết kế mất nhiều thời gian nhưng việc sử dụng nó trong dạy học thì hiệu quả không đáng kể.

Có thể chỉ ra một số trường hợp nên thiết kế BGĐT:

- Khi dạy học các khái niệm, hiện tượng khoa học trừu tượng.

- Khi cần giúp SV rèn luyện kỹ năng nào đó thông qua việc hoàn thành số lượng lớn bài tập.

- Xây dựng các phần mềm dạy học thí nghiệm ảo hỗ trợ thực hiện các thí nghiệm trong điều kiện không thể thực hiện thí nghiệm đó.

- Tổ chức đánh giá tự động trên máy. Lúc này, cần tổ chức xây dựng ngân hàng câu hỏi, từ đó có thể lựa chọn ngẫu nhiên để thành lập các bộ đề khác nhau.

Các công đoạn chính của công việc thiết kế một BGĐT:

- Xác định đối tượng, mục đích, mục tiêu chính của BGĐT.

- Xác định các chức năng chính của bài giảng, phạm vi kiến thức, kỹ năng cần truyền đạt, cách thức truyền tải thông tin, kiến thức.

- Thể hiện các ý tưởng đặt ra cho tiết học trên máy tính.

- Kiểm tra và thử nghiệm các chức năng đã hoàn thiện. Có thể thay đổi lại nếu cần thiết.

- Đóng gói và ghi bài giảng vào máy tính hoặc đĩa.

Ta có thể cụ thể hóa thành các bước sau:

Bước 1: Phân tích nội dung bài dạy, soạn giáo án

GV cần nghiên cứu kỹ bài qua giáo trình, tài liệu tham khảo để xác định được:

- Những yêu cầu về mặt kiến thức, kỹ năng cần đạt được qua tiết dạy.

- Dạy nội dung nào ứng với hoạt động nào.

- Trọng tâm của bài.

- Tài liệu tham khảo, xác định và thu thập những tài liệu có liên quan đến nội dung bài giảng, nhằm bổ sung, mở rộng kiến thức, nâng cao hiệu quả tiết dạy và phù hợp với trình độ nhận thức SV.

- Soạn giáo án (kế hoạch dạy học).

- Thiết bị dạy học hỗ trợ.

Bước 2: Xây dựng kịch bản sư phạm cho việc thiết kế bài giảng trên máy.

Đây là bước rất quan trọng trong việc thiết kế BGĐT. Sau khi thực hiện bước 1, người GV phải hình dung được toàn bộ nội dung cũng như những hoạt động sư phạm trên lớp của toàn bộ tiết dạy và xác định được phần nào, nội dung nào của bài cần sự hỗ trợ của máy vi tính để tiết học đó đạt hiệu quả cao hơn. Dự kiến việc thể hiện nội dung bài giảng hoặc một phần nào đó của bài giảng các khái niệm và hệ thống khái niệm, các hiện tượng… hay các phần tiểu kết một đề mục, hệ thống hóa, khái quát hóa một nội dung… bằng ngôn ngữ và hình ảnh tiếp nối nhau theo một quy trình chặt chẽ có lôgic, phù hợp với nội dung khoa học, trình độ nhận thức của sinh viên và PPDH bộ môn. Việc đưa các nội dung đó vào máy tính được thể hiện dưới dạng nào, một đoạn văn bản hay một bản vẽ, một biểu đồ, một đoạn video hay mô phỏng một chuyển động… Kịch bản làm sao phải kết hợp được ngôn ngữ của máy tính với hoạt động của GV, SV trong quá trình lên lớp nhằm phát huy được tính tích cực chủ động của SV. Dự kiến các hoạt dộng trong một tiết học, thời gian, nhịp độ học tập có thể được thể hiện theo một bảng mẫu như sau:

Tên cảnh (Hoạt động) – thời gian Nội dung Hình ảnh thể hiện trên máy vi tính
Đặt vấn đề ………….. …………..
Hoạt động 1 ………….. …………..
Hoạt động 2 ………….. …………..
………….. ………….. …………..
Bước 3: Thể hiện kịch bản trên máy tính

- Xử lý, chuyển các tư liệu nội dung trên thành phần mềm dạy học trên máy vi tính (có thể phải sử dụng thêm các thiết bị kỹ thuật số, máy ảnh, máy scan, phần mềm xử lý phim ảnh…).

- Nếu GV còn hạn chế trình độ tin học thì ở bước này cần sự hỗ trợ của các đồng nghiệp để bàn bạc trao đổi thống nhất việc thể hiện kịch bản trên máy vi tính, cũng có thể ở đây vừa làm vừa phải điều chỉnh kịch bản sao cho phù hợp với ngôn ngữ mà máy tính có thể thể hiện được. Vì đây là phương tiện hỗ trợ nên việc thiết kế trên máy phải đảm bảo yêu cầu phương tiện dạy học đòi hỏi: tính khoa học, tính sư phạm, tính thẩm mỹ.

Bước 4: Xem xét, điều chỉnh, thể hiện thử.

- Chạy thử trên máy vi tính (chạy thử từng phần và toàn bộ các slide để điều chỉnh các sai sót về nội dung, kỹ thuật).

- Dạy thử (dạy thử toàn bộ bài trước GV hoặc cả SV và GV). Sau khi kịch bản sư phạm của BGĐT được thể hiện trên máy vi tính cần phải có sự góp ý của đồng nghiệp, kỹ sư tin học để sửa chữa, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện. Sau đó nên đưa ra chạy thử trước SV và sự góp ý thêm của đồng nghiệp xem bài giảng đã phù hợp với trình độ SV, khối lượng kiến thức, thời gian và đặc biệt là hiệu quả bài giảng.

Sau khi điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện lại lần cuối nên ghi vào đĩa hoặc CD hoặc ổ cứng của máy vi tính.

Bước 5: Viết bản hướng dẫn

Bản hướng dẫn phải nêu được:

- Kỹ thuật sử dụng (cách mở đĩa, mở bài giảng, …).

- Ý đồ sư phạm của từng phần bài giảng, từng slide được thiết kế trên máy vi tính.

- PPDH: việc kết hợp với các phương pháp khác, phương tiện khác (nếu có).

- Phần việc của GV và SV: sự phối hợp giữa GV và SV.

5. Một số lưu ý khi thiết kế và sử dụng Bài giảng điện tử.

Ưu thế nổi trội nhất của BGĐT là tích hợp truyền thông đa phương tiện, có khả năng đem lại một lượng thông tin phong phú, đa dạng làm cho giờ dạy trở nên hấp dẫn, sinh động. Nhờ CNTT, giờ giảng trở nên sinh động hơn, đem lại những bất ngờ, thú vị cho SV. Tính chất đa phương tiện đem đến một lượng thông tin lớn, thay đổi “thực đơn giác quan” cho người học mà phương pháp truyền thống không thể làm được.

Hạn chế của nó là GV mất nhiều thời gian chuẩn bị bài, lớp học cần phải có phương tiện như máy tính, máy chiếu,… Tuy nhiên, GV có thể dùng được nhiều lần, việc lưu giữ hay chia sẻ cho các đồng nghiệp cũng rất đơn giản, tiện lợi so với việc lưu giữ các thiết bị dạy học truyền thống như tranh ảnh, mô hình…

Tuy nhiên, ứng dụng CNTT trong thiết kế BGĐT, điều cần quan tâm nhất là hiệu quả giờ học. Hiệu quả này cần hiểu nghĩa rộng ra, đó là: với một nội dung dạy học thực hiện trên một đối tượng dạy học nào đó thì việc ứng dụng CNTT phải kích thích hứng thú học tập của SV, tăng nhịp độ nghiên cứu tài liệu, thỏa mãn nhu cầu nhận thức của SV và phải đạt được mục tiêu dạy học.

Tránh việc lạm dụng CNTT đưa quá nhiều hình ảnh, hiệu ứng chữ, màu sắc lòe loẹt dẫn đến chi phối sự tập trung của người học. Hình ảnh đưa nhiều mà không chú ý trọng tâm bài giảng, giờ học trở thành “giờ xem”. Việc dùng BGĐT nếu lạm dụng quá thì SV bị cuốn hút vào âm thanh, hình ảnh mà quên nội dung trọng tâm của bài học.

Không phải tiết học nào sử dụng BGĐT cũng tốt, cần lựa chọn tiết học sao cho nếu sử dụng BGĐT trên lớp thì sẽ tận dụng được tối đa ưu việt của máy tính về phương diện cung cấp thông tin cho người học, về tính hấp dẫn của bài giảng và phải có hiệu quả cao hơn so với bài giảng sử dụng các phương tiện thông thường. Cần tránh việc chạy theo phong trào để rồi bài giảng thiếu chất lượng, lạm dụng các hiệu ứng trong phần mềm làm cho người học phân tán sự chú ý.

Cần lưu ý rằng BGĐT, máy tính, phần mềm dạy học,… hay bảng, phấn tất cả đều là phương tiện, chỉ có tác dụng hỗ trợ, không gì có thể thay thế được lao động, tài năng của GV, sự đam mê và tinh thần học tập tích cực của SV. Các phương tiện hỗ trợ này tạo môi trường cho SV hoạt động, tạo tình huống giúp phát hiện vấn đề. Nên cho SV được thao tác trên máy tính, kết hợp việc trao đổi, thảo luận nhóm, ghi chép, làm bài tập… để các em có thể tự rút ra kiến thức. Tránh tình trạng trình chiếu một chiều, GV nhấp chuột trình chiếu, SV ngồi xem.

Cũng không nên tuyệt đối hóa vai trò của máy móc, của phương tiện hiện đại. Nên phối hợp việc sử dụng các phương tiện hiện đại với các phương tiện truyền thống, nghĩa là vừa sử dụng máy vi tính, máy chiếu projector ở những chỗ mà phương tiện truyền thống không thể áp dụng được vừa kết hợp với cả bảng đen, phấn trắng khi cần rèn kỹ năng viết, trình bày lời giải một bài toán… để nâng cao hiệu quả dạy học.

Khi sử dụng bất kỳ loại hình thiết bị dạy học nào kể cả BGĐT cũng cần lưu ý thiết bị dạy học với tư cách là phương tiện chứa đựng và chuyển tải thông tin, là giá mang tri thức được coi là một trong những nguồn tri thức quan trọng, giúp người học chiếm lĩnh kiến thức, tránh quan niệm thiết bị dạy học là phương tiện chỉ để minh họa kiến thức hoặc coi nó là dụng cụ để viết, vẽ…

Vậy vấn đề đặt ra là liều lượng, mức độ sử dụng thiết bị dạy học nói chung hay ứng dụng CNTT, sử dụng BGĐT nói riêng cần hợp lý để không hạn chế việc phát triển tư duy của SV. Điều đó đòi hỏi người GV phải có tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, nắm vững yêu cầu về sử dụng BGĐT, yêu cầu đổi mới PPDH hiện nay.



Tài liệu tham khảo:

  1. Ứng dụng CNTT trong dạy học môn Toán ở trường phổ thông. Trần Đình Châu – Đặng Thị Thu Thủy. NXBGD Việt Nam.
  2. Thể lệ cuộc thi “Thiết kế Bài giảng điện tử E - Learning” năm học 2011 – 2012 của Bộ GDĐT.


Hoàng Xuân Quảng
 

Hide Nguyễn

Du mục số
Bài giảng đa phương tiện. Khuyến khích bài giảng video có hình ảnh động và âm thanh kết hợp với trình diễn slide. Bài giảng đa phương tiện giúp cho người học có thể tự học một cách tự nhiên nhất. Học liệu đa phương tiện có thể là video giảng viên giảng truớc máy quay, khuyến khích thực hiện trong studio, không khuyến khích quay thày giảng trực tiếp trên lớp học vì hiệu quả thấp và xử lý video tốn kém, trừ trường hợp phải thực hiện các đặc tả chi tiết trong các hoat động thí nghiệm. Học liệu đa phương tiện có thể là các clipvideo về tư liệu, về thí nghiệm. Học liệu đa phương tiện đơn giản nhất có thể là âm thanh như bài giảng được ghi âm. Yêu cầu đối với học liệu đa phương tiện là: hình ảnh phải rõ, đẹp, làm nổi bật chủ đề; âm thanh rõ, tròn tiếng, không có tạp âm, có sức cuốn hút; video clip rõ ràng, sinh động, súc tích, phản ảnh đúng nội dung
 

Đính kèm

  • HD - Xay dung bai giang dien tu - DHQGHN.pdf
    175.4 KB · Lượt xem: 30
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top