Tiếng gọi đò cuối cùng của thi ca trung đại

Áo Dài

Cô gái Việt Nam
Thành viên BQT
TIẾNG GỌI ĐÒ CUỐI CÙNG CỦA THI CA TRUNG ĐẠI

Tổng tập văn học Việt Nam tập 16, xuất bản năm 1997, tập hợp 13 tác giả văn học nửa cuối thế kỷ 19 vài năm đầu thế kỷ 20. Có 4 người sống tràn sang thế kỷ 20. Dương Khuê 1839 - 1902. Chu Mạnh Chinh 1862 - 1905. Trần Tú Xương (Tế Xương) 1870 - 1907. Và Nguyễn Khuyến 1835 - 1909. Bốn thi nhân cùng đứng ở bên lề cửa của 2 thế kỷ văn chương. Nhưng Tú Xương được nhiều người ưu ái hơn cả. Xuân Diệu xếp Trần Tế Xương vào danh sách 5 nhà thơ lớn nhất của dân tộc. Nguyễn Trãi. Nguyễn Du. Hồ Xuân Hương. Đoàn Thị Điểm và Tú Xương. Chế Lan Viên thì bảo Tú Xương thuộc dòng lớn cùng với Nguyễn Du. Hồ Xuân Hương. Nguyễn Khuyến … Sách Khảo luận về Trần Tế Xương, xuất bản ở Sài Gòn 1960 cho rằng: Trần Tế Xương là một trong những nhà nho nổi tiếng về văn học nôm cuối thế kỷ 19. Nhưng Trần Tế Xương giữ một địa vị quan trọng. Bởi vì ông đã ghi lại được trong văn thơ những biến cố lịch sử đương thời khá đầy đủ. Nếu Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi lòng trung quân ái quốc, tiếng vang của thời thế chỉ phảng phất trong thơ Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Chinh thì đến Tú Xương đã khác. Người cuối cùng đưa văn nôm đến địa vị cao quý, Tú Xương là ông tổ thơ trào phúng làm nên đỉnh cao của thơ trào phúng Việt Nam. Nhà cách tân của văn chương nhà nho. Nhà thơ lớn của thời đại. Tiếng chuông cáo chung của một thời lịch sử. Bậc thần thơ thánh chữ .v.v. Bao nhiêu ánh sáng vinh quang dành cho một đời thơ ngắn ngủi. Nhưng nếu trào phúng là mạch văn chủ đạo làm nên diện mạo khác biệt của Tú Xương trong nền văn học nôm trung đại so với các bậc tiền nhân thì ở một phương diện khác dòng thơ lãng mạn trữ tình của Tú Xương như là một sự kết nối của văn chương hai thế kỷ, như là nguồn mạch trong suốt chảy ra từ những gì sâu xa nhất, tinh túy nhất của thi ca trung đại. Mặt trào phúng là một tiếng cười đau đớn nhất của văn chương Việt Nam làm nên một Tú Xương ngạo nghễ trên văn đàn khi mở cửa vào thế kỷ 20. Từ cách nhìn ấy, ta không còn nhìn thấy hình bóng của một nhà nho bất đắc chí. Nhưng điều đáng quý hơn, dòng chảy lãng mạn trữ tình của thơ ông xót xa và ngơ ngác đến mức nào thì sáng lên đến mức ấy tinh thần trách nhiệm của một nhà nho yêu nước, của một trí thức Bắc Hà trước vận mệnh của đất nước đang trong cơn bĩ cực. Tôi nghe thấy dòng chảy ấy chảy ngầm da diết như con sông Lấp ở thành Nam trăm năm xưa cũ … chảy ngầm trong ta mỗi khi thức giấc giữa đêm khuya. Đọc đi đọc lại cứ tưởng như nghe thấy tiếng gọi đò đâu đấy xa lắm của một thời đã qua. Tiếng gọi cuối cùng của thi ca trung đại chứa chan nỗi u sầu vận nước tình dân.

Bây giờ sau một thế kỷ, nhìn nhận lại thời gian Tú Xương sinh sống, bi kịch của ông và những người như ông như một điều không thể tránh khỏi của sự đổi thay thời cuộc. Những buổi đầu cay đắng và sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đặc biệt trong giới thi cử và quan trường, những ngài quan đốc, tuần phủ; những ông cử đủ hạng; những ông đồ cậu ấm đến những cô ký cô đầu … sản phẩm lố lăng mới nảy mầm từ nền cai trị thực dân. Ở đâu đó người ta còn thấy sự sượng sùng trớ trêu của sự gặp gỡ bẽ bàng giữa hai nền văn hóa khác biệt phương Đông và phương Tây. Sự đổi thay ấy, nhìn cả một tiến trình lịch sử là một sự đổi thay không thể cưỡng lại được. Sự đổi thay dẫn tới bi kịch của thế hệ ông, thời đại ông. Tú Xương sinh ra để lập chí theo quan điểm nhà nho đã nhiều thế kỷ khăn gõ áo the lều chõng đi thi rồi làm quan, cùng tứ thư ngũ kinh gửi phận mình vào khoa bảng. Đó là nét sống chủ đạo, cũng là cảm hứng thơ chủ đạo. Vậy mà thời cuộc đã không như cũ. Từ năm 1898, Toàn quyền Pháp Paul Doumer cải cách học chế bằng việc từ năm 1900 các kỳ thi hương (đương nhiên là cả ở Nam Định) nơi Tú Xương đăng trình, bớt phần thi chữ Hán, bổ sung thêm thi tiếng Pháp, và chữ quốc ngữ, toán. Bớt đi cái phần mạnh nhất Tú Xương có. Thêm cái phần Tú Xương chưa thể một sớm một chiều bồi đắp kịp cộng với thói bịp bợm của chế độ thi cử dở trăng dở đèn đã như vết chém thẳng của thời cuộc đã dẫn đến 8 kỳ thi hỏng của Tú Xương và là nguồn gốc tiếng kêu đau đớn và khinh bạc cuộc đời thi cử của nhà thơ. Thôi, thôi tôi cũng méc xì ông! Trong tổng số 134 bài thơ nôm trong đó có 8, 9 bài phú và câu đối Tú Xương để lại, có đến 40 bài nói về chuyện hỏng thi, than sự thi và người đi thi làm nên tiếng thơ trào phúng đặc biệt mà văn học trung đại chưa thi nhân nào viết như thế cả. Bực quá, Tú Xương nhiều lần chửi.

Chẳng hay gian dối vì đâu vậy

Bá ngọ thằng ông biết chữ gì.

Sự phản đối tức thì, diễu cợt, khinh miệt và đau đớn làm nên một Tú Xương trào phúng số một. Nhưng điều kỳ lạ hơn, Trần Tế Xương đã nén chặt lại được sự tức tưởi, chua cay để cất lên tiếng thơ trữ tình đầy nhân ái và ẩn ức của một nhà nho ưu thời mẫn thế. Nếu thơ trào phúng của ông là sự mở đầu mới mẻ và độc đáo thì dòng thơ trữ tình lại là sự tiếp nối truyền thống thi ca trung đại, một trong những sự tiếp nối cuối cùng.

Dòng chảy thơ trữ tình lãng mạn của Tú Xương có hai nguồn cảm hứng thơ đặc sắc hơn cả. Đó là thơ về tình bạn và tình non nước trong sự hòa quyện vào một bản sắc thi nhân.

Lý giải thơ Nhớ bạn, khóc bạn ... của Tú Xương, ở thế kỷ trước, các học giả thường hay truy nguyên người bạn đó là ai. Nhớ bạn, Tú Xương viết:

Ta nhớ người xa cách núi sông

Người xa, xa có nhớ ta không?

… Lúc nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng

Khi riêng riêng cả đến tình chung

... Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng

Năm 1929, khi giới thiệu tác phẩm lên báo, ông Phan Khôi cho rằng Tú Xương làm bài này để nhớ đến cụ Phan Bội Châu. Những năm sau này, nhiều người đều cho là thế cả. Nhưng có người lại bảo Tú Xương nhớ ông Cử Hồng, bạn cùng nho học với nhà thơ.

Bài Khóc bạn, làm theo thể thơ lục bát cả thảy có 22 câu, được viết như sau:

Đêm qua trằn trọc không yên

Vắng người cùng bạn bút nghiên sao đành.

... Ngậm ngùi đối nguyệt trước đèn

Ta vui ai biết, ta phiền ai hay.

Toàn tập Tú Xương in năm 1929 cũng chú thích rằng Tú Xương khóc ông Phạm Tuấn Phú, một nhà nho có tâm huyết. Bạn ông.

Tôi cho rằng: điều quan trọng hơn cả là ở việc Tú Xương mô tả tâm trạng không có bạn! Nhớ bạn, Khóc bạn chỉ là cái cớ mà thực ra là không có bạn. Bạn mà không bạn, tình không thấy tình. Một tâm sự cô đơn trước thời thế mà không biết ngỏ cùng ai? Chỉ nhớ một người xa cách núi sông; chỉ nhớ nhung trong mộng tưởng. Không có gì là riêng cả bởi một nỗi buồn Khi riêng riêng cả đến tình chung như chính Tú Xương đã viết. Ông Tú vui buồn không ai biết vì thiếu những người bạn cùng chí hướng. Chỉ ngậm ngùi ngắm ánh trăng trước ngọn đèn lẻ bóng mà thôi. Đó là tâm trạng của một nhà nho yêu nước, sau khi đã chán ngấy và bực tức trước những trò nhố nhăng của xã hội đương thời, của những kẻ dở dở ương ương, vừa dốt nát vừa hợm hĩnh đang chiếm lĩnh bảng vàng bia đá, chức nọ quyền kia và sau khi đã trào ngược ra những vần trào phúng xót xa cay nghiệt thì đến lúc lắng lại nơi thẳm sâu nhất của tâm hồn thi nhân mà bắt gặp tâm trạng buồn cô đơn, vô định, không biết ngỏ cùng ai. Có lẽ, đó cũng là quy luật chung của tư duy. Tú Xương vượt qua ranh giới của cái giới hạn tâm sự với một người cụ thể để vươn tới tâm trạng của một thời đại- Thời đại mà xã hội Việt Nam bước vào cuộc thực dân hóa, khi ở đó nó từ bỏ và ngoảnh mặt đi không kiêng dè những lý tưởng nho gia.

Nhưng tình bạn khi nhớ bạn, khóc bạn để mượn lời nói đến thế sự cũng chỉ trong một phạm vi nào đó mà thôi. Tình non nước là tâm trạng rộng lớn của dòng chảy lãng mạn trữ tình trong thơ Tú Xương. Đêm dài. Chợt giấc. Đại hạn. Than nước lụt Bính Ngọ. Than đạo học. Chữ nho. Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu và đặc biệt là Sông Lấp. Bao nhiêu tâm trạng băn khoăn, trăn trở của nỗi buồn cô đơn như đêm tối không có đường ra mà thiết tha nhắn gửi có ai là kẻ đốt đuốc đi tìm ta mà chẳng biết có tìm được hay không, hay lẫn lộn giữa đêm trường, kẻ đó là ai ta còn chưa biết và liệu có kẻ đó hay không?

Đêm sao đêm mãi thế ru mà

... Xao xác năm canh một tiếng gà

Nào ai là kẻ tìm ta đó

Đốt đuốc mà soi kẻo lẫn nhà.

Đó là tâm trạng thực sự những đêm không ngủ, chợt một mình thức giấc mà ngờ rằng thiên hạ đang ngủ cả hay sao? Nhận ra nỗi buồn cô quạnh và lạc lõng. Một đêm dài không ngủ chỉ còn lại sao xác tiếng gà của muôn năm cũ rằng đêm đã qua để lại đến một đêm khác nữa. Không hiểu vì sao ta phải thức một mình. Một nỗi băn khoăn thời thế chưa thấy lối ra như là bóng đêm lan tỏa rộng hơn rất nhiều bài thơ 4 câu và tiếng trống canh ba buồn nản gõ vào giấc chiêm bao.

Nằm nghe tiếng trống canh ba

Vừa giấc chiêm bao chợt tỉnh ra

Thiên hạ có khi đang ngủ cả

Việc gì mà thức một mình ta?

Đôi khi băn khoăn và tự vấn mình về cảnh mưa, cảnh hạn ..., những lẽ thường của đời sống thiên nhiên mà sâu đậm tình cảm của non nước núi sông. Không phải là một trí thức có trách nhiệm với thời cuộc thì làm gì phải tự trách mình rằng ngày xưa chưa biết gì chỉ ăn, chỉ ngủ đã đành, sao bây giờ lại cho phép mình có thể yên ổn được trước nhân sinh đại hạn đến đá chảy vàng trôi?

Hoàn cảnh nhà ai nông nỗi ấy

Quạt mo phe phẩy một mình tôi?

Khi nén lại tâm trạng đau đớn chua cay than cho sự thất thế của nào có ra gì cái chữ nho là lắng xuống sâu thẳm của tình non nước như nhắn gửi một lời kêu gọi, người trí thức hãy nhìn nhận hiện thực của nước nhà.

Nhân tài đất Bắc nào ai đó

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

Thơ tình bạn, tình non nước của Trần Tế Xương là sản phẩm của một thời đang đổi thay; cái nghìn năm xưa cũ dường như đang bị biến cải không gì cưỡng lại được trong khi cái hình thành còn đang loang lổ đầy những vết nhơ để nhà thơ của đất Vị Xuyên phải hoài cổ trong nỗi xót xa khi trời kia xui khiến sông nên bãi, ai khéo xoay ra phố cửa hàng, tiếng trống, tiếng chuông xưa cũ vẫn gõ vẫn khua mà non nước như cảnh chùa vẫn vắng, trong khi cái xã hội thị dân đã xì xào tôm tép chợ gần tan. Và cảnh xuân vẫn đến chẳng của riêng ai mà hỏi những ai nơi cố quận rằng xuân xuân vẫn thế ru mà cùng với sự ngỡ ngàng của cuộc đổi thay con khinh bố vợ chửi chồng và:

Có đất nào như đất ấy không ?

Phố phường tiếp giáp với bờ sông

… Bắc Nam hỏi khắp bao nhiêu tỉnh

Có đất nào như đất ấy không?

Cảm nhận về sự đổi thay của thời cuộc và dòng đời, giống như quy luật khắc nghiệt của bãi bể nương dâu mà thi ca trung đại đã nhiều lần thổ lộ. Nhưng có lẽ và dường như đến Tú Xương là lời thổ lộ cuối cùng khi một thế kỷ đã chấm dứt và ông là người gọi cuối cùng khi một thế kỷ đã chấm dứt và ông là người gọi đò cuối cùng của thi ca trung đại. Tứ thơ thật giản dị. Ở nơi con sông kia đã chảy, giờ người ta đã làm nhà cửa và cày cấy mưu sinh. Bỗng một đêm nghe tiếng ếch kêu mà giật mình ngỡ là có ai ngày xưa gọi đò trên dòng sông ấy đã vọng lại - con sông đã bị lấp đi rồi.

Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Sông Lấp – bài thơ lục bát chỉ có 4 câu như vậy đã làm nên một Tú Xương lãng mạn trữ tình như là tiếng gọi cuối cùng của thi ca trung đại để ghi tên tuổi của ông vào lịch sử thi ca Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Tuân, trong bài Thời và Thơ Tú Xương trên tạp chí Văn Nghệ số 5-1961 viết: Sông Lấp là tiêu biểu của hơi thơ, giọng thơ Tú Xương. Nếu chúng ta cũng liệt Tú Xương vào loại đỉnh thơ nôm thì Sông Lấp chính là một cái bóng cây hiên ngang trên sườn non đó vậy”. (1) ông Nguyễn còn cho rằng cái tiếng gọi đò u hoài trong thơ Sông Lấp còn là cái tiếng gọi của cả đoạn sử ta cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Tôi cho rằng Tú Xương mà không phải Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, thậm chí cả Nguyễn Khuyến, là người đã đi sang bờ bên kia của dòng sông ấy, cất tiếng gọi đò để quay trở lại. Nhưng không còn con đò ấy nữa. Không còn dòng sông ấy nữa. Cậu ấm Nguyễn Khắc Hiếu – Tản Đà (1889-1939) cũng là một nhà nho tài tử nhưng được cái may mắn của kẻ sinh sau đẻ muộn – khi mà xã hội kinh tế thị trường đã bước đầu hình thành, khi mà các đô thị mới bắt đầu dùng nước máy và đèn điện, một tầng lớp đông đảo thị dân đã thông thạo chữ quốc ngữ (thứ chữ mà thời Tú Xương bắt đầu phải học để thi) sinh thành một tầng lớp đông đảo háo hức đọc văn chương quốc ngữ … Không giống Tú Xương qua sông gọi đò quay trở lại, nhà nho tài tử Tản Đà đi tiếp để ngồi chiếu trên một thời đại mới trong thi ca của thế kỷ 20- Phong trào Thơ Mới (1930- 1945); sau khi Tế Xương tạ thế chừng 23 năm. Và dường như hai nhà nho tài tử này có sự đồng cảm với nhau sâu sắc. Tú Xương chỉ có một lần viết: non non nước nước tình tình, vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ thì đến lượt Tản Đà cái điệp khúc non nước ấy thường xuyên nhắc lại trong một bối cảnh mới, mà xao xuyến lạ lùng, nhất là Thề non nước. Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại hồi sau trận lụt 1926 ra Hà Nội được Tản Đà rủ đi ngồi xe tay chơi, hết lời ca ngợi Sông Lấp mà theo Tản Đà nó chan chứa kín đáo cái ngậm ngùi của tinh thần hoài cổ. Điều lưu ý là Tú Xương đại diện cho những nhà nho thi sỹ của quá khứ nhiều thế kỷ, cất lên tiếng gọi u hoài, tiếng gọi đò cuối cùng của thi ca trung đại, nhớ thương một trời mây cũ và không hề có điều gì oán trách ở đây. Ông đã vượt qua những bực bội trần thế để cất lên tiếng nói thanh cao của một thời đại đã đi vào dĩ vãng. Ông hiểu được thời đại đã đổi thay từ chữ viết và cây bút viết.

Nam Định là đất cổ nghìn năm thi thư văn hóa. Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện. Bỏ tổ bỏ tiên không ai bỏ chợ Viềng mồng tám… Mùa hạ năm 2016, tôi cùng mấy anh em văn nghệ rủ nhau đi chơi thuyền sông nước Tràng An- Ninh Bình rồi đến bên hồ Vị Xuyên viếng Tú Xương. Mộ Tú Xương nằm đó, giữa công viên đông người qua lại. Mộ ông xây gạch. Ngửa mặt lên trời; không có mái che. Có mấy cụ già dép lê guốc mộc ngồi đánh cờ tướng quanh đấy. Dường như không ai để ý đến Tú Xương, đến sự có mặt của ông ở đây. Tôi ao ước một lần được nhìn thấy hình dáng ngạo nghễ của Tú Xương mà chẳng bao giờ thấy được. Ngay cả toàn tập của ông in năm 2010 cũng chỉ thấy ở bìa cuốn sách bản vẽ sơ sài một nho sỹ dáng còn trẻ, túi bó củ hành, tay cầm bút lông viết chữ nho; có thể suy đoán là ai cũng được. Trưa ngày 11-12-1873, khi Tú Xương vừa 3 tuổi, Thành Nam Định mất vào tay Pháp lần thứ nhất. 10 năm sau, khoảng 1 giờ trưa ngày 26-3-1883, sau vài giờ cầm cự, Thành Nam Định lại rơi vào tay Pháp lần thứ 2. Khi Tú Xương 13 tuổi. Cùng năm đó, triều đình Huế công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam. Một năm sau, 1884, Pháp lập hội đồng cai quản Bắc Kỳ. Vì vậy, Nguyễn Tường Phượng đã gọi Tú Xương bằng cái tên nhà thơ lãng mạn vong quốc, có lẽ cũng là hợp lý. Năm tháng dường như đã xa quá rồi với thời đại của chúng ta , dù chỉ một trăm năm ngắn ngủi thôi mà. Nhưng nếu chỉ hình dung theo những điều Tú Xương nói về bản thân mình thì sẽ thành bức biếm họa khó tin. Có lúc Tự đắc thì ăn mặc vẫn ra người thiệp thế. Nhưng lúc nhà thơ tự giễu mình Vị Xuyên có Tú Xương. Dở dở lại ương ương. Cao lâu thường ăn quỵt. Thổ đĩ lại chơi lường. Tôi không tin điều đó. Bực quá mà nói vậy thôi. Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại rằng: các bậc cao niên nhiều tuổi ở đất Vị Xuyên truyền tụng rằng: Thường ngày, Tú Xương vẫn ăn vận lịch sự. Áo the, quần trắng, giày Gia Định. Đến Tết ông mặc áo xuyến tàu màu tam giang và áo bông nhiễu. (2) Tôi hình dung bóng dáng Tú Xương, nhà thơ của Sông Lấp chan chứa u sầu hoài niệm về một quá khứ thanh bình không ngơi nghỉ vọng lại tiếng gọi đò của dĩ vãng trong thi ca. Mỗi độ xuân về, Tú Xương lại khoác áo xuyến tàu màu tam giang đi trẩy hội quanh hồ Vị Xuyên giữa bao nhiêu người là người của thành Nam Định vốn bình dị như chẳng hề đổi thay từ hơn 100 năm trước trở về đây, chẳng khác gì thành Sơn Tây xứ Đoài của tôi bao năm chìm đắm trong yên lặng để giữ lại những gì xưa cũ của nước mây.

Thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21, lịch sử đã không lặp lại nhiều phương diện thời 19-20, kể cả cánh đồng cỏ thi ca. Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (1958-2001), hậu duệ của thi sỹ Tản Đà, đã bừng nở như một bông hoa mới lạ đầy hương sắc trên cánh đồng bất tận ấy.


Mùa hạ 24 tháng 6.2020

Nguồn: Tạp chí Thơ số tháng 9-10/2020

Nguyễn Tuân – Thời và thơ Tú Xương – Tú Xương toàn tập – NXB Văn học năm 2010. Trang 597
Nguyễn Công Hoan – Chân dung kẻ sỹ - Giai thoại – NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh năm 1988. Trang 186.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top